Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
II
Cuộc diễn tập đại trận thủy bộ liên hoàn kéo dài hơn một tháng để luyện quân cho quen thạo với các loại địa hình và vận động cho mau lẹ. Cuộc diễn tập trên một quy mô chiến trường giả định lớn chưa từng có nhưng kết quả thu được khiến các bậc cầm quân thêm phần an tâm đón đợi giặc, nếu như nó lại vào xâm phạm cõi bờ ta. Cuộc diễn tập còn làm cho binh sĩ nức lòng, nhìn thấy tận mắt lực lượng quân ta không chỉ đông đảo mà còn tinh thông kỹ xảo. Từ thủy binh, bộ binh đến kỵ binh, tượng binh khi vào trận đều uy nghi bề thế. Đánh xa, đánh gần, đánh đủ mọi kiểu từ đánh phục kích, phản phục kích đến xáp lá cà, đánh công, đánh thủ quân đều tỏ ra dũng mãnh tinh tường, khiến khí thế trong quân phấn hứng và tin vào sức mạnh của quân mình như chưa bao giờ oai phong đến như vậy.
Cuộc diễn tập thực chất đã dấy động được lòng người, quân dân đều tin tưởng ở sức mình và sẵn sàng nghênh chiến chứ không e dè lo lắng như hồi cuộc chiến năm Ất Dậu. Vả lại các đệ nhất danh tướng của Mông Cổ đều đại bại ở đây cả rồi. Hung hăng gây tội ác như Toa-đô, Lý Hằng, Lý Quán đứa thì rơi đầu đứa thì chết thảm. Còn như lũ ngựa Mông Cổ với đám lính thảo nguyên cũng có khác chi một lũ chuột đồng ngoi ngóp trên bể nước mênh mông khắp vùng A Lỗ.
Cuộc diễn tập đại trận thủy bộ liên hoàn đã đẩy thế nước lên cao nhưng không làm cho mọi người bồng bột, trái lại nó rất sâu lắng, bình thản một cách kỳ lạ. Người sắp vào trận đánh mà tinh thần bình thản, tự tin là người có bản lĩnh và nắm chắc phần thắng.
Và, cái dư vang của cuộc diễn tập lại như là một cuộc đại biểu dương lực lượng làm cho thế nước càng thêm nổi.
Dân chúng khắp nước luôn được nghe các mệnh quan, các đô tướng của triều đình về tận các thôn ấp tuyên cáo, giặc Bắc sớm muộn lại sang xâm lăng bờ cõi, và lương dân phải làm các việc:
- Mỗi thôn ấp phải có một đội hương binh. Nơi nào chưa có phải cấp kỳ thành lập. Đội hương binh này khi giặc đến phải chọn nơi kín đáo mà bắn tỉa giặc, hoặc phục kích chờ cho chúng đi gần hết rồi thì chặn đánh lũ đi cuối cùng. Quanh vùng nếu có nơi nào giặc đóng thì liên kết các hương ấp lại, đêm đêm đem quân đến bắn tên lửa vào trại giặc, hoặc bắn đằng đông reo hò đằng tây khiến hết đêm ấy sang đêm khác giặc không lúc nào được yên giấc. Dân binh chớ ham đánh lớn vì không cân sức. Nhiệm vụ chính của dân binh, hương binh là tiêu hao, quấy rối giặc.
- Ngay từ bây giờ phải có kế sách di chuyển và bảo vệ các kho lương của nhà nước gửi trong dân tới nơi cất giấu.
- Lương thực, của cải của dân cũng phải tìm nơi cất giấu, kể cả nồi niêu, rổ rá, dao thớt, trâu bò, gà lợn… hết thảy đều không để một thứ gì cho giặc tìm được. Lần này triều đình vẫn thực hiện kế thanh dã như lần đánh giặc Thát năm Ất Dậu. Việc thanh dã phải triệt để thì mới hãm giặc vào thế bị tiêu diệt…
Hết chiếu, dụ triều đình lại cử các quan đi kiểm tra, đốc thúc và phổ biến lại các chỉ dụ cho từng người dân thấu hiểu trách phận đánh giặc, giữ nước. Vì vậy nhiều nơi trong hương ấp, Hội đồng Tứ Toát[31] đã họp dân bầu hẳn ra một ban gọi là “Bảo hương kháng giặc”, tức là chống giặc bảo vệ quê hương.
“Bảo hương kháng giặc” có khoảng từ bảy, chín hoặc mười một người chọn trong số người tháo vát, khỏe mạnh có lòng vì mọi người, tuổi từ trung niên đến thiếu lão. Nếu hương ấp nào có người đã từng ở trong quân nay quá tuổi được về cũng mời tham gia.
“Bảo hương kháng giặc” có nhiệm vụ đôn đốc toàn dân trong hương ấp thực hiện các việc triều đình dụ bảo như trên vừa nói. Ngoài ra có những việc cần huy động sức người, sức của thì Ban này xin ý kiến của Hội đồng Tứ Toát để công việc tiến hành sao cho hợp lòng dân.
Nghe nói thế nước đang nổi, lòng dân đang sục sôi ý chí đánh giặc Thát. Dân muốn đánh giặc vì dân quyết tâm giữ nước giữ nhà. Dân muốn đánh giặc vì dân đã hiểu giặc, đã biết mặt giặc từ thằng giặc Mông Cổ mặt bự thịt, da đỏ au nói năng thì cục cằn như chó đớp, dân còn biết cả mặt những tên lính người Hán mắt một mí nhìn ngang, mặt cúi gằm, miệng lúc nào cũng bung búng như ngậm hột thị, gian như ranh. Cứ gọi là đám lính người Hán vừa bước chân vào đến đầu sân nhà người ta, mắt nó đã đảo ngang đảo dọc, soi mói từ gầm chạn đến gầm giường. Nếu như trong ổ gà còn sót quả trứng, ngoài vườn còn sót quả cam quả bưởi là nó vơ ráo trọi. Ngay cả lũ ngựa Mông Cổ nghe nói thì ghê lắm nhưng nhìn tận mắt cũng thấy thường thôi, dân đã có người dụ bắt sống được, hương binh có làng còn bắt được cả ngựa Mông Cổ đem giết thịt.
Nghe nói khí thế trong dân lên ghê lắm, bữa nọ Phạm Ngũ Lão bèn rủ Trương Hán Siêu đóng giả làm dân thường lấy một chiếc thuyền nhỏ từ Vạn Kiếp xuôi sông Bình Than chừng mười lăm dặm thì neo thuyền sang bờ hữu ngạn. Vì đất bên hữu ngạn không thuộc ấp An Sinh.
Hai người rủ nhau đi vào một ngôi làng phía trước nằm cạnh đường hàng huyện cách nơi đậu thuyền chừng hai, ba dặm đường. Tới đầu làng hai người dừng nghỉ tại một quán nước dưới gốc đa. Vừa ngước nhìn thân cây đa có treo một tấm bảng khiến hai chàng trai bật cười. Bởi ai đó đã vẽ hình một con gà mái tự treo cổ lên một chạc cây, dưới đuôi gà rơi rải rác mấy cục phân, bên cạnh có dòng chữ: “Ta thà tự treo cổ chết chứ không đẻ trứng cho quân Mông Cổ!”. Cạnh mấy cục phân có thêm dòng chữ: “Đây là thức ăn của kẻ xâm lược!”.
Hai chàng trai vừa uống nước vừa lân la hỏi chuyện lão bà. Nói về cái bức vẽ bà lão bảo:
- Đấy là mấy cậu trong ban “Bảo hương kháng giặc” của làng tôi vẽ đấy. Nực cười, hôm các cậu ấy mới đem ra treo nom nó ngồ ngộ không ai nín cười được. Dạo này thì quen mắt rồi không ai cười nữa.
Nghe cái tên gì “kháng giặc” lạ tai, Phạm Ngũ Lão hỏi lại:
- Thưa, lão bà vừa nói cái ban gì của làng ta nhỉ?
Bà lão nhả miếng bã trầu cầm tay, miệng hơi dẩu ra nói:
- Đã bảo cái ban “Bảo hương kháng giặc” khách nghe không rõ sao.
- Đa tạ lão bà, cháu nghe rõ rồi ạ.
- Dạ, lão bà có biết ai vẽ bức tranh này không ạ?
- Tranh triếc gì mấy cậu, nom có giống gà đâu. Tôi thấy nó chỉ là một cục lông đen sì.
- Dạ đúng rồi, Trương Hán Siêu nói xen vào: - Thưa lão bà đây là người ta vẽ con gà chết xù lông, mà là gà ác nên lông đen. Đúng là tranh không đẹp nhưng người vẽ có học vấn cao vì ý tứ sâu xa lắm.
- Ông khách này tinh thật, sao ông biết cậu ấy có học. Cậu ấy là con ông đồ Quỳ hay chữ nổi tiếng cả vùng đấy.
- Dạ, nếu chúng cháu muốn gặp những người trong “Bảo hương kháng giặc” của thôn ấp ta đây thì tìm ở đâu ạ? - Phạm Ngũ Lão hỏi.
Bà lão chỉ tay theo nẻo đường dẫn vào làng đáp:
- Quý khách cứ đi thẳng vào trong đó, các ông ấy ở cả trong đình ấy, lúc nào cũng có người.
Lại hỏi:
- Thôn ta đây gọi là gì thưa lão bà?
- Hảo Thôn, bà lão đáp, dân chúng tôi đây thuần dân tốt, quý khách cứ yên tâm. Vậy chớ hai công tử đi du lãm hay có quen ai ở trong thôn ấp?
- Dạ, thưa chúng cháu đi chơi thấy làng ta cảnh đẹp nên muốn ghé thăm. Nói xong hai người rảo bước đi vào làng.
- Này anh Hán Siêu, anh có thấy cái tên “Bảo hương kháng giặc” này hơi lạ không. Hay thật, chẳng biết đấng cao minh nào nghĩ ra cái tên vừa bình dị vừa cao siêu vậy.
- Chẳng có đấng bậc cao minh nào nghĩ được ra cái tên đó đâu, chắc là nó bật ra từ một người dân nào đó một cái tên na ná như vậy, rồi họ cứ bổ chính, tu chính mỗi người một ý, cuối cùng đến cái tên này ưng ý thì họ chốt lại. Theo tôi chưa hẳn cái tên đó đã phát xuất từ Hảo Thôn mà nó đã truyền từ đâu đó về, và bây giờ chắc nhiều hương ấp đã lập “Bảo hương kháng giặc”.
- Hay! Tôi cho cái tên này hay lắm đấy. Nó gắn bó thân thiết với hương thôn ta ghê gớm. Thực chất là việc đánh giặc giữ làng, giản dị và cần thiết như cơm ăn, nước uống. Phạm Ngũ Lão cứ tấm tắc khen mãi.
- Tôi chắc chẳng mấy nữa “Bảo hương kháng giặc” sẽ phổ cập tất thẩy các làng xã trong nước. Thế là toàn dân đánh giặc, Trương Hán Siêu hưởng ứng.
- Nếu toàn dân tham gia đánh giặc thì sức quân của mình tăng lên gấp bội, sức kháng chiến của cả nước sẽ chung đúc thành một khối, và như thế nó mang trong mình sức mạnh đảo hải di sơn không một kẻ thù nào không bị đánh bại.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã tới cửa đình.
Đình làng là một ngôi nhà bảy gian to, thoáng, rộng được dựng bằng cột gỗ, các vì kèo và rui, mè, đòn tay tất thẩy đều bằng một thứ tre ngâm, mái lợp rạ, tường bằng đất nện, mặt trước là cửa bức bàn. Gian giữa lập bàn thờ, hai gian đầu bỏ trống, mỗi bên hai gian áp sát với gian thờ đều dựng sàn gỗ làm nơi hội họp. Dân tình vắng hoe, cỏ trên sân lụi vàng xơ xác. Nhìn vào trong đình thấy vài người đang viết lên những tấm bảng gỗ ghép to bằng chiếc chiếu.
Trương Hán Siêu e hèm lên tiếng trước:
- Chào các đàn anh!
Mấy người đang hí húi viết ngửng đầu nhìn khách. Hai bên đều lạ lẫm.
Phạm Ngũ Lão nói lời thân thiện:
- Thưa các bậc đàn anh, chúng tôi là khách qua đường thấy làng ta phong cảnh đẹp nên ghé thăm, xin các đàn anh cho phép.
Cả ba chàng trai đang viết đều ngừng tay và ngoái nhìn khách, cất lời chào lễ độ làm đẹp lòng khách.
Họ buông bút, lau các vết mực trên tay rồi mời khách ra sàn.
Trương Hán Siêu đang đọc dở một bảng chữ liền xin phép hỏi:
- Xin các đàn anh thứ lỗi, chúng tôi vừa đường đột vừa tò mò, liệu có phải quý anh viết lời hiệu triệu đánh giặc Thát không ạ?
- Dạ, đúng vậy. Chẳng là lần đánh giặc trước, hương tôi đây tất bật chuyển lương cho quân lại chuyển cả kho lương nhà nước gửi đem giấu trong rừng thành thử không kịp viết. Lần này nhân giặc chưa vào cõi, nên có thì giờ, anh em chúng tôi được ban “Bảo hương kháng giặc” sai viết. Tưởng có thể viết nhanh như viết trên giấy học, nhưng khi viết vào bảng khổ chữ to cũng lâu mà cũng không dễ.
Phạm Ngũ Lão nhẩm đọc: “Tất cả các quận huyện trong nước nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”.
Nhìn người đứng trước tấm bảng có tư chất là một nho sinh, Phạm Ngũ Lão xá một xá rồi khen:
- Tôn huynh chữ tốt quá, chân phương, chữ có cốt như cốt rồng.
Người kia đáp:
- Tôn huynh quá khen. Bởi đây là lời dụ bảo của hoàng thượng với bách tính, tôi phải chọn lối viết này vừa tỏ lòng tôn kính quốc vương vừa để cho mọi người dễ đọc.
Trương Hán Siêu từ nãy vẫn nhìn vào tấm bảng mà người nho sinh đang viết và nhẩm đọc:
“Năm đầu niên hiệu Trung thống ngày… tháng… Chiếu văn của Thế tổ thánh đức thần công văn võ hoàng đế chỉ dụ cho vua nước Nam…
Trương Hán Siêu hỏi có phải tôn huynh muốn viết tiếp, rồi ông đọc to: “… hiểu dụ cho quan liêu sĩ thứ nước ngươi… phàm mũ áo, điển lễ, phong tục cứ theo như chế độ cũ, không cần phải thay đổi… Ngoài ra ta cũng răn cấm các biên tướng ở Vân Nam không được tự tiện đem binh lấn cướp nơi cương giới, quấy nhiễu biên dân… Quan liêu sĩ thứ nước ngươi đều nên yên trị như cũ. Nay ban lời chiếu để nhớ mà giữ gìn[32].
Trương Hán Siêu vừa dứt lời, vị nho sinh kia bèn vái một vái:
- Xin cảm phục tiên sinh! Quả là tôi cũng chỉ định trích lời chiếu của Hốt-tất-liệt có bằng ấy chữ thôi. Không, đó là ý của thầy tôi dặn chứ không phải ý của tôi.
- Sư phụ của tôn huynh quả là bậc cao minh - Hán Siêu đáp - Bởi ta dùng lời lẽ này của vua nó để đập lại chính nó. Nó nói “không xâm phạm cõi bờ”, nhưng lại định đưa đại binh vào giày xéo núi sông ta. Đúng là lũ kẻ cướp.
Chủ khách xem ra đã có sự quyến luyến và cảm phục nhau. Họ mời nhau ngồi lên sàn và một người chạy đi lấy trầu nước. Vừa nhai trầu vừa uống nước, không khí thật là vui vẻ, cởi mở. Bỗng một chàng nho sinh lên tiếng:
- Cứ nom sắc diện hai tôn huynh, tôi thấy không phải người thường, vả lại tuổi tác các vị hẳn nhiên hơn bọn anh em tôi ở đây nhiều. Các vị phải cỡ tuổi huynh trưởng của chúng tôi. Vậy xin tôn các vị là đại tôn huynh kẻo mang tiếng chúng tôi thất lễ.
- Không dám! Không dám! Cả Phạm Ngũ Lão và Trương Hán Siêu đều xua tay.
Ngồi đối diện nhìn kỹ, họ thấy người có vóc dáng mảnh mai so với người kia đầu búi tóc, quấn khăn vành dây bằng lụa màu nâu để hở vầng trán cao hơi dô, đôi mắt sáng, lưỡng quyền và cả đôi má đều phủ một lớp da trắng, xem ra người này ít dạn dày sương gió. Thật ra họ không để ý chứ Trương Hán Siêu đang vận trên người chiếc áo dài đen cổ lá sen, hai cửa tay và nách đều rộng là kiểu áo của các anh nho sinh đương thời. Áo ấy với khăn vành dây quấn hình chữ nhân trước trán đích thị là khăn áo của các bậc nhà nho.
Còn người kia (Phạm Ngũ Lão) có gương mặt chữ điền vuông vức, mắt đen nhức, hai hàm răng nhỏ đều tăm tắp. Người này đầu cạo trọc đội mũ ô sa, vận chiếc áo dài nhỡ chỉ chấm gối, áo cổ cao cũng có lá sen nhưng nách và cửa tay hẹp, áo như có phần hơi bó, chẽn. Người này vóc dáng to khỏe, nước da rám nắng săn chắc.
Một người nhìn thẳng vào Trương Hán Siêu nài nỉ:
- Vừa đây đại tôn huynh đọc những lời trích trong chiếu thư của Hốt-tất-liệt, khớp từng chữ với thầy tôi sai viết, khiến chúng tôi lấy làm tâm phục, về tờ chiếu này, thầy tôi cũng đã giảng, nhưng nguyên ủy xuất xứ của nó thì thầy tôi cũng chưa được tường lắm. Vậy xin đại tôn huynh mở lòng chỉ giáo.
Thấy lời lẽ khiêm nhường và có vẻ cầu thị, Trương Hán Siêu vui vẻ nhận lời.
- Quả thực tôi không dám múa mép khua môi, chỉ xin biết tới đâu, tâu tới đó để hầu các quý hữu.
Mấy người trai làng mà thực họ là nho sinh, nghe khách gọi mình là “quý hữu” lấy làm cảm động, họ đáp gần như đồng thanh:
- Đa tạ đại tôn huynh!
- Việc này xảy ra khá lâu rồi, có thể từ khi tôi và các quý hữu còn chưa được sinh ra kia - Trương Hán Siêu nói tiếp - Ấy là vào khoảng năm Canh Thân (1260), em Hốt-tất-liệt là A-lí-bất-kha nghe tin năm trước Mông-kha chết ở thành Điếu Ngư thuộc Tứ Xuyên, y bèn chiếm quốc đô Mông Cổ tranh ngôi đại Hãn. Hốt-tất-liệt đang đánh Ngạc Châu (Hồ Bắc), phải bỏ dở và đem quân về nước. Trong hoàn cảnh ấy y không có thể uy hiếp Đại Việt được nữa, nên ban tờ chiếu này nhằm mơn trớn và giữ chân Đại Việt trong vòng kiềm tỏa của nó. Sau này Hốt-tất-liệt đã lấy lại ngôi đại Hãn, và trở về bình định Trung Hoa thì đòi hỏi của y cực kỳ khắc nghiệt. Nhưng Đại Việt ta cứ lấy tờ chiếu đầu tiên này của Hốt-tất-liệt làm cơ sở đấu tranh bang giao với nhà Nguyên. Người Nguyên thì bảo “chiếu ấy cũ rồi, thiên tử đã ban chiếu mới”. Đại Việt cãi lại: “Chiếu thiên tử ban ra lời vàng ý ngọc không bao giờ cũ, thiên tử không nói hai lời”. Do đó, sư phụ của các quý hữu sai viết lời chiếu này để mắng giặc, quả ngài là bậc đại cao minh, xin bái phục!
Trương Hán Siêu vừa dừng lời, lại hỏi:
- Vậy chớ sư phụ của các tôn huynh có dặn phải viết thêm gì nữa không ạ?
- Dạ có, một người đáp: - Dạ thầy chúng tôi dạy phải viết thêm vài lời cảnh cáo dưới lời chiếu như sau: “Kẻ nào xâm phạm cõi bờ Đại Việt làm rối loạn nhân dân là kẻ kháng mệnh thiên tử phải trị tội”.
- Phải, chỉ vài lời đó là đủ, Trương Hán Siêu đáp.
Phạm Ngũ Lão từ nãy vẫn ngắm nhìn mấy người nho sinh trai trẻ, nghe họ trao đổi với Trương Hán Siêu xong, ông nói:
- Hốt-tất-liệt ban lời chiếu trên là để lừa mị ta nhất thời. Nhưng ta cứ vin vào đó như một cái cớ để vạch mặt nó hoặc để từ chối những đòi hỏi thái quá của nó. Nay các đòi hỏi bằng chiếu dụ, tức là bằng sức ép bang giao đối với Đại Việt đều không đem lại kết quả như chúng trông đợi, nên đã hai lần xua quân sang xâm lăng Đại Việt ta.
Phạm Ngũ Lão ngửa mặt lên trời kêu:
- Than ôi, kẻ ban chiếu: “Biên tướng bất đắc thiện hưng binh giáp xâm lược cương trường, náo loạn nhân dân” (cấm các biên tướng không được tự tiện đem quân xâm phạm cõi bờ (Đại Việt) làm rối loạn nhân dân), thì cũng chính nó năm Ất Dậu (1285) mới đây sai thằng con trai thứ mười một của nó là gã Thoát-hoan dẫn hơn năm mươi vạn quân vào xâm lược nước ta chứ còn ai. Lũ con trời (thiên tử) tâm địa xảo trá hơn cả loài lang sói, đời này qua đời khác, tội ác chúng gây ra chất cao như núi cho nên với loài dã thú này chỉ có trừng trị đích đáng chúng mới chừa. Tiếc quá, trận truy đuổi Thoát-hoan trên đường trốn chạy, nếu Trần Quốc Toản không bị giặc bắn lén thì sinh mạng Thoát-hoan khó toàn.
- Dạ thưa đại tôn huynh, thầy tôi cũng bảo thế, nhưng viết cái này ra đây là để vạch bộ mặt xảo trá của cha con Hốt-tất-liệt, và cũng cho người mình biết chớ có tin vào lời đường mật của chúng nó mà mất nước, mất nhà.
Với vẻ thân mật Trương Hán Siêu nói:
- Ta hỏi thật các quý hữu, cữ này thì dân làng ta đang làm gì?
Các bạn cười ồ lên và gần như họ cùng nói:
- Ai việc nào cứ việc đó mà làm, như bọn đệ hàng ngày đi cày, đi cuốc, đi ra bãi bồi khai hoang vỡ hóa, ai lên rừng đốn củi, hái nấm, đào cây thuốc cứ đi, ai tập tành cứ tập, ai gánh gạo đổ kho lương cứ gánh, còn bọn đệ đi viết các bảng chữ này để treo nơi nào giặc qua lại thì cứ viết. Hoặc vụ chiêm vừa qua dân hương ấp gặt xong, chân năm tay mười lo liệu cho việc cày cấy vụ mùa ngay. Dạ chúng tôi sắp cấy vụ mùa, còn vụ chiêm vừa rồi lại bội thu. Đã bội thu còn được tha tô, thuế, bởi vậy dân tôi no đủ ca hát cả ngày. Ban ngày đi làm đồng vừa làm vừa hát, tối về lại tụ họp chia bè hát đến khuya. Dạ, chiến tranh thì chẳng có ai thích cả, nhưng sợ thì chẳng sợ đâu. Nếu giặc Bắc lại sang thì ta lại đánh giặc Bắc lo gì. Nói xong các chàng trai đều cười hồn hậu.
Phạm Ngũ Lão tủm tỉm cười hỏi:
- Xin các quý hữu đại xá tính tò mò của tôi, nhưng dám hỏi trong các quý hữu ở đây vị nào vẽ bức tranh con gà mái tự treo cổ: “Thà chết chứ không đẻ trứng cho quân Mông Cổ”, và vì sao quý hữu nảy ra ý nghĩ vẽ bức tranh đó?
Cả ba người đều cười, riêng người tóc xoăn có vẻ nghịch ngợm mặt hơi ửng đỏ. Hai bạn đổ dồn nhìn về phía người tóc xoăn nói:
- Anh này! Anh này có tài vẽ mà hóm lắm đấy ạ.
- Vậy chớ sao quý hữu lại nảy ra cái ý vẽ bức tranh con gà?
Chàng tóc xoăn ngượng ngập mở lời:
- Thưa các đại tôn huynh, chẳng là lũ đệ ngồi tán dóc về cái bọn giặc Mông Cổ, giặc Tàu nó vơ vét của dân mình thật là thậm tệ, cái gì không ăn được, không đem đi được thì nó đập phá, nó thiêu hủy. Thế là… anh ta bưng miệng cười, rồi cả ba người cùng cười nấc lên.
Lát sau vãn tiếng cười, Trương Hán Siêu mỉm cười và nói:
- Có phải các quý hữu bảo: “phải cho lũ này ăn cứt”, rồi từ đó nảy ra ý nghĩ vẽ bức tranh có đúng không nào.
Ba chàng trai nhìn Trương Hán Siêu tỏ vẻ kinh ngạc:
- Đại tôn huynh đoán việc như thần.
Dõi theo ba chàng trai từ khi mới gặp, Phạm Ngũ Lão đã có ý muốn thu dụng, liền hỏi:
- Dám hỏi các quý hữu có ý định đầu quân đánh giặc chưa?
- Dạ chúng tôi xin đầu quân mấy lần mà chưa được. Các mệnh quan, các đô tướng đi tuyển bảo triều đình muốn để dành những người có học thức để dùng vào việc khác. Anh em chúng tôi bàn nhau hôm nào sang sông tìm vào cửa Đức ông ở Vạn Kiếp xem ngài có thu dụng để được vác giáo dưới cờ. Nói thật với các đại tôn huynh, cái chí của chúng tôi là ở chốn sa trường giết giặc cứu nước, chứ sức trai trẻ mà cứ ru rú ở xó nhà sao chịu nổi.
Trương Hán Siêu và Phạm Ngũ Lão cùng nháy nhau rồi Hán Siêu nói:
- Nếu các quý hữu tòng chinh thì ai phụng dưỡng cha mẹ già, lại còn con thơ vợ dại nữa chứ!
- Thưa, các trưởng huynh của chúng tôi được nhà nước miễn cho các khoản tạp dịch và quân thú để ở nhà giữ đạo hiếu. Vâng đây là ân mệnh của triều đình cho những người là con trưởng có cha mẹ già trên sáu mươi tuổi. Còn vợ con chúng tôi khỏi lo. Một là gia cảnh cũng không đến nỗi nào. Hai là trong hương ấp có lệ hễ ai ra mặt trận, vợ con ở nhà được mọi người giúp đỡ, nhất là các việc nặng như cày cấy, gặt hái.
- Mải nói chuyện mà quên hỏi danh tính và niên kỷ các quý hữu, Phạm Ngũ Lão lên tiếng và chỉ tay vào chàng tóc xoăn.
Chàng ta bẽn lẽn:
- Thưa đại tôn huynh, tiểu đệ tên là Ngô Trung Tín hai mươi mốt tuổi, quê quán Hảo Thôn thuộc phủ Chí Linh.
Chàng ngồi bên cạnh tự nói:
- Thưa, tiểu đệ là Bùi Hoàng Linh hai mươi tuổi, quê quán Hảo Thôn.
Chàng kia tự bạch:
- Thưa, tiểu đệ là Nguyễn Bình An hai mươi hai tuổi, cùng quê quán với hai anh Trung Tín, Hoàng Linh. Dạ, thế còn quý danh và niên kỷ của hai đại tôn huynh? - Bình An hỏi.
Ngũ Lão và Hán Siêu đưa mắt cho nhau, ý là cứ nói thật vì cả hai người đều muốn thu dụng ba chàng trai này về đầu quân dưới trướng Hưng Đạo vương. Hai người lần lượt xưng danh:
- Tôi là Trương Hán Siêu năm nay hai mươi tám tuổi, quê quán ở phủ Trường Yên vốn là kinh đô của hai nhà Đinh - Lê.
- Còn tôi là Phạm Ngũ Lão hai mươi bảy tuổi, quê quán phủ Ân Thi thuộc châu Hồng. Hai anh em chúng tôi đều đầu quân dưới trướng Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương.
Cả ba chàng trai đều giật thột như vừa bị ong đốt, họ vội quỳ xuống vái lia lịa:
- Xin tha tội chết, chúng tôi đã mạo phạm. Núi Thái Sơn trước mặt mà chúng tôi có mắt như mù. Hai ngài danh vang khắp nước. Trận thắng giặc vừa qua cả nước biết ơn các ngài.
Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu nâng ba chàng trai dậy nói lời an ủi:
- Chúng tôi có một chút danh là vì có công đánh giặc, không thì cũng như người thường thôi. Các anh em còn trẻ, thời cơ lập công đang đến lo gì. Vậy nếu các anh em đã định đầu quân vào phủ Hưng Đạo thời chúng ta là anh em một nhà. Khỏi phải “đại huynh” với “đại tôn huynh” cho thêm phần khách khí. Chi bằng chúng ta cứ gọi nhau là anh em. Chúng tôi lớn tuổi hơn chúng tôi là huynh, quý hữu ít tuổi hơn thì xưng là đệ. Còn việc ra mắt đại nhân thì các quý hữu định ngày nào đây để chúng tôi đưa thuyền ra bến Đại Than đón rước?
Họ nhìn nhau và cùng thống nhất:
- Xin các huynh trưởng cho lũ đệ thu xếp trong ba ngày.
- Bữa nay là ngày Giáp Ngọ không tính. Các quý hữu thu xếp trong ba ngày, sang ngày thứ tư tức ngày Mậu Tuất chúng tôi sẽ có thuyền chờ tại bến. Xin hỏi vào giờ nào đây.
- Giờ Thìn ạ! Hoàng Linh nhanh nhảu đáp.
- Không được, xuất hành ngày Tuất lại đi vào giờ Thìn, xung đấy - Bình An nói.
- Dạ thế thì giờ Mão ạ. - Trung Tín nói.
- Được đấy! - Cả ba đều đồng lòng.
- Vâng như thế là chúng đệ có mặt tại bến Đại Than vào khoảng nửa đầu giờ Mão.
Họ chia tay, cả hai bên đều vui. Các chàng trai cứ tưởng mình nằm mơ. Chỉ riêng được gặp hai đại nhân này về kể lại, chắc khó có người tin.
Còn Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão cũng hết đỗi mừng rỡ vì sẽ tiến cử lên Hưng Đạo người mà vương đang cần để huấn hỗ bổ sung vào đội ngũ các gia tướng gia thần. Với con mắt nhà võ, Ngũ Lão nói:
- Mấy chàng trai này chỉ cho tập luyện ba tháng thì người lớn hẳn lên, to khỏe lại có học thức, chọn cho làm đô tướng được lắm.
- Tôi nghĩ họ cũng có khiếu năng của một gia thần trong phủ Đại vương đấy. Nhưng phải cho học hành, rèn dạy nhiều, mới thành tài. Bởi xem họ đều có nhiệt tâm hiến mình cho nước lại đam mê lập công.
Ngay tối hôm đó, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu xin yết kiến chủ tướng và kể hết các chuyện đang diễn ra ở nơi thôn ấp hiện nay, và tiến cử mấy người vừa gặp.
Hưng Đạo mừng lắm, người nói:
- Thế nước được tạo lập từ trong lòng dân, giặc Hồ nếu lại vào, chắc chúng sẽ chuốc đại họa.
Trong khi ở Thăng Long, ở Đại Việt việc chuẩn bị kháng giặc vừa khẩn trương vừa bình lặng thì ở đại đô Yên Kinh, thiên tử nhà Đại Nguyên sôi lên sùng sục như một con thú dữ bị nhốt trong cũi sắt.
Hốt-tất-liệt sai triệu Thoát-hoan và bình chương chính sự Áo-lỗ-xích vào bệ kiến.
Áo-lỗ-xích và Thoát-hoan vừa quỳ chúc câu:
- Thiên tử vạn an!
- Thánh thượng vạn an!
Hốt-tất-liệt vội xua tay:
- Miễn lễ! Cho các khanh an tọa.
Nói xong nhà vua gõ một tiếng chuông nhỏ. Lập tức nội thị bê ra một chiếc khay ngọc trên đó đặt một chiếc chén vàng rót đầy rượu quý. Nội thị quỳ dâng rượu. Hốt-tất-liệt liếc nhìn về phía chiếc kỷ kê bên tả ngai vàng. Viên nội thị biết ý vua liền đặt khay rượu lên mặt kỷ. Cùng lúc ấy có hai thị nữ mỗi người bê một chiếc khay bằng gỗ hoàng đàn thơm phức khảm ngọc trai lấp lánh, trên mỗi khay đặt một chiếc chén bạc rót đầy rượu. Rượu có màu vàng óng, trong như hổ phách. Rượu của nhà vua có màu đỏ tươi và trong suốt nom tựa một khối hồng ngọc.
Mỹ nữ vừa dâng rượu cho hai đại quan, thiên tử liền phẩy tay:
- Ta ban cho hai khanh mỗi người một chung tiên tửu đấy, uống mau rồi tâu báo công việc.
Nghe lời phán, hai người vội sụp lạy:
- Tạ ơn thiên tử ban tiên tửu.
Rồi họ nâng chung rượu, lấy cánh tay áo che miệng và ngửa cổ uống một hơi cạn hết.
Hốt-tất-liệt có sức khỏe dẻo dai như một con ngựa thiên lý và làm việc không biết mệt mỏi. Tính ông nóng như lửa, làm việc nào phải cho xong việc đó. Ai nhận việc mà cứ để dây dưa nếu không mất đầu cũng mất chức. Vì thế các kẻ dưới quyền nhiều người khiếp nhược. Hốt-tất-liệt rất ghét vừa họp bàn vừa chè rượu. Ông có thể cho uống rượu, uống trà vào trước hoặc sau khi họp bàn.
Hai người vừa đặt chung xuống, Hốt-tất-liệt đã hỏi:
- Công việc của “Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh” các khanh lo liệu đến đâu rồi, tâu báo ngay đi.
Trấn Nam vương Thoát-hoan quỳ tâu:
- Bẩm phụ hoàng, quân lấy từ các tỉnh Giang Hoài, Hồ Quảng, Giang Tây, Vân Nam đều đã tập trung xong, hiện các tướng đang lo chỉnh bị đội ngũ rồi cho tập luyện lại để chúng ăn khớp với nhau.
Nhà vua gật đầu nói như gắt:
- Đã cho miễn lễ khi bàn việc quốc sự, các khanh cứ thủ lễ rườm ra. Mỗi lúc lại mỗi quỳ tâu thì còn bàn bạc cái gì.
Thoát-hoan mắt hơi lấm lét nhìn vua cha.
- Trong số quân đi nam chinh thì quân Mông Cổ mấy phần, quân Hán mấy phần? - Hốt-tất-liệt hỏi.
- Tâu, ba phần quân Hán một phần quân Mông Cổ.
- Đúng rồi, phải lấy nhiều người Hán cho nó đi đánh trận, nhớ lấy thêm đám quân Hán phía bắc nó cũng biết cưỡi ngựa, bắn cung, người lại cao to như người Mông Cổ khiến dân Giao Chỉ sợ đấy.
Chợt Hốt-tất-liệt quay hỏi Áo-lỗ-xích:
- Thế nào ông bình chương, thuyền bè, chiến hạm và quân thủy ông lo đến đâu rồi?
- Tâu hoàng thượng, năm trước hoàng thượng sai Hồ Quảng đóng ba trăm chiến thuyền, sau lại sai đóng thêm hai trăm chiếc nữa cộng với số thuyền cũ còn dùng được cũng đến vài ba trăm chiếc, thần đã sai đưa tất cả số thuyền đó về hai cảng Khâm Châu, Liêm Châu ở Quảng Đông rồi.
- Quân thủy lấy ở đâu? - Hốt-tất-liệt hỏi.
- Tâu, lấy quân Giang Nam thôi chứ quân Mông Cổ và quân Hán miền bắc không xuống nước được. Dân thảo nguyên xuống nước chỉ có say sóng, mà đã say sóng người nôn nao bải hoải, đầu váng mắt hoa, quân ấy coi như loại ngũ.
- Khanh định đem sang Giao Chỉ bao nhiêu quân thủy?
- Tâu, số thuyền đó chỉ có thể chở được từ mười đến mười hai vạn quân chiến đấu là cùng.
- Ta cho số quân thủy thế là được, nhưng phải tập luyện cho kỹ, khanh nên nhớ quân Giao Chỉ sông nước là nhà của nó đấy.
Khanh đưa hết thuyền về Khâm, Liêm vậy quân phải đi bộ đến đó à?
- Tâu, thần sai đưa quân về Hồ Quảng nhận thuyền rồi giong buồm về Khâm, Liêm coi như một cuộc đại tập trên biển.
- Khanh quả là viên tướng linh lợi giúp rập cho Trấn Nam vương. Vậy chớ hai khanh định chọn tướng nào coi quân thủy? - Hốt-tất-liệt hỏi.
Thoát-hoan đáp:
- Tâu, thần cử hai viên tham tri chính sự là Ô-mã-nhi và Phàn Tiếp. Ô-mã-nhi giữ chức chánh, Phàn Tiếp chức phó.
- Quan tước thì phải nói cho rành rõ mới danh chính ngôn thuận được. Ngươi nói chánh với phó là chánh phó cái gì. Hốt-tất-liệt mắng. Vả lại phải biết trân trọng các tướng tài. Chức tước của hai vị tướng này ta tuyên như sau:
Ô-mã-nhi làm tham tri chính sự bình man hành hải đô nguyên súy.
Phàn Tiếp làm tham tri chính sự bình man hành hải phó đô nguyên súy.
Các tướng lần trước ta đã sai giúp rập dưới trướng Trấn Nam vương vẫn không có gì thay đổi. Duy có A-lí Hải-nha thất lộc ta đã thay bình chương chính sự Áo-lỗ-xích vào chỗ của A-lí Hải-nha. Nay ta sung thêm hai người đó là hữu thừa A-ba-tri và hữu thừa Trịnh Bằng Phi. Các tướng trong “Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh” đều đã dạn dày chiến trận, phần đông trong số đó cũng mới đi đánh Giao Chỉ về năm Ất Dậu. Ta chắc mọi việc sẽ thuận. Hốt-tất-liệt nói thêm: - Ngoài bốn tỉnh đã điều quân, ta cũng vừa có chiếu động binh thêm ở Quảng Tây và Quỳnh Châu[33]. Quảng Tây là lấy quân tân phụ cho nó theo quân mang vác, còn dân Lê ở Quỳnh Châu cũng là dân quen thạo biển khơi đấy.
- Đội ơn thiên tử! Áo-lỗ-xích nói.
Trầm ngâm một lát Hốt-tất-liệt lại hỏi:
- Việc quân lương hai khanh trù liệu thế nào rồi?
Thoát-hoan vội đáp:
- Ý thiên tử muốn chinh nam lần này là dứt Giao Chỉ vì chúng ương gàn kháng mệnh. Vì vậy quân đem vào lần này cũng đông hơn, đồn trú cũng lâu hơn nên tiêu tốn lương thực cũng nhiều hơn. Nếu như đem bằng đường bộ thì cực nhọc gian nan, lũ giặc phục cướp mất lại hỏng việc quân. Năm ngoái nghe Lễ bộ thượng thư Lưu Tuyên nói từ Tư Minh sang Giao Chỉ, một người phu gánh năm đấu[34] gạo, đi về ăn hết một nửa. Nếu có mười vạn thạch[35] lương dùng cho bốn mươi vạn người cũng chỉ đủ nuôi quân một, hai tháng. Chuyên chở đóng thuyền, phục dịch việc quân phải cần đến năm mươi, sáu mươi vạn người.
Vả lại cuộc chinh Giao Chỉ năm Ất Dậu chuyển lương bằng đường bộ, quân luôn thiếu lương thực mà người Giao Chỉ nó cất giấu lương thực rất tài. Quân đóng ở đâu thường cho đi sục sạo tới hai ba mươi dặm quanh vùng, vẫn không kiếm nổi một đấu thóc cho ngựa. Do vậy, lần này chúng thần xin được chuyển quân lương bằng đường biển.
- Chuyển bằng thuyền được nhiều hơn lại đỡ tốn người tốn sức. Ta đã liệu trước việc này nên cho đóng bảy mươi thuyền chở lương cỡ lớn, mỗi thuyền có thể chở được từ bốn trăm năm mươi tới năm trăm thạch. Mỗi chuyến cả đoàn thuyền vận tải này có thể chở tới ba bốn mươi vạn thạch lương, đi về nhiều chuyến là có thể chở đủ sáu, bảy mươi vạn thạch. Đủ số lương đó mới cho quân trụ lâu được. Tuy vậy, mùa lúa chín phải đuổi dân nó đi xua quân ra mà gặt lấy thóc nuôi quân, nuôi ngựa lâu dài.
- Thiên tử quả là bậc thiên tài có con mắt nhìn thấu ngàn tầm, trí xét đoán thông ba cõi, - lũ thần không theo được, Áo-lỗ-xích khen nịnh chủ.
- Các tỉnh nộp đủ số lương đã giao chưa? - Hốt-tất-liệt hỏi. Có tỉnh nào chưa nộp được hạt nào không để còn liệu?
- Tâu, các tỉnh đang chở lương về nơi quy tập, nhưng chưa tỉnh nào nộp được đủ số lương được thiên tử phân bổ. Họ nói mấy năm liền mất mùa, nay mới có hột lúa, dân chỉ nộp tô, thuế thôi chứ không bán. Họ nói số lúa còn dư chẳng đáng là bao, phải dự trữ kẻo lại mất mùa nữa thì chết đói.
Hốt-tất-liệt cau vầng trán, nhíu đôi lông mày làm hai con mắt nhọn ra như hai chiếc gai bưởi, chợt ông quơ hai bàn tay múp míp ra phía trước rồi dụ bảo:
- Nói mấy viên an phủ sứ mở kho bạc lấy tiền mua lúa giá cao.
- Muôn tâu, dân chúng bảo: Giá cao mấy cũng không bán, nếu mất mùa thì không thể dùng tiền cứu đói được.
- Thế mà ngươi cũng học đòi làm tướng. Đám dân chúng có thể tạm thời để nó chết đói, nhưng quân thì không thể thiếu lương một ngày. Sai quân ập vào từng nhà, bức chúng nó phải cho nhà nước vay lương. Phải vét lương cho thật nhanh để còn tiến binh, cứ trù trừ mãi để chúng nó hồi sức, hồi sinh à!
Biết thiên tử đang bị con hỏa xà nó quấy, hai tướng len lét cúi đầu hô:
- Tuân chỉ!
Và họ lặng lẽ bước ra, ai về dinh ấy sai tướng đi các tỉnh đốc lương.
Hốt-tất-liệt đi loanh quanh trong nội tẩm lòng đầy bực giận. Ông rờ lên đầu túm được chiếc mũ và ném phắt về phía tấm bình phong. Lại đưa tay lên nắm tóc trên đầu.
Quả thật trên đầu thiên tử chỉ có đám da nhẵn bóng nên năm ngón tay trượt đi khiến thiên tử càng bực tức. Vừa chợt trông thấy chiếc khay ngọc, ngài quơ lấy, giang thẳng cánh ném vào chiếc đôn sứ kê cạnh kỷ. “Choang” một tiếng rất đanh gọn, cả khay ngọc lẫn đôn sứ đều vỡ tan tành.
Lúc này đầu óc thiên tử như đã dìu dịu. Ngài gõ năm tiếng chuông. Năm ả thị nữ mặt hoa da phấn đỡ ngài vào phòng tắm xông hơi.
Mỗi ả một việc, đứa cởi áo đứa cởi hia, đứa cởi quần cho thiên tử. Và cả năm ả đào tơ đều tự trút bỏ xiêm y khiêng thiên tử vào bồn tắm. Mỗi ả quỳ một góc và được phép kì cọ mọi nơi trên cơ thể thiên tử.
Ba lần thay nước thơm ấm dịu và được các mỹ nữ vuốt ve mơn trớn, thiên tử quên hết bực dọc và cả mệt nhọc. Ngài vươn vai đứng dậy tồng ngồng như một đứa trẻ. Ngài tự ngắm cơ thể mình và cơ thể các mỹ nhân. Ngài có nước da nâu cháy, bụng và mông đều sệ như một con lợn sề thiến, giữa ngực có một nạm lông đen mà cứng như lông đuôi ngựa.
Các ả lau khô thân thể thiên tử, khoác lên vai ngài tấm áo dài rồi thắt đai và dìu ngài sang phòng kế bên. Ở đây có hai ả chờ sẵn với một bát canh đang bốc khói thơm phức. Đó là canh thuốc đại bổ và thuốc đại kích dục do các ngự y nổi tiếng của Trung Hoa chế hầu thiên tử.
Thiên tử vừa dùng canh xong liền có hai mỹ nữ khác đến dìu qua một hành lang xông hương thơm phức, để vào một căn phòng dát thuần gỗ trầm và họ mời ngài ngả mình trên tấm nệm, rồi họ lấy thuốc thơm xoa bóp toàn thân. Khi canh ngấm, thuốc xoa bóp ngấm, cơ thể ngài ngự rung lên thì họ dìu sang một căn phòng khác.
Đó là một căn phòng rộng, bốn tường lát thuần gương đồng mài bóng đến một chiếc kim rơi trên sàn nhà cũng nhìn thấy. Theo sở thích của thiên tử căn phòng không có bày biện trang trí gì hết, ngay mùi thơm cũng chỉ thoang thoảng như hoa cỏ thảo nguyên chứ không được phép có mùi Trung Hoa nơi thiên tử ân ái. Giữa gian phòng rộng mênh mông như đồng cỏ là tấm nệm cỏ trên phủ thảm Mông Cổ như trong lều của một đại Hãn. Đó là ý muốn của thiên tử để ngài nhớ về cội nguồn du mục.
Ánh nến từ các góc tường tỏa ra lấp lánh như các vì sao đêm trên thảo nguyên. Nhìn ngắm gian phòng, Hốt-tất-liệt tỏ vẻ hài lòng liền lấy gót chân nện mạnh xuống mặt sàn ba lần. Lập tức từ nơi cửa ngách ló ra một thiếu nữ như từ cung Quảng Hàn vừa rớt xuống. Thiếu nữ có nét đẹp kiêu sa của một người Hán không pha trộn. Từ gương mặt, khóe mắt đều toát lên vẻ thanh cao quý phái. Chẳng phải lần đầu tiên được dâng gái Hán, nhưng Hốt-tất-liệt vẫn ngỡ ngàng. Nhưng bây giờ với y thì tất cả bọn con gái dù Hán, Tạng, Mông… cũng vậy cả thôi, cũng như những con ngựa, con cừu thảo nguyên chứ y không còn rung động nữa. Sự ân ái mây mưa với y bây giờ nó cũng thường như việc ăn uống, bài tiết. Nhưng lũ Hán gian lại kén thuần con nhà lành là các thiếu nữ vừa đến tuổi dậy thì để dâng. Thường Hốt-tất-liệt chỉ phối ngẫu một lần rồi thải.
Vì vậy mĩ nữ để dâng thiên tử trong cung lúc nào cũng có hàng trăm, và lúc nào các thái giám cũng luôn thúc đòi các tỉnh gửi người đẹp về. Với thiên tử, ngài chẳng khác gì một con dê đực đầu đàn, kiểm soát cả một bầy dê cái non tơ đang nhốt hãm.
Thiếu nữ lặng lẽ cúi lạy thiên tử. Nàng khép nép, ngác ngơ như một con nai nhỏ và sợ sệt hơn là vui mừng.
Hốt-tất-liệt đi vòng quanh ngắm nhìn người đẹp. Rồi bất chợt y tự lột bỏ tấm áo khoác trên mình cùng lúc nhấc nhẹ tấm áo khoác trên người mĩ nữ. Hai tấm thân trần lõa lồ hiện lên bốn vách gương. Nom nàng đẹp như một quả đào tiên vừa lên mã, còn thiên tử nom ngài như một con cóc cụ khổng lồ. Mặc dù thiên tử vừa tắm thuốc, xông hương nhưng sao thiếu nữ cảm như có mùi hôi thối tanh tưởi bốc lên từ cơ thể ngài. Suýt nữa nàng đã giơ tay lên che mũi. Thật phúc cho nàng, nếu điều đó xảy ra thì sau khi hành lạc xong, thiên tử sẽ sai cắt mũi nàng. Hốt-tất-liệt không bế mà ông đẩy thiếu nữ ngã ngửa xuống tấm thảm và ngay lập tức ông đè lên nàng. Cưỡi trên người đẹp, Hốt-tất-liệt đang mơ màng như ngày còn trai trẻ thường có những cuộc mây mưa với đám bạn nữ cùng trang lứa chăn ngựa, chăn cừu giữa thảo nguyên bao la.
Hốt-tất-liệt trùm tấm thân to lớn xù xì trên cơ thể mảnh mai thiếu nữ, và y quần thảo, cày xới tấm thân nàng tựa như y đang vò nát một bông hoa đang hé nở. Thiếu nữ vừa phải căng sức đỡ một khối thịt nặng nề vừa phải cắn răng chịu đựng sự đau đớn rát xé. Toàn cơ thể nàng nóng bừng như người lên cơn sốt rồi lịm ngất. Hốt-tất-liệt đang thở hồng hộc, y không biết tới điều đó. Và khi không còn ham thích nữa, y đứng phắt dậy không thèm ngoái nhìn thiếu nữ. Y lấy gót chân đập mạnh xuống sàn hai lần. Lập tức có hai a hoàn hiện ra. Một nàng lấy khăn ấm lau chùi thật kỹ cái bộ phận mà y vừa hành lạc, còn nàng kia thì lo mặc y phục cho thiên tử.
Hốt-tất-liệt vừa đi khỏi thì một gã thái giám trẻ măng bước vào. Anh ta cúi lau máu me và các thứ dơ bẩn trên người thiếu nữ. Và đây không biết là lần thứ bao nhiêu anh phải làm việc này. Đặt tay lên ngực thấy còn hơi nóng và có tiếng đập phập phồng, biết thiếu nữ còn sống, nàng chỉ đau và sợ mà ngất đi.
Gã thái giám nghĩ vu vơ: thế là nát một đời hoa, tàn một đời con gái. Thân phận người này với thân phận ta nào có gì khác. Tự nhiên nước mắt gã cứ ứa ra và nhỏ xuống mặt người con gái khiến nàng bừng tỉnh. Nước mắt thái giám! Thật ra ở cái xứ này chưa ai nhìn thấy nước mắt thái giám. Có thể đây là người thái giám đầu tiên biết cảm thương trước bất hạnh của đồng loại, vì thế nó linh thiêng như một thứ thuốc hồi sinh làm cho thiếu nữ kia như được sống lại.
Thấy cơ thể mình đang lõa lồ trước mặt người con trai, thiếu nữ hốt hoảng ngồi dậy khép chặt hai đùi, mặt đỏ lựng.
Gã thái giám đứng lên nhặt chiếc áo khoác trùm lên vai thiếu nữ và nói:
- Nàng cũng tựa như nước Trung Hoa của chúng ta đã bị người Mông Cổ lột truồng, thử hỏi còn gì nữa để mà ngượng.
Đêm ấy thiên tử nhà đại Nguyên không ngủ được nhưng ông cảm thấy đầu óc minh mẫn lạ thường. Ông nằm ngửa mặt lên trần nhà hồi nhớ lại những chặng đường gian khổ cam go như khi đang vây đánh thành Tương Dương thì nghe tin thằng em hỗn láo tự mình lên ngôi đại Hãn, thế là phải đưa quân về trừng trị đứa em hư để giành lại ngôi đại Hãn. Kế đó là liên kết với nhà Tống diệt được nhà Kim rồi quay sang diệt Tống. Ta đã chinh phục cả bốn hướng đông tây nam bắc, không một quốc gia nào chống đỡ nổi. Tất cả các thành trì, các ngai vàng, vương miện đều sụp đổ dưới vó ngựa của ta. Thú thật trên cõi đời này ta không ham muốn gì hơn là quyền lực, và mọi thứ của cải đều không hấp dẫn ta bằng đất đai. Bởi một khi ta có quyền lực mạnh thì đất đai sẽ thuộc về ta, và có đất đai ta có tất cả. Vậy mà cái nước Giao Chỉ cỏn con kia dám vô lễ kháng mệnh ta. Hai lần cho quân sang trừng phạt vua tôi nó đều thoát hiểm, và đại quân của ta không gặp may nên phải rút về. Lần này ta thề nếu còn ta, còn Hốt-tất-liệt này ắt Giao Chỉ không tồn tại. Mà thôi ta đang nghĩ cái gì nhỉ. À, đúng là ta đang nghĩ xem có thể cử tướng nào coi quản việc tải lương trên biển đây. Người coi quản không chỉ tinh khôn, mưu trí, đởm lược mà còn phải thông thạo nghề biển, phải thuộc đường đi biển, am tường thủy triều và cả mùa gió. Người như thế hiện trong quân ta có ai? Hình ảnh hai tên cướp biển khét tiếng Trương Hiên, Chu Thanh hiện ra. Hai tên tướng cướp này với hai đảng cướp khiến quân ta phải đánh dẹp mãi không xong. Sau khi ta kêu gọi cởi giáp và mở lượng khoan hồng, chúng mới chịu ra đầu hàng. Từ đó mặt bể của ta yên ổn. Hai tên này đều được ta biệt đãi nên các lâu la khác phải tự tan. Nay hai kẻ đều có hai đứa con là Chu Tề và Trương Văn Hổ đều được ta trọng dụng. Chúng cũng có máu giang hồ như cha chúng và rất mẫn cán trong công việc tiễu trừ bọn cướp biển. Hốt-tất-liệt nhắm mắt hình dung ra hai đứa con tướng cướp xem nên chọn đứa nào.
Bỗng thiên tử ngồi nhỏm dậy ra bàn quơ lấy cây bút rồi viết luôn mấy chữ: “Trương Văn Hổ Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ”. Nhà vua sợ sáng ngủ dậy lại quên hoặc không còn muốn giao việc lớn này cho Trương Văn Hổ nữa. Không hiểu sao Hốt-tất-liệt rất tin vào những ý nghĩ xuất thần, hầu như đều có sự mách bảo của thần linh. Và vì vậy nó dễ đưa tới thành tựu. Vậy là nhà vua đã quyết việc chọn Trương Văn Hổ vào chức “Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ”.
Sớm ra, Hốt-tất-liệt sai triệu Trương Văn Hổ vào nội điện.
Trương Văn Hổ không biết thiên tử sai khiến việc gì nên trong lòng vừa mừng vừa lo. Lo nhất là có kẻ nào đàn hặc vì một chuyện vu vơ nào đó khiến thiên tử nổi giận, mạng sống ắt khó toàn.
Vừa bước lên bực thềm, y đã toan quỳ lạy và hô lời chúc vọng vào trong cung để lấy lòng thiên tử, và để lấy lại sự bình tĩnh. Nhưng y chưa kịp sụp quỳ, nội thị đã nói:
- Ông vào cung ngay đi, thiên tử đang chờ ông đấy.
Trương Văn Hổ mừng quýnh, bước đi mà hai chân như ríu vào nhau. Hậu điện sâu thăm thẳm, đang giữa mùa hè mà trong cung mát lạnh. Mới chớm nhìn thấy chỏm mũ của Hốt-tất-liệt, Trương Văn Hổ đã quỳ lạy đầu cán thềm điện tới ba lần rồi y tung hô:
- Thiên tử vạn tuế!
- Thiên tử vạn an!
- Thần, Trương Văn Hổ khấu kiến thiên tử!
Từ trong hậu cung vọng ra một giọng nói đầy quyền uy:
- Miễn lễ! Vào ngay đi, ta đang mong khanh.
Trương Văn Hổ được phép ngồi vào chiếc đôn có phủ tấm da hổ phía bên tả nhà vua.
Nhìn xoáy vào cặp mắt xếch của Trương Văn Hổ và gương mặt gân guốc của y, thiên tử nhà đại Nguyên lượng định: “Tên này gan góc, tàn bạo dám mạo hiểm”. Dường như yên tâm vì ngài chọn đúng người cần chọn, nhà vua nói:
- Đại quân sắp nam chinh bình Giao Chỉ, có một việc hết sức trọng yếu ta tìm mãi chưa được người tin cậy, đêm qua bỗng nhiên nhớ đến khanh, muốn trao công việc, chẳng biết khanh có dám nhận?
Trương Văn Hổ sụp ngay xuống thềm điện lạy:
- Tạ ơn thiên tử tin cậy, thần dù có phải xông pha nơi rừng thương, biển lửa vị tất đã báo đền được trọng ân, xin thiên tử cứ trao việc khó cho thần.
- Ta biết ngươi là người dũng, nhưng công việc ta sắp trao cho ngươi đòi hỏi phải có cả trí lẫn dũng mới đảm đương được. Ta hỏi ngươi, quân đi xa muôn dặm vào đất địch thì cái gì là cần yếu nhất?
- Tâu, lương thực ạ.
Trương Hổ trả lời mà không cần suy xét khiến thiên tử hài lòng.
- Đúng vậy! Khanh nói rất hợp ý ta. Vậy ta trao việc tải lương cho khanh. Nên nhớ, lần này ta quyết bình cho xong Giao Chỉ. Vì vậy quân viễn chinh sẽ huy động đông hơn cuộc bình Giao Chỉ năm Ất Dậu, và có thể quân ta còn phải ở lại lâu hơn, vì thế lương thực là thứ quan trọng hàng đầu. Ta giao cho khanh chức “Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ” trông coi đội quân tải lương gồm hơn bảy mươi thuyền lớn. Nếu đại quân sang đó, vua tôi nó đầu hàng, ắt nó phải lo việc cấp lương cho quân thiên triều, nhược bằng nó dám chống lại thiên binh, chắc việc quân lương sẽ có khó khăn, vì vậy đội quân tải lương của khanh phải luôn luôn đi lại trên mặt biển. Khanh sẽ gặp hai cản trở, một là gió bão, hai là quân giặc có thể phục kích cướp lương của ta.
Trương Văn Hổ vội thưa:
- Tâu thiên tử, ta đánh phương nam thường hay động binh vào mùa đông để tránh cái nóng và cả mưa lụt. Vậy mùa đó là mùa gió bắc rất thuận cho thuyền của ta đi về phương nam, mùa đó biển phương nam lại không có bão gió, thiên tử khỏi lo. Vả lại đường biển và thuật đi biển, thần có khiếu năng từ nhỏ. Thần xin lấy đầu ra cam kết sẽ hoàn thành trách phận thiên tử giao phó.
Hốt-tất-liệt có vẻ hài lòng:
- Ta biết khanh vốn con nhà nòi nên ta mới trao việc này cho khanh. Chớ hấp tấp coi thường thời tiết cũng như coi thường giặc để lương ta bị cướp, quân ta bị hãm lương, thì tội khanh lớn lắm đấy; tứ mã phanh thây vẫn còn là nhẹ. Nhưng mọi sự đều suôn sẻ trót lọt thì công của khanh cũng lớn lắm đấy.
Ngẫm nghĩ giây lâu Hốt-tất-liệt lại nói: - Để có người gánh đỡ công việc cho khanh, ta cho Phí Củng Thìn, Đào Đại Minh giúp rập. Khi vào Giao Chỉ, thuyền lương của khanh sẽ được mười hai vạn quân thủy của Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp bảo vệ. Nếu phải trở về nước chở lương lần thứ hai, chắc Trấn Nam vương cùng bình chương chính sự Áo-lỗ-xích sẽ cử quân đi hộ tống đoàn thuyền, khanh khỏi lo.
- Tâu thiên tử, để đại quân rảnh tay đánh giặc, thần chỉ xin năm ngàn quân Giang Nam cũng dư sức đánh bại giặc. Vả lại tâu thiên tử, quân Giao Chỉ loanh quanh vùng sông nước trong đất chúng thôi, chứ ra biển khơi thần sẽ dìm chết.
Hốt-tất-liệt nhìn Trương Văn Hổ mỉm cười, dường như nhà vua đã tạm hài lòng khi trao công việc hệ trọng cho y. Đoạn ngài thong thả dụ bảo:
- Ta biết cha con khanh vốn dòng hảo hán, nhưng lương thực là sự sống còn của một đạo quân. Hơn nữa ta cũng muốn nam chinh lần này là lần cuối, nên nhất nhất mọi việc đều phải cẩn trọng, tối cẩn trọng, khanh chớ coi thường quân thủy của người Giao Chỉ. Ngưng lại giây lâu thiên tử dụ tiếp: - Khanh hoàn tất công việc giúp Trấn Nam vương bình xong Giao Chỉ, ta sẽ thăng thưởng xứng đáng.
Trương Văn Hổ sụp lạy:
- Tạ ơn thiên tử ban trọng ân.
Thiên tử nhà đại Nguyên lo việc đánh Giao Chỉ lần này hết sức chu đáo. Qua hai lần chinh phạt vào các năm Đinh Tỵ (1257) và Ất Dậu (1285) quân thiên triều rốt cuộc bị hãm vào thế thất lợi đều phải rút về và số thiệt hại lần nào cũng tới quá nửa. Đó là điều thiên tử nhà đại Nguyên không thể nào chấp nhận được. Dưới gầm trời này có kẻ nào dám kháng mệnh thiên tử nhà đại Nguyên như xứ Giao Chỉ. Dưới gầm trời này có quan quân nước nào dám chống lại binh uy thiên tử nhà đại Nguyên như xứ Giao Chỉ.
Giao Chỉ dám cản đường binh uy thiên tử tiến xuống phương nam. Giao Chỉ là một cái gai trước mắt ta. Lần này ta phải nhổ phăng chiếc gai đó đi để đại binh ta thâu tóm Chiêm Thành, Chân Lạp, Lão Qua, Xiêm La, La Hộc… để dân chúng các nước đó được hưởng ân trạch của thiên triều.
Để làm việc đó ta đã lo chuẩn bị chu đáo cho Trấn Nam vương. Nhất là về mặt quân thủy, lần này ta cho đóng thuyền lớn thuyền nhỏ, bởi vì vào một xứ sông ngòi chằng chịt như Giao Chỉ mà ít thuyền bè là bất tiện. Chính sự bất tiện về thuyền bè và lương thảo như cuộc chiến năm Ất Dậu khiến quân ta lâm vào thế bất lợi. Mưa lớn lại gặp lúc triều cường, Hưng Đạo huy động cả chục vạn quân thủy bộ đánh vào trại thủy quân A Lỗ, khiến vạn hộ Lưu Thế Anh trở tay không kịp. Cũng từ đó quân ta gặp thất lợi liên tiếp buộc phải bỏ đất mà rút quân về.
Lần này quân thủy, thuyền bè và lương thực ta phải ra tay đốc thúc. Ấy cũng bởi ta muốn bình cho xong Giao Chỉ, ta muốn lấy đầu cha con Nhật Huyên và xem cái gan của Hưng Đạo nó như thế nào.
Hốt-tất-liệt không lúc nào quên chuyện đánh Giao Chỉ.
Bỗng nhiên an phủ sứ Quỳnh Châu là Trần Trọng Đạt xin được dâng thiên tử mười lăm ngàn quân người Lê và một số thuyền bè để Trấn Nam vương bình Giao Chỉ.
Theo gương an phủ sứ Quỳnh Châu, tổng quản Nam Ninh là Tạ Hữu Khuê, tổng quản Diên Lan là Bồ Tý Thành, hai người dâng thiên tử một trăm hai mươi chiếc thuyền và một ngàn bảy trăm quân nữa.
Hốt-tất-liệt lấy làm đẹp lòng bởi các bề tôi trung thuận, liền ban hổ phù cho Trần Trọng Đạt, kim phù cho Hữu Khuê và Tý Thành.
Thiên tử cho như vậy là thế quân đã nổi, nhà vua bèn tuyên triệu các tướng trong “Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh” về triều để ngài hỏi han việc chuẩn bị và định ngày xuất chinh.
Các tướng về chầu theo chiếu chỉ của thiên tử, không một người nào dám chậm trễ hoặc vắng mặt. Thoạt đầu là Trấn Nam vương Thoát-hoan thống lĩnh chư quân. Tiếp đó là bình chương chính sự Áo-lỗ-xích phó đô thống, giúp rập mọi việc chinh thảo cho Thoát-hoan. Tham tri chính sự Ô-mã-nhi; tham tri chính sự Phàn Tiếp; hữu thừa A-ba-tri; hữu thừa Trịnh Bằng Phi; tả thừa A-ly… tất cả đều dưới trướng Thoát-hoan. Tuy không phải là hàng quan cao được ở dưới trướng Trấn Nam vương, nhưng giữ việc vận lương là bộ phận huyết mạch của đại quân, nên thiên tử đặc cách cho Trương Văn Hổ tham dự việc quân.
Thoát-hoan tâu báo đã điều động xong các chủng quân mã, bộ, thủy còn lương thực cũng đưa hết về các kho trên hai cảng Khâm, Liêm chỉ chờ thiên tử hạ chiếu là xuất chinh.
Thiên tử gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Đoạn nhà vua quay về phía Trương Văn Hổ hỏi:
- Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ, bao giờ thì khanh cho xếp lương thực xuống thuyền, có sợ trễ không?
Trương Văn Hổ vội quỳ thưa:
- Tâu thiên tử, thần chỉ xin ba ngày trước khi xuất chinh để xếp lương thực và cho thuyền rời bến là đủ. Thần không dám tự tiện cho lương thực xuống thuyền trước, nhằm tránh gió bão bất thường, bởi hiện thời vẫn chưa hết mùa gió bão.
- Khanh trù liệu như vậy rất hợp ý quả nhân.
Được vua khen, Trương Văn Hổ lại cúi rạp đầu lạy tạ:
- Đội ơn thiên tử ban trọng ân, thần nguyện đem hết sức trâu ngựa để đền đáp.
Hốt-tất-liệt nhìn tả hữu tỏ vẻ hài lòng liền ân cần dụ bảo:
- Ta sẽ sai Tư thiên giám coi ngày tháng để xuất chinh, nhưng cũng phải đợi sang mùa đông. Mùa đông thuận cho quân ta nhiều lắm. Trước hết tránh được cái nóng, ẩm của phương nam, vì thế người, ngựa đều hợp với sở trường. Thứ đến là việc tải lương và quân thủy của ta tiến vào Giao Chỉ vừa hết mùa gió bão, lại đúng mùa gió bắc, nếu căng buồm mà đi, chắc còn nhanh hơn cả sức ngựa.
Thiên tử đưa mắt nhìn tới từng viên tướng và với tất cả sự nghiêm cẩn, ngài dụ:
- Các tướng hãy nghe đây. Lần này ta cho đại binh cùng các tướng tài tâm phúc của ta đi bình Giao Chỉ, ta chắc mọi việc sẽ xong sớm, nhưng chớ thấy Giao Chỉ là nước nhỏ mà tỏ ra coi thường. Ta biết các tướng phần nhiều đã qua chiến trường Giao Chỉ trở về mới cách đây chưa đầy hai năm.
Ngẫm nghĩ giây lâu thiên tử lại dụ: - Các khanh phải viết ngay vào vạt áo lời ta dặn: “Chớ thấy Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường”.
Các tướng đều hô vang:
- Tuân chỉ! Mọi người đều ra phía thư phòng ghi lời thiên tử dụ bảo vào vạt áo.
Các tướng đều cảm nhận việc đánh Giao Chỉ lần này là một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng mà thiên tử tin cậy giao phó.
Tiếp đó thiên tử thết yến tại điện Sùng Trinh. Hốt-tất-liệt cho Thoát-hoan và Áo-lỗ-xích ngồi ở hai bên tả hữu. Nhà vua nhắc lại với hai viên tướng những điều thường dụ bảo. Lại nói riêng với Áo-lỗ-xích rằng: “Ngày trước bọn Mộc-hoa-lê[36] tận lực với vương thất, tiếng thơm đến nay vẫn lưu truyền bất hủ. Khanh gắng lên, há không vẻ vang như người xưa sao”.
Biết Áo-lỗ-xích là một viên tướng trí dũng không kém A-lí Hải-nha, nên nhà vua đặt lòng tin vào y. Ngài khích lệ: “Hình như năm trước ta đã cho Thoát-hoàn Bất-kha[37] trưởng tử của khanh tập chức Vạn hộ, chẳng hay khanh có hài lòng?”.
Áo-lỗ-xích vội sụp lạy:
- Đội ơn thiên tử đã ban trọng ân cho cha con thần chứ thực Thoát-hoàn Bất-kha đã có công lao gì với triều đình. Ơn này, cha con thần dù có gan nát, óc lầy cũng chưa thể báo đáp.
Hốt-tất-liệt vỗ về:
- Đánh Giao Chỉ lần này, ta mong khanh lập được công cao, tên lưu sử sách, làm rạng danh tổ phụ, để ân trạch cho con cháu mai sau. Bình xong Giao Chỉ, ắt các nước đông nam liền kề Giao Chỉ, ta không gọi cũng phải đến xin nội thuộc. Xong các việc đó, ta cũng thảnh thơi, vua tôi cùng hưởng phú quý. Còn một điều nữa ta phải dặn thêm các khanh, lần này đưa Trần Ích Tắc và những kẻ quy hàng thiên triều về nước. Bình xong Giao Chỉ, cho Ích Tắc làm quốc chủ, nhưng phải ưu ái sắp đặt những kẻ đã có công với thiên tử, chớ để một mình Ích Tắc chuyên quyền.
Chẳng riêng gì Áo-lỗ-xích mà các tướng nghe được lời tâm huyết của thiên tử đều rưng rưng cảm động. Ai nấy đều tự hẹn với mình phải gắng lập công để làm đẹp lòng thiên tử.
Chợt Hốt-tất-liệt lại dụ:
- Một lần nữa ta nhắc nhủ các khanh, chớ ỷ lại vào binh uy hùng mạnh mà coi thường kẻ địch. Muốn thắng giặc thì lúc nào cũng phải coi giặc ngang sức hoặc hơn sức ta, và phải đánh thắng ngay từ trận đầu để lấy khí thế cho quân.
Các tướng đã ngà ngà say, đồng thanh hô:
- Tuân chỉ!
Hốt nhiên, thiên tử lại hỏi:
- Năm ngoái, ta đã nghe các khanh tâu báo, nay sắp xuất chinh, ta muốn nghe lại một lần nữa về võ khí của bên ta, bên giặc, bên nào hơn. Ta nghe nói Giao Chỉ có viên thượng thư bộ Công, đỗ trạng nguyên năm mười ba tuổi, có tài chế tác nhiều loại khí cụ tinh xảo lắm, liệu y có gây cản trở gì cho quân ta không?
Thoát-hoan đưa mắt cho Áo-lỗ-xích.
Ngầm biết Trấn Nam vương sai, Áo-lỗ-xích bèn thưa:
- Tâu thiên tử, thần xin tâu báo rạch ròi để thiên tử yên tâm. Hiện nay về binh lực kể cả hai quân thủy bộ, Giao Chỉ có mười vạn tên. Đây là số quân đã được huấn hỗ theo Hưng Đạo binh pháp. Ngoài ra Giao Chỉ còn khoảng hai chục vạn quân ô hợp là loại nông phu được tập tành qua loa để biết sử dụng các loại binh khí như giáo, mác, đinh ba, mã tấu hoặc các loại cung nỏ. Tâu, loại này nó gọi là dân binh, còn loại của triều đình nó gọi là thường binh. Ngoài ra còn có khoảng năm ngàn quân bảo vệ cấm thành gọi là quân cấm vệ cùng với một vạn quân bảo vệ kinh thành gọi là quân Tứ sương. Tâu, các vương, hầu cũng được phép lập phủ binh, nhưng mỗi phủ binh ấy lúc thường chỉ có vài ba trăm tên, khi có biến thì tập hợp được một hai ngàn tên là cùng. Loại này cũng là một thứ điền binh hoặc dân binh không thể so với loại thường binh hoặc quân cấm vệ được.
Về các sắc quân, người Giao Chỉ cũng chia ra: quân thủy, quân bộ, quân kỵ và tượng binh.
- Ta nghe nói thủy binh và tượng binh của Giao Chỉ lợi hại lắm có đúng không? Hốt-tất-liệt hỏi.
- Tâu, người Giao Chỉ thường dùng voi vào việc vận chuyển. Họ có một đội tượng binh gồm ba trăm thớt voi và năm ngàn người. Tâu, nếu ba trăm thớt voi cùng xông trận một lúc chắc cũng gây kinh hoàng cho đối thủ. Tuy nhiên voi to lớn chậm chạp, vả lại đất Giao Chỉ hẹp thuần rừng núi, sông nước không có nơi nào bằng phẳng quang đãng có thể bày được trận lớn. Như cuộc chiến năm Ất Dậu mới đây, Giao Chỉ cũng chưa đem voi vào trận. Còn như quân thủy của họ thì chỉ có thuyền nhỏ, số quân không quá hai vạn. Đúng là người Giao Chỉ bơi lặn giỏi nhưng cũng chỉ quanh quẩn nơi sông hồ chứ chưa đủ sức xông pha ngoài biển lớn. Hơn nữa quân thủy của ta lần này đưa vào trận trên mười hai vạn, lính thuần lấy trong vùng Giang Nam và Quỳnh Châu cũng là loại dân quen thạo mặt nước như loài rái cá.
Tâu thiên tử, nếu đối trận thì quân thủy của ta sẽ nhanh chóng đè bẹp quân thủy của họ chỉ trong giây lát. Còn như họ đem cả ba trăm thớt voi vào trận, ta sẽ đem ba ngàn chiến mã với các kỵ sĩ Mông Cổ với cách đánh vu hồi, thì ba trăm thớt voi kia chẳng hơn gì ba trăm con trâu thịt để ta khao quân.
- Thế còn khí giới thì sao?
- Tâu thiên tử, khí giới thì đại để hai bên đều na ná như nhau. Ví như ta có cung, họ cũng có cung. Nhưng cung của ta do các kỵ sĩ Mông Cổ sử dụng thì không một người Giao Chỉ nào đủ sức giương cung ấy. Kỵ sĩ Mông Cổ vừa phi ngựa vừa bắn, mũi tên có thể xuyên thủng cả thân cây chuối lớn, còn như cung của Giao Chỉ là để bắn chim sẻ.
Tâu, còn như khí giới tinh xảo thì bên ta có cung Thần ty bắn một phát được mười hai mũi tên trùm phủ lên người quân giặc, có khi giết tới mấy tên giặc cùng một lúc. Nếu như dùng tên tẩm độc thì khả năng sát thương còn cao hơn nhiều. Phía Giao Chỉ họ cũng có nỏ Liên châu bắn một phát sáu mũi tên.
- Ta nghe nói Giao Chỉ đã có nỏ bắn tên bằng đồng kia mà.
- Tâu thiên tử, đúng như vậy, nỏ Liên châu của Giao Chỉ có hai rãnh lắp tên. Một rãnh lắp tên tre, một rãnh lắp tên đồng. Nhưng Giao Chỉ hỗn xược cũng bắt chước ta dùng tên tẩm độc. Tên độc của Giao Chỉ là loại kịch độc, nếu đã trúng tên ấy thì không có thuốc nào giải được. Ví như cái chết của quan hữu thừa Lý Hằng trong cuộc chiến năm Ất Dậu mà chính Trấn Nam vương đã chứng kiến là một bằng cớ, mặc dù Lý tướng quân đã được uống thuốc giải cực mạnh của quân ta vẫn không cứu được sinh mạng ông ấy.
Tâu, vết thương của Lý tướng quân chỉ xây xước nhẹ nơi đầu gối chứ có phải chạm vào lục phủ ngũ tạng gì đâu, vậy mà vẫn không cứu nổi.
Tâu thiên tử, đó chỉ là lúc quân ta rút đi, giặc bắn lén chứ lần này đại quân của ta kéo sang thủy bộ trùng trùng điệp điệp, giặc kia sao còn dám đối đầu nữa[38].
Nghe Áo-lỗ-xích tâu báo, gương mặt thiên tử nhà đại Nguyên không biểu lộ một ánh vui, buồn nào. Một lát sau vua phán:
- Sức mạnh của quân ta đúng như khanh nói. Song ta vẫn cảm thấy trong tâm can óc não khanh có cái vẻ coi thường giặc. Khanh mở vạt áo ra, đọc lại ta nghe các điều khanh vừa ghi ban nãy.
Giữa tiệc yến, phó đô tướng quân chinh Giao Chỉ phải đứng thẳng người mở vạt áo ra đọc to lời thiên tử răn: “Chớ thấy Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường” khiến các quan sợ len lét.
Điều đó chứng tỏ Hốt-tất-liệt đánh giá đúng trận thua năm Ất Dậu mà con trai y là Thoát-hoan cũng suýt chết, và y rất thận trọng trong việc đánh Giao Chỉ lần này. Điều đó cũng chứng tỏ y rất cay cú và quyết diệt gọn vua tôi nhà Trần trong trận chiến sắp tới mà y đã chuẩn bị rất kỹ càng từ mấy năm nay.
Các tướng đều thuộc loại hùm sói dạn dày chiến trận, và hầu hết đã theo Thoát-hoan vào đánh Đại Việt năm Ất Dậu mới đây, tuy nhiên không một tướng nào không sợ uy của Hốt-tất-liệt. Thấy phó đô tướng chinh Giao Chỉ phải mở vạt áo đọc từng chữ như mấy đứa trẻ con mới học Tam tự kinh các tướng đều thấy thiên tử hết sức coi trọng việc phải bình xong Giao Chỉ lần này, ai nấy đều tâm niệm phải thắng!
Nhìn khắp lượt các tướng trong đạo quân nam chinh thấy khí sắc mọi người đều có vẻ hăm hở, Hốt-tất-liệt thiên tử nhà đại Nguyên lấy làm hài lòng, nhà vua liền dụ:
- Sở dĩ nhiều lần ta căn dặn các tướng phải thận trọng, bởi đây là một việc lớn trong các việc tiếp theo của ta. Nếu bình xong Giao Chỉ, ta mới thu phục được cả chục nước phía nam kế tiếp với nó. Sở dĩ ta phải dặn các khanh không được thấy Giao Chỉ là nước nhỏ mà coi thường, là bởi năm Ất Dậu ta sai các khanh đi bình Giao Chỉ, công việc chưa xong đã phải rút quân về. Ngay năm Bính Tuất ta định sai quân sang làm cỏ vương đình nước nó bắt vua nó về trị tội, nhưng trong nước mấy tỉnh Giang Nam mất mùa nên tuyên úy ty Hồ Nam, an phủ sứ Hồ Quảng đứng ra xin tạm hoãn việc động binh. Lại nữa Lễ bộ thượng thư Lưu Tuyên cũng có sớ can khiến ta không thể bỏ ngoài tai. Qua mấy năm Giao Chỉ chắc đã lại sức và chắc nó sẽ ngoan cố ương gàn hơn trước, và vậy ta phải dụ bảo các khanh chớ vì khinh thường giặc mà làm lỡ việc lớn của ta.
Thấy nhà vua có vẻ băn khoăn day dứt việc bình Giao Chỉ, các tướng đồng thanh hô:
- Chúng thần phụng mệnh, thiên tử an lòng!
Hốt-tất-liệt hé nửa nụ cười.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng