Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 297 / 18
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 - Cậu Bé Diệu Kỳ
ừ khi rời khỏi Las Vegas cùng Adam Apollonius, Dybbuk đã tận hưởng những thời khắc tuyệt vời của tuổi trẻ tại thành phố New York. Tay ảo thuật gia gốc Anh Apollonius đã dành trọn thời gian của gã, cũng như của những người làm việc cho gã, để biến Dybbuk thành ngôi sao trong chương trình ảo thuật truyền hình trực tiếp đặc biệt của chính cậu, với tên gọi Cậu bé diệu kì.
Apollonius giải thích:
– Đầu tiên chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn vẻ ngoài của cháu. Để cháu có thể nhìn giống như ngôi sao mà cháu sắp trở thành.
Dybbuk nói:
– Trước khi làm chuyện đó, cháu muốn đổi tên cái đã. Cháu ghét nó. Luôn luôn ghét.
Apollonius bảo:
– Thật sự thì, ta nghĩ “Dybbuk” là một cái tên nghe khá hay đấy chứ. Nó có nghĩa là…
Dybbuk ngắt lời gã:
– Cháu biết nó nghĩa là gì. Và cháu ghét nó. Cháu muốn được gọi bằng một cái tên khác.
Apollonius bật cười:
– Ok, có lẽ cháu muốn một cái tên nghe có vẻ kì ảo một chút, đúng không? David chẳng hạn. Phân nửa ảo thuật gia trên thế giới hiện nay dường như đều mang tên này.
Dybbuk lắc đầu:
– Cháu ghét tên David. Cháu thích tên chú cơ.
– Xin lỗi nhóc, nhưng ta đang sử dụng tên đó.
– Ý cháu là, cháu thích một cái tên kiểu như thế. Một cái gì đó nghe bắt tai một chút.
Suy nghĩ trong giây lát, Apollonius hỏi:
– Thế “Jonathan Tarot” thì thế nào? Từ “tarot” lấy từ những lá bài Tarot mà người ta thỉnh thoảng vẫn dùng để bói tương lai. Một thứ vớ vẩn, dĩ nhiên, nhưng lại là một từ mang đầy ý nghĩa ma thuật, cháu không nghĩ vậy sao?
Dybbuk lặp lại:
– Jonathan Tarot. Cháu thích cái tên đó.
Vỗ tay vào nhau cái bốp và xoa xoa chúng với vẻ mặt trông đợi, Apollonius nói:
– Ok, Jonathan Tarot vậy, con trai. Thế còn hình tượng mới của cháu thì sao?
– Hình tượng?
– Cháu muốn mình có một vẻ ngoài như thế nào ấy.
Dybbuk chưa bao giờ để ý lắm đến vẻ ngoài của cậu. Cậu hiếm khi chải mái tóc hơi dài lâu lâu mới được gội một lần của mình. Cậu hầu như lúc nào cũng mặc áo thun, quần jean đen và một đôi giày ống đi môtô. Ngoài những thứ đó, cậu không bao giờ suy nghĩ nhiều về đầu tóc và quần áo, ngoại trừ việc cậu thấy người khác, ghét cách họ ăn mặc và cảm thấy tội nghiệp cho họ.
Đưa tay vân vê hàm râu nhỏ xíu cùng cái bông tai của mình một cách tự mãn, Apollonius ướm hỏi:
– Có lẽ cháu muốn trông giống ta?
Trên sân khấu cũng như trên tivi, Apollonius thường mặc một cái áo khoác màu trắng tay ngắn, mà gã bảo để người khác có thể thấy rõ gã không che giấu gì trong ống tay. Dybbuk nghĩ nó làm gã giống nha sĩ, hay một đầu bếp hơn là một ảo thuật gia. Cho nên cậu chỉ cười trừ và lắc đầu.
Cậu nói:
– Thật sự thì, cháu đã có một ý tưởng riêng trong đầu. Cháu muốn nhìn giống Elvis Presley trong thời gian ông biểu diễn ở Las Vegas. Cháu muốn mặc một trong những bộ trang phục trắng họa tiết đại bàng khảm kim cương giả lấp lánh, với cổ áo rộng, khăn choàng cổ có tua, áo choàng và giày ống trắng.
Apollonius lưỡng lự hỏi:
– Cháu không nghĩ phong cách thập niên 70 của Elvis giờ có phần hơi lỗi thời hả?
Dybbuk vẫn khăng khăng:
– Nó sẽ phổ biến trở lại. Như những gì của thập niên 70.
Thực tế, cậu không biết điều đó có thật hay không, và cậu cũng chẳng quan tâm mấy đến câu trả lời. Dybbuk có đủ kinh nghiệm để biết người lớn thường nhượng bộ khi trẻ con bắt đầu la lên với họ cái gì hợp thời, cái gì không.
Cậu nói thêm:
– Không ai tuyệt vời bằng Elvis.
Apollonius nhún vai bảo:
– Nếu cháu muốn thế, nhóc. Elvis vậy.
Cho nên Dybbuk đã có một buổi cắt tóc trị giá một ngàn đô la từ chuyên gia tạo mẫu tóc hàng đầu New York – một quý ông, ngạc nhiên cái là lại trọc đầu, tên Jon Bread – để cuối cùng, mái tóc đen như mực của cậu nhìn giống như một thứ được vẽ trên đỉnh đầu bởi một họa sĩ Manga, với mái trước chảy ngược lên trán và độ bóng không thua gì một chiếc Cadillac. Giống y như Elvis. Dybbuk kết kiểu tóc mới của cậu, và đã bỏ ra một, hai giờ gì đấy để tập luyện cho được một nụ cười nhếch mép đậm chất rock-n-roll phù hợp.
Rồi một người đàn ông từ một cửa hàng ở Hollywood đến với một tuyển tập các bộ trang phục áo liền quần phong cách Elvis đủ màu. Hầu hết chúng đính kim loại, trang sức, các loại hạt… khá nặng, nhưng khi mặc thử một cái, Dybbuk có cảm giác như một ông hoàng. Một điều không mấy ngạc nhiên, vì chỉ có một ông hoàng mới đủ tiền mua những bộ đồ như thế này. Mỗi bộ trị giá năm mươi nghìn đô la. Dybbuk đặc biệt thích những cái thắt lưng với những cái khóa to như một cái dĩa nhỏ.
Cũng trong thời gian đó, Dybbuk còn bận cân nhắc cách sử dụng sức mạnh djinn sao cho người khác lầm lẫn là những trò ảo thuật, càng kì lạ càng tốt. Cậu bỏ thời gian xem phim về những ảo thuật gia nổi tiếng để bắt chước những gì họ đã làm, đồng thời cố gắng tìm ra một cái gì đó hay hơn. Hoặc hai, ba cái gì đó hay hơn. Và chẳng bao lâu sau, cậu đã có một vốn tiết mục được gọi là ảo thuật mà Adam Apollonius tuyên bố là những thứ ấn tượng nhất gã từng xem. Những pha ảo thuật cận cảnh khá dễ thực hiện, dĩ nhiên. Nhưng Dybbuk muốn có một thứ gì đó đặc sắc hơn là chỉ làm một quả táo hiện ra trong lòng bàn tay bên dưới một cái khăn mùi soa lụa. Hay làm một con mèo con biến mất bên trong áo sơ mi của cậu.
Cậu nói với Apollonius:
– Cháu đang nghĩ, chúng ta cần một tiết mục gì đó thật sự đặc biệt để kết thúc show trình diễn, đúng không?
– Ta cứ nghĩ cháu sẽ làm màn ảo thuật Ấn Độ với dây thừng chứ.
Dybbuk cho biết:
– Cháu có một thứ khác tuyệt hơn. Cháu gọi nó là Ảo thuật Ngón tay vàng. Lấy ý tưởng từ phim James Bond.
Apollonius nói:
– Ngón tay vàng à? Ta thích cái tên đó.
– Nó cũng khá đơn giản thôi. Cháu bị khóa bên trong một chiếc Aston Martin sắp sửa tông vào thứ gì đó. Cháu sẽ trốn thoát khỏi chiếc xe mà không bị camera phát hiện trước khi chiếc xe bị va chạm, dĩ nhiên, và, ngay dưới mũi vài trăm binh lính, bí mật đi vào trong Kho Bạc Mĩ.
Kho Bạc Mĩ là một tòa nhà hầm được canh giữ nghiêm ngặt gần doanh trại quân đội Fort Nox ở Kentucky, được dùng để cất giữ phần lớn lượng vàng của Hợp chủng quốc Hoa Kì. Khu hầm chứa vàng có bốn bức tường làm bằng đá hoa cương, và được bảo vệ bởi một cánh cửa nặng hai mươi lăm tấn.
Dybbuk nói tiếp:
– Một khi đã vào trong khu hầm, cháu sẽ lấy trộm một thỏi vàng được đóng dấu hẳn hoi của Cơ quan Đúc tiền Mĩ, dĩ nhiên, có lẽ làm chuông báo động vang lên để họ biết cháu đã ở đó, rồi xuất hiện trên một nóc nhà với thỏi vàng cầm trong tay.
Apollonius mở to mắt hỏi:
– Cháu nói đùa đấy à?
Dybbuk gật đầu chắc nịch:
– Cháu có thể làm được điều đó.
– Ừ, thì làm được. Nhưng như thế nào?
Dybbuk lại mở nụ cười bí hiểm của cậu khi nói:
– Tập luyện.
– Ta hỏi thật đó, nhóc. Nói ta biết coi. Cháu làm nó như thế nào?
– Thế cháu có hỏi chú chú làm những trò ảo thuật của mình như thế nào không?
Apollonius trả lời một cách cẩn thận:
– Không. Nhưng điều cháu vừa đề nghị có hơi khác với việc làm một con gấu Bắc Cực biến khỏi sân khấu. Cháu trình diễn ngoài trời. Cháu sẽ cần đến kĩ xảo hình ảnh đặc biệt, và nó sẽ rất tốn kém.
Dybbuk hỏi:
– Harry Houdini có sử dụng kĩ xảo hình ảnh không? Cháu nghĩ là không. Thứ nhất, thời đó làm gì có kĩ xảo hình ảnh. Và thứ hai, ông ấy là ảo thuật gia tuyệt vời nhất. Tuyệt vời nhất vì ông ấy đã làm chuyện bất khả thi. Đó là điều cháu muốn làm. Một chuyện bất khả thi. Mà nghĩ lại, có khi chúng ta nên gọi màn ảo thuật đó như vậy. Nhiệm vụ Bất khả thi.
Apollonius vẫn còn lưỡng lự:
– Ta phải khâm phục sự tự tin của cháu đấy, nhóc. Nhưng mà…
Dybbuk gạt bỏ:
– Không nhưng nhị gì hết. Tin cháu đi, cháu có thể làm được điều đó.
Apollonius bảo:
– Ồ, ta không có nghi ngờ chuyện cháu có thể làm được điều đó. Chỉ là, ta ước gì mình biết được cháu làm thế nào thôi. Cháu không thể nói cho ta sao? Ta hứa sẽ không tiết lộ bí mật. Cháu biết ta sẽ bị đá ra khỏi Giới Ma thuật nếu ta mở miệng mà.
Dybbuk hỏi:
– Giới Ma thuật?
Apollonius trả lời:
– Là hiệp hội của các ảo thuật gia trên khắp thế giới.
Suy nghĩ trong giây lát, Dybbuk trả lời một cách khéo léo:
– Cháu cũng muốn nói cho chú lắm. Thật đó. Nhưng chú không thấy là, khi chú biết được một màn ảo thuật được thực hiện đơn giản như thế nào, nó chẳng còn có vẻ hấp dẫn gì cả? Chú nghĩ thử đi. Bộ chú không muốn sống với ý nghĩ ma thuật thực sự hiện hữu, hơn là biết tất cả những kĩ xảo vụt vặn cháu dùng để thực hiện màn ảo thuật của cháu?
Apollonius hỏi:
– Có nghĩa là, luôn có những kĩ xảo phù hợp?
Dybbuk mỉm cười:
– Dĩ nhiên rồi. Chẳng lẽ chú nghĩ cháu là người ngoài hành tinh?
Apollonius cũng mỉm cười:
– Có thể. Ta không biết. Tất cả những gì ta biết là, ở lứa tuổi mười ba, cháu thật sự là một kỳ quan nhỏ tuổi.
Rồi gã lắc đầu nói tiếp:
– Lũ nhóc khắp thế giới sẽ cuồng loạn vì cháu cho coi. Nhất là đám con gái.
Dybbuk mỉm cười.
* * *
Màn ảo thuật không tưởng của Jonathan Tarot được đón nhận với sự kinh ngạc trên khắp thế giới khi nó được phát sóng trên truyền hình. Và ngoại trừ những mundane may mắn từng nhận được ba điều ước từ một djinn tốt, tất cả những ai đã xem qua chương trình truyền hình này đều đồng ý rằng, họ chưa bao giờ xem được một show ảo thuật tuyệt vời nào như của Tarot. Không ảo thuật gia nào từng làm một đồng xu hiện ra trong tay người khác, hay bẻ cong một cái nĩa với sức mạnh ý chí chỉ trong mười giây. Tiết mục bay nhấc người lên khỏi một vỉa hè ở New York đến ba mươi centimet của Jonathan Tarot đã làm bao nhiêu người phải há hốc mồm ngạc nhiên, cũng như tiết mục ảo thuật với lá bài của cậu, trong đó ấn tượng nhất là lúc cậu biến toàn bộ lá bài trong bộ bài thành ảnh của cô gái đang được cậu cho xem trò này. Nhưng lời khen nồng nhiệt nhất là dành cho tiết mục Nhiệm vụ Bất khả thi, một tiết mục ảo thuật Tarot thực hiện tốt đến nỗi vài khán giả đã ngất xỉu khi chứng kiến chiếc Aston Martin bị nghiền nát trong vụ đụng xe, trong khi Kho Bạc Mĩ giờ đây phải tiến hành điều tra lí do tại sao các biện pháp an ninh của nó lại bị phá vỡ dễ dàng như vậy.
Adam Apollonius đã không quá lời về tác động toàn cầu của Jonathan Tarot trong lần xuất hiện đầu tiên trên tivi. Bọn trẻ xem chương trình ảo thuật đặc biệt này đều cuồng dại vì cậu. Đặc biệt là các cô bé gái. Trên thực tế, từ “cuồng dại” thậm chí còn không đủ để mô tả mức độ được hâm mộ của ngôi sao mới nổi Tarot. Nói ngắn gọn thì, show truyền hình trực tiếp đặc biệt của Tarot đã biến cậu thành hiện tượng mà những người trong giới biểu diễn gọi là “tin giật gân qua đêm”. Đoạn phim thu lại show trình diễn này được phát sóng liên tục trong hai đêm, với lần phát sóng thứ hai thu được con số khán giả lên đến năm mươi triệu người, vượt qua tất cả các chương trình truyền hình khác. Dĩ nhiên, kết quả đó có được một phần nhờ vào việc khán giả không có mấy lựa chọn xem đài, vì rất nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng tự nhiên bị ngừng phát sóng một cách bí ẩn. Nhưng không ai nghĩ đến việc kết nối hai sự kiện đó lại với nhau.
Jonathan Tarot được mời tham gia một số show trò chuyện đêm khuya trên truyền hình, và được mời trình diễn thêm một số màn ảo thuật trực tiếp cùng những pha trốn thoát ngoạn mục khác. Trong một show, cậu đã đứng trong một túi rác nylon và, bằng cách hóa thể chỉ phần chân của mình, cậu đã tạo ra ảo giác như cả thân hình đang bắt lửa. Trong một show khác, cậu bước ra khỏi Nhà hát Ed Sullivan trên đại lộ Broadway và trình diễn một pha trốn thoát giật gân sau khi bị còng tay và nhốt vào cốp sau của một xe cảnh sát New York đậu bên ngoài. Nhưng pha ảo thuật tuyệt vời nhất là khi cậu biến mất bên trong một thang máy của tòa nhà GE ở Rockefeller Plaza, New York khi nó đang di chuyển từ tầng một lên tầng sáu mươi chín, rồi lại xuất hiện trên nóc nhà vài giây sau đó.
Vỗ vỗ tờ báo đang đọc với lưng bàn tay, Apollonius đọc lớn:
– Nghe này: Chỉ mới tuần trước, không ai biết đến cậu bé Jonathan Tarot mười ba tuổi. Tuần này, ảo thuật gia trẻ tuổi với những màn biến mất giật gân này đã trở thành cậu bé nổi tiếng nhất nước Mĩ, và được nhiều người biết đến không thua gì các ngôi sao điện ảnh và các thần tượng nhạc pop. Điều tuyệt vời là, không giống những người khác, Tarot có tài năng thực sự, và được mong đợi sẽ có một hình tượng gương mẫu cũng như ảnh hưởng tốt cho trẻ em trên khắp thế giới.
Apollonius bật cười một cách khoái chí và bảo:
– Người ta đang nói về cậu đấy nhóc. Thế nào? Thấy tuyệt không, Jonathan?
Jonathan – không ai, thậm chí là Adam Apollonius, được phép gọi cậu là “Dybbuk” nữa – thừa nhận:
– Có lẽ.
– Cháu muốn có ảnh hưởng tốt cho trẻ em trên khắp thế giới không?
Jonathan nhún vai bảo:
– Cháu không biết. Có lẽ. Tại sao không chứ?
Apollonius nhe răng cười:
– Vậy rất tốt, con trai. Rất tốt. Bởi vì cháu có thể là một luồng ảnh hưởng. Không giống bất kì ai khác trong lịch sử. Với tài năng thiên phú của cháu và sức mạnh khổng lồ của truyền hình, chúng ta có thể làm bất kì điều gì chúng ta muốn.
– Nếu chú nói thế, Adam.
Apollonius xoa xoa tay một cách hào hứng:
– Ta nói thế đấy. Ta có những kế hoạch vĩ đại cho cháu, con trai. Chúng ta sẽ kiếm tiền, rồi chúng ta sẽ làm nên lịch sử.
– Ờ, tuyệt đó.
– Nói ta biết. Cháu làm điều đó như thế nào, nhóc?
Jonathan kiên nhẫn trả lời:
– Tập luyện.
Cậu không trách Adam Apollonius vì đã hỏi. Không trách một chút nào. Trong mắt Jonathan, Apollonius – bản thân là một ảo thuật gia chuyên nghiệp – muốn biết bí mật của cậu là một chuyện hoàn toàn tự nhiên. Nếu gã không tò mò muốn biết màn ảo thuật của Jonathan được thực hiện như thế nào thì mới là chuyện lạ.
Apollonius cũng biết rõ điều đó. Trên thực tế, đó chính là lí do tại sao gã hỏi Jonathan về bí quyết ảo thuật: để loại bỏ bất cứ nghi ngờ nào của thằng bé về gã. Bởi vì nói thẳng, Apollonius biết rõ thằng bé thực hiện các màn ảo thuật như thế nào. Gã biết chính xác Jonathan Tarot là ai, là cái gì. Làm sao gã không biết được chứ? Dybbuk là thằng con hoang của gã mà. Cơ thể của Adam Apollonius đang bị sở hữu bởi không ai khác ngoài linh hồn của Iblis tộc Ifrit. Và, như thường lệ, gã djinn độc ác đang lập một kế hoạch kinh khủng nào đó xứng tầm với bản chất của gã.
Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 4 - Ngày Tái Sinh Những Chiến Binh Đất Nung Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 4 - Ngày Tái Sinh Những Chiến Binh Đất Nung - Philip Ballantyne Kerr Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 4 - Ngày Tái Sinh Những Chiến Binh Đất Nung