Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Tác giả: Oscar Wilde
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 13
Cập nhật: 2021-08-28 15:43:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Người Bạn Tận Tụy
ột buổi sáng nọ, một con Chuột Già thò cổ ra khỏi hang. Đôi mắt nó long lanh như hai hạt cườm, hai cái ria mép màu xám dài và thẳng, cái đuôi giống một cái roi cao su dài màu đen. Lũ vịt con bơi vòng vòng trên mặt ao, trông khá giống những con bạch yến màu vàng. Mẹ chúng, toàn thân trắng phau phau, trừ đôi chân đỏ như son đang cố dạy lũ con trồng cây chuối trên mặt nước.
“Các con sẽ không bao giờ có mặt trong xã hội thượng lưu nếu không biết đứng bằng đầu trên mặt nước.” Vịt Mẹ rao giảng với lũ con, thỉnh thoảng nó lại biểu diễn cho lũ con thấy để làm theo. Nhưng bọn vịt con đâu để tâm. Chúng còn quá bé để hiểu được những lợi ích của việc có mặt trong xã hội thượng lưu.
“Thật là một lũ nhóc cứng đầu, khó bảo,” Chuột Già không nhịn được, kêu lên, “chúng đáng bị chết chìm cả lũ”. “Làm gì có chuyện đó,” Vịt Mẹ đáp, “ai mà chẳng có những bước khởi đầu, đã làm cha làm mẹ thì phải kiên nhẫn chứ”.
“Ồ, tôi không biết cái cảm xúc ấy của các ông bố bà mẹ,” Chuột Già nói, “chả là tôi không phải là một người có ý thức gia đình. Thực vậy, tôi chưa bao giờ lập gia đình mà cũng tuyệt không có cái ý định ấy. Tình yêu tốt đẹp ở tất cả mọi phương diện của nó nhưng tình bạn đáng quý hơn. Thực vậy, tôi không biết có cái gì trên đời này vừa cao quý hơn vừa hiếm hoi hơn một tình bạn tận tụy”.
“Và nếu vậy thì theo bác bổn phận của một người bạn tận tụy là gì?” Một con hồng tước màu xanh lên tiếng. Nãy giờ nó đậu trên một cây sậy ở gần đấy nên nghe được câu chuyện trên.
“Phải, đó cũng là điều mà tôi muốn biết đấy,” Vịt Mẹ nói, bơi lại cuối ao, chúc đầu xuống nước để cho lũ con có một tấm gương mà noi theo.
“Thật là một câu hỏi chẳng đâu vào đâu!” Chuột Già cao giọng ta thán. “Tất nhiên tôi mong đợi người bạn tận tụy của tôi hết lòng đối với tôi”.
“Và bác cũng làm như thế để đáp lại?” con chim nhỏ hỏi, nhún nhảy trên một cành cây trong bụi, xốc lại đôi cánh cũn cỡn của nó.
“Tôi không hiểu chú em nói gì đấy.” Chuột Già mát mẻ. “Nếu vậy cho phép tôi kể hầu bác một câu chuyện về đề tài này.” Hồng Tước nói.
“Chuyện về tôi ư?” Chuột Già hỏi lại. “Nếu vậy tôi xin rửa tai lắng nghe, vì tôi ấy à... tôi khoái ba cái chuyện tưởng tượng này lắm”.
“Nó có thể vận vào bác được,” Hồng Tước đáp, bay khỏi ngọn cây sậy, sà vào bờ và ở đấy nó kể lại câu chuyện về người bạn tận tụy.
“Ngày xửa ngày xưa,” Hồng Tước bắt đầu, “có một chàng trai trung hậu tên là Hans”.
“Thế anh ta có cái gì đặc biệt không?” Chuột Già hỏi giọng xách mé.
“Không,” Hồng Tước đáp thân tình, “tôi không nghĩ anh ta có điểm gì khác biệt ngoài một trái tim nhân hậu và một khuôn mặt tròn tếu tếu trông rất nhộn. Hans sống trong một túp lều nhỏ, chỉ có một mình và hàng ngày anh làm việc ngoài vườn. Trong vùng không có một khu vườn nào dễ thương như khu vườn của anh. Cẩm chướng râu cũng mọc ở đây nhé, ngoài ra còn có các loại hoa Gilly, rau tề, rau cá tráp của Pháp. Trong vườn có hoa hồng Đa Mát, hồng vàng, hoa nghệ tây tím, viôlét tím vàng và cả viôlét tím nữa. Ngoài ra còn có hoa bồ công anh, kinh giới và húng quế, anh thảo hoa vàng, hoa Tris, hoa thủy tiên màu vàng nhạt và đinh hương màu hồng... tất cả đua nhau nở hoa. Khi loài này bắt đầu tàn thì loại khác bắt đầu nở rộ. Vì thế lúc nào trong vườn cũng có những bông hoa đẹp ngào ngạt tỏa hương thơm.
“Hans bé nhỏ có nhiều bạn tốt, nhưng người bạn trung thành, tận tụy hơn ai hết chính là – ông chủ cối xay – Miller lớn. Thực ra thì Hans nhỏ rất tận tình với Miller giàu có. Cái anh chàng Hans bé nhỏ ấy không bao giờ để bạn đi qua vườn của mình mà không tựa vào tường hái một bó hoa quý hay một nắm rau thơm cho bạn hoặc nhét đầy vào túi bạn mận hoặc sêry, nếu đó là mùa cây ra trái.
“Những người bạn thật sự bao giờ cũng phải có những điểm chung,” Miller thường nói còn Hans thì gật gù theo và mỉm cười. Anh hết sức tự hào khi có một người bạn có những ý tưởng sâu sắc đến thế.
Những người xung quanh thường thắc mắc là Miller giàu có không bao giờ cho Hans bé nhỏ bất cứ vật gì để đáp lại tấm lòng của bạn, mặc dù trong nhà máy xay của anh ta có đến hàng trăm bao bột mì dự trữ, trong chuồng có 6 con bò sữa và một đàn cừu nuôi để lấy lông. Nhưng Hans bé nhỏ không bao giờ cho những điều vụn vặt ấy vào đầu. Không có gì làm anh sung sướng hơn việc ngồi nghe tất cả những điều hay lẽ phải mà Miller thường nói về sự vị tha của một tình bạn chân chính.
Phải, Hans bé nhỏ làm việc trên mảnh vườn của mình. Mùa xuân, mùa hè và mùa thu anh rất vui nhưng khi những ngày rét mướt đến gần anh chẳng có hoa hay cây trái mang ra chợ bán nên thường chịu cảnh đói rét. Anh thường lên giường đi ngủ với cái dạ dày lép kẹp, chẳng có gì ngoài một vài quả đào khô hay vài hạt dẻ cứng ngắc. Những ngày mùa đông anh còn hết sức cô đơn nữa vì rằng Miller chẳng thấy ló mặt đến bao giờ.
“Việc tôi đến thăm Hans bé nhỏ vào những ngày tuyết rơi thì có lợi gì kia chứ?” Miller thường nói với vợ, “khi người ta đang gặp khó khăn thì nên để cho họ ở một mình, đừng làm phiền họ với những lần thăm viếng. Ít nhất thì đó cũng là quan niệm của tôi về tình bạn mà tôi chắc là mình nghĩ đúng. Vì thế cứ đợi đến lúc xuân sang tôi sẽ đến thăm bạn, lúc ấy anh ta mới có khả năng tặng tôi một lẵng xum xuê những bông hoa anh thảo và làm như vậy anh ấy sẽ lấy làm vui sướng lắm”.
“Mình thật là người chu đáo, tận tình với người khác,” vợ của Miller giàu có nói trong khi ngồi trên chiếc ghế bành êm ái, cạnh lò sưởi rực rỡ ánh lửa hồng. “Phải, mình là người tình nghĩa, sống có trước có sau. Thật là sung sướng khi được nghe mình nói về tình bạn. Em chắc là cả cha xứ cũng không thể nói hay như mình đâu mặc dù ông ấy sống trong một ngôi nhà ba tầng và đeo một cái nhẫn vàng thật bự ở ngón tay út”.
“Nhưng sao chúng ta không mời chú Hans đến đây hả bố,” cậu con út của Miller nói: “Nếu chú Hans đáng thương gặp khó khăn con sẽ nhường cho chú ấy nửa tô cháo yến mạch và khoe với chú ấy những con thỏ trắng tinh của con”.
“Con thật là một đứa trẻ ngốc nghếch!” Miller kêu lên, “bố cũng không hiểu là cho con đến trường đi học có được tích sự gì không nữa. Xem ra con chẳng học hỏi được cái gì hết. Tại sao à? Nếu Hans bé nhỏ đến đây, chú ấy sẽ thấy lò sưởi ấm áp nhà ta, bữa ăn ngon lành của nhà ta, cả cái vò rượu vang đỏ to đùng kia nữa. Thế thì chú ấy lại nảy lòng đố kị mà đố kị là một thói xấu tai hại nhất, có thể hủy hoại bản chất lương thiện của một con người. Chắc chắn là bố không cho phép bản chất của chú ấy bị hủy hoại. Bố là người bạn tốt nhất của chú ấy, bố phải luôn quan tâm đến chú ấy, không để chú ấy chịu ảnh hưởng của bất cứ một sự cám dỗ nào. Ngoài ra nếu Hans đến đây chú ấy có thể hỏi vay một ít bột mì mà điều này thì bố không thể đáp ứng được. Bột mì là một chuyện, tình bạn là một chuyện, hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Tại sao ư, thì hai từ phát âm khác nhau, nghĩa cũng hoàn toàn khác nhau. Ai cũng có thể thấy điều đó.”
“Chao ôi, mình nói mới hay làm sao!” Bà vợ trầm trồ kêu lên, tự rót ra cho mình một li cối đầy đến ngọn thứ bia ngon lành âm ấm của người giàu, “nhưng em buồn ngủ rồi. Thật giống như ở trong nhà thờ vậy.”
“Rất nhiều người làm điều hay”, Miller thao thao bất tuyệt, “nhưng chỉ có một ít người nói điều tốt, điều đó chứng tỏ nói khó hơn làm và cũng là một việc tốt đẹp hơn”. Ông bố nghiêm khắc nhìn sang bên kia bàn nơi cậu con út đang ngồi. Cậu bé cảm thấy xấu hổ cho mình nên cúi gục đầu xuống, khuôn mặt non nớt đỏ gay đỏ gắt và những giọt nước mắt bắt đầu lăn xuống tách uống trà.
“Chuyện có thế thôi ư?” Chuột Nước hỏi.
“Tất nhiên là không,” Hồng Tước đáp, “đấy mới chỉ là đoạn mào đầu thôi”.
“Nếu thế thì chú em bị tụt hậu rồi,” Chuột Già lên giọng dạy đời. “Ai mà chẳng biết ngày nay những người kể chuyện có tài bao giờ cũng bắt đầu từ đoạn cuối, sau đó nói ngược lại đoạn mở đầu và kết luận nằm ở khúc giữa. Đó là một phương thức mới. Tôi đã nghe được tất cả những chuyện này vào một bữa nọ từ chính miệng một nhà phê bình đang đi dạo quanh bờ ao với một chàng trai trẻ. Trời ơi, ông ta nói liên tu bất tận và tôi tin là ông ta đúng bởi vì ông ấy đeo kính xanh và đầu thì hói trọi. Mỗi lần chàng trai đưa ra một nhận xét nào thì ông ấy lại xì lên một tiếng. Nhưng thôi quay lại câu chuyện của chú em đi. Tôi thích cái tay Miller này lắm đấy. Tôi cũng có tất cả những xúc cảm tốt đẹp ấy về mình, quả là có một sự đồng cảm lớn giữa chúng tôi”.
“Phải,” Hồng Tước nói, nhảy chuyền từ chân này sang chân kia. “Ngay khi mùa đông tàn, những cây hoa anh thảo bắt đầu nhú ra những cái nụ vàng nhạt lấm tấm như những ngôi sao, chủ cối xay bảo vợ là ông ta sẽ quá bộ đến thăm Hans nhỏ”.
“Trời ơi mình có một trái tim mới cao đẹp làm sao!” Bà vợ véo von kêu lên, “bao giờ mình cũng nghĩ đến người khác. Em chắc mình có dự tính trong đầu về một cái lẵng lớn đầy hoa anh thảo”.
Thế là chủ cối xay buộc những cái cối xay gió lại bằng một sợi xích sắt rõ to, lững thững đi xuống đồi với một cái lẵng lớn đeo lủng lẳng trên vai.
“Chào buổi sáng anh bạn Hans yêu quý của tôi!” Chủ cối xay nói.
“Chào bạn quý!” Hans hồ hởi nói, tựa người vào cán cuốc, nụ cười ngoác đến tận mang tai.
“Suốt vụ đông qua anh sống thế nào?” Chủ cối xay hỏi.
“Ồ anh thật tử tế quá, chỉ có anh mới quan tâm đến thế. Tôi e rằng tôi đã phải chật vật lắm mới qua khỏi mùa đông khắc nghiệt. Nhưng bây giờ thì khỏe rồi, mùa xuân đã đến và tất cả các cây hoa của tôi lên rất tốt”.
“Chúng tôi thường nói chuyện về anh đấy Hans ạ, băn khoăn không biết anh sống ra sao”.
“Anh thật tốt bụng quá, vậy mà tôi đã có phần sợ rằng anh quên tôi rồi chứ.”
“Hans à, anh làm tôi ngạc nhiên đấy, tình bạn không bao giờ bị lãng quên. Đó chính là điều tuyệt vời nhất về tình bạn. Nhưng tôi e anh không hiểu khía cạnh thơ mộng của cuộc sống. Ôi những bông hoa anh thảo của anh đẹp quá trời, bông nào cũng như bông nào”.
“Đúng thế, hoa rất đẹp,” Hans phấn khởi đáp, “may mắn lớn nhất của tôi là tôi có thật nhiều hoa anh thảo. Tôi sắp sửa mang hoa ra tỉnh bán cho con gái ngài Thị trưởng để có tiền mua lại một cái xe đẩy”.
“Mua lại xe đẩy? Anh không định nói là anh đã bán xe của anh đi đấy chứ? Thật là một việc làm dại dột quá đi mất.”
“Sự thật là, tôi buộc lòng phải bán đi. Anh xem, mùa đông bao giờ cũng là khoảng thời gian chật vật, khó khăn nhất. Tôi chẳng còn tiền để mua bánh mì nữa. Thế là tôi buộc phải bán dần đồ đạc, đầu tiên là những chiếc cúc bạc trên cái áo khoác mặc ngày chủ nhật, sau đó bán đến sợi dây chuyền bạc, rồi đến cái tẩu thuốc và cuối cùng là cái xe đẩy. Nhưng bây giờ tôi sẽ mua lại từng món một”.
“Hans à,” chủ cối xay nói: “tôi sẽ tặng anh cái xe đẩy của tôi. Nó cũng không được hoàn hảo lắm đâu. Thật ra thì một bánh đã mất, bánh bên kia thì có một cái gì không ổn ở trục. Nhưng dù sao tôi cũng xin được biếu anh. Tôi biết làm như vậy là quá hào phóng và nhiều người sẽ nghĩ là tôi thậm ngu mới cho không như vậy, nhưng tôi đâu có giống với tất cả những người khác, với lại tôi cũng đã có một cái xe đẩy mới. Phải, anh cứ yên tâm đi, tôi sẽ cho anh cái xe đẩy đó”.
“Ôi anh thật rộng rãi với tôi quá,” Hans nhỏ cảm động nói, khuôn mặt tròn tếu tếu của anh sáng bừng lên vì sung sướng. “Tôi có thể sửa lại được mà, tôi có một tấm ván ở trong nhà ấy”.
“Một tấm ván gỗ ư, sao trùng hợp thế nhỉ, tôi đang cần để lợp lại mái nhà kho. Có một lỗ thủng lớn trên mái, bắp sẽ ẩm hết nếu tôi không dặm lại mái. May làm sao anh lại nhắc đến. Thế không phải là có qua có lại sao, lòng tốt bao giờ cũng được đền bù. Thôi thế này, tôi cho anh cái xe đẩy, anh cho tôi tấm ván gỗ. Tất nhiên một cái xe đẩy thì giá trị hơn nhiều chứ, nhưng tình bạn thật sự ai tính đếm đến chuyện hơn thiệt làm gì. Đưa tấm ván ra đi, tôi muốn lợp lại mái nhà kho ngay hôm nay”.
“Xong ngay,” Hans nhanh nhảu kêu lên, vội vã chạy vào lều, lôi ra một tấm ván lớn.
“Không được lớn lắm,” chủ cối xay nhìn với ánh mắt so đo, “tôi sợ rằng sau khi tôi lợp lại chỗ thủng đó chẳng còn gì để anh sửa lại cái xe đẩy, nhưng tất nhiên đó chẳng phải là lỗi tại tôi. Và bây giờ tôi về mang cho anh cái xe đẩy đây, chắc anh vui lòng cho tôi một ít hoa anh thảo chứ. Đây có sẵn cái lẵng đây anh cứ nhét đầy một lẵng cho tôi”.
“Một lẵng đầy?” Hans thốt lên, không phải là không xót ruột, bởi vì đấy là một cái lẵng phải vòng tay ôm mới xuể và anh biết nếu anh cho đầy một lẵng hoa như vậy thì anh sẽ chẳng còn gì để mang ra chợ bán mà anh thì nóng lòng muốn chuộc lại những chiếc cúc bạc.
“Ồ,” chủ cối xay chép miệng, “khi tôi cho anh cái xe đẩy của mình, tôi không nghĩ có gì quá đáng khi xin lại anh vài bông hoa. Có thể tôi chưa đúng, nhưng tôi nghĩ tình bạn, một tình bạn thật sự phải được giải phóng khỏi những tính toán ích kỉ dù ở bất cứ hình thức nào”.
“Bạn tốt nhất của tôi, bạn tốt của tôi,” Hans hoảng hốt kêu lên, “anh xứng đáng có tất cả số hoa trong vườn của tôi. Tôi cảm kích về những lời nói của anh lắm, còn mấy chiếc cúc bạc thì hãy cứ đợi đấy đã.” Nói xong, Hans quày quả quay ra luống hoa anh thảo đang chúm chím những nụ hoa tuyệt đẹp hái đầy một lẵng cho bạn.
“Tạm biệt Hans nhỏ,” chủ cối xay nói rồi đi lên đồi, miếng ván gỗ vác trên vai, tay xách một giỏ hoa nặng.
“Tạm biệt anh,” Hans nhỏ nói với theo rồi lại quay ra hối hả đào đất, anh rất hài lòng với cái xe đẩy.
Ngày hôm sau trong lúc anh đang đóng đinh treo những chậu hoa kim ngân ở ngoài hiên thì anh nghe tiếng ông chủ cối xay gọi anh từ ngoài đường cái. Thế là anh vội vội vàng vàng nhảy xuống thang, chạy ra vườn nhìn qua hàng rào.
Đó là chủ cối xay với một bao bột mì to tướng trên vai: “Bạn Hans thân mến, bạn vui lòng mang bao bột này ra chợ cho tôi chứ?”
“Ôi tôi rất tiếc, hôm nay tôi rất bận. Tôi phải treo tất cả những chậu cây leo này lên, rồi còn phải tưới hoa và lật cỏ vườn nữa chứ!”
“Ồ thế à,” chủ cối xay lại chép miệng, “vậy mà tôi đang định cho anh cái xe đẩy của tôi đấy chứ, anh còn là bạn bè gì nữa khi từ chối giúp đỡ tôi”.
“Xin anh đừng nói thế mà, tôi tuyệt đối không phải là kẻ không thân thiện với toàn bộ thế giới này,” nói xong Hans hớt ha hới hải chạy vào nhà vớ vội lấy cái mũ chụp lên đầu rồi xốc cả bao tải nặng lên vai. Hôm đó là một ngày nóng nực, con đường ra chợ tỉnh bụi bẩn kinh khủng và trước khi Hans đi đến cột cây số thứ 6 thì anh đã mệt nhoài đến mức hai chân chỉ chực khuÿu xuống để được nghỉ một lát. Tuy vậy, anh vẫn lầm lũi, kiên gan đi tiếp và cuối cùng anh cũng ra được đến chợ. Sau khi ngồi đợi một lúc anh bán bao bột mì với giá hời. Rồi anh vội vã quay về nhà vì sợ rằng nếu anh nấn ná ở lại trời sẽ tối rất mau và trên đường về có thể gặp bọn cướp.
“Thật là một ngày nhọc nhằn vất vả,” Hans tự nhủ trong lúc lên giường đi ngủ, “nhưng mình rất vui là đã không phụ lòng người bạn tốt nhất của mình, với lại anh ấy sắp cho mình cái xe đẩy”.
Sáng hôm sau chủ cối xay đi xuống đồi để lấy tiền bao bột mì nhưng Hans nhỏ mệt đến nỗi anh vẫn còn ngủ mê mệt trên giường.
“Nói thật chứ anh lười quá thể đấy Hans ạ,” chủ cối xay dài giọng dè bỉu. “Cứ nghĩ xem khi tôi có ý định cho anh cái xe đẩy tôi cứ tưởng anh phải chăm chỉ hơn chứ. Lười biếng cũng là một trọng tội đấy, chắc chắn tôi không thích những người bạn biếng nhác hay đại lãn đâu. Anh không phiền khi tôi nói thẳng như vậy chứ. Ấy đấy, thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng mà. Tất nhiên tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện nói như thế nếu không coi anh là bạn thân. Nhưng tình bạn còn có ý nghĩa gì nữa nếu ta không thể nói ra đúng cái điều muốn nói? Bất cứ ai cũng có thể nói ra những điều dễ lọt tai, hoặc nịnh nọt, tâng bốc nhau nhưng một người bạn thật sự bao giờ cũng nói những điều thẳng thắn khó nghe mà không nghĩ đến chuyện sợ bạn mếch lòng. Thật thế, nếu anh là một người bạn thật sự thì anh phải tiếp thu những ý kiến phê bình bởi điềuđó chỉ có lợi cho anh thôi”.
“Tôi xin lỗi,” Hans nói, dụi dụi mắt, kéo cái mũ ngủ xuống, “hôm nay tôi mệt đến nỗi tôi chỉ muốn nằm nướng thêm một chút nữa để lắng nghe tiếng chim hót. Anh biết rõ là tôi bao giờ cũng bắt tay vào làm việc ngay sau khi nghe tiếng chim đánh thức tôi dậy...”.
“Ồ thế thì tôi rất mừng,” chủ cối xay nói, vỗ vỗ lên lưng bạn, “bởi vì tôi muốn anh đi đến nhà tôi ngay khi mặc quần áo xong để sửa lại mái nhà kho cho tôi”.
Hans nhỏ đáng thương nóng lòng muốn ra vườn làm việc, hoa của anh không được tưới nước đã hai ngày rồi, nhưng anh không muốn từ chối bạn bởi vì bao giờ anh cũng là người hết lòng với bạn bè.
“Anh có nghĩ là tôi không đủ tận tụy với anh nếu tôi nói hôm nay tôi rất bận không?” Anh hỏi bạn với giọng rụt rè, e ngại.
“Hẳn là thế rồi,” chủ cối xay đáp, “tôi không nghĩ nhờ anh làm việc này là có gì quá đáng khi tôi sẽ cho anh cái xe đẩy của mình. Nhưng tất nhiên nếu anh từ chối thì tôi sẽ đi làm một mình vậy.”
“Ồ, không, cứ đợi tôi,” Hans kêu lên, nhảy xuống giường, vội vã mặc quần áo và chạy lên đồi.
Anh làm việc ở nhà kho cả ngày cho đến tối mịt, chỉ đến tận lúc ấy mới thấy chủ cối xay ló mặt lên kiểm tra xem anh làm đến đâu rồi.
“Anh đã sửa xong cái mái rồi hả Hans nhỏ?” Chủ cối xay kêu lên giọng phấn khởi.
“Xong rồi,” Hans đáp và bước xuống thang.
“Phải, không có cái gì làm ta sung sướng hơn khi được làm việc cho người khác”.
“Thật là một đặc ân khi nghe anh nói chuyện,” Hans nói, ngồi bệt xuống đất đưa tay lau mồ hôi trán, “một diễm phúc đấy. Tôi sợ rằng tôi chẳng bao giờ nghĩ ra được những điều cao siêu đến thế”.
“Rồi những ý tưởng tốt đẹp sẽ đến với anh, Hans ạ, nhưng anh cần phải trải qua nhiều đau thương hơn nữa. Lúc này anh mới đang thực tập làm một người bạn, một ngày nào đó anh sẽ có cả một lí thuyết về tình bạn”.
“Anh nghĩ chuyện đó sẽ đến với tôi thật sao?”
“Tôi không mảy may nghi ngờ điều đó. Nhưng bây giờ khi đã sửa xong cái mái rồi tôi muốn anh về nhà nghỉ, bởi vì ngày mai tôi muốn anh lùa bầy cừu của tôi lên núi.”
Hans đáng thương chẳng dám mở miệng ra nói nửa lời và tinh mơ hôm sau chủ cối xay đã lùa bầy cừu của ông ta đến trước cửa nhà Hans còn Hans đành thở dài dẫn đàn cừu lên núi. Việc này làm anh mất trọn một ngày và khi quay lại nhà anh mệt đến nỗi ngủ gục ngay trên ghế, không thức dậy nổi cho đến khi trời sáng bạch.
“Thật là vui sướng khi lại được làm việc cho vườn tược của mình,” anh tự nhủ và bắt tay vào việc ngay. Nhưng bằng một cách nào đó anh không bao giờ có thể chăm bón cho những luống hoa của mình bởi vì người bạn tốt của anh bao giờ cũng chạy tới nhờ anh chạy một việc nào đó cho ông ta ở trên tỉnh hoặc trông cậy anh giúp một tay trong nhà máy xay của mình. Hans nhỏ lấy làm khổ sở lắm bởi anh chỉ sợ những cây hoa thân yêu của mình nghĩ anh đã quên chúng nhưng anh tự an ủi mình bằng ý nghĩ: “Chủ cối xay là người bạn tốt nhất trong những người bạn của anh”. Với lại, anh thường tự nhủ, “anh ấy sẽ cho mình cái xe đẩy, đấy là một nghĩa cử hoàn toàn xuất phát từ sự hào phóng của anh ấy”.
Thế là Hans trở thành thằng nhỏ làm việc vặt không công của ông chủ cối xay. Để đổi lại anh được nghe ông nhà giàu nói toàn những lời bay bổng về tình bạn. Những lời vàng ý ngọc này được Hans chép lại vào một cuốn sổ tay để đêm đêm nghiền ngẫm, vì anh là một người rất ham học hỏi.
Một buổi tối nọ, trong lúc Hans đang ngồi bên lò sưởi thì nghe có tiếng dộng mạnh vào cánh cửa. Đó là một đêm trời trở chứng, gió lồng lộn rít lên từng hồi quanh nếp nhà gỗ dữ dội đến nỗi thoạt tiên Hans nghĩ tiếng động đó là do trận bão đang hoành hành bên ngoài. Nhưng rồi lại có tiếng đập cửa lần nữa, rồi lần nữa, mỗi lần một mạnh hơn.
“Chắc là có người khách lỡ đợ đường tội nghiệp nào đó,” Hans tự nhủ và bước ra mở cửa. Đứng trước ngưỡng cửa là ông chủ cối xay một tay cầm một cái đèn bão, một tay cầm một cây gậy lớn.
“Anh bạn Hans thân mến ơi, tôi gặp rắc rối to rồi. Thằng con nhỏ của tôi ngã cầu thang bị thương, tôi phải đi mời bác sĩ. Nhưng... nhà ông ấy ở xa quá mà đêm nay giông tố lại dữ dội thế này... Thế là tôi chợt nghĩ nếu anh đi thay tôi được thì tốt biết mấy. Anh biết đấy, tôi sắp cho anh cái xe đẩy, kể cũng công bằng nếu anh đi thay tôi để đổi lại”.
“Chắc chắn rồi,” Hans sốt sắng kêu lên, “tôi sẽ đi ngay vì anh đã tin cậy tôi. Nhưng anh phải cho tôi mượn cái đèn bão của anh kẻo đêm tối quá tôi e mình sẽ ngã xuống rãnh nước mất”.
“Gì chứ cái này thì không được, cái đèn mới tinh đấy, nếu có gì xảy ra với nó thì sẽ là một mất mát to lớn đối với gia đình tôi”.
“Thôi, thế cũng được. Tôi sẽ cố xoay xở khi không có nó vậy.” Nói rồi Hans mặc áo lông, trùm lên đầu cái mũ ấm áp, quấn khăn quàng quanh cổ rồi dấn bước vào trong cơn giông tố.
Thực ra đó là một trận bão dữ dội! Đêm tối đen như bưng lấy mắt, Hans khó có thể nhìn ra đường trong lúc gió mạnh đến nỗi anh không thể đứng thẳng lên được. Tuy vậy, Hans là một người quả cảm, và sau ba tiếng đồng hồ mò mẫm trong đêm bão tố anh cũng tìm được đến nhà bác sĩ, gõ gõ lên cánh cửa.
“Ai đấy?” Bác sĩ hỏi, thò đầu ra khỏi cửa sổ phòng ngủ.
“Là Hans nhỏ, thưa bác sĩ”.
“Anh muốn gì vậy Hans nhỏ?”
“Con trai ông chủ cối xay ngã cầu thang bị thương, ông chủ cối xay muốn mời bác sĩ đến thăm bệnh”.
“Được thôi,” bác sĩ đáp, ra lệnh cho người nhà thắng ngựa trong lúc ông xỏ chân vào một đôi ủng ấm áp, cầm theo một chiếc đèn bão, chạy xuống cầu thang, nhảy lên mình ngựa, nhắm hướng nhà ông chủ cối xay phóng đi, để lại Hans phía sau bị bão tố làm cho đổ nghiêng đổ ngả.
Cơn bão mỗi lúc một dữ dội hơn, mưa trút xuống như thác, Hans tội nghiệp không còn thấy gì qua làn mưa như quất vào mặt nữa. Anh mất phương hướng đi lạc vào một cánh đồng hoang, một nơi rất nguy hiểm vì có nhiều hố và bãi lầy. Cuối cùng Hans đáng thương của chúng ta đã bị chết đuối. Xác của anh được mấy người chăn dê phát hiện vào mấy hôm sau, đang nổi bập bềnh trong một ao nước rộng. Người ta đưa cái xác về lều của người quá cố. Tất cả mọi người đều đến dự đám tang vì khắp vùng ai cũng biết đến nụ cười nhân hậu cùng lòng tốt của anh. Chủ cối xay là người đau thương nhất.
“Tôi là người bạn tốt nhất của anh ấy,” chủ cối xay nói, “cho nên cũng phải lẽ thôi nếu tôi là người chủ tang.” Thế là ông ta dẫn đầu đám tang trong chiếc áo khoác màu đen, thỉnh thoảng ông ta lại lau nước mắt với chiếc khăn mùi xoa to quá khổ.
“Hans ra đi là một tổn thất đối với tất cả chúng ta,” một bác thợ rèn nói sau khi Hans đã mồ yên mả đẹp và những người đưa tang đã ngồi thoải mái trong một quán ăn, uống rượu mùi và ăn bánh ngọt.
“Một mất mát không thể bù đắp được đối với tôi, ở tất cả mọi phương diện. Tại sao à, tôi đã có ý định tốt đẹp cho anh ấy cái xe đẩy, bây giờ thì tôi không biết làm gì với nó. Chiếc xe nằm trên đường về nhà cần phải sửa chữa nhiều đến nỗi tôi không biết bắt đầu như thế nào nếu tôi bán đi. Chắc là tôi không dám nghĩ đến chuyện cho ai bất cứ một vật gì nữa. Ấy đấy, người ta bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi về cái tính phóng khoáng của mình.”
“Còn gì nữa?” Chuột Già hỏi sau một hồi lâu im lặng.
“Phải, chuyện đến đây là hết.” Hồng Tước nói. “Chuyện gì xảy ra cho ông chủ cối xay?” Chuột Già hỏi.
“Ồ, tôi không biết,” Hồng Tước đáp, “mà cũng chẳng muốn biết”.
“Rõ là chú em không có khả năng thông cảm gì hết.” Chuột Già phán.
“Tôi e bác không thật sự thấy được bài học luân lí trong câu chuyện trên”. Hồng Tước nhẩn nha nói.
“Cái gì?” Chuột Già hét lên.
“Bài học luân lí”.
“Chú em muốn nói câu chuyện trên có một bài học luân lí?”
“Đúng thế”.
“Thật thế à?” Chuột Già kêu lên có vẻ bực bội thật sự, “tôi nghĩ chú em phải bảo cho tôi biết trước khi bắt đầu câu chuyện chứ. Nếu chú em làm thế, thì chắc chắn tôi đã chẳng mất công nghe làm gì”. Tôi sẽ nói: “Úi chà, thật rách việc,” như một nhà phê bình. Tuy vậy, bây giờ tôi vẫn nói: “Rách việc!” Chuột Già cao giọng rống lên câu nói đó rồi ngoe nguẩy đuôi chạy tuốt vào hang.
“Cậu thích cái lão Chuột Già ấy à?” Vịt Mẹ hỏi, bì bõm bơi đến chỗ Hồng Tước. “Lão chắc cũng có nhiều điểm tốt, nhưng về phần mình, với quan điểm của một người làm mẹ, tôi không bao giờ có thể gặp một gã độc thân thâm căn cố đế mà không cảm thấy lệ trào ra khỏi mắt”.
“Tôi sợ rằng đã làm bác ta bực mình,” Hồng Tước đáp. “Sự thật là tôi đã kể một câu chuyện có một bài luân lí cho bác ta nghe”.
“Cái gì? Điều đó bao giờ cũng là một việc làm nguy hiểm đấy.” Vịt Mẹ nói.
Và tôi hoàn toàn đồng ý với chị Vịt đông con ấy.
Hoàng Tử Hạnh Phúc Và Những Truyện Khác Hoàng Tử Hạnh Phúc Và Những Truyện Khác - Oscar Wilde Hoàng Tử Hạnh Phúc Và Những Truyện Khác