Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Tác giả: Alan Paton
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Hoang Trang
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2941 / 31
Cập nhật: 2015-01-13 20:45:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 -
on đường nào cũng đưa tới Johannesburg. Dù bạn là da trắng hay da đen thì nó cũng đưa bạn tới Johannesburg. Thất mùa thì lại Johannesburg kiếm việc. Thuế má nặng quá thì lại Johannesburg kiếm việc. Vườn ruộng nhỏ quá, không thể chia manh mún ra được nữa thì một người trong nhà phải lại Johannesburg kiếm việc. Sắp tới ngày sanh mà muốn giấu giếm thì có thể lại sanh lén ở Johannesburg.
Người da đen lại Alexandra, Sophiatown hoặc Orlando rán mướn một căn phòng hoặc mua lại một phần một căn nhà.
- Bà có phòng nào cho mướn không?
- Không, tôi không có phòng cho mướn.
- Bà có phòng nào cho mướn không?
- Đã có người mướn rồi.
- Bà có phòng nào cho mướn không?
- Có, tôi có một phòng có thể cho mướn được, nhưng tôi lại không muốn cho mướn. Tôi chỉ có hai phòng mà trong nhà có cả thảy sáu người mà trẻ lại sắp lớn hết cả rồi. Nhưng sách học đắt quá mà nhà tôi lại đau, ngay khi khoẻ mạnh, nhà tôi cũng chỉ kiếm được ba mươi lăm si-linh mỗi tuần. Phải trả sáu si-linh tiền mướn nhà, mất ba si-linh tiền đi xe buýt, đóng một si-linh để khi chết người ta chôn cất cho đàng hoàng, rồi một si-linh tiền sách cho trẻ, ba silinh tiền may mặc, hà tiện lắm đấy, rồi một si-linh cho nhà tôi uống bia, một si-linh nữa cho nhà tôi mua thuốc hút, thứ tiêu pha này không thể bớt xén được, vì nhà tôi là một người đứng đắn không cờ bạc, không đem tiền nuôi gái. Rồi thêm một si-linh cúng vào giáo đường, một si-linh nữa tiền thuốc thang. Vậy chỉ còn mười si-linh nữa cho sáu người ăn, cho nên nhà lúc nào cũng đói. Có, tôi có một phòng nhưng không muốn cho mướn. Bà trả tôi bao nhiêu?
- Tôi có thể trả ba si-linh mỗi tuần.
- Tôi không ham.
- Ba si-linh rưỡi đấy.
- Ba si-linh rưỡi. Muốn ở cho thong thả không chen chúc nhau quá thì bao tử lép kẹp. Khi trẻ bắt đầu lớn rồi thì cần ở đừng chen chúc nhau quá nhưng như vậy thì bao tử lép xẹp. Được, ba si-linh rưỡi thì tôi cho mướn được.
Nhà ở chật quá thì nó không nứt ra, nhưng nó tràn ra. Mười người trong hai phòng, mà có mỗi một cửa vô, và khi bạn ngủ thì người ta phải bước qua bạn để đi. Nhưng trẻ sẽ được thêm miếng ăn và có thể mỗi tháng một lần, được đi coi hát bóng.
Tôi không ưa mụ đàn bà đó và cái vẻ mụ ngó chồng tôi. Tôi không ưa đứa con trai đó và cái vẻ nó ngó con gái tôi. Tôi không ưa gã đàn ông đó, tôi không ưa cái vẻ hắn ngó tôi, tôi không ưa cái vẻ hắn ngó con gái tôi.
- Tôi ân hận lắm, nhưng xin ông bà dọn đi nơi khác cho.
- Tôi có chỗ nào đâu mà dọn đi.
- Tôi ân hận lắm, nhưng nhà chật quá, làm sao chứa được bây nhiêu người.
- Chúng tôi đã ghi tên để xin mướn nhà rồi. Bà chịu phiền đợi khi chúng tôi kiếm được nhà đã.
- Ở Orlando có người đợi đã năm năm vẫn chưa kiếm được nhà.
- Tôi có ông bạn chỉ một tháng kiếm được nhà.
- Tôi nghe nói có trường hợp như vậy. Người ta bảo là hãy đút lót.
- Chúng tôi không có tiền đút lót.
- Tôi rất ân hận, nhưng nhà chật quá.
- Thực vậy, căn nhà này chật quá, và căn nhà kia cũng chật quá. Vì ai cũng đổ tới Johannesburg. Từ Transkei và từ Free State, từ Zululand và từ Sekukuniland. Người Zulu, người Swazi, người Shangaan và người Barenda, người Bapedi và người Basuto, người Xosa và người Tembu, người Pondo và người Fingo, hết thảy đều đổ lại Johannesburg.
Tôi không ưa mụ đàn bà đó. Tôi không ưa đứa con trai đó. Tôi không ưa gã đàn ông đó. Tôi ân hận lắm, nhưng xin ông bà dọn đi nơi khác cho.
- Tôi xin bà cho tôi một tuần nữa thôi.
- Được, một tuần nữa thì được.
- Bà có phòng nào cho mướn không?
- Không, tôi không có phòng cho mướn.
- Bà có phòng nào cho mướn không?
- Đã có người mướn rồi.
- Bà có phòng nào cho mướn không?
- Có, tôi có một phòng có thể cho mướn được, nhưng tôi không muốn cho mướn. Vì tôi đã thấy nhiều người chồng đã bị đàn bà quyến rũ, và nhiều người vợ bị đàn ông quyến rũ. Tôi đã thấy nhiều đứa con gái bị con trai làm cho hư đốn. Nhưng nhà tôi chỉ kiếm được có ba mươi bốn si-linh mỗi tuần.
- Không kiếm được nhà mới thì làm sao bây giờ?
- Bạn có thể đợi năm năm, mà vẫn không có hy vọng gì hơn ngày đầu.
- Người ta bảo chỉ riêng ở Orlando có tới một vạn người phải ở chung chạ như chúng mình.
- Anh có nghe Dubula nói đấy không? Rằng chúng ta phải tự cất nhà lấy ở Orlando này thôi.
- Cất ở chỗ nào?
- Dubula bảo cất ở khu đất trồng hai bên đường rầy xe lửa.
- Cất bằng cái gì?
- Bất kỳ cái gì. Bao bố, ván, cỏ tranh, cọc ở trong các sở trồng cây, kiếm được cái gì thì dùng cái đó.
- Thế khi trời mưa thì sao?
- Siyafa (1). Thì chết chứ sao.
- Không, khi trời mưa thì họ phải cất nhà cho chúng ta.
- Nói bậy. Rồi tới mùa đông thì sao?
Đợi sáu năm để có một căn nhà. Và nhà nào nhà nấy đã chật cứng rồi mà vẫn phải chứa thêm người nữa, vì thiên hạ vẫn tiếp tục đổ tới Johannesburg. Một cuộc đại chiến mới tàn phá dữ dội Châu Âu và Bắc Phi và không ai cất nhà cả.
- Đã có căn nhà nào cho tôi chưa?
- Vẫn chưa có.
- Ông chắc rằng tên tôi có ghi trong sổ đấy chứ?
- Ghi rồi.
- Số tôi trong sổ là số mấy?
Số sáu ngàn ở trong sổ. Như vậy nghĩa là không bao giờ tôi kiếm được một căn nhà, mà không thể ở chỗ tôi đương ở được nữa. Chúng tôi đã gây lộn về cái lò, chúng tôi đã gây lộn về bầy trẻ, và tôi không ưa cái vẻ gã đàn ông đó ngó tôi. Có một khu đất trống hai bên đường rầy xe lửa, nhưng khi trời mưa và tới mùa đông thì sao? Người ta bảo mười bốn bữa nữa phải lại đó, rủ nhau lại cả đó. Người ta bảo phải thu nhập các tấm ván, bao bố, những miếng tôn, cây cọc rồi cùng nhau lại đó. Người ta bảo phải trả mỗi si-linh mỗi tuần cho Uỷ ban để Uỷ ban chở các đồ đạc của chúng ta lại và cất cầu tiêu cho hợp vệ sinh. khỏi sinh bệnh. Nhưng trời mưa và tới mùa đông thì làm sao?
- Đã có căn nhà nào cho tôi chưa?
- Vẫn chưa có.
- Tôi đã ghi tên trong sổ hai năm nay rồi.
- Hai năm còn là mới đấy.
- Người ta bảo nếu biết phải chăng…
Ông ta không nghe tôi nói và lo tiếp tới người sau. Nhưng một ông khác ở đâu không biết, tiến lại gần tôi và nói một câu làm tôi rất đỗi ngạc nhiên..
- Bà Seme, tôi rất ân hận rằng họ không kiếm được nhà cho bà. Nhân tiện đây, nhà tôi muốn được bàn bạc với bà về công việc của Uỷ ban. Nhà tôi bảo bảy giờ tối nay. Bà biết địa chỉ tôi đấy chứ, số 17852, gần giáo đường Hoà Lan cải cách. Đây, để tôi ghi số nhà lại cho bà. Thôi, xin chào bà.
Tôi định đáp ông ta, thì ông ta đã quay đi rồi.
- Ông ta làm cho tôi ngạc nhiên hết sức. Vợ ông ta là ai, tôi có quen biết gì đâu. Còn cái Uỷ ban đó là Uỷ ban nào? Tôi có biết uỷ ban uỷ biếc nào đâu.
- Bà thực thà quá, bà ơi. Họ muốn biết bà chịu đưa cho họ bao nhiêu tiền để có một căn nhà đấy.
- À, nếu vậy tôi sẽ lại nhà ông ta. Tôi mong rằng ông ta đừng đòi tôi một số tiền lớn quá, chỉ có ba mươi bảy si-linh mỗi tuần thì tiền đâu mà đưa nhiều được. Nhưng thế nào cũng phải kiếm cho được một căn nhà. Tôi sợ cái chỗ tôi đương ở đây quá chừng rồi. Tới giờ ngủ của những người đứng đắn thì họ đi tới đi lui nhộn quá. Có nhiều thanh niên ra vô quá, cơ hồ như họ không bao giờ ngủ và cũng không bao giờ làm việc. Họ ăn bận sang quá, nhiều quần áo quá, như người da trắng. Một ngày kia họ sẽ bị tra hỏi, lôi thôi, mà vợ chồng tôi chưa bao giờ bị chuyện lôi thôi cả. Thế nào cũng phải kiếm cho được một căn nhà.
- Năm bảng, nhiều quá. Tôi không có đủ.
- Có được căn nhà, năm bảng đâu phải là nhiều, bà Seme.
- Sao? Chỉ để cho tên tôi được đưa lên chỗ cao hơn trong sổ ư?
- Việc đó đâu có dễ, nguy hiểm lắm. Ông giám đốc người Âu đã bảo sẽ trừng trị nghiêm khắc kẻ nào ghi gian trong sổ.
- Tôi rất tiếc, không thể đưa bấy nhiêu tiền được.
Tôi chưa kịp ra về thì vợ ông ta và một người đàn bà nữa bước vô.
- Mình ạ, chắc mình lầm rồi. Em đâu có quen bà này. Bà không ở trong Uỷ ban mà.
- Vậy ư, anh xin lỗi em. Xin bà Seme thứ lỗi cho. Tôi cứ tưởng bà trong Uỷ ban chứ. Chúc bà về mạnh giỏi.
Tôi không đáp lại: “ Ông bà về mạnh giỏi ”. Họ có mạnh giỏi hay không thì tôi cần quái gì. Về phần tôi, chẳng có cái gì ưng ý cả. Tôi mệt mỏi, cô độc. Ôi, mình ơi, tại sao chúng mình lại bỏ quê hương xứ sở mà ra đây? Ở quê hương xứ sở, kiếm chẳng được bao nhiêu nhưng còn hơn là ở đây. Thức ăn thiếu thốn đấy, nhưng mọi người chia sẻ với nhau. Và khi mọi người đều nghèo cả thì cảnh nghèo không đến nỗi bi thảm lắm. Mà cảnh bờ sông đẹp làm sao, trong khi giặt dũ, gió thổi hây hẩy bên tai, nước chảy róc rách trên đá. Hai tuần nữa là ngày dọn nhà. Lại đây, mình ơi, hai đứa mình đi kiếm ván, tôn, bao bố và cọc đi nào. Em ngán cái chỗ mình đương ở đây quá.
Ở dưỡng đường Baragwanath, thợ xây cất xong rồi để lại nhiều tấm ván đấy. Đêm nay tụi mình lại đó khiêng về đi. Ở trại cải huấn có tôn uốn đấy, người ta dùng để che các đống gạch. Đêm nay mình lại lấy ít tấm. Có bao bố ở ga Nancefield, cột thành từng bó kỹ lưỡng. Đêm nay mình lại lấy ít bó. Trong mỏ Crown Mines có nhiều cây cối. Đêm nay mình lại đó cưa lén lấy ít cành làm cọc.
Đêm nay ở Orlando, người nào cũng bận rộn. Nhà nào cũng đốt đèn. Anh khiêng tôn, còn mình, mình bồng em bé nhé. Thằng Hai, con vác hai cây cọc này, còn con bé Ba, xách bao bố, rán xách cho được thật nhiều đi con, đem lại bên cạnh đường rầy xe lửa ấy. Nhiều người đương dọn lại đó, đã nghe thấy tiếng thuổng và tiếng búa. May quá, đêm nay ấm áp không mưa. Cảm ơn, ông Dubula, miếng đất này vừa ý chúng tôi lắm. Cảm ơn ông Dubula, đây chúng tôi đóng một đồng cho Uỷ ban.
Shanty Town dựng lên trong nội một đêm. Sáng hôm sau, bừng con mắt dậy, ai nấy đều ngạc nhiên. Khói từ vải bố bay lên và một vài nhà đã có ống khói. Có một ống khói xinh xinh nằm ở gần bót cảnh sát Kliptown, nhưng tôi không dại gì mà lượm.
Shanty Town dựng lên trong nội một đêm. Nhật báo đăng đầy tin tức của chúng tôi. Có những hàng tít lớn và nhiều hình ảnh.
- Coi này, có hình nhà tôi đây này, đứng bên cạnh căn nhà nè. Uổng quá, tôi lại trễ không được các ông nhà báo chụp ảnh. Các ông ấy gọi chúng tôi là bọn vô gia cư. Chúng tôi là bọn vô gia cư. Trong cái làng lớn dựng bằng ván, tôn, bao bố, khỏi phải trả tiền nhà, chỉ phải đóng một si-linh cho Uỷ ban.
Shanty Town dựng lên nội trong một đêm. Đứa con gái nhỏ ho quá và trán nó nóng như lửa. Tôi ngại không muốn cho nó ra ngoài, nhưng đêm đó dọn nhà. Gió lạnh thổi qua vải bố. Rồi khi trời mưa, khi mùa đông tới mới biết làm sao? Nín đi con, má ở bên cạnh con đây nè. Nín đi con, đừng ho quá như vậy con, má ở bên cạnh con đây nè.
Đứa nhỏ ho quá đỗi, trán nó nóng hơn lửa. Nín đi con, má ở bên cạnh con đây nè. Ở ngoài kia có tiếng cười, tiếng giỡn, tiếng thuổng, tiếng búa, tiếng gọi nhau ơi ới, có nhiều ngôn ngữ mà tôi không hiểu Nín đi con ơi, có một thung lũng đẹp nơi đó con ra đời. Nước chảy róc rách trên đá, gió thổi hây hẩy bên tai. Đàn bò xuống uống nước ở bờ sông, dưới tàn cây. Nín đi con, xin Trời làm con tôi nín đi. Xin Trời thương chúng con. Xin chúa Ki Tô thương chúng con. Hỡi người da trắng thương chúng tôi với.
- Ông Dubula ơi, bác sĩ ở đâu?
- Sáng mai bác sĩ sẽ tới, thím đừng ngại gì cả, Uỷ ban sẽ trả tiền bác sĩ cho.
- Nhưng cháu nó gần chết rồi. Ông coi máu me này.
- Đợi một chút, trời sắp sáng rồi.
- Khi trẻ hấp hối, khi lòng người ta sợ hãi, sao thời gian lâu quá. Ông Dubula ơi, ông có thể đi mời bác sĩ ngay bây giờ có được không?
- Tôi rán xem. Tôi đi ngay bây giờ đây.
- Đội ơn ông, ông Dubula.
Phía ngoài có tiếng hát, hát chung quanh một đống lửa. Họ hát khúc Nksi sikelel’i Africa (2). Xin Thượng Đế che chở Châu Phi. Cầu xin Thượng Đế che chở đứa con nhỏ của Châu Phi này, nó là của con, mà con đã mang nặng đẻ đau, cho bú mớm, hết lòng yêu thương vì bản tính của đàn bà như vậy.
- Nằm yên đi con ơi. Ông bác sĩ ơi, ông không tới được hay sao?
- Tôi đã cho đi mời bác sĩ rồi, thím ạ. Uỷ ban đã cho người lái xe đi mời bác sĩ. Một bác sĩ da đen, trong bọn chúng mình.
- Đội ơn ông Dubula.
- Thím có muốn tôi yêu cầu họ đừng làm ồn không?
- Không cần, cháu nó không nghe thấy gì đâu.
Giá mời một bác sĩ da trắng có lẽ hơn, nhưng thôi, bác sĩ nào cũng được, miễn là ông ấy tới. Những tiếng ồn ào của những người xứ lạ kia, dù không im đi thì cũng không sao. Mình ơi em sợ quá. Con nó nóng hừng hực như lửa trong bàn tay em đây nè.
Thôi không cần bác sĩ nữa. Dù bác sĩ da trắng hay da đen thì cũng không cứu được nó nữa rồi. Ôi, đứa con tôi mang nặng đẻ đau, trước kia ôm cặp má nhỏ của nó trong lòng bàn tay, thấy những ngón tay nó níu chặt lấy mình, thấy cái miệng xinh xinh của nó nút vú mình, thích làm sao. Bản tính đàn bà như vậy. Số phận của đàn bà là mang nặng, chịu đựng, giữ gìn rồi mất hết.
Những người da trắng lại Shanty Town. Họ chụp hình chúng tôi và quay phim để đưa lên màn ảnh. Họ tới và tự hỏi họ sẽ làm được cái gì vì chúng tôi đông quá. Khi trời mưa thì bọn khốn nạn đó sẽ ra sao? Một bọn người tới, đem máy móc tới và họ bắt đầu cất nhà cho chúng tôi. Ông Dubula thông minh tài giỏi thật, ông ấy đã bảo rằng họ sẽ cất nhà cho chúng ta. Và họ mới bắt đầu cất nhà cho chúng ta, thì ban đêm đã có nhiều người da đen khác từ Pimville, từ Alexandra, từ Sophiatown lại dựng chòi bằng tôn, bằng cọc, bằng bao bố, bằng cỏ tranh. Rồi bọn người da trắng trở lại, lần này không có vẻ thương hại chúng ta nữa mà có vẻ giận dữ. Cảnh sát tới và đuổi chúng tôi đi. Trong số những người họ đuổi đi đó, có cả những người ở tại Orlando nữa. Bọn này phải trở về chỗ ở cũ của họ, nhưng có kẻ phòng cũ đã có người khác ở rồi, có kẻ trở về thì chủ nhà không chịu cho ở nữa.
Không nên xấu hổ rằng phải ở Shanty Town. Báo chí đã đăng tin đăng ảnh rồi và có hình nhà tôi đứng bên cạnh căn nhà đấy. Một ông ở đây có một số báo ở Durban và trên mặt báo này cũng có hình nhà tôi đứng bên cạnh căn nhà. Ở đây cũng có thể cho địa chỉ được, chỉ cần đề Shanty Town. Ai cũng biết Shanty Town ở đâu; rồi ghi thêm số mà Uỷ ban cấp cho bạn.
Khi trời mưa, chúng ta sẽ ra sao? Rồi tới mùa đông nữa. Đã có vài người bảo: ngó những căn nhà trên đồi kìa, chưa cất xong nhưng mái đã lợp rồi kìa. Một đêm nào đó chúng ta sẽ dọn lại đó ở, khỏi lo mưa và lạnh.
Chú thích:
1. Đọc là Si-da-fa. Tiếng thổ dân có nghĩa là: Chúng ta chết.
2. Khúc hát này đã thành bài Quốc ca của người da đen. Nkosi phát âm gần như Inkosi; sikelel: chữ k phát âm gần như g, e phát âm gần như ê.
Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu - Alan Paton Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu