It is what you read when you don't have to that determines what you will be when you can't help it.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
II - Trong Lòng Đất
ầu trời mênh mông xám xịt dập tiếng sấm sét: mỗi tiếng nổ làm hiện lên sau làn chớp đỏ một cột lửa bật hồng trong đêm tàn và một cột khói trong ngày đang hiện.
Trên cao, cao thẳm tít mù xa, một đàn chim khủng khiếp, tiếng thở ầm ầm, và hồng hộc, chỉ nghe thấy tiếng mà không thấy hình, đang lượn vòng bay lên để nhìn xuống đất. Cảnh hoang vắng bắt đầu hiện ra. Đất mênh mông và đầy nước dưới cảnh ảo não kéo dài của buổi bình minh. Những vũng nước tù, những lỗ trũng, hình phễu gợn sóng theo gió heo buổi sáng sớm. Những vệt đường mòn mà bao bước chân bộ đội và đoàn xe đêm vừa vạch nên, trong những cánh đồng trơ trụi, đầy những ổ gà, bóng lên như những đường ray bằng thép dưới ánh sáng nhợt nhạt. Từng đống bùn, đây đó cắm chơ vơ vài cái cọc gãy, những giá chống hình chữ X, rã rời, những mớ dây thép quấn tròn, xoắn xuýt, thành từng bụi rậm, những bãi bùn và vũng nước làm mặt đất giống như một tấm vải, chỗ nổi, chỗ chìm. Trời không mưa nhưng mọi vật đều ẩm ướt, rỉ nước, ướt như giội như ngâm và cả đến ánh sáng trắng bệch, cũng như đương chảy đi.
Người ta nhận ra những hào dài chữ chi chất đống những cặn bã ban đêm. Đó là chiến hào. Đáy chiến hào là một lớp bầy nhầy, nhấc chân lên thì bì bõm, quanh chỗ đứng trú ẩn nặng mùi nước tiểu ban đêm. Những lỗ nằm ngang, nếu đi qua, ta cúi mình vào cũng thấy hôi như mùi hôi miệng.
Tôi thấy từ lỗ ngang ấy của chiến hào, chui ra những hình thù kỳ quái, to lớn, chẳng khác gì một giống gấu chân bước đi bì bõm, miệng càu nhàu. Đó là bọn chúng tôi.
Chúng tôi ăn mặc kín đến mang tai như dân miền Bắc-cực. Áo len, chăn chiên, bao tải che kín khắp người, độn chúng tôi lên thành tròn trùng trục nom rất kỳ dị. Vài anh em vươn vai ngáp hộc. Người ta thấy những bộ mặt đỏ lòm hay nhợt nhạt với những vết bùn dài như sẹo, mắt hum húp nhập nhèm trố ra, râu ria đâm tua tủa không xén hoặc lông lá bê bết không cạo.
Tặc! Tặc! Đoành! Tiếng súng trường, súng đại bác. Trên đầu chúng tôi, khắp nơi đạn nổ lộp bộp hoặc ầm ĩ từng tràng dài liên thanh hoặc từng phát một. Cái cơn giông tố u ám và lòe lửa ấy thật không lúc nào, không lúc nào chịu ngớt. Đã hơn mười lăm tháng rồi, nơi chúng tôi đóng đây, tiếng súng trường và trái phá cứ liên tiếp vô hồi ký trận, hết sáng đến chiều, lại từ chiều đến sáng. Con người ta bị chôn vùi dưới đáy một chiến trường vĩnh cửu. Nhưng cũng như đối với tiếng tíc tắc của đồng hồ treo trong nhà chúng ta khi xưa, trong cái quá khứ hầu như đã thuộc về truyền thuyết, ở đây người ta chỉ nghe thấy tiếng súng khi nào người ta để ý nghe.
Những bộ mặt phì phị, mi mắt hum húp, gò má đỏ thắm như dán những miếng giấy điều hình quả trám nhô ra khỏi đất, mở một mắt ra, rồi mở nốt mắt nữa. Đó là Parađi. Da má phinh phính của hắn hãy còn hằn những vết nhăn của miếng vải lều trong đó hắn đã rúc đầu vào ngủ.
Hắn đưa mắt ti hí nhìn quanh một lượt, trông thấy tôi, ra hiệu cho tôi và nói:
- Thế là lại qua được một đêm nữa, đằng ấy nhỉ?
- Ừ, nhóc con, không biết cánh mình còn phải qua bao nhiêu đêm như thế này nữa?
Hắn giơ hai cánh tay trùng trục lên giời. Rồi hắn chật vật lách khỏi cầu thang đất và giờ thì hắn đứng sát cạnh tôi. Sau khi chập choạng vấp phải một cậu ngồi xệp ở đất trong bóng tối – cậu này vừa thở dài ồ ồ vừa gãi mình sồn sột – Parađi lạch bạch đi ra ngoài, khập khà khập khiễng như một con chim “panh goanh” lẩn vào trong cái cảnh hoang tàn của thời đại hồng thủy.
Dần dần bọn người lần lượt tách ra khỏi những hầm sâu. Trong các góc, người ta thấy một đám đen dày đặc hình thành, rồi những đám người ấy cử động, phân tách ra... Người ta nhận mặt được từng anh một.
Này đây là một gã chùm chăn kín đầu bước ta, trông chẳng khác một người rừng, hay đúng hơn, cái lều của một người rừng, vừa đi lại vừa lắc lư nghiêng ngửa. Đến gần thì trông rõ, giữa một cái khăn quàng dầy bằng len đan, lộ ra một khoảng vuông của bộ mặt vàng ệch, tim tím loang lổ những vết bầm đen, mũi gãy, mắt một mí, kiểu mắt người Trung-hoa, viền hồng, một bộ ria mép cứng, lầy nhầy như một cái bàn chải để chải mỡ.
- Kìa Vônpat! Bình yên chứ, Firmanh?
- Bình yên, thật là cả bình và cả yên... – Vônpat trả lời.
Giọng hắn nặng nề và kéo dài, lại khàn khàn vì bị khản cổ. Hắn ho lên.
- Chuyến này tớ cảm nặng. Này, đêm qua cậu có nghe thấy tấn công không? Chà! Thực là một cuộc nã đại bác cẩn thận. Giã ra trò!
Hắn khịt mũi, đưa tay áo lên chùi cái mũi lõm. Hắn thọc tay vào trong túi áo ca-pốt, trong cái áo cộc rồi lần vào da mà gãi.
Hắn càu nhàu:
- Tớ soi nến giết được ba mươi con! Trong hố lớn, bên cạnh đường giao thông ngầm, thật nhan nhản những rận. Trông thấy nó bò lúc nhúc trên rạ, cậu ạ.
- Này, đêm qua, bên nào tấn công thế, cậu? Bọn Bốtsơ[7] hở?
- Bọn Đức và cả cánh ta nữa. Về phía làng Vim-mi ấy. Một cuộc phản công. Cậu không nghe thấy gì à?
Gã Lamuydơ bò mộng nhanh nhảu đáp thay tôi:
- Chả nghe thấy gì sốt. Lúc ấy tớ đương ngáy khò khò. Chả là đêm trước tớ bị cắt làm ca đêm mà.
Chú Bikê, loắt choắt, người Brơtanhơ tuyên bố:
- Tớ thì tớ có nghe thấy. Vì tớ ngủ cứ chập chờn, hoặc có thể nói là suốt đêm không chợp mắt. Tớ nằm ở hố cá nhân kia kìa, hố kia kìa.
Gã chỉ tay vào cái hào nằm là là mặt đất, lòng lót một lượt phân mỏng, chỉ vừa một người nằm. Gã lại lắc lư cái đầu nhỏ bé thô kệch như một cục đá đẽo chưa xong và nói tiếp.
- Đấy buồng ngủ của tớ đấy, chả ra cóc gì! Tớ chẳng chợp đi được một chút nào. Tớ sắp chợp đi thì bọn bên 129 đổi gác đi qua là tớ tỉnh dậy. Không phải vì các cậu ấy đi ầm ầm mà tớ mất giấc đâu, chính vì thối quá, cậu ạ. Từng ấy thằng, chân cứ bước qua quang mõm, thật là khó chịu quá mà phải tỉnh dậy.
Cái đó tôi biết lắm. Chính tôi nằm trong chiến hào cũng đã từng bị đánh thức vì cái mùi của một đội quân đi qua kéo lê theo.
Tiaret nói:
- Giá cái mùi đó mà giết chết được giận nhỉ!
Lamuydơ giải thích:
- Trái lại, mùi hôi làm rận nó lại càng hăng. Các cậu mà càng bẩn thỉu, các chú rận càng thích, càng mò đến nhiều.
Bikê nói tiếp:
- Chúng hun mùi làm tớ thức giấc, thật là may cho tớ quá! Như lúc nãy tớ vừa kể cho thằng cha to béo ấy, tớ mở mắt thì vừa kịp bám chặt cái vải lều che hố của tớ mà một thằng trong bọn định đánh cắp.
- Cái bọn 129 thật là những đồ chó má!
Ở dưới sâu, dưới chỗ chúng tôi đứng, mập mờ hiện ra một hình người, vì ánh sáng không chiếu đến nên không rõ. Cái hình người ấy ngồi xổm, ôm một mớ cộm những quần áo mà ngó ngoáy giẫy giụa. Đó là lão Blerơ. Mắt ti hí của lão chớp chớp, mặt bứ lên những bụi. Râu mép lão như một mớ vàng vàng chắn ngang trên lỗ miệng móm hết răng. Hai bàn tay đen ngóm trông mà khiếp. Lưng bàn tay cáu ghét, trông tưởng như đầy lông lá, lòng bàn tay bết một lớp bùn đen cứng. Người lão co quắp lại, chát đầy bùn, hôi như một cái xoong cũ.
Lão tuy bẩn, gãi mình cành cạch, vẫn chuyện trò với lão Bacơ cao lớn. Gã này đứng hơi xa một tí, mình cúi xuống phía lão.
Lão nói:
- Hồi ở nhà lão có bẩn như thế này đâu.
Bacơ trả lời:
- Thương hại cho thân già, giờ thì đổi khác ghê quá nhỉ?
Tiaret thêm vào:
- Cũng là may đấy, nếu ở nhà mà bố già như thế này thì vợ chỉ đẻ toàn những tây đen.
Blerơ phát cáu, đôi lông mày cau lại dưới vầng trán đen sì:
- Mày lại còn trêu tao à? Giai do là vì chiến tranh cả. Còn mày, cái thằng mặt hột đỗ, mày tưởng chiến tranh sẽ không làm thay đổi cái mặt mẹt mày và kiểu cách của mày hẳn. Đồ mõm khỉ, đồ mông đít, mày thử nhìn lại mày mà xem. Ăn nói như mày thì thậm là ngu!
Lão đưa tay xoa xoa vào lớp đất xạm đen phủ trên mặt lão – mấy ngày qua, mưa đến thế mà lớp đất vẫn còn nguyên xi và lão tiếp:
- Thân tao như thế này là vì tao muốn thế. Trước hết, tao mất sạch cả răng rồi. Ông quân y ông ấy bảo tao từ lâu: “Anh khuyết xỉ cả rồi. Thế cũng chưa đủ đâu. Kỳ nghỉ sắp đến, anh hay tạt lại thăm xe “nha-qua”.
Bacơ chữa lại:
- Xe na-khoa chứ?
Bectrăng bẻ:
- Xe nha-khoa.
Blerơ nói tiếp:
- Chữa ở đó không mất tiền. Tao không đi chữa là tự ý tao chứ.
- Tại sao thế, bố già?
- Có quái gì đâu, vì tớ không muốn đổi dạng.
Bacơ nói:
- Kiểu bố già giống hẳn một tay đầu bếp. Đáng lý bố làm đầu bếp mới phải.
Blerơ ngây thơ đáp:
- Ừ tao cũng nghĩ thế đấy.
Mọi người cười rộ. Thế là lão già đen này phật ý. Lão đứng dậy, dằn từng tiếng, khinh bỉ:
- Chúng mày nói làm tao nôn cả bụng. Tao đi ỉa đây.
Khi bóng đen của lão đã khuất xa, cả bọn còn nhai lại một lần nữa cái chân lý cho rằng ở đời này những tay đầu bếp là những tay bẩn nhất.
- Nếu cậu thấy tay nào lem luốc cả mặt mày lẫn áo quần, bẩn thỉu đến nỗi không ai dám mò vào, cậu có thể giải quyết rằng: chắc là đầu bếp đấy. Càng bẩn bao nhiêu thì càng làm đầu bếp bấy nhiêu.
Mactơrô nói:
- Ừ, mà thật và thực tế.
- Kìa kìa, Tirloa! Này, Tirloa ơi!
Tirloa lại gần líu ríu, tìm kiếm loanh quanh. Gã mảnh khảnh gầy yếu như hơi cờ-lo, lắc lư trên cái cổ áo tới dầy cồm cộp và rất rộng. Cằm gã nhọt hoắt, hàm răng trên vẩu; chung quanh mồm một vệt nhăn sâu trông chẳng khác gì một cái đai da khoá mõm. Như thói quen, gã cáu tiết, và cũng như thường lệ, gã hằn học:
- Đêm vừa qua, chúng nó nẫng mất cái túi dết của tớ rồi.
- Bọn 129 đi đổi gác chúng lấy đấy. Thế cậu để túi ấy ở đâu?
Gã chỉ vào một cái lưỡi lê cắm ở vách, gần lối đi vào hầm trú của bọn lính:
- Chỗ kia kìa, treo vào cái lưỡi lê cắm ở đấy!
Cả bọn nhao lên:
- Đồ ngốc! Lại treo ngay vừa tầm chỗ người ta đi qua lại. Mày rồ à!
Tirloa rên rỉ:
- Ấy, thế mới khổ cho tớ!
Rồi bỗng nhiên gã nổi cơn khùng: mặt nhăn lại, cau có, nắm tay nhỏ bé xiết chặt lại, chặt lại như những nút dây thừng và giơ lên:
- Ông mà tóm được thằng chó mà nó lấy của ông! Ông là cứ cho vỡ mặt, thủng bụng... Trong túi đó còn nguyên miếng phó-mát, tớ còn phải đi tìm nữa mới xong.
Gã nắm tay xoa bụng xoa nhanh và gọn như đánh ghi-ta, rồi bỏ đi trong màn sương xám buổi sớm, nhăn nhó mà chững chạc, thân thể nhỏ bé co rụt lại như kiểu người ốm trong bộ quần áo mặc thường ở nhà. Gã vừa đi vừa càu nhàu mãi cho đến khi khuất hẳn.
Pêpanh nói:
- Thằng ngốc!
Cả bọn mỉa mai.
- Thằng ấy điên và rồ – Mactơrô nói tiếp thế. Gã này có thói quen lúc phát biểu, để nhận mạnh ý mình, thường dùng hai từ đồng nghĩa một lúc.
Tuylacơ vừa đi đến, bảo:
- Này, bố ơi, ngắm tớ đây này!
Tuylacơ nom bảnh quá. Gã mặc một cái áo dài màu vàng nhạt làm bằng bao ngủ vải dầu. Gã khoét cái lỗ giữa bao để luồn đầu qua, rồi buộc dây đeo vào thắt lưng da ra ngoài cái áo khoác ấy. Gã cao lớn, người xương xẩu. Khi gã đi, đầu ngả về phía trước, mặt cương nghị, mắt thì lác. Gã cầm một vật gì ở tay.
- Tớ đào đất thì bắt được cái này, đêm vừa rồi ở hào giao thông mới, trong khi chúng tớ đang thay những gỗ mục. Tớ trông ưng ý ngay cái búa này. Đó là một cái búa kiểu cổ.
Kể kiểu cổ thì cổ thật: một hòn đá nhọn tra vào cái cán bằng xương đã đen màu. Theo tôi, có lẽ là một dụng cụ thời tiền sử.
Tuylacơ ướm vật trong tay:
- Cái của này vừa tay ghê. Mà đúng thế. Làm khéo lắm, cân đối hơn cả cái búa quy định của nhà binh. Quả thật là cừ đấy. Này, cậu thử cầm xem... Thế nào, hử? Thôi, trả lại cho tớ. Tớ giữ để tớ dùng, sẽ được việc lắm, người anh em xem...
Gã vung cái búa của người “thời đại đệ tử” lên và chính gã trông cũng chẳng khác gì con người vượn thời xưa, mình quấn nhằng những vải lòe loẹt, đứng im trong lòng sâu của đất.
o O o
Từng người một, anh em thuộc tiểu đội Bectrăng và thuộc bán trung đội, đã tập hợp ở một góc chiến hào. Ở góc này, chiến hào còn rộng hơn chỗ đường thẳng một chút. Ở đường thẳng, khi hai người qua lại gặp nhau, thì cũng phải nép mình, kề lưng vào vách, bụng người nọ sát bụng người kia mới lách qua được.
Đại đội chúng tôi đóng dự bị ở chiến hào thứ hai, song song với tiền tuyến. Nơi đây không cần bố trí canh phòng. Ban đêm chúng tôi được đi đào công sự ở tiền tuyến, nhưng hễ còn là ban ngày, chúng tôi hoàn toàn không có việc gì làm cả. Chồng chất người nọ vào người kia, khuỷu cánh bó chặt lấy nhau, chúng tôi chỉ có việc tùy tiện chờ tối đến.
Ánh sáng ban ngày đã lọt được qua những đường nứt vô tận chằng chịt trên vùng này của mặt đất, lướt vào tận hố cá nhân của chúng tôi. Ánh sáng buồn thỉu của phương Bắc, mảnh trời chật hẹp và như cũng lớp nhớp những bùn, có thể nói là nặng trĩu một màu khói và mùi nhà máy. Trong cái ánh sáng nhợt nhạt ấy, những bộ y phục dị kỳ của những người ở hang cùng này hiện ra sống sượng trong cái cảnh nghèo nàn bao la và vô hy vọng đã tạo ra nó. Nhưng cũng như tiếng tặc tặc đều đều của súng trường và tiếng đùng đoành của tiếng súng đại bác, cái tấn kịch lớn mà chúng tôi đang đóng kéo dài quá lâu rồi nên không còn ai nhìn bằng con mắt ngạc nhiên bộ dạng của nhau và cách ăn mặc lôi thôi mà mỗi người tự sáng chế ra để bảo vệ cho mình chống mưa ở trên, bùn ở dưới và chống khí lạnh vô biên tràn lan khắp nơi.
Những bộ da thú, những bó chăn, những vải thô, những mũ đi núi, những mũ len, mũ lông, khăn quàng cổ quấn dầy cộm hoặc vắt thành khăn trên đầu, những áo vệ sinh dầy bình bịch mặc lồng lên nhau, những mũ mấn trải nhựa, phết gôm, tráng cao su, hoặc đen, hoặc đủ ngũ sắc cầu vòng, bạc phếch, tất cả những thứ đó bịt lấy thân mọi người, che kín binh phục cũng như da thịt làm cho họ thành ta to lớn. Có người buộc vào lưng một miếng vải sơn vuông kẻ những ô to trắng và đỏ đã vớ được tại giữa phòng ăn ở một nơi gã đã tạm trú. Đó là Pêpanh, và thường từ xa, người ta nhận được gã chính nhờ cái chiêu bài hề đó hơn là nhờ bộ mặt ác ôn xanh nhợt của gã. Chỗ này phình lên miếng che ngực của Bacơ, cắt ở một tấm chăn lông chim, xưa là màu hồng, nhưng bụi bậm và nước mưa đã làm bạc đi nham nhở. Chỗ kia, Lamuydơ hộ pháp giống như cái tháp điêu tàn với những mẩu giấy áp phích còn lại. Chú Ơđo nhỏ bé, khoác một mảnh vải sơn giống như áo giáp làm cho lưng chú bóng loáng như lưng con cánh cam, và nổi bật nhất trong cả bọn là Tuylacơ lộng lẫy với bộ ngực màu da cam giống như ngực một tay Đại Tù trưởng.
Cái mũ cát làm cho đầu những con người đó có phần nào đồng đều, nhưng chỉ gọi là thôi. Thói quen của vài gã đội nó hoặc ở trên mũ lưỡi trai như Bikê hoặc trên mũ đi núi như Cađilac hoặc trên mũ lông như Bacơ, làm phát sinh ra lắm cảnh láo nháo và phức tạp.
Và lại còn những bộ giò!... Hồi nãy, gập đôi mình lại tôi đã chui xuống hầm công cộng, một thứ hầm thấp, nhỏ, sặc mùi ẩm mốc. Ở đó, người ta vấp phải những vỏ đồ hộp, những mớ giẻ bẩn, gập hai bó dài đương nằm ngủ, và tận trong góc, dưới ánh sáng xanh nhạt của một ngọn nến, có một bóng người quỳ xuống lục lọi một túi dết... Khi trở lên, qua cái cửa hầm hình chữ nhật, tôi đã thấy những cặp giò. Giò ngang, giò dọc, giò xiên, hoặc xòe ra, hoặc gấp lại, hoặc vắt vào nhau, những giò đó bịt kín lối đi khiến kẻ qua lại phải cáu tiết nguyền rủa. Những bộ giò đó là một bộ “sưu tập” muôn màu, muôn vẻ: ghệt, xà cạp đen và vàng, cao và thấp, bằng da, bằng quấn bắp chân xanh thẫm, xanh nhạt, đen, xám, màu ka-ki, màu be... Chỉ Vônpat là tay độc nhất còn giữ lại được đôi xà-cạp nhỏ từ hồi động binh. Mexnin Anđre, từ mười lăm hôm nay, phô trương một đôi bít tất dài bằng len xanh thô, có sống, còn Tiaret thì bao giờ cũng mang xà-cạp dạ xám, sọc trắng mà gã đã cắt ta từ một cái quần thường dân, hồi đầu chiến tranh, treo ở đâu chẳng rõ. Mactơrô cũng có một đôi xà-cạp, nhưng mỗi chiếc một màu, vì gã chỉ kiếm được có hai mẩu áo ca-pốt cũng mòn nát và bẩn thỉu như nhau để cắt thành. Lại còn những bộ giò bọc giẻ rách, bọc cả báo nữa, buộc xoắn bằng dây gai, hay tiện hơn bằng đôi ghệt màu hung hung mượn tạm của một người chết. Bacơ tự phụ là một tay tháo vát, lắm ý kiến (Chúa ơi! Gã khoe thế có khi làm nhức cả tai người ta), có đôi bắp chân trắng: gã đã quấn băng cứu thương quanh ghệt của mình để bảo vệ ghệt. Phần dưới thân gã cũng trắng như cái mũ bông thòi ra trên chiếc mũ cát, trên đó nhô ra mớ tóc hung hung giống tóc hề xiếc của gã. Từ một tháng nay, Pôteclo mang đôi ủng bộ binh Đức, đôi ủng đẹp, hầu như mới nguyên, gót đóng sắt móng ngựa. Carôn đã ký thác cặp ủng ấy cho gã khi hắn ta phải di chuyển vì tay bị thương. Chính Carôn đã tự mình tước cặp ủng ấy của một tên lính súng máy, người xứ Bavierơ bị giết gần đường Pilôn. Tôi còn phảng phất như nghe Carôn kể lại chuyện đó:
- Cậu này, cái thằng cha ấy, nó nằm đấy, gập lưng trong một cái hố. Mắt nó lườm trời, chân nó chổng lên. Nó giơ ủng nó ra cho tớ như kiểu mời tớ nên lấy đi. Tớ mới tự bảo: “Được! Bở đấy!” Nhưng cậu phải biết, lấy được đôi hia của nó là cả một công trình. Tớ hì hục mãi, hết kéo lại vặn, lại lắc, trong suốt nửa giờ, chẳng nói ngoa đâu. Chân thằng cha ấy nó cứng đờ rồi, nó đếch giúp gì cho tớ được. Cuối cùng, kéo mãi, hai cẳng của thây ma ấy rời ra nơi đầu gối, quần nó bục, thế là, văng! Tớ thấy mỏi tay, tớ ngắm một chiếc ủng, còn đầy nguyên cả chân cả cẳng. Tớ phải moi cả chân cẳng nó ra...
- Cậu nói khí quá...!
- Thì cậu cứ hỏi lại lão lính xe đạp Ơteclơ xem có thật không. Tớ cam đoan với cậu rằng chính hắn đã cùng tớ làm cái việc ấy mà. Chúng tớ phải thọc tay vào ủng rút xương, rút những mẩu bít tất và những miếng thịt chân ra ngoài. Nhưng cậu thử nhìn coi, vất vả thế có đáng công không nào!
...Thế là trong khi chờ đợi Carôn trở lại, Pôteclô cứ việc thay hắn sử dụng đôi ủng mà tên lính súng máy người xứ Bavierơ đi chưa mòn.
Đó, các chiến binh đã vận dụng trí tuệ, sự linh hoạt, mưu kế và lòng gan dạ của mình để vật lộn với sự thiếu thốn khủng khiếp như thế đó. Mỗi người khi ra mắt trước kẻ khác, hình như thú nhận: “Đấy là tất cả những điều mà tôi đã biết làm, đã làm được, đã dám làm, trong cảnh cơ cực ghê gớm mà tôi đã sa đọa vào”.
Mexnin Jôdep ngủ gà ngủ gật, Blerơ ngáp, Mactơrô hút thuốc, mắt đăm đăm, Lamuydơ gãi như một con đười ươi, và Ơđo như một con khỉ tý hon. Vônpat ho và cất giọng: “Tớ chết mất thôi!” Mexnin Anđrê đã moi ra nào gương, nào lược và chau chuốt bộ râu mỹ miều màu hạt dẻ của gã như một cây cảnh quý hiếm. Cái yên lặng đều đều, chốc chốc lại bị cắt quãng đó đây bởi nhũng cơn náo động dữ dội do sự có mặt, có tính chất địa phương, kinh niên và truyền nhiễm của các giống vật ký sinh gây ra.
Bacơ có trí quan sát, đảo mắt nhìn quanh một lượt rút ống điếu khỏi miệng, nhổ nước bọt, nháy mắt và phát biểu:
- Của đáng tội, thì ra đếch thằng nào giống thằng nào!
Lamuydơ đáp:
- Giống thế quái nào được? Giống nhau được thì chả hóa ra kỳ quái lắm à?
o O o
Tuổi chúng tôi ư? Chúng tôi đủ các hạng tuổi. Trung đoàn chúng tôi là một trung đoàn trù bị, nhiều lần được tăng viện, hoặc do chủ lực quân, hoặc do hậu bị quân. Trong bán trung đội, có kẻ là quân hậu bị, kẻ là tân binh và có cả loại “lính làng nhàng”. Fuiat bốn mươi tuổi, Blerơ có thể vào hạng bố của Bikê, một anh chàng miệng còn hơi sữa thuộc lớp 13[8]. Lão cai gọi là Mactơrô hoặc là “ông nội”, hoặc là “đồ giẻ rách”, tùy theo từng lúc nói bông đùa hay là nói nghiêm chỉnh. Nếu chiến tranh không xảy ra, Mexnin Jôdep có lẽ đương phải ở doanh trại vì nghĩa vụ quân sự. Khi chúng tôi được viên đội Vigin dẫn đi thì thật là ngộ nghĩnh. Hắn là một chú bé xinh xắn, trên môi kẻ một đường ria mép, và hôm nọ ở chỗ đóng quân, hắn còn nhảy dây với những trẻ con. Cái tập thể hổ lốn này, cái gia đình chẳng có gia đình này, cái tổ ấm chẳng có tổ ấm này đã tập hợp chúng tôi lại. Có ba thế hệ chen vai thích cánh, cùng sống, cùng chờ đợi, cùng bất động như những pho tượng thô hình, như những mốc đá.
Nòi giống chúng tôi ư? Đủ các nòi giống. Chúng tôi từ tứ phương kéo đến. Tôi nhìn hai người ở sát cạnh tôi, Pôteclô, công nhân hầm mỏ Calonơ, nước da hồng hồng, lông màu vàng nhạt màu rơm, mắt xanh màu “lanh”. Cái đầu vàng ánh của gã to tướng: để tìm cái đội vừa đầu cho gã, phải sục sạo mãi trong kho mới vớ được cái nồi nấu xúp màu xanh lớn tướng vừa cỡ. Fuiat, lái đò ở Xéctơ đôi mắt quỷ sứ trong bộ mặt gầy dài kiểu mặt lính ngự lâm, má hóp và màu da bánh mật. Hai gã láng giềng của tôi, nói cho đúng, khác nhau như ngày với đêm.
Còn Côcôn và Bikê khác nhau cũng chẳng kém gì. Côcôn thì gầy khô, đeo mục kỉnh, màu da bị chướng khí hóa học của các thành phố lớn ăn mòn lợt, tương phản với Bikê, người xứ Bơtanhơ đẽo thô kệch, da xám, hàm vuông bạnh. Và Anđrê Mexnin, tay dược sĩ phớn phở của một huyện lỵ thuộc xứ Normăngđi, bộ râu gọn ghẽ, xinh xắn, nói nhiều và lưu loát, cũng không ăn nhịp gì lắm với Lamuydơ, anh chàng nông dân phì nộn xứ Poatu, má và gáy như miếng thịt bò quay. Giọng nói ngoại thành của Bacơ mà đôi cẳng dài đã từng dọc ngang xuôi ngược khắp các đường phố Pari, gặp nhau với giọng: “lơ lớ Bỉ” và ngân nga của những gã “Phương Bắc” từ trung đoàn hậu bị thứ 8 về, chạm nhau với tiếng nói oang oang, uốn âm tiết nghe giòn giã của những chàng từ đơn vị 144 đổ tới và với thổ âm líu lo của những người xứ Ôvéchơ thuộc 124[9]; bọn này giữa đám anh em vẫn cố tình tụ tập họp riêng với nhau như loài kiến tụ tập theo đàn. Tôi nhớ câu nói đầu tiên của gã Tiaret láu cá, khi gặp gã tự giới thiệu: “Các chú ơi, tớ là người Clisi la Garen. Còn ai hơn?” Với lời than phiền đầu tiên đã khiến Parađi gần gũi tôi: “Chúng nó bất chấp tớ vì tớ là dân Morvăng”.
Nghề nghiệp của chúng tôi ư? Xô bồ, nghề gì cũng có một tý. Từ những thời kỳ đã tuyệt diệt rồi, thời người ta còn có một phận vị xã hội, trước khi đến vùi số kiếp của mình trong những hang chuột mà mưa trời và bom đạn luôn đè sụp để cứ phải dựng lại luôn thì chúng tôi là những người như thế nào? Phần lớn là nông dân và công nhân. Lamuydơ là điền tốt. Pariđi đánh xe bò. Cadilac với cái mũ cát két bé tẹo vắt vẻo trên cái đầu nhọn hoắt – mà Tiaret đã ví như mái bầu trên mặt tháp chuông – có ruộng đất riêng. Lão Blerơ vốn là dân lĩnh canh miền Bri. Bacơ, tay công nhân giao hàng đã từng vắt vẻo trên chiếc xe đạp chở hàng ba bánh, trổ hết tài xiếc, lách giữa những tàu điện và xe tắc-xi của thành phố Pari, và cứ như lời gã nói, gã luôn miệng mắng nhiếc một cách yêng hùng những khách bộ hành nhớn nhác như đàn gà ở các đại lộ và quảng trường. Viên cai Bectrăng, người lúc nào cũng đứng tách riêng, hơi xa một tí, ít nói và nghiêm chỉnh, bộ mặt khôi ngô, hùng tráng đầu rất ngay ngắn, mắt nhìn thẳng, trước làm đốc công một xưởng đồ hộp. Tirloa, trước đây đã từng nhẫn nại tô sơn xe cộ, không một chút càu nhàu, người ta nói quả quyết như vậy. Tuylacơ làm chủ quán rượu ở cửa ô “Ngai vàng”. Ơđo bộ mặt hiền từ và hơi xanh cũng đã mở một quán rượu cạnh đường, không xa chỗ mặt trận hiện nay là mấy. Quán của gã đã bị đại bác làm cho thất điên bát đảo, điều đó tất nhiên, vì anh chàng Ơđo vẫn nổi tiếng là xúi quẩy. Mexnin Anđrê, người hiện giờ còn phảng phất giữ được tí chút vẻ chải chuốt trang nhã, ngày xưa bán bicacbônat và các món thuốc “công hiệu như thần” tại một quảng trường; em gã là Jôdep thì bán báo chí và tiểu thuyết có minh họa ở một nhà ga thuộc hệ thống xe lửa Quốc gia. Trong khi đó, ở thành phố Liông, cũng gần đấy, Côcôn, mục kính kẹp, tay xám xịt những han chì bóng loáng tíu tít bận rộn sau những quầy hàng của một cửa hàng ngũ kim, còn Bêcuwơ, Ađôn và Pôteclô, từ bảnh mắt đã kéo lê ngọn lửa tờ mờ của chiếc đèn mỏ xuống những hầm mỏ của Công ty Than Miền Bắc.
Lại còn những tay mà chẳng bao giờ người ta nhớ xưa làm nghề gì và người ta nhầm lẫn anh nọ với anh kia; cùng những anh làm đủ nghề lăng nhăng, lang thang khắp thôn quê, trong túi dết tha đi đến mười nghề lặt vặt; không kể cái gã Pêpanh khả nghi, hình như chẳng có nghề ngỗng quái gì, (người ta chỉ biết là cách đây ba tháng, khi gã mới khỏi bệnh, còn ở trại thu dung, gã đã cưới vợ để được lĩnh món tiền trợ cấp cho phụ nữ có chồng bị động viên).
Trong bọn người quanh tôi, không có ai làm nghề tự do. Những giáo viên thì thành hạ sĩ quan ở đại đội hoặc thành y tá. Trong trung đoàn có một thầy tu dòng Mari đóng lon đội trong quân y vụ, một ca sĩ hát giọng nam cao thì làm lính xe đạp cho y sĩ trưởng; một luật sư làm bí thư cho đại tá; một tay sống về lợi nhuận đóng cai binh lương ở Đại đội Biệt Động. Còn ở tiểu đội chúng tôi, những loại ấy không có. Chúng tôi là lính chiến, hầu như không có ai là trí thức, nghệ sĩ hay tư sản; những kẻ trong cuộc chiến tranh này chỉ dám liều ló mặt qua những khe chiến hào hoặc có ra trận chỉ là trong chốc lát, hoặc dưới mũi lưới trai đầy lon.
Đúng, thật vậy, anh em khác nhau sâu xa lắm. Tuy thế mà lại giống nhau. Mặc dầu khác nhau về tất cả chuyện quá khứ; mặc dầu trước kia chúng tôi từng cách nhau một trời một vực, nhưng nay thì đại loại ai cũng như ai. Qua cái hình thức thô lậu, đồng đều, tất cả đều giấu giếm và đều để lộ những phong tục, những tập quán chung, cùng chung cái tính cách đã đơn giản hóa của những con người trở lại trạng thái nguyên thủy.
Một ngôn ngữ chung, hỗn hợp những tiếng lóng của xưởng máy và doanh trại, những thổ âm pha thêm một vài từ mới, đã gắn liền chúng tôi như một thứ nước “xốt” với đám người đông đảo đã mấy mùa qua rút quang nước Pháp để về chồng chất ở miền Đông Bắc này.
Thế rồi ở đây cũng ràng buộc bởi một số mệnh không phương cứu vãn, bị cái phiêu lưu vĩ đại lôi cuốn đến chỗ ra đứng cùng hàng với nhau, trải bao tháng ngày, bao đêm trường, chúng tôi bắt buộc đi đến chỗ mỗi ngày càng giống nhau thêm. Sự chật hẹp khủng khiếp của cuộc sống chung siết chặt chúng tôi, làm chúng tôi phải thích ứng, xóa mờ kẻ nọ vào với người kia. Thật là một loại tiêm nhiễm không thể tránh. Đến nỗi anh lính nào cũng như anh lính nào. Muốn thấy sự đồng dạng ấy, không cần phải nhìn từ xa qua những khoảng cách làm cho chúng tôi rút bé đi như những hạt bụi lăn trên đồng ruộng.
Người ta chờ đợi. Ngồi mãi mỏi, người ta đứng dậy. Khớp xương dãn kêu răng rắc như tiếng gỗ nẻ, như tiếng bản lề cũ kỹ. Ẩm ướt làm han rỉ con người, như nó làm han rỉ súng ống, chậm hơn nhưng sâu hơn. Rồi lại bắt đầu đợi chờ, đợi chờ một cách khác.
Trong tình thế chiến tranh, người ta cứ chờ mãi, người ta hóa thành những cái máy để đợi chờ.
Hiện giờ thì người ta chờ xúp. Rồi sẽ đến chờ thư. Nhưng việc nào, thời gian nấy: ăn hết xúp mới sẽ nghĩ đến thư. Xong lại chờ những cái khác.
Đói, khát là những bản năng ghê gớm tác động mãnh liệt vào tâm trí bọn đồng đội chúng tôi. Vì xúp chậm đến, họ bắt đầu than phiền và cáu tiết. Nhu cầu về thức ăn và thức uống từ miệng họ phát ra thành những tiếng càu nhàu:
- “Tám giờ rồi đấy.Cơm nước đâu, sao không thấy dẫn đến? Chậm thế là quái gì?”
Lamuydơ mắt ướt vì thèm thuồng, hai má rực lên những mảng đỏ lớn màu rượu vang, càu nhàu:
- Đúng thế, tớ đói mèm từ trưa qua đến nay.
Sự bất mãn mỗi lúc một thêm chua chát:
- Thằng Pluymê chắc đã nốc hết vào bụng bi-đông rượu hắn phải mang cho tớ và nốc cả những bi-đông khác nữa. Có lẽ hắn đã say mèm, ngã gục ở đâu đây.
Mactơrô nhấn thêm:
- Điều đó thì đích xác và chắc chắn.
Tialoa rống lên:
- Cái bọn phục dịch này thật là đồ ăn hại, đồ dòi bọ. Cái giống đáng tởm làm sao! Toàn một bọn háu đói và lười biếng. Cả ngày chỉ loăng quăng ở hậu tuyến, thế mà cũng không đến cho đúng giờ được. À! Nếu quyền ở tớ, tớ sẽ bắt chúng ra chiến hào thay cho cánh ta để chúng phải cật lực! Trước hết, tớ nói: Trong trung đội, từng người sẽ lần lượt làm bếp, mang xúp, cố nhiên là những... anh nào đồng ý... Thế là...
Côcôn kêu tướng lên:
- Tớ thì tớ chắc chắn là cái thằng chó chết Pêpe đã làm cho những đứa khác bị chậm. Nó cố ý làm thế. Với lại cái thằng nhóc khốn nạn ấy không thể nào dậy sớm được. Nó phải ngủ hàng mười giờ, y như một chàng công tử bột. Không vậy thì ông tướng đâm lười cả ngày.
Lamuydơ quát:
- Ông thì ông giã cho nó! Cậu chờ xem, nếu tớ có mặt ở đấy, tớ sẽ bắt nó phải ra khỏi giường. Ông sẽ đạp bốt vào đầu nó, nắm chân mà lôi nó dậy.
Côcôn nói tiếp:
- Hôm nọ, tớ đã tính: Nó mất bảy giờ bốn mươi bảy phút mới đi từ hầm trú ẩn 31 lại đây. Thực ra, nhiều lắm chỉ cần năm giờ thôi không hơn.
Côcôn là con-người-chữ-số. Gã chi li, quý yêu những tài liệu chính xác. Bất cứ trường hợp nào, gã cũng chúi mũi tìm những thống kê mà gã tích lũy với lòng kiên trì của loài sâu bọ, và ai muốn nghe là gã sẵn sàng trương ra. Giờ đây, gã sử dụng những con số của gã như sử dụng vũ khí. Bộ mặt gã gày gò, gồm những nét cạnh khô khan, những tam giác và những góc trên đó gác lên đôi nhỡn kính hình tròn, nhăn lại vì hằn học.
Gã trèo lên tấm ván đứng bắn, kê từ hồi đây còn là chiến hào thứ nhất, điên cuồng thò đầu lên trên lũy. Trong tia sáng lạnh lẽo là là mặt đất lóng lánh đôi nhỡn kính và cả giọt nước thòng lòng ở mũi gã, nom như hạt kim cương.
-Này cái thằng Pêpe ấy, phải biết, hệt như cái ca thủng. Chỉ một ngày thôi, nó ních vào bao tử hàng mấy kilô, thực tưởng không thể tin được.
Lão Blerơ ngồi “nuốt giận” trong một góc. Bộ ria lão run run, trắng ngà ngà và thõng xuống như chiếc lược xương.
- Còn nói gì nữa? Những thằng mang xúp là những thằng tồi trong bọn đồ tồi, cả một bọn nhác nhớn và cày hôi.
Ơđo nằm xoài ra đất, mồm há hốc, trông hệt một tay tử vì đạo, mắt lờ đờ nhìn Pêpanh đi lại như con sói, than thở:
- Bọn chúng thì phân gio cả nút.
Nỗi cáu kỉnh căm hờn những kẻ đến muộn cao thêm, cao mãi.
Tirloa, cái anh hục hặc, tíu tít, chạy vạy. Thật đúng vai trò của gã. Bằng những cử chỉ sắc cạnh, gã nhen thêm lòng tức tối của các bạn.
- Nếu chúng mang đến thức ăn ngon thì còn nói gì! Nhưng lại toàn những thức “đầu bãi, loại nước” mà cánh ta phải cố nuốt cho trôi.
- Chà! Chào các cậu, hôm qua chúng cho ăn thịt tồi quá, thật rắn như đá mài. Thế mà dám gọi là bít-tết bò, hử? Bít-tết xe đạp thì đúng hơn. Tớ đã bảo các cậu nhà ta. “Này, cẩn thận đấy, đừng nhai nhanh quá mà gãy răng: Có thể tụi đóng giầy quên chưa rút hết đinh ra đâu!”
Câu pha trò, do Tiaret, hình như là nguyên quản lý một rạp chiếu bóng lưu động, vừa tung ra, những lúc khác thì đã làm anh em cười, nhưng nay tâm trí cả bọn đương bực tức, nên tiếng vang của nó chỉ là một loạt gầm gừ vòng quanh các binh sĩ.
- Để cậu khỏi kêu hắn là rắn quá, những lần khác, chúng sẽ tương cho ăn những thứ gì mềm mềm: bọt biển vô vị hoặc thuốc cao. Cậu sực vào thì thấy như là uống nước lã không hơn, không kém.
Lamuydơ nói:
- Toàn là thứ lỏng, không chắc dạ. Ăn vào tưởng là no, nhưng dạ dày vẫn trống rỗng. Thế là tí một, tí một, ngày càng hao mòn, kiệt quệ, chết vì thiếu ăn.
Bikê cáu tiết, oang oang:
- Lần sau, tớ xin vào yết kiến lão “via”. Tớ sẽ bảo: “Thưa Đại úy...”
Bacơ nói:
- Tớ thì tớ khai ốm. Rồi tớ nói với “Y sĩ trưởng...”
- Thế thì cậu nói mấy cũng vô ích, chẳng được kết quả gì. Chúng nó thông lưng với nhau cả để bóc lột thằng lính trơn mà.
- Tớ thì tớ bảo chúng muốn anh em mình chết cả nút!
- Đến rượu cũng thế nốt. Ở chiến hào chúng mình có quyền được cấp phát rượu – điều này đã được quyết nghị, quyết nghị từ bao giờ và ở đâu thì tớ không biết, nhưng điều đó thì tớ biết, thế mà từ ba ngày rồi chúng mình đóng ở đây, đã ba ngày đâu thấy tăm hơi rượu.
- Trời! Khổ quá.
o O o
Một gã poa-luy[10] đứng ở góc chiến hào, báo tin:
- Đồ chén đã đến kìa!
- Không phải là sớm quá!
Thế là trận giông tố những câu nguyền rủa dữ dội tan ngay như có phép lạ. Và cơn giận dữ đột nhiên biến thành sự hài lòng.
Ba người phụ dịch thở hổn hển, mặt nhễ nhại mồ hồi, đặt xuống đất những bình con, một bi-đông dầu hỏa, hai xô bằng vải, và một xâu những nắm tròn[11] xiên vào một cái gậy. Tựa mình vào vách chiến hào, họ chùi mặt bằng “mùi soa” hoặc bằng ống tay áo. Và chúng tôi thấy Côcôn lại gần Pêpe, miệng tươi cười, quên hẳn mình vừa lăng mạ làm nhục danh giá của anh ta, thân mật chìa tay về một trong những cái bi-đông buộc vòng quanh mình Pêpe như kiểu thắt lưng phao.
- Có gì để sực nào?
Người phụ dịch thứ hai trả lời lơ lửng:
- Ở đấy.
Kinh nghiệm đã cho gã biết là kể rõ thực đơn ra bao giờ cũng gây những thất vọng chua chát.
Và vẫn thở hổn hển, gã bắt đầu nguyền rủa con đường dài cùng những khó khăn vừa vượt qua: “chỗ nào cũng nhan nhản những người là người. Đi qua, khó khó là. Đôi lúc phải thu mình lại, mỏng như tờ giấy thuốc lá”... “Chà! Có kẻ còn bảo rằng lính đầu bếp chả biết phục hậu![12]...” Ấy mà gã ta thì lại trăm nghìn lần thích công việc hơn là mỗi ngày hai lần làm cái nghề nấu bếp đêm như thế.
Parađi đã mở nắp những bình con và khám soát các bình chứa:
- Đậu khô nấu dầu, thịt, canh và cà phê. Có thế thôi.
Tuyacơ oang oang lên:
- Khỉ ơi! Thế còn rượu?
Gã khích anh em:
- Này, các cậu, lại đây mà xem! Thế này thì quá quắt lắm. Không có rượu đâu, đành treo mõm.
Bọn khát rượu nhăn nhó chạy lại. Những kẻ thất vọng đến tận ruột gan đó thét lên:
- A! Thế thì cứt thật!
Gã phụ dịch mặt vẫn đỏ và đầy mồ hôi, đưa chân chỉ vào một cái xô:
- Thế thì cái gì trong xô này?
Parađi nói:
- Ừ, tớ nhầm, có rượu vang đấy.
Gã phụ dịch nhún vai, lườm Parađi một cách vô cùng khinh bỉ:
- Cái thằng bố quấy này! Mắt mày có mù thì phải đeo kính chứ.
Gã tiếp:
- Mỗi người một ca... Có lẽ ít hơn một tí, vì một thằng ngốc nào đó đụng phải tớ khi qua giao thông hào “Khu Rừng” và làm chao sánh mất mấy giọt – Gã vội vàng cao giọng nói thêm. – À, nếu tớ không mang nặng đi thì phải biết thằng cha đã được một cái đá vào mông. Nhưng nó mở máy chuồn thẳng, thằng chó!
Và, mặc đầu lời tuyên bố cứng cát đó, chính gã cũng bỏ chuồn; những lời nguyền rủa bóng gió chỉ trích sự thiếu thành thực và tính tham ăn của gã mà nhời thú nhận khẩu phần bị bớt đã khơi lên, nhao nhao đuổi theo gã. Trong khi đó, cả bọn húc đầu vào ăn, người đứng, kẻ ngồi xổm, kẻ quỳ, kẻ thì ngồi trên một cái bình hay một cái túi đất moi trong hố hầm ra, hoặc ngả nghiêng trên mặt đất, lưng vùi trong đất cát, bị kẻ qua lại quấy rầy, bị chửi rủa trả lại. Trừ một vài câu chửi hoặc pha trò thông thường, họ không nói gì, hoàn toàn còn bận nhai, nuốt, miệng và môi bê bết mỡ như những “quy lát” súng.
Họ hài lòng.
Khi những hàm răng bắt đầu ngừng nhai, họ đưa ra những câu nói đùa tục tĩu. Họ chen chúc nhau, thi nhau nói thật to để xen chuyện. Factađê, gã nhân viên thị chính khẳng khiu, mỉm cười. Gã này, những ngày đầu, giữa đám chúng tôi, có vẻ đứng đắn và sạch sẽ như một khách lạ hoặc một người ốm dậy. Lamuydơ sung sướng đến chảy nước mắt, mở và há hoác cái miệng cà chua; bộ mặt đỏ hồng của Pôteclô nở ra và nở lại nữa; những nét răn của lão Blerơ rung rinh khoái chí. Lão này đứng nhô đầu ra đằng trước, lắc lư thân hình ngắn ngủi, gày còm trông giống như cái cán đỡ bộ ria to tướng buông thõng của lão. Và ngay cả bộ mặt choắt nhỏ, nhăn nheo thảm hại của Côcôn cũng rạng rỡ lên.
o O o
Bêcuwơ hỏi:
- Có cần hâm cà phê lại một chút không?
- Hâm bằng cái gì, hà hơi vào ư?
Bêcuwơ vốn ưa cà-phê nóng, nói:
- Để tớ xoay cho. Khó đếch gì cái việc ấy. Các cậu cứ sắp sẵn một cái bếp con, và lấy mấy cái vỏ lưỡi lê làm nóng. Tớ biết ở đâu có củi rồi. Tớ lấy con dao đẽo mấy miếng gỗ mỏng, đủ để hâm cái nồi. Rồi anh em xem...
Thế là gã đi lùng củi.
Trong lúc chờ đợi cà-phê, họ quấn thuốc, họ nhồi píp.
Họ rút những túi đựng thuốc lá ra. Và anh em có những cái túi bằng da hoặc bằng cao su mua ở hiệu. Đó là số ít. Bikê móc thuốc lá ở chiếc bít tất, mé trên thắt bằng một sợi dây. Những gã khác phần lớn dùng túi bông chống hơi ngạt làm bằng một thứ vải không thấm nước, rất tiện để bảo quản thuốc râu ngô hay thuốc hảo hạng. Lại có những gã vét thuốc ngay trong túi áo ca-pốt.
Những gã hút thuốc ngồi vòng tròn, khạc nhổ ngay ở cửa ra vào hầm, nơi đa số anh em bán trung đội ở, và nước bọt vàng khè chất nicôtin làm ướt sũng chỗ anh em thường đặt tay và quỳ gối khi gấp mình lại để ra vào.
Nhưng nào ai chú ý đến chi tiết đó?
Nhận lá thư vợ Mactơrô, họ bàn đến chuyện giá cả hàng hóa.
Mactơrô nói:
- Mụ nó vừa viết thư cho tớ. Một con lợn béo, tốt lành khỏe khoắn, các cậu có biết bây giờ ở vùng tớ giá bao nhiêu không?
... Vấn đề kinh tế đột nhiên biến thành một cuộc cãi lộn dữ dội giữa Pêpanh và Tuylacơ.
Những tiếng độc nhất được văng ra rồi đến:
- Điều mày nói, hay không nói, ông đếch cần. Câm mõm đi.
- Quân bẩn thỉu? Nói hay không là quyền tao.
- Một quả ba ki-lô đủ bịt miệng mày tức khắc.
- Được! Rồi xem thằng nào câm họng?
- Thì thử đi! Ừ, có giỏi thì thử đi!
Hai gã sùi bọt mép, nghiến răng và tiến lại nhau. Tuylacơ lăm lăm cái búa thời tiền sử, đôi mắt lác nảy lửa. Còn gã kia, tái mét, mắt xanh lè, bộ mặt ác ôn rõ ràng đương nghĩ đến lưỡi dao của hắn.
Lamuydơ đưa bộ mặt bốc máu và bàn tay hòa giải to như đầu một đứa bé ra can hai người đương vật lộn nhau bằng mắt và cắn xé nhau bằng lời.
- Thôi, thôi, đừng đả nhau, vỡ đầu rách tai cả giờ, chỉ thiệt thân thôi!
Những kẻ khác cũng can thiệp và tách hai địch thủ ra. Hai tay này vẫn trừng trợn hung dữ nhìn nhau qua các bạn khác.
Pêpanh lải nhải chửi nốt mấy câu giọng cay đắng và rên rỉ:
- Đồ cướp, đồ du côn, đồ đều! Cứ liệu thần hồn, sẽ biết tay ông.
Tuylacơ thì phân trần với một poa-luy đứng cạnh gã:
- Cái thằng chó chết ấy! Đấy! Cậu xem nó đấy. Cậu biết đấy, không cần phải nói. Ở đây người ta đụng chạm với hàng đống những kẻ mà người ta chẳng biết là hạng người nào. Biết mặt nhau mà không biết lòng nhau. Còn thằng này, nó muốn sinh sự thì cho nó biết tay. Chờ mà xem: Có ngày tớ sẽ cho nó vỡ mặt.
Trong khi đó, người ta lại tiếp tục trò chuyện làm lấp những dư âm cuối cùng của cuộc cãi lộn. Parađi bảo tôi:
- Thật chẳng ngày nào là không! Hôm qua thì thằng Pledăng lồng lộn muốn đánh vỡ miệng thằng Phuymex, không biết vì sao, hình như chuyện mấy viên thuốc phiện thì phải. Có phải không là cứ sống mãi như súc vật rồi đến thành súc vật cả núi mất.
Lamuydơ nhận định:
- Bọn chúng thật chẳng đứng đắn tí nào. Cứ như trẻ con.
- Tất nhiên, chúng chỉ là những con người mà lại.
o O o
Trời càng trưa dần. Thêm một chút ánh sáng đã lọc qua đám sương mù bao phủ mặt đất. Nhưng trời vẫn nhiều mây, thế rồi bắt đầu đổ mưa. Mây tơi tả hạ thấp dần. Mưa phùn. Gió đưa về chúng tôi, với một đà chậm chạp và chán chường, cái khoảng trống không ẩm ướt. Sương mù và nước mưa làm nhớp nhúa và xám xịt hết thảy, từ cặp má căng nhiễu điều của Lamuydơ, đến cái áo dài như vỏ màu da cam phủ trên lưng Tuylacơ. Nước làm tắt ngấm trong chúng tôi cái vui nặng trịch mà bữa ăn vừa rồi đã đưa lại tràn đầy. Không gian bị thu hẹp lại. Nối liền trên mặt đất, nơi cái chết hoành hành, là bầu trời buồn thỉu.
Cả bọn đứng chôn chân ở đó, vô công rồi nghề. Qua hết ngày hôm nay sẽ cũng khá vất vả. Biết làm gì cho hết buổi chiều? Ai nấy run lên vì rét, ai nấy đều khó chịu như một đàn súc vật bị ngăn trong hàng rào, chốc chốc họ lại đổi chỗ cho nhau.
Côcôn giải thích cho người bên cạnh vị trí của chiến hào rắc rối. Gã đã được xem một đồ bản chỉ hướng và gã đã tính toán. Trong khu của trung đoàn, có mười lăm đường chiến hào của quân ta. Có những đường đã bỏ không dùng, mọc đầy cỏ và hầu như đất bị lấp bằng. Có những đường khác được tu sửa luôn luôn và lố nhố những binh sĩ. Những đường hào song song đó nối với nhau bằng vô số đường giao thông ngoắt ngéo như những đường phố cổ. Mạng lưới chiến hào còn chi chít quá sức tưởng tượng của chúng tôi, những người đương sống ở đó. Trên hai mươi nhăm cây số đường rộng của mặt trận, kể có đến hàng nghìn cây số đường hào, chiến hào, giao thông hào, hầm ngầm mà quân đội nước Pháp có mười binh đoàn. Vậy thời về phía Pháp, có độ một vạn cây số chiến hào về phía Đức con số cũng tương tự. Và mặt trận Pháp cũng chỉ có là non một phần tám diện tích các mặt trận trên thế giới.
Côcôn nói thế rồi ngoảnh lại ngươi bên cạnh, kết luận:
- Trong tất cả đó, cậu xem, chúng mình là cái thá gì...
Bacơ thảm hại – bộ mặt thiếu máu của dân ngoại ô với chòm râu dê màu hung gạc ngang, với dúm tóc tỏa xuống như một dấu phẩy – cúi đầu:
- Đúng thế, nghĩ cho kỹ, thì một người lính hoặc nhiều người lính cũng vậy có ra quái gì, chẳng ra quái gì sốt trong đám đông hằng hà sa số. Thế là người ta thấy mình biến chìm, như chỉ là mấy giọt máu trong cái biển mênh mông những người và vật.
Bacơ thở dài và lặng im – Nhờ phút lặng im đó, nghe vẳng tiếng thì thầm kể tiếp một câu chuyện:
- Hắn đến với hai con ngựa. Xì... ịt... một tạc đạn. Thế là chỉ còn một con...
Vônpat nói:
- Người ta chán mớ đời.
Bacơ càu nhàu:
- Ngươi ta vẫn cầm cự đấy!
Parađi bảo:
- Phải giữ vững chứ.
Mactơrô hỏi, thiếu tin tưởng:
- Sao vậy?
- Chẳng cần giải thích, phải vật là cứ vậy.
Lamuydơ khẳng định:
- Chẳng có lý do gì sốt!
Côcôn nói tiếp:
- Có chứ... Đó là vì... Thực ra, nhiều lý do lắm...
- Câm cái mồm! Tốt hơn hết là không có lý do gì. Chỉ là cứ phải cầm cự thế thôi.
Blerơ giọng trầm, không bỏ lỡ dịp bào không lắp câu quá quen thuộc:
- Của đáng tội, chúng muốn cánh ta chết cả nút!
Tiaret nói:
- Lúc đầu, tớ nghĩ lung lắm, đến một đống chuyện tớ tư lự, tính toán; giờ thì tớ đếch nghĩ nữa.
- Tớ cũng thế...
- Tớ cũng vậy.
- Tớ thì chẳng bao giờ nặn óc.
Mexnin Anđrê giọng chanh chua nhạo báng:
- Đồ bẻm mép, mày chỉ giỏi giả đần.
Gã nọ, tự thấy đắc chí, nói rõ ý:
- Trước hết, cậu cũng không thể biết một tý gì.
Viên cai Bectrăng nói:
- Chỉ cần biết một điều, điều duy nhất, đó là bọn Đức hiện cắm rễ ở nước ta, và không thể để chúng đi qua, thế nào cũng có ngày phải tống cổ chúng càng sớm càng tốt.
- Phải, phải, phải cho chúng cút đi: đứng thế, không sai một ly; chẳng thế còn gì? Tội gì mà bóp đầu vò trán nghĩ này nọ, có điều là lâu đấy.
Fuiat gào lên:
- A! Khỉ ơi là khỉ! Lâu tí ti thôi.
Bacơ nói:
- Tớ thì không hằn học nữa. Lúc đầu, tớ hục hặc với tất cả mọi người, với bọn ở hậu phương, với bọn thường dân, với người dân địa phương, với bọn phục hậu. Ừ, tớ hục hặc, nhưng lúc đó là đầu chiến tranh, tớ còn trẻ. Bây giờ thì tớ xử sự chín hơn.
- Chỉ có một cách xử việc đời là: Gặp sao hay vậy!
- Mẹ kiếp, không thế cũng đến phát điên mất. Cứ thế này thì cũng đủ phát điên rồi phải không Firmanh?
Vônpat đồng tình sâu sắc, gật đầu tán thành, khạc nhổ rồi trố mắt ngây nhìn bãi đờm:
Bacơ nhấn mạnh:
- Cậu nói đúng quá.
- Ở đây, không nên nhìn ngó xa. Cứ sống ngày nào hay ngày ấy, nếu có thể. Giờ nào hay giờ ấy.
- Thằng mặt sành, mày nói đúng đấy. Trên sai gì thì cứ thế mà làm, cho đến bao giờ bảo cút thì ta cút.
Mexin Jôdep ngáp:
- À, thế đấy.
Những bộ mặt chín nhừ như da thuộc, đầy bụi đất, lặng im không nói nữa. Quả vậy, đó đúng là ý nghĩa của những con người, cách đây một năm rưỡi đã bỏ mọi miền đất nước tới tập hợp ở biên cương: đành chịu không tìm hiểu, đành chịu từ bỏ bản chất của mình; ước mong đừng mất mạng và chiến đấu để sống đỡ hơn chút nào hay chút ấy.
Bacơ đi đi lại lại chậm rãi, chân nghiến bùn:
- Làm tròn phận sự, đúng lắm, nhưng đồng thời phải biết xoay xở, đối phó.
o O o
Tuylacơ nhấn mạnh:
- Phải làm như vậy, không biết xoay xở thì đừng có hòng, không ai xoay xở thay cho đâu.
- Đâu có cái loài người biết quan tâm đến kẻ khác
- Trong chiến tranh, ai có thân, nấy lo!
- Đúng, đúng.
Một lúc im lặng. Rồi từ trong cảnh thiếu thốn, những con người đó hồi tưởng lại những cảnh thú vị.
Bacơ lại nói:
- Tất cả đó, sao bằng cảnh đời sung sướng hồi ở Xoaxông.
- A! Sướng ơi là sướng!
Thoáng nghĩ đến thiên đường đã mất, những cặp mắt sáng lên và hình như cả những bộ mặt bị rét lạnh kích thích cũng vậy.
Tirloa thở dài, thôi không gãi nữa, thờ thẩn nhìn ra xa, xuyên qua đất hầm:
- Sống thế mới thực lu bù.
- A! Trời ơi là trời! Cả cái thành phố đó tản cư gần hết, cánh ta hầu như hoàn toàn làm chủ. Nhà này, giường này...
- Tủ nữa này!
- Cả hầm chứa rượu nữa!
Lamuydơ nghe nói mà đôi mắt rơm rớm, mặt tươi như hoa và lòng thổn thức.
Cađilac mới đến cùng với đội nghiên cứu viện người Ô-vếc-nhơ, hỏi:
- Các cậu đóng ở đấy có lâu không?
- Hàng tháng.
Thế là câu chuyện gần tắt, lại nở như ngô rang, gợi lại thời kỳ sống sung túc.
Parađi nói như giấc mộng:
- Hồi đó, có những tay lính chuồn dọc theo và phía sau những căn buồng, lúc trở về nơi tạm nghỉ, bao nhiêu là gà buộc quanh mình, mỗi nách cắp một con thỏ mượn chẳng của ông bà nào chẳng biết mặt mà cũng không bao giờ gặp lại.
Thế là anh em lại nhớ đến hương vị xa xăm của thịt gà và thịt thỏ.
- Có những thứ anh em trả tiền hẳn hoi. Hồi đó, tiền tiêu như rác. Anh em còn giàu mà.
- Ừ đến hàng triệu. Suốt ngày vung tiền không thể tưởng tượng được. Thật là những thứ hội hè siêu phàm.
Blerơ bảo Cađilac:
- Nói cậu tin hay không tùy ý, chứ hồi đó, mặc dầu thế, ở đây cũng như ở khắp nơi chúng ta đặt chân tới, cái thiếu nhất là củi lửa. Cứ phải chạy theo củi, tìm củi, tranh thủ lấy củi. Chà! Cái chuyện chạy theo củi lửa mới mệt làm sao?
- Chúng tớ thì hồi đó ở nơi đóng quân của B.Đ.Đ[13] tay đầu bếp ở đó hồi ấy là gã Mactanh Xêda to lớn. Hắn thực có tài xoay củi.
- À, đúng, hắn ta thực là một tay cừ. Ai cũng phải nhận hắn có nhiều mánh khóe.
- Ông bạn ơi, bếp hắn bao giờ cũng có lửa. Ngoài đường hồi đó, ông bạn gặp nhan nhản những tay đầu bếp lăng xăng đi kiếm củi, kêu trời, kêu đất, rằng củi hiếm, than hiếm. Còn hắn thì hắn đủ củi lửa. Khi hết cái đốt, hắn bảo: “Đừng lo, tớ xoay được ngay”. Và cũng không lâu thật.
- Có thể nói là hắn làm khí quá: Lần đầu tớ gặp hắn trong bếp, có biết hắn đun xúp bằng gì không? Với một cây đàn vi-ô-lông hắn tìm được trong nhà.
Mexin Anđrê nói:
- Thế thì đồ bỏ thực. Tớ biết rằng đàn vi-ô-lông cũng chẳng được tích sự gì lắm, nhưng, thế cũng quá...
- Lần khác, hắn dùng những cây gậy đánh bi-a. Tớ chỉ kịp vớ được một cái để làm can, còn hắn đem đun ráo. Sau đó là những ghế bành của phòng khách bằng gỗ đào hoa tâm đều bí mật chui vào lò bếp. Hắn chặt phá ban đêm vì sợ bọn có lon bắt gặp thì sinh chuyện.
Pêpanh nói:
- Hắn làm quá... Chúng tớ thì chỉ phá có một cái tủ cũng đốt được mười lăm ngày.
- Thì tại hồi đó thiếu thốn tất cả mà! Cần nấu xúp mà đếch có củi, đếch có than. Sau đợt cấp phát, đành đứng đực ra đấy, hai bàn tay không trước từng đống thịt giữa những thằng bạn cứ nhìn mình phớt tỉnh, mà chỉ chờ dịp để chửi mình om tỏi, Thế thì làm thế nào được?
Cái nghề đầu bếp bắt phải thế. Có phải lỗi chúng tớ đâu.
- Bọn sĩ quan thấy đánh xoáy như vậy không nói gì à?
- Thì chính bọn họ cũng thả cửa! Đêmedông này, cậu có nhớ chuyện trung úy Virvanh phá cửa một hầm rượu bằng một phát búa không? Một tay binh nhì trông thấy và trung úy đành cho hắn cái cửa làm gỗ đun, để hắn đừng nói toang ra.
- Lại còn cái anh khốn khổ Xaladanh, sĩ quan hậu cần. Lúc tranh tối tranh sáng, người ta gặp hắn chui dưới hầm nhà lên, mỗi tay hai chai rượu vang trắng. Thật hệt như một bà vú ôm bốn tí nhau. Bị lộ, hắn bắt buộc phải trở xuống hầm rượu, lấy thêm phát cho hết thảy mọi người. Chú cai Bectrăng, chúa nguyên tắc, không chịu uống. Này cái anh bị thịt, cậu còn nhớ chứ?
Cađilac hỏi:
- Thế cái tay đầu bếp giỏi tìm củi lửa, giờ đâu rồi?
- Ngoẻo rồi. Một cái nồi[14] đã tương đúng vào trong nồi của hắn. Hắn không bị thương, nhưng khi thấy món mì của hắn tung lên trời, hắn thất kinh mà chết. Lão y sĩ bảo là tim bị kích động mạnh. Tim hắn vốn yếu, hắn chỉ khỏe tìm củi gỗ. Hắn được chôn cất tử tế. Người ta làm cho hắn chiếc quan tài bằng những chiếc ván sàn buồng; người ta đã tháo đinh ở những bức họa để ghép ván và dùng gạch để đóng đinh. Khi người ta khiêng hắn đi, tớ tự bảo:
“Cũng may cho hắn là hắn chết rồi. Nếu còn sống, thấy thế, hắn sẽ tiếc biết bao vì đã không nghĩ đến việc lấy ván buồng ra mà đun.” A! Cái thằng kỳ dị, thằng chó đẻ!
Vônpat giọng triết lý:
- Cánh lính quèn vẫn giỏi xoay sở trên lưng kẻ khác. Khi ta chuồn việc nặng hay giành lấy phần ngon chỗ tốt thì kẻ khác sẽ thiệt thòi.
Lamuydơ nói:
- Tớ lắm lúc xoay xở để khỏi phải ra chiến hào và tớ không tính đã trốn được bao nhiêu lần. Tớ thú thực điều đó. Nhưng khi anh em bị nạn, tớ không tìm cách lợi dụng, không nghĩ đến xoay xở nữa. Tớ quên cả bộ quân phục đang mặc, quên hết. Tớ chỉ thấy có anh em và tớ xông ra. Nhưng nếu không thế, ông bạn ạ, thì tớ nghĩ ngay đến thần xác tớ.
Lamuydơ nói thế không phải là suông. Quả thực gã là một tay thiên tài, giỏi lẩn tránh mọi nặng nhọc. Tuy nhiên, gã cũng đã xông pha bom đạn, cứu được nhiều người bị thương.
Gã giải thích sự việc không chút khoe khoang:
- Lúc đó, tất cả anh em đang núp trong cả. Đạn bắn dữ dội! Đùng! Đùng! Veo! Véo! Khi thấy anh em bị đạn, tớ nhỏm dậy, mặc dầu người ta gào tớ: “Nằm xuống!” Tớ không thể để mặc anh em được. Tớ chẳng có gì đáng khen, vì tớ không thể làm khác được.
Hầu hết anh em trong tiểu đội đều lập được một vài chiến công và những huy chương chiến công lần lượt được gài lên ngực họ.
Bikê nói:
- Tớ thì tớ chưa cứu được người Pháp mình, nhưng đã tóm được những quân Bôtsơ[15].
Trong những cuộc tấn công tháng năm, gã đã vượt lên trước, mất hút như một chấm đen rồi trở về với bốn thằng cha đội cát-két.
Tuylacơ nói:
- Tớ thì tớ đã giết được ít nhiều bọn nó.
Cách đây hai tháng, với cách điệu hãnh diện, gã đã bày ra chín tử thi giặc trước chiến hào mới chiếm được.
Gã nói thêm:
- Nhưng chỉ ghét nhất là bọn quan Đức.
- Chà! Những đồ bò!
Rất nhiều anh em, từ thâm tâm, đã thốt ra câu đó cùng một lượt.
Tirloa nói:
- Này, ông bạn này, người ta bảo nòi giống bốtsơ bẩn thỉu. Lính Đức thì tớ không biết có đúng không, hay người ta bịa ra để bịp chúng ta, hoặc giả, xét cho cùng, họ không phải là những con người đại khái như chúng ta.
Ơđo tiếp:
- Rất có thể họ cũng là những người như chúng ta.
Côcôn kêu lên:
- Chưa chắc!
Tirloa nói tiếp:
- Dầu sao chúng ta không biết rõ về lính. Còn sĩ quan Đức? Không, không, không: chúng không phải là người, mà là những quái vật. Ông bạn ạ, chúng thật là một loài dòi bọ ghê tởm. Có thể nói là những vi trùng của chiến tranh. Phải nhìn sát tận chúng, những thằng ghê gớm, vừa cao vừa cứng, gầy như que củi và đều thuộc loại đầu trâu mặt ngựa.
- Hoặc toàn là một loại miệng hùm nọc rắn.
Tirloa nói tiếp:
- Có một lần, đi liên lạc về, tớ gặp phải một thằng là tù binh. Cái thằng mới ghê tởm làm sao! Một tên đại tá người Phổ, theo người ta nói, là một hoàng thân đấy, có cái huy hiệu quý tộc bằng vàng in trên vật dụng. Trong khi đưa nó đi trong giao thông hào, nó phát khùng vì có người đã dám đi qua chạm phải nó! Và nó cứ vênh cổ lên, dáng hãnh diện nhìn mọi người. Tớ mới tự nhủ: “Cái thằng khỉ già, chờ đấy, ông thì làm cho mày gầm lên bây giờ!” Rồi, chờ dịp, tớ đứng chững chạc sau lưng nó, ngắm nghía cẩn thận, lấy đà hết sức, tống cho một cái móng giò vào mông đít. Ấy, ấy nó ngã phịch xuồng, hầu như tắc thở.
- Tắc thở à?
- Ừ, vì nó tức uất lên khi hiểu đầu đuôi, biết rằng cái đít sĩ quan và quý tộc của nó đã bị giầy đinh của một chú lính trơn đá vào. Rồi nó rống lên như một con mụ đàn bà, lẩy bẩy chân tay như một thằng ngộ gió.
Blerơ nói:
- Tớ thì vốn không ác. Tớ có con thỏ và ở nhà, khi phải làm thịt nuôi một con lợn nuôi đã quen, tớ vẫn khó chịu. Nhưng những hạng đó, tớ sẵn sàng xiên cho một lưỡi lê giữa bụng có thằng – Xịch – Thế là xong.
- Tớ cũng vậy.
Pêpanh nói:
- Chưa kể chúng nó có những cái vung[16] bằng bạc, những súng lục lúc cần có thể bán lại được trăm đồng, những ống dòm lăng trụ vô giá. Chà, tiếc quá. Buổi đầu chiến dịch tớ bỏ mất nhiều dịp may. Hồi ấy, tớ hoàn toàn ngốc nghếch. Đáng kiếp cho tớ. Nhưng đừng lo: Thế nào tớ cũng vớ được cái mũ bạc. Nghe chứ, tớ thề rằng thế nào tớ cũng được một chiếc. Không những tớ muốn cái thần xác mà cả sống áo của một tên đeo lon của Ghiôm[17]. Đừng lo: trước khi chiến tranh kết liễu, thế nào tớ cũng xoáy xong.
- Cậu tin rằng chiến tranh sẽ kết liễu à?
Người kia trả lời:
- Đừng lo.
o O o
Nhưng đây, phía phải chúng tôi, có tiếng lao xao và đột nhiên nhô ra một tốp người chuyển động ồn ào, những hình thù màu sẫm lẫn lộn với những hình thù nhiều màu sắc.
- Cái gì thế hử?
Bikê đánh liều ra xem; gã trở lại, ngón tay trỏ qua vai, chỉ cái đám sặc sỡ:
- Ơ này! Các cậu, ra mà xem. Có người.
- Có người: Thế nào?
- Ừ, những Ngài, chứ gì. Những chú “xi-vin”[18] với bọn sĩ quan tham mưu.
- Những vị “xi-vin” à? Miễn là họ cầm cự!
Đó là một sáo ngữ. Nó làm cho người ta phá lên cười, dầu đã được nghe đến trăm lần, dầu sai hay đúng, người lính đã quên xuyên tạc nghĩa gốc của nó và coi nó là một sự xúc phạm éo le đến cảnh đời thiếu thốn và hiểm nghèo của mình.
Hai vị tiến lại, hai vị khoác ba-đờ-xuy, tay cầm can, một vị khác bận quần áo đi săn. Mũ dạ nhung và cầm ống nhòm.
Theo sau họ và hướng dẫn họ là những cái áo dài nhà binh màu xanh nhạt, lấp loáng những da màu nâu hoặc da láng màu xám đen.
Một đại úy giơ cánh tay chói sang một băng lụa thêu vàng với những tia vàng, chỉ cái ghế đứng bắn trước một bờ hào xẻ rãnh cũ kỹ, mời các tân khách trèo lên để xem. Vị bận quần áo hành trang chống ô leo lên.
Bacơ nói:
- Các cậu đã được thấy cảnh tưởng tượng một trưởng ga bận lễ phục chỉ một toa xe lửa hạng nhất ở ga miền Bắc cho một nhà đi săn giàu có ngày khai mạc mùa săn giàu có, ngày khai mạc mùa săn: “Thưa ông chủ, mời ngài lên”. Các cậu biết đấy, đúng là cảnh tượng những bọn thượng lưu, quần áo mới toanh, bảnh chọe, những da những kền sáng loáng, vênh váo trang bị để đi săn siếc lăng nhăng!
Ba bốn binh nhì võ trang không tề chỉnh, vội lẩn xuống hầm sâu. Bọn khác đứng im như tê liệt, tẩu thuốc cũng tắt ngấm, và chỉ còn nghe tiếng xì xào trò chuyện của bọn sĩ quan và tân khách.
Bacơ thấp giọng:
- Đấy là những khách du lịch chiến hào.
Rồi nói to hơn: “Ở đây ạ, thưa các Quý Bà, Quý Ông!” Người ta nói với họ như thế.
Facfađê sợ cái miệng bô bô của Bacơ khiến những nhân vật có thế lực đó chú ý đến, rỉ tai bảo khẽ:
- Cậu lùi ra.
Trong tốp người có những đầu ngoảnh về phía chúng tôi. Một ngài tiến về chúng tôi, đầu đội mũ mềm, cà vạt phất phới. Ngài ta có bộ râu bạc, trông ra vẻ nghệ sĩ. Một vị nữa theo sau, áo ba-đờ-xuy đen, mũ mơ-lông đen, râu đen, cà-vạt trắng, kính cặp mũi.
Vị thứ nhất nói:
- À! À! Anh em poa-luy đây rồi. Thật đúng là những poa-luy chính cống.
Ngài đến gần bọn chúng tôi, hơi ngượng nghịu như khi đi xem thú ở Vườn Bách thảo và không khỏi vụng về bắt tay người đứng gần nhất như người ta đưa một mẩu bánh cho voi. Ngài lưu ý các vị khác:
- Ê này, họ uống cà-phê đấy.
Một tay ba hoa cải chính:
- Anh em gọi nó là “nước chắt”.
- Có được không, các ông bạn?
Người lính cũng ngượng nghịu trước cuộc gặp gỡ lạ lùng và ngoại lai này, lầu bầu cười và đỏ mặt, còn ngài kia thì cứ: “Hề! hề!”
Rồi ngài sẽ gật đầu làm hiệu và lùi trở ra.
- Tốt lắm, tốt lắm các bạn ạ. Các bạn là những người can trường.
Đoàn người, gồm những áo dạ màu nhạt, y phục thường dân xen lẫn những màu tươi binh phục – giống những phong lữ thảo và tử dương hoa giữa mảnh đất tối tăm của một vườn búi hoa cảnh – chuyển động, đi qua rồi sà sang phía đối diện với chỗ mà lúc nãy họ tới. Một sĩ quan nói: “Thưa các vị nhà báo, chúng ta còn nhiều chỗ nữa nên xem.” Khi cái đám sáng chói đó đã đi khuất, chúng tôi nhìn nhau. Những gã ban nãy chuồn xuống hầm lại từ từ chui lên, đầu ló ra trước. Anh em trấn tĩnh tinh thần và nhún vai.
Tiaret nói:
- Đó là những nhà báo.
- Nhà báo à?
- Phải, những tiên sinh đẻ ra những tờ báo. Cái cậu con tườu này, hình như cậu không hiểu: đã có báo, tất phải có người viết ra nó.
Mactơrô nói:
- A! Thế chính bọn chúng vẫn nhồi sọ chúng ta phải không? Bacơ làm bộ cầm tờ giấy trước mắt, lên giọng óc và đọc: – Hoàng thái tử Đức phát điên sau khi đã bị giết vào đầu chiến dịch và trong khi chờ đợi, hắn bị đủ các loại bệnh mà người ta cầu cho hắn, Ghiôm sắp chết chiều hôm nay và ngày mai sẽ lại chết. Quân Đức hết đạn dược, lương thực, chỉ ăn gỗ; theo những tính toán đáng tin cậy nhất, chúng chỉ có thể cầm cự đến hết tuần. Không cần phải đánh, muốn lúc nào là tóm được chúng lúc ấy. Nếu ta còn chờ đợi ít ngày, chính vì chúng ta chưa muốn xa cuộc sống ở chiến hào; ở đấy dễ chịu quá, nào nước, nào hơi đốt, nào hương sen để tắm ở mọi tầng. Chỉ có một điều bất tiện là mùa đông ở đây hơi nóng quá... Còn bọn Áo thì từ lâu đã không cầm cự được nữa: Chúng chỉ làm ra vẻ thôi...” Cứ như thể đã mười lăm tháng rồi và thằng chủ nhiệm bào với bọn bồi bút: “Này các bạn, lia lịa đi chứ, cố mà nặn ra như thế cho tôi trong khoảnh khắc và kéo dài bôi bác đủ bốn trang cho có giấy trắng mực đen”.
Fuiat nói:
- À! Đúng thế!
- Thế nào, bác cai, bác lại cười à? Thế người ta nói có đúng không?
- Cũng đúng ít nhiều, nhưng các chú nói quá. Nếu không có báo thì các chú vêu mồm ra trước hết. Thực thế, khi anh bán báo đi qua, sao các chú đều nhao nhao lên gọi:
- “Tôi! Tôi!”
Lão Blerơ nói to:
- Vả lại như thế thì đã làm sao! Mày cố bôi nhọ báo chí thì ích gì, cứ làm như ta: không nghĩ gì cả.
- Phải, phải, thôi, ngấy lắm rồi. Bọn đầu lừa, sang chuyện khác đi thôi.
Câu chuyện bị phân tán, sự chú ý rời rạc, tản mạn. Bốn chú họp nhau đánh bài cho đến khi chiều tối trông không rõ bài nữa mới thôi. Vônpat cố chụp lấy một tờ giấy thuốc lá vừa lọt khỏi tay gã đang bay lên bay xuống, ngoằn ngoèo trước gió trên vách chiến hào như một con bướm trắng.
Côcôn và Tiaret nhắc lại những kỷ niệm thời còn ở doanh trại. Những năm quân dịch đã để lại trong tâm hồn một ấn tượng không phai nhạt: Đó là một mớ kỷ niệm phong phú tươi màu, lúc nào cũng sẵn sàng và từ mười, mười lăm hoặc hai mươi năm, người ta vẫn quen tìm ở đó những đầu đề trò chuyện... Quen đến nỗi bây giờ tác chiến dưới đủ mọi hình thức đã một năm rưỡi rồi người ta vẫn tiếp tục gợi lại.
Tôi nghe được một phần câu chuyện của hai người, tôi đoán nốt phần cuối. Chẳng qua, trước sau chẳng có gì khác, vẫn một loại những mẩu chuyện mà những binh sĩ cũ dốc từ quãng đời binh lính quá khứ của mình; người kể chuyện đã từng làm cho một sĩ quan ác nghiệt phải câm miệng bằng những lời lẽ thích đáng và gân guốc. Gã đã dám, đã to tiếng, mạnh bạo mà nói!... Và mẩu lọt vào tai tôi:
-... Thế ra, cậu tưởng khi Nơnơi lấn tớ mà tớ chịu hẳn? Không bao giờ ông bạn ạ. Cả bọn đều im thin thít; nhưng tớ, nói to: “Thưa ông quản – tớ bảo thế – có thể được, nhưng...” (tiếp đến một câu mà tôi không nhớ nữa)... Ồ! Cậu phải biết, tớ nói như thế đấy. Nó làm thinh và khi chuồn đi, nó bảo tớ “Được, được...” Thế rồi từ đó thành ra hẩu với tớ.
- Giống kiểu tớ với thằng Đôđorơ, viên quản của đơn vị 13 hồi tớ nghỉ phép. Một thằng chết toi. Hiện giờ nó ở điện Pantêông làm người gác ở đấy. Nó ghét tớ thậm tệ. Thế rồi...
Thế rồi mỗi người trút ra hết những từ ngữ lịch sử của mình.
Bọn họ, anh nào cũng giống anh nào; nhưng không một ai không bảo: “Tớ, tớ đếch giống kẻ khác”.
o O o
- Gã đưa thư!
Đó là một người cao, vai rộng, bắp chân to tướng, ăn bận đầy đủ và chải chuốt như một hiến binh.
Gã đương bực mình. Vừa có những lệnh mới và bây giờ hàng ngày, gã phải đến tận bộ chỉ huy của Đại tá để mang công văn giấy tớ. Gã phỉ báng quyết định đó và tưởng như mình bị chùy.
Nhưng, bực mình thì bực mình, gã vẫn theo thói quen đi qua gặp ai cũng trò chuyện với anh này, anh kia một tí, trong khi gọi những viên cai ra lấy thư. Và mặc dầu bực bội, gã vẫn không những giữ riêng tin tức mà gã tủ được. Vừa cởi dây gói bó thư, gã vừa làm quà truyền miệng lại mớ tin tức hàng ngày.
Trước hết, gã bảo rõ ràng trên báo cáo có in lệnh cấm không được đội mũ mấn.
Tiaret bảo Tirloa:
- Cậu nghe đấy chứ? Thế là bây giờ cậu bắt buộc phải tung cái mũ mấn của cậu đi.
Gã đội mũ mấn, lòng tự ái với lợi ích tiện nghi riêng bị va chạm trả lời:
- Không bao giờ! Tớ không chịu. Lệnh đó không đụng đến tớ được.
- Lệnh của nguyên soái chỉ huy quân đội kia mà.
- Thế thì nguyên soái tổng chỉ huy phải ra lệnh cho trời đừng mưa đã. Tớ nhất định không biết.
Phần lớn những mệnh lệnh ít lạ lùng bằng kiểu trên, vẫn luôn được tiếp đón như vậy... trước khi chấp hành.
Gã đưa thư nói:
- Trong báo cáo, cũng có lệnh phải xén râu. Và đầu tóc cắt cho ngay ngắn.
Bacơ có chùm tóc đỉnh đầu bị lệnh đó trực tiếp hăm dọn nói:
- Đồ béo ơi! Cậu ngậm miệng đi. Cậu tưởng tớ sẽ làm theo thế thì cậu nhầm to. Dứt khoát là không bao giờ.
- Với tớ, cậu nói gì thì nói. Chấp hành mệnh lệnh hay không tùy cậu. Tớ cần đếch gì?
Bên cạnh những tin tức cụ thể, thành văn bản, có những tin tức khác, rộng rãi hơn, nhưng cũng hồ đồ và kỳ cục hơn: Sư đoàn sẽ được thay chân hoặc để đi nghỉ – mà nghỉ thực sự, trong sáu tuần – hoặc đi Ma-rốc, hoặc có thể đi Ai-cập.
- Ê!... Ồ!... À!...
Họ chú ý nghe. Họ xiêu lòng trước uy thế của cái mới, cái lạ. Nhưng có người hỏi gã đưa thư:
- Ai bảo cậu thế?
Gã chỉ rõ những nguồn tin:
- Viên quản chỉ huy đội hậu bị phụ trách phụ dịch ở T.H.D. của Q.Đ.
- Ở cái gì?
- Ở Tổng hành dinh của Quân đoàn. Và không phải chỉ mình viên ấy nói. Cậu biết chứ, có cả cái chú mà tớ đã quên tên: Hắn ta giống chàng Ganlơ mà không phải là Ganlơ. Lại còn cả cái anh nào chẳng biết trong gia đình hắn ta mà, mà giữ chức gì cũng chẳng biết nốt. Nhờ thế tớ mới biết tin đấy chứ.
- Rồi sao nữa?
Họ ngồi đấy, quây thành vòng tròn quanh người kể chuyện mắt thèm khát.
- Cậu bảo chúng tớ sang Ai-cập hử? Tớ không biết Ai-cập là đâu cả: Tớ chỉ biết hồi còn bé, còn đi học thì ở đó có những Pharaông[19]. Nhưng từ bấy đến giờ!...
- Ở Ai-cập...
Ý nghĩ dần dần in sâu vào trí não...
Blerơ nói:
- Ờ không, vì tớ dễ say sóng... Nhưng chẳng sao, say sóng cũng chóng khỏi. Được, nhưng không biết mẹ nó nghĩ sao?
- Làm thế nào? Rồi bà ấy quen đi chứ! Cậu sẽ thấy đầy đường phố những người da đen và những chim lớn, nhiều như bên ta gặp chim sẻ?
- Nhưng không cần phải sang Andát à?
Gã đưa thư nói:
- Có, Ở Ngân khố[20] có những tay tin như thế.
- Với tớ, thế cũng được.
... Nhưng lý trí và kinh nghiệm thu được đã thắng và xua đuổi sự mơ mộng. Người ta đã quả quyết bao nhiêu lần rằng sắp đi xa, bao nhiêu lần người ta đã tin thế và bao nhiêu lần đã ngã ngửa! Vì thế, tất nhiên, đến một lúc nhất định, người ta tỉnh mộng.
Tất cả, toàn là tin vịt. Nhiều tin vịt quá rồi. Hãy chờ đã rồi hãy tin – và đừng băn khoăn mảy may.
Họ trở về chỗ mình, đây đó vài người trong tay cầm một lá thư nhẹ bỗng, nhưng quan trọng.
Tirloa nói:
- À, tớ phải viết thư mới được. Tớ không thể để tám ngày liền không biết. Thế đấy, chả làm thế nào được.
Ơđo nói:
- Cả tớ nữa, tớ phải viết cho cô vợ bé nhỏ.
- Mariet vẫn mạnh giỏi chứ?
- Vâng, vâng, chả phải lo cho Mariet.
Mấy gã đã ngồi để viết thư. Bacơ đứng, tờ giấy trải trên một quyển sổ con trong một hốc lõm trên vách, hình như đương lúc cảm hứng. Gã viết, viết mãi, đầu nghiêng xuống, mắt đăm chiêu, dáng điệu bị thu hút hệt như một kỵ sĩ đang đà phi ngựa.
Lamuydơ vốn không có trí tưởng tượng, khi đã ngồi xuống, đặt tập giấy lên đôi đầu gối êm, thấm nước miếng vào bút chì mực thì cứ loay hoay đọc lại mãi nhưng lá thư cuối cùng đã nhận được, không biết viết gì thêm ngoài những điều gã đã viết và cứ vò đầu muốn viết thêm những điều khác.
Một vẻ dịu hiền của tình cảm như tỏa trên mặt gã Ơđo nhỏ bé, ngồi thu hình trong một kiểu khám bằng đất. Gã suy nghĩ, bút chì cầm tay, mắt dán vào tờ giấy; dáng mơ mộng, gã nhìn, gã ngắm nghía, gã trông và một bầu trời khác nào kia như chiếu sáng vào gã. Tầm mắt gã hướng vào phía đó. Gã vươn mình đến tận quê nhà.
Thời gian viết thư là thời gian người ta sống lại thời xưa nhiều hơn và khoái hơn cả. Nhiều anh em thả mình vào dĩ vãng và trước hết, nhắc đến miếng ăn miếng uống.
Dưới những vỏ ngoài thô kệch, tối tăm, ở nhiều kẻ khác, những trái tim để một kỷ niệm lên tiếng thầm thì kể lể và gợi lại những ánh sáng xa xưa: một buổi sáng mùa hạ, khi màu xanh mát rượi của khoảng vườn hòa vào khắp màu trắng toát của căn phòng thôn dã, hoặc khi trên đồng nội, gió dồn từng đợt chậm và mạnh vào cánh đồng lúa mì, và cạnh đó, lay động lúa mạch trong một khoảng ruộng vuông vắn từng đợt mau lẹ và nhỏ nhẹ. Hoặc một buổi chiều mùa đông, một cái bàn, xung quanh quây quần những phụ nữ vẻ hiền từ, một cây đèn dịu dàng, ánh sáng êm ả tỏa dưới chân đèn.
Trong khi đó, lão Blerơ lại đem chiếc nhẫn ra làm nốt. Lao đã quàng cái vòng nhôm chưa thành hình vào một đầu gỗ tròn rồi lấy dũa mài. Lão chăm chú vào công việc, hết sức suy nghĩ, hai nét rắn hằn trên trán. Thỉnh thoảng dừng lại, ngẩng đầu lên, dịu dàng nhìn cái vật nhỏ đó như là nó cũng biết nhìn lại lão.
Có một lần, nhân làm một cái nhẫn khác, lão bảo tôi: Cậu phải hiểu rằng đây không phải là vấn đề làm khéo hay không. Điều quan trọng là đây tớ làm cho vợ tớ, hiểu chưa? Khi tớ rảnh rỗi, khi tớ lười nhác, tớ lại nhìn cái ảnh này (lão chìa ra tấm ảnh một mụ đàn bà béo trục, má phỉnh), thế là tớ lại dễ dàng bắt tay vào cái nhẫn khỉ này. Có thể nói là hai vợ chồng tớ cùng làm lên nó, cậu hiểu chưa? Chứng cớ là cái nhẫn đã đánh bạn với tớ và khi tớ gửi nó lại cho mẹ đĩ, tớ đã từ giã nó.
Bây giờ lão làm một cái nhẫn khác. Trong đó có cả đồng. Lão hăng say lắm. Đó chính là trái tim lão muốn thổ lộ ra càng rõ càng hay và hăm hở lao vào công việc nắn nót đó.
Trong những lỗ đất trơ trọi này, bọn họ, những người kính cẩn nghiêng mình trên những thứ trang sức nhẹ bỗng, thô sơ và bé nhỏ đến nỗi bàn tay to cứng của họ cầm khó khăn và đành để lọt, nom càng man rợ, càng nguyên thủy và càng có vẻ “con người” hơn trong mọi cảnh khác.
Người ta liên tưởng đến người sáng chế đầu tiên, thủy tổ của những nhà nghệ sĩ, đã gắng gửi gắm vào những đồ vật lâu bền cái hình dáng mà họ trông thấy và cái linh hồn mà họ cảm thấy.
o O o
Bikê vốn hay lưu động, đóng vai người canh cổng[21] trong khu chiến hào của chúng tôi báo tin:
- Có một bọn sắp qua đây. Cả một nút người.
Đúng ngay lúc ấy, một viên quan, lưng da thắt ở bụng, quai da ở cằm, nhô ra, tay vung vỏ kiếm.
- Các người kia, dãn ra. Thế nào, ta đã bảo dãn ra mà. Các người đứng cà-rảng đấy à... Mau lên, phới! Ta không muốn thấy các người trong lối đi này nữa, nghe chưa?
Anh em loạc choạc tránh. Vài gã ở phía hai bên, chầm chậm tụt dần xuống đất.
Đó là một đại đội hậu bị làm công tác dọn đất ở phòng tuyến thứ hai và tu sửa giao thông hào mặt sau của khu vực. Họ xuất hiện, trang bị đầy dụng cụ, áo quần tiều tụy, kéo lê từng bước đi.
Người ta nhìn họ, từng người một tiến lại gần, đi qua rồi khuất hẳn. Đó là những người già, nhỏ bé khẳng khiu, má xam xám gio, hoặc những tay to xác mà yếu người, bó chặt trong những áo ca-pốt bạc màu và nhem nhuốc, mất cúc, há hốc như những cái mồm hết răng.
Tiaret và Bacơ, hai gã láu tôm, co mình đứng đực vào vách, trước còn im lặng trừng trừng nhìn họ. Bỗng hai gã mỉm cười.
Tiarel nói:
- Cuộc diễu binh của lính quét.
Bacơ báo tin:
- Anh em sắp được cười đùa ba phút.
Vài gã lao công già đó trông nôn cả người. Một lão đi trong hàng ngũ, hai vai trễ xuống như cổ chai, lồng ngực lép kẹp, chân cẳng khẳng khiu và bụng thì lại to.
Bacơ không nhịn được nữa, liền nói:
- Ê này, lão Bụng Phệ.
Thấy một cái áo ca-pốt vá chằng vá chịt đủ các màu xanh đi qua, Tiaret nhận xét:
- Cái áo lạ kỳ.
Gã gọi giật lão lính cựu:
- Này, bố “mẫu vải hàng”... Rồi gã nhấn mạnh: Này, cái anh kia, ấy, bảo này.
Lão lính quay lại nhìn gã, miệng há hốc:
- Bố ơi bố, bó có ngoan thì cho con biết địa chỉ anh thợ may Luân-đôn của bố.
Bộ mặt già nua đầy vết nhăn cười gằn – nhưng rồi lão lính nghe lời Bacơ gọi, dừng chân một chút, lại bị làn sóng người theo sau xô đẩy đi.
Sau mấy bộ mặt loàng xoàng vô vị hơn, lại một nạn nhân khác đi tới để bị chế giễu. Trên cái gáy đỏ và sần sùi, một thứ lông cừu bẩn thỉu mọc lên. Đầu gối gập xuống, mình nghiêng về đằng trước, lưng còng, người lính hậu bị này đứng không vững. Tiaret trỏ vào hắn, reo lên:
- À này! Con người dàn xếp trứ danh đấy[22]. Gặp phiên chợ thì phải mất tiền mới được xem gã. Ở đây thì đếch phải tiền.
Hắn làu bàu chửi rủa, còn anh em đây đó thì cười rộ. Thế cũng đủ để làm cho hai ông bạn láu tôm càng hứng thú phóng ra những câu pha trò trong đám quần chúng dễ tính, nhạo báng những cái lố lăng của bọn lính già nua đó đang ngày đêm vất vả bên lề cuộc đại chiến để chuẩn bị và tu sửa những chiến trường.
Và cả những khán giả khác cũng cười lây. Đã khốn khổ, họ còn giễu cợt những kẻ khốn khổ hơn mình.
- Này, ngắm thẳng này – và thẳng kia nữa, kìa!
- Úi dào, thì mày hãy ngắm cho tao hình dạng của thằng lùn kia. Ê! Cái thằng xa trời kia! Ê!
- Lại còn cái thằng bất tận kia[23]. Thật là một kiểu nhà chọc trời. Này lại thằng kia nữa, đáng nhìn đấy. Ừ, mày đáng nhìn đấy, bố già ạ!
Người lính mà người ta đang nói đến, đi từng bước cầm cái cuốc nhô ra đằng trước kiểu cầm một cây nến, mặt cau có, mình nghiêng hẳn về phía trước, cứng lại vì bệnh đau lưng.
Khi y đi tới vừa tầm, Bacơ vỗ vai y, hỏi:
- Này! Ông nội, đãi hai xu, lấy không?
Người lính sói đầu, phật ý, càu nhàu: “Đồ vồ lại”.
Thế là Ba cơ rít lên:
- Đồ mặt địt, đồ cứt đái, mày lại không lễ phép được một chút à.
Người linh già, chuyển hẳn mình lại, nổi xung, lúng lúng.
Bacơ vừa cười vừa reo lo:
- Ê, này, cái đồ rế rách đấy, nó gầm gừ đấy. Anh em coi, nó thích sinh sự đấy và nếu nó chỉ trẻ lại sáu mươi năm thì hẳn nó hung dữ ra trò.
- Và nếu nó không say mềm nhỉ.
Pêpanh thêm vào vô tội vạ, và đưa mắt lùng những nạn nhân khác trong làn sóng người đang đi đến.
Người ì ạch cuối cùng trong bọn họ đi đến với bộ ngực lép kẹp và khuất dần với cái lưng còng.
Cuộc diễu binh của bọn lính cựu đã mòn mỏi, nhem nhuốc vì sống trong chiến hào, kết thúc giữa những bộ mặt châm biếm mỉa mai và hầu như độc ác của cái bọn người ở lỗ thê thảm đó đang thập thò ló ra trong những hang bùn.
Thời gian trôi qua. Buổi chiều bắt đầu làm tối bầu trời, nhuộm đen mọi vật, hòa lẫn với cái định mệnh mù quáng đồng thời với tâm hồn tối tăm dốt nát của đám quần chúng đang bị chôn vùi ở đó.
- Trong ánh hoàng hôn, có tiếng chân người bước; lại tiếng lao xao và một toán khác len lách tới.
- Quân tabo[24].
Họ diễu qua, mặt xám xì, vàng hoặc nâu, bộ râu lơ thơ hoặc chổi xể, hoặc quăn quăn. Áo ca-pốt họ xanh vàng, mũ cát bết bùn mang huy hiệu hình bán nguyệt, khác huy hiệu lựu đạn của chúng tôi. Trên những khuôn mặt phèn phẹt hoặc trái lại, xương xương và sắc sảo, sáng bóng như đồng xu, mắt họ giống như những hòn bi bằng ngà và mã não. Chốc chốc, trong hàng ngũ, bộ mặt than đá của một tân binh người xứ Xênêgan lắc lư, cao hẳn hơn đầu bọn khác. Đi cuối đại đội là một lá cờ con màu đỏ có hình một bàn tay xanh ở giữa.
Người ta nhìn họ. Người ta lặng im, không ai cất tiếng. Họ oai nghiêm và còn làm người ta hơi sợ nữa.
Tuy nhiên bọn người Châu Phi đó có vẻ vội và hoạt bát. Tất nhiên là họ đi ra tiền tuyến. Đó là vị trí của họ. Cuộc hành quân này là dấu hiệu một trận tấn công rất gần. Họ là lính dành để xung phong.
- Quân này với đại bác bảy nhăm ly, có thể nói là những ân nhân của cánh mình. Ở nơi nào cũng thế, sư đoàn lính Maroc này luôn được tung ra trước, trong những trường hợp quyết định.
- Họ không thể ăn nhịp với cánh ta. Họ tiến nhanh quá và không thể gì cản họ lại...
Trong cái đám quỷ sứ bằng gỗ vàng, bằng đồng, hun hoặc gỗ mun đó, có kẻ thì nghiêm nghị; mặt nhìn phát sợ im lìm, hệt như những cạm bẫy. Có kẻ lại cười, tiếng cười lanh lảnh hệt như tiếng những nhạc cụ kỳ quặc của thứ âm nhạc ngoại lai, và họ há mồm trông thấy cả răng.
Và người ta kể lại những đặc điểm của lính Ả-rập: cái hăng tiết lúc xung phong, sự say sưa dùng lưỡi lê đâm giết, cái tính thích không bao giờ tha giết kẻ thù. Anh em nhắc lại những chuyện mà tự họ ưa kể và tất cả hầu như cùng dùng những từ ngữ và cử chỉ giống nhau: Họ giơ tay: “Cảm-rách, Cảm-rách!” “Không, chẳng cảm-rách gì hết!” rồi họ ra hiệu phóng lưỡi lê đâm ngang tầm bụng, rồi rút về, rút từ đười lên nhờ chân đạp.
Một tân binh đi qua, nghe chuyện, nhìn chúng tôi, toác miệng cười dưới vành khăn chụp mũ ở trên và lặp lại, lắc đầu ra hiệu bảo không: “Chẳng cảm-rách, không cảm-rách đâu, chẳng bao giờ! chặt đầu ngay! )”.
Bikê, anh chàng chưa bao giờ biết sợ, cũng phải thú nhận:
- Với bộ da kiểu vải bạt căng lều, quân này quả thực thuộc một giống người khác bọn ta. Cậu biết không, hễ phải nghỉ ngơi là chúng cáu. Chúng chỉ sống để chờ lúc sĩ quan bỏ đồng hồ vào túi và nói: “Tiến lên, tiến!”
- Xét cho cùng, đó là những người lính chính cống.
Lamuydơ hộ pháp nói:
- Chúng ta thì không phải là lính đâu, chúng ta ấy à, chúng ta là những con người.
Trời đã tối, nhưng câu nói chính xác và trong trẻo đó mang lại như một luồng sáng cho những kẻ có mặt ở đây để đợi chờ, đợi chờ từ sáng nay và từ hàng tháng nay.
Họ là những con người, những con người lương thiện, bình thường, đột ngột bị tách ra khỏi cuộc đời. Cũng như bất kỳ ai trong đám quần chúng, họ dốt nát, ít hăm hở, tầm mắt hẹp hòi nhưng giàu lý trí thô thiển, đôi khi cũng có đi lầm đường; họ dễ dàng để cho kẻ khác dẫn dắt, sẵn sàng làm cái mà người ta bảo làm, biết chịu đựng khó nhọc và có thể bền bỉ chịu cực chịu khổ.
Đó là những con người giản dị, đã được giản dị hóa hơn nữa và vì sức mạnh của hoàn cảnh, chỉ có những bản năng nguyên thủy là phát triển: bản năng sinh tồn, tính ích kỷ, hy vọng bền bỉ được luôn luôn thoát chết, vui thích được ăn, được uống và được ngủ.
Thỉnh thoảng từng cơn, những lời kêu nhân đạo, những rung động sâu sắc thốt ra từ chỗ âm u và vắng lặng của những tâm hồn lớn lao trong con người của họ.
Khi đã tối hẳn, bắt đầu trông không thật rõ nữa, thì đằng xa có tiếng rầm rì rồi một mệnh lệnh vang lên to hơn, lúc lại gần:
- Bán trung đội hai! Tập hợp!
Người ta xếp hàng. Điểm danh bắt đầu.
Lão cai hộ:
- Tiến!
Mọi người cất bước. Đến trước kho dựng cụ thì dừng lại, giậm chân tại chỗ. Người ta phát cho mỗi người một cái xẻng hoặc một cái cuốc. Một hạ sĩ quan giơ tay áo trong bóng tối:
- Anh này, một cái xẻng. Xong, phới. Anh này, cùng một cái xẻng, còn anh, một cái cuốc. Nào nhanh lên, còn để chỗ cho người khác.
Anh em theo cái giao thông hào thẳng góc với chiến hào má đi ra, đi thẳng về phía trước, tới cái biên thùy lưu động, sinh động và khủng khiếp hiện giờ.
Trên bầu trời xám, một phi cơ, không nhìn thấy nữa, hổn hển thở giật từng hơi mãnh liệt, quay vòng tròn sà xuống, làm động cả khoảng không. Phía trước, bên phải, bên trái, khắp nơi, tiếng sấm sét làm tóe nổ giữa bầu trời xanh đậm những luống chớp nhoáng.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa