I love to lose myself in other men's minds.... Books think for me.

Charles Lamb

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoa Lê
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Hoa Lê
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1095 / 6
Cập nhật: 2017-10-17 00:32:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
hi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê không đổi sương pha mái đầu...
Hồi Hương - Hạ Tri Chương -
Với những người sống xa quê, thứ tài sản quý giá luôn mang theo ấy lại là tiếng nói quê hương. Gìn giữ giọng nói của ông bà tổ tiên là gìn giữ hồn quê trong lòng mình.
Ở làng tôi,thường thì 5 rưỡi mỗi buổi sáng, đài truyền thanh của xã sẽ vang lên khắp đường làng ngõ xóm, thế nhưng mới 5h là đã thấy những chiếc"loa làng" oang oang lên rồi. Ấy là cái chợ làng sát cạnh nhà tôi, trước kia vốn là cái sân kho của hợp tác xã.
Người làng tôi vẫn có thói quen nói to, giữa đường giữa chợ cũng như ở nhà đều thoải mái mà oang oang, nếu thoạt nghe cứ tưởng cãi nhau nhưng không phải. Ăn to nói nhớn quen rồi. Thế nào là tự do nhỉ!
Người làng tôi vẫn có thói quen nói nhiều,nói một lần sợ người nghe chưa thấu nên cứ thích nói đi nói lại. Dù là lần thứ mấy rồi thì cũng vẫn sôi nổi nóng hổi nguyên xi như đang nói lần đầu. Mà chuyện gì cũng muốn đem chia sẻ hết với bà con làng xóm. Thế cho nhẹ người,giữ trong lòng làm gì.
Chợ làng chỉ họp buổi sáng chừng 8rưỡi 9 giờ là tan hết, kể cả rác cũng được dọn sạch sẽ không còn gì. Sáng ra, người ta đến chợ mua cá mua rau, mua đủ thứ. Mua ít mua nhiều chẳng ai muốn về nhà ngay nếu không có gì vội vàng. Người ta hay nán lại ngó nghiêng xem có gì hay, có gì mới chuyện xóm chuyện làng. Rồi thì chỗ kia túm năm chỗ này tụm bảy, nhất là các bà các chị. Người ta hào hứng chia sẻ chuyện nhà mình, hào hứng tham gia bình luận chuyện của hàng xóm, chẳng khác nào một mạng xã hội thu nhỏ.Thế mới thấy cái nhu cầu trao đổi chia sẻ thông tin luôn hiện hữu mọi nơi mọi lúc.
Người làng tôi vẫn thế.Nếu có ai đó ở xa về thì kiểu gì cũng phải vây lấy trầm trồ xuýt xoa. Kiểu gì cũng phải tíu tít hỏi thăm và háo hức đợi chờ. Tình cảm thật nồng ấm thân thương. Tôi cứ mỉm cười lâng lâng, nghĩ bụng rằng giá có được đi cái chợ tình Sa Pa thì có lẽ cũng chỉ hấp dẫn đến thế thôi là cùng.
Nhiều người đã rất ngạc nhiên, thích thú khi thấy con gái tôi nói đặc sệt giọng làng mình: "Cũng biết nói tiếng làng mình ư,giỏi quá". Còn con gái cũng ngạc nhiên không kém:
- Mẹ ơi con nói tiếng quê mà ai cũng cười là sao?
Ai nghe cũng cười, cười vì con bé vốn không được sinh ra và lớn lên ở đây những lại thích nói giọng quê với ông bà và mọi người. Xã có bốn làng thì mỗi làng nói một giọng khác hẳn nhau. Nhưng có lẽ cái tiếng của làng tôi là đặc biệt đáng nhớ hơn cả, nổi tiếng trong vùng vì khó nghe khó nói.
Người lạ mới vào làng dẫu có láng tai lên mà nghe cũng khó mà hiểu hết nếu không hỏi lại.Cái giọng nghe lơ lớ nằng nặng như tiếng miền Trung bởi dấu câu nhảy múa đổi chỗ loạn xạ Rồi thì ngọng líu ngọng lo, ngọng cả âm cả vần lại thêm những từ đệm có lẽ không bao giờ tìm thấy nghĩa của chúng trong từ điển. Chẳng người ngoài nào hiểu nếu không được phiên dịch.Thế đấy. Bởi vậy mới nói.
Tiếng làng tôi quá đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Nhiều lần giữa phồn hoa đô thị chợt nghe ông ổng quen thuộc cái giọng làng ta. Vẫn thoải mải nói thật to, thật...líu lo khiến người đi đường cũng thấy lạ mà ngoái nhìn. Kệ chứ.Thế mới thích. Nghe thân thương lắm. Thấy cả một chút tự hào len ấm vào trong tim. Còn gì bằng khi đồng hương gặp nhau giữa nơi đất khách mà như thấy được cả quê nhà ấm áp.
Giờ thì mỗi lần về quê lại một lần thấy như lạ hơn, xa hơn. Lạ vì lớp trẻ lớn lên thật khó mà nhận ra con cái nhà ai bởi chúng nói còn pha giọng nữa. Nghĩa là không còn ngọng mấy, không còn sai dấu mấy, bớt lệch âm hơn, nhẹ nhàng hơn. Cũng phải thôi. Chúng đi học hành giao tiếp ngoài xã hội thì phải vậy. Trẻ con giờ nứt mắt ra là bố mẹ chúng đã nắn giọng cho rồi..Đúng là đúng hơn nhưng sao nghe trôi trối lỗ tai, sường sượng như nhai phải thứ gì nửa sống nửa chín. Không chạnh lòng sao được. Người lớn trong làng cũng không thích vậy. Các cụ bảo " Chửi cha không bằng pha tiếng" đủ thấy giọng nói vùng miền ông bà tổ tiên để lại có ý nghĩa và đáng gìn giữ như thế nào. Ấy là khi bị người ngoài nhại tiếng mình còn phải biết tự ái.Đằng này thì... Trẻ con chẳng nói làm chi nhưng bố mẹ chúng cái lứa 8X, 9X ấy, ra ngoài thì chớ chứ đã ở làng ta thì cứ tiếng làng ta mà nói với người làng ta, pha thêm cái giọng thiên hạ vào làm gì. Hay mình khó tính, mình cổ hủ chăng? Có lẽ thứ mình thích không phải ai cũng thích.
Nhiều người làng tôi đã định cư mấy chục năm ở thành phố lớn mà vẫn giữ nguyên tiếng mẹ đẻ cả giọng lẫn phong cách nói chuyện mọi lúc mọi nơi. Kể ra đôi khi hơi bất tiện trong giao tiếp đấy nhưng có sao đâu. Cuộc sống đa sắc màu, văn hóa cũng thế.Có nghe đâu đó rằng nói ngọng là văn hóa địa phương, đứng ở góc độ như tôi bây giờ thì thấy cũng có lý.Với tôi, tiếng nói của làng mình là một phần hồn cốt quê hương mang theo trong lòng. Ai sống xa quê mới thấu.
Làng tôi không còn như xưa. Cũng giống như hôm vừa rồi khi đi qua cái giếng làng trước kia vốn sâu thẳm trong vắt những bèo ong hoa sang hoa súng. Là nơi cả làng ra lấy nước ăn, cùng nhau giữ gìn không bao giờ để ô úê vẩn đục gì xung quanh. Không những thế nghe các cụ còn bảo nơi ấy linh thiêng lắm vì nó là cái mắt rồng đất làng tôi vốn hình con rồng. Vậy mà giờ trẻ con nó bơi tòm tõm cả ngày. Thậm chí cả những đàn vịt trắng phau cũng tranh thủ lúc vắng người mà lượn tung tăng. Chẳng còn ai giữ. Giữ làm gì. Giờ ai ăn nước giếng nữa đâu. Có lẽ nó cũng hết thiêng mất rồi, không còn ai sợ "phạm thượng" ở đó nữa.Mọi giá trị đã thuộc về dĩ vãng. Thời buổi hội nhập, cùng với những"thay da đổi thịt" trên khắp quê hương thì những giá trị về văn hóa tinh thần lại đang dần mai một hoặc biến dạng trên chính quê hương mình. Cái được cái mất cứ xoắn xuýt lấy nhau không sao tách ra được.
Dẫu sao được về quê là thích rồi, chẳng riêng gì tôi.
Thích nhất là được ăn toàn rau sạch và được...nói ngọng.
Hà Nội -
Chiều ngoại ô
27/07/2017
Hồn Quê Hồn Quê - Hoa Lê Hồn Quê