A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Alan Paton
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Hoang Trang
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2941 / 31
Cập nhật: 2015-01-13 20:45:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15 -
ất ít người có phòng dư mà không cho mướn, bà Lithebe vào hạng người đó. Chồng bà hồi xưa làm thợ nề, hiền từ, lương thiện, mà ông trời không cho ông bà một mụn con nào. Chính tay ông đã cất ngôi nhà xinh xắn rộng rãi này, gồm một phòng ăn và ngồi chơi nói chuyện với ba phòng ngủ. Bà giữ một phòng cho bà, vui vẻ cho mục sư mướn một phòng nữa. Vì trong nhà có một mục sư, có tiếng cầu nguyện Chúa thì được phước lành. Phòng thứ ba, bà cho mẹ con Gertrude ở vì họ chẳng phải là người nhà của mục sư đấy ư? Nhưng người lạ thì bà nhất định không chứa, bà không cần tiền.
Cảnh của mục sư thật là buồn, cảnh hai mẹ con Gertrude cũng vậy, buồn nhất là cảnh đứa con trai của mục sư. Bà rất kính mộ con người thánh đức đó. Ông ta nhân từ, hiền hậu, đối đãi với bà nhã nhặn, lễ độ, coi nhà bà như nhà mình. Bà phục các hành vi của ông: cứu vớt hai mẹ con Gertrude, sắm cho em gái chiếc áo mới, chiếc khăn trắng đội đầu, cho cháu chiếc sơ mi, chiếc áo nịt dài tay, chiếc quần. Theo tục người bản xứ, chính bà cũng cảm ơn mục sư đã sắm cho em và cháu các thứ đó.
Có Gertrude và đứa nhỏ, cũng vui nhà. Gertrude vui vẻ giúp đỡ bà, tính ưa sạch sẽ, mặc dầu hơi lôi thôi và dễ bắt chuyện với người lạ quá, đặc biệt là với đàn ông. Bà Lithebe biết rằng nàg đã có chồng và Gertrude biết rằng bà già đó nghiêm khắc về việc nhà việc cửa, nên nàg hiểu bà và nghe lời bà.
Buồn nhất là chuyện đứa con trai của mục sư. Theo tục lệ, họ đã khóc lóc, rên rỉ cho tình cảnh của nó. Bà Lithebe và Gertrude nói chuyện hoài về chuyện đó, sự thực bây giờ họ chỉ nói về mỗi một đề tài đó. Ông mục sư làm thinh và mặt có những nét đau khổ. Nhưng bà Lithebe nghe thấy ông trong lần cầu nguyện nào cũng không quên vụ đó và bà rất thương hại mục sư. Mặ dầu ông ngồi hàng giờ trên chiếc ghế bành, cặp mắt bi thảm đăm đăm ngó phía trước, nhưng hễ bà Lithebe nói với ông thì ông hơi tươi tỉnh lên, nụ cười xoá được nét đau khổ và bao giờ ông cũng tỏ vẻ lễ độ, nhã nhặn với bà. Khi ông chơi với đứa cháu ông cũng trút được nỗi lòng và nét mặt ông thay đổi. Nhưng cả những lúc đó, đôi khi ông cũng im lặng, và bà Lithebe nghe đứa nhỏ hỏi đi hỏi lại mà mục sư không đáp, bèn nhìn qua cửa thì thấy ông ngồi trầm ngâm, lặng lẽ, vẻ mặt thật đau khổ.
- Bà Lithebe.
- Umfundisi hỏi chi?
- Bà Lithebe ạ, bà đối đã với tôi tử tế quá. Và tôi muốn xin bà giúp tôi một việc nữa.
- May ra tôi giúp được chăng.
- Bà ạ, bà có nghe nói về thiếu nữ có mang với con trai tôi không?
- Có, tôi có nghe nói.
- Hiện nó ở Pimville, mướn một cái phòng trong nhà người ta. Nó muốn kết hôn với con trai tôi và tôi nghĩ có nên thu xếp việc đó được. Vậy – dù có xảy ra chuyện gì đi nữa – thì nó cũng sẽ theo tôi về Ndotsheni, sanh ở trong một căn nhà sạch sẽ, đàng hoàng. Nhưng tôi rất muốn nó rời khỏi chỗ nó đương ở, và tôi tự hỏi… Tôi ngại làm phiền bà quá.
- Umfundisi muốn cho nó ở lại đây ư?
- Được vậy thì qúi hoá quá.
- Umfundisi cứ cho nó lại. Nó có thể ngủ trong phòng ăn. Nhưng không có giường.
- Không sao. Ngủ dưới đất trong một nhà lương thiện còn hơn là….
- Phải, phải.
-Tôi mang ơn bà quá.Tôi coi bà như má tôi.
- Ở đời thì phải giúp đỡ lẫn nhau, chứ có gì đâu.
Thế là ông ta hớn hở, kêu đứa nhỏ lại, đặt nó ngồi trên đùi rồi xốc cho nó nhổm nhổm lên như chơi trò cưỡi ngựa. Nhưng trò đó không hợp, vì ông già mau mệt hơn đứa nhỏ; hai bác cháu bèn lấy những khúc gỗ nhỏ ra cất những ngôi nhà cao như nhà ở Johannesburg, rồi gạt cho nó đổ rầm xuống mà cười ha hả.
Kumalo bảo:
- Thôi bây giờ bác phải đi. Bác sẽ dắt về cho cháu một người chị nữa.
Ông lấy tiền ra đếm. Chỉ còn vài tấm giấy bạc. Sắp phải dùng tới số tiền trong trương mục bưu điện rồi. Ông khẽ thở dài, bận áo, đội nón rồi cầm lấy chiếc gậy. Bà vợ phải đành đợi lúc khác mới có chiếc lò, còn ông thì hãy khoan sắm y phục và cổ cồn thầy tu vậy.
Thiếu nữ đó không giống Gertrude. Nàng vui vẻ ra mặt khi vô ở nhà này. Nàng có ít áo nhưng chiếc nào cũng sạch sẽ, vá lại cẩn thận, ngoài ra chẳng có đồ đạc gì cả. Nàng mở các cánh cửa, ngó vô các phòng, vui thích lắm vì từ trước chưa bao giờ được ở một ngôi nhà như vậy. Nàng gọi bà Lithebe bằng má và bà ta lấy vậy làm thích; bà cũng thích vì thiếu nữ bập bẹ nói được tiếng Sesuto. Gertrude cũng vui vì có thêm thiếu nữ đó, trong nhà thấy đỡ ảm đạm. Rồi đây tha hồ chuyện trò với nhau.
Quả nhiên, bà Lithebe bắt gặp họ đương cười giỡn với nhau. Họ liền im bặt, Gertrude thì khoé mắt còn vẻ đùa cợt, còn thiếu nữ nọ thì thẹn thùng. Bà Lithebe không ưa cái giọng cười vô tâm đó. Bà bảo thiếu nữ vô bếp tiếp tay bà và bảo cho nàng biết bà ghét giọng cười đó.
- Này con, nhà này là một nhà có phép tắc đàng hoàng.
Thiếu nữ cúi mặt xuống, đáp:
- Dạ.
- Con được một người nhân từ hiền hậu dắt lại đây, nhân từ không kể sao cho xiết.
Thiếu nữ tươi tỉnh ngửng lên ngó bà:
- Dạ con biết.
Vậy nếu con mừng rằng, được ông dắt lại đây thì đừng cười một cách vô tâm như vậy, nghe.
- Con hãy còn là con nít và con nít thì nên cười. Nhưng có nhiều cách cười.
- Thưa má dạ.
- Con hiểu ta muốn nói gì không?
- Thưa, con hiểu rồi ạ.
- Ông lão đã tủi nhục nhiều rồi. Con hiểu ta muốn nói gì không?
- Con hiểu rõ rồi ạ.
- Vậy đừng để cho ông bị tủi nhục ở đây, trong nhà ta này, nghe.
- Con hiểu má.
- Thôi con đi ra, nhưng giữ kín những điều chúng ta mới nói với nhau đó nghe.
- Dạ.
- Được dắt lại đây con có mừng không?
