Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
VII - Lên Tàu
gày hôm sau, Bacơ cất tiếng nói:
- Để tớ cắt nghĩa đầu đuôi cho mà nghe. Có những kẻ cầm quy…
Một tiếng còi ác nghiệt cắt phăng lời giải thích của gã, đúng ngay âm tiết ấy.
Anh em đang đứng ở một sân ga. Một cuộc báo động đêm đã đánh tan giấc ngủ, lôi chúng tôi ra khỏi làng và chúng tôi đã đi bộ đến đây. Thời gian nghỉ đã hết; người ta đổi khu vực, điều anh em đi nơi khác. Chúng tôi đã rời Gôsanh nhân lúc đêm tối, không trông rõ người và vật, không thể đưa mắt từ giã và cũng không mang theo đi được một hình ảnh cuối cùng.
Một đầu máy xe lửa chạy qua, sát đến nỗi hầu như đụng phải chúng tôi, và huýt còi inh ỏi. Tôi thấy cái miệng của Bacơ bị tiếng rú của cái máy khổng lồ ấy đánh lấp, thốt ra một câu rủa, và những anh em khác, đầu đội mũ mắc quai da xuống hàm – vì lúc đó chúng tôi canh gác trong ga – đang nhăn nhó vì bất lực và bị điếc tai.
Bacơ cáu sườn, rít lên, quát cái còi đương phì khói:
- Kêu cho chán đi!
Những cái đầu máy bất trị càng già mồm, làm tịt họng những người đang nói. Khi nó ngừng, tai chúng tôi vẫn còn vang inh lên, câu chuyện thế là tắt hẳn. Bacơ đành kết luận vắn tắt:
- Đấy.
Rồi anh em đưa mắt nhìn quanh.
Chúng tôi như bị lạc lõng trong thành phố.
Hàng dãy tòa nhà dài dằng dặc, những đoàn tàu từ bốn mươi đến sáu mươi toa đứng sững như những dãy nhà, mặt nhà tối om, thấp lè tè và cũng một kiểu, cách nhau bằng những ngõ hẹp. Trước mặt chúng tôi, dọc theo những đám nhà lưu động, là đường xe lửa lớn, cái phố dài vô tận mà những đường ray trắng chạy vút ra hai đầu rồi biến đi trong cõi xa xăm. Từng đoạn tàu, từng đoàn tàu trọn vẹn, thành từng cột lớn nằm ngang, chuyển động đi đi rồi trở lại. Khắp nơi là tiếng dập đều đều của những toa xa trên mặt đất bọc thép, những tiếng còi chói tai, tiếng leng keng của chuông báo hiệu, tiếng ầm ầm xình xịch của những khối thép khổng lồ đưa cánh tay cụt ra bắt khớp với nhau, tiếng xích sắt chan chát và những tiếng vang động trong cái thân dài có xương sống của đoàn tàu. Ở tầng dưới ngôi nhà dựng lên giữa ga, như một tòa thị chính, tiếng chuông vội vã của máy điện tín, và máy điện thoại vang lên oang oang xen lẫn tiếng người. Khắp xung quanh, trên mặt đất đen những than, là những nhà chứa hàng, những kho hàng thấp, nhìn qua cửa rộng, thoáng thấy mé trong bề bộn, những túp lều của những người bẻ ghi, những tay ghi lởm chởm, những tháp chứa nước, những cột sắt ghép thưa, làm dây thép của nó kẻ lên nền trời như những dòng kẻ nhạc; đó đây, những cột hiện mặt tròn, và, chót vót trùm lên cái đô thị tối và thấp đó là hai chiếc cần trục chạy bằng hơi nước giống như những tháp chuông nhà thờ.
Xa hơn, trong những khoảng đất trống và khu để không, xung quanh những con đường ngoắt ngoẻo rối rắm bến tàu và nhà cửa, có những xa nhà binh, xả và những đàn ngựa xếp hàng đến tận tít mù xa.
- Cậu coi, đây rồi tấp nập bao nhiêu công việc.
- Cả một binh đoàn chiều nay người ta sắp cho lên tàu.
- Kia, đương đến kia.
Một đám mây phủ lên tiếng ầm ầm của bánh xe lăn và tiếng lộp cộp của vó ngựa, đang tiến lại mỗi lúc một to hơn trong cái đại lộ của nhà ga kéo dài giữa những hàng nhà cửa.
- Có những đại bác đã được chở lên tàu rồi.
Trên những toa không mui đằng kia, giữa hai dãy dài, những đống hòm chồng thành hình tháp, quả có thấy một bên của bánh xe và nòng đại bác dài và thon. Hòm đạn, nòng súng và bánh xe đều loang lổ rằn ri những màu vàng, nâu và xanh lá cây.
- Đại bác đã ngụy trang. Đằng kia, cả ngựa cũng được đem sơn đi. Này trông, cái con kia có bốn vó rộng như thể mặc quần ấy. Ấy, trước nó trắng và người ta đã phết cho nó một lớp sơn để đổi màu nó đi.
Con ngựa nói trên đứng xa những con khác – những con này như nghi ngờ nó – và phô ra bộ lông mà xám xám vàng vàng, rõ ràng là một màu giả dối.
Tuylacơ nói:
- Thương hại cho con vật!
Paradi bảo:
- Đấy, cậu xem, ngựa đấy, không những họ đưa chúng đi chết mà còn làm khổ chúng nữa.
- Làm thế là phúc cho chúng chứ sao?
- Ừ phải, cả chúng ta nữa, chính cũng vì phúc của chúng ta!
Gần chiều, nhiều binh lính đi đến. Từ khắp nơi, họ đổ cuồn cuộn vào nhà ga. Những lính có lon bô bô chạy trước những hàng ngũ. Người ta giới hạn không cho anh em tràn ra ngoài, ngăn anh em dọc hàng rào hay trong những khu vuông có chắn, mỗi nơi một ít. Anh em xếp súng thành bó, đặt xắc xuống và vì không được phép ra ngoài, đành ngồi chờ, sát cánh nhau, vùi vào trong bóng tối lờ mờ.
Những đoàn lính tiếp tục tới mỗi lúc một đông hơn trong hoàng hôn mỗi lúc một tối. Cùng một lúc với binh lính, cả xe ô tô cũng đến. Chẳng mấy chốc, tiếng ầm ầm thành không ngớt: những xe hôm lọt thỏm giữa một thủy triều vĩ đại những xe tải nhỏ, vừa và lớn. Tất cả những xe cộ đó xếp hàng, đỗ yên, chen chúc nhau trong những nơi quy định. Một thứ tiếng lầm rầm bao la, gồm tiếng người và những tiếng động khác linh tinh toát ra từ cái biển người và xe lao xao quanh ga đó và bắt đầu thẩm lậu vào nhà ga.
Côcôn, con-người-thống-kê nói:
- Chưa thấm vào đâu. Riêng ở Bộ Tư Lệnh của Binh đoàn đã có ba mươi ô-tô sĩ quan.
Gã tiếp:
- Cậu có biết phải bao nhiêu đoàn tàu năm mươi toa một để chở hết Binh đoàn – cả người và đồ lề – tất nhiên trừ những xe cam-nhông, chúng có tự lực đi đến khu mới. Đừng tính nữa, cậu mày ạ. Phải chính mươi đoàn tàu.
- Chà! Khiếp thật! Và ta có băm ba bình đoàn!
- Đồ tổ chấy! Có đến ba mươi chín chứ!
Sự náo nhiệt tăng thêm. Nhà ga đầy thêm người lại càng đầy tràn thêm nữa. Đứng xa ở chỗ mà mắt chỉ phân biệt được một hình người hay một bóng mờ của hình người mà nhìn lại, thì đấy là một cảnh hỗn loạn, một tổ chức láo nháo như một cơn khủng bố. Cả cái hệ thống đẳng cấp sĩ quan tỏa ra, tất bật qua qua lại lại như những sao băng, giơ cánh tay chói những lon, ra hết lệnh này đến lệnh khác cho bọn loong toong và lính xe đạp len lỏi chuyến đi; bọn thì chậm chạp, bọn thì thoăn thoắt như cá bơi dưới nước.
Giờ thì tối thực sự rồi. Những bóng đen quân lính mặc đồng phục tụ tập quanh những đống bỏ súng trở nên lờ mờ, không phân biệt được nữa và lẫn với màu đất. Rồi đến lúc chỉ có nhờ ánh lửa ống điếu và thuốc lá mới nhận ra được. Đôi chỗ, cạnh những đám đông, những chấm nhỏ và sáng đỏ liên tiếp vẽ thành một dãy dài, viền lấy bóng tối như chuỗi đèn ngoài phố vào ngày hội.
Trên cái khoảng rộng hỗn độn và náo động đó, tiếng người hò với nhau ầm ầm như sóng biển vỗ vào bờ; và bao trùm lên cái lầm rầm không bờ biển đó, lại những hiệu lệnh, những tiếng kêu, tiếng hò reo, tiếng xôn xao của một cuộc dỡ hàng, chuyển hàng, tiếng chan chát của những búa máy đóng dồn dập trong bóng tối và tiếng gào rống của những nồi hơi.
Trong cái bóng bao la, tối sầm, đầy người và vật, khắp nơi đèn bắt đầu bật sáng. Đó là đèn pin của những sĩ quan và chỉ huy chi đội, đèn đất của bọn lính xe đạp. Bọn này, đây đó, đu đưa ngoắt ngoéo cái đốm lửa trắng bạch viền một khoảng sáng xanh nhợt nhạt.
Một đèn pha, đốt bằng hơi đất, bật lên chói lòa, tỏa ra một chòm ánh sáng. Những đèn pha khác cũng chọc thủng, xé rách cái màn xám xịt của cảnh vật.
Nhà ga lúc đó có một vẻ quái đản. Những hình thù khó hiểu hiện ra, in mình trên nền trời xanh đen. Từng đống ùn lên, rộng như những tàn tích của một thành phố. Người ta thấy cái đầu mút của những dãy dài dằng dặc, những vật đang lẩn vào bóng tối. Người ta tìm đoán những khối sâu mà những phần gần nhất nổi bật lên như vọt ra từ một cái vực lạ.
Bên trái chúng tôi, những chi đội kỵ binh và bộ binh vẫn cứ tiến mãi như trận lụt dày đặc. Tiếng người lan ra như mây mù. Vài hàng quân hiện ra trong tia lửa lân tinh hay trong ánh đỏ và tiếng lao xao kéo dài.
Trong những toa chở hàng, nơi người ta thấy được những khói xám và những cái miệng đen ngòm nhờ ngọn lửa xoáy tròn và mù khói của những bó đuốc, bọn lính xe lửa đang cho ngựa lên tàu bằng những tấm ván ghếch. Lại những tiếng gọi, tiếng quát, tiếng chân đành đạch kháng cự, tiếng móng ngựa bất kham đá tứ tung vào thành toa xe trong đó chúng bị nhốt, và tiếng gã dắt ngựa chửi rủa.
Phía bên cạnh, người ta chuyển những xe ô-tô con lên toa đá. Một đám lúc nhúc vây lấy cái núi non những bó rơm cỏ ngựa. Một đám đông lộn xộn khác hì hục trên những đống tướng kiện hàng.
Paradi thở dài:
- Đứng chồn chân có đến ba tiếng đồng hồ rồi đấy.
- Thế còn bọn kia là bọn nào?
Trong ánh sáng chập chờn, một đàn yêu tinh, quanh mình lập lòe những đom đóm, hiện ra rồi biến mất, mang theo những dụng cụ kỳ dị.
Côcôn bảo:
- Trung đội đèn chiếu đấy.
- Cậu lại nặn óc nghĩ ngợi rồi, ông bạn ạ. Cậu nghĩ gì thế?
Côcôn đáp:
- Hiện giờ ở Binh đoàn có bốn Sư đoàn. Cái này có khi thay đổi: khi thì ba, có khi thì năm. Giờ thì bốn. Và mỗi Sư đoàn ta – Cái con-người-chữ-số, vinh dự của tiểu đội chúng tôi, nói tiếp – có ba trung đoàn bộ binh; hai tiểu đoàn bộ binh tuần tiễu; một trung đoàn bộ binh hậu bị – không kể những trung đoàn đặc biệt. Pháo binh, Công binh, Quân lương, v.v… Cũng không kể Bộ tư lệnh của Sư đoàn bộ binh và những công vụ không ở biên chế lữ đoàn, trực thuộc vào Sư đoàn. Một trung đoàn bộ binh với ba Tiểu đoàn phải dùng đến bốn đoàn tàu: Một cho bộ Tư lệnh đại đội biệt động, và một cho mỗi tiểu đoàn. Không phải tất cả quân đội đều lên tàu ở đây. Những địa điểm lên tàu được bố trí dọc đường xe lửa tùy theo sự liên lạc giữa những chỗ trú quân và tùy ngày giờ di chuyển.
Tuylacơ nói:
- Tớ mệt lắm rồi. Ăn không có đủ những thứ chắc dạ. Còn đứng được là theo lệ phải đứng, chứ đếch còn hơi đếch còn sức nữa.
Côcôn lại nói tiếp:
- Tớ được biết: bộ đội, những bộ đội thực sự thì chỉ lên tàu từ nửa đêm trở đi. Hiện nó còn tập trung đây đó trong những làng quanh đây mươi cây số. Trước hết, tất cả các cơ quan của Binh đoàn sẽ đi trước với những đơn vị không trực thuộc Sư đoàn – nghĩa là trực thuộc Binh đoàn – Côcôn ân cần giải thích.
- Trong những đơn vị không thuộc Sư đoàn, sẽ không thấy binh chủng Khí cầu, không thấy đội Phi cơ: những binh chủng kềnh càng này có phương tiện riêng để tự vẩn chuyển, với quân số, văn phòng và y tế riêng… Trung đoàn tuần tiễu là một trong những đơn vị không thuộc Sư đoàn đó.
Bacơ nói liều:
- Làm gì có Trung đoàn tuần tiễu. Chỉ có tiểu đoàn thôi. Vì người ta chỉ nói: Tiểu đoàn tuần tiễu nào đấy.
Trong bóng tối, Côcôn nhún đôi vai đen và mục kỉnh của gã hắt ra một tia sáng khinh bỉ.
- Đồ ngu ngốc, mày đã thấy thế hử? Này, nếu mày láu một tí thì mày cũng biết rằng bộ binh tuần tiễu khác kỵ binh tuần tiễu. Đó là hai loại riêng biệt.
Bacơ nói:
- Rõ khỉ! Tớ quên mất bọn kỵ binh.
Côcôn tiếp:
- Thế đấy! Trong những đơn vị không thuộc Sư đoàn mà trực thuộc Binh đoàn, có pháo binh của Binh đoàn, nghĩa là pháo binh Trung ương, ngoài pháo binh của các Sư đoàn. Pháo Binh của Binh đoàn gồm trọng pháo, chiến hào pháo, xưởng pháo binh, tự động xạ pháo, cao xạ pháo và gì gì nữa! Rồi có Công binh, Hiến binh, gồm có Hiến binh đi bộ và đi ngựa, Y vụ, Thú y vụ, một đội xe hậu cần, một trung đoàn hậu bị để canh gác và phụ dịch ở Tổng hành dinh, cơ quan Quân nhu với đoàn xe Hành chính. Lại còn có Đàn gia súc, Trại trữ ngựa, lừa v.v…; Vụ quản lý xe – tất cả một ổ các công vụ, nếu cần, tớ có thể kể cậu nghe hàng giờ – Phát ngân viên chuyên điều khiển Ngân khố và Bưu vụ, Tòa án binh, đội Điện tín, toàn Tổ máy phát điện. Tất cả đó đều có những Giám đốc, những Thiếu tá, các ngành chính và ngành phụ, đầy lúc nhúc những thư ký, tùy phái, cần vụ và cả một mớ láo nháo. Cậu xem thế thì đủ thấy một nguyên soái chỉ hủy Binh đoàn phải đứng giữa bao nhiêu là thứ!
Giữa lúc ấy, một đoàn lính khuân vác vây tròn lấy chúng tôi. Ngoài đồ trang bị cá nhân, họ còn khiêng nào hòm, nào gói bọc giấy có dây buộc. Họ kéo lếch thếch những cái đó rồi để xuống đất mà thốt lên: úi chà!
- Đó là những bí thư của Bộ Tham mưu. Họ thuộc vào Tổng hành dinh, nghĩa là một loại tùy tòng của nguyên soái. Khi họ di chuyển thì khiêng theo những hòm tài liệu lưu trữ, những bản, những sổ sách. Kìa, cậu coi, đó, một cái máy chữ mà hai gã kia – một bố già và một tay trẻ phục phịch – khiêng đi, quai xách quàng vào một khẩu súng. Bọn họ chia thành ba phòng, lại còn có cả Phần vụ thư tín, bộ phận Ấn tín, Phân vụ họa đồ của Binh đoàn chuyên phân phát những bản đồ cho Sư đoàn và vẽ những bản đổ, sơ đồ theo ảnh chụp từ máy bay, vẽ theo chỉ dẫn của những quan sát viên và những tù binh. Những sĩ quan của các phòng đó, dưới quyền của hai đại tá chỉ huy và phó chỉ hủy, họp thành Bộ Tham mưu của Binh đoàn. Nhưng Tổng hành dinh chính thức, cũng gồm những cần vụ, cấp dưỡng, lính coi kho, thợ máy, thợ điện, lính xen dầm và những kỵ binh hộ vệ thì do một thiếu tá chỉ huy.
Nói đến đây, chúng tôi bị xô chung một cái cực kỳ mạnh.
Một người, có nhiều người nữa giúp sức, đang đẩy một cái xe về phía những toa xe, kêu lên như có ý xin lỗi:
- Kìa! Coi chừng! Các cậu tránh ra!
Công việc họ thật vất cả. Mặt đất thì nghiêng, và chiếc xe, hễ không gò lưng đẩy nó, không bám chắc vào bánh thì nó lùi ngay. Trong bóng tối, những con người lầm lì chen bám vào xe vừa nghiến răng vừa mắng mỏ như đối xử với một con quái vật.
Bacơ vừa xoa lưng vừa gọi giật một tay trong bọn lính điên tiết kia:
- Này, con vịt già, liệu đẩy có lên được không?
Gã này còn bận hì hục, tru tréo:
- Khỉ ơi là khỉ! Coi chừng cái tảng đá này đấy! Mày làm hỏng xe của ông bây giờ!
Trong một cử động bất thình lình, gã lại va phải Bacơ. Lần này thì gã vặc ngay:
- Đồ tồi, đồ phân gio, sao mày lại đứng đây?
Bacơ cãi lãi:
- Ờ, cái thằng này say rượu hay sao? Tại sao tao lại ở đây! Mà hỏi lạ nhỉ. Này, đồ chấy rận, mày liệu xác!
Một người dẫn một bọn còng lưng khiêng những đồ vật linh tinh, nhưng nặng đến gập người, kêu lên:
- Tránh ra!
Không còn biết đứng vào đâu nữa. Đâu cũng làm vướng người khác. Anh em tiến lên, phân tán ra rồi lùi vào trong cái mớ hỗn độn đó.
Côcôn điềm tĩnh như một nhà bác học, cứ tiếp tục:
- Ngoài ra, tớ bảo, còn có những Sư đoàn tổ chức gần hệt như Binh đoàn.
- Thôi biết rồi, đừng nói nữa!
Paradi nhận định:
- Trong cái chuồng có bánh xe này, con ngựa nó làm om sòm. Cứ y như một bà mẹ chồng.
- Tớ đoán chắc: đó là con ngựa của lão Y sĩ trưởng. Theo Thú y sĩ hôm nọ nói thì nó là một ả bò non đang động đực.
Lamuydơ bị một loạt sóng pháo binh khiêng hòm dồn đi, tỏ ý khâm phục:
- Phải nhận là tổ chức tài thật. Không cãi được vào đâu!
Mactơrô cũng thừa nhận:
- Đúng thế đấy. Điều khiển tất cả cái bộ máy này, không thể là những tay đần, cũng không thể là những tay lười được… Con khỉ, đồ tồi! Khi mày đặt đôi giầy khốn nạn xuống thì mày phải ý tứ một chút chứ!
- Thực là một cuộc dọn nhà cậu nhỉ. Khi tớ dọn nhà đến Maccutxit với cả gia đình, cũng không rối rắm đến thế. Thật tớ không thích làm cho rắc rối…
Không ai nói nữa, chỉ còn nghe Côcôn lên tiếng:
- Muốn xem cho hết cả cái quân đội Pháp đang đóng ở tiền tuyến diễu qua – tớ không nói đến những quân đóng ở phía sau mặt trận còn đông gấp đôi, cũng không nói đến những bộ phận như những bệnh xá lưu động, tốn đến chín triệu quan và chuyển đi hàng 7000 bệnh nhân mỗi ngày – muốn xem họ diễu qua trong những đoàn tàu sáu mươi toa, liên tiếp không ngừng, cứ mười lăm phút một chuyến, phải mất đến bốn mươi ngày và bốn mươi đêm.
Anh em nói:
- Chà!
Những điều đó quá sức tưởng tượng của anh em. Họ chẳng thèm để ý đến nữa. Họ chán ngấy những con số to lớn đó. Họ ngáp và ứa nước mắt nhìn trong cảnh đảo lộn những ngựa phi, tiếng reo, cột khói, tiếng rống, ánh lửa và tia chớp – ở đằng xa, phía chân trời đỏ rực, cái vệt dài khủng khiếp của đoàn xe thiết giáp đương đi qua.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa