Để leo dốc cao, cần chầm chậm trước tiên.

Shakespeare

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
I
Cuộc lập đại trận kéo dài gần tới rằm tháng giêng năm Đinh Hợi (1287). Vua Trần Nhân tông đến từng cánh quân úy lạo. Tướng lĩnh và binh sĩ thấy nhà vua bỏ kinh thành, bỏ những ngày giáp tết ấm cúng ở Thăng Long để ra mặt trận chia sẻ sự gian lao căng thẳng với người lính, ai nấy đều cảm động ứa nước mắt.
Để việc đi lại được nhanh chóng, nhà vua đi ngựa có đội thiết kỵ hộ giá. Khi lên tới Bạch Hạc thì Trần Nhật Duật lại vừa rời quân doanh xuống nơi quân sĩ đang tập trận.
Nhà vua đòi viên phó đô tướng đang túc trực đại bản doanh cho người dẫn đi theo Trần Nhật Duật.
Vua và đoàn tùy tùng cùng xuống một lá thuyền có hai mươi mái chèo với bốn mươi trải thủ. Chèo băm nước, ngọt như dao phay chém chuối, thuyền đi băng băng. Để quân lính đang tập trận không ngăn cản, một lá cờ thượng tướng treo lên cây cột cao gần giữa thuyền, và trên đầu mũi treo lá cờ đuôi nheo màu vàng sẫm viết hai chữ Đại Việt màu đen. Cờ đó báo hiệu đang có khâm sai của triều đình đi thăm thú, đi kiểm xét cả việc dân lẫn việc quân.
Chừng nửa canh giờ sau thuyền vào gần tới ngã ba Bạch Hạc, tuy là mùa đông nước cạn, nhưng nơi gặp gỡ giữa ba con sông Thao giang, Đà giang và Lô giang thì cái đoạn hợp lưu này nom mênh mang như vùng cửa biển Hải Thị[30] vậy. Trên đầu, trời xanh thăm thẳm dưới thì nước trôi trắng xóa một màu, hai bên bờ, rừng núi ngút ngàn. Bên này thì núi Nghĩa Lĩnh, xa kia là núi Tản Viên, rải rác chín mươi chín ngọn chầu về. Khí thiêng un đúc. Hồn sông núi như phảng phất trong gió trong sương. Trần Nhân tông ngắm nhìn thế núi dáng sông, nhà vua cảm nhận ra một điều đất nước ta vừa đẹp đẽ vừa hùng vĩ. Thảo nào mà các bậc tiền nhân đều nói - Nước ta đẹp như gấm như hoa. Chợt vua quay hỏi viên tiểu đô tướng dẫn đường:
- Tiểu tướng quê vùng nào vậy?
- Bẩm đại quan (vua giấu tung tích) tiểu tướng quê ở Thậm Thình gần chân núi Nghĩa Lĩnh ạ.
- Tiểu tướng có biết vì sao lại gọi vùng này là Bạch Hạc không?
- Bẩm đại quan ở đây có những bãi soi rộng lại là nơi ba nguồn nước dồn về lắm thức ăn nên nhiều tôm cá. Mùa này hạc trắng từng bầy đông tới cả vạn con thường về tránh rét và ra bãi tìm mồi, chúng đậu trắng cả bãi, nên dân trong vùng gọi là Bạch Hạc. Bẩm đúng thế ạ, dân thì nom vật đặt tên.
- Sao ta không thấy một con hạc nào cả?
- Bẩm, bây giờ là lúc nước đang cường, hạc tìm ăn ở bãi khác, khoảng nửa chiều nước cạn, khu vực giữa kia chính là bãi soi, nước rút xuống chỉ còn xâm xấp hơn một gang tay, những loại cá, tôm nhỏ tụ lại đó nhiều như vỏ trấu, hạc sà xuống bãi luôn mỏ nhặt, cỡ nhai tàn miếng trầu con nào con ấy no lặc lè. Chúng nô giỡn, chạy nhảy trên bãi tới sẩm chiều mới bơi ra giữa dòng sâu, cứ thế thả mình trôi xuôi mươi dặm rồi tất cả bốc bay tìm về bãi nghỉ, ngày mai lại tiếp tục như ngày hôm nay cho tới khi trời ấm áp là chúng bay đi không còn một con nào ở lại.
- Người dân quanh đây có ai săn bẫy hạc không? - Vua hỏi.
- Bẩm đại quan không có ai nỡ giết một loài chim đẹp như thế. Vả lại thức ăn ở sông nước, ở núi rừng quờ tay một lúc là ăn bại, cả người cả chim thú cứ dựa vào nguồn nước mà tìm kiếm chẳng bao giờ thiếu thức ăn cả.
- Tiểu tướng nói thế có nghĩa là sông này cũng nhiều cá lắm sao?
- Bẩm vâng, cá vùng này là đệ nhất. Nếu đại quan muốn biết nó nhiều thế nào thì mùa cá đẻ vào tháng hai, tháng ba đại quan cứ cưỡi thuyền ở giữa dòng sông mà nhìn cá vào bãi vật đẻ, nhiều hơn cả lá rừng, nếu thuyền nhỏ đi vào giữa luồng cá đang tìm chỗ đẻ, nó đang rực trứng mà tất cả vùng quẫy lên thì thuyền đắm chứ chả chơi.
- Cá vượt lên bãi nhiều thế dân trong vùng có biết không, có đua nhau đi bắt cá đẻ không?
- Bẩm, dân chúng cháu ở vùng này chẳng ai không biết mùa cá đẻ, nước cá đẻ, không ai nỡ giết thịt một con cá sắp đẻ trong bụng chứa cả vạn chiếc trứng, thất thoát cũng nở được cả ngàn cá con. Mấy lại từ xa xưa đã có lệnh cấm đánh bắt mùa cá đẻ, cấm săn bắn khi mùa thú động hớn cho nên mùa cá đẻ thì các dụng cụ đánh bắt hoặc là gác lên, hoặc là đem phơi phóng hoặc sửa chữa. Còn mùa xuân thì cấm chặt cây, cấm hái măng.
- Tiểu tướng có biết các lệnh cấm này ban từ đời nào không?
- Dạ, biết làm sao được ạ. Bởi cứ đời nọ truyền đời kia, sau nó trở thành thói quen phong tục, hễ có ai làm trái điều đó tức là vi phạm đến thuần phong mỹ tục của cộng đồng làng xã. Với lại thưa đại quan, mình sống cũng phải để cho các loài chung sống, bởi dưới gầm trời này là trời để cho muôn loài cùng sống chứ đâu chỉ dành cho mỗi một loài người.
Trần Nhân tông thấy người lính mộc mạc nói về sự sống của muôn loài hồn nhiên như cây cỏ, mà lại hợp với lòng từ bi bác ái của nhà Phật. Mới hay Phật nói mọi người, mọi vật đều có Phật tính quả là một chân lý. Chân lý ấy giản dị như cuộc sống. Chân lý ấy là cuộc sống đời thường.
Bỗng từ trong đám lau lách bên bờ sông một lá thuyền lao vút ra dòng sông. Đầu mũi thuyền cắm lá cờ đuôi nheo. Viên đô tướng vừa nhác trông thấy vội hô to:
- Thượng tướng quân! Thượng tướng quân! Có mệnh quan! Các tay chèo căng sức đuổi. Một lát, thuyền đi trước dường như đã nghe thấy và đi chậm lại. Trần Nhật Duật ngoái nhìn thấy lá cờ nhỏ cắm nơi đầu mũi thuyền. Biết vua ngự giá, ông sai thuyền quay mũi đón thuyền vua.
Thoáng chốc hai thuyền đã áp mạn.
Vua Nhân tông chạy ùa ra ôm lấy bờ vai Trần Nhật Duật, nói như reo:
- Chú Chiêu Văn!
- Bệ hạ! Trần Nhật Duật đáp giọng đầy xúc động.
Đám quân tùy tòng của Nhật Duật, cả viên đô tướng vẫn tiếp chuyện bây giờ mới biết ông là vua của cả nước. Mọi người quỳ lạy:
- Lũ thần có mắt như đui, xin bệ hạ tha tội chết.
Vua Nhân tông mỉm cười độ lượng bảo mọi người:
- Các người đứng dậy đi. Ta phải giữ kín tung tích không cho giặc biết. Đến cả thượng tướng đây còn không biết ta tới, các ngươi sao biết được. Nhưng lỡ đã biết, vẫn coi như chưa biết kẻo tai mắt giặc đang giăng mắc khắp nơi đấy.
Nhật Duật căng mắt ra nhìn nhà vua rồi hỏi:
- Lâu thần không về triều, long thể của thượng hoàng dạo này thế nào?
- Phụ hoàng cháu vẫn thế, - vua đáp. Thật ra thì không được khỏe như hồi đánh giặc Thát năm trước đâu. Phần thì tuổi già, phần lo đánh giặc. Cuộc chiến năm Ất Dậu không ngờ phụ hoàng cháu lại hao tốn sinh lực nhiều đến vậy.
- Mệnh nước gần như sắp đứt, không tổn hao sinh lực của cả nước sao cứu được. Có điều người giữ mệnh nước là người tổn hao sinh lực nhiều nhất. Ngay bệ hạ, thần thấy bệ hạ tuổi tuy còn trẻ mà vóc hạc cũng hao gầy nhiều lắm. Bệ hạ nên bảo trọng. Quốc công cho quân tập đại trận thế này, thần dự nghĩ thấy cuộc chiến sắp tới cam go lắm đấy.
Nhật Duật ngắm nhìn nhà vua thấy thần sắc tươi nhuận, vượng khí tụ nơi ấn đường. Ấn đường nhà vua có màu hồng sáng. Chắc vận nước không đến nỗi lao đao như cuộc chiến năm Ất Dậu. Trần Nhật Duật hơi lo cho nhà vua sức mảnh mà xông pha sương gió. Sang tết này Nhân tông vào tuổi ba mươi mốt. Nhà vua tuổi Mậu Ngọ, ta tuổi Ất Mão, hai chú cháu hơn nhau đúng ba tuổi.
Sực nhớ ra, Nhật Duật bèn nói:
- Mời bệ hạ sang thuyền của thần, ở đấy vừa có trà vừa có rượu, tiện cho thần tâu báo công việc.
Nhà vua gật đầu:
- Tới đây tôi là khách, chú là chủ. Chủ bảo đi đâu khách theo đấy.
- Bệ hạ lại quở thần rồi.
Thuyền chỉ huy của thượng tướng mà sao giản dị. Vua Nhân tông tự nghĩ - chú Chiêu Văn quả là người dễ gần, chả trách được quân mến. Trận chiến năm Ất Dậu quân của chú ấy cùng với đám quân của Triệu Trung lập được công lớn.
Nhật Duật sai quân pha trà. Buột miệng ông hỏi:
- Nhưng bệ hạ đã kịp dùng bữa chưa ạ?
- Đúng là chưa kịp ăn gì đâu chú Chiêu Văn.
- Trời ơi, thảo nào thần cứ tưởng long thể có điều gì bất an.
- “Long thể” đói nên “long bụng” bất an. Vua Nhân tông vừa cười vừa ôm cái bụng đang réo sôi.
Trần Nhật Duật lật ván thuyền lấy ra một bọc lá chuối, hai tay dâng lên nhà vua:
- Tâu, quân nó chuẩn bị cho thần bọc xôi này dành ăn bữa chiều, bệ hạ dùng tạm, chiều lên bờ khắc có cái ăn.
Vua Nhân tông đỡ lấy bọc xôi chia cho mấy tướng theo hầu rồi vừa ăn vừa nói chuyện thật là vui vẻ.
Trần Nhật Duật hỏi nhỏ:
- Bệ hạ, thần nghe nói anh Chiêu Minh định xin từ chức thái sư chuyên lo việc quân với anh Quốc Tuấn có đúng không?
- Đúng đấy chú Chiêu Văn. Nhưng chú nghe tin này ở đâu? Có phải tin quân mình hay do quân Nguyên phao đấy?
Chiêu Văn cười dàn hòa:
- Thần không có lưới ngoại gián nên không có nguồn tin lấy từ Hốt-tất-liệt. Nếu quả đúng như nhời đồn thì phúc cho nước đấy.
- Thế chú cho việc điều hành cả một bộ máy quốc gia là việc nhỏ à?
- Thần có nói thế đâu. Bệ hạ cứ quy kết theo ý bề trên. Chẳng là hai bác ấy những năm trước thường có sự bất hòa ngấm ngầm. Thần với bệ hạ chẳng là đầu mối cho sự dung hòa, sự hóa giải đó sao. Nay anh Chiêu Minh lại hành xử như vậy, tức là mọi sự không còn gì phải canh chừng nhau nữa, nhẹ tênh mà vào trận. Thế thì làm sao mà thần không khoái được. Thượng hoàng với bệ hạ định trao ngôi tướng quốc cho ai.
- Chú Chiêu Minh có tiến cử Tá Thiên vương Đức Việp thật đấy, nhưng phụ vương cháu bảo cứ từ từ, còn phải cân nhắc xem đã. Mấy lại Việp cũng còn trẻ lắm.
- Giời ơi bệ hạ, năm nay Đức Việp hai mươi bốn tuổi rồi. Năm anh Chiêu Minh giữ ngôi tướng quốc mới hai mươi mốt tuổi có ai kêu anh ấy trẻ đâu. Vả lại hồi năm Ất Dậu, thần gặp Đức Việp cầm quân vào trận dũng mãnh lắm. Mà nếu ngại thì hãy giao tạm quyền để xem có làm được thì trao chính thức.
- Chú Chiêu Minh cũng nói vậy.
- Bệ hạ về tâu với thượng hoàng rằng Chiêu Văn cũng một ý với anh Chiêu Minh cho Đức Việp quyền giữ ngôi tướng quốc thái sư.
- Chuyện đó cháu sẽ tâu với thượng hoàng, nhưng chú Chiêu Văn, trận địa của chú định đánh đấm thế nào mà chẳng thấy động tĩnh gì cả?
Trần Nhật Duật cười hì hì đáp:
- Bệ hạ khỏi lo. Quân bộ mai phục từng chặng trên bờ. Quân thủy phục trong các khe lạch. Bây giờ du binh của ta lên mãi tít trên kia phục đón quân giặc từ Quy Hóa giang đi xuống. Anh Quốc Tuấn trù liệu mũi này giặc xuất phát từ Vân Nam theo đường sông vào nước ta, cũng có một đội quân kỵ đi trên bờ hỗ trợ quân thủy.
Quân ta vừa dụ vừa đánh tỉa giặc rồi rút, nhằm tiêu hao sinh lực giặc và gây cho chúng hoang mang thôi chứ khi giặc mới vào sức nó còn mạnh lắm. Nhưng dụ cho giặc về tới ngã ba Bạch Hạc này đánh một trận phục kích lớn rồi quân ta lui binh để bảo toàn lực lượng.
- Qua cuộc tập trận này, chú có đoán được ý đồ của bá phụ không?
- Thần cũng lờ mờ thử đoán xem có trúng ý bệ hạ. Tức là cuộc chiến sắp tới, Thoát-hoan quyết đoạt bằng được căn cứ Vạn Kiếp của anh Quốc Tuấn. Chúng sẽ tiến công bằng ba mũi thủy bộ. Mũi thứ nhất do đường Vân Nam đánh sang theo sông Thủy Vĩ dồn về Bạch Hạc, rồi từ Bạch Hạc đổ về Lục Đầu giang vây Vạn Kiếp. Mũi thứ hai từ biển qua nẻo Vân Đồn hoặc qua cửa An Bang vào sông Bạch Đằng, ngược lên áp sát Vạn Kiếp. Mũi thứ ba, mũi này từ Tư Minh Quảng Tây tràn qua Lạng Châu đi xuyên về Lộc Châu mà tiến vào Sơn Động, đánh thông sang Nội Bàng rồi từ đó thọc xuống Vạn Kiếp. Cánh quân này chắc là mạnh lắm. Và Thoát-hoan chắc đi theo đường này, bởi vào đánh ta năm Ất Dậu, Thoát-hoan cũng đi đường này. Thế là ba mũi giặc cùng úp lấy Vạn Kiếp và chúng quyết giành lấy.
Hơn sáu trăm chiến thuyền lớn với quân Giang Nam cũng thạo nghề đánh thủy, giặc nhất định giành ưu thế về mặt thủy với ta trong cuộc chiến sắp tới. Anh Quốc Tuấn dự đoán vậy, nên cho quân tập đại thủy trận lần này nhằm đối phó với giặc, sao cho có hiệu quả chứ không hẳn phải giữ Vạn Kiếp bằng mọi giá đâu. Tâu bệ hạ, đó là thần suy đoán vậy thôi, chẳng hay ý bệ hạ thế nào?
- Chú Chiêu Văn quả là một tướng tài lỗi lạc, chắc bá phụ cũng dự tính như vậy nên mới cho tập liên hoàn mấy đại trận.
- Thần cam đoan mưu lược của giặc không thể qua mắt anh Quốc Tuấn được đâu.
- Cũng may bá phụ có mưu thần, nếu không sao có thể cứu được mệnh nước tưởng như sắp đứt hồi Toa-đô nó phá được cửa quan Nghệ An rồi cả một bầy hèn nhát kéo nhau ra hàng giặc.
Thuyền đang đi dưới ánh chiều chạng vạng, tự nhiên Trần Nhật Duật nghĩ đến chuyến đi cũng vào một chiều cuối đông như bữa nay, trên thuyền cũng có ông và nhà vua với hai người con gái nữa. Lòng vương bỗng se thắt lại vì đau nhói. Chợt Trần Nhật Duật lên tiếng hỏi:
- Bệ hạ có nhớ chuyến đi An Bang, tức là đi thăm Tịnh Bang ấp của anh Trần Tung cũng vào một buổi chiều như thế này gần cuối năm Quý Mùi (1283) không?
- Nhớ. Nhớ chú Chiêu Văn ạ, chuyến đi ấy còn có hoàng cô An Tư và Yến Ly sau là nghĩa nữ của Thăng Long, nghĩa nữ của Đại Việt.
Vẻ ngậm ngùi vua Nhân tông bộc lộ:
- Chú Chiêu Văn à, cho đến bây giờ tôi vẫn còn ân hận về việc chấp nhận đưa hoàng cô sang trại giặc. Nói rằng hoàng cô đi để làm thư quốc nạn, nhưng Thoát-hoan có nới tay với ta chút nào đâu. Việc ấy cứ ám ảnh tôi mãi.
- Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, điều đó An Tư hiểu rất rõ nên đã mở hẳn một sở may áo ấm và túi đựng trầu, lại đan cả túi đựng tên cho binh sĩ. An Tư còn dành ngôi nhà đẹp nhất trong cung An Tư làm kho chứa vật phẩm trước khi đem đi trao tặng. Thần nhớ chính An Tư đã đem các sản phẩm do chủ tớ làm ra trao tận tay cho binh đội của Quốc Toản. Vì rằng Quốc Toản là con mồ côi cha, là một thiếu niên có lòng yêu nước nồng nàn muốn được hiến trọn đời mình cho công cuộc cứu nước. Cảnh mẹ góa con côi, điền trang thái ấp đâu có còn được như các vương, các hầu khác. Vừa cảm thông vừa cảm phục hoàn cảnh và nhân cách của Quốc Toản, An Tư lấy đó làm gương và đã dấn thân như một tráng sĩ. Việc An Tư chấp nhận vào trại giặc, phải nói đấy là việc làm của một người lính cảm tử, ngay cả đấng nam nhi chưa hẳn đã dám làm. Việc làm ấy nó xuất phát từ lòng yêu nước của con dân Đại Việt, can dự gì đến bệ hạ mà bệ hạ cứ phải day dứt. Nếu bệ hạ day dứt, ta chắc vong linh An Tư không thỏa đâu, bởi em ta cho đó là sự xúc phạm. Vì như thế có nghĩa là em ta bị tước đoạt quyền yêu nước. Bệ hạ nghĩ rằng mình giữ ngôi nước là mình có quyền phân phối lòng yêu nước ư? Dù có mang trọng tội thần cũng phải nói rằng, nếu quả đấng chí tôn nghĩ vậy và làm như vậy là nguy cơ mất nước đấy. Tại sao máu của hàng chục vạn dân chúng đổ ra để giữ nước thì được chấp nhận như là sự đương nhiên trong khi vài chục người trong hoàng gia đổ máu cũng là để góp phần giữ nước thì lại phải băn khoăn day dứt. Vậy có phải máu của hoàng gia là châu ngọc, còn máu của trăm họ chỉ là một thứ nước lã chăng?
Nghe thượng tướng phản bác một cách gay gắt, vua Nhân tông lạnh toát cả sống lưng và như chợt ngộ ra một điều rằng, bất cứ một con dân nào trong nước bằng cách làm riêng của mình mà gây thiệt hại cho giặc, góp phần giết giặc, cứu nước thoát họa xâm lăng, ấy là người yêu nước chân chính. Thế thì việc hoàng cô vào trại giặc gặp lại Yến Ly và hai người cùng hành động làm suy yếu tinh thần giặc, lại thông được tin tức ra ngoài cho quân ta. Quả đó là những bậc nữ lưu đáng trọng, trong đời hiếm gặp. Trong hoàng gia có người đem tính mệnh mình ra để cùng toàn dân cứu nước, đó chẳng phải là điều đáng hãnh diện lắm sao. Vậy mà bấy lâu nay ta cứ thương hoàng cô theo kiểu thương đàn bà. Chợt nhà vua quay ra nói với Trần Nhật Duật:
- Chú Chiêu Văn, nhờ chú nổi xung mà tôi ngộ ra đấy. Đúng là tôi thương hoàng cô theo tình ruột rà máu mủ mà quên phần trách phận của mỗi con dân đối với nước khi đất nước lâm nguy. Đất nước lâm nguy khác nào nhà cháy từ hai đầu. Ai đem vật gì cản lửa, dập tắt lửa, cứ thế nhảy vào đám cháy mà trị lửa, chứ cần gì phải xin phép ai, hoặc chờ ai sai bảo. Đúng, chú nói có lý, tôi ngộ ra rồi.
- Bệ hạ không giận thần chứ? - Nhật Duật vừa cười vừa nói.
- Chú nói phải sao có thể giận. Nhẽ ra phải đưa chú về giữ chức tả hữu gián nghị. Bởi chú phân biệt phải quấy rất rõ ràng. Nhưng điều đáng quý là ở chỗ dám dũng cảm nói ra. Nhận biết phải quấy thì nhiều người nhận biết được. Nhưng dám nói ra điều đó trước bề trên chắc không phải ai cũng làm được. Tôi bận quá, lâu ngày không đến thăm phần mộ hoàng cô và Yến Ly được, chẳng hay chú có dịp lui tới.
- Thần thỉnh thoảng vẫn ghé thăm, anh em vẫn trò chuyện với nhau như ngày nào An Tư còn sống.
- Tôi nhớ bá phụ viết hai cái mộ chí thật là thấu lý đạt tình. Hai ngôi mộ nằm song song như hai người bạn khi còn sống. Bên mộ hoàng cô, mộ chí viết: “An Tư - liệt nữ chi mộ”. Bên mộ Yến Ly, mộ chí viết: “Yến Ly - Lưỡng quốc liệt nữ chi mộ”.
- Chữ nghĩa của anh Quốc Tuấn thì khỏi phải bàn. Với Yến Ly mà dùng “lưỡng quốc” là quá đúng. Vì rằng nàng ấy không chỉ đền ơn Đại Việt ta cưu mang, mà nàng còn phải báo hiếu cho đất nước đã sinh thành ra nàng và cả cha mẹ nàng nữa. Bệ hạ có được tin tức gì về cha mẹ nàng không?
- Sau chiến tranh được ít lâu, bá phụ có cho người đến báo tin buồn cho cha mẹ nàng, gửi lời cảm tạ của Đại Việt và gửi ít bạc vàng cho ông bà chi dụng.
Hai ông bà đều rơi lệ đáp rằng - “Yến Ly mất đi khiến chúng tôi đau lòng, nhưng các việc Yến Ly làm lại khiến chúng tôi hài lòng. Việc làm đó không chỉ là giúp đỡ Đại Việt mà còn là danh dự của người Trung Hoa chúng tôi. Lũ chó săn trong giới cầm quyền trước kia bợ đỡ quân Kim, nay lại ôm chân quân Mông Cổ, nhưng dân Trung Hoa chúng tôi sẽ đánh giặc đến cùng, làm được gì giúp quý quốc chúng tôi không ngại”. Bạc vàng người ta không nhận nhưng lại tìm thêm người thân tín giúp ta. Vì vậy tin tức lấy được càng ngày càng có giá trị và qua nhiều nguồn, nên kiểm xét được ngay từ gốc. Tin đã đưa về đến Thăng Long đều đáng tin cậy cả. Nhân đây tôi phải dặn trước chú điều này, nếu sắp tới giặc Bắc lại sang, chú cho người cất giấu hai tấm mộ chí ấy đi kẻo giặc biết nó phá mộ mất.
- Giặc Bắc nhất định lại sang, điều đó thần chẳng chút nghi ngờ. Sau đợt tập trận này thần sẽ làm ngay việc cất giấu mộ chí của cả hai liệt nữ kẻo giặc xâm phạm. Quân Mông Cổ thì hung hãn, lũ Hán gian thì hiểm độc, hèn hạ. Hai kẻ này kết hợp với nhau mà chúng thi thố hết các ngón nghề thì không có một loại ác thú nào có thể so đọ được với chúng.
Thuyền của thượng tướng chở nhà vua ngược dòng tới gần chỗ du binh thì quay lại. Trên đường đi, nơi nào ém quân thủy, phục quân bộ Trần Nhật Duật đều tâu báo với nhà vua rồi cho thuyền quay mũi.
- Sao lại quay về? - Vua hỏi.
- Tâu, hôm nay mới bày trận, dàn quân. Chiều mai địch mới gặp du binh ta khiêu chiến.
Đi một đoạn, nhà vua lại hỏi:
- Chú Chiêu Minh còn nhớ vụ triều đình cử chú đi chinh phục Trịnh Giác Mật không?
- Nhớ! Trần Nhật Duật cười phá lên. Bệ hạ có biết trước khi vào trại của Mật, thần phải tập uống rượu bằng mũi không. Sặc gần chết. Hai ba lần quân phải hút mũi cho đấy. Mãi sau cũng uống được.
- Tôi nghe nói chú còn thổi được cả kèn lá.
- Việc ấy dễ thôi. Khó nhất là uống rượu bằng mũi đấy. Nhưng nhờ có chuyện uống rượu bằng mũi và đi một mình không vũ khí vào trại của Mật, hắn phục lắm và tin ngay. Kể ra dạo ấy thần cũng liều thật. Sau nghĩ lại mới thấy nếu mình không thật bụng, người khác khó tin mình.
- Vừa không tốn máu xương vừa được tướng phên giậu, chú giỏi thật. Hồi đánh giặc Nguyên vừa rồi, cha con Trịnh Giác Mật cùng với dân man trên đó lập công lớn, triều đình khen thưởng xứng đáng. Cái thằng bé hồi chú đem nó về, tôi cho nó chức “canh trì” bây giờ thế nào rồi?
- Tâu, khi nó giữ chức canh trì ở Thăng Long nó đúng là một thằng mán. Trước khi giặc vào cõi, thần cho nó về lại sơn động thì nó đúng là một con hổ. Hai cha con cùng coi quân đánh giặc kiên cường lắm. Hiện nay nó thay cha nó làm đầu lĩnh rồi.
- Thế thì phên giậu ta càng vững. Chú quả là một tướng văn võ toàn tài.
- Bệ hạ quá khen, thần thêm ngượng.
Đêm ấy về ngủ trong trướng hổ. Gọi là trướng hổ, chứ thực nó là một căn nhà làm tạm nơi sườn đồi cạnh con đường thiên lý và nhìn thẳng xuống ngã ba Bạch Hạc. Căn nhà dựng bằng tre xanh, lợp tranh tươi, tất cả còn giữ nguyên màu chưa úa héo. Quanh nhà quây bằng những tấm tranh ép sát vào nhau rồi lấy tre nẹp lại thành các bức vách chắn gió. Giữa nhà là một dãy sạp dùng làm nơi hội họp của chủ tướng.
Bữa nay các tướng đều phải theo quân ra mặt trận, chỉ còn một số quân rất nhỏ ở nhà giữ trại và giữ liên lạc giữa các cánh quân.
Trần Nhật Duật dẫn nhà vua vào nghỉ trong một trướng hổ như ta vừa thấy.
Hai đầu nhà đốt hai đống lửa để xua tan khí lạnh của núi rừng, nhưng sao vẫn lạnh buốt. Cuối đông, gió bấc thổi ráo riết, rải cái lạnh khắp đất trời. Cảm giác tựa như là thần băng giá đang gồng sức tranh chấp với chúa xuân để chế ngự muôn loài.
Vua tôi ngồi quanh đống lửa nơi cuối căn nhà. Trần Nhật Duật khoác thêm cho nhà vua tấm áo bông vải chàm. Nhà vua hơi so vai đón nhận tấm áo. Một thoáng cái nóng của củi than đã làm sắc diện nhà vua hồng trở lại.
Ném mấy thanh củi vào đống than hồng rực, vua Nhân tông liền hỏi:
- Chú Chiêu Văn à, trời lạnh thế này quân có được phát đủ chăn áo ấm không? Ngồi bên đống củi cháy đùng đùng mà tôi vẫn thấy lạnh, thế mà người lính cứ phải phơi mình ngoài sương gió hoặc ngâm mình trong nước lạnh, liệu họ có còn đủ sức đánh nhau khi gặp giặc?
Trần Nhật Duật nói giọng hơi se buồn:
- Tâu, bệ hạ thương lính như thương thân, đó là hồng phúc của nước. Đúng là thiên tử cận dân (vua gần dân). Thần không dám giấu bệ hạ. Binh lính của thần áo ấm thì lính mới lính cũ đều được phát mỗi người một chiếc. Còn chăn những người lính cũ nếu còn giữ được vẫn cứ phải dùng tạm. Ai bị mất chăn, áo ấm trong cuộc chiến vừa rồi cũng được phát lại. Duy có lính mới thì hai người mới được phát một chiếc chăn, họ phải dùng chung. Kể ra cũng là một sự bất tiện. Tâu bệ hạ, trong cuộc chiến vừa rồi đánh nhau ác liệt dầu dãi nắng mưa, nhiều người quần áo rách tướp như lá chuối bị bão. Nhiều người di chuyển trong lúc đánh nhau cũng mất hết quần áo. Có khi quân đang hăng đuổi giặc băng qua lũy tre gai, nó cào rách sạch bong trên người không còn một mảnh vải che thân.
Tâu bệ hạ, đánh nhau hao người tốn của không biết đâu mà lường. Thần dốc toàn bộ sản nghiệp ra nuôi quân của thần chưa đủ, lại phải cáng đáng thêm mấy đô quân của triều đình bổ về, thành thử thiếu thốn trăm bề. Tuy vậy, lương thực và võ khí đảm bảo quân không bị đói và không người lính nào không được trang bị vài ba thứ khí giới. Chỉ thiếu quần áo thôi.
- Chú nói thế tôi tạm yên tâm. Quả thực triều đình mình phải chi tiêu quá sức. Tôi sẽ về tâu lại với thượng hoàng xin phát bù cho những người lính nào chưa được phát chăn áo ấm để đỡ khó khăn cho các vương hầu. Và cũng để giữ sức cho quân đánh giặc.
Đêm đã khuya, củi đã cháy tàn chỉ còn mấy đầu gộc lom rom ngún khói, viên đô tướng đô tả vũ vệ theo hầu nhà vua cứ lấp ló định vào mấy lần nhưng lại sợ nhà vua và thượng tướng đang bàn việc quân. Ngoài trời sương xuống lạnh buốt, y sai quân lấy thêm củi sưởi. Lấy cớ đưa củi, viên đô tướng khẽ nhắc:
- Tâu bệ hạ đêm khuya mà trời lạnh, quân doanh cũng sơ sài không đủ đồ mặc ấm, lính đã nằm lót chỗ ấm rồi, xin bệ hạ và thượng tướng đi nghỉ.
- Mời bệ hạ đi nghỉ, - Nhật Duật cũng nói xen vào.
- Chú Chiêu Văn à, hay ta ngủ chung đi. Ngủ chung như hồi nhỏ chú vào cung rồi hai chú cháu cùng chơi cùng ngủ ấy. Ngủ chung để nói chuyện tiếp.
- Thần xin tuân thánh ý, Trần Nhật Duật vừa nói vừa cười sảng khoái rồi dắt tay nhà vua đi về phía cuối của “trướng hổ”, nơi đó cũng trên một khoảng sàn nứa, quân lính lấy lá chuối rừng khô trải ổ làm “giường ngự” đón vua đi thị sát.
Vua Nhân tông và thượng tướng Chiêu Văn tới sát “mép giường” nhìn thấy hai cái đầu đen và tiếng ngáy khò khò. Viên đô tướng tả vũ vệ bèn bước dấn lên cốc vào những cái đầu đang ngáy, quát:
- Dậy! Dậy mau trả “long sàng” cho vua ngự. Đoạn viên đô tướng quay ra nói như phân bua - Tâu, xin bệ hạ tha tội, chẳng là trời lạnh giá, thần sai quân nằm lót ổ lấy hơi ấm để bệ hạ ngủ cho ngon giấc.
Hai người lính lồm cồm bò dậy vươn vai và họ cũng chẳng biết những ai đứng trước mặt, liền nói: Ấm quá!
- Tội nghiệp, họ đang ngủ ngon giấc, nhà vua tỏ ra ái ngại.
- Hai tên lính to gan dám ôm nhau ngủ trên “giường ngự”, nhẽ ra phải trị tội “khi quân”, bệ hạ đã thương tình tha tội chết lại còn thương nó “tội nghiệp”, Chiêu Văn giả vờ làm nghiêm nhưng lại bật ra tiếng cười. Liền đó nhà vua và thượng tướng cùng bước tới “long sàng”.
Nằm trong ổ lá chuối sột soạt trên lại phủ tấm chăn bông ấm sực, vua bảo:
- Chú Chiêu Văn, vừa ấm vừa êm thế này có khác chi chăn, đệm lông chim đâu. Những thứ này lại dễ kiếm mà cũng chẳng mất tiền mua. Hai đằng cùng ấm cùng giúp ta ngủ ngon, thế mà người đời lại cứ hay bỏ cái thô phác đi tìm cái hiếm ít như lông chim, lông thú, vừa tốn công tốn của vừa mắc vào tội sát hại cầm thú.
- Muôn tâu thánh thượng chỉ có cái ổ lá chuối với cái đệm lông chim mà thánh thượng phán bảo cái gì nghe đến khiếp. Thần chẳng biết tội lỗi gì nó nằm ở đâu nhưng thần vẫn thích nằm đệm lông chim, đắp chăn lông chim vừa ấm vừa nhẹ, chứ chẳng phải mấy ngày thay ổ một lần. Trời rét mà gặp mưa dầm, lá chuối khô sũng nước có lấy về cũng chẳng trải được ổ, thế là chết rét, còn như đệm lông chim cứ dùng mãi, xẹp đem phơi nắng, đập bụi lại xốp ấm như thường.
Vua Nhân tông huých nhẹ khuỷu tay vào mạng sườn Trần Nhật Duật: - Chú chỉ nói xiên hông tức anh ách. Thôi nhé, không có bệ hạ với thần gì ở trong cái ổ lá chuối này. Chui vào đây chỉ có hai gã đàn ông trong nội tộc, một chú một cháu, có điều gì cần nói chú cứ nói thẳng thừng không phải tâu báo chi cả.
- Thần chờ bệ hạ nói câu đó từ lâu, từ lúc ngồi xuống đống lửa, chỉ muốn đem rượu ra uống rồi ôn chuyện thời thơ ấu, thế mà mãi khi chui vào ổ mới được nghe.
- Chú lại sai rồi, đã bảo không có bệ hạ ở trong ổ lá chuối kia mà.
- Ừ thì chú cháu. Chú cháu quen miệng sáng ra trước ba quân lỡ gọi “Khẩm ơi!” hoặc “cháu ơi!” lại trị tội người ta chứ gì.
- Đã lỡ thì còn ai bắt tội được, lúc nào chú cũng như một anh hề.
- Có hề mới sống khỏe thế này, chứ lúc nào cũng tâu tâu báo báo chắc chết mục xương rồi.
- Ngày trước cứ gặp chú lúc nào cũng nghe có cả một bầy vũ nữ ca hát. Bây giờ họ đi đâu hết rồi. Tôi cứ nghĩ có ba thứ chú không bỏ được.
- Ba thứ gì nào.
- Âm nhạc, rượu và gái.
Trần Nhật Duật ôm lấy nhà vua vừa cười vỡ ra vừa cù vào nách nhà vua. Hai chú cháu ôm nhau cười giãy giụa khiến lá chuối xô dạt. Đoạn Nhật Duật nói: - Phàm việc lớn Khẩm (tên húy của vua Nhân tông) thường tỉnh táo nên sáng suốt và ít khi mắc sai lầm. Riêng việc này của mỗ, Khẩm có cái nhìn lệch lạc, coi mỗ như kẻ phàm phu lãng tử. Lãng tử đúng là cái tạng của Chiêu Văn, còn phàm phu thì không phải. Mỗ nói để Khẩm hiểu này. Trước hết âm nhạc là tiếng nói của tâm hồn được cất lên thành lời ca thông qua các nhạc khí và nhạc công, ca công. Mỗ phải đặt lời rồi chế nhạc lại dạy cho họ đàn và hát. Vậy tiếng hát ấy chính là tiếng lòng của mỗ chứ. Ai cũng có tiếng lòng nhưng không phải ai cũng tấu được nó lên đâu, phải là các thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ. Đấy là trời chỉ riêng cho ba cái anh sĩ đó chứ thế gian có muốn cũng không được. Vậy chớ Khẩm chịu chưa.
- Riêng điều này thì Khẩm chịu.
- Còn rượu. Rượu mỗ chỉ đem ra uống khi vui bạn bè như nghe nhạc hoặc lâu ngày mới gặp lại bạn thân, hoặc khi nhà vua ban rượu, hoặc khi giỗ chạp thượng hoàng cho phép uống say. Tuy vậy, trong đời mỗ tới lúc này chưa ai bắt gặp dù chỉ một lần nát rượu hoặc tỏ ra bê tha vì rượu. Khẩm thấy mỗ nói có đúng không nào?
- Đúng! Công nhận chú nói đúng.
- Hà hà… Uống rượu mà như thế thì là tiên tửu chứ, thiên hạ phải lấy mỗ làm gương chứ, Khẩm phải tuyên dương mỗ trước bá quan và bách tính chứ.
- Về cái khoản rượu thì chú giữ được sự chừng mực, nhưng lấy đó làm gương cho các quan và dân chúng thì Khẩm này không làm đâu.
- Cái đó tùy Khẩm thôi, chẳng tuyên lúc này thì tuyên lúc khác, còn mỗ bao giờ cũng vẫn là mỗ.
- Âm nhạc và rượu chú nói có lý, Khẩm công nhận, thế còn khoản kia thế nào? Nói thật với chú trong hàng ngàn thứ dục mà con người ham muốn thì dục tình đứng đầu, ai mà tiết chế nó đúng mức thì người đó là thánh đấy.
- Thánh đây! Chính là thánh đang nằm bên Khẩm đây. Trần Nhật Duật cười phá ra rồi gác chân lên nhà vua:
- Biết ngay là cái khoản này ông chú cũng như người thường thôi.
- Bố ai mà tránh được cái khoản đàn bà. Nhưng nếu giữ được như người thường, phải coi mỗ là bậc á thánh chứ. Bởi hoàn cảnh của mỗ dư sức làm cho con người dễ phóng đãng lắm. Hãy lắng nghe cách hành xử của mỗ. Nghĩa là với đàn bà, mỗ chỉ ăn nằm với thê, thiếp thôi. Thê, thiếp là danh chính ngôn thuận rồi. Còn các ca nữ, vũ nữ là những người mỗ thuê họ để họ nói lên tiếng lòng của mỗ. Nếu họ hát hay múa giỏi thì thuê lâu, hoặc giả cũng có những đào nương họ không hợp tạng với nhạc của mình nên họ không hát. Vì thế gọi họ tới rồi họ lại lui ngay. Những người này họ cũng yêu âm nhạc chẳng kém gì mỗ. Tuyệt nhiên họ không phải khách làng chơi nên mỗ này không dám xâm phạm. Kể ra quyền thế rồi lại bóng bẩy như mỗ thì gạ gẫm hoặc thúc bách, hoặc cưỡng ép họ cũng phải chịu, nhưng làm như thế nó mất đi cái thú thanh tao của âm nhạc, và khi tỉnh lại chắc mình không còn thấy kính trọng mình nữa. Đôi khi mỗ này cũng có lui tới nơi lầu ca viện kỹ, ở đó nó là sự thỏa thuận có tính bán mua sòng phẳng. Trong đời mỗ chưa từng ai có thể bắt gặp hoặc chê trách mỗ là tay sớm mận tối đào làm hại con gái các nhà lành, nào Khẩm thử phản bác lại các điều mỗ vừa nói xem.
Nghe ông chú hỏi, vua Nhân tông cười thầm và cố nhớ xem có ai kêu ca gì ông chú trong chốn làng chơi không. Quả là ông nổi tiếng về cầm ca nhưng không có tai tiếng gì với giới cầm ca hoặc với con cái các nhà lành. Nhà vua ậm è khiến ông chú hồi hộp. Vua nói nhỏ:
- Xét cả ba phương diện đó, quả chú có dấn thân nhưng không ngụp lặn. Trong cảnh ngộ dễ gây cho con người tai tiếng mà không mắc vào tai tiếng, quả chú cũng là người khác thường.
- Khác thường thế nào? - Trần Nhật Duật hỏi nhà vua và ông nói luôn - Mỗ này không chỉ khác thường đâu mà là phi thường đấy, là tiên thánh đấy.
- Quá thể đáng, chú mà là tiên thánh?
- Không tiên cũng là trích tiên. Vì thế phụ hoàng mới đặt cho ta cái tên Chiêu Văn chứ. Chiêu Văn Đồng Tử chẳng phải là tên một vị tiên trên thượng giới sao. Từ thượng giới xuống đây chẳng phải trích tiên thì còn là cái gì nữa nào?
- Cứ cho điều chú nói là đúng đi, nhưng còn chú nhận là thánh thì hơi quá, hơi liều đấy.
- Quá thì có nhưng liều thì không. Thánh là gì, là người có trí sáng suốt nhìn thấu ba cõi quá khứ, hiện tại và vị lai. Thánh là người xuất chúng làm được các việc mà người thế gian không làm được. Quả là mỗ này chưa đạt tới chức vị của bậc thánh, nhưng á thánh thì được. Á thánh là các việc người thường không làm được, không tránh được mà ai đó làm được, tránh được thì người đó ngang với các vị á thánh, Khẩm chịu chưa?
Vua Nhân tông bấm bụng nhịn cười, cấu vào đùi non Trần Nhật Duật một cái rất đau, khiến Nhật Duật há mồm kêu “á” thật to. Nhà vua phì cười nói:
- Vậy đó là “Á thánh” đúng không!
Hai chú cháu nhà vua ôm nhau cười như nắc nẻ. Đám quân canh đi lại phía ngoài không nghe rõ hai bậc bề trên nói chuyện gì, thỉnh thoảng chỉ nghe được các tiếng cười lọt ra khiến họ cũng vui lây và quên cả cái rét đang xâu xé thịt da.
Ngớt tiếng cười, Nhật Duật hỏi:
- Nhà vua đi thị sát bao lâu nữa thì về kinh?
- Định ngày mai xem quân chú vào trận, ngày kia về chỗ bá phụ xem quân giao chiến rồi về kinh lo tết với phụ hoàng cháu. Cũng định kéo một vệt ra tận Vân Đồn, Tháp Sơn xem Nhân Huệ vương cho quân diễn tập nhưng có nhẽ không kịp. Lúc này mà vắng mặt ở kinh thành lâu lâu phụ hoàng cháu lo lắm. Mấy năm nay sức của cha cháu giảm sút nhiều. Càng thương cha, càng căm giận cha con tên giặc già Hốt-tất-liệt. Lần này mà bắt sống được Thoát-hoan phải chém đầu nó làm lễ hiến phù cho hả nỗi uất căm.
- Bệ hạ nghĩ thế là đúng. Ta cũng lo cho sức khỏe của huynh trưởng. Có nhẽ nhà vua vui ba ngày tết với thượng hoàng rồi đi thẳng ra Vạn Kiếp xem quân vào trận. Cha con Hốt-tất-liệt lo sắm thuyền bè và tập thủy trận lớn lắm, định giành ưu thế trên mặt nước với quân ta, để xem người ngựa của lũ lính sa mạc bơi trên sông biển nước ta thế nào. Quên hỏi bệ hạ, bữa trước anh Chiêu Minh có lên đây hiểu dụ các tướng và giao nhiệm vụ cho thần tạm điều hành quân vào trận, anh ấy trở về Thăng Long ít bữa rồi quay lại, không hiểu sao hôm nay vẫn chưa thấy lên.
- Việc đại chính bận lắm, chú ấy đang giao cho trung thư sảnh phải đi đốc thúc các lộ lo tích chứa lương thảo cất giấu vào kho để tiếp tế cho quân, rồi ban bố mệnh lệnh “thanh dã”, tổ chức các đội dân binh, các đội bạch đầu ông và cả trạo nhi nữa. Chú ấy bảo một vài ngày xong việc lên ngay. Có nhẽ dịp này chú ấy sẽ giao hẳn công việc cho quan thái phó điều hành và bắt Đức Việp sang bên phủ thái sư tập sự. Không chừng đêm nay hoặc sáng mai chú cháu mình lại cùng ăn sáng với chú Chiêu Minh cũng nên.
- Nếu vậy thì thần yên tâm.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng