I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhật Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1320 / 4
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
hông một ai đoái hoài gì đến hai người đang ngồi lặng lẽ bên nhau. hai con người đau khổ cùng cực, nhưng chẳng ai thông cảm an ủi họ được. Bởi vì chính họ đã đẩy con gái mình đi đến cái chết. Họ âm thầm nhục nhã và hổ thẹn nghĩ vậy.
Có thể cũng chả ai nghĩ gì về họ. Mọi người buồn bã, lo âu theo dõi cuộc vớt xác. Vả lại họ ngồi khuất xa và im lặng như hai tảng đá, nên chẳng ai chú ý đến mà thôi.
Diễm Tuyết ngồi sát bên Hưng, cô nép sát vào anh, một cảm giác yên ổn được nương tựa nơi người mình tin cậy.
Cô đã gào lên nguyền rủa người dì ghẻ giết con chồng, nhưng thẳm sâu trong lòng mình, cô thấy tội lỗi này thuộc về mình. Cô muốn oán trách chồng đã không bảo vệ con gái, nhưng chính cô hiểu mình đã phó mặc con gái cho số phận. CÔ muốn vùng vẫy thoát khỏi lương tâm đang nghiêm khắc lên án, đồng thời cô muốn đập phá tan tành tất cả. Ý nghĩ muốn giết chết Thiên Thanh cứ day dứt trong tâm trí: Con mụ hiện nay đang chiếm đoạt căn nhà của mình, đang ôm ấp chồng mình, đầy đoạ con gái mình.
Không hiểu sao tất cả ý nghĩa dữ dội ấy lại làm cho cô mềm rũ xuống và cô cảm thấy vòng tay đỡ của Hưng như một sự che chở, như một cử chỉ tha thứ cho cô. Lòng cô tan ra trong đau khổ và giận dữ. Lạ lùng nhất là Tuyết cảm thấy buồn ngủ khủng khiếp, hồn cô cứ như chấp chới bay thoát xác. Lòng cô trống rỗng, các ý nghĩ lẫn lộn tất cả. Tuyết lả đầu vào vai Hưng và ngủ thiếp đi.
Hưng ngồi yên lặng, cố gắng hết sức giữ giấc ngủ cho Tuyết, tay anh mỏi tê dại, nhưng anh vẫn ngồi yên như tượng. Thỉnh thoảng anh nhìn xuống khuôn mặt vừa quen vừa lạ đang tựa trên vai mình. Cô ta tự nhiên bỏ nhà ra đi, và bây giờ lại tự nhiên đến đây ngồi dựa vào anh. Tại sao nhỉ? Đàn bà bao giờ cũng hồn nhiên, họ cứ hành động theo ý muốn của mình, và chẳng bao giờ tự nhận thấy mình sai cả. Có lẽ bởi thế, nên bao giờ cũng cần phải tha thứ cho họ. Và chính vì mải nghĩ về Tuyết, bàng hoàng khi lại có Tuyết bên cạnh, khiến anh nhãng quên đi việc Quỳnh đã không còn trên đời nữa. Anh như kẻ chạy trốn nỗi đau của mình, cố quên hết, để chỉ tập trung nghĩ về Tuyết, ôm giữ Tuyết, cảm giác nếu Tuyết lại trở về với anh thì tất cả sẽ trở lại cuộc đời yên ấm vui sướng trước kia.
Trời mưa rồi trời lại tạnh, áo ướt rồi áo lại khô. Thời gian trôi chầm chậm theo đường đi của mặt trăng đang ngả dần về phía tây. Mây bỗng tản ra, cuộn thành từng mớ bông trắng, vầng trăng hiện ra vằng vặc, mặt sông bỗng rợn lên màu xanh lay láy, ánh sáng như diễu cợt những con thuyền vẫn kiên nhẫn bơi đi, bơi lại rà lưới quét một cách vô vọng, dòng sông cứ vô tình chảy mãi về phía xuôi.
Mọi người đã tản dần, đám học sinh đã kéo nhau về, chỉ còn những người trong gia đình đứng túm tụm với nhau, thì thầm bàn bạc.
Bà Xuân lưng còng xuống như gánh nặng đau buồn đè trĩu vai. Bà thâm trầm bước đến bên hai người lặng lẽ hồi lâu, rồi bà cất giọng khàn khàn:
- Về thôi các con. Ngoài này để các anh chị sẽ lo.
Hưng như một tảng đá, đầu óc anh mù mịt, thời gian và không gian đều đọng lại. Anh không biết tại sao lại ngồi đây. Đôi mắt cận thị của anh nhìn trân trân, rồi anh hỏi một cách vô nghĩa:
- Cái gì cơ?
Bà cụ già nhắc lại:
- Về đi các con, không thể chờ được nữa. Tuyết đang ốm, khéo quỵ mất.
Hưng lại ngơ ngác hỏi:
- Về đâu?
Tuyết giật mình tỉnh dậy, rồi lại rũ xuống như một tàu lá héo. Bà Xuân thở dài lắc đầu. Chúng nó khéo đã hoá dại hết mất rồi. Tội nghiệp!
Bà đi tìm gọi xích lô. Lát sau xe đến bà Xuân đến đỡ Tuyết dìu cùng lên xe. Còn Hưng thất thểu đi bộ về.
Trời tảng sáng. Ngày và đêm giao thoa. Cuộc sống đã trôi qua một vòng quay nữa. Ước gì trái đất quay ngược lại và ta lại được trở về quá khứ!
Chiếc xích lô lăn đi trên con đường đất mấp mô của vùng bãi. Tuyết gục đầu vào vai mẹ, lúc lúc lại nấc lên. Bà ôm con gái vỗ nhè nhẹ vào vai, như thuở còn bé bà đã ru dỗ con ngủ. Đứa con gái của bà bây giờ đã trở thành một thiếu phụ cao lớn lộng lẫy, lúc này đang nép sát vào một bà già gầy guộc, đôi cánh tay khẳng khiu của bà đang nâng đỡ tấm thân run rẩy suy sụp vì đau khổ.
- Mẹ ơi, con không thể sống được nữa!
- Đừng nói vậy con. Số phận nó được về trời sớm. Cầu mong cho cháu tôi được siêu thoát về nơi cực lạc.
Bà ngước đôi mắt nhoè ướt hướng lên bầu trời. Sao đang mờ dần, màn đêm bợt bạt, không gian lúc này dường như lặng ngắt, không còn tiếng dế rền rĩ, lũ chim còn lặng thít trong tổ. Có lẽ vào giờ này, tất cả đều chìm nghỉm trong nỗi huyền bí siêu nhiên của sự chuyển tiếp thời gian.
Bà Xuân thốt lẩm bẩm:
- A di đà phật. Cuộc đời này chẳng có gì mất đi mà cũng chẳng có gì tồn tại mãi mãi...
Tuyết rùng mình, cô xiết chặt tay mẹ, một điều gì đó loé hiện trong cô. Bà Xuân vẫn chìm lắng trong dòng miên man, bà lại thì thào một mình:
- Nghiệm ra ở đời, cái gì mà ta hắt hủi thì nó sẽ ruồng bỏ ta. Còn nếu biết thiết tha yêu thương thì phước lành sẽ tưới mát đời ta, tất cả sẽ lại trở về....
Tuyết nức nở nói xen lời mẹ:
- Mẹ ơi, Quỳnh chẳng bao giờ trở về nữa!
Bà Xuân trầm trầm nói tiếp một mình:
- Sự trở về của cõi luân hồi chẳng thể lường được. Tình thương yêu có sức mạnh tái tạo những gì ta đã mất. Quỳnh sẽ trở về, nhất định sẽ trở về theo cách của nó. Nếu lòng con biết thiết tha sống vì con cái. A di đà phật. Cầu mong cho lòng được soi sáng, cho tâm được minh mẫn, cho cõi đời an lạc.
Lời nói rỉ rả thấm dần vào tâm trí mụ mẫm của Tuyết. Lòng cô rạng dần theo ánh hồng thấp thoáng phía chân trời. Bất giác cô đặt tay lên bụng mình, và quyết định: mình sẽ không nạo thai nữa, mặc cho Lâm phản đối. Vì nghe theo Lâm, cô đã hai lần phá thai.
Tuyết xiết tay ôm mẹ, cô thì thào:
- Mẹ ơi, cho con về ở với mẹ nhé.
- Được con ạ, hãy về với mẹ
Tuyết nghẹn ngào:
- Đời con chỉ còn có mẹ thôi. Chỉ có mẹ là thương yêu con hết lòng mà thôi!
Lòng bà mẹ dịu lại, thế là ánh sáng từ bi đã chiếu rọi, sáng lòng người, con gái bà đã giải thoát si mê, để biết sống vì lòng nhân hậu. Đã quá chậm nhưng vẫn còn kịp. Bà nói dịu dàng:
- Đời người đàn bà là phải sống vì con cái. Đó là thiên chức trời phật giao phó. Đừng từ nan con ạ.
- Lần này thì con sẽ không phá nữa. Mẹ ơi, mẹ giúp con nuôi cháu mẹ nhé.
- Cám ơn con. Mẹ mừng lắm vì con đã nghĩ điều phải.
Về đến nhà mẹ, Tuyết lần bước như người mù, cô nằm vật trên giường mẹ rồi thiếp đi. Bà Xuân cầm chiếc khăn mặt ấm vào, thấy con đã ngủ mê mệt. Bà lau mặt, lau tay cho con, kê lại gối, đắp chăn buông màn, rồi ngồi xuống bên cạnh đăm đăm nhìn con gái.
Người thiếu phụ ba mươi bảy tuổi, đối với bà vẫn chỉ là con bé Xíu ngày nào. Bà đã cầu mong mãi mới sinh được nó. Lấy chồng 5 năm mà bà vẫn trơ ra như cái cây không quả. Về sau nhờ chạy chữa và cầu cúng khắp các chùa chiền, đền miếu linh thiêng, mãi bà mới sinh được nó một cách khó khăn. Cảm giác hạnh phúc khi bế đứa con nhỏ xíu của mình thật to lớn, choáng ngợp. Từ ngày có bé Xíu, bà không sống cho mình nữa, hàng ngày bà chỉ còn có một mục đích, sống cho con: ăn để có sữa cho con, tắm để sạch sẽ mà bế con, thời tiết tốt hay xấu là tuỳ thuộc vào sức khoẻ của nó. Thậm chí chiều chồng, giữ chồng cũng là để cho con. Tính bà trở nên đôn hậu dịu dàng. bà cố gắng sống hiền hoà, làm việc thiện để tu nhân tích đức cho con. Cuộc đời đã ân thưởng bà xứng đáng. Bà có gia đình hạnh phúc, tiếp đó bà sinh được cậu Huy nữa. Thế là bà hoàn toàn mãn nguyện.
Vậy mà thời nay, cuộc đời vần xoay thế nào mà đàn bà bây giờ lại có thể bỏ con cái mà chạy theo tình yêu. Mà tình yêu nào có thể lớn hơn tình cảm đối với con cái cơ chứ?
Bà nhớ một buổi chiều, trời mưa lâm thâm, lòng dạ bà bỗng nhiên bồn chồn nóng ruột. Linh tính như có điều gì chẳng lành. bà định khoác áo đến nhà con gái thăm. Chợt thấy bóng dáng bé nhỏ đầu trần, áo phong phanh, Quỳnh vừa đi vừa khóc bước vào nhà. Bà ôm choàng lấy cháu, Quỳnh nức nở oà lên:
- Bà ơi, mẹ cháu bỏ đi rồi.
- Đi đâu? Bà sửng sốt chẳng hiểu cháu nói gì.
- Mẹ cháu đến ở với chú Lâm
- Chú Lâm nào, sao lại thế? Bố cháu bảo sao?
- Bố cháu chỉ nói " mẹ bỏ bố con mình đi rồi".
- Khổ thân cháu tôi! Bà sẽ đi tìm mẹ về cho cháu.
Quỳnh ôm bà khóc nức nở, bà ôm cháu mà lòng tan nát. bà thương cháu, nhưng còn thương con gái hơn. Thế là đời nó hỏng rồi. Người đàn bà bỏ nhà ra đi là lấm bụi trần ai rồi, chẳng còn đường quay về nữa.
- Bà đừng tìm mẹ cháu nữa. Cháu chẳng cần mẹ nữa. Quỳnh nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.
- Đừng nói vậy cháu ạ. Mẹ chắc có việc gì đó, rồi mẹ sẽ lại về với cháu thôi.
Quỳnh ngẩng mặt nhìn bà, mắt nhoà lệ, một đứa bé lên 10 mà có ánh nhìn khắc khoải già nua.
- Cháu biết là mẹ thế nào cũng đi theo chú Lâm, đã từ lâu cháu biết thế rồi.
- Cháu biết như thế nào? Đừng nghĩ xấu về mẹ thế
Quỳnh lắc đầu đau khổ rồi nó kể với bà:
- Chú Lâm là kĩ sư ở cơ quan bố cháu. Chú ấy trẻ như cậu Huy nhà ta. Chú vẫn hay đến nhà để hỏi bố về công việc. Có khi còn ở lại ăn cơm với cả nhà. Cháu thích chơi với chú ấy lắm. Chú ấy rất hay đưa cháu đi chơi vườn bách thú. Có hôm đèo xe máy đưa cháu đi lên tận Hồ Tây. CHú gọi mẹ cháu là chị và xưng em.
- Thế thì chẳng bao giờ mẹ cháu đi theo chú ấy đâu
- Bà không biết đấy. Có một hôm cháu đi học về sớm, cháu vào nhà thấy buồng mẹ cháu đóng cửa, mà xe máy vẫn để ở nhà. Cháu ra phòng khách ngồi xem sách. Lát sau cháu thấy mẹ và chú Lâm ở trong buồng đi ra. Tự nhiên mẹ mắng cháu: " Trốn học hay sao mà về sớm thế? "
Bà Xuân hoảng hồn nghe cháu kể, bà khổ tâm vì con gái bà lại hư đốn đến như vậy, nhưng bà còn lo lắng hơn cho cháu gái bé bỏng đã chứng kiến những điều xấu xa ấy, Quỳnh vẫn tiếp tục kể:
- Mấy hôm sau cháu trốn học để rình, Cứ giữa buổi học là cháu về nấp sau tủ. CHờ chú Lâm với mẹ cháu vào buồng, là cháu nhìn qua lỗ khoá xem họ làm gì.
- Trời ơi, sao cháu lại làm chuyện rình mò tệ hại ấy. Thôi, cháu đừng kể nữa, bà không thích nghe đâu.
- Cháu cũng chẳng dám kể đâu, Tởm lắm
- Thế cháu có nói với bố cháu những điều ấy không?
- Cháu sợ bố buồn, cháu chẳng nói gì cả
- Còn với mẹ, cháu có nói gì không?
- Cháu chẳng muốn nhìn mặt mẹ nữa. Cháu tránh gặp mẹ, mà mẹ cũng đi suốt ngày không ở nhà, và chú Lâm cũng không thấy đến nữa.
- Mẹ có biết cháu nhìn trộm không?
- Chắc là có, bởi vì hôm cháu chưa kịp bỏ đi thì mẹ mở cửa thấy cháu. Mẹ chẳng nói gì. Nhưng từ hôm đó mẹ đi từ sáng đến tối, và bây giờ thì bỏ đi!
- Thế sao cháy không đến nói với bà? Khổ chưa, thế là nó đi hẳn rồi, còn mặt mũi nào mà quay về nữa.
Quỳnh dụi đầu vào lòng bà, em muốn tìm thấy hơi hướng của mẹ nơi bà, Quỳnh nhớ mẹ lắm nhưng làm sao mẹ lại có thể yêu Quỳnh như trước kia được? Khóc hồi lâu rồi chợt nhớ ra, Quỳnh dụi lau mắt rồi nói:
- Thôi, cháu về đây bà ạ, không bố cháu lại lo.
Con bé đã trở thành người nội trợ, khốn khổ thân cháu tôi! Bà đứng dậy lấy nón cho cháu, khoác tấm nilông, rồi bỏ mấy quả cam quả chuối cho cháu xách về.
Rồi từ đó hàng tuần bà chuẩn bị kho cá, kho thịt bò sẵn trong cặp lồng, để cháu mang về hai bố con ăn cả tuần.
... Còn bây giờ cháu đã bỏ cả bà, cả bố mà đi rồi!
Nước mắt bà lúc này mới tuôn trào dàn dụa. Suốt từ chiều nghe tin Quỳnh bỏ đi, rồi lại nghe tin Quỳnh nhảy xuống sông. Lòng bà tê tái, đau đớn đến lặng người. Bà cố nén lại để giữ bình tĩnh cho mọi người.
Lúc này đây, ngồi bên con gái, nhìn nét mặt đã bắt đầu có nếp nhăn mờ mờ ở khoé mắt, bà thương con quá chừng, trời phật đã phạt nó quá nặng nề.
Nỗi khổ đau nhân gấp hai lần, và cũng vì phải gánh nợ đời trên vai gấp hai lần: nợ với con, nợ với cháu, mà bà phải gắng gượng, để lại dẫn con một lần nữa đi vào đạo lý của người làm mẹ. DÙ muộn vẫn hơn chẳng còn gì. Bà đứng dậy đi lên gác ba, nơi lập điện thờ Phật.
Cắm nén hương lên bàn thờ đức Phật bà Quan âm, bà ngồi xếp nếp, tay chắp trước ngực tay lần tràng hạt, cầu kinh. Thời gian trôi theo từng hạt, từng hạt. Quá khứ đi qua, tương lai sẽ đến, cầu nguyện cho cuộc đời bằng an, cho lòng người từ bi, cho lẽ đời sáng suốt...
Bà thâm trầm buông tâm hồn phiêu diêu trong cõi huyền diệu.
Tuyết mở mắt khi nắng rọi qua khe cửa, những chùm sáng chiếu lên gối. Mình nằm ở đâu nhỉ, một mùi thơm quen thân từ thuở ấu thơ: mùi của mẹ! Phải, đã từ lâu lắm rồi, Tuyết không còn nỗi nhớ da diết thuở bé mỗi lần xa mẹ. Hồi đó mỗi lần mẹ có công việc về quê, Tuyết thường vào phòng mẹ úp mặt vào gối của mẹ, mà khẽ thút thít: mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm! Và cái mùi thơm dìu dịu từ gối của mẹ đã làm vợi đi nỗi nhớ.
Đến khi có con, con gái của mình cũng đã một lần nói với mình câu đó, khi ấy mình vừa đi công tác ở nước ngoài về. Những ngày hạnh phúc làm sao!
... Hồi ấy Quỳnh lên 5, Tuyết được cử đi làm phiên dịch cho đoàn cán bộ công nghiệp của Chính phủ đi ký kết các văn bản về hợp tác kinh tế. Tuyết rất mừng vì sẽ trưởng thành nhiều về cả nghiệp vụ phiên dịch lẫn hiểu biết thêm về kinh tế của các nước phương Tây.
Tuy vậy Tuyết ngần ngại không muốn đi. Cô sợ xa con gái. ĐỐi với cô sau khi có con, tất cả cuộc đời là quy tụ vào nó. Ước vọng thành đạt ư? Chẳng có ý nghĩa gì so với khuôn mặt rạng ngời của con bé. Niềm vui được đến những chân trời mới lạ ư? Chẳng thể nào vui sướng hơn khi nghe thấy tiếng cười hồn nhiên của con bé. CHỉ xa con một ngày thôi là Tuyết thấy bồn chồn không yên. Vậy mà bây giờ xa những hai tháng trời. CÔ toan từ chối nhiệm vụ vinh quang mà ai cũng thèm ước ấy. Nhưng Hưng không đồng ý. Anh khuyên cô cần phải đi vì đó là sự nghiệp tương lai và cô đã lên đường. Hai ngày đầu cô không ăn không ngủ gì được. Mọi người xung quanh đều vô nghĩa, cô thờ ơ với tất cả. Các thành phố hoa lệ, các khách sạn sang trọng đều chẳng làm cô chú ý. Cô chỉ nhớ bé Quỳnh.
Ra đón đoàn ở sân bay có rất nhiều quan chức cao cấp, nhiều nhà doanh nghiệp lớn. Và trong đám người sang trọng bệ vệ ấy có một thanh niên cao lớn trẻ măng, chạy đến bên Tuyết:
- Chị Tuyết, chị nhớ em không?
- Nhìn quen quá mà chị chẳng nhận ra em là ai
Tuyết ngượng nghịu cười nhìn đăm đăm vào người thanh niên đẹp trai đến sững sờ ấy. Cậu ta tự giới thiệu:
- Em là Lâm bạn thằng Huy đây mà.
- Trời, thằng Lâm sữa đấy ư? Em khác trước nhiều quá, sao em lại ở đây?
- Em được cử sang đây đào tạo Tổng công trình sư. Bây giờ vừa học vừa nhận việc ở một công trình.. Tổng công ty của bọn em lần này tham gia hợp tác với ta đấy. Em được chỉ định là phiên dịch cho Tổng giám đốc.
Gặp được một người quen ở nơi đất nước xa lạ, bỗng thấy như mình vừa gặp được người thân thiết. Tuyết vui hẳn lên. Lâm chăm sóc Tuyết chu đáo mà tế nhị. Cậu ta thấy Tuyết tỏ ra chẳng thiết đi đâu, không háo hức mua hàng hoá đã đành, mà cũng chẳng đi tham quan, Lâm băn khoăn hỏi Tuyết:
- Chị mệt à? Phải tranh thủ đi mà tìm hiểu đất nước người ta, nếu không khi về rồi thì tiếc đấy.
- Mình chỉ mong về, về được với cái Quỳnh thì thế giới này chẳng có gì để tiếc cả.
Lâm im lặng, rồi cậu ta nói với Tuyết:
- Hai chị em mình ra cửa hàng đồ chơi trẻ con, ta xem có thứ gì mua cho Quỳnh.
Thế là Tuyết bật dậy, náo nức tươi cười đi cùng Lâm ra phố. Hai người vào cửa hàng bách hoá lớn nhất, ngắm hết gian hàng này đến gian hàng khác, Lâm bảo:
- Chị thích gì cứ mua, em sẵn tiền lắm. bên này, chị đừng lo hà tiện như trong nước.
Hoa Và Nước Mắt Hoa Và Nước Mắt - Nhật Hạnh