Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Thể loại: Cổ Tích
Biên tập: Hoài Nam
Upload bìa: Hoài Nam
Số chương: 239
Phí download: 14 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5349 / 75
Cập nhật: 2018-02-03 14:00:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
2. Truyện Cổ Tích Khác Với Những Loại Chuyện Nào?
rước tiên, chúng ta hãy kiểm điểm lại danh từ "truyện cổ tích" hay "truyện đời xưa" nhiều khi vẫn thường được dùng một cách quá rộng rãi. Người ta dùng danh từ đó để chỉ bất cứ loại truyện nào có thể gắn lên đầu hai tiếng "ngày xưa...". Bây giờ đây chúng ta nên trả lại cái tên truyện cổ tích cho môn loại của nó. Còn cái tên dùng để chỉ chung cho tất cả các loại truyện truyền miệng, chúng ta tạm gọi nó là truyện khi chưa tìm được tiếng nào thích hợp hơn. Khái niệm "truyện đời xưa" thật ra vẫn không được bao quát, vì ngoài những truyện đời xưa đúng nghĩa ra, không phải không có những truyện mới được sáng tác hôm qua hôm kia, những truyện "đời nay" mà vẫn cứ là truyện như thường.
Xác định như thế rồi, chúng ta sẽ gạt ra mấy loại truyện sau đây mà phạm vi bộ sách này không nói tới:
Một là ngụ ngôn. Ngụ ngôn là một loại truyện đơn giản, có mục đích rõ rệt là kết cấu câu chuyện phải nói lên một ý nghĩa gì. Cũng có khi nó được người ta dùng để so loại như ca dao, tục ngữ: lấy cái gần nói cái xa, lấy cái dễ nói cái khó, lấy cái cụ thể nói cái trừu tượng. Truyện ngụ ngôn thường rất ngắn, bằng văn vần hay văn xuôi, có một kết luận định sẵn, đó là một bài học luân lý hay một quan niệm về triết lý. Nếu trong cổ tích, dung lượng phong phú của những câu chuyện kể không bắt buộc phải bỏ qua nhiều chi tiết, mà nhiều khi ngược lại, thì đối với ngụ ngôn, do yêu cầu làm sáng rõ cái ý nghĩa đã chuẩn bị sẵn trong truyện, lại cần phải tước bỏ bớt những chi tiết rườm rà. Nói ngoa, nói phóng đại là phương pháp thuyết phục của ngụ ngôn. Tuy nhiên, ẩn sau những hình thức thuyết phục có vẻ vô lý, nội dung ý nghĩa của truyện ngụ ngôn thường lại hợp tình hợp lý. Nhiều truyện cổ tích cũng có ý nghĩa ngụ ngôn nhưng cách xây dựng câu chuyện thì theo một thể tài khác hẳn. Truyện ngụ ngôn có phần giống với truyện tiếu lâm về nghệ thuật, về ý nghĩa và cả về cười cợt nữa, nhưng lại khác tiếu lâm ở chỗ nó không chuyển thành cái cười phũ phàng, hơn nữa không dâm tục.
Hai là khôi hài hay hoạt kê. Loại này đặc biệt ở tính chất gây cười. Ngày xưa, những truyện khôi hài được sáng tác có kết thúc trọn vẹn, nghĩa là nhiều truyện cũng có bố cục chặt chẽ, trước sau ăn khớp nhau, có nhiều chi tiết, nhiều sự kiện rườm rà không khác gì thể tài cổ tích.
Chỉ có khác với cổ tích là mỗi tình tiết của truyện đều có ý gây cười hoặc mỉa mai bằng cười cợt. Nhưng về sau này thể truyện khôi hài thường ngắn gọn, có khi không đầu không đuôi.
Ba là tiếu lâm. Theo đúng nghĩa của nó thì cũng là loại truyện gây cười. Nhưng nếu cái cười ở khôi hài đã có tính chất châm biếm đả kích thì cái cười ở tiếu lâm, châm biếm đả kích còn có phần trắng trợn hơn. Ở khôi hài thì người ta thường kiêng dè những điều dâm tục, nhưng với tiếu lâm, điều đó không thành vấn đề nữa. Khác với nghệ thuật của cổ tích, truyện tiếu lâm cũng như truyện ngụ ngôn thường kết thúc giữa chừng. Nghĩa là câu chuyện bao giờ cũng dừng lại khi mục đích của nó đã đạt cũng như hình tượng của truyện bao giờ cũng bó hẹp trong khuôn khổ và mục đích quy định.
Điều cần để ý là trong kho tàng truyện cổ tích của bất cứ dân tộc nào cũng đều có một số truyện chứa đựng tính chất vui tươi cười cợt có khi pha lẫn cả tục nữa, nhưng vẫn không có tác dụng gây cười như truyện khôi hài và tiếu lâm. Những truyện đó vẫn là truyện cổ tích vì trước sau chúng vẫn đầy đủ những đặc trưng của truyện cổ tích.
Bốn là loại truyện tạm gọi là truyện thời sự. Loại này khác với truyện cổ tích và các loại truyện khác ở chỗ, tác giả của nó không dùng đến tưởng tượng hoặc chỉ dùng rất ít. Nó là truyện có thật, xảy ra ở trong một nước hay một địa phương nhất định. Dưới hình thức một câu chuyện kể ngắn gọn, nó bộc lộ rõ rệt một thái độ. Thường thì bao giờ câu chuyện cũng được chủ quan tác giả hướng tới một kết luận nào đấy. Đó chính là truyện đời chứ không phải mô phỏng, nhại lại truyện đời. Sở dĩ không gọi là truyện đời hay truyện thế sự mà gọi là truyện thời sự vì loại truyện này vốn xuất hiện nóng hổi và trung thực ngay sau khi sự việc xảy ra, nhanh như một tin báo. Nó cũng là lịch sử mà lại là lịch sử ít bị phóng đại hóa hay thần thánh hóa. Nó khác ngụ ngôn ở chỗ: ngụ ngôn thì châm biếm một cách kín đáo, nhẹ nhàng còn nó khi đả kích thì đả kích táo tợn, nói thẳng nói thật tên tuổi đối tượng mà không sợ vạ miệng chút nào.
Truyện thời sự thường có hai hình thức: có truyện kể bằng văn xuôi, không có hình thức thành văn cố định. Ví dụ những truyện có đề tài về kháng chiến, rào làng, đi dân công, thi đua... gần đây hay là những truyện như: Tán Cao mổ ruột, Bảo Đại bị Tây bắn què chân[4]ngày trước. Có truyện đặt bằng văn vần mà ta thường gọi là truyện vè, như vè Sai đạo kể chuyện bọn khâm sai núp sau lưng giặc Pháp làm hại đồng bào, hay như vè Cô Thông Tằm, vè Con gái chửa hoang, v.v... Nên nhớ là không phải bất cứ truyện vè nào cũng đều là truyện thời sự. Có truyện là ngụ ngôn (vè Con cua), có truyện là cổ tích (vè Chàng Lía).
Đó là bốn loại truyện có hình thức và mục đích rõ ràng, dễ phân biệt.
Ngoài bốn loại này, còn có thể nói đến một số loại truyện khác trong kho tàng truyện của chúng ta. Nhưng thời gian và quá trình truyền miệng đã làm cho các đặc trưng của chúng trở nên gần gũi nhau hơn, ranh giới hầu như bị xóa nhòa, nên rất dễ lẫn lộn.
Tuy nhiên nếu đi sâu vào từng truyện, ta vẫn có thể phát hiện ra thần thoại và tiên thoại, phật thoại. Những loại này tuy giống nhau về hình thức nhưng lại khác biệt về nội dung.
Về thần thoại chúng tôi đã có dịp xác định đặc trưng trong quyển Lược khảo về thần thoại Việt-nam[5]. Còn tiên thoại, phật thoại hay nói chung là truyện tôn giáo là những loại truyện rất dễ nhìn nhận dù của bất cứ dân tộc nào, vì chúng mang theo dấu ấn rõ nét của một thứ tôn giáo nhất định. Chúng thường xuất hiện từ miệng tăng lữ với mục đích tuyên truyền dẫn giải về chủ nghĩa yếm thế. Chủ đề của truyện thường thường là việc nhân quả báo ứng, thoát ly cuộc sống trần tục, v.v...[6].
Gạt tất cả các loại truyện trên ra, chúng ta sẽ chỉ còn lại những loại truyện với cái tên quen gọi là truyền thuyết, cổ tích.
Vậy truyền thuyết, cổ tích là gì? Ranh giới giữa truyền thuyết, cổ tích như thế nào?
Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam