Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
V
Lại nói ở Đại Đô[21] hoàng đế nhà đại Nguyên - Đại Hãn Hốt-tất-liệt dường như không chịu thừa nhận cuộc Nam chinh của thái tử Thoát-hoan với hơn năm chục vạn quân cùng một bầy hổ tướng lừng danh mà đại bại trước cái xứ Giao Chỉ man di, đất thì hẹp bằng cái bàn tay, người thì một dúm. Vậy mà để chúng đánh cho tơi tả phải chui đầu vào rọ trốn chạy như một con chó. Trấn Nam vương ơi là Trấn Nam vương, ngươi không có chút liêm sỉ nào của kẻ làm tướng, sao còn dám vác mặt về gặp ta. Thật đau lòng. Đúng là hổ phụ sinh khuyển tử. Trời hại ta chăng. Càng nghĩ, sự bực giận càng trào dâng khiến mặt nóng bừng bừng đầu óc như muốn vỡ tung. Thiên tử đập long án quát:
- Quân đâu!
Viên nội thị khúm núm, giọng nói ấp úng nửa như sợ hãi nửa như ngạc nhiên. Sợ hãi thì đúng rồi, mặt thiên tử lúc nào cũng đằng đằng sát khí, tính nóng như lửa, trái ý là chém đầu ngay, ai mà chẳng khiếp sợ. Còn ngạc nhiên là bởi chẳng có ai làm nhà vua mếch lòng hoặc cưỡng mệnh thế mà tự nhiên ngài đùng đùng nổi giận. Nội thị vội quỳ lạy cung kính:
- Khởi bẩm thiên tử, thần đang chờ sai bảo.
- Ngươi cho quân đi triệu A-lí Hải-nha (Ariq Qaya) vào cung ngay.
Trong khi chờ A-lí Hải-nha bệ kiến, Hốt-tất-liệt xem lại các tấu, biểu nói về diễn biến chiến trận trên chiến trường Đại Việt từ khi quân Nguyên khai chiến tới lúc toàn quân rút về. Xem ra không có một trận nào quân thiên triều thua cả. Từ lúc vào đến lúc ra chỉ có “đánh cho quân nó đại bại, vua tôi nó phải bỏ kinh thành trốn vào rừng núi” hoặc có trận “suýt bắt được vua nó là Nhật Huyên (Trần Thánh tông)”. Lại có những trận “quân ta không tiến lên được vì trời mưa to, nước lũ dâng ngập trắng trời”. Hoặc giả “An Nam lam sơn chướng khí, quân ốm, ngựa ốm nên bỏ bớt một vài nơi không giữ nữa. Khi quân ta đi rồi giặc mới đến chiếm lấy”…
Khí uất bốc lên, thiên tử ném tung tất cả các tấu, biểu xuống thềm điện và ngài gầm lên như sư tử rống:
- Lũ đê tiện, dối trá đến thế này là cùng! Chúng dám lừa cả ta nữa sao?
Vừa lúc đó viên thị thần Phao-lồ[22] xuất hiện. Phao-lồ đến từ La Mã đã ở Đại Đô hơn chục năm, thông tỏ cả ngôn ngữ, phong tục của người Hán và người Mông Cổ, thông tỏ nhiều việc cổ kim, có thể nói dưới gầm trời này không có điều gì là y không biết. Vì vậy rất được lòng thiên tử. Hoàng đế nhà đại Nguyên đã ưu biệt cho Phao-lồ một đặc quyền được đi lại thăm viếng tất cả những nơi nào mà y muốn trong đế quốc của ngài, lại cho phép được bệ kiến ngài bất cứ lúc nào mà y thấy cần.
Vừa nhìn thấy Phao-lồ, thiên tử đã dịu ngay cơn thịnh nộ, ngài dịu dàng hỏi:
- Vậy chớ khanh vào chầu có điều gì vui mà mặt mày tươi tỉnh thế?
- Tâu, thần vừa viết xong mấy bài du ký về đất nước tuyệt vời của thiên tử đem dâng, để khi nào rảnh công việc thiên tử ngự lãm, và có điều gì chưa được như ý xin thiên tử phủ chính cho. Nói xong, y cúi mình dâng tập sách mỏng viết bằng chữ Hán nhưng phần chú thích lại ghi bằng chữ Mông Cổ.
Hốt-tất-liệt đỡ lấy tập sách, mở đọc vài trang có vẻ hài lòng, nhà vua mỉm cười nói:
- Phao-lồ, ngươi có trí năng của bậc á thánh, nhưng lại có một trí khôn lanh tinh quái như một loài sói sa mạc vậy.
- Đa tạ hảo ý của thiên tử, thần đâu xứng với lời khen đó.
- Thôi được, ta sẽ ban cho khanh một chén ngự tửu.
Hoàng đế nhà đại Nguyên vừa lấy chiếc vồ nhỏ xíu gõ vào chiếc chuông vàng thì viên quan nội hầu đã bê ra một nậm rượu bằng bạc và hai chiếc chén bằng hồng ngọc đựng trong chiếc khay bằng vàng.
Vừa lúc đó A-lí Hải-nha cũng tới chầu.
- Thiên tử vạn tuế! A-lí Hải-nha quỳ lạy và hô lời chúc.
Hốt-tất-liệt nặng nề đứng lên nâng viên thượng tướng dậy và nói:
- Khanh thật đa lễ. Khanh là sủng thần của ta, đã gia ân không phải quỳ lạy, sao không tuân chỉ. Ngay cả viên thị thần Phao-lồ đây, lần đầu tiên vào yết kiến ta, y cả gan không quỳ lạy. Ta đã sôi máu toan sai đao phủ chém đầu. Y nói người La Mã của y chỉ quỳ lạy trước Chúa Trời mà thôi. - Thế còn vua của ngươi thì sao? - Ta hỏi. Y đáp - Các thần dân La Mã chỉ cúi đầu chào đức vua là đủ. Vả lại sự tôn kính là ở trong lòng, và nó phải được biểu thị bằng các việc làm của mỗi thần dân khả dĩ đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho đất nước, thì đó mới là sự kính chúa tại tâm. Ta nghe y nói phải lẽ, nên không những không giết y mà còn đối xử với y như là bậc quốc sĩ vậy.
Nhìn thẳng vào mắt Phao-lồ, nhà vua hỏi:
- Có đúng vậy không Phao-lồ?
- Tâu, đúng như bệ hạ nói.
- Mà cũng lạ thật, dưới gầm trời này ta là chúa tể, không một vua chúa nào, không một tướng tài nào, không một thành trì nào, không một quốc gia nào không sụp đổ dưới vó ngựa của ta, thế mà ngày đó Phao-lồ nói y chỉ quỳ trước Chúa của y, lại không làm ta nổi giận. Hẳn ta với y cũng có cái duyên nghiệp gì đây.
Hốt-tất-liệt rất hài lòng với những điều ông vừa nói. Và dường như cả hai người vừa tới đều đem lại cho ông niềm vui. Ông sai nội thị lấy thêm chén và nhà vua cho phép hai người cùng uống rượu quý của ngài.
Liếc nhìn tập sách Phao-lồ vừa dâng, hoàng đế nhà đại Nguyên chợt nhớ chuyện ông cho y đi theo Toa-đô mấy năm trước, liền hỏi:
- Khanh có nhớ tháng chạp năm Nhâm Ngọ (1282), ta cho khanh theo Toa-đô đi đánh Chiêm Thành không?
- Ô la la! Nhớ, tâu bệ hạ thần nhớ chứ! Thật là một chuyến đi đầy thú vị.
- Vậy chớ khanh có ghi chép được gì không mà không thấy dâng ta?
- Tâu bệ hạ, thần chỉ ghi chép được cảnh mấy tỉnh phương nam của bệ hạ thôi, nhất là thành Quảng Châu mĩ lệ và biển phương nam cũng đẹp lắm. Tuy nhiên đến Champa mà lại không vào được nước Champa. Bởi người Champa lập trận tuyến bằng thành gỗ dài tới mấy chục dặm để chống lại quan quân, và giả vờ đầu hàng khiến đại tướng Toa-đô phải chật vật lắm mới bảo toàn được lực lượng phía ngoài bãi biển. Thần chờ tới nửa năm quân ta không tiến được vào thành Trà Bàn mà cũng không rút về nước, thần bèn xin đại tướng Toa-đô cho một con thuyền với vài chục thủy thủ để quay lại đất của bệ hạ. Mọi việc về sau thế nào, kể cả đại tướng Toa-đô bây giờ ở đâu thần cũng không biết nữa.
Ngửng nhìn Hốt-tất-liệt lại liếc qua A-lí Hải-nha, Phao-lồ nói tiếp:
- Tâu bệ hạ, nghe nói Champa là một xứ sở thần tiên, ước sao bệ hạ gia ân cho thần du lãm tới đó một chuyến, chắc có nhiều điều đáng ghi lại để dâng bệ hạ.
Nghe Phao-lồ nhắc lại chuyện xưa, Hốt-tất-liệt cố nén giận vì Toa-đô đã phải làm ma không đầu trên đất An Nam và thiên tử đang toan tính chuyện trả thù. Đoạn nhà vua hất hàm nói:
- Ước vọng của khanh là chuyện nhỏ. Bình xong lũ giặc cỏ Nam man, sẽ cho khanh mặc sức đi trên đất của thiên tử. Hốt-tất-liệt phảy tay nói tiếp: - Tạm cho khanh lui để ta bàn quốc sự với quan tả thừa tướng.
Phao-lồ mất hứng, cảm như mình bị bạc đãi, ông cúi chào nhà vua và quan tả thừa và rời khỏi cung điện. Phao-lồ bước đi đầu hơi cúi, mái tóc pha sương bập bềnh, lòng đang nghĩ về cố quốc. Tính ra ông đã ở Đại đô này tới hơn mười năm, đôi khi ngỏ ý muốn trở về thành Rô-ma nhưng đều bị nhà vua gạt đi.
Phao-lồ vừa bước ra khỏi thềm điện, Hốt-tất-liệt liền hỏi A-lí Hải-nha:
- Khanh có biết ta triệu có việc gì không?
- Tâu, chắc bệ hạ lại sắp sai thần đi đánh cái nước An Nam bé nhỏ.
Hốt-tất-liệt nhíu mày lại, dằn từng tiếng:
- Nước bé nhỏ thế mà sai thân vương đem quân tiến sâu vào chưa từng thấy báo công. Toa-đô lại bị làm ma không đầu trên đất giặc, tự lưu lại điều điếm nhục cho nước. Ta thật đau lòng.
A-lí Hải-nha cảm thấy sợ hãi bởi trong cuộc bại trận năm Ất Dậu (1285) ông cũng có phần trách nhiệm, ông được thiên tử tin cậy trao quyền phó tướng giúp Trấn Nam vương Thoát-hoan. Trước giờ xuất chinh, thiên tử còn vời vào trong trướng căn dặn: “Ấn nam chinh ta trao cho Trấn Nam vương, nhưng mưu lược là ở khanh, mọi việc đều phải cẩn thận chớ để xảy ra điều gì đáng tiếc”. Vậy mà… A-lí Hải-nha vội quỳ xuống rập đầu tâu:
- Thần là kẻ có tội, không làm tròn trách nhiệm để thiên tử phải đau lòng, xin bệ hạ xử thần để làm gương răn các tướng.
- Khanh bỏ cái thói đàn bà ấy đi. Nếu trị tội khanh, trước hết ta phải chém đầu Thoát-hoan. Nhưng khanh cũng phải chia sớt với ta và thử nghĩ xem, suốt mấy chục năm khanh sát cánh cùng ta chinh chiến, có quốc gia nào, có tướng tài nào là địch thủ của ta không. Phải nói dưới gầm trời này ta không có địch thủ. Vậy mà An Nam dám mạo phạm, chúng giết của ta kể tới cả chục vạn quân. Ngay cả chục vạn quân ấy ta cũng không tiếc bằng mấy chục viên thượng tướng của ta bị sát hại. Ngay mấy chục viên tướng kia bị sát hại, ta cũng không tiếc bằng một Lý Hằng bị sát hại, trong khi đó Lý Hằng lại là người Hán, khanh có biết vì sao không? Thiên tử gặng hỏi. Ngài ngừng lời nhìn vào tận mắt vị huân tướng của ngài và chờ lời đáp của viên sủng thần.
A-lí Hải-nha ngước nhìn thiên tử, ông thấy gương mặt nhà vua hơi khác. Suốt mấy chục năm theo hầu dưới trướng, xông pha tên đạn, gặp bao hiểm nguy, nhưng ông chưa từng thấy thiên tử biểu hiện một thứ tình cảm từa tựa như sự xúc động mà lần đầu tiên ông bắt gặp ở người. Không dám làm kinh động đến tình cảm thiêng liêng của thiên tử, viên tả thừa tướng khẽ đáp:
- Muôn tâu thiên tử, quan hữu thừa (Lý Hằng) thất lộc khiến bệ hạ đau lòng là bởi quan có nhiều công lao diệt Tống, và vừa rồi trên đường về nước bị giặc truy đuổi, ngài phải đi sát hộ vệ Trấn Nam vương, vì thế ngài bị trúng tên độc của giặc nên thọ tử khiến thiên tử phải đau lòng.
Hốt-tất-liệt khẽ gật đầu:
- Phải! Khanh nói đúng, nhưng công tích của Lý Hằng đâu chỉ có thế. Ví như khi ta bình Tây Hạ, nếu không có khanh là người bản xứ vừa có tài cầm quân trăm vạn vừa có tầm nhìn xa trông rộng về đầu quân dưới trướng, ngày đêm túc trực hiến kế bày mưu, thử hỏi sao ta có thể bình xong Tây Hạ nhanh như việc thò tay xuống ủng rút chiếc roi ngựa được. Trong việc bình Tống, nếu không có Lý Hằng là người Hán tài kiêm văn võ giúp rập dưới trướng, sao ta có thể thống trị được cái xứ Trung nguyên mênh mông này. Nói cho cùng thì đánh bại nhà nam Tống với ta đâu phải việc khó. Cái khó là dẹp các đám giặc cần vương kia. Chỉ một tay Văn Thiên Tường cũng làm ta bận tâm không ít. Thử hỏi nếu không có Lý Hằng trừ khử được Văn Thiên Tường thì sao ta có thể kết thúc vương triều nam Tống ở Nhai Sơn nhanh đến thế!
Diệt nhà nam Tống, công của khanh đâu có nhỏ, một tay khanh hạ được Phàn Thành, Tương Dương, Ngạc Châu, Giang Lăng cùng mấy chục châu quận miền nam nữa. Nếu không rắn tay phá đập dẫn nước dìm chết tất cả quân lính và dân chúng Đàm Châu, chôn sống dân chúng Tĩnh Giang, uống rượu bằng óc các tướng Tống trước mặt dân chúng ở Tân Sinh thì sao có thể bẻ gãy được mọi mầm mống nổi loạn chống lại quan quân. Sát nhất nhân vạn nhân cụ[23] chẳng phải là sáng ý của khanh sao. Công của khanh lớn lắm, cho nên ta biệt đãi khanh vào hàng đệ nhất.
Sở dĩ ta tiếc Lý Hằng vì Hằng là người Hán, y hiểu người Hán hơn và vì vậy sẽ giúp ta công việc cai trị người Hán dễ dàng hơn. Nay mất y sao ta không tiếc, không thương. Nhưng thôi, đằng nào thì y cũng đã chết, tiếc thương mãi cũng chẳng ích gì. Ta triệu khanh đến bàn việc đánh Giao Chỉ, ý khanh thế nào?
Hốt-tất-liệt nhìn thẳng vào mắt A-lí Hải-nha vẻ dò thăm. Nhà vua thấy nét mệt mỏi in hằn trên vừng trán viên tướng già bách chiến.
- Tâu thánh thượng, một khi thánh ý đã ban, chúng thần được tin cậy sai bảo tưởng không còn điều gì vinh hạnh hơn đối với kẻ làm tướng, thần xin được nghe thánh chỉ.
Với vẻ hài lòng, Hốt-tất-liệt nói như là một sự bộc bạch tâm tư:
- Năm ngoái, khi quân rút về, ta đã định khởi binh đánh Giao Chỉ ngay lập tức. Nhưng vì sức quân mỏi mệt, các tỉnh Giang Hoài bị lụt làm mất mùa gây khó cho ta về lương thực. Lưỡng Quảng thì giặc giã nổi lên chưa dẹp yên được, lương thực không những không thu được mà cũng không mua được. Lũ quan lại đầu tỉnh xin ta tạm hoãn chờ mùa màng lên rồi sẽ liệu. Mặc dù vậy, ngay từ năm ngoái, ta đã sai Hồ Quảng đóng ba trăm chiến thuyền lớn, năm nay ta lại sai đóng tiếp hai trăm chiến thuyền nữa. Ta cũng định tha không đánh Nhật Bản nữa, vì Nhật Bản chưa một lần xúc phạm đến thiên triều. Nhưng Giao Chỉ không những cưỡng mệnh mà còn nhiều lần phạm đến binh uy thiên tử, tội ấy không thể bỏ qua. Vậy nay ta lại cử tả thừa tướng giữ chức An Nam hành trung thư tỉnh giúp cho việc chủ trương trong màn trướng của Trấn Nam vương. Dưới quyền Trấn Nam vương và khanh có Áo-lỗ-xích thăng làm bình chương chính sự. Các tướng Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp, Y-gơ-mi-sư, A-ric Khu-xem đều giữ chức tham tri chính sự. Khanh xem phải gấp bàn bạc với Trấn Nam vương dự liệu xem lần này sẽ đem vào Giao Chỉ bao nhiêu quân là đủ. Trong đó quân kỵ, quân thủy, quân bộ mỗi chủng là bao nhiêu. Rồi lương cho quân, cỏ cho ngựa phải huy động cho dồi dào, ta không muốn nghe mỗi khi phải dừng binh, lại tâu báo vì quân thiếu lương. Nhớ phải huy động quân dũng mãnh, tướng dày dạn chiến trường, còn như quân tân phụ chỉ nên dùng vào việc che tên đỡ đạn, dùng chúng vào việc dọn đường lót ổ thôi, lũ ấy hèn nhát không đáng tin. Rồi kế sách hành binh tác chiến thế nào cũng phải vạch ra, tâu báo lên để ta còn bổ khuyết cho. Khanh chớ nên quên lần này phải bắt cho kỳ được cha con Nhật Huyên[24] cùng tướng Hưng Đạo. Ta muốn thấy mặt viên tướng này, nếu y chịu quy thuận có thể ta sẽ sai khiến y vào việc lớn. Mọi sự khanh đều phải làm gấp sao cho sang thu tiến binh là vừa. Chớ nên chần chừ để kẻ kia có thể hồi sức, lại gây khó cho binh ta.
A-lí Hải-nha trầm ngâm suy nghĩ về các điều thiên tử vừa dụ bảo. Đó là công việc của cả một bộ chỉ huy với hàng ngàn người quen thạo công việc điều hành, nhanh ra cũng phải từ chín tháng đến một năm mới khởi sự được. Viên tả thừa tự nghĩ, thiên tử nôn nóng trả thù, nên tỏ ra coi thường giặc. Năm Ất Dậu thế trận ta giăng như thiên la địa võng, kẹp vua tôi nhà Trần trong vòng vây khốc liệt, thân vương, hoàng tộc, tướng binh nhà Trần lốc thốc kéo nhau ra hàng có tới mấy vạn, tưởng như có thể diệt gọn, bức hàng trong sớm tối, thế mà bỗng chốc Hưng Đạo trở ngược thế cờ khiến đại quân thiên triều từ thế bao vây trở về thế bị bao vây, nếu như ta và Lý Hằng không đòi rút quân sớm mà cứ nghe thái tử trù trừ chờ viện binh, chắc là không một mống nào có thể sống sót quay về. Thế mà năm nay trù liệu quân, lương chưa đâu vào đâu, thiên tử đã sai ta bắt cha con Nhật Huyên và Hưng Đạo. Ta thừa nhận hiện nay đại Nguyên là một nước lớn và mạnh nhất gầm trời. Nhưng không phải quân Nguyên, người Nguyên muốn làm gì cũng được. Thiên tử bảo tha cho nước Nhật Bản không đánh họ nữa. Nhưng thiên tử đã phái binh đội tàu thuyền hai lần đi đánh nước Nhật mà chưa có một người lính Nguyên nào đặt được chân lên đất Nhật. Mới đây, năm Tân Tỵ (1281) thiên tử cho mười lăm vạn quân với chín trăm chiến thuyền đánh vào các đảo của Nhật Bản, thế mà chỉ có ba người sống sót trên chiếc thuyền rách trở về. Ta không phải là một viên tướng dễ dàng bị đánh bại, nhưng không phải ta muốn làm gì cũng được.
Thấy A-lí Hải-nha có vẻ bần thần, không hiểu y đang loay hoay cái gì ở trong đầu óc, Hốt-tất-liệt bèn hỏi:
- Vậy chớ khanh còn điều gì băn khoăn khó nói?
- Thiên tử anh minh, khi bình Tây Hạ, thiên tử dùng thần; khi bình nam Tống, thiên tử dùng Lý Hằng; nay bình An Nam, thiên tử dùng ai? Đó chính là điều thần băn khoăn muốn hỏi.
- Ái chà chà! Khanh đúng là một con sói đã thành tinh, không một điều gì là khanh không tính đến. Khanh khỏi lo, ta có dự liệu cả rồi. Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, hoàng đệ của Nhật Huyên mà các khanh đem về chứ còn ai nữa. Ta sẽ phong cho y làm An Nam quốc vương, lập sẵn một triều đình cho bọn chúng theo Trấn Nam vương và đại quân cùng vào Thăng Long.
Chợt Hốt-tất-liệt lại hỏi:
- Vậy chớ đám tướng lĩnh ta cử làm tả hữu giúp rập Trấn Nam vương nơi trướng hổ, khanh thấy có cần thêm bớt người nào không?
- Tâu, thiên tử anh minh chọn thuần tướng giỏi, thần sao còn dám thêm bớt.
- Thì bọn đó chẳng là lũ học trò của khanh sao. Áo-lỗ-xích, Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp… đã chẳng ở dưới trướng của khanh sao? Bọn họ lại chẳng vừa đi đánh Giao Chỉ trở về đó sao?
A-lí Hải-nha ngồi thu lại ngước ngắm dung nhan thiên tử. Hốt-tất-liệt có vóc dáng to lớn, gương mặt chữ điền vuông vức, vầng trán cao, rộng choán hết cả phần thái dương, tai to, vũm, vành tai và dái tai dày dặn đường nét phân minh, mũi hổ phù, tam đình, ngũ nhạc cân đối nở nang, miệng rộng, môi hơi mím lại, cằm bạnh, ria mép nhọn vểnh về hai phía như hai cánh chim én. Từ hai phía vành tai vòng xuống cằm hình thành bộ râu quai nón làm tăng thêm sự oai nghiêm của khuôn mặt. Duy có đôi mắt của thiên tử là nhỏ, mắt ngài ti hí kiểu mắt lươn khi rọi nhìn cứ như hai mũi thép xuyên vào người ta. Mới thoạt nhìn gương mặt, ta dễ lầm đó là người nhân hậu, nhưng nếu kết hợp cả đôi mắt thì rõ ngài là kẻ đại gian hùng, đại gian ác và đại hiếu sát.
Hốt-tất-liệt thả ra mấy tiếng đùng đục nghe như tiếng vọng ma quái:
- To gan, khanh dám nhìn trực diện thiên tử.
- Dám xin thiên tử tha tội. Quả thực thần chỉ muốn chiêm ngưỡng long nhan rồi đem cái thiên uy của thiên tử giáo hóa nam man, ngõ hầu thu phục chúng khỏi nhọc sức quân, âu cũng là dịp đem cái thiên ân của thiên tử tưới khắp bốn bể, đó chẳng là phúc cho tứ di sao.
- Ngươi chỉ được cái dẻo mồm biện bác. Thôi được, khanh về mà trù liệu công việc đi.
Lại nói về Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc và những kẻ tòng vong như Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn cùng với cha đẻ của Hoãn là Vũ Đạo hầu và con rể là Trương Hoài hầu cùng gia thuộc của các người nói trên đều ra hàng quân Nguyên và theo chúng về Đại đô. Trong đám người ra hàng còn có Chương Hiến hầu Trần Kiện và thuộc hạ là Lê Tắc cùng đội quân cả vạn người ra hàng Toa-đô. Trong số những kẻ ra hàng còn có Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long… cùng gia thuộc. Những người ra hàng được tướng giặc là Minh-lý Tích-ban (Manglai-Siban) hộ tống đưa về nước Nguyên từ khi chiến tranh chưa kết thúc. Thế nhưng bọn này đi gần tới biên giới thì bị quân ta mai phục đánh rất gắt, Trần Kiện chết trên lưng ngựa, Lê Tắc vác xác chủ chạy sang Tư Minh mới dừng lại chôn cất. Nghĩa Quốc hầu con của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc được tướng giặc che chở chạy vào trại quân mới thoát chết.
Nay thì mọi việc đã tạm ổn, vua Nguyên đã cho họ tạm cư vào trong một khu vực ở Châu Ngạc (Hồ Bắc) để họ đỡ cảm thấy cô đơn trên đất khách. Vả lại để khi có dịp trở về An Nam đường đất cũng gần hơn. Trần Ích Tắc và gia thuộc được ở trong một ngôi nhà riêng cũng gọi là cung. Thực ra tất cả bọn họ từ chủ đến tớ, tuy được người Nguyên yêu tin chu cấp mọi thứ, nhưng so với khi còn ở trong nước mười phần chưa chắc được một hai. Ấy là chưa kể thân phận cá chậu chim lồng, chim mồi cá cảnh.
Tuy nhiên, tất cả đều trông chờ vào lời hứa của thiên tử nhà đại Nguyên. Hốt-tất-liệt đã nhiều lần cho ăn yến và hứa sẽ đưa Trần Ích Tắc trở lại làm vua xứ An Nam, các người tòng vong cũng đều nằm trong bộ máy triều đình của Ích Tắc, thiên triều không quên công, không bỏ sót bất cứ một ai đã có lòng trung về chầu thiên tử. Cho nên mọi người hằng ngày hết tụ họp nhau ở “cung” Chiêu Quốc vương lại sang “dinh” của Văn Nghĩa hầu “bàn chuyện quốc sự”. Ấy là họ bàn suông với nhau để giết thì giờ và mong ngóng ngày thiên tử phát đại binh để cùng nhau theo đoàn quân xâm lược trở về chiếm lấy ngôi nước.
Đây là những chuyện xảy ra trên đất giặc đối với những kẻ theo giặc, còn như ở trong nước thì hầu như chẳng còn ai nhắc đến họ nữa. Triều đình đã tịch thu hết tài sản của những kẻ theo giặc. Ở trong nước, người trong tôn thất mà theo giặc tùy theo tội nặng nhẹ đều xử như người thường, nhưng bắt phải đổi sang họ Mai. Riêng những người trong hàng huynh đệ với nhà vua như Trần Ích Tắc thì không bắt phải đổi họ, nhưng mỗi khi bất đắc dĩ phải nhắc đến tên đều gọi là “ả”, tức thị coi họ như một thứ đàn bà vô dụng.
Trước năm Ất Dậu ở Thăng Long và cả tứ trấn, không ai không biết đến Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là người tài hoa nổi tiếng. Trong tất cả các môn nghệ thuật như cầm, kỳ, thi, họa không môn nào ông không rành. Ông thường viết lời, chế nhạc rồi dạy cho ban nhạc trong dinh của ông ca hát. Về họa, tranh của ông vẽ, sứ nhà Nguyên đến chơi khen nức nở. Họ còn bảo tranh của ông vững hơn tranh của Tống Huy tông[25]. Bởi tranh của ông lấy hồn làm cốt, còn tranh của Huy tông chỉ chạy theo cái đẹp ngoại cảnh vì thế mà nó trở nên phù phiếm. Còn văn chương của ông thuộc loại quán thông. Các bậc sĩ đại phu trong nước thường tỏ lòng ái mộ. Ông lại có lòng đào tạo nhân tài cho nước. Các cậu bé thần đồng như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn… đều được ông đưa về nuôi dạy sau này đều trở thành người giỏi của nước.
Chiêu Quốc vương một thời lừng lẫy khắp Thăng Long, khắp đất nước, song vì theo giặc mà hình ảnh ông bị xóa sạch trong kí ức mọi người.
Bữa nọ, khi những người lưu vong đang “bàn quốc sự” tại dinh Trần Tú Hoãn thì Ích Tắc cho người sang gọi về cung nghe thánh chỉ.
Khi mọi người đã về đông đủ, áo mũ chỉnh tề, Trần Ích Tắc sai bày hương án ra giữa nhà lại sai đốt trầm và đứng sắp hàng trước hương án.
Viên trung sứ từ Đại đô tới cung kính đặt tờ chiếu lên hương án rồi vái ba vái đoạn y đi giật lùi ra phía ngoài.
Trần Ích Tắc và mọi người lần lượt vào quỳ lạy chiếu thư.
Viên trung sứ bóc niêm phong và tuyên đọc.
“… Thiên tử hoàng đế nhà đại Nguyên dụ rằng: Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc và những người có tên sau đây… về chầu để nhận ân mệnh…”.
Nghe trung sứ đọc xong, mọi người lại phục lạy và cùng hô:
- Tạ ơn thiên tử ban trọng ân.
Trung sứ cho mọi người chuẩn bị hành trang một ngày rồi tất cả cùng xuống thuyền về Đại Đô Yên Kinh phụng chiếu.
Trong suốt một ngày mọi người vừa lo chuẩn bị hành trang vừa hồi hộp phỏng đoán không biết thiên tử ban ân tứ gì đây. Mỗi người phỏng chừng một cách, nhưng mọi người đều không giấu được niềm vui.
Trần Ích Tắc dự liệu lần đầu tiên được diện kiến long nhan thiên tử, sẽ tâu báo điều gì làm đẹp lòng ngài đây. Đúng là từ ngày theo gót Trấn Nam vương về thiên quốc, nhưng ông chưa từng được bén mảng tới Yên Kinh, cũng chưa một lần được thấy long nhan thiên tử. Tiếng rằng có đôi ba lần thiên tử cho ăn yến và có lời dụ bảo, nhưng đó chỉ là trung sứ, tựa như viên khâm sai thay mặt thiên tử thết yến và truyền đạt điều mà thiên tử khẩu dụ. Lần này không biết có điều gì mà thiên tử cho triệu. Hoặc là thiên tử sắp nam chinh, hoặc là bên nước nhà có biến. Sai gia nhân soạn sửa hành trang, lại sai bày tiệc mời trung sứ. Sau lời chúc tụng và đẩy đưa vài tuần rượu, Trần Ích Tắc sai gia nhân đem ra một chiếc tráp nhỏ sơn then, có khóa bạc, tự tay ông trân trọng trao cho vị trung sứ và nói:
- Tôi đội ơn thiên tử và quý quốc rất nhiều, mong có cơ hội được đền đáp. Nhân được làm quen với ông và được nhận ân mệnh của thiên tử, gọi là có một chút quà là phương vật tôi đem từ cố quốc biếu ông để làm lễ tương kiến, mong ông không chê là nhỏ mọn.
Viên trung sứ đỡ lấy chiếc tráp nhỏ và nói lời cảm tạ:
- Ông vì nạn nước mới phải qua đây, xin ông cứ giữ lấy báu vật này làm của tùy thân. Nói xong y trao lại chiếc tráp cho Ích Tắc.
Trần Ích Tắc phải nài ép tới hai ba lần ông ta mới gượng nhận:
- Nhận của vương, tôi thật chẳng đành tâm. Không nhận, vương lại chẳng yên tâm. Âu cũng là cái duyên. Nói xong viên trung sứ đặt chiếc tráp xuống và ông ta nâng chén rượu giơ cao vừa mỉm cười vừa chúc: - Nhất kiến vi cựu[26].
Được viên trung sứ vui vẻ tiếp nhận món quà quý, Trần Ích Tắc tỏ vẻ hài lòng và ông nhã nhặn nói với sứ giả:
- Mời quan trung sứ chiêm ngưỡng chút quà mọn. - Vừa nói, ông vừa chỉ tay vào tráp.
Viên trung sứ khẽ lật chiếc bản lề bạc, nắp tráp mở ra, một mùi thơm kỳ lạ tràn ngập gian đại sảnh, nó át hết cả các mùi từ rượu quý đến trầm hương. Y vừa lật vuông gấm phủ, lộ ra một viên hổ phách trong suốt màu vàng sẫm, to bằng chiếc trứng chim câu.
Viên trung sứ ngỡ ngàng hỏi:
- Tôi quê mùa, không biết vật quý này tên gọi là gì, xin vương chỉ bảo.
Dường như chỉ chờ lời hỏi đó, Trần Ích Tắc ân cần đáp:
- Thưa quan trung sứ, vật thơm này gọi là hổ phách. Nó được tiết ra từ tinh nhựa của một loài tùng mọc trên núi đá cao hàng trăm trượng. Nhưng không phải cây nào cũng có. Họa may trăm ngàn cây mới một hai cây có ngọc. Vâng người ta gọi hổ phách là ngọc của tùng. Tức là cây phải sống cả ngàn năm, do một biến cố nào đó làm thương tổn ruột cây tại phần gốc, thế là cây tiết ra một loại tinh của nhựa để sâu bọ không thể xâm nhập. Cứ thế tích tụ cả mấy trăm năm, có khi cả ngàn năm mới kết được thành thứ ngọc này. Dạ, nó phải trong suốt và không có tì vết gì như viên này mới gọi là quý.
- Vương có thể cho biết ngoài sự trân quý ấy nó còn có hữu ích gì chăng, trung sứ hỏi.
- Thưa quan trung sứ, cứ như chỗ tôi được biết thì hổ phách có thể xua tan được tà khí, hoặc trong vùng có dịch mà ngài mở nắp hộp ra để trong nhà, thời có thể ngăn được dịch xâm nhập, hoặc thời tiết ẩm ướt, các đồ đạc trong nhà đổ mồ hôi, cứ mở nắp hộp ngọc tùng ra, hơi nước sẽ bay đi hết. Ngoài ra nhà có người cảm mạo cho ngửi ngọc một lần là khỏi.
- Vậy chớ nó có mòn đi không? - Trung sứ hỏi.
- Không! Không mòn một chút nào, nó đã kết thành khối rắn như đá, xin quan trung sứ yên tâm.
Tiệc mời với quà quý khiến tình thân càng lúc càng đậm đà, Trần Ích Tắc thăm dò một cách bâng quơ:
- Từ lúc lạy chiếu, tôi cứ băn khoăn không biết thiên tử ban ân mệnh gì đây.
Rượu ngà ngà khiến trung sứ cũng không cần ý tứ nữa:
- Vương phải biết, chỉ riêng việc thiên tử tuyên triệu và cho được bệ kiến, cũng đã là một đại ân mệnh rồi. Có thật vương chưa đoán biết thiên tử triệu vương có việc gì à? Ta cũng không biết được đâu. Làm sao có thể biết điều thiên tử chưa dụ bảo. Nhưng nghe đâu sắp có chuyện Nam chinh.
- Thật vậy ư? - Trần Ích Tắc hỏi như một sự reo vui.
- Sao lại không thật. Không thật thì thiên tử triệu ông về kinh làm gì. Ta chắc thiên tử sẽ cho ông theo về cùng với đại quân của thiên triều. Bình xong An Nam, thiên tử sẽ cho ông làm vua nước Nam. Tới lúc ấy chớ quên nhau nhé. Biết đâu thiên tử chẳng sai ta đi sứ An Nam.
Trần Ích Tắc sắc mặt tươi hẳn lên, ông vui vẻ đáp lời:
- Ta sao có thể quên ông được. Ông chính là ân nhân của ta đó. Vua nước Nam nhỏ bé, thiên tử chỉ coi như một quận thôi, phụ hoàng ta cũng chỉ được thiên tử phong làm “Giao Chỉ quận vương”.
- Thiên tử đất mênh mông không giới hạn nên coi Giao Chỉ là một quận. Nhưng ông làm vua An Nam vẫn là vua của một nước. Chà, đầu gà còn hơn má lợn. Làm vua nước Nam chẳng hơn ở cái xó xép Ngạc Châu này sao. Nói xong trung sứ lại cười khà khà.
Qua quá nửa tuần trăng, hết đi đường sông lại ra đường biển rồi đường bộ mới về tới Yên Kinh. Nằm chờ nửa tuần trăng nữa thiên tử mới cho vời.
Sau vài lời an ủi, Hốt-tất-liệt khẩu dụ:
- Đại quân thiên triều sắp bình Giao Chỉ, thiên tử cho các khanh theo quân về mà nhận lấy nước. Ta gọi là nước thôi, nhưng thực chỉ là một quận của thiên triều. Được nước rồi, các khanh có bổn phận thờ thiên tử với bổn phận của kẻ bề tôi, chớ có ngông nghênh cưỡng mệnh như cha con Nhật Huyên khiến ta phải ra tay trị tội.
Trần Ích Tắc và thuộc cấp đều rập đầu lạy tạ và cùng hô:
- Tạ ơn thiên tử, chúng thần xin tuân chỉ.
Tiếp đó thiên tử nhà đại Nguyên khẩu dụ:
- Nay ta phong cho Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương. Trần Ích Tắc quỳ lạy. Khu mật viện bèn trao phù, ấn cho Ích Tắc.
Hốt-tất-liệt lại phán:
- Những kẻ có tên sau đây nhận mệnh:
Trần Tú Hoãn làm phụ nghĩa công lo ngày đêm giúp rập dưới trướng cho An Nam quốc vương.
Trần Bá Ý (con trưởng Trần Ích Tắc) làm An phủ sứ lộ Đà giang.
Lại Ích Khuy làm An phủ sứ lộ Nam Sách giang.
Trần Văn Lộng làm Tuyên phủ sứ lộ Quy Hóa giang…
Tất cả ra ở nhà công quán chờ theo quân về nước.
Mọi người lại phủ phục lạy tạ và cùng hô:
- Tạ ơn thiên tử ban trọng ân!
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng