Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
X
Lại nói cánh quân lớn nhất của giặc đi với Thoát-hoan có bình chương chính sự Áo-lỗ-xích làm phó tướng, lĩnh một vạn quân tinh nhuệ tháp tùng Trấn Nam vương và tướng A-ba-tri lĩnh một vạn quân kỵ đi trước mở đường. Chúng nhanh chóng đoạt được ải Nữ Nhi, ải Khả Ly rồi tiến về Sơn Động để đánh qua ải Nội Bàng. Sức tiến quân của giặc thật là nhanh, mạnh, ào ạt tựa như một trận cuồng phong tưởng không có một sức nào cản được hoặc chống lại nó.
Thoát-hoan đem theo Trần Ích Tắc, còn Lê Tắc bị gạt lại ở Tư Minh để đi với cánh quân sau.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương sau khi cử các tướng về những nơi hiểm yếu cự giặc, ông tự mình dẫn một đạo quân lên trấn ải Nội Bàng. Nội Bàng là cửa ngõ tiến vào Vạn Kiếp. Vạn Kiếp là một địa bàn chiến lược tối quan trọng. Nếu quyết giữ Vạn Kiếp ngăn không cho giặc vượt ải Nội Bàng. Nhưng lần này giặc đưa quân thủy và chiến thuyền sang nhiều lại được quân kỵ, quân bộ hợp sức mạnh mẽ, chắc Thoát-hoan nỗ lực chiếm lấy Vạn Kiếp. Giặc giữ Vạn Kiếp tức là giặc phải lưu đóng xung quanh khu vực ít nhất cũng phải hai chục vạn quân để giữ đất. Và một khi ta kìm chân được hai mươi vạn quân giặc thì số còn lại vài ba chục vạn nữa sẽ không đủ sức khống chế quân ta trên một chiến trường trải rộng khắp đất nước từ Lạng Châu đến Thăng Long, Thiên Trường và cả vùng Hoan, Ái. Ấy mới chỉ nói trên bộ, còn trên sông, trên biển thì bao la bát ngát, giặc sao đủ sức kiểm soát. Tới lúc đó sẽ xem khâu nào xung yếu, khâu nào dễ dứt điểm, rồi đem quân nhiều đánh quân ít bóc gọn từng mảng, giặc không có phương cách gì có thể chống lại quân ta được. Còn bây giờ, hãy cứ để cho nó giương uy, hãy cứ để cho nó phát tác lòng kiêu ngạo.
Quân ta từ các ải Nữ Nhi, Khả Ly một phần tản vào rừng sâu phía sau lưng giặc, một phần rút về Nội Bàng. Sau khi nghe các tướng tâu báo, Quốc công nhận thấy lần này Thoát-hoan rất hung hăng ngạo mạn, muốn ra oai sấm sét để tạo lập khí thế cho ba quân. Bởi phần đông số quan tướng và lính tráng hiện diện trong hàng ngũ Thoát-hoan đều là đám quan quân đã thua trận tại đây năm Ất Dậu chắc chửa hoàn hồn.
Tính toán trù liệu mọi việc xong xuôi, Quốc công liền cho quân lui về phía sông Thiên Đức để ngăn giặc tiến về Thăng Long. Vì vậy khi Thoát-hoan qua ải Nội Bàng, vượt sông Bình Giang[46] tiến vào Vạn Kiếp không gặp một trở ngại nào.
Lập tức Áo-lỗ-xích cho quân chiếm lĩnh các ngọn núi cao lập làm đồn trại. Các bến đò Phả Lại, Bình Than đều có quân án ngữ. Các bãi trống trong thung lũng nhìn ra Lục Đầu giang được lập thành mấy trại quân lớn. Các đầu sông hợp về hai ngã ba đều có thuyền bè tuần giang nghiêm ngặt. Các con đường thiên lý cũng có các chốt quân án ngữ. Áo-lỗ-xích còn cho một đội du binh đi dọc triền sông Bình Than xuôi về phía hạ lưu là có ý dòm ngó tới con sông Bạch Đằng. Chúng chỉ đi vài chục dặm rồi quay lại. Tất cả đều yên tĩnh không hề thấy bóng dáng quân Đại Việt.
Một sự yên ắng đáng nghi ngờ, Thoát-hoan bèn triệu bình chương chính sự Áo-lỗ-xích, hữu thừa A-ba-tri vào trướng hổ để hội bàn việc quân.
Các tướng vừa an tọa thì Bôn-kha-đa và Trịnh Bằng Phi cũng đưa quân về hội.
Các tướng vào chào Trấn Nam vương và kể lể về sự cam go dọc đường, phải đánh nhau trên dưới hai mươi trận và quân chết kể tới hơn ba ngàn đứa.
Thoát-hoan nói lời an ủi rồi sai lấy rượu ngon ra khoản đãi. Sau vài tuần rượu, chủ tướng nói:
- Đánh Giao Chỉ lần trước ta cũng đi lối mà lần này ta vừa đi. Nhưng lần trước không một ải nào không phải đánh nhau với giặc. Ác chiến nhất diễn ra tại ải Nội Bàng. Ta chia quân làm sáu mũi vây đánh Nội Bàng. Hưng Đạo chống nhau với ta suốt từ giờ tí đến giờ thân rồi trốn thoát. Khi ta đưa quân vào Vạn Kiếp, Hưng Đạo chống trả quyết liệt, ba ngày sau ta mới đuổi hết quân Giao Chỉ ra khỏi khu vực này. Tới khi ta đem quân vào Thăng Long, Hưng Đạo lại luồn về phía sau ta chiếm lại Vạn Kiếp với số quân đông tới mấy chục vạn, uy hiếp Thăng Long. Cũng may Toa-đô phá vỡ cửa quan Nghệ An đem quân ra Thanh Hóa đánh vào sau lưng giặc khiến quân Trần nao núng. Trần Kiện đem hai vạn quân ra hàng, thân vương Trần Ích Tắc cùng nhiều người trong hoàng tộc đem cả nhà và quân bản phủ tới cửa ta xin quy thuận thiên triều. Ấy thế mà năm nay Hưng Đạo lại bỏ ngỏ Nội Bàng, bỏ rơi Vạn Kiếp cho ta lấy, không mất một mũi tên nào là cớ làm sao. Có phải cuộc chiến năm Ất Dậu ta đã làm cho Giao Chỉ kiệt quệ, nay nó chưa gượng dậy được và không đủ sức kháng cự lại đại binh thiên triều. Có đúng là quân Giao Chỉ yếu hay đây lại là kế của Hưng Đạo, các ông nói thử ta nghe.
Bôn-kha-đa vừa nếm đòn đau đớn trước ải Lãnh Kinh xin nói:
- Bẩm Trấn Nam vương, cánh quân phía tây lũ thần đi qua, giặc chống trả quyết liệt lắm. Từ đó suy ra đủ biết đây là kế của Hưng Đạo chứ không phải quân Giao Chỉ kiệt quệ đâu.
Hữu thừa A-ba-tri lên tiếng:
- Đất nước bé bằng cái bàn tay, người thì một dúm, nó gồng sức lên đỡ trận đòn năm Ất Dậu cũng kiệt sức rồi. Các ông bị quân nó chống trả quyết liệt nhờ vào mấy cửa quan mà thủ hiểm nhưng rồi cũng phải bỏ chạy chứ sức đâu kháng cự mãi với thiên binh của thiên triều. A-ba-tri huơ tay lên chém gió, miệng nói oang oang: - Bẩm Trấn Nam vương, đúng là giặc cố gắng đến tuyệt vọng để kháng mệnh thiên tử, nhưng quả thực nước nó kiệt quệ lắm rồi không dám chống lại thiên binh nữa, tướng tài như Hưng Đạo mà còn chạy không dám ngoảnh đầu lại, chắc chỉ vài trận kịch chiến nữa là vua tôi nước nó phải ra hàng, xin Trấn Nam vương chớ ngại.
Hữu thừa Trịnh Bằng Phi nói:
- Tâu, các ông tả, hữu thừa nói đều có lý cả, song ta chớ nên coi thường giặc. Coi thường giặc sẽ dẫn tới đánh giá không đúng về nó và vì thế đôi khi gây cản trở cho chính ta.
Không khí trở nên yên lặng, mọi người nhìn nhau, dường như họ đều chờ ý chỉ của Thoát-hoan.
Bỗng Thoát-hoan nghiêng đầu về phía Áo-lỗ-xích nói:
- Ông bình chương, theo ông phán đoán tình thế quân Giao Chỉ hiện nay thế nào. Và vì sao Hưng Đạo bỏ cả Nội Bàng lẫn Vạn Kiếp một cách dễ dàng như vậy. Liệu đây có phải là kế của Hưng Đạo không. Nếu là kế thì ta có nên giữ Vạn Kiếp không?
Áo-lỗ-xích với vẻ suy tư cân nhắc rồi nói:
- Chắc chủ tướng còn phân vân. Bản thân tôi cũng rất phân vân. Chúng ta đều biết An Nam là một nước nhỏ không thể so được với những nước mà các đại Hãn đã chinh phục. Nhưng ta không thể không thừa nhận họ có nhiều tướng giỏi mà Hưng Đạo là một tướng mưu trí, ngoan cường thắng không kiêu, bại không nản. Còn như về phần nội lực của nước họ khó có thể nói họ đủ sức chịu đựng trong cuộc chiến tranh này. Cứ suy như nhà đại Nguyên ta, đất đai trải rộng mênh mông, nhiều người nhiều của, thế mà đầu năm Bính Tuất (1286) thiên tử hạ chiếu “Chinh Giao Chỉ”, các đại thần đã xúm vào can như Sen-ghê ở hành tỉnh Hồ Quảng đã tâu về triều: “Tỉnh tôi trấn giữ hơn bảy mươi sở, luôn năm chinh chiến, quân sĩ tinh nhuệ đều mệt nhọc ở ngoài, kẻ còn ở lại đều già yếu, mỗi thành ấp nhiều không quá hai trăm quân… Năm ngoái bình chương A-lí Hải-nha xuất chinh, thu ba vạn thạch lương dân còn kêu khổ, nay lại thu gấp bội số đó, quan không có tích trữ, còn mua ở trong dân, trăm họ sẽ khốn khổ khôn xiết”. Còn như tuyên úy ty Hồ Nam thì can: “Luôn năm đánh Nhật Bản và dùng binh ở Chiêm Thành, trăm họ mỏi mệt vì vận chuyển phú dịch nặng nề, quân sĩ mắc phải chướng lệ chết rất nhiều. Dân chúng kêu than, tứ dân bỏ nghiệp. Người nghèo phải bỏ con để cầu sống, kẻ giàu phải bán sản nghiệp để ứng dịch. Nỗi khổ như bị treo ngược, mỗi ngày một tăng… Nay lại có việc đánh Giao Chỉ, điều động đến trăm vạn người, tiêu phí đến nghìn vàng, đó chẳng phải là việc để thương quân dân…”. Còn rất nhiều lời can với tình cảnh bi đát hơn nhiều. Vì thế, thiên tử mới hoãn việc nam chinh tới nay.
Áo-lỗ-xích ngước nhìn Thoát-hoan nói tiếp: - Chủ tướng, đến như nước đại Nguyên ta không bị chiến tranh tàn phá đã gần chục năm nay mà dân chúng còn khổ sở đến thế, thử hỏi An Nam bị quân ta tàn phá cách đây chưa được ba năm, sao họ đã có thể kịp hồi phục mà nói nội lực họ khá lên được. Phải nói Giao Chỉ kiệt quệ rồi. Ấy là so sánh để biết việc đánh dẹp năm nay, Giao Chỉ sẽ cầm cự được bao lâu. Còn như chủ tướng hỏi, có nên giữ Vạn Kiếp không? - Theo ý riêng tôi, nếu lần này Hưng Đạo quyết giữ Vạn Kiếp thời bằng mọi giá ta cũng phải đẩy ông ta ra mà chiếm lấy. Nay cả một vùng chiến lược quan trọng vào bậc nhất đã vào tay, đó là trời cho ta đấy, sao chủ tướng còn phải băn khoăn nữa. Nếu không có vùng này làm căn cứ, nay mai Ô-mã-nhi đem hơn bảy trăm chiến thuyền với hơn mười vạn quân thủy đến sẽ neo đậu ở đâu, lấy đâu làm căn cứ xuất phát để truy đuổi Hưng Đạo, truy bắt Nhật Huyên, dẹp yên Giao Chỉ.
- Vậy thời ta yên tâm! Thoát-hoan đáp và nói thêm: - Tới nay vẫn chưa có tin tức cánh quân Vân Nam và ta cũng nóng lòng về đội hải binh của Ô-mã-nhi cùng đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ. Ta chờ Ô-mã-nhi tới mới có phương tiện đánh vào Thăng Long. Ta chờ Trương Văn Hổ đem lương thực đến thì mới yên tâm đưa mấy chục vạn quân vào trận.
Về cánh quân Vân Nam mà Thoát-hoan trông đợi, hữu thừa tỉnh Vân Nam là tướng A-ruc cùng với chư vương A-tai và Mang-khu-đai cầm đầu, một đạo quân chừng năm vạn gồm quân kỵ, quân bộ và quân thủy chúng vào nước ta bằng đường Quy Hóa giang. Lần này giặc vào đông hơn lần trước và cũng trên con đường quen thuộc mà chúng đã đến và đã tháo chạy. Ỷ thế quân đông nên chúng có vẻ hung hăng. Quân kỵ thì xông xáo sục sạo hai bên vệ đường, gặp nhà thì đốt nhà, gặp lều quán chợ búa thì đốt lều quán chợ búa. Cái gì lấy đi được thì chúng lấy đi, không lấy đi được thì chúng đập, phá hoặc đốt. Dân chúng triệt để dùng kế thanh dã, giặc đến đâu cũng chỉ thấy vườn không, nhà trống, chúng càng tức giận.
Giặc đi sâu vào đất ta tới năm, sáu chục dặm mà không gặp một sự chống trả hoặc cản trở gì, chúng đều cho là qua cuộc chiến năm Ất Dậu, Giao Chỉ kiệt quệ không còn sức chống trả, nên đã bỏ trốn. Vì vậy chúng nghênh ngang như vào chỗ không người.
Sẩm chiều, mưa phùn lây phây, gió bắc thổi mạnh. Những cánh buồm no gió lại xuôi nước cứ chạy băng băng như ngựa phi nước đại. Bầu trời như sà thấp xuống gần sát với các tàng cây trên đỉnh núi. Từ nửa chiều đã không còn nhìn thấy mặt trời. Những tên lính Mông Cổ, những tên lính Hán ở phương bắc thường quen với thời tiết có băng tuyết lạnh giá, nhưng gặp cái lạnh ở xứ nóng ẩm này thật khác thường. Cái lạnh như cứa vào thịt da, lạnh xuyên cả vào trong tâm can tì vị khiến cơ thể như bị teo tóp lại. Lính Mông Cổ có áo da che chắn được cả gió và những hạt mưa nhỏ li ti không len lách được vào cơ thể, và những chiếc ủng da khiến chân không phải xúc tiếp với nước nên chúng chưa cảm thấy cái rét kèm thêm cả sự buốt giá. Nhưng lính Hán chỉ có áo bông, giày vải một khi đã thấm nước thời cơ thể nhiễm một sự buốt lạnh không cách gì chống đỡ nổi, trừ khi được ngồi trong căn nhà kín gió bên đống củi than đỏ hồng. Kỵ binh giặc đi trước bỏ xa đoàn thuyền. Những cánh buồm đỏ thấm nước đã chuyển sang màu đen. Trong bóng chiều chạng vạng, vài chục con thuyền nhỏ ẩn trong khe lạch chờ xông ra đánh chặn khúc đuôi của đoàn chiến thuyền giặc. Bỗng một tiếng nổ xé trời, trống đồng khua thúc vang dội, và hàng ngàn cây cung nỏ với tên tẩm độc nhằm về phía những tên cầm lái thuyền. Một, hai, ba, bốn, năm chiếc mất lái, gió tạt buồm, khiến thuyền quay ngang, những chiếc đi sau không kịp chuyển hướng, và cứ thế chiếc nọ đâm thẳng vào chiếc kia vỡ toác gây ra tiếng động khủng khiếp như tiếng sét đánh bất ngờ. Quân giặc trên các chiến thuyền gãy, vỡ nước tràn vào khiến chúng hoảng loạn xô đẩy nhau. Ngay lập tức những chiếc thuyền nhỏ của quân Đại Việt xông thẳng vào đám thuyền giặc đang ngổn ngang chồng đống, các dũng sĩ tay lăm lăm mã tấu nhảy lên thuyền giặc, người thì đốt thuyền, người thì tìm giết những tên xâm lược. Sự việc xảy ra quá bất ngờ và quân Việt xốc tới nhanh như quân nhà trời làm cho giặc hốt hoảng trở tay không kịp. Nhiều đứa bị chết do thuyền va đập, nhiều đứa nhảy ào xuống sông vừa rét buốt vừa không biết bơi nên chìm nghỉm. Đứa giơ tay xin hàng, đứa chui đầu vào khe góc khuất, mông chổng ra ngoài tưởng như thế là thoát chết. Trong thoáng lát, quân phục của thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã bứt được hơn ba chục chiến thuyền ra khỏi đoàn thuyền giặc, tất cả đều bị đốt hoặc bị đánh chìm, số quân bị bắt chỉ có bốn chục đứa, nhưng số bị giết và bị chết đuối lên tới con số ngàn. Chắc hẳn có một số tên biết bơi cũng trốn thoát. Và rất nhanh đoàn quân đánh chặn rút đi, để lại mặt sông với những cây cột buồm nghiêng ngả như những cánh tay chới với giơ lên cầu cứu.
Đoàn thuyền giặc đi trước, khi biết bị chặt mất đuôi không còn cách gì quay lại để ứng cứu được. Bởi một chiếc dừng thì cả đoàn sẽ xô vào nhau gãy vỡ và chìm đắm hết.
Đoàn quân chiến thắng giải tù binh về trình chủ tướng. Trông thấy những tên giặc mặt tái mét rét run cầm cập chẳng khác đám chuột đồng chạy lụt, Trần Nhật Duật sai đốt lửa, lấy quần áo cho chúng thay rồi cho ngồi sưởi ấm, khi chúng đã tạm hoàn hồn lại cho ăn no. Được đối xử tử tế chúng thật không ngờ. Ăn xong, tất cả bọn chúng đều sụp lạy tạ ơn.
Thượng tướng cho phép chúng ngồi tự nhiên và hỏi:
- Ta với các ngươi có thù oán gì không?
Đám tù binh lí nhí đáp:
- Bẩm không ạ.
Thấy chúng nghe hiểu được tiếng Tàu, thượng tướng lại hỏi:
- Vậy chớ các ngươi là người Hán, trong số này có ai là người Mông Cổ không?
Một tên mạnh dạn đáp:
- Bẩm quan, chúng con là người Hán, quê ở Giang Nam, không có ai là người Mông Cổ. Bọn Mông Cổ chúng chỉ ở kỵ đội thôi, bọn nó sợ nước đâu dám xuống thuyền.
Trần Nhật Duật lại hỏi:
- Trong số các ngươi đây ai là đô tướng?
Mấy đứa nhìn nhau rồi nhìn về một góc tối chỗ đồng bọn đang chúi đầu sưởi ấm.
Trần Nhật Duật biết chỗ ấy có đứa chỉ huy, ông gọi chúng ngồi xích lại gần nhau rồi nói: - Các người đều là người Hán, là dân nước Trung Hoa chứ không phải nước Nguyên đúng không?
- Đúng ạ! - Chúng đồng thanh đáp lời.
- Vậy chớ nước Đại Việt ta với nước Trung Hoa các ngươi có thù oán gì với nhau không?
- Bẩm không ạ.
- Ta biết nước các ngươi đang bị người Mông Cổ thống trị. Các ngươi bị ép phải đi đánh nhau.
- Bẩm đại quan đúng thế ạ. Đại quan đèn trời soi xét chúng con bị ép buộc phải xuống thuyền.
- Các ngươi có thấy người Mông Cổ phân biệt đối xử, họ khinh miệt các ngươi, thường đẩy các ngươi vào chỗ hiểm nguy, các ngươi là vật lót đường, thế mạng.
- Bẩm thượng quan dạy rất đúng, thân phận chúng con bị rẻ rúng, nhục lắm ạ. Xin thượng quan thương tình tha cho chúng con về.
- Đã biết nhục, bị bức bách đi vào chỗ chết, lại biết Đại Việt với Trung Hoa vốn không có thù oán gì. Vậy sao khi vào nước ta các ngươi cũng hung hăng tàn bạo không kém quân Mông Cổ?
- Bẩm đại quan, chúng con vừa đi tới đây đã bị bắt, chúng con đã kịp lên bờ đâu mà bảo chúng con gây tội ác.
Trần Nhật Duật nghiêm dạy:
- Đúng là các ngươi vừa tới đây đã bị bắt. Nhưng ta biết cuộc chiến năm Ất Dậu mới đây lũ quân người Hán các ngươi đã gây nhiều tội ác cho dân ta không kém quân Mông Cổ. Vơ vét của cải, xăm xoi mọi góc xó tìm kiếm báu vật, đồ đạc, đốt nhà, giết người, hãm hiếp đàn bà con gái, không một tội ác nào các ngươi không làm. Các ngươi có thể cãi các ngươi mới bị bắt vào lính, các ngươi vừa tới đây. Nhưng ta dám chắc trong số các ngươi đây, ít nhất cũng có dăm bảy đứa đã theo quân Mông Cổ vào cướp nước ta trong cuộc chiến năm Ất Dậu vừa rồi. Nước ta độ lượng, biết các ngươi có tội nhưng không tra khảo đánh đập, không giết, để các ngươi tự vấn lương tâm mà hối cải, - Trần Nhật Duật nghiêm khắc nhìn vào mặt những đứa mà ông nghi là nó đã đến nước ta trong cuộc chiến tranh lần trước, và cả những đứa mà ông nghi nó là đô tướng. Lạ thay ông nhìn vào đứa nào, đứa ấy tái mặt đi, hoặc cúi gằm xuống với vẻ ngượng nghịu, sợ sệt như là một sự tự thú. Đoạn ông hỏi: - Trong đám các ngươi đây có ai biết chữ thì giơ tay lên.
Chúng rụt rè mãi sau mới có dăm đứa giơ tay.
- Vậy ta chia các ngươi làm năm nhóm, mỗi nhóm do một người biết chữ cầm đầu. Ta sẽ phát giấy bút cho các ngươi khai họ tên, quê quán, ngày đầu quân, ngày bị bắt, phần gia cảnh phải ghi rõ: Bố mẹ còn hay mất, bao nhiêu tuổi. Vợ con cũng vậy. Mấy vợ, mấy con. Con cái cũng phải khai tuổi tác. Quê quán phải khai rõ làng xã, châu quận, phủ huyện, tỉnh. Tỉnh nào phải khai rõ chứ không được khai chung chung là Giang Nam. Bởi phía nam sông Trường Giang có tới cả chục tỉnh, ngày xưa là cả nước Đông Ngô đấy.
Nhìn vào tận mặt từng đứa, Trần Nhật Duật nhắc thêm:
- Ngoài phần bản thân ra, các người còn phải khai chức vụ, ở đô quân nào, ai làm đô tướng, ai làm đô tổng quản, phiên chế ở thuyền nào, tên thuyền, số hiệu thuyền, mỗi thuyền chở bao nhiêu quân, bao nhiêu lương thực. Tất cả có bao nhiêu thuyền, bao nhiêu quân thủy, quân bộ, quân kỵ. Các ngươi giúp nhau mà khai cho thành thật thì sẽ được hưởng ân huệ của Đại Việt ta. Nếu man trá ắt ta sẽ tìm ra và khi ấy các ngươi cũng đừng trách ta không báo trước.
Thượng tướng sai quân đưa chúng về năm nơi khác nhau và cho từng đứa khai báo. Nhưng chúng khai rất chậm vì những đứa tự nhận là biết chữ, thực ra chúng có thể đọc được những thứ văn tự thông thường, còn như viết thì chúng lại không đủ chữ.
Sau khi bị đánh bất ngờ viên hữu thừa A-ruc cùng các chư vương A-tai, Mang-khu-đai mới giật mình và không dám coi thường quân Đại Việt nữa. Mỗi lần trước khi cho cả đạo quân thủy bộ xuất phát, A-ruc thường phái một đội khinh thuyền đi trước thăm dò chừng vài ba trăm quân cùng với khoảng hai trăm quân kỵ đi trên bờ yểm trợ. Nắm chắc không có quân mai phục, tướng giặc mới cho quân đi. Như vậy giặc vừa có đội mở đường vừa có đội đoạn hậu.
Quân thám của ta về tâu báo cung cách tiến quân của giặc từ sau ngày nó bị chặt đuôi, Trần Nhật Duật mỉm cười nói cùng hạ cấp:
- Do ta cắt đuôi giặc, chúng hoảng hốt nên bây giờ đuôi nó phình ra khá lớn. Các ông tính sao, có chặt tiếp đuôi hay ta chặt đầu nó.
Đô tướng Nguyễn Khoái vội đáp:
- Bẩm chủ tướng, chặt đầu nó có nghĩa là ta đánh vỗ mặt đám du binh. Chỗ này phải tính kỹ bởi nó có khoảng hai trăm thằng kỵ binh Mông Cổ đi tiên phong, nếu hơi có động tĩnh gì chúng ào đến rất nhanh hoặc chúng biến đi cũng nhanh như gió thoảng.
Đô tướng Ngô Thùy bèn lên tiếng:
- Bẩm thượng tướng, phải đánh vỗ mặt đám kỵ binh Mông Cổ để lấy khí thế cho quân ta. Đành rằng trận mở màn vừa đây đã khiến giặc co lại và không dám ngông nghênh như trước nữa. Nhưng như thế không có nghĩa là ta không thể tạo ra được thế bất ngờ khác.
Nghe hai viên đô tướng hiến kế đánh vỗ mặt quân kỵ Mông Cổ, thượng tướng Trần Nhật Duật lấy làm đẹp ý, ông hào hứng hỏi:
- Hai ông thử cho nghe dự kế đánh quân kỵ Mông Cổ, đành rằng giặc vào nước mình dù nó là quân Mông Cổ chứ quân nhà trời ta cũng đánh. Nhưng nên nhớ, đã đánh là phải đánh thắng mới dẹp được lòng kiêu ngạo của chúng. Ví như trận Quốc công đánh vào trại A Lỗ năm Ất Dậu khiến ngựa Mông Cổ như lũ chuột đồng chạy lụt, còn lính Mông Cổ phần thì chết đuối phần phải ra hàng. Vậy là tinh thần kỵ binh Mông Cổ còn thấp hơn ngọn cỏ.
Tướng Nguyễn Khoái nói:
- Bẩm chủ tướng, thật ra đánh bọn du binh có dăm chiến thuyền với sáu trăm tên quân thủy cùng khoảng hai trăm quân kỵ hộ tống không phải là chuyện khó. Nhưng sau nó là cả một đạo quân đông tới mấy vạn thì lại là một việc không dễ. Tuy vậy theo mạt tướng vẫn có thể đánh được. Thông thường giặc rất sợ rừng cây và những nơi cây cối rậm rạp, núi non khuất lấp. Cách đây chừng năm chục dặm về phía tả ngạn có một cánh rừng, quân kỵ của giặc buộc phải đi qua. Vì vậy giặc sẽ rất thận trọng. Ta sẽ không phục quân ở nơi giặc có phòng bị. Song phải nghi binh để nó rối trí. Tức là trước cửa rừng ta đốt củi lấy khói làm hiệu. Trong rừng, ta chặt cho cây đổ ngáng đường đi, giặc tất phải dừng lại sục sạo. Ta cũng nên đào một vài hố bẫy ngựa. Nếu ngựa nó bị sa hố thì cả người lẫn ngựa đều hoảng loạn. Ra khỏi rừng xuôi thẳng về quãng ngang với ta đang đóng quân đây khoảng hơn hai chục dặm đường bằng phẳng, quang đãng. Ta nên đánh nó trên quãng đường này. Đây là đoạn giặc không thể ngờ lại có quân phục vì tầm nhìn xa và không có rừng cây hoặc đồi núi quanh co.
- Giữa thanh thiên bạch nhật, đường bằng phẳng mà ông định phục quân đánh vỗ mặt kỵ binh của giặc, vậy ta phục ở đâu? - Trần Nhật Duật hỏi và ông nói thêm: - Đường tốt, kỵ binh giặc có thể lướt nhanh như gió, và các ông nên nhớ, loài ngựa đánh hơi thính không kém gì chó săn. Nếu quân ta mai phục ngược chiều gió, chúng đánh hơi thấy ngay. Khi có hơi lạ, giống ngựa thường không chịu đi hoặc cảm thấy nguy hiểm chúng sẽ quay đầu chạy và hí rầm rĩ.
Đô tướng Ngô Thùy đáp:
- Bẩm chủ tướng, đang mùa gió bắc thổi xuôi, nếu có quân phục không lo việc ngựa đánh hơi thấy mùi lạ. Hơn nữa từ bữa vào đất ta tới nay, kỵ binh giặc chỉ đi theo phía tả ngạn của sông chứ chưa một lần chúng sang sông. Cách đây hơn hai chục dặm có một cánh đồng mới gặt, ruộng khô, nông phu đã chống rạ thành từng mô to hơn cả chiếc nơm đại, và cao ngang ngực người lại nằm bên hữu ngạn dòng sông về phía ta đang đóng quân đây, chúng tôi đã đến tận nơi xem xét thấy ta có thể giấu được năm trăm quân cung nỏ mà giặc không thể ngờ, cũng không thể phát giác ra được. Cạnh đó lại có một con ngòi. Mùa này nước cạn, ngòi khô tới đáy có thể đi trên lạch ngòi này như đi trên mặt ruộng.
- Rồi sao nữa? - Trần Nhật Duật hỏi.
- Bẩm, ta cho quân thiện xạ dùng nỏ liên châu phục sau các mô rạ. Khi thấy thuyền và kỵ binh giặc tới, ở bên này nhất loạt bắn xuống sông và bắn sang sông. Phải chia ra, một nửa bắn quân thủy, một nửa bắn quân kỵ. Loạt tên đầu tiên cứ nhằm vào các con ngựa đi đầu mà bắn. Những con đi đầu gục ngã, những con đi sau sẽ xô vào nhau mà dừng lại, lúc này phải nhằm vào lũ kỵ sĩ mà bắn. Nỏ liên châu với tên tẩm độc bắn bất ngờ giặc không có cách gì chống đỡ nổi. Còn lũ giặc ở trên thuyền phải nhằm bắn chết đứa cầm lái và bắn đứt dây lèo, thuyền lập tức quay ngang và chúng sẽ đâm vào nhau mà nát bét.
- Các ông đã xem xét khoảng cách hai bờ cái đoạn ta mai phục đó lòng sông có rộng không, tầm tên bắn lũ kỵ binh có còn đủ độ căng không?
- Bẩm thượng tướng, chúng tôi có đặt bia ở bên kia sông và đã bắn thử. Vả lại quân ta có thể bất ngờ tung các mô rạ nhảy ra tận mép sông vừa bắn vừa uy hiếp giặc. Chỉ cần bắn vài loạt tên cũng không cần tiêu diệt hết lũ tanh hôi đó mà chỉ giết một số tên để gây hoảng loạn trong hàng ngũ giặc. Và một khi quân kỵ của nó đã bị đánh bại thì các sắc quân khác cũng mất hết tinh thần. Dạ khi ta đã giết một số tên gây hoang mang và cản trở đường tiến quân của giặc, thời tất cả đều rút về con lạch khô kia mà vào làng xóm, dẫu giặc có đổ quân lên bờ cũng là một sự vô ích.
Trần Nhật Duật tỏ vẻ tâm đắc:
- Kế của các ông có vẻ diệu dụng đấy. Nào các ông dẫn ta đi thị sát, nếu được có thể ngày mai ta phục đánh luôn, bởi giặc cũng tiến gần sát đây rồi.
Nhìn quang cảnh nơi mà hai vị đô tướng chọn để tập kích quân xâm lược, thượng tướng Trần Nhật Duật có vẻ hài lòng và ông kéo cả hai người ra phía bờ sông. Nhìn dải nước hẹp lững lờ chảy như chảy trong lòng máng, thượng tướng hỏi: - Đoạn này gần thượng nguồn, ta ngờ ngựa có thể lội qua. Nếu ngựa lội qua được thời phải có mưu kế khác.
Vừa nghe chủ tướng nói xong, hai vị phó tướng liền lắp tên vào cung bắn xuống giữa dòng sông, một lúc cả hai mũi tên cùng nổi trên mặt nước và bồng bềnh trôi theo dòng nước chảy xuôi.
Trần Nhật Duật bèn với lấy cây cung và tự mình lắp tên bắn xuống sông một lần nữa, mũi tên lại nổi phềnh lên. Ông liền kéo hai vị đô tướng cùng ngồi xuống mặt ruộng khô nẻ bàn luôn kế đánh giặc:
- Ý các ông là chỉ cần đánh phủ đầu lũ quân kỵ và quân thủy, gây cho chúng nỗi hoang mang hãi sợ rồi ta lui quân ngay để bảo toàn lực lượng có phải không?
- Bẩm, đúng là như vậy.
- Theo ta, nên diệt gọn không cho một đứa nào sống sót để chúng bớt cái thói huênh hoang ngạo mạn. Ấy là ta nói nó bớt thôi chứ nó không chừa đâu. Trước kia Hán-Đường-Tống đã thế, nay đám nhà Nguyên kế tiếp cũng không hơn gì.
- Bẩm, chủ tướng định diệt hết đám du binh thì diệt bằng cách nào?
- Các ông nghe ta nói, nếu còn gì chưa chắc ăn thì phải bổ cứu ngay chứ đánh đội du binh mà không xong là ê mặt ta đấy. Về đại thể kế của các ông là được, chỉ cần đào một đường hào sâu ngang ngực để quân đứng dưới hào bắn thì người lính mới tự tin, vì nó đỡ chông chênh. Ta định chia quân làm hai cánh phục ở hai bên tả hữu con ngòi này. Ta muốn đưa hẳn một ngàn quân, mỗi cánh quân phục năm trăm người. Khi quân kỵ đi hộ tống ít khi nó đi song song lắm mà thường quân kỵ đi trước thuyền độ một hai dặm. Nếu quân kỵ đi vào giữa ổ phục của quân ta, thì cả hai cánh quân với một nghìn cung thủ thiện xạ lại bắn bằng nỏ liên châu, tên tẩm độc nữa thì chỉ cần một nghìn cánh cung cùng nhả tên một lần, nhưng phải bắn chéo cánh sẻ, ta tin rằng hai trăm thằng giặc Mông Cổ với hai trăm con ngựa nhận năm nghìn mũi tên một lúc thời không còn một mống nào có cơ may sống sót. Cùng lúc nếu thuyền giặc nhận ra quân kỵ bị đánh thì cũng không thể dừng lại kịp, nếu quay mũi thuyền hoặc buông dây lèo, thuyền đi trước có thể dừng được nhưng thuyền đi sau sẽ đâm nát con thuyền vừa quay ngang và hàng loạt các thuyền phía sau cứ thế mà đâm vào nhau và cùng chết chìm. Vả lại dòng sông quãng này hẹp lại mùa khô, nước cạn thuyền cồng kềnh rất khó xoay trở. Còn như đội kỵ binh đi song hành với thuyền thì loạt tên đầu tiên phải ưu tiên cho đám quân kỵ, và ngay lập tức bắn xuống thuyền. Lại cũng phải tập trung bắn vào thuyền thứ nhất, thuyền thứ hai. Hai chiếc đi đầu mất lái, những chiếc đi sau cứ thế tuần tự đâm vào nhau gãy nát hết. Có thể đám quân thủy này chưa diệt hết được nó như đám quân kỵ, nhưng ta tin chúng sẽ trúng tên chết quá nửa. Phần còn lại nhờ hà bá diệt nốt. Ngay trong lúc đại binh của nó chưa nhận biết du binh bị đánh thì hai cánh quân luồn qua đường hào đổ về phía con lạch, và từ phía con lạch đó quân rút về doanh trạm ở trong làng.
Trần Nhật Duật gặng hỏi hai vị đô tướng:
- Các ông thấy ta bổ túc thêm kế của các ông liệu có phần nào diệu dụng không?
Hai vị đô tướng đều hân hoan đáp:
- Đúng là thượng tướng hơn lũ tôi một cái đầu.
- Ta hơn làm sao được các ông, có điều rằng một khi đã bổ túc cho nhau thì nó hoàn hảo hơn. Vậy còn điều gì băn khoăn nữa không? Mọi việc kiến tạo trận địa phải tiến hành gấp trong đêm nay. Đất đào hào phải rải ra rồi phủ rạ lên, mọi điều phải kín nhẹm, cho quân canh gác hai đầu không cho người qua lại. Vẻ suy nghĩ, Trần Nhật Duật dừng lại giây lâu rồi nói: - Còn một việc nữa, cần phải bàn cho cạn nhẽ, rằng ta bày trận chưa bao quát đầy đủ, tức là ta quy ước giặc chỉ đi phía tả ngạn. Đúng ra tả ngạn thuận cho giặc hơn, bởi đường sá tốt hơn và nếu giặc có bị đánh bật lại thì đường lui về Vân Nam không cách trở sông ngòi như bên hữu ngạn. Tuy nhiên, nếu giặc đổi ý lại đổ quân kỵ sang bờ hữu ngạn thì các ông xử lý thế nào?
Tới đây hai vị đô tướng đều ngớ người ra:
- Chủ tướng! Chủ tướng quả là bậc trí tướng. Thảo nào năm ngài mới hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi một mình vào trại Trịnh Giác Mật, thuyết phục được viên đầu lĩnh người Man này toan làm phản trở thành phên dậu vững chắc của triều đình, trong cuộc chiến năm Ất Dậu, cả hai cha con Mật đều lập công lớn.
Trần Nhật Duật khoát tay nói:
- Việc đó không khó, về doanh trại ta bàn tiếp. Bây giờ các ông phải lo cắt cử quân đi lập trận địa mai phục. Và phải có quân thám sát suốt hai triền sông, phải bám sát xem khi nào du binh giặc khởi hành, lại phải xem nó có bất ngờ đổi hành trình, tức là quân kỵ của giặc chuyển từ tả ngạn sang hữu ngạn hoặc ngược lại.
Ngày hôm sau các đô tướng cho quân ra trận địa mai phục từ cuối canh tư khi trời còn tối đen như mực, mưa phùn rắc nhẹ làm cho những người lính vốn ít áo ấm càng thêm rét. Nhưng trong lòng họ thật là hào hứng, họ không ngại dấn thân vào nơi máu lửa thậm chí chết chóc, chỉ mong đuổi được loài giặc dữ, lấy lại sự yên bình cho nước, cho nhà mà làm ăn yên ổn. Họ không có khao khát nào lớn hơn là đất nước được yên bình. Một loáng, các chiến binh đã vào hết các vị trí mai phục. Trời sáng dần, bầu trời mờ đục dưới làn mưa mỏng nhẹ, gió hơi phơ phất. Từng bầy vạc ăn đêm quay về tổ đang hối hả bay ngang trời thả ra những tiếng kêu khan. Những tiếng gà gáy sáng cuối cùng còn rải rác trong xóm thôn cứ vẳng lên ấm áp. Xa xa trong hương ấp loáng thoáng có những làn khói trắng bốc lên trên những mái rạ, nơi đó chắc là bếp nấu ăn của các đội dân binh, đội hương binh còn ở lại bảo vệ làng quê và giúp đỡ quân triều đình khi cần. Chính cái màu khói bếp kia lại làm cho các chiến binh đang mai phục nơi trận địa thêm vững dạ. Các chiến binh khi ra trận địa đã ăn no, lại đem theo nước uống và cơm nắm cho bữa trưa để tiện việc phục kích lâu dài.
Mặt trời đã lên ngang ngọn cây, hoe hoe nắng nhạt, mưa bụi đã tạnh hẳn, những giọt mưa đọng trên lá cây ngọn cỏ như những hạt sương đã thấm hết vào cỏ cây hoa lá. Bầu trời lúc này xuất hiện mấy con chim cắt dang rộng hai cánh lượn lờ trên cao với vẻ thanh thản tưởng như chúng đang thảnh thơi chơi nhởi, kỳ thực những cặp mắt tinh ranh kia đang soi mói tìm mồi nơi mặt đất.
Bầu trời và cả mặt đất lúc này yên ắng đến lạ thường. Quá trưa, quân thám về báo hôm nay chưa có dấu hiệu gì giặc sẽ tiến quân. Và từ sáng vẫn chưa có đội du binh nào xuất trại. Trái với lệ thường, hàng ngày giặc cho du binh ra khỏi trại tới vài chục dặm để thám sát tình hình rồi quay lại. Hoặc nếu là ngày giặc tiến quân vẫn cho du binh đi trước vài chục dặm rồi quay lại đón đại quân xuất phát. Nếu có đại quân ở phía sau thì du binh chỉ đi trước một đoạn khoảng mười dặm.
Vì chưa có dấu hiệu gì căng thẳng, các đô tướng được lệnh cho quân ngủ tại chỗ để lấy sức. Chừng một canh giờ sau quân được đánh thức dậy và chuẩn bị sẵn sàng chờ giặc đến. Quá giờ mùi, vẫn chưa có tin tức gì, ai nấy đều nghĩ hôm nay có nhẽ giặc cấm trại để mai mốt tiến quân đánh lớn. Các tướng đã nghĩ đến việc chập tối sẽ cho quân rút khỏi trận địa mai phục. Thế nhưng chừng giữa giờ thân, quân thám về báo, du binh của giặc đã ra khỏi trại.
Các đô tướng đi kiểm tra lại trận địa, đến từng nơi người lính mai phục vỗ về, khích lệ. Mọi việc đã sẵn sàng. Thời cơ lập công đã đến, sĩ khí lên cao chưa từng thấy.
Khoảng cuối giờ thân, toán quân kỵ của giặc đã đi gần ngang trận địa quân ta mai phục thì tên đi đầu dừng ngựa. Y quay đầu ngựa nói gì với đám quân ở phía sau rồi y giơ roi ngựa trỏ xuống lòng sông, lập tức mấy đứa hất bả vai ra lấy cung lắp tên bắn xuống nước. Giặc có ý định vượt sông, các tướng thầm đoán. Nếu chúng vượt sông ở quãng đó thì quân ta phải chạy bộ về phía ấy đón đánh, chắc không một tên Mông Cổ, một con ngựa Hồ nào có thể sống sót mà lên bờ. Thế nhưng giặc lại đi vào khu vực quân ta ước định cho quân bắn chéo cánh sẻ thì chúng dừng lại. Dường như chúng bàn nhau cho ngựa vượt sông. Đúng lúc đó một tiếng nổ ầm vang như sét đánh, trống đồng, trống da thúc đến lộng óc và hàng loạt tên bay chéo đan cài vun vút về phía quân kỵ bên kia bờ sông. Giặc còn chưa định thần xem chúng bị quân phục từ đâu thì người, ngựa cứ rầm rập đổ ngã như những cây chuối bị phạt gốc. Thây người, thây ngựa nằm đè lên nhau, tiếng ngựa rống, tiếng người kêu cứu nghe thảm thiết. Những tên kỵ mã ở cuối hàng quân quay đầu ngựa chạy không còn hồn vía, bỏ mặc đám thuyền bè đang thuận gió lao xuôi. Khoảng mười lăm con thuyền buồm căng gió khi chiếc đi đầu vừa nhận ra quân kỵ phía trước bị đánh, viên cầm lái nới dây lèo cho cánh buồm vát gió để lựa quay mũi thì hàng loạt tên ở trên bờ hữu ngạn bắn xuống như mưa, dây lèo đứt, tên cầm lái gục xuống buông cả tay lái lẫn tay lèo, con thuyền quay ngang, các thuyền khác cứ thế đâm vào nhau răng rắc gãy. Tên bùi nhùi bắn xuống chồng đống tạo ra các đám cháy trên thuyền. Giặc hết đường chống trả ào ào nhảy xuống sông. Lúc này quân ta bật ra khỏi hào cứ đứng trên bờ bắn thẳng xuống. Dòng sông đã dần dần nhuốm một màu đỏ nhờ như màu phù sa. Ấy là máu giặc.
Hoàng hôn trùm xuống, bầu trời thâm lại. Các viên đô tướng thu quân về trại. Trận đánh diễn ra nhanh chóng và quá bất ngờ nên giặc không biết đường nào mà chống cự. Số hai trăm quân kỵ may ra vài chục đứa chạy thoát, còn khoảng ba, bốn trăm quân thủy không biết có đứa nào còn sống sót.
Về trại, thượng tướng Trần Nhật Duật cho mở tiệc khao quân ngay trong đêm. Khích lệ quân sĩ và vinh thăng những người có công cao. Ông nói:
- Từ ngày giặc xâm phạm cõi bờ ta đến nay đã sáu, bảy ngày rồi. Quân ta mới có hai trận phục kích nhỏ. Trận này do có chuẩn bị tốt, lại bất ngờ nên ta vừa nhàn sức vừa giết được nhiều giặc. Sau trận này, ắt giặc phải dò chừng khi đi lại trên đất ta.
Ngừng lại giây lát, thượng tướng nói tiếp: - Các ông thử phán đoán xem, hôm nay du binh giặc xuất trại muộn, ta ngờ giặc sẽ kéo đại binh về thẳng Bạch Hạc. Vì vậy chỗ thuyền giặc đắm buổi chiều, ta muốn đưa thêm vài thuyền đá đến chặn giặc ngay đêm nay. Sau đó chỉ để một số quân nhỏ cùng với dân binh phục xung quanh khu vực để bắn tỉa khi chúng cho quân dọn các thuyền đắm lấy đường cho chúng xuôi Bạch Hạc.
Đô tướng Ngô Thùy nói:
- Ý của chủ tướng là đêm nay giặc có thể xuôi về vùng Tam Đái[47] và vì thế ngài muốn lui về phối cùng số quân tại đó lập trận địa kháng giặc.
- Đúng thế, theo ta nếu đêm nay giặc cho quân dọn dẹp lòng sông, nhanh lắm cũng phải giờ thân ngày mai mới thông được. Ngay bây giờ các ông phải cho quân đi lấy thuyền xếp đầy đá rồi đánh đắm cùng với đám thuyền giặc vừa bị quân ta đánh đắm chiều nay. Và dõi theo tình hình giặc cho chặt chẽ, nếu đêm nay chúng đến thì phải đánh để làm chậm bước tiến của giặc.
Nửa đêm, vẫn chưa có tin tức gì về việc giặc sắp tiến binh, thượng tướng Chiêu Văn vương liền cho lệnh nhổ trại. Nửa canh giờ sau hai quân thủy bộ đã lên đường xuôi về Bạch Hạc.
Trong tay có ba vạn quân nhưng Trần Nhật Duật chỉ tung vào trận hai vạn, còn một vạn quân nữa dùng vào việc ứng cứu, tiếp viện. Biết rằng A-ruc, A-tai và Mang-khu-đai đem theo năm vạn quân thủy, quân kỵ, quân bộ từ nẻo Vân Nam tiến vào, qua vài trận đánh nhỏ lẻ, giặc tuy có sứt mẻ nhưng chưa đáng kể. Nay ông định đánh một trận lớn để tiêu hao sinh lực giặc và cũng làm bớt nhuệ khí của giặc rồi lui quân để bảo toàn lực lượng toan tính việc đánh bại giặc, đuổi nó ra khỏi cõi bờ như Quốc công dự liệu.
Về trận đánh quy mô ở ngã ba Bạch Hạc này, cuối năm ngoái đầu năm nay ta đã cho diễn tập, đích thân quan gia đã về đây thị sát. Nhà vua tỏ vẻ hài lòng vì binh sĩ khỏe mạnh, tận tâm luyện tập và đều có chí giết giặc lập công. Sau đó, ta lại được điều làm tướng cầm đầu một đạo quân trong cuộc đại diễn tập đánh vào Vạn Kiếp. Có nhẽ cuộc xâm lăng của giặc diễn ra năm nay đúng như anh Quốc Tuấn dự đoán chăng.
Lại nói về mấy chục đứa tù binh bắt được hôm trước, thuần một lũ quân Giang Nam khờ khạo chẳng biết gì, trong đó chỉ có ba tên là tiểu đô tướng cai quản mấy chục tên quân và tất cả đã yên phận làm nô lệ cho ngoại bang Mông Cổ, chúng chẳng hề quan tâm đến sự mất còn của nước Trung Hoa, và chúng cũng không hề biết việc chúng vào xâm lược nước ta là việc làm có tội. Cho tới khi chúng bị bắt và được ta giảng giải chúng mới vỡ lẽ và tỏ ra vô cùng sợ hãi, đứa nào cũng run sợ, quỳ lạy, xin tha mạng.
Nửa đêm quân đã về hội đủ, Trần Nhật Duật cho nhóm họp ngay các tướng.
Quân thám về báo rằng cả ngày hôm nay phía trại giặc đều cấm trại, không có du quân, chỉ có quân tuần canh rất nghiêm ngặt quanh khu vực giặc hạ trại. Và tại đại bản doanh của tướng giặc treo cờ rủ. Chúng nó để tang nhau như vậy là chết nhiều, cả số quân kỵ lẫn quân thủy và trận trước đó nữa phải tới hơn nghìn tên. Việc này không thể không ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ giặc.
Trần Nhật Duật không chỉ triệu mấy vị phó đô tướng mà ông cho triệu tất cả đô tướng các cấp, một phần cho họ thông hiểu chức phận của từng công việc, phần khác cho họ hình dung đầy đủ chiến trận sẽ diễn ra trên một địa bàn rộng lớn như thế nào và cả sự ác liệt nữa để cho họ trở về khích lệ ba quân.
Treo tấm bản đồ lên vách trại, nhìn khắp lượt chư tướng, Trần Nhật Duật nói:
- Bữa nay không bàn nữa, vì ta với các ông đã bàn kỹ rồi. Địa hình các ông cũng thuộc nằm lòng rồi, cho nên ta chỉ nhắc lại phận sự các ông phải đánh cho thật linh hoạt. Đây là một đại trận, không còn yếu tố quá bất ngờ với giặc nữa. Giặc vừa có quân kỵ, quân bộ và quân thủy, ta lừa giặc vào ngã ba sông hãy đánh, khi ấy quân bộ và quân kỵ của giặc không còn liên kết được với nhau nữa sẽ thuận cho ta hơn. Các ông nhớ răn các đô tướng dưới quyền, chớ có ham đuổi giặc sát bờ, quân kỵ Mông Cổ có thuật quăng thòng lọng bắt người rất giỏi, phải răn cả binh sĩ nữa, chớ ham chiến mà phải hối đấy.
Ngừng một lát, Trần Nhật Duật lại gạn hỏi:
- Các ông còn điều gì cần nói hoặc cần hỏi nữa không.
Nguyễn Khoái xin nói:
- Thượng tướng cho biết khi quân ta rút thì rút về thẳng Thăng Long hay về giữ sông Thiên Đức để chặn giặc tiến vào Thăng Long?
- Phải giữ sông Thiên Đức để che chắn cho Thăng Long và chờ soái lệnh của Quốc công tiết chế. Và các ông phải nhớ kỹ, tuy đây là một trận đánh lớn nhưng cũng chỉ là đánh ngăn bước tiến của giặc, đánh tiêu hao giặc chứ chưa tiêu diệt hết được nó đâu. Giặc mới vào, sức nó đang cường, phải tản mỏng nó ra rồi mới đánh tiêu diệt từng cụm nhỏ của nó, vừa chắc thắng, vừa đỡ hao tổn máu xương sĩ tốt.
Mọi người vẫn im lặng lắng nghe, Trần Nhật Duật nhìn về phía đông đảo các đô tướng và tiểu đô tướng hỏi:
- Những điều ta vừa nói, chư vị hiểu cả chứ? Có ai còn điều gì mắc mớ muốn hỏi cứ hỏi tự nhiên. Trận mạc là chuyện có quan hệ đến sinh mệnh con người, phải hiểu cặn kẽ từ việc rất nhỏ chứ không thể qua loa đại khái được.
Nghe chủ tướng hỏi, mọi người thấy ấm lòng và đồng thanh đáp:
- Tạ ơn thượng tướng, chúng hạ cấp thông tỏ phận sự cả rồi, xin chủ tướng cho về trại quân còn lo việc nghênh địch.
Trần Nhật Duật sai quân rót rượu mời mỗi người một bát. Tay nâng bát rượu đi vòng quanh mọi người, ông nói: - Bữa nay ta mời các ông mỗi người một bát, thắng trận này ta sẽ khao lớn và uống thật say.
Mọi người vui vẻ nâng bát rượu lên ngang mày và cùng hô:
- Chúc chủ tướng vạn an! Chúc quân ta đại thắng!
Các tướng ra về rạo rực niềm vui.
Thượng tướng Trần Nhật Duật cho quân mai phục đón lõng ở ngã ba sông và cho mười lăm chiếc thuyền nhẹ ngược sông Thao để dụ giặc.
Mấy ngày nay thời tiết xấu, bầu trời ảm đạm và như thấp hẳn xuống, gió phơ phất, mưa dầm cứ lây phây lất phất suốt ngày. Vì mưa kéo dài nên đường sá đi lại trở nên trơn lầy, vài ba chục vết chân người hoặc trâu bò đi qua đã làm cho mặt đất nhão ra. Đồng ruộng, rừng cây xa trông chỉ là một đống mờ nhòe nhức mắt. Mặt sông lúc nào cũng có màu trắng nhờ nhờ, cách vài mươi trượng đã không còn phân biệt được hình người với bụi cây nữa.
Từ sớm tinh mơ thượng tướng Trần Nhật Duật đã ra bến sông xem trận địa và quan sát thời tiết. Trời vẫn lắc rắc mưa. Mưa giăng mờ cả mặt nước sông và bờ bến. Trần Nhật Duật mừng lắm, nếu thời tiết cứ kéo dài thế này rất lợi cho quân ta, mà giặc thì không thể chờ mãi cho tới khi nào thời tiết đẹp mới tiến binh. Vả lại, nếu giặc không động binh ta sẽ cho quân tập kích.
Khoảng giờ thìn quân viễn thám báo về: - Từ cuối giờ tí sớm nay, hết thảy quân giặc đã chuyển quân, mã, bộ, thủy đều theo đường sông Thao tiến xuống phía ngã ba Bạch Hạc và hiện thời quân kỵ và quân bộ của chúng mới chiếm lĩnh phía tả ngạn chứ chưa có dấu hiệu chúng chuyển sang hữu ngạn. Vậy là giặc còn cách Bạch Hạc chừng bảy mươi dặm nữa. Trần Nhật Duật ra ngoài trời xem thời tiết, vẫn mưa bụi lây rây, bầu trời vẫn u ám và đứng gió. Ông nhẩm tính: - Tuy xuôi nước, nhưng vào những ngày này là ngày nước lừa lúc lên lúc xuống, giặc lại dùng thuyền to nên không thể đi nhanh được. Quân kỵ của chúng có sức đi nhanh tới sáu, bảy chục dặm[48] một giờ[49] nhưng chúng không thể bỏ mặc quân bộ và quân thủy. Vì vậy, nếu thời tiết không thay đổi thì trong khoảng giờ tuất[50] đến giờ hợi[51] giặc sẽ lọt vào khu vực trận địa ngã ba sông này. Thế nhưng nếu trời hửng nắng lại có gió, thuyền đi nhanh mặt đường lại se thì quân bộ cũng đi nhanh hơn, giặc có thể tới Bạch Hạc vào khoảng giờ thân[52] hoặc giờ dậu[53]. Ông nhẩm tính - về mùa này cuối giờ thân đầu giờ dậu đã vào khoảng tranh tối tranh sáng.
Thượng tướng Trần Nhật Duật nhẩm tính: - Ngoại trừ giặc dừng lại giữa chừng cắm trại thì không kể, còn như giặc cứ đi tiếp thời vào các giờ đó rất thuận cho quân ta tác chiến. Từ Bạch Hạc ngược lên khoảng ba chục dặm rất nhiều nhánh sông nhỏ thông ra với sông Cái, chỉ thuyền nhỏ mới ra vào được. Từ các nhánh sông nhỏ này ta đã cho quân phục đổ ra khiêu chiến làm rối loạn hàng ngũ giặc, làm cho binh sĩ giặc hoảng loạn khi đi sâu vào đất ta. Tính ra cứ năm, mười dặm lại có một nhánh sông nhỏ ăn thông ra với Thao giang. Xem ra tới lúc này giặc vẫn chưa có ý định đưa quân kỵ và quân bộ sang hữu ngạn.
Trần Nhật Duật đã sai các tướng và chia quân đi các ngả đón lõng giặc để lùa nó vào nơi mà ta đã mai phục. Ông tự biết quân mình chưa bằng phân nửa quân nó, nên chỉ có thể đánh tiêu hao làm nhụt nhuệ khí giặc rồi lui quân bảo toàn lực lượng, chờ khi giặc mệt mỏi ta mới phản công đánh lớn. Tới thời cơ đó hoặc là diệt sạch sành sanh, hoặc là đuổi không còn một bóng quân thù nào trên đất nước ta.
Nghĩ tới đội quân xâm lược, Trần Nhật Duật thấy lần này ông lại chạm trán với những tên tướng giặc lần trước đã bị ông chặn đánh và khi quân ta phản công đuổi giặc vào phút chót, lũ tướng giặc này đã lâm tình thế thập tử nhất sinh mới ra khỏi được đất ta, thế mà bây giờ lại vênh vang, cả tên đầu sỏ Thoát-hoan được cha nó phong cho làm Trấn Nam vương cũng đều là một lũ bại tướng cả thôi. Tuy nhiên, ta phải răn bảo nhiều lắm các thuộc hạ không được coi thường giặc. Kẻ nào dám coi thường giặc cũng có thể xem như kẻ đó đã thua trận.
Gần trưa, mặt trời hơi lóe trên nền mây xám xịt, mưa dầm đã tạnh hẳn nhưng không gian vẫn nhuốm màu sương trắng đục, tầm nhìn trong khoảng vài dặm có thể phân biệt được người với vật. Khoảng đầu giờ thân thì mây đen ùn ùn kéo kín cả bầu trời, gió bắc thổi vù vù lạnh buốt. Và tới khoảng giữa giờ dậu, gió ngừng thổi, mưa bụi giăng mắc khắp bầu trời khiến tầm nhìn trở nên mung lung mờ ảo, cách chừng một dặm đã khó phân biệt được vật này với vật khác.
Tin tức quân thám đưa về từng khắc[54] theo dõi chặt chẽ mỗi bước đi và mỗi động tĩnh của giặc. Đúng là giặc không có ý định đưa quân sang phía hữu ngạn. Nhưng cũng không có dấu hiệu giặc có ý định dừng quân giữa đường. Vậy là giặc tiến thẳng về Bạch Hạc rồi từ đó xuôi sông Phú Lương[55] về Thăng Long hoặc giặc xuôi Vạn Kiếp phối cùng Thoát-hoan. Căn cứ vào tốc độ hành binh của giặc từ nửa đêm tới giờ, thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật ước đoán trong khoảng giờ tí hoặc giờ sửu sớm mai giặc mới về tới Bạch Hạc. Như vậy cuộc đối đầu với giặc sẽ diễn ra từ giờ sửu[56] tới giữa giờ dần[57] thì kết thúc. Phải đánh cho giặc những đòn đau nhớ đời mà giặc không nhận biết rõ ràng về thuyền bè, khí giới và cả quân sĩ của ta. Và nếu như giặc lọt vào trận địa mai phục của ta sớm hơn thời ta cũng kết thúc trận đánh sớm hơn. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào diễn biến của trận đánh.
Trăng thượng huyền vừa nhô lên với một quầng sáng mờ nhòe đã bị mây đen bao phủ, và nó cũng mất hút luôn để lại một bầu trời đen kịt. Mưa phùn vẫn dai dẳng rắc nhẹ bụi nước lâu dần đọng thành giọt và thấm ướt cả lần áo ngoài của những người lính đang căng tai ra lắng nghe động tĩnh từ xa. Cho quân lặn xuống nước sâu hoặc chèo thuyền sang phía bờ tả ngạn, áp tai xuống mặt đất lắng nghe tiếng động, cả hai mặt thủy bộ đều chưa có âm thanh nào vọng lại, chứng tỏ giặc còn ở khá xa. Lại nữa, quân thám về báo giặc còn cách ta vài chục dặm, thượng tướng cho phép quân được hút thuốc lào nhưng không được để lộ ánh lửa. Lại cho quân được phép vào trong khoang thuyền ngủ ngồi nửa khắc canh giờ.
Lệnh vừa ban xuống, mùi khói thuốc hăng nồng phảng phất khắp đó đây. Và ngay lập tức những người lính vừa ôm vũ khí vừa ngủ lăn lóc mặc cho gió bấc lạnh buốt như cào da xé thịt.
Khoảng giữa giờ hợi, quân thám về báo, giặc chỉ còn cách ngã ba Bạch Hạc non hai chục dặm, nhưng chúng đi thận trọng hơn chứ không đi nhanh như các đoạn trên. Trần Nhật Duật sai đánh thức binh sĩ dậy và phải vào ngay các vị trí sẵn sàng chiến đấu. Sang đầu giờ tí, mưa tạnh hẳn, không khí vẻ như ấm hơn, bầu trời trong lại, và sáng dần lên, thoáng lát mây mù phủ trắng trời, chỉ cách mươi bước chân là không còn nhìn rõ mặt nhau nữa. Lớp lớp những mảng mây trắng nhẹ như khói bồng bềnh trôi không còn phân biệt đâu là mặt sông đâu là bờ bến.
Từng vào sinh ra tử đương đầu với các tướng giặc khét tiếng hung bạo từ những năm hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi, chưa bao giờ Trần Nhật Duật cảm thấy hồi hộp như lúc này, thượng tướng có cảm giác như Trời - Đất đang tỏ lộ sự giận dữ với kẻ ác, che chở cho người thiện và dường như hồn thiêng sông núi cũng dâng hiện về phù giúp con cháu vững tâm đánh giặc nên mới tạo ra được thời tiết như thế này. Thời tiết này là che mắt giặc.
Thượng tướng chỉnh lại chiếc mũ đâu mâu khâu ghép bằng bốn lần da dê có đuôi phủ kín gáy và nắn lại tấm giáp hộ tâm rồi đứng nghiêm trang mặt ngửa lên Trời vái năm vái, lại cúi xuống Đất vái năm vái và lầm rầm khấn: “Xin Trời - Đất chứng cho, dân Đại Việt hiếu hòa mà bỗng dưng trong bốn năm giặc Nguyên tàn bạo hai lần xâm lấn gây không biết bao nhiêu tội ác man rợ. Xin Hoàng Thiên - Hậu Thổ phò trợ dân tôi đánh tan loài quỷ hôi tanh để giữ yên bờ cõi bảo vệ giống nòi. Xin anh linh các liệt tổ và hồn thiêng sông núi độ cho toàn dân sức mạnh đánh bại kẻ thù!”.
Đâu đó từng đàn vạc bay ngang trời đánh rơi mấy tiếng kêu thảng thốt, và chốc chốc lại có đàn vịt trời bốc bay phả tiếng đập cánh vào không gian tĩnh lặng. Bỗng tiếng sóng dội ầm ào, tiếng vó ngựa dập dồn và cả tiếng người nói hòa vào với tiếng sóng nước mỗi lúc một rõ hơn, to hơn. Thượng tướng biết giặc đang ló khúc đầu vào trận địa ông đã mai phục sẵn. Và giờ khắc đi vào lịch sử của ngã ba sông này đã sắp điểm. Dường như hàng vạn quân sĩ của ông đang nín thở giương cung chờ tiếng pháo lệnh.
Bất chợt một tiếng nổ ầm vang như tiếng sấm rồi tiếng chiêng, tiếng trống đồng, tiếng kèn, đồng loạt khua vang tạo thành một sóng âm dồn dập, dồn dập. Và hàng trăm quả pháo thăng thiên rạch bức màn sương trắng xóa soi rõ đoàn thuyền giặc đang ngỡ ngàng, nhốn nháo và cả đám quân kỵ của giặc ở phía bên kia sông cũng đang lọt vào tầm ngắm của các cung thủ Đại Việt.
Lập tức hàng ngàn mũi tên bùi nhùi bắn chụm vào mấy chiếc soái thuyền đi đầu của giặc. Cùng lúc cả trăm chiến thuyền cỡ nhỏ của quân ta đang ẩn nấp ven bờ bãi, ngòi lạch nhất tề xông ra đánh xáp lá cà với thuyền giặc. Mấy chiếc soái thuyền của giặc đang đùng đùng bốc cháy, và có nguy cơ cháy lan sang những chiếc khác; quân chúng đang nháo nhác dập lửa cứu thuyền. Những chiếc đi sau không hãm kịp nên đâm vào nhau, chiếc thì vỡ mũi, chiếc thì thủng mạn và chúng cứ dính bện vào nhau không quay trở được trong khi lửa ở các thuyền bên cứ bốc cháy đùng đùng, và quân Đại Việt từ các thuyền nhỏ cứ nhằm bóng quân giặc loang loáng trước ánh lửa mà phóng tên độc. Giặc chết, đứa nọ ngã chồng lên xác đứa kia chất thành đống. Quân Đại Việt bắc thang dây leo lên thuyền giặc dùng đoản đao lao vào những tên giặc to lớn hơn mà đâm mà xỉa. Bọn giặc rất sợ sa chân ngã xuống sông nên thường tìm cách né tránh. Quân ta nhảy bổ vào ôm ngang lưng giặc kéo nó ra mạn thuyền vật lộn và tìm cách đẩy cho nó hẫng chân rồi ôm nó lăn tùm xuống nước. Giặc bỏ những thuyền cháy không cứu chữa nữa mà chúng vón lại tựa vào nhau để chống cự. Trong khi đó các loại chiêng trống, kèn, tù và từ phía bờ hữu ngạn cứ ầm vang khiến kẻ yếu bóng vía phải đưa tay lên ôm đầu, che tai hoặc đỡ ngực. Chừng nửa giờ sau thuyền giặc dồn về với số lượng đông gấp bội thuyền của quân ta, lúc này giặc đã chấn chỉnh được đội hình, hình thành thế bao vây quân ta. Các thuyền của ta nhỏ hơn nên luồn vào giữa hai khe thuyền của giặc, quây chúng lại từng dăm bảy chiếc một mà đánh. Giặc không thể thực hiện được ý đồ của chúng là dùng thuyền lớn với số lượng áp đảo để vây quân ta lại mà bắt sống.
Lúc này các thuyền cháy đã chìm nghỉm, quân bộ của ta từ trên bờ lại nhằm vào các thuyền tới sau của giặc mà bắn tên lửa[58]. Trong khi hậu quân của giặc bị thiêu cháy thì tiền quân của giặc đã bị quân ta kéo xa về phía ngã ba sông, nơi đó mặt nước mênh mông, quân bộ và quân kỵ của giặc chỉ bó tay đứng nhìn và thỉnh thoảng có chiếc thuyền nào đó tháo chạy về phía bờ tả ngạn thì quân kỵ, quân bộ lăm lăm bảo vệ.
Được dặn dò từ trước, thuyền của quân ta tuyệt nhiên không đuổi theo giặc về phía bờ tả ngạn, cả những người lính khi đã dìm chết giặc ở dưới nước nếu không trở lại thuyền được cũng chỉ lặn hoặc bơi về bờ hữu ngạn.
Quân ta đã kéo giặc đứt thành mấy đoạn, nhưng chúng đều cụm lại với nhau để chống cự.
Khi ta kéo được giặc ra giữa ngã ba sông thì âm thanh trên bộ cứ mỗi lúc một rộ lên khủng khiếp, và khi các tiếng trống đồng, tiếng chiêng vừa ngừng khua thì lập tức có tới cả vạn tiếng hô đồng thanh: “Sát Thát! Sát Thát! S…át…Th…á…t!…” Tiếng “Sát Thát” và tiếng chiêng trống cứ thay nhau làm huyên náo cả bầu trời và làm dậy sóng mặt sông. Lại một loạt tiếng nổ rầm trời như tiếng sét và cả ngàn quả pháo thăng thiên phụt lên tạo thành một bầu trời sao phủ kín mặt sông.
Quân ta vẫn áp sát giặc, nhảy lên cả những chiếc thuyền lớn của giặc mà đánh. Nếu giặc tập trung chặn quân ta ở mũi thuyền thì quân ta lại leo lên từ đằng lái và đánh vào sau lưng nó. Tiếng kim khí chém, bổ tóe lửa. Phần nhiều quân ta không đánh những tên đã áp lưng vào khoang thuyền để chống đỡ mà chỉ đánh những tên ở thế chông chênh, một là dồn nó ra phía ngoài rồi đâm nó ngã xuống sông, hai là húc đầu vào bụng nó để cùng ngã. Khi thuyền giặc kéo tới với số đông áp đảo, thì tất cả quân ta đều bỏ thuyền nhảy ào xuống sông. Chưa một tên giặc nào dám nhảy theo quân ta. Bởi chúng rất sợ tài bơi lặn của người Giao Chỉ. Chúng thường phao ngôn trong đám quân người Hán rằng: “Quân Giao Chỉ có thể đi chìm trong nước cả ngày không cần ngoi lên để thở”. Và: “Quân Giao Chỉ có thể đang đêm đục đáy thuyền làm đắm thuyền giết chết đối phương trong lúc đang ngủ là chuyện bình thường”… Chính những lời đồn đại ấy mà giặc sợ quân thủy của ta như sợ thần Hà Bá[59].
Đúng lúc hàng ngàn quả pháo thăng thiên vừa vụt tắt thì từ nhiều phía chiến thuyền của quân ta lại xông ra tiếp chiến. Đây là số quân tiếp viện đông tới một vạn, lúc này thượng tướng Trần Nhật Duật mới tung thêm vào trận. Trong số một vạn quân này chia làm hai cánh do các tướng Hà Anh và Lê Thạch tổng quản.
Tướng Lê Thạch dẫn năm ngàn quân trên hai mươi lăm chiến thuyền, lao thẳng vào trung tâm quân giặc với hàng trăm thuyền lớn nhỏ chúng đang quây chụm vào nhau ở giữa ngã ba sông để chống đỡ với quân ta.
Đoàn thuyền của Lê Thạch như một mũi khoan nhọn hoắt khiến thuyền giặc phải giãn ra về hai phía tựa như chiếc xích sắt vừa bị đứt tung một mắt.
Tưởng quân ta sẽ xông vào cái vòng vây giặc vừa hé cửa, viên hữu thừa A-ruc, tên tướng Mông Cổ đã bị Trần Nhật Duật đánh cho thua liểng xiểng cũng trên khúc sông này mới cách đây bốn năm trước, y hạ lệnh:
- Cứ để cho thuyền Giao Chỉ lọt vào rồi khép chặt vòng vây bắt sống.
Lê Thạch không những không bị giặc lừa mà ông cho quân đánh ráo riết khúc đầu khi giặc vừa tỏa ra. Với tất cả các thứ khí giới lợi hại như hỏa tiễn (pháo sáng) bắn lên để soi tìm giặc, rồi hàng loạt tên bùi nhùi bắn vào một điểm cho thuyền giặc bốc cháy. Chỉ cần một hai thuyền giặc bốc cháy là đủ ánh sáng để quân ta dùng nỏ liên châu vãi tên về phía quân giặc. Không một bóng quân nào của giặc thấp thoáng bên ánh lửa mà không nhận được một vài mũi tên tẩm độc.
Trong khi tướng Lê Thạch và quân sĩ của ông đang gan góc quyết chiến với giặc thì tướng Hà Anh cùng năm ngàn quân và hai mươi lăm chiến thuyền lại chọc thẳng vào sườn bên hữu của giặc buộc chúng phải giãn ra để thủ hiểm. Và như vậy cả hai tướng đã tháo tung chiếc xích khổng lồ của giặc ra và hai tướng đang quây khoảng năm sáu chục chiến thuyền của giặc lại mà tiêu diệt.
Đô tướng Nguyễn Khoái cỡi trên một chiếc thuyền nhỏ xông xáo chỉ huy quân đánh địch và giữ liên hệ chặt chẽ với thượng tướng Chiêu Văn vương.
Cùng với số quân tiếp ứng, hai vạn quân đã dàn trận từ trước vẫn đang bám sát giặc mà đánh. Nhiều chiến thuyền lớn của giặc đã bị quân ta đột nhập đánh giết tơi bời, giặc phải dồn tụ về phía khoang lái, chúng tựa lưng vào vách thuyền, tựa lưng vào nhau chĩa giáo nhọn ra bốn phía để chống đỡ.
Quân ta ném hỏa hổ vào, giặc hoảng loạn hú hét như cả bầy chó ngao bị sa bẫy. Đứa nào liều lĩnh xông ra liền bị đao sắc của quân ta chém bay đầu. Và ngay lập tức quân ta lùng sục những gì có thể cháy đem chất đống xung quanh khoang thuyền phóng lửa đốt và lùi xa về phía mũi thuyền, nỏ liên châu đã giương lên, giặc chạy ra sẽ không một đứa nào thoát chết.
Lửa bốc loang loáng, cháy trùm lên khoang lái và đang cháy lan về phía mũi thuyền. Quân ta nhất loạt nhảy ùm xuống nước, bỏ mặc hàng trăm xác giặc với chiến thuyền mang hiệu cờ Đại Nguyên chìm dần như một chiếc quan tài không nắp đậy.
Vừa khai chiến, quân ta đánh đòn phủ đầu rất gấp, khiến giặc trở tay không kịp, quân lính hoảng loạn lại không quen thạo sông nước nên chúng bị tiêu diệt khá nhiều. Có tới cả chục chiến thuyền giặc bị quân ta ép sát vào bờ hữu ngạn, số thuyền này phần lớn quân giặc bị giết, số còn lại bị bắt sống, thuyền bị đánh chìm xuống đáy sông.
Trong khi đó phía bên tả ngạn đám quân kỵ của giặc cứ xa dần với quân thủy vì mặt sông lúc này trở nên bát ngát, bầu trời vẫn mờ mịt như bị bịt mắt khiến các tướng giặc như A-tai, Mang-khu-đai những danh tướng lẫy lừng, tay chân thân tín của Hốt-tất-liệt được phái đi trợ giúp cho Thoát-hoan mà bây giờ phải bất lực lắng nghe tiếng giao chiến trên mặt sông và không biết quân mình thắng thua thế nào. Tiếng trống khua, tiếng kèn thúc, tiếng hô “Sát Thát” từ bên kia sông dội sang như những lời thóa mạ thách thức của quân Đại Việt khiến những tên tướng Mông Cổ hung hãn và cả đám quân kỵ hung hăng kia tức đến vỡ mật.
Tướng giặc Mang-khu-đai cho quân đi sát mép sông lắng nghe động tĩnh, sẵn sàng dây thừng, thòng lọng để ứng cứu cho đám quân thủy khi cần.
Mang-khu-đai và A-tai thả lỏng cương cho ngựa đi nước kiệu dọc theo hàng quân mà lòng đầy bực bội. Vì rằng quân khỏe, ngựa tốt gặp khi giao tranh thì lại thúc thủ như lũ gà què.
Mang-khu-đai cho ngựa đi song hành với A-tai, y nói với vẻ bực giận:
- Quân Giao Chỉ giảo quyệt, chúng chọn đúng lúc trời mù sương và giữa mặt sông lớn để chặn đánh quân ta khiến kỵ đội thiện chiến của ta trở nên vô dụng. Nếu giữa ban ngày trời quang mây tạnh nơi đồng ruộng ráo khô, ta thề sẽ giết hết bọn chúng không cho một đứa nào được sống. Nếu bắt được Trần Nhật Duật ta phải mổ bụng xem gan mật nó to đến mức nào mà dám chống lại thiên binh, kháng mệnh thiên triều.
Quân ta đang ham đánh, nhưng Trần Nhật Duật biết ta chỉ có thể làm tiêu hao chứ chưa thể tiêu diệt được toàn bộ quân giặc trong trận đầu đấu sức này. Và trận đánh đã kéo từ đầu giờ tí nay cũng tới nửa giờ sửu rồi, ông hạ lệnh thu quân.
Tướng giặc vào loại tinh tường xảo quyệt, khi nghe hiệu trống, hiệu kèn hơi khác, chúng nghi là đối phương có thể lui binh hoặc sẽ thêm quân đánh lớn hơn nữa. A-ruc ngầm sai các đô tướng phải bủa vây đón lõng chờ khi thuyền quân Giao Chỉ tháo chạy thì chặn bắt lấy.
Thấy phía thuyền giặc chuyển dịch khác thường, Trần Nhật Duật sai hơn ba chục chiến thuyền nhỏ, mỗi thuyền chỉ để khoảng mười tay chèo lái giỏi xông thẳng vào giữa trung quân của chúng. Trong khi đó thì kèn, trống lại thúc inh ỏi như thể hiệu lệnh tiến công và tiếng hô: Sát Thát! Sát Thát! lại dội vào tai giặc như những mũi tên tẩm độc.
Quả nhiên đội thuyền nhỏ của quân ta đã hút được giặc về gần bờ tả ngạn. Và khi giặc khép chặt vòng vây dồn quân ta lại cũng là lúc hầu hết các cánh quân của ta đã rút về các ngả sông được quy ước từ trước giờ xuất quân.
Lúc này hơn ba chục chiến thuyền nhỏ của ta đã kéo được vòng vây giặc về gần bờ sông phía tả ngạn. Và một tiếng hô “Sát Thát” cực lớn vang lên cũng là lúc các chiến binh của ta biết hiệu lệnh: Bỏ thuyền! và ai nấy nhanh như rái cá lặng lẽ bám lấy mạn thuyền rồi khẽ tụt xuống lòng sông lặn về bờ hữu ngạn, bỏ lại mấy chục xác thuyền không. Đúng lúc đó, các tướng Lê Thạch, Hà Anh nhô đầu lên quan sát quang cảnh trận địa không ngờ giặc đã rình rập và từ đâu đó hai chiếc thòng lọng chụp xuống quăng đúng cổ và hai ông bị quân Mông Cổ bắt sống.
Chụp thòng lọng là ngón đòn sở trường của đám kỵ binh Mông Cổ đã được Hưng Đạo dạy cách tránh rất kỹ trong “Binh thư yếu lược”. Vậy mà hai viên đô tướng lại là nạn nhân đầu tiên, mặc dù hai ông đã chỉ huy quân sĩ đánh giặc hết sức kiên cường và dũng cảm đảm bảo thắng lợi trọn vẹn cho tới khi lui quân…
Trời đổ mưa nặng hạt rồi tạnh hẳn. Mặt trời lên rụt rè chiếu xuống ngã ba sông ngổn ngang thuyền đắm và các cột buồm lúc lắc như những kẻ chết đuối giơ bàn tay lên kêu cứu một cách tuyệt vọng.
Ngã ba sông rộng là thế mà phủ kín những mảnh ván thuyền, sạp thuyền, mui thuyền cùng những lá buồm còn bám với cột cứ dập dềnh trên mặt nước, kể cả những xác giặc cộn lại thành bè bu bám quanh xác những con thuyền chìm. Và trên trời lũ quạ đen đã kéo về từng bầy lượn lờ trên đống xác chết rồi chúng sà xuống đậu trên các cột buồm thả ra những tiếng kêu “quà”, “quà” như tiếng reo vui.
Các tướng Nguyên nhìn chiến trường ngổn ngang thuyền đắm và xác chết lòng đầy ngao ngán, và dường như chúng còn chưa hết hoài nghi về những gì đã diễn ra trong đêm qua. Mang-khu-đai buột miệng:
- Đúng là một cơn ác mộng!
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng