Số lần đọc/download: 1033 / 15
Cập nhật: 2017-02-10 13:03:22 +0700
Chương 3
B
ây giờ tôi biết tại sao mỗi lần Mẹ đi công tác xa về, Mẹ không cho tôi đến đón tại ga xe lửa. Hiển nhiên là Mẹ muốn đứng một mình tại sân ga, yêu thích cái ảo tưởng ông sẽ ra gặp Mẹ. Tóc của Mẹ đã bạc rồi, thế mà bà mẹ tội nghiệp của tôi vẫn chỉ là một cô gái nhỏ si mê.
Ðúng ra Mẹ viết rất ít về mối tình này, mà phần lớn là những việc nhỏ nhặt trong đời Mẹ: tại sao Mẹ viết văn không hay; sự lo lắng và nghi ngờ về tài năng của Mẹ; tại sao San San hư thế và nên trừng phạt đứa con gái tinh quái thế nào; vì đãng trí, mẹ đã đọc sai giờ trình diễn và lỡ xem một vở kịch hay; mẹ đi dạo mà quên mang dù và bị ướt sũng nước mưa... Linh hồn Mẹ ở với ông ta ngày đêm, như là một cặp tình nhân say đắm. Ðúng ra nếu tính toán thời gian hai người ở bên nhau trong suốt đời của họ, thì họ chỉ gần nhau khoảng hơn hai muơi bốn giờ thôi. Nhưng hai mươi bốn giờ này có lẽ phong phú và sâu xa hơn thời gian của những người sống bên nhau suốt cuộc đời.
Dường như ông ta chết một cách không bình thường trong cuộc Cách Mạng Vân Hóa. Có lẽ vì điều kiện chính trị đặc biệt của giai đoạn ấy nên nhật ký của Mẹ rất là mơ hồ. Tôi tự hỏi tại sao Mẹ bị tấn cống dữ dội vì tác phẩm của Mẹ, mà vẫn giữ thói quen viết nhật ký. Từ những chữ che giấu này, tôi có thể phỏng đoán ông ta bày tỏ sự nghi ngờ về lý thuyết cực đoan của người đang ở tột đỉnh quyền lực lúc ấy. Từ những trang nhật ký nhoè nước mắt của Mẹ, tôi có thể biết rằng ông bị đối xử tàn tệ, nhưng không bao giờ đầu hàng những kẻ quyền thế đang hành hạ ông. Ngay cả lúc sắp chết, lời cuối cùng của ông là, “Nếu các anh muốn gửi tôi đi gặp Các Mác, tôi cũng vẫn chống các anh trước mặt ông ta!”
Cái chết của ông ta có lẽ xảy ra vào mùa đông 1969, bởi vì mùa đông ấy, Mẹ mới xấp sỉ tuổi 50 mà bỗng nhiên tóc bạc trắng hết. Mẹ cũng đeo một băng tang đen nữa. Vào lúc đó, hoàn cảnh của Mẹ cũng rất khó khăn. Vì chiếc băng tang đen này, Mẹ đã bị đấu tố; người ta buộc tội Mẹ theo “bốn cổ hủ”, và bắt Mẹ phải cho biết Mẹ đeo băng tang cho ai.
Tôi lo lắng hỏi Mẹ, “Mẹ để tang ai thế?”
“Một người bà con!” Rồi sợ rằng tôi không hiểu, Mẹ giải thích, “Một người bà con mà con không biết.” Tôi hỏi, “Con có nên để tang không?” Mẹ làm một cử chỉ mà đã lâu Mẹ không làm, là khẽ vuốt mặt tôi, như Mẹ thường làm khi tôi còn bé. Mẹ không bày tỏ sự dịu dàng âu yếm này đã lâu lắm rồi. Tôi thường cảm thấy với tuổi đời và kinh nghiệm chồng chất, đặc biệt là vài năm tranh đấu gian khổ, sự dịu dàng âu yếm mỗi ngày một mất dần ở Mẹ. Hoặc là Mẹ cố giấu kín khiến tôi cảm thấy Mẹ giống như một người đàn ông.
Mẹ cuời một cách buồn bã và lơ đãng, “Không, con không cần.”
Ðôi mắt khô và mệt mỏi của Mẹ không còn một chút ẩm ướt, như thể không còn lệ để khóc nữa. Tôi rất muốn an ủi Mẹ, hoặc làm gì cho Mẹ vui. Nhưng Mẹ bảo tôi, “Ði ra chỗ khác.” Tôi không hiểu tại sao lúc đó lòng tôi dâng lên một cảm tưởng kinh hoàng; tôi cảm thấy như bà mẹ thân yêu của tôi đã bỏ tôi và đang theo đuổi một cái gì khác. Tôi bất giác bật kêu lên, “Mẹ ơi!”
Bà mẹ nhạy cảm của tôi chắc hiểu thái độ của tôi. Bà khẽ nói: “Ðừng sợ, đi chỗ khác chơi! Ðể mẹ ở yên một lúc.”
Tôi đã không lầm, bởi vì Mẹ viết:
Anh đã đi rồi. Một nửa hồn của em cũng đi theo anh. Em cũng không thể tìm ra anh ở đâu, chứ đừng nói được nhìn thấy mặt anh lần cuối. Em cũng không có quyền hỏi họ nữa, bởi vì em không là người nhà của anh cũng không là bạn thân của anh khi anh còn sống... Chúng ta đã chia tay thế này đấy. Phải chi em có thể chịu đựng sự tra tấn vô nhân đạo ấy thay cho anh để anh có thể tiếp tục sống! Ðáng lẽ anh phải tiếp tục sống cho cái ngày anh được phục hồi, cho những người yêu anh, để tiếp tục làm việc cho cái xã hội này. Em sẽ không bao giờ tin anh là cái mà họ gọi là phần tử tam phản. Anh là người xuất chúng nhất trong số những người bị bức tử. Nếu anh không thế thì làm sao em có thể yêu anh? Em không còn sợ nói lên ba chữ ấy nữa.
Tuyết rơi không ngừng. Ngay Thượng Ðế cũng đạo đức giả nữa, khi dùng cái màn tuyết trắng để che giấu máu của anh và cái hành động sát nhân này.
Em chưa bao giờ quan tâm đến đời sống của em. Nhưng bây giờ em không ngừng tự hỏi có bất cứ lời nói hoặc hành động nào của em đã khiến anh phải cau mặt. Em chỉ muốn sống một cuộc đời xứng đáng như anh, và làm một cái gì cho xã hội của chúng ta.
Một mình em, em bước trên con đường lát gạch ấy, nơi trước kia có lần chúng ta sánh bước bên nhau, lắng nghe tiếng bước chân cô đơn của em vọng lên trong đêm tối im lặng... Em đã từng lang thang trên con đường ấy biết bao lần, nhưng chưa bao giờ đau đớn bằng lần này. Trước kia, ngay cả khi không có anh ở bên, em biết rằng anh vẫn còn trên đời này, và em cảm thấy như có anh đi bên em. Nhưng bây giờ, anh đã vĩnh viễn mất rồi; em thực không thể tin như thế!
Em bước tới cuối con đường, quay lại, và bước đi một lần nữa.
Theo thói quen, em tựa vào hàng rào và quay đầu lại, như thể có anh đang đứng đó, vẫy chào từ biệt em. Chính tại đây chúng ta lơ đãng khẽ mỉm cười, như hai kẻ không có tình ý thiết tha với nhau, để cố gắng che giấu tình yêu đã khắc sâu của chúng ta. Hôm ấy là một buổi tối đầu xuân không có vẻ thơ mộng chút nào; một làn gió lạnh giá vẫn thổi. Chúng ta im lặng bước, tuy bên nhau nhưng hơi cách xa. Anh thở khó khăn vì anh đang bị bệnh viêm cuống phổi kinh niên hành hạ. Em lo cho anh lắm, và muốn đi chậm lại đôi chút. Nhưng em không hiểu tại sao em không thể đi chậm được. Chúng ta cùng bước mau, như thể có việc quan trọng đang chờ chúng ta đến nỗi chúng ta phải vội vàng bước cho mau hết con đường. Ôi chúng ta trân quý biết bao cuộc đi dạo này, cuộc đi dạo duy nhất trong đời chúng ta! Tuy thế chúng ta đều sợ, sợ chúng ta không thể kiềm giữ được mình, để chúng ta sẽ bộc lộ ba chữ kinh khủng đã gây đau đớn cho chúng ta trong bao nhiêu năm: “Em Yêu Anh” và “Anh Yêu Em.” Ngoài anh và em ra, có lẽ không ai trên đời này có thể tin rằng chúng ta chưa một lần nắm tay nhau! Còn nói chi đến những chuyện khác!