Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Tác giả: Alan Paton
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Hoang Trang
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2941 / 31
Cập nhật: 2015-01-13 20:45:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
Ít ai chú ý tới vụ xử ba tên bị cáo phạm tội giết ông Arthur Jarvis ở Parkwold vì lúc đó người ta mới tìm thêm được mỏ vàng, mỏ vàng rất phong phú. Có một cái làng nhỏ tên là Odendaalsrust ở tiểu bang Orange Free State (1). Mới trước làng đó còn vô danh, thì hôm sau đã được khắp thế giới biết tên.
Vàng ở đó không kém thứ vàng tốt nhất mà từ trước người ta đã tìm được ở Nam Phi, không kém thứ vàng hạng nhất tìm được ở Johannesburg. Nhiều người dự đoán rằng một Johannesburg nữa sẽ mọc lên ở đó một châu thành lớn, nhà cao ngất trời và đường phố đông nghẹt người. Những kẻ trước kia rầu rĩ lo rằng các mỏ vàng ở Johannesburg một ngày kia sẽ cạn, bây giờ đây mừng rỡ hớn hở. Họ bảo là được hưởng thêm một kỳ hạn sinh hoạt nữa.
Ở Johannesburg không khí thật phấn khởi. Ở thị trường Chứng khoán, người ta như phát điên, la, hét, tung nón lên trời, vì những cổ phần người ta mua chỉ để cầu may, tức những cổ phần về các mỏ chưa tìm ra, những cổ phần đó bây giờ giá tăng lên vùn vụt, ngoài sự mơ ước của họ.
Trước kia, ở Orange Free State chỉ có những đồng cỏ bằng phẳng, gợn sóng, chỉ có những bầy bò và cừu, với những kẻ bản xứ chăn bò, chăn cừu; chỉ có cỏ và phượng vĩ và xa xa mới có một ruộng bắp. Không có gì ra vẻ là một cái mỏ, trừ mấy cái máy khoan, mấy kỹ sư kiên nhẫn dò xét những bí mật trong lòng đất; không ai lại coi họ làm gì, trừ một bộ hành bản xứ, một trẻ chăn bò, một chủ trại gà nói tiếng Afrikaans cưỡi ngựa đi ngang, ngó họ mà tỏ vẻ khinh miệt hoặc sợ sệt hoặc hy vọng tuỳ tính tình mỗi người.
Này, ông coi này, giá cổ phần Tweede Vlei lên kinh khủng không này. Trước kia có hai mươi si-linh rồi lên bốn mươi, rồi sáu mươi và bây giờ - ông có thể tin được không? – lên tới tám mươi si-linh rồi!
Biết bao người đã khóc vì đã bán cổ phần lúc mười hai giờ trưa, chứ không phải lúc hai giờ; hoặc vì họ đã mua lúc hai giờ chứ không phải lúc mười hai giờ trưa. Và người bán sáng mai mới tiếc hơn nữa vì giá cổ phần sẽ lên tới một trăm si-linh.
Thật lạ lùng! Nam Phi là một xứ lạ lùng. Khi nào chúng ta đi ngoại quốc sẽ tha hồ vênh mặt và thiên hạ sẽ bảo: “ A! Các ông ở Nam Phi thì giầu quá xá mà ”.
Odendaalsrust, cái tên có ma lực, thích quá. Ấy vậy mà ở thị trường Chứng khoán đã có kẻ bảo rằng - những kẻ này nói tiếng Afrikaans chẳng lấy gì làm hay lắm – có kẻ bảo rằng phải kiếm một tên giản dị hơn, chẳng hạn Smuts hay Smutsville; một tên dễ đọc hơn, chẳng hạn Hofmeyr – nhưng đã có một nơi khác mang tên Hofmeyr rồi - với lại, cái tên này nó cũng làm sao ấy, nghe không thú.
Thật là tai hại, sao mà tên những cái mỏ ấy không sao phát âm nổi. Đáng tiếc rằng một kỹ nghệ lớn do những bộ óc như vậy điều khiển, được một kế hoạch như vậy thúc đẩy, mà bị những tên kỳ quái như vậy làm trở ngại: nào là Blyvooruitzicht, Welgedacht, Langlaagte, bây giờ lại thêm Odendaalsrust nữa. Nhưng những cái đó chúng ta nên nói nhỏ với nhau thôi, nói trong câu lạc bộ, nói riêng với nhau thôi, vì hầu hết chúng ta đều ở trong đảng Đại đoàn kết chủ trương hợp tác với nhau, hiểu biết lẫn nhau, coi nhau như bạn bè, anh em. Nhưng nếu những người Afrikaaner chịu hiểu rằng chính sách dùng hai ngôn ngữ chính thức là điên khùng, thì có phải tiết kiệm được vô số tiền bạc không?
Vàng, vàng, vàng! Xứ này lại sắp phong phú trở lại. Giá cổ phần từ hai mươi si-linh lên một trăm si-linh, bạn thử tưởng tượng rồi cảm ơn Thượng Đế đi. Nói thực ra, cũng có một số không biết cảm ơn Thượng Đế. Nhưng phải nhận rằng họ không có nhiều cổ phần, có kẻ lại chẳng có một cổ phần nào cả. Vài kẻ trong đó hô hào, diễn thuyết; quả thực là lý thú, hào hứng mà nhận thấy rằng về điểm đó, nhiều khi những kẻ không có cổ phần lại là những kẻ nói năng rất hùng hồn, cơ hồ như có số phận, bản tính hoặc sinh lực, hoặc cái năng lực gì đó điều khiển, cho họ có tài ăn nói để đền bù họ. Tôi nói như vậy chẳng phải vì mến họ hay mỉa mai họ đâu, chỉ là khách quan nhận xét vậy thôi, bạn hiểu cho chứ. Nhưng đó chẳng qua chỉ là một ý ngông, ngược đời, đừng nói ra thì hơn. Những kẻ đó hùng hồ nhưng lại thiếu thế lực về tài chánh đó, hầu hết diễn thuyết trong những tổ chức nhỏ như các câu lạc bộ thiên tả, các đoàn thể tôn giáo và các hội đề cao tình thân ái, tình huynh đệ. Họ cũng viết bài đăng báo nữa, hầu hết là những tờ báo nhỏ như tờ Xã hội mới hoặc là tờ Nhân loại đang tiến tới, hoặc trên cái tờ kỳ cục Thánh giá ở ngã tư đường, một tờ báo tám trang nhỏ, chẳng ai biết tới, mỗi tuần ra một số, chủ nhiệm là cha Beresford, một con người kỳ dị, lúc nào cũng như nhịn đói đã mấy tuần. Ông ta nói tiếng Anh sao mà hay thế, đúng là cái giọng Oxford chứ không phải cái giọng mà người ta nghe được ở Rhodes, ở Stellenbosch; chính nhớ cái giọng đó mà ông được tiếp đón, mặc dầu đầu tóc ông lúc nào cũng bù xù, quần thì nhăn nheo không bao giờ ủi. Ông có vẻ là một người cải tà theo đạo Ki Tô, mắt long lanh tia lửa; mà sự thực là trong cánh rừng của đêm tối lòng ông bừng lên khi viết tờ báo kỳ cục của ông. Ông là nhà truyền giáo và nhiệt liệt tin ở Thượng Đế; nhưng trên đời có người thế này thì phải có người thế khác chứ.
Vậy có những kẻ cho rằng nếu giữ giá cổ phần hai mươi si-linh còn tám chục si-linh kia thì chẳng hạn để dùng vào công viêc đại quy mô chống sự xói mòn của nước mà cứu đất đai trong xứ. Cũng nên trợ cấp các hội thanh niên, các hội thiếu nữ, các cơ quan cứu tế xã hội, cất thêm dưỡng đường, cũng nên tăng tiền lương cho thợ mỏ nữa.
Ai cũng thấy rằng những ý kiến đó thật lộn xộn vì giá cổ phần mà liên quan gì tới vấn đề tiền công; giá đó chỉ đơn thuần tuỳ thuộc về những phí tổn khai mỏ và giá vàng trên thị trường. Nhân đây mới sực nhớ tới, người ta bảo rằng hiện trong mỏ có vài ông lớn không có một cổ phần nào cả thì có đang phục không chứ, vì sự quyến rũ chắc phải mạnh lắm mà sao họ chống lại nổi nhỉ?
Dù sao, chúng ta cũng không nên rầu rĩ quá, khi nghĩ rằng tám chục si-linh đó sẽ không làm cho tình trạng thay đổi là bao nhiêu. Ta thử đứng vào một khía cạnh khác mà xét. Này nhé, khi giá cổ phần tăng từ hai mươi si-linh lên một trăm si-linh thì tất có một số người nào đó được hưởng tám mươi si-linh lời. Nhưng không nhất định là một người duy nhất được hưởng trọn số đó, vì nếu như vậy chẳng hoá ra đẹp đẽ quá ư, mà một người như vậy tất có phép thần thông về tài chánh, chánh quyền còn đợi gì mà không mời làm cố vấn. Vậy có phần chắc chắn rằng tám chục si-linh đó sẽ chia cho nhiều người, vì người có cổ phần thấy giá mới lên, ham quá, mất bình tĩnh, vội đem bán ngay. Dĩ nhiên là những người đó chẳng thực sự làm lụng gì nghĩa là không phải đổ mồ hôi, làm chai tay ra, mà cũng được hưởng số lời. Nhưng cái đức làm liều, cái tài tiên đoán của người ta cũng đáng được thưởng chứ, và cũng không nên quên rằng tinh thần người ta căng thẳng, cũng mệt lắm chứ. Cái số tám chục si-linh đó, họ đem ra tiêu dùng và nhờ vậy mới có thêm công việc cho người khác, rốt cục là cái xứ này được giầu thêm tám chục si-linh nữa. Và có nhiều người trong bọn họ rộng rãi quyên cho các hội Thanh niên, hội Thiếu nữ, các cơ quan cứu tế xã hội, các dưỡng đường. Các nơi xa xôi như Bloemfontein, Grahamstown và Beaufort West, người ta chê trách rằng Johannesburg chỉ nghĩ tới tiền, là nói bậy. Ở đây tôi cũng thấy có nhiều người chồng, người cha tốt như ở các châu thành khác, và một thân hào của chúng ta sưu tập rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhờ vậy mà các nghệ sĩ mới có công việc mà nghệ thuật mới khỏi chết; lại có vài ông có những đồn điền lớn ở phía Bắc để tới nơi đó săn bắn, hoà mình với thiên nhiên.
Khi đã có thêm các công việc cho người khác thì người ta sẽ tiêu một phần trong số tám chục si-linh đó đi. Dĩ nhiên là không tiêu hết. Vì những người bán cổ phần theo giá mua một trăm si-linh phải giữ lại một số tiền để mua lại cổ phần khi nó hơi xuống giá. Nhưng các chủ điền có thể sản xuất thêm thực phẩm, các nhà kỹ nghệ có thể sản xuất thêm hoá phẩm, và chính phủ có thể tuyển thêm nhân viên, mặc dầu chúng ta có thể tự hỏi có cần tăng thêm các công chức nữa không, nhưng đó là vấn đề khác không thể bàn ở đây được. Và tụi bản xứ sẽ không phải chết đói trong khu đất riêng dành cho họ nữa. Họ có thể lại mỏ kiếm việc, người ta sẽ cất cho họ những trại rộng lớn hơn, nhiều tiện nghi hơn, thức ăn của họ sẽ có đủ sinh tố hơn. Nhưng phải coi chừng đấy, một nhà chuyên môn mới thấy rằng thợ thuyền có thể bị cái bệnh quá dư sinh tố. Đó là một trường hợp của cái luật Giảm năng xuất.
Và có lẽ một châu thành lớn sẽ dựng lên, một Johannesburg thứ nhì với một Parktown thứ nhì, một Houghton thứ nhì, một Parkwold thứ nhì, một Kensington thứ nhì, một Jeppe thứ nhì, một Vrededorp thứ nhì, một Pimville thứ nhì và một Shanty Town thứ nhì, tóm lại là một châu thành lớn làm hãnh diện cho tất cả Odendaalsrust. Nhưng cái tên đâu mà kỳ cục.
Nhưng có người bảo rằng không nên như vậy. Tất cả các người lo việc cứu tế xã hội, cha Beresford đó và bọn Kafferboetie khác bảo rằng không nên như vậy, nhưng phải nhận rằng hầu hết họ chẳng có một tấm cổ phần nào cả. Và họ hoá ra bạo dạn lên khi thấy ngài Ernest Oppenheimer, một nhân vật ở mỏ cũng nghĩ rằng chẳng nên như vậy. Ông Oppenheimer bảo rằng đây là một cơ hội cho chúng ta thí nghiệm chính sách cho thợ mỏ sống trong gia đình, làng xóm với vợ con, chứ không sống tách biệt trong trại nữa. Và người ta cũng nói rằng Chính phủ đương tính thành lập một cơ quan gì như ở thung lũng Tennessee để kiểm soát sự phát triển của khu mỏ tại Free State.
Nói cho họ nghe đi, ngài Ernest Oppenheimer. Có người vỗ tay khen ngài đấy, lại có người cảm ơn Thượng Đế vì ngài đã nói, cảm ơn trong thâm tâm họ và cả trong lúc họ cầu nguyện ở đầu giường của họ nữa. Vì mỏ là để phụng sự người dân chứ không phải để làm ra tiền. Mà tiền không đáng cho người ta vì nó mà phát điên, tung nón lên trời. Tiền là để mua thức ăn, quần áo, để có thêm tiện nghi, để đi coi hát bóng. Tiền là để làm cho đời sống trẻ em được sung sướng. Tiền là gây sự an lạc, mơ mộng, hy vọng, và dự trù kế hoạch.Tiền là để mua những sản phẩm của đất đai trên quê hương xứ sở của mình.
Không, không cần có một Johannesburg thứ nhì nữa trên trái đất. Một Johannesburg thôi cũng đủ rồi.
Chú thích:
1. Orange Free State, tiểu bang ở trong Liên bang Nam Phi, thành lập từ 1836 ở phía bắc sông Orange, được tự trị từ năm 1854.
Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu - Alan Paton Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu