Being deeply loved by someone gives you strength, while loving someone deeply gives you courage.

Lao Tzu

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
VI
Thoát-hoan nằm trong trướng hổ với mấy chiếc gối xếp kê cao, mặt quay vào tường, Bình rượu quý mở nắp với chiếc chén bạc còn đầy rượu màu vàng óng đặt trên mặt kỷ.
Áo-lỗ-xích viên phó tướng bình chương chính sự vừa bước vào nội trướng đã ngửi thấy mùi rượu thơm, hai cánh mũi y phập phồng. Bình chương dặng hắng vẫn không thấy Thoát-hoan nhúc nhích, y bèn lên tiếng:
- Bẩm Trấn Nam vương!
Lúc này nghe mấy tiếng “Trấn Nam vương”, Thoát-hoan ghét cay ghét đắng. Y thầm rủa: “Trấn cái mả cha chúng nó, ta đang ngồi trên đống lửa đây”. Chẳng nhẽ lại cấm không cho các tướng gọi cái danh xưng này. Cấm tức là ta mắc tội khi quân. Chính phụ vương ban cho ta chức đó trước khi nam chinh. Và quả nhiên người có ý cho ta trị vì sau khi bình xong Giao Chỉ.
- Bẩm Trấn Nam vương! - Áo-lỗ-xích lại nói to hơn.
- Áo-lỗ-xích đấy à. Thoát-hoan vừa hỏi vừa ngồi nhỏm dậy. - Kế lui quân của ông đến đâu rồi? Ta nóng ruột quá. Ở lại thêm ngày nào là bất lợi thêm ngày đó. Ta nói để ông biết, nếu quân đói trong ba ngày thì không có cách nào giữ yên được đâu. Chúng nó sẽ làm loạn, sẽ ăn thịt nhau, rồi chúng ăn thịt cả ta và ông đấy. Nhớ nhời ta dặn, tuyệt nhiên không được để quân Mông Cổ phải ăn đói. Quân miền bắc nếu thiếu quá cũng có thể bắt chúng phải ăn bớt bát, còn quân tân phụ cho ăn một bữa cũng được. Lũ này theo ta biết thì ngay khi ở nhà chúng cũng thường phải ăn đói. Thì Giang Nam năm nào chẳng có dân chết đói.
Thấy Thoát-hoan đã có vẻ bình thường, bình chương Áo-lỗ-xích liền nói:
- Thưa chủ tướng, tôi đã cử tướng A-ba-tri đem năm ngàn kỵ binh lên Nội Bàng dò la xem quân Giao Chỉ có ngăn giữ gì ghê gớm không. A-ba-tri đã diễu đi diễu lại không gặp bất cứ một cản trở gì. Trịnh Bằng Phi cũng đem năm ngàn quân bộ hộ tống cho khoảng một trăm chiến thuyền của Phàn Tiếp xuôi sông Đại Than, đến ngã ba Dương Nham thì quay lại, cũng không có đụng độ.
Hai sự việc trên tôi chưa lý giải được. Có đúng là quân nó yếu, nó chỉ dám đối đầu với những toán quân nhỏ lẻ của ta thôi, còn như với số quân đông đúc thì giặc né tránh ta. Hoặc giả đó lại là kế hư hư thực thực để lừa ta. Vậy xin Trấn Nam vương cho ý chỉ.
Chẳng cần phải so đo tính toán gì, Thoát-hoan nói luôn:
- Kế! Đó là kế của Hưng Đạo nhằm úp quân ta đấy. Vậy ta phải làm thế nào để cho toàn quân mà về.
- Tôi cũng ngờ là kế giặc định lừa ta. Nhưng nếu gần chục vạn quân với hơn sáu trăm chiến thuyền băng băng trên sông nước rồi tiến ra ngoài biển khơi, thì người Giao Chỉ lấy lực lượng tàu thuyền và quân thủy ở đâu mà dám đối đầu với quân thủy của thiên triều. Lại nữa mấy chục vạn quân mã bộ, gươm giáo sáng lòa, cung cứng, nỏ căng nườm nượp trên đường thiên lý, liệu giặc có dám đối đầu.
- Thôi không bàn chuyện đó nữa. Bàn ngay vào việc rút quân, tương hỗ nhau thế nào nếu gặp giặc còn có thể kiềm chế chúng để quân về được toàn vẹn.
- Bẩm, thế thì cái kế bữa trước ta đã bàn, Trấn Nam vương đã chẳng bảo chỉ rút quân theo hai đường thủy bộ. Mặt bộ chỉ giữ đường qua Lạng Giang về Tư Minh chứ không đi đường Vân Nam nữa. Tôi đã cho các tướng lo liệu việc rút quân rồi, chỉ chờ lệnh Trấn Nam vương là lên đường. Đương nhiên phải giữ kín không cho quân lính biết, ngay cả đám đô tướng coi một hai quân cũng chưa nên cho chúng biết.
- Thôi được, ông về triệu các tướng cuối giờ mão sáng mai đến dinh ta nhận mệnh.
Sớm hôm sau các tướng đã tề tựu phía ngoài sảnh đường đại bản doanh của Thoát-hoan.
Khi Trấn Nam vương sai mở cửa, các tướng lĩnh ùa vào. Nhìn khắp lượt, không một bộ mặt nào còn có chút sinh khí, Thoát-hoan buồn bã nói:
- Ta xem phần đông các ông có mặt ở đây đều đã tham gia đánh dẹp nhà nam Tống cho tới khi tiêu diệt nó trong trận cuối ở Nhai Sơn. Thời đó, ta cảm thấy các ông thật sự là các bậc tướng thao lược hễ ra quân là thủ thắng. Thấy các ông, các tướng Tống như không còn hồn vía, nếu không tháo chạy cũng quy hàng. Các ông đều đã được thiên tử tri ân, tước lộc đều ưu hậu cả. Nhiều trong số các ông còn được suy tôn là dũng sĩ. Vậy sao vừa gặp khó, ta thấy tinh thần các ông đã sa sút quá. Thật không ngờ!
Với vẻ thất vọng, Thoát-hoan nhìn khắp lượt các tướng rồi gieo tấm thân nặng nề xuống ghế.
Một nỗi buồn sâu sắc len lỏi trong tâm khảm những kẻ đã từng cầm quân tung hoành trên khắp đất Trung nguyên mà chưa từng một lần thất trận. Nghe chủ tướng khơi gợi lại thời oanh liệt, các tướng đều cảm như mình bị xúc phạm. Kẻ hạ giá uy danh của các hổ tướng ngồi đây không ai khác ngoài quân Giao Chỉ, mà đứng đầu là tướng Trần Hưng Đạo. Điều tệ hại nhất không phải đây là lần đầu.
Không dằn nổi sự bực giận, Ô-mã-nhi đứng phắt dậy xin nói:
- Ta đem năm, sáu chục vạn quân đi bình Giao Chỉ, qua mấy chục trận giao tranh, thiệt hại bất quá chỉ trên dưới mười vạn quân là cùng. Chỉ với số quân hiện có cũng đủ xéo nát nước nó, xin Trấn Nam vương cho chúng tôi quyết tử chiến với đám man di này chứ lui quân thì nhục quá.
Tinh thần nộ khí xung thiên của viên dũng tướng Ô-mã-nhi bị chìm đi trong tiếng bàn tán xôn xao của các tướng:
- Quân không lương là quân chết.
- Lui là thượng sách.
- Lui quân càng sớm càng tốt.
- Vì đâu quân ta bị mất lương?
- Lòng quân đang rối, đánh đấm gì được.
- Quân đói không thể sai khiến nói chi đánh trận.
Tất cả những lời bàn tán thì thầm đó đều lọt tai Ô-mã-nhi và Thoát-hoan.
Không muốn các tướng bàn tán rồi sẽ dẫn đến chuyện bất hòa, Thoát-hoan vội gạt đi:
- Giặc quỷ quyệt khiến quân ta bị hãm lương, nay phải toàn quân mà về để mưu việc lớn. Ta nói để các ông biết, hàng trăm quốc gia đều sụp đổ dưới chân đại Hãn. Mênh mông, đông đúc như nước Trung Hoa cuối cùng cũng phải quỳ gối. Chính các ông đã sát cánh với A-lí Hải-nha, với Lý Hằng cùng hàng ngàn tướng tài khác dưới sự thống lĩnh của thiên tử làm nên sự nghiệp lớn. Nay Giao Chỉ khác gì một chiếc gai trên đường chinh chiến của ta. Lúc này ta tạm thời lui quân, trận sau ta sẽ cùng các ông làm cỏ xứ này. Vậy các ông phải sẵn sàng để vài ngày nữa rút quân. Quân thủy rút trước, quân bộ rút sau. Từ ngày mai phải tỏa quân ra các hướng mà quân ta sẽ rút qua đó để thăm dò xem giặc có mai phục, có hầm hố, bẫy gài gì không. A-ba-tri, Trịnh Bằng Phi đem hai quân mã, bộ yểm trợ trên bờ cho Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp dẫn hơn sáu trăm chiến thuyền cùng tất cả quân thủy của ta rút về. Quân mã bộ của hai tướng phải luôn tảo thanh hai bên bờ đuổi quân phục của chúng ra xa, để giữ yên mặt sông cho đại quân xuôi ra biển. Dừng lại giây lâu như để cố nhớ ra một điều gì, chợt Thoát-hoan “à” lên một tiếng rồi nói tiếp: - Việc lui quân là vô cùng gian nan, các ông phải hết sức cẩn trọng mới có thể bảo đảm an toàn. Các ông có nhớ trước khi xuất quân, thiên tử thết yến và ngài bắt chúng ta phải viết vào vạt áo lời răn gì không? Các tướng im lặng cúi đầu, dường như là một sự sỉ nhục với họ, vì lại một lần nữa thua người Giao Chỉ. Bây giờ phải lui quân trong lo âu.
Không thấy ai trả lời, Thoát-hoan liền nhắc: - Thiên tử dạy rằng: “Chớ thấy Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường”. Điều đó có ý nghĩa gì, chắc lúc này các ông đã hiểu.
Lại nhìn khắp lượt các tướng, Thoát-hoan hỏi: - Các ông có còn điều gì cần bày tỏ? Nếu không, ta nhắc một lần nữa, tướng nào đem theo thê thiếp nên về theo quân thủy. Đường bộ gian nan lắm, đàn bà không theo được, nó không dễ dàng như khi ta vào đất Giao Châu đâu.
Các tướng nghe xong ai về trại ấy.
Thoát-hoan đêm đó trằn trọc không ngủ được, hết nghe tiếng chim rừng kêu lại nghe tiếng sóng Lục Đầu giang rì rầm vỗ nhẹ. Viên tướng được xem là bách chiến này được vua cha tin cậy giao phó cho việc nam chinh, bình xong Giao Chỉ, thâu tóm nốt mấy nước còn lại thời nghiệp bá của phụ vương mới được viên mãn. Ấy thế mà quân Giao Chỉ đã làm đại quân ta tan nát phải rút về từ giữa năm Ất Dậu, bao nhiêu tướng tá phi phàm phải bỏ mạng. Có kẻ mãi mãi là ma không đầu như Toa-đô. Ngay bản thân ta nếu các tướng không xả thân vì chủ, mệnh ta chắc cũng khó toàn. Ấy là lần trước quân Giao Chỉ đã bị ta đánh cho tan tác, vua tôi thất tán chạy quanh, cơ đồ nó thập phần chao đảo mà kết cục chúng lại thắng ta. Còn như lần này lực lượng chưa hề suy chuyển, thế nó vững như bàn thạch. Nó lừa cướp hết mấy chục vạn thạch lương khiến đại quân ta rơi vào thế chết. Cho nên lần này đưa quân về thật ta chẳng yên tâm, chín phần nguy chưa chắc còn được một phần an. Ta căm giận vua nó một, ta căm giận viên tướng Trần Hưng Đạo này mười. Hóa ra thiên binh, thiên tướng của thiên triều rốt cuộc chỉ là trò cười cho người Giao Chỉ. Nếu lần này ta thoát nạn trở về, nhất định phải xin vua cha dốc hết binh mã thiên triều sang làm cỏ nước Nam, để rửa mối thù bất cộng đới thiên này.
Lại nói các tướng sau khi nhận mệnh của Quốc công tiết chế lập tức khai triển công việc, hàng mấy ngàn quân binh khỏe mạnh chia ra cả chục khu vực thay nhau làm việc suốt ngày đêm. Người thì đo đạc lấy mực, người thì cưa cắt, người thì đẽo vát đầu cọc. Tiết xuân nhưng trời vẫn còn lạnh giá. Binh lính làm việc cởi hết áo quần, mỗi người chỉ đóng một chiếc khố mà mồ hôi vẫn cứ chảy ròng ròng, thân hình người nào cũng rắn chắc như cục sắt nguội, trên cánh tay ai cũng xăm hai chữ “Sát Thát” màu chàm chìm vào trong da trong thịt. Những thân gỗ lim rắn như đá, lưỡi rìu đẽo phát ra tiếng coong coong như tiếng gõ kim loại. Mới làm việc có nửa ngày mà đã mẻ hàng trăm chiếc rìu.
Có hẳn một đội chuyên mài lưỡi rìu vẫn không kịp. Lý Hồng, một thợ rèn nổi tiếng của làng Đoan Lễ phải đưa hết thợ cùng tất cả các bễ rèn của làng đến tận nơi đẽo cọc để rèn và sửa rìu. Để giữ bí mật, bễ rèn đều đặt trong các hang núi gần đó. Tính ra có tới hơn chục bễ với hàng trăm thợ rèn suốt ngày đêm đỏ lửa. Tiếng quai búa đập sắt chan chát làm rung động cả vách hang. Một người thợ dùng chiếc kìm dài lôi cục sắt đỏ hồng đặt lên đe, hai người khác giơ búa quai nhịp nhàng và cứ vài lần đỏ lửa, vài lần cục sắt đỏ đặt lên đe đã biến dần cục sắt thành hình chiếc rìu. Và khi họ tôi cho lưỡi rìu cứng và sắc đều phải nung đỏ rồi nhúng vào chậu nước phát ra tiếng réo sôi xèo xèo, hơi nước bốc mù mịt.
Vài ba vạc cháo loãng đặt xen kẽ giữa các bễ rèn làm đồ giải khát cho thợ. Vạc nào cũng đậy kín mít một chiếc vung đan bằng cật tre đã ngả màu nâu xỉn nay đều phủ trắng tàn than, mỗi khi có người uống nước cháo lại thổi phù phù trước khi mở vung, khiến tàn than bốc bay như một đàn bướm.
Những người thợ dù thân trần đóng khố nhưng mồ hôi vẫn toát ra như tắm, thỉnh thoảng họ lại cúi xuống kéo chiếc vạt khố lau khuôn mặt đẫm mồ hôi để lại những vệt hoen nhọ.
Cùng với những người lính cưa, đẽo hàng ngàn chiếc cọc lim, những người thợ rèn cũng thay nhau làm việc như không hề biết mệt mỏi. Tất cả đều đồng tâm hiệp lực sao cho công việc xong sớm, để quân ta có phương tiện lừa bắt giặc. Ai nấy đều ý thức được rằng công việc mình đang làm cũng chính là việc đánh giặc.
Sau năm ngày đêm hối hả làm việc cật lực với tinh thần “Sát Thát”, số cọc do những người lính mình đồng da sắt cưa cắt, đẽo vạc xếp thành từng đống cao như những trái núi, phân chia loại nào ra loại đó. Có loại thân dài tới hơn sáu sải tay, có loại bốn, năm sải, có loại chỉ hơn ba sải, lại cũng có loại dài tới gần chục sải. Trước khi đưa cọc xuống thuyền chở về từng khu vực, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương đích thân đến tận nơi yên ủi những người lính và những người thợ, tiện thể ông kiểm xét cả về số lượng cọc, chủng loại cọc và chất lượng của cọc nữa. Tuy nhiên, ông giấu biệt tung tích nên mọi người chỉ biết Quốc công là một mệnh quan do triều đình cử về. Ông hỏi han từng người lính, người thợ. Ông húp cháo loãng, hút thuốc lào và nhai trầu với họ, trò chuyện thân mật như tình cha con, tình ông cháu. Ông hỏi thăm gia cảnh từng người. Nắm cánh tay trần có xăm hai chữ “Sát Thát” của một chàng trai, ông hỏi:
- Con xăm hai chữ này từ bao giờ?
Chàng trai bẽn lẽn đáp:
- Bẩm ông, con mới xăm năm ngoái, trước khi đầu quân.
Lại kéo cánh tay của một chàng trai khác, ông hỏi:
- Vậy chớ con xăm “Sát Thát” vào lúc nào?
- Bẩm ông, con xăm từ năm Giáp Thân (1284) trước khi quân giặc vào cõi. Tức là khi nghe Hịch truyền của Quốc công Trần Hưng Đạo, thế là trai tráng làng con đi đầu quân đánh giặc.
Hưng Đạo rất hài lòng về bầu nhiệt huyết của con dân Đại Việt được biểu hiện bằng hành vi của những người lính trẻ.
Bỗng ông đặt câu hỏi với các chàng trai:
- Đuổi xong giặc, các con định làm gì?
Tất cả đám lính trai trẻ ngồi quanh ông cười vỡ ra:
- Bẩm ông, sau chiến tranh nếu còn sống, việc đầu tiên con phải chạy về nhà ngay để cho bố mẹ mừng cái đã, rồi ngủ một giấc vài ba ngày liền. Sau đó lại đi cấy đi cày, đi chài lưới, câu kẹo thôi ạ.
Hưng Đạo ngửa mặt cười hồn hậu:
- Ôi các con thật đáng yêu, ước mơ của các con thật là giản dị, thế mà Hốt-tất-liệt lại toan cướp đi của chúng ta tất cả, kể cả mạng sống và đất đai sông núi.
Vừa chợt nhìn thấy một người lính trẻ cố gắng đặt cây cọc lim dài gấp ba, bốn lần thân thể anh ta lên vai để đưa xuống thuyền, Hưng Đạo vội chạy lại đỡ, thay vì nâng lên vai anh ta, ông đặt xuống đất. Gọi viên đô tướng đến, ông căn dặn:
- Mỗi người chỉ được vác một cây cọc dài từ ba sải tay trở xuống, từ ba sải tay trở lên nhất thiết phải hai người khiêng. Rồi ông dạy họ cách lấy cọc thế nào để tránh xô, và khi cọc xô nó sẽ lăn, phải tránh như thế nào để cọc không xô vào người sẽ gây tai nạn gãy chân gãy tay, đôi khi chết người.
Trước khi chia tay, Quốc công còn căn dặn:
- Các con không nên vung phí sức lực. Phải giữ sức để đánh giặc.
Nói xong, thoắt ông đã leo lên mình ngựa. Đám lính trẻ đồng thanh hỏi:
- Bẩm ông đến bao giờ thì chúng con được đánh giặc ạ?
- Sắp! Sắp đánh đến nơi rồi! - Nói xong ông ra roi vút ngựa.
Vài ngày sau các thuộc cấp đã làm đúng như chỉ dẫn của Quốc công về bố trí trận địa cọc.
