Cách bạn sử dụng thời gian quan trọng hơn cách bạn tiêu tiền. Sai lầm về tiền bạc còn có thể chỉnh sửa được, nhưng thời gian thì không bao giờ quay lại.

David Norris

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
Vừa đi kinh dinh vùng nam thùy ra, vua Nhân tông vội vã vào cung Thánh Từ vấn an thượng hoàng.
Mới bước vào đại sảnh đã thấy ánh nến hắt sáng cả hành lang đại điện. Nhà vua đi thẳng vào nội điện thấy vua cha và bá phụ Hưng Đạo vương, thúc phụ Chiêu Minh vương đang đàm đạo, Nhân tông vội quỳ lạy thượng hoàng, bá phụ và thúc phụ.
Thượng hoàng Thánh tông liền phán:
- Quan gia đứng dậy đi.
Liền đó Hưng Đạo vương liền nhổm dậy vái Nhân tông.
Thánh tông can ngay:
- Anh Quốc Tuấn đa lễ quá. Vương nhi chẳng là con anh con tôi sao. Nếu có giữ lễ là ở chốn triều trung chứ ở nhà là phải theo gia đạo. Khẩm (vua Nhân tông) không chỉ gọi anh bằng bá phụ mà anh còn là nhạc phụ của cháu kia mà.
Chiêu Minh vương Trần Quang Khải cũng nói xen vào:
- Thượng hoàng nói đúng đấy, người trong nhà mà cứ thủ lễ thái quá nó trở nên khách khí, xa lạ.
Hưng Đạo vương vội đáp: - Tuy là anh em bà con nhưng ta đang bàn quốc sự nên lễ vua tôi phải giữ. Còn như những ngày lễ tết, ngày húy gia tiên hoặc ở trong nhà thì phải lấy thế thứ gia tộc làm trọng.
Thái sư Trần Quang Khải muốn biết nhà vua từ nam thùy về liệu có điều gì đáng ngại, liền hỏi:
- Quan gia cho biết nếu nhà Nguyên lại đánh ta, liệu Chiêm Thành có đứng dưng hay bị Hốt-tất-liệt dung dọa phải về hùa.
- Chính ta cũng đang lo mặt nam, vua Thánh tông nói.
Vua Nhân tông hết nhìn cha, nhìn chú và nhìn bác thấy gương mặt mọi người đều bình thản, vua tự biết vận nước chưa có gì đáng ngại, ngài bèn lên tiếng:
- Tâu phụ hoàng, thưa bá phụ và thúc phụ, con thấy mặt nam yên tĩnh lắm. Gần đây con đã có thư cho quốc vương Chế Mân nói rõ người Nguyên lại sắp đánh Đại Việt và ngỏ ý kết thân.
Chúa Chiêm phúc đáp rằng ông ta không thể quên khi Toa-đô sắp đem quân đánh Trà Bàn, Đại Việt đã giúp binh, giúp mưu, nhờ thế mà nước Chiêm Thành đứng vững, còn Toa-đô bị rơi đầu trước cửa Hàm Tử của Đại Việt, ơn ấy nước Chiêm Thành sao có thể quên được. Dù Hốt-tất-liệt có dụ dỗ, có đe dọa Chiêm Thành cũng không nao núng. Vua Chiêm từ khi còn là thái tử đã biểu lộ tư cách của một người dũng lược, một bậc anh hùng. Vậy mặt nam có thể tạm yên. Còn dân chúng trong các vùng Hoan, Ái giặc chỉ lướt qua như một cơn bão nhẹ, nay đã hồi phục, đời sống không có gì đáng ngại. Tinh thần đang phấn chấn, trai tráng nô nức đầu quân. Nơi thôn dã làng nào cũng có đội hương binh, đang luyện tập ráo riết. Nhiều thôn làng còn lập các đội bạch đầu ông (đội quân tóc bạc). Dạ, đây là những người già tự nguyện để làm gương cho con trẻ, trong mỗi đội bạch đầu ông thường có một hai người đã từng ở trong quân ngũ, từng đánh giặc Thát, có người tham gia từ cuộc chiến năm Đinh Tỵ kia. Dạ, còn thế nước hiện nay đang nổi, quân dân đều hăng hái, tin tưởng ở triều đình chứ không e sợ giặc như hồi chúng sắp vào cõi trước năm Ất Dậu.
- Vậy thế là yên tâm được mặt nam, thượng hoàng nói. - Nhưng còn mặt bắc ta lo đối phó thế nào, kể cả mưu giặc ra sao, dò la được đến đâu, thái sư và quốc công cho biết. - Quan gia đi vắng, ta cũng hơi quan ngại, nên cho triệu quốc công và thái sư đến để hỏi han công việc, may con về đúng lúc. Vậy ta bắt tay vào việc đi.
Thái sư Trần Quang Khải nói ngay:
- Thế nước đang nổi vì lòng dân đang hào hứng vừa lo làm ăn cày cấy, vừa lo tập luyện để hễ giặc vào là đánh. Các việc này là dân tự lo vì đã kinh qua từ năm Ất Dậu, nên triều đình không phải đốc thúc. Lại sau cuộc chiến người có công, kẻ có tội đều được khen thưởng hoặc trách phạt công bằng, kể cả người trong hoàng tộc cũng vậy, nên dân chúng càng tin tưởng vào triều đình. Cũng sau cuộc chiến, bệ hạ vừa lo cứu đói vừa cho giảm tô thuế cho dân chúng trong các vùng bị giặc tàn phá nặng nề, nay khó khăn đã qua, lại thêm thời tiết thuận hòa, hai vụ đều được mùa, tinh thần dân chúng đều phấn chấn lắm. Ngay cả giới tu hành và nho sĩ cũng dốc lòng cố kết với triều đình lo việc chống giặc, giữ nước chứ không có chuyện phân tâm, khảng tảng. Phía bắc thùy người Nguyên khi thì cho quân áp sát, uy hiếp dân ta, khi lại lui binh và cho người sang dụ dân ta theo chúng. Nhưng dân man động của ta được các đầu mục dẫn dắt, họ không những không nao núng sợ hãi mà còn lập các đội dân binh, thường binh cũng luyện tập, canh gác, cảnh giới ngày đêm như dưới xuôi. Vì vậy phên giậu của ta ở bắc thùy cho đến lúc này vẫn còn vững chắc.
Tâu thượng hoàng, quan gia và Quốc công duy có điều này là hơi quan ngại. Tức là sau chiến tranh, nhà Nguyên đã hai lần cử sứ sang ta. Bọn chúng vừa mơn trớn dụ dỗ, vừa dung dọa ta. Vả lại, chúng nghênh ngang nhòm ngó đi lại các nơi trong đất ta cứ như chúng là chủ đất này. Hẳn nhiên chúng có tay chân cài cắm mọi nơi. Tuy vậy, dân ta cũng đã khôn lên, sứ giặc đi tới đâu đều bị lộ tung tích, về phía ta cũng hai lần cử sứ sang Đại đô cống phương vật, cả hai ông Nguyễn Nghĩa Toàn, Nguyễn Đức Vinh đều bị người Nguyên giữ lại. Bởi vậy có cử sứ đi tiếp nữa không xin thượng hoàng và quan gia cho ý chỉ.
- Việc này ta phải nói ngay, thượng hoàng lên tiếng. - Hốt-tất-liệt ngạo mạn cậy mình là nước lớn muốn làm gì thì làm. Và y chỉ mong có một cái cớ nào đó để vin vào. Cho nên vẫn cử sứ đi cống phương vật và tìm cách dò la mưu đồ của giặc. Nếu ta tuyệt sứ lộ, cũng có nghĩa là ta tuyệt giao, giặc sẽ lập tức xua quân vào cõi. Nếu tránh được chiến tranh ngày nào vẫn nên tránh, dù chúng có giữ sứ lại, thậm chí chúng có sát hại người của ta thì coi đó là việc hy sinh cho nước. Triều đình sẽ truy phong tước trật và cho lập đền thờ. Hy sinh tính mệnh mình để giữ yên cho nước, không một người có liêm sỉ nào lại không muốn làm việc đó.
- Con xin tuân mệnh phụ hoàng, vua Nhân tông nói.
Hưng Đạo vừa nghe vua Thánh tông nói vừa ve vuốt chòm râu dài trước ngực, ông có vẻ hài lòng về quyết sách sáng suốt của nhà vua.
Khi Nhân tông vừa ngừng lời, Hưng Đạo liền nói:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia cùng quan tướng quốc, thần vừa nhận được nguồn tin ngoại gián từ Yên Kinh và Lâm An đưa về. Tình hình hết sức nghiêm trọng, Hốt-tất-liệt rất cay cú với thất bại trong cuộc chiến năm Ất Dậu vừa qua. Cho nên đầu năm Bính Tuất này y đã cho lập bộ chỉ huy chuẩn bị cho việc đánh Đại Việt và sai các tỉnh kinh Hồ đóng ba trăm chiến thuyền, vừa đây lại sai đóng tiếp hai trăm thuyền lớn nữa.
Thoát-hoan con trai hắn vẫn được cử làm Trấn Nam vương, giữ ấn nam chinh. Tả thừa tướng A-lí Hải-nha giữ chức cũ là An Nam hành trung thư sảnh. Cuộc xâm lăng năm Ất Dậu tả thừa A-lí Hải-nha và hữu thừa Lý Hằng, hai viên tướng này đều được Hốt-tất-liệt tin cậy trao cho phụ tá con hắn. Âm mưu, kế sách đều ở hai tên tướng giặc này, một đứa người Hồi-hột, một đứa người Hán. Lý Hằng đã bị quân ta giết chết trên đường tháo chạy năm trước. Hốt-tất-liệt còn cho Áo-lỗ-xích làm bình chương chính sự cùng với A-lí Hải-nha ở dưới trướng Thoát-hoan. Các tướng Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp cùng hai viên tướng Mông Cổ khác được thăng hàm tham tri chính sự ra vào dưới trướng giúp rập Thoát-hoan.
Hốt-tất-liệt giao hẳn việc trù hoạch binh lương và kế sách đánh nước ta cho A-lí Hải-nha.
Tâu, kế đó Hốt-tất-liệt lại gọi Ích Tắc cùng đám tòng vong phản quốc từ Ngạc Châu (Hồ Bắc) về Yên Kinh. Hốt-tất-liệt lập cả một triều đình bù nhìn do Ích Tắc đứng đầu. Y được phong làm An Nam Quốc vương, được trao phù, ấn. Con trưởng của Ích Tắc là Bá Ý được phong giữ chức an phủ sứ lộ Đà giang. Văn Lộng được phong giữ chức tuyên phủ sứ lộ Quy Hóa giang. Tú Hoãn ra hàng đem theo gia quyến trên đường trốn chạy bị quân ta phục bắn chết tám người đều trong gia thuộc y cả. Hốt-tất-liệt thượng phong cho làm phụ nghĩa công ở bên cạnh Ích Tắc. Con Hoãn là Đức Tiệm được phong làm tuyên vũ sứ An Nam phủ lộ. Em con cô cậu của Hoãn là Lại Ích Khuy cũng được phong chức an phủ sứ lộ Nam Sách giang. Bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễm, Trịnh Long và hết thảy lũ theo giặc đều được Hốt-tất-liệt hào phóng ban cho chức tước và chuẩn bị theo chân quân xâm lược về nước.
Tâu, giặc đang ráo riết hoạt động quân lương để đánh ta thì tháng sáu vừa rồi A-lí Hải-nha đột ngột ốm chết, trong nước có nhiều điều bất ổn buộc Hốt-tất-liệt phải hoãn việc động binh, vì vậy đám bù nhìn lại bị đuổi về Ngạc Châu.
Điều đáng lưu ý là giặc định tập trung tất cả quân bộ, quân kỵ ở Tĩnh Giang (Quế Lâm, Quảng Tây) trước khi tiến vào Đại Việt. Còn toàn bộ quân thủy kể cả thuyền vận tải lương thảo đều tập trung ở hai cảng Khâm Châu và Liêm Châu (Quảng Đông) trước khi tiến vào nước ta.
- Thế là cả hai viên tướng sừng sỏ lợi hại nhất của Hốt-tất-liệt sai vào đánh nước ta năm trước đều phải đền mạng do những tội ác chúng gây ra. Quang Khải nói xen vào.
Mọi người cười vui vẻ.
Hưng Đạo lại nói tiếp:
- Tâu, các đầu mối ngoại gián của ta ở Yên Kinh được gây dựng từ trước cuộc chiến tranh năm Ất Dậu, sau đó Đỗ Vỹ bị giặc bắt, nhưng các cơ sở vẫn không bị lộ. Tiếp đó có lũ người hàng giặc theo chúng về Bắc quốc, sợ đám tay sai nhận ra người mình ở bên đó nên tạm thời phải im lặng nghe ngóng một thời gian. Phần thì thay người, phần dời đổi các địa bàn kinh doanh hoặc giao tiếp. Cũng may, giặc đưa tất cả bọn phản quốc về cư ngụ tại Ngạc Châu tỉnh Hồ Bắc, nên ở Yên Kinh người của ta lại rộng đường hoạt động. Ngay cả Châu Ngạc, ta cũng mới cắm ở đó được vài người, đã lân la giao tiếp được với Tú Hoãn và cả với Lê Tắc nữa. Vâng, ta phải dùng người Hán để chúng không thể nghi ngờ. Đám phản quốc này vẫn đang tâm trạng hoang mang, người Nguyên chỉ phong cho những hư chức và cấp niên bổng, khuyên chờ theo đại binh về lấy lại nước mà làm vua, làm quan. Hằng ngày bọn chúng thường tụ nhau lại để than vãn và chờ đợi.
Tâu, Hốt-tất-liệt hoãn binh chỉ là việc nhất thời, sớm muộn thế nào chúng cũng lại kéo quân sang xâm lấn, xin thượng hoàng, quan gia và thái sư cho ý chỉ.
Thượng hoàng Trần Thánh tông trầm ngâm một lát rồi hỏi:
- Nghe anh Quốc Tuấn nói thì giặc đánh ta lần này quy mô có khi còn hơn cả lần trước. Vả lại giặc sẽ dùng lực lượng quân thủy rất mạnh để áp đảo ta cả hai mặt thủy bộ. Bởi lần trước giặc tỏ ra lép vế với ta mỗi khi phải giao chiến trên mặt nước. Vậy ta phải đối phó thế nào đây. Và nữa, nếu giặc đưa đám bù nhìn tay sai về nước thì ta xử trí sao đây. Hơn nữa, liệu dân có nao núng nếu giặc bắc lại sang.
Hưng Đạo chưa kịp trả lời thì Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đã nói:
- Thượng hoàng khỏi lo, các việc đó ta sẽ bàn sau. Để tập trung vào việc đánh giặc, xin thượng hoàng và quan gia cho thần thôi giữ chức Thái sư, dứt hẳn việc đại chính trao cho người khác, thần chỉ xin giữ chức Thượng tướng cùng anh Quốc Tuấn lo việc đánh giặc. Và cũng xin được anh Quốc Tuấn sai khiến. Trong lúc này không việc gì lớn hơn, quan yếu hơn là việc đánh giặc, giữ nước. Thú thực, sức thần cũng đã xuống lắm rồi, không kham nổi hai việc lớn cùng một lúc.
Nghe Quang Khải bộc bạch chân thành, những lời nói như buột ra từ tim từ óc chứ không phải là những lời khách sáo thăm dò hoặc so đo tính toán, Hưng Đạo hết sức xúc động, ông ngồi im lặng ve vuốt chòm râu bạc và suy ngẫm lời Quang Khải nói “sức thần cũng đã xuống lắm rồi”. Quả thật Quang Khải có vẻ mệt mỏi, hai hố mắt trũng sâu, chắc vương mất ngủ nhiều đêm. Chắc vương phải lo nhiều việc dân, việc nước. Đúng là Quang Khải có gầy đi, vốn dĩ tướng quốc đã là người mảnh mai, gầy yếu từ nhỏ. Thượng hoàng sinh năm Canh Tí (1240), Quang Khải sinh năm Tân Sửu (1241), năm nay đã vào tuổi bốn mươi sáu, bốn mươi bảy cả rồi. Ta hơn thượng hoàng mười tuổi, hơn Quang Khải mười một tuổi, nhưng sức lực hai người không thể so với ta được. Anh em nhà vua râu, tóc mới chỉ hoa râm chứ chưa bạc như tóc, râu ta, song sức lực lại không được dẻo dai như ta. Chẳng qua là ta chịu rèn sức từ tuổi thiếu niên tới nay, nên ta dai sức hơn các vương.
Quang Khải là người đa mưu, túc trí, là người quán thông mọi việc, nhưng trong công cuộc kình chống giặc dữ vừa qua nó đã lấy đi của Thượng tướng Thái sư nhiều sinh lực, nhiều tinh lực. Việc Quang Khải xin thôi giữ chức thái sư để tập trung cho việc cầm quân đánh giặc chứng tỏ vương là một người cao thượng, người có trách nhiệm trước vận mệnh của nước, trước sự mất còn của nước. Thế mà mới chỉ mấy năm trước, ta khổ vì sự nghi kỵ của anh em nhà vua biết dường nào. Ta lo việc luyện quân phòng khi nước có giặc thì bị nghi là có bụng kia khác. Ta lo cho dân trong thái ấp có chút tư điền để cố kết họ với triều đình phòng khi nước có giặc, lại bị nghi là ta lôi kéo dân chúng, mị dân chúng.
Và quyền thống lĩnh toàn quân, ta chỉ được trao khi giặc sắp vào cõi. Tấc lòng son của ta chỉ được thấu tỏ khi ta đánh tan giặc dữ, đành rằng làm nên đại cuộc là sức mạnh của mọi người, sức của mọi nhà, sức của cả nước.
Đêm mùa thu tĩnh mịch, cung Thánh Từ nằm biệt lập, xung quanh là hồ nước và các cây cổ thụ đứng rủ bóng im lìm như những người lính canh. Quang Khải dứt lời chỉ còn nghe tiếng lửa nến và bốn gương mặt đăm đắm suy tư.
Quang Khải đề cập đến việc ông xin thôi giữ chức thái sư để chuyên lo việc quân sát cánh cùng Hưng Đạo giữ nước khiến mọi người vừa ngạc nhiên vừa mừng thầm. Ngạc nhiên vì ông từ bỏ nắm giữ một cương vị quan trọng của nước. Cương vị của ông chỉ đứng sau vua. Vậy mà ông từ bỏ một cách hết sức nhẹ nhàng, tựa như người ta phủi một lớp bụi sương trên áo. Còn mừng thầm là bởi ai cũng biết trước đây Quang Khải luôn canh chừng Hưng Đạo. Điều Quang Khải vừa nói ra nó bất ngờ quá khiến cả thượng hoàng và quan gia còn phải cân nhắc.
Bỗng quan gia lên tiếng:
- Cháu không nghĩ chú Chiêu Minh lại muốn thôi giữ chức đại chính vào lúc này. Giặc sắp vào cõi mà thay ngôi tể tướng liệu có yên được lòng dân, yên được lòng kẻ sĩ không. Việc này xin phụ hoàng, bá phụ và thúc phụ cân nhắc. Còn như chú muốn chuyên tâm vào việc cầm quân cùng với bá phụ lại đánh tan giặc dữ như năm Ất Dậu mới đây để bảo vệ muôn dân, bảo toàn lãnh thổ thời đó là một ý nghĩ thần thánh. Chỉ những bậc đại trí đại dũng mới làm được như vậy. Thưa chú, cháu vừa lo lắng vừa vui mừng nhưng quả thật cháu không dám quyết.
- Quan gia nói thế, ý anh Quốc Tuấn thế nào? - vua Thánh tông hỏi.
Hưng Đạo nhìn lại gương mặt của từng người vẻ như ông muốn dò thăm ý tứ, đoạn ông nói:
- Chiêu Minh vương thật lòng muốn dồn sức cho việc đánh giặc. Bởi khi nước có giặc thì lo đuổi giặc là việc thiêng liêng nhất. Vì thế quan gia mới nói đó là ý nghĩ thần thánh của vương. Song Quốc Tuấn tôi trộm nghĩ, dù thời bình hay thời chiến, nền đại chính vẫn là rường mối, là huyết mạch của một quốc gia. Cuộc kháng giặc năm Ất Dậu vừa qua, số quân ta dùng chưa hết, vẫn còn hơn mười vạn quân chưa đưa vào trận, lại mọi thứ từ tải lương, tải thương, rồi nơi chốn nào giặc chưa tới, vẫn phải lo việc nông tang như thường, tất cả các việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của nền đại chính. Trong cuộc kháng giặc vừa qua Chiêu Minh vương hoàn thành xuất sắc cả hai chức trách Thái sư và Thượng tướng. Công lao ấy phải được lưu lại sử xanh. Nay vương muốn dồn tất cả tinh lực của đời mình để dâng hiến cho công cuộc bảo vệ đất nước, nhẽ nào thượng hoàng và quan gia không ân chuẩn. Có điều rằng triều đình phải tìm được người thay thế xứng đáng. Nếu bộ máy công quyền của nền đại chính không được thông suốt, không được dân tin thì đó lại là một đại họa, ảnh hưởng xấu đến việc cung cấp mọi nguồn lực cho công cuộc kình chống giặc dữ.
Được Hưng Đạo cổ vũ, Trần Quang Khải lấy làm đẹp ý, mắt sáng lên, ông nói:
- Đa tạ anh Quốc Tuấn hiểu lòng tôi. Vậy tôi xin đề cử người thay thế.
- Ai vậy? - Thượng hoàng Trần Thánh tông vội hỏi.
- Tâu, từ lâu thần đã nghĩ đến hoàng thứ tử Tá Thiên vương Đức Việp, xin thượng hoàng và quan gia xem xét. Tá Thiên vương tuy trẻ, nhưng có tính cẩn trọng mà cương dũng có thừa. Năm Ất Dậu cầm quân vào trận lập được công cao. Nếu thượng hoàng và quan gia còn băn khoăn thì hãy cho Việp tạm quyền một thời gian.
- Dạ, việc đó xin thúc phụ cho cháu xin ý chỉ của phụ hoàng và cũng còn phải cân nhắc đã. Bây giờ con xin phụ hoàng cùng bá phụ, thúc phụ trở lại xem xét các điều mà bá phụ tâu ban nãy để có kế sách chống giặc sao cho diệu dụng, vua Nhân tông nói và nhà vua đưa mắt nhìn về phía vua cha.
- Sau khi nghe anh Quốc Tuấn tâu báo, ta cũng đã có dự liệu, nhưng trước hết muốn nghe kế sách của anh Quốc Tuấn, đành rằng anh nặng về việc binh, nhưng ở đây anh là người trải đời, trải việc là người có bản lĩnh vững vàng nhất, vua Thánh tông nói và ông hướng cái nhìn về phía Hưng Đạo.
Trần Hưng Đạo không thể không nói vì thượng hoàng đã có ý muốn nghe. Hưng Đạo bèn vái Thánh tông hai vái rồi nói:
- Tâu thượng hoàng, trước hết nói về cái triều đình bù nhìn do nhà Nguyên lập ra, là để nó có tay chân sai bảo. Có nghĩa rằng nó lập ra một thứ triều đình tôi tớ chứ không phải Hốt-tất-liệt muốn có mối quan hệ giao hảo với một nước láng giềng, hoặc với một nước phên giậu.
Tâu, việc này thật chẳng khác gì việc của năm Tân Tỵ (1281) thượng hoàng sai Di Ái sang sứ nhà Nguyên được chúng tôn lập, rồi sai Sài Thung cùng năm ngàn quân dẫn y về nước bắt ta phải nhận. Năm đó, hoàng thượng đã sai đuổi đám quân kia ra khỏi cõi, đón sứ vào Thăng Long còn Di Ái bắt về trị tội.
Có điều lần này giặc đưa bọn bù nhìn về sẽ đi cùng với cả mấy trăm ngàn quân giặc chứ không phải chỉ có năm ngàn như lần trước. Và chắc chắn lần này ta không chỉ bắt lũ Việt gian mà còn bắt cả lũ tướng giặc trị tội.
- Vậy chớ còn việc giặc huy động đại binh đánh ta thì sao. Liệu lần này giặc đưa số quân gấp bội lần trước và chúng tăng quân thủy tới mức áp đảo sở trường đánh thủy của ta thì sao. Anh thử tính xem, quân mình, dân mình có còn đủ sức đánh lại với đội quân khổng lồ ấy không.
- Tâu bệ hạ - Hưng Đạo vẫn điềm đạm trả lời - Bây giờ chưa thể nói đánh giặc như thế nào vì chúng chưa đem quân vào cõi. Để xem chúng đem vào số quân là bao nhiêu, lại xem cách chúng đánh như thế nào, đánh ào ạt quyết chiến ngay hay đánh theo cách tằm ăn dâu. Chúng đánh cách nào thời ta sẽ có phương lược đối phó theo cách đó. Chúng đem chủng quân nào vào, thời ta đánh vào chủng quân đó, bắt nó không phát tác được sở trường mà phải bộc lộ sở đoản.
Tâu bệ hạ, năm nay nếu giặc vào cõi chắc là dân ta không còn e sợ giặc nữa, sẽ hăng hái đánh trả nó ngay từ đầu. Quân ta cũng không còn e ngại chúng nữa là vì hai bên đã đọ sức, thắng thua đã rõ.
Sở dĩ năm trước giặc đến, dân ta nhiều người còn bỡ ngỡ, thậm chí sợ giặc, có kẻ ra hàng. Cả người trong tôn thất lắm kẻ cũng không giữ được lòng trung. Là bởi dân sống trong hòa bình đã lâu. Và chỉ mới nghe đồn về sức mạnh và sự tàn bạo của giặc, dân đã thấy sợ hãi. Dù trước đây dân ta có đánh giặc Thát năm Đinh Tỵ, nhưng cũng cách nay tới ba chục năm rồi. Vả lại ngày ấy giặc đến và đi đều rất nhanh và quân chúng cũng chỉ kéo từ Quy Hóa giang[27] về tới Thăng Long bị quân ta đánh đuổi ra khỏi cõi bờ chỉ trong mấy chục ngày nên chúng chưa kịp gây nhiều tội ác, dân chúng không lưu dấu được hình ảnh gì đáng sợ của giặc.
Vì vậy, nếu lần này giặc vào thì dân cũng như quân ta đều đã biết về giặc và biết cả cách tránh cũng như cách đánh giặc rồi, xin bệ hạ cứ yên tâm.
Tâu, nếu lần này giặc lại vào thì cả quân và dân ta đều hăng hái đánh giặc, còn quân giặc thì cả quân và tướng đều lo sợ do trận thua năm trước vẫn chưa hoàn hồn.
- Vậy chớ phải lo khai triển kế sách nghênh địch từ bây giờ chứ anh Quốc Tuấn.
- Tâu, thần lúc nào cũng coi như giặc đã áp sát biên thùy, nên việc canh phòng, cảnh giới, ém quân đều đã sẵn sàng chờ giặc đến. Mới đây quan gia cũng lệnh cho các vương hầu, tôn thất mộ thêm lính, chấn chỉnh lực lượng, sửa sang các chiến thuyền để tăng thêm sức mạnh của quân ta. Quan gia cũng đã có dụ cho bộ Công phải gấp rút chế tác khí giới, nhất là các loại tinh xảo như ngũ sảo pháo, nỏ liên châu bắn bằng mũi tên đồng. Tâu thượng hoàng, cả nước hiện nay đang sôi sục khí thế đánh giặc giữ nước, tuy vậy việc canh tác, việc nông tang mùa vụ vẫn diễn ra bình thường.
Nghe Hưng Đạo tâu báo, vua Thánh tông thực sự yên tâm. Ngài quay lại hỏi vua Nhân tông:
- Có phải ấn quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự quan gia vẫn trao cho Hưng Đạo vương quản nhiệm đấy chứ?
- Tâu phụ hoàng, ấn đó con trao cho bá phụ từ cuộc đại duyệt toàn quân tại Đông Bộ đầu từ tháng tám năm Giáp Thân (1284). Nay triều đình vẫn giao việc đó và ấn đó để Quốc công lãnh việc thống suất toàn quân cự giặc.
Vua Nhân tông vừa dứt lời, Hưng Đạo lại tâu:
- Nhân quan gia nói đến đại duyệt toàn quân, thần xin thượng hoàng và quan gia ân chuẩn cho đến trung tuần tháng một này trở đi thần cho tập đại thủy trận lần lượt tại các nơi như Lục Đầu giang, ngã ba Bạch Hạc và Vân Đồn - Bạch Đằng giang. Và xin được điều động như sau:
- Thượng tướng Chiêu Minh vương thống lĩnh mười vạn gồm quân bản bộ và điều thêm quân của các vương lộ Thiên Trường, Đà Giang về phối hợp. Địa bàn tổng diễn tập là ngã ba Bạch Hạc.
- Phó tướng Nhân Huệ vương điều động hết thẩy số quân hiện có đang trấn tại Vân Đồn đưa vào diễn tập. Địa bàn diễn tập trải dài từ Vân Đồn về tới Cửa Lục có tính tới cửa An Bang.
- Thần cũng đưa mười vạn quân bản bộ lấy địa bàn Lục Đầu giang làm nơi diễn tập.
Sau đó, đại quân của Nhân Huệ vương đóng giả làm quân Nguyên theo đường Bạch Đằng ngược lên uy hiếp cánh quân Đại Việt tại Lục Đầu giang. Cùng lúc đại quân của thượng tướng Chiêu Minh vương cũng đóng giả làm quân Nguyên từ Bạch Hạc tiến vào, hợp thành thế bao vây Vạn Kiếp, về mặt bộ, một cánh “quân Nguyên” khác do Chiêu Văn vương phối với Hưng Vũ vương và Phạm Ngũ Lão đem mười vạn quân bộ, quân kỵ chiếm ải Nội Bàng tiến thẳng xuống chọc sườn phía tả quân Đại Việt. Vậy là Vạn Kiếp tam phương thụ địch.
Tâu đây chỉ là đại lược, còn chi tiết cụ thể sẽ họp các tướng bàn bạc để lập sa bàn và đường hướng diễn tập của từng mặt trận. Tâu, nếu có đủ thời gian thì cả hai cuộc tập trận này phải kéo dài tới ba tháng để mọi tình huống đều được khai thác đến tận cùng, điều đó rất có lợi cho tướng lĩnh và binh lính khi đối mặt với kẻ thù đích thực.
Nghe xong các điều dự liệu của Quốc công tiết chế, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải lấy làm tâm phục, ông hỏi:
- Có phải anh Quốc Tuấn trù liệu trận này Thoát-hoan, Áo-lỗ-xích, Ô-mã-nhi quyết đoạt bằng được chiến trường Vạn Kiếp của anh không?
Hưng Đạo giật mình nhưng ông đã kịp trấn tĩnh liền đứng dậy vái Trần Quang Khải một vái và nói:
- Đệ biết hết cả ruột gan ta. Đúng thế, Vạn Kiếp là một địa bàn chiến lược tiến lên có thể uy hiếp Thăng Long, Trường Yên, Thiên Trường; lui về có thể giữ yên con đường thủy bộ huyết mạch. Bộ thì có con đường thiên lý qua vùng Bắc Giang thượng hạ tiếp với Bằng Tường của nước Tàu. Thủy thì từ Vạn Kiếp xuôi về Bạch Đằng giang qua nẻo Vân Đồn hoặc đi thẳng ra cửa An Bang rồi ra biển. Đó chính là con đường thoái lui mà giặc cho là sống còn của nó. Trận trước, khi tháo chạy chúng chỉ dồn về đường bộ qua nẻo Tư Minh, Bằng Tường, quân chúng vón lại nên ta tiêu diệt được nhiều, ngay cả Lý Hằng còn tử trận và Thoát-hoan cũng suýt chết. Vì vậy lần này chúng phải chiếm các địa bàn chiến lược trọng yếu ngay từ khi chúng còn giữ ưu thế về binh lực.
Trần Thánh tông bật lên tiếng cười lớn và hỏi:
- Anh Quốc Tuấn nói thế chẳng hóa ra Hốt-tất-liệt phái đại binh vào nước ta lần này đã nhắm thế thủ bại từ trước khi xuất quân sao?
Hưng Đạo cũng cười và cả mấy anh em bác cháu cùng cười vui, đoạn Hưng Đạo nói:
- Thượng hoàng thừa biết, giặc Bắc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính nước ta, cho nên lần này cha con Hốt-tất-liệt sẽ trù liệu đánh lớn và quyết chiếm các yếu huyệt chiến lược ngay từ đầu để giữ thế thượng phong, rồi từ đấy sẽ lùa quân ta vào các túi mà chúng đã giăng mắc để tiêu diệt hoặc bức hàng.
- Anh Quốc Tuấn đã tính trước thế cờ, nhưng liệu đó có trúng với dự mưu của giặc không? Ý chú Chiêu Minh và quan gia thế nào? - Thánh tông gặng hỏi.
Quốc Tuấn chợt nhận ra một điều rằng trong thâm tâm vua Thánh tông vẫn lo thế giặc quá mạnh, nên nhà vua dù có tin rằng quân ta có thể cự được giặc nhưng vẫn còn băn khoăn, lo lắng.
Chiêu Minh vương cũng đọc được tâm trạng lo lắng của Thánh tông, ông nói với giọng bình thản:
- Huynh trưởng lo cho xã tắc là chuyện đương nhiên. Nhưng đánh giặc hoặc giặc đi xâm lấn đều phải theo phép tắc chung của binh pháp chứ không thể gặp chăng hay chớ. Anh Quốc Tuấn dự đoán mưu giặc lần này cũng chỉ là một giả định trong nhiều giả định. Nhưng điều quan trọng vào bậc nhất là sự biến hóa khi lâm trận. Tướng có tài cầm quân thì từ tử địa sẽ tìm ra sinh địa, sẽ chuyển thế bại thành thế thắng. Còn các tướng bất tài sẽ từ sinh địa chạy sang tử địa và từ thế thắng sẽ dẫn tới thế thua, thế bị tiêu diệt.
Vua Nhân tông cũng nói hùa vào:
- Cái linh giác của một đời làm tướng sẽ dẫn bá phụ đi tới những quyết sách đúng đắn, con tin sự diễn biến chiến trường sắp tới đều không nằm ngoài dự liệu của bá phụ. Và giặc Bắc sẽ nắm chắc phần chiến bại là điều hiển nhiên. Tuy vậy cuộc chiến sẽ diễn ra rất khốc liệt.
Đêm đã khuya, vua tôi say sưa bàn bạc kế sách đánh giặc mà quên sai bảo nội thị hầu trà hầu rượu. Đám thị nữ, quan nội hầu cứ lấp ló ngoài hành lang lắng nghe tiếng chuông gọi để được vào hầu nhưng đã không có một tiếng chuông nào vang lên cả.
Tới lúc này mọi người mới thấm mệt và mới nhớ ra cả miếng nước uống cũng không có nữa, thật là một chuyện chưa bao giờ xảy ra trong cung Thánh Từ.
Hưng Đạo xin phép cáo lui để về vương phủ và sớm mai ông sẽ xuôi thuyền về Vạn Kiếp. Trước khi ra về vương nắm chặt tay Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói giọng đầy xúc động:
- Quyết định của vương làm ta yên tâm vào trận, biết nói thế nào để vương hiểu niềm vui đang tràn ngập lòng ta.
- Anh Quốc Tuấn, từ sau bữa anh tắm cho tôi ở trên thuyền trước ba quân và sau cuộc cờ ở thủy đình trong hồ Ngoạn Ngọc hồi tháng mười năm Giáp Thân, trước khi giặc Nguyên vào cõi tôi mới hiểu được anh và biết mình là kẻ hẹp lượng, mong anh bỏ hết những chuyện đã qua và cùng nhau cứu lấy nước, giữ lấy giang sơn Đại Việt.
Quốc Tuấn xúc động lắm, ông đưa ánh mắt cảm thông về phía Quang Khải và cúi chào hai vua rồi bước ra khỏi cung Thánh Từ.
Về tới dinh phủ, Hưng Đạo sai thắp bạch lạp để ông đọc sách. Ông mở Tôn Tử binh pháp đọc được vài trang nhưng chữ nghĩa cứ nhảy múa ở trong đầu và không còn nhớ những gì mình vừa đọc. Sau đó ông lại lần mở Vạn kiếp tông bí truyền thư là bộ binh pháp do ông trứ tác ra đọc. Đọc cái mà mình viết ra ông cũng không biết trong đó nói gì. Tự biết tâm đang xao động, ông tắt bạch lạp, uống một chén trà cúc rồi ngồi tọa thiền để lấy lại sự quân bình cho thân tâm.
Chừng một khắc canh giờ sau thấy đầu óc đã nhẹ nhõm thì hình ảnh cuộc hội kiến với hai vua và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải lại hiện ra khiến ông hài lòng. Sự quyết định dứt khoát của Quang Khải chỉ chuyên lo việc cầm quân đánh giặc và xin được ta sai khiến. Đó là một điều bất ngờ, ta chưa bao giờ nghĩ tới.
Vậy là lần này, trước khi giặc vào cõi, mọi mối tị hiềm đã được gỡ bỏ. Tình đoàn kết gắn bó từ nhà đến nước, từ triều đình đến dân chúng nơi thôn ấp sẽ là một sức mạnh to lớn khiến cha con Hốt-tất-liệt khó lường. Đúng là cuộc chiến năm Ất Dậu, ta biết bao là gian khó, phần lo tập hợp sức quân sức dân trong cả nước để kháng giặc, phần lo nhà vua và Quang Khải còn nghi ngờ ta tiếm ngôi nước. Chính anh em nhà vua còn chút hoài nghi ấy nên ta càng phải giữ mình. Cũng may quan gia (vua Nhân tông) và Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật hiểu được lòng ta, đã góp phần đáng kể vào việc hóa giải mối ngờ vực âm ỉ suốt mấy chục năm dài. Và vì thế mãi tới khi giặc sắp vào tới biên thùy cha con nhà vua mới chịu trao quyền thống suất toàn quân để cho ta điều hành công cuộc kháng giặc.
Đánh bại giặc, bảo toàn bờ cõi, giữ yên tông miếu ta vẫn an phận làm tôi, vì thế đã cảm hóa được Quang Khải chuyên lo việc quân cùng ta, khác nào ta như hổ mọc thêm cánh. Vì vậy việc đánh giặc sắp tới, ta thấy phần thắng là chắc chắn chứ không mông lung như cuộc chiến năm Ất Dậu.
Lần này ta chắc cuộc chiến sẽ ác liệt hơn cuộc chiến năm Ất Dậu. Bởi giặc rảnh tay đánh ta, tiềm lực của nó vì thế mà rất lớn. Vừa là cuộc phục thù vừa là mưu đồ thôn tính ta bằng được mới mở thông cửa cho giặc tiến về phương nam để thôn tính Chiêm Thành, Chân Lạp, Tiêm La… Sự thật, nếu giặc bình định được Đại Việt, các nước kia tự khắc phải xin hàng. Và giặc đã từng thất bại nhục nhã, hẳn lần này chúng phải dùng độc kế. Do đó, cuộc chiến lần này không chỉ là cuộc đấu lực mà còn là cuộc đấu trí vô cùng khốc liệt.
Quả là giặc dồn nước ta đến tận chân tường và ta chỉ có một con đường: Thắng giặc hay là chết. Còn giặc, chúng có những hai con đường, nếu thắng ta, giặc sẽ ở lại tàn phá nước ta, đè đầu cỡi cổ dân ta, nếu giặc thua thì con đường phía trước của chúng cũng rất thênh thang, ấy là tháo chạy. Ta đang lo tìm mưu kế nếu giặc lại vào, lần này ta phải đánh cho chúng một đòn thật kinh hoàng để mỗi khi nghĩ đến hai tiếng Đại Việt, tướng giặc đã nổi da gà và sống lưng buốt lạnh, ngựa chiến của chúng vừa chớm nhìn thấy biên thùy nước ta đã hốt hoảng quay đầu.
Sáng ra, dùng xong ấm trà sớm và ăn điểm tâm, Hưng Đạo ung dung bước xuống thuyền xuôi về Vạn Kiếp, lòng thanh thản.
Mấy đứa trạo nhi đưa con thuyền nan theo dòng Tô Lịch ra cửa Hà Khẩu rồi hòa vào sông Cái ngược về sông Thiên Đức[28]. Nhập vào sông Cái, dòng sông mênh mang, tuy đã sang thu nhưng nước nguồn vẫn đang đổ về rất mạnh. Hai bên bờ sông cây cối ăn sát mép nước, đó là những dải rừng rậm rạp mà phía sau nó là những cánh đồng lúa xen kẽ giữa các ngôi làng. Mặt trời lên đã chênh chếch ngọn tre mà vẫn chưa xua sương mù khiến bầu trời có màu trắng đục như màu sữa. Thỉnh thoảng có một đàn cò bay chấp chới lướt qua mặt sông rồi sà đậu xuống bờ nước kiếm ăn.
Hưng Đạo đã đi lại tới cả ngàn lần trên mặt sông này, ông thuộc nằm lòng các vật trên hai bờ và cả thủy chế của dòng sông qua các mùa, ấy vậy mà bữa nay ông ngắm nhìn nó hết tả ngạn qua hữu ngạn, nhìn suốt hạ lưu lại ngoái xem thượng lưu cứ như là ông mới qua đây lần đầu.
Khi thuyền vào sông Thiên Đức để xuôi về Vạn Kiếp, lúc này vừa thuận gió vừa xuôi nước, đám trạo nhi đã giương buồm, thuyền lao đi vun vút như ngựa chạy, Hưng Đạo sai buông rèm rồi ông vào trong khoang nằm ngủ, lại dặn đám quân hầu: “Khi nào thuyền cập bến mới được đánh thức ta dậy”.
Chừng nhai tàn miếng trầu, đám quân theo hầu đã thấy vương ngáy, và họ quanh quẩn phía ngoài canh cho vương ngủ.
Trời tối sẫm, khoảng đầu giờ tuất thuyền cập bến, mũi thuyền va nhẹ vào bờ khiến vương thức giấc.
Nhà tân khách đèn đốt sáng lòa, các gia tướng gia thần đã tề tựu đông đủ chờ đón chủ tướng.
Hưng Đạo ghé nhà tân khách cho mọi người chào hỏi. Chủ tướng nói đôi lời và hẹn một lát sau ông quay lại. Liền đó ông vào nhà hậu đường vấn an phu nhân.
Thấy Quốc công trở về với giọng nói hồ hởi và gương mặt rạng rỡ như có điều gì vui lắm đang ủ giấu ở trong lòng, phu nhân liền hỏi:
- Hốt-tất-liệt bãi binh rồi hay sao mà vương vui thế?
Khẽ nắm bàn tay phu nhân, vương đáp:
- Phu nhân đoán việc như thần.
- Thật vậy sao vương? Nếu đúng như vương nói thì hồng phúc nước nhà to lắm.
- Đúng là giặc có tạm thời hoãn binh, chắc là chỉ sau dăm bữa nửa năm rồi giặc lại động binh thôi, phu nhân nên biết Hốt-tất-liệt là kẻ ngạo mạn, hắn đưa quân đi chinh phục khắp gầm trời này chưa bao giờ hắn bị đối phương đánh bại. Cho nên cuộc bại trận năm Ất Dậu trên đất ta là một sự ô nhục đối với thiên tử và thiên triều, đó là việc chưa từng xảy ra đối với một đại Hãn như Hốt-tất-liệt.
Bỗng Hưng Đạo giật mình vì bàn tay của phu nhân nóng quá. Vương ân cần hỏi:
- Phu nhân bị yếu từ bao giờ, ta vô tâm quá, ông nói vẻ ân hận, như chính mình có lỗi.
- Thiếp bị cảm qua loa thôi, một vài ngày sẽ khỏi. Vả lại tuổi già thì sức yếu; sinh-lão-bệnh-tử cái vòng tuần hoàn ấy nó chẳng trừ ai đâu. Phu quân nên bảo trọng tấm thân muôn quý. Vương hãy để hết tâm lực cùng cả nước lo kháng giặc, khỏi phải băn khoăn vì thiếp. Trong vương phủ có nhiều thầy thuốc giỏi, lại bao nhiêu tì nữ hầu hạ ngày đêm thử hỏi như thế còn chưa đủ sao. Trong lúc này phải lo giữ lấy mệnh nước. Đất nước lâm nguy thiếp chân yếu tay mềm không làm được việc gì cho nước, trăm sự trông vào vương để vương gánh cả cho phần của thiếp.
- Việc nước, việc quân sao ta có thể xao nhãng, nhưng để phu nhân yếu mà phải vò võ một mình ta sao yên tâm được. Vậy chớ bấy lâu nay phu nhân thấy trong người thế nào mà ta trông phu nhân có vẻ mệt mỏi lắm.
- Chỉ vài bữa là thiếp khỏi thôi, chỉ tại cái chứng hỏa bốc lên làm đau đầu mất ngủ. Mất ngủ một vài đêm là người phờ phạc ra, ngủ được lại hồi phục ngay. Thầy thuốc bảo chân hỏa của thiếp vượng cũng tức là chân âm kiệt, nay đang uống thuốc để nâng cái chân âm lên cho thăng bằng âm dương, chứ nếu giáng hỏa xuống đột ngột sẽ nguy cho tính mạng. Bởi thế bệnh sẽ lui dần.
Phu nhân nhìn vương hết sức trìu mến và có vẻ như năn nỉ, khẩn cầu nữa, đoạn bà nói:
- Vương đi rửa mặt thay quần áo đi, có nước lá thơm gia nhân đã sắp sẵn trong phòng tắm, rồi vương dùng bữa còn gặp gỡ các gia thần chứ, các ông ấy đợi vương từ chiều, chắc là có mưu chước gì cần tâu báo đấy. Nói xong, phu nhân kéo vương đi ra dãy xuyên đường.
Nhà tân khách đèn vẫn thắp sáng trưng, các gia tướng gia thần của phủ Hưng Đạo đang sôi nổi bàn thảo về cuộc xâm lăng Đại Việt sắp tới sẽ diễn ra như thế nào. Hốt-tất-liệt sẽ cử ai lĩnh ấn nguyên súy và những tướng nào ở trong bộ phận đầu não của chúng.
Trần Thì Kiến nói:
- Cuộc chiến năm Ất Dậu Hốt-tất-liệt đã sai các đệ nhất danh tướng làm bộ phận đầu não của đoàn quân viễn chinh. Thoát-hoan nghe đâu là con trai thứ mười hoặc mười một của Hốt-tất-liệt, tên này cũng là một tướng giỏi đã vùng vẫy khắp các mặt trận trên đất Trung nguyên, không có một viên tướng Tống nào là địch thủ của y. Đành rằng y không phải là tướng giỏi nhất nhưng y là hoàng tử, con vua nên được phong là Trấn Nam vương, tả hữu dưới trướng có cả thừa tướng A-lí Hải-nha, hữu thừa tướng là Lý Hằng, hai tên này là đệ nhất danh tướng và cũng là đệ nhất công thần của triều Nguyên hiện nay.
Còn tướng đảm nhận các chủng quân có Ô-mã-nhi, Lưu Thế Anh là những tướng rất giỏi về thủy chiến. Các tướng như vạn hộ Lý-la-hợp đáp-nhi (Bôn-kha-đa), chiêu thảo Nạp-hải (Na-khai) là những tướng kỵ binh lỗi lạc. Toa-đô thì đánh bộ, đánh thủy, đánh quân kỵ đều giỏi. Bọn vạn hộ Lý Bang Hiến, Nghê Nhuận… đều là tướng dạn dày chiến trận. Thế mà kết cục như thế nào các ông đều biết cả. Toa-đô mất đầu, Lý Hằng, Lý Bang Hiến bỏ mạng, Lưu Thế Anh, Ô-mã-nhi bỏ quân trốn chạy. Ngay Thoát-hoan cũng hồn kinh phách lạc. Vậy thì lần này chúng đào đâu ra các tướng tài nữa, theo tôi lại bọn quân cũ, tướng cũ mà thôi, có điều lần này chúng sẽ kéo sang đông hơn, nhưng tôi dám chắc là chúng tháo chạy cũng sớm hơn, nhanh hơn, vì tất cả bọn chúng đều đã ngấm đòn Đại Việt, nên đứa nào cũng phấp phỏng lo như gà đã một lần bị cáo vồ hụt.
Trần Thì Kiến vừa dứt lời, các quan đều cười vui vẻ và cho điều Thì Kiến nói là có lý. Cũng vừa lúc Hưng Đạo xuất hiện. Ông hỏi han công việc của mọi người và cũng cho họ biết về ý tứ mà hai vua cùng ông và thái sư đã bàn kế chống giặc như thế nào. Ông khuyên mọi người đi nghỉ vì đêm đã khuya; sớm mai ông sẽ nghe tâu báo công việc và cũng bàn một số việc phải làm ngay. Lại sai quân phải đi triệu gấp các tướng là con của vương về Vạn Kiếp hội bàn việc quân.
Sáng sớm Yết Kiêu đã dậy hầu trà Quốc công. Trong tất cả các loại trà sản được ở trong nước, Hưng Đạo vẫn ưa hơn cả là trà cúc. Chỉ một dúm trà hãm với dăm bông kim cúc phơi được nắng thế là được một ấm trà ngon. Ông thích uống mộc như thế để thưởng thức mùi thơm tinh khiết của hoa cúc và cái vị hơi ngầy ngậy của trà.
Bữa nay vương sai Yết Kiêu hãm trà vào ấm to và cho gọi cả Dã Tượng vào cùng uống. Pha trà xong, rót mời chủ tướng rồi Yết Kiêu, Dã Tượng chắp tay đứng hầu.
Hưng Đạo tự rót nước ban cho hai người và nói:
- Các người cứ ngồi vào kỷ đi, ngồi vào uống rồi ta còn hỏi chuyện mấy ngày ta vắng nhà.
Hai người bê lấy nước nhưng đều khép nép cảm tạ chứ không dám ngồi.
Hưng Đạo chép miệng rồi phán:
- Ta lấy làm tiếc hai ngươi xuất thân từ đẳng cấp thấp nên ta không thể phong tướng cho các người được vì đó là luật lệ của triều đình. Nhưng tài năng của các ngươi, lòng quả cảm của các ngươi, lòng trung thành của các ngươi thực chẳng kém ai, liệu rồi sử xanh có chép ghi lại để lưu danh hậu thế. Dù đời có coi các ngươi như thế nào mặc lòng, nhưng ta vẫn giữ các ngươi ở nơi trướng hổ và sai bảo như các tướng tả hữu phúc tâm vậy.
Hai người nô bộc nghe chủ tướng nói mà cảm động đến rơi nước mắt bèn quỳ vái vương.
Hưng Đạo đỡ họ dậy và ấn ngồi vào kỷ. Họ sợ hãi chỉ dám ngồi lân ra mép kỷ. Chợt chủ tướng hỏi:
- Dã Tượng, đội tượng binh tập tành thế nào? Con Thần Vũ của ta có cái nhọt ở phía vành tai đã vỡ mủ chưa?
- Bẩm vương, hôm qua con đã trích nhọt, nặn mủ rửa sạch và đắp lá thuốc cho nó rồi ạ. Sớm nay nó đã bình thường trở lại vì đêm qua hết đau nó ngủ ngon giấc lắm. Bẩm vương, việc luyện tập đội tượng binh theo lời dạy của vương, vị đô tướng cho người và voi tập ăn ý lắm.
- Thế còn đội quân ngầm của ta thế nào Yết Kiêu?
- Bẩm vương những người huấn dạy thành tài phân làm hai đội hằng ngày tập với nhau. Còn hơn ba trăm người đi tuyển ở các nơi về sau hai tháng huấn dạy đã loại mất hơn hai trăm người rồi ạ. Dạ nhiều người loại mà con cũng tiếc lắm. Họ đáp ứng đủ các chuẩn cấp mà chủng quân đó đòi hỏi, nhưng lại đoản sức không ở lâu dưới nước được và mùa lạnh những người mảnh sức dễ lên cơn hen bất thường có thể gây ra cái chết bất đắc kỳ tử. Vâng, phải loại thôi ạ.
Bẩm vương những người bị loại khỏi đội quân ngầm họ không chịu về, cứ nhất định xin ở lại trong quân. Dạ, vị đô tổng quản đã phiên họ về các đội quân cung nỏ hoặc đao thương rồi ạ. Dạ, tinh thần binh sĩ lên cao lắm. Họ bắt chước những người lính thời Trùng Hưng cậu nào cũng thích lên cánh tay mình hai chữ SÁT THÁT.
Hưng Đạo tỏ vẻ hài lòng, vương cho Yết Kiêu, Dã Tượng đi theo ra bãi tập thăm các chủng quân. Bởi các quân ở cách nhau khá xa nên vương và hai gia nô phải đi ngựa. Con tía mật vừa trông thấy chủ đã lắc bờm đập móng và hí lên mấy tiếng tựa như một lời chào. Vương vừa nắm dây cương vừa vuốt nhẹ lên trán nó, con tía mật chớp chớp mắt. Rõ ràng là nó cảm động trước cử chỉ âu yếm của vương.
Đang ruổi ngựa, vương ngước nhìn bầu trời trong vắt và ánh nắng từ đằng đông xiên chéo sang khiến vương hơi lóa mắt, vừa ngoảnh đi thì bắt gặp hình ảnh ngọn núi An Phụ cao ngất, ở đó mây phủ trắng xóa. Bắt gặp ngọn núi An Phụ, nơi để di hài An Sinh vương Trần Liễu, hình ảnh người cha bất chợt hiện lên. Và vương nhớ lúc lâm chung, cha nhìn trước nhìn sau rồi đuổi hết mọi người ra chỉ còn ta với lão bộc. Người lão bộc già trung thành nên cha không nỡ đuổi. Bắt ta phải ngồi nhích lại gần cha. Cha nhìn thẳng vào mắt ta nói lời trăng trối: “Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”.
Trong mấy chục năm qua, lời trăng trối ấy vẫn hằn sâu trong óc não vương. Vương thương cha trong cuộc đời có nhiều điều bất như ý, cả sự bức bách của ông chú họ là Thái sư Trần Thủ Độ, nên sự đau khổ đã uất kết ở trong lòng khiến có lời trăng trối đó. Tuy thương cha, nhưng vương không cho lời cha dạy là phải và không theo.
Tuy nhiên, sự ngờ vực của phía những người giữ quyền đại chính, có lúc vương cảm như nghẹt thở. Ngay cả việc chăn dân, vỗ về dân để cố kết họ cùng với triều đình đánh giặc, tới mức vương phải sẻ cả sản nghiệp cho dân để hữu sản hóa cho người nông phu vẫn còn bị triều đình nghi kỵ. Mãi sau rồi chính sách Phú quốc cường binh mới được anh em nhà vua chấp nhận. Bây giờ trong tay ta thống lĩnh đại binh, phủ binh của các vương, hầu đều đặt dưới quyền sai khiến của vương. Nếu như vương đem lòng kia khác thì chỉ cần phẩy tay một cái là xã tắc nghiêng đổ. Nhưng đó là việc làm của kẻ võ phu. Vì thân chứ không phải vì dân, vì nước. Vương thà chết chứ không làm chuyện thất đức này. Nhưng sao vương nghe mấy đứa con cũng mong manh biết chuyện. Có nhẽ ta phải dò thăm ý tứ chúng và phải dẹp bỏ ngay để anh em cố kết cùng với sự cố kết toàn dân thì mới đủ sức chống đỡ giặc ngoài. Lúc này mà chia lòng là tự sát và cũng có nghĩa là đem nước dâng cho giặc, tội ấy muôn đời sau dân còn rủa oán.
Tiện đường ngựa, vương qua thăm một vài chủng quân, xem xét một vài bãi tập nói lời vỗ về binh sĩ rồi vương cùng hai gia nô trở về vương phủ.
Các gia tướng, gia thần ai vào việc nấy. Các công tử trấn giữ biên thùy vương sai triệu vẫn chưa về kịp.
Chiều, vương sai triệu hai gia nô Yết Kiêu, Dã Tượng vào phòng kín và vương muốn thử lòng họ xem sao. Vương kể lại lời cha trăng trối và gặng hỏi:
- Ta coi các ngươi là chân tay của ta, là máu thịt của ta, đã cùng ta nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử chống giặc dữ Mông - Nguyên, vậy ta hỏi các ngươi, việc này nên như thế nào?
Nghe chủ tướng hỏi, cả hai đều sửng sốt, sau giây lát định thần, cả hai cùng rập đầu can. Dã Tượng nói:
- Bẩm vương, làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng tiếng xấu để lại đến nghìn thu. Nay vương há chẳng phú quý hay sao! Chúng con thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt[29] làm thầy mà thôi.
Yết Kiêu tỏ vẻ ngậm ngùi nói:
- Bẩm vương, Dã Tượng nói phải đó. Nếu vương định làm việc đó thì chúng con xin chết trước mặt đại vương để khỏi phải chứng kiến cảnh đau lòng vì nồi da xáo thịt, nước mất nhà tan.
Hưng Đạo cảm kích vì tấm lòng trung nghĩa của hai người gia nô. Vương ứa nước mắt an ủi:
- Các ngươi là phận nô bộc còn biết điều đạo nghĩa huống chi một đấng trượng phu như ta há lại không biết phân biệt điều phải, điều trái, việc nhân, việc nghĩa sao. Đó là ta thử lòng các ngươi thôi vì giặc lại sắp vào cõi, phải siết chặt tay nhau chung sức chung lòng mới tạo ra được sức mạnh để giữ nước.
- Bẩm, vương nghĩ vậy là phúc cho nước, Yết Kiêu đáp.
Chiều muộn các vương đã về đông đủ. Chờ cơm nước xong Hưng Đạo cho triệu các gia tướng, gia thần và cả bốn người con lên nhà tân khách.
Bạch lạp thắp sáng trưng. Đây là căn nhà mới dựng lại bằng tranh tre, căn nhà gạch cũ giặc đã đốt cháy trụi và ẩy đổ cả tường. Những chiếc kỷ bằng tre xếp thành hàng. Ai nấy đã vào chỗ. Các con của vương không ngồi tụm lại mà ngồi xen kẽ. Ví như Hưng Võ vương Trần Quốc Nghiễn ngồi cạnh Trần Thì Kiến, Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uất ngồi cạnh Phạm Ngũ Lão, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng ngồi cạnh Trương Hán Siêu, Hưng Trí vương Trần Quốc Hiến ngồi cạnh Ngô Sĩ Thường.
Các vương cùng các gia tướng gia thần hỏi han công việc của nhau thật là rôm rả.
Trần Thì Kiến hỏi vương Nghiễn:
- Vương từ biên ải về, vậy chớ biên thùy có động tĩnh gì không?
- Ta chưa thấy lúc nào mà biên thùy lại tĩnh như lúc này, Nghiễn đáp.
- Biên thùy yên tĩnh hẳn là phía trong giặc đang có âm mưu gì đó.
- Ta cũng nghĩ như thế, nên dù phụ thân cho triệu cũng có dám về ngay đâu mà còn phải đi kiểm xét lại một lượt rồi trao quyền cho đô phó tướng mới rời quân doanh.
Trần Quốc Tảng quay ra nói với Trương Hán Siêu:
- Ta nghe nói tiên sinh làm thơ giỏi lắm phải không, thân phụ ta thường khen ông thông minh. Ông đã đôn vào thành mấy tập rồi?
- Đa tạ tướng quân hỏi thăm và có lời khen. Trương Hán Siêu cảm tạ và nói lời hóm hỉnh:
- Thật ra làm thơ giỏi tức là làm nhanh và làm nhiều, người làm thơ như thế thì lấy quý hồ đa chứ không lấy quý hồ tinh. Nói thật với tướng quân, tôi làm thơ chậm lắm. Chắc cũng được ít bài vứt rải rác, phu nhân tôi thường lén nhặt cất đi. Cho tới nay tôi cũng không nhớ đã làm được bao nhiêu bài. Dạ hay thì tôi không dám chắc. Thơ hay ví như châu ngọc. Châu ngọc sở dĩ quý vì nó hiếm. Nếu tôi có thơ hay ví như tôi có châu ngọc. Mà đã có của quý như châu ngọc chắc là không thể quên được. Tôi không nhớ được thơ tôi, tất nó chưa phải thơ hay.
- Tôi có ông bác tu thiền, cũng có làm thơ, nhiều người khen thơ của bác ấy hay lắm, chẳng biết tiên sinh đã có dịp coi qua.
- Dạ, có phải cụ Hưng Ninh vương?
- Đúng! Bá phụ tôi đấy.
- Tôi có được đọc một số bài thơ cụ làm phóng khoáng nhưng ý tứ thâm trầm lắm, đám trẻ chúng tôi chỉ có đứng xa mà vái chứ không theo được.
- Trong số thơ của bác mà tôi đọc, tôi thích nhất bài Phóng cuồng ca, tiên sinh thấy bài ấy thế nào?
- Dám hỏi vì sao mà tướng quân thích bài đó?
- Có gì đâu, tôi thấy cái khí văn nó chất ngất ngang tàng của một bậc anh hùng mã thượng, nó hợp với cái tạng của tôi.
- Tướng quân quả có khiếu năng thẩm thi. Võ tướng mà yêu thơ như tướng quân kể cũng hiếm.
- Có hiếm như châu ngọc không? Trần Quốc Tảng đùa vui. Lại hỏi:
- Tôi muốn biết ý riêng của tiên sinh về bài Phóng cuồng ca.
- Dạ, tôi chưa đủ khả năng phẩm bình về trước tác của các bậc bề trên. Nhưng riêng về bài ca cuồng phóng, tôi thấy ngài Thượng sĩ đã đạt đạo. Từng hơi thở, từng ý nghĩ và cả cuộc sống thường nhật của tác giả đều là thiền. Có thể coi bài Phóng cuồng ca của cụ Hưng Ninh vương Trần Tung là một bài tuyên ngôn về thiền học. Đúng vậy, ngài là bậc túc thiền.
Mọi người đang mải mê nói chuyện riêng thì Trần Hưng Đạo bước vào. Quốc công đầu chít khăn vàng như khăn của các đạo sĩ, nhưng ngài lại vận bộ quần áo màu nâu, màu mà các nhà sư ưa dùng. Với phong thái ung dung quốc công chào hỏi mọi người. Hỏi tin tức các tướng trấn ải thủy bộ rồi vào việc ngay. Ngài nói:
- Các ông có biết ta triệu các ông về đây có việc gì không?
Các tướng đều im lặng. Ông đưa mắt nhìn các vị tướng trẻ. Phạm Ngũ Lão bèn thưa:
- Bẩm Quốc công, chắc giặc Bắc lại sắp sang.
- Thế còn các tướng khác nghĩ sao, nó mới thua ta năm ngoái phải rút về kia mà.
- Bẩm, Hốt-tất-liệt ngạo mạn coi cả gầm trời này là của nó. Như Trung Hoa mênh mông là thế, kho người kho của, nhân tài tuấn kiệt nào có thiếu gì đâu thế mà cũng phải phủ phục dưới vó ngựa Mông Cổ, chịu làm nô lệ cho Hốt-tất-liệt, nhưng nảy nòi ra cái xứ “chướng hải cùng sơn” (núi cùng biển độc), nước chỉ bé bằng cái bàn tay với một dúm người lại không chịu quy hàng. Lần nào con trời (thiên tử) cử binh đến chinh phục cũng đều bị đánh bại. Đó chính là nỗi nhục của Hốt-tất-liệt đối với các nước bề tôi. Và thưa Quốc công sớm muộn Hốt-tất-liệt lại đánh ta là điều hiển nhiên.
Lời nói gãy gọn, biện bác có lý chẳng cần nhìn mặt Quốc công cũng biết đó là Trần Thì Kiến.
Hưng Đạo thong thả nói:
- Các ông nói đều đúng cả. Hốt-tất-liệt đang động binh. Giặc đã đóng xong hơn năm trăm chiến thuyền, thuần cỡ lớn, mỗi thuyền chở được hơn hai trăm quân kèm theo binh khí, nước và lương thực đủ dùng từ hai mươi đến ba mươi ngày.
Quốc công nói kỹ về âm mưu của giặc và lực lượng chúng định đưa vào Đại Việt lần này. Lại nói giặc sẽ thay đổi cách đánh. Bởi trận chiến năm Ất Dậu cứ động giao chiến với quân thủy của ta là giặc thua. Cho nên lần này giặc muốn đọ sức với ta về thủy trận. Vì thế giặc cho đóng thuyền bè, mộ quân thủy lấy từ dân chài vùng Giang Nam.
Cuối cùng Quốc công báo cho các tướng chuẩn bị cho cuộc tập trận lớn vào trung tuần tháng một sắp tới, đợt trước là ba tháng tập trận riêng, sau đó hai mũi thượng hạ lưu cùng với mũi quân bộ ở phía bắc đóng làm quân Nguyên tất cả đều kéo về vây đánh quân Đại Việt ở Vạn Kiếp. Tính ra cuộc đại diễn tập này phải kéo dài tới ba tháng. Đợt một trù liệu một tháng. Đợt hai quy mô cực lớn dồn vào trong hai tháng kể cũng hơi gấp.
Các tướng lần lượt hỏi han phần việc của mình, quá nửa đêm mới xong công việc, trước khi về nghỉ Hưng Đạo dặn thêm:
- Lúc nào các tướng cũng phải coi như giặc đã ở biên thùy, hoặc giặc tiến sát ta rồi cho nên mọi việc đều phải sẵn sàng, gặp giặc là đánh ngay được. Kể cả khi đang diễn tập mà giặc vào, sẽ biến trận giả thành trận thật ngay lập tức.
Đã dặn các con ở lại, sáng hôm sau Hưng Đạo cho gọi từng người vào hỏi cái việc mà hôm trước vương đã hỏi hai gia nô Yết Kiêu, Dã Tượng.
Thoạt tiên là người con cả Hưng Võ vương Trần Quốc Nghiễn.
Nghe cha hỏi xong, Nghiễn từ tốn trả lời:
- Thưa cha, con nghĩ tổ nội vì hận mình, giận đời nên có lời di huấn ấy. Nhưng mọi việc đã xong, thiên hạ quy về một mối. Vả lại mệnh nước đang bị giặc ngoài đe dọa mà bên trong lục đục tức là tự dâng nước cho giặc. Hơn nữa nếu là họ khác còn không nên, huống chi đều trong nội tộc, máu mủ ruột rà, thật không nỡ. Con xin cha suy xét.
Quốc Tuấn cảm động, ông nâng người con cả đứng dậy và nói:
- Ngay từ hồi nghe cố mệnh ta đã cho lời di huấn ấy không là phải nên không dám theo. Nhưng ta thấy phía anh em nhà vua canh chừng ta gắt quá. Lúc nào ta cũng coi phải lấy nước làm trọng nên bỏ qua các tị hiềm. Cuộc thắng giặc năm Ất Dậu vừa qua, anh em nhà vua mới thực sự tin bụng ta. Vừa rồi Chiêu Minh vương xin thôi giữ chức thái sư mà giữ nguyên hàm thượng tướng xin sát cánh cùng ta vào trận. Vì thế ta mừng lắm. Ta cũng thấy các con mong manh biết chuyện này, nên mới một lần để các con rõ lòng ta và cùng đồng tâm nhất trí mà giữ lấy nước. Nếu cha con ta cùng trăm họ giữ được nước thời đó là điều đại hiếu đối với các bậc tiền nhân trong đó có tổ phụ con.
Khi Hưng Đạo hỏi Hưng Hiếu vương, Hưng Trí vương cũng đều nói như người anh cả. Quốc công mừng lắm, an ủi các con rồi cho gọi Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng vào hỏi. Nghe cha hỏi xong, Quốc Tảng nói:
- Tống Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa thời dấy vận có được thiên hạ. Thời cơ đến, theo con không nên để lỡ.
Quốc Tuấn đùng đùng nổi giận rút gươm chỉ vào mặt Tảng mắng:
- Kẻ làm tôi phản loạn là do ở đứa con bất hiếu này đây. - Ông toan chém.
May mà Hưng Võ vương vào kịp liền phục xuống khóc xin lỗi thay em và xin cha tha tội cho Tảng.
Quốc Tảng vội lủi ra ngoài. Hưng Đạo dặn Hưng Võ vương: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho nó vào. Từ nay nó không được nhìn mặt ta, nhưng nếu trận này nó để ra sơ sẩy gì ta sẽ trị tội nặng”.
Vài bữa sau Hưng Võ vương về Cửa Suốt nói cho Quốc Tảng biết là cha thử lòng trung của anh em ta chứ cha không có bụng kia khác.
Quốc Tảng buồn bã đáp:
- Đệ lại cứ tưởng cha hỏi thật. Chẳng biết rồi cha có nguôi giận mà tha tội. Từ đó Tảng rất hối hận chăm chỉ việc quân không hề sơ sót.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng