Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Émile Gaboriau
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-11-18 15:22:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
au chín ngày Prosper Bertomy bị giam kín trong ngục thì một buổi sáng thứ Năm viên cai ngục đến thông báo cho anh quyết định đình cứu.
Người ta dẫn anh lên phòng lục sự, trả lại cho anh mọi đồ dùng cá nhân. Sau đó dẫn anh đi qua một hành lang chật hẹp tối tăm. Cánh cửa mở ra rồi đóng lại sau lưng anh với một tiếng động buồn thảm.
Còn lại một mình anh trên kè đá sông Seine. Anh đã được tự do.
Tự do! Có nghĩa là tòa án không xác định được tội trạng của anh. Tự do! Có nghĩa là anh được phép đi lại hít thở không khí trong lành, nhưng anh sẽ thấy mọi cánh cửa đều khép lại trước mặt anh.
Nếu tòa xử trắng án thì có nghĩa là phải phục hồi danh dự cho anh. Nhưng quyết định đình cứu chỉ làm cho kẻ bị bắt sẽ mãi mãi chịu sự nghi ngờ. Trong lúc này khi đã được tự do, Prosper mới cảm thấy tình cảnh khủng khiếp của mình, đến nỗi anh không thể không giận dữ la lên:
- Nhưng mà tôi vô tội, vô tội!
Nhưng có ích gì? Những người qua đường tưởng anh là một thằng điên. Sông Seine đây, nó đang chảy ngay dưới chân anh. Anh chợt nghĩ đến ý định tự tử.
- Không! - anh nói. - Không! Ta không có quyền tự tử. Không, ta không muốn chết trước khi được phục hồi danh dự.
Biết bao nhiêu lần khi phải ngồi trong xà lim Prosper đã mơ ước đến sự phục hồi danh dự. Anh đã tự nhủ: “Chà! Giá mà ta được tự do!” Giờ đây, khi đã được tự do anh mới hiểu được những khó khăn to lớn trong nhiệm vụ của mình. Đối với tòa án, mỗi một tội phạm cần có một thủ phạm. Từ nay chỉ khi nào anh bắt được thủ phạm thì anh mới có thể chứng minh được sự vô tội của mình. Nhưng làm thế nào để tìm ra và bắt được nó?
Thất vọng nhưng không nản chí, anh cất bước trở về nhà. Anh lo lắng không hiểu chín ngày qua chuyện gì đã xảy ra. Giá mà anh có một người bạn! Nhưng người bạn nào còn dám tin anh, khi mà chính bố anh cũng đã khước từ không chịu tin anh. Trong cơn đau đớn giày vò anh nhớ tới Nina Gypsy.
Anh chưa bao giờ yêu cô gái tội nghiệp ấy, nhưng trong lúc này kỷ niệm về cô đối với anh đã trở thành một trong những niềm dịu ngọt vô bờ. Bởi vì anh biết là cô yêu anh, anh tin chắc là cô sẽ tin lời anh nói, rằng cô kiên định tin tưởng anh, trung thành với cả nỗi bất hạnh, cho dù không phải lúc nào cô cũng trung thành với sự thịnh vượng.
Về tới nhà, anh ngập ngừng bên ngưỡng cửa không muốn vào. Anh ngại không muốn gặp một người quen nào nữa. Tuy nhiên anh vẫn phải vào. Nhìn thấy anh, ông gác cổng mừng rỡ reo lên:
- A, thế là anh đã về, tôi đã bảo là anh sẽ được về và trong sạch như tuyết trắng mà.
Prosper đau khổ xúc động trước lời chúc mừng có thể là vụng về nhưng chân thành ấy. Anh chẳng muốn dài dòng giải thích gì cả. Anh hỏi ông:
- Cô ấy nhà tôi chắc là đi rồi, ông có biết cô ấy đi đâu không?
- Ồ không anh ạ. Hôm anh bị bắt cô ấy đã thuê xe ngựa, chất tất cả mọi đồ đạc lên xe rồi ra đi. Từ đó đến nay chúng tôi chẳng nghe nói gì về cô ấy nữa.
- Còn những người hầu của tôi?
- Họ cũng đi cả rồi anh ạ. Bố anh đã trả tiền công cho họ và cho họ thôi việc.
- Thế thì ông còn giữ chìa khóa phòng tôi chứ?
- Không anh ạ. Sáng nay lúc tám giờ, khi bố anh ra về thì ông đã bảo tôi là ông để lại trong phòng một người bạn thân của ông mà tôi phải coi là chủ nhân của căn phòng cho đến khi anh trở về. Chắc là anh biết ông ấy: một người đàn ông to đậm, có mai dài màu hung.
Prosper hết sức ngạc nhiên. Một người bạn của bố anh ở đây làm gì? Tuy nhiên anh không để lộ vẻ ngạc nhiên của mình.
- Có, tôi biết… - anh đáp.
Rồi anh vội leo lên cầu thang và giật chuông phòng mình. Ông bạn của bố anh ra mở cửa. Đó là người đàn ông đúng như ông gác cổng tả. Nhưng Prosper chưa nhìn thấy ông ta bao giờ.
- Rất hân hạnh được làm quen với anh. Ông nói.
Ông đang sống ở nhà Prosper như ở nhà mình. Trên bàn tiếp khách có một cuốn sách mà ông đã lấy ở phòng sách ra đọc.
- Thưa ông, tôi phải thú nhận rằng… - Prosper lên tiếng.
- Rằng anh ngạc nhiên khi thấy tôi ở đây có phải không? Tôi hiểu. Bố anh định giới thiệu tôi với anh, nhưng sáng nay ông buộc phải về Beaucaire. Xin nói thêm rằng cũng như tôi, ông đã tin rằng anh không hề lấy một xu của ông Fauvel.
Nghe cái tin hạnh phúc ấy, Prosper không kìm được tiếng reo vui.
- Vả lại, bức thư này của bố anh sẽ thay lời giới thiệu.
Nói rồi ông đưa thư cho Prosper. Anh bóc thư rồi càng đọc mặt anh càng rạng rỡ lên, đôi má tái nhợt của anh trở nên ửng đỏ.
Đọc xong, anh đưa tay cho ông khách to béo.
- Thưa ông, bố tôi bảo ông là bạn thân thiết nhất của bố tôi. Bố tôi bảo tôi hãy tin ông hoàn toàn và hãy làm theo lời khuyên của ông.
- Đúng thế. Sáng nay, người cha tử tế của anh đã bảo tôi: ”Anh Verduret này,” Verduret là tên tôi, ”thằng con tôi đang gặp cảnh rắc rối, cần phải giải thoát cho nó.” Tôi đáp: “Xong rồi!” Thế là tôi có mặt ở đây. Giờ chúng ta không còn gì dè dặt nhau nữa, có phải không? Vậy thì, chúng ta hãy đi thẳng vào việc. Anh định làm gì bây giờ?
Câu hỏi này khơi dậy mọi cơn tức giận của anh thủ quỹ, đôi mắt anh long lên.
- Tôi định làm gì ư? - anh đáp giọng run lên. - Tôi muốn tóm cổ thằng khốn nạn nào đã làm nhục tôi để giao cho tòa án, tôi muốn trả thù!
- Tất nhiên. Và anh có cách nào để đạt được mục đích ấy không?
- Chẳng có cách nào cả. Nhưng tôi sẽ tìm ra nó, bởi vì nếu người nào dành cả đời mình cho một mục đích thì chắc chắn anh ta sẽ thành công.
- Đúng thế, anh Prosper ạ và thật tình tôi đang mong đợi anh có một chí hướng như vậy. Bằng chứng là tôi đã suy nghĩ và tìm cách giúp anh. Tôi đã có một kế hoạch. Bước đầu anh hãy bán đồ đạc và biến khỏi đây ngay.
- Biến khỏi đấy ư? - anh thủ quỹ phẫn nộ kêu lên. - Sao lại biến khỏi đây? Không thể thế được, thưa ông, thế thì có nghĩa thú nhận tôi là thủ phạm, là cho phép thiên hạ nghĩ rằng tôi đi trốn để yên trí hưởng 350.000 franc ăn cắp được.
- Thế thì sao? - Người đàn ông có mai dài màu hung lạnh lùng hỏi. - Anh chẳng vừa khẳng định với tôi rằng anh sẵn sàng hy sinh cả đời mình là gì? Người có tài bơi lội nếu gặp kẻ xấu quăng xuống nước thì anh ta sẽ không ngoi lên mặt nước ngay. Anh ta sẽ cố lặn thật xa để leo lên bờ ở chỗ khuất. Và chính lúc người ta tưởng là anh ta đã chết đuối thì anh bỗng hiện ra và trả thù. Anh có một kẻ thù phải không? Chỉ có sự thiếu thận trọng của hắn mới làm cho hắn bị bắt thôi. Nhưng một khi hắn còn nhìn thấy anh thì hắn còn cảnh giác.
Prosper nghe người đàn ông nói với thái độ phục tùng sửng sốt. Người này mặc dù là bạn của bố anh nhưng đối với anh, ông vẫn là một người lạ. Một cách vô ý thức anh đang chịu sự ảnh hưởng của một tính cách cương nghị hơn tính cách của anh. Vì anh đang mất tất cả nên anh cảm thấy vui sướng khi anh tìm thấy một chỗ dựa.
- Tôi sẽ nghe theo lời ông. - Prosper đáp sau khi suy nghĩ một lát.
- Tôi tin thế nào anh cũng nghe lời tôi, anh bạn thân mến ạ. Như vậy là chúng ta sẽ bán sạch ngay ngày hôm nay. Và anh nên nhớ rằng việc bán đồ đạc sẽ rất có lợi cho chúng ta. Anh có tiền không? Không. Thế nhưng chúng ta lại cần tiền. Tôi biết là anh sẽ nghe tôi nên tôi đã gọi một nhà buôn đồ đạc. Ông ta sẽ mua cả gói tất cả những gì có ở đây, trừ các bức tranh, với giá 12.000 franc.
Prosper bất đắc dĩ giật mình. Ông Verduret nhìn thấy liền bảo:
- Vâng, điều đó thật là nghiệt ngã, tôi biết, nhưng cần phải thế. Nghe đây, - ông nói tiếp bằng một giọng khác hẳn. - Anh là bệnh nhân, còn tôi là bác sĩ có nhiệm vụ cứu chữa cho anh. Nếu tôi cắt vào thịt sống thì anh cứ kêu lên, nhưng hãy cứ để cho tôi cắt. Như thế mới thoát được.
- Cứ cắt đi, thưa ông. - Prosper đáp, - càng ngày anh càng bị sự ảnh hưởng của vị khách chế ngự.
- Tốt lắm. Thôi ta chuyển sang chuyện khác, vì thời gian gấp lắm rồi… Anh là bạn của de Lagors có phải không?
- Anh Raoul de Lagors ấy à, thưa ông, bạn thân tôi đấy.
- Vậy thì tên này là người thế nào?
Chữ “tên này” có vẻ làm cho Prosper phật ý. Anh miễn cưỡng đáp:
- Thưa ông, anh de Lagors là cháu của ông Fauvel. Đó là một thanh niên giàu có, lịch sự, hóm hỉnh, là người tốt nhất và đứng đắn nhất mà tôi biết.
- Hừ! Thật là một con người có nhiều phẩm chất, và tôi rất vui nếu được làm quen với anh ta. Bởi lẽ, phải thú nhận với anh rằng tôi đã thay mặt anh viết thư yêu cầu anh ta tới đây, và anh ta đã viết thư nhận lời.
- Sao? - Prosper choáng váng kêu lên. - Ông có thể cho rằng…
- Ồ! Tôi chưa giả định gì cả. Nhưng tôi cần phải gặp anh chàng này. Thậm chí tôi đã chuẩn bị sẵn cho anh cách trò chuyện với anh ta…
Có tiếng chuông gọi cửa cắt đứt câu nói của ông Verduret.
- Mẹ kiếp! - ông bảo. - Anh ta đến đấy. Tôi không kịp bày chuyện cho anh nữa rồi. Tôi có thể giấu mình ở đâu để có thể nghe và nhìn được?
- Ở kia, trong phòng ngủ của tôi, ông cứ để cửa mở và buông rèm xuống.
Hồi chuông thứ hai vang lên.
- Tôi ra đây! Ra đây! - anh thủ quỹ nói to.
- Vì mạng sống của anh, Prosper, - ông Verduret cố thuyết phục. - Vì mạng sống của anh, anh đừng nói gì cho con người này biết về những dự định của anh và về tôi. Anh hãy tỏ ra nản chí, mệt mỏi, do dự…
Nói rồi ông biến vào phòng ngủ trong khi Prosper chạy ra mở cửa.
Prosper đã không quá lời khi mô tả anh Raoul de Lagors. Anh ta năm nay hai mươi tư tuổi, nhưng trông chỉ vào khoảng hai mươi. Anh ta có thân hình tầm thước và cân đối tuyệt đẹp. Anh ta có mái tóc dày màu hạt dẻ nhạt uốn quăn tự nhiên quanh vầng trán thông minh. Đôi mắt xanh mở to của anh ta rạng rỡ vẻ chân thật và kiêu hãnh. Nhìn thấy Prosper, Raoul vội ôm chầm lấy anh:
- Tội nghiệp bạn, tội nghiệp Prosper…
Tuy nhiên, đằng sau thái độ trìu mến ấy lộ ra một vẻ gượng gạo mà nếu như Prosper không nhận thấy thì ông Verduret chắc cũng nhìn ra.
Sau khi ngồi xuống ghế, Raoul nói tiếp:
- Bạn ạ, thư của cậu đã làm tớ đau đớn kinh hoàng. Tớ nhủ thầm: Cậu ta điên rồi chăng? Thế là tớ đã bỏ tất cả để chạy đến đây.
Prosper có vẻ như không nghe thấy, vì anh đang còn bận tâm suy nghĩ về bức thư không phải do anh viết. Không hiểu ông Verduret đã viết những gì trong đó?
- Cậu không có can đảm ư? - Raoul nói tiếp. - Tại sao lại tuyệt vọng? Ở tuổi chúng mình vẫn còn thời gian để làm lại cuộc đời. Cậu vẫn còn bạn bè. Sở dĩ tớ đến đây là vì tớ muốn bảo cậu: hãy tin cậy ở tớ. Tớ là một người giàu có, tớ sẵn sàng dành một nửa gia tài cho cậu.
Cử chỉ hào hiệp ấy đã làm Prosper vô cùng xúc động. Anh đáp:
- Cảm ơn Raoul, cảm ơn! Rất tiếc trong lúc này mọi tiền của trên trái đất đều chẳng giúp ích được gì cho mình cả.
- Sao lại thế? Vậy thì cậu định thế nào? Cậu có định ở lại Paris không?
- Tớ không biết, tớ chẳng có dự định gì cả, tớ đang rối trí lên đây.
- Tớ đã nói rồi, - Raoul sôi nổi nói tiếp. - Cậu phải làm lại cuộc đời. Hãy tha thứ cho lòng chân thành của tớ, đó là lòng chân thành của tình bạn. Một khi mà vụ trộm này chưa được làm sáng tỏ thì cậu không thể ở lại Paris được.
- Thế nếu nó sẽ không bao giờ được làm sáng tỏ?
- Lại càng là một lý do nữa để cậu phải biến đi. Đây này, cách đây một tiếng đồng hồ tớ đã nói chuyện với ông Clameran. Cậu đã tỏ ra không phải đối với ông ấy, bởi vì ông ấy yêu cậu. Ông ấy bảo: ở địa vị Prosper thì tôi sẽ bán hết tài sản để sang Mỹ, tôi sẽ làm giàu và sẽ quay về dùng tiền của làm cho những kẻ nghi ngờ tôi phải choáng ngợp.
Lời khuyên này đã làm cho lòng tự trọng của Prosper phẫn nộ. Nhưng nhớ tới câu nói của ông Verduret anh không tỏ ra phản đối gì cả.
- Thế nào? - Raoul gặng hỏi.
- Để tớ nghĩ đã, - Prosper khẽ nói. - Tớ muốn biết xem ông Fauvel bảo sao.
- Chú tớ ấy à?… Cậu biết là từ khi tớ khước từ lời đề nghị của ông ấy muốn tớ vào làm tại nhà băng của ông ấy thì tớ và ông ấy gần như giận nhau. Ít nhất là một tháng nay tớ không đặt chân đến nhà ông ấy. Nhưng tớ biết tin tức về ông ấy…
- Ai nói cho cậu biết?
- Anh bạn Cavaillon của cậu. Sau vụ này chú tớ có vẻ rụng rời hơn cả cậu, rất ít khi người ta thấy mặt ông ở nhiệm sở, có thể nói là ông vừa qua một căn bệnh khủng khiếp.
- Thế còn bà Fauvel và… - Prosper ngập ngừng. - Và tiểu thư Madeleine.
- Ồ! Bà dì tớ thì vẫn sùng đạo lắm, bà vẫn cúng lễ cầu xin cho kẻ thủ phạm. Còn cô em họ xinh đẹp và lạnh lùng của tớ thì không để ý đến những chuyện vụn vặt, vì nàng đang mải chuẩn bị cho buổi vũ hội hóa trang tổ chức ngày kia tại nhà ông Jandidier. Nàng đã phát hiện ra một bà thợ may thiên tài để may cho nàng bộ váy áo theo mốt phù dâu của Catherine de Médicis.
Có thể nói nỗi đau khổ thái quá sẽ dẫn đến trạng thái dửng dưng. Prosper đã chịu đau khổ một cách kinh khủng rồi, tuy nhiên nỗi đau khổ cuối cùng này vẫn làm anh rụng rời. Anh thì thầm gọi, “Madeleine! Madeleine!”
Raoul lờ đi như không nghe thấy, anh ta đứng lên:
- Tớ phải đi đây, Prosper thân mến ạ, thứ Bảy này tớ sẽ gặp bà dì và cô em họ tớ tại vũ hội, và tớ sẽ cho cậu biết tin. Từ nay đến khi ấy cậu hãy can đảm lên. Và cậu hãy nhớ rằng dù thế nào chăng nữa thì cậu cũng cứ tin cậy ở tớ.
Raoul bắt tay Prosper rồi ra về. Anh ta ra tới đường rồi mà Prosper vẫn còn đứng im thẫn thờ. Chỉ đến khi nghe thấy giọng nói chế nhạo của ông Verduret anh mới bừng tỉnh:
- Bạn bè của anh thế đấy!
- Vâng!…- Prosper cay đắng đáp. - Tuy nhiên ông cũng đã nghe thấy rồi: anh ta xin tặng tôi một nửa gia tài.
Ông Verduret nhún vai thông cảm:
- Thật là một kẻ ti tiện. Sao anh ta không tặng anh cả gia tài? Những món quà như thế này chẳng có gì cam kết cả? Tuy nhiên tôi tin rằng anh chàng đẹp trai ấy sẵn sàng bỏ ra 10.000 franc để có được Đại Tây Dương mênh mông ngăn cách giữa anh và anh ta.
- Anh ta ư! Thưa ông… nhưng tại sao vậy?
- Ai mà biết được? Có thể chính vì lý do đó mà anh ta cố tình muốn anh ghi nhận rằng từ một tháng nay anh ta không đặt chân đến nhà ông chủ.
- Nhưng đúng là như thế, thưa ông, tôi cam đoan điều đó.
- Tất nhiên! - ông Verduret vẻ giễu cợt đáp. - Nhưng thôi, - ông nghiêm nghị nói tiếp. - Chuyện về anh chàng đẹp trai này thế là đủ rồi. Tôi đã hiểu được anh ta. Bây giờ anh hãy đi thay quần áo và cả hai chúng ta sẽ cùng nhau đến thăm ông Fauvel.
Lời đề nghị này có vẻ làm Prosper phẫn nộ.
- Không đời nào! - anh giận dữ kêu lên. - Không đời nào! Tôi không thể nhìn được mặt con người khốn nạn ấy.
- Tôi hiểu, nên tôi hy vọng là anh sẽ thay đổi thái độ. Tôi muốn gặp ông Fauvel cũng như tôi đã muốn gặp Raoul. Cần phải thế, anh hiểu không? Anh yếu đuối đến mức không thể kiềm chế nổi mình năm phút à? Tôi sẽ tự giới thiệu là họ hàng của anh, anh không phải nói một lời nào cả.
- Nếu ông thấy thật cần thiết, nếu ông muốn.
- Vâng tôi rất muốn. Nào! Hãy yên tâm và tin tưởng lên một chút. Nhanh lên. Muộn rồi đấy. Tôi đang đói đây, chúng ta sẽ ăn trưa ngoài phố và vừa ăn vừa nói chuyện.
Anh chàng thủ quỹ vừa bước sang phòng ngủ thì có tiếng chuông gọi cửa. Ông Verduret ra mở. Đó là ông gác cổng. Ông cầm trong tay chiếc phong bì khá dày. Ông nói:
- Đây là phong thư mà sáng nay người ta đã đem đến cho anh Bertomy. Lúc gặp lại anh ấy tôi xúc động quá nên đã không nhớ đưa ngay cho anh ấy. Thật là một phong thư kỳ cục, có phải không ông?
Quả là một phong thư kỳ cục! Địa chỉ người nhận không được viết bằng tay mà được ghép bằng những chữ in cắt rời.
- Ồ! - ông Verduret kêu lên. - Cái gì thế này?
Rồi ông bảo ông gác cổng:
- Bác ngồi đây đợi một lát, rồi tôi sẽ quay ra ngay.
Ông để ông gác cổng ngồi đợi ở phòng ăn rồi quay vào phòng khách và cẩn thận đóng cửa lại. Prosper đã có mặt ở đó, anh đã nghe thấy tiếng chuông cửa và quay ra xem có chuyện gì.
Người ta đem đến cho anh cái này đây.
Nói rồi ông Verduret tự nhiên bóc thư. Ông lôi ra một tập tiền giấy, đếm được mười tờ. Prosper đỏ mặt.
- Thế này là thế nào? - anh hỏi.
- Rồi chúng ta sẽ biết, có giấy kèm theo đây.
Bức thư cũng được dán bằng những chữ in cắt rời ghép lại. Nó chỉ có mấy chữ ngắn gọn nhưng rõ ràng:
“Prosper thân mến, một người bạn hiểu được tình cảnh khủng khiếp của anh đã gửi cho anh sự cứu tế này. Mong anh biết cho rằng có một trái tim đang chia sẻ cùng anh mọi điều lo lắng. Xin anh hãy rời khỏi nước Pháp. Anh còn trẻ, tương lai thuộc về anh. Anh hãy lên đường đi, và cầu mong cho số tiền này mang đến cho anh điều tốt lành.”
Càng nghe ông Verduret đọc, cơn giận của Prosper càng dâng lên. Giận đến phát điên, bởi vì anh không biết giải thích thế nào về những sự kiện nối tiếp nhau và anh cảm thấy đầu óc rối mù.
- Tất cả mọi người đều muốn tôi đi khỏi đây, - anh kêu lên. - Như vậy hẳn là có một âm mưu thông đồng.
Ông Verduret giấu nụ cười hài lòng và bảo:
- Được rồi! Anh cứ mở mắt ra thì sẽ hiểu. Phải, con của ta ạ, ở đây có những người không thích anh vì tất cả những tội lỗi mà họ đã gây ra cho anh. Phải, có những người mà sự có mặt của anh ở Paris sẽ là một mối đe dọa vĩnh viễn đối với họ, và họ muốn anh đi khỏi đây bằng bất cứ giá nào.
- Nhưng những người đó là ai, thưa ông? Ông hãy nói đi. Ông hãy nói cho tôi biết ai dám tự cho phép gửi cho tôi số tiền này?
Ông Verduret buồn rầu lắc đầu:
- Anh Prosper thân mến, nếu tôi biết thì nhiệm vụ của tôi đã được hoàn thành, bởi vì khi ấy tôi sẽ biết được kẻ nào đã gây ra vụ trộm mà anh bị tố cáo. Nhưng chúng ta sẽ tìm ra. Cuối cùng tôi đã có được một dấu hiệu mà sớm hay muộn cũng sẽ trở thành một nhiệm vụ nặng nề cho tôi. Trước đây tôi chỉ có thể suy đoán. Còn bây giờ tôi đã có một vật để chứng minh cho tôi biết rằng tôi đã không nhầm. Trước đây tôi phải mò mẫm trong bóng tối thì giờ đây tôi có một tia sáng lờ mờ soi đường.
Ông Verduret, với cái vỏ bề ngoài là một người khách chào hàng bình thường, khi cần đã có thể có giọng nói uy quyền có khả năng chế ngự cả những tâm hồn yếu đuối và bệnh hoạn. Nghe ông nói, Prosper lấy lại phần nào sự tự tin và hy vọng.
- Vấn đề là chúng ta phải bắt đầu từ cái dấu hiệu này mà sự thiếu thận trọng của kẻ thù đã trao cho chúng ta. Hãy bắt đầu bằng cách hỏi người gác cổng.
Ông mở cửa gọi:
- Này bác! Mời bác vào trong này.
Ông gác cổng vừa bước vào vừa cầm mũ lưỡi trai trên tay, ông có vẻ vô cùng tò mò trước thái độ đầy quyền uy của ông khách lạ.
- Ai đã gửi cho bác bức thư này? - ông Verduret hỏi.
- Một người môi giới buôn bán và anh ta bảo rằng người ta thuê anh đưa hộ.
- Bác có quen anh ấy không?
- Có. Đó là người môi giới buôn bán cho ông chủ quán rượu ở góc phố Pigan.
- Bác đi tìm anh ấy cho tôi.
Sau khi ông gác cổng đi khỏi, ông Verduret liền rút trong túi ra cuốn sổ tay rồi lần lượt đối chiếu những tờ giấy bạc bày trên bàn với những con số trong sổ tay. Xem xong ông quả quyết nói:
- Tiền này không phải do thủ phạm vụ trộm gửi. Đúng không, thưa ông?
- Tôi tin như vậy. Tuy nhiên trừ phi tên ăn cắp ấy có biệt tài nhìn xa trông rộng. Một điều chắc chắn là trong số những tờ bạc 1.000 franc đây không có tờ nào thuộc số tiền 350.000 franc đã bị mất cấp trong két sắt của anh.
- Nhưng…
- Không có “nhưng” gì cả. Tôi đã ghi tất cả các con số thứ tự của tập tiền đó rồi…
- Sao? Khi mà chính tôi đã không làm điều đó!
- Ngân hàng đã ghi lại cho tôi, anh bạn trẻ ạ, và thật là may. Khi đảm nhiệm một vụ việc nào thì ta phải phòng ngừa mọi chuyện và không được quên bất cứ điều gì.
Nếu như ban đầu Prosper có phần nào ghê sợ phải phó mặc hoàn toàn cho ông bạn của bố mình thì giờ đây nỗi ghê sợ ấy đã biến mất. Anh hiểu rằng nếu để một mình anh thì không bao giờ anh có được sự sáng suốt kiên nhẫn của nhân vật kỳ lạ này. Trong lúc đó ông ta vẫn tiếp tục tự nói với mình như thể quên hẳn sự có mặt của Prosper:
- Như vậy số tiền này phải do một người khác gửi tới. Đó là người đã có mặt ở bên két sắt trong lúc xảy ra vụ trộm mà người đó đã không can ngăn nổi và bây giờ người ấy đang hối hận. Giờ đây, giả thuyết về sự có mặt của hai người khi xảy ra vụ trộm đã trở thành một sự thật chắc chắn không phải bàn cãi. Ergo*, ta đã đoán đúng.
Prosper vừa nghe vừa cố tưởng tượng để hiểu chút gì trong lời độc thoại của ông khách.
- Ta hãy tìm, - ông Verduret nói tiếp, - ta hãy tìm xem người thứ hai này là người thế nào mà mặc dù bị lương tâm cắn rứt nhưng không dám tiết lộ.
Ông cầm lấy bức thư đọc đi đọc lại thong thả từng chữ một. Ông nói khẽ:
- Rõ ràng là bức thư này do một ngươi đàn bà thảo ra. Không bao giờ một người đàn ông gửi tiền giúp một người đàn ông khác lại dùng chữ: “cứu tế” vì nó rất xúc phạm. Một người đàn ông có thể dùng từ: cho vay, trợ giúp, tiền, hoặc bất cứ một từ tương đương nào khác, nhưng “cứu tế” thì không đời nào. Chỉ có một người đàn bà vì không hiểu hết tính dễ tự ái ngớ ngẩn của đàn ông thì mới coi việc dùng từ ấy là chuyện tự nhiên. Còn câu nói “có một trái tim” thì chỉ có thể coi đó là suy nghĩ của một người đàn bà.
Lần này thì Prosper có thể theo dõi được công việc suy luận của ông Verduret. Anh liền bảo:
- Thưa ông, tôi nghĩ là ông nhầm, không thể có một người đàn bà nào xen vào vụ án này được.
Ông Verduret không phản đối câu ngắt lời của Prosper, có thể ông không nghe thấy, cũng có thể ông thấy không cần thiết phải bàn cãi. Ông vẫn nói tiếp:
- Bây giờ chúng ta thử tìm xem những chữ này được cắt ra từ đâu.
Nói rồi ông bước tới bên cửa sổ và bắt đầu xem xét kỹ từng chữ. Ông nói:
- Chữ nhỏ, rất mảnh và rõ nét, được in rất cẩn thận, giấy khá mỏng và mịn! Như vậy những chữ này không phải được cắt ra từ một tờ báo, cũng không phải từ một cuốn tiểu thuyết hay một cuốn sách thông thường nào khác. Dù sao tôi cũng đã nhìn thấy chúng. Nhà in Didot thường hay dùng chúng, cả nhà in Marne ở thành Tours nữa.
Ông dừng lại, miệng hơi há ra, mắt mở to cố lục tìm trí nhớ. Bỗng nhiên ông vỗ trán:
- Thấy rồi! Quỷ thật tại sao tôi lại không nhận ra ngay nhỉ? Tất cả những chữ này đã được cắt ra từ một cuốn sách kinh. Vả lại ta có thể kiểm tra được.
Nói rồi ông dùng lưỡi tẩm ướt một vài chữ và lấy một chiếc kẹp bóc chúng ra. Đằng sau một chữ có in một chữ Latin: “Deus*”.
- Ha, ha! - ông khẽ cười hài lòng. - Tôi đã đoán đúng mà. Nhưng cuốn sách kinh bị cắt xén ấy giờ ra sao rồi? Liệu nó có bị đốt đi không? Không, một cuốn sách bọc bìa cứng không thể dễ cháy như thế được. Chắc người ta đã quẳng nó vào một xó xỉnh nào đó.
Ông Verduret ngừng lời. Ông gác cổng bước vào dẫn theo người giúp việc cho quán rượu phố Pigan.
- Ồ! Chào anh bạn, anh đến thật đúng lúc. Ai đã giao cho anh chuyển bức thư này? Đàn ông hay đàn bà?
- Không, thưa ngài, đó là một người môi giới.
- Anh có quen anh ta không?
- Tôi chưa bao giờ gặp anh ta.
- Trông anh ta thế nào?
- Ồ, thưa ngài, không cao không thấp, mặc áo vét nhung xanh, có đeo phù hiệu nghề nghiệp.
- Thôi đi anh bạn. Nhận dạng thế thì anh môi giới buôn bán nào mà chả có. Nhưng anh ta có nói ai giao nhiệm vụ đưa thư này không.
- Không, thưa ngài. Anh ta chỉ đưa cho tôi mười xu rồi bảo: Này, đem bức này đến số nhà 39 phố Chaptal, ông đánh xe ngựa đã nhờ tôi việc này…
Ông Verduret hơi bối rối. Lối chuyển thư thận trọng ấy đã làm cho kế hoạch của ông bị xáo trộn. Ông hỏi tiếp:
- Thôi được, nếu gặp lại anh có nhận ra người ấy không?
- Thưa ngài, có ạ.
- Vậy thì anh hãy nghe đây. Mỗi ngày anh kiếm được bao nhiêu?
- Ô! Thưa ngài, tôi không biết chính xác, nhưng khoảng từ 8 đến 10 franc.
- Được! Anh bạn ạ, tôi sẽ cho anh 10 franc mỗi ngày chỉ để cho anh đi tìm anh bạn đồng nghiệp kia của anh thôi. Hàng ngày, khoảng tám giờ tối anh hãy đến khách sạn Đại Thiên Thần bên kè đá Saint-Michel để báo cáo công việc cho tôi và nhận tiền công. Anh cứ hỏi thăm ông Verduret. Nếu anh tìm thấy con người ấy tôi sẽ trả anh 50 franc. Anh đồng ý chứ?
- Chà! Đồng ý quá đi chứ, thưa ngài!
- Thế thì lên đường làm nhiệm vụ ngay đi!
Mặc dù không biết kế hoạch của ông Verduret, nhưng Prosper bắt đầu hiểu ý nghĩa công việc điều tra của ông. Cuộc đời anh phụ thuộc vào sự thành công của ông, vậy mà anh gần như đã quên nó để chỉ còn biết thán phục tính nhanh nhẹn, vẻ điềm tĩnh, khả năng phán đoán chính xác của người giúp việc kỳ lạ này.
- Như vậy là thưa ông, - anh hỏi khi người môi giới đi khỏi, - ông vẫn tin rằng có bàn tay của một người đàn bà?
- Hơn bao giờ hết, và là một người đàn bà sùng đạo, hơn nữa bà ta còn có ít nhất hai cuốn sách kinh, bởi vì bà ta đã phải cắt xén một cuốn để viết thư cho anh.
- Và ông có hy vọng gì tìm lại được cuốn sách ấy không?
- Hãy nói là một hy vọng lớn, anh Prosper thân mến ạ, nhờ có những phương tiện điều tra trực tiếp mà tôi sẽ sử dụng ngay bây giờ.
Ông ngồi xuống lấy bút chì viết nhanh hai, ba dòng lên một mẩu giấy nhỏ rồi cuộn lại đút vào túi áo gilê.
- Anh đã sẵn sàng để chúng ta lên đường tới thăm ông Fauvel chưa? Rồi à? Vậy thì ta đi thôi, chúng ta sẽ ăn một bữa trưa ngon lành ngoài phố.
Hồ Sơ Số 113 Hồ Sơ Số 113 - Émile Gaboriau Hồ Sơ Số 113