Thiếu nữ nhìn thẳng vào mặt bà già, đưa tay ra muốn diễn ý nghĩ của mình bằng một cử động nào đó cho thích hợp:
- Thưa con mừng lắm. Con không muốn ở chỗ nào khác cả. Con không muốn một người cha nào khác Umfundisi. Con không muốn một cái gì khác mà không phải ở trong nhà này.
- Ừ, ta thấy nỗi mừng của con. Còn điều này nữa con. Khi con chơi với đứa nhỏ, đừng để cho nó ghì chặt con như vậy, nghe. Tới lúc con phải giữ ý rồi đấy.
- Con hiểu má.
- Thôi con đi ra. Con cứ coi nhà này như nhà của con.
Từ đó không còn những tiếng cười vô tâm nữa. Thiếu nữ tỏ ra ít nói, vâng lời, còn Gertrude thấy nàng còn con nít cũng không rủ rê nữa, thản nhiên mà vui vui.
Ông già bước qua cửa rào lớn trong bức tường cao ảm đạm một lần nữa, và người ta dắt đứa con trai của ông ra. Ông lại nắm bàn tay không có sinh khí của nó, cũng cảm động tới sa lệ, nhưng lần này vì sự tuyệt vọng, rầu rĩ của đứa con.
- Con mạnh giỏi không con?
Đứa con đứng yên, quay đầu qua bên này ngó qua cửa sổ một lát, rồi quay đầu qua bên kia, mà không nhìn cha.
- Con vẫn mạnh giỏi.
- Ba có chuyện muốn nói với con. Con có chắc chắn rằng con muốn cưới thiếu nữ đó không?
- Con có thể cưới nó được ư?
- Cha có một ông bạn, một mục sư da trắng, ông ấy sẽ coi xem phải thu xếp ra sao, và sẽ lại thăm đức Giám mục hỏi xem có thể thu xếp cho mau được không. Và ông ấy sẽ tìm một luật sư cho con.
Mắt đứa con toả ra một tia sinh khí, có lẽ là một tia hy vọng.
- Con muốn có một luật sư biện hộ cho không?
- Người ta bảo luật sư giúp đỡ mình được.
- Con đã khai với cảnh sát rằng, hai đứa kia cùng đi với con?
- Vâng, và con đã lại khai như vậy mới tức thì đây.
- Thế rồi sao?
- Người ta cho đi gọi chúng, dắt chúng từ phòng giam ra.
- Thế rồi sao?
- Rồi chúng nổi quạu lên với con, chửi rủa con trước mặt các thầy cảnh sát, và bảo rằng con muốn hại chúng.
- Thế rồi sao?
- Thế rồi chúng hỏi con có chứng cớ gì không. Con chỉ có mỗi chứng cớ này là điều con khai đó đúng: chính hai đứa đó chứ không phải người nào khác, chúng cũng cùng đứng ở trong nhà đó với con, con đứng đây này, còn tụi nó đứng chỗ kia kìa.
Nó đưa ngón trỏ chỗ đứng của tụi nó và nó rưng rưng nước mắt bảo:
- Rồi chúng lại chửi rủa con nữa, chúng hằm hằm nhìn con, đứa này bảo đứa kia: “ Làm sao nó có thể vu oan, cho chúng mình như vậy được kìa ”.
- Chúng là bạn thân của con?
- Vâng, bạn thân.
- Và chúng tính bỏ con một mình chịu đau khổ?
- Con thấy rõ vậy.
- Từ trước cho tới bây giờ, chúng là những bạn thân mà con tin cậy được chứ?
- Vâng, trước kia con tin cậy được.
- Ba hiểu con muốn nói gì. Phải con muốn nói rằng chúng là hạng bạn bè mà một người lương thiện có thể lựa để giao du, hạng bạn bè ngay thẳng, siêng năng và tôn trọng pháp luật, phải vậy không?
Thôi ông già ơi, ông để yên nó. Ông dắt nó tới xa như vậy rồi thình lình ông nhẩy bổ vào nó, đập nó. Nó đương bực tức ngó ông kìa, rồi nó sẽ không thèm trả lời ông cho mà coi.
- Nói đi con, chúng phải là hạng bạn bè như vậy không?
Đứa con làm thinh.
- Và bây giờ chúng bỏ mặc một mình con hả?
Làm thinh một chút rồi đứa con đáp:
- Bây giờ con thấy vậy.
- Và trước kia không thấy?
Nó miễn cưỡng đáp:
- Trước kia con đã thấy.
Ông già muốn hỏi nó: “ Thế tại sao con vẫn giao du với nó? ” nhưng thấy nó rưng rưng nước mắt, ông thương hại nó và nén được, không hỏi nó nữa. Ông nắm lấy bàn tay của con, và lần này bàn tay nó không hoàn toàn vo sinh khí nữa, nên ông vui vẻ nắm chặt.
- Can đảm lên con. Đừng quên rằng có luật sư biện hộ cho con. Nhưng con chỉ được kể với luật sư đúng sự thực thôi.
- Thưa cha, con sẽ chỉ kể đúng sự thực thôi.
Nó mở miệng muốn nói thêm câu gì, rồi lại thôi không nói.
- Con đừng sợ, muốn nói gì muốn nói.
- Ba, ông ấy phải tới sớm sớm mới được.
Nó ngó ra cửa sổ và nước mắt nó lại rưng rưng. Nó rán làm bộ thản nhiên nói:
- Nếu không thì quá trễ.
- Con đừng lo. Ông ấy sẽ tới ngay. Con muốn ba đi hỏi ngay bây giờ xem bao giờ thì ông ấy tới không?
- Vâng, ba đi ngay đi ngay bây giờ đi.
- Và cha Vincent sẽ tới đây thăm con để con thú tội, xá tội cho con và cải hoá con.
- Dạ.
- Còn hôn lễ, nếu có thể làm được thì sẽ làm. Và thiếu nữ đó ba quên chưa nói - hiện ở với ba, tại Sophiatown. Ba sẽ đưa nó về Ndotsheni cho nó sanh đẻ ở quê nhà.
- Dạ.
- Bây giờ con có thể viết thư cho má con được.
- Thưa ba con sẽ viết.
- Và chùi nước mắt đi.
Đứa con đứng dậy, đỡ chiếc khăn ba nó đưa cho nó và chùi nước mắt. Hai cha con xiết tay nhau và bây giờ đã có chút sinh khí trong tay đứa con. Người coi khám bảo nó:
- Anh ở lại đây, có một vị luật sư vô thăm anh. Còn ông già thì ông phải ra.
Kumalo bước ra, tới cửa gặp một người da trắng đứng đó, muốn vô. Ông này cao lớn, nghiêm nghị, có vẻ như một người quen biện hộ cho những vụ quan trọng; người coi khám biết ông ta, tỏ vẻ kính trọng ông ta lắm. Ông ta có vẻ quen biện hộ cho những vụ quan trọng, quan trọng gấp mấy lần cái vụ một thanh niên da đen giết người này; ông ta chững chạc bước vô phòng, điệu bộ như một ông chủ.
Kumalo trở về hội Truyền giáo uống trà với cha Vincent. Vừa xong buổi trà thì có người gõ cửa và ông cao lớn nghiêm nghị lúc nãy bước vô. Cha Vincent cũng kính trọng ông ta, gọi ông ta là ngài hoặc ông Carmichael. Cha Vincent giới thiệu Kumalo với ông ta và ông Carmichael bắt tay Kumalo, gọi là ông Kumalo, khác lệ thường (1). Họ lại uống trà nữa và bàn bạc về vụ đó.
Ông Carmichael bảo:
- Ông Kumalo, tôi sẽ lo vụ đó cho ông. Tôi sẽ lo vụ đó Pro deo như người ta nói. Vụ đó giản dị vì thanh niên đó ngay thẳng, khai rằng đã nổ súng vì sợ chứ không có ý muốn giết người. Và cái đó sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc ông chánh thẩm và các ông phụ thẩm, vì tôi nghĩ chúng ta chỉ nên để các vị ấy quyết đoán chứ không đòi có thêm phụ thẩm nhân dân (2). Còn về hai đứa kia thì tôi không biết nói sao. Ông Kumalo, tôi hay tin rằng em ông đã mướn một luật sư khác cho họ, mà quả thực, tôi không thể biện hộ cho họ được vì theo chỗ tôi biết, họ sẽ cãi rằng họ không có mặt lúc đó và con trai ông vì những lý do riêng, kiếm cách làm cho họ liên lụy vào vụ đó. Điều đó Pháp viện sẽ phán đoán là đúng hay sai, nhưng ý kiến của tôi là con trai ông nói đúng sự thực, nó có lý do gì để làm hại hai đứa kia đâu. Nhiệm vụ của tôi là thuyết phục cho Pháp viện tin rằng con ông đã nói tất cả sự thật, cả khi nó khai rằng vì sợ nên nổ súng thì nó cũng nói tất cả sự thực nữa. Như vậy, dĩ nhiên là tôi không thể hiện biện hộ cho hai đứa kia, đã bảo rằng con ông nói dối. Như vậy minh bạch chưa ông Kumalo.
- Dạ, minh bạch.
- Bây giờ tôi cần biết tất cả các chi tiết về con ông, ông Kumalo; nó sanh năm nào, ở đâu, hồi nhỏ tình nết nó ra sao, có dễ bảo, thành thật không? Nó rời gia đình hồi nào và tại sao, từ hồi lại Johannesburg này nó làm gì? Ông hiểu tôi chứ?
- Thưa ngài, hiểu.
- Tôi muốn có những chi tiết càng sớm cáng tốt, ông Kumalo, vì có thể phiên toà sau sẽ đem ra xử. Ông phải điều tra cho đúng nó đã làm gì, không phải chỉ hỏi nó mà thôi, cần phải hỏi thêm các người khác nữa. ông phải dùng lời người này để kiểm soát lời người khác, ông hiểu chứ, và nếu có những chỗ khác nhau thì cứ kể hết cả ra. Về phía tôi, tôi cũng sẽ điều tra như vậy.
- Thưa hiểu.
- Và bây giờ, cha Vincent, chúng ta có thể cùng nhau bàn về việc trường học ấy chứ?
- Tôi xin sẵn sàng. Ông Kumalo ông thứ lỗi cho chúng tôi nhé.
Ông ta tiễn Kumalo ra khỏi cửa, khép cửa lại rồi nói:
- Ông nên cảm ơn Thượng Đế vì đã được ông ấy giúp cho. Ông ấy là một người rất có danh vọng, một trong mấy vị luật sư nổi tiếng nhất ở Nam Phi, và là một trong số các bạn quí nhất của dân tộc ông đấy.
- Tôi cảm ơn Thượng Đế và cảm ơn cả cha nữa. Nhưng này, tôi ngại quá thưa cha. Phí tổn bao nhiêu đây? Vì số tiền nhỏ của tôi gần cạn rồi.
- Vậy ông không nhe ông ấy bảo rằng, ông ấy sẽ lo vụ đó Pro deo sao? À, phải ông không hiểu tiếng đó. Nó là tiếng La tinh có nghĩa là vì Thượng Đế. Vậy sẽ chẳng phí tổn gì đâu, hoặc có thì rất ít.
- Ông ấy lo vụ đó vì Thượng Đế ư?
- Ở thời cổ, tín ngưỡng còn mạnh, tiếng đó có ý nghĩa như vậy, bây giờ ý nghĩa đó đã mất nhiều rồi, nhưng nó vẫn có ý nghĩa rằng ông ấy sẽ không lấy tiền công.
Kumalo lắp bắp:
- Tôi chưa thấy ai nhân từ tới mức đó.
Ông quay mặt đi, vì mấy bữa nay ông mau nước mắt lắm. Cha Vincent mỉm cười bảo:
- Thôi ông về mạnh giỏi, tôi trở vô với vị luật sư đã nhận lo cái vụ đó vì Thượng Đế.
Chú thích:
1. Vì người da trắng vào hạng luật sư thường coi rẻ người da đen, mặc dầu người da đen là một mục sư.
2. Ở Anh, trong các vụ án đại hình, có thêm đoàn phụ thẩm này, gồm 12 người được tuyển lựa và tuyên thệ. Nếu bị cáo nhận tôi thì đoàn đó không phải họp.
Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu - Alan Paton Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu