Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
IV
Đã tới lúc có thể xoay đổi thế cuộc, Quốc công tiết chế cho triệu một số tướng lĩnh chủ chốt về đại bản doanh bàn kế. Trong số các tướng có Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, Hưng Ninh vương Trần Tung, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng cùng một số tướng lĩnh khác như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái…
Khi các tướng đã tề tựu đông đủ, Hưng Đạo nói lời yên ủi, tuyên dương công trạng từng vị, và thông báo diễn biến trên các mặt trận cho mọi người được biết. Sau đó Quốc công mời tất cả cùng sang “cung” hai vua để tâu báo mọi việc và xin ý chỉ cho các công việc sắp tới. Gọi là “cung”, nhưng ở nơi di tán trong rừng sâu cũng chỉ là những căn nhà tranh tre nứa lá cất tạm, tường vách là những tấm phên thưa không ngăn nổi gió lùa. Và để tránh rắn rết, trong các lán tranh thường gác sàn làm chỗ ngủ, nghỉ hoặc hội họp.
Thấy các tướng về chầu bất thường, thượng hoàng vui lắm. Chắc có chuyện lớn đây. Vừa trông thấy Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, thượng hoàng bèn vẫy tay cho ông lại gần. Vừa nắm tay Trần Khánh Dư nhà vua vừa nói:
- Tiêu diệt cả một đoàn thuyền lương mấy chục vạn thạch, khanh lập công đầu. Kế giả thua để lừa giặc của khanh cho tới nay giặc vẫn chưa biết, cùng với kế giả yếu của Quốc công để nuôi lòng kiêu ngạo của giặc, cho tới nay giặc cũng vẫn chưa hay, vẫn ngộ nhận là nó mạnh. Quả thật lũ tướng súy Hốt-tất-liệt là một bầy khiếm thị. Thảo nào khi hay tin giặc sắp tràn vào bờ cõi, ta hỏi năm nay đánh giặc thế nào, Quốc công thản nhiên đáp: “Kim niên tặc nhàn”. Nhìn về phía Hưng Đạo, thượng hoàng cười lớn và nói: “Anh Quốc Tuấn quả là một nhà tiên tri bậc thầy”.
Hưng Đạo vương đứng lên vái:
- Tạ ơn thượng hoàng có lời khen. Thần có tài cán gì đâu, chẳng qua thấy cái thế nó đã bày ra vậy thì nói vậy.
Mọi người vừa yên vị, vua Nhân tông bèn nói:
- Tâu thượng hoàng, theo như Quốc công cho biết đã đến lúc ta ra tay đuổi giặc. Vậy xin Quốc công cho nghe kế sách.
Hưng Đạo lại vái hai vua rồi nói:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, sở dĩ kế giả yếu, giả bại của ta lừa được giặc cho đến tận lúc này, là do các tướng của ta biết giữ nghiêm quân lệnh và đều có tài lừa giặc, tức là đóng xuất sắc các vai mình phải đóng. Lừa được giặc còn bởi các chiến binh của ta dũng cảm, đánh giặc không tiếc máu xương mình, ngay cả khi đang thắng phải giả thua tháo chạy, cũng không có một ai vì ham thắng mà cưỡng mệnh trên.
Giặc thường tự phụ có ưu thế về quân kỵ, thì nay đang mùa khô lạnh, không khác mấy với thời tiết phương bắc, vậy mà hơn hai ngàn quân kỵ do tướng Mông Cổ chỉ huy đã phải bỏ xác trước thành Hoa Lư; kể như mười phần quân đến, bị giết tới bảy tám phần. Bởi trong số hơn hai ngàn quân ấy chỉ còn hơn ba trăm con ngựa với từng ấy tên lính chạy thoát về Thăng Long. Thế là quân kỵ của giặc đã bị đánh quỵ. Cuộc tái xâm lăng nước ta lần này, người Nguyên cố khoe rằng chính họ chứ không phải ta nắm về ưu thế thủy binh. Vì vậy họ phái đến hẳn một nguyên soái chỉ huy một hải đoàn tới hơn bảy trăm chiến thuyền và hơn mười vạn quân. Thế nhưng mấy trận diễn ra vừa đây đọ sức với quân thủy của ta, giặc tỏ ra yếu thế, đã thua. Lại trước đây hơn một tháng, phó tướng Nhân Huệ vương đánh tan tác cả một hải đoàn chuyên chở mấy chục vạn thạch lương với biết bao khí cụ chiến tranh, khiến không một đấu lương nào đến được với năm, sáu chục muôn quân giặc, mà cho tới nay Thoát-hoan vẫn chưa biết đích xác vì sao tên cướp biển Trương Văn Hổ chưa chở được lương tới.
Ngửng nhìn hai vua, nhìn các tướng Hưng Đạo vương nói tiếp: - Vậy là quân giặc tuy rất đông nhưng không mạnh, ngay cả những chủng quân mà người Mông Cổ kỳ vọng nhất là kỵ binh. - Tâu, ta có hai điều bây giờ trở thành những nhân tố cực mạnh:
Một là ta giả yếu, giả thua nhường tất cả những nơi mà giặc cho là trọng yếu cần phải chiếm nó đều chiếm được cả như Vạn Kiếp, Thăng Long. Và kế xin hàng do Hưng Ninh vương thủ vai đã làm cho giặc từ nghi ngờ chuyển sang tin tưởng, dù cái ngày ra hàng cứ hẹn đi hẹn lại mãi giặc vẫn hơi còn hy vọng.
Hai là Nhân Huệ vương đã diệt nguồn lương của giặc, và hiện nay Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn phối với các thủ lĩnh người man đã bịt hết các nẻo tiếp lương bằng đường bộ của giặc từ Quảng Tây sang.
Nay mai ta thả một ít tù binh bắt được trong đoàn quân tải lương của Trương Văn Hổ cùng một số phiên hiệu thuyền bè vào trại của Thoát-hoan ở Thăng Long, trại của Áo-lỗ-xích ở Vạn Kiếp. Một số quân thủy, quân kỵ ta mới bắt gần đây cũng thả về cho chúng loan tin bại trận, chắc chắn giặc sẽ hoang mang cực độ. Tới lúc này ta đánh đâu chắc thắng đó và nhất định giặc sẽ nghĩ tới việc tháo chạy khỏi nước ta. Hưng Đạo vương ngừng lời như là một sự ngẫm nghĩ. Giây lát lại nói: - Thần xin thượng hoàng và quan gia cho ý chỉ đuổi giặc.
Với niềm xúc động chân thực, Thánh tông nói:
- Kế sách do quốc công đưa ra từ đầu cuộc chiến tới nay đều diệu dụng cả, trẫm hết lòng tin tưởng. Việc đuổi giặc xin quốc công bàn kỹ với quan gia và chư tướng, trẫm chỉ lưu ý một điều sao đuổi giặc ra khỏi bờ cõi càng sớm càng tốt, càng tốn ít máu xương sĩ tốt càng tốt.
Quốc Tuấn vội đáp:
- Thần xin tuân chỉ.
Sau đó thượng hoàng Thánh tông lui về nghỉ, các việc là ở quan gia cùng quốc công tiết chế Hưng Đạo vương và chư tướng bàn bạc.
Cuộc nghị bàn thật là sôi nổi trong đó đánh giá khả năng quân thù sắp tới sẽ đáp trả ra sao khi chúng nhận được các bằng chứng xác thực về đội quân tải lương của Trương Văn Hổ đã chính thức nằm dưới đáy biển Vân Đồn, Cửa Lục… Và Hưng Ninh vương cũng chấm dứt các thư hẹn hàng. Giặc phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã đó sẽ có hai khả năng xảy ra:
Một là, chúng sẽ tập trung quân đánh rất khốc liệt vào quân ta.
Hai là, chúng lo đường rút chạy nhưng vẫn làm ra vẻ sắp mở đại trận đánh vào quân ta, nhằm cho cuộc tháo chạy đỡ bị tổn thất do quân ta chặn đường hoặc truy đuổi.
Các tướng đề cập đến nhiều cách đối phó, nhiều cách đánh làm cho giặc kiệt sức, muốn đánh cũng không đánh được, muốn rút cũng không rút được.
Quốc công tiết chế, người tổng chỉ huy kết gút công việc như sau:
- Nếu giặc tập trung quân lớn thì ta phân tán quấy rối và đánh vào phía sau của nó, đánh vào chỗ yếu của nó.
- Kiên quyết chặn đứng việc tiếp lương và việc giặc đi cướp lương trong dân hoặc các vùng cất giấu lương thực của ta.
- Nếu giặc nôn nóng đánh thì ta càng phải nhẩn nha khiến giặc phải giơ búa ngàn cân đánh vào chỗ trống.
- Phải chuẩn bị lực lượng chặn giặc ở cả hai mặt đường thủy, đường bộ. Phải tiêu diệt ít nhất bảy, tám phần quân nó, nhược bằng để sổng sẽ giúp việc tháo chạy của nó được an toàn thì nguy cơ chiến tranh tái diễn là điều khó tránh.
Sau đó Hưng Đạo cử các tướng đem quân đi về các ngả đón đợi thời cơ sẽ có những chuyển biến bất thường.
Tại Thăng Long, Vạn Kiếp cùng một lúc Thoát-hoan, Áo-lỗ-xích và cả Ô-mã-nhi đều nhận được các tù binh được tha về và các bằng chứng thu được từ đoàn thuyền lương giặc như cờ, phiên hiệu và đồ dùng của quân thủy, của phu thuyền, một số binh khí… Lại cũng có một số quân của Ô-mã-nhi mới bị bắt trong mấy trận giao tranh gần đây được tha về nữa.
Tất cả những bằng chứng hiển nhiên khiến Thoát-hoan không thể không tin, mặt y biến sắc và một kết cục xấu đang hiện dần trong não vị hoàng tử mà vua cha tin tưởng trao cho trọng trách phải bình định An Nam, để mở đường cho thiên tử thâu tóm nốt mấy nước phương nam. Bây giờ mọi sự đều dang dở. Nếu lại vác bộ mặt thua trận lần thứ hai nữa mà về Đại đô, chắc vua cha không tha tội.
Thoát-hoan còn đang cùng các tướng trăn trở tìm phương sách đối phó với Đại Việt thì nhận được một bức thư từ đại bản doanh của Hưng Đạo vương gửi tới do phó tướng Trần Khánh Dư thủ bút:
Kính gửi thái tử điện hạ,
Chắc hẳn ngài không thể không nhìn vào sự thật cay đắng. Rằng mấy chục vạn quân dưới quyền thống lĩnh của ngài chỉ vài tuần nữa là không còn một hạt lương. Nếu ngài cố tình xua quân đi cướp lúa gạo của dân ta, ắt phải đổi mỗi hạt gạo, hạt lúa bằng một mạng lính.
Tiện đây ta cũng kính báo để thái tử điện hạ biết rằng, đường thủy, đường bộ từ quý quốc sang Đại Việt đã bị khóa chặt nên đừng hoài công trông đợi ở sự tiếp lương.
Là một người thức thời lại là một bậc tướng từng trải chiến trận được thiên tử trao trọng trách, chắc điện hạ không thể không lo lắng cho quân mình và không tính đến kế an toàn tính mạng cho năm, sáu chục muôn quân. Các tướng dưới quyền người Trung Hoa có thể hiến cho điện hạ một trong ba mươi sáu[79] kế của họ.
Thiết nghĩ, nước tôi là một nước có chủ quyền lãnh thổ chứ không phải cái chợ mà ai muốn vào hoặc muốn ra lúc nào cũng được. Hơn nữa trong cuộc xâm lăng năm Ất Dậu (1285) mới đây, và cả cuộc xâm lăng hiện nay (1288), đứng đầu là điện hạ và binh sĩ đã gây ra xiết bao tội ác trời không dung đất không tha. Vì vậy, không dễ gì dân tôi để cho các ngài trốn chạy mà không mượn lại cái đầu hoặc tay, chân của các ngài.
Đừng nghĩ vượt qua được biên ải là an toàn đâu. Chắc điện hạ nhớ lần trước khi quân Nguyên đã chạy về đến đất Tư Minh của quý quốc, thế mà các vị tả hữu thừa Lý Quán, Lý Hằng vẫn còn phải đền tội. Và bản thân điện hạ, nếu không nằm trong rọ được bọc đồng lá để che chắn tên độc, chắc gì còn có cuộc nói chuyện hôm nay.
Tình thế hiện thời, thì sự được thua, sự sống chết của quân thiên triều ngay đến cả người đui, điếc cũng nhận ra. Vậy xin thái tử điện hạ hãy suy xét và lựa chọn một trong hai điều sau đây:
- Hoặc là ra hàng, sẽ được Đại Việt chúng tôi cấp thuyền bè, xe ngựa và lương thực để quân thiên triều về nước được toàn vẹn.
- Hoặc là tiếp tục giao tranh để phân định thắng thua.
Thái tử điện hạ nhận điều nào Đại Việt chúng tôi cũng đều tôn trọng. Song cũng xin được lưu ý điện hạ, chúng tôi không thể nán chờ lâu hơn nữa bởi nhân dân tôi đã phải chịu quá nhiều đau khổ do tội ác của binh lính thiên triều gây ra.
Mong sớm được hồi âm.
Nhân Huệ vương phó tướng Trần Khánh Dư
Kính bái
Đang rối lòng thì nhận được bức thư mà Thoát-hoan cho là một sự xúc phạm sâu sắc. Thứ nhất là Hưng Đạo lại để cho viên phó tướng giao dịch với ta. Vậy là y có ý khi mạn ta. Thứ hai là Khánh Dư dám dùng những lời lẽ bất kính đối với ta. Thoát-hoan đã toan dốc toàn lực đánh một trận cuối cùng cho vua tôi nhà Trần phải đớn đau, tan nát. Y xé vụn bức thư và sai quân đốt ngay trước mặt. Vậy là y sợ bẽ mặt với hạ cấp nên đã thủ tiêu trọn vẹn bức thư. Tả hữu hỏi thư gì mà khiến Trấn Nam vương bốc giận làm vậy.
Dường như cơn giận đã dịu bớt, y đáp:
- Tên Hưng Ninh vương Trần Tung lẻo mép lại hoãn một hẹn xin hàng nữa. Bắt được tên giặc này phải xử nó vào tội tùng xẻo.
Tình thế quân Nguyên thật là bi đát, nhưng các tướng dưới quyền không dám nói thẳng với Thoát-hoan điều đó.
A-ba-tri tìm cách nói vòng vo:
- Giặc bỏ đất đai, bỏ cả kinh thành trốn biệt vào núi rừng hiểm trở, tránh giao tranh là cốt để bảo toàn lực lượng nấn ná chờ cho xuân qua hạ tới. Khi đó trời nóng bức lại mưa nhiều, chướng khí hoành hành bệnh tật trong quân ta phát triển, ấy là lúc giặc tìm cách phản công. Hơn nữa lương thực trong quân đã cạn mà Trương Văn Hổ thì ngày một biệt tăm. Có nhẽ chủ tướng nên trù liệu sớm đi kẻo không kịp.
Thoát-hoan ngầm hiểu lòng quân đã nản. Và A-ba-tri nói: “trù liệu sớm đi kẻo không kịp” là ý khuyên ta nên lui quân về Bắc chớ để thời cơ cho giặc lấn.
Vài ngày sau tức đầu tháng hai năm Mậu Tý (1288), Thoát-hoan hạ lệnh bỏ Thăng Long lui về giữ lấy Vạn Kiếp.
Việc giặc rút khỏi Thăng Long vào lúc này quả thực không dễ như khi nó đến. Vừa ra khỏi Thăng Long độ mươi dặm thì từ quân thủy, quân kỵ đến quân bộ đều bị quân dân Đại Việt chặn đánh. Có những đoạn chiến sự nổ ra quyết liệt, cả ngày giặc chỉ tiến được non mười dặm. Và cứ đi dăm bảy dặm lại có giao tranh khiến tinh thần binh sĩ giặc vừa mệt mỏi vừa hoảng loạn.
Vừa về tới Vạn Kiếp chưa kịp nghỉ ngơi, Thoát-hoan đã cho triệu Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp đến trách:
- Các ông là tướng hùm sói của triều đình, thiên tử tin tưởng trao cho thống lĩnh quân thủy, hộ vệ đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ, thế mà để mấy chục vạn thạch lương rơi vào tay quân An Nam khiến đại quân của ta rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Các ông thử nghĩ giùm ta xem, nếu giặc triệt để bao vây lương thực thì quân ta sẽ trở thành lũ ma đói. Chúng sẽ nổi loạn. Quân ta tự tan rã mà giặc không cần đánh.
Cảm thấy mình có lỗi, nguyên soái Ô-mã-nhi cúi gằm mặt xuống.
Tham chính Phàn Tiếp vội đỡ lời:
- Trong việc này mạt tướng cũng có lỗi vì chỉ muốn tiến nhanh để hội quân tiện cho Trấn Nam vương sai khiến. Hơn nữa nguyên soái đã hai ba lần gặng hỏi có cần để lại một vài vạn quân hộ tống thì Trương Văn Hổ vội từ chối: “Thiên tử đã cho tôi năm ngàn quân tinh nhuệ hộ tống, mỗi thuyền lại có vài chục tên quân đi kèm. Vả lại tôi tha cướp lương của chúng thì thôi chứ kẻ nào cướp nổi của tôi”.
Trương Văn Hổ nói cứng chỉ là một phần, nhưng quả thật qua mấy trận giao tranh thì lực lượng của giặc chỉ lèo tèo không hơn đám giặc cỏ. Ai ngờ đó lại là kế của chúng.
Được tin Thoát-hoan chạy khỏi Thăng Long, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương liền triệu gấp các tướng về bàn.
Bữa nay thượng hoàng thấy trong người khó ở nên chỉ có quan gia tức vua Nhân tông tham dự. Tề tựu đông đủ, Hưng Đạo liền nói:
- Giặc bỏ Thăng Long cùng tất cả các nơi quan yếu khác, chúng chỉ giữ lại vùng Vạn Kiếp và phòng thủ dày đặc. Do đấy tình thế giặc sẽ diễn tiến theo hai hướng. Một là, giặc co cụm lại để chờ viện binh, chờ tiếp lương. Khi có thêm viện binh và quân lương giặc lại tiếp tục đánh chiếm các vùng khác, bởi Vạn Kiếp là địa bàn trọng yếu khống chế cả hai mặt thủy bộ của nước ta. Hai là, giặc thu quân về đó để bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho việc tháo chạy. Vậy xin bệ hạ cùng các tướng thử bàn xem giặc quay trở theo hướng nào? Tuy hỏi kế nhà vua cùng chư tướng, nhưng bản thân Quốc công đang chuẩn bị phương thức đánh giặc khi chúng rút chạy.
Chiêu Minh vương thượng tướng Trần Quang Khải nói:
- Quốc công giả định với giặc lúc này có hai tình huống xảy ra. Nhưng theo tôi giặc không có khả năng tăng quân cũng như không thể tiếp lương được. Vì tăng quân ít ra cũng phải từ hai chục vạn trở lên mới có thêm sức mạnh kiềm chế được Đại Việt. Nhưng giặc sang ta mới được hơn hai tháng, chưa có cuộc đọ sức nào lớn. Giặc tuy có thiệt hại nhưng chưa đáng kể, chưa có gì đe dọa tới toàn quân nó, nên chưa có chuyện Thoát-hoan xin tăng viện. Vả lại nếu có chuyện tăng viện thì nhanh nhất cũng phải một năm sau giặc mới áp biên thùy nước ta được. Cứ xem sau khi giặc thua năm Ất Dậu thì đầu năm Bính Tuất (1286) Hốt-tất-liệt đã xuống chiếu đánh An Nam. Nhưng mãi tới cuối năm Đinh Hợi (1287) giặc mới khởi binh được. Bởi vậy khả năng viện binh là không thể có. Còn như hiện nay Quốc công đã phái quân lên Nội Bàng, Khâu Ôn, Khâu Cấp, Lộc Bình… để phối với quân người man chính là nhằm tiêu diệt quân giặc khi nó trốn chạy, và cũng là ngăn cản đường tiếp lương nhỏ lẻ của nó vẫn lén lút từ Quảng Tây sang. Cho nên theo tôi lúc này ta nên bàn việc chặn đánh thế nào không cho giặc rút được an toàn.
Thượng tướng Trần Nhật Duật nối lời:
- Chiêu Minh vương nói rất có lý. Nhưng thực chất lực lượng giặc tới lúc này, sự thiệt hại của chúng là chưa đáng kể. Mà binh pháp Tôn Tử có nói: “Chớ cản quân về” hoặc “Giặc cùng đường chớ bức bách”. Vậy ta có nên chặn nó hoặc cũng phải mở đường cho nó rút đi, còn ta chỉ nên phục quân đánh tạt sườn hoặc chặn đuôi để tiêu diệt một phần quân của nó thôi. Như thế ta có thể gây thiệt hại cho giặc mà đỡ tốn máu xương quân ta.
Trần Thì Kiến một viên tướng nổi tiếng về tính cương trực, trước là gia thần của phủ Hưng Đạo xin nói:
- Hai vị thượng tướng kiến giải rất hữu lý, tôi không dám lạm bàn. Chỉ xin nói cái thiển ý của riêng tôi. Giặc vốn ngạo mạn, coi quân ta như cỏ rác, coi nước ta như quận huyện của nó. Kể từ năm Đinh Tị tới nay chúng đã ba lần kéo quân sang xâm lược. Hai lần đã thua nhục nhã. Lần này thì chúng đang lâm vào thế chết. Quân không lương là quân chết. Vậy tại sao ta không nhân cái thế thượng phong này mà tiêu diệt sạch sành sanh quân nó, dạy cho thiên triều và cả thiên tử một bài học để chúng phải chừa tới muôn sau.
Các tướng trẻ như Nhân đức hầu Trần Toàn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái cũng đang nhấp nhổm muốn xin nói. Vua Nhân tông trông thấy liền giục:
- Nào Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão… các tướng trẻ thử nói ý của các khanh xem sao.
Nguyễn Khoái với vẻ cung kính nói:
- Xâm lăng lần này, giặc muốn khoe quân thủy của nó mạnh. Giặc cũng muốn nhân thể đè bẹp cái sở trường đánh thủy của quân ta. Ai dè mấy trận gần đây bất ngờ ta ra quân khiến Ô-mã-nhi trở tay không kịp, hàng trăm chiến thuyền của giặc bị quân ta đánh chìm, mà giặc thì đầu đuôi không cứu được nhau. Vậy theo thiển ý của thần mong sao Quốc công cho tận diệt quân thủy của Thoát-hoan, để từ nay về sau chúng chớ có ngạo mạn tưởng mình là nước lớn muốn làm gì cũng được, quân nào của chúng cũng thiện xảo.
Vua Nhân Tông thấy các tướng trẻ bày tỏ nhiệt huyết giết giặc, ngài lấy làm vui mừng, liền chỉ tay về phía Phạm Ngũ Lão khích lệ:
- Khanh mau nói điều mà khanh đang nghĩ.
Lĩnh ý nhà vua, Phạm Ngũ Lão liền nói:
- Theo ngu ý của thần thì vì lẽ gì giặc rút khỏi Thăng Long, lui hết về giữ Vạn Kiếp.
Bởi Vạn Kiếp là một vùng thông địa có đường thủy bộ tỏa đi bốn ngả, có núi non làm điểm tựa lại có cả đồng bằng tiện việc tiếp nhận binh, lương qua các ngả thủy bộ từ nước nó đưa sang. Vì sao lần này giặc vào lại chiếm ngay Vạn Kiếp và giữ Vạn Kiếp làm căn cứ chính để đánh thông các ngả. Ấy là bởi giặc đem nhiều quân thủy, nên chiếm Vạn Kiếp để giữ cả ưu thế thủy, bộ.
Nhưng sao ta chưa đánh lớn mà giặc đã vội vã bỏ cả Thăng Long để về giữ Vạn Kiếp. Ấy là giặc đang ở vào thế chết vì không lương và quân nó đang rối loạn. Trong khi quân ta no đủ, tinh thần binh sĩ nao nức đánh giặc lập công. Cái thế thắng thua giữa ta và giặc đã bày ra cả. Cho nên giặc giữ Vạn Kiếp là giữ đường tháo chạy chứ không còn khả năng giữ để tiến công như khi nó mới đến. Vậy xin bệ hạ và Quốc công sai chẹn đường về của giặc, đánh cho nó tan tác. Đành rằng phải canh chừng khi đuổi con thú cùng đường. Vì vậy ta chỉ hé cửa cho nó chạy thôi, chứ không mở rộng cửa thênh thang cho nó ung dung trở về. Phải cho chúng khiêng xác nhau mà về, ôm đầu máu mà về. Thần xin được trở lại ải Lão Thử để nghênh địch.
Nghe Phạm Ngũ Lão nói, trên từ nhà vua đến các bậc tướng dạn dày chiến trận đều nở nụ cười vui.
Đến đây Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư xin nói:
- Công cuộc kháng giặc của ta tới lúc này coi như đã nhìn thấy thắng lợi. Nhưng cũng chỉ mới được nửa chặng đường. Song nếu để sổng cho giặc chạy thoát thì lập tức ta phải lo một cuộc chống xâm lăng mới, khốc liệt hơn các cuộc trước nhiều, bởi giặc đã lấy được bài học từ các cuộc thua trước.
Sở dĩ ta thắng được giặc là bởi cả nước một lòng, đồng tâm hiệp lực giữ nước. Trên từ nhà vua thứ đến quan dân, binh sĩ gian nan không nản, máu xương không tiếc, cốt sao giữ lấy nước. Trong đó phải kể đến Hưng Đạo binh pháp và Vạn Kiếp tông bí truyền thư là hai bộ sách vạch ra đường hướng cho công cuộc kháng giặc viên thành và dạy cho tướng lĩnh kế sách đánh giặc, dạy cho binh lính kỹ xảo đánh giặc và truyền cho họ lòng yêu nước, ý chí quật khởi trước kẻ thù. Ví như kế “thanh dã” được toàn dân hưởng ứng đã biến các vùng giặc sẽ chiếm thành vườn không nhà trống. Bởi vậy giặc không kiếm được lương thực, thực phẩm nuôi quân. Giặc vào cõi bờ ta mà không kiếm được lương thực thì chỉ mắt trước mắt sau rồi tìm đường tháo lui chứ ở sao nổi. Lại nữa, với chính sách “ngụ binh ư nông” cũng tức là toàn dân vi binh. Đành rằng chính sách này khởi từ nhà Lý, nay ta vận dụng vào binh pháp nên có chỗ đắc dụng khác thường. Vì vậy giặc tới chỗ nào cũng đụng phải dân binh. Vào đất ta không một chỗ nào cho giặc được ở yên. Ta giả yếu, giả thua để nuôi lòng kiêu ngạo của giặc, vì thế ta diệt gọn đoàn quân lương của giặc, vừa thu được vừa đánh chìm mấy chục vạn thạch lương, đẩy giặc vào thế sống dở chết dở như hiện nay.
Hiện thời ta có một đội quân tinh nhuệ, dũng mãnh hết lòng chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, lại có một đội ngũ đông đảo các vị tướng lĩnh cơ mưu tài trí được nhà vua tin dùng. Chỉ riêng bệ hạ tin dùng tướng lĩnh đã là một nhân tố thắng giặc rồi. Không những thế, cả thượng hoàng và bệ hạ cùng làm tướng cầm quân đánh giặc, thử hỏi có thứ giặc nào không bị đánh bại.
Vậy nên xin bệ hạ và Quốc công sai bảo để kịp chia quân đi bắt giặc phải đền tội ác.
Vua Nhân tông rưng rưng cảm động trước sự tận trung với nước của chư tướng và binh sĩ, ngài nói:
- Thế nước đứng được như hiện nay là nhờ vào tướng súy và binh sĩ cùng muôn dân, triều đình không dựa vào dân, không dựa vào binh sĩ thì lấy ai đánh giặc. Mấy phen giặc vào cõi gây xiết bao tội ác trời người đều không thể dung tha. Vừa mới đây Ô-mã-nhi theo hút ta và thượng hoàng, nhưng thực chất là nó theo chú Chiêu Văn và Ngũ Lão. Thất vọng, giặc nổi khùng làm điều táng tận lương tâm là chúng về Thái Đường, dám đụng đến phần mộ tổ tông khiến lòng ta đau xót. Cũng may mà giặc chưa đụng đến phần quan quách và khi chúng vừa đi khỏi, dân chúng đã kịp hoàn thổ.
Tự nhiên đầu óc nhà vua cảm thấy nặng trĩu, gương mặt ngài hiện rõ nỗi buồn lo.
Người Việt ta có câu: “Sống về mồ về mả, chứ không sống về cả bát cơm”. Đúng là giặc đã đụng đến phần thiêng liêng nhất của tâm linh Việt, mà Nhân tông lại vốn là người chí hiếu, tránh sao khỏi nỗi đau dứt ruột.
Thấy cảnh tượng nặng nề, Hưng Đạo liền lên tiếng:
- Thần hứa với bệ hạ sẽ bắt sống lũ tướng giặc man rợ này, để bệ hạ chém đầu chúng lấy máu rửa binh khí trong lễ hiến phù ở nhà Thái miếu.
Thấy vị Quốc công tiết chế nói cứng cỏi, các tướng đều đồng thanh hô:
- Chúng thần thề sẽ bắt tướng giặc đền tội!
Kế đó Hưng Đạo sai các tướng chia quân đi chẹn các ngả dự liệu giặc sẽ tháo chạy. Và ông đem theo một số tướng trẻ theo mình như Nguyễn Khoái, Trần Toàn, Nguyễn Chế Nghĩa… cùng phó tướng Trần Khánh Dư ra ngay Vân Đồn. Công việc tại đại bản doanh Quốc công trao cho Chiêu Minh vương Trần Quang Khải điều hành, kể cả việc phò giá.
Tới Vân Đồn, Hưng Đạo mật bàn với Trần Khánh Dư:
- Cái thế của giặc ắt phải bỏ cuộc, bỏ nước ta mà trốn chạy, nếu chúng không muốn bị bắt, bị giết toàn bộ giặc tất phải chạy theo hai ngả thủy, bộ. Nhưng bằng cách nào ta có thể giết và bắt được nhiều giặc?
Trần Khánh Dư đăm chiêu suy nghĩ, một lát, ông đáp:
- Phải dồn giặc vào những cái túi, tựa như chiếc giỏ cài hom đặt dưới rốn chiếc vó bè.
- Ông có dự liệu đặt vó ở những chỗ nào chưa? - Hưng Đạo nhìn thẳng vào mắt Trần Khánh Dư chờ câu trả lời.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cân nhắc rồi đáp:
- Có nhẽ mặt bộ, giặc sẽ rút theo các nẻo đường mà chúng đã vào nước ta. Ngoài ra không còn đường nào khác. Tuy nhiên, không biết Thoát-hoan sẽ chạy đường nào. Còn như mặt thủy, giặc không thể chạy ngược lên Bạch Hạc rồi theo Thao Giang mà về Vân Nam được. Bởi mùa này thượng lưu ít nước sông cạn lại có đá ngầm thuyền quân không thể đi được. Vậy chỉ có con đường duy nhất giặc phải qua là sông Bạch Đằng, rồi từ đó thoát qua cửa An Bang hoặc cửa Đại Bàng mà ra biển. Ta có thể kiềm chế giặc ở sông Bạch Đằng, còn như ở đoạn nào chắc quốc công đã có chủ kiến vì quốc công đã khảo sát kỹ trước khi nổ ra chiến tranh.
Quốc Tuấn gật đầu tán thưởng, ông tỏ ra hài lòng về những kiến giải của Nhân Huệ vương mà ông cho là bậc trí tướng. Đoạn ông mỉm cười đáp:
- Nhân Huệ vương quả là biết rõ cả gan ruột ta. Có mấy quyển binh pháp ta viết đó, dẹp xong giặc ta muốn ông nhuận sắc cho. Còn việc đuổi quân thủy của giặc, ông cùng Quốc Tảng lo bịt cho ta vùng Cửa Lục, cửa An Bang và khu vực Vân Đồn phòng khi giặc từ Bạch Đằng sổng ra.
- Hạ cấp quyết không phụ lòng.
Nhân Huệ vương nhận mệnh với lòng biết ơn và cả sự quả quyết.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng