If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7717 / 15
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ố Oanh vừa ngồi gọt vỏ trái xoài tượng vừa nghe tiếng Phượng học bài rù rì:
– Ăn xoài rồi học Phượng! Có mắm ruốc nữa nè!
Tố Phượng vứt cuốn vở lên giường, bước đến ngồi kế chị, miệng xuýt xoa vì nước bọt đã ứa ra đầy kẽ chân răng:
– Nhìn thấy thèm thật, nhưng phải thanh toán nhanh nhanh mới được. Bài dài quá!
Oanh tò mò:
– Em học bài của thầy Sang hả?
Phượng gật đầu. Cô nhăn mặt vì miếng xoài đầu tiên hơi chua. Oanh cười:
– Môn ông Sang em không học cũng có điểm.
Phượng ngừng nhai:
– Ai nói với chị vậy?
– Bọn con trai lớp chị chớ ai.
Phượng khó chịu:
– Em rất ghét cái trò nói sau lưng...Cái gì mà rơi vào với rơi ra. Con trai cũng nhiều chuyện...
Oanh bỏ con dao xuống bàn, nhẹ nhàng hỏi:
– Mà nó nói đúng không?
Phượng đáp gọn lỏn:
– Em không ưa ông Sang.
Oanh trêu em:
– Không ưa thầy Sang sao cứ ôm bài của ổng học hoài vậy?
Phượng ngập ngừng:
– Thầy Sang thiếu gì đứa si. Phải công nhận giờ của thầy vui, giảng bài lôi cuốn, nói chuyện có duyên, thầy Sang đẹp trai thật chứ, nhưng tự nhiên em thấy...nét đẹp ấy thiếu thiếu cái gì đó trông không có hậu.
Oanh tủm tỉm:
– Lại chê! Rõ là em rất khó tính. Chưa bao giờ nghe em khen tên đàn ông nào.
Phượng nhỏ nhẹ:
– Không phải em khó tánh. Em chỉ nghĩ mình còn nhỏ, lo học đã yêu sớm chỉ khổ thôi.
– Học xong thì thành cô gái già, yêu trễ cũng chẳng sướng gì.
Phượng ngừng nhai:
– Nhưng em chưa thấy thích ai rồi biết sao? Vô lớp tụi nó cứ chọc chọc rồi gay gay với em, bực ghê đi.
Rồi cô trầm ngâm:
– Kể ra thầy Sang cũng đáng để con gái lưu tâm, mà có điều...
Oanh trố mắt:
– Điều gì? Nói tiếp chị nghe với!
Phượng phụng phịu:
– Có điều tụi nó nói ông Sang kỳ lắm.
Oanh tò mò:
– Kỳ như thế nào?
Phượng đỏ mặt:
– Ổng hay nựng tầm bậy tầm bạ.
Oanh phá lên cười:
– Em có bị nựng chưa?
Phượng ngượng nghịu thú nhận:
– Có! Ở trong lớp, lần đó là giờ kiểm tra. Thầy vô đổi chỗ lung tung, em thuộc bài nên đâu có lo khi thấy ông cho em xuống tuốt bàn chót ngồi một mình.
Giọng Phượng nhỏ lại rồi cố ngăn ức:
– Chị biết không? Thầy đi tới đi lui, cứ đến chỗ em ngồi là dừng lại, cúi xuống xem bài em làm, đứng dựa sát vào em. Người ông nóng hổi, thấy ghê!
Em liền ngồi thụt vào trong. Ổng bèn rảo một vòng, tằng hắng ra oai rồi quay lại chỗ em, ổng ngồi xuống vuốt má em. Tức muốn khóc, em làm bài được một chút. Em lùi sát vào tận vách tường, ổng mới cười cười đi lên bàn giáo viên ngồi mà nhìn em hoài hoài.
Oanh nhìn gương mặt hồng hồng vì mắc cỡ của Phượng thầm khen:
“Quả là con bé đẹp thật!” Rồi cô hài lòng:
“Mình cũng thế!”.
Oanh thích thú thả trôi trí tưởng tượng...
Từ lúc Hùng giận cô và bỏ học đi biệt, Oanh như đã chôn vùi những cái đam mê đầu đời. Lúc ấy Oanh cố gắng học như bù lại khoảng thời gian mê chơi trước đó. Mà học thì rất nhiều cách. Con bé Phượng có cách học chăm chỉ, thật thà, trung thực. Oanh có cách học của cô, tuy hơi phiêu một chút, nhưng rồi đau cũng vào đấy. Đã vậy ở lớp đôi khi bài kiểm tra của Oanh điểm còn cao hơn của Phượng và một số đứa học chăm khác.
Thế đó! Học như Phượng hay học như Oanh thì cũng sắp xong thời cắp sách.
Năm nay hai chị em đã học năm cuối. Sắc đẹp của Tố Oanh Tố Phượng cũng làm điêu đứng nhiều tên con trai. Phượng thì quá nghiêm khắc để chọn cho mình một đối tượng. Oanh trái lại vẫn tự nhiên đi chơi với nhiều người khác, cô chẳng nhớ thương luyến tiếc gì Hùng cũng như chẳng mấy ưng ý những người quen mới với cô, họ vẫn quá tầm thường, Oanh chớp mắt nghe tiếng Phượng thầm thì như có điều gì bí mật lắm:
– Chị biết hôn! Hôm kia thầy Sang kêu em đem vở lên cho thầy xem. Lúc về chỗ, em mới hay thầy kẹp trong quyển vở em tờ giấy nầy nè.
Phượng đến bên giường lấy trong vở ra mảnh giấy gấp tư đưa cho chị. Oanh tò mò đọc:
“Tố Phượng!
Bốn giờ chiều thứ tư, thầy chờ em trước rạp H.B, em đến nhé! Thầy sẽ đợi mãi...”.
Oanh nhìn Phượng, rồi bất chợt lạnh lùng tung một đòn:
– Nếu em không có tình ý gì với thầy Sang, chị đố ổng dám bẹo má em rồi lại dám viết những dòng nầy...rủi em khoe tùm lum thì còn gì là uy tín ổng nữa.
Phượng bối rối:
– Em có đi uống nước với thầy một lần. Nhìn mắt thầy em sợ quá nên lần hẹn sau em không tới.
Oanh tra hỏi:
– Thế...lần đó thầy Sang nói gì với em?
Phượng thành thật:
– Thì cũng nói chuyện trên trời dưới đất. Thầy đọc thơ tình cho em nghe...nhiều bài hay lắm. Rồi...thầy đòi coi chỉ tay mà em không chịu.
Oanh lại cười:
– Sao vậy?
Phượng trề đôi môi mòng mọng:
– Ngu sao đưa ổng coi!
– Ừ, khôn đó! Rồi em tính sao với cái hẹn nầy?
Phượng phụng phịu:
– Xù! Thành ra mới sợ, mới lo học bài trù chết.
Oanh lắc đầu:
– Ngốc! Ổng mà muốn trù rồi thì ổng sẽ hỏi một câu ngoài phần giảng, em nhắm trả lời được không?
Phượng im lặng nhớ lại:
Hồi trung học, cô cũng hay bị bọn con trai tán tỉnh, bám đuôi, viết thư tỏ tình, lời lẽ mướt sượt như cải lương, lúc đó cô thích thú nhưng không cảm động, cũng không lo sợ. Bây giờ trước đôi mắt đen đầy mơ mộng và những câu thơ chải chuốt thầy đọc, cô bỗng lo lắng làm sao.
Buổi chiều hôm đó, Phượng vào thư viện để tra sách. Cô vừa đạp xe khỏi trường một đoạn đã thấy xe thầy trờ tới. Phượng hoảng cả hồn vía. Thầy Sang mời mà như ra lệnh cho cô vào quán nước. Phượng đã riu ríu vâng lời thầy vì bao giờ cô cũng là cô bé nhút nhát, thật thà.
Ngồi đối diện với thầy, Phượng mắc cỡ quá. Tia nhìn của thầy không hẳn chỉ chứa sự lãng mạn mơ mộng mà nó có cả sự nóng bỏng, đắm đuối, mơn man, ve vuốt làm Phượng bồn chồn không yên. Cô cứ ngồi chết trân chịu trận nghe từ môi thầy những câu thơ vần điệu như ru mà vì sợ hãi cô hầu như không nhớ, không hiểu gì cả.
Đến lúc thầy đưa tay nắm lấy tay cô, Phượng mới có thái độ. Thái độ chống đối của đứa trẻ con làm Sang thích thú, khát khao hơn nữa. Biết mình không dừng lại được, ông thầy lại hẹn với học trò. Bằng quyền lực của mình, Sang tin tưởng Tố Phượng sẽ tới.
Phượng bặm môi:
– Dù gì em cũng không đến đâu!
Oanh dẹp vỏ xoài và chén mắm ruốc xuống bếp. Ngôi nhà yên lặng lạ lùng.
Gần một năm nay hai chị em cô sống một mình không có ba mẹ kè kè kế bên.
Với Phượng đây là một mất mát lớn đầy bất ngờ. Với Oanh đó là điều đương nhiên, cô biết sẽ đến không sớm thì muộn...
Sau khi gia đình bác Hai cô xuất cảnh, ba cô nhất quyết trở về ngôi nhà ông bà nội ngày xưa mà gia đình cô từng ở. Ông Lợi không muốn bán miếng đất hương hỏa với mồ mả ông bà là một lẽ, còn một lý do nữa khiến Oanh ngầm hiểu là ba cô hình như đã biết những điều bí mật của mẹ cô, ông chỉ biết giữ chút hạnh phúc mỏng manh bằng cách đưa vợ về quê...ở ẩn. Kể ra Mỹ Tho chẳng xa Sài Gòn bao nhiêu, nhưng khoảng cách đó là một bề dài an toàn đối với ông, và gần hai năm nay ông tỏ ra rất bằng lòng dầu phải xa hai cô con gái cưng quý. Mỗi tuần, ông bà lên thăm con. Phượng thì rất mong cha mẹ, còn Oanh thì dửng dưng. Cô chỉ cần có tiền để sắm sửa, ăn học. Hầu như cô không bộc lộ chút tình cảm nào của mình đối với mẹ. Cái suy nghĩ của cô về mẹ nếu có cũng chỉ bàng bạc trong những giấc chiêm bao. Trong mơ cô thấy mình vật vã, mệt nhoài, chuồi đi trong tăm tối với hình bóng không rõ của những người đàn ông, lúc tỉnh dậy cô thấy mình nằm ôm ghì chiếc gối.
Tố Oanh thở dài. Ý nghĩ về Sang cứ đến với cô. Oanh biết mình khó bỏ qua chuyện Phượng vừa kể. Cô nằm xoài ra giường...Đôi mắt thầy Sang rõ là đa tình, có một lần ông ta đã nhìn cô thật lâu và thật say...Lại lầm lẫn? Đôi môi mỏng và đỏ trên gương mặt trắng mịn hơi xanh...Tố Oanh chợt nhận ra, không phải mặt thầy Sang vô hậu như con bé Phượng nói đâu, mà những nét trên mặt thầy là những nét của một người thích những thú vui như Oanh đã từng một thời gian mê đắm.
Oanh vùng ngồi dậy:
– Ba giờ!
Oanh tìm chiếc áo thun hồng nhạt mong manh sát nách và chiếc váy sọc carô xanh đậm của Phượng mặc vào, cô lấy cả đôi giày xăng-đan thấp gót màu trắng của Phượng nữa. Oanh hài lòng với mình khi ngồi chải mái tóc dài đen mượt.
Tố Oanh đã thành Tố Phượng rồi còn gì?
Oanh bước đến phòng học:
– Phượng ở nhà nấu cơm chị đi thăm con Nhung. Nó bệnh mấy hôm rồi!
Phượng xoay người lại nhìn chị, trong mắt cô có tí gì không hài lòng, khi cô bỗng có một linh cảm.
Tố Phượng thở dài. Lẽ ra cô chẳng nên kể chuyện thầy Sang cho Oanh nghe, nhưng cái tính hay bộc bạch của cô không ngăn cô lại được. Cô vẫn biết từ lâu rồi, dạo Oanh bị anh chàng Gấu Xám vố cho hai tát tai...Chị Oanh là như vậy đấy...Biết như thế nhưng sao Phượng vẫn im lặng. Có phải vậy là cô đồng lõa không? Khi thâm tâm cô cũng thích cái trò thay ngôi đổi vị nầy. Vì những tên đàn ông sao mà ngốc! Phượng lại tưởng là Oanh, rồi Oanh lại nhìn ra Phượng.
Cô mơ màng, chàng trai mà cô yêu phải người có đôi mắt tinh tế nhất, tâm hồn nhạy cảm nhất và tình yêu chân thật nhất. Anh ta không được quyền nhìn lầm dù chỉ một lần thôi. Nhưng anh chàng đó hiện giờ ở đâu nhỉ?
Tố Oanh ngừng chiếc mini trước rạp hát. Thầy Sang đã đứng chờ trên hành lang, thầy nhanh nhẹn nhảy hai ba bậc tam cấp để mau đến bên cô. Hôm nay trông thầy thật lạ. Chiếc áo xanh với những họa tiết lập thể làm thầy trẻ hẳn ra.
Cái kính râm đen che mất đôi mắt có cái nhìn thường làm các cô gái phải cúi đầu khiến thầy như lạnh lùng hơn bình thường. Chỉ có đôi môi đỏ, mỏng, ươn ướt đang cười thật tươi là để lộ cho người khác biết thầy đã rất hài lòng.
Sang dịu dàng:
– Tưởng là em lại không đến.
Oanh nhìn Sang rối cúi đầu rất nhanh. Cô e ấp:
– Có chuyện gì hở thầy? Mấy đêm rồi em lo...ngủ chẳng được.
Sang cười:
– Phượng xuống xe vào trong hàng hiên đứng kẻo nắng. Để...đi gởi xe đã.
Tố Oanh ngoan ngoãn bước vào đứng chờ Sang. Anh đã trở lại. Cô im lặng mân mê chiếc ví nhỏ trong tay.
– Ta vào xem phim nhé cô bé?
Oanh lắc đầu, đôi mắt to có vẻ lo sợ, ngần ngại:
– Thầy ơi! Nếu có chuyện gì cần nói mình vào quán nào đi thầy. Em không xem phim đâu!
Sang nghiêm mặt:
– Vào quán lỡ gặp bạn bè, thầy lo cho Phượng. Xem phim với thầy mà ngại gì?
Oanh bặm môi như muốn khóc vì sợ:
– Thôi, em về. Em không xem phim đâu!
Sang giận dỗi:
– Sao vậy? Phượng có biết là thầy chờ em bao lâu rồi không? Em có bao giờ nghĩ để hiểu nỗi khổ của một người đàn ông là thầy giáo mà lại...
Tố Oanh ấp úng:
– Thầy ơi! Em hiểu!
Cô rụt rè bước theo Sang vào phòng chiếu vi deo. Đã vô phim lâu rồi! Oanh bối rối nắm lấy tay áo chemise của Sang. Cô thấy bàn tay đàn ông rất mềm của thầy nắm tay cô dẫn đi trong bóng tối mờ mờ.
Cuối cùng, Sang cũng chọn được hai chiếc ghế gần dưới góc rạp. Giờ nầy những người đi xem phim thường là những cặp tình nhân, họ im lặng tựa sát vào nhau, vừa xem phim vừa âu yếm.
Oanh rụt rè ngồi xuống kế bên Sang, cô cũng hồi hộp như ngày xưa nào đó, lần đầu tiên cô ngồi kế bên Hùng trong bóng tối.
Giọng Sang vang lên ấm áp:
– Em nghĩ thế nào về thầy?
Oanh thầm thì:
– Dạ, em không bao giờ dám nghĩ tới thầy.
– Vì sao?
Oanh phụng phịu:
– Quanh thầy biết bao nhiêu là người đẹp. Em vừa xấu lại vừa nhà quê. Em nghĩ thầy xem em như trò đùa.
Sang bất bình:
– Đừng nghĩ vậy nữa nhé Tố Phượng.
Tố Oanh nói tiếp:
– Nếu không nghĩ vậy thì em nghĩ thầy là một cái gì rất cao, em đứng dưới ngước mắt mải mê nhìn rồi cũng trở về với...giấc mộng cô đơn.
Có tiếng Sang cười khẽ trong bóng tối:
– Cứ thần tượng hóa như thế thì khổ cho thầy. Hãy xem thầy cũng bình thường, thậm chí còn tầm thường như những người đàn ông khác...Mà Phượng đáng tội lắm đó.
– Ư! Em thấy mình có tội gì đâu?
Sang nói nhỏ vào tai Oanh:
– Lần rồi dám cho thầy leo cây.
Oanh cười khúc khích:
– Tại hôm đó ba mẹ em ở quê lên, em đâu dám đi. Với lại...
– Với lại sao?
Oanh nũng nịu:
– Em sợ cô Thoa lắm?
Sang cười:
– Bọn sinh viên đồn nhảm. Thế...hôm nay Phượng không sợ cô Thoa nữa sao?
Tố Oanh ranh mãnh:
– Dạ không! Hôm nay em sợ thầy!
Sang vui vui trong lòng vì Phượng có vẻ dạn dĩ, nói nhiều và tự nhiên hơn lần đầu ngồi với anh trong quán...Cô bé học trò nào lại không thích như thế nầy chớ. Anh hỏi:
– Sợ cái gì thầy? Nói đi bé!
– Em sợ cho thầy leo cây, thầy sẽ kêu trả bài, tặng cặp trứng ngỗng thật to nên em mới đến đây.
Sang thích thú nhìn chót mũi thanh thanh của cô trong bóng mờ mờ tối.
– Lém lắm! Phượng nầy!
– Dạ!
Sang định nói một câu thật ngọt ngào nhưng anh chợt dằn lòng:
– Xem phim đi!
Oanh dựa người ra sau, lưng cô chạm nhẹ vào cánh tay Sang đang choàng ngang trên ghế của cô. Ở màn ảnh nhỏ, đôi tình nhân đang hôn nhau say đắm.
Oanh liếc vội thầy Sang, cô thấy ông ta đang chăm chú theo dõi, đôi môi mỏng hơi mím lại.
Tố Oanh mỉm cười, cô co người, hai tay vòng qua ngực. Sang nghiêng người về phía cô, giọng ngạc nhiên:
– Sao vậy Tố Phượng?
Giọng Tố Oanh ngây thơ như giọng trẻ con:
– Tại thầy chọn chỗ ngồi ngay quạt...
– Em lạnh hả?
Oanh im lặng. Sang lại hỏi:
– Phượng lạnh lắm không?
Oanh lắc đầu. Bàn tay Sang lần xuống cánh tay trần của Oanh.
– Không mà tay lạnh ngắt...Thầy chọn chỗ dở thật! Phượng ngồi đây để thầy tìm xem còn chỗ nào khác không.
Oanh nhìn Sang, ánh mắt cô thật tôi:
– Thầy bỏ em một mình, em sợ.
Hai người lại im lặng. Oanh chợt nghe tiếng thầy Sang thở dài. Tay Sang choàng hẳn qua vai cô kéo cô sát vào người. Anh thì thầm.
– Ấm chưa?
Oanh ngồi co lại run rẩy. Sang nâng mặt cô lên:
– Sao không trả lời...sợ....anh hay sao mà nín vậy?
Sang mỉm cười hài lòng. Anh siết cô bé chặt hơn.
– Tội nghiệp! Đừng sợ anh Phượng ạ! Lần hẹn rồi em không đến, anh đã khổ biết bao. Anh lang thang như một kẻ si tình thật sự. Về nhà, anh làm thơ. Anh đọc cho Phượng nghe nhé!
Oanh xúc động. Hầu như cô chưa bao giờ được nghe lời tỏ tình nào êm ái, sâu lắng như thế cả. Những người con trai đến với cô đều trống rỗng, họ chỉ biết vồ vập, ham hố mà thôi.
Oanh sung sướng, cô nép mình vào vai Sang nghe lời anh như ru:
“Anh sẽ cất trong tim một chút máu hồng Để nhớ vô cùng những ngày mai nào em không tới Anh sẽ giấu trên môi một chút khói nồng Để nghe đớn đau nầy chẻ sợi nỗi buồn tênh”.
– Em khổ lắm thầy ơi...Học trò mà dám mơ tưởng đến thầy giáo, các bạn mà biết được chắc em bỏ học.
Sang nắm bàn tay nhỏ nhắn của Oanh:
– Sao Phượng lại nghĩ vậy? Yêu nhau có gì là tội. Anh chưa hề hò hẹn, đi chơi với học trò bao giờ. Lần đầu vào lớp nhìn em, anh đã yêu em ngay.
Oanh vội vàng lắc đầu, cô van lơn thật khéo:
– Mẹ em dặn:
tất cả những người đàn ông đều nói dối giống nhau. Thầy ơi!
Cho em về đi thầy. Em lạnh quá!
Sang thở dài. Những cô bé mới lớn và những cô gái già ế đôi khi đều õng ẹo, làm màu như nhau. Các cô bé thì sợ bị lừa nên thật tình lo lắng, còn các cô gái già thì làm mình, làm mẩy như chứng tỏ mình vừa còn ngây thơ trong trắng, vừa không phải là người dễ dãi buông thả tình yêu dù trong lòng thì vui hơn mở hội.
Sang kiên nhẫn vỗ về:
– Thầy xin lỗi vì đã quá vội khi nói với em như thế. Phượng xem phim tiếp đi!
Giọng Oanh rụt rè, hối lỗi lẫn sợ sệt:
– Thầy đừng buồn Phượng nhe thầy.
Sang tính toán đánh đòn cuối. Anh ngồi im lặng như đang rất phiền muộn.
Cô bé lo lắng quay sang nhìn thầy bằng đôi mắt long lanh. Anh biết, cô học trò nào mà chẳng sợ thầy buồn, nhất là buồn vì tình yêu. Sang thong thả kép Oanh sát vào người sau khi tin rằng mình sẽ thắng:
– Nếu em trả lời là không yêu anh thì anh sẽ buồn đến chết mất. Anh sẽ không bao giờ làm phiền em nữa...
Oanh vội vàng:
– Không! Em sẽ không trả lời gì cả.
Sang âu yếm siết tay cô.
– Và anh cũng sẽ không nói gì cả. Khi yêu người ta có rất nhiều cách để nói, và cách hay nhất là không phải bằng lời đâu.
Sang điệu nghệ nâng cằm Oanh lên, cô gỡ tay anh ra, gục đầu vào chỗ tựa tay của ghế. Sang vuốt nhẹ tóc Oanh qua một bên và cúi xuống hôn lướt lên ót cô. Anh vuốt tấm lưng thon thả mềm mại của Oanh, lòng háo hức khi cảm nhận cái rùng mình rất nhẹ của cô.
Sang nâng mặt cô lên lần nữa. Anh chăm chú nhìn mắt cô ngơ ngác mở rộng rồi khép hờ như chờ đợi. Đôi môi rất mọng, rất ngon của Oanh hơi trề ra. Trong bóng tối mờ mờ và trong sự im lặng như đồng lõa của những cặp tình nhân đang quấn quít khác, Sang mê đi. Anh hôn nhẹ lên môi Oanh rồi siết cô vào người bằng những ngón tay dài thanh mảnh. Anh say sưa với đôi môi còn rất trẻ thơ và rạo rực với ý nghĩ “Mình sẽ dạy cho con bé cách hôn môi như thế nào cho thật tuyệt, cho không nhớ cà đường về”.
Khoảng Đời Lấp Lửng Khoảng Đời Lấp Lửng - Trần Thị Bảo Châu