What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
V - Chỗ Trú Quân
on đường cái nhợt nhạt chặng dốc lên giữa rừng khuya bị những bóng đen làm tắc nghẽn rất lạ lùng. Hình như một phép thần kỳ đã làm cánh rừng lan ra đó và lăn đi, trong dày đặc của đêm tối. Đó là trung đoàn đương đi tìm một chỗ trú quân mới.
Những hàng người nặng nề, chồng chất hàng đống hành lý ngổn ngang đang lần mò xô đẩy nhau: Mỗi đợt sóng người, bị đợt sau đẩy tới, lại va vào đợt trước. Phía hai bên, những hình bóng nhẹ nhõm hơn của bọn hạ sĩ quan đi tách riêng. Nghe lầm rầm những tiếng hò nhau, những mẩu câu chuyện, những lệnh truyền, tiếng ho và tiếng hát, tất cả cái đó lẫn lộn, cất lên từ đám đông dày đặc giữa những bờ đường. Tiếp theo những tiếng ồn ào đó là tiếng chân bước lạo xạo, tiếng lách cách của những vỏ lưỡi lê, những ca, những bi đông sắt, tiếng ầm ầm và chan chát của sáu mươi cỗ xe thuộc đoàn xe binh lương và đoàn xe của trung đoàn đi theo hai tiểu đoàn. Cái khối người đang nện gót và kéo dài ra trên đường dốc đông đảo đến nỗi, mặc dầu bầu trời đêm bao la vô tận, người ta vẫn tưởng như chìm đắm trong cái mùi hôi chuồng nhốt sư tử.
Đi trong hàng, chẳng ai thấy gì hết; đôi lúc, nhân hàng ngũ chùng lại, có đụng ngay mũi vào thì cũng bắt buộc phải nhận ra ánh sắt tây của chiếc cà-mèn, ánh thép xanh của cái mũ sắt, ánh thép đen của khẩu súng. Có những lúc nhờ ánh sáng chòi chang của một cái bật lửa, hay ngọn lửa đỏ của một que diêm nhỏ xíu chiếu ra, thấy được, ở bên kia những nét nổi bật gần gũi và rực rỡ của những tay và mặt, hình bóng của từng loạt vai đội mũ lô nhô, chập chờn như những làn sóng chạy lên tấn công cái bóng tối khổng lồ. Rồi lại tắt ngấm. Và trong khi chân cứ bước thì mỗi người đi phải dán mắt bất tận vào chỗ áng chừng là lưng người đi trước.
Sau nhiều lần nghỉ chân, mỗi lần nghỉ lại để rơi mình trên cái xắc, bên những bó súng – cứ có hiệu còi là phải kết súng thành bó, vội vàng đến phát sốt nhưng cũng chậm chạp đến bực người vì phải mò mẫm trong bóng tối đen như mực – ánh bình minh đã ló, tỏa dần ra và xâm chiếm không gian. Bóng tối, như những bức tường lờ mờ, đổ sụp. Một lần nữa, chúng tôi lại gặp cái quang cảnh vĩ đại của buổi bình minh, mở ra trên cái bầy người lang thang bất tận của chúng tôi.
Cuối cùng, chúng tôi qua khỏi cái đêm hành quân đó như bước qua những vòng đồng tâm từ bóng tối kém phần dày đặc, đến tranh tối tranh sáng rồi đến ánh sáng lờ mờ. Chân đờ lại như gỗ, lưng ê ẩm, vai tê dại. Mặt mày vẫn xám xịt, đen đủi; có thể nói chật vật lắm mới thoát khỏi bóng đêm, – thoát được rồi cũng không thể nào rũ sạch được.
Lần này, cái đàn người đồng đều và đông đảo này sắp đến nghỉ ngơi ở một chỗ trú quân mới. Nơi sắp phải sống tám ngày là nơi nào? Có lẽ (vì cũng chẳng ai biết đích xác) là Gôsanh Labê. Anh em hết lời khen:
- Hình như vùng ấy tươi hết sức!
Giữa cái chạng vạng của buổi sớm mai, trong hàng ngũ anh em mà người ta bắt đầu đoán được những hình thù và nét mặt, nhận được những bộ mặt cúi gầm, những cái miệng há hốc ra ngáp, nghe nổi dậy những tiếng nói chêm vào:
- Cái chỗ trú quân này thật không tiền khoáng hậu. Có bộ tư lệnh Lữ đoàn, có cả tòa án binh. Có các cửa hàng, thức gì cũng đủ.
- Có lữ đoàn thì chắc là tươm lắm.
- Theo cậu thì sẽ tìm được bàn ăn cho tiểu đội chứ?
- Tớ đã bảo: gì cũng có tất!
Một gã “tiên tri báo gở” lắc đầu:
- Cái thứ chỗ trú quân mà ta chưa đến bao giờ, nó ra thế nào thì tớ không biết. Tớ chỉ biết là rồi thì cũng giống các chỗ khác thôi.
Không ai tin lời gã. Thoát khỏi cơn sốt ầm ĩ của đêm tối, càng tiến về phương Đông, trong không khí giá lạnh để đi tới phía làng xóm mới sắp chói lòa ánh sáng mặt trời, hình như ai cũng thấy đó là một loại đất lành...
o O o
Vừa tinh mơ thì đi đến một khu nhà còn yên giấc ngủ trong sương mù dày xám ở chân đồi.
Đây rồi!
Chao! Thế là đã đi tất cả hai mươi tám cây số trong đêm trường. Nhưng, sao vậy! Vẫn còn phải đi. Lại qua khỏi những khu nhà lần lượt khuất trong đám sương mù vô hình, trong tấm màn khâm liệm những bí mật.
- Hình như còn phải đi lâu. Đằng kia, đằng kia cơ! Như những cái máy, chúng tôi bước đi. Tứ chi đờ đẫn, đau như dần; khớp xương kêu răng rắc khiến người kêu oai oái.
Trời sang chậm. Màn sương mù bao phủ mặt đất. Trời rét đến nỗi, ngay cả những lúc nghỉ chân, anh em tuy mệt lử vẫn không dám ngồi, cứ đi đi lại lại như những bóng ma trong cái ẩm ướt mờ đục.
Gió buốt mùa đông quất vào da thịt, quét xua những lời nói, những tiếng thở dài.
Cuối cùng, cái màn sương mù bao phủ chúng tôi, làm chúng tôi ướt sũng, đã bị mặt trời chọc thủng. Thật giống một cánh rừng tiên xuất hiện giữa những đám mây mặt đất.
Cả trung đoàn vươn vai, thực sự tỉnh giấc, nhẹ nhàng ngẩng những bộ mặt trong ánh bạc nhuốm vàng của tia sáng đầu tiên.
Rồi, thật nhanh, mặt trời trở nên gay gắt. Thế là không khí lại thật oi bức.
Đi trong hàng ngũ, anh em thở gấp, đổ mồ hôi và tiếng càu nhàu lại càng nhiều hơn lúc nãy, khi hai hàm răng lập cập và sương mù xoa cái khăn ẩm ướt của nó lên mặt và vào tay người.
Cái miền đi qua trong buổi sáng oi bức này là đất phấn vôi.
- Đồ chó chết! Ở đây chúng nó lát đường bằng những đá vôi.
Con đường trở nên loá mắt và bây giờ trở thành một dải mây khô kiệt, toàn những vôi và bụi trải lên trên hàng ngũ chúng tôi và cọ vào người khi chúng tôi đi qua.
Mặt mũi anh em đỏ ngầu, bóng nhẫy và sáng loáng, có những mặt ứ máu có vẻ như bết vadơlin; có những má và trán trát một lớp xám quánh lại và nứt nẻ. Bàn chân trông chẳng còn ra bàn chân, hình như vừa lội trong thùng vữa thợ nề. Xắc, súng phủ đầy phấn trắng và đoàn chúng tôi kẻ dài ở hai bên bờ đường một vệt màu sữa trên đôi bờ cỏ. Khổ nữa là:
- Sang phải! Có đoàn xe!
Anh em vội vàng, cứ phải xô đẩy nhau, tránh sang phải. Đoàn xe vận tải – một chuỗi dài những xe thật lớn, hình vuông, chạy như bay trong tiếng ầm ầm ma quái – đang đâm bổ trên đường. Thật đáng nguyền rủa! Chúng đi đến đâu là tấm thảm đầy những bột trắng bám trên mặt đất bốc lên và quạt cả vào vai chúng tôi.
Thế là chúng tôi như khoác một tấm màn xám nhạt, mặt như mang thứ mặt nạ nhợt nhạt, có phần dày hơn ở lông mày, ria mép, râu cằm và trong những kẽ nhăn. Thành ra chúng tôi như vừa là mình, vừa là những ông cụ già kỳ dị.
Tiaret nói:
- Sau này, khi bọn mình già, thì cũng xấu như thế này thôi.
Bikê nhận định;
- Cậu phun ra khói trắng.
Lúc nghỉ chân đứng yên, chúng tôi giống hệt như những dãy tượng thạch cao lờ mờ lộ ra đôi chút vẻ người.
Lại lên đường. Không ai nói nữa. Anh em mệt. Mỗi bước là chật vật, khó khăn. Mặt mày nhăn nhó, những nét cau có kết lại dưới cái lang hủi bàng bạc của bụi đường. Sự cố gắng mãi không thôi khiến chúng tôi co quắp mình mẩy ngập tràn một nỗi mệt nhọc buồn bã và kinh tởm.
Cuối cùng mới gặp cái “ốc đảo” mà chúng tôi từng mãi miết theo đuổi: bên kia một ngọn đồi, trên một ngọn đồi khác cao hơn, những mái nhà lợp đá đen trong những chùm cây lá xanh tươi màu rau xà-lách.
Làng đó rồi. Mới nhìn thấy chứ chưa đi đến nơi. Trong giờ lâu, trung đoàn càng bò tới gần thì như thấy nó càng xa ra. Cuối tột cùng, lúc mười hai giờ trưa mới đến chỗ trú quân, lúc này nó đã bắt đầu trở nên hư ảo và huyễn hoặc.
Trung đoàn, bước đều, súng trên vai, tràn vào đến tận bờ đường phố Gôsanh Labê. Phần lớn những làng trong quận Pađơcale chỉ có một phố. Nhưng phố thế nào! Thường dài hàng mấy cây số. Ở đây, đường phố lớn độc nhất đến trước trụ sở làng thì tách đôi làm thành hai phố khác, cả làng là một chữ Y to rộng, đôi bên viền không đều những mặt nhà thấp.
Bọn lính xe đạp, những sĩ quan, những viên hầu cận tách khỏi cái khối dài chuyển động. Rồi, cứ tiến dần thì từng tốp chui vào những cổng kho chứa rơm; bao nhiêu nhà ở còn dùng được phải dành cho sĩ quan và các văn phòng. Tốp chúng tôi, lúc đầu được dẫn đến cuối làng – rồi vì có sự hiểu lầm giữa bọn hậu cần – lại được đưa trở lại đầu làng, nơi chúng tôi đã vào hồi nãy.
Đi lại như vậy mất khá nhiều thời gian. Tiểu đội bị lôi kéo từ bắc sang nam rồi từ nam sang bắc, ngoài nỗi mệt nhọc ghê gớm và sự cáu kỉnh phải đi lại vô ích, anh em nóng ruột đến sôi sục. Muốn thực hiện được dự định ôm ấp từ lâu là tìm, hoặc thuê được, ở nhà dân một chỗ có kê bàn để tiểu đội có nơi ngồi ăn uống, điều căn bản là phải nhận xong chỗ đã và được buông thả ra càng sớm càng tốt. Chúng tôi đã nói nhiều đến việc có bàn ăn và những điều tiện lợi của nó. Chúng tôi đã bàn định, đã góp tiền, đã quyết định lần này phải lao vào khoản chi tiêu phụ đó.
Nhưng có thực hiện được không? Nhiều nhà ở đã bị chiếm chỗ. Chúng tôi không phải là những kẻ độc nhất mang đến đây niềm ước mơ tiện nghi đó, thế thì phải chạy đua tìm bàn... Ba đại đội còn đến sau chúng tôi nhưng bốn đại đội khác đã đến trước rồi. Nào những pô-pốt[27], không công khai chính thức của bọn y tá, thư ký, lái xe, hầu cận v.v... và những pô-pốt chính thức của hạ sĩ quan, của trung đội, biết thế nào hết được. Cả bọn đó nhiều thế lực hơn những tay lính trơn của đại đội, lại được đi lại dễ dàng và nhiều phương tiện hơn, ắt có thể thực hiện sớm kể hoạch. Và khi từng tốp bốn người một chúng tôi tiến đến cái kho chứa rơm dành cho tiểu đội, đã thấy những tay trong bọn ngông nghênh ấy ló ra ngưỡng cửa những nơi vừa chiếm cứ, đang loay hoay quét dọn.
Tiaret bắt chước tiếng bò rống, dê kêu.
- Chuồng đầy rồi!
Một kho chứa rơm khá rộng. Rơm cắt vụn, khi bước chân lên thì bụi lầm, phảng phất mùi chuồng tiêu. Nhưng được cái cũng kín đáo. Chúng tôi chọn chỗ và cởi bỏ khí giới, quân trang.
Những gã trước đây đã từng nhiều lần mơ mộng một thiên đường đặc biệt, lại một lần nữa vỡ mộng.
- Bảo này! Theo tớ thì đây cũng tệ như những nơi khác thôi, phải không, các cậu.
- Thì cũng tám lạng với nửa cân.
- Ừ, đúng cái số chó chết.
- Tất nhiên rồi.
Nhưng đâu phải lúc chuyện vấn đề mất thời giờ. Phải xoay xở thật nhanh để vượt trước bọn khác. Hệ thống ở đây có chữ X (xoay xở) phải mở hết tốc lực. Anh em ai nấy vội vã. Dẫu lưng đau, gối nhức vẫn phải hăm hở cố gắng đến kiệt cùng để hòng được một tuần ăn ở dễ chịu.
Tiểu đội chia thành hai tốp, ba chân bốn cẳng, một đi về phía phải, một đi sang trái, trong cái đường phố đã chật ních những lính rối rít, tìm tòi – bọn nào cũng quan sát nhau, dè chừng nhau... và đều vội vàng. Đã vài chỗ, vì chạm trán nhau, sinh ra xô xát, chửi bậy.
- Chúng mình phải bắt đầu ngay ở phía đằng kia; không thì trơ khấc bây giờ!...
- Tớ có cảm giác như là một cuộc ác chiến vô hy vọng giữa anh em binh lính, trên những đường phố trong làng chúng ta vừa chiếm lĩnh.
Mactơrô nói:
- Đối với chúng ta, chiến tranh là luôn luôn vật lộn và đánh đấm, luôn luôn, không ngừng.
Anh em gõ hết cửa này đến cửa khác, rụt rè tự giới thiệu, coi mình như một món hàng ế đi chào bán. Một gã lên tiếng:
- Thưa bà, bà có còn một xó xỉnh nào cho anh em binh sĩ không? Chúng tôi sẽ trả tiền tử tế.
- Không ạ, đã có các sĩ quan – hoặc: hạ sĩ quan rồi – hoặc là: đây đã làm chỗ ăn tập thể của nhạc binh, của các thầy thư ký, của những bưu viên, của những ngài Y tế lưu động v.v.
Thất vọng chồng lên thất vọng. Anh em lại lần lượt đóng những cửa anh em vừa hé mở, và đứng ngoài ngưỡng cửa nhìn nhau, đôi mắt mỗi lúc một thêm ngao ngán.
Bacơ làu nhàu:
- Trời là trời! Mày xem rồi chả tìm được đếch gì đâu. Bao nhiêu là quân thổ tả cùng tranh phần trước chúng ta. Lũ chúng toàn là những thằng đểu!
Khắp nơi, đám người càng nhung nhúc. Ba đường phố đều đem ngòm người, theo nguyên tắc những bình thông. Anh em gặp những dân sở tại: những người già hay những người không ra hồn người, tay chân co quắp, bộ mặt đẻ non, hoặc những tên trai trẻ phảng phất cái bí mật của những bệnh kín hay của những quan hệ chính trị. Trong bọn lồng khướu thì có những bà già và rất nhiều thiếu nữ béo phịch, má phúng phính, dáng đi lặc lè như bầy ngỗng trắng.
Có một lúc, giữa hai ngôi nhà, trong một lối nhỏ, tôi thoáng thấy một bóng đàn bà đi qua ngõ tối.
Chính là Ơđôxi! Ơđôxi, cô gái nhanh nhẹn như con nai mà trước đây, trong cánh đồng, Lamuydơ như một con yêu tinh trong rừng lùng săn, và vào cái buổi sáng đưa Vônpat bị thương, và Fuiat về, cô lại hiện ra, nghiêng mình bên mé rừng, gắn bó với Facfađê bằng một nụ cười chung.
Chính là cô mà tôi vừa trông thấy, giống như một tia sáng mặt trời trong lối nhỏ. Rồi cô lẩn vào sau một bức tường dày; nơi đó lại rơi vào bóng tối. Té ra, cô ta đã ở đây rồi! Lạ thật! Cô đã theo chúng tôi trong suốt cuộc di cư vừa dài vừa vất vả này. Cô đã bị hấp dẫn.
Thực tình, cô đã bị hấp dẫn, bị lôi cuốn: tuy chỉ trong nháy mắt, tôi cũng thấy rõ bộ mặt cô với mớ tóc sáng quấn quanh, trông nghiêm trang, mơ màng, tư lự.
Lamuydơ, theo sát gót tôi, mà không trông thấy cô. Tôi cũng chẳng nói gì với gã. Cũng chẳng mấy chốc gã sẽ nhận ra cái ngọn lửa tươi đẹp đó mà gã trút cả tâm hồn vào, trong khi nó tránh gã như một đám lửa ma trơi. Vả chăng, hiện nay, chúng tôi đang bận rộn. Phải chiếm cho bằng được cái xó xỉnh hằng thèm ước. Với một nghị lực vô hy vọng, anh em lại tiếp tục đi lùng, Bacơ lôi chúng tôi đi. Gã rất quan tâm làm cho bằng được. Gã run lên và cả nhúm tóc bám bụi của gã cũng rung rinh. Hếch mũi ra đằng trước, gã hướng dẫn chúng tôi đi. Gã đề nghị chúng tôi thử tấn công vào cái cửa màu vàng trông thấy đằng kia. Tiến bước, nào!
Gần cái cửa màu vàng, chúng tôi gặp một hình người đang cúi: Blerơ, một chân đặt trên một cái mốc đá đang dùng dao cạo đất ở đế giầy khiến đất phấn rơi là tả... Trông lão như một tay đang điêu khắc.
Bacơ giễu:
- Chưa bao giờ chân cậu được trắng thế nhỉ.
Blero trả lời:
- Không nói đùa nhớ. Cậu có biết cái xe con khi ấy nó ở đâu không?
Lão giải thích thêm:
- Tớ phải đi tìm cái xe chữa răng để họ móc cho tớ cái hàm ấy vào và nhổ nốt những răng sâu còn lại. Phải, hình như nó đỗ đâu đây, cái thứ xe và hàm răng ấy mà.
Lão gấp dao, đút túi và bỏ đi theo bức tường, bụng cứ băn khoăn cái việc làm tái sinh hàm răng của mình.
Một lần nữa, chúng tôi lại giở trò tán tỉnh của bọn ăn xin.
- Chào bà, thưa bà, bà còn một xó nhà nào để anh em có thể ngồi ăn uống được không? Anh em sẽ giả tiền, sẽ giả tiền, vâng, đúng thế.
- Không có.
Qua cái ánh sáng nhạt như trong bể kính nuôi cá của một khung cửa sổ thấp, một lão đàn ông ngẩng bộ mặt phèn phẹt kỳ quái, đầy những đường nhăn song song, giống như một trang giấy viết tập cũ.
- Này, nhà nó, hãy còn cái buồng nhốt chó kia mà.
- Trong buồng chó không có chỗ vì còn phải giặt giũ ở đấy.
Bacơ không để lỡ dịp:
- Có lẽ cũng được đấy ạ. Xin cho xem.
Mụ đàn bà vẫn cứ quét, lẩm bẩm:
- Ở đấy còn phải giặt giũ.
Bacơ mỉm cười, mặt làm duyên:
- Ông bà hiểu cho, anh em không phải như những bọn bố lếu ăn no uống say rồi làm xấu làm bẩn. Nào, cứ cho chúng tôi xem qua.
Mụ đàn bà đã bỏ chổi xuống. Mụ khẳng kheo, gầy đét. Cái áo ngoài của mụ lủng lẳng trên vai như treo ở mắc áo. Mặt mụ vô duyên, đờ đẫn, như bằng giấy bồi. Mụ nhìn chúng tôi, lưỡng lự rồi miễn cưỡng đưa chúng tôi vào một cái buồng tối om, nền đất, chất đầy quần áo bẩn thỉu.
Lamuydơ thành thực reo lên:
- Tuyệt quá.
- Em bé này kháu nhỉ! Bacơ nói thế và gã xoa cái mặt tròn, tựa như cao su sơn, của một con bé đang nhìn chúng tôi chằm chằm, cái mũi nhỏ và bẩn nghếch lên trong bóng tối mờ. Thưa bà, em là con bà phải không?
- Và cả em này nữa, phải không ạ? – Mactơrô đánh liều hỏi thế, vừa trỏ vào một đứa bé đương kỳ lớn mau, má căng như cái bong bóng lợn, đầy những vết kẹo lầy nhầy bết bụi.
Và Mactơrô vơ vẩn vuốt ve cái bộ mặt nham nhở và nhơm nhớp mật đường đó.
Mụ đàn bà không thèm trả lời.
Và chúng tôi trơ ra đó gật gù với nhau, gượng cười, như những đứa ăn mày xin ăn mà chưa được.
Lamuydơ rỉ tai tôi, nửa lo nửa mong:
- Miễn là cái con mụ già chó đẻ này nó ưng cho. Đây, cừ đấy chứ, còn các chỗ khác, cậu phải biết, chúng nó phỗng tay trên cả rồi!
Cuối cùng, mụ đàn bà bảo:
- Nhưng không có bàn.
Bacơ reo lên:
- Bà đừng lo không có bàn! Kia, chẳng có một tấm cửa cũ xếp ở xó kia là gì. Chúng tôi sẽ dùng nó làm bàn.
Cái mụ đàn bà hình nhân, đa nghi, rõ ràng đang tiếc sao đã không tống khứ chúng tôi tức khắc từ đầu, trả lời:
- Nào, các ông lại sắp làm lộn lùng phèo tất cả đồ đạc của tôi đấy hẳn!
- Tôi đã bảo bà đừng lo mà. Đây, bà xem. Nào, ông bạn Lamuydơ, giúp cho một tay.
Và trước con mắt khó chịu của mụ đàn bà đanh đá, anh em đặt tấm cửa cũ lên hai chiếc thùng gỗ.
Tôi bảo:
- Lau chùi qua loa, thế là tươm lắm rồi.
- Thưa vâng, bà mẹ ạ, vài nhát chổi là không cần khăn giải bàn cũng được.
Mụ không còn biết nói sao, chỉ hằn học nhìn chúng tôi.
- Chỉ có hai cái ghế đẩu, còn các ông thì mấy người?
- Vào khoảng gần một tá.
- Dê-xu-ma! Những một tá!
- Thì có sao đâu, rồi xong xuôi cả. Đây có một tấm ván, kia kìa: thế là được một ghế dài. Phải không, Lamuydơ?
Lamuydơ trả lời:
- Tất nhiên.
Mụ đàn bà nói:
-Tấm ván ấy, tôi quý lắm. Những ông lính đến trước các ông đã toan đánh thó của tôi.
Lamuydơ, cố điềm đạm, lựa lời để khỏi phật ý cái con mụ đang nắm trong tay phúc lợi của anh em:
- Nhưng chúng tôi thì chúng tôi không phải là những quân ăn cắp.
Tôi không bảo thế, nhưng các ông phải biết, lính tráng thường làm hỏng tuốt. Giào ôi! Chiến tranh này thật là tai hại!
- Thế cứ như vậy, cho thuê một cái bàn và cho đun ghé một tí vào cái bếp lò, bà tính bao nhiêu?
- Mỗi ngày hai hào.
Mụ chủ nhà lắp bắp có vẻ miễn cưỡng, như là bị anh em moi mất số tiền ấy của mụ không bằng.
Lamuydơ nói:
- Đắt đấy.
- Các ông lớp trước ở đây đã trả tôi thế đấy. Các ông ấy lại còn tử tế lắm, còn san sẽ miếng ăn miếng uống. Tôi biết rằng các ông nhà binh vốn dễ dàng, thế nào cũng xong. Nhưng nếu kêu đắt quá thì cũng chẳng thiếu gì người hỏi thuê căn buồng với cả bàn và bếp lò này, họ lại không đông đến mười hai người đâu. Luôn luôn có người đến hỏi, và nếu chúng tôi muốn, họ còn trả giả cao hơn. Những mười hai người!...
Lamuydơ vội vàng thêm:
- Tôi nói “đắt đấy”, nhưng thế nào cũng là xong thôi. Phải không, các cậu?
Trước câu hỏi lấy lệ ấy, chúng tôi đồng ý ngay.
Lamuydơ nói:
- Giá được chén rượu thì tốt quá. Bà có bán rượu không?
Mụ ta đáp:
- Không.
Mụ nói thêm, giọng run run vì giận dữ:
- Các ông phải biết nhà binh bắt những người có rượu phải bán giá hào rưỡi. Hào rưỡi! Cái chiến tranh tai ác này tệ hại thật! Thưa ông, hào rưỡi thì lỗ vốn, nên tôi chẳng bán nữa. Rượu để nhà dùng thì vẫn có. Chẳng giấu gì, đôi khi vì nể nang thì tôi cũng để lại ít nhiều cho những người quen, cho những kẻ biết điều, nhưng các ông cũng hiểu cho rằng nhất thiết không phải giá hào rưỡi.
Lamuydơ thuộc vào hạng những kẻ biết điều đó. Gã nắm ngay cái bi-đông thường đeo bên mình.
- Thì bà cho tôi một lít. Bao nhiêu tiền nào?
- Hai hào hai, giá vốn đấy. Ông biết cho, chỉ là để giúp ông đấy vì các ông là nhà binh mà.
Bacơ, không sao nhịn nổi nữa, làu bàu riêng trong miệng. Mụ la nguýt anh một cái rõ gớm và làm ra bộ đưa trả lại cái bi-đông cho Lamuydơ.
Nhưng Lamuydơ, hí hửng sắp được uống rượu, má đỏ bừng như đã đượm thấm hơi men, vội vàng can thiệp:
- Đừng sợ, chỉ chúng ta biết với nhau thôi, bà mẹ ạ. Không ai tố bà đâu.
Vẫn không nhúc nhích và chua ngoa, mụ nguyền rủa sự quy định giá rượu. Và Lamuydơ, vì quá thèm thuồng, không chống nổi, tự hạ mình và mất hẳn lương tâm đến nỗi nói với mụ:
- Thưa bà, thôi, biết sao, đó là việc quân sự. Cũng chẳng cần tìm hiểu làm gì.
Mụ dẫn chúng tôi vào chỗ để rượu. Ba cái thùng to tướng tròn phình phình chật hẳn cái xó nhỏ đó.
- Chút ít rượu để nhà dùng riêng đấy ư?
Bacơ lẩm bẩm:
- Cái con mẹ già này mánh khóe lắm.
Con mụ quay mình lại, cáu:
- Dễ các ông muốn cho người ta phá sản vì cái chiến tranh khốn nạn này hẳn! Mất biết bao nhiêu tiền về cải nọ, lại cái kia, cũng khá rồi đấy.
Bacơ gặng hỏi:
- Về cái gì chứ.
- Ai chả biết là ông thì ông có thiệt hại gì tiền của. Không, chúng tôi chỉ thiệt có cái mạng thôi.
Anh em vội can thiệp, sợ câu chuyện trở thành nguy hiểm cho những quyền lợi trước mắt lúc này. Trong khi đó, có người gõ vào ngoài cửa kho rượu và một tiếng đàn ông vọng qua:
- Này, Panmia! Tiếng đó gào lên thế.
Mụ đàn bà bước thấp bước cao bỏ đi ra nhưng vẫn cẩn thận để cửa mở,
Lamuydơ nói với chúng tôi:
- Hẩu lắm! Xong xuôi rồi!
Bacơ không thông được cách tiếp đãi đó, lẩm bẩm:
- Cái bọn này đểu thật.
Mactơrô tiếp:
- Thật là nhục nhã và phát tởm.
- Hình như bây giờ các cậu mới biết cái cảnh này hơn.
Bacơ mắng:
- Còn mày, đồ “bị thịt”, mày thấy nó bắt chẹt thế mà còn ngoan ngoãn nói được: “Thưa bà, thôi, biết sao, đó là việc quân sự!” Nói chứ, cậu ạ, cậu nhát như cáy!
- Thì còn cách nào khác, nói thế nào chứ? Không thì phải buộc cái bụng lại, đếch có bàn và cũng đếch có rượu. Nó mà có bán bốn hào thì cũng phải mua, có phải không? Thế còn là may đấy. Tớ thú thật là lúc đó tớ lo, cứ sợ nó không nghe.
- Tớ cũng biết rằng ở đâu và lúc nào cũng thế thôi: nhưng mà kệ xác...
- À, ừ! Dân thì họ xoay xở chứ. Phải có những tay nhân lúc này để làm giàu. Có phải ai cũng thí mạng được đâu.
- Ôi chao! Cái dân tử tế của miền Đông!
- Hề, và cả cái dân tử tế của miền Bắc!
- Họ giang tay đón tiếp chúng mình!...
- Xòe tay thì đúng hơn...
Mactơrô nhắc lại:
- Tớ thì tớ bảo đó là một sự nhục nhã và phát tởm.
- Câm đi! Con bò cái nó vào kia.
Anh em vòng về chỗ trú để báo tin thành công, rồi đi mua sắm. Khi trở lại cái phòng ăn mới, thì cứ vấp phải việc chuẩn bị bữa trưa. Bacơ đã lĩnh thức ăn, nhờ có quen biết lão cấp dưỡng trưởng, vốn ghét cay cái lối chia nhỏ phần thức ăn như thế, gã đã tranh thủ được lĩnh thẳng phần khoai và thịt cho cả mười lăm người trong tiểu đội.
Gã đã mua được mỡ – một cục nhỏ mười bốn xu – thế là có cái rán khoai. Lại còn được cả đậu hòa-lan đóng hộp: bốn hộp. Hộp thịt bê nấu đông của Mexnin Anđrê sẽ dùng làm món ăn vặt đầu bữa.
Lamuydơ thích mê:
- Tất cả nom cũng không đến nỗi đấy chứ!
o O o
Anh em đi thăm bếp. Bacơ vui sướng đi quanh cái lò đương phì phò tỏa hơi nóng, kê chật một bên phòng.
Gã rỉ tai tôi:
- Tớ đã lên đặt ghế một cái nồi để nấu xúp.
Gã nhắc cái vung lên:
- Lửa này không được nóng lắm. Tớ đặt nồi đã nửa giờ rồi mà nước vẫn còn trong xõng.
Lát sau, đã nghe gã đôi co với mụ chủ nhà. Nguyên do là cái nồi đặt ghé ấy: mụ thiếu chỗ thổi nấu. Người ta đã nói với mụ rằng chỉ cần chỗ để một cái xoong; và mụ đã tin như thế, nếu biết lôi thôi thế này, mụ đã chẳng cho thuê buồng. Bacơ trả lời, cười cợt, và gã xuề xòa khiến cái mụ yêu tinh đó sau cũng nguôi.
Những anh em khác, từng người một lần lượt đến. Họ nháy mắt, xoa tay, lòng đầy những mơ mộng ngon bổ, y như những người đi ăn tiệc cưới.
Thoát khỏi cái sáng lóa bên ngoài, bước vào cái khối vuông tối om om này, mắt thành quáng gà, họ đứng ngẩn ra ít phút như những con cú vọ.
Mexnin Jôdep nói:
- Chẳng được sáng sủa lắm.
- Hừ, cái ông bạn, còn đòi gì nữa!
Những gã khắc đồng thanh reo lên:
- Ở đây tối thậm đi thôi.
Và trong cái hoàng hôn của hầm tối, những cái đầu gật gù khen phải.
Một việc bất thần: Facfađê sơ ý cọ lưng vào tường mềm và bẩn, bị quệt vào vai một vệt rộng và đen đến nỗi tối như ở đây cũng cứ thấy. Facfađê, vốn trau chuốt con người, càu nhàu và để muốn khỏi cọ một lần nữa vào tường, gã lại va phải cái bàn, khiến cái cùi dìa của gã rơi xuống đất. Gã cúi xuống mò mẫm trên mặt đất gồ ghề từ bao năm nay bụi bặm và mạng nhện đã lặng lẽ trải xuống. Khi tìm thấy thì thìa đã đen thui, thòng lòng những mạng nhện. Đánh rơi một vật gì xuống đất cố nhiên là một tai nạn. Ở đây sống phải thật là cẩn thận.
Lamuydơ đặt cái bàn tay béo mập như một cục thịt vào giữa hai bộ thìa đĩa:
- Nào, chén đi!
Anh em bắt đầu ăn. Bữa ăn thật phong phú và hảo hạng. Tiếng chuyện trò lẫn với tiếng chai rót rượu ra và tiếng hàm nhai nhồm nhoàm. Trong khi anh em tận hưởng cái thích thú được ngồi ăn, một luồng ánh sáng lọc qua cửa hầm phủ lên một vật khoảng không và một khoảng vuông của bàn một thứ ánh sang ban mai đầy bụi, làm lấp loáng một bộ thìa đĩa, một lưỡi trai trên mũ và một con mắt. Tôi nhìn trộm cái cái buổi liên hoan nhỏ bé, ảm đạm và vui như phá ấy.
Bikê kể lại chuyện gã chạy vạy van nài ngược xuôi mới tìm được một chị thợ giặt bằng lòng làm ơn giặt giúp sống áo, nhưng “mẹ kiếp đắt thôi là đắt!” Tuylacơ miêu tả cái hàng người nối đuôi nhau trước cửa hàng tạp phẩm; không ai được phép vào, người ta bị ngăn lại ở ngoài như một bầy cừu.
- Và mặc dầu cậu chỉ đứng ngoài thôi, nếu cậu không hài lòng, cứ cố to miệng, thì người ta sẽ tống khứ cậu đi.
- Còn có những tin gì nữa? Bản báo cáo chế định những trừng phạt nghiêm khắc đối với những sự phá phách ở nhà dân và kể cả một danh sách những sự trừng phạt – Vônpat đã được đưa đi điều dưỡng – Lớp binh 93[28] sắp về hậu phương: Pêpe cũng ở trong số đó.
Bacơ, mang thức rán ra, báo tin là ở bàn ăn mụ chủ có những binh sĩ cùng ngồi: những lão y tá của bọn súng máy.
Fuiat ngồi chễm chệ trong bóng tối của căn phòng chật hẹp và hôi hám – ở đấy anh em chen chúc nhau tối tăm chẳng khác gì trong hầm chiến hào (nhưng nào ai nghĩ tới sự so sánh đó?) – nói với giọng tin tưởng: chúng nó tưởng chiếm được chỗ bở, nhưng chính chúng ta mới thực là bở.
Pêpanh nói:
- Các cậu không biết chứ, bọn đại đội 9 mới may làm sao! Một mụ già cho chúng ở không vì chồng mụ chết đã năm mươi năm nay, khi xưa là một tay khinh binh. Hình như mụ còn cho không chúng ta một con thỏ, hiện chúng đang chén “xi-vê”[29].
- Thì ở đâu cũng có người tốt. Nhưng cái bọn đại đội 9 được cái may là sa đúng vào nơi tử tế nhất làng.
Panmia vừa mang cà-phê vào, cà phê mụ cấp cho chúng tôi. Mụ đã lành hơn, mụ nghe anh em chuyện trò và còn hỏi nọ hỏi kia bằng một giọng hơi xược:
- Sao các ông lại gọi viên quản là anh xộp?
Bacơ nghiêm trang đáp:
- Vì từ trước vẫn gọi thế.
Khi mụ đi rồi, anh em mới đánh giá cà-phê của mụ.
- Cậu xem này, trong vắt! Thấy cả đường trôi dưới đáy cốc – Mụ ta bán một hào đấy.
- Thật như nước lọc.
Cửa hé ra kẻ thành một vệt sáng. Bộ mặt một chủ bé ló ra. Chúng tôi kéo chú vào như kéo một con mèo con, và đưa cho chú một miếng sô-cô-la.
Chú thỏ thẻ:
- Tên em là Saclô. Nhà em ở cạnh đây. Nhà em cũng có lính. Lúc nào nhà em cũng có lính. Họ mua gì nhà em cũng bán cả. Phải cái tội là thỉnh thoảng họ lại say khướt.
Côcôn vừa nói, vừa đặt em bé giữa hai đầu gối:
- Lại đây em. Em nghe đây. Có phải ba em bảo: “Miễn là chiến tranh kéo dài cho!” phải không, hử?
Thằng bé gật đầu:
- Thì hẳn thế rồi, vì người ta có dịp làm giàu. Ba bảo là đến cuối tháng năm thì được lãi năm vạn quan.
- Năm vạn quan! Đâu có thể!
Thằng bé giẫm chân:
- Có, có! Ba nói với má thế mà. Ba muốn cứ như thế này mãi. Má thì nhiều lúc cũng không biết nói gì, vì anh Ađônphơ của em hiện ở mặt trận. Nhưng sắp lo cho anh ấy về hậu phương, thế thì tha hồ chiến tranh kéo dài.
Tiếng the thé từ những phòng của mụ chủ vọng sang ngắt đứt câu chuyên tâm tình đó. Chú Bikê “lưu động” vội đi dò duyên cớ.
Gã trở về, nói:
- Chả có gì cả. Đó là lão chủ nó mắng vợ vì con mụ không biết làm ăn gì cả. Nó bảo mụ làm ăn ngốc nghếch, ngược đời. Nó nói không còn ai ngu như mụ.
Anh em đứng dậy, rời bỏ cái không khí nặng mùi ống điếu, mùi rượu và mùi cà-phê bưng bít trong gian hầm. Vừa ra khỏi ngưỡng cửa, một hơi nóng nặng nề thổi vào mặt, còn nồng thêm vì cái mùi xào rán từ bếp đưa ra mỗi khi cửa mở.
Anh em đi qua hằng hà sa số là ruồi đậu đặc thành từng đám đen trên tường; bay lên thành từng lớp rào rào khi có người qua lại.
Lại sắp bắt đầu như năm ngoái!... Bên ngoài thì ruồi, bên trong thì chấy rận.
- Còn thêm cả vi trùng ở bên trong nữa.
Trong một góc của cái nhà nhỏ bé bẩn thỉu chất đống những đồ cũ rích, những mảnh nát vụn của năm xưa, đầy tro bụi của bao ngày qua, bên cạnh những đồ đạc dụng cụ, có cái gì đương ngọ nguậy: một lão già, cổ dài trụi hết lông tóc, sần sùi và hồng hồng như cổ một con gà vì bệnh mà rụng bết lông. Trông nghiêng, lão cũng giống một con gà mái: không có cằm mà mũi thì dài; má hóp phủ một lớp râu xám, hai mi mắt rậm da mồi và tròn hum húp, mở lên nhắm xuống như hai cái vung trên đôi trông mắt lờ đờ như thuỷ tinh.
Bacơ đã quan sát lão:
- Coi lão kìa: hắn tìm của chôn. Hắn bảo rằng trong cái nhà này có của chôn. Hắn là thông gia ở đây. Cậu xem lão bất thình lình bò lom khom xuống, chúi mũi tìm hết xó xỉnh. Này, trông lão kìa.
Lão già dùng cái gậy dò dẫm một cách có kế hoạch. Lão gõ vào chân tường, vào những viên gạch lát đất. Lão đụng phải những người và những khách khứa đi lại và cả ngọn chổi của mụ Panmia. Mụ ta mặc lão tìm, không nói một lời, có lẽ mụ nghĩ thầm rằng của chôn có không chẳng biết, nhưng lợi đâu bằng sự khai thác cái tai họa công cộng.
Hai mụ đàn bà, đứng trong khung cửa sổ, thì thầm tâm sự cạnh một tấm bản đồ cũ của nước Nga bám đặc những ruồi.
Một mụ lầm rầm nói:
- Đúng, nhưng chính dùng rượu Picông thì phải cẩn thận, nếu rót không khéo tay thì không được đúng mỗi chai mười sáu phân, thế là hụt lãi nhiều quá. Tôi không bảo là lỗ vốn nhưng dù sao cũng hụt mất lãi. Muốn tránh hụt, phải ăn ý trong bọn bán lẻ với nhau. Nhưng khó mà ăn ý được dầu là việc lợi ích chung.
Bên ngoài, trời nắng gắt, đặc những ruồi. Những con vật bé nhỏ này, cách mấy hôm trước còn hiếm, giờ thì ồn lên khắp nơi những tiếng rì rầm nhỏ bé và nhiều vô kể của chúng. Tôi đi ra, gã Lamuydơ theo sau. Chúng tôi dạo chơi. Hôm nay thì được yên: anh em được nghỉ hoàn toàn vì đêm qua vừa hành quân. Có thể ngủ cũng được nhưng hay nhất là lợi dụng thì giờ nghỉ để đi chơi tự do: ngày mai lại sẽ bị điều đi tập và phụ dịch...
Có những bọn chẳng may mắn bằng chúng tôi, ngay bây giờ đã mắc vào cái dây xích của những phụ dịch.
Đáp lại lời Lamuydơ mời hắn cùng đi la cà với chúng tôi, Corvixa đập ngón tay vào cái mũi nhỏ và tròn cắm ngang như một cái nút chai giữa bộ mặt dài, trả lời:
- Tớ không đi được. Tớ phải đi dọn rác.
Gã trỏ cái xẻng và cái chổi dùng để làm công tác dọn bùn, hốt phân dọc theo những bức tường, cúi mình trong không khí bệnh tật.
Chúng tôi uể oải bước đi. Buổi chiều đè trĩu lên cánh đồng thiu thiu ngủ, làm khổ những dạ dày ních đầy rượu thịt. Thỉnh thoảng mới trao đổi vài câu với nhau.
Xa kia, có tiếng kêu: Bacơ bị mấy con mụ như thú dữ đương hành. Một con bé xanh xao, tóc buộc sau lưng thành một nhúm vàng nhạt như nhúm gai, môi miệng viền những mụn nhiệt, và mấy mụ đàn bà đứng trước cửa, trong bóng mát, hí hoáy đan lát và may đang dòm cái cảnh tượng đó.
Sáu anh lính đi qua, một viên cai hậu cần đi kèm. Họ mang từng chồng áo ca-pốt mới và những bó to giầy. Lamuydơ nhìn những bàn chân sưng húp và thành chai của mình.
- Đúng đấy. Tớ cần giầy, không thì sẽ lòi cả chân ra đấy. Thế nào thì tớ cũng không thể đi chân không được, phải không?
Có tiếng máy bay vù vù. Anh em ngước mắt nhìn theo, cổ vặn vẹo, chảy nước mắt vì chói ánh mặt trời. Khi thôi không ngẩng nhìn nữa, Lamuydơ tuyên bố với tôi:
- Những cái máy móc này không bao giờ trở nên thực dụng được. Không bao giờ.
- Sao cậu lại nói thế nhỉ! Đã tiến bộ biết bao nhiêu rồi, tiến nhanh lắm...
- Phải, nhưng sẽ dừng ở đấy. Không bao giờ làm hơn được nữa đâu, không bao giờ.
Lần này thì tôi không cãi lại sự phản đối bướng bỉnh do ngu dốt khiến có dịp là phủ nhận những hứa hẹn của sự tiến bộ. Tôi cứ mặc anh bạn to béo ngoan cố tưởng tượng rằng sự cố gắng phi thường của khoa học và công nghiệp đột nhiên đến anh là dừng lại.
Sau khi đã bắt đầu phát lộ cái tư tưởng sâu sắc của mình, gã tiếp tục, và chợt cúi đầu ghé sát tôi, gã nói:
- Ơđôxi ở ngay đây, cậu có biết không?
Tôi làm bộ ngạc nhiên:
- Ủa!
Đúng, ông bạn ạ. Cậu thì chả bao giờ nhận thấy gì, tớ nhận thấy thế (và Lamuydơ khoan dung mỉm cười với tôi). Vì thế tớ nghĩ: cô ta đến đây, chính vì cô để ý đến anh em trong bọn ta, chẳng có sai.
Gã lại tiếp:
- Cậu này, có muốn tớ nói toạc ra không? Cô đến đấy vì tớ đấy.
- Cậu có chắc thế không?
Gã bò mộng trả lời, giọng âm thầm:
- Có. Trước hết vì tờ thèm muốn cô ta. Vả lại, đã hai lần cậu ạ, tớ bắt gặp cô trên đường đi, đúng trên đường tớ đi nghe chưa? Cậu bảo sao cô lại bỏ chạy; cô ta bỏ chạy vì còn e lệ, có thế thôi...
Gã đứng đực lại giữa phố và nhìn thẳng vào mặt tôi. Mặt gã dày phính, má và mũi nhờn những mỡ, có vẻ nghiêm trọng. Gã đưa quả đấm kếch sù lên bộ ria mép vàng sẫm, được uốn quăn cẩn thận, và nhẹ nhàng vân vê nó. Rồi gã lại tiếp tục thổ lộ tâm sự với tôi.
- Tớ thèm cô ta, nhưng cậu nên biết rằng tớ sẽ cưới hẳn hoi. Cô ta tên là Ơđôxi Đuymai. Trước thì tớ không nghĩ đến chuyện lấy nhau. Nhưng từ khi biết rõ tên họ, tớ thấy như có khác; nên tớ sẽ lấy. Trời! cái con người mới đẹp làm sao. Mà cũng chẳng phải vì cô đẹp mà thôi... À!
Anh bạn to béo tràn trề tình cảm và xúc động, anh cố bộc lộ với tôi bằng lời nói.
- Chà! Cậu ạ!... Có lúc tớ phải ghìm mình lại. Gã dằn từng tiếng, giọng trầm trầm, những thớ thịt ở cổ và ở má, máu bốc lên đỏ bừng... cô ta đẹp quá, cô ta... Còn tớ, thì tớ... Cô ta thật là có một không hai – chắc cậu cũng thấy thế vì cậu tài nhận xét. Cô là một cô gái quê, nhưng, này cô ta có một cái gì, tớ chả hiểu, còn tệ hại hơn một thiếu nữ ở Pari, hơn cả một thiếu nữ Pari lịch sự và trưng diện phải không? Cô ta... Tớ thì...
Gã nhíu đôi lông mày hung hung. Gã muốn giãi bày với tôi cái rực rỡ của những điều gã đang suy nghĩ. Nhưng gã không biết cách diễn đạt, đành lặng im, đành cứ thui thủi với nỗi xúc cảm không thể thổ lộ được, bao giờ cũng vẫn thui thủi mặc dầu không muốn.
... Chúng tôi đi cạnh nhau dọc theo dãy nhà. Trước cửa, xếp hàng những xe chở đầy thùng rượu. Trên những cửa sổ ngoảnh ra đường nở rộ những khối xanh đỏ đủ màu của đồ hộp, của những bó dây bùi nhùi – của tất cả những thứ mà người lính phải mua dùng. Hầu hết những người nông thôn theo đuổi nghề bán tạp hóa. Thương nghiệp địa phương mãi lâu mới phát động; bây giờ đã có đã rồi, mỗi người đều lao mình vào việc buôn bán, phát sốt lên vì những con số, choáng mắt vì những bài tính nhân.
Chuông nhà thờ đánh. Một đám đi ra. Đó là một đám ma nhà binh. Một cỗ xe binh lương, do một anh lính xe dẫn dắt, chở một quan tài phủ lá cờ. Theo sau là một tốp lính, một viên quản, một cha tư tế và một người thường dân.
Lamuydơ nói:
- Cái đám ma quèn cụt đuôi.
Gã lầm rầm:
- Trạm xá lưu động gần đây thôi. Nó cứ vơi dần, Cậu ạ. Chà! Những kẻ chết đi thật là sung sướng. Nhưng chỉ đôi khi thôi, không phải lúc nào cũng thế... Vậy đó!
Chúng tôi đã đi khỏi những ngôi nhà cuối cùng. Trong cánh đồng, ở cuối phố, đoàn xe của trung đoàn và đoàn xe binh lương đã đỗ ở đấy. Có đủ những xe nhà bếp, những xe leng keng theo sau chứa đầy vật dụng linh tinh, những xe cứu thương, xe vận tải, xe lương và cả cũi xe ngựa con của gã đưa thư.
Lều vải của bọn đánh xe và lính gác quây quần quanh đoàn xe.Trong những khoảng trống, từng bầy ngựa, chân giẫm đất trồng, trơ trơ cặp mắt nhìn bầu trời. Bốn tay lính đương kê một cái bàn. Lò rèn ngoài trời nhả khói. Cái thành phố dị kỳ và lúc nhúc đỏ đặt trên khoảnh ruộng bị trũng xuống với những vết xe song song và quay tròn cứng khô vì nắng, xung quanh đã bắt đầu ngập rác rưới.
Ngoài rìa doanh trại, một chiếc xe lớn sơn trắng khác hẳn với những xe khác về vẻ sạch sẽ nhẵn nhụi. Coi chẳng khác gì giữa đám chợ phiên, cái xe lớn lịch sự của bọn Bôhêmiêng, vào xem phải trả giá đắt hơn các xe khác.
Đó chính là cái xe nha khoa trứ danh mà lão Blerơ đương tìm.
Đúng lúc đò, Blerơ cũng ở đấy, đứng trước xe, ngắm nghía. Chắc lão đã đi vòng quanh xe khá lâu rồi, mắt dán vào nó. Y tá Sămbrơmơdơ của sư đoàn, vừa đi có việc về, leo cầu thang xếp bằng gỗ sơn đi lên cửa xe. Gã ôm một hộp lớn bích-quy, một chiếc bánh mì hảo hạng và một chai sâm-banh.
Blerơ gọi giật gã:
- Này Đuy Fetxiê[30], cái xe này có phải xe chữa răng không?
Sămbrơmơdơ, một anh chàng thấp, đẫy, sạch sẽ, mày râu nhẵn nhụi, cằm trắng, cổ cồn, trả lời:
- Có chữ đề ở đó. Nếu anh không trông thấy thì không nên nhờ nha sĩ chữa răng mà chính nếu nhờ thú y chữa mắt cho.
Blerơ lại gần, nhìn đồ thiết bị nói:
- Kỳ quặc bỏ mẹ.
Lão tới gần thêm, lại lui xa ra, lưỡng lự không muốn ký thác hàm răng mình cho cái xe đó. Sau cùng lão nhất quyết, bước lên cầu thang, rồi biến vào trong xe.
o O o
Chúng tôi tiếp tục đi dạo... rẽ vào một đường nhỏ, hai bên đường những bụi cây cao, đất bám trắng. Tiếng ồn ào đã dịu dần. Ánh nắng chói lọi khắp nơi, thiêu nóng mặt đường, giãi ra đây đó trên đường những luồng trắng quáng mắt, bóng chân và rung rinh trên nền trời xanh ngắt.
Đến chỗ ngoặt đầu tiên, mới thoáng nghe tiếng bước chân sột soạt nhẹ nhàng, chúng tôi đã đối diện với Ơđôxi!
Lamuydơ thốt ra một tiếng kêu nặng nề. Lại một lần nữa, có lẽ gã vẫn tưởng cô ta đi tìm gã, gã tin ở điều tốt số... Cả thân hình hộ pháp của gã lao vào cô.
Cô nhìn gã, dừng lại giữa bụi gai. Mặt cô gầy lạ, xanh xao, lo lắng, đôi mắt tuyệt đẹp chớp chớp. Cô đầu trần, yếm vải hở ở ngực, gần đôi vú. Nhìn gần như thế, cô thiếu nữ chói lọi những màu vàng dưới ánh mặt trời, thật là quyến rũ. Da cô, trắng như ánh trăng, khêu gợi và khiến phải ngạc nhiên. Đôi mắt long lanh, hàm răng trắng muốt lóng lánh trong cái miệng chúm chím, đỏ như trái tim.
- Cô ơi... Cô ạ... Tôi ưa cô quá...
Và gã giang tay về phía con người quý hóa đang đứng ngây ra đó.
Cô ta rùng mình, trả lời:
- Anh để tôi yên! Anh làm tôi kinh tởm!
Tay gã vồ lấy một trong đôi tay nhỏ nhắn, cô cố giật ra, vùng vẫy để gỡ. Mái tóc cô vàng sẫm xổ ra, rung rinh như ngọn lửa. Gã kéo cô vào mình. Gã vươn cổ về phía cô, cả đôi môi cũng chẩu ra. Gã muốn hôn cô. Gã muốn hôn với hết sức bình sinh, với cả sức sống. Gã thèm hôn đến chết cả người.
Nhưng cô giẫy giụa, kêu lên một tiếng ắng cổ, cô phập phồng, bộ mặt xinh đẹp xấu đi vì hầm hầm giận dữ.
Tôi lại gần, đặt tay lên vai anh bạn, nhưng sự can thiệp của tôi không ích gì, gã lùi lại, gầm gừ, chịu thua.
Ơđôxi quát lên:
- Anh điên hay sao!
Gã khốn nạn rên lên, tưng hửng, rụng rời, như điên.
- Không!...
Cô bảo:
- Từ rày thì bỏ cái thói này đi, nghe chưa!
Và cô bỏ đi, toàn thân run rẩy. Gã cũng chẳng buồn nhìn theo: gã đứng đó, hai tay buông thõng, miệng há hốc nhìn chỗ lúc này cô đứng, đau đớn tận ruột gan vỡ mộng và như không hồn.
Tôi kéo gã đi. Gã theo tôi, lặng thinh, lòng xao xuyến, mũi xụt xịt, thở hồng hộc như vừa chạy một lúc lâu.
Gã cúi cái đầu to lớn xuống. Trong ánh sáng tàn nhẫn của mùa xuân vĩnh cửu, gã hệt như tên khổng lồ một mắt khốn nạn trong chuyện thần thoại lang thang trên những bở biển xa xưa của xứ Xixin, bị sức mạnh chói lọi của một cô gái bé trêu cợt và khuất phục, chẳng khác một thứ đồ chơi quái dị thời khai thiên lập địa.
Một anh hàng rượu rong, đẩy cái xe cút kít chở một thùng rượu, đã bán mấy lít cho bọn lính gác. Hắn khuất sau khúc đường ngoặt, cái mặt vàng và dẹt như miếng phó mát, mớ tóc lơ thơ, xơ xác đầy bụi, trong cái quần lùng thùng hắn nom gầy quá đỗi, tưởng như hai cẳng chân chỉ nối vào thân bằng những sợi chỉ.
Và giữa bọn lính gác rỗi việc, ở nơi tận cùng của đất nước, dưới cái biển chỉ đường làng lắc lư kèn kẹt trước gió, một cuộc trao đổi ý kiến về “con rối” lang thang đó bắt đầu.
Bigornô nói:
- Cái đầu thằng cha đê tiện thật. Mấy lại, cậu có muốn biết ý kiến của tớ không? Không nên để cho biết bao những thường dân bá láp như thế vớ vẩn ở mặt trận len lỏi hết chỗ nọ đến chỗ kia, nhất là những thằng ma cô mà ta đếch biết gốc gác.
Cornê đáp:
- Cậu chỉ nói quá, đồ láo lếu.
Bigornô nhấn mạnh:
- Đồ mặt đế giầy, mày thì còn biết gì. Thật là thiếu cảnh giác. Tớ đã nói là không bao giờ sai.
La Mônlet thì thầm:
- Đàn bà ở đây xấu bỏ mẹ. Trông hết cả tình.
Bọn lính gác khác, ngước mắt nhìn trời, ngó theo hai phi cơ địch đương lồng lộn tứ tung. Xung quanh hai con chim sắt cứng nhắc ấy đang bay lượn trên không, theo tia chiếu của đèn pha lúc đen như quạ, lúc trắng như hải âu, hàng loạt đạn nổ điểm bầu trời xanh như một vệt tuyết dài trong ngày nắng đẹp:
Chúng tôi trở về. Gặp hai người tản bộ đi tới: Caraxuyt và Sêyxiê.
Họ báo tin rằng đầu bếp Pêpe sắp về hậu phương theo luật Đanbiê và sẽ được điều vào một trung đoàn hậu bị.
Caraxuyt có cái mũi to tướng, khả ố, chẳng xứng với mặt chút nào. Gã nói:
- Đó là một dịp tốt cho Blerơ.
Trong làng, từng đám lính, hoặc từng cặp hai người, qua lại, những câu chuyện trao đổi gắn bó họ với nhau. Những gã đi một mình họp với nhau thành từng cặp, rời nhau ra, rồi chuyện trò chưa đứt, lại họp với nhau như bị đá nam châm hút.
Một cảnh lộn xộn náo nhiệt: giữa đám đông, màu giấy trắng nhấp nhô như sóng. Đó là gã bán báo đương bán hai xu một tờ báo thực ra giá chỉ một xu. Fuiat đứng giữa phố, gầy đét như chân con thỏ rừng. Tại góc một ngôi nhà, Parađi phơi nắng cái mặt hồng hồng như chân giò ướp.
Bikê theo kịp chúng tôi. Gã bận thường phục: áo ngắn và mũ vải nhọn. Gã liếm môi:
- Tớ đã gặp bọn anh em cánh hẩu. Cùng uống mấy chén. Cậu hiểu chứ; mai lại phải cặm cụi rồi. Trước hết phải giặt giũ áo quần và lau chùi súng ống. Chỉ riêng cái ca-pốt của tớ, làm cho sạch, chẳng phải chuyện chơi. Không còn là cái ca-pốt nữa mà như một thứ áo giáp ấy.
Môngtrơi, phân viên văn phòng, trổ ra và gọi với Bikê:
- Này, thằng chó đẻ! Có thư đây. Tao tìm mày suốt một giờ rồi! Lúc nào mày cũng đếch có nhà, đồ ngốc.
Gã quan sát, cân nhắc trong tay, rồi xé phong bì và báo tin:
- Của bà cụ nhà tớ.
Anh em đi chậm lại. Gã đọc, ngón tay dò bấm theo dòng chữ, đầu lắc lư một cách tin tưởng, môi mấp mảy như một nữ tín đồ.
Càng gần đến giữa làng, người càng tấp nập. Anh em chào viên thiếu tá và vị tu sĩ tử tế bận đồ đen đi cạnh ông như một phụ nữ đang dạo cảnh. Pidông, Gơnông, chú Excutơne, kỵ binh Clôđo lần lượt lên tiếng gọi với chúng tôi. Lamuydơ như đui như điếc, chỉ còn biết cất chân bước.
Biduac, Săngriông, Rôket kéo đến ồn ào, báo một tin quan trọng:
- Này, biết không, Pêpe sắp về hậu phương.
Bikê ngẩng mũi khỏi lá thư, nói:
- Khỉ quá, người ta lầm quá mức. Bà cụ nhà tớ cứ lo cho tớ.
Gã chỉ cho tôi một đoạn trong thư mẹ: “Khi con nhận được thư này – gã đánh vần mà đọc – thì chắc con đang ở trong bùn và đang bị rét, cái gì cũng không có, thiếu thốn hết cả, con Ơgien khốn khổ của mẹ...”
Gã cười:
- Bà cụ viết cái này đã mười hôm nay rồi. Bà nói chẳng đúng tý nào! Có bị rét đâu vì từ sáng nay trời đẹp kia mà. Có khổ sở đâu vì đã có một căn buồng để đánh chén. Trước thì có cơ cực đấy, nhưng giờ thì tươi rói.
Chúng tôi trở về cái chuồng chó đã thuê và ngẫm nghĩ về câu nói đó. Cái đơn giản cảm động của nó làm tôi xúc động, cho tôi thấy một tâm hồn, cả một loạt vô số tâm hồn. Vì mặt trời đã ló, vì đã nhận được chút ánh sáng và một chút có vẻ như êm ấm, thế là cái quá khứ khổ cực không còn nữa và cả cái tương lai khủng khiếp cũng không có nữa… “Giờ thì tươi rồi”. Còn có gì đâu.
Bikê ngồi vào bàn, chễm chệ “ra vẻ” để trả lời bức thư, gã đặt giấy cẩn thận và xem lại giấy, bút, mực rồi đưa chữ lớn dọc theo trang giấy nhỏ.
Gã bảo tôi:
- Nếu cậu biết tớ viết gì cho bà cụ, cậu phải cười nôn ruột.
Gã đọc lại lá thư, vuốt ve nó, mỉm cười một mình.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa