Khi phải chống chọi với những thử thách của cuộc sống, bạn đừng vội nản lòng. Bởi đó là cơ hội tốt để những khả năng tiềm ẩn trong bạn có dịp được phát huy.

S. Young

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 264 / 25
Cập nhật: 2019-11-13 12:07:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Những Người Thích Nóng
ời New York, John, Philippa và Dybbuk đến London tìm ông Rakshasas vào đúng một ngày tuyết rơi dày đặc. Một chiếc taxi đen thui chở ba đứa trẻ rời phi trường Heathrow đến căn hộ tiện nghi của cậu Nimrod gần Vườn Kensington. Philippa bấm chuông cửa trong khi John trả tiền taxi, còn Dybbuk thì hì hục kéo mấy túi hành lý của chúng lên mấy bậc tam cấp trước thềm. Khi chờ mãi mà không thấy ai ra mở cửa, John đưa tay nắm lấy cái núm gõ cửa hình nắm tay, đập mạnh mấy cái, trước khi cúi người xuống liếc nhìn vào trong qua khe nhét thư trên cửa. Lại một phút nửa trôi qua mà không có động tĩnh gì, Dybbuk ngồi xuống cái vali của mình và bắt đầu phàn nàn:
– Tuyệt vời. Giờ chúng ta phải làm gì?
Cài chặt lại nút áo choàng và kéo mũ sụp xuống che kín tai, Philippa nói chắc như đinh đóng cột:
– Chúng ta ngồi chờ chứ còn gì nữa? Ông Groanin chắc chỉ đi mua báo hay thứ gì đó thôi. Ông ấy sáng sớm mà không có báo để đọc thì cứ y như một con gấu bị nhức đầu ấy. Tớ chắc ông ấy sẽ về ngay thôi.
Dybbuk nhướng mày hỏi:
– Lỡ ổng cũng đang đi nghỉ mát thì sao? Lỡ mấy ngày nữa ổng mới quay lại? Và mấy người khác cũng vậy? Lúc đó thì chúng ta đã trở thành tượng băng rồi còn đâu.
John nhún vai:
– Vậy còn đỡ hơn…
Dybbuk, ngoài mặt thì ăn nói rất hùng hồn nhưng bên trong không mạnh mẽ bằng John và Philippa, hỏi lại:
– Đỡ hơn cái gì? Không ai trong chúng ta còn xu nào dính túi. Trời thì quá lạnh để sử dụng sức mạnh djinn, và chúng ta không có chỗ ngủ qua đêm. Còn điều gì có thể tồi tệ hơn thế chứ?
John nhìn thẳng vào mắt cậu bạn:
– Cậu có thể bị y như bạn cậu, Brad, và cha cậu ấy. Đó là chưa kể đến Max, quản gia của bà dì cậu, và ông Strasberg, người thợ kim hoàn xấu số ở New York. Họ đều đã chết, trong khi cậu vẫn còn sống, không phải sao?
Suy nghĩ trong vài giây, Dybbuk nhận ra điều John nói đúng. Cậu khẽ gật đầu và không nói gì thêm.
John trấn an:
– Mà cậu đừng lo, tớ nghĩ Philippa nói đúng. Có khi chi mấy giây sau, ông Groanin sẽ xuất hiện ở ngõ quẹo kia, thấy chúng ta ngồi chồm hổm ở đây và nói…
– Mấy đứa làm cái quái gì ờ đây thế? Ta hỏi, mấy đứa nghĩ mấy đứa đang làm cái quái gì ở đây thế hả?
Ngẩng đầu lên, Dybbuk trông thấy một người đàn ông cao lớn, tướng nghiêm nghị, với cái đầu hói và chỉ có một cánh tay. Ông đội cái mũ quả dưa, vận quần tây sọc nhỏ, khoác một cái áo khoác đen dài, và cầm một tờ The Daily Telegraph. Đó là ông Groanin.
Cặp sinh đôi nhảy bật dậy và chạy lại ôm lấy ông Groanin một cách trìu mến.
Ông hỏi lại:
– Rốt cuộc mấy đứa làm gì ờ đây vậy? Ta nhớ đã nói cậu Nimrod của tụi bây và anh Rakshasas không có nhà rồi mà.
Philippa nói:
– À, chỉ là tụi cháu nghĩ, biết đâu khi tụi cháu đến đây, ông Rakshasas đã trở về rồi cũng nên.
Ông Groanin trả lời thẳng thừng:
– Không hề. Cả Nimrod cũng không. Ta chẳng được tin tức gì từ hai người bọn họ từ đó đến giờ.
Rồi hếch cằm về phía Dybbuk, ông hỏi:
– Còn ai đây?
John giới thiệu:
– Đây là Dybbuk.
Dybbuk trợn mắt và hắng giọng một tiếng. Cậu ghét bị gọi đầy đủ tên như thế.
– Buck. Chỉ Buck thôi, được không?
Philippa nói tiếp:
– Cậu ấy đang gặp rắc rối. Chuyện là cậu ấy đã đột nhập vào một bảo tàng quân đội Mỹ và trộm một bức tranh của Leonardo da Vince. Và bây giờ có một nhóm người chuyên sử dụng rắn độc muốn giết cậu ấy.
Ông Groanin nhướng mày nói:
– Còn gì nữa không? Nếu không thì mấy đứa liệu mà biến gấp vào trong nhà trước khi chết cóng. Vào một ngày tháng Tư khắc nghiệt như thế này, ta lo sẽ bị chết cóng hơn bị rắn cắn chết. Đây, cầm giùm ta cái này một chút.
Đưa cho Philippa cầm giùm tờ báo, ông tra chìa khóa cửa vào lỗ, vặn nó một vòng, và mở rộng cánh cửa trước mặt mình.
– Dù ta không biết gì nhiều về rắn rít. Còn hổ á, đó là một chuyện khác!
Nhanh chóng lùa bọn trẻ vào trong nhà, ông dẫn chúng vào bếp, rồi vừa pha cho mỗi đứa một cốc sữa nóng, ông vừa kể cho chúng nghe chuyện ông đã mất một cánh tay của mình cho một con hổ đói tại bảo tàng Anh Quốc khi ông còn làm quản thư ở đó. Tuy đã nghe câu chuyện này mấy lần, cặp sinh đôi vẫn không khỏi rùng mình.
Rồi Philippa chợt nghĩ ra một ý:
– Nhắc đến thư viện mới nhớ, cháu có ý này: Sao chúng ta không sử dụng thư viện của ông Rakshasas nhỉ? Cái thư viện bên trong cây đèn của ông. Cháu nhớ ông bảo ông Rakshasas để lại cây đèn ở đây, đúng không ông?
Ông Groanin gật đầu:
– Ừ. Đến bây giờ ta vẫn không khỏi ngạc nhiên tại sao anh ấy lại làm vậy. Không giống anh ấy chút nào. Cái thư viện đó là niềm tự hào của anh ấy mà. Dù ta chưa hề được tận mắt nhìn thấy nó. Nhưng Nimrod bảo nó chứa hơn mười nghìn đầu sách chứ chẳng chơi.
Khẽ rùng mình vì lạnh, Dybbuk nhắc:
– Nè, chúng ta có quên gì ở đây không vậy? Không có sức mạnh djinn, chúng ta làm sao có thể biến thể để chui vào trong cây đèn đó được. Nước Anh vốn đâu có ấm áp gì hơn New York. Trong ngôi nhà này cũng vậy.
Ông Groanin bảo:
– Ngôi nhà này sao chứ? Ta thích nó như vậy.
– Xin lỗi, nhưng cháu không nghĩ tụi cháu có thể thực hiện phép hóa thể ở đây, trừ khi trong nhà có phòng tắm hơi hay bồn tắm nước nóng.
Ông Groanin thiếu điều trợn tròn cả hai mắt:
– Cháu nghĩ nơi này là gì hả, con trai? YMCA[12] hả?
[12] Viết tắt của Young Men’s Christian Association: Hiệp hội Thanh niên Cơ đốc giáo.
John đề nghị:
– Chúng ta có thể làm một cái lều hơi. Ở ngoài sân sau. Dĩ nhiên chúng ta sẽ phải cắt vài cái cây nhỏ, rồi phải kiếm vài tấm thảm cũ đề phủ lên cái lều…
Ông Groanin ngay lập tức cắt ngang lời cậu:
– Mấy đứa không được làm thế. Ta nói, mấy đứa không được phép làm thế. Phá hủy cây cối của Nimrod? Và sử dụng các tấm thảm Ba Tư quý giá của cậu ấy để làm một cái - cháu gọi nó là gì? Một cái lều hơi? Ta là ta phản đối. Trên tư cách quản gia của Nimrod, ta có nhiệm vụ phải trông coi và bảo quản nhà cửa, sân vườn của cậu ấy, chứ không phải chỉ đạo việc phá hủy chúng.
Nghĩ tốt nhất là nên thay đổi đề tài, Philippa hỏi ông Groanin:
– Cậu Nimrod có nói cho ông biết khi nào cậu ấy về không ạ?
Thấy ông Groanin chần chừ không trả lời suốt mấy giây sau đó, Philippa hỏi lại:
– Ông thật sự không nghe được tin tức gì về cậu ấy từ đó đến giờ à?
Vẻ mặt của người quản gia trung thành tối sầm lại như có mây đen che kín, và ông bắt đầu xoa xoa phần cùi tay bị cụt của mình - mỗi khi ông có chuyện gì lo lắng là chỗ đó lại đau nhức.
Lắc đầu, ông nói với bọn trẻ:
– Không một chút tin tức nào. Nimrod cũng chẳng nói khi nào cậu ấy và anh Rakshasas sẽ quay về đây. Không giống họ một chút nào.
Đến lượt John hỏi:
– Và ông cũng không đoán được khi nào họ về?
– Tất cả những gì ta biết là cậu Nimrod của hai đứa sau khi đi nha sĩ về nhìn có vẻ rất phấn khích về một chuyện gì đó, và không lâu sau đột ngột thông báo cậu ấy cùng anh Rakshasas phải đi đâu đó một thời gian. Cậu ấy cũng xin lỗi vì không thể nói cho ta biết họ đi đâu, và bảo rằng cậu ấy làm thế chỉ để bảo vệ ta và những kẻ nào ngu ngốc muốn bám theo họ. Và ta nghĩ khi nói vậy, Nimrođ đang ám chí mấy đứa.
John lầm bầm:
– Cám ơn ông vì đã đánh giá cao bọn cháu như thế.
– Không có chi.
Philippa hỏi kỹ:
– Ông còn nhớ chi tiết gì khác không? Ông thử cố hình dung lại cảnh cậu Nimrod nói chuyện đó xem.
Trông thấy vẻ ngần ngại trên gương mặt đang xị ra của ông Groanin, Philippa nói thêm:
– Ông Groanin, họ có thể đang gặp rắc rối, nên bất kỳ chi tiết nào cũng có thể rất quan trọng.
– Thôi được, cháu gái. Nếu cháu nghĩ điều đó giúp ích được gì.
Rồi ông Groanin nhắm mắt lại và bắt đầu tập trung suy nghĩ.
Philippa hỏi:
– Ông có thấy cậu Nimrod chưa? Trong con mắt linh hồn ông?
Ông Groanin bảo:
– Ta phải thú nhận là dạo này con mắt ấy của ta đang bị cận. Mà khoan đã. Có một thứ gì đó. Cậu ấy đang cầm nó trên tay khi thông báo với ta họ sắp đi. Một miếng đá gì đấy. Với một hình vẽ gì đấy bên trên.
John lập tức nhặt một cây bút chì và nhanh chóng vẽ lên một mảnh giấy hình vẽ trên tấm mề đay bằng đá mà mẹ cậu đã nuốt chửng. Cậu hỏi:
– Nó nhìn giống thế này không ông?
Ông Groanin mở mắt ra, đeo kính vào, và nhìn thật kỹ hình vẽ của John.
Mấy giây sau, ông tuyên bố:
– Đích thị là nó. Giống y chang. Rốt cuộc chuyện này là thế nào?
John kể cho ông Groanin nghe về vụ đột nhập bất thành vào nhà họ, và về việc bà Gaunt đã gửi tấm mề đay cho cậu Nimrod qua hệ thống mail nội bộ djinn. Rồi cậu kết luận:
– Đến giờ phút này, cháu có thể tự tin kết luận rằng, nơi mà cậu Nimrod và ông Rakshasas đến chắc chắn có liên quan đến tấm mề đay đó.
Philippa nói thêm:
– Và điều đó có nghĩa, chúng ta cần nhanh chóng vào trong cây đèn của ông Rakshasas và sử dụng thư viện của ông ấy. Nếu chúng ta có thể tìm được thông tin gì đó về tấm mề đay, chúng ta sẽ có thể biết được họ đã đi đâu. Và có thể đi tìm họ.
Ông Groanin chau mày nói:
– Nè, ta không chắc làm vậy là khôn ngoan đâu nhé. Cậu Nimrod của hai đứa chẳng đã bảo ông ấy cố tình không nói nơi đến chỉ để bảo vệ bản thân ta sao? Và hàm ý là bảo vệ các cháu đó.
John nói với ông:
– Đúng là thế. Nhưng đó là cậu Nimrod vẫn chưa biết chuyện có kẻ cố tình mưu sát Dybbuk. Và cậu ấy cũng không biết được tất cả những chi tiết có liên quan về vụ đột nhập. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi tìm họ đâu, ông Groanin. Cho đến khi chúng ta đuổi kịp cậu Nimrod và ông Rakshasas, tính mạng của Dybbuk vẫn là ngàn cân treo sợi tóc. Và có lẽ cả tính mạng của tụi cháu cũng vậy.
Dybbuk khẽ rùng mình, nhưng lần này không phải vì lạnh mà vì sợ. Cậu ta gần như đã quen với việc tính mạng của mình đang bị đe dọa, tuy nhiên mỗi khi có ai nhắc lại chuyện đó, cậu không khỏi sợ hãi lần nữa. Và cậu ta lại nhớ về những chuyện kinh khủng mà mình đã tận mắt chứng kiến ở California. Ý nghĩ một ngày nào đó mình cũng gặp một cái kết như Max hay Brad thật không lấy gì làm dễ chịu. Ngay cả những giấc ngủ của cậu hiện giờ cũng thường xuyên bị ám ảnh bởi ác mộng về thằng bạn Brad và ông Blennerhassit.
Đến giờ thì ông Groanin cũng phải đồng ý với những gì John và Philippa nói. Bọn trẻ cần phải biến vào trong cây đèn của ông Rakshasas. Nhưng ông có thể giúp chúng làm chuyện đó như thế nào? Ông lẩm bẩm:
– Để xem. Một nơi đủ nóng để ba đứa tụi bay có thể phục hồi sức mạnh djinn đủ cho phép biển thể, đúng không?
Rồi gật đầu một cái đầy tự tin, ông tuyên bố:
– Ta nghĩ ta biết một nơi như vậy.
o O o
Lái chiếc Rolls-Royce của cậu Nimrod, ông Groanin chở ba đứa trẻ djinn đến Vườn Kew. Tuy không phải là cái lớn nhất, nhưng Vườn Kew được công nhận là vườn bách thảo lâu đời nhất thế giới, và là một địa điểm du lịch nổi tiếng của London, đặc biệt là trong những tháng mùa hè. Ở gần trung tâm vườn là Palm House, một khu nhà kính xây dựng từ thời Victoria với kích cỡ to bằng ba chiếc máy bay vận tải gộp lại. Tái tạo điều kiện sống như trong một khu rừng mưa nhiệt đới với nhiệt độ trung bình không bao giờ thấp hơn 80 độ F, và một độ ẩm cao trong không khí tạo ra bởi những chiếc quạt hơi được thiết kế chìm khắp khu nhà, Palm House là chỗ ở của vô vàn loài thực vật nhiệt đới như tre, cà phê, cao su, chuối, xoài…, và luôn ngọt ngào mùi hương của hoa đại và thủy tiên trắng. Dĩ nhiên, nó không nóng như trong phòng tắm hơi hay lều hơi của người Mỹ bản địa, cũng như thua xa độ nóng của sa mạc, cho nên phải mất gần một tiếng đồng hồ bên trong Palm House, ba đứa trẻ djinn mới cảm thấy sức mạnh đang quay lại xương tủy chúng.
Dybbuk nói với người quản gia:
– Cháu nghĩ tụi cháu đã sẵn sàng để viếng thăm cây đèn rồi, ông Groanin.
Gật đầu, ông Groanin đặt cây đèn djinn của ông Rakshasas vào giữa một cây cọ dầu châu Phi và một cây cau rồi trèo lên một cầu thang cuốn màu trắng để tiện việc quan sát, cảnh giới. Rất may hôm nay là một ngày trời lạnh và nhiều gió nên chỉ có một vài du khách lang thang trong Palm House, và ba đứa trẻ djinn có thể nhanh chóng biến thể và chui tọt vào trong cây đèn ngay trước khi kịp nói hết từ trọng tâm của chúng:
– FABULONGOSHOOMARVELISHLYWONDER PIPICAL! (Philippa)
– ABECEDARIAN! (John)
– ZYGOBRANCHIATE! (Dybbuk)
Cũng phải giải thích rõ, bởi vì phần bên trong một cây đèn djinn tồn tại bên ngoài phạm trù không gian và thời gian, không gian ba chiều bình thường không được áp dụng ở đây. Những djinn dành phần lớn thời gian bên trong cây đèn của mình - ví dụ như ông Rakshasas - thường tạo ra một không gian sống lớn ngang ngửa một ngôi nhà bình thường, ngoại trừ việc không có cửa sổ, để xóa đi cảm giác mình thật sự đang ở bên trong một vật thể. Và đó là ấn tượng đầu tiên của John, Philippa và Dybbuk khi ở bên trong cây đèn của ông Rakshasas. Nó quá lớn!
John nhận xét:
– Không biết tại sao, nhưng trước đây tớ luôn cảm thấy tội nghiệp cho ông Rakshasas phải dành phần lớn thời gian bên trong cây đèn. Tớ cứ nghĩ nó giống như một căn phòng chật chội, cũ kĩ. Nhưng nhìn chỗ này mà xem. Còn to hơn cả một lâu đài đấy chứ.
Hừ một tiếng, Dybbuk lắc đầu nói:
– Tớ thì chả thấy thoải mái gì ở đây. Nó chỉ là một cái thư viện thôi mà.
Philippa thì không khỏi tròn mắt ngạc nhiên trước kích cỡ của nơi cô đang đứng. Cô nhìn lên, nhìn xuống, nhìn trái, nhìn phải, và ở bất cứ hướng nhìn nào, cô cũng thấy những dãy kệ sách cao vút. Một cầu thang bằng sắt đúc dẫn lên những kệ sách trên lầu, cũng như xuống những kệ sách đười hầm. Cô nói:
– Ừ, chỉ là một thư viện. Nhưng là một thư viện tuyệt vời. Phải có hàng ngàn cuốn sách ở đây.
– Vậy rốt cuộc chúng ta cần tìm loại sách nào ở đây?
Vừa hỏi, Dybbuk vừa nuốt ực một viên thuốc than để ngăn cảm giác sợ hãi không gian chật đang lăm le xâm chiếm cậu - một cảm giác mà bất cứ djinn nào cũng biết đến. Và hình ảnh quá nhiều sách trước mặt cũng làm cậu cảm thấy không thoải mái. Cũng dễ hiểu, đó là vì cậu liên tưởng sách với bài tập về nhà, một thứ mà vốn cậu chả ưa gì.
Philippa gợi ý:
– Một thứ gì đó về rắn chẳng hạn. Và những giáo phái thờ rắn.
Rồi nhớ đến bức tranh Dybbuk tìm thấy bên trong cây gậy chỉ huy của Tướng Goering, cô nói thêm:
– Và những hiệp hội Ấn Độ. Có lẽ cả về các dạng mật mã.
Kiểm tra thử hai, ba cuốn sách trong tầm với, John nhận xét:
– Ừm, anh không nghĩ chuyện đó sẽ dễ dàng đâu, Phil. Mấy cuốn sách này chẳng xếp theo thứ tự nào cả.
Philippa ngạc nhiên nói:
– Không thể nào.
Nhưng rồi quay qua kệ sách gần nhất, cô tìm thấy một cuốn sách về thiên văn học đứng kế bên một cuốn về nghệ thuật làm vườn, và kế bên đó lại là một cuốn về thành phố Salt Lake. Trèo cầu thang lên tầng trên, cô phát hiện một dãy sách khác chứa tất tần tật đủ thứ sách khác nhau, từ tiểu thuyết của Charles Dickens đến sách về tượng điêu khắc của Rodin.
Đi ngược xuống cầu thang, cô thảng thốt nói:
– Thật vô lý. Có ai chịu nổi một thư viện không hề có lấy một trật tự nào chứ? Làm sao ông Rakshasas có thể tìm thấy cuốn sách mình cần nhỉ?
Dybbuk nhe răng cười:
– Thế rốt cuộc chúng ta sẽ tìm thứ mình cần như thế nào đây?
Philippa cắn môi nói:
– Có lẽ cái thư viện này được xếp theo một trật tự nào đó mà tạm thời chúng ta vẫn chưa nắm được. Nói chung là, giờ chúng ta phải chia nhau ra mà tìm thôi. John, anh tìm dưới hầm, Buck, cậu lên lầu, còn tớ tìm ở đây.
Trợn mắt lên đến trán, Dybbuk lớn tiếng phàn nàn:
– Tớ ghét thư viện.
Nhưng rồi cậu vẫn lừ đừ tiến về phía cầu thang, dù với một bản mặt như đưa đám. Trước khi leo lên, cậu ném lại một câu:
– Ờ, sẵn nói luôn, nếu hai cậu muốn tìm sách về rắn, tốt nhất nên nhớ từ đúng của nó là “herpetology” - “bò sát học”.
Leo xuống hầm, John nói vọng lên:
– Ok, tớ sẽ lưu ý từ đó.
Còn lại một mình, Philippa chầm chậm bước dọc theo một hành lang hẹp tối mờ mờ với nhũng dãy sách nối đuôi nhau xếp hàng hai bên. Liên tục đảo mắt qua hai bên nhìn những đầu sách không liên quan gì đến nhau, cô cố giả vờ như cái thư viện này không làm cô nổi da gà. Nhưng tận trong xương tủy mình, cô biết có một cái gì đó không bình thường ở đây. Đầu tiên là việc hệ thống đèn bật tắt tự động. Dù cô đang ở đoạn hành lang nào thì cũng chỉ có chỗ cô đang đứng là sáng đèn, còn lại đằng trước mặt và phía sau lưng hoàn toàn phủ kín trong bóng tối. Nó làm cô cảm thấy cô đơn, lạc lõng, cho dù cô vẫn có thể nghe được tiếng John tự lẩm bẩm với bản thân, và tiếng Dybbuk huýt sáo lớn tiếng. Thêm một chi tiết nữa: có tiếng tích tắc của một cái đồng hồ quả lắc lớn, nhưng cô lại không nhìn thấy nó đâu. Và mọi thứ kêu cót két như bên trong một con tàu cũ kỹ.
Tuy nhiên, điều làm Philippa cảm thấy bất ổn nhất là cảm giác như có ai đó đang nhìn mình, trong khi cô biết ông Rakshasas sống chỉ có một mình bên trong cây đèn. Cảm giác đang bị theo dõi ấy trở nên chắc chắn hơn khi cô, đang nhấc một quyển sách ra khỏi kệ, bỗng nhác thấy bóng một cái gì đó hoặc một ai đó vụt lướt qua trong bóng tối ở bên kia kệ sách.
– Ai đó?
Cô gọi lớn. Và khi không có tiếng trả lời đáp lại, cô giận dữ nói thêm:
– Nếu lại là một trò đùa của câu, Buck, thì tớ thề là cậu sẽ phải hối hận về nó.
Rồi cô cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng mình khi từ một nơi nào đó trong thư viện, ở một hướng hoàn toàn khác với bên kia kệ sách, tiếng huýt sáo của Buck vọng lại - vẫn cùng một giai điệu ngang phè, chói tai mà cậu vẫn thường huýt. Bình thường thì Philippa sẽ rất bực mình khi nghe thấy ai đó huýt sáo trong thư viện, nhưng lúc này đây, cô lại cảm ơn trời về điều đó. Cô thật không dám nghĩ đến việc chỉ có một mình ở đây với một thứ ma quái nào đó ẩn nấp trong bóng tối.
Lại có một thứ gì đó di chuyển trong bóng tối. Cô hỏi, giọng như không còn một chút hơi:
– John? Phải anh không, John?
Nhưng ngay từ trước khi câu hỏi đó thoát ra khỏi cửa miệng, cô đã biết đó không phải anh trai cô. Có lẽ vì là anh em sinh đôi với nhau, John chưa bao giờ cố ý hù dọa em gái mình. Nó chẳng khác nào cậu tự hù họa chính mình, vì cậu vẫn thường cảm nhận được bất cứ nỗi sợ hãi nào mà Philippa đang trải qua.
Lại một âm thanh nữa. Lần này là tiếng lật sách trong bóng tối ở đâu đó sau lưng cô, và điều đó có nghĩa cô sẽ không thể nào quay lại chỗ John và Dybbuk mà không đụng độ nó - dù nó là gì đi nữa. Rồi Philippa nghĩ đến khả năng đó chính là ông Rakshasas. Có thể ngay từ đầu ông không hề đi với cậu Nimrod. Cô gọi tên ông, nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Nỗi sợ hãi trong lòng cô dần nhường chỗ cho sự giận dữ.
Cô nói lớn:
– Nghe này, tôi không biết ông là ai, nhưng tôi là bạn của ông Rakshasas. Bạn rất thân. Và tôi cam đoan ông ấy sẽ không thích chuyện ông hù dọa tôi như thế này. Không thích một chút nào. Ông nghe rõ chưa?
Một tiếng nói nghe như tiếng rít của một loài bò sát đáp lại:
– Nhóc con ngu ngốc, bộ không ai dạy ngươi đừng bao giờ nhập vào trong một cái đèn hay một cái chai của djinn khi chưa có sự đồng ý của djinn đó hay sao? Ngươi có thể bị giết. Ngươi và những đứa bạn của ngươi.
Ánh đèn ở đoạn hành lang tiếp theo bật sáng, và Philippa bỗng mặt đối mặt với một con thằn lằn xấu xí nhưng có hình dạng hao hao giống người. Nếu không phải con vật đó đã lên tiếng và đang mặc một bộ vest xám gọn gàng, có lẽ cô sẽ không đủ can đảm để bình tĩnh nói chuyện với nó.
Cô lắp bắp hỏi:
– Ông là cái… à, ý tôi là, ông là ai?
Sinh vật trước mặt cô rít lên:
– Ta là yêu ve chai.
Rồi rút một quyển sách ra khỏi kệ, con tiểu yêu mở nó ra và nhanh chóng lật lật những trang sách bằng một cái móng tay dài nhọn hoắt, trước khi thảy cuốn sách đang để mở vào tay Philippa.
Nó nói như ra lệnh:
– Đày. Đọc đi.
Hít một hoi thở dài, Philippa liếc nhìn bìa cuốn sách:
Nó đề Từ điển Oxford về tiểu yêu - cô chú tâm vào trang sách đang mở ra trước mặt.
Gõ cái móng tay dài nhọn vào một đoạn văn đặc biệt trên trang sách như sắp hết kiên nhẫn đến nơi, con tiểu yêu hướng dẫn:
– Đây. Đoạn này. Đọc lớn tiếng. Làm ơn.
Philippa đọc thật lớn, hy vọng John và Dybbuk có thể nghe được mà đến giải cứu cô nếu cần:
– Có vài giống loài tiểu yêu khác nhau trên thế giới. Một số là những đứa trẻ địa ngục. Một số là vật nuôi của Beelzebub. Có những con yêu thích nhại tiếng, và có những con yêu hèn hạ. Có loài yêu thích mách lẻo, những kẻ mà tốt nhất ta nên giữ kín miệng. Có loài yêu thích đùa, và có những tiểu yêu trước đây là trẻ con. Có những con quỷ nhỏ và những linh hồn độc ác. Và có những con yêu ve chai mà djinn thuê làm người trông coi những cái đèn hay những cái chai mà họ thỉnh thoảng trú ngụ bên trong.
Đọc đến đây, Philippa ngừng lại và liếc lên nhìn con yêu ve chai. Nhưng nó giục:
– Cứ đọc tiếp đi.
– Tiểu yêu - một vài con trong đó kiếp trước từng là phù thủy hay phù thủy tập sự - thường được coi như những sinh vật với độc chất chết người, nhưng nếu nói cho đúng, đó không phải sự thật. Vì có sở thích ăn thịt thối, loài tiểu yêu vô hình chung tích trữ vô số vi khuẩn nguy hiểm trong miệng, và đó thường là nguyên nhân gây ra cái chết cho những mundane, hay thậm chí là những djinn kém may mắn hoặc quá ngu ngốc để bị thương bởi hàm răng hoặc móng vuốt của những sinh vật cổ đại này. Ngay cả một vết cắn hoặc một vết xước nhỏ từ loài tiểu yêu cũng đủ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời.
Rồi con yêu tự giới thiệu:
– Tên của ta là Liskeard Karswell du Crowleigh. Ta từng là một phù thủy vĩ đại, và ngươi phải biết mình may mắn cỡ nào khi ta quyết định không tấn công ngươi ngay lập tức như đúng lý phải làm.
Philippa giải thích:
– Tôi xin lỗi. Nhưng ông Rakshasas chưa bao giờ nói có một yêu ve chai trong đèn cả.
Con yêu nhếch mép cười:
– Dĩ nhiên ngài ấy không nói cho ngươi rồi. Đây có phải chuyện để tùy tiện nói cho người khác biết đâu chứ. Bộ cha ngươi đi khoe khoang khắp nơi là nhà có gắn chuông báo trộm à?
Philippa bảo:
– Không. Nhưng điều tôi nói hoàn toàn là sự thật. Tôi và hai người bạn của tôi sẽ không bao giờ vào đây nếu biết ông Rakshasas thấy phiền về điều đó. Thậm chí nghĩ đến nó còn không dám nữa là. Nhưng vấn đề là ông Rakshasas đã biến mất. Hay ít nhất là không ai biết được ông ấy hiện đang ở đâu. Cho nên chúng tôi chỉ muốn tìm kiếm một ít manh mối cho biết ông ấy đã đi đâu, và chuyện gì có thể đã xảy ra cho ông ấy mà thôi.
Con yêu ve chai hỏi:
– Manh mối như thế nào?
Philippa chỉ biết nhún vai trả lời:
– Tôi không biết nữa. Một cuốn sách chẳng hạn.
– Sách như thế nào? Ngươi thấy đó, ngoài việc canh gác cây đèn, ta còn là quản thư của ngài Rakshasas.
Phải khó khăn lắm Philippa mới cưỡng lại được việc nhận xét với Liskeard Karswell du Crowleigh rằng hắn thật không phải một quản thư tốt, và cái thư viện này còn lộn xộn hơn cả tâm điểm của một cơn động đất. Thay vào đó, cô chỉ có thể nói:
– Cái đó tôi cũng không rõ.
Đến giờ này thì tiếng cuộc đối thoại giữa Philippa và con yêu ve chai đã triệu hồi được John và Dybbuk. Nhác thấy người giữ đèn của ông Rakshasas, cả hai đã tự vũ trang cho bản thân một cây cọc cắm giấy bằng sắt và một cây kéo - tuy chẳng cái nào trong hai thứ ấy có thể đấu lại với hàm răng và bộ móng vuốt nhọn hoắt của con yêu. Trông thấy cái nhíu mày thật cao như thể không tin vào mắt mình của em gái, John nhún vai nói:
– Đây là vũ khí duy nhất bọn anh có thể tìm được. Sức mạnh djinn của chúng ta từ chối hoạt động trong đây.
Con yêu giải thích:
– Đó là vì ngài Rakshasas muốn như vậy. Phòng trường hợp sức mạnh của các người có thế làm rối tung mọi thứ ở đây.
Dybbuk bật cười ché giễu:
– Chỗ này mà còn có thể rối tung hơn nửa hả? Một bãi rác còn ngăn nắp hơn cái thư viện này.
Con yêu ve chai vẫn bình chân như vại giải thích:
– Đó là vì các người không nắm được nguyên tắc vận hành thư viện. Ngài Rakshasas trước đây vẫn phàn nàn về việc thường xuyên không tìm được thứ cần tìm ở đây. Cho đến khi ngài Nimrod thiết lập hệ thống vận hành theo điều ước để làm quà sinh nhật cho ngài ấy, các người chỉ cần ước muốn đọc sách gì là nó sẽ tự động được mang tới phòng đọc sách.
– Vậy phòng đọc sách ở đâu?
– Kế bên phòng ngủ.
Con yêu ve chai đẫn ba đứa trẻ đi qua một hành lang dài ngoằng khác, rồi leo ngược lên một cầu thang bằng sắt đúc kêu lẻng xẻng như tiếng chuông đổ bên dưới chân chúng.
To ngang ngửa một sân đánh tennis, phòng đọc sách của ông Rakshasas bao gồm một cái bàn giấy, một bàn hội nghị, một giá treo báo, vài kệ sách, cùng vài cái ghế thư viện bọc da đỏ nhìn rất tiện nghi.
Dybbuk trầm trồ khen:
– Tuyệt thật. Trông cứ y như câu lạc bộ các quý ông ấy.
Con yêu hướng dẫn chúng:
– Kiếm một cái ghế mà ngồi. Và chỉ việc ước. Cuốn sách mà các người cần tìm sẽ tự động được mang đến đây. Nhưng cố ước thật cụ thể vào. Nếu không biết được tên tác giả, hãy ước về một chủ đề chung, rồi mô tả ngắn gọn trong vòng một câu chữ về thứ mà các ngươi muốn đọc.
Dybbuk là người ước đầu tiên:
– Chủ đề: bò sát học.
Philippa ước thêm vào:
– Các giáo phái thờ rắn trên bán lục địa Ấn Độ. Vận hành và thờ cúng.
Đến lượt John ước:
– Và nghệ thuật. Tranh vẽ. Tranh Hiệp Hội. Cũng từ bán lục địa Ấn Độ.
Cố gắng ước đến mức cụ thể nhất có thể về vấn đề mình quan tâm, Philippa nói:
– Mật mã và các loại mã.
Dybbuk kết thúc:
– Và đừng quên Hermann Goering. Tay sưu tầm tranh ảnh nghệ thuật và Đức Quốc Xã.
Ba đứa trẻ ngừng lại để suy nghĩ thêm những chủ đề khác có thể cần thiết cho công việc tìm kiếm của chúng. Và khi không còn nghĩ ra được gì, chúng chọn cho mình mỗi người một cái ghế, ngồi xuống và liên tục gõ gõ ngón tay trên thành ghế với vẻ sốt ruột.
Khoảng một phút trôi qua, trước khi cuốn sách đầu tiên là là bay vào phòng rồi tự hạ cánh xuống bàn. Philippa nhặt nó lên, liếc nhìn cái tựa có vẻ khá hứa hẹn và bắt đầu đọc. Những cuốn sách khác nhanh chóng theo sau, và chẳng bao lâu, cả ba đứa trẻ đều chúi đầu vào cuốn sách mà chúng đã chọn lựa.
Được viết bởi đại tá Mountstuart Wavell Killiecrankie, người dẫn chuyện cuốn sách mà Philippa đang đọc nói về khởi nguồn và lịch sử của Aasth Naag, một giáo phái thờ rắn được thành lập vào năm 1855 ở Kathmandu, thủ đô hiện nay của đất nước Nepal. Trước sự ngạc nhiên quá đỗi của cô, đại tá Killiecrankie mô tả việc làm thế nào mà giáo chủ của giáo phái này, một người đàn ông tên là Aasth Naag, đã sở hữu được bốn chiếc răng khôn trộm từ miệng của một cậu bé djinn tên Rakshasas. Aasth Naag đã sử dụng những chiếc răng này để chế tạo bùa thế thân - một con rắn làm từ vàng ròng và một viên ngọc lục bảo mang tên Koh-E-Qaf tạc theo hình cái đầu của một con hổ mang chúa.
Sử dụng bùa thế thân này, Aasth Naag đã buộc cậu bé djinn thành nô lệ của gã. Và để thu phục được lòng tin tuyệt đối của những tín đồ cuồng nhiệt, gã đã ước cho bản thân mình hoàn toàn miễn nhiễm trước nọc độc của tất cả các loài rắn. Tiếp theo vị đại tá mô tả việc người ta đã mang các loài rắn hổ mang bành và rắn cạp nong độc nhất từ khắp Nepal và Nagapiu, một tinh phía Bắc Ấn Độ, đến thử sức với Aasth Naag. Đặc biệt có lần Aasth Naag để cho tám con rắn hổ mang chúa cắn cùng một lúc mà vẫn khỏe phây phây, và chính từ lần đó mà tên tuổi gã cùng giáo phái của gã trở nên nổi tiếng khắp nơi.
Hai năm sau khi giáo phái Aasth Naag được thành lập, Ấn Độ tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân của người Anh. Đứng trong hàng ngũ Anh Quốc, dĩ nhiên trong cuốn sách của mình, đại tá Killiecrankie nhấn mạnh sự tàn bạo của người Ấn, trong khi cố tình làm nhẹ đi sự dã man của phe mình trong công cuộc đàn áp cái mà họ gọi là “cuộc nổi loạn của tổ chức vô chính phủ”. Một hiệp ước đã được ký kết giữa người Anh và hoàng đế Nepal thời điểm đó - vương triều Rana - mà theo đó, người Nepal đồng ý trợ sức cho nước Anh. Tuy nhiên Aasth Naag lại phản đối hiệp ước ấy. Khi biết được Aasth Naag dự định tổ chức một cuộc nổi loạn thứ hai chống lại Anh quốc - với sự tham gia của vô số tín đồ cuồng tín của gã - đại tá Killiecrankie, lúc bấy giờ đang chỉ huy một trung đoàn lính Nepal Gurkha[13], đã quyết định ám sát Aasth Naag và cướp đi bùa thế thân nổi tiếng của gã, Hổ Mang Chúa bằng vàng.
[13] Gurkha, hay còn gọi là Gorkha là thị tộc cai trị ở thung lũng Kathmadu và bị đánh bại vào năm 1814-1816 bởi lảlãnh chúa Hastings, mở rộng đế chế của họ khắp Nepan vào thế kỷ XVIII. Rất được nể bởi tài tác chiến của mình, quân đoàn Gurkha đã được vua Nepan điều qua quân đội Ấn-Anh và phục vụ xuất sắc trong nhiều cuộc giao tranh thuộc địa bao gồm cả cuộc binh biến Ấn, và trong Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai.
Và đến đây, phần tự kể của vị đại tá về giáo phái thờ hổ mang ở Kathmandu chấm dứt khá là đột ngột theo suy nghĩ của Philippa - như thể ông không có thời gian để kết thúc nó.
Sau khi nghe Philippa mô tả lại nội dung cuốn sách của vị đại tá, Dybbuk hỏi:
– Nè, các cậu có nghĩ đó chính là ông Rakshasas mà chúng ta biết không? Tớ biết djinn chúng ta có tuổi thọ dài hơn người thường, nhưng nếu vậy, ông ấy phải hơn 160 tuổi, đúng không?
Philippa nhún vai hỏi lại:
– Vậy bà dì Felicia của cậu năm nay bao nhiêu tuổi?
– Một trăm ba chục tuổi.
John nói thêm:
– Bà ngoại tụi tớ cũng gần 200 tuổi. Vậy có lẽ đúng ông Rakshasas là người vị đại tá kia nhắc tới. Nếu không thì tại sao ông Rakshasas và cậu Nimrod lại có vẻ kích động thế khi thấy tấm mề đay bằng đá đó?
Gõ tay cái bốp khi suy nghĩ của cậu đã giải mã thêm được một số chi tiết chưa sáng tỏ, John tuyên bố:
– Ồ, dĩ nhiên rồi! Chắc hẳn họ đang lo giáo phái đó sẽ hồi sinh trở lại. Bởi vì ông Rakshasas sẽ lại phải phục tùng bất kỳ kẻ nào nắm được bùa thế thân Hổ Mang Chúa.
Philippa gật đầu:
– Em cũng nghĩ thế. Chắc chắn đó chính là ông Rakshasas. Cứ nhìn cái hình minh họa trong sách xem. Nó giống như cái hình khắc trên tấm mề đay mà chúng ta tìm được. Ngoại trừ mấy cái dòng chữ nguệch ngoạc bên cạnh con rắn là khác thôi.
John phấn khởi nói tiếp:
– Điều em nói hoàn toàn hợp lý với những gì được viết trong cuốn sách này. Về những bức tranh. Tranh Hiệp Hội là những bức tranh có xuất xứ từ Hiệp Hội Đông Ấn Anh Quốc, vốn là một bộ phận của chính quyền thực dân Anh cai trị Ấn Độ trước cuộc khỏi nghĩa năm 1857. Cũng giống như việc một du khách hiện đại chụp một bức ảnh lưu niệm tại một địa điểm đáng nhớ nào đó, nhân viên của hiệp hội này thường thuê họa sĩ vẽ lại phong cảnh địa phương nào đó để gửi về Anh.
Dybbuk nói:
– Tớ cá là bức tranh này có liên hệ với Hổ Mang Chúa. Nếu như cái bùa thế thân đó đúng là được làm từ vàng và có cái đầu to đùng bằng ngọc lục bảo, vậy thì đó chính là lý do tại sao Hermann Goering nghĩ bức tranh này đáng giá như một bức họa của Leonardo da Vinci. Bởi vì thằng cha tướng quân tham lam đó cho rằng bức tranh này là manh mối để kiếm được một món đồ thực sự béo bở.
Giơ cuốn sách đang đọc lên, Dybbuk lắc đầu tuyên bố:
– Tiếc là chả có thông tin đáng giá nào trong cuốn sách về Goering này. Mà nói thật, đây đúng là cuốn sách chán nhất mà tớ từng đọc.
Nói rồi Dybbuk thẳng tay quẳng cuốn sách được nhắc tới qua một bên - một hành động mà Liskeard Karswell du Crowleigh liếc nhìn với vẻ phật ý thấy rõ, trong khi John hét lên khi cuốn sách bay vụt qua phòng đọc và hạ cánh thẳng xuống đầu cậu:
– Ê, chơi gì kỳ vậy?
Vừa xoa đầu cho đỡ đau, John cúi xuống nhặt cuốn sách về Goering lên và đặt nó lại trên bàn. Nhìn thấy một trang sách bị long ra khỏi gáy, John phàn nàn:
– Nhìn xem cậu đã làm gì này. Cậu làm hư cuốn sách rồi đó.
Tuy nhiên, khi mở cuốn sách ra với ý định gắn trang sách vào vị trí cũ, cậu phát hiện ra nó không phải là một trang sách bị long ra khỏi gáy gì cả, mà chính là một mẩu giấy ghi chú được gấp gọn với những dòng chữ viết tay nhỏ xíu màu xanh biển nhìn giống như chữ viết của người lùn. Trái tim John như nhảy tưng trong lồng ngực khi cậu ngay lập tức nhận ra nét chữ đó.
– Là nét chữ của ông Rakshasas.
Nhanh chóng đọc qua đoạn ghi chú đầu tiên, cậu cho biết:
– Đày là ghi chú cho chính mình của ông Rakshasas… về số phận bức tranh Hiệp Hội Đông Ấn của đại tá Mountstuart Wavell Killiecrankie!
o O o
Sau khi ba đứa trẻ đã tự biến thể vào cây đèn djinn cúa Ông Rakshasas, ông Groanin cũng chẳng có nhiều lý do gì để lưu lại trong Palm House ở Kew. Giữ cho cây đèn nhỏ xíu đủ ấm để lũ trẻ có thể chui ra khi cần dễ hơn nhiều so với việc giữ ấm cho ba đứa trẻ to xác. Cho nên ông nhặt cây đèn lên khỏi vị trí của nó bên dưới tán cọ dầu, thả nó vào trong một cái ba lô nhỏ khoác trên vai, và bắt đầu kiếm đường đi ra ngoài.
Tiến về phía cổng chính ở phía đông và khu Kew Green, nơi ông đậu chiếc Rolls-Royce của cậu Nimrod, vị quản gia một tay nhanh chóng nhận ra ông đang bị bám đuôi bởi hai gã đàn ông từ sau lưng và hai gã khác từ bên hông. Và có thể thấy rõ bọn chúng có ý định tiếp cận ông với mưu đồ trộm lấy cây đèn chứa ba đứa trẻ djinn. Ông Groanin vội bước nhanh, tuy nhiên một lần nữa ông nhận ra mình sẽ phải tự bảo vệ bản thân nếu không muốn đánh mất lũ trẻ cùng cây đèn.
Người ta vẫn thường nghe nói về những chiến binh tay không. Nhưng ít ai nghe nói về những chiến binh một tay. Và ông Groanin là một trong số đó với đai đen môn Sharawaggi, vốn là một môn võ Nhật xây dựng dựa trên sự mất cân xứng hoặc bất bình thường, và tận dụng sự khiếm khuyết, dị tật cơ thể để gài bẫy những đối thủ thiếu cẩn trọng.
Rất chuyên nghiệp, ông Groanin nhanh chóng khiến cho hai đối thủ đầu tiên nằm lăn lê bò càng trên cỏ, thở không ra hơi. Kẻ tấn công thứ ba chụp lấy cổ tay ông Groanin, chỉ để nhận ra một giây sau cánh tay của hắn đã bị vặn tròn như chìa khóa của một món đồ chơi dây cót, khiến hắn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lộn nhào trên không nếu không muốn có một cánh tay bó bột. Cú hạ cánh xuống một thảm hoa tulip gần đó của hắn mạnh đến nỗi làm văng một con rắn hổ mang chúa to lớn ra khỏi ống quần hắn. Và, trông thấy ông Groanin, con rắn hổ mang lập tức ngóc đầu đậy và rít lên một tiếng như thị uy. Tiếp theo là một cú phun nọc độc sượt qua tai vị quản gia đáng kính.
Ông Groanin chỉ có thể la lên “Khỉ thật!”, trước khi nhanh chóng bỏ chạy về phía cổng chính, nơi chiếc Rolls-Royce đang chờ. Con rắn giận dữ và vài tên lưu manh khác mới xuất hiện từ sau các bụi cây đuổi theo sát nút. Tuy nhiên, ngay khi ông đến gần chiếc xe, một con hổ mang chúa to tướng khác từ bên dưới gầm xe chui ra, ngăn không cho ông Groanin chạm vào tay nắm cửa. Nhận ra mình giờ thật sự đã ở đường cùng, ông Groanin lập tức nhấn một cái nút màu đen trên cái móc khóa xe điều khiển từ xa, khởi động cái ký gửi ước - một điều ước khẩn cấp mà cậu Nimrod đã thận trọng gắn vào chiếc Rolls-Royce vì lợi ích và sự an toàn cho người tài xế một tay của nó. Ngay khi nhận được tín hiệu từ cái móc chìa khóa, cửa sổ chiếc xe lập tức hạ xuống, dàn âm ly bên trong xe bật lên, và một từ được đọc to qua hệ thống loa phát thanh của chiếc xe. Đó chính là từ trọng tâm của cái kỹ gửi ước mà cậu Nimrod đã ghi âm trên một đĩa CD:
– THEMORPHOLOGY!
Bộ phận tản nhiệt của hầu hết các chiếc Rolls-Royce thường được tô điểm bởi một biểu tượng bạch kim, được biết đến như Tinh linh Đê mê[14], hay thỉnh thoảng là Vân du nữ[15]. Nhưng quý bà bạch kim trên chiếc Rolls-Royce của cậu Nimrod lại được thiết kế theo hình tượng nữ thần tóc rắn Medusa, người mà theo truyền thuyết sở hữu một ánh mắt có thể làm bất động bất cứ ai nhìn vào, biến họ thành đá. Ngay khi từ trọng tâm của cái ký gửi ước được phát ra trên hệ thống loa phóng thanh của chiếc xe, cái biểu tượng lập tức nhảy khỏi chỗ đứng của nó trên bộ phận tản nhiệt và nhanh chóng gia tăng kích cỡ cho đến khi to bằng một người phụ nữ bình thường. Mặt đối mặt với những ké tấn công ông Groanin, biểu tượng Medusa biến con rắn hổ mang gần nhất thành đá, rồi đến một trong những chủ nhân của nó.
[14] Spirit of Ecstasy.
[15] Flying Lady.
Che chắn đôi mắt khỏi cái nhìn khủng khiếp của Medusa, ông Groanin mở cửa xe, nhảy vào trong ghế tài xế và lập tức lái xe đi. Đến lúc này, ông mới có thể thở phào nhẹ nhõm lẩm bầm:
– Cám ơn Chúa vì “theomorphology”[16]. Cho dù nó là cái gì.
[16] Học thuyết về sự ban tặng những đặc tính thần thánh lên con người. Theo Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo, Chúa Trời tạo ra loài người dựa trên hình ảnh của chính mình.
Tuy nhiên, tâm trí của ông vẫn chưa hoàn toàn thoải mái, bởi vì một chiếc Rolls-Royce mà không có biểu tượng chẳng khác nào thành phố New York mà không có tòa nhà Empire State, hay Vòng chung kết Cúp FA mà không có cúp; và ông Groanin đang tự hỏi bản thân làm sao có thể thay thế Flying Lady trên một chiếc xe sản xuất từ năm 1955. Nhưng thật sự ông Groanin không cần phải lo lắng vì điều đó. Ở đâu đó giữa khu Kensington và khu Kew, biểu tượng Medusa, giờ đây đã trở lại kích cờ bình thường, đã bắt kịp với chiếc xe và leo lên vị trí của nó trên đỉnh bộ tàn nhiệt. Vì thế mà ông Groanin đã có thế hoàn thành chuyến đi của mình theo đúng phong cách mà ông đã quen thuộc từ đó đến nay. Vì có một sự thật ngầm hiểu về những người quản gia trên thế giới: họ coi trọng hình thức bên ngoài còn hơn chủ nhân của họ.
o O o
Hoàn toàn không hay biết gì về tình huống đầy kịch tính diễn ra bên ngoài cây đèn djinn - vì ông Rakshasas đã cẩn thận nghĩ đến việc thêm vào bộ thăng bằng trên tàu thủy cho kiến trúc thư viện của ông - Philippa và Dybbuk chăm chú lắng nghe John đọc lớn phần ghi chú ngắn của ông Rakshasas cho chính ông mà chúng đã tìm thấy bên trong cuốn sách về Goering.
Vì chữ viết tay của ông Rakshasas cực kỳ nhỏ và ánh sáng bên trong phòng đọc không được tốt lắm, John chỉ có thể đọc từ từ:
– Người Anh cư xứ rất đáng tởm ở Ấn Độ cả trước và sau cuộc khởi nghĩa. Và có một điều chắc chắn là, không ai cư xử đáng tởm hơn đại tá Mountstuart Wavell Killiecrankie. Sau khi trộm được Hổ Mang Chúa ở Kathmandu, Killiecrankie bắt tay vào việc diệt trừ giáo phái đã tạo nên nó, giáo phái mà ta là nạn nhân chính. Bản thân ngài đại tá hoàn toàn không biết gì về về Hổ Mang Chúa ngoại trừ giá trị tiền tệ của nó - nội phần đầu rắn làm từ một viên ngọc lục bảo đã hơn 1.300 carat, hứa hẹn một khoản tiền không nhỏ. Nhưng ta cần nói lại lần nữa rằng không có một quân nhân Anh Quốc nào cư xử đáng tởm hơn đại tá Killiecrankie. Cho dù ta mang nợ ngài đại tá vì đã giải thoát ta khỏi kiếp nó lệ của giáo phái Aasth Naag, ta cũng không thể cho phép bản thân lờ đi tất cả những hành động man rợ mà ông đã làm đối với những tín đồ tội nghiệp người Ấn và Nepal của nó. Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi, trước khi ngài đại tá kịp nghĩ đến chuyện bán Hổ Mang Chúa, ông đã phải lo sợ cho tính mạng của chính mình và buộc phải sống kiếp trốn chui trốn nhủi. Nhưng cũng chỉ vô ích. Năm 1859, một năm sau khi cuốn sách của ông được xuất bản, ngài đại tá bị một con rắn hổ mang chúa cắn chết, với tình huống dẫn đến cái chết đến giờ vẫn còn là một bí ẩn.
– Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, người ta không bao giờ tìm ra Hổ Mang Chúa. Có vẻ như, khi nhận ra kẻ thù đã đến gần, đại tá Killiecrankie đã giấu đi bùa thế thân đó. Còn có một điều chắc chắn khác: trước khi chết, ngài đại tã đã liên hệ với gia đình mình và gửi cho họ một vài hướng dẫn để tìm ra Hổ Mang Chúa. Không ai rõ những hướng dẫn đó như thế nào, nhưng nhiều năm sau cái chết của ngài đại tá, ta có thể thấy được gia đình họ không có hưởng lợi trực tiếp gì từ những hiểu biết đó, và ta đã đi đến kết luận rằng Hổ Mang Chúa đã vĩnh viễn biến mất.
– Tuy nhiên, vào năm 1895, con gái ngài đại tá, Millicent, kết hôn với một chủ ngân hàng giàu có tên là Otto Kringelein. Họ có một cô con gái xinh đẹp tên Fania, người thừa hưởng bộ sưu tầm tranh ảnh khổng lồ của cha khi ông qua đời. Bộ sưu tầm này bị Đức Quốc Xã tịch thu năm 1936. Một trong số những bức tranh mà về sau thuộc sở hữu của Đại tướng Hermann Goering của Đức quốc xã là một bức tranh bình thường từ Hiệp Hội Đông Ấn của chính quyền thực dân Anh tại Ấn Độ. Goering coi trọng bức tranh này hơn tất cả những bức tranh khác. Có vẻ như ông đã phát hiện ra nó là chìa khóa dẫn tới một món hời không tưởng. Bức tranh biến mất vào năm 1945, và ta nghĩ nó có thể bị hủy hoại trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Nhưng ta luôn lo sợ rằng một ngày nào đó, bức tranh, hoặc chính Hổ Mang Chúa, sẽ bị tìm ra, và ta sẽ lại một lần nữa trở thành nô lệ của giáo phái thanatophidian của Aasth Naga.
Tặc lưỡi một tiếng lớn và trợn tròn mắt, Dybbuk lầm bầm:
– Thanatophidian? Là cái quái gì mới được?
Rồi cậu ước cho một quyển từ điển. Một cuốn từ thư viện bay vào tay, Dybbuk mở ra kiểm tra và tìm được ý nghĩa của từ đó: “sự nghiên cứu về các loài rắn độc”.
Nhún vai một cái, Philippa nhận xét:
– Có một điều tớ không hiểu. Cứ cho là có một giáo phái đang tìm kiếm Hổ Mang Chúa đi. Nhưng để làm gì chứ? Ai cũng biết ông Rakshasas giờ đã rất già. Sức mạnh djinn của ông gần như không còn nữa. Tớ rất quý ông, dĩ nhiên, nhưng tớ thật không thấy lợi ích gì trong việc có một nô lệ djinn quá già thậm chí không thể ban cho ba điều ước.
Rồi bỗng ngừng lại khi một ý nghĩ chợt hiện ra trong đầu, cô lẩm bẩm:
– Trừ khi…
Đợi hoài mà không thấy Philippa hoàn thành câu nói của mình, Dybbuk gặng hỏi:
– Trừ khi cái gì?
Philippa cẩn thận lựa chọn từ ngữ để thể hiện ý của mình:
– Trừ khi, giáo phái đó không chỉ tìm kiếm Hổ Mang Chúa của Kathmandu, mà còn tìm kiếm răng khôn để làm một bùa thế thân khác. Để nô dịch những djinn khác trẻ hơn, mạnh mẽ hơn.
Đưa mắt nhìn John, cô kết thúc câu nói:
– Như chúng ta.
John gật đầu. Là anh em sinh đôi với Philippa, chính bản thân cậu cũng đang nghĩ đến khả năng đó. Cậu nhận xét:
– Điều này giải thích được lý do tại sao có kẻ trộm viếng thăm nhà chúng ta.
Dybbuk hỏi:
– Vậy giờ chúng ta phải làm gì đây? Nếu cứ quanh quẩn ở London mà không có sức mạnh djinn, không sớm thì muộn chúng ta sẽ bị bắt cóc cả đảm. Thậm chí là gặp những chuyện tệ hơn. Chúng ta nên đến một chỗ nào đó ấm hơn. Nơi chúng ta có thể tự bảo vệ bản thân.
John gật đầu nói:
– Dybbuk nói đúng đó. Nhưng đi đâu mới được?
Philippa bảo anh:
– Cho đến khi chúng ta giải mã được những con rắn nhảy múa trong bức tranh Hiệp hội Đông Ấn, em nghĩ chỉ có một nơi chúng ta có thể đến. Kathmandu. Ở Nepal.
Dybbuk nói:
– Tớ cá đó là nơi cậu Nimrod và ông Rakshasas đến.
John tuyên bố:
– Vậy thì chúng ta sẽ đuổi theo họ.
Rồi mỉm cười, cậu nói thêm:
– Chỉ có điều, tớ cá ông Groanin sẽ không thích nơi đó cho mà xem.
Dybbuk hỏi:
– Sao cậu biết ông ấy sẽ đi chung với chúng ta chứ?
Philippa bảo cậu:
– Ông ấy sẽ không muốn đi. Nhưng ông ấy sẽ nghĩ ông ấy cần phải đi. Để có thể bảo vệ chúng ta.
Vẫn hoàn toàn không biết gì về sự cố vừa diễn ra bên ngoài cây đèn, cũng như sự góp mặt đầy anh hùng của ông Groanin trong đó, Dybbuk chỉ bật cười nhận xét:
Một người chỉ có một tay á? Giỡn hoài.
Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu - Philip Ballantyne Kerr Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu