Worrying does not empty tomorrow of its troubles. It empties today of its strength.

Corrie Ten Boom

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyên Hương
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1348 / 7
Cập nhật: 2015-12-09 21:37:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tinh Thần Thượng Võ
rên đường phố tôi đạp xe rất dịu dàng, nhưng đến nhà, tôi phóng qua cổng rồi thắng kít lại giữa sân. Lấy cớ áo dài vướng víu tôi chạy ngay vào phòng để thay đồ, và dĩ nhiên thằng Hùng phải dắt xe vào nhà. Chẳng phải vì quan tâm đến tôi đâu, chẳng qua nó muốn rộng sân để chơi đá banh.
Suốt ngày với bạn bè, về nhà nó vẫn một mình với trái banh đá bịch bịch vào tường. Sợ sập nhà, và vì chiều chuộng, ba má cho nó một khoảng sân để giăng lưới. Sân lại không được rộng lắm, với khoảng cách bảy mét, nó hò hét “vô... vô... vô...”.
Xì, cái kiểu đó thì một kẻ không thèm luyện tập như tôi vẫn có thể dễ dàng ghi bàn, thậm chí là chín mươi bàn trong một hiệp. Nhìn thấy khuôn mặt chẳng mấy khâm phục của tôi, nó lườm lườm:
- Đến khi em đoạt giải “Chiếc giày vàng” rồi chị sẽ biết.
Tôi rất muốn độp lại một câu cho nó cụt hứng nhưng thấy tội tội nên lại thôi. Tôi biết, tuyên bố hùng hồn vậy nhưng nó lo lắm. Giải bóng đá cấp thành phố sắp tới toàn là những đội mạnh mà thủ môn đội Sao Mai của nó trèo ổi bị té trặc chân.
Sáng nay, một sáng chủ nhật đẹp trời, tôi bị má la chỉ vì phòng thằng Hùng bừa bộn quá. Tại sao phòng của nó mà người bị la lại là tôi? Tại sao phòng của nó mà người dọn dẹp lại là tôi?
Tiếng banh bịch bịch ngoài sân làm tôi thêm nổi cáu. Cái mặt của nó nhô qua cửa sổ và nụ cười toe toét:
- Chị Hằng đang làm gì trong phòng em vậy? À...hay quá ta. Mai mốt em đoạt giải “Chiếc giày vàng” rồi chị biết.
- Biết cái gì? - Tôi la lên - Biết là phòng của mày có thêm một thứ gọi là rác.
Nụ cười của nó tắt lịm, rồi nó hét lớn:
- Còn chị thì sao? Cô giáo gì mà hay khóc nhè.
Cái ý định làm cô giáo của tôi thật ra rất vu vơ. Bạn bè chuyện phiếm với nhau về kỳ thi đại học năm tới, đứa muốn làm bác sĩ, đứa làm luật sư... Còn tôi, khi bạn bè hỏi, chưa kịp biết mình muốn gì, tôi trả lời đại là làm cô giáo.
Chuyện đến tai ba má, ba cười không nói gì, má ngay lập tức biểu lộ sự không hài lòng - Nào là tôi hay ho hen chứng tỏ phổi không được tốt, má còn sợ tôi sẽ trở thành cô giáo ở một huyện xã nào đó rất xa mà má khó đi thăm thường xuyên được. Để nhắc nhở tôi nhớ rằng ý định thành cô giáo khó mà trở thành hiện thực, mỗi lần tôi có sơ xuất gì, kết thúc một trận rầy la, câu cuối cùng của má luôn là “Vậy mà cũng đòi làm cô giáo”. Có một điều lạ là rầy la gì cũng không sao, nhưng hễ má thốt lên câu đó nước mắt tôi chảy dài. Thằng Hùng thích cái gì cũng được ngay cả việc dồn những chậu kiểng về một góc để rộng sân cho nó tập đá banh. Còn tôi, chỉ mới là ý tưởng thôi đã bị cấm đoán rồi.
Đã vậy, tôi sẽ trở thành cô giáo cho mà xem, và tôi sẽ đi thật xa...
o O o
Tôi vù xe qua cổng, thằng Hùng đâu rồi? A! kìa... sao hôm nay không “sút” mà ngồi trên trái banh suy tư như ông cụ non thế kia? Tôi định thắng kít ngay trước mặt nó nhưng thật bất ngờ, thắng bị đứt. Tôi chỉ kịp hét lên và cả bốn - nghĩa là Hùng, tôi, xe đạp và trái banh cùng văng vào cái chậu kiểng uốn hình con cá chép của ba.
Con cá chép bẹp dí như con tép, cái xe cong queo hình chữ s, còn vạt áo dài của tôi toạc ra kiểu tứ thân.
Hùng la lớn:
- Trời ơi, đã thiếu thủ môn rồi mà chị còn muốn mất cầu thủ xuất sắc nhất luôn sao?
Là cầu thủ xuất sắc nhất đội Sao Mai, chứ xuất sắc nhất thế giới thì lúc này tôi cũng sẵn sàng đồng ý, miễn sao nó đừng bị gì. Coi kìa, nó không thèm chú ý đến vết trầy ngay bắp tay mà lo nắn nắn cặp giò, rồi nó cười:
- May quá, còn nguyên.
Tiếng chân má...
Hùng nói thật nhanh:
- Một cú tông xe được hai mục tiêu nghe chị Hằng, cái xe thế nào cũng được sơn lại như mới và có áo dài mới nữa.
Tôi chưa kịp nói gì thì má xuất hiện:
- Lấc ca lấc cấc vậy mà cũng đòi làm cô giáo.
Biết ngay mà, má chỉ thương thằng Hùng, thương con cá chép, thương cái xe đạp...còn tôi...
Nước mắt tôi chảy dài:
- Sang năm con sẽ thi sư phạm cho má coi!
o O o
Hội phụ nữ quyên góp xây dựng ngôi nhà tình thương cho trẻ em cơ lỡ đang sống trong sự bảo trợ bấp bênh của một số người tốt bụng nhưng thu nhập không ổn định, và chính cuộc sống của họ cũng không ổn định.
Cơn mưa đầu mùa lớn chưa từng có đã chặt gãy một thân cây cổ thụ đổ ụp xuống ngôi nhà tình thương và cành lá của nó quét tốc mái những ngôi nhà lân cận. May mắn là bọn trẻ không sao cả.
Trong thời gian đợi ngôi nhà được sửa sang lại, điều này khá lâu vì phải quyên góp. Hội phụ nữ đề nghị mỗi gia đình khá giả nhận nuôi một đứa trẻ cho đến khi nhà sửa xong.
Thằng Bĩnh xuất hiện trong gia đình tôi như vậy đó, vào một ngày đầu mùa hè.
Má nói:
- Hùng dọn phòng cho em Bĩnh ngủ chung với con.
Thằng Hùng nhìn Bĩnh từ tóc đến dép, ngẫm nghĩ gì đó, khoái chí cười:
- Anh với em ngủ chung, đứa nào ngủ trước thì phải buông mùng, dậy sau phải cuốn mùng dọn giường nghe?
Thằng Bĩnh cúi đầu dạ. Ba vội quay mặt đi nơi khác, hình như ba cười. Má nhìn tôi lắc đầu:
- Em nó bắt chước con đó Hằng, bữa cơm nào cũng “ai ăn sau phải dọn”. Vậy là cứ nhắm mắt nhắm mũi nuốt không kịp nhai.
- Phần của chị Hằng là gì hở má? - Thằng Hùng không quên.
- Hằng cũng có việc đây. Cô giáo lớp học tình thương nói em Bĩnh học loại trung bình, con mà kèm cho em lên loại khá thì...
Má bỏ lửng, tôi hiểu. Tôi nhìn thằng Bĩnh thật kỹ, dĩ nhiên không phải kiểu tính toán nhỏ nhen như thằng Hùng. Da ngăm đen, trán dô...
Cả ngày Bĩnh đi bán báo. Buổi tối phòng tôi biến thành lớp học. Bĩnh thông minh hơn tôi tưởng. Nó đọc vanh vách các kết quả không cần cầm bút tính toán.
- Diện tích thửa ruộng là 1.000 m2, một người cày một ngày được 1/3 diện tích. Hỏi hai ngày người đó cày được bao nhiêu?
- 666 m2 với một xíu nữa.
- Trọng tải xe là 472 kg, muốn chở 4600 kg cần bao nhiêu xe?
- 10 xe, trong đó có một xe còn rộng chỗ lắm.
- Vừa gà vừa chó bó lại cho tròn 36 con, 100 chân chẵn?
- 14 chó 22 gà vừa khít.
Những buổi học kết thúc trong lời khen của tôi và câu nói của thằng Hùng “Ngủ trước đi Bĩnh”.
Nhưng đến khi lấy giấy bút ra thì thật kinh khủng, không thể nào phân biệt được số 0, số 3, số 6 và số 8. Đến bài chính tả viết đến lần thứ 10 vẫn không xong thì tôi nổi xung:
- Tại sao không viết là “bờ”?
- Em thấy viết vầy là đủ hiểu rồi. - Bĩnh nhỏ nhẹ trả lời.
- Hiểu cái gì? - Tôi nổi cáu - “b” khác với “bờ” nghe chưa?
Nó dạ một cách miễn cưỡng. Vậy rồi nó vẫn viết “b biển”.
- Tại sao nói hoài không sửa?
- Nhưng em thấy viết chữ “bờ” tốn mực hơn mà!
Tôi quát:
- Cứ thêm chữ “ơ” vô, không cần tiết kiệm một cách bần tiện như vậy.
Thằng Hùng thò đầu vào:
- Ba nói cái lớp của chị làm ba không nghe radio được kìa!
o O o
- Thằng Bĩnh bỏ đi rồi ba ơi!
Tiếng la của thằng Hùng vào lúc sáng sớm khiến cả nhà bật dậy. Ba má hốt hoảng. Rõ ràng tối qua học xong là nó về ngủ ngay, khuya má dậy tém mùng cho hai đứa vẫn thấy không có gì lạ. Chuyện gì? Ba trừng mắt nhìn thằng Hùng:
- Hôm qua ba nghe con bắt nó ôm banh với đôi giày ra sân vận động.
Hùng lắc đầu lia lịa:
- Đâu phải con ăn hiếp nó, đó là nó xin đi theo mà.
Má nhìn tôi trách móc:
- Con giảng bài kiểu gì mà nghe nạt nộ quá...
Tôi lắc đầu lia lịa:
- Tối qua học môn toán má ơi!
Ba thay áo, định đi báo công an nhưng kìa... thằng Bĩnh đang cục cựa trong chiếc ghế bành ngoài phòng khách, tay dụi mắt. Má mừng rỡ lay vai nó:
- Sáng sớm cháu ra đây làm gì mà ngủ gục?
Nó nhướng mắt trả lời, giọng còn ngái ngủ:
- Ngày nào cháu...cháu cũng phải dọn giường cuốn mùng.
Ba phì cười, tôi thấy thương nó quá.
Hình như thằng Hùng cũng như tôi, nó không còn tị nạnh việc buông mùng và dọn giường với thằng Bĩnh, lại còn rủ cùng chơi đá banh nữa. Một đứa làm thủ môn, một đứa sút, cứ như thế thay nhau làm huyên náo cả khoảng sân.
Thằng Bĩnh hóa ra là một thủ môn tuyệt vời và là một cây làm bàn xuất sắc khiến thằng Hùng đâm ra mê mẩn. Nó cho thằng Bĩnh bộ quần áo thể thao và đôi giày còn khá mới. Trong bộ đồ này, nhìn thằng Bĩnh oai vệ hẳn lên. Nó cười suốt ngày, học hành tiến nhanh vùn vụt trừ môn chính tả. Để chứng tỏ không bần tiện, nó thêm chữ “ơ” vào bất cứ từ nào có chữ “b”, lại còn học lỏm tiếng Anh ở đâu nữa, về hỏi tôi “Người Anh gọi con mèo là con két phải không?”. Cảm ơn trời, tôi không phải chịu trách nhiệm trước má về trình độ ngoại ngữ của nó.
Thằng Hùng dậm chân đi tới đi lui nhìn thằng Bĩnh học, tặc lưỡi tiếc nuối.
Chính tôi cũng lấy làm tiếc. Thiếu niên phường nào lập đội bóng của phường đó mà Nhà Tình Thương lại nằm trên địa bàn của phường khác, lại là một phường có phong trào thể dục thể thao không được quan tâm lắm.
Đùng một cái, có tin phường của thằng Bĩnh cấp tốc thành lập đội bóng để đi thi. Đúng là “nước tới chân...” mới nhảy, chỉ còn hai tuần nữa, làm sao luyện tập kịp?
Giờ thì học toán cũng như chính tả, thằng Bĩnh sai be bét, đầu óc nó lăn tròn theo trái banh, không phải tập chơi chơi với thằng Hùng cho vui mà là làm cầu thủ đàng hoàng. Thâm chí nó đã biết trước áo của nó số 1.
- Chị Hằng biết không, đội của em có tên là Bình Minh, tên đẹp quá chị há?
Tôi chìa giấy bút trước mặt nó:
- Biết chữ Bình Minh viết sao không?
Nó nắn nót viết “Bờinh Minh”.
Ngay trận đấu đầu tiên thằng Bĩnh thủ môn của đội Bình Minh đã làm mọi người sững sờ. Đội của nó đá không hay, thậm chí là rất dở, nhưng đối phương không thể nào ghi bàn được dù là quả penalty.
Và cứ vậy, đội Bình Minh đi vào chung kết với thành tích huyền thoại - Không một lần bị thủng lưới! Đội Sao Mai cũng vào chung kết với công lớn của thằng Hùng - Một mình nó ghi ba trong tổng số bốn bàn thắng.
Chiều mai hồi còi cuối cùng sẽ kết thúc cuộc thi, giấc mơ “Chiếc giày vàng” sẽ là hiện thực của ai?
Thằng Hùng cắn môi nhìn ra sân, nơi mọi ngày nó và thằng Bĩnh hào hứng hò hét. Còn thằng Bĩnh nhìn xuống nền gạch hoa, những nét hoa văn dọc ngang rối mắt.
Ba xoa đầu hai đứa:
- Các con là anh em, ba muốn hai đứa ngày mai chơi thật đẹp, chơi đúng tinh thần thượng võ.
Hùng chạy vào phòng tôi, giọng nó nghèn nghẹn:
- Em biết thằng Bĩnh giỏi hơn em nhiều lắm!
Lần đầu tiên thằng em trai của tôi thừa nhận nó không giỏi nhất. Và hơn vậy nữa, lần đầu tiên nó vào phòng tôi không phải để gây gổ mà để chia sẻ.
Tôi ôm vai em mình, thấy mùi nắng trên tóc nó hôm nay sao mà dễ chịu quá.
Tôi muốn đội thằng Hùng thắng, đồng thời cũng muốn đội thằng Bĩnh thắng. Nghĩa là tôi muốn có một “Đôi giày vàng” chia cho hai đứa, mỗi đứa một chiếc! Ngồi với ba trên khán đài, lòng dạ tôi nôn nao. Ơ kìa... tại sao trong khung thành của đội Bình Minh là số 2? Số 1 đâu rồi?
Cũng ngạc nhiên như tôi, ba hỏi:
- Bĩnh đâu rồi?
o O o
Anh phóng viên đưa micro về phía thằng Hùng,
- Em nghĩ gì khi mình đoạt giải?
Trên tay Hùng là chiếc giày vàng chói. Nó im lặng. Tôi hồi hộp. Nó sẽ nói gì? Im lặng thật lâu... rồi nó nhìn quanh đưa mắt tìm kiếm trong đám đông.
Tim tôi đập mạnh. Em tôi sẽ nói gì đây? Tay ba bỗng xiết chặt tay tôi và tôi nghe tiếng ba thở dồn.
Thằng Hùng ho húc hắc... chắc là nó xúc động lắm “Thưa... thưa... phần thưởng này là của thủ môn đội Bình Minh...”
Ba buông tay tôi ra chạy đến ôm thằng Hùng vào lòng.
o O o
Nhà tình thương đã xây lại xong nhưng thằng Bĩnh không về đó nữa. Chấm dứt mùa hè, má mua vải đồng phục cho tôi, Hùng và Bĩnh.
Cái bảng tên mới toanh thơm tho trên ngực áo trái giúp nó hiểu ra “Bĩnh” và “Bờinh” là khác nhau rất xa.
- Em sẽ cố gắng môn chính tả! - Bĩnh thì thầm.
- Tất cả các môn! - Tôi nghiêm trang nói, ra dáng rất cô giáo.
Hoa Rù Rì Hoa Rù Rì - Nguyên Hương Hoa Rù Rì