We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
VII
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đem quân phục kích từ Cửa Lục đến Vân Đồn nhằm đón đánh cánh quân Ô-mã-nhi rút chạy, nhưng tuyệt nhiên không có một chiến thuyền, một tên quân lọt được qua cửa Bạch Đằng. Kíp khi các vương được tin quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn cánh quân thủy của giặc cũng là lúc nhận được mệnh của Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Hưng Đạo vương:
“Đem hết quân bản bộ, ngày đêm đi gấp lên các ải Đình Lập, Lộc Châu để đón bắt Thoát-hoan”.
Lại nói sau khi xa giá và quân thánh dực hồi kinh, các tướng khác đều cấp tốc dẫn quân lên biên thùy truy đuổi giặc, việc thu dọn chiến trường trao lại cho các binh đội của địa phương cùng điền binh các hương ấp quanh vùng.
Trương Hán Siêu không về kinh sư cũng không lên biên ải, ông ở lại vì muốn thăm lại chiến trường.
Chiến trường kết thúc vào khoảng gần cuối giờ thân ngày mùng tám tháng ba, lúc ấy mặt trời đã rơi về phía bên kia ngọn Yên Tử. Sớm nay tuy còn rất mệt định ngủ cho đẫy giấc, nhưng trời vừa hửng sáng, Trương Hán Siêu đã bị lũ quạ đánh thức. Và không biết từ đâu chúng bay về rợp trời và kêu réo như một sự reo vui. Tự nhiên như có mùi tanh tưởi tràn ngập cả không gian. Và hình ảnh những tên giặc máu chảy vọt lên như những con lợn, con trâu bị chọc tiết túa ra ào ào đổ xuống nhuộm đỏ cả dòng sông, khiến dòng sông của cá tôm và bờ bãi trở thành dòng sông máu. Tất cả những sự ghê rợn của trận chiến ngày hôm trước cứ hiển hiện trong đầu óc buộc Trương Hán Siêu phải vùng dậy. Ông lên ngựa và đi thăm lại chiến trường.
Càng gần tới khu vực bờ sông, mùi tanh tưởi càng đậm đặc. Vật đầu tiên trông thấy từ xa là những đàn quạ, chúng bâu lại từng đám đen sì trên mặt sông, hoặc đậu trên đỉnh các cột buồm của những chiếc thuyền đắm và chúng vẫn lũ lượt bay về.
Trương Hán Siêu ghìm cương ngựa trên bờ, nơi gần sát với bãi cọc lớn nhất ở ba bãi cọc nằm trong khu vực sông Chanh. Hôm nay nước cạn trơ ra bãi cọc nằm im lìm bất động. Xác dăm bảy chục con thuyền cháy nham nhở, một số thuyền bị cọc đâm vào vỡ toác, một số khác bị cọc xuyên thủng đáy, thuyền bị đắm tại chỗ không nhúc nhích, tựa như một võ sĩ thượng thừa dùng hết công lực phóng ngọn giáo xuyên suốt con vật và găm nó vào một thân cây vậy.
Nhìn những con thuyền đắm nằm ngổn ngang, những xác giặc bị ghim vào cọc, bị kẹt giữa hai con thuyền hoặc những thân người nằm phơi ra ngoài bãi còn đầu bị mắc vào chùm rễ sú; đây đó những mảnh vỡ của thân thuyền, rải rác khá nhiều những cây kích bị cong, những cán giáo gãy và cả những chiếc đầu lâu lăn lóc dưới chân hàng sú vẹt. Những thây người ấy không phải tất cả đều là xác giặc. Lòng ngùi ngùi, Trương Hán Siêu lội xuống bãi lật ngửa mấy xác người chết, ông chưa nhận ra được gương mặt nào là gương mặt Việt bởi phần nhiều các gương mặt đã trương lên, đã biến dạng. Cởi hàng khuy áo một người lính chết thấy hở ra một chiếc bùa thấm nước, ông khéo léo đem tới vũng nước tở dần ra đọc được hàng chữ triện: “Tổ sư sắc lệnh trấn”. Hóa ra đây là bùa hộ mệnh của đám quân người Hán.
Trương Hán Siêu lên ngựa nhìn về phía cửa sông Chanh, thấy có nhiều người đi lại, ông bèn phóng ngựa tới đó.
Một cảnh tượng tan hoang thật là khủng khiếp. Một hàng cọc chắn ngang sông như cọc đáy thuyền chài và hai bãi cọc ở hai bên tả hữu dòng sông đều đã nhô cao. Nước cạn, dòng sông hẹp lại. Một đống thuyền cháy nham nhở, và thuyền va vào cọc bị đắm nằm chen chúc nhau chật cả dòng sông. Trên mặt nước dật dờ những tấm ván sạp thuyền cùng cả một bè xác chết len lách giữa các con thuyền đắm hoặc bập bềnh bên mép nước, tất cả đều bị ngáng lại trước hàng cọc vắt ngang sông. Một dòng sông chật cứng xác người và xác thuyền kéo dài tới mấy dặm.
Trương Hán Siêu rùng mình. Hôm qua là dòng sông máu. Hôm nay là dòng sông xác. Những điền binh và quân sĩ đi thu dọn chiến trường, lượm thây tử sĩ đã khiêng tới cả trăm cỗ quan tài đặt trên bờ sông, và họ còn tiếp tục khiêng ra nữa.
Đội quân thu dọn chiến trường chắc phải đánh nhau với bầy quạ mới lấy được xác người. Cơ man nào là quạ. Cứ chỗ nào thấy đen kịt, ấy là quạ đang xúm lại rỉa xác chết. Có những con lôi được cả một khúc ruột dài đậu tít trên đỉnh cột buồm mà rỉa.
Những người lính đang đẩy thuyền đi lượm xác. Trương Hán Siêu hỏi viên đô tướng:
- Làm thế nào để phân biệt quân ta với quân giặc?
- Bẩm ông, quân ta từ sĩ tốt đến điền binh đều xăm hai chữ “Sát Thát” vào cánh tay, dễ nhận lắm ạ. Còn quân giặc là người Hán đứa nào cũng đeo bùa hộ mệnh. Viên đô tướng đáp.
- Vẫn có người chưa kịp xăm “Sát Thát” thì sao?
- Dạ, có nhiều cách nhận ra người mình lắm, tướng quân khỏi lo.
Trương Hán Siêu để ý, những con thuyền cắm cờ Đại Việt và có bình hương đang bốc khói, ấy là thuyền lượm thây các tử sĩ Đại Việt. Còn thuyền chỉ có cờ đen, ấy là thuyền lượm xác giặc. Ông dõi nhìn và nhận ra cứ năm bảy thậm chí cả chục xác giặc mới có một người bên mình.
Phóng tầm mắt nhìn bãi chiến trường bao la, Trương Hán Siêu thốt lên:
- Giặc đã làm rách nát, làm ô uế cả dòng sông. Lặng lẽ cúi đầu và chắp tay vái các liệt sĩ đã bỏ mình vì nước, ông quay ra dắt ngựa thả bộ, vừa đi vừa ngẫm nghĩ: - Như một giấc mơ, giờ này hôm qua trận chiến mới vào hồi ác liệt. Giờ này hôm nay đã sạch bóng quân thù, đất nước đã yên bình. Thật là kim cổ đệ nhất chiến công.
Lại nói đại quân Thoát-hoan rút khỏi Van Kiếp, y được biết Hưng Đạo đã sai ba mươi vạn quân chẹn hết các đường trở về của quân Nguyên, khắp nơi đều có quân mai phục, có bẫy ngựa và quân Việt còn đào cả hầm xỉa ngựa ven núi trên đường thiên lý. Thoát-hoan sai viên hữu thừa A-ba-tri là một tướng mưu lược toàn tài dẫn quân kỵ đi trước mở đường cho quân bộ theo sau. Nhưng vừa ra khỏi doanh trại chưa được mười dặm đã phải dừng lại đánh nhau. Khác với khi quân Nguyên mới tràn vào cứ như đi vào chỗ không người ở, các cửa quan quân Việt tuy có chống trả, nhưng đó là sự chống trả yếu ớt, cầm chừng rồi tháo chạy. Trái lại, bây giờ phải giành giật với họ từng tấc đất mới có đường đi, cho nên việc lui quân rất chậm chạp.
Thoát-hoan mới đưa được hơn hai chục vạn quân qua sông Bình Giang, tiền quân gần tới ải Nội Bàng thì bị quân Đại Việt chặn lại. Viên hữu thừa A-ba-tri với năm ngàn kỵ binh cùng hàng vạn quân bộ theo sau, đánh nhau từ sáng tới quá trưa vừa đói vừa mệt mà tiền quân không nhúc nhích được bước nào, đôi ba phen bị đẩy lùi rồi người chết, ngựa chết lăn quay. Xác người, xác ngựa chồng đống lên nhau ngáng trở đường quân đi.
Thấy tiền quân không nhích lên được, Thoát-hoan sai Áo-lỗ-xích phái thêm viện binh hợp lực với A-ba-tri để thoát khỏi Nội Bàng mới có đường chạy tiếp về đất Trung Hoa.
Thấy có quân tiếp viện, A-ba-tri gom nhanh số quân còn lại thúc chúng tiến lên. Nhưng xem ra cả người và ngựa đều đói và đã mệt nhoài, quân uể oải không đứa nào chịu tiến. Để làm gương cho binh sĩ, A-ba-tri hét một tiếng thật to rồi bấm ngựa lao về phía trước. Quả nhiên đám kỵ binh đều lao theo chủ tướng.
Quân Đại Việt ngăn cản quyết liệt, không biết họ ở đâu và từ đâu bắn ra, chỉ biết bốn phía, phía nào cũng có tên bay về phía kỵ binh Mông Cổ. Cùng một lúc A-ba-tri trúng ba mũi tên độc. Một mũi cắm trên đỉnh đầu, một mũi xuyên từ cổ ra phía sau gáy, mũi thứ ba xoáy vào đùi sau khi đã xuyên thủng lớp quần da. Loáng một cái mặt A-ba-tri đã sưng húp lên, da tím đen văng từ trên mình ngựa xuống chết không kịp ngáp. Quân Nguyên hoảng hốt, người ngựa lùi lại rất xa. Chúng vón lại với nhau như một bầy kiến gặp nước, chứ không dám tản ra hai bên đường là những rừng cây rậm rạp tối om. Trong khi đó, tiếng trống đồng, tiếng tù và, tiếng kèn vẫn cứ sôi sục từ mọi phía khiến tâm thần quân giặc càng thêm bấn loạn.
Thấy tình thế nguy ngập, bình chương chính sự Áo-lỗ-xích cùng mấy ngàn quân tinh nhuệ phải luôn đi sát để hộ vệ Thoát-hoan. Viên thần nỗ Giả Nhược Ngu xông xáo chống đỡ, che chắn cho chủ tướng và y không dám rời khỏi Thoát-hoan nửa bước.
Các viên vạn hộ hầu Lưu Thế Anh, Đa-ra-tri dấn quân lên, liều chết mở đường máu mới dẫn Thoát-hoan qua cửa tử Nội Bàng. Vừa qua Nội Bàng được vài dặm thì được tin quân Đại Việt đã án ngữ dày đặc ở cửa quan Nữ Nhi và núi Khâu Cấp. Trên một trăm dặm đường thiên lý không nơi hiểm yếu nào là không có quân Đại Việt mai phục, còn hố bẫy ngựa thì rải rác không biết đâu mà lường. Sự thật số ngựa sa hố kéo theo cả người rải khắp dọc đường không phải là ít.
Quân Nguyên đã bỏ đường Khâu Ôn, nay lại bỏ cả đường Khâu Cấp tìm qua đường Đơn Kỷ để vượt về Tư Minh qua ngả Lộc Châu. Nhưng không một nơi nào giặc tìm được sự yên ổn. Ngay các đầu mục người man, lúc giặc mới vào họ cho quân tản vào rừng, nay họ cũng tập hợp lại đón đánh quân giặc bằng mọi loại khí giới mà họ được triều đình cung cấp hoặc họ tự chế ra.
Xác giặc rải trên đường vô số kể. Bị đánh ở bất cứ chỗ nào, chúng đều liều chết cướp lấy đường mà chạy, chứ không dám dừng lại giao tranh hoặc chia quân vây hãm đối phương như hồi chúng mới đem quân vào đất Giao Châu cách đây mới có hơn ba tháng.
Vừa qua Đơn Kỷ được vài dặm thì trời đổ tối, cũng là lúc giặc rơi vào ổ phục kích của quân ta. Tại đây không có lửa đốt, không có tiếng trống tiếng kèn thôi thúc, chỉ có sự tĩnh lặng đến ghê rợn. Con đường độc đạo heo hút len lách một bên là rừng rậm một bên là vách núi tối om như một chiếc bẫy khổng lồ. Tiếng ngựa thở phì phì, tiếng chân giẫm đạp của đoàn quân trên lớp lá khô mục đều bị rừng đêm nuốt chửng.
Mấy chục vạn quân như một con rắn khổng lồ mà đầu, mình nhiều khúc đã bị băm vằm cứ oằn mình trườn đi chậm chạp. Bỗng một tiếng nổ đinh tai, ánh sáng lóe lên như một tia chớp rồi tiếng tên vun vút lao tới.
Vậy là bị đánh tạt sườn tại khúc giữa đoàn quân. Giặc hốt hoảng cắm đầu chạy. Bước qua xác nhau mà chạy. Giẫm đạp lên cả những đứa bị thương đang kêu cứu mà chạy. Đang bám riết phía sau Thoát-hoan, Giả Nhược Ngu nghe thấy tiếng xé gió. Biết mũi tên sẽ bay thẳng vào Thoát-hoan, y rướn lên nửa bước ngựa để kịp đưa thân mình ra chắn. Mũi tên xuyên trúng bả vai viên thần nỗ. Khen thay Giả Nhược Ngu có cái tai thần, ngay trong đêm tối cũng “nhìn rõ” đường bay của mũi tên. Đúng là Giả Nhược Ngu có lòng xả thân cứu chủ, nếu không Thoát-hoan đã phải đền tội ác. Vạn hộ Lưu Thế Anh cùng tả thừa Đa-ra-tri dẫn quân liều chết mở đường máu mới thoát ra được.
Chạy được khoảng nửa dặm đường, Giả Nhược Ngu níu áo Thoát-hoan nói giọng thều thào: “Trấn Nam vương bảo trọng!”. Viên thần nỗ gục chết trên lưng ngựa.
Thoát-hoan sai quân mang xác Giả Nhược Ngu đi theo và bắt phải giữ lại bộ cung tên mà vị thần nỗ thường dùng.
Lòng trống trải và hãi sợ đến vô cùng, Thoát-hoan nói với Áo-lỗ-xích: “Phải chia quân làm hai ngả không thể dồn hết về phía Lộc Châu được. Để các tướng A-li, A-ruc, Đa-ra-tri, Trịnh Bằng Phi… dẫn một cánh quân về đường Lộc Châu, ta với ông đem một cánh quân đi về phía đông nam - phía Đình Lập. Con đường này tuy xa hơn, hiểm trở hơn, nhưng ta tin rằng Hưng Đạo không nghĩ tới đâu”.
Thật ra giặc chạy theo đường nào cũng là con đường chết cả. Tới lúc này không chỉ quân chúng hoảng loạn, mệt mỏi mà cả lũ tướng soái cũng hoang mang lo sợ vì đói khát, và cái chết lúc nào cũng cận kề, cho nên chúng phải liều chết cướp lấy đường mà chạy, tự băng bó vết thương lê lết theo quân, đứa nào không đủ sức phải nằm lại ắt sẽ bị bắt hoặc bị chết dọc đường. Tới lúc này thì Trần Ích Tắc quả là một gánh nặng cho Thoát-hoan trên đường tháo chạy, nhưng Ích Tắc lại giữ vai trò khá lớn trong mưu toan xâm chiếm Đại Việt của cha con Hốt-tất-liệt. Vì vậy Thoát-hoan sai bọn tướng soái dưới quyền phải bảo vệ y bằng mọi giá.
Trần Ích Tắc không phải không biết thân phận của mình. Đôi khi cảm thấy tủi thân và không phải không có lúc ân hận vì đã quy thuận thiên triều. Nghĩ lại năm Ất Dậu mệnh nước như trứng để đầu dẳng, như vật nặng ngàn cân treo trên đầu một sợi tóc thế mà Quốc Tuấn lại xoay chuyển được thế nước, biến bại thành thắng, biến nguy thành an không thể không thừa nhận đó là bậc chân tài. Trước đây ta cùng mấy người anh em đều nghi Quốc Tuấn có lòng kia khác, hóa ra cả ta và họ đều lầm. Nếu muốn lấy ngôi nước thì sau cuộc chiến năm Ất Dậu sao Quốc Tuấn không nhân đó mà cướp lấy ngai vàng, dù không ưa Quốc Tuấn ta cũng phải thừa nhận anh ấy có lòng trung với nước. Lại tới cuộc chiến tranh này, ta cứ nghĩ theo tính toán của thiên tử (Hốt-tất-liệt), với một đội quân hùng hậu như thế, tướng tài như thế tưởng phen này sẽ bình xong An Nam, ngôi nước sớm tối sẽ về tay ta, ai ngờ lại hỏng cả. Dù thế nào cũng không thể không thừa nhận Quốc Tuấn là bậc tướng siêu tuyệt. Ta đang băn khoăn không biết có nên coi Quốc Tuấn là kẻ thù của riêng ta không?
Quả nhiên Thoát-hoan chạy về nẻo Đình Lập có ít bị đánh hơn, và thường chỉ phải đối phó với lực lượng phục kích nhỏ hơn, Thoát-hoan nghi đó là quân man chứ không phải quân triều đình. Dù ít bị đánh hơn, song không vì thế mà Thoát-hoan cho phép đi chậm hoặc dừng nghỉ, mặc dù cả tướng và quân đều kiệt sức. Thoát-hoan thường răn các thuộc cấp: “Gắng về đến Tư Minh ta sẽ cho nghỉ ngơi dưỡng sức. Mệt cũng phải gắng mà đi. Mệt chưa hẳn đã chết, nhưng nếu chậm, gặp giặc vào lúc này chắc là chết đấy”. Nghe lời Thoát-hoan, đám tàn quân lê lết đi trong nhọc mệt, đói khát, có kẻ còn mang trên mình nhiều thương tích vẫn bám lấy nhau mà đi.
Khi Thoát-hoan về cách biên giới còn khoảng non chục dặm thì quân chạy ầm ầm từ dưới lên chen chúc nhau vít kín cả mặt đường vốn đã chật hẹp. Hỏi ra mới biết quân Đại Việt do các tướng Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tảng đã cắt hậu quân thành nhiều khúc và họ đã cho quân đi tắt lên biên ải để chặn đường về của quân thiên triều.
Nghe xong, Thoát-hoan và các tướng bủn rủn hết cả người. Lát sau, dường như đã định thần trở lại, y ra lệnh: “Áo-lỗ-xích dẫn một ngàn quân kỵ đi mở đường, A-ruc lấy một ngàn quân kỵ đoạn hậu. Mặc cho các quân phía sau chống đỡ, bằng mọi cách phải về bên kia biên ải trước khi quân Trần kịp đến”. Vậy là bộ phận đầu não kén lấy đám ngựa tốt, quân khỏe để hộ tống cho chúng chạy thục mạng về đất Trung Hoa.
Khi các tướng Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tảng áp sát biên thùy cũng là lúc Thoát-hoan đã chạy sâu vào đất Trung Hoa non chục dặm.
Vậy là trời vẫn còn dung kẻ ác. Các tướng chỉ huy quây đánh và bắt sống bọn tàn quân đang trốn chạy nhiều vô kể. Hai ngày sau trên toàn tuyến biên thùy đã sạch bóng quân thù.
Nói về đoàn thuyền của hai vua mang chiến thắng vang dội trở về Thăng Long có đem theo một ít tù binh là bọn đầu sỏ. Trong đó có Tích-lệ-cơ là một đứa thân vương, xin được gặp người có quyền cao nhất ở đây. Vua cho lên thuyền, nhưng không cho biết danh tính. Hỏi han qua loa rồi vua sai rót rượu cho y uống.
Sau hai tuần rượu, y nói:
- Tôi là thân vương, bà con với thiên tử, các ông chuyển lời tôi tới quốc vương An Nam.
- Để làm gì kia? Vua Nhân tông hỏi: - Vậy chớ sứ mệnh của ông vào nước tôi để làm gì?
- Chúng tôi tới đây là để thuyết phục quốc vương An Nam vào chầu thiên tử.
- Nếu chỉ có việc như thế cần gì phải đem theo mấy chục vạn quân sang tàn sát nước tôi?
- Để răn đe, nếu như các ông chống lại.
- Thế nhưng đội quân đó đã tàn sát dân tôi ngay từ khi nó vừa bước chân qua biên ải. Tàn sát lương dân và cướp bóc, phá, đốt không bỏ sót một thứ gì. Có phải thiên tử muốn triệt nguồn sống của dân tôi, tiêu diệt dân tôi, thế mà lại bảo thiên tử thi ân tới tận cùng trời cuối biển.
- Đúng vậy, thiên tử nhà đại Nguyên thi ân tới tận cùng trời cuối biển, và chỉ trừng trị kẻ nào chống lại người thôi.
- Tới nay, ngoài những lời nói suông, dân tôi chưa có cơ hội nào được thiên tử mông ân. Và chúng tôi chỉ đánh kẻ xâm lược, bảo vệ lương dân, bảo vệ bờ cõi mà thôi.
- Này người kia hãy ăn nói thận trọng, - Tích-lệ-cơ lên giọng kẻ cả. Y nói tiếp: - Các ông đã dám chống lại binh uy thiên triều làm thiệt hại người, của không biết đâu mà lường. Không những thế còn làm giảm sút cả thiên uy của thiên tử đối với thiên hạ nữa chứ. Vậy các ông liệu đối xử với ta như thế nào đây để ta còn về tâu báo với thiên tử.
- Các ông đem binh vào nước tôi, tàn sát dân tôi, đương nhiên đối với dân nước tôi, các ông là quân giặc rồi. Nay giao chiến các ông lại là bên thua trận bị bắt làm tù binh, ắt các ông sẽ được đối xử như một tên tù binh. Ấy là nước tôi có lượng bao dung, nhân hậu. Thử hỏi nếu các ông là kẻ chiến thắng, có thể nào các ông lại cư xử được như chúng tôi đang cư xử với ông không. Nếu may mắn được quốc vương tôi tha mạng sống trở về Yên Kinh, hãy tâu báo trung thực với thiên tử những điều ô nhục mà đội quân tàn bạo của thiên tử đã làm ở nước tôi.
- Sự thực là các ông đã mưu mô chống lại thiên triều, dám tiêu diệt cả một đội hải binh hùng hậu của thiên tử, mà trước đây đi đánh Nhật Bản đội hải binh kiêu dũng với mười lăm vạn quân cũng đã không trở về, nhưng chỉ có sức mạnh của thượng đế mới làm cho nó thất bại[85]. Còn như ông bảo nếu chúng tôi chiến thắng, các ông sẽ không được cư xử như thế này. Đương nhiên là như vậy, đời nào các danh tướng của thiên triều lại có thể ngồi đàm đạo với man di bại trận.
Đến như Trần Nhân tông mà cũng không kìm nén được tức giận và sự khinh bỉ đối với tên tù binh ngạo mạn đến lố bịch kia. Ngài quắc mắt nhìn đứa tù binh gọi là thân vương, và mắng:
- Ngươi cứ việc tâu lại sự thất bại nhục nhã của đạo quân xâm lược khổng lồ với tất cả những điều mắt thấy tai nghe. Sự tàn bạo đến điên cuồng của kẻ xâm lược và sự đánh trả quyết liệt của toàn dân tộc ta. Và nên nhớ đây là lần thứ ba chứ không phải lần đầu. Ngươi nhớ chứ, lần thứ nhất vào năm Đinh Tỵ (1257), có nhẽ lần ấy ngươi chưa đến tuổi tòng chinh. Lần thứ nhì vào năm Ất Dậu (1285) và lần này là năm Mậu Tý (1288). Ngươi về đọc lại lịch sử chinh chiến của nước ngươi đi. Vào Nhật Bản, ngươi bảo chỉ có thua thượng đế, nhưng xâm lược Đại Việt chỉ có người Đại Việt đánh trả thôi và lần sau lại thua đau hơn lần trước. Có phải Đại Việt là quốc gia duy nhất các người không thể chinh phục. Vì sao ư? Vì dân tộc ta biết tự trọng nên không chịu sống quỳ. Khi đã đụng đến lòng tự trọng của cả một dân tộc, không một kẻ thù nào không bị đánh bại, các ngươi nên nhớ kỹ điều đó.
Vua tôi các ngươi đều không biết liêm sỉ mà chỉ biết lấy thịt đè người. Một nước khổng lồ như đế quốc Nguyên, trong vòng chưa đầy ba năm đã tiến hành hai cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ man rợ đối với một nước người ít, đất hẹp như nước ta. Chính vì các ngươi không tuân theo mệnh trời nên trời lìa bỏ. Vua ngươi nối đời tiếm xưng thiên tử nên bị trừng phạt bởi Thượng đế Ngọc hoàng đâu có sinh ra loại con vô đạo đó.
Chỉ thẳng vào mặt Tích-lệ-cơ vương, vua Nhân tông lại mắng: - Ta không hiểu ở cái xứ du mục của các ngươi có gì gọi là cao quý mà ngươi dám ngạo mạn. Tên tù binh kia, ngươi không biết thân phận là một kẻ thua trận, một tên tù binh lại còn vô lễ, xấc xược, ta không cho phép ngươi được chầu hầu mệnh quan nữa. Đây là bài học dành cho kẻ ngạo mạn, hãy nhớ lấy. Nói xong, Trần Nhân tông sai đưa y về giam lại trong chiếc thuyền tù.
Đuổi tên tù binh đi rồi, vua Nhân tông nói với thượng hoàng:
- Bẩm phụ vương, con mắng giặc thế có quá lời?
Thượng hoàng Thánh tông cười độ lượng:
- Không đâu vương nhi. Con nói vậy là phải lắm. Chúng ỷ thế nước lớn cứ mở mồm ra là đòi dạy thiên hạ, bắt thiên hạ phải phục tùng, nếu nước nào trái ý là cử đại binh đến thôn tính. Trong khi bài học vỡ lòng lại không chịu học. Vì rằng tạo hóa sinh ra muôn loài, mỗi loài đều có quyền sống mà không loài nào được phép chèn ép, bức bách loài khác. Thế mà cùng trong loài người với nhau, chúng ỷ thế nước lớn đòi lấy đi quyền sống của nước nhỏ, là chúng đã không tuân theo cái luật chung tạo hóa đã an bài, cũng tức như cha vừa nói, là bài học vỡ lòng chúng cũng chưa thuộc lại còn đòi dạy dỗ thiên hạ. Cứ như nhời Phật dạy thì kẻ nào nói điều ác, làm việc ác, thảy chúng đều thuộc loài trọc trược chưa tiến hóa, chúng chính là lũ quỷ ác đầu thai làm người để gieo họa. Chúng sẽ phải trả nghiệp, bởi nhân nào quả ấy con ạ. Còn như có sợ y đem những điều con nhiếc mắng nó về tâu với Hốt-tất-liệt không. Nếu y dám nói, ta chắc y sẽ mất mạng trước khi Hốt-tất-liệt đem binh xâm lấn ta một lần nữa. Vả lại, kẻ đã thua trận có nói điều gì cũng chẳng ai tin. Nhược bằng y dám nói, Hốt-tất-liệt nghe được điều đó càng tốt cho y. Nhưng tốt cho ta hơn, bởi Hốt-tất-liệt sẽ hộc máu ra mà chết trước khi y có ý định nam chinh.
Ô-mã-nhi cũng nhiều lần đòi gặp người có chức vị cao nhất trong đoàn quân này, nhưng hai vua không cho gặp bất kỳ ai. Còn Phàn Tiếp bị chém sã một bên cánh tay, máu ra nhiều. Sau khi được quân ta buộc bó lại vẫn đau đớn nằm rên như một con chó ốm.
Lý Thiên Hựu viên văn thư ghi chép mọi việc trong quân ở bên cạnh Ô-mã-nhi ôm theo một đống sổ ghi chép về thuyền của thượng tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, lúc này đang được thượng tướng tra vấn.
Trở về Thăng Long nom cảnh tượng thật đau lòng, trước khi giặc chạy về Vạn Kiếp còn kịp gây tội ác, chúng đốt phá hầu hết các điện coi chầu và cung thất. Điện Thiên An là ngôi điện khởi dựng từ đầu đời nhà Lý, nhà Trần lại tu bổ và mở rộng vẫn trên nền đất cũ, nguy nga tráng lệ, sứ nhà Tống trước kia và nhà Nguyên sau này đều khen: “Đại điện bên nước tôi cũng không hơn được”, đã tồn tại ngót ba trăm năm bỗng chốc hóa thành tro than phơi ra các mảng tường gạch khói ám đen thui. Ngay điện Chí kính, nhà thái miếu là nơi thờ cúng tổ tông, chúng cũng đốt phá không còn một tí gì. Nhiều nhà dân ngoài phố còn sót lại mời hai vua về ngự, gia chủ nhường hẳn nhà dọn đi nơi khác. Cũng có người may mắn có ngôi nhà thờ họ còn nguyên vẹn mời nhà vua tạm dùng làm nơi coi chầu. Sự sẻ chia đùm bọc của người dân với triều đình như vậy khiến vua Nhân tông cảm động, ngài nghĩ những gì triều đình đã làm cho dân là tốt, nhưng quả thật chưa xứng với những gì người dân đã làm cho nước. Và bản thân nhà vua thầm nghĩ: - Có nhẽ ta phải làm một cái gì khác, đem lại phúc hạnh trường cửu cho con cháu muôn đời sau nữa.
Số giặc bắt sống được qua hai đường thủy bộ là hơn mười vạn, còn đang sàng lọc tìm ra những tên cầm đầu, những tướng lĩnh gây nhiều tội ác với dân ta.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương xin nhà vua cho phép đưa tất cả tù binh về giam tại hai lộ Thanh Hóa, Nghệ An đã được chấp thuận. Vua Nhân tông đang chuẩn bị cho ngày lễ hiến phù, có nhiều điều phải cân nhắc nên ngài cho triệu gấp một số đại thần về nghị triều.
Trưởng tộc coi sóc ngôi nhà thờ họ là một cụ già ngoài bảy mươi tuổi lưng còng, râu bị mấy thằng giặc đốt, cằm bỏng còn đang sưng tấy, tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc, chân đi đôi dép mo ngước cặp mắt lờ đờ cùi nhãn nhìn viên đô úy đô tùy long nói:
- Thầy đô úy, kể cũng còn nhờ phúc ấm tổ tiên và hồng phúc của nước, nên thân già này chưa bị giặc giết và ngôi tổ đường này cũng không bị giặc đốt. Nay vì nạn nước triều đình mới cần đến, vậy già xin giao lại chìa khóa nhà cùng các thứ vật dụng hiện có để các ông tiện dùng. Khi nào triều đình khôi phục xong cung điện chúng tôi mới dám xin lại.
Viên đô úy lễ phép cúi xuống nhận chùm chìa khóa từ tay cụ. Cụ già lại nói thêm:
- Gọi là khóa, chứ thực già này chưa dùng đến bao giờ, bởi trong đó thuần có đồ thờ, già chưa từng thấy kẻ nào dám lấy trộm đồ thờ.
Viên đô úy kính cẩn hỏi:
- Thưa cụ, chắc thời gian triều đình mượn cũng hơi lâu, vậy khi nào có giỗ tổ, có họp họ, cụ cứ báo trước, chúng con tâu báo lên để triều đình thu xếp dời việc coi chầu sang ngày khác.
Cụ già vội xua tay:
- Ấy chết, chúng tôi đâu dám thế. Phải lấy việc nước làm đầu thầy đô úy ạ. Các việc trong nội tộc, chúng tôi sẽ thu xếp trong họ được.
Viên đô úy lễ phép hỏi thêm:
- Thưa cụ, bây giờ cụ về đâu để con sai quân lấy xe ngựa đưa cụ về?
Cụ già xua tay:
- Quanh quẩn vài bước đây thôi ông ạ, để già tự đi kẻo gân cốt nó chùng quá rồi. Nói xong cụ chống gậy đi ra khỏi cổng rồi thong thả ngước nhìn lại ngôi nhà thờ và nhẩm đọc: “Đỗ tộc tổ đường” trong lòng rất mãn nguyện. Cụ nghĩ, nhà nào đại phúc mới được “thiên tử đáo gia” một lần. Tức là vua đến thăm tại nhà, thế mà dòng họ nhà mình có ngôi tổ đường được thiên tử mượn làm nơi coi chầu. Vậy là ngoài thiên tử còn có bá quan luôn lui tới. Đúng là phúc đáo trùng lai, vừa không bị giặc đốt phá, vừa được nhà vua và cả triều quan biết đến.
Các quan được giấy triệu về triều hội đều ngơ ngác đi tìm ngôi “Đỗ tộc tổ đường”.
Vì theo sát xa giá nên Chiêu Minh vương Trần Quang Khải biết nơi vua tạm trú trong nhà dân, nên trước khi dự thiết triều, Quang Khải ghé thăm thượng hoàng, vì ông biết các việc điều hành triều chính từ lâu ngài đã trao cho quan gia, kể cả mấy cuộc chiến tranh vừa qua ngài chỉ kiểm xét các công việc quan trọng, nhất là việc bang giao với nhà Nguyên. Bởi đối sách với lũ con trời này là muôn khó. Chúng cứ lắt léo nói theo kiểu nào cũng được. Nó đem quân xâm lược nước mình rành rành thì nó bảo mình chống nó. Nó bị thất bại đau đớn không chịu nổi phải tháo chạy về nước thì nó bảo nó thương dân mình vô tội phải chết oan nên “thiên tử thí ân”. Tướng nó hèn để thua trận và bị mình bắt thì nó bảo mình vô cớ giữ người của nó nếu không sớm thả về sẽ bị nó trừng phạt. Những việc lắt léo như thế, người chưa từng trải thường xử theo lẽ phải, tình hình vì thế trở nên căng thẳng. Vì vậy thượng hoàng giám sát sao cho đối sách thật mềm mại để hạ hỏa bên Yên Kinh mà vẫn giữ được quốc thể, tức là ta chấp nhận chịu nhún nhưng không chịu nhục.
Thấy Quang Khải đến, thượng hoàng vui lắm. Ngài tươi cười hỏi han:
- Chú Chiêu Minh thấy anh Quốc Tuấn đánh trận Bạch Đằng vừa qua thế nào?
- Thật là kim cổ kỳ trận! Đệ đọc sách cổ kim cũng đã nhiều, chưa thấy có trận nào so được với trận Bạch Đằng này. Rồi cả ngàn năm sau khó có ai lập nổi kỳ tích này. Mai phục để lừa giặc vào trận thì nhiều tướng làm được. Nhưng bắt giặc phải tiến quân theo lịch trình của con nước, từng ngày, từng giờ theo kế đã lập sẵn. Điều khiển giặc mà giặc vẫn lầm tưởng nó luôn ở thế mạnh, đối phương chỉ chờn vờn quấy rối chứ không làm gì được nó. Huynh nên biết, Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp đều là các tướng dạn dày chiến trận, bách chiến bách thắng. Hốt-tất-liệt từng phong Ô-mã-nhi là dũng sĩ. Hai tướng này đều tham gia đánh quỵ nhà Nam Tống, lập công cao được Hốt-tất-liệt cho vào hàng tướng tâm phúc.
Ngẫm nghĩ giây lát, vua Trần Thánh tông nhẹ hỏi:
- Chú Chiêu Minh có nghĩ đến trận Bạch Đằng này rồi sẽ đi vào lịch sử không?
- Không những đi vào lịch sử mà Bạch Đằng còn là một trận đánh mẫu mực mà không một bậc tướng kỳ tài nào có thể lặp lại được. Ngay như trận Xích Bích và cả trận Hàn Tín kết liễu sự nghiệp và cuộc đời của Hạng Vũ trên Ô Giang đều là hai trận đánh hay trong lịch sử chiến tranh kim cổ cũng không so được.
Trận Bạch Đằng của ta quy mô, hoành tráng không bằng hai trận kia, nhưng mưu lược của anh Quốc Tuấn quả là hơn hẳn, khỏi cần bàn. Dù sao thì các trận Ô Giang, Xích Bích cũng đều là nội chiến cả, thuần người Trung Quốc đánh người Trung Hoa, còn với ta là cuộc chiến chống ngoại xâm, khác nhau nhiều lắm. Hơn sáu trăm chiến thuyền với hơn chục vạn quân rong ruổi chui vào một trận địa đã bày sẵn, đánh cho tan nát hết thảy, không một chiến thuyền nào, không một tên giặc nào chạy thoát. Tất cả các tướng soái giặc khi bị bắt bị trói, còn ngơ ngác nhìn dòng sông cạn với các bãi cọc bạt ngàn, khiến đầu óc chúng không thể nào tưởng tượng nổi cái vũ khí đã biến chúng thành kẻ bại trận lại là con nước triều và những cây cọc chôn chặt vào lòng đất như những người lính thép kia.
Cái siêu tuyệt của tài năng Quốc Tuấn là ở chỗ, biến tất cả những gì hiện có trên đất nước mình thành vũ khí đánh giặc hiệu nghiệm nhất, huynh trưởng cứ nghĩ điều đệ nói có đúng không hay là vì tình riêng mà đệ khen nịnh anh Quốc Tuấn.
- Đúng! Đúng như chú Chiêu Minh nói, cả trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên, quyền tiết chế thống lĩnh chư quân sự ở trong tay Quốc Tuấn, anh ấy đã huy động những gì có thể huy động vào công cuộc chống giặc thắng lợi. Ví như việc đánh giặc theo con nước triều và những bãi cọc đều nằm ngoài sự hiểu biết và tính toán của tướng giặc. Chỉ riêng các điều đó cũng đủ lớn rồi. Từ nay chú đừng so sánh với người Trung Hoa nữa nhé. Chuyện tế vi lắm, dù sao họ cũng là nước lớn, phải giữ thể diện cho họ chứ. Như sực nhớ ra điều gì Trần Thánh tông cười ngặt nghẽo một lúc lâu sau rồi mới nói: - Ta phải khoe Chiêu Minh một điều khá bật cười. Rồi nhà vua thuật chuyện quan gia mắng tên Tích-lệ-cơ thậm tệ.
Nghe xong Trần Quang Khải lấy làm hỉ hả:
- Làm như quan gia là đúng. Nó muốn là cái gì thì ở nước nó, chứ nó đã mang danh một thằng giặc với thân phận một tên tù binh, chẳng việc gì phải nương nhẹ, phải trọng đãi nó. Đệ khai thác qua thằng giặc Hán gian Lý Thiên Hựu thì được biết thằng này đúng là dòng dõi của Thành-cát Tư-hãn, anh em họ với Hốt-tất-liệt đấy. Nhưng y tham gia vào đám tông vương do chư vương Nayan cầm đầu[86] để chống lại Hốt-tất-liệt. Tất cả đều bị bắt và bị đi đày. Tích-lệ-cơ chẳng qua cũng chỉ là kẻ trích thú theo quân đi lập công chuộc tội. Những điều quan gia xỉ vả không những y không dám tâu lại với Hốt-tất-liệt mà cũng chẳng dám hé răng với ai đâu. Vì rằng đã thua trận lại còn để đối phương làm nhục thiên tử. Tội đáng tru di sao y không biết.
Nói xong, Trần Quang Khải từ tạ vua anh rồi vội vã tìm đến “Đỗ tộc tổ đường” để dự buổi thiết triều đầu tiên sau khi kết thúc chiến tranh.
Một căn nhà năm gian, ba gian giữa bày ban thờ các đời, phía trước là căn đại bái ba gian nối với hậu đường bằng ba nhịp xuyên đường (nhà cầu). Với một dòng họ thì ngôi tổ đường này quá rộng rãi, nhưng là một ngôi điện để thiết triều thì lại quá chật hẹp. Vì vậy từ chỗ ngồi theo thứ bậc của các vị đại thần cho tới các ban đều không phân biệt, miễn sao có chỗ ngồi. Người ta chỉ kiếm tạm được chiếc ghế chắc chắn, phủ mảnh gấm để nhà vua ngự, còn các quan hết thảy đều ngồi xuống chiếu trải trên nền nhà hoặc ngồi quanh bậu cửa.
Tuy là buổi thiết triều sau khi đã đuổi hết giặc ra khỏi bờ cõi, nhưng vua Nhân tông và các quan đều không vận phẩm phục đại triều mà chỉ mặc thường phục, đeo phẩm hàm để dễ phân biệt.
Nhà vua bắt đầu bằng việc khen ngợi tướng sĩ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ được non sông gấm vóc, đất nước đã sạch bóng quân thù; khen ngợi các quan trong bộ máy từ triều đình đến các lộ, phủ, huyện, hương, ấp động viên toàn dân tham gia đánh giặc. Vua nhiệt liệt biểu dương hết thảy dân chúng, nam phụ lão ấu đều không tiếc của tiếc công, không tiếc cả máu xương cho việc giữ nước. Vì vậy ngoài quân đội ra thì trong dân cũng nên có sự bình chọn để triều đình vỗ về người có công. Việc này không thể làm một lần mà xong được. Phải chia ra nhiều lần trong ba năm, cốt sao khen cho đúng công, nhất là không được bỏ sót người có công, dù là công nhỏ. Bởi giặc Bắc có thể lại còn sang lần nữa.
Vua vừa dứt lời, Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự liền tâu báo.
Quốc công nói tóm tắt về sự toàn thắng của quân ta và sự đại bại của giặc. Đại khái, số tù binh năm nay bắt được nhiều hơn năm Ất Dậu, số tướng soái của giặc chết trận cũng nhiều hơn mà ta bắt sống cũng nhiều hơn. Chiến trường năm nay không trải rộng như năm Ất Dậu, nhưng nơi nào giặc tràn qua, nhất là nơi chúng trú quân thì chúng vơ vét không còn một tí gì, lúc rút quân là chúng đốt hết. Vì vậy lúc này dân trong các vùng giặc trú quân hoặc tàn phá đều rất khó khăn trong việc làm ăn cày cấy. Thóc giống, trâu bò, cày bừa giặc đều cướp và đốt phá sạch sành sanh. Trước mắt, xin triều đình trợ cấp gạo ăn và lúa giống cho dân.
Tâu hoàng thượng dù nhà nước còn rất khó khăn, nhưng phải cấp ngay số tiền tuất cho các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước, cấp một tháng gạo ăn cho các người trong đội điền binh và cho họ trở về nhà càng sớm càng tốt. Việc bảo vệ biên cương thần đã cắt đặt. Trong quân sẽ thay nhau về phép nghỉ ngơi. Về tù binh, sẽ thanh lọc bọn tướng lĩnh đầu sỏ, nhốt riêng từng đứa, xét đứa nào nguy hiểm, đứa nào gây nhiều tội ác phải trừng trị không cho chúng đường về. Ngoài ra, bọn lính trơn ta đưa biểu sang nhà Nguyên rồi trả cho chúng về càng sớm càng đỡ tốn cơm. Nếu cần, có thể giữ một số đứa khỏe mạnh cho chúng đi khẩn đất. Tù binh trận này ta bắt cũng nhiều đấy. Có giữ chúng lại cũng là cứu cho chúng thoát khỏi ách làm nô lệ cho người Mông Cổ. Dần dà ta sẽ tạo lập cuộc sống gia đình cho họ, coi họ như dân mình.
Hưng Đạo vừa dứt lời, Trần Quang Khải hỏi ngay:
- Tâu hoàng thượng, lễ hiến phù sắp tới làm ở đâu. Nhà thái miếu, điện Chí kính giặc đều đập phá đến chiếc bình hương cũng không còn.
- Đưa tù binh về làm lễ ngay tại sơn lăng tận Thái Đường. - Vua đáp.
Nội minh tự Đỗ Hành xin nói:
- Tâu hoàng thượng, trong lễ hiến phù có chém tù binh không ạ?
Theo lẽ thường, lễ hiến phù thường chém một vài tên tù binh có tội ác nhiều nhất, để tế cáo tổ tiên và lấy máu rửa binh khí. Thế nhưng với nhà Nguyên thì lại không xử như thế được. Dù mình thắng, nhưng vẫn cứ phải xử nhún để hạ hỏa Hốt-tất-liệt ở Yên Kinh. Thực ra vua Nhân tông rất muốn chém tất cả bọn tướng lĩnh gây ra tội ác tầy trời. Chúng tàn sát không biết bao lương dân, đốt cháy không biết bao nhiêu làng mạc. Cung điện, thành quách chúng đốt phá trơ trụi, đến như mồ mả tổ tiên ta chúng còn khai đào. Vậy thì có chém dăm bảy đứa cũng là hợp lẽ thôi. Tuy nhiên, nhà vua vẫn còn phân vân, bèn hỏi:
- Quả tình ta muốn chém tất cả lũ tướng giặc đã gây tội ác, nhưng lòng vẫn thấy phân vân. Không phải ta sợ Hốt-tất-liệt mà bởi ta thương dân. Chưa đầy ba năm, một đất nước nhỏ bé như thế này mà phải đương đầu hai cuộc chiến tranh khổng lồ. Vua tôi, quân dân đều phải gồng sức lên mà đánh giặc nên mới có ngày nay. Sự thật, chỉ cần yếu bóng vía là phải khom lưng quỳ gối chịu bao đắng cay tủi nhục trước quân thù. Vậy các quan thử cùng nhau bàn bạc xem ta nên xử như thế nào.
Các quan tranh nhau nói. Mọi người đều căm giận khôn cùng trước tội ác của giặc. Và đòi chém tất cả lũ tướng giặc từ nguyên soái đến đô tướng cộng hơn một trăm tên trong đám quân bị bắt mà ta phát giác ra được.
Trần Thì Kiến nói:
- Tâu hoàng thượng, lòng căm giận loài giặc dữ của các tướng và muôn dân cao như núi. Dù có chém tất cả lũ giặc này cũng không thể làm dịu được nỗi đau mất mát người thân do chúng gây ra. Theo thần, không thể không chém đầu một vài tên tướng giặc gây nhiều tội ác, để làm dịu bớt nỗi đau của mọi người, và để làm gương cho lũ giặc còn được sống bớt thói kiêu ngạo.
Một tiếng nói từ phía xa, giọng đau đớn:
- Bệ hạ thương dân lo giặc trả thù. Điều này thật không có gì đáng ngại. Thử hỏi, năm Ất Dậu ta có đụng gì đến nhà Nguyên đâu mà sao nó đánh ta tàn bạo thế. Cho nên lần này giặc gây thuần tội ác thâm độc, nhằm tiêu diệt nguồn sống của người mình. Nếu không giết chúng, lòng dân không thuận.
Thấy các quan khăng khăng muốn giết tướng giặc cho hả giận, Trần Quang Khải biết đây không chỉ là ý nguyện của các tướng mà còn là ý nguyện của dân chúng nữa. Nhưng nếu giết tướng giặc, chọc giận con sói già ở Yên Kinh khiến chinh chiến liền năm dai dẳng phỏng có ích gì cho dân, cho nước. Nghĩ vậy, ông liền nói:
- Mong muốn giết hết bọn tướng giặc của các quan và dân chúng là chính đáng. Tội ác của giặc thực không gì có thể ghi xiết kể. Có thể nói, khắp non sông Đại Việt ta từ ngọn cỏ lá cây, từng viên sỏi hạt cát, từ đồng ruộng, núi non, sông suối không nơi chốn nào lại không có tội ác của giặc dính vào. Các vật vô tri còn bị giặc tàn sát huống chi con người. Tôi đã xem toàn bộ số sổ sách mà tên vạn hộ Lý Thiên Hựu đi theo Ô-mã-nhi ghi chép hằng ngày. Chúng thản nhiên ghi các tội ác như đốt nhà, giết người, ném trẻ nhỏ vào những ngôi nhà đang cháy, ngồi quây quần uống rượu chờ nghe tiếng bong bóng tử thi nổ rồi cười khả ố. Còn nhiều tội ác ghê tởm khác của giặc mà trí óc của người lương thiện khó có thể nghĩ ra được. Giết người bằng hình thức man rợ khác nhau là thú tiêu khiển của tướng giặc, chúng coi như một cuộc đánh bài, hoặc một cuộc thưởng thức ca lâu vậy. Cứ xem các hành vi của giặc đủ biết chúng đều là loại ác thú đội lốt người chứ không thể gọi chúng là người được.
Trong các tội ác thì tội khai đào mồ mả là đại ác. Mưu này do tên Hán gian Phàn Tiếp xướng xuất. Ô-mã-nhi thúc giục phải làm ngay. Vì vậy khi qua Long Hưng chúng đã xâm phạm đến lăng mộ tiên đế. May chúng chưa đụng được tới quan quách. Nay hai kẻ phạm tội ấy đều đã bị quân ta bắt sống. Trong lễ hiến phù bắt chúng phải về tận lăng mộ tiên đế quỳ lạy tạ tội. Và làm việc hư trảm thôi chứ không giết chúng làm gì cho bẩn gươm nhân ái của Đại Việt.
Nghe Chiêu Minh vương nói, vua Nhân tông có vẻ hài lòng. Nhưng phần nhiều các quan vẫn nhao nhao đòi giết nếu không tất cả bọn tướng soái thì cũng phải chém đầu hai thằng giặc Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp.
Một vị khác lại nói với vẻ gay gắt:
- Cả nước gồng sức lên đánh giặc không chỉ bằng sức lực, tiền của và xương máu mà còn với lòng tự trọng của mỗi con người và danh dự của cả dân tộc. Giặc giày xéo đất nước ta, tàn sát dân ta với tâm địa của loài lang sói là tiêu diệt quyền sống của cả một dân tộc, tội ác ấy không gì có thể biện minh được. Nay chúng đã hai lần bại trận, tội ác đầy mình, thế mà chúng vẫn cứ nhơn nhơn hạch sách. Nếu bệ hạ không cho giết loài hổ dữ này mà lại thả nó về rừng thì không lấy gì để răn đe chúng. Nó về rồi nó lại sang. Tới chín phần mười lũ tướng giặc sang ta lần này là những tên tướng bại trận năm Ất Dậu. Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp trận trước chúng chỉ chậm chân một lát nữa, nếu không bị bắt cũng rơi đầu như Toa-đô. Trịnh Bằng Phi, Lưu Thế Anh, A-ba-tri, A-gu-rúc-tri, Thoát-hoan, A-li… Chẳng phải là lũ bại tướng lần trước sao. Tâu, nếu bệ hạ không chém đầu lũ tướng giặc có tội ác tày trời này, không chỉ lòng tướng không thuận mà lòng dân cũng khó yên. Và nếu giặc Bắc lại sang, sẽ khó bề gây được khí thế “Sát Thát” như hai cuộc kháng giặc vừa qua.
Đòi hỏi của các tướng không có gì là quá đáng, nhưng trong thế cờ bang giao, như thế là bôi tro trát trấu vào mặt thiên tử nhà đại Nguyên, và cũng là động lực thúc đẩy cho y trả thù. Đành rằng không phải mỗi lúc mỗi động binh được. Nhưng nếu ta nhún thêm một chút, cứ trải thảm cho giặc trở về, hận thù chắc sẽ nhẹ vơi dần. Nhưng nói sao để các quan hiểu được ra điều đó. Nghĩ vậy, nhà vua đưa mắt về phía Trần Hưng Đạo, vẻ như là một sự cầu cứu.
Quốc công chậm rãi nói:
- Tâu bệ hạ, thưa các đồng liêu. Cả nước đổ bao xương máu để đánh giặc giữ nước không phải khi thắng giặc, bắt được những tên đầu sỏ gây tội ác lại để cho chúng được nhởn nhơ sống rồi lo sắp đặt tàu thuyền xe ngựa mời nó về nước. Như thế khác gì chuyện giặc xâm lược nước ta, tàn sát dân ta chỉ là một cuộc đi dạo chơi của loài ác quỷ. Hưng Đạo ngừng lời nhìn nhà vua và nhìn khắp lượt các quan, thấy mọi người đều vui vẻ chờ đợi còn gương mặt nhà vua tỏ ra căng thẳng. Hưng Đạo nói tiếp: - Tâu bệ hạ, thưa các đồng liêu, tất cả những kẻ cầm đầu đội quân xâm lược đã gây tội ác với dân ta đều phải chết.
Hưng Đạo lại ngừng lời như dò thăm ý tứ mọi người. Vua Nhân tông trong lòng tỏ ra lo lắng và tự hỏi: “Sao bá phụ lại hùa theo sự tức giận nhất thời của các quan thế nhỉ. Bá phụ đã chẳng từng “Nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa” vì thương dân, vì lo kế chống giặc đó sao. Nay dẫu ta có xử nhũn đi một tí thì việc tránh voi cũng là tránh họa cho dân chứ sao”.
Trong không khí im lặng, mọi người đều hướng về phía Quốc công chờ xem ông định giết bao nhiêu đứa ác tặc trong lễ hiến phù. Quốc công lại lên tiếng: - Tất nhiên ta không chém cổ chúng trong ngày lễ hiến phù, nhưng chúng không được toàn mạng trở về, ta hứa với các quan như vậy. Nếu thả cho lũ ác tặc này toàn mạng trở về chẳng hóa ra công lao đánh giặc của cả nước thành công dã tràng sao. Dẫu sao ta vẫn cứ phải hy sinh cái tiểu tiết để hoàng thượng dùng nó làm phương tiện đối sách với nước giặc.
Không khí triều hội như oải ra, có người hỏi:
- Tâu, nếu không giết lũ chó ngao này thì lấy máu đâu để rửa binh khí?
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật liền nói:
- Tâu bệ hạ, thưa các đồng liêu. Tội ác của đội quân thủy do Ô-mã-nhi làm đô nguyên súy Giao Chỉ hải thuyền, Phàn Tiếp làm phó đô nguyên súy Giao Chỉ hải thuyền, tội ác hằng ngày do giặc gây ra được tên vạn hộ Lý Thiên Hựu ghi lại khá trung thực, về sự tàn ác thì lũ tướng giặc dù người Mông Cổ hay người Hán cũng như nhau cả thôi. Riêng ngón đòn đốt phá các nơi đền miếu thờ tự tổ tiên và các tiên đế, cũng như khai đào huyệt mộ để làm rung động tâm linh, khiến triều đình phải đầu hàng, chính là mưu của tên Hán gian Phàn Tiếp, một tên chó săn đắc lực đã dâng bao kế sách cho kẻ thù giết hại đồng bào mình. Nay hai tên đầu sỏ gian ác ấy ta đều bắt được cả. Tới lễ hiến phù, ta đem vài chục tên tướng giặc về tận sơn lăng để tế cáo ngay trước lăng mộ đức Thái tông. Bắt hai thằng giặc Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp phải quỳ lạy trước lăng. Rồi mở sổ tội ác do chính chúng ghi lại, đọc cho chúng nghe. Nghe xong chúng phải quỳ lạy, nói lời sám hối. Bắt chúng cúi đầu đi vòng quanh lăng đức Thái tông ba vòng. Sau đó dẫn chúng ra pháp trường, khi viên đô tướng phát lệnh khai đao, các đao phủ thay vì chém đầu nó thì bê vại máu chó đổ lên đầu từng đứa. Những đứa ấy tuy được sống tạm, rồi sau đó sẽ lần lượt cho chúng về chầu Diêm vương theo dự kế của Quốc công, xin hoàng thượng y chuẩn và các quan yên tâm.
Nghe Chiêu Văn vương nói từ nhà vua đến các quan đều cảm thấy hài lòng. Vua gặng hỏi:
- Theo như kế của Chiêu Văn vương, các quan thấy thế nào?
Các quan đồng thanh hô:
- Hoàng thượng vạn tuế!
Nhà vua nhắc nhở các quan phải xem xét tình trạng lương thực của người dân, mở kho nhà nước cấp phát kịp thời. Những vùng giặc tràn qua đều miễn tô thuế cho dân một năm, những vùng bị giặc tàn phá nặng nề nhà nước tha tô thuế hai năm. Các chính sách khác vẫn như thời kỳ sau chiến tranh năm Ất Dậu. Nơi nào không còn lúa giống, nhà nước cấp phát đủ cho dân cày cấy. Nếu nơi nào các quan để dân phải chết đói vì thiếu ăn, bỏ ruộng hoang vì không có thóc giống, quan trị nhậm địa phương đó phải chịu tội.
Nhìn các quan hồi lâu, nhà vua cân nhắc rồi ban ý:
- Nay đã là hạ tuần tháng ba, chiến tranh vừa kết thúc, dân chúng còn phải lo khôi phục nhà cửa, lại sắp đến việc gieo cấy vụ mùa, nên ta muốn hoãn việc cầu siêu vào lễ Vu lan, khi ấy vào lúc nông nhàn, chẳng hay ý các quan thế nào.
Quan hữu nhai tăng thống liền thưa:
- Tâu bệ hạ, việc làm lễ cầu siêu cho các tử sĩ và bất kỳ người nào đã bỏ mình vì nạn nước là điều tối quan trọng. Nhưng còn nhiều việc khác lại có liên quan đến mùa vụ, đến quốc kế dân sinh nên đành phải nán lại, nhưng xin bệ hạ giao bên tăng thống lo liệu sớm kẻo tháng bảy cũng chẳng còn là mấy thời gian nữa. Vả lại các lộ cũng phải chuẩn bị từ bây giờ, sau khi Thăng Long làm lễ đại cầu siêu cho toàn quốc thì đến lượt các lộ, các châu, quận phải làm tiếp. Thần xin tâu lại các lệ cũ, sau khi từ Thăng Long đến các trấn, lộ làm lễ cầu siêu, đối với các liệt sĩ còn thân nhân thì rước vong về thờ tại gia, nhà nước cấp hẳn ba sào quốc điền cho con cháu nối đời thờ tự. Nhà nào có nhiều người bỏ mình vì nước, số ruộng được cấp cho con cháu không quá bảy sào. Liệt sĩ nào không còn thân nhân thì rước vong vào chùa nương cửa Phật, nhà nước cấp cho chùa một sào ruộng để thêm vào việc hương đăng. Vậy tâu bệ hạ, liệu lần này các chính sách đó vẫn giữ nguyên hoặc có gì thay đổi không, để lũ thần còn kịp bố cáo cho toàn dân được biết. Tâu bệ hạ, sở dĩ thần phải hỏi lại các chính sách đối với liệt sĩ là bởi hai cuộc chiến tranh do Hốt-tất-liệt áp đặt cho dân ta tựa như hai cuộc sóng thần, nó gieo tai họa thật là khủng khiếp, nhiều gia đình bị giặc tàn sát không còn một ai. Lần này, tuy giặc chỉ chiếm đóng và đi qua có mấy lộ, nhưng sự tàn bạo của chúng thật là thâm độc với chính sách cướp sạch, giết sạch, đốt sạch. Thành thử mỗi vùng giặc tràn qua hoặc giặc chiếm đóng đều trở thành vùng đất chết. Vì vậy, nếu triều đình có gì bù đắp thêm cho các liệt sĩ hoặc nạn nhân cũng là điều nên làm.
Gương mặt nhà vua thể hiện sự đau khổ ở trong lòng với những điều day dứt, khó nói. Một thoáng, với giọng đượm buồn, vua nói:
- Sao ta không biết sự hy sinh tính mệnh con người là lớn nhất, không gì bù đắp được. Vài ba sào ruộng gọi là tri ân cũng chỉ đối với thân nhân liệt sĩ thôi, chứ bản thân liệt sĩ một khi đã liều mình cứu nước, không ai nghĩ đến lợi quyền của bản thân mình, sinh mệnh của mình, mà chỉ nghĩ đến sinh mệnh của nước. Ai cũng đòi hỏi hoàng thượng sao không gia ân cái này, ban phát cái kia. Thử hỏi, ta có gì mà ban phát, tất cả đều là của dân cả đấy. Ta chỉ là người giữ chiếc cân mà dân nước trao cho. Đất đai hẹp, của nả có hạn, người chủ của nước lại chi tiêu quá mức thời còn tai hại hơn là giặc cướp phá. Giả dụ số ruộng ta cấp cho thân nhân liệt sĩ nhiều gấp đôi, gấp ba thì vẫn không nói lên được điều gì cho bản thân người chết. Nhưng nếu giặc Bắc lại sang và cứ thế thì lấy gì mà cấp phát. Người có thể sinh thêm chứ đất đai thì không thể. Ai dám bảo giặc Bắc không sang nữa. Trong vòng hơn ba năm thì giặc Bắc đã ụp xuống đầu dân ta hai cuộc chiến tranh kinh thiên động địa, khiến một đất nước nhỏ bé như Đại Việt ta buộc phải kháng cự. Vả lại còn một điều này mọi người phải ý thức được. Tức việc giữ nước là bổn phận thiêng liêng của mỗi người dân, còn như bộ máy cầm quyền là giữ vững mối rường của nước để dân được yên ổn làm ăn, tự thân nó không giữ được nước nếu như dân nước không đồng tâm hiệp lực.
Các quan dường như đã thấu hiểu điều vua vừa giáo hóa. Không khí trầm hẳn xuống. Rồi bỗng có ai đó cất lời:
- Thánh thượng vạn an!
Thế là mọi người đồng thanh hô đi hô lại tới mấy lần, chứng tỏ sự đồng tình với lời phán bảo của nhà vua.
Kết thúc phiên chầu vua nói:
- Thịnh suy tùy thời, nhưng mệnh nước thì không bao giờ đứt được, hơn lúc nào hết triều đình phải hiệp sức với muôn dân để dựng lại cơ nghiệp từ đống đổ nát này. Nhìn khắp lượt các triều quan vua dụ: - Ba ngày nữa tất cả các quan phải có mặt ở Thái Đường làm lễ hiến phù.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng