Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
I
Lại một lần nữa Hưng Đạo vương cùng một số gia tướng, gia thần đi đến từng trang ấp bị giặc Nguyên tàn phá xem dân chúng đã hồi phục được đến đâu.
Ngồi trên mình ngựa, Hưng Đạo chỉ về một thôn ấp mờ xa nằm sát mép sông, nơi các mái rạ đang đùn lên những làn khói bếp trắng đục như sương sớm. Nhìn mặt trời lên gần tới đỉnh đầu, vị tướng già thầm nghĩ: “Thế là người dân đã có cái đổ vào nồi, đã đỏ lửa cho bữa ăn trưa. Chẳng biết họ ăn cơm hay ăn cháo đây”.
Hưng Đạo ngoảnh mặt về phía sau hỏi viên tùy tướng Yết Kiêu:
- Có phải cái ấp ta sắp đến kia là ấp An Lạc không?
- Dạ bẩm chủ tướng, đó chính là ấp An Lạc.
Đi chừng mươi bước ngựa, Yết Kiêu rướn lên nói tiếp:
- Bẩm vương chắc ngài thấy lạ, vì lần trước ta qua đây sau khi vừa đuổi giặc ra khỏi cõi, nó còn là vùng đất chết, thế mà nay đã có sinh khí.
- Phải! Vương đáp, giọng ngài đã có vẻ vui vui. - Bởi ta thấy sự sống đang hồi sinh, đất và người đều đượm đầy sinh khí.
Vương cùng các bộ tướng cứ thả ngựa đi nước kiệu bên phía tả ngạn sông Bình Than xuôi về phía hạ lưu. Dòng sông phẳng lặng, hai bên bờ, rừng chạy miên man ra tận mép nước. Thời tiết đã vào hạ, những trận mưa rào đầu mùa khiến rừng cây tăng độ ẩm nên các tàng cây thường có hơi nước bốc lên bảng lảng như sương như khói. Nếu cứ nhìn dòng sông phẳng lặng và hai bên bờ sông, rừng nối rừng xanh mướt chạy dài tới hút cả tầm mắt kia, có ai ngờ cách đây mới hơn nửa năm trời, cả mấy chục vạn quân giặc qua đây, tưởng như chúng có thể nuốt chửng cả cây rừng, uống cạn hết nước sông và hủy diệt cả xứ sở này. Nhớ khi ta bỏ ải Nội Bàng lui về giữ Vạn Kiếp, đánh nhau mấy trận, ta làm như quyết giữ Vạn Kiếp, chẹn cứng giặc ở sông Lục Nam không cho chúng xuôi về Lục Đầu giang. Ấy là ta đã biết giặc không vào đường thủy qua cửa Bạch Đằng nên không sợ có quân tập hậu. Bất chợt ta lại lui về giữ Thăng Long khiến giặc vừa căng sức đuổi quân ta, vừa chia quân giữ đất nên lực chúng càng ngày càng mỏng và chúng không còn giữ được ưu thế lúc ban đầu. Và giặc cũng không thể đánh ta theo ý chúng nữa. Đang có lợi thế, ta đã toan phản công thì Tĩnh quốc vương Trần Quốc Khang không giữ nổi cửa quan Nghệ An khiến Toa-đô đánh vào phía sau quân ta. Tình thế đang trở nên khó khăn thì Trần Kiện (con của Quốc Khang) trấn tại Thanh Hóa đem hai vạn quân dưới trướng ra hàng giặc. Lại nữa cha con Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đem tất cả số quân thuộc quyền về hàng giặc khiến thế nước trăm phần chao đảo. Cái nguy hại là Trần Ích Tắc theo giặc đã nêu một tấm gương cực xấu khiến người trung chính cũng có phần nghiêng ngả, còn kẻ vốn đã lung lay thì ào ào theo giặc. Thế cuộc thật gian nan. Ấy thế mà rồi ta vẫn đuổi được giặc ra khỏi cõi bờ. Sức mạnh ấy ở đâu ra, đành rằng nó từ gan ruột tướng sĩ, từ muôn dân, nhưng thử hỏi nếu không có hồn thiêng sông núi cho ta làm điểm tựa, nếu vong linh tiên tổ không hiện về cho ta sức mạnh thì sao ta có thể xô ngã được quân thù… Vị tướng già cứ miên man hồi tưởng lại các hình ảnh của cuộc chiến vừa qua mà ngài cảm như một cơn ác mộng. Bất chợt ngựa đã dừng trước một ngòi nước lớn. Đây chính là cửa một con sông nhỏ bắt nguồn từ một dòng suối chảy len lách qua những cánh rừng, và ấp An Lạc nằm trên một doi bãi bồi được tạo ra từ dòng suối này với sông lớn Đại Than. Ấp An Lạc cũng chính là ấp Tân Lập do Hưng Đạo cho dân vào khai phá khoảng hơn mười năm nay và cho họ quyền sở hữu đất ấy. Vì là đất nằm trong vùng thái ấp của vương nên vương không phải xin phép triều đình.
Yết Kiêu dẫn cả đoàn đi ngược dòng suối khoảng vài ba dặm nơi có đoạn thắt ruột gà hẹp nhất, ngựa lấy đà đều nhảy qua dễ dàng.
Khi Hưng Đạo vương và đoàn tùy tùng vừa đến đầu ấp thì dân trong ấp từ già đến trẻ đã tụ họp đông đủ đón chào vương.
Trưởng ấp là một ông già quắc thước chít khăn đầu rìu để hở mái tóc bạc như cước, chòm râu dài trước ngực trắng xóa. Ông vận chiếc áo nâu dài tới ngang đầu gối, cánh tay áo chỉ phủ kín bờ vai nên vẫn lộ hai cánh tay trần đen bóng, bắp thịt nổi cuộn và in hằn hai chữ “SÁT THÁT”[7] màu chàm sẫm. Ngang lưng ông lão thắt chiếc dây lưng vải bạch bố múi xoay về phía sườn trái. Ông vận chiếc quần nâu lửng phủ tới nửa ống chân để lộ rõ bàn chân với các ngón tõe ra và hai ngón cái nằm ngang ra như châu đầu vào nhau. Người Tàu nhìn thấy các ngón chân của người Việt như vậy, nên họ gọi mình là “dân Giao Chỉ”. Tiếc rằng lối gọi kỳ thị ấy của lũ xâm lăng ngạo mạn đã tồn tại khá lâu trong lịch sử.
Ông lão trưởng ấp An Lạc và dân chúng vừa quỳ xuống vừa hô:
- Kính chúc đại vương mạnh khỏe!
Hưng Đạo lập tức xuống ngựa, mọi người cùng xuống ngựa. Vương nâng ông lão đứng dậy và ra hiệu cho cả dân ấp cùng đứng dậy. Đoạn vương nói, giọng ấm áp thân mật:
- Chúng ta đến thăm bà con trong hương ấp. Chẳng hay mùa vụ vừa qua có thu hoạch được gì không. Hay dân vẫn còn bị đói.
Một lão bà nhanh nhảu đáp:
- Bẩm đại vương, ngài thử nhìn dân hương ấp chúng con xem, đây có phải là dân đói không ạ. Đúng là hồi giặc mới bỏ chạy, chúng con trở lại hương ấp không còn một hạt gạo nào, cả ấp đói vàng mắt, may đại vương cho quan quân đem lúa gạo về phát tại hương ấp kịp thời nên không có ai bị chết đói.
Hưng Đạo chỉ tay về xóm giữa ấp bảo:
- Ta muốn vào hẳn trong trang ấp để được gặp bà con đông hơn.
Trưởng ấp dẫn vương tới khu vực xưa gọi là đình nay chỉ còn trơ bốn bức tường đất. Dân làng đã đốn tre, gỗ về chất đống phía sân đình, định sau vụ gặt thì dựng lại. Trong nền đình, trưởng ấp cho thu gom những vật mà giặc không lấy đi được hoặc không đốt cháy được nhưng chúng đã đập phá không còn có thể dùng vào việc gì.
Hưng Đạo vương đưa mắt xót xa: Đây là chiếc bình hương bằng sành vỡ làm nhiều mảnh, kia là chiếc cần cối giã gạo bị giặc đốt cháy chỉ còn một khúc, kia nữa là chiếc cối đá thủng dân thường dùng làm vật kê đập lúa, giặc cũng ghè vỡ hết miệng cối. Đây là những chiếc bình vôi vỡ, chiếc mất quai, chiếc mất vòi. Lại kia nữa chiếc cối xay thóc bị giặc đốt cháy hết phần vỏ cối đan bằng tre, chỉ còn trơ lại phần đất và những chiếc dăm cối cháy nham nhở. Tệ hại nhất là giặc đốt phá cả đền, chùa thờ thần thờ Phật. Những hoành phi, câu đối cháy có chiếc còn sót lại được một hai chữ nhưng các lớp sơn thếp đều đã bong tróc hết. Và những tượng Phật bằng đất bị thui cháy hết lớp sơn ngoài chỉ còn phần đất, chỗ thì ám khói đen thui, chỗ vỡ toác trơ màu đất thó vàng hoe, chân tay tượng gãy vỡ, phần điểm nhãn cháy trụi trơ ra hai hốc mắt đen ngòm. Nom những pho tượng cháy tựa như những người bị hành hình man rợ, lửa căm giận loài giặc dữ lại bùng cháy lên trong lòng vị Quốc công tiết chế. Nén lòng, Hưng Đạo quay ra nói với bà con trong ấp An Lạc:
- Đây là bằng chứng tội ác trời không dung đất không tha của quân xâm lăng Thát-đát. Hương ấp hãy dựng một ngôi nhà nhỏ để giữ những đồ vật này lại như là một bằng chứng để đời đời con cháu không bao giờ nguôi quên về các tội ác do quân giặc đã gây ra đối với những người thân, đối với đồng bào và cả non sông đất nước mình.
Quốc công nhìn những vành khăn tang thít trên đầu người già và trẻ nhỏ, lòng ông se lại và khẽ hỏi:
- Ấp ta có bao nhiêu người bị giặc sát hại?
Ông trưởng ấp chắp tay vái rồi thưa:
- Bẩm đại vương, cả ấp An Lạc có tới ba mươi mốt người bị giặc sát hại. Trong đó có bảy dân binh chết trong khi đánh nhau với giặc, cộng thêm chín cháu nhỏ cùng mười lăm người già đang lẩn tránh trong rừng, gặp khi giặc sục sạo tìm lương thực không chạy kịp, nên bị chúng giết chết hết.
- Vậy là trong trận chiến vừa qua dân ấp An Lạc bị giặc sát hại tới một phần mười? Quốc công đau lòng hỏi.
- Bẩm đúng như vậy ạ! – Cả hương ấp đồng thanh đáp.
Trưởng ấp lại nói:
- Bẩm đại vương, số hoàng nam tham gia tòng chinh vào các sắc quân của đại vương và của triều đình cả thảy là ba mươi bảy người. Tới nay có đến mười chín gia đình nhận được tiền tuất của triều đình và cả phần ruộng để hương đăng thờ tự các liệt sĩ rồi ạ.
- Liệu có còn gia đình nào biết chắc có người sung quân đã chết hoặc mất tích mà chưa được triều đình úy lạo không? - Hưng Đạo ân cần hỏi.
- Bẩm đại vương không có hoàn cảnh nào như vậy ạ.
- Thế còn đội dân binh của ấp thì sao, có giết được tên giặc nào không? - Vương lại hỏi.
- Bẩm đại vương, lũ thần giết được mười sáu tên, trong đó có năm tên sập bẫy, mười một tên khác đứa thì bị dân binh phục kích bắn tỉa, đứa thì bị chặn đánh tập hậu khi chúng đi sục sạo tìm kiếm lương thực trở về. Bẩm, ngoài mười sáu tên giặc bị giết, dân binh còn bắn chết được năm con ngựa chiến và dân chúng cũng bắt được bảy con ngựa chiến nòi Hồ đã nộp cả lên đại vương. Bẩm, sở dĩ giặc hung hãn giết chóc và đốt phá là bởi giặc đi đến đâu cũng là đi vào đất chết, và chúng lùng sục khắp mọi nơi đều không kiếm nổi một đấu lương thực, do dân các hương ấp đã tận lực làm theo kế “thanh dã”[8] của đại vương.
Hưng Đạo vương gật đầu:
- Phải! Giặc Thát cùng đường nên chúng đã khùng.
Vương nhìn khắp lượt bà con dân ấp, lại hỏi:
- Vậy chớ ở ấp ta đây ai cầm đầu đội dân binh?
- Bẩm đại vương, chính lão ông đây ạ. Dân ấp vừa nói vừa chỉ tay về phía ông trưởng ấp.
Hưng Đạo làm một cử chỉ khiến dân ấp hết sức kinh ngạc. Ấy là vương bước tới trước lão ông nghiêng đầu xá một xá rồi nói:
- Ta có nhời khen lão trượng, ta sở dĩ đánh bại được quân Thát-đát hung bạo là nhờ vào sự hiệp đồng của các dân binh trong cả nước mà lão trượng là một tấm gương rực sáng cho con cháu noi theo, lại nữa trăm họ mau lẹ hưởng ứng kế “thanh dã” của triều đình nên sớm hãm giặc vào tình thế khốn đốn.
Ta sẽ có khen tặng riêng cho lão trượng và dân ấp. Nhưng trước hết ta tha tô thuế cho dân ấp An Lạc trong ba năm liền để dân được hồi sức. Xem ra vụ vừa rồi dân đã có bát ăn, liệu có còn nhà nào phải thiếu đói cần cứu trợ nữa không.
- Tạ ơn đại vương, dân ấp đã đủ ăn, xin đại vương yên tâm lo việc nước.
Hưng Đạo và đoàn tùy tùng chào dân ấp rồi lại lên đường.
Suốt nửa tuần trăng Hưng Đạo tự thân đi kiểm xét các hương ấp dọc mấy triền sông tại những nơi quân giặc lướt qua hoặc đồn trú. Vừa là để biết sức tàn phá của giặc và cả sự chống trả của dân binh các hương ấp. Lại nữa, đại vương cũng cần biết xem đời sống người dân đã hồi phục đến đâu. Và hơn hết vương phải khám phá thật kỹ càng đường tiến đường lui của giặc để biết rõ chỗ mạnh chỗ yếu trong thuật dùng binh của chúng ngõ hầu tìm ra phương lược khắc chế nếu như nó vẫn chưa từ bỏ mưu toan xâm lăng nước ta một lần nữa.
Xem xét trong vùng thái ấp của vương xong, Hưng Đạo triệu một số tướng lĩnh có tài thao lược không kể tuổi tác. Các bậc huân tướng đã từng đánh bại quân Mông Cổ trong cuộc xâm lăng Đại Việt từ năm Đinh Tỵ (1257) như đại tướng Lê Tần, phó tướng Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư và các tướng trẻ mới nổi trong cuộc kình chống với giặc dữ vừa cách đây non một năm như thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cùng các tướng Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa, Công bộ Nguyễn Hiền…
Trần Hưng Đạo có bốn người con đều là các bậc tướng tài đã tỏ lộ trong cuộc kháng Nguyên năm Ất Dậu (1285), tuy nhiên ông chỉ cho người con cả là Trần Quốc Nghiễn được phép tham dự.
Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải cũng là một tướng tài lỗi lạc nhưng Quốc công tiết chế không triệu bàn, vì Quang Khải phải điều hành nền đại chính trong cả nước. Vả lại chiến tranh vừa chấm dứt, có cả núi công việc đang chờ Thái sư.
Các tướng đến nghị bàn trong vương phủ Hưng Đạo ở Thăng Long. Phủ Hưng Đạo không nguy nga đồ sộ như vương phủ của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Ích Tắc theo giặc nên vương phủ của ông ta không bị giặc phá, nhưng triều đình đã sung công. Và mỗi khi có ai nhắc đến chỉ gọi là cựu phủ của Ả Trần[9]. Lại như vương phủ của Chiêu Văn thì lúc nào cũng huyên náo bởi tiếng đàn, địch hát ca. Ấy là trước cuộc chiến năm Ất Dậu (1285), chứ bây giờ thì cung thất đang sửa chữa bởi giặc phá phách tan hoang. Phủ Hưng Đạo nhỏ hơn nhiều cung phủ khác lại xây cất sơ sài, nhà tranh nhiều hơn nhà ngói và ở vào một góc khuất bên bờ sông Tô, giặc không ngó tới nên vẫn còn nguyên vẹn. Chẳng phải Hưng Đạo không xây cất nổi một vương phủ khang trang, mà bởi ông ở Vạn Kiếp là chính. Tại đó không chỉ có thái ấp mênh mông mà còn có cả một đội quân hùng mạnh dưới quyền.
Các quan, các tướng đã tề tựu, Hưng Đạo sai quân rót rượu mời. Rượu được rót vào các bát trũng lòng, phía trong láng men màu ngà, phía ngoài phủ men nâu vẽ hình người lính đang soãi chân ném lao.
Hưng Đạo tay nâng bát rượu mỉm cười nhìn các tướng chậm rãi nói:
- Bữa nay ta mời các ông đến để bàn việc nâng sức quân lên, nhưng trước hết có vò rượu ngon, xin mời các ông mỗi người ba bát rồi vào việc cũng chưa muộn. Các tướng cùng nâng bát và đồng thanh hô lời chúc:
- Chúc Quốc công vạn an!
Hưng Đạo uống cạn bát rượu cùng các tướng rồi nói lời đáp lễ:
- Chúc các ông sức khỏe, luyện quân cho giỏi chờ lập công.
Các tướng chưa hết ngạc nhiên vì Quốc công phá lệ, cho uống rượu trước khi bàn việc quân, không những thế lại còn cho uống những ba bát thay vì một bát và chỉ được uống khi đã vãn công việc. Cái ngạc nhiên thứ hai Quốc công bảo “chờ lập công”. Như thế có nghĩa là giặc Nguyên - Mông lại tái xâm lược nước ta sao?
Nhìn ánh mắt các tướng dò hỏi nhau, Hưng Đạo vương đọc được tâm trạng họ, ông bèn nói:
- Sở dĩ bữa nay ta phá lệ là bởi chúng ta đang sống trong một đất nước yên bình thời các ông với ta cũng phải được hưởng nhàn một chút chứ. Vả lại, vừa đánh bại một đội quân xâm lăng tự xưng là vô địch dưới gầm trời, công các ông lớn lắm, không lấy gì mà khen thưởng cho xứng đáng, đành nhờ ngòi bút của các sử quan để chép ghi tên tuổi và chiến công của các ông vào quốc sử lưu danh hậu thế, chẳng biết các ông có vui lòng, - vừa nói, Hưng Đạo vừa liếc nhìn về phía sử quan Lê Văn Hưu.
- Tạ ơn Quốc công! - Mọi người lại đồng thanh.
Bỗng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lên tiếng:
- Bẩm, Quốc công vừa nói bọn tiểu tướng “chờ lập công”. Như vậy có nghĩa giặc Thát lại sắp vào cõi?
Quốc công đặt bát rượu xuống kỷ, ông cười lớn:
- Ôi, ta chỉ mong sao cho đất nước yên bình, bách tính an cư lạc nghiệp, nhưng ai dám đoan chắc rằng Hốt-tất-liệt từ bỏ dã tâm xâm lăng đất nước ta. Ta không tin cha con Hốt-tất-liệt có thể nuốt trôi cuộc bại trận nhục nhã vừa qua.
Quốc công nhìn khắp lượt các tướng và với giọng ấm áp, ngài nói tiếp: - Các ông nên nhớ, thân làm tướng, dù đất nước yên bình cũng phải coi như giặc sắp tới biên thùy, như giặc sắp vào cõi, huống chi Hốt-tất-liệt một con mãnh thú với tham vọng ngông cuồng muốn thu cả gầm trời này vào trong lòng tay nó. Và thực tế chưa có một quốc gia nào là địch thủ xứng tầm với nó. Ngoại trừ hai lần nó bị đại bại trên đất Đại Việt năm Đinh Tỵ (1257) và năm Ất Dậu (1285). Các ông thử tưởng tượng thái tử Thoát-hoan, con một đại hãn tức thiên tử nhà đại Nguyên phải chui trong chiếc rọ như rọ lợn rồi sai quân bọc đồng lá ở ngoài để tránh tên đạn, và quân chúng lôi xềnh xệch trên đường tháo chạy như lôi một con chó. Lý Hằng, Lý Quán là những tướng hùm sói chưa từng thua trận mà mưu lược như thần phải chạy theo hộ vệ, che chắn cho chủ tướng cũng đều mất mạng trên đường trốn chạy. Toa-đô là danh tướng theo hầu dưới trướng Hốt-tất-liệt cũng bị chém đầu trước cửa ngõ Thăng Long cùng với biết bao danh tướng hoặc đầu hàng hoặc bị bắt, bị giết. Nỗi nhục này Hốt-tất-liệt không thể bỏ qua. Vậy ta mời các ông đến để sớm lo việc phòng chống quân Nguyên khi chúng lại xâm lấn cõi bờ Đại Việt ta một lần nữa.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư bèn hỏi:
- Xin Quốc công cho biết nhà Nguyên đã rục rịch động binh chưa? Và nữa ngoại gián ở bên đó có còn hoạt động được không?
Chính những điều Nhân Huệ vương hỏi là những điều Hưng Đạo vương đang nóng lòng muốn biết. Ông đưa tay nhẹ vuốt chòm râu tới ba lần rồi chậm rãi:
- Nhân Huệ vương quả là bậc trí tướng. Đúng vậy, nếu ta không biết gì về kẻ địch thì khó bề trù liệu việc chống đỡ, nói chi đến việc đánh bại chúng.
Trước hết về cơ sở ngoại gián của ta trên đất Nguyên tuy chưa có nơi nào bại lộ, nhưng cũng khó có thể tiếp tục như cũ. Vì rằng lũ bán nước đầu hàng giặc không lạ gì người của ta. Trần Ích Tắc cũng mong manh biết Đỗ Vỹ nắm các đầu mối ngoại gián của ta ở bên đó. Ta cũng e rằng bọn Trần Văn Lộng, Trần Tú Hoãn, Lê Tắc… đều là bọn chó săn lợi hại đang cần lập công với chủ mới, nếu ta sơ suất, tai hại sẽ khôn lường. Ta đang cho thay người mới vào các cơ sở cũ. Các người cũ phải cải dạng chuyển sang các nghề khác, chuyển đến những nơi mà không có kẻ phản giống nòi cư ngụ. Ta tiếc năm trước khi chiến cuộc sắp nổ ra, Đỗ Vỹ về đến Vĩnh Bình thì sa vào tay quân Mông Cổ, bị chúng giết ngay. Mãi sau này chúng mới biết đó là một ngoại gián lợi hại của Đại Việt. Vì vậy từ ấy đến nay chúng để ý truy tìm các cơ sở của ta gắt lắm. Nhưng có một tin này ta phải báo để các ông biết, tức là trước cuộc xâm lăng vào đất ta năm Ất Dậu (1285) thì bốn năm trước đó tức là năm Tân tỵ (1281), Hốt-tất-liệt đã phái một đội quân mười lăm vạn người với hàng ngàn chiến thuyền sang đánh Nhật Bản, nhưng bị bão lớn quật cho chìm nghỉm, số còn lại dạt vào đảo bị người Nhật giết chết. Trong số mười lăm vạn quân đó chỉ có ba tên sống sót với một chiếc thuyền tơi tả trở về. Lại trước nữa vào năm Giáp Tuất (1274) Hốt-tất-liệt đã phái một đội hạm thuyền tới mấy trăm chiếc cùng hơn ba vạn quân vào đánh Nhật Bản. Nhưng người Nhật đã kiên cường đánh trả, lính chết, thuyền chìm mà giặc không đưa được một tên quân nào lên bờ buộc phải quay đầu tháo chạy. Trên đường trốn chạy lại bị phong ba nhấn chìm đến quá nửa.
Hưng Đạo ngừng lời giây lát, ông ngửng nhìn khắp lượt các tướng rồi thong dong nói tiếp: - Như thế dưới gầm trời này duy nhất chỉ có hai quốc gia dám cưỡng mệnh Hốt-tất-liệt. Và cũng chỉ có hai nước ấy dám đánh lại và đã đánh bại quân thiên triều khiến thiên tử bẽ mặt. Ấy là nước Đại Việt ta và nước Nhật Bản. Nước Nhật Bản vừa kiên cường vừa có biển cả làm chiến lũy đã hai lần gây cho Hốt-tất-liệt nỗi kinh hoàng để dạ, chắc từ nay y không còn tham vọng hão huyền với đất nước Phù Tang nữa.
Với nước ta, tuy quân Nguyên cũng đã có hai lần đại bại, nhưng lần vừa mới đây là đau đớn nhất, nhục nhã nhất với thiên triều; nhất định Hốt-tất-liệt không chịu bỏ qua chuyện này. Hơn nữa thực lực của y còn mạnh lắm, bởi cả nước Trung Hoa giàu có và bao la là thế cùng biết bao nước khác đều nằm dưới ách thống trị của y, thì việc huy động binh lực đánh nước ta là việc trong tầm tay của tên bạo chúa này, vả lại nước ta, đường bộ, đường biển đều tiếp giáp với nước Nguyên, rất thuận tiện cho giặc đổ quân vào.
Ta không mong, nhưng chắc sẽ không tránh được quân Nguyên lại xâm lược nước ta một lần nữa. Vậy theo ý các ông, ta nên trù hoạch thế nào để kình chống với cuồng vọng của Hốt-tất-liệt đây?
Lê Tần, vị tướng trải thờ ba triều xin nói:
- Bẩm Quốc công, trận vừa rồi ta thắng lớn, đuổi được giặc dữ ra khỏi bờ cõi là bởi ta có hồn thiêng sông núi và anh linh của các liệt tổ phù trợ, lại nữa ta còn có kỳ mưu chứ thực tình không phải ta mạnh hơn giặc. Vì vậy lần này muốn thắng giặc, ta vẫn phải có kỳ mưu nhưng không thể thiếu một đội quân chiến đấu vừa dũng mãnh vừa thiện xảo.
Nguyễn Khoái, vị tướng trẻ từng kịch chiến với giặc nhiều trận thấy vị tướng già nói ta thắng giặc bởi kỳ mưu chứ không phải lực ta mạnh hơn giặc có ý không hài lòng, bèn xin nói:
- Bẩm Quốc công, thưa các chư liệt vị bề trên, tiểu tướng là kẻ vô danh được Quốc công cho dự bàn việc quân quốc trọng đại, trong khi lạm bàn có điều gì trái tai xin chư liệt vị bề trên đại xá. Dạ, vừa rồi quan ngự sử đại phu đại tướng quân trải thờ ba triều, là bậc huân tướng đáng tôn kính nói ta thắng giặc Nguyên là bởi ta có kỳ mưu, lại được hồn thiêng sông núi và anh linh chư liệt tổ phù giúp, điều đó quả là đúng. Nhưng ngài lại nói ta không mạnh hơn giặc thời tiểu tướng không nhận ra điều đó. Bởi trong trận hộ tống quân ta rút khỏi Thăng Long, tiểu tướng được dự vào đội dũng sĩ đi trước mở đường cho chiến thuyền của đại quân xuôi sông Cái lui về trấn giữ đất Thiên Trường, đại tướng Trần Bình Trọng đoạn hậu có nhiệm vụ cản giặc để đại quân rút được an toàn. Khi hậu quân ta sắp qua cửa Hàm Tử thì thủy binh giặc từ thượng lưu ào ạt xốc tới, tướng quân Trần Bình Trọng chia binh ra cản giặc để giữ an toàn cho tiền quân xuôi về hạ lưu. Vì lực lượng ta quá ít, dù tướng Trần Bình Trọng mưu trí và anh dũng có thừa vẫn phải cho quân tháo lui, và cuối cùng ông bị giặc bắt ở bãi Mạn Trù.
Nguyễn Khoái ngừng lời đưa mắt nhìn mọi người và ngước về phía Trần Hưng Đạo lại nói tiếp: - Tâu Quốc công, như vậy có nghĩa là trong chiến tranh bên nào mạnh là bên đó thắng chứ ạ.
Các tướng nhìn Nguyễn Khoái với vẻ cảm thông bởi vị tướng trẻ này lấy sự việc từ bản thân mình ra làm điều minh chứng, còn quan đại phu Lê Tần lại nhìn sự việc trên tầm đại cuộc.
Không khí rơi vào im lặng, bỗng quan Công bộ Nguyễn Hiền xin nói:
- Bẩm, tướng quân Nguyễn Khoái nói đúng với cục diện của từng mặt trận, từng trận đánh mà chỉ khi lực ta mạnh hơn giặc, ta mới thắng được giặc. Còn như quan ngự sử đại phu Lê thượng tướng nói là bao quát trên tổng thể. Đúng là trên tổng lực mà xét, rõ ràng giặc mạnh hơn ta. Nhưng ta dùng kỳ mưu để biến từng mặt trận, từng trận đánh khiến ta mạnh hơn giặc nên ta thắng. Phải nói kỳ mưu là một sức mạnh không đội quân nào có thể so sánh được. Ví như trận quân ta đánh vào đại trại A Lỗ do tướng Lưu Thế Anh nắm giữ đội quân thủy lớn nhất của giặc có cả vạn quân bộ và hơn ba ngàn quân kỵ với hơn ba ngàn ngựa nòi Mông Cổ bổ trợ cho quân thủy kia. Thế nhưng ta đánh chúng vào lúc mưa lụt, triều cường, đốt hết kho lương, kho cỏ khiến quân giặc vừa đói vừa rét vừa không ứng cứu được cho nhau. Kỵ binh Mông Cổ là lực lượng mạnh nhất của chúng trở nên yếu ớt nhất. Quân Mông Cổ không biết bơi bị quân ta dồn đuổi ra khỏi trại, cứ lóp ngóp như lũ chuột đồng chạy lụt khiến dân binh của ta chém giết đến mỏi tay lũ kia không bề kháng cự; còn ngựa nòi Mông Cổ thấy bốn bề mông mênh nước, có lấy giáo xỉa vào mông chúng cũng không dám bước khỏi tầu.
Tâu Quốc công, chắc quan ngự sử đại phu Lê thượng tướng quân nói ta thắng giặc bởi kỳ mưu là ở chỗ ta biến được cái sở trường của giặc thành cái sở đoản của nó. Do vậy cái mạnh nhất trở thành cái yếu nhất của giặc, và vậy ta thắng giặc. Ta lấy yếu thắng mạnh là như ở kỳ mưu cả. Và sào huyệt A Lỗ bị tiêu diệt là cả một hệ thống quân thủy của giặc án ngữ triền sông Cái từ Thiên Trường về tới Thăng Long chỉ qua một đêm bị bóc sạch. Và quân ta từ thế cầm cự vừa chống giặc vừa lui quân để bảo toàn lực lượng chuyển ngay sang thế phản công, thế tấn công, mọi mặt đều ở thế thượng phong khiến việc đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi chỉ có vài chục ngày kể từ sau trận mở màn A Lỗ.
Nói xong, Nguyễn Hiền vái Hưng Đạo một vái, lại quay về phía các đồng liêu cúi đầu đáp lễ vì các vị đã chú ý lắng nghe, rồi ông về chỗ ngồi.
Trần Hưng Đạo biết danh Nguyễn Hiền. Năm Nguyễn Hiền đỗ trạng, Hưng Đạo mới mười sáu tuổi. Loáng cái đã trải qua hai cuộc kháng giặc cam go và bây giờ ông đã ở tuổi năm mươi bảy, còn cậu bé thần đồng ngày nào cũng vào tuổi năm tư, râu đã dài tới ngực, tóc đã trắng đầu. Ôi thời gian và con người sao biến đổi nhanh làm vậy, chỉ có mưu đồ cướp xâm nước ta, biến nước ta thành châu, quận của giặc là không có gì thay đổi. Nghe mấy người nói, ông biết Nguyễn Khoái có cái lý của Khoái, Lê Tần có cái lý của Tần, còn như Nguyễn Hiền lại dung hòa cả hai kiến giải đó và nâng lên ở tầng mức cao hơn. Nói chung các tướng dù trẻ trung hay lão luyện đều đang có tâm trạng hào hứng, đang say mùi chiến thắng và quên rằng tiềm lực của nhà Nguyên đang ở thời sung mãn mà cuồng vọng của Hốt-tất-liệt lại chưa có dấu hiệu suy giảm; trái lại sự cay cú vì thua một nước nhỏ chưa bao giờ được y coi là địch thủ, khiến khát vọng trả thù của đám tướng lĩnh bại trận, và sĩ diện của thiên tử lại ngày một thôi thúc phải sớm ra đòn sấm sét để cái nước Nam nhỏ bé kia phải quỳ gối.
Trần Hưng Đạo đang dự liệu phải đánh trả một cuộc xâm lăng sắp tới của Hốt-tất-liệt còn lớn hơn, khốc liệt hơn cuộc xâm lăng năm Ất Dậu mới đây. Vì vậy ông muốn thổi vào lòng các tướng ý chí sắt đanh hơn nữa, mưu lược hơn nữa. Ông nói:
- Không phải chỉ ta và các ông mà cả nước đều có quyền tự hào về kỳ tích đánh bại đội quân cường bạo của Hốt-tất-liệt, bảo vệ vẹn toàn sông núi thiêng liêng cùng bách tính. Nhưng ta cũng lưu ý các ông không được ngủ quên trên những kỳ tích đó, mà ngay từ bây giờ phải dự liệu binh lực và cả tinh lực với các mưu kế cao sâu, khác lạ hơn để kình chống với cuộc tái xâm lăng của Hốt-tất-liệt với quy mô cực kỳ to lớn, âm mưu thì thâm hiểm và cuộc đối đầu sẽ khốc liệt hơn nhiều so với cuộc chiến năm Ất Dậu. Nên chăng các ông thử phán đoán nếu lần này đánh ta, giặc sẽ đi theo đường nào là chính, binh lực chúng kéo sang đất ta ước độ bao nhiêu, và chủng quân nào là chủ đạo. Rồi các kế mưu ta đã dùng cái nào có thể vẫn phải dùng lại, cái nào khó có thể lừa được giặc nữa.
Hưng Đạo vừa ngừng lời Trần Nhật Duật bèn lên tiếng:
- Bẩm Quốc công hồi ta phản công giặc rồì kết thúc cuộc chiến nhanh bất ngờ là bởi ta chớp đúng thời cơ: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là do năm Ất Dậu mùa hè đến sớm khiến quân giặc mắc bệnh thời khí ốm nhiều, sức quân chúng giảm sút nghiêm trọng, số quân bị ốm chết cũng nhiều khiến lòng quân chúng sinh rối. Lại nữa mùa mưa cũng đến sớm, nước lũ từ thượng nguồn tràn về gặp lúc triều cường và hạ nguồn cũng mưa lớn, mưa dai dẳng khiến các trại giặc đóng ven sông đều ngập chìm trong nước. Đúng lúc đó thì Quốc công cho binh mạnh đánh vào A Lỗ, tựa như một đòn sấm sét bất ngờ giáng đúng huyệt bách hội khiến toàn tuyến phòng thủ trên triền sông Cái của giặc từ Thăng Long về tới Thiên Trường chỉ qua một đêm bị bóc sạch. Lập tức giặc từng cụm một ở vào thế cô lập. Nhìn tổng thể toàn mặt trận giặc lâm vào thế bị bao vây. Còn địa lợi thì ở đâu cũng trên đất ta, lại đúng mùa nước lớn thành thử quân ta phát huy hết sức mạnh sở trường là môn đánh thủy, còn giặc lại bị hãm vào thế đại bất lợi, bởi chúng là quân phương bắc, là lính thảo nguyên nên cái sở đoản của chúng bị quân ta khai thác đến cùng tận. Còn như nhân hòa là bởi dân ta muôn người như một đồng lòng giữ nước, và ai cũng thấy tội ác hiển nhiên mà giặc gieo rắc theo từng bước chân chúng trên đất nước mình.
Chiêu Văn vương ngừng lời, sửa lại mũ áo rồi ông nói tiếp: - Bẩm, đấy là các việc hiển nhiên mà ta đã thấy. Nhưng còn lần này giặc sang nữa thì chúng sẽ đem bao nhiêu quân. Đúng là nước Nguyên mênh mông, Hốt-tất-liệt muốn lập bao nhiêu triệu quân mà chẳng được, nhưng y lại không thể đem tất cả số quân ấy vào xâm chiếm nước ta được. Đúng là quân cần tinh chứ không cần nhiều như Quốc công từng răn. Quân đông mà ô tạp thì chỉ quẩn chân nhau, thay nhau làm bia hứng tên đạn của đối phương chứ có ích gì đâu. Bởi vậy lần này giặc sang tất cũng chỉ trong vòng năm, sáu chục vạn quân chiến đấu là cùng. Bởi chiến trường của ta hẹp lắm, thuần rừng núi và sông suối chứ đất bằng có được bao nhiêu. Theo thiển ý của tiểu tướng, giặc sẽ đến nước ta vào đầu mùa đông là mùa mà thời tiết rất hợp với người phương bắc, và giặc sẽ ép ta giao chiến ngay từ khi chúng mới đổ quân vào. Cho nên theo ngu ý của tiểu tướng làm sao ta giữ được cái thế kháng cự cầm chừng, không để giặc chiếm được các địa thế chiến lược nhằm khống chế lại ta, chờ thời cơ đến ta sẽ phản công lại giặc, như thế có nghĩa là ta phải bảo toàn được lực lượng và không bị giặc cuốn vào thế trận của chúng.
Trần Nhật Duật vừa ngừng lời, Hưng Đạo liền hỏi:
- Có phải ý của Chiêu Văn là ta phải tản giặc mỏng ra để tránh những trận giao chiến lớn rồi chờ mùa hè, mùa mưa có lợi thế, ta sẽ phản công?
- Bẩm, đúng như vậy.
- Ta muốn nghe nhiều kế khác nữa, xin các tướng cứ thực lòng bày tỏ. Vả lại, đây mới là dự nghĩ, dự bàn các vị đừng có câu nệ đúng, sai, cao, thấp và chớ có cầu toàn. Nên nhớ, nhờ vào tài bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà gáy của mấy vị hạ khách mà Mạnh Thường Quân ra khỏi nước Tần và thoát chết. Như thế đủ biết cả mưu lẫn mẹo đều có chỗ đắc dụng.
Thấy Quốc công thực tâm vấn kế, các tướng đều tự nghĩ: - Ông là vị thống soái thống lĩnh chư quân sự, mưu lược như thần mà dốc lòng cầu thị, nên ai nấy đều đặt lòng tin vào chủ tướng và sẵn sàng nói điều mình suy ngẫm, dù nó chưa phải là mưu mà chỉ là mẹo nhỏ cũng là một sức gom góp trí tuệ để giữ nước, việc đó chẳng có gì phải so đo tính toán.
Hưng Đạo đưa mắt nhìn khắp các tướng thấy gương mặt ai nấy đều rạng rỡ khiến lòng ông cảm thấy vui vui.
Bỗng Phạm Ngũ Lão xin nói. Ngũ Lão là một tướng trẻ, trong cuộc kháng giặc vừa qua lập được công lớn, vì thế các bậc bề trên không chỉ chú ý lắng nghe ông nói mà còn có phần trọng thị nữa.
Phạm Ngũ Lão vái Quốc công rồi lên tiếng:
- Bẩm Quốc công, thưa các bậc bề trên, tiểu tướng trộm nghĩ binh pháp thì thiên biến vạn hóa, dẫu ta có bàn cũng chỉ là ước định chứ không thể ấn định. Tuy nhiên nếu ta bàn kỹ, bàn rộng tức là ta đã lường mọi điều có thể xảy ra về phía ta cũng như phía giặc, kíp khi gặp việc xảy ra đúng như dự liệu thời ta bình tĩnh đối phó chắc đỡ vất vả hơn. Nếu tính từ năm Đinh Tỵ (1257) giặc đã thua ta hai keo khiến Hốt-tất-liệt và đám tướng lĩnh của họ cay cú lắm. Vì vậy, nếu lần này giặc lại sang, chắc chúng sẽ đem số quân tinh khỏe nhiều hơn, đòn đánh ác liệt hơn. Hẳn nhiên giặc không tiến quân, bày trận theo cách của năm Ất Dậu nữa. Nhưng kế mưu của ta nhiều thứ vẫn cứ phải dùng lại, ví như kế “thanh dã” khiến cho giặc khốn đốn cả về lương thực lẫn nơi đồn trú cho quân viễn chinh. Lại nữa các đội dân binh đánh tỉa ở khắp nơi, khiến giặc cứ ra khỏi nơi đồn trú là gặp cái chết. Và các đội quân người man phục đánh lũ quân tiếp lương, tiếp cỏ khi thì lấy đi, khi thì đốt đi khiến giặc luôn lo sợ không dám ở lâu trên đất ta.
Nói xong Ngũ Lão vái Quốc công, vái chư liệt vị rồi về chỗ ngồi.
Thấy mọi người nhìn về phía mình như có ý muốn nghe lời nói của quan chép sử, Lê Văn Hưu một ông già nhỏ thó, râu tóc bạc phơ chỉ có đôi mắt là tinh anh tỏa sáng, ông bèn đứng dậy vái Quốc công, vái các đồng liêu rồi nói:
- Bẩm Quốc công, thưa các chư liệt vị, cuộc chống giặc dữ năm Ất Dậu tôi được theo chân hoàng thượng ra mặt trận, tuy chỉ được đi trong một giới hạn nào đấy, nhưng tôi có phái đám thư nhi theo các tướng về các mặt trận, nên sự chép ghi mọi diễn tiến của chiến trường cũng có phần nào hình dung được rõ nét.
Theo cách nhìn của người chép sử thời cái nổi bật nhất của quân Nguyên là sự ngạo mạn, sự kỳ thị, nhìn mọi đối thủ đều dưới tầm mắt. Khi vào nước ta hai lần năm Đinh Tỵ (1257) và năm Ất Dậu (1285), hai cuộc xâm lăng cách nhau gần ba chục năm nhưng cách tiến quân của họ đều giống nhau cả. Tiến rất nhanh, tung hết lực lượng vào trận đánh như vũ bão nhằm tiêu diệt gọn đối phương. Thế nhưng khi bị quân ta căng ra mà đánh, thì chúng lại hết sức hoảng hốt tháo chạy nhanh hơn cả khi chúng mới đến. Thủy chung giặc để lại dấu ấn trên đất ta là sự bạo ngược. Ấy là đại để về phía giặc, còn phía ta, sử quán sẽ chép tỉ mỉ công tích của hai vua, chư vị tướng lĩnh cùng bá quan và bách tính, ngõ hầu để hậu thế noi gương giữ nước của các bậc tiền bối đã cam go và oanh liệt như thế nào. Nói xong ông lui về chỗ.
Lê Văn Hưu là người đỗ đồng khoa với Nguyễn Hiền. Trong bảng tam khôi Nguyễn Hiền đứng đầu, ông ở ngôi bảng nhãn đứng thứ hai, ông hơn Nguyễn Hiền năm tuổi.
Lê Văn Hưu là một sử gia chính trực, trong triều ai cũng nể trọng. Ông đứng đầu Quốc sử viện và đã biên soạn xong bộ Đại Việt sử ký gồm ba mươi quyển vào năm Nhâm thân (1272) dâng lên được vua Thái tông khen ngợi. Bởi vậy những điều Lê Văn Hưu vừa nói đều được các tướng lưu tâm.
Lê Văn Hưu về chỗ, lão tướng Lê Tần lại nói:
- Bẩm quốc công cùng chư liệt vị, theo phán đoán của mọi người thì giặc Nguyên lại sang xâm lấn là điều không thể tránh khỏi. Trước đây tiên đế dùng kế nhu để hòa, ta cố kéo níu cũng được non ba chục năm. Sở dĩ thời đó người Nguyên vừa dụ vừa đe là bởi họ chưa bình xong Trung Hoa. Tới khi họ đại định Trung nguyên rồi họ không chỉ dụ và đe mà còn cử đại binh chinh phục. Nay chinh phục cũng thất bại, nên họ càng cay cú. Xem ra kẻ thù của ta không phải loại tầm thường. Tướng lĩnh toàn những người đã xông pha trăm trận, bách chiến bách thắng, đánh đông đánh tây, đánh nam đánh bắc không một nước nào có thể kình chống nổi họ, ngoại trừ Đại Việt ta và nước Nhật Bản như Quốc công vừa nói. Cuộc chiến năm Ất Dậu về những cái nhẽ họ thua ta, không phải họ không biết cách tránh cho cuộc đối đầu sắp tới. Tức là tránh giao chiến vào mùa hè nóng nực, tránh mùa mưa lụt lội. Họ thua ta còn bởi họ bị hãm vào thế thiếu lương thảo. Ấy cũng bởi con đường tiếp lương rất gian nan vừa xa vừa qua rừng núi hiểm trở, cứ ba người phu tải lương chỉ đủ phục vụ cho hai người lính, mà số lương thực từ lúc đem đi tới lúc đổ vào kho thì người tải lương đã ăn đi mất quá hai phần ba. Vì vậy, lần này nếu giặc sang, biết đâu chúng chẳng dùng đường thủy để vận lương vừa được nhiều vừa đỡ tốn sức người lại có phần nhanh chóng nữa. Nghe nói mấy năm nay người Nguyên cho đóng thuyền lớn, lập quân thủy luyện tập ráo riết lắm. Xâm lược nước ta lần này chắc người Nguyên sẽ thay đổi cách dụng binh nhiều lắm. Đành rằng vào nước ta giặc không thể không dùng đường bộ, nhưng đường thủy cũng là một lợi thế chắc họ không thể bỏ qua. Vả lại nghề đánh thủy của người Giang Nam nếu được huấn hỗ đến nơi đến chốn cũng không thể xem thường họ được. Vâng, quân Tống của thời mạt Tống chẳng có gì để nói bởi ta đang nói tới quân Nguyên kia mà. Bởi vậy xin Quốc công và chư liệt vị nên tăng cường quân thủy, nên đề phòng mặt thủy. Mạt tướng nói điều đó là do linh giác của một đời làm tướng, điều đó đôi khi cũng đúng, nhưng nhiều khi lại do sự lú lẫn sự nhiều lời của người già hay nhiễu sự, xin được đại xá. Mạt tướng quả không còn đủ sức làm việc bình thường, nói gì đến việc đánh giặc nữa, lần này quyết xin hoàng thượng và Quốc công cho cáo lão về quê.
Lão tướng Lê Tần là bậc cao tuổi nhất trong các hàng tướng lĩnh, quả thực ông không còn đủ sức cầm quân nữa nhưng tài năng và nhân cách của ông thì các tướng từ già đến trẻ đều nể trọng. Ông vừa nói xong, phó tướng Trần Khánh Dư liền tiếp lời.
- Điều lão tướng Lê Phụ Trần linh cảm là có lý. Chính Khánh Dư này cũng đang nghĩ tới điều đó. Vậy xin Quốc công lưu ý. Tuy nhiên việc luyện quân cho tinh khỏe là điều tất yếu phải làm trong lúc này, kể cả việc chế tác các loại binh khí tân tiến hơn cũng phải gấp rút từng ngày. Nhưng điều quan yếu nhất là phải biết hiện nay ở đại đô Yên Kinh nhà Nguyên đang làm gì. Liệu họ đã dự liệu đánh ta chưa. Đánh to hay đánh nhỏ, những tướng nào tòng chinh, ai là tổng quản và bao giờ họ xuất chinh? Thưa Quốc công, nếu các việc quan yếu này ta còn mù mờ thì rất khó cho việc trù hoạch kế sách kháng giặc.
Với vẻ hài lòng Trần Hưng Đạo nói lời vỗ về:
- Các điều chư liệt vị nói quả không thể bỏ đi được lời nào. Trộn tất cả các dự mưu và cả dự đoán tình hình của chư vị sẽ dẫn hình thành một kế mưu quy củ, điều này ta sẽ xem xét kỹ. Còn như mấy điều Nhân Huệ vương đòi hỏi nếu không sớm được khai thông thời các kế sách của ta bày ra kháng giặc sẽ chẳng khác chi người mù xem voi. Ta hứa với các tướng, mọi việc sẽ được hoàn tất trong một ngày gần đây. Vậy các tướng ra về lập tức khai triển việc luyện quân. Các loại khí giới bên Công bộ lo ngay như kế đã hoạch định. Lại nữa các tướng trấn biên thùy cả trên bộ và trên biển phải hết sức cảnh giới động tĩnh từ xa, nếu vì sơ khoáng mà để giặc xâm phạm bất ngờ, quân pháp sẽ nghiêm trị. Cũng kể từ hôm nay, các tướng trấn ải nếu không có lệnh triệu không được phép đi khỏi quân doanh.
Các tướng ra về, lòng đầy hứng khởi.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng