The multitude of books is making us ignorant.

Voltaire

 
 
 
 
 
Tác giả: Nicholas Sparks
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Khánh Linh
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2993 / 92
Cập nhật: 2014-12-26 07:49:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hibault
Thật kỳ lạ khi nghĩ về những biến cố có thể xảy ra trong cuộc đời một người đàn ông. Mới chỉ hơn một năm trước, chắc Thibault đã nhảy cẫng lên nếu được tận hưởng những ngày nghỉ cuối tuần với Amy và đám bạn cô. Có thể đấy chính là điều anh cần; vậy mà khi họ thả anh xuống ngay rìa thị trấn Hampton, giữa cái nóng hầm hập của buổi trưa tháng Tám, anh vẫy chào tạm biệt mà lòng thấy nhẹ nhõm đến lạ kỳ. Việc cố tỏ ra thoải mái bên các cô gái khiến anh thấy kiệt sức.
Kể từ khi rời Colorado năm tháng trước, anh chưa từng dành quá vài tiếng đồng hồ bên cạnh bất cứ ai, trừ một bác nông dân lớn tuổi vắt sữa bò ở Nam Little Rock, người đã cho anh sử dụng một phòng ngủ bỏ không trên lầu sau bữa tối diễn ra gần như trong yên lặng giữa hai người. Anh rất cảm kích vì ông cụ không ép anh giải thích lý do anh tỏ ra như vậy. Không hỏi, không tò mò, không bóng gió. Chỉ đơn giản chấp nhận là Thibault không thích trò chuyện. Để đáp lại, Thibault đã dành vài ngày để giúp ông sửa mái chuồng bò trước khi lại tiếp tục khăn gói lên đường, với Zeus lẽo đẽo theo sau.
Ngoại trừ lúc được ba cô gái cho đi nhờ ra, còn lại thì Thibault đã cuốc bộ hết cả chặng đường dài. Kể từ lúc vứt chùm chìa khóa căn hộ của mình ở phòng quản lý chung cư hồi giữa tháng Ba, anh đã phải thay đến tám đôi giày, chủ yếu sống nhờ lương khô PowerBars và nước trong khi một mình rong ruổi trên những chặng đường dài nối liền các thành phố và thị trấn. Có lần, ở Tennessee, anh đã ăn một lúc hết năm chồng bánh bột mì rán sau khi cuốc bộ gần ba ngày mà không có gì vào bụng. Với Zeus làm bạn đồng hành, anh đã đi qua bão tuyết, mưa đá, dông tố và nắng gắt đến độ hai cánh tay bỏng rộp; anh đã nhìn thấy một cơn lốc xoáy đang trong quá trình hình thành gần Tulsa, bang Oklahoừng suýt bị sét đánh hai lần. Đôi lần, tự dưng không muốn đi theo đường lớn, anh đã đi đường vòng để rồi bị lạc lung tung, khiến cho chuyến đi bị kéo dài thêm. Thường anh đi bộ tới chừng nào mệt lử, chập tối thì bắt đầu tìm nơi cắm trại, chỗ nào cũng được miễn là anh và con Zeus không bị làm phiền. Buổi sáng, trước khi mặt trời kịp mọc, anh lại lên đường nên không ai biết họ đã ở đó. Cho đến lúc này thì họ chưa từng bị ai quấy rầy.
Thibault tính ra mình đã đi trung bình hơn ba mươi ki lô mét mỗi ngày, mặc dù anh chưa bao giờ ghi chép lại cả thời gian lẫn độ dài quãng đường. Đó không phải là mục đích của hành trình này. Anh có thể tưởng tượng ra người này thì nghĩ anh đang đi xa khỏi những hồi ức về cái thế giới mà anh bỏ lại sau lưng, nghe có vẻ thi vị, người kia lại cho là anh đi chỉ để đi thế thôi. Nhưng cả hai đều không đúng. Anh thích đi bộ, và anh có một số nơi cần đến. Chỉ đơn giản vậy thôi. Anh thích được tự do muốn đi lúc nào thì đi, muốn đến chỗ nào thì đến, muốn nhanh thì nhanh muốn chậm thì chậm. Sau bốn năm phải tuân lệnh trong lực lượng lính thủy đánh bộ thì sự tự do tự tại này thật hấp dẫn với anh.
Mẹ Thibault rất lo lắng cho anh, nhưng bà mẹ nào mà chả thế. Mà không thì đấy cũng là cái tính cố hữu của mẹ anh rồi. Cứ vài ngày Thibault lại gọi điện về một lần để bà biết rằng anh vẫn ổn; và lần nào cũng vậy, cứ mỗi khi ngắt máy, anh lại thấy mình thật không phải với bà. Hầu như suốt cả năm năm qua anh xa nhà, và ba lần sang Iraq thì cả ba lần anh đều phải nghe bà thuyết giảng qua điện thoại, nhắc nhở anh không được làm điều gì dại dột. Anh chẳng làm gì dại dột, ấy vậy mà cũng đã hơn vài lần suýt chết. Dù Thibault chưa bao giờ kể cho mẹ nghe về những chuyện ấy nhưng bà đọc được trên báo. Đêm trước khi Thibault lên đường bà khóc lóc, "Lại đi... Mẹ thấy tất cả những chuyện này thật điên rồ."
Có thể là điên rồ. Cũng có thể là không. Anh cũng không biết nữa.
"Mày nghĩ sao, Zeus?"
Con chó ngước lên khi nghe gọi tên mình và lặng lẽ bước đến bên anh.
"Ừ, tao biết. Mày đang đói. Còn gì khác không?"
Thibault dừng lại trong bãi đỗ xe trước một nhà trọ tuềnh toàng ở rìa thị trấn. Anh lấy cái bát và chỗ thức ăn dành cho chó cuối cùng. Trong khi Zeus bắt đầu ăn thì anh tranh thủ ngắm nhìn thị trấn.
Hampton không phải nơi xấu nhất mà anh từng thấy, dĩ nhiên là không rồi, nhưng cũng chẳng phải là nơi đẹp nhất. Thị trấn này nằm dọc hai bờ sông South, cách Wilmington và bờ biển khoảng sáu mươi ki lô mét về phía Tây Bắc. Thoạt nhìn, có vẻ nó chẳng khác gì so với hàng ngàn thị trấn tự cung tự cấp nằm rải rác khắp miền Nam của những người công nhân luôn tự hào về lịch sử của mình. Vài hộp đèn giao thông treo lủng lẳng trên những sợi dây võng xuống làm cản trở giao thông khi xe cộ lách lên cây cầu bắc qua sông, hai bên con phố chính là những tòa nhà gạch thấp tầng san sát nhau kéo dài khoảng nửa cây số, trên các cửa trước in tên những địa điểm ăn uống hoặc mua sắm đồ ngũ kim. Đó đây vài cây mộc lan già mọc rải rác, rễ phình lên khiến vỉa hè cũng bị nhấp nhô theo. Đằng xa, anh nhìn thấy cả một cột ống biển hiệu cắt tóc cổ lỗ sĩ và những cụ già ngồi chờ trên chiếc ghế băng đặt ngoài cửa tiệm. Anh mỉm cười. Cảnh tượng cũ kỹ là lạ, tựa hồ như đang ở những năm năm mươi của thế kỷ trước vậy.
Tuy nhiên, sau khi quan sát kỹ hơn, anh cảm thấy những ấn tượng ban đầu ấy thật sai lầm. Dù nằm ngay bên bờ sông - mà cũng có thể chính vì thế - anh vẫn thấy tình trạng xuống cấp gần những đường bao mái, nơi những đống gạch đổ nát sát chân tường, trên những vết ố bẩn đã phai màu cao tới cả mét tính từ móng cho thấy ở đây đã từng xảy ra lụt lội nghiêm trọng. Chưa có cửa hàng nào đóng cửa, nhưng nhìn vài chiếc xe đỗ lèo tèo bên ngoài, anh tự hỏi họ có thể buôn bán được bao lâu. Những khu thương mại ở các thị trấn nhỏ sắp sửa theo gót bọn khủng long, và nếu thị trấn này cũng giống như hầu hết những nơi mà anh đã đi qua thì anh đoán có lẽ đã mọc lên một khu buôn bán khác mới hơn, nơi gần như chắc chắn đã có Wal-Mart hay Piggly Wiggly[1], đặt dấu chấm hết cho phần này của thị trấn.
[1]. Wal-Mart và Piggly-Wiggly là hai hệ thống siêu thị bán lẻ lớn của Mỹ.
Kể cũng lạ. Anh đang ở đây. Anh không nhớ mình từng hình dung thế nào về Hampton, nhưng chắc không phải thế này.
Mà thôi, thị trấn có thế nào không phải việc của mình. Nhìn Zeus đang liếm nốt cái bát, Thibault tự hỏi phải mất bao lâu nữa mới tìm thấy cô ấy. Người phụ nữ trong bức ảnh. Người mà anh đang kiếm tìm.
Nhưng anh sẽ tìm thấy cô. Đó là điều chắc chắn. Anh nhấc ba lô lên. "Mày sẵn sàng chưa?"
Zeus nghiêng đầu.
"Chúng ta sẽ thuê một phòng. Tao muốn ăn và tắm rửa. Mà cả mày cũng phải tắm nữa."
Thibault đi được vài bước thì nhận ra Zeus vẫn không nhúc nhích. Anh ngoái đầu lại.
"Đừng có nhìn tao như vậy. Dứt khoát mày phải tắm. Có mùi rồi đấy."
Zeus vẫn đứng im.
"Thôi được. Tùy mày. Tao đi đây."
Anh bước về phía phòng quản lý để đăng ký, thừa biết kiểu gì Zeus cũng đi theo. Nói cho cùng, Zeus luôn đi theo anh.
Cho đến trước khi nhặt được bức ảnh đó, cuộc sống của Thibault đã diễn ra đúng như anh dự tính. Lúc nào anh cũng có sẵn một kế hoạch. Anh muốn ở trường mình phải được loại giỏi, và anh đã được loại giỏi; anh muốn tham gia nhiều môn thể thao, và anh đã chơi gần như tất cả các môn. Anh muốn học piano và violin, và anh đã giỏi tới mức có thể tự sáng tác nhạc. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Colorado, anh quyết định gia nhập lực lượng lính thủy đánh bộ. Người tuyển quân mừng rỡ khi thấy anh chọn đi lính thay vì trở thành một nhân viên văn phòng. Bị sốc, nhưng mừng rỡ. Hầu như chẳng có ai tốt nghiệp đại học mà lại khao khát được làm một anh lính quèn, ấy nhưng đó chính là điều mà anh muốn.
Vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới chẳng liên quan mấy tới quyết định này của anh. Việc nhập ngũ dường như là một điều hết sức tự nhiên, bởi lẽ bố anh cũng từng phục vụ lực lượng lính thủy đánh bộ suốt hai mươi lăm năm. Nhập ngũ là một anh lính trơn và giải ũ với quân hàm trung sĩ, mái tóc hoa râm và gương mặt rắn rỏi có thể dọa được tất cả mọi người trừ vợ ông và trung đội mà ông chỉ huy. Ông coi những chàng trai ấy như con mình, và mục tiêu duy nhất của ông, như ông thường nói với họ, là trả họ về với mẹ, bình an, mạnh khỏe và trưởng thành. Ông đã dự chừng hơn năm chục đám cưới của cấp dưới, những người không thể nào tưởng tượng được mình đi cưới vợ mà không có ông chúc phúc. Ông cũng là một lính thủy đánh bộ xuất sắc. Ông được trao tặng một huân chương Bronze Star và hai huân chương Purple Heart tại Việt Nam; từng nhiều năm tham gia các chiến dịch Grenada, Panama, Bosnia và Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất. Ông là người không bao giờ ngại thuyên chuyển, và Thibault đã trải phần lớn thời niên thiếu theo ông đi hết nơi này đến nơi khác, sống trong các căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Về một số mặt nào đó thì Okinawa có vẻ giống quê nhà của Thibaut hơn là Colorado, và mặc dù vốn tiếng Nhật anh đã rơi rớt nhiều nhưng anh nghĩ chỉ một tuần ở Tokyo là anh sẽ lại lưu loát thứ ngôn ngữ này ngay.
Giống như bố, anh đã định sẽ theo đuổi binh nghiệp đến cùng rồi nghỉ hưu, nhưng khác với ông, anh lại muốn sống thật lâu sau đó để hưởng thụ. Bố anh đã mất vì một cơn đau tim chỉ hai năm sau lần cuối cùng ông cởi bộ quân phục màu xanh treo lên giá. Một cơn nhồi máu cơ tim mạnh và đột ngột. Mới một phút trước ông còn xúc tuyết khỏi con đường dẫn vào nhà thì phút sau ông đã ra đi. Chuyện xảy ra từ mười ba năm trước. Khi đó Thibault mười lăm tuổi.
Đối với Thibault, ngày bố mất và đám tang sau đó là những ký ức đáng nhớ nhất trong quãng đời trước khi anh gia nhập lính thủy đánh bộ. Được nuôi dạy trong môi trường nhà binh khiến người ta biết cách tự xóa nhòa ký ức, đơn giản vì họ phải di chuyển quá nhiều. Những người bạn đến rồi đi; quần áo được gói ghém rồi gỡ ra, thứ gì trong nhà không cần thiết sẽ thường xuyên bị vứt bỏ; và kết quả là chẳng còn lại gì nhiều. Đó là những giai đoạn khó khăn, nhưng chúng khiến một đứa trẻ trở nên mạnh mẽ theo cái cách mà đa số mọi người không hiểu nổi. Nó học được rằng, khi ai đó bị bỏ lại sau lưng thì chắc chắn sẽ có người mới thế chỗ; rằng nơi nào cũng đem lại cả điều tốt và điều xấu. Tất cả những điều này khiến một đứa trẻ lớn nhanh hơn.
Thậm chí những năm đại học cũng mờ nhạt đối với Thibault, nhưng dẫu sao thì quãng đời đó ai cũng như ai cả thôi. Cả tuần vùi đầu vào sách vở, cuối tuần chơi bời, tới kỳ thi thì nhồi nhồi nhét nhét, ở ký túc xá đồ ăn dở tệ, và hai cô bạn gái, trong đó có một cô kéo dài được hơn một năm tí chút. Đó là câu chuyện muôn thuở của tất cả những ai từng học đại học, nhưng rất ít câu chuyện để lại dư âm dài lâu. Rốt cuộc thì chỉ có kiến thức của anh là ở lại. Thú thật, Thibault cảm thấy đời mình vẫn chưa thật sự bắt đầu cho đến căn cứ Paris tham gia khóa huấn luyện cơ bản. Vừa bước xuống xe buýt, anh đã nghe tiếng viên trung sĩ huấn luyện quát vào tai. Trên đời này chỉ duy nhất các trung sĩ huấn luyện là khiến anh tin rằng đời anh từ trước đến nay chẳng đáng một xu. Bây giờ anh đã là người của họ, chấm hết. Anh giỏi thể thao? Hãy chống đẩy năm mươi lần cho tôi, Ngài Thủ Quân. Anh tốt nghiệp đại học? Hãy ráp khẩu súng này, Einstein. Hay anh có bố từng ở lính thủy đánh bộ? Hãy lau chùi cái máy xén này, giống như bố anh từng làm ấy. Toàn những trò rập khuôn cũ rích. Chạy, đi đều, nghiêm, lăn qua bùn, trèo tường: chả có gì trong khóa huấn luyện cơ bản làm anh bất ngờ.
Phải công nhận rằng khóa tập huấn này tương đối có tác dụng. Nó quật người ta xuống bùn, đánh người ta tơi tả, nhưng cuối cùng cũng rèn đúc nên những tay lính thủy đánh bộ. Hoặc đó là những gì họ nói. Dù gì thì Thibault cũng không gục gã. Anh vượt qua thử thách, nhẫn nhịn, tuân lệnh, và giữ nguyên bản chất của mình. Cuối cùng thì anh đã trở thành một lính thủy đánh bộ.
Sau khóa huấn luyện, anh được điều động về tiểu đoàn l, trung đoàn 5 đóng tại trại Pendleton. San Diego chính là kiểu thành phố mà anh thích, với khí hậu dễ chịu, những bãi tắm xinh đẹp, và phụ nữ lại càng quyến rũ hơn nữa. Nhưng thời kỳ đó chẳng kéo dài được bao lâu. Tháng Giêng năm 2003, ngay khi vừa bước sang tuổi Hai mươi ba, anh được đưa tới Kuwait để tham gia Chiến dịch giải phóng Iraq. Trại Doha, nằm trong một khu công nghiệp ở thành phố Kuwait, được trưng dụng thành khu quân sự kể từ Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, trông chả khác nào một thành phố nhỏ. Ở đó có một phòng tập thể thao, một trung tâm máy tính, một trạm bán hàng cho quân đội, các địa điểm ăn uống và bạt ngàn lều dã chiến trải dài tới tận chân trời. Nơi này vốn đã bận rộn nay càng trở nên bận rộn hơn do phải chuẩn bị cho cuộc tấn công, mà ngay từ đầu mọi thứ đã hỗn độn lắm rồi. Những ngày anh ở đây là một chuỗi các cuộc họp dài lê thê lếch thếch, các buổi rèn luyện thể lực và diễn tập nhiều phương án tác chiến thay đổi. Phải tập đi tập lại hàng trăm lần cách thức mặc quần áo chống vũ khí hóa học. Lại còn những lời đồn đại liên miên nữa chứ. Nản nhất là cứ phải cố xác định xem lời nói của ai có khả năng là thật. Ai cũng biết một ai đó quen một người nào đó nghe được chính xác cái chuyện đã xảy ra. Hôm nay thấy nói chuẩn bị tấn công ngay lập tức, ngày mai lại nghe nói kế hoạch tấn công sẽ hoãn lại. Lúc đầu thấy nói hướng tấn công chính là từ phía Bắc và Nam, sau đó có người lại bảo là chỉ từ hướng Nam mà thôi, mà có thể cũng chả phải vậy nữa. Hôm nay nghe nói kẻ thù có vũ khí hóa học và họ định sử dụng chúng; hôm sau lại có thông tin rằng họ không dám dùng sợ nước Mỹ sẽ giáng trả bằng vũ khí nguyên tử. Người này xì xào rằng Vệ binh Cộng hòa của Iraq có kế hoạch lập tuyến tử thay sát biên giới; người kia lại thề thốt tuyến tử thủ sẽ được dựng lên ở gần Baghdad. Lại có những người khác chắc chắn rằng đối phương sẽ sống chết gần các giếng dầu. Tóm lại là, chẳng ai biết gì cả, điều này chỉ càng kích động trí tưởng tượng của một trăm năm mươi ngàn quân lính đang tập kết ở Kuwait mà thôi.
Đại bộ phận lính tráng chỉ là những đứa trẻ. Nhiều khi mọi người quên mất điều này. Mười tám, mười chín, hai mươi tuổi - phân nửa số quân nhân này thậm chí còn chưa đủ tuổi để mua một cốc bia. Chúng tự tin, được huấn luyện tốt và háo hức xông pha, nhưng không thể nào lờ đi cái thực tế về những điều sẽ xảy đến với chúng. Một số sẽ chết. Có đứa nói về điều đó hết sức thoải mái, những đứa khác thì viết thư về cho gia đình rồi đưa cho sĩ quan tuyên úy. Chúng nhanh chóng trở nên cáu bẳn. Một số khó ngủ, số khác thì lại ngủ li bì suốt ngày. Thibault quan sát tất cả những chuyện này với thái độ thờ ơ đến kỳ lạ. Chào mừng đến với chiến tranh - bên tai anh vẫn văng vẳng lời bố nói. Luôn luôn có một từ để tả nó, ấy là SNAFU: lúc nào cũng hỗn loạn như vậy, không có gì lạ hết[2].
[2]. Nguyên văn là: "SNAFU: Situation normal, all fed up". Viết đầy đủ là: Situation normal, all fucked up, hoặc đôi khi để tránh bất lịch sự, người ta thường viết Situation normal, all fouled up. Ban đầu, cụm từ viết tắt được sử dụng phổ biến trong quân đội, với lối nói hài hước để chỉ một sự việc xảy ra như vốn dĩ vẫn vậy. Sau này, từ "snafu" được bình thường hóa, trở thành tiếng lóng ám chỉ sự hỗn loạn, tình trạng hoang mang.
Không phải là Thibault hoàn toàn miễn nhiễm với tình trạng căng thẳng leo thang, và cũng như tất cả mọi người, anh cần một lối thoát. Không thể không có một giải pháp nào đó. Anh bắt đầu chơi poker. Bố anh từng dạy anh chơi, và anh biết chơi... hoặc nghĩ là mình biết chơi. Rồi anh nhanh chóng hiểu ra rằng những người khác còn chơi giỏi hơn. Trong ba tuần đầu tiên, anh nướng sạch số tiền tích cóp được kể từ khi nhập ngũ. Đáng ra phải hạ bài thì anh lại theo, và ngược lại, khi cần theo thì anh lại hạ. Số tiền học nghề như thế cũng không có gì nhiều, vả lại dù có giữ được tiền thì anh cũng chẳng có mấy chỗ mà tiêu, tuy nhiên anh vẫn thấy ức chế trong nhiều ngày liền. Anh ghét bị thua.
Thuốc giải duy nhất là chạy đường dài vào buổi sáng trước khi mặt trời mọc. Lúc đó trời thường rất lạnh; mặc dù đã tới Trung Đông được một tháng nhưng anh vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sao sa mạc có thể lạnh đến thế. Anh mải miết chạy dưới bầu trời đầy sao, hơi thở thoát ra thành từng làn khói mỏng trong không trung.
Một lần, khi sắp kết thúc đường chạy và căn lều của anh đã hiện ra phía xa xa, Thibault bắt đầu chạy chậm lại. Mặt trời đang nhô lên khỏi đường chân trời, tỏa ánh vàng rực rỡ khắp sa mạc khô cằn. Chống tay lên hông, anh cố gắng thở đều. Và rồi, đúng lúc đó, khóe mắt anh bắt được ánh sáng yếu ớt hắt lên từ một bức ảnh bị vùi một nửa dưới cát. Thibault dừng lại nhặt bức ảnh lên và nhận ra nó được tráng laminate, dù rẻ tiền nhưng rất cẩn thận, chắc là để bảo vệ khỏi tác động của môi trường. Anh phủi bụi, lau sạch bức ảnh, và đó là lần đầu tiên anh nhìn thấy cô.
Đó là một cô gái tóc vàng đang mỉm cười, đôi mắt màu ngọc bích ánh lên vẻ tinh nghịch, mặc quần jean và áo phông có hàng chữ QUÝ CÔ MAY MẮN trên ngực. Đằng sau cô là biển hiệu ghi PHIÊN CHỢ HAMPTON. Đứng cạnh cô là một con béc giê mõm xám. Trong đám đông phía sau cô là hình ảnh hơi bị nhòe nét của hai thanh niên mặc áo phông in logo đứng cạnh quầy bán vé. Phía xa xa là ba cây thường xanh, loại cây có thể mọc ở hầu như bất cứ đâu. Mặt sau của bức ảnh có dòng chữ viết tay, "Hãy bảo trọng! E."
Tuy nhiên, ngay lúc ấy thì anh chẳng nhìn ra bất cứ chi tiết nào cả. Thoạt đầu, theo bản năng, anh đã chực quăng nó đi. Nhưng đúng lúc định làm vậy thì anh chợt nghĩ rằng bất cứ ai đã làm mất nó có thể sẽ muốn nhận lại. Rõ ràng là bức ảnh này có ý nghĩa nào đó với một ai đó.
Khi trở lại trại, anh ghim bức ảnh lên bảng thông báo gần lối vào của trung tâm máy tính vì nghĩ rằng không lúc này thì lúc khác, hầu như tất cả mọi người ở trại đều ghé qua đây. Thể nào cũng có người nhận lại bức ảnh.
Một tuần, rồi mười ngày trôi qua. Bức ảnh vẫn chưa có ai nhận lại. Thời gian đó trung đội của anh phải luyện tập ròng rã nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày, còn những ván poker thì trở nên ăn thua thực sự. Vài người bị thua hàng ngàn đô la; cả trại xì xào có một hạ sĩ đã mất đến gần mười ngàn đô. Riêng Thibault đã từ bỏ hẳn thú cờ bạc sau thất bại ê chề trong lần đầu thử vận may. Anh thích dành thời gian rỗi để nghĩ về cuộc tấn công sắp tới và tự hỏi mình sẽ thế nào nếu bị dính đạn. Ba ngày trước khi diễn ra cuộc tấn công, khi lững t ngang qua trung tâm máy tính, anh thấy bức ảnh vẫn còn ghim trên bảng thông báo, và vì một lý do nào đó mà đến giờ anh vẫn không thể hiểu nổi, anh đã gỡ nó ra cho vào túi.
Tối hôm đó, Victor, bạn thân nhất của Thibault trong tổ - họ đã cùng nhau trải qua khóa huấn luyện cơ bản - rủ anh chơi poker bất chấp thái độ của anh. Với lưng vốn ít ỏi, Thibault bắt đầu cuộc chơi một cách dè dặt và không cho là mình có thể ngồi lại quá nửa tiếng. Ba ván đầu anh bỏ bài, rồi bốc được một bộ sảnh ở ván thứ tư cùng một bộ cù lũ trong ván thứ sáu. Các quân bài liên tục đẹp như mơ - thùng, phá, sảnh, cù lũ. Chừng giữa cuộc chơi lúc nửa đêm, anh đã gỡ lại toàn bộ số tiền thua lúc trước. Người trước bỏ cuộc, kẻ sau thế chỗ. Thibault chơi tiếp. Đến lượt họ ra đi, anh vẫn ở lại. Vận may liên tục mỉm cười, và khi bình minh ló dạng, anh đã thắng được số tiền còn nhiều hơn cả sáu tháng lương lính đầu tiên của mình.
Mãi tới khi cùng Victor rời khỏi bàn, Thibault mới chợt nhận ra là suốt từ đầu cuộc chơi đến giờ, bức ảnh vẫn đang nằm trong túi anh. Khi về tới lều, anh cho Victor xem bức ảnh và chỉ vào dòng chữ trên áo cô gái. Bố mẹ Victor là dân nhập cư trái phép sống gần Bakersfield, bang California, anh chàng không chỉ theo đạo mà còn tin vào các thể loại điềm báo. Sấm chớp, đường ngã ba và mèo đen là những thứ linh ứng nhất Trước khi tới đây, có lần Victor đã kể cho Thibault nghe về một ông chú có đôi mắt quỷ: "Khi chú ấy nhìn cậu theo một kiểu nào đấy thì chuyện cậu chết chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi." Vẻ nghiêm túc của Victor khiến cho Thibault cảm thấy như được trở về tuổi lên mười, say sưa nghe Victor kể chuyện với một cái đèn pin chống dưới cằm. Khi đó anh không bình luận gì cả. Mỗi người mỗi kiểu. Victor muốn tin vào điềm báo à? Tốt thôi. Điều quan trọng là tài bắn súng của Victor đủ siêu để được chọn vào đội bắn tỉa, và anh thì tin cậu chàng đủ để phó thác cuộc đời mình cho bạn.
Victor nhìn chằm chằm vào bức ảnh trước khi trả lại nó. "Cậu bảo cậu tìm thấy thứ này lúc bình minh hả?"
"Ừ."
"Khi mặt trời lên là quãng thời gian mạnh nhất trong ngày đấy."
"Cái đấy cậu đã nói rồi."
"Đó là dấu hiệu," Victor nói. "Cô ấy là bùa may mắn của cậu. Thấy cái áo cô ấy đang mặc chứ?"
"Chắc chỉ may mắn đêm nay thôi."
"Không chỉ đêm nay đâu. Cậu tìm thấy bức ảnh là có lý của nó. Không ai nhận bức ảnh cũng có lý của nó. Và rồi cậu quyết định lấy lại cũng có lý của nó nốt. Có nghĩa là chỉ duy nhất cậu mới có được bức ảnh mà thôi."
Thibault muốn nói gì đó về người đánh mất bức ảnh và anh cảm thấy thế nào về chuyện này, nhưng rồi anh quyết định im lặng. Anh nằm xuống giường và đan hai bàn tay kê dưới đầu.
Victor cũng làm như Thibault rồi bổ sung, "Tớ mừng cho cậu. Từ giờ trở đi, may mắn sẽ luôn ở bên cậu."
"Tớ cũng mong là thế."
"Nhưng cậu đừng bao giờ để mất bức ảnh."
"Sao?"
"Nếu mất thì sau đó cái bùa sẽ gây tác dụng ngược."
"Nghĩa là sao?"
"Nghĩa là cậu sẽ gặp rủi ro. Mà trong chiến tranh, rủi ro là gì thì cậu cũng biết rồi đấy."
* * *
Mọi thứ bên trong phòng nghỉ cũng xấu xí y hệt vẻ bề ngoài của nhà trọ: gỗ ván ốp tường, bóng đèn thòng xuống từ trần nhà bằng dây xích, thảm trải sàn dệt từ loại sợi thô lởm chởm, một chiếc ti vi được bắt chặt vào đế. Có vẻ như căn phòng đã được trang trí từ giữa những năm bảy mươi rồi từ đó đến nay chưa bao giờ được nâng cấp, và nó gợi cho Thibault nhớ đến những chỗ mà bố anh đã chọn làm nơi dừng chân trong chuyến đi nghỉ xuyên vùng Tây Nam của gia đình, khi anh còn nhỏ. Cả nhà thường ngủ qua đêm trong những nhà nghỉ ngay sát đường cao tốc, và miễn sao chúng tương đối sạch sẽ thì ông đều duyệt hết. Mẹ anh không nghĩ thế, nhưng bà có thể làm gì chứ? Xung quanh đấy chẳng có cái khách sạn Bốn Mùa nào, mà kể cả có đi nữa thì họ cũng đâu đủ tiền thuê.
Thibault có một thói quen giống bố mỗi khi bước vào phòng trọ: anh kéo tấm phủ giường ra để chắc chắn rằng vải lót nệm sạch sẽ, rồi kiểm tra tấm che bồn tắm xem có mốc meo không, có tóc ở trong bồn rửa không. Mặc dù có những chỗ bị ố bẩn, vòi nước hơi bị rỏ giọt, phảng phất mùi thuốc lá, nhưng nơi này vẫn sạch sẽ hơn anh tưởng. Lại còn không đắt nữa. Thibault đã trả trước tiền thuê một tuần, không bị hỏi câu nào, không tiền thêm cho chó. Gì thì gì, thế là hời rồi. Anh không có thẻ tín dụng, không có thẻ ghi nợ, không có cả thẻ ATM, không có địa chỉ email và không có cả điện thoại di động. Anh đã mang theo gần như tất cả những gì mình có. Anh có tài khoản ngân hàng, nơi có thể chuyển tiền cho anh khi cần. Nó được đăng ký dưới tên một công ty chứ không phải tên anh. Anh chẳng giàu có gì. Thậm chí còn không thuộc diện trung lưu nữa. Cái công ty đó thực chất chả làm gì cả. Chỉ đơn giản là anh thích sự riêng tư.
Anh dẫn Zeus đến bồn, tắm rửa cho nó bằng chai dầu gội để trong ba lô. Rồi đến lượt anh tắm và tròng vào người bộ quần áo sạch cuối cùng. Ngồi trên giường, anh mở lật hết một lượt cuốn danh bạ điện thoại, tìm kiếm một điều gì đó đặc biệt nhưng không gặp may. Rồi anh viết một tờ giấy nhắc mang đồ đi giặt là khi nào có thời gian, sau đó quyết định kiếm cái gì bỏ bụng tại một nhà hàng nhỏ mà anh đã nhìn thấy ngay dưới phố.
Khi anh tới đó, họ không cho Zeus vào, việc này không có gì bất ngờ. Thế là cu cậu đành phải nằm ở ngoài cửa rồi ngủ mất. Thibault gọi bánh kẹp pho mát và thịt rán, tráng miệng bằng sữa sô cô la, cuối cùng anh gọi thêm một bánh kẹp pho mát cho Zeus. Trở ra, Thibault nhìn Zeus ngoạm sạch cái bánh trong chưa đến hai mươi giây rồi lại ngó lên nhìn anh.
"Rất vui khi thấy mày khoái nó. Đi nào."
Thibault mua bản đồ thị trấn ở một cửa hàng tạp hóa rồi tới ngồi trên một băng ghế gần quảng trường thị trấn - một trong những công viên kiểu cổ bao quanh bốn mặt là những con phố san sát các cửa hàng cửa hiệu. Với những hàng cây cổ thụ, một sân chơi cho trẻ em và rất nhiều hoa, nom công không được đông vui cho lắm: có mấy bà mẹ đứng tám chuyện với nhau trong khi trẻ con thì chơi cầu trượt hay lượn tới lượn lui trên xích đu. Thibault dòm kỹ mặt đám phụ nữ, rồi khi chắc chắn rằng cô không có trong số ấy thì anh quay lại trải tấm bản đồ ra, trước khi họ bắt đầu lo lắng về sự có mặt của anh. Những bà mẹ có con nhỏ lúc nào cũng lo lắng khi thấy một gã đơn độc lảng vảng xung quanh mà chẳng chủ định làm gì hết. Anh không trách họ. Xã hội giờ đầy rẫy bọn điên mà.
Vừa nghiên cứu bản đồ, anh vừa định hướng xem mình đang ở đâu và vạch ra bước đi tiếp theo. Anh không hề ảo tưởng rằng chuyện này sẽ dễ dàng. Xét cho cùng thì anh đâu biết gì nhiều. Tất cả những gì anh có là một bức ảnh - không họ tên hay địa chỉ. Không thông tin về nghề nghiệp. Không số điện thoại. Không đề ngày tháng. Không có gì ngoài một khuôn mặt trong đám đông.
Nhưng cũng có một vài manh mối. Anh đã nhiều lần nghiên cứu kỹ các chi tiết trên bức ảnh, và anh bắt đầu bằng những gì mình biết. Bức ảnh được chụp ở Hampton. Nom cô gái trong ảnh khoảng chừng hai mươi hai mốt tuổi. Cô rất cuốn hút. Cô có một con chó béc giê, hoặc là quen chủ của nó. Tên cô bắt đầu bằng chữ E. Emma, Elaine, Elise, Eileen, Ellen, Emily, Erin, Erica... đó là những cái tên phổ biến nhất, mặc dù anh biết ở miền Nam còn có những cái tên như là Erdine hay Elspe. Cô gái đã đến một hội chợ với một người sau này sang Iraq. Cô ấy đưa cho người này bức ảnh, và Thibault tìm thấy nó vào tháng Hai năm 2003, có nghĩa là bức ảnh phải được chụp từ trước đấy nữa. Như vậy thì giờ người phụ nữ này phải gần ba mươi rồi. Đằng xa xa có một hàng ba cây thường xanh. Đó là tất cả những gì anh biết. Dữ kiện anh có.
Rồi anh xây dựng các giả thiết, bắt đầu là với Hampton. Hampton là địa danh khá phổ biến. Chỉ cần gõ từ khóa lên mạng là sẽ cho ra rất nhiều kết quả. Các hạt và thị trấn: Nam Carolina, Virginia, New Hampshire, Iowa, Nebraska, Georgia. Còn những nơi khác nữa. Rất nhiều. Và tất nhiên, còn một Hampton là hạt Hampton ở Bắc Carolina.
Mặc dù không có cột mốc nào rõ ràng trong khung cảnh phía sau người phụ nữ trong ảnh - chẳng hạn hình ảnh Monticello cho biết đang ở bang Virginia, hay một tấm biển CHÀO MỪNG TỚI IOWA! - nhưng cũng có đươc chút thông tin. Không phải từ người phụ nữ, mà là từ mấy thanh niên phía sau đang đứng xếp hàng mua vé. Hai người trong số họ mặc áo có in logo. Một cái in hình Homer Simpson, chả có ý nghĩa gì. Cái kia có từ "DAVIDSON" ngang ngực áo, lúc đầu tưởng cũng chẳng có ý nghĩa gì, kể cả khi Thibault suy ngẫm về nó. Thoạt tiên anh cứ nghĩ rằng đây là từ viết t của Harley Davidson, tên một loại mô tô. Nhưng một thao tác trên Google đã làm vấn đề sáng tỏ. Anh biết được Davidson cũng là tên của một trường đại học danh tiếng gần Charlotte, Bắc Carolina. Chọn lọc và đầy thử thách, trọng tâm là liberal arts[3]. Lướt qua cẩm nang của trường này, anh tìm thấy mẫu áo y hệt như vậy.
[3]. Liberal Arts: chương trình đại học truyền đạt kiến thúc tổng hợp về toán, khoa học, ngôn ngữ, lịch sử, triết học; phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, tổng hợp kiến thức. Liberal Arts không đi sâu vào một ngành nghề nào mà chú trọng đào tạo phương pháp tư duy cho học sinh.
Tuy nhiên anh hiểu cái áo không thể đảm bảo rằng bức ảnh được chụp ở Bắc Carolina. Biết đâu ai đó học trường này đã cho anh chàng trong bức ảnh cái áo; biết đâu anh ta là học sinh ngoài bang, biết đâu anh ta chỉ thích màu sắc của chiếc áo, biết đâu anh ta đã tốt nghiệp và chuyển đến nơi khác. Nhưng ngoài chi tiết này ra thì chẳng còn manh mối nào nữa, thế là trước khi rời Colorado, Thibault đã gọi điện đến Phòng Thương mại Hampton và được họ xác nhận rằng hạt có tổ chức hội chợ thường niên vào mùa hè. Thêm một tín hiệu tốt. Anh đã có một đích đến, nhưng vẫn chưa chắc là đúng. Anh chỉ giả định rằng đó là nơi mình đang tìm mà thôi. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó không thể giải thích nổi, anh cảm chấy chính là nó.
Còn vài giả định khác nữa, nhưng anh sẽ trở lại với chúng sau. Việc đầu tiên phải làm là tìm đến nơi hội chợ đó đã diễn ra. Hy vọng rằng hội chợ của hạt này được tổ chức ở một địa điểm cố định; anh mong người nào có thể chỉ đường cho anh thì cũng có thể giải đáp luôn khúc mắc. Nơi tốt nhất để tìm một người như vậy là trong các cửa hàng quanh đây. Không phải cửa hàng quà lưu niệm hay cửa hàng đồ cổ - những chỗ đó thường là của những người mới dọn đến, những người từ miền Bắc đi tìm một cuộc sống yên tĩnh với khí hậu ấm áp hơn. Thay vào đó, theo anh, khả dĩ nhất chỉ có thể là một nơi như cửa hàng đồ ngũ kim địa phương, một quán bar, hoặc một văn phòng nhà đất. Anh cho rằng mình sẽ nhận ra chỗ đó khi nhìn thấy nó.
Thibault muốn biết chính xác địa điểm nơi bức ảnh được chụp. Không phải là để hình dung rõ hơn người phụ nữ đó là ai. Nơi diễn ra hội chợ có lẽ cũng chẳng giúp gì
Anh muốn biết có phải ở chỗ đó có ba cái cây thường xanh cao vút mọc sát nhau hay không, loài cây lá kim này có thể mọc hầu như ở bất cứ đâu.
Kẻ May Mắn Kẻ May Mắn - Nicholas Sparks Kẻ May Mắn