Hưng Đạo tự mình đi kiểm xét các bãi cọc một lần nữa. Đêm về ông mở bản đồ xem lại rất kỹ. Cái khó của ông lúc này là làm sao hãm không cho giặc tiến nhanh quá, cũng không để cho nó nhẩn nha mà phải dụ được giặc vào bãi cọc đúng lúc nước triều xuống mạnh khoảng từ cuối giờ mão trở đi, nhưng phải đúng sáng mùng tám tháng ba chứ không thể trước hoặc sau ngày đó, trước hoặc sau giờ đó. Đây là một việc cực khó. Bởi lực lượng giặc không phải là nhỏ. Hơn sáu trăm chiến thuyền với hơn tám vạn quân giặc. Nếu Thoát-hoan lại cho thêm quân bộ về đường thủy, số quân chắc sẽ đông hơn nhiều. Nhưng cũng vì thế mà sức chiến đấu của chúng sẽ giảm đi đáng kể.
Thoát-hoan cho quân thủy rút trước. Y cho viên hữu thừa A-ba-tri dẫn hai ngàn quân kỵ đi trước dọn đường. Lại cho Trịnh Bằng Phi dẫn năm ngàn quân gươm giáo sáng lòa đi sát bên bờ tả ngạn hộ tống cho đoàn binh thuyền rút lui.
Trên đường đi quân giặc bị chặn đánh liên miên. Ngay cả kỵ binh giặc cũng không phát huy được sở trường. Giặc phải tiến binh rất chậm, hơn nữa cầu đường lại bị phá, khi đến Đông Triều thì hai quân mã, bộ không có phương tiện sang sông, chúng đành phải quay lại Vạn Kiếp, nhưng không dám đi theo đường cũ sợ quân ta mai phục, nên chúng bắt người già dẫn đi theo đường khác để chúng tháo lui ngay trong đêm tối.
Hai viên hữu thừa A-ba-tri, Trịnh Bằng Phi về tới Vạn Kiếp vừa kịp nhập với đoàn quân rút chạy. Thoát-hoan không yên tâm ở lại, dù chỉ thêm một ngày.
Thế là đoàn chiến thuyền của Ô-mã-nhi không có quân bộ hộ tống nên chúng đi rất thận trọng, rất chậm. Trên chặng đường giặc rút chạy, Hưng Đạo thường cho quân mai phục khi thì bên tả ngạn khi thì bên hữu ngạn của dòng sông khiến địch luôn luôn ở thế bất ngờ và phải bị động đối phó. Mục đích của Quốc công là làm chậm bước tiến của giặc, buộc chúng phải nộp mạng theo lịch con nước triều mà ông đã tính toán và dàn bày thế trận.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng phải dàn lực lượng đón lõng diệt gọn các toán quân giặc nào chạy thoát ra biển. Vì thế phó tướng Trần Khánh Dư đã cho quân vào đồn trú trong một số hang núi cùng thuyền bè mai phục trên các luồng lạch buộc giặc phải chạy qua. Khu vực Trần Khánh Dư phải bao quát là từ Vân Đồn về đến Cửa Suốt. Khu vực Trần Quốc Tảng đảm trách là từ Cửa Suốt đến Cửa Lục.
Tướng Trần Quốc Bảo dẫn một vạn quân cùng với hơn một vạn hương binh, yểm quân tại các điểm giặc có thể ghé thuyền đổ quân lên bờ suốt dãy Tràng Kênh. Tại đây có cả máy bắn đá, có các loại pháo từ song sảo đến ngũ sảo, các loại tên tẩm độc, tên dẫn chất cháy và quân ta còn có lợi thế là chiếm lĩnh các điểm cao để khống chế mặt nước, nhưng tất cả đều nằm trong tầm bắn có hiệu quả của tên, đạn.
Tướng Phạm Ngũ Lão được sai chuẩn bị một số thuyền nhỏ chở đồ dẫn lửa để đánh hỏa công. Tướng Trần Toàn lĩnh một vạn quân cùng hai vạn dân binh với đầy đủ thuyền bè đón lõng ở cửa các sông Chanh, sông Kênh, sông Rút là các chi lưu của sông Bạch Đằng đổ ra biển, đề phòng nếu một phần giặc chạy thoát ra đây thì đón đánh, và nếu ở đây lại có một số thuyền giặc chạy thoát thì đã có vòng vây của Trần Quốc Tảng. Kẻ nào thoát qua cửa Trần Quốc Tảng tức là sống sót chạy qua Cửa Lục, Cửa Suốt lại sẽ lọt vào vòng vây của Nhân Huệ vương phó tướng Trần Khánh Dư ngoài ải Vân Đồn.
Bố trí trận địa vòng trong vòng ngoài, tầng tầng lớp lớp là Quốc công muốn tận diệt thủy quân của Hốt-tất-liệt, nhằm làm thui chột ý đồ ngạo mạn của viên chúa thảo nguyên này, rằng không phải y muốn làm gì thì làm.
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn cùng nhiều tướng khác thống suất ba mươi vạn quân chẹn các cửa quan trọng yếu buộc giặc phải chạy qua, đang chờ giặc đến nộp mạng.
Quân ta được ăn uống no đủ lại háo hức chờ đánh giặc lập công từ mấy tháng nay. Các chiến binh không có ước vọng gì hơn là đánh tan quân giặc dữ đem lại yên bình cho đất nước, để được sớm trở về nơi hương ấp đoàn tụ với gia đình, trở về với ruộng đồng cày cấy như xưa.
Từ Vạn Kiếp, Thoát-hoan cho quân rút theo hai đường như khi y tiến quân vào Đại Việt.
Thoát-hoan cho Sic-tua cầm đầu cánh quân rút qua hướng tây, tức từ Vạn Kiếp theo đường thiên lý qua cửa quan Chi Lăng theo đường Khâu Ôn, Vĩnh Bình rồi vào đất Tư Minh (Trung Hoa). Thoát-hoan sẽ rút theo cánh phía đông, tức là từ Vạn Kiếp vượt sông Bình Giang vào Nội Bàng, theo đường Động Bản ngược lên Lộc Châu để vào Tư Minh.
Thoát-hoan sai A-ba-tri và Trịnh Bằng Phi đem hai đội quân mã, bộ đi trước mở đường.
Cánh quân của Sic-tua dọc đường bị chặn đánh tơi bời, y cố gắng đưa quân vượt qua các cánh quân phục của Đại Việt, bỏ lại không biết bao nhiêu xác chết mà không dám tranh hơn thua, chỉ cốt cướp được đường mà chạy. Thế nhưng đến trước ải Hãm Sa thì toàn quân của y không thể nào vượt nổi. Đánh suốt nửa ngày, quân chết như rạ mà không nhích được bước nào.
Cửa Hãm Sa đâu đã hiểm trở bằng cửa Chi Lăng, nếu liều chết mở đường máu vượt qua Hãm Sa tới được Chi Lăng thì chắc chắn trước sau thụ địch, nếu không bị giết ắt sẽ bị bắt. Nghĩ vậy, Sic-tua bèn cho quân quay lại nhập với cánh quân phía đông để rút qua đường Nội Bàng, Lộc Châu. Ngay cả khi Sic-tua cho quân quay lại, việc đó thật không dễ. Những chặng đường khi quân của Sic-tua quay lại, lúc trước thì yên ổn còn bây giờ đầy rẫy quân phục, đánh nhau suốt ngày mới tranh được một đoạn đường, trong khi quân vừa đói vừa mệt vừa sợ hãi.
Thấy tình thế nguy ngập Thoát-hoan giữ Áo-lỗ-xích và viên thần nỗ Giả Nhược Ngu ở bên mình và ra lệnh phải gấp rút đi suốt ngày đêm.
Trong đám hàng thần, Thoát-hoan chỉ cho Trần Ích Tắc đi theo, còn Trần Lộng, Trần Tú Hoãn cùng đồng bọn phải đi theo quân.
Được tin giặc từ Vạn Kiếp chia hai đường thủy bộ rút quân, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải xin hai vua xuất quân theo đường thủy đuổi gấp bọn Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp đang trốn chạy.
Quân thánh dực và quân phủ Chiêu Minh đều đóng tại Giáp Sơn, ngay sát mấy con sông và nằm trong vùng rừng núi hang động rất hiểm trở, tuy cách Vạn Kiếp không xa nhưng tựu trung nó lại rất an toàn.
Khi hai vua và Chiêu Minh vương kéo quân đi, hàng vạn hương binh của hai vùng Giáp Thạch và Trà Hương cũng theo quân triều đình đi bắt giặc.
Không thấy có quân yểm trợ mà dọc đường luôn luôn bị quân Đại Việt tập kích, phục kích mỗi ngày bị chết, bị thương từ vài ba trăm tới vài ba ngàn đứa, lương thực và mọi thứ đều thiếu thốn, tinh thần binh sĩ hoang mang, sợ sệt khiến Ô-mã-nhi không khỏi lo lắng, y cho triệu Phàn Tiếp, Tích-lệ-cơ vương, vạn hộ Trương Ngọc, tham chính Sầm Đoạn, Điền nguyên soái và cả Lý Thiên Hựu là viên quan đi theo chuyên ghi chép mọi việc cũng được mời dự. Kỳ lạ, Ô-mã-nhi còn đem theo tên phù thủy Nguyễn Bá Linh là một kẻ có nhiều tà thuật cũng được dự bàn.
Tuy không ngày nào không xảy ra giao tranh và quân lính vừa ăn đói vừa phải đánh nhau, cái sống cái chết cặp kè, vậy mà trong soái thuyền của tham tri chính sự nguyên soái Ô-mã-nhi không thiếu một thứ gì từ rượu quý cho tới các đồ ăn uống theo kiểu Trung Hoa. Người Mông Cổ chỉ cần ở Trung Hoa vài ba tháng, được các đầu bếp Quảng Đông, Phúc Kiến hầu hạ bằng các món ăn Trung Hoa thì các loại đồ ăn vùng thảo nguyên của họ chỉ là những thức ăn ngon trong dĩ vãng.
Các tướng vừa có mặt đông đủ, Ô-mã-nhi hất hàm cho viên đô tướng hầu cận đem rượu ra đãi khách. Rượu bồ đào được hâm nóng rót trong các bát sứ có nắp đậy tỏa mùi thơm khiến cánh mũi các tướng cứ phập phồng, phập phồng.
- Mời các ông uống rượu rồi ta bàn việc, Ô-mã-nhi vừa nói vừa tự mình bê một bát. Khi mọi người đều mở nắp bát rượu của mình thì cả khoang thuyền sực nức mùi men nồng. Xem ra không khí đã bớt phần ảm đạm. Nguyên soái cho uống tới bát thứ ba, các tướng bắt đầu râm ran trò chuyện. Nét mặt mọi người đều hồng hào, khí sắc có phần sinh động. Nhưng với phù thủy Nguyễn Bá Linh thì lại khác, y càng uống mặt y càng tái đi. Y có dáng người dong dỏng, đôi lưỡng quyền nhọn hoắt, nom như hai cái gai ốc nhồi úp lên gương mặt choắt, cặp mắt một mí ti hí luôn nhìn xuống, lông mày thưa và nhỏ như một vết mực nhạt quệt ngang cùng với mớ tóc dài tới khoeo chân để xõa. Cổ y đeo một chiếc bùa đỏ như màu máu, bện to như chiếc chão dài thõng tới bụng. Bá Linh luôn mặc trên người bộ quần áo đen khiến y trở nên bí hiểm vô cùng. Nghe nói tên này có nhiều phép thuật cao cường nên Ô-mã-nhi thâu vào dưới trướng để khi cần phải dùng đến, nhưng trước hết là để hộ mạng cho y.
Giữa cái không khí như trong tiệc rượu ấy, Ô-mã-nhi lên tiếng:
- Như các ông đã biết từ bữa ta rời Vạn Kiếp tới nay, không ngày nào không phải giao chiến với quân Giao Chỉ. Các trận giao tranh không lớn, nhưng số quân chết và bị thương gom lại không phải là ít. Điều ta quan ngại là việc lui binh bị cản trở nên quân đi quá chậm. Nếu để kéo dài tình thế quân ta sẽ vô cùng bất lợi. Vì lương thực cạn nhanh, tinh thần sĩ tốt căng thẳng, sức chiến đấu sẽ giảm sút. Càng kéo dài thời gian đi trong sông càng nguy hiểm. Chỉ có sớm thoát ra biển thời việc đưa quân về ta mới an tâm. Vậy các ông có kế gì xin cho nghe.
Phàn Tiếp liền nói:
- Có nhẽ đoạn đường vừa qua ta thận trọng quá nên quân đi khá chậm. Tuy vậy, từ đây vào sông Bạch Đằng cũng không còn xa nữa. Vào được sông Bạch Đằng ít phải lo tới chuyện giao chiến. Bởi sông thì rộng mênh mông mà thuyền của giặc lại nhỏ bé, chọi sao nổi với quân ta. Từ sông Bạch Đằng ra biển chỉ còn trong gang tấc. Cái thuận của ta là xuôi nước. Vậy từ ngày mai xin nguyên soái cho quân đi thần tốc.
Trương Ngọc cũng nói:
- Phải cướp lấy đường mà đi. Gặp giặc quây lại mà đánh, đổ quân lên bờ làm thế ỷ dốc, đánh cho chúng không mở mắt ra được, phải tiêu diệt không còn một mống nào sống sót khiến chúng phải sợ hãi không dám cản đường quân ta nữa.
Quanh đi quẩn lại ý các tướng đều giống nhau cả. Tức là phải đi nhanh hơn. Phải đánh cho quân địch khiếp sợ.
Tướng nào cũng nói cứng vậy thôi chứ trong lòng đều không tin ở lời mình nói. Vì rằng quân Việt lúc ẩn lúc hiện thiên biến vạn hóa, lúc chặn đầu, lúc khóa đuôi, khi tạt sườn, đánh ngày đánh đêm xuất quỷ nhập thần chẳng biết đâu mà lường.
Bàn đi bàn lại, bỗng Điền nguyên soái hỏi:
- Ta nghe Bá Linh là bậc siêu nhân có thể sai khiến được cả âm binh vào trận, nay đã ở dưới trướng của tham tri nguyên soái, gặp giặc sao ta chưa thấy ông trổ oai thần.
Điền nguyên soái nói trúng ý các tướng nên ai cũng đón nghe Bá Linh mở lời. Nhưng y lại thản nhiên như không nghe thấy gì hết.
Chính Ô-mã-nhi cũng muốn biết điều đó nên giục:
- Bá Linh pháp sư, ông trả lời cho các tướng đi chứ.
Bá Linh liền đứng dậy co một chân, lấy chân còn lại làm trụ xoay tít người, mái tóc của y tỏa thành một vòng tròn tựa như chiếc lọng đen che trên đầu, và chiếc bùa ở cổ y cũng xoay tròn như một chiếc vòng lửa lóe sáng, một lát y thả chân kia xuống, mái tóc lập tức buông sõng về phía sau lưng, chiếc vòng cũng đứng im trước ngực và hai luồng khí trắng từ hai lỗ mũi phun ra thẳng tắp như một cặp kiếm quang.
Trước sự thán phục của các tướng, viên phù thủy liền phán:
- Nguyên soái mời ta sang Giao Chỉ để bắt Hưng Đạo về cho thiên tử xem gan nó, chớ có phải ta sang đây để bắt mấy thằng lính nhãi ranh đâu mà các ông đòi hỏi.
Các tướng đều cảm thấy người này hợm hĩnh, nhưng nể mặt Ô-mã-nhi, họ không thèm nối lời với tên phù thủy nữa.
Thân vương Tích-lệ-cơ nói:
- Không thể coi thường người Giao Chỉ, họ thu mình giả rằng yếu kém không đủ sức kháng cự, nhường thế thượng phong cho binh uy thiên triều, để rồi mấy chục vạn thạch lương không đến tay quân ta một hạt, hãm quân ta vào thế đại bất lợi buộc phải lui quân. Như thế họ không chiến mà thắng. Tới lúc này họ lại truy đánh quân ta thường ngày, vì lợi thế đang thuộc về họ. Vậy ý các tướng đã bàn, ta thấy nên theo. Tức là phải thoát ra khỏi đất họ càng nhanh càng tốt, và nếu phải đối đầu thì đối đầu quyết liệt buộc họ phải tránh cho ta đi.
Cuộc hội bàn thật là nhạt nhẽo, chẳng ai hiến được kế gì hay ho, Ô-mã-nhi vớt vát vài lời tỏ ra cứng cỏi:
- Các tướng về lo chỉnh bị quân ngũ, từ ngày mai ta phải lui binh thần tốc, nếu giặc cản trở phải đánh cho chúng những đòn khốc liệt.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương đang dụ giặc vào kế do ông sắp đặt. Ông hãm không cho giặc rút quân nhanh, vì nếu để cho chúng vào trước ngày tám tháng ba, con nước chưa lên tới đỉnh cao nhất, các bãi cọc nhô lên để giặc trông thấy từ xa sao còn lừa được chúng nữa. Có nhẽ ngày mai mồng bảy sẽ cho giặc vào trú ở đoạn đầu sông Đá Bạc, để sớm mồng tám sẽ dụ cho chúng vào sâu.
Quốc công đang xem xét lại các nơi đã bài bố binh lực, xem có còn gì phải bổ cứu trước khi cho giặc vào bẫy thì nhận được tin từ biên ải báo về. Giặc bị chặn trước ải Hãm Sa nên bỏ con đường Khâu Ôn - Vĩnh Bình, tất cả dồn về nẻo Nội Bàng - Động Bàn - Đôn Kỷ - Lộc Châu rồi về Tư Minh. Hưng Đạo mừng lắm, mắt ông sáng bừng lên. Ông thầm khen “Chiêu Văn vương quả là một tướng tài kiệt xuất”. Hưng Đạo bèn sai thư nhi đem giấy bút cho ông viết lệnh. “Ta có nhời khen thượng tướng. Giặc đang lâm vào tử địa. Tất cả đều kéo về lối Lộc Châu. Hưng Vũ Vương đã chặn biên thùy. Tướng quân kíp đem quân đánh tập hậu. Gắng bắt lấy Thoát-hoan. Nên cảnh giới tên thần nỗ Giả Nhược Ngu luôn đi cặp kè bên chủ. Thư nói chẳng hết nhời. Chờ ngày toàn thắng”.
Viết xong ông gọi Yết Kiêu vào và dặn:
- Con sai đám chim câu đưa thư này cho Chiêu Văn vương. Hiện nay vương đang ở vùng Khâu Ôn quanh mấy ải Hãm Sa, Chi Lăng.
Yết Kiêu lĩnh thư rồi lui ra cuộn gói gọn ghẽ, ngoài bọc sáp. Sau đó tướng quân chọn ra năm con chim bồ câu, buộc thư vào âu cánh con đầu đàn, làm các ám hiệu căn dặn rồi thả cho chúng bay đi.
Theo tính toán thì ngày mai giặc tất sẽ tới Trúc Động. Đầu xã Trúc Động là nơi gặp gỡ giữa hai dòng sông Giá và sông Đá Bạc. Đương nhiên binh thuyền giặc sẽ đi vào sông Giá. Vì từ sông Giá ra sông Bạch Đằng gần hơn sông Đá Bạc. Và sông Bạch Đằng ở quãng này cũng gần cửa biển hơn. Cho nên sống chết giặc cũng chọn sông Giá làm đường lui binh. Vì vậy quốc công đã ém một lực lượng khá lớn để ngăn không cho binh thuyền của giặc vào. Cách ngã ba sông Giá và sông Đá Bạc độ non chục dặm lại có một nhánh ăn thông với nhau giữa hai dòng sông này, quốc công đặt ở đây một lực lượng lớn đề phòng giặc cố tình vượt sang sông Giá. Thêm vào đó còn có cả vạn dân binh trong vùng kéo đến xin được quốc công sai khiến. Ngay cả các đội bạch đầu ông, các đoàn đội trạo nhi cũng xin được ở vùng ngoài thanh viện như đánh trống, đánh chiêng, reo hò, hoặc tiếp tế cơm nước, hoặc khiêng thương binh, tử sĩ lui về phía sau. Cuộc chuẩn bị cho trận đánh tuy âm thầm nhưng sôi động và có một điều kỳ lạ là từ các vị tướng đến người bình thường, từ quan đến dân, từ người già đến trẻ nhỏ cứ được tham gia đánh giặc là nức lòng. Ai ai cũng coi việc đánh giặc là việc của mình, của nhà mình, của hương ấp mình nên chẳng có một người nào thoái thác. Tuy vậy trong sâu thẳm tâm tư của mỗi người đều mong muốn được sống trong yên bình, đất nước không còn có giặc giã và không phải đánh giặc.
Lại nói về Ô-mã-nhi và các tướng muốn lui quân thần tốc để sớm được ra biển cho an toàn, thế nhưng đoạn đường phía trước một bên bờ sông thì áp sát với rừng già ăn sát tới mép sông, một bên thì loáng thoáng có núi cao dựng như vách thành, sợ có quân mai phục nên nguyên soái sai dừng thuyền và hai đầu cũng như hai bên tả hữu ngạn phải đổ quân lên tuần tra canh gác chứ không cho đi đêm. Sáng ra, sau một hồi tù và thổi bằng sừng dê, các thuyền của quân Nguyên đều nhất loạt treo cờ Đại Nguyên trên đỉnh cột buồm.
Chiếc soái thuyền của Ô-mã-nhi ngoài treo cờ của nước Đại Nguyên ở đầu mũi thuyền còn cắm lá cờ đuôi nheo sắc đỏ, tua vàng giữa cờ thêu một chữ “SÚY” bằng chỉ đen. Trong thuyền bày biện các đồ sang quý và có cả màn sáo vây quanh các con tiện, các cửa sổ của lâu thuyền.
Sau khi các thuyền đã treo cờ Đại Nguyên lại có ba hồi kèn thúc và bảy phát pháo hiệu bắn lên nền trời mù sương, ấy là lệnh xuất phát cuộc hải hành.
Ô-mã-nhi lui quân tháo chạy mà cờ giong trống mở cứ như đoàn quân chiến thắng khải hoàn. Làm ra vẻ của một đoàn quân chiến thắng khải hoàn là Ô-mã-nhi muốn lấy lại tinh thần cho binh sĩ đang suy sụp, vì mệt mỏi chống đỡ hằng ngày với quân Đại Việt đang truy đuổi, và nữa sức lực của chúng cũng sa sút bởi ăn uống thiếu thốn. Mặt khác, đô nguyên suý cũng muốn ra oai với phía Đại Việt rằng: “Binh lực của ta còn hùng hậu lắm, chớ có đụng vào”.
Từ Vạn Kiếp ra đi Ô-mã-nhi có hơn sáu trăm chiến thuyền, qua hơn chục ngày giao tranh đã mất non một trăm chiếc với hơn mười ngàn quân. Tuy vậy, với hơn năm trăm chiến thuyền cờ xí giăng giăng, lại thuận đường xuôi nước rùng rùng kéo dài cả chục dặm sông, thiết tưởng cũng đủ sức uy hiếp đối phương. Ở đất này chỗ nào cũng là rừng, là núi âm u, là sông ngòi chằng chịt nên bầu trời lúc nào cũng lãng đãng khói sương.
Đoàn chiến thuyền kéo dài như vô tận, thuyền nào cũng giương buồm đón gió, dù rằng mới sớm tinh sương lá cây ngọn cỏ vẫn im lìm như còn ngái ngủ. Mấy bữa nay không còn mưa bụi, cái lạnh cũng chỉ hơi se se. Tuy chưa có gió nhưng xuôi nước, quân thay nhau chèo, thuyền đi cũng khá nhanh. Chừng cuối giờ thìn, mặt trời đã lên khỏi ngọn tre, màu nắng hoe hoe làm tan dần khí mù từ rừng cây và sông suối bốc lên khiến bầu trời quang đãng. Màu trời xanh lơ, lúc này đứng trên cao nhìn được toàn cảnh đoàn chiến thuyền uốn lượn theo hình thể dòng sông mới thấy vẻ đẹp bề ngoài của một đội quân lớn.
Ô-mã-nhi đứng trước mũi lâu thuyền nhìn xuôi về phía trước, lại nhìn ngược về phía sau thấy thuyền quân và cờ xí rợp trời, lòng đầy kiêu hãnh, y vẫy tay gọi Phàn Tiếp lại gần và hỏi:
- Ông thấy đại quân của thiên tử thế nào?
- Đúng là một chủng quân kiêu dũng của thiên triều. Chỉ tiếc ta chưa kịp lập công dâng thiên tử - Phàn Tiếp đáp.
- Ta chưa rõ trận Xích Bích của nước Trung Hoa thời Tam quốc thế nào. Nghe nói nó vĩ đại lắm. Nhưng ta cam đoan với ông nếu Hưng Đạo dám trêu tức ta thì ta sẽ cho ông ta một trận Xích Bích.
Phàn Tiếp im lặng nhìn về phía trước.
Càng gần về trưa bầu trời càng quang đãng. Sự uy nghi của đoàn thuyền chiến càng làm Ô-mã-nhi hài lòng. Ô-mã-nhi cho là mình đã quyết định đúng, ấy là phải tiến nhanh ra biển, phải giương uy khiến kẻ địch run sợ tránh xa. Quả là quân Giao Chỉ thấy ta phô bày binh lực nên chúng sợ uy ta mà trốn biệt đi rồi. Mọi ngày ta tiến binh cầm chừng thì không ngày nào không phải giao tranh, thế mà bữa nay từ sớm tinh sương tới giờ có thấy bóng dáng một tên giặc nào đâu.
Một lát, Phàn Tiếp quay lại nói với Ô-mã-nhi:
- Nguyên soái, còn vài dặm nữa ta sẽ đến ngã ba nơi sông Giá và sông Đá Bạc gặp nhau, ta cho quân xuôi theo sông nào.
Ô-mã-nhi thuộc nằm lòng mấy con sông nên đáp:
- Cả hai sông đó đều đổ vào sông Bạch Đằng rồi ra biển. Nhưng nên đi nẻo sông Giá. Sông Giá vào Bạch Đằng gần hơn.
Phàn Tiếp sai truyền lệnh lên những thuyền đi đầu tới ngã ba thì rẽ theo bên hữu.
Khoảng giữa trưa đoàn thuyền chiến rẽ vào sông Giá chừng một dặm, tức là địa phận xã Trúc Động thì bị quân Đại Việt chặn lại.
Thoạt tiên là một loạt tên bùi nhùi dẫn chất cháy tập trung bắn vào mấy thuyền đi trước. Các tay lái thuyền bị dính tên kịch độc rời tay lái, thuyền nọ xô thuyền kia lập tức gãy vỡ, cùng lúc bốc cháy. Những chiếc đi sau không hãm kịp cứ liên tiếp đâm vào nhau làm tắc nghẽn cả dòng sông vốn đã hẹp. Cũng lúc đó, ở trên bờ tên bắn xuống như mưa và tiếng tù và, tiếng trống đồng, trống đại lược phối với nhau phát ra những tiếng rền vang như tiếng sấm. Và nữa tiếng hô “Sát Thát!” của hàng vạn dân binh đang sát cánh chiến đấu với quân triều đình cứ xoáy vào tai giặc như những mũi kim nhọn hoắt. Lại nữa, từ phía hạ lưu sông Giá, từng đoàn thuyền chiến giương cờ Đại Việt đang băng băng rẽ nước tiến về phía binh thuyền của Ô-mã-nhi.
Giặc đang thung thăng với tinh thần của kẻ đi dạo, bị đánh bất ngờ, quân chúng trở nên rối loạn.
Ô-mã-nhi vừa sai quân chống cự với lực lượng trên bờ vừa ra lệnh cho các tướng dưới quyền bắt quân kéo những thuyền cháy, thuyền đắm dẹp sang một bên lấy đường mà đi tiếp. Nhưng khi chợt thấy các chiến thuyền Đại Việt cứ trùng trùng điệp điệp tiến thẳng về phía quân Nguyên, và quân Đại Việt ở trên bờ cũng chặn đánh quyết liệt không cho quân Nguyên nhích qua khu vực các thuyền vừa bị đánh đắm thì Ô-mã-nhi sai Phàn Tiếp và Trương Ngọc lấy tiền quân làm hậu quân để cản quân Đại Việt, còn Ô-mã-nhi sẽ đưa quân quay về sông Đá Bạc để từ đó tìm đường ra biển.
Thực ra chưa cần có lệnh của nguyên soái, khi thấy các thuyền đi đầu bị chặn đánh, lập tức các thuyền đi sau cứ tự ý rẽ vào sông Đá Bạc. Việc đơn giản là ở đó không có quân Đại Việt.
Mặc cho giặc chạy vào sông Đá Bạc, nẻo sông ấy quân ta không ngăn cản, nhưng các lực lượng thanh viện vẫn cứ nổi trống, chiêng, tù và cùng những lời hô “Sát Thát” đuổi theo quân giặc mỗi lúc một ráo riết hơn.
Trong khi cánh quân ở phía hạ lưu sông Giá do tướng Trần Toàn chỉ huy gần áp sát binh thuyền quân Nguyên thì tướng Đỗ Hành chỉ huy quân bộ đang từ trên bờ đánh vào phía hậu quân của đoàn binh thuyền giặc, thanh thế rất lớn, khiến giặc không dám dừng lại giao chiến mà vừa chống đỡ vừa chạy thật nhanh chỉ mong thoát chết. Trận đánh ở Trúc Động kéo dài đến gần tối thì lùa được toàn bộ binh thuyền của giặc vào sông Đá Bạc và không có một chiến thuyền nào của chúng lọt được qua sông Giá vào sông Bạch Đằng.
Khuya đêm đó, hai vua và thượng tướng Trần Quang Khải cùng tướng Nguyễn Xuân đã đem toàn bộ quân thánh dực, cả hơn hai vạn quân của phủ Chiêu Minh cùng hơn một vạn điền binh vùng Giáp Sơn cũng theo vua đã tới Trúc Động, nơi chiến trường còn ngổn ngang xác giặc và thuyền giặc bị đắm trôi dật dờ trên mặt sông.
Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp đã đưa được hết binh thuyền vào trú trong sông Đá Bạc. Lúc này giặc tạm hoàn hồn. Quân chúng bắt đầu bữa ăn chiều vào lúc non nửa đêm. Phàn Tiếp tỏ ra bằng lòng với thiệt hại qua cuộc giao tranh, liền nói với Ô-mã-nhi:
- Nguyên soái có thấy quân Giao Chỉ phô trương thanh thế thật là ghê gớm, nhất là khi binh thuyền của chúng từ phía hạ lưu ào ào tiến thẳng về phía quân ta phối với đám quân đang quấy rối mà ta phải đối phó, lúc ấy tôi đã hơi lo. May mà sự thiệt hại không đáng kể.
- Thì lúc ấy ta đã chẳng ra lệnh lấy tiền quân làm hậu quân để ngăn giặc, còn hậu quân biến thành tiền quân tiến thẳng vào sông Đá Bạc đó sao. Ô-mã-nhi nói với vẻ tự phụ. Chợt nhìn các chiến thuyền cứ sát lại gần nhau, Ô-mã-nhi biết nước triều đang xuống mạnh, lòng sông hẹp lại, hai bên bờ bãi rừng cây và lau sậy mọc um tùm, che khuất hết tầm nhìn, viên tướng dày dạn chiến trường này giật mình nghĩ đến trận hỏa công Xích Bích, quân Đông Ngô đốt trụi hết cả chiến thuyền của Tào Tháo, y bèn ra lệnh chỉ để một phần ba số quân ở lại giữ thuyền, còn hai phần ba phải lên trên bờ, chiếm các nơi hiểm yếu mai phục, phòng giặc tập kích hoặc hỏa công. Khen thay Ô-mã-nhi quả là một tướng giỏi, nhưng y không thuộc địa hình, vì rằng đoạn sông y trú quân hai bên tả hữu ngạn đều là rừng sú vẹt dày đặc mọc trên bãi lầy và không có đường bộ có thể đưa được quân vào, thành thử y chỉ làm khổ đám quân mệt nhọc phải thức trắng để đối phó với muỗi độc. Chừng quá nửa đêm nước triều dâng lên ngập cả đôi bờ, ngập tới quá nửa các thân cây của rừng sú vẹt. Quân Nguyên hốt hoảng kéo hết về thuyền.
Đĩa đèn sáu ngọn bấc hắt một thứ ánh sáng lờ mờ lên vách tranh của khuôn lán hẹp, Quốc công tiết chế bồi hồi nghĩ về trận đánh ngày mai. Và ông chợt nhớ khi phải bỏ lại con voi bị thụt bùn tại A Sào, con voi có nghĩa này đã gắn bó với ông, vào sinh ra tử với ông từ cuộc chiến năm Ất Dậu. Chính là con voi mà Chiêu Văn vương đã đưa từ lộ Đà Giang về biếu ông từ năm Nhâm Ngọ (1282). Nhớ lúc phải nói lời vĩnh biệt nó, ta không cầm nổi nước mắt và nó cũng rầu rầu nhìn ta nước mắt chảy giàn giụa lộ rõ vẻ đau buồn. Ta đã rút kiếm chỉ xuống dòng sông thề rằng: “Nếu trận này không giết hết giặc Nguyên, ta không trở lại khúc sông này”. Ta thề với khí thiêng Đại Việt, nhưng cũng là lời hứa của ta trước sự hy sinh của con nghĩa tượng.
Ngày mai tất cả đều đã sẵn sàng. May sao con nước triều ta mong đợi đang diễn ra đúng như bà lão hàng nước mách bảo, đúng như dân chúng trong vùng mách bảo. Và cũng thật đúng lúc quân thánh dực của hai vua và quân của phủ Chiêu Minh đã đến kịp thời. Đội quân hùng hậu ấy sẽ bịt đường quay lại của giặc. Và cũng là đội quân đánh vào sau lưng giặc khi đại quân của chúng đã vướng vào các bãi cọc của ta.
Hưng Đạo là một bậc tướng quán thông, ông có đức giữ được sự bình tĩnh trước mọi nguy nan. Vậy mà sắp lâm trận, một thế trận ông bày sẵn, buộc quân thù phải hành động theo sự sai khiến ngầm của ông - Trận quyết chiến mà dường như ông đã nắm chắc phần thắng. Vậy mà ông vẫn hồi hộp. Ông nhớ trong đời làm tướng dường như đã có một lần ông trải qua cảm giác này. Có nhẽ là năm Đinh Tỵ ông nhận mệnh của đức Thái tông đem binh lên trấn biên thùy, trong vùng Quy Hóa giang để cản giặc. Ông đã dạy cho các thủ lĩnh người man là Hà Khuất, Hà Bổng biết cách đánh quân Mông Cổ và trong trận phục kích để diệt hai vạn quân Thoán-Bặc của Đoàn Hưng Trí theo quân Mông Cổ vào xâm lược nước ta. Cái cảm giác trước khi xảy ra trận đánh hồi ấy, nó cũng na ná như lúc này đây. Nhưng đánh tan hai vạn quân Thoán-Bặc cũng không sung sướng bằng khi đánh quân Mông Cổ tháo chạy trở về Vân Nam, tuy nhiên cái cảm giác hồi hộp thì không còn nữa. Lần này mới thấy lại, âu cũng là một sự lạ.
Quốc công mở bản đồ xem lại nơi bố trí trận địa, tướng nào cầm bao nhiêu quân đánh phía nào, ngăn chặn những chỗ nào, bao bọc ở đâu, tiếp ứng ở đâu, vòng trong vòng ngoài, tiền hậu, tả hữu đều đã bưng kín, nay giặc cũng đã dẫn xác vào nơi ông đón lõng, và nước triều cũng đang lên mạnh… Lòng dào dạt niềm phấn hứng, Quốc công bước ra ngoài ngửa mặt nhìn bầu trời sao loáng thoáng. Ông biết ngày mai trời đẹp, có nắng, có thể còn có gió. Tự nhiên ông chắp tay vái Trời, cúi xuống vái Đất rồi vái bốn phương, ông khấn: “Nước tôi nhỏ bé ở nép một góc trời, luôn bị người phương Bắc hà hiếp lấn xâm. Trời đã cho làm Người ắt cho quyền được sống. Nay dân tôi quyết đòi lại quyền được sống ấy. Nếu thiên lý chí công xin cho tôi giết hết bầy quỷ dữ đem lại cuộc sống yên bình cho người lương thiện. Xin các bậc tiền nhân và hồn thiêng sông núi phù trợ cho quân ta ngày mai vào trận được toàn thắng, quyết lấy máu giặc để rửa hờn non nước, giữ cho xã tắc được vững bền”.
Lòng thanh thản Quốc công vào trong lán cuốn lại búi tóc cho thật chặt, quấn chiếc khăn vành dây bằng nhiễu giắt mối chặt chẽ, đoạn ông cởi áo ngoài mặc giáp hộ tâm áp sát vào lồng ngực, ngoài phủ chiếc áo dài lửng đến đầu gối màu nâu bạc.
Quốc công khoác lên vai một cây cung, một giỏ tên rồi với tay lên giá lấy cây trường kiếm đeo bên sườn trái. Ông sai đứa thư nhi đi gọi Yết Kiêu, Dã Tượng.
Hai người vừa ló vào, ông vội hỏi:
- Ta muốn hỏi các con, trước khi vào trận các con có nhận thấy điều gì khác không?
- Dạ từ khi được tin quân ta bịt chặt sông Giá buộc đại quân của Ô-mã-nhi phải vào hết sông Đá Bạc, con mừng quá, khi đêm suýt mất ngủ. - Yết Kiêu nói.
Dã Tượng cũng thưa:
- Bẩm đức ông mấy đêm nay con mất ngủ vì các vong nó kêu ai oán quá, vong nhiều vô số kể, tiếng nó sà xuống sát mặt đất rồi, chắc trận này giặc chết nhiều lắm đây.
Quốc công gật đầu: - Chắc vậy! Nhưng các con đi ngủ tiếp đi, bây giờ mới gần cuối giờ sửu, ngủ được tí nào hay tí đó. Trận đánh chắc không ngoài dự liệu.
Hai người không chịu đi ngủ lại, bởi cũng chẳng còn mấy nữa thì trời sáng.
Quốc công lại hỏi:
- Đỉnh nước triều hôm qua có ngập hết cọc không?
- Dạ cọc ở gần bờ thì ngập xâm xấp nhưng đã có cỏ lác phủ lên, người vô tình không thể biết. Còn các bãi cọc đóng ở cửa các sông Chanh, sông Kênh, sông Rút phải hơn một gang tay nữa mới ngập.
- Dạ, tất cả đều đúng như Quốc công chỉ dẫn, - Yết Kiêu nói.
- Phải, hôm nay mùng tám tháng ba mới là đỉnh con nước triều, nó cao hơn đỉnh hôm qua tới hơn hai sải tay kia. Cả mùa xuân chỉ có con nước triều mùng tám tháng ba là cao nhất. - Quốc công giảng giải.
Gần sáng thấy nước sông dâng cao, mấy viên đô tướng vội vào đánh thức Ô-mã-nhi bẩm báo. Y vén rèm nhìn xuống mặt sông, quả đúng như lời các viên đô tướng.
Ô-mã-nhi sai lập tức truyền lệnh:
- Nước sông đang cường, phải cướp thời gian để thoát ra biển. Bữa sáng, bữa trưa hôm nay các đô tướng phải cho quân ăn no, nhưng ăn bằng lương khô, vừa đi vừa ăn.
Khoảng giữa giờ dần, đại đội binh thuyền của Ô-mã-nhi đã tăm tắp khởi hành. Bữa nay chúng đi trong câm lặng chứ không trống giong cờ mở như hôm trước.
Đại quân thủy bộ của hai vua Thánh tông, Nhân tông và Chiêu Minh vương đóng cách quân Nguyên chỉ năm, sáu dặm theo đường chim bay trong một khu vực giặc khó có thể ngờ, nhưng vẫn cho quân thám dõi theo, giám sát chúng rất chặt chẽ. Chợt thấy hậu quân của Ô-mã-nhi rục rịch, quân ta cũng chuẩn bị lên đường.
Nước triều đang xuống, binh thuyền của giặc đi khá nhanh, khoảng đầu giờ thìn, tướng Nguyễn Khoái dẫn khoảng năm mươi chiếc khinh thuyền từ trong cửa sông Chanh tiến thẳng về phía thuyền giặc còn đang ở phía mờ xa. Chừng một canh giờ sau, hai bên đã nhìn rõ nhau. Nguyễn Khoái phất cờ cho đoàn thuyền dàn hàng ngang xông thẳng vào đoàn chiến thuyền hùng hậu của Ô-mã-nhi khiêu chiến.
Giặc thấy lực lượng quân ta nhỏ bé tới thảm hại mà dám liều lĩnh gây sự chẳng khác lũ thiêu thân, chẳng khác con kiến gió đòi thách đấu với cả đàn voi. Ô-mã-nhi sai quân tức tốc truy đuổi để bắt sống.
Thuyền giặc to lớn cồng kềnh di chuyển khó khăn, trong khi thuyền của quân ta nhỏ nhẹ thoắt lui thoắt tới, chạy vòng chạy vèo nhưng luôn giữ một khoảng cách ngoài tầm tên bắn. Giặc tản thuyền ra kín mặt sông quyết bắt sống cho bằng được đám thuyền kia.
Chừng đã sang giờ tỵ, nước triều xuống rất nhanh. Từ trên cao quan sát, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương thấy thuyền giặc đã vào sâu, ông hạ lệnh cho nổ pháo hiệu và đốt khói khắp triền sông cho Nguyễn Khoái biết.
Nhận được lệnh, Nguyễn Khoái phất cờ thu quân rút chạy trở lại sông Chanh và trốn trú nơi phía bãi Yên Giang. Thuyền giặc ầm ầm lao đuổi giữa lúc nước triều xuống mạnh, cọc ngầm chỉ còn cách mặt nước vài gang tay, dòng nước hút thuyền giặc như nước chảy qua miệng phễu. Những chiếc đi đầu đã va vào hàng cọc chắn ngang sông. Vài ba chiếc bị xô gãy, thuyền đắm khiến những chiếc đi sau vấp nhau chồng đống. Những chiếc tiếp sau hãm kịp, giăng giăng trùng điệp trước cửa sông.
Đúng lúc này hai bên bờ sông dân binh nổi trống đồng, trống cái lại thêm tiếng kèn, tiếng tù và rúc inh ỏi, tiếng hô “Sát Thát” vang vang. Và Phạm Ngũ Lão dẫn đội hỏa công chừng hơn một trăm chiếc thuyền nan chất đầy cỏ khô, diêm tiêu thả xuôi dòng nước triều đang rút mạnh. Mỗi thuyền chỉ có một người cầm lái núp sau đống cỏ chất cao ngất nghểu, và khi chỉ còn cách thuyền giặc chừng vài trăm sải tay thì nhất loạt phóng hỏa thả cho thuyền trôi, còn các chiến binh thì nhảy xuống nước lặn vào bờ. Cùng lúc Nguyễn Khoái dẫn quân quay trở lại, thuyền quân ta ẩn trong các khe lạch nhất tề xông lên áp sát thuyền giặc. Các tướng Trần Toàn, Nguyễn Chế Nghĩa ba bề bốn bên dẫn quân ập tới. Giặc quay cuồng tháo chạy va vào bãi cọc Yên Giang lúc này đã chạm sát đáy thuyền. Nước rút nhanh, số thuyền giặc bị cọc đâm thủng đáy hoặc bị cọc ngáng mỗi lúc mỗi vón lại nhiều thêm. Những chiếc thuyền nan bốc cháy đùng đùng và như có trời phù, tự nhiên gió tây nam lại nổi, đẩy những chiếc thuyền lửa phi nhanh như tên bắn, và chúng giăng thành hàng như một vành đai lửa ôm lấy các chiến thuyền quân Nguyên đang giãy giụa tháo chạy. Cơ man nào là thuyền giặc bốc cháy, biến sông Chanh thành dòng sông lửa thiêu xác đội quân xâm lược của thiên triều. Từ các thuyền bị cháy, giặc nhảy ào xuống sông hoặc nhảy sang các thuyền chưa bị cháy, chưa bị đắm.
Lúc này quân ta đang xông vào hỗn chiến với quân giặc. Thuyền nhỏ dễ len lách trong các hàng cọc, quân ta dùng câu liêm giật đứt cổ từng tên giặc, dùng giáo cán dài xỉa giặc trên các mạn thuyền của chúng cao hơn. Và cuối cùng là quân ta đổ bộ lên thuyền giặc dùng mã tấu, đoản đao mà đâm mà chém, hàng chục thuyền giặc lao vào bãi cọc ven bờ, cọc xuyên thủng, thuyền không nhúc nhích, giặc lóp ngóp kéo nhau lên bờ. Phạm Ngũ Lão đã ém binh chờ giặc từ lâu. Khi chúng vừa ló cổ lên đã bị quân ta chém rụng đầu, hàng trăm chiếc đầu cùng rụng một lúc, máu phụt lên thành dòng đỏ tươi. Giặc bị chém hết lớp ấy đến lớp khác tới khi những tên ập ụa ở phía sau chợt nhận ra số phận những kẻ ngoi vào bờ, chúng liền quay lại nơi những chiếc thuyền đắm. Lập tức hàng ngàn tay cung nỏ từ trên bờ bắn xuống. Dòng sông lúc này đã biến thành dòng sông máu đỏ lòm. Lửa vẫn cháy rừng rực, quân ta và quân thù đang hỗn chiến trên nhiều chiến thuyền giặc khi nó đang tìm cách tụm lại với nhau. Tiếng sắt thép chém vào sắt thép nghe ghê rợn, tiếng kích gãy, tiếng đao chém khi thì bay đầu khi thì bay binh khí giặc. Quân giặc tuy cố sức chống đỡ, nhưng chủ yếu chúng tìm đường hòng chạy thoát. Trong khi tiếng khua gõ, tiếng thúc dập dồn của các loại nhạc khí sắc nhọn như những mũi tên, những tiếng sấm tiếng sét cứ đâm vào tai vào óc giặc khiến tâm thần chúng trở nên hoảng loạn, thành thử cùng một lúc giặc vừa phải chống đỡ với giáo gươm vừa phải chống đỡ với âm thanh của quân ta. Những điền binh trợ chiến cũng xông lên giết giặc hăng hái không kém quân triều đình. Những đống lửa ngún khói bốc cao khắp các triền sông do các đội bạch đầu ông, các đội trạo nhi đốt lên uy hiếp giặc khiến chúng cảm thấy đang mắc vào thiên la địa võng, cùng đường hết kiếp.
Binh thuyền giặc tranh cướp nhau mở đường máu tháo chạy, một số đã dạt sang sông Kênh, sông Rút nhưng các cửa sông này đều đã có cọc chắn, nước rút cạn, cọc nhô cao, chúng đang định quay mũi thuyền trốn chạy liền bị các tướng Đỗ Hành, Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa với vô số chiến thuyền đang khép vòng vây. Cũng như khu vực sông Chanh, hai bờ sông Kênh, sông Rút hàng trăm đống lửa ngún khói bốc cao và các âm thanh nhạc khí cùng tiếng hô “Sát Thát” bám riết lấy quân thù. Cuộc giao chiến buộc quân thù phải tiếp nhận cách đánh mà nó không có quyền chọn lựa, và giống như con thú cùng đường, giặc phải kháng cự để giành lấy sự sống. Còn quân ta đã nuôi chí căm hờn từ bao ngày ẩn nhẫn, nay mới có dịp trút lên đầu ngọn giáo lưỡi đao. Vì vậy cuộc chiến diễn ra cực kỳ ác liệt, giằng co, níu kéo. Có những chiến binh vừa tròng được lưỡi câu liêm vào cổ tên giặc liền giật phắt một cái, đầu giặc đã rơi lăn lóc trên sạp thuyền, máu từ cổ nó phun thẳng đứng như một chiếc vòi rồng trước khi thây nó ngã vật xuống. Dùi nhọn, giáo đâm, đao chém, kích, búa những tiếng kim khí va nhau tóe lửa, những lưỡi đao đỏ lòm cứ vung lên hạ xuống loang loáng, những tấm thân trần đóng khố lao vào ôm cổ giặc hoặc húc đầu vào bụng nó, để cả hai cùng lăn xuống sông, và dìm những tên giặc Bắc khiến nó sặc sụa sủi bong bóng lên mặt nước, trước khi người lính Việt ngoi lên. Những tiếng va đập đối kháng tưởng như không bao giờ dứt. Trời đất dường như cũng đau đớn với nỗi đau của con người nên tối sầm lại. Một lát sau nắng lại bừng lên soi thấu cả dòng sông đỏ lòm máu. Giặc núng thế tháo chạy. Quân ta bám riết, vả lại thuyền của ta nhỏ, quân ta no đủ, nuôi sức nuôi chí từ lâu nên thừa thắng rượt đuổi. Nhìn phía trước có dãy núi trải dài, Trương Ngọc, Phàn Tiếp sai quân mở hết tốc lực vượt lên chiếm lấy điểm cao để hỗ trợ cho Ô-mã-nhi kháng cự. Vừa đúng lúc quân thánh dực của hai vua, quân tinh nhuệ của phủ Chiêu Minh, và cả quân điền binh do Nguyễn Xuân thống lĩnh theo vua ra đi từ Hiệp Thạch cũng sát cánh vào trận.
Từ trên đài cao quan sát thấy giặc đã bị đánh lui ở phía Ghềnh Cốc, sông Kênh, sông Rút đang dồn về cả Tràng Kênh, Quốc công sai Phạm Ngũ Lão đem ngay chiến thuyền đi tiếp ứng. Đoàn binh thuyền của Phạm Ngũ Lão từ bãi Yên Giang sông Chanh phải gạt xác giặc, tránh những chiến thuyền giặc đắm ngổn ngang đang làm ùn tắc dòng sông để lấy đường đi ứng viện cho cánh quân của Trần Quốc Bảo bên Tràng Kênh.
Trương Hán Siêu đứng cạnh Phạm Ngũ Lão trước mũi thuyền nhìn về phía đang diễn ra trận chiến, thấy bầu trời u ám, khí bốc lên mờ tối liền nói:
- Anh Ngũ Lão nhìn kìa, cả chục dặm chiến trường mờ mịt.
Phạm Ngũ Lão vẫn căng mắt dõi nhìn về phía đó.
Vẻ tiếc nuối, Hán Siêu lại nói:
- Anh Ngũ Lão có thấy cái khiếm khuyết nhất của Quốc sử viện là đã không cử một ai đi cùng chúng ta vào trận, để tận mắt thấy sự cam go ác liệt trong việc giữ gìn quốc thổ, phải hao tổn máu xương như thế nào. Tôi cam đoan với anh, ngàn năm hồ dễ có được một trận thắng quy mô và oanh liệt như thế này. Chỉ tiếc Lê sử quan tuổi đã cao không còn đủ sức theo quân như cuộc kháng Nguyên năm Ất Dậu. Rồi đấy mà xem, họ sẽ chép biên vào quốc sử rất sơ sài, đôi khi còn lộn xộn hoặc bỏ sót, hoặc mù mờ. - Ngũ Lão, ý anh thế nào?
Phạm Ngũ Lão vẫn không rời mắt nhìn về phía bầu trời mờ xám, nơi trận đánh đang diễn ra khốc liệt, ông rút lá cờ lệnh nơi mũi thuyền phất ba lần, tức là ông thúc quân tiến nhanh hơn nữa. Chứng tỏ ông không hề nghe biết những điều Hán Siêu vừa nói. Đoạn Ngũ Lão nhấc chiếc mũ trụ tết múi bằng da dê để tránh tên từ đầu mình úp lên đầu Trương Hán Siêu và nói:
- Anh vào trong khoang thuyền mà quan sát. Phải giữ lấy cái này thời mới có thi văn. Nói đoạn, Phạm Ngũ Lão vỗ nhẹ tay lên đầu Trương Hán Siêu và khẽ đẩy ông vào phía trong.
Giặc đang áp sát thuyền vào dãy núi Tràng Kênh, chúng đang loay hoay chọn chỗ đổ quân lên. Phàn Tiếp, Trương Ngọc đang hò hét xua quân lên bờ. Thương thay những tên giặc vừa đặt chân xuống đất, nhiều đứa còn chưa kịp đặt cả hai bàn chân tiếp đất đã bị hàng ngàn mũi tên từ nỏ liên châu bắn xuống khiến chúng gục ngã. Quân ta từ trên sườn núi ào xuống, hai bên giáp chiến kiên cường, giặc cố đổ quân lên để tìm nơi ẩn trốn bởi các chiến thuyền của chúng đã bị quân ta bọc kín phía sau không có phép lạ nào có thể thoát ra được. Lại nữa, những máy bắn đá, những song sảo, ngũ sảo pháo đặt trên cao cứ nhằm vào thuyền giặc mà bắn như bắn vào những tấm bia cố định, nên ít khi sai chệch. Phạm Ngũ Lão đã dẫn quân đến kịp phối với quân thánh dực, quân của thượng tướng Trần Quang Khải, quân của các tướng Nguyễn Khoái, Trần Toàn, Đỗ Hành, Nguyễn Chế Nghĩa đánh rất rát ở phía sau lưng giặc.
Ô-mã-nhi tự mình chỉ huy quân sĩ kháng cự. Tên phù thủy Nguyễn Bá Linh đầu tóc rũ rượi, một tay cầm chiếc bùa đỏ to như chiếc chão màu đỏ chót, tay kia cầm một bầu hồ lô lấp lánh ánh bạc sát cánh bên Ô-mã-nhi, miệng y luôn lẩm nhẩm đọc thần chú.
Ô-mã-nhi nửa tin nửa ngờ, thỉnh thoảng lại giục:
- Pháp sư ra tay đi chứ!
Phía bên sườn núi, Phàn Tiếp đã nhảy được một chân lên bờ. Trần Quốc Bảo kịp xông đến bổ một nhát đao lên đầu, hắn né tránh, lưỡi đao phập xuống khiến sã một bên cánh không gượng nổi liền lăn xuống sông, quân ta dùng câu liêm móc lên bắt được.
Quân Nguyên mất tướng hoảng hốt lùi thuyền ra xa. Tên ở trên bờ vãi xuống như mưa, và các máy bắn đá, các loại pháo cứ liên tiếp rót vào đầu giặc, quân giặc chết xác chồng lên xác, máu chảy đỏ cả nước sông.
Tại một đoạn khác, viên vạn hộ Trương Ngọc dẫn đầu một toán quân nhảy lên bờ, lập tức chúng bị chặn lại bằng nỏ liên châu với tên tẩm độc, Trương Ngọc chết gục ngay trên bờ cùng với đám quân vừa rời thuyền. Thuyền giặc lại hốt hoảng quay ra. Lúc này khắp nơi đều rung lên tiếng “Sát Thát” cùng tiếng trống đồng, tiếng chiêng, tiếng tù và. Từ đâu đó bật lên tiếng thét:
- Bắt lấy Ô-mã-nhi!
- Giết chết thằng giặc già Ô-mã-nhi!
- Ô-mã-nhi phải đền tội ác!
- Ô-mã-nhi… i…!
Cùng lúc Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão nhảy lên thuyền Ô-mã-nhi, hắn cởi trần, toàn thân vấy máu, tay lăm lăm chiếc thuẫn cán dài, mắt ngầu đỏ nhìn hai viên võ tướng Đại Việt. Tướng Đỗ Hành cũng vừa xốc tới, cả ba người cùng khống chế Ô-mã-nhi. Các tướng Đỗ Hành, Nguyễn Khoái và Ngũ Lão đều nghi tên này là Ô-mã-nhi nên muốn bắt sống, các tướng đều cảnh giác xem hắn có dám ra tay động thủ. Tên phù thủy giậm mạnh gót chân hú lên một tiếng man rợ. Nguyễn Khoái giơ đao chém chéo thân tên giặc cổ quái khiến thân nó xẻ làm đôi và cả chiếc hồ lô trên tay nó cũng vỡ toác. Máu trên thân nó tóe ra đỏ tươi và từ chiếc hồ lô phụt ra một luồng khí trắng[84].
Ô-mã-nhi kinh hoàng về nội lực của viên tướng trẻ Đại Việt, y nhích dần hai bàn chân lùi về phía vách thuyền giữ thế thủ trong khi quân của y đã bị quân ta hạ sát không còn một mống nào trên thuyền. Dường như y không có ý kháng cự.
Phạm Ngũ Lão chỉ tay vào chiếc thuẫn y đang cầm trên tay ra hiệu cho y buông xuống. Ô-mã-nhi buông cả hai bàn tay, chiếc thuẫn rơi bịch ngay dưới chân y.
Nguyễn Khoái sai quân vào trói. Ô-mã-nhi nhếch mép cười đau đớn. Y không chống cự.
Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái sai lấy một con thuyền nhẹ dẫn y vào trong khoang có hai mươi người lính có võ thuật canh phòng. Cả ba tướng Đỗ Hành, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái tự dẫn tên tù binh nguy hiểm vào bậc nhất này đến báo tiệp trước hai vua.
Quân giặc còn lại hết thảy đầu hàng trong đó có một thuyền còn nguyên vẹn chở viên Tích-lệ-cơ.
Tên này điềm đạm nói y là bậc thân vương, em họ Hốt-tất-liệt, chú của Thoát-hoan.
Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Hưng Đạo vương vội đi thuyền nhẹ tới ra mắt hai vua và tâu báo việc quân ta toàn thắng. Hưng Đạo nói:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, nhờ hồng phúc của tổ tông cùng khí thiêng sông núi, cánh quân phía đông của giặc không một chiếc thuyền nào, không một tên giặc nào trốn thoát.
Xin thượng hoàng và quan gia đem tù binh về Thăng Long chuẩn bị làm lễ hiến phù, thần xin phép lên biên thùy chỉ huy việc bắt giặc.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng