Books are lighthouses erected in the great sea of time.

E.P. Whipple

 
 
 
 
 
Tác giả: Oscar Wilde
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 13
Cập nhật: 2021-08-28 15:43:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Cậu Bé Ngôi Sao
gày xưa cũng đã lâu lắm rồi có hai bác tiều phu nghèo khổ. Một đêm nọ trên đường trở về nhà họ đi qua một khu rừng thông rất lớn. Đang là mùa đông, đêm ấy trời lạnh cắt da cắt thịt. Tuyết phủ một lớp dầy trên mặt đất, trĩu nặng các cành cây. Sương giá làm cho các cành cây nhỏ kêu răng rắc ở hai bên con đường mòn khi họ đi qua, và khi họ đi đến dòng thác chảy từ trên núi xuống thì nó như treo lơ lửng bất động trong không gian bởi vì vua Băng giá vừa hôn nó.
Phải, trời lạnh đến mức cả muông thú lẫn chim chóc đều không biết phải làm gì cho đỡ lạnh. “Úi dà!” chó Sói gầm gừ khi nó thất thểu đi qua mấy bụi cây rậm rạp với cái đuôi kẹp giữa hai chân sau, “thời tiết kinh khủng thế này à? Triều đình không làm gì để ngăn chặn lại ư?”. “Chiếp! Chiếp! Chiếp!” bầy chim Hồng tước líu ríu kêu lên, “trái đất già cỗi đã chết rồi và người ta phủ lên người bà một tấm vải liệm màu trắng”.
“Không đâu, trái đất chuẩn bị đi lấy chồng và đây là tấm áo cưới đấy chứ,” bầy chim Gáy ríu rít nói với nhau. Đôi chân màu hồng hồng của chúng đã buốt cứng lại, nhưng chúng cảm thấy mình có bổn phận phải đưa ra một cái nhìn lạc quan trong hoàn cảnh này.
“Nói vớ vẩn?” Sói gầm lên. “Tao bảo cho chúng mày biết đó là lỗi của triều đình, nếu chúng mày không tin, tao sẽ ăn thịt chúng mày ráo”. Sói có một bộ óc thực dụng, nó chưa bao giờ để thua trong các cuộc tranh luận.
“Về phần mình,” chim Gõ kiến lên tiếng, nó vốn sinh ra đã là một triết gia: “Tôi không quan tâm đến lí thuyết nguyên tử trong việc giải thích. Nếu một cái gì như thế nào thì nó sẽ là như thế thôi, và vào lúc này thời tiết thật kinh khủng”.
Phải, trời lạnh dễ sợ. Lũ Nhím nhỏ bé sống trong những hốc cây thông cao vút cứ cọ mũi vào nhau để giữ hơi ấm. Bầy Thỏ cuộn tròn lại trong hang, thậm chí còn không có can đảm nhìn ra ngoài nữa. Những cư dân duy nhất trong rừng tỏ vẻ tí tởn là loài Cú. Bộ lông của chúng đã cứng lại vì sương muối nhưng chúng không màng đến chuyện đó mà cứ giương đôi mắt tròn xoe, to tướng màu vàng vàng lên mà gọi nhau í ới từ góc rừng này sang góc rừng kia. “Tu huýt! Tu huýt! Tu huýt! Thời tiết mới tuyệt làm sao!”
Hai bác tiều phu nọ vẫn lầm lũi bước đi, thổi phù phù vào các đầu ngón tay, đạp đôi giầy đế sắt lên các tảng băng. Một lần họ lún xuống một đống tuyết xốp, lúc chui ra thì người đã trắng xóa như mấy bác phó cối khi toàn thân bám đầy bụi từ bột đá tán nhuyễn. Một lần khác họ trượt xuống một tảng băng cứng ngắc trơn như bôi mỡ, nơi nước trong đầm lầy đóng thành băng. Những thanh củi họ đốn được rơi cả xuống tuyết và họ phải nhặt lên bó chặt lại lần nữa. Một lần khác họ đã tưởng mình lạc đường, nỗi khiếp đảm xiết chặt lấy họ bởi vì họ biết rằng Băng Tuyết rất cay độc với những kẻ ngủ trong vòng tay của bà ta. Nhưng hai bác tiều này có lòng kính Chúa, tuyệt đối tin tưởng vào Thánh Martin, vị Thánh của tất cả những người khách bộ hành, nên họ đã quay ngược lại, thận trọng từng bước đi. Cuối cùng họ cũng ra ngoài bìa rừng và nhìn thấy xa xa, phía thung lũng bên dưới, ánh lửa bập bùng của làng quê thân yêu.
Quá sung sướng vì cuối cùng đã được giải thoát khỏi nỗi lo, họ cất tiếng cười sung sướng. Lúc ấy trái đất với họ là một đóa hoa bạc còn vầng trăng là một đóa hoa vàng.
Nhưng ngay sau đó họ lại buồn thỉu buồn thiu khi nhớ đến cái nghèo của mình và một người nói: “Tại sao chúng ta lại cười vui thế, cứ như thể chúng ta có một cuộc sống sung túc chứ không phải nghèo so nghèo sưới như thế này? Cứ chết quách nơi tuyết lạnh trong rừng hay để cho thú dữ chồm lên ăn thịt có lẽ còn hay hơn”.
“Đúng thế,” người kia phụ họa, “bất công chia đều ra trên đời này, hoặc giả nó cũng được chia đều để giữ lại những đau buồn”.
Trong lúc họ đang than vãn về nỗi bất hạnh của mình thì một chuyện lạ xảy ra. Một ngôi sao sáng trưng, tuyệt đẹp từ thiên đường rơi xuống. Nó trượt ngay trên đầu họ, vun vút lao qua các ngôi sao khác. Trong khi hai người ngửa cổ nhìn lên họ thấy dường như nó rơi xuống sau một lùm cây sậy mọc trơ trọi gần một bãi rào nhốt cừu, như một viên đá bị ai ném xuống.
“Cái gì thế nhỉ? Một cục vàng cho bất cứ ai tìm thấy nó?” Cả hai kêu lên và co cẳng chạy, ai cũng háo hức có cho được cục vàng.
Một người chạy nhanh hơn bạn, vượt qua người kia lao vào bãi sậy rồi chạy qua phía bên kia. Và trời ơi! Đúng là có một miếng vàng to đang nằm trên tuyết trắng thật. Thế là bác ta vội vã lao về phía đó, cúi xuống chạm tay vào vật ấy. Đó là tấm áo khoác bằng vàng, rơi xuống cùng với ngôi sao và bọc quanh nó bằng nhiều lớp. Bác tiều phu lớn tiếng nói với bạn là mình đã tìm thấy báu vật từ trên trời rơi xuống. Khi người bạn chạy đến họ cùng ngồi bệt xuống tuyết, giở từng lần vải bọc ra để chia nhau số vàng. Nhưng trời đất, chẳng hề có vàng bạc gì cả, cũng chẳng phải của báu gì hết, chỉ là một hài nhi đang say ngủ.
Một người lên tiếng nói với người kia: “Thật là một kết cục cay đắng cho hi vọng của chúng ta, đã chẳng có của quý gì hết chúng ta lại vớ phải cái của nợ này. Một đứa nhóc thì có ích gì cho một người đàn ông kia chứ? Thôi cứ để mặc nó ở đây, chúng ta đi về thôi. Nhìn xem, chúng ta là những kẻ nghèo rớt mùng tơi, đến con mình cũng còn chẳng có đủ bánh mì cho chúng ăn nữa là!”
Nhưng người kia đáp: “Không được, để một đứa trẻ lại đây để cho nó chết cóng trong tuyết là một việc làm thất đức. Mặc dù tôi cũng nghèo chẳng kém gì bác lại có mấy miệng ăn phải lo nhưng dù chỉ có cái dính nồi tôi cũng sẽ mang đứa bé này về nhà, vợ tôi sẽ chăm sóc nó”.
Nói rồi bác nhẹ nhàng bế đứa bé lên, quấn áo khoác quanh người nó để cho nó có thể chống chọi lại cái lạnh kinh người rồi đi xuống dốc quay về làng. Bạn bác đi theo băn khoăn tự hỏi về trái tim vừa ngu ngốc vừa nhân hậu của bạn mình.
Khi họ vào trong làng, người bạn chìa tay ra nói: “Bác có đứa bé rồi, vậy hãy đưa cho tôi cái áo khoác, thế là cả hai đều có phần của mình”.
Nhưng bác tiều kia đáp: “Không được, cái áo này chẳng phải của tôi cũng chẳng phải của bác mà là của đứa bé.” Nói xong bác chúc bạn may mắn rồi đi về nhà mình, gọi cửa.
Vợ bác ra mở cửa thấy chồng mình trở về an toàn, bèn quàng tay quanh cổ chồng hôn lên má ông đánh chụt một cái, sau đó tháo bó củi trên lưng bác trai xuống, phủi tuyết khỏi đôi giày ống và mời bác vào nhà.
Nhưng bác trai vẫn đứng ngoài ngưỡng cửa, nói: “Tôi tìm thấy một thứ trong rừng và mang về cho mình đây”.
“Cái gì vậy?” Bác gái kêu lên. “Cho tôi xem với, nhà mình trống trơn trống trọi, chúng ta cần nhiều thứ lắm đấy.”
Nghe thế bác trai lật cái áo khoác ngoài chìa ra cho bác gái xem một đứa trẻ đang ngủ.
“Trời đất, ông xã nhà tôi giỏi giang quá nhỉ?” Bác gái cằn nhằn, “bộ nhà ta còn chưa đủ miệng ăn để ông cần phải mang một đứa về chiếm chỗ bên lò sưởi sao? Với lại ai biết được có khi nó chỉ mang những chuyện xui xẻo đến? Làm sao chúng ta hầu hạ nổi nó đây?” Bác gái càng nói càng giận sôi lên.
“Này mình, đây là một đứa bé từ trên trời rơi xuống đấy,” bác trai nói giọng nhẹ nhàng rồi kể lại cho vợ nghe việc bác tìm được đứa bé này lạ lùng ra sao.
Nhưng bác gái chẳng những không lấy gì làm vui vẻ mà còn móc mỉa, giận dữ và hét lên: “Con tôi còn chẳng có bánh mà ăn tại sao tôi lại phải nuôi con nhà người? Rồi ai quan tâm đến chúng ta đây? Ai cho chúng ta thức ăn đây?”
“Mình ơi, Chúa cũng còn chăm nom cả đến những con chim sẻ và cho chúng ăn nữa là”.
“Thế lũ sẻ không chết đói trong mùa đông à? Bây giờ không phải đang là mùa đông hay sao?” Bà vợ dồn dập hỏi nhưng bác tiều phu không đáp mà cũng không bước qua ngưỡng cửa. Một ngọn gió lạnh buốt từ trong rừng thổi tới, ào qua cánh cửa mở, làm người đàn bà run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, bác vội nói: “Sao ông không vào nhà đóng cửa lại? Gió lạnh thổi vào nhà làm tôi rét run lên đây này”.
“Trong một ngôi nhà có trái tim cứng như đá chẳng phải đã sẵn lối cho gió lạnh thổi vào sao?” Người chồng hỏi và người vợ chỉ im lặng đi đến gần bếp lửa hơn.
Một lát sau bác gái quay đầu lại nhìn chồng, đôi mắt đẫm lệ, đến lúc đó bác trai mới bước vào nhà, đặt đứa bé vào tay vợ. Người đàn bà hôn lên trán nó rồi đặt nó vào một cái giường nhỏ, cạnh đứa con út của họ. Sáng hôm sau bác tiều phu cởi cái áo khoác bằng vàng của bé cất vào trong một cái rương lớn, còn vợ bác thì tháo chuỗi hạt bằng hổ phách đeo ở cổ nó và cũng cho vào trong rương.
Từ đấy đứa bé Ngôi Sao lớn lên cùng với những đứa con của bác tiều phu, ngồi ở cùng bàn ăn với chúng và cùng chơi với các bạn. Càng lớn lên nó càng đẹp đến mức làm dân làng hết sức ngạc nhiên bởi vì trong khi tất cả mọi người đều có nước da ngăm ngăm và mái tóc đen thì cậu bé lại có nước da trắng mịn màng ngỡ như men sứ, mái tóc vàng quăn thành từng lọn như cánh hoa thủy tiên, đôi môi như cánh hồng thắm đỏ, đôi mắt tựa loài hoa tím mọc bên bờ một dòng suối trong xanh và thân hình mềm mại, dẻo dai như nhành cây thủy tiên mọc trên cánh đồng nơi người thợ gặt chưa hề đặt chân đến.
Tuy vậy, cậu bé xinh đẹp bao nhiêu thì cũng xấu tính bấy nhiêu. Càng lớn lên nó càng ngạo mạn, độc ác và ích kỉ. Những đứa trẻ trong gia đình đã nuôi nấng nó, những đứa trẻ trong làng đối với nó đều đáng khinh vì chúng là con của những người dân tầm thường trong khi nó có nguồn gốc xuất thân thật cao quý, từ một vị tinh tú trên trời. Thế là nó tự cho mình là chúa tể, gọi những đứa khác là kẻ hầu người hạ của nó. Thằng bé không có một chút từ tâm dành cho người nghèo, người mù lòa, người tàn tật hoặc bất cứ ai có chuyện đau lòng. Trái lại nó còn ném đá vào họ, đuổi họ đi, bắt họ phải đi kiếm miếng ăn ở nơi khác. Chính vì thế mà những kẻ bất hạnh này chẳng dám ló mặt đến ngôi làng của thằng bé đến lần thứ hai.
Thật vậy, đó là một đứa bé có gương mặt của một thiên thần nhưng lại chuyên mỉa mai, chế giễu và bắt nạt kẻ yếu, người hèn, đưa họ ra làm trò tiêu khiển. Nó chỉ yêu và ngưỡng mộ bản thân mình và vào mùa hè, trong những chiều đứng gió nó thường soi mình xuống cái giếng trong vườn cây ăn quả của vị linh mục, ngắm nghía khuôn mặt đẹp tuyệt vời của mình rồi cất tiếng cười sung sướng, tự hào về vẻ đẹp không gì sánh được ấy.
Vợ chồng bác tiều phu thường la rầy đứa con nuôi: “Chúng ta không bao giờ đối xử với con như một đứa trẻ bị bỏ rơi, không ai giúp đỡ. Tại sao con lại tỏ ra độc ác với tất cả những người cần tình yêu thương và sự nâng đỡ như vậy?” Cả ông linh mục già cũng thường được mời đến để dạy thằng bé phải có tình yêu đối với mọi sinh vật trên đời.
Cha thường nói: “Cả con ruồi cũng là người anh em của con. Đừng làm hại nó. Con chim hoang dã bay lượn trong khu rừng cũng có quyền tự do của nó. Đừng đánh bắt nó chỉ vì muốn đùa vui. Chúa tạo ra cả sâu bọ và loài gặm nhấm, điều đó có nghĩa là chúng cũng có chỗ của mình ở trên đời. Con là ai mà dám đem đau thương đến thế giới của Chúa? Cả đến con dê, con bò trên cánh đồng kia cũng ca ngợi Chúa, con à.”
Nhưng thằng bé Ngôi Sao chẳng những không nghe những lời hay lẽ phải đó mà còn nhâng nháo miệt thị, nó quay lại chỗ bạn bè và cầm đầu bọn chúng. Tất cả bọn trẻ con đều nghe theo nó bởi vì nó đẹp, có đôi chân như chân loài linh dương nhảy múa rất giỏi và bởi vì nó còn có thể làm ra ống sáo và thổi lên những khúc nhạc mê li, réo rắt. Dù nó đi đâu bọn trẻ cũng lẽo đẽo đi theo và dù nó có sai khiến việc gì bọn trẻ cũng nhắm mắt làm theo. Khi nó lấy một ống sậy vót nhọn chọc thủng đôi mắt của một con chuột chũi, chúng vỗ tay hoan hô. Khi nó ném đá vào một người hủi chúng hô hố cười, tán thưởng. Nó là thủ lĩnh của bọn chúng và lâu dần trái tim chúng cũng rắn lại, độc địa như chính thằng bé ấy.
Rồi một hôm có một bà ăn mày đáng thương đi qua làng. Áo quần bà rách rưới, bẩn thỉu, đôi chân trần túa máu vì con đường đầy sỏi đá mà bà đã đi qua. Rõ ràng là bà đang ở trong cảnh khốn khó và khi không còn sức đi tiếp bà bèn ngồi xuống dưới gốc một cây dẻ nghỉ ngơi.
Chợt thằng bé Ngôi Sao đi qua nhìn thấy. Nó bèn quay qua ra lệnh với lũ đệ tử: “Coi kìa, có một mụ ăn mày gớm chết đang ngồi dưới gốc cây dẻ xanh tươi, xinh đẹp kia. Hãy đến đấy đuổi mụ ta đi vì trông mụ mới xấu xí và kinh tởm làm sao”.
Nói xong nó chạy đến gần, ném đá vào người bà, réo lên chửi những lời độc địa. Bà ăn mày nhìn nó với đôi mắt bàng hoàng, dường như bà không thể đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Chợt lúc ấy bác tiều phu vác một ôm củi nặng đi qua, chứng kiến việc nó làm bèn bỏ bó củi xuống chạy đến chỗ nó quở mắng: “Con thật là một đứa trẻ độc ác, không biết đến tình thương là gì. Người đàn bà tội nghiệp kia đã làm gì hại đến con mà con lại đối xử tàn nhẫn như thế?”
Thằng bé Ngôi Sao đỏ mặt lên vì giận dữ, dậm chân thình thịch xuống đất và gào lên: “Ông là cái thá gì mà dám hỏi tôi câu đó? Tôi không phải là con ông cho nên ông chẳng có quyền hoạnh họe tôi”.
“Mày nói đúng đấy con ạ, nhưng ta là người đã rủ lòng thương mà nhặt mày từ trong rừng về”.
Khi người hành khất nghe thấy những câu nói này, bà bật lên một tiếng kêu thảng thốt rồi ngã lăn ra đất bất tỉnh. Bác tiều phu bế bà ăn mày vào trong nhà và bác gái làm mọi cách để cho bà tỉnh lại. Sau đó họ bày trước mặt người ăn mày nào sữa nào thịt và mời mọc bà ăn. Nhưng người đàn bà không ăn không uống chỉ gặng hỏi bác tiều phu: “Có phải ông nói đã tìm được đứa bé này trong rừng? Có phải là ông đã tìm được nó đúng ngày này mười năm về trước?” “Phải, tôi đã tìm được nó ở ngoài bìa rừng và kể cũng đúng mười năm rồi đó.”
“Ông có tìm thấy vật gì đi kèm với nó không?” Người đàn bà dồn dập hỏi. “Có phải cổ nó có đeo một chuỗi hạt hổ phách, còn có một cái áo vàng thêu những ngôi sao bạc khoác ngoài phải không?”
“Đúng thế,” bác tiều phu sửng sốt đáp, “đó đúng là những vật mà bà đã nói”. Đoạn bác chạy đến cái rương lấy ra chiếc áo khoác và chuỗi hạt hổ phách đưa cho bà.
Khi nhìn thấy những vật này, người đàn bà òa khóc vì sung sướng: “Nó chính là đứa con tôi đã để lạc mất trong rừng. Tôi cầu xin ông hãy cho gọi nó đến đây, nhanh lên, để tìm nó tôi đã phải đi lang thang khắp thế gian này”.
Vợ chồng bác tiều phu ra ngoài gọi Ngôi Sao về và bảo.
“Vào nhà đi, mẹ đẻ của con đang đợi con trong đó.”
Ngôi Sao chạy vào lòng vui mừng khôn xiết, nhưng khi thấy người hành khất ngồi đấy nó cau mày khinh bỉ: “Cái gì! Mẹ tôi đâu rồi? Sao tôi chẳng thấy ai ngoài người ăn mày thối tha này?”
“Ta là mẹ con đây.”
“Chắc bà điên rồi nên mới nói như thế.” Ngôi Sao giận dữ kêu lên. “Ai thèm làm con bà, một con mụ ăn mày, xấu xí, rách rưới nom gớm chết. Hãy đi khỏi đây ngay, đừng bao giờ để tôi thấy mặt bà nữa.”
“Nhưng con đúng là con trai của mẹ, người mà mẹ đã bị cướp mất trong rừng.” Người mẹ đáng thương kêu lên, quỳ xuống đất, giang hai tay ra cho con. “Bọn cướp đã cướp con khỏi tay mẹ và để con đấy cho đến chết. Mẹ đã nhận ra con ngay từ đầu, cả những vật đi kèm với con nữa, cái áo khoác vàng và chuỗi hạt hổ phách. Xin con hãy đi với mẹ, mẹ đã vượt qua trăm sông ngàn suối để tìm con. Đi với mẹ đi con trai, mẹ cần tình yêu thương của con.” Nhưng đứa trẻ đứng im không nhúc nhích, nó khóa kín cửa trái tim ngay trước mũi mẹ nó nơi không một âm thanh nào của tiếng khóc cay đắng ngậm ngùi của người mẹ vọng vào được.
Cuối cùng nó mở miệng nói một cách phũ phàng cay độc: “Dù bà có là mẹ của tôi đi chăng nữa thì ít nhất bà cũng tránh xa nơi đây mới phải, đừng có đến đây để mang đến cho tôi nỗi hổ nhục. Coi đây, tôi bao giờ cũng nghĩ mình là con của một ngôi sao chứ không phải của một mụ ăn mày, thế mà bây giờ bà đến đây nói toạc tôi là ai. Bây giờ thì biến đi, đừng để tôi thấy mặt bà nữa.”
“Trời ơi, con trai. Con không nỡ hôn mẹ một cái trước khi mẹ ra đi sao? Mẹ đã trải qua không biết bao nhiêu cực khổ để tìm con”.
“Không, trông bà đến sợ, tôi thà hôn một con rắn lục hay một con cóc ghẻ còn hơn”.
Nghe thế người đàn bà chỉ còn biết vùng dậy, loạng choạng đi về phía khu rừng vừa đi vừa khóc dấm dứt.
Khi thấy người đàn bà đi khuất, Ngôi Sao thở phào nhẹ nhõm và nó quay lại chỗ đám bạn đang chơi. Nhưng khi thấy nó đến gần, bọn trẻ giật mình, chế nhạo: “Coi kìa, trông mày xấu xí như một con cóc ghẻ và ghê tởm như một con rắn độc. Cút khỏi đây mau, chúng tao không muốn chơi với mày nữa. Eo ôi, kinh quá.” Nói rồi bọn trẻ lấy cành cây xua nó ra khỏi vườn.
Ngôi Sao cau mày không hiểu ra làm sao cả, nó tự nhủ: “Chúng nó nói với mình như thế là có ý gì nhỉ? Mình phải ra bờ giếng, mặt nước trong vắt sẽ cho mình biết mình đẹp như thế nào.”
Nhưng khi nó cúi mình qua thành giếng nhìn xuống thì trời ơi, khuôn mặt nó là khuôn mặt một con cóc, còn toàn thân nó thì đóng vẩy như vẩy rắn. Thế là nó ngã sõng soài trên cỏ, khóc tức tưởi và tự nhủ: “Chắc chắn mình trở nên quái dị như thế này là vì tội bất hiếu. Ai bảo mình đã từ bỏ mẹ ruột của mình, đuổi bà đi và đối xử tàn nhẫn với mẹ. Bây giờ mình phải đi tìm mẹ dù có phải xới tung cả trái đất này lên. Mình sẽ cố tìm cho đến khi gặp được mẹ mới thôi.”
Đúng lúc ấy cô con gái bác tiều phu tìm đến chỗ Ngôi Sao đang nằm khóc. Cô bé đặt một tay lên vai bạn, thủ thỉ: “Bạn mất đi vẻ đẹp thì cũng có phải là chuyện gì ghê gớm lắm đâu? Hãy ở lại với chúng tôi, tôi sẽ không bao giờ chế giễu bạn.”
“Không thể được, tôi đã quá độc ác với chính mẹ mình và đây chính là hình phạt cho tội bất hiếu của tôi. Bây giờ tôi phải đi ngay cho đến khi tìm được mẹ và xin mẹ tha thứ.” Nói xong nó chạy ngay vào rừng gào to lên gọi mẹ, nhưng chỉ có sự im lặng của rừng cây đáp lại tiếng kêu tha thiết của nó. Suốt cả ngày nó gào lên gọi mẹ, và khi mặt trời lặn nó nằm ngủ trên lớp lá rừng. Chim và muông thú trông thấy vội tránh xa nó vì chúng vẫn nhớ sự độc ác của nó, chỉ có một con cóc ghẻ ngắm nhìn nó và một con rắn lục chậm chạp bò qua người nó.
Sáng hôm sau nó thức dậy hái mấy trái cây dại trong rừng ăn cho đỡ đói, rồi lại lầm lũi băng rừng, vừa đi vừa khóc, gặp bất cứ con vật nào nó cũng lên tiếng hỏi về mẹ may ra có biết được tin tức không.
Gặp chuột Trũi nó hỏi: “Bạn có thể sục sạo khắp mặt đất. Nói cho tôi nghe, mẹ tôi ở đâu?”
Chuột Trũi đáp: “Cậu đã chọc mù đôi mắt của tôi. Thử hỏi làm sao tôi còn nhìn thấy được?”
Gặp chim Hồng Tước nó van nài: “Bạn có thể bay cao hơn cả những ngọn cây cao nhất, có thể nhìn được khắp nơi. Nói cho tôi nghe, mẹ tôi ở nơi nào?”
“Nhưng anh đã vặn gãy đôi cánh của tôi để chơi. Làm sao tôi còn bay được nữa?”
Gặp một chú sóc nhỏ sống trên một cây thông, nó ngỏ lời.
“Bạn biết mẹ tôi ở đâu không?”
“Anh đã lấy đá ném tôi. Bây giờ anh còn tìm đến đây để chọc phá tôi sao?”
Ngôi Sao chỉ còn biết cúi đầu khóc một cách cay đắng, rồi cầu xin tất cả những sinh vật của Chúa tha thứ cho nó. Cứ thế nó đi miết trong rừng, đến ngày thứ ba thì nó ra khỏi rừng đi xuống một thung lũng.
Khi nó đi qua các xóm làng, bọn trẻ con xúm lại chế giễu nó, ném đá vào người nó. Người ta xua đuổi không cho nó ngủ cả trong chuồng bò vì sợ nó có thể mang đến xúi quẩy và bệnh dịch cho những cánh đồng trồng bắp của họ. Trông nó thật quái dị vì vậy mà dân làng ở những nơi nó đi qua thuê người xua đuổi nó đi. Chẳng có một ai rủ lòng thương nó và nó cũng không hề nghe thấy ai nói có nhìn thấy người ăn mày giống như mẹ nó đi qua.
Trong suốt ba năm trời, nó đã đi khắp mọi nơi trên trái đất. Dường như bóng mẹ nó luôn luôn thấp thoáng phía trước, nó có thể gọi mẹ, có thể chạy theo đuổi kịp bà cho đến khi đá nhọn làm chân nó toạc ra, chảy máu. Nhưng không bao giờ nó bắt kịp bà, những người mà nó gặp trên đường bao giờ cũng trả lời họ không gặp bà hoặc bất cứ một người nào giống bà và họ lấy làm thương hại cho thằng bé xấu xí.
Thế là suốt ba năm nó đã lang thang khắp chân trời góc biển, chẳng nơi nào nó gặp được tình thương hay lòng tốt, hay một sự cảm thông. Thế mà đấy vẫn là cái thế giới mà nó đã biết đến trong những ngày nó tự coi mình là con trai của một vì tinh tú.
Một tối nọ nó lê bước đến cổng một bức tường thành vững chãi nằm bên bờ một con sông rộng. Mặc dù vừa mệt, vừa đói với đôi chân đau nhức, nó vẫn tìm cách vào thành. Đội lính gác cổng thành hạ kích chắn ngang đường rồi hỏi nó giọng cộc cằn: “Mày có việc gì trong thành này?”
“Tôi đi tìm mẹ tôi,” nó van xin, “cầu xin các ông hãy cho tôi đi qua bởi vì có thể mẹ tôi đang ở trong thành.”
Cả bọn cười ồ lên chế nhạo nó. Một người còn nhích nhích bộ ria đen, hạ cái khiên xuống, kêu lên: “Nói thật nhé, mẹ mày sẽ không vui mừng gì khi thấy bản mặt xấu xí của mày, trông còn tởm hơn là một con cóc trong vũng lầy hoặc một con rắn bò dưới chân giậu. Biến khỏi đây ngay. Biến khỏi đây ngay. Mẹ mày không có mặt trong thành này đâu”.
Một người lính cầm trên tay một lá cờ vàng, lên tiếng hỏi nó: “Thế mẹ mày là ai? Cớ sao mày lại đi tìm bà
ấy?”
“Mẹ tôi là một kẻ ăn mày cũng như tôi, nhưng tôi đã đối xử với bà rất tệ bạc. Cầu xin các ông hãy rủ lòng thương cho tôi đi qua, có thể mẹ sẽ vui lòng tha thứ cho tôi nếu như mẹ tôi có lưu lạc trong thành”.
Nhưng dù nó có năn nỉ thế nào họ cũng không cho nó đi qua, lại còn dùng mũi giáo xua đuổi nó. Thằng bé thất thểu bỏ đi khóc sụt sùi. Chợt có một người mặc một chiếc áo giáp có khắc những bông hoa mạ vàng, đội một chiếc mũ trụ sáng loáng có hình một con sư tử có cánh đi đến, lên tiếng hỏi những người lính canh có chuyện gì xảy ra.
“Chỉ là một kẻ ăn mày và con của một kẻ ăn mày, chúng tôi đã đuổi cổ nó đi”.
“Không”, người mới đến cười to, “chúng ta sẽ bán con vật xấu xí ấy làm nô lệ, giá của nó sẽ bằng giá của một bát rượu ngọt”.
Vừa lúc ấy có một lão già vẻ mặt độc ác đi qua, nghe thấy cuộc trao đổi trên bèn nói to: “Lão sẽ mua thằng bé đó với cái giá ấy.” Trả tiền xong, lão già nắm tay Ngôi Sao dẫn nó vào thành.
Sau khi đi quanh co qua nhiều con phố, hai người đến trước một cái cửa nhỏ trổ trên một bức tường có một cây lựu lớn che khuất. Một bà già kéo một cái vòng làm bằng ngọc thạch anh treo trên cánh cửa, cửa mở ra, họ đi xuống năm bậc thang bằng đồng vào một khu vườn trồng đầy thuốc phiện đen và để san sát những cái bình gốm màu xanh làm bằng đất nung. Lão già lấy từ trong chiếc áo choàng ra một dải lụa bịt mắt thằng bé và đẩy nó đi lên phía trước. Khi chiếc khăn được tháo ra, Ngôi Sao thấy nó đang ở trong một gian hầm tối, được thắp sáng nhờ nhờ bởi một ngọn đèn đặt trong một chiếc sừng.
Lão già đặt một mẩu bánh mì mốc meo lên một cái thớt để trước mặt nó rồi buông thõng một câu: “Tọng đi”. Sau đó lão lại đưa cho thằng bé một li nước lờ lợ mằn mặn, bảo nó: “Nốc đi!”. Khi thằng bé ăn uống xong, lão già đi ra ngoài, khóa cánh cửa hầm lại rồi cẩn thận choàng thêm một vòng xích sắt nữa.
Sáng hôm sau, lão già – chính là một lão phù thủy tài nghệ cao cường nhất trên xứ Libya, người đã học nghệ thuật làm phép từ một người sống trong một hầm mộ mạn sông Nile – đến tìm thằng bé, nhe răng dữ tợn với nó rồi nói: “Trong một khu rừng gần cổng thành Giaours có ba cục vàng. Một cục vàng màu trắng, một cục màu vàng và một cục màu đỏ. Hôm nay mày phải mang về cho tao cục vàng trắng, nếu không lấy được mang về đây tao sẽ quất cho mày đủ 100 roi. Bây giờ thì đi ngay đi, vào lúc mặt trời lặn tao sẽ đợi mày ở ngoài cổng vườn. Liệu đấy, mày phải hoàn thành nhiệm vụ không thì mày sẽ biết chuyện gì sẽ đến với mày. Bây giờ mày đã là nô lệ của tao bởi vì tao đã mua mày bằng cái giá của một bát rượu ngọt.” Nói xong lão già lại bịt mắt thằng bé bằng dải lụa hôm qua rồi dắt nó qua khu nhà, qua khu vườn trồng thuốc phiện, leo lên 5 bậc thang đồng. Sau khi mở cánh cửa bằng chiếc vòng thạch anh, lão thả nó ra ngoài đường phố.
Ngôi Sao đi qua cổng thành, tìm đường đến khu rừng mà lão phù thủy đã bảo nó.
Thật là một khu rừng tươi đẹp, không gian rộn tiếng chim ca và thoảng hương của vô số loài hoa, thế nên Ngôi Sao cảm thấy phấn chấn trong lòng khi bước chân vào rừng. Tuy vậy cái đẹp cũng chẳng có ích lợi gì nhiều đối với nó bởi vì bất cứ chỗ nào nó có mặt thì cành thạch nam xù xì thô ráp và gai góc không biết từ đâu bật lên đâm vào chân nó, đau nhói. Cây tầm ma đầy gai quật vào người nó, cây kế chích vào người nó bằng vô số lưỡi dao nhỏ, tất cả làm cho nó đau đớn không sao kể xiết. Hơn nữa nó tìm đâu cũng không thấy miếng vàng trắng dù đã đi từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối. Khi hoàng hôn buông xuống cánh rừng, nó thất thểu quay về nhà vừa đi vừa khóc thảm thiết bởi nó biết điều gì đang chờ phía trước.
Nhưng vừa ra khỏi khu vườn, nó đã nghe thấy ở phía trước một tiếng kêu rên đau đớn. Quên đi nỗi buồn của mình nó chạy đến chỗ có tiếng kêu, trông thấy một con thỏ nằm gọn trong cái bẫy của một người thợ săn.
Ngôi Sao động lòng thương cho cảnh ngộ của thỏ, mở bẫy thả nó ra và nói: “Bản thân tôi cũng chỉ là một tên nô lệ, nhưng tôi có thể trả tự do cho bạn.”
Thỏ chui ra khỏi bẫy nói với ân nhân: “Cậu đã cứu sống tôi, đến lượt mình tôi muốn làm một cái gì đó đền đáp lại”.
“Tôi đang tìm một miếng vàng trắng nhưng không thấy nó ở bất cứ chỗ nào, nếu tôi không tìm thấy mang về cho ông chủ, ông ấy sẽ đánh tôi.”
“Hãy đi theo tôi, tôi sẽ dẫn cậu đến chỗ đó bởi vì tôi biết nó được giấu ở đâu và vì mục đích gì.”
Thế là Ngôi Sao đi theo thỏ và kìa, trong một hốc cây sồi nó thấy miếng vàng trắng mà nó đỏ mắt tìm kiếm. Thằng bé vô cùng sung sướng, thò tay lấy miếng vàng và nói lời cảm ơn: “Bạn thỏ ơi, điều tôi làm cho bạn đã được đền đáp gấp nhiều lần, lòng tốt của tôi đối với bạn đã được trả lại gấp trăm lần. Cảm ơn bạn vô cùng”.
“Không có gì, chúng ta đã giúp đỡ lẫn nhau, có qua có lại mà”. Thỏ đáp và chạy biến đi còn Ngôi Sao thì tìm đường về thành.
Có một người hủi đang ngồi ở ngoài cổng thành. Một chiếc mũ trùm bằng len xám che kín mặt ông ta. Qua hai kẽ hở có thể thấy đôi mắt ông lóe sáng như hai cục than hồng. Thấy Ngôi Sao đến gần, người hủi chìa ra một cái bát bằng gỗ, rung cái lục lạc trên tay, gọi cậu bé lại gần và nói: “Xin hãy bố thí cho tôi một đồng bạc không thì tôi sẽ chết vì đói. Người ta đuổi tôi ra khỏi thành, nơi đây chẳng có ai rủ lòng thương kẻ khốn khổ khốn nạn này”.
“Trời đất ơi!” Ngôi Sao kêu lên, “quả là tôi có một ít tiền trong người nhưng nếu tôi không mang về cho chủ, ông ta sẽ đánh tôi bởi vì tôi là nô lệ của ông ấy.” Nhưng người hủi vẫn khẩn khoản van nài cho đến khi thằng bé không thể cầm lòng được, lấy mảnh vàng trắng ra cho ông ta.
Khi nó về đến nhà chủ, lão phù thủy mở cửa, dẫn nó vào nhà và hỏi: “Mày có tìm được miếng vàng trắng không?”
“Thưa ông chủ không ạ.” Ngôi Sao vừa nói xong thì lão già đã nhảy phắt lên, đánh cho nó một trận, để trước mặt nó cái thớt không rồi bảo: “Nốc đi!”, đưa cho nó một cái li rỗng: “Mày uống đi!”. Sau đó lại tống nó vào hầm giam.
Sáng hôm sau lão phù thủy đến phòng giam bảo nó: “Nếu hôm nay mày không mang về cho tao miếng vàng màu vàng tao sẽ đánh mày đủ ba trăm roi, bởi vì mày là nô lệ của tao, nhãi con ạ.”
Ngôi Sao bước thấp bước cao vào rừng, suốt cả ngày nó sục sạo khắp nơi mà không tìm thấy miếng vàng đâu. Trời tối sập xuống, nó ngồi bên một gốc cây khóc nức nở. Trong lúc nó sụt sùi như thế, chú thỏ nhỏ bé mà nó đã cứu hôm qua đi đến gần. “Có chuyện gì mà cậu khóc lóc thảm thiết như thế? Cậu lại tìm vật gì trong rừng sao?”
“Tôi được sai đi tìm một miếng vàng màu vàng được cất giấu ở đây, nếu không tìm được ông chủ sẽ đánh tôi và sẽ giữ tôi lại làm nô lệ suốt đời.”
“Đi theo tôi.” Thỏ nói và phóng lên trước dẫn đường cho đến khi nó tới một hồ nước. Miếng vàng nằm dưới đáy hồ, tỏa sáng.
“Tôi biết cảm ơn bạn thế nào đây.” Ngôi Sao cảm động kêu lên: “Đây là lần thứ hai bạn ra tay cứu giúp tôi”.
“Nhưng cậu đã làm ơn cho tôi trước.” Thỏ đáp và chạy biến vào rừng.
Ngôi Sao lội xuống nước lấy miếng vàng cho vào trong áo rồi vội vã đi về thành. Người hủi hôm trước trông thấy nó đi đến, vội chạy đến trước mặt nó quỳ xuống, van nài: “Xin hãy nhón tay làm phúc cho kẻ hèn này một đồng nếu không tôi sẽ chết đói”.
Ngôi Sao bảo người hủi: “Trong người tôi có một miếng vàng nhưng nếu tôi đem cho ông thì ông chủ sẽ đánh tôi và bắt tôi làm nô lệ”.
Người hủi hết lời van xin nó, làm nó động lòng trắc ẩn, thò tay lấy miếng vàng đưa cho ông ta. Khi nó trở về nhà phù thủy, lão đã đợi sẵn ngoài cổng, đưa nó vào trong nhà rồi hỏi: “Mày có tìm thấy miếng vàng không?”
“Dạ thưa ông chủ, tôi không tìm thấy”.
Nghe thế lão già nhảy phắt lên người nó, thẳng tay quất lên người nó đủ 300 roi, lấy xích trói nó lại rồi tống vào hầm giam.
Sáng hôm sau lão phù thủy lại tìm đến, bảo: “Nếu hôm nay mày mang về cho tao miếng vàng đỏ tao sẽ trả lại tự do cho mày, còn không chắc chắn tao sẽ giết mày, nhãi con ạ.”
Cũng như hôm trước, Ngôi Sao đi vào rừng, suốt ngày nó lùng sục hòng các bụi cây lùm cỏ tìm miếng vàng đỏ nhưng tìm đâu cũng không thấy. Khi mặt trời lặn sau dãy núi, nó ngồi xuống vùi mặt vào hai tay khóc thút thít và cũng như hôm trước chú thỏ nhỏ tìm đến hỏi thăm. Khi biết rõ sự tình thỏ nói: “Miếng vàng đỏ mà cậu đang tìm ở ngay trong cái hang sau lưng cậu. Thôi hãy lau nước mắt, vui mừng đi là vừa”.
“Tôi có thể đền ơn bạn bằng cách nào đây?” Ngôi sao xúc động kêu lên: “Đây là lần thứ ba bạn cứu giúp tôi”.
“Không, chính cậu đã giúp tôi trước đấy chứ,” Thỏ nói và lại chạy biến vào rừng sâu.
Ngôi Sao bò vào hang, tìm thấy miếng vàng đỏ ở góc sâu nhất trong hang. Nó cẩn thận nhét vàng vào người rồi hối hả quay về. Người hủi đã đứng chờ nó ở giữa đường, khóc lóc thảm thiết và nói: “Xin ân nhân hãy cho tôi miếng vàng đỏ, không thì tôi đến chết đói mất.” Cậu bé xót xa cho thân phận người hủi còn hơn thương thân mình bèn lấy miếng vàng ra và nói: “Cầm lấy đi, ông còn cần nó hơn tôi.” Nhưng trái tim trong ngực nó trở nên nặng trĩu bởi vì nó biết số phận nghiệt ngã đang đợi nó phía trước.
Nhưng lạ chưa kìa, khi nó đi qua cổng thành, quân lính cúi chào nó miệng tung hô: “Điện hạ vạn tuế! Điện hạ rạng rỡ như một mặt trời mới mọc!” Có cả một đám đông đi theo cậu, trầm trồ ca ngợi: “Trên đời này chưa từng có ai đẹp đến thế”. Ngôi Sao bật khóc, bụng bảo dạ: “Họ chế nhạo mình, cười trên nỗi đau khổ của mình.” Nhưng đám đông vây quanh cậu mỗi lúc một đông đến độ cậu bị lạc đường, rồi thấy mình đang ở trên một quảng trường lớn trước cung điện nhà vua. Cổng vàng của cung điện mở ra, các giáo sĩ và quan đại thần trung thành từ trong cổng ùa ra đi đến chào đón Ngôi Sao. Họ cúi đầu rất thấp trước cậu bé và nói:“Thánh thượng là chúa tể của chúng thần – đấng minh quân mà thần dân đã mong đợi bấy lâu nay”.
Ngôi Sao ngẩn người nhìn đoàn hộ giá, nói: “Tôi không phải là Hoàng tử con vua mà là con của một người ăn mày nghèo khổ. Sao quý vị lại bảo là tôi đẹp trong khi tôi biết mình xấu đến mức người không giống người, quỷ không giống quỷ”. Đúng lúc ấy tráng sĩ trong chiếc áo giáp có chạm những bông hoa vàng, đội mũ trụ có hình một con sư tử có cánh phóng ngựa đến, chìa ra một tấm khiên sáng loáng và nói: “Ai dám nói thánh thượng không đẹp nào?” Ngôi Sao nhìn vào tấm khiên và thấy khuôn mặt hiện lên trong tấm khiên đẹp như mặt một thiên thần. Vẻ đẹp ngày xưa đã trở về với cậu và cậu thấy nét đẹp ấy trong đôi mắt trong trẻo mà cậu chưa từng thấy ở mình.
Các giáo sĩ và quan đại thần quỳ xuống trước mặt cậu nói: “Sấm truyền rằng vào ngày hôm nay sẽ có một đấng minh quân xuất hiện. Xin hãy trao vương miện và quyền trượng cho thánh thượng và hãy trao vào tay người hạnh phúc và sự công bằng của tất cả thần dân”.
Ngôi Sao từ tốn nói với mọi người: “Tôi không xứng đáng với sự tin tưởng của mọi người. Tôi là một đứa con bất hiếu đã từ bỏ chính người mẹ đẻ ra mình. Vì thế tôi sẽ không bao giờ tìm được sự bằng an cho đến khi tìm ra mẹ mình để xin bà tha thứ. Xin mọi người hãy để cho tôi ra đi, tôi sẽ phải đi đến cùng trời cuối đất để tìm mẹ, không thể lưu lại ở đây lâu hơn dù các vị có đem vương miện và quyền trượng đến đây thì cũng vậy.”
Nói xong cậu bé quay mặt đi nhìn về phía con đường dẫn tới cổng thành. Và kìa, trong đám đông những người lính vây quanh, cậu nhìn thấy bà ăn mày tự nhận là mẹ cậu, đang ngồi cạnh người hủi cậu vẫn gặp ở ven đường. Một tiếng reo vui mừng bật ra khỏi miệng Ngôi Sao, cậu chạy đến quỳ xuống hôn lên những vết thương trên đôi chân người mẹ, rửa sạch những vết thương ấy bằng những giọt nước mắt hối lỗi. Cậu dập đầu xuống đất, nức nở mở không ra lời như một người có trái tim tan nát. Một lúc sau cậu mới trấn tĩnh để nói được: “Mẹ ơi, con đã không nhận mẹ trong niềm kiêu hãnh về bản thân. Giờ xin mẹ hãy chấp nhận con trong nỗi khổ nhục sâu xa. Mẹ ơi, con đã thù hận mẹ. Xin mẹ hãy trao cho con tình yêu thương. Con ruồng bỏ mẹ. Xin mẹ hãy đón nhận đứa con này trở lại.” Người mẹ ăn mày vẫn lặng thinh không nói một câu. Ngôi Sao chìa tay ra ôm lấy bàn chân lở loét của người hủi, năn nỉ: “Tôi đã ba lần giúp đỡ ông. Xin hãy nói giúp với mẹ tôi một tiếng”. Nhưng cả người hủi cũng không nói gì.
Cậu bé lại khóc nức khóc nở: “Mẹ... con không thể chịu đựng hơn được nữa. Xin mẹ hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu này, xin mẹ hãy cho con trở lại khu rừng”. Đến đây, người đàn bà hành khất đặt tay lên đầu con trai, rồi nói: “Đứng dậy!” Người hủi cũng đặt tay lên đầu Cậu và nói một câu tương tự.
Thế là cậu đứng dậy đưa mắt nhìn họ, và trời ơi họ chính là Vua và Hoàng hậu.
Hoàng Hậu nói: “Đây chính là phụ vương con, người mà con đã giúp đỡ ba lần”.
Còn vua thì nói: “Còn đây là mẫu hậu con, người mà con đã dùng nước mắt để rửa sạch đôi chân đi khắp nơi tìm con”. Cả hai ôm quàng lấy cổ con trai hôn thắm thiết rồi dẫn cậu vào cung điện, lệnh cho người ta mang đến cho cậu những bộ quần áo đẹp nhất xứng đáng với vẻ đẹp và địa vị mới của cậu. Người ta làm lễ đăng quang trong đó vương miện được đặt lên đầu cậu, quyền trượng được trao vào tay cậu và cậu trở thành người đứng đầu kinh thành rộng lớn bên bờ sông nọ. Ngôi Sao trị vì đất nước một cách công minh chính trực, đem phúc ấm đến cho muôn người. Cậu trừng phạt tên phù thủy độc ác, đền ơn đáp nghĩa vợ chồng bác tiều phu đã có công nuôi nấng mình, trọng dụng những người bạn lớn lên từ nhỏ. Ngôi Sao còn truyền dạy cho dân chúng một tình yêu thương đối với muôn loài dù đó chỉ là con ong đến cái kiến. Người nghèo cậu cho bánh ăn, người rách cậu cho áo mặc, đem đến sự bình an và yên ấm cho toàn xứ sở. Tuy vậy sự cai trị công minh của cậu kéo dài không lâu, nếu so sánh với những đau khổ mà cậu đã trải qua. Thật là một mất mát so với những thử thách mà cậu nếm trải bởi vì chỉ ba năm sau đức vua mới đã băng hà. Người kế vị ngôi vua, tiếc thay lại là một tên bạo chúa.
Hoàng Tử Hạnh Phúc Và Những Truyện Khác Hoàng Tử Hạnh Phúc Và Những Truyện Khác - Oscar Wilde Hoàng Tử Hạnh Phúc Và Những Truyện Khác