The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
I
Chiêu Minh vương Trần Quang Khải dẫn một vạn quân tăng viện cho mặt trận Vân Đồn, đi đường tắt từ Đông Triều ra trú tại Hoành Mô nằm bên tả ngạn bờ sông Trới. Con sông này ăn ra Cửa Lục; thuyền bè lương thực đều đã đưa về đó từ trước.
Được tin có viện binh của Trần Quang Khải, phó tướng Nhân Huệ vương liền viết thư tạ.
Thư rằng: Kính gửi thượng tướng thái sư Chiêu Minh vương.
Được tin vương tận lòng chi viện, thật là phúc lớn cho vương triều. Đệ đang băn khoăn vùng Cửa Lục chưa có quân chặn giặc. Vậy xin vương trấn cho cửa ải quan yếu này, phòng khi thuyền lương giặc thoát khỏi Vân Đồn chạy về đây, rồi chúng tìm đường vào Bạch Đằng đem lương thực tiếp tế cho Thoát-hoan sẽ gây khó cho quân ta.
Có nhẽ chỉ nay mai binh lương giặc sẽ chạy qua đây, xin vương bắt chúng phải đền tội ác.
Thư nói chẳng hết lời.
Kính bái.
Vậy là Trần Khánh Dư yên tâm. Quân ông đã bài bố các nơi hiểm yếu để đón giặc suốt từ Tiên Yên về đến Vân Đồn và cả vùng Bái Tử Long; từ Bái Tử Long đến Hạ Long đã có quân của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Lại nói Nhân Huệ vương khi tiếp chiếu của triều đình do trung sứ tuyên dụ trước thanh thiên bạch nhật, lại kèm theo cả gông và cũi. Tức là trung sứ sẽ gông cổ phó tướng Trần Khánh Dư rồi tống ông vào cũi vì tội để thua trận, quân tan tác cả một vùng biển đảo lọt vào tay giặc khiến cuộc chiến trở nên cam go.
Tội trạng đó Khánh Dư đã biết từ trước khi trung sứ tới. Ông thụ chiếu, nhưng xin trung sứ về tâu lại với triều đình hãy thư cho ông một thời gian để lập công chuộc tội.
Chiếu vua đã ban xuống, sao có thể cải đổi hay trì hoãn, trung sứ sao có thẩm quyền chấp thuận lời tâu xin tạm hoãn thi hành án của kẻ có tội. Thế mà trung sứ đã chấp nhận lời cầu xin của Trần Khánh Dư. Hẳn là viên trung sứ đã hiểu ý nơi bệ ngọc từ trước khi lĩnh mệnh đi bắt phó tướng Trần Khánh Dư ngoài ải Vân Đồn.
Tại trung quân, Trần Khánh Dư và các tướng đang hoạch định kế sách đánh vào đoàn thuyền tải lương của giặc. Quân thám báo về từng giờ, số thuyền giặc không có gì thay đổi. Tức là có mười chiến thuyền đi trước, mười chiến thuyền đi sau là các thuyền có mớn chở khá nhẹ, tới hai phần ba thân thuyền nổi trên mặt nước. Quân ta ngờ đó là thuyền binh áp tải cho lũ thuyền lương chở rất nặng đi giữa, cả thẩy là tám mươi hai chiếc.
Hai mươi chiếc thuyền quân áp tải, mỗi chiếc có thể chở được từ ba đến bốn trăm quân. Ước tính số quân chiến đấu bảo vệ thuyền lương vào khoảng từ năm đến tám ngàn người. Và mỗi thuyền cỡ ấy có thể tải đến cả ngàn thạch lương.
Phó tướng Trần Khánh Dư liền cho triệu gấp các tướng dưới quyền về hội gồm: Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa, Nhân Đức hầu Trần Đa…
Khi các tướng đã tề tựu đông đủ, Nhân Huệ vương nói:
- Ta có nhời khen các ông, mỗi ông đã đánh thua một trận kiệt xuất. Mỗi người thua một cách khiến giặc không thể ngờ.
Trần Khánh Dư cười sảng khoái, nhìn các thuộc tướng, ông nói tiếp: - Thật tình, đến ta cũng không ngờ rằng các ông mỗi người lại có một cách đánh riêng, cách thua riêng. Giỏi! Các ông giỏi lắm!
- Bẩm, chúng tôi làm được như vậy là do tướng quân thường dạy chúng tôi bằng Hưng Đạo binh pháp. - Tướng Nguyễn Chế Nghĩa nói.
- Nhưng tại sao ông lại chọn được thế đánh độc đáo vậy? - Khánh Dư hỏi.
- Bẩm, ở đoạn trên tướng Nguyễn Khoái đánh trong thế bất ngờ. Tôi không còn lợi thế của Khoái nên chọn chỗ núi có thế như khe sâu, bờ dựng và giặc buộc phải đi qua. Nhờ vào địa hình nên nhàn sức quân mà giặc vừa thua đau vừa lúng túng không thoát ra được, cứ như gà mắc tóc.
- Thế còn Nguyễn Khoái, tại sao chỉ có mấy trăm quân mà ông dám xông vào giữa đám quân hùng hổ đông tới cả chục vạn, đánh và ngừng đều theo ý mình lại không thiệt đến một tên quân.
- Bẩm chủ tướng, quân giặc ỷ thế đông đúc lại đi trong thế liên hoàn trên mặt biển nên chủ quan cho rằng quân ta không dám giao chiến.
Tôi dựa vào hai điều có thể đánh địch: - Một là giặc không ngờ. Tức là đánh vào chỗ bất ngờ của giặc. Hai là dựa vào đêm tối, giặc không biết lực lượng của ta từ đâu đánh tới, cũng không biết quân ta nhiều hay ít. Tới khi giặc biết quân ta ít ỏi chỉ có vài chục thuyền nhỏ, chúng bao vây toan bắt sống. Ấy là lúc tôi cho quân bỏ thuyền, lặn ra ngoài vòng vây rồi bơi về chỗ có thuyền đón. Cả điều ấy nữa, giặc cũng không ngờ tới. Sở dĩ quân tôi làm táo bạo và mau lẹ, là bởi tôi cho thực hành nhiều lần và loại dần những quân thiếu can trường, không giỏi bơi lặn.
- Vậy còn tướng Nhân Đức hầu?
- Thưa chủ tướng, tôi dựa vào lợi thế của địa hình, từ trên cao nhìn thấy giặc từ xa và đánh giặc khi nó vừa mới ló đầu vào vùng biển của ta giữa lúc nhuệ khí nó đang hừng hực. Tôi cho cung thủ khỏe, dùng nỏ cứng bắn vào quân giặc đang hung hăng kiêu ngạo. Và khi thấy chúng cho quân quây lấy chúng tôi thời chúng tôi đã lui quân theo con đường mà giặc không hề biết.
Phó tướng Trần Khánh Dư nhìn các thuộc cấp với vẻ hài lòng, ông nói:
- Đúng là các ông đều biết cách thua khiến tướng giặc đinh ninh rằng quân ta yếu, quân ta nhát tới mức bỏ cả thuyền bè khí giới mà chạy. Vì thế quân ta không đủ sức cản giặc. Vậy là ta đã tạo được mấy lợi thế:
Một là ta đánh vào lúc giặc không phòng bị.
Hai là giặc có muốn đánh ta cũng không biết ta ở đâu mà đánh.
Ba là ta đã lừa được giặc vì ta luôn tỏ ra yếu kém, luôn thua trận, nên nuôi được lòng kiêu ngạo của giặc.
Bốn là ta đã phát lộ ra đoàn vận tải quân lương của giặc không còn được bảo vệ vững chắc như khi nó mới xuất phát.
Năm là hơn mười vạn quân thủy của giặc đều bỏ xa đoàn thuyền lương tới mấy ngày đường. Giả dụ bây giờ có xảy ra điều gì nguy cấp, giặc hết khả năng ứng cứu cho nhau.
Ta có năm điều trên là bởi ta giấu được hình tích. Nay chỉ còn một việc là phải tiêu diệt đoàn thuyền lương khổng lồ này của giặc. Có nhẽ chỉ đêm nay hoặc sớm mai là chúng đi vào địa phận Tiên Yên, cách Cửa Vạn nơi ta đang đóng đại bản doanh chừng hai chục dặm. Vậy ta hỏi kế các ông làm thế nào có thể diệt gọn được chúng để Quốc công hãm đại quân của Thoát-hoan vào thế bị tiêu diệt.
Các tướng có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, Nhân Huệ vương liền giục:
- Thời gian không còn nhiều đâu, ta phác thử vài ý, các ông hãy cùng ta suy ngẫm để tìm ra diệu kế.
Quanh khu vực ta đây có mấy cửa có luồng lạch sâu giặc có thể vào.
Một là cửa Tiên Yên, hai là Cửa Vạn, ba là Cửa Đối. Cửa Tiên Yên vừa nhỏ vừa không có đường vào Bạch Đằng để ngược Vạn Kiếp, coi như giặc không vào cửa này. Còn lại Cửa Vạn và Cửa Đối đều nằm trong khu vực Vân Đồn. Từ đây giặc qua Bái Tử Long vào Hạ Long qua Cửa Lục mà vào sông Bạch Đằng rồi ngược Vạn Kiếp. Vậy theo ý các ông ta nên mai phục thế nào để dìm chết lũ quân lương này?
Tướng Nhân Đức hầu lên tiếng trước:
- Bẩm vương, đám thuyền lương của giặc theo phỏng đoán chúng có khoảng từ năm ngàn đến non một vạn quân bảo vệ. Số quân ấy hẳn chúng vừa tập trung vào các chiến thuyền đi trước đi sau vừa tản về các thuyền lương để hộ vệ. Hiện thời giặc đang tự xem việc vào đất nước ta như đi vào vùng đất vô chủ. Nếu ta tập trung một số quân đủ lớn, đánh bất ngờ có thể diệt gọn cả quân hộ vệ lẫn thuyền lương, xin vương cân nhắc.
Tướng Nguyễn Khoái nói tiếp:
- Tôi nghĩ thuyền giặc chở nặng nên chúng đi rất thưa thoáng vì chúng sợ va đụng vào nhau, bởi vậy nó trải dài tới cả mấy chục dặm. Nếu chúng ta rải quân trên một thế trận kéo dài như vậy e rằng thuyền giặc sẽ chạy tứ tán, ta không thể diệt được nhiều. Chi bằng chia cắt giặc thành từng cụm mà diệt. Nếu diệt được nửa số lương thực của giặc thì cuộc chiến rút ngắn được nửa thời gian, nếu diệt được hoàn toàn số lương thực này thì đại quân của Thoát-hoan không hơn lũ bù nhìn rơm, Quốc công muốn tiêu diệt hoặc muốn đuổi nó về đều khuôn theo ý mình cả.
Nguyễn Chế Nghĩa chăm chú theo dõi những điều Nguyễn Khoái nói. Khoái vừa ngừng lời Chế Nghĩa xin nói:
- Bẩm chủ tướng, tiểu tướng cho rằng kế của tướng Nguyễn Khoái nên dùng. Mạt tướng không có ý gì khả thi hơn hai bậc đàn anh.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư trỏ vào tấm bản đồ treo trên vách nói:
- Thời cơ cướp lương của giặc, cũng tức là triệt lương thực của chúng chưa bao giờ thuận lợi như lúc này. Bởi đại quân thủy bộ của chúng đã kéo hết về Vạn Kiếp. Bây giờ chúng chỉ còn chờ lương thực tới là triển khai thế trận. Ta chắc nó sẽ tiến đánh Thăng Long nay mai.
Bởi vậy, ta thử vạch kế đánh tiêu diệt đoàn quân lương của giặc, các ông nghe, thấy chỗ nào sơ hở phải bổ cứu cấp kỳ.
Đây là cửa Tiên Yên, tướng Nhân Đức hầu lĩnh năm ngàn quân với thuyền bè đầy đủ khi thấy thuyền giặc đi qua quá nửa thì xông ra đánh chia cắt giữa đám thuyền hộ vệ và thuyền lương. Khi ấy thì toán quân đi đầu của giặc tới ngang Cửa Vạn, giặc có thể lấy Cửa Vạn vào Vân Đồn rồi qua Bái Tử Long, Hạ Long, Cửa Lục tiến vào Bạch Đằng. Ta sẽ phục năm ngàn quân ở đây đánh vỗ mặt cánh quân hộ vệ này. Khi quân hộ vệ giao chiến thì Nguyễn Chế Nghĩa đã phục sẵn năm ngàn quân cùng thuyền bè khí giới phía ngoài để đánh tạt sườn đoàn thuyền lương. Như vậy ta chặn đầu, chặn đuôi và tạt sườn buộc chúng phải đi vào Cửa Vạn. Nếu chúng chui vào Cửa Vạn thì ta đủ sức tiêu diệt tới ba vạn quân thủy của giặc, và các thuyền lương không bị đắm trong lúc giao tranh ắt bị ta bắt sống và thâu lấy lương thực.
Hai mũi chặn đầu và khóa đuôi giặc đều phải dùng nỏ liên châu và tên bùi nhùi bắn cháy hết buồm của giặc. Phải nhanh chóng đánh gục đám quân hộ vệ này thì việc bắt thuyền lương của giặc sẽ bớt khó khăn. Tuy nhiên, quân của Nguyễn Chế Nghĩa phải dùng nỏ liên châu bắn tên bùi nhùi, diêm tiêu đốt cháy một số thuyền lương. Khi có ngọn lửa bốc lên, giặc sẽ hoảng loạn. Ta giả định, nếu giặc lọt vào trận địa ta vào buổi trưa hoặc non chiều, thời ta có thể tiêu diệt chúng như ta mong muốn. Ngược lại, nếu chúng tới đây vào lúc đêm tối, có thể chúng sẽ chạy tứ tán ra biển khiến ta khó bề truy đuổi.
Nhân Huệ vương ngừng lời, ông nhìn các tướng xem họ có đồng tình hay phản bác cái kế ông vừa đưa ra.
Nhân Đức hầu Trần Đa gương mặt tươi rói, ông thầm vui bởi chủ tướng hoạch định kế bại giặc trong đó có dụng đến kế của ông. Trái lại Nguyễn Khoái mặt đỏ gay, xin nói:
- Bẩm vương, Khoái này là đồ bỏ hay sao mà không thấy chủ tướng sai bảo.
- Không phải không có việc cho tướng quân, nhưng ta còn phải cân nhắc, bởi ta e hơi quá sức ông, vì việc này lớn lắm.
Với vẻ quả quyết, Nguyễn Khoái nói:
- Bẩm vương, dời núi lấp biển quả là ngoài tầm với của Nguyễn Khoái, còn như đánh giặc thì đúng là việc của mạt tướng đấy, xin vương chớ ngại trao việc khó cho Khoái.
- Vậy thì Nguyễn Khoái nghe lệnh: - Tướng quân lĩnh một muôn quân, thuyền bè, khí giới đầy đủ, một nửa phục trước Cửa Đối, nếu thuyền lương của giặc có ý định không vào Cửa Đối mà tìm đường đi thẳng vào cửa An Bang thì tấn công kịch liệt, buộc nó phải chui vào Cửa Đối. Một phần quân phục ở đây đánh phủ đầu nó. Một phần phục rải ra trên nhiều đoạn Sông Mang, đánh cho nó tan tác. Chắc sẽ có một ít thuyền sống sót chạy vào Bái Tử Long, ở đó đã có tướng Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Kẻ nào thoát chết ở đây chạy về Cửa Lục đã có Chiêu Minh vương đón đợi.
Nắm chặt hai bàn tay thành hai nắm đấm, cứ như vương đang siết bóp một vật gì ở trong lòng tay, và với vẻ quả quyết Trần Khánh Dư nói: - Trách phận của chúng ta là phải diệt bằng hết không để một thuyền lương nào của giặc lọt được vào tay Thoát-hoan. Kế sách của chúng ta là như vậy, mục đích của chúng ta là như vậy, ý các ông thế nào.
- Xin tuân mệnh chủ tướng! Các tướng đều đồng thanh nói.
Ta quên dặn các ông một điều rằng tướng giặc chỉ huy đoàn quân tải lương này là Giao Chỉ hải thuyền Vạn hộ Trương Văn Hổ. Hổ vốn là con tên cướp biển khét tiếng được tên du mục Hốt-tất-liệt chiêu dụng. Y có biệt tài ném phi tiêu, các ông phải hết sức bảo trọng cho mình và cho binh lính. Trước khi ra quân phải tính toán thật cặn kẽ, để hễ đã đánh là thủ thắng. Phải luôn luôn coi kẻ địch là địch mạnh, chớ có coi chúng là quân tải lương không thiện chiến.
Trong vùng Cửa Vạn này ta chịu trách nhiệm, ta sẽ cố gắng tận thu tối đa lương thực của giặc để nuôi quân mình. Các ông ở chỗ vận động, tranh chấp, ai nhanh hơn, mạnh hơn, dũng hơn sẽ thắng. Trách phận của các ông không phải việc thu lấy lương thực mà là đánh chìm thêm các thuyền lương của giặc, chớ có tham mấy đấu lương mà hỏng việc. Các ông nhớ kỹ nhời ta dặn chưa?
- Dạ nhớ!
- Nên biết, gặp giặc tới ban ngày, đánh ban ngày, giặc tới ban đêm, đánh ban đêm. Đây là thời cơ tốt nhất để các ông lập công. Và nếu không còn gì hỏi, bàn nữa thì các ông về ngay kịp bắt tay vào công việc.
Các tướng cúi chào Nhân Huệ vương rồi ai về trại ấy.
Các trại quân, trại nào trại ấy đều đã sẵn sàng, chỉ chờ có lệnh là lên đường. Quân sĩ thẩy đều háo hức lập công, bởi từ ngày nghe tin giặc đã vào cõi, giặc diễu võ giương oai, thuyền giong, cờ xí rầm rập đi trên vùng biển của ta cứ như đi trong ao nhà của chúng. Trong khi quân ta phải lánh đi, phải nén giận nhìn giặc ngang nhiên lướt qua mặt mình, khiến lòng quân sục sôi căm uất cho nên khi các tướng vừa nói sửa soạn ra trận, hết thẩy quân sĩ đều nức lòng.
Trên vùng biển này quân sĩ ai cũng thuộc nằm lòng từ luồng lạch chỗ nào sâu, nông, chỗ nào có đá ngầm thuyền chỉ đi được vào lúc nước cường, còn khi nước rặc lại phải vòng theo đường khác, lạch khác. Rồi chỗ nào ẩn nấp chờ đánh quân phục… tất thẩy mọi người đều nhập tâm, bởi thường ngày họ phải tuần tra và tháng tháng lại có một cuộc diễn tập. Hơn nữa họ còn là con em của các nhà chài lưới, quanh năm sống bằng nghề lọc nước lấy cái, họ không còn lạ lẫm gì với biển, đảo của vùng này. Dù đã quen thuộc như vậy, nhưng các tướng đều lấy cát rắc thành sa bàn, lập lại mô hình, bố trí đội hình thật là chi tiết, cụ thể. Vị trí từng đô quân, từng người lính ở chỗ nào đều nhận rõ trên sa bàn và tự đối chiếu với mặt biển.
Các tướng gặng hỏi các thuộc cấp không ai còn chút nào hồ nghi, lại hỏi bất chợt những người lính xem họ có nhận ra vị trí của họ là chỗ nào trên sa bàn và ứng với chỗ nào trên mặt biển. Có thể nói, cả vạn người không một ai không thông hiểu nhiệm vụ đánh giặc, không một ai không biết vị trí của mình, công việc của mình trong thế trận sắp diễn ra.
Các tướng cho quân nghỉ ngơi, ăn uống và chuẩn bị thêm một hai bữa nữa để sẵn trên thuyền, phòng khi phải mai phục chờ giặc. Ngay đêm đó các đội binh thuyền đều được đưa tới các vị trí để chiếm lĩnh trận địa.
Sau gần một ngày chờ đợi mãi tới khi mặt trời rơi xuống đỉnh núi thì chiếc thuyền đầu tiên của giặc mới ló vào ngang cửa Tiên Yên. Chiếc thuyền tiên phong của giặc có dáng gọn, nhẹ giương hai lá buồm đỏ thắm, trên đỉnh cột buồm treo một lá cờ có màu hao hao với màu nắng, hẳn nó là màu vàng, loáng thoáng có những chấm đen hoặc đỏ ở xa không nom rõ, chắc đó là mấy chữ Hán hoặc chữ Mông Cổ.
Đang lúc nước triều lên, gió thổi mạnh hơn nên thuyền giặc cũng đi nhanh hơn. Thuyền giặc nối nhau thưa thoáng, đứng trên cao nhìn xuống thấy chúng giăng giăng thật là nghịch mắt. Trời nước êm ả thanh bình, mấy cánh hải âu chao liệng trên mặt biển ngay sát với đoàn thuyền khiến ta có cảm giác đây là một đoàn du thuyền hơn là chiến thuyền, hoặc thuyền vận tải quân lương cho một đội quân khổng lồ đang nằm sâu trong đất ta, ngày ngày chúng sục sạo vào các hương ấp vơ vét của cải, tàn sát dân ta.
Khoảng gần cuối giờ hợi, mặt biển bừng sáng, vài thuyền giặc bốc cháy, rồi nhiều thuyền bốc cháy, ngọn lửa càng lúc càng dâng cao, từ đỉnh núi nhìn xuống tựa như một đêm hội hoa đăng. Tuy vậy, tại đó chiến trận đang diễn ra hết sức ác liệt. Thoạt đầu là tướng Nhân Đức hầu cho quân xuyên một mũi tách đám thuyền lương và thuyền chiến rồi khóa đám thuyền chiến lại đánh xáp lá cà.
Quân chúng trên thuyền vừa vào giấc ngủ, vả lại từ bữa qua Vạn Ninh, quân Việt chỉ quấy rối nhì nhằng rồi tháo chạy. Và từ đó quân Nguyên cứ men theo bờ biển của Giao Chỉ đi trong cảnh thuận buồm xuôi gió, sóng yên biển lặng, ngày vài bữa ăn xong quân lại xúm quanh chiếu bạc đêm thì ngủ vùi, chỉ còn vài đứa thức thay nhau giữ tay lái tay lèo cho thuyền đi êm ả như đi vào cõi mộng mơ. Bất chợt bị quân Đại Việt chặn đánh, thuyền chúng xô vào nhau gãy vỡ răng rắc, buồm lật thuyền quay nghiêng, lái không còn điều khiển được nữa. Quân giặc hốt hoảng chưa kịp định thần, chưa biết điều gì vừa xảy ra thì quân Đại Việt đã ào ào nhảy lên thuyền giặc, dao nhọn giắt lưng, mã tấu cầm tay đâm chém lia lịa.
Cùng lúc tướng Nguyễn Chế Nghĩa phục quân từ ngoài biển đánh tạt sườn đoàn thuyền lương, và ở phía trên Cửa Vạn quân của phó tướng Trần Khánh Dư đánh vỗ mặt đám binh thuyền giặc, theo như kế đã vạch là lùa cho binh lương giặc phải vào Cửa Vạn. Bởi trong Cửa Vạn là căn cứ, là sào huyệt mênh mông của đại bản doanh Trần Khánh Dư ở Vân Đồn. Và tại đó ông đã bố trí binh lực có thể nghênh chiến với đại binh của giặc. Mặt khác ông cũng chuẩn bị cả kho tàng trong hang núi, nhằm hót lương của giặc tích chứa vào đó để nuôi quân mình.
Lại nói tướng Trần Đa sau khi cho quân khóa đám chiến thuyền của giặc, dăm bảy chiếc xô vào nhau gãy vỡ khiến quân chúng hốt hoảng, lại cũng có phần chúng còn đang ngái ngủ. Vì vậy trong các chiến thuyền đó, quân Đại Việt hạ sát quân Nguyên nhanh tới mức không một tên nào kịp chống cự.
Những chiến thuyền ở phía sau, giặc đã nhanh chóng hạ buồm cho giống với các thuyền của quân Đại Việt, và lợi dụng đêm tối chúng tìm đường trốn chạy. Một số đã chạy thoát.
Phía trên Cửa Vạn từ hướng đông nam, quân của Khánh Dư đánh rất rát, giặc ùn lại trước Cửa Vạn, một số thuyền lương của giặc đã rẽ vào Cửa Vạn và cứ theo lạch chúng chạy miết vào trong.
Phía sau, tức là từ hướng tây bắc, quân của Nhân Đức hầu vẫn đánh thúc vào lưng giặc, và Nguyễn Chế Nghĩa vẫn giăng quân đánh tạt sườn. Chiến trận trải quá dài, mặt biển lại mênh mông, quân dù dũng cảm nhanh nhẹn nhưng không đủ để khép kín vòng vây tiêu diệt hết chúng ngay từ trận đầu.
Trương Văn Hổ đi trong chiếc thuyền chỉ huy gọn nhẹ, khi thấy tiền quân, hậu quân đều bị chặn đánh, tinh thần của hắn bỗng nhiên suy sụp. Quân Đại Việt xuất hiện bất thình lình và với quy mô đông đúc ào ạt nằm ngoài sức tưởng tượng của hắn.
Tuy đã quen thạo với biển cả lại đã từng theo cha hắn làm nghề cướp biển, cha con hắn từng là nỗi kinh hoàng cho các tàu thuyền qua lại vùng biển Triết Giang, Phúc Kiến. Bây giờ đến lượt hắn phải hết sức kinh hoàng về tài xuất quỷ nhập thần của hải binh Đại Việt. Không biết họ rình rập ở đâu mà cùng lúc ào ra như từ trên trời cao ụp xuống. Hắn có ngón phi tiêu sở trường giúp hắn luôn giành chiến thắng. Ấy là khi đã biết rõ thủ lĩnh của nhóm đối đầu, nhưng bây giờ thì đông, tây, nam, bắc… chỗ nào cũng ào ào khí thế xung sát nhằm vào hắn, nhằm vào cả đoàn quân lương của hắn, cho nên hắn lúng túng không biết ném phi tiêu vào đâu và cũng không biết ném vào ai. Nhưng chẳng lẽ ta lại để cho chúng bắt sống làm tù binh hoặc bị chúng chặt đầu sao. Thế thì có khác gì cá kình bị chết đuối. Lòng tự ái của một tên cướp từng vẫy vùng ngang dọc như thôi thúc hắn phải thoát khỏi trùng vây. Trương Văn Hổ lấy đà phi thân sang một chiếc thuyền ở phía ngoài, rồi chuyển tới chiếc ở phía ngoài nữa, hắn đi về đằng lái chỉ cho tên cầm lái hướng thoát thân.
Một số những chiếc thuyền khác lặng lẽ vượt ra khỏi vòng vây. Trong khi ấy lửa vẫn còn leo lét cháy ở một số thuyền lương bị đốt và tiếng hô “Sát Thát!” cùng với tiếng tù và, tiếng trống đồng của quân Đại Việt vẫn vang ầm cả mặt biển.
Quân Đại Việt do thông thạo địa hình lại giỏi nghề bơi lội, được chủ tướng dạy cho phép đánh cận chiến và thường xuyên được luyện tập nên khi gặp giặc họ chẳng còn lạ lẫm gì. Hơn nữa phần đông trong số họ đã từng tham gia đánh bại quân Nguyên trên các bến Chương Dương, Hàm Tử và Vạn Kiếp trong trận chiến năm Ất Dậu mới cách đây có ba năm, lòng căm giận loài giặc dữ còn chưa nguôi, nay lại bùng cháy lên như một bể dầu sôi.
Hai chiến sĩ vừa nhảy sang thuyền giặc lập tức có năm tên quây lại đánh. Hai chiến sĩ lấy đao gạt bay các đồ khí giới của giặc, mấy tên khác liền xông vào. Vừa lúc Nguyễn Chế Nghĩa cùng mấy dũng sĩ khác nhảy lên thuyền giặc tiếp ứng. Chế Nghĩa dùng đao chém rụng đầu một đứa, máu từ cổ y phun lên thành cột. Trong lấp lóa ánh đêm mờ ảo, quân giặc sợ xanh mắt lùi về một góc thuyền. Quân Việt đành phải hóa kiếp chứ không lý gì lại nương tay với giặc, bởi chỉ trong ba, bốn năm chúng đã hai lần gieo tội ác tày trời.
Trương Văn Hổ chạy cùng với bao nhiêu thuyền lương, thuyền chiến chạy theo, y cũng không biết nữa. Y hò hét ra lệnh cho quân vừa dùng sức gió chạy buồm, vừa dùng sức người chèo cho thuyền chạy nhanh. Chạy nhanh hơn nữa chỉ mong sao cho thoát chết.
Thuyền ra khỏi vùng chết độ mươi dặm, Trương Văn Hổ thấy bốn bề tĩnh lặng chỉ có trời nước mênh mang và tất cả đều chìm trong cái màu mờ xám đến nhức mắt, duy chỉ có chòm sao Bắc Đẩu ngự trên cao kia là nhấp nháy sáng. Nhìn vào vị cứu tinh của biển cả, Trương Văn Hổ cảm thấy ấm lòng và y chợt nghĩ đến mấy viên Giao Chỉ hải thuyền phó đô tướng Phí Củng Thìn và Từ Khánh, chẳng biết chúng đang ở đâu. Liệu chúng có chạy thoát hay đã rơi vào miệng cá hoặc bị quân Đại Việt bắt làm tù binh. Trong khi y còn chưa nghĩ tiếp được điều gì thì nghe phía trước có tiếng nước reo như thác đổ. Trương Văn Hổ hốt hoảng không biết là điềm triệu gì. Trong bản đồ hải trình không thấy ghi quãng này có đặc điểm gì. Tiếng nước reo ào ào nghe mỗi lúc một rõ hơn. Đêm tối không nhìn thấy vật gì để mà phân biệt, nhưng với linh giác Trương Văn Hổ cảm thấy có điều gì nguy hiểm đang rình rập. Y quay lại nói với tên cầm lái: “Ta nghe như đâu đây có một miệng nước có sức hút lớn lắm, các ngươi phải cẩn trọng, tinh tường kẻo đắm thuyền như chơi đấy”.
Thuyền giặc đi được khoảng vài dặm nghe phía trước có tiếng à à như tiếng quân reo. Và bỗng nhiên trên nền trời tối sẫm xuất hiện mấy vệt sáng như lân tinh, rồi nhiều vệt như thế in hằn trên nền trời. Rõ là bên địch bắn pháo thăng thiên làm hiệu cho nhau. Tiếng reo rõ dần, rõ dần. Đó là những tiếng “Sát Thát” quen thuộc của quân Giao Chỉ, Trương Văn Hổ nhận ra mọi sự hiểm nguy vẫn còn đang ở phía trước. Y thầm nghĩ: - Chẳng nhẽ ta đã đến ngày tận số rồi sao. Nhớ bữa sắp ra đi, tên thầy số bảo ta năm nay có hạn nhẹ, nhưng con đường công danh đang rộng mở. Lần này thoát nạn trở về, ta phải lấy đầu nó. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, đường xa, xứ lạ ta biết tính sao đây. Muôn sự tại trời cả. Chẳng ai đoạt được quyền của tạo hóa. Trương Văn Hổ đang phân vân, phía trước có quân địch đang chặn đường, gần kề lại có miệng nước đang réo sôi. Hổ nghĩ ngay đến việc phải thoát thân, phải chạy ngay ra biển. Hắn quay lại phía viên lái thuyền quát: Hữu! Hữu! Nhẽ ra phải ra lệnh cho thuyền quay mũi ra biển như hắn nghĩ, đương nhiên phải nói “rẽ trái”, thế nhưng hắn lại quát “rẽ phải”. Ngay lập tức thuyền bị hút vào miệng nước. Nước đội thuyền lên cao chót vót, gió lật làm cánh buồm đổi hướng khiến thuyền chao nghiêng và ngay lập tức cả một khối nước cao lừng lững đổ ập xuống, mũi thuyền chúi chúc tưởng nó sẽ lao xuống đáy biển, và như có phép lạ nước lại cuộn dâng nâng bổng mũi thuyền lên làm cho phía lái như chìm xuống rồi dòng nước ném cả con thuyền lao đi một quãng khá xa. Trương Văn Hổ hú vía, đêm tối không ai nhìn thấy gương mặt hắn thất thần như thế nào. Quả thật trong cuộc đời giang hồ trên biển cả, chưa bao giờ tính mạng hắn lại bị cái chết đe dọa liên tiếp như thế này. Hổ đang rất hoang mang, không biết phía sau có bao nhiêu thuyền thoát nạn theo hắn vượt qua cửa tử này. Theo định hướng la bàn, hắn biết đường đi đang hướng vào cửa Bạch Đằng, nhưng sao phía trước lố nhố không biết bao nhiêu trái núi đang hiện lên cản đường, cứ như hắn đang đi vào cửa tử của một trận đồ bát quái. Khen thay tên lái thuyền cũng vào tay quái kiệt, không những y thoát được cái miệng nước khủng khiếp, lại tránh được cả những trái núi sừng sững kia. Vừa không va vào vách núi, vừa tránh được đá ngầm. Tránh đá ngầm phải là những tay lái thuộc luồng lạch và ban ngày ban mặt trông màu nước mà biết nông sâu, chứ ban đêm sao tránh nổi. Có nhẽ bọn chúng còn gặp may chưa chết ấy là bởi đang lúc nước triều lên.
Không biết có mấy chiếc thuyền lương đã thoát qua miệng nước vào trong vịnh, nhưng có một chiếc do lái thuyền điều khiển thế nào mà mũi thuyền đâm thẳng vào vách núi, thuyền gãy đôi, như người ta bẻ miếng bánh đa vừa mới nướng. Chỉ nghe một tiếng gãy khô khốc rồi thuyền chìm mất tăm. May mà thuyền giặc đi thưa thoáng, nếu không sẽ nối đuôi nhau chìm nghỉm.
Mãi rồi đêm tối cũng lùi xa và bình minh dần hé mở. Khi đã nhìn được bằng mắt thường, một quang cảnh hiện ra khiến Trương Văn Hổ ngỡ ngàng. Mặt biển trắng một màu sữa, sương khói bốc lên chầm chậm phủ quanh các ngọn núi và chỉ còn phơi một chỏm trên chóp đỉnh. Các ngọn núi như đang đội sương mù mọc lên. Trương Văn Hổ như quên mình là kẻ thất trận, thoáng lát y có cảm giác như đang lạc vào thế giới của thần tiên.
Lại nói Nguyễn Khoái cho quân ngăn giặc không để chúng vượt qua Cửa Đối, còn Nguyễn Chế Nghĩa vẫn bủa quân ở phía ngoài săn những thuyền giặc trốn chạy. Đêm tối không rõ số thuyền chiến và thuyền lương chúng lọt vòng vây trốn chạy được bao nhiêu chiếc, nhưng từ khi trời hửng sáng thì những chiếc nào còn lại nếu không bị đánh đắm tại chỗ cũng buộc chúng phải chui vào Cửa Đối.
Mặt trời mùa đông lên chậm chạp, ánh nắng yếu ớt khiến bầu trời không được quang đãng, nhưng khoảng cuối giờ thìn thì sa mù cũng tan dần, trả lại cho mặt biển và núi non cái màu xanh vốn có. Trương Văn Hổ nhìn quang cảnh núi và biển hùng vĩ mà đẹp đến nao lòng, nhưng cũng trắc trở khôn lường, y bắt lái thuyền đi chậm lại để chờ các thuyền đi sau. Chính mắt y đếm đã thấy khoảng non chục chiếc, thuần thuyền lương, chưa nhìn thấy bóng dáng một chiếc thuyền hộ tống nào. Y thầm nghĩ: - Chẳng nhẽ bọn này bị quân Giao Chỉ giết chết hết rồi sao. Tuy nhiên, y đã thấy hơi âm ấm lòng. Lúc này y muốn các thuyền lương đi gần nhau hơn, rủi có gặp địch còn tựa vào nhau để có sức mạnh kháng cự.
Trương Văn Hổ đứng trên mũi thuyền nhìn mãi về phía sau, y không đếm cũng như không ước lượng được còn bao nhiêu thuyền tiếp nối, bởi có những trái núi nhô ra che khuất tầm nhìn. Yên tâm, Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ Trương Văn Hổ vẫy cờ ra lệnh cho đoàn thuyền tiếp tục lên đường. Chừng một giờ sau thuyền giặc đã vào tới một vùng mà y thấy gợn tóc gáy, bởi hai bên là hai dãy núi dựng đứng giữa là một khe nước, nom tựa như một dòng sông. Tuy nhiên, các dãy núi đó không liền một mạch mà nó bị đứt từng khúc, nhưng xa trông nó như một dãy tường thành, kẻ lạ lẫm không biết cái thạch lũy này và dòng sông kia sẽ dẫn tới đâu. Dân chài lưới vùng này nom cái đoạn từa tựa dòng sông liền đặt cho nó cái tên là Sông Mang. Thủy quân Đại Việt do nắm chắc địa hình, lợi dụng những quãng đứt nối kia mà ém quân phục, giặc không thể lường được. Chúng vẫn cứ đi một cách thận trọng, tựa như một đội quân vừa khiếm thính vừa khiếm thị, vừa đi vừa dò dẫm.
Tỏ ra một kẻ thành thạo nghề biển và cũng biểu thị cái liều của tên cướp biển, Trương Văn Hổ nghênh ngang dẫn đầu đoàn thuyền lương sau khi bị đánh tơi tả. Khi thuyền của Hổ và bốn chiếc đi sau vừa ra khỏi mạch núi bị đứt thì quân phục của Nguyễn Khoái xông ra chặn khúc giữa, chia đoàn quân lương của giặc làm ba đoạn, nhưng chỉ quây đánh các thuyền sau, còn năm chiếc thuyền đi trước để nhường cho các đoàn quân mai phục ở phía trong.
Chiếc thuyền thứ năm nhìn lại thấy các bạn thuyền đi sau bị chặn đánh, nó liền phát tín hiệu cấp báo cho các thuyền đi trước. Trương Văn Hổ vẫy cờ phát lệnh cho các thuyền đi nhanh hết tốc lực. Trương Văn Hổ không lường trước được cơ sự lại hiểm nguy đến như vậy. Y đã cẩn thận xin thêm năm ngàn quân để hộ tống và đoàn quân lương đã đi vào giữa các viên hổ tướng như Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp đi tiên phong; Trương Ngọc, Lưu Khuê đoạn hậu với cả hơn mười vạn quân. Thế rồi bọn tướng lĩnh này thấy quân Giao Chỉ hèn yếu không đủ sức đánh đấm, nên đã bỏ mặc đoàn quân lương cho ta mà chúng vượt lên để sớm về hội với Trấn Nam vương. Hóa ra quân Giao Chỉ dùng mẹo để lừa đại quân thiên triều. Và chúng đã đánh tan tác đoàn quân lương của ta. Ối Trấn Nam vương ơi là Trấn Nam vương, quân của ngài không có lương thực ắt phải chết thôi. Hưng Đạo quả là tướng của nhà Trời. Thảo nào thiên tử (Hốt-tất-liệt) căm ông ta đến vậy. Nhớ buổi thết yến, hai ba lần thiên tử nhắc Trấn Nam vương và Áo-lỗ-xích phải bắt bằng được Hưng Đạo về cho ngài xem gan. Đến nước này không biết rồi ai bắt ai đây. Nếu quân đói lâu ngày ắt sẽ nổi loạn. Chính cái đám quân đói ấy nó sẽ bắt chủ tướng đem nộp cho địch để kiếm miếng ăn, giữ mạng sống. Tội ta thật lớn, nhưng Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp, Trương Ngọc, Lưu Khuê, tội chúng còn nặng hơn ta nhiều. Ta đang bị quân Giao Chỉ dồn tới bước đường cùng, ta quyết lấy sinh mạng bảo đảm số lương thực ít ỏi này để góp phần cứu nguy cho Trấn Nam vương và tâu báo để ngài rõ thêm trách phận của Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp…
Chạy tiếp khoảng hơn chục dặm, cảm thấy tạm yên ổn, Trương Văn Hổ nán lại chờ các thuyền sau. Khi tập hợp đủ cả năm thuyền, y cho triệu đô trưởng của các thuyền đến hội. Trương Văn Hổ vừa nói vừa lấm lét thả tầm mắt về mọi phía canh chừng xem có dấu hiệu gì của đối phương xuất hiện. Y nói:
- Ta có nhời khen các ông cùng sĩ tốt đã gan dạ chiến đấu đánh bại được quân Giao Chỉ, bảo toàn được lương thực. Nay mai về hội dưới trướng, ta sẽ tâu Trấn Nam vương ban khen cho các ông. Tuy vậy, chặng đường sắp tới chưa biết an nguy thế nào. Có thể quân Giao Chỉ còn quấy nhiễu, nhưng sức quân nó thực không hơn đám giặc cỏ. Chỉ cần khi gặp giặc, ta phải bình tĩnh nhằm sơ hở của nó mà tìm đường thoát cho thật nhanh. Nên nhớ, thuyền của ta vừa to lớn cồng kềnh vừa chở nặng, việc di chuyển thật khó khăn. Bởi vậy phải biết tựa vào nhau, kết liên lại làm sức mạnh. Hiện thời chưa biết quân hộ tống chạy đâu hết, nhưng mỗi thuyền vẫn còn tới năm sáu chục quân, nếu biết chia ra mà đối phó thật gan dạ, thời quân ít vẫn có thể thắng quân nhiều. Chỗ này ta thấy tạm yên, các ông về cho thuyền ẩn sát vào chỗ khuất lấp quanh sườn núi, chờ xem còn thuyền quân, thuyền lương nào chạy thoát thì gom cả vào đây. Có nhẽ quân ít, ta không thể đi ban ngày được đâu, một khi giặc đã phát lộ ra thì khó bề tẩu thoát.
- Bẩm vạn hộ thế thì ta phải đi trong đêm sao. Một viên đô tướng mạnh dạn hỏi.
- Phải, chúng ta đi đêm, Trương Văn Hổ đáp.
- Bẩm đi đêm như người mù, mà lũ hạ cấp đâu có biết được luồng lạch sâu nông thế nào, lại còn san hô, đá ngầm nguy hiểm lắm.
- Được, ta sẽ đi tiên phong dẫn đường, các ông cứ theo luồng ta đã đi thì không sợ vấp. Nói xong Trương Văn Hổ khoát tay ra lệnh: - Mau cho thuyền tìm chỗ trú ẩn kín đáo.
Lại nói các tướng Nhân Đức hầu Trần Đa, Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Khoái chặn đánh tan tác mấy chục thuyền quân hộ tống và cả đoàn thuyền lương dài dằng dặc từ cửa Ba Chẽ qua Cửa Vạn tới Cửa Đối. Đám thuyền binh giặc những chiếc nào bị quân ta quây lại đánh, biết nguy ngập không chạy trốn được, chúng chống cự rất yếu ớt rồi ngồi tụm lại ở một góc thuyền, khi quân ta ùa vào chúng đều xin hàng cả. Còn những chiếc ở ngoài vòng vây, chúng không hề có ý định cứu nhau hoặc cứu các thuyền lương mà mạnh thuyền nào thuyền ấy tháo chạy.
Nhiệm vụ của ba vị tướng quân ngoài việc tiêu diệt giặc còn phải ngăn không cho chúng nó chạy thoát và dồn chúng vào Cửa Vạn và Cửa Đối để các lực lượng phía trong tiêu diệt nốt.
Sau khi đã trao nhiệm vụ cụ thể cho từng vị tướng dưới quyền, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư tự mình cầm quân bày trận chờ bắt giặc trong vùng Cửa Vạn.
Quả nhiên thuyền giặc trong khi hỗn chiến biết mình núng thế phải tìm đường trốn chạy nhưng lại không xác định được phương hướng. Vì thế các thuyền hộ tống và thuyền lương chạy vào Cửa Vạn khá nhiều.
Trần Khánh Dư lập kế bắt sống tất cả quân giặc một khi chúng đã chui đầu vào Cửa Vạn. Vì vậy ông cho quân phục kích khắp các luồng lạch ngang tắt và chỉ để một luồng chính cho thuyền giặc chạy thẳng vào sâu trong quân cảng cũng tức là vào sào huyệt của ông.
Khi giặc đã vào trong cái túi mà ông mở sẵn thì ông chỉ việc siết miệng túi lại tựa như người cất vó bè. Quả nhiên quân giặc lũ lượt kéo nhau chạy vào. Trước nhất là năm chiếc thuyền binh đầy lính, đứa nào đứa ấy cung, nỏ đã giương sẵn chỉ chờ buông dây hoặc bật lẫy. Tiếp đó cả chục thuyền lương chở nặng lặc lè cũng nối đuôi nhau chạy vào. Bởi tất cả các luồng lạch khác quân ta đã bịt kín, chỉ còn một lối để ngỏ cho giặc chạy vào khu bến cảng.
Thuyền giặc vừa chớm vào bến cảng trời đã mờ mờ sáng. Cho tới lúc trời sáng trắng, hết thẩy quân giặc đều khiếp sợ vì trước mặt là dãy núi làm bình phong của bến. Cờ xí Đại Việt giăng giăng, quân mai phục tầng tầng lớp lớp bên sườn núi. Vòng cung phía sau bến áp sát bờ, sừng sững một dãy núi cao chạy song song với bờ biển, trên núi là rừng cây rậm rạp, ngang sườn núi không thấy cờ xí nhưng trong các lùm cây, nhìn kỹ đều thấy động. Chắc là quân mai phục ken dày chứ giờ này… thú ăn đêm thì đã đi ngủ, thú ăn ngày lại chưa ra khỏi hang. Ngoảnh nhìn bên tả một đoàn thuyền cờ xí tung bay, các mái chèo băm nước phăm phăm bọt tung trắng xóa, thuyền lao nhanh như ngựa chạy, ngoái nhìn bên hữu lại một đoàn thuyền khác cũng đang lao nhanh y hệt đoàn thuyền bên tả. Vậy là tiền hậu, tả hữu tứ phương đều thụ địch.
Lũ giặc trên thuyền dù là thuyền chiến hay thuyền lương thảy đều hốt hoảng, chúng co cụm lại trên mỗi thuyền và các thuyền đều áp mạn vào nhau chứ không tìm đường trốn chạy nữa. Ngay cả những tên lính khi trước lăm lăm cung nỏ nay đều vứt hết xuống sạp thuyền. Chắc là các viên đô chỉ huy biết không thể kháng cự và cũng không thể trốn chạy. Đúng lúc đó, từ trên bờ, ngay phía sau những chiếc thuyền giặc, có tiếng nói phát qua một chiếc loa đồng, giọng trầm sâu chắc nịch, đương nhiên phải nói bằng tiếng Tàu:
“Kẻ xâm lược đã cùng đường! Các ngươi đang bị bao vây bốn mặt. Nếu muốn toàn tính mạng kéo ngay cờ trắng đầu hàng, bỏ hết khí giới lại thuyền và từng người một bước lên bờ”.
Dưới kia, các thuyền lục tục kéo cờ trắng. Đành rằng quân thiên triều không ngờ đến kết cục này nên không mang theo từ lúc xuống thuyền. Vậy mà thuyền nào cũng kiếm được khá nhiều vải trắng và cùng một lúc, màu trắng đã tràn ngập các thuyền binh, thuyền lương của quân đầu hàng.
Trên bờ không biết quân từ đâu ào xuống sát mép nước và kéo dài tới mấy dặm. Khoảng vài chục chiếc thuyền từ trong lạch tiến về phía bến nối nhau thành một chiếc cầu dài đón hàng binh lên bờ.
Quân đầu hàng lần lượt rời thuyền leo lên cầu. Loa lại thét:
- Các viên đô tướng, tiểu đô tướng đi về bên tả. Quân lính đi về bên hữu.
Phó tướng Nhân Huệ vương sai dẫn tù binh tới vùng sâu nội địa và lọc những tên đầu sỏ để lấy cung ngay, lại sai quân đưa hết lương thực vừa thu được vào kho cất giấu. Giao các việc cho thuộc cấp xong, Nhân Huệ vương liền cấp báo cho Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, thượng tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải: “Có một số thuyền lương của giặc chạy thoát đang tìm đường vào Bạch Đằng rồi ngược Vạn Kiếp đem lương cho quân Thoát-hoan. Xin vương ra tay trừng trị không để cho một thuyền lương nào của giặc chạy thoát vào nội địa”. Một mặt sai Nguyễn Khoái đem binh thuyền truy đuổi tàn quân của giặc, mặt khác sai Nhân Đức hầu Trần Đa và tướng Nguyễn Chế Nghĩa chốt đủ thuyền bè và quân tinh nhuệ gần Cửa Vạn, Cửa Đối, nếu giặc lại đưa thêm viện binh hoặc lương thực qua nước ta bằng đường biển phải tiêu diệt sạch sành sanh ngay lập tức. Lần này không cần che giấu nanh vuốt nữa, bởi trách phận lớn lao nhất của hải binh Vân Đồn là tiêu diệt đoàn vận tải quân lương của giặc coi như đã hoàn thành.
Lại nói mấy thuyền lương của Trương Văn Hổ đang ẩn trú trong khu vực Bái Tử Long nơi có những trái núi thấp nằm rải rác thì đột khởi lên mấy trái núi to cao tạo thành một góc ngoặt như hình thước thợ. Chính cái góc ngoặt ấy được Trương Văn Hổ chọn làm nơi trú ẩn. Y hạ lệnh cho các thuyền hạ hết cột buồm và không được đun nấu bất cứ một thứ vật liệu gì gây khói.
Trương Văn Hổ đâu có biết trái núi mà y đang ẩn nấp ở phía sau đó lại đối diện với căn cứ hải đội của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, tính theo đường chim bay chỉ cách chưa đầy chục dặm. Và phía sau trái núi đó lại chính là luồng giao thông mà thuyền buôn cũng như hải đội của Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tảng thường qua lại tuần tiễu.
Trương Văn Hổ cho quân lén lên đỉnh núi quan sát. Chừng hơn một canh giờ sau có mấy tên về tâu báo, vẻ mặt chúng hốt hoảng:
- Bẩm tướng quân, khi chúng tôi leo lên đỉnh núi núp trong một lùm cây rậm nhìn về mọi phía thì thấy hút một đoàn thuyền đang lao về hướng tây, lại chừng nửa canh giờ sau có một đoàn từ hướng tây bắc chạy thẳng vào phía sau trái núi này rồi ngoặt sang hướng đông nam. Bẩm, cả hai đoàn thuyền đó đều là thuyền quân Giao Chỉ và phía sau trái núi ta đậu thuyền đây chính là luồng đi của nó đấy.
Trương Văn Hổ mặt hơi biến sắc nếu như quân Giao Chỉ đi theo luồng ta vừa chạy, hẳn nó sẽ nhìn thấy quân ta đang trú tại đây. Và như vậy thì điều gì sẽ xảy ra. Làm ra vẻ cứng cỏi, Trương Văn Hổ nói:
- Vậy là ta đã tính toán đúng. Và ta đang tránh trú bão ngay trong mắt bão.
Chừng một khắc canh giờ sau khi hai tên lính thám vừa xuống núi báo tin, lại có hai tên khác nữa cũng vừa tụt từ trên đỉnh núi xuống thuyền, mặt tái mét, nói lắp bắp không thành tiếng:
- Bẩm chủ tướng, có nhiều thuyền quân Giao Chỉ cứ quanh đi quẩn lại phía sau dãy núi ta đang trú ẩn đây, như là họ đang tìm kiếm cái gì đấy. Ngừng lại giây lát, y tiếp: - Bẩm, hay nó biết quân ta đang trú ẩn ở đây?
Trương Văn Hổ không phải không lo lắng, nhưng y phải tự trấn tĩnh ngay. - Nếu ta nao núng sẽ rối lòng quân. Vì vậy y tìm cách trấn an:
- Chắc là quân Giao Chỉ biết hôm qua đã để sổng một số thuyền chạy thoát, nên hôm nay nó truy lùng. Ta trú quân ở đây là an toàn không sợ giặc tìm thấy đâu. Đêm qua ta chạy thoát được vào đây là bởi ta đi theo luồng có đá ngầm. Sở dĩ thuyền ta không vấp đá là bởi thủy triều lên từ giờ thân đến giờ sửu. Ban ngày thủy triều xuống. Quân Giao Chỉ quen thạo luồng lạch nên nó không đi vào lạch có đá ngầm. Do vậy chúng sẽ không thể phát lộ được ta. Và đêm nay, nước lên ta sẽ phải tính nên đi đường nào.
Khoảng đầu giờ dậu mây đen kéo kín cả bầu trời, thoáng chốc gió nổi đem theo cái lạnh từ phương bắc về. Trương Văn Hổ mừng thầm: - Chắc là trời giúp ta đây, phải mượn sức gió và cả đêm cuối tháng không trăng không sao mà thoát khỏi vòng vây của địch.
Trời càng lúc càng tối đen đặc, gió vẫn thổi ràn rạt, Trương Văn Hổ vội hạ lệnh lên đường. Như dự đoán, cái luồng mà y cho thuyền chạy vào đêm trước là luồng có đá ngầm, chắc là đúng, bởi cả ngày hôm nay không hề thấy một bóng thuyền bè nào qua lại. Nhưng đêm nay, liệu ta có nên đi theo luồng đó không, hay phải đi luồng sâu ở phía sau trái núi này. Đây là luồng chính nên thuyền Giao Chỉ qua lại thường xuyên, liệu ta đi vào luồng này mà gặp quân họ thì sao. Nhược bằng cứ đi luồng cũ, thuyền chở nặng vấp đá ngầm là bục ngay, chiếc đi trước ngáng đường nằm đấy, các thuyền đi sau đều khó bề tiến thoái, chỉ còn nước nằm đợi giặc chứ còn đi đâu được nữa. Nghĩ vậy, Trương Văn Hổ sai quân cho thuyền đi theo hướng lạch sâu.
Thuyền vừa ra khỏi dãy núi chắn, buồm gặp gió kéo thuyền đi băng băng. Trong vịnh nhấp nhô núi lại núi, đường đi vô vàn hiểm trở, Trương Văn Hổ cứ nhắc đi nhắc lại lũ thuộc cấp: “Các ngươi phải căng mắt ra nhìn kẻo thuyền đụng núi là vụn tan như cám”.
Vịnh biển yên tĩnh lạ thường chỉ nghe tiếng thuyền xé nước rào rào, và thỉnh thoảng một đàn cá thấy động bốc bay là là trắng mặt nước, Trương Văn Hổ đang mơ chỉ vài ngày nữa sẽ tới Vạn Kiếp chầu hầu Trấn Nam vương.
Chừng nửa đêm bỗng nhiên thuyền đi chậm lại vì gió đã ngừng thổi, mưa lắc rắc khiến cái rét len lỏi đến tận xương tủy. Tuy rét buốt nhưng Trương Văn Hổ lại cảm thấy ấm lòng bởi không còn sợ quân Giao Chỉ săn đuổi nữa.
Hổ ẩn nấp trong vách núi đâu biết khi đêm Nguyễn Khoái sau khi diệt gọn mấy thuyền ở gần cuối sông Mang, lại rượt đuổi tiêu diệt cả bốn chiến thuyền cùng với ba thuyền lương của giặc Nguyên ngay phía đầu vịnh Bái Tử Long, còn chiều nay, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng cũng lùng được ba thuyền lương giặc đang trú trong một eo núi, na ná như chỗ Trương Văn Hổ ẩn trú. Vương sai bắt hết bọn lính trên thuyền còn lương thực thì đánh chìm sâu dưới biển.
Chừng sang giờ sửu mưa tạnh hẳn, gió lại nổi nhưng cái rét thấm vào da thịt khiến tê buốt mà áo quần dù độn bông hoặc bằng da ngựa da dê cũng không chống đỡ nổi. Trương Văn Hổ loay hoay tìm chiếc áo lông cừu, chợt nghe từ đâu đó vẳng lại tiếng tù và, một lát lại nghe thấy cả tiếng trống đồng và tiếng kèn hối thúc. Càng đi càng nghe như gần lại như rất xa. Tới khi thuyền ra khỏi khu vực có những trái núi cao che khuất, tiếng kèn, tiếng trống được gió và nước chở đi, âm thanh như rót vào tai khiến trống ngực Trương Văn Hổ đập thình thình. Lòng quân nghe như đã rối. Lại lửa, ngọn lửa bốc cao trên mặt nước và cả tiếng quân reo như mỗi lúc mỗi gần hơn.
Mấy viên đô tướng cuống quýt hỏi:
- Bẩm chủ tướng, quân Giao Chỉ đang đốt thuyền lương của quân ta, làm thế nào bây giờ. Nếu cứ đi tiếp, chắc chỉ năm, bảy dặm nữa là đụng quân nó.
Nỗi sợ hãi tự nhiên ập đến khiến Trương Văn Hổ bực mình quát:
- Sao các ngươi không nghĩ đó là Ô-mã-nhi bạt-đô đang đốt quân Giao Chỉ.
- Bẩm chủ tướng ngài lạc tai rồi. Quân ta sao có trống đồng. Tiếng trống đồng đang phóng những âm thanh như búa bổ mỗi lúc một gần, nếu không sớm liệu lại lọt vào ổ phục của quân Giao Chỉ như đêm trước thôi.
Trương Văn Hổ thật sự rối trí, gan kẻ cướp với tài ném phi tiêu của hắn đều trở nên vô dụng. Hắn buông một câu đúng với tâm trạng của kẻ sợ hãi hơn là của một vị tướng chỉ huy:
- Vậy các người bảo ta phải làm gì đây!
Trong lúc các thuộc cấp chưa biết nói thế nào thì từ phía sau lại nổi lên tiếng hò reo như vỡ trời và tiếng thuyền xé nước đang băng băng đuổi theo các thuyền lương của Hổ.
Phía trước có quân chặn, phía sau có quân đuổi, Trương Văn Hổ cuống quýt ra lệnh:
- Chạy! Chạy! Hướng đông nam!
Và Trương Văn Hổ sai quân phải cấp tốc vứt bớt các bao gạo xuống biển cho nhẹ thuyền. Khen thay quân Giang Nam sức khỏe thật phi phàm, mỗi bao gạo chứa đúng một thạch, thông thường hai người khiêng còn nặng, thế mà lúc này mỗi tên vác một bao coi cứ nhẹ bẫng. Nhờ tài năng xuất thần của Trương Văn Hổ thuyền nhẹ hẳn, và vì thế nó bứt được ra khỏi đoàn thuyền lương mà tháo chạy.
Lại nói Chiêu Minh vương Trần Quang Khải từ khi đem quân tăng viện cho vùng biển đảo đông bắc, nơi Nhân Huệ vương tổng quản. Ông được Nhân Huệ vương nhờ trấn vùng Cửa Lục tức là cửa ngõ vào sông Bạch Đằng. Được tin đại quân của Nhân Huệ vương đã đánh tan tác đoàn vận tải quân lương của Trương Văn Hổ từ ngoài Cửa Vạn, Cửa Đối, sông Mang. Và chặn không cho chúng thoát ra biển, còn ta trấn ở đây để diệt tất cả bọn sống sót mưu chạy về Vạn Kiếp tiếp sức cho Thoát-hoan.
Bởi vậy vương cho quân sục sạo suốt đêm ngày. Trong ngày hôm nay ông đã diệt được hai toán gồm năm thuyền lương của giặc đang trú ẩn ở những nơi không được kín đáo lắm. Và đêm nay lại vây và diệt gọn một toán gồm hai thuyền binh và bảy thuyền lương, trong đó đốt cháy tại chỗ hai thuyền lương, và đang truy đuổi tốp năm thuyền lương của Trương Văn Hổ. Nhưng lợi dụng đêm tối và cũng có chút khôn ngoan của một tên cướp biển nên thuyền của y đã trốn thoát.
Trương Văn Hổ một viên hổ tướng mà thiên tử nhà đại Nguyên là Hốt-tất-liệt đích thân chọn lựa và phong chức trao quyền, trao trọng trách Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ, kíp khi gặp nguy thì bỏ quân, bỏ lương thực mưu lấy mạng sống cho riêng mình.
Khi Chiêu Minh vương quét nốt đám tàn quân này cũng là chấm dứt hoàn toàn nguồn lương thực cho đội quân khổng lồ của Thoát-hoan ở Vạn Kiếp đang từng ngày từng giờ trông ngóng.
Trương Văn Hổ với vài đứa thuộc hạ cùng vài chục phu thuyền chạy đến sáng thì thấy trời nước mênh mông chứ không có đảo có núi nữa, y biết đã thoát ra ngoài đại dương, đã thoát ra khỏi vùng đất chết. Trương Văn Hổ mở la bàn, chỉ cho mấy đứa lái thuyền hướng đi rồi y sai bày rượu và đồ ăn. Cho tất cả đều được ăn no, nhưng rượu thì mỗi tên chỉ được một bát.
Uống hết chừng nửa bát rượu, Trương Văn Hổ dằn mạnh chiếc bát xuống sạp thuyền nói với vẻ vừa lo lắng vừa bực bội lại vừa như có vẻ tự phụ nữa:
- Thiên tử trao cho ta hơn một trăm chiếc thuyền vận tải tới mấy chục vạn thạch lúa gạo cùng năm ngàn quân hộ tống, nay Giao Chỉ dám kháng mệnh, cướp hết lúa gạo của ta, giết quân ta, tội chúng lớn lắm, phen này ắt thiên tử không tha. Lại mấy đứa chó chết phó tướng của ta như Từ Khánh[64], Phí Củng Thìn[65] không biết đã bỏ xác ở đâu.
Nốc hết bát rượu thứ ba có vẻ hơi ngà ngà, Trương Văn Hổ cười lớn rồi nói bốc phét:
- Vậy là chúng nó chết hết cả rồi, chỉ còn mình ta sống sót. Thế mới biết ở đời khôn chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống. Phải, ta biết, chỉ có mình ta biết. Trương Văn Hổ chỉ vào đám thuộc hạ và phu, lính lại nói: - Chúng bay là những kẻ ngu hèn thì biết cái gì. Sở dĩ sống được là chúng bay được theo người biết.
Nhìn ra bầu trời, Trương Văn Hổ thấy ngờ ngợ, y sai lấy la bàn ra coi. Coi xong y hét lớn: - Tên cầm lái kia mi có say không mà đi lạc hướng rồi.
- Bẩm chủ tướng con chưa uống hớp nào cả.
- Vậy thì mày phải bỏ lái chếch về phía tả. Được, được rồi đấy, cứ giữ đúng hướng đông bắc mà đi, ba ngày hai đêm nữa sẽ cập bến Quỳnh Châu.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng