The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
III
Gần cuối tháng tám năm Đinh Hợi (1287) được tin ngoại gián báo về: “Quân Nguyên từ khắp nơi kéo về tập trung tại Ngạc Châu (Hồ Bắc) để từ đó tiến vào Đại Việt…”, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương lập tức lên ngựa về triều tâu báo với thượng hoàng và quan gia.
Dù đã biết trước sau Hốt-tất-liệt cũng tái xâm lăng nước ta, và đã có trù liệu binh lực để kình chống giặc dữ ngay từ khi mới đuổi nó ra khỏi bờ cõi từ tháng sáu năm Ất Dậu, vậy mà bây giờ nghe tin giặc lại kéo sang, vua Thánh tông không khỏi bàng hoàng. Nhà vua lặng người đi giây lát rồi quay hỏi Hưng Đạo:
- Giặc Bắc lại sang, đánh đuổi chúng thế nào đây Quốc công?
Quốc Tuấn điềm đạm đáp:
- Tâu, kim niên tặc nhàn! (Năm nay đánh giặc sẽ nhàn nhã hơn).
- Anh Quốc Tuấn nói vậy là ý làm sao? - Thánh tông hỏi tiếp.
- Tâu hoàng thượng là bởi mới cách đây vài năm ta đã đánh bại giặc. Tất cả các chủng quân của giặc không có chủng quân nào không bị thiệt hại tới non nửa hoặc quá nửa. Riêng quân thủy của nó bị tiêu diệt hoàn toàn, Toa-đô bị chém đầu, Ô-mã-nhi, Lưu Khuê tranh cướp thuyền nhỏ của quân nó để trốn nhanh ra biển, Tiểu Lý thấy khó thoát liền đâm cổ tự tử, thượng hoàng đã sai người cứu chữa cho y thoát chết, còn quan gia cởi áo khoác đắp cho Toa-đô.
Tâu, lần này vào xâm lấn cõi bờ ta, vẫn những viên tướng thua trận cũ, vẫn đội quân còn sống sót nay được bổ sung thêm. Đem một đội quân bại trận, nỗi sợ hãi còn ám ảnh đến khiếp nhược đi đánh một đạo quân vừa thắng nó, thời trong tâm tưởng nó đã ẩn chứa sụ thủ bại rồi. Tâu bệ hạ, còn như về phía quân ta và cả dân ta vừa trải qua một chiến thắng lẫy lừng, tinh thần chiến đấu cũng như ý chí bảo vệ non sông còn đang hăng hái, thử hỏi giặc nào mà không bị đánh bại.
Ngưng lại giây lát, Hưng Đạo lại tiếp:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, thần nói: “Kim niên tặc nhàn” là nói về cái thế của ta nó nhàn nhã bởi ta đã biết mưu giặc, biết sức giặc chứ không như cuộc kháng giặc năm Ất Dậu, thế của ta là thế ngàn cân treo trên đầu một sợi tóc nên ta hết sức vất vả, mệnh nước tưởng như khó toàn. Còn như khi đã lâm trận đánh giặc thì không thể nhàn được, vẫn là cuộc đọ trí, đọ sức khốc liệt. Vả lại không phải giặc đến đây để chịu thua, mà là giặc có ý phục thù, rửa hận. Tâu, đó chính là mưu toan của Hốt-tất-liệt, cho nên trận này là trận quyết đấu sinh tử của y.
Thượng hoàng Trần Thánh tông thấy đã yên lòng liền giục Trần Nhân tông:
- Vậy thời quan gia cho triệu các bề tôi tâm phúc về bàn kế phá giặc ngay đi.
- Tâu, con đã cho triệu, có nhẽ phụ hoàng cùng bá phụ vừa dùng trà vừa bàn chuyện, nán một lát, các quan sẽ tới.
Quả nhiên chỉ chưa đầy một khắc canh giờ thì các quan lục tục vào chầu. Thoạt tiên là Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, quyền tướng quốc Tá Thiên vương Trần Đức Việp, phiêu kỵ phó tướng Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư.
Vừa an tọa xong Tá Thiên vương đã vội nói:
- Tâu phụ hoàng, tâu quan gia, năm ngoái ta cử hai chánh phó sứ Nguyễn Nghĩa Toàn, Nguyễn Đức Vinh sang nhà Nguyên cống phương vật, giặc giữ sứ ta lại không cho về, thế mà năm nay thúc phụ lại hối thúc con phải cử sứ bộ sang cống tiếp, trong khi Hốt-tất-liệt sắp đánh ta rồi.
Thượng hoàng Thánh tông nhìn Quang Khải rồi nhìn Đức Việp, ngài mỉm cười:
- Thúc phụ dạy con như thế rất hợp ý ta. Dù giặc sắp vào cõi như năm Ất Dậu mà ta vẫn hai ba lần sai sứ sang Kinh Hồ xin hoãn binh, lại khi giặc đã vào cõi, ta vẫn cử sứ vào trại giặc xin nó lui binh. Chắc chắn rằng giặc sao có thể nghe ta. Song đó là ta chủ tâm làm cho giặc sinh lòng kiêu mạn coi thường quân ta, từ đó giặc nảy sinh sơ hở khiến quân ta dễ đánh. Vậy chớ con đã cử ai đi sứ chưa?
- Bẩm, các quan khởi xuất hai ông thiện trung đại phu Nguyễn Văn Ngạn và thông thị đại phu Lê Trọng Khuê làm chánh phó sứ đi cống phương vật năm nay.
- Hai người này thế nào quan gia? - Thượng hoàng Thánh tông hỏi.
Nhân tông vội đáp:
- Tâu, hai người học thức cao, vừa thông tuệ mưu lược vừa biện bác giỏi, lại nói được tiếng của giặc, đây là hai người có tư chất trung dũng thật đáng tin.
- Vậy thời chuẩn bị gấp cho sứ đoàn lên đường trước khi giặc vào cõi bờ ta.
Khi mọi người đã tề tựu đầy đủ, vua Nhân tông lên tiếng:
- Xin bá phụ cho nghe tình hình giặc sắp vào xâm lấn.
Hưng Đạo vương đưa hai tay lên rờ chiếc khăn trùm đầu xem lại mối giắt đã chặt chưa, kiểm lại cổ áo có ngay ngắn rồi ông đưa năm đầu ngón tay vừa vuốt vừa chải chòm râu dài trước ngực, vứt miếng bã trầu vào ống nhổ, đoạn ông kéo chiếc tráp gỗ nhỏ như chiếc khay trầu, xoay cho ngay ngắn và mở nắp lấy ra một cuốn sổ đặt trên mặt tráp. Nhìn hai vua, nhìn khắp các chư tướng, quốc công lên tiếng:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia cùng chư vị, theo tin tức ngoại gián của ta thu được thì giặc đang điều động quân các nơi về tập trung tại Ngạc Châu. Tin nói từ cuối tháng tám, nay đã cuối tháng chín, có nhẽ giặc đã lên đường. Cũng như năm Ất Dậu, giặc vào đất ta ước tính khoảng trung tuần tháng một[39] hoặc đầu tháng chạp.
Tâu thượng hoàng, các nơi hiểm yếu, thần đã sai các tướng lão luyện trấn giữ. Thần xin nói tiếp về lực lượng giặc. Phải nói, lần này Hốt-tất-liệt chuẩn bị rất công phu, bài bản. Y mới đích thực là người hoạch định kế sách đánh Đại Việt, còn cái gọi là “Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh” chỉ là cơ quan thực hiện việc điều động các chủng quân, khí giới, lương thảo cho đội quân viễn chinh theo ý đồ của Hốt-tất-liệt mà thôi.
Tâu, ngay các tướng soái đặt dưới quyền sai khiến của Thoát-hoan đều là những danh tướng kiệt hiệt nhưng đường hướng tiến quân và kế sách xâm lăng đều phải tuân theo các dự mưu do Hốt-tất-liệt bày sắp cả.
Khác với lần xâm lăng năm Ất Dậu, lần này giặc chuẩn bị thuyền bè và quân thủy hết sức quy mô. Số chiến thuyền Hốt-tất-liệt sai các tỉnh Hồ Quảng đóng dư sáu trăm chiếc, các tỉnh dâng nạp thêm cũng được vài ba trăm chiếc, ấy là chưa kể số thuyền chiến cũ vẫn còn dùng được cũng tới vài ba trăm chiếc nữa. Riêng đội quân thủy được điều vào Đại Việt lần này đã lên tới trên mười hai vạn do tham tri chính sự Ô-mã-nhi làm đô nguyên súy, tham tri chính sự Phàn Tiếp làm phó đô nguyên súy.
Chiêu một hụm nước, Trần Hưng Đạo lại nói tiếp: - Tâu, giặc thất bại năm Ất Dậu có nhiều nhẽ, trong đó có một nhẽ quan yếu là giặc luôn ở trong tình trạng thiếu lương. Vì vậy lần này giặc bổ cứu bằng cách chuyển tải lương thực bằng đường biển vừa được nhiều vừa đỡ tốn sức người. Vả lại chuyển đủ lương thực nuôi đội quân năm, sáu chục vạn người trong nửa năm phải dùng tới vài ba triệu binh phu gồng gánh mang vác, vừa cồng kềnh phức tạp vừa rủi ro trắc trở. Hốt-tất-liệt trù liệu tới bảy mươi thuyền lớn có thể chở được trên dưới bốn mươi vạn thạch thóc gạo mỗi lần.
- Thật là xảo quyệt! Trần Thánh tông nói chen vào. Và ngài tiếp: - Không thể coi thường những toan tính độc ác của con sói già Hốt-tất-liệt. Quả là lần này y muốn dứt Đại Việt ta. Vậy thử bàn xem, triệt phá giặc bằng cách nào đây.
Chiêu Minh vương thượng tướng Trần Quang Khải liền nói:
- Tâu, chúng thần đã bàn đánh giặc lần này thuận hơn, vì quân dân ta đã trải qua thử thách, còn quân giặc lại vừa bại trận chắc chửa hoàn hồn.
Biết chỗ yếu của mình, nên lần này Hốt-tất-liệt trù liệu khá công phu, bài bản như anh Quốc Tuấn vừa nói. Về phía ta cũng đã chuẩn bị cho cuộc chiến này từ khi vừa đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi. Hiện nay tinh thần quân dân trong cả nước đều bình tĩnh đón đợi giặc vào là đánh chứ không bỡ ngỡ, hoang mang như lúc mới bắt đầu cuộc chiến năm Ất Dậu.
Và nếu đúng như anh Quốc Tuấn phán đoán, cuối năm giặc mới vào đến biên thùy, thì ta còn những ba tháng nữa để bổ cứu những gì ta thấy còn khiếm khuyết. Vả lại cuối năm giặc mới vào là giặc lấy thời tiết khí hậu để tăng sức mạnh sở trường của nó. Ta sẽ có cách chế khắc nó, năm Ất Dậu ta đã chẳng cản được bước tiến của giặc và gây cho nó nhiều thiệt hại đến nỗi nó không thể phát tác được sức mạnh của nó, kể cả kỵ binh. Tới đây, anh Quốc Tuấn sẽ tâu báo kế phá giặc để thượng hoàng và quan gia xem xét.
Sau khi nghe một số điều từ bá phụ và thúc phụ nói, vua Nhân tông bèn lên tiếng:
- Thưa phụ hoàng, thưa bá phụ và thúc phụ, như vậy là giặc tính kế ở lâu dài với mục đích đánh bại nước ta, lập ra một nhà nước tay sai của nó. Rồi lấy nước ta làm bàn đạp chinh phục nốt mấy nước phương nam. Do đó ta phải tìm kế phá cho bằng được mưu giặc ngay từ khi nó mới đặt chân vào cõi bờ ta.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư xin nói:
- Tâu, quan gia bảo phải phá mưu giặc từ khi nó mới đặt chân vào cõi bờ ta, thần xin hiến kế.
Khánh Dư ngừng lại chờ xem ý bề trên, trong khi mọi người lại nóng lòng muốn biết kế của ông.
Thượng hoàng giục:
- Nhân Huệ vương mau nói kế của đệ phá giặc như thế nào.
- Tâu, cứ xem cung cách Hốt-tất-liệt trù hoạch, quả thâm ý của y lần này quyết dứt mệnh nước Nam ta, nên y bổ khuyết hai việc yếu nhất của quân nó đã bộc lộ năm Ất Dậu. Tức là lương thực và quân thủy. Ta biết chắc nó vận lương bằng đường thủy ắt quân nó và lương nó phải phát xuất từ cảng Khâm Châu rồi qua cửa Vạn Ninh và mũi Ngọc Sơn của ta mà vào Vân Đồn, Hạ Long để vào Bạch Đằng giang ngược lên Vạn Kiếp. Cũng có thể giặc qua cửa An Bang hoặc cửa Đại Bàng nhưng rốt cục đều vào Bạch Đằng để tiến chiếm Vạn Kiếp hội với quân bộ của chúng để vào Thăng Long.
Ngưng lại giây lát, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nói tiếp: - Vậy tại sao ta không tập trung binh lực để chặn đánh suốt chặng đường dài hàng nghìn dặm đó để tiêu hao sinh lực trọng yếu của giặc.
- Đó chính là trách phận của vương. - Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương nói xen vào. Tuy nhiên Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp là những danh tướng lão luyện được Hốt-tất-liệt tin cậy trao trọng trách dẫn hơn mười hai vạn quân với bảy trăm chiến thuyền không dễ gì bọn y lơ là việc bảo vệ hơn bảy mươi thuyền lương, là nguồn sống độc nhất của một đạo quân hơn nửa triệu người để ta có thời cơ tiêu diệt nó. Song nếu ta biết vờn giặc, biết cách thua như cuộc chiến năm Ất Dậu thượng tướng Chiêu Minh vương đã dụ được Toa-đô từ Thanh Hóa ra Trường Yên, cũng tức là ta bẻ được một gọng kìm, tới khi Thoát-hoan nhận ra mưu ta, sai Toa-đô đánh ngược lại chiếm Thanh Hóa thì đã bị Chiêu Minh vương chẹn cứng. Giặc lúng túng đi ứng cứu cho nhau để rồi Toa-đô mãi mãi là con ma không đầu trên đất ta, còn Ô-mã-nhi thì trốn chạy ra biển và nay mai y sẽ dẫn đạo quân thủy hùng mạnh vào đất ta.
- Lừa được tướng giặc đã từng xông pha trăm trận là việc cực khó. - Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói. - Ngày ấy anh Quốc Tuấn giao trọng trách phải đánh địch như thật và phải thua thật, nhưng không để thiệt hại nhiều cho quân ta và không để cho địch biết là ta thua vờ. Toa-đô là một tướng lão luyện, còn mình thì lần đầu tiên đánh giặc mà dụ được giặc vào kế của mình tưởng khó như đường lên trời. May thay non sông còn vượng khí lại được liệt tổ hộ trì mới biến cải được thế trận mau lẹ như vậy.
Mọi người tham bàn thật sôi nổi, nhưng xem ra không có một ý nào bàn lùi như trong Đại hội Bình Than năm Nhâm Ngọ. Thượng hoàng Thánh tông lấy làm đẹp ý, ngài liền dụ:
- Ta xem các tướng đều có mưu phá giặc cả, biết sức giặc, liệu sức ta ấy là điều căn cốt của nghiệp làm tướng. Nhưng chớ thấy ta vừa thắng giặc vài năm trước mà tỏ ra khinh giặc ắt sẽ bị giặc đánh bại. Bây giờ xin Quốc công cho trẫm nghe kế phá giặc.
Cung Thánh từ vốn đã tĩnh lặng, nay lại càng thêm tĩnh lặng. Sau khi nghe lời dụ của Thượng hoàng Thánh tông thì từ vua Nhân tông đến các quan hết thảy đều đổ nhìn về phía vị tướng già - Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người vừa cứng cỏi vừa mưu lược đã đánh bại cuộc xâm lăng với quy mô rộng lớn và tàn ác chưa từng thấy của tên cáo già Hốt-tất-liệt ngạo xưng là thiên tử nhà đại Nguyên.
Hưng Đạo thong thả lật mở cuốn sổ đặt trên mặt tráp rồi điềm đạm nói:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, thưa chư vị, kế sách phá giặc lớn nhất của Đại Việt ta là toàn quân đánh giặc, toàn dân đánh giặc, cả nước đánh giặc, núi non, sông suối rừng cây, biển đảo tất tận thảy đều đánh giặc và trên từ nhà vua dưới đến bách tính đều muôn người như một quyết tâm đánh giặc để giữ gìn cương thổ, bảo vệ giống nòi, thà chết chứ không chịu khuất phục giặc. Tâu, đó là kế sách lớn nhất để giữ nước, và cuộc chống quân xâm lược nhà đại Nguyên năm Ất Dậu, nhờ áp dụng kế sách này mà Đại Việt ta đã đuổi được giặc, giữ yên bờ cõi.
Tới nay, xét ra không kế nào hay hơn kế đó. Còn như để đánh bại đạo quân khổng lồ kia lại tùy thuộc vào việc nó triển khai thế trận ra sao ta mới tùy nơi, tùy lúc, tùy thời mà ứng phó. Còn khi đánh giặc phải tỉnh táo. Phải tránh mạnh đánh yếu. Phải tránh khi quân giặc tập trung mà đánh khi chúng phân tán. Vì vậy phải kéo địch về mọi phía khiến quân nó phải tản ra để giữ đất, lực nó sẽ mỏng dần. Khi giặc đã phân tán thì ta dễ đánh hơn, thậm chí ngay cả dân binh cũng có thể đánh lại chúng. Và ta phải chủ động quấy rối giặc sao cho đêm đêm chúng không thể ngủ yên, còn ban ngày hễ ra khỏi nơi đóng quân là bị dân binh chặn đánh hoặc bắn tỉa khi chúng đi cắt cỏ ngựa, chúng vào thôn ấp lùng sục thóc gạo, trâu bò, gà lợn. Tức là phải cho giặc thấy đi về bất cứ hướng nào, đụng vào bất cứ thứ gì cũng là đụng tới cái chết. Và như vậy thì ngoài việc chặn đánh còn phải dạy cho dân binh, hương binh giăng bẫy từ trên cao đến mặt đất, trong lòng đất và toàn dân phải thực hiện triệt để kế “thanh dã”.
Ngưng lại giây lâu, Hưng Đạo sai căng tấm bản đồ vẽ trên nền vải lên tường đại sảnh.
Thượng tướng Trần Khánh Dư vừa giúp Quốc công treo xong bản đồ liền đưa cho ngài chiếc que dài chừng một sải tay.
Đứng trước bản đồ ta thấy một người oai phong lẫm liệt, mắt sáng, râu dài, lông mi bạc trắng vẻ mặt nghiêm cẩn. Tựa như Quốc công đang chỉ huy một trận đánh lớn, ngài nói, giọng sang sảng:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia năm nay giặc vào hẳn sẽ đi theo các đường sau đây. Ngọn roi ngài chỉ vào nơi có tên Thiện Xiển và nói: - Giặc sẽ xuất phát từ Thiện Xiển trên đất Vân Nam rồi theo đường Quy Hóa giang mà vào nước ta. Hẳn là giặc sẽ đi theo cả hai đường thủy bộ xuôi về Bạch Hạc. Lại từ Bạch Hạc chúng có thể lấy sông Phú Lương để tiến chiếm Thăng Long. Tuy nhiên, đây không phải là cánh quân chủ yếu, nên chúng không đủ sức vào Thăng Long mà có thể nó sẽ là một mũi đánh về Vạn Kiếp.
Tiếp đó đầu que lại chỉ vào chữ Tư Minh rồi kéo thẳng sang Vĩnh Bình đều nằm trên đất giặc, ngài nói: - Giặc sẽ tập hợp đại lực lượng ở đây để tiến vào nước ta. Sẽ có một cánh quân từ Vĩnh Bình tiến vào Khâu Ôn lấy đường thiên lý tiến chiếm ải Lão Thử (Chi Lăng). Cánh quân này có thể tiến thẳng về Thăng Long, nhưng có nhẽ nó sẽ về hội tại Vạn Kiếp. Rồi Quốc công đẩy đầu que ngược về Tư Minh: - Tại đây sẽ có một cánh quân nữa đánh vào Lộc Châu quặt sang cướp ải Khả Ly qua đường Động Bản (Sơn Động) chiếm ải Nội Bàng rồi băng về Vạn Kiếp, chắc đây sẽ là cánh quân lớn nhất.
Đầu que lại giật về phía đông và dừng lại nơi chữ Khâm Châu của tỉnh Quảng Đông là nơi giặc tập trung quân thủy, Quốc công nói: - Khoảng hơn mười hai vạn quân thủy với hơn bảy trăm chiến thuyền, trong đó có gần một trăm thuyền tải lương sẽ xuất phát từ đây để vào mũi Ngọc Sơn của ta, từ đó tiến vào Vân Đồn qua Cửa Lục và Bạch Đằng giang ngược về Vạn Kiếp. Tới đây Quốc công dừng lại nhìn mọi người.
Chiêu Minh vương Trần Quang Khải hỏi:
- Theo dự liệu của anh Quốc Tuấn thì các mũi tiến quân của giặc đều hướng về Vạn Kiếp. Vậy có phải anh cho ý đồ của giặc lần này quyết chiếm Vạn Kiếp rồi lấy đó làm căn cứ đầu cầu để chúng tỏa đi khắp nơi?
Trần Thánh tông cũng hỏi:
- Không thấy anh Quốc Tuấn nói giặc đánh chiếm Thăng Long. Vậy lần này có thể Thăng Long phi chiến địa chăng.
Hưng Đạo vương có ý chờ mọi người hỏi tiếp rồi ông giãi tỏ mọi việc luôn thể.
Vua Nhân tông cũng hỏi:
- Bá phụ dự liệu đường tiến binh của giặc như vậy có nghĩa rằng lần này giặc quyết chiếm Vạn Kiếp. Ai cũng biết Vạn Kiếp giữ vị trí chiến lược trọng yếu, vậy chớ nếu ta bỏ Vạn Kiếp thì phòng tuyến chiến lược của ta là vùng nào?
Thấy các câu hỏi đều xoay về một ý, và cùng có vẻ băn khoăn, Hưng Đạo liền nói:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, về các đường tiến quân của giặc lần này không khác mấy so với lần trước, bởi vào đất ta hiện nay chỉ có bằng ấy con đường, duy có điều khác là lần này giặc coi trọng về quân thủy nên có một mũi tiến binh rất lớn bằng đường biển. Cuộc chiến năm Ất Dậu ta phản công giặc vào mùa mưa lụt lại đúng lúc triều cường nên giặc bị động, với địa thế nước ta sông ngòi chằng chịt, mùa lụt mỗi bước đi là phải dùng đến thuyền, bè nhưng giặc lại không có thuyền thành thử các trại giặc đều bị cô lập, khi ta tiến công chúng không thể ứng cứu cho nhau được. Để phá thế cô lập ấy, lần này giặc dùng quân thủy và thuyền chiến với số lượng khá lớn. Vậy giặc phải chiếm cái địa bàn xung yếu vào bậc nhất của ta để cho quân thủy của chúng làm chủ. Vì thế, nhất thiết giặc phải chiếm Vạn Kiếp, nếu không đám quân thủy ấy phải trụ ở Vân Đồn. Quân thủy của giặc trụ ở Vân Đồn thì hai quân thủy bộ chúng khó liên kết được với nhau để tạo ra sức mạnh. Và nếu giặc hội quân ở Vạn Kiếp thì giặc có tiến chiếm Thăng Long không? - Tâu, Thăng Long là mục tiêu tối thượng của giặc. Thôn tính một nước mà không tóm thâu được kinh đô của nước đó thời cuộc xâm lăng ấy không đạt được mục đích. Lại như nếu ta để cho giặc chiếm từ Lạng Châu - Vạn Kiếp - Vân Đồn - Thăng Long và cả Thiên Trường nữa thì quân ta giữ địa bàn nào làm địa bàn chiến lược để phản công đuổi giặc? - Tâu, nếu ta dụ được giặc rải quân trên địa bàn trải rộng như vừa nêu, tức là ta đã căng mỏng sức giặc ra và như thế cũng có nghĩa là việc đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, ta đã đi được nửa chặng đường.
Địa bàn chiến lược của ta lần này theo ý thần nên chọn vùng Chí Linh, Đông Triều, Giáp Sơn, Bằng Hà, Long Hưng, Tháp Sơn. Còn Nam Sách, Vân Đồn có thể đánh chặn giặc từng khúc gây tổn thất nặng nề cho chúng, nhất là về lương thực rồi mở đường cho nó đi qua, sau đó ta lại nhanh chóng chiếm lấy. Địa bàn này có thể phải giành giật mất đi, chiếm lại tới nhiều lần. Tâu, muốn căng mỏng giặc ra thì phải khéo dụ giặc. Giặc không chỉ muốn chiếm địa bàn chiến lược của ta, mà còn chiếm cả Thăng Long và hơn hết là phải bắt được vua của ta. Cho nên phải lừa cho chúng lúc nào cũng tưởng như vua ta đang ở phía trước nó; kỳ thực thượng hoàng và quan gia đang ở một nơi an toàn nhất để coi thế trận và điều hành ba quân đánh giặc. - Tâu, cuộc kháng giặc lần này, thần xin được sắp đặt như sau:
- Thượng tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải điều hành toàn bộ quân Thánh dực hộ giá thượng hoàng và quan gia, cùng bàn bạc việc quân trong trướng hổ.
- Thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật thống lĩnh quân bản bộ thêm mười lăm đô quân của triều đình chặn đánh giặc từ Quy Hóa giang về đến Bạch Hạc.
- Tướng Hưng Trí vương Trần Quốc Hiến trấn ải Khâu Ôn.
- Tướng Phạm Ngũ Lão trấn ải Lão Thử, mỗi người lĩnh một vạn quân chặn giặc.
- Tướng Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn cùng tướng Nguyễn Thức lĩnh hai vạn quân chặn giặc trên ải Khả Ly.
- Tướng Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng ngoài quân bản bộ lĩnh thêm một vạn quân nữa trấn từ Cửa Suốt đến Cửa Lục, chặn giặc tiến vào sông Bạch Đằng.
- Phó tướng Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư ngoài quân bản bộ, nhận thêm một vạn quân thủy nữa trấn từ mũi Ngọc Sơn về đến Vân Đồn để chặn giặc.
- Tướng Nguyễn Khoái lĩnh hai vạn quân thủy trấn tại Tháp Sơn để cản giặc trên biển.
- Tướng Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uất lĩnh một vạn quân bộ ngăn giặc đổ quân lên Tháp Sơn.
Ta nhắc thêm phó tướng Nhân Huệ vương, trách phận của ông là phải bao quát toàn bộ miền biển và bằng mọi cách phải đánh đắm hoặc đốt hết đoàn thuyền tải lương của giặc. Đành rằng việc này là muôn khó, nhưng nếu làm được chắc sẽ tiết kiệm được nhiều máu xương sĩ tốt và việc đuổi giặc ra khỏi bờ cõi chỉ còn là chuyện sớm tối mà thôi.
Đoạn Hưng Đạo quay ra vái hai vua và nói:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia thần tạm sai các tướng trấn ải và các vùng trọng yếu để cản giặc, xin thượng hoàng và quan gia cho ý chỉ.
Thượng hoàng Trần Thánh tông tỏ vẻ hài lòng, ngài dụ:
- Giặc chưa vào cõi mà Quốc công đã chuẩn bị chu đáo từ việc luyện quân, tập trận đến việc điều động tướng lĩnh và binh lực trấn giữ các nơi hiểm yếu, xem ra lần này vào trận ta giữ thế chủ động, hẳn đúng như Quốc công nói: “Kim niên tặc nhàn”.
Vua Nhân tông cũng nói thêm:
- Quyền tiết chế thống lĩnh chư quân sự và ấn kiếm vẫn thuộc về Quốc công, nên việc điều binh khiển tướng Quốc công có toàn quyền. Nhưng đưa ra nghị bàn khi ta còn có đủ thì giờ cũng là việc nên làm để có điều gì cần bổ cứu vẫn còn kịp.
Lại nữa giặc tập trung quân từ cuối tháng tám, tin tức về tới ta cũng phải mất một tháng. Nay đã là đầu tháng mười, vậy, ta thử ước định xem khi nào giặc tới biên thùy nước ta.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nói:
- Tâu, nếu giặc đã tập trung quân đầy đủ ở Ngạc Châu thì từ Hồ Bắc giặc có hai đường, một đường qua Hồ Nam đến Quảng Tây rồi tiến vào đất ta; đường thứ hai qua Giang Tây sang Quảng Đông, quân thủy về Khâm Châu, Liêm Châu, quân bộ qua Quảng Tây để vào nước ta. Như vậy giặc có đi nhanh cũng phải mất từ bốn mươi ngày đến hai tháng.
- Tâu, chắc nay mai sẽ có tin ngoại gián của ta đưa về, - Hưng Đạo nói. Nhưng mọi việc đều gấp gáp lắm rồi, nay là đầu tháng mười, chậm nhất là trung tuần tháng một giặc sẽ giáp biên thùy nước ta, chứ không thể là tháng chạp như lần giặc vào ta năm Ất Dậu. Thần sẽ cùng các tướng chia nhau đi kiểm xét các nơi bố phòng và đốc thúc các đội quân người man khi giặc tới phải rút nhanh vào rừng sâu, sau đó mới đánh vào sau lưng giặc hoặc tiêu diệt các đoàn binh phu tải lương của giặc như trước đây Nguyễn Lộc, Nguyễn Địa Lô, Hà Đặc, Hà Bổng… đã từng lập công và làm cho quân thù khốn đốn.
Hưng Đạo ngừng lời nhướng cặp mi bạc trắng nhìn hai vua, nhìn mọi người và ngài thong thả tiếp lời: - Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, để bảo toàn lực lượng đánh giặc lâu dài và nếu chớp được thời cơ đuổi giặc ra khỏi cõi bất cứ lúc nào thần xin gắng sức. Vì vậy việc cản giặc tùy nơi tùy lúc, nếu thấy sức giặc yếu ta sẽ đánh không tiếc sức, khiến giặc phải thua đau đớn và gây cho chúng sự hãi sợ khôn nguôi. Trái lại nơi nào sức giặc quá mạnh, ta chỉ đánh cầm chừng rồi rút hoặc chỉ chặn đoạn cuối lại mà đánh. Như vậy giặc sẽ vào được Thăng Long. Ta tạm cho chúng ở trọ ít hôm rồi sẽ lấy lại, xin thượng hoàng và quan gia rộng lượng. Tuy nhiên, ta phải cố gắng vun đắp cho lòng kiêu ngạo của giặc cao như núi, thời việc phá giặc sẽ thuận hơn. Nhìn về phía Tá Thiên vương, Quốc công nói - Xin Tướng quốc sai Trung thư sảnh đốc thúc các lộ, các châu, quận trong nước phải kiểm tra ngay việc thực thi kế thanh dã, và các đội dân binh phải tập trung ngay từ bây giờ chứ không chờ khi giặc vào tới bờ cõi sẽ hoang mang, lúng túng. Tại Thăng Long trước hết xin tướng quốc sai Ty Thái chúc cho cất giấu ngọc phả và chuyển các đồ thờ tự trong nhà thái miếu đi nơi khác, kẻo giặc vào sẽ đốt phá hung hãn. Và nữa, các người già, trẻ nhỏ khuyên họ di tán về các làng quê hẻo lánh, tránh xa đường to, sông lớn là nơi giặc có thể lại qua.
- Các điều Quốc công nói phải cấp kỳ thực hiện, quan gia và tướng quốc dụ cho trung thư sảnh, các đài, đô phối hợp cùng làm. - Thượng hoàng Thánh tông dụ bảo và ngài buông một tiếng thở dài. Đoạn nhà vua quay ra hỏi Hưng Đạo: - Sống cạnh anh hàng xóm khổng lồ vừa gian hiểm, ác độc vừa lăm le thôn tính ta bất cứ lúc nào, nước ta vừa nhỏ bé vừa ít người, trong ba năm phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh lớn tưởng không còn gì khắc nghiệt hơn, tàn bạo hơn. Ước sao nước ta là một con thuyền, nhất định ta sẽ dời đi nơi khác chứ không làm hàng xóm với lũ bất hảo - Quốc công, liệu sau cuộc chiến này giặc có còn xâm lược ta nữa không?
Hưng Đạo đưa tay lên siết lại chiếc khăn màu tía biếc ở trên đầu cho chặt lại, bởi tóc ông dài phải dùng loại khăn này mới bao gọn được. Quốc công chậm rãi:
- Tâu, thượng hoàng vì thương dân và căm ghét giặc nên nói vậy. Chứ thực ra: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Trời đã phân định bờ cõi như thế, sao ta còn phải tính chuyện chuyển dời đi đâu nữa. Mà chẳng việc gì ta phải đi đâu. Tâu, nước lớn chưa hẳn là nước mạnh, nước nhỏ chưa hẳn là nước yếu. Suy như nước Tống lớn gấp mấy chục lần nước Liêu nước Hạ thế mà mấy đời vua Tống liên tiếp phải cắt đất cầu hòa, thường niên cống nạp cho Liêu, Hạ rồi cuối cùng mất về tay người Mông Cổ. Lại như nước ta chắc gì đã bằng một tỉnh của Trung Hoa, thế mà năm Đinh Tỵ (1257) đánh cho quân Mông Cổ phải tháo chạy nhục nhã, ba lần sứ đến hỗn hào đều bị tống giam. Và mới đây năm Ất Dậu Hốt-tất-liệt đem cả sức mạnh của đế quốc Nguyên sang xâm lấn tưởng như chúng phải nghiền nát Đại Việt ta thành cám. Thế nhưng cỗ xe khổng lồ ấy đã bị sức mạnh Đại Việt đánh cho tan tành, cả tướng và quân bị chết và bị bắt đến quá nửa phải vội vã trốn chạy, gây vết nhơ khó xóa trong lịch sử thiên triều.
Hưng Đạo ngừng lời đưa tay lên chải chòm râu dài trước ngực rồi thong thả nói tiếp: - Như bệ hạ đã biết, ta đánh giặc xiết bao gian nan, nhưng ta đã thắng. Vì sao ta thắng? Bởi ta có sức mạnh chụm lại của cả một bó đũa, ấy là cả nước muôn người như một dốc lòng đánh giặc, quyết giữ lấy giang san, nòi giống. Còn như nhà đại Tống thua người Mông Cổ, đầu hàng người Mông Cổ, chịu làm nô lệ cho người Mông Cổ không phải vì dân Trung Hoa không yêu nước, không căm giận ngoại bang và không dám cầm vũ khí đánh giặc, mà bởi vua tôi nhà nam Tống nhát hèn vì sợ giặc đã tháo cả bó đũa ra ném tung tóe mỗi nơi mỗi chiếc. Và điều họ có thể làm là bằng mọi cách cố kìm nén hoặc hãm hại những bề tôi lương đống, có khả năng đánh giặc cứu nước như Nhạc Phi, như Văn Thiên Tường, chỉ cốt cho giặc hài lòng, đâu có ngờ đó lại chính là hành vi tiếp tay cho giặc, phản dân hại nước, ngay kẻ thất phu cũng không làm.
Bệ hạ hỏi “Sau cuộc chiến này giặc có còn xâm lược nước ta nữa không”. Tâu, cái đó còn tùy thuộc vào việc ta làm cho giặc thất bại đến đâu. Nếu như ta đánh cho chúng đại bại, tiêu diệt đáng kể sinh lực nó và trừ được nhiều tướng giỏi của nó, chắc phải trăm năm sau kẻ làm thiên tử nhà đại Nguyên cũng chưa dám nghĩ tới việc “chinh Giao Chỉ” nữa. Tâu bệ hạ, không phải vì nước Nguyên mạnh mà nó muốn đánh ta lúc nào cũng được đâu.
Tâu, nếu triều đình ta nhu nhược, dân ta chia rẽ, binh ta suy yếu rệu rã nhát hèn, thì quả là việc tồn vong của nước ta đã trao vào tay giặc tựa như vua tôi nhà nam Tống vậy.
Gương mặt nhà vua như bừng sáng, ngài đứng dậy hướng về phía Hưng Đạo vương vái một vái và dụ:
- Quốc công làm cho trẫm tỉnh ngộ. Bây giờ trẫm không còn chút do dự nào nữa. Trẫm và quan gia cùng thượng tướng Chiêu Minh vương nắm giữ quân thánh dực bảo vệ kinh thành Thăng Long để Quốc công cùng chư tướng yên tâm vào trận.
Sau cuộc nghị bàn mưu kế phá giặc của triều đình, cả nước sục sôi khí thế giết giặc lập công. Khắp các làng quê, dân binh luyện tập, dân chúng tải lương, chuyển vận binh khí; binh sĩ rầm rập kéo quân lên tận biên thùy hoặc đi trấn giữ các vùng hiểm yếu.
Đầu tháng một (tháng 11 âm lịch) ngoại gián báo về: “Quân Nguyên đã rời Ngạc Châu đi Quảng Tây từ đầu tháng chín, chậm nhất là thượng tuần tháng một giặc sẽ đến biên thùy nước ta. Ích Tắc và bọn tòng vong đều được Thoát-hoan cho theo về nước…”.
Ngoại gián của ta ở Quảng Đông, Quảng Tây cũng dồn dập đưa tin về. Tất cả đều nói lên một điều: “Giặc đông chưa từng thấy, không thể ước được con số chính xác. Chỉ vài ngày nữa giặc sẽ tới biên thùy…”.
“… Giặc đã đóng lương thực xuống thuyền. Thuyền nào cũng khẳm nặng ước chở tới năm, sáu trăm thạch gạo. Tổng số thuyền lương khoảng non một trăm chiếc. Thuyền chiến cũng đậu san sát từ ngoài vào trong tới mấy vòng, ước tính hơn bảy trăm chiếc. Tất cả đều đậu tại cảng Khâm Châu…”.
Trước khi giặc vào cõi, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương đã có lời răn các tướng: “Khi giặc mới vào, lực nó còn đang sung mãn, tùy nơi tùy lúc nếu chắc thắng mới đánh, còn không chỉ ngăn cầm chừng rồi lui quân về các nơi quy ước. Phải bảo toàn được lực lượng, phải tiết kiệm máu xương sĩ tốt để dành cho các trận đánh lớn khi cần…”.
Giữa tháng một, quân kỵ, quân bộ, quân thủy giặc ào vào đất ta như một trận sóng thần. Tất cả các con đường từ biên ải Lạng Châu tiến về Vạn Kiếp giặc đều chiếm lấy.
Đại quân của giặc từ Tư Minh qua Vĩnh Bình ào vào Lộc Châu thì tách ra làm hai cánh. Cánh phía tây do Bôn-kha-đa, Trịnh Bằng Phi chỉ huy tiến về phía ải Chi Lăng (Lão Thử).
Cánh quân phía đông do Thoát-hoan và Áo-lỗ-xích sau khi qua Lộc Châu tiến về chiếm ải Khả Ly và vòng qua lối Sơn Động (Động Bản).
Về phía tây bắc giặc từ Vân Nam do tướng A-rúc chỉ huy cùng các tướng A-tai và Mang-kha-đai đưa quân theo sông Quy Hóa mà vào nước ta.
Ngoài biển đông, giặc xuất phát từ Khâm Châu nhằm mũi Ngọc Sơn trực chỉ, chiến thuyền rợp biển, buồm căng rợp trời dưới sự chỉ huy của Ô-mã-nhi bạt-đô[40], tham tri chính sự Phàn Tiếp, dẫn quân đi hừng hực khí thế.
Hơn bốn trăm chiến thuyền do Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp thống lĩnh mở đường đi trước. Các thuyền lương do Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn, Từ Khánh chỉ huy tiếp theo đoàn thuyền chiến. Đoàn thuyền tải lương do Trương Văn Hổ dẫn đầu, Phí Củng Thìn, Từ Khánh đoạn hậu. Tiếp sau đoàn thuyền tải lương là hơn hai trăm chiến thuyền do các tướng Trương Ngọc, Lưu Khuê hộ tống.
Cứ xem cách hành binh thế này đủ biết Ô-mã-nhi là một tướng tài lão luyện, chẳng trách Hốt-tất-liệt phong cho y mỹ danh là dũng sĩ. Giặc bảo vệ quân lương như vậy đến một cánh chim sẻ cũng khó lọt vào được nói chi đến việc cướp lương của chúng.
Lại nói Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư từ bữa đi hội bàn kế phá giặc ở Thăng Long về, ông nhớ mãi lời nhắc nhở của Quốc công tiết chế: “Phó tướng Nhân Huệ vương trách phận của ông là phải bao quát toàn bộ miền biển và bằng mọi cách phải đánh đắm hoặc đốt hết đoàn thuyền tải lương của giặc…”.
Điều Hưng Đạo nhắc nhở không phải ta không biết. Nếu triệt được lương của giặc thì đạo quân của Thoát-hoan dù lớn đến đâu, hùng mạnh đến đâu cũng trở nên vô dụng. Ta chỉ có bốn vạn quân, Quốc công cho thêm một vạn để trấn cả một vùng biển trải dài tới non ngàn dặm, nay phải chống trả một đạo quân trên mười hai vạn. Ta phải phân tán để đối phó, còn giặc thì tập trung vào một điểm nên sức mạnh của chúng được phát tác đến tối đa. Nhưng phải lấy đoản chế trường, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh mà vẫn giành phần thủ thắng như Hưng Đạo thường căn dặn. Đấy là phương sách, song biến được phương sách ấy thành thuật đánh, thành chiến thắng như ta mong muốn thực là việc muôn khó. Nhưng nếu ta không làm được việc này thì cuộc chiến sẽ vô cùng cam go và máu xương sĩ tốt cùng bách tính đổ ra không biết bao nhiêu mà kể.
Qua mấy ngày đêm suy nghĩ bỗng nảy ra một kế ở trong đầu. Vương bèn sai viên phó đô tổng quản chuẩn bị mấy lá thuyền cùng vài đô quân lập tức lên đường đi Vạn Ninh khảo xét một lần nữa. Lên hướng bắc ngược gió, thuyền cứ phải chạy vát để buồm ăn gió. Đi được chừng vài chục dặm kể từ khi thuyền rời cảng Vân Đồn thì qua cửa Tiên Yên. Đây là vùng cửa biển có luồng tiếp giáp với một con sông, ngược sông này bắt gặp nguồn Tam Trĩ[41]. Luồng sông này thuyền giặc có thể vào nhưng càng đi ngược lên lòng sông càng hẹp và độ sâu giảm dần. Giặc có thể lấy đường sông này đổ quân lên bộ. Nhưng đường bộ là đường sạn đạo vô cùng hiểm trở nên chưa bao giờ giặc bắc tiến quân bằng đường này. Ông nhớ năm Đinh Tỵ (1077) quân thủy của giặc Tống bị giam chân tại cửa ải này, không nhúc nhích lên được một bước. Chợt Trần Khánh Dư hỏi viên phó tổng quản:
- Ông có biết cuộc chiến năm Đinh Tỵ, đám quân thủy của giặc Tống bị hãm ở cửa bể này như thế nào không?
Viên phó tướng lắc đầu:
- Dạ, tiểu tướng không biết. Đầu đuôi thế nào, nó có liên đới đến ta bây giờ không xin chủ tướng cho nghe.
Nhân Huệ vương mỉm cười và nhìn lại phía cửa Tiên Yên, ông nói:
- Chẳng là mấy chục vạn quân xâm lược nhà Tống bị thái úy Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Như Nguyệt ngăn không cho giặc sang sông. Chúng phải đóng quân lại phía bờ bắc chờ đám quân thủy này lấy đường Vân Đồn vào sông Bạch Đằng, rồi ngược lên Vạn Kiếp để vào sông Như Nguyệt đón bọn kia sang sông. Vì chúng đã đóng bè vượt sông mấy lần đều bị Lý Thường Kiệt đánh bại. Quân thủy của giặc do tướng Dương Tùng Tiên cầm đầu dẫn quân vào Vân Đồn tức chỗ quân ta đang đóng bây giờ. Tướng giữ ải Vân Đồn của ta là Lý Kế Nguyên. Dương Tùng Tiên đã đánh tới trên mười trận, trận nào cũng bị Lý Kế Nguyên đánh cho đại bại. Sau y biết là không thể vượt qua lũy ải Vân Đồn mà vào nội địa ta, đành đem quân chốt tại cửa Tiên Yên này. Điều nực cười là chiến tranh đã kết thúc. Bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết buộc phải ký hòa ước rút số quân sống sót về nước thì Dương Tùng Tiên vẫn không hay biết gì. Sau triều đình nhà Tống phải sai người đi gọi y về, còn bên ta cũng thương tình không truy đuổi.
Viên phó đô tổng quản cười sung sướng:
- Bẩm chủ tướng, liệu có cách nào ta hãm được thủy binh giặc nếu sắp tới nó lại vào xâm lấn cõi bờ ta.
- Chính ta với ông đi chuyến này là để tính chuyện đối phó với thủy binh giặc. Nếu thời cơ đến, sao ta có thể tha mạng cho giặc được. Ta đang nghĩ kế cùng Quốc công phải đánh thế nào cho lũ con trời chừa cái thói ngông ngạo tự phụ cho mình cái quyền định đoạt số phận toàn thiên hạ.
- Đúng đấy chủ tướng, nó có phải trời đâu mà dám hỗn láo. Mấy năm trước cái thằng được cha nó phong làm Trấn Nam vương chẳng bị ta đánh cho suýt chết phải chui vào rọ tre bọc ống đồng để quân kéo đi như một con chó bị cũi. Nghe đâu lần này nó lại lĩnh ấn thống lĩnh đạo quân Nguyên xâm lược nước ta. Cứ như ý tiểu tướng, lần này bắt được nó thì phải xử theo tội tùng xẻo. Bọn này bị tùng xẻo thì phải khiếp sợ tới cả trăm đời.
- Ta cũng không mong gì hơn thế, Trần Khánh Dư đáp và ông nói tiếp: - Trận chiến sắp tới là hết sức cam go, ta buộc phải thắng. Nếu không thắng, sinh mệnh nước ta khó tồn. Vậy ông gắng cùng ta quan sát lại một lần nữa, xem từ đây ra Ngọc Sơn những chỗ nào có thể phục quân đánh tạt sườn chiến thuyền giặc được.
- Bẩm chủ tướng, đoạn đường này tiểu tướng thuộc nằm lòng, tiểu tướng có thể nhắm mắt cũng có thể vẽ ra được không thiếu một đặc điểm nào.
- Không, ta muốn ông mở mắt cùng ta nhìn xem chỗ nào nên phục quân, phục bao nhiêu là vừa. Chỗ nào chỉ nên nghi binh. Và một khi đã đánh giặc cũng phải tính đường thoái sao cho an toàn, chứ không thể chỉ tính có một đường tiến. Nước ta nhỏ, dân ta ít, làm gì cũng phải sẻn kiệm, phó đô tướng quân nên nhớ điều đó.
Sau khi đã tới Ngọc Sơn xem lại địa thế kỹ càng, phiêu kỵ thượng tướng quân Trần Khánh Dư lập tức lên thuyền trở lại Vân Đồn. Trên đường về ông tâm sự với phó tướng: - Hơn mười hai vạn quân thủy với gần bảy trăm chiến thuyền giương hết buồm lên lại được gió đông bắc thổi mạnh, thời khí thế của nó hiên ngang ngạo nghễ lắm. Giặc vốn coi thường ta, dù đã thua ta nhưng nó vẫn không chịu thừa nhận. Vì thế ngay từ lúc giặc mới vào tới cõi bờ ta, phải làm thế nào để giặc thấy quân thủy của ta rất sơ sài, quân thủy của ta không có gì để giặc coi là đối thủ. Phải nuôi cho giặc cái tâm lý ngông cuồng ngạo mạn coi thường quân ta, từ đó nó mới nảy sinh sơ hở.
- Chủ tướng định tạo cho nó sơ hở để ta cướp lương nó ư? Không được đâu, chúng là quân kẻ cướp lọc lõi cho nên đi đầu, đoạn hậu và kèm cả hai bên tả hữu thuyền lương đều là thuyền chiến cả, mình len vào đâu để mà đánh cướp thuyền lương của nó.
- Hãy cứ nghe ta nói đã. Thuyền chở quân của giặc nhẹ, sẽ đi rất nhanh, thuyền chở lương của giặc nặng nề lắm, sẽ đi rất chậm. Vậy thời ta nên có vài trận đánh khi giặc mới vào. Ta phải làm như là đánh thật sự, đánh gan góc khiến giặc phải vất vả lắm mới đẩy lui được quân ta, nhưng cũng để lộ ra là lực lượng ta nhỏ, yếu không đáng cho giặc dừng lại giao chiến. Bởi mỗi lần đánh như vậy ta chỉ đưa mươi mười lăm lá thuyền nhỏ ra khiêu chiến rồi bỏ chạy. Cứ như thế vài ba lần giặc sẽ khinh thường ta. Thôi được, kế dụ giặc sẽ bàn kỹ với ông, nhưng từ hôm nay ông hãy suy ngẫm điều ta nói sao cho nó nhuần nhuyễn trong ông rồi biến thành kế của ông thì mới lừa được giặc.
Lại nói giặc vào tới Lộc Châu quân chia làm hai cánh. Cánh phía tây do Bôn-kha-đa và Trịnh Bằng Phi thống suất, chúng đã đánh ào ạt cướp được mấy ải rồi tiến thẳng xuống ải Chi Lăng. Cuộc chiến năm Ất Dậu hai tướng này cũng vào nước ta bằng con đường này và người trấn ải trước là Phạm Ngũ Lão, năm nay cũng là Phạm Ngũ Lão cản giặc ở đây. Nếu như các đoạn từ biên thùy vào, Bôn-kha-đa, Trịnh Bằng Phi có đôi ba lần phải dừng bước, nhưng chúng cũng nhanh chóng đánh bật quân ta để lấy đường tiến khiến chúng càng tự phụ.
Tướng giặc có cảm giác như chúng đang đi vào chỗ không người. Bôn-kha-đa ngoái đầu ngựa lại nói với Trịnh Bằng Phi:
- Ông hữu thừa có thấy lần này quân Giao Chỉ sợ binh uy thiên triều bỏ trốn cả rồi không?
- Cứ xem cách chúng đem quân ra cản thiên binh đủ chứng tỏ lời của tướng quân nói là đúng.
Trong khi đó hàng nghìn kỵ binh của giặc cứ rầm rập phi nhanh về phía ải Chi Lăng. Những tên Mông Cổ vẻ mặt nghênh ngang đầy ngạo mạn vừa phi ngựa vừa chĩa cung lên trời nghe rõ những tiếng dây buông phừn phựt. Tên nào tên ấy mặt đỏ gay như chúng đang lên cơn say máu.
Bỗng từ đâu đó một tiếng nổ xé trời, lửa lóe sáng như những tia chớp, khói đen bao phủ kín cả núi rừng, con đường độc đạo hẹp vanh vanh hai bên là hai vách đá dựng đứng lúc này mù mịt khói đen, giáp mặt cũng không nhìn thấy nhau và từng viên đá to bằng những chiếc thúng từ hai bên vách núi cứ đều đều lăn xuống như tiếng thác reo. Đá lăn vào đầu vào chân ngựa, đá đập vỡ sọ những tên giặc ngạo mạn. Tiếng ngựa rống, tiếng giặc la hét hoảng loạn. Những con ngựa còn sống sót hốt hoảng nhảy dựng lên hất ngã những tên kỵ sĩ không còn đủ sức bám yên cương liền bị lũ ngựa chạy quẩn đạp cho gãy xương, vỡ sọ. Toán đi trước hàng mấy trăm đứa gồm cả người lẫn ngựa bị diệt không còn một đứa nào sống sót. Đám quân phía sau người ngựa dồn lên chen chật như nêm khiến ngựa không thể quay đầu. Trong khi đó quân ta từ trên những chỏm rừng cây bắn tên lửa bùi nhùi xuống khiến lũ ngựa lồng lên và thế là chúng giẫm đạp lên nhau loạn xạ, quân chúng không còn sức chống đỡ, cũng không biết quân ta bắn chúng từ phía nào. Rồi hàng loạt, hàng loạt tên tẩm độc bắn xuống như mưa, giặc chết ngổn ngang, xác người xác ngựa chồng đống lên nhau. Trịnh Bằng Phi, Bôn-kha-đa phải bỏ ngựa leo qua đầu lính tháo chạy mới thoát chết. Và chúng phải lui quân trở lại phía sau.
Mặc dù lệnh tiến quân như lửa đốt đầu, nhưng tướng giặc không dám xem thường quân Đại Việt nữa. Chúng lắc đầu bảo nhau cái cửa quan này đúng là “Quỷ môn quan, bách nhân khứ nhất nhân hoàn”[42].
Hai ngày sau giặc vẫn phải lấy đường này để vào sâu trong đất ta, nhưng chúng xua quân tân phụ[43] đi trước. Cứ mỗi toán một trăm tên lính tân phụ lại có mười tên kỵ sĩ Mông Cổ đi kèm sau. Nói là để bảo vệ nhưng thực ra là để thúc ép. Giặc đi dò dẫm từng bước, toán nọ cách toán kia tới cả dặm đường. Nhưng Phạm Ngũ Lão đã lui binh về phía sau chỉ còn để lại những nghi binh dọc đường. Chỗ thì một ụ đất mới đắp với tấm bia mộ bằng thân cây mới đẽo, và hàng chữ ghi trên mộ chí: NƠI ĐÂY LÀ MỒ CHÔN QUÂN XÂM LƯỢC NHÀ NGUYÊN. Những nấm mồ giả và mộ chí như thế này làm chột dạ đám quân tân phụ lót đường, nhưng bọn quan quân Mông Cổ thì hết sức căm tức. Và khi không có dấu hiệu quân ta cản đường nữa, chúng tỏ vẻ hung hăng thúc quân như vũ bão. Chợt lại hiện ra một đoạn đường có dây căng từ mép rừng bên tả sang mép rừng bên hữu, cứ liên tiếp dày dặc và kéo dài tới mấy chục trượng.
Tướng giặc sai quân lui, và cho cắt thử vài đoạn không thấy có dấu hiệu gì, biết quân Việt nghi binh trêu tức, Bôn-kha-đa cả giận quát:
- Kỵ binh tiến trước, lấy dao chặt hết dây chằng dọn đường cho quân đi.
Lập tức cả trăm kỵ binh xông lên, chúng lăm lăm các thanh đao để ngửa lưỡi và phóng ngựa thật nhanh, đao sắc tới mức khi lưỡi đao chạm phải những dây chằng tựa như chạm vào những sợi tơ nhện. Bất chợt tới đoạn gần cuối dây đứt làm cho bẫy đá từ hai bên sườn núi lăn xuống ầm ầm khiến quân giặc kinh hoàng. Chúng hét la inh ỏi tưởng cảnh mấy ngày trước lại tái diễn và chúng sẽ bị chôn sống trên đoạn đường này. Nhưng loáng thoáng chỉ có dăm con ngựa và mấy tên lính Mông Cổ bị đá đè chết, mươi đứa gãy chân tay cùng gần chục con ngựa què không đi được phải bỏ lại. Đi được một đoạn thấy có tấm bảng bằng thân cây mới đẽo vỏ với hàng chữ nét mực còn tươi: “Quân giặc muốn thoát chết hãy quay đầu trở về Bắc quốc!”.
Toán quân đi trước sợ hãi dừng lại. Bôn-kha-đa hét lớn: - Đi thẳng, không được đụng vào nó!
Quân giặc tuy tiến nhanh nhưng nỗi sợ hãi vẫn đeo bám hoài. Tới một đoạn đường như rộng ra, rừng lùi về hai phía tả hữu thấy căng một tấm bảng với hàng chữ: “Lũ chó săn Hán gian hãy coi chừng!”. Bôn-kha-đa mỉm cười khoát tay cho quân cứ tiến. Trịnh Bằng Phi chạnh lòng, sai quân bắn đứt sợi dây treo, tấm bảng rơi úp mặt có chữ xuống đất. Hắn căm tức tự hẹn: “Ta thề sẽ mổ bụng moi gan quân Giao Chỉ hỗn xược”.
Giặc tiến chừng năm bảy dặm nữa bắt gặp một hình nộm bằng rơm to như người khổng lồ bị treo cổ lên một cành cây vươn dài gần tới giữa đường, ngang ngực thằng hình nộm có tấm cót với dòng chữ: “Quân du mục Mông Cổ nộp mạng ở đây!”.
Đám quan tướng Mông Cổ có đứa biết chữ Hán, chúng gầm lên và sai quân đốt thằng hình nộm rồi đốc thúc quân tiến càng nhanh. Đường rẽ sang nẻo phía tây, mặt đường cứ hẹp dần, hai ngựa sóng đôi đã rất khó đi vì rừng tre gai ăn lấn ra mép đường. Đoạn đường này không có vách đá dựng đứng hai bên như hai bờ tường thành ở cửa quan Chi Lăng, mà thuần tre gai ken dày đặc chẳng kém các vách thành. Đoạn này thường gọi là “Thích trúc quan” tức cửa tre gai.
Tới đoạn đường tre mọc dày tới mức các ngọn tre đan khít vào nhau che lấp hết ánh sáng mặt trời khiến đi trên đường mà có cảm giác đi trong hang tối. Thình lình hiện ra một thằng hình nộm bị treo cổ ở trên ngọn tre, trước cổ đeo một viên đá to gấp mấy lần viên đá nén cà và một dải vải trắng buông dài như chiếc phướn nối từ ngực thằng hình nộm xuống với hàng chữ thật bất ngờ: “Thoát-hoan nộp mạng tại đây!”.
Lòng đầy tức giận vì quân Giao Chỉ dám xúc phạm đến Trấn Nam vương, Bôn-kha-đa liền giương cung bắn vào sợi dây, chẳng may bị chệch, tên cắm đúng mắt trái thằng hình nộm, cũng tức là mắt trái của Thoát-hoan hình nộm. Đó là một điềm gở. Bôn-kha-đa giận điên cuồng, y lệnh cho đám kỵ sĩ Mông Cổ phải bắn đứt sợi dây kia ngay lập tức. Liền đó mấy chục cánh cung giơ lên, chỉ nghe thấy tiếng phựt thằng hình nộm đã rớt xuống, mấy ngọn tre bật lên cũng làm rơi xuống một bọc gì đó vỡ tung. Từ trong đó những con cào cào, châu chấu, cánh cam, bọ dừa bay vù vù đậu vào mặt mũi, áo quần đám quân tướng và lừa ngựa bốc mùi thối khủng khiếp. Đây là một đòn đánh bất ngờ giặc không thể lường được. Cái mùi thối nồng nặc do những con vật có cánh bay, đậu lăng xăng khiến hàng ngũ giặc cả người và vật đều rối loạn. Giữa mùa đông lạnh giá kiếm đâu ra nước để tắm rửa, thậm chí những viên tướng muốn ra lệnh cũng không dám mở mồm vì những con châu chấu đã bâu vào môi, vào mũi, vào mắt chúng rồi vù bốc bay đi, há mồm ra thì sợ các thứ dính phân kia sẽ rơi vào miệng.
Miếng đòn này quả không nằm trong binh pháp nào cả. Bởi khi quân triều đình đã rút đi thì việc đánh nhỏ lẻ vào hàng ngũ giặc thuộc về các đội hương binh. Và cách đánh tinh nghịch này chắc lại xuất phát từ các chàng trai có chút chữ nghĩa nghĩ ra lắm trò, như những chàng trai ở Hảo Thôn đã vẽ một con gà tự treo cổ thề không đẻ trứng cho quân Mông Cổ ăn. Còn như cái mùi thối kia là gồm các loại phân chó, phân trâu, phân lợn hòa trộn nhuyễn vào nhau pha thêm nước đái trâu rồi bắt các loại cào cào châu chấu nhốt chung vào đó. Khi bọc vỡ ra chúng bay đi tìm cách thoát thân và gặp cái gì chúng bâu đậu vào cái đó.
Sau này nghĩ lại Trịnh Bằng Phi và cả Bôn-kha-đa đều không thể quên được một trận thua nhục nhã - một trận phải nếm phân súc vật của Giao Chỉ mà địch thủ chỉ là những con sâu con bọ. Và tất cả lũ bại tướng này chiến công thì dư thừa, chữ nghĩa cũng không thiếu mà phải suốt đời ngậm tăm giấu biệt không dám kể với bạn bè một trận thua mất mặt và cũng nực cười, và hầu như bọn họ không dám viết lại một chữ nào lưu quốc sử thiên triều.
Khi Hưng Trí vương và Phạm Ngũ Lão làm nhiệm vụ cản giặc xong rút đi, có để lại một số quân cho các cửa ải tiếp sau. Nhưng dù có được tăng quân thì các cửa quan ải cũng chỉ làm chậm bước tiến của chúng chứ không thể giữ đất đến cùng.
Hai ngày sau Bôn-kha-đa cho quân tiến đánh cửa Lãnh Kinh[44] rất gấp. Cửa ải này do Hưng Đức hầu Trần Quán cầm cự quân giặc.
Nhờ địa thế hiểm trở và vũ khí tinh xảo, Hưng Đức hầu chỉ dùng ba ngàn quân tinh nhuệ để ngăn giặc.
Quân Nguyên vẫn có lối đánh sở trường là dùng sức mạnh của kỵ binh áp đảo đối phương. Giặc cho hàng trăm con ngựa chiến với các kỵ binh Mông Cổ phóng như bay và chúng vừa cưỡi ngựa vừa bật dây cung, tên bay vun vút rít lên trong gió tưởng như lũ chúng có thể quần nát cả cái ải này chỉ trong thoáng lát.
Nhưng cửa quan đã đóng sập, đám kỵ sĩ dừng ngựa trước ải. Những con ngựa chiến vùng thảo nguyên to cao lừng lững bị ghìm cương bất ngờ chúng đều chồm hai vó trước lên và hí vang tức tối. Quân giặc vón lại thành một đám đông chờ lệnh.
Đúng lúc đó, Hưng Đức hầu cho thúc trống đồng và hàng nghìn cung thủ với nỏ liên châu[45] tẩm độc. Chỉ cần đầu mũi tên chích xước da thì ngay cả lũ ngựa chiến cũng trong giây lát là tê liệt toàn thân, mắt trắng dã như mắt cá luộc, miệng sùi bọt và giãy đạp vài cái rồi tắt thở. Ngựa còn thế, lũ lính kia sao chống đỡ nổi. Mặc dù đám quân Mông Cổ đều đội mũ da, có mảnh giáp da nịt khít vào lồng ngực làm giáp hộ tâm lại có cả khiên để che người. Song một khi chúng đã dồn nhau lại lúc nhúc như cá trong chậu, thử hỏi làm sao mà che chắn được, làm sao mà chống đỡ lại được với các cung thủ thiện xạ và những mũi tên như có mắt thần của ta.
Người và ngựa giặc chết hàng loạt, chúng cứ khuỵu chân xuống rồi vật ngã như những thân cây bị luỗng gốc.
Từ phía sau, tướng giặc Bôn-kha-đa giận đến sôi máu, y quay lại nói với Trịnh Bằng Phi như gắt:
- Lũ giặc nhãi ranh này làm quẩn chân ta. Từ khi vào đất nó tới nay mới có sáu bảy ngày trời mà ta phải giao chiến tới gần hai chục trận rồi; trong khi Trấn Nam vương mong ta từng ngày. Ta thề phải giết hết dân nó, xé nát giang san nó. Rồi y lấy roi ngựa vẫy lũ quân phía sau tiến lên.
Thương thay lũ người và ngựa Mông Cổ liên tiếp gục ngã chồng đống không kịp ngáp, không kịp kêu. Kỵ binh vốn là niềm kiêu hãnh của Hốt-tất-liệt, bởi nó đã từng làm nghiêng đổ biết bao quốc gia từ đông sang tây, vậy mà nó phải thúc thủ trước một ải lũy sơ sài ở cái xứ Giao Chỉ bé bằng bàn tay. Càng nghĩ, Bôn-kha-đa càng tức giận, do đó lại càng thúc quân vào chỗ chết. Tới mức không chịu nổi trước hàng đoàn người ngựa cứ chết lăn quay chồng đống lên nhau, Trịnh Bằng Phi mới lựa lời: - Tướng quân, ta hãy tạm lui quân rồi trị tội giặc sau.
Bôn-kha-đa “hừm” một tiếng rồi quay đầu ngựa. Trịnh Bằng Phi biết ý vẫy quân lui rồi sai lũ quân tân phụ tiến lên khiêng xác những tên Mông Cổ chết trước ải.
Đám quân tân phụ bị đẩy lên nhặt xác, tưởng sẽ làm mồi cho quân Đại Việt, chúng run sợ bước đi ngập ngừng, trong lòng luôn nghĩ đến cái chết nhưng không một đứa nào dám quay đầu lại. Bởi tiến lên, sống chết còn nhờ vào sự may rủi chứ quay đầu lại thì nắm chắc phần chết.
Lạ thay từ lúc kỵ binh Mông Cổ quay đầu ngựa tránh xa khu vực cửa ải thì quân Đại Việt không bắn thêm một mũi tên nào nữa, mặc dù quân tân phụ kéo đến lấy xác bọn lính chết rất đông. Đám quân tân phụ đứa nào cũng đeo lủng lẳng một chiếc bùa hộ mệnh trước ngực với mấy chữ triện: “Tổ sư sắc lệnh trấn” bện rất săn, nhưng chúng không tin vào thần linh Trung Hoa nữa, bởi thần linh Trung Hoa cũng sợ người Mông Cổ, vì rằng mỗi khi tướng Mông Cổ nổi sung thì mạng sống của quân tân phụ không hơn một con ngóe, thế mà giờ đây quân Đại Việt lại không giết họ, họ thầm biết ơn.
Dừng lại hai ngày chôn cất các xác chết và cho quân nghỉ ngơi, Bôn-kha-đa lại thúc quân tiến như vũ bão vào cửa quan Lãnh Kinh. Bữa nay quân Nguyên tựa như một võ sĩ thượng thừa gồng hết sức lực để đấm vào một cánh cửa đã mở toang, vì rằng quân Đại Việt sau khi chặn đứng được sức tiến công của giặc và làm cho chúng thương vong tới mức không chịu nổi phải quay đầu tháo chạy, thì họ cũng lui quân ngay để bảo toàn lực lượng.
Bôn-kha-đa cho quân tiến thẳng về ải Nội Bàng mà không vấp phải sự cản trở nào nữa của quân Đại Việt. Tới Nội Bàng, y được biết Trấn Nam vương cũng mới qua đây ba ngày.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng