Chỉ có một thành công mà thôi, đó là sống cuộc sống của mình theo cách của chính mình.

Christopher Morley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9007 / 63
Cập nhật: 2015-06-30 20:58:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ì về rồi, còn lại tôi và anh Hai trong căn nhà trống vắng, mỗi ngày tôi thường tìm đến chùa Vĩnh Nghiêm lễ Phật và cầu xin sớm bắt được liên lạc với mẹ và các em. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm thơ ấu của tôi. Thuở còn ôm thùng thuốc lá đi bán dạo ở Đệ Nhất khách sạn, có những buổi chiều tôi lang thang đến đây ngồi dưới gốc sứ già nua, lắng nghe tiếng chuông êm ả trầm buông giữa hoàng hôn mà mơ đời cổ tích.
Giờ thì tôi biết chẳng bao giờ có Bụt hiện, nhưng sao mỗi khi đến chùa vẫn thấy lòng nhẹ nhàng hẳn đi, mọi lo toan, phiền muộn không còn vướng víu trong tâm trí. Riết rồi, suốt ngày, tôi chỉ quanh quẩn ở cửa thiền đến độ hầu hết tăng lữ đang tu tập tại chùa Vĩnh Nghiêm và các tu sĩ ở mọi miền đất nước xa xôi về đây học đạo đều quen mặt, biết tên tôi. Dần dà, hiểu rõ hoàn cảnh tôi, các vị đều tỏ ra thân thiết, sẻ chia bằng tất cả nhân ái. Nhưng trong số đó, ni cô Diệu Ngân, trụ trì chùa Phong Hanh ở tận tỉnh Hải Dương ngoài Bắc là gần gũi và thương yêu tôi hơn cả. Cô nhận tôi làm đệ tử và luôn quan tâm, săn sóc tôi như một người mẹ hiền. Có cô Ngân, những gì buồn vui, đau khổ, nhọc nhằn của cả một kiếp người ngắn ngủi mà tôi đã gánh chịu, tất thảy đều được tôi gởi gắm cho cô hết. Bao giờ cô cũng lắng nghe bằng tất cả cảm thông đến rưng rưng nước mắt. Nhiều lần quá mệt mỏi vì cuộc sống, tôi nhìn thấy ở cô sự thanh thoát, đầy lòng vị tha khác nào bụi nhân gian chẳng thể nào bám được trên nếp áo nâu sòng. Tôi bỗng mơ ước được sống như cô, được vỗ về đời mình bằng câu kinh tiếng kệ và tình yêu chúng sanh vô lượng. Tôi nói với cô Diệu Ngân:
- Cô ơi, con muốn đi tu, xuất gia đầu Phật như cô được không?
Cô nhìn tôi cười hiền từ:
- Ai đi tu mà chẳng được. Vạn sự do tâm. Nhưng có tâm rồi mà chưa đủ duyên thì vẫn chưa gặp. Do đó chẳng phải ai muốn đi tu thảy đều đạt được như ý nguyện.
Ngừng một lúc, cô đọc cho tôi nghe mấy câu mà cô nói ở trong kinh Pháp Cú dô một đồng tu có vai vế lớn hơn cô dịch mà sau này tôi học thuộc lòng:
 
Tâm động hay đời động?
Đời động bởi tâm quay
Ta trong tim chuyển động
Hay cuộc đời đổi thay?
Một phút vào thiền định
Tâm đâu? Đời ở đâu?
Hiểu và thương yêu tôi, lúc nào cô Diệu Ngân cũng tỏ ra quan ngại cho số phận long đong của tôi. Không ít lần cô nói bằng tất cả lo lắng:
- Rồi đây mãn khóa học, cô sẽ không an tâm trở về Bắc khi Phượng vẫn còn long đong, chưa ổn định. Cô lo lắng những lúc khủng hoảng tinh thần Phượng biết nương tựa vào ai!
Có lẽ vì thế mà một hôm, cô dẫn tôi đến thăm một người bạn thân của cô là Ni cô Diệu Hòa, trụ trì chùa Linh Quang, số 40 đường Duy Tân, phường 15, quận Phú Nhuận. Sau khi chào hỏi nhau xong, cô Diệu Ngân nói:
- Giới thiệu với huynh đây là Phượng, đệ tử của muội, nó hiền lành và nhân ái lắm nhưng hoàn cảnh lại rất tội nghiệp, có dịp Phượng sẽ kể hết cho huynh nghe. Muội sắp về Bắc rồi, mai mốt có gì cần thiết, hoặc giả có phát lòng xuất gia, Phượng sẽ tìm đến huynh, xin huynh hỷ xả tiếp nhận.
Cô Diệu Hòa nhìn tôi bằng đôi mắt nửa nghiêm khắc, nửa vị tha, vừa cười hiền hậu vừa nói:
- Muội đã có lời gởi gắm thì huynh nào dám từ chối, nhưng hồng nhan như Phượng đây biết có kham nổi cảnh am thiền?
Tôi chen vào:
- Cô ơi, con chỉ sợ cô không nhận con làm đệ tử thôi, chứ gian khổ đến mấy con cũng đủ sức vượt qua. Ngày nào dứt được nghiệp trần, con sẽ nhờ cô giúp đỡ.
Cô Diệu Hòa gật đầu, nhẹ nhàng buông những lời chan chứa tình người:
- Nói thế thôi chứ cửa chùa là của thập phương, bao giờ cũng rộng mở đón tiếp mọi chúng sanh đến với thành tâm, thiện ý. Ai túc duyên sẽ gặp. Còn như ở giữa đời mà thân tâm luôn an lạc thì vẫn còn hơn vạn lần ở chùa.
Tấm lòng của cô Diệu Ngân và những lời của cô Diệu Hòa đã cho tôi cảm giác yên tâm. Mai đây, trên đường đời nếu vẫn còn chông gai, có làm cho tôi ngã quỵ, tôi vẫn còn cửa Phật để tìm về nương náu.
Cũng tại chùa Vĩnh Nghiêm, thông qua cô Diệu Ngân, tôi gặp gỡ và quen với một người bạn gái tên là Lan Anh, thường xuyên đến chùa làm công quả. Lan Anh hơn tôi vài tuổi, nó luôn tỏ ra khôn ngoan, siêng năng và cần mẫn, mỗi ngày ngoài việc lo quét dọn bụi bặm ở thư viện ra, Lan Anh còn phụ giúp trông coi mấy quầy bán kinh sách và quà lưu niệm mà việc nào nó cũng làm hết sức chu đáo. Nhiều lần cô Diệu Ngân dẫn Lan Anh đến nhà thăm tôi nên chẳng mấy chốc mà trở thành thân thiết. Hôm tiễn chân cô Diệu Ngân lên tàu về Bắc, biết tôi buồn lắm nên Lan Anh đã về ngủ lại với tôi cho có bạn, có bè. Đêm đó dường như chúng tôi thức trắng đêm để tâm sự, thỉnh thoảng lại hỏi nhau chẳng biết giờ này cô Diệu Ngân đã đến đâu rồi? Biết đến bao giờ mới được gặp lại cô? Sáng ra, trước khi lên chùa Vĩnh Nghiêm như thường ngày, Lan Anh hỏi tôi:
- Nhà Phượng rộng rãi, anh Hai lại đi về thất thường, thấy Phượng ở một mình buồn lắm, hay là Phượng cho mình dọn đến ở chung cho vui?
Dĩ nhiên là tôi vui vẻ nhận lời, ngặt một điều là tôi chẳng còn ở lại đây bao lâu, tôi muốn quay trở lại nhà chị Hoa cho đỡ tốn kém, nhưng vì còn một tháng tiền nhà và hai tháng tiền lời lẫn tiền vốn của bà Xuyến đã quá hạn mấy ngày mà chưa biết đào đâu ra để thanh toán cho họ nên tôi phải nán lại. Tôi ái ngại trả lời Lan Anh:
- Có Lan Anh trong nhà, mình cảm thấy rất vui và đỡ trơ trọi lắm, nhưng không biết còn ở đây được mấy ngày, bao giờ kiếm được tiền trả hết cho người ta, mình sẽ trả lại nhà để đến tá túc nhà một người quen cho đỡ tốn kém, khi đó Lan Anh sẽ ra sao?
- Đâu có sao, thì mình lại tiếp tục sống như lúc chưa gặp Phượng, được ngày nào hay ngày đó chứ biết làm gì hơn.
Nghe Lan Anh nói, tôi thấy thương nó vô cùng cho dù đến lúc này tôi cũng chẳng hề biết đến gốc gác của nó ở đâu, hoàn cảnh ra sao? Nhưng tôi nghĩ có lẽ nó cũng có nỗi đau nào đó mà chưa tiện nói ra, và tôi đồng ý ngay.
Lan Anh mới dọn đến ở chung với tôi được hai ngày thì bà Xuyến xuất hiện đòi nợ sáng một lần, chiều một lần. Hôm sau, bà lại đến và rồi những lời mắng nhiếc, xỉa xói cứ nặng dần theo những lời hứa hẹn của tôi. May thay những lần đó Lan Anh không có nhà, tôi không muốn cho nó nghe những lời chửi rủa nhục nhã này. Nhưng ở chung một nhà với nhau thì làm sao tránh mãi được, trưa hôm nay, khi Lan Anh vừa về đến nhà thì đúng lúc bà Xuyến đẩy cửa bước vào, lớn tiếng:
- Sao, mày đã có tiền trả cho tao chưa? Bộ mày định hẹn rày, hẹn mai để lâu cứt trâu hóa bùn hả?
Tôi xuống giọng năn nỉ:
- Dì thông cảm cho con ít ngày nữa, nếu không xoay xở được, con hứa sẽ bán xe trả dứt cho dì, lố thêm ngày nào dì cứ tính lời ngày đó.
Thế là bà Xuyến nặng lời chửi rủa, bà rít từng tiếng trong kẽ răng:
- Ai mà tin mày nữa, bộ mày tưởng trứng khôn hơn gà hả?
Bỗng dưng tôi úp mặt trong lòng hai bàn tay khóc òa! Thấy thế, Lan Anh phải lên tiếng hộ tôi:
- Dì thông cảm cho bạn con lần cuối, chỉ vì khó khăn chứ nó không có ý sai hẹn với dì đâu, dì làm phước thương tình nó một lần nữa.
Bà Xuyến đưa mắt nhìn chiếc xe DD đỏ có vẻ an tâm:
- Xe mày có giấy tờ hợp lệ không?
Tôi đáp trong nghẹn ngào:
- Dạ có.
- Tao gia hạn cho mày thêm một tuần lễ nữa, nếu không có tiền trả thì phải bán xe cho tao, trừ cả vốn lẫn lời còn lại bao nhiêu tao thối cho mày không thiếu một cắc, như vậy là tao thương tình rồi đó, chứ nhân đạo cho lắm, có ngày không có gạo mà ăn!
Bà Xuyến đi rồi, tôi nằm khóc nức nở. Đời đã cho tôi nếm trải biết bao tủi nhục vì áo cơm, nhưng có lẽ đến bây giờ tôi mới đủ ý thức để thấm thía ý nghĩa của hai tiếng “nhục nhằn”. Lan Anh ngồi bên cạnh tôi an ủi, vỗ về làm tôi thêm tủi thân, xót phận.
Buổi chiều, chú Thạch nhà báo đến thăm như thỉnh thoảng chú vẫn đến. Biết tôi khó khăn, lần nào chú cũng để lại ít tiền, cố ép tôi phải nhận cho bằng được dù đôi lần tôi đã từ chối hết cách, riết rồi coi như chuyện bình thường. Chú gốc gác miền Trung, lưu lạc vào Nam từ thuở thiếu thời, nhặt hạt cơm thiên hạ mà sống và trì chí học hành để nên thân, nên phận. Có lẽ vì vươn lên từ quá khứ nghèo khó nên chú Thạch là một con người từng trải và tốt với tôi vô cùng, chú thường nói:
- Cháu phải coi chú như một người ruột thịt. Ngày xưa chú tìm đến đất Sài Gòn này cũng chỉ tứ cố vô thân với hai bàn tay trắng nên đã trải qua bao khổ nhục trong đời vì thế mà chú hiểu và thương cháu lắm. Điều quan trọng là ở hoàn cảnh nào, mình cũng phải cố gắng sống như một người tử tế nên chú muốn chia sẻ với cháu những gì có thể chia sẻ được chứ không phải là giúp đỡ. Cháu từ chối sự chia sẻ nhỏ nhoi này có nghĩa là từ chối tấm lòng của chú. Hãy coi đó là chuyện bình thường giữa cuộc đời vàng thau lẫn lộn này.
Tôi quí trọng chú, nhiều lần tôi định nói với chú hết những khó khăn mà mình đang gặp phải và tôi tin chắc sẽ được chú gánh vác phần nào. Thế nhưng khi đối diện với chú, tôi không tài nào mở miệng được bởi nghĩ mình không thể lợi dụng lòng tốt của chú nhiều hơn nữa. Vì thế mà chiều nay chú đến, thấy tôi ngồi dậy trong tư thế rã rời, đôi mắt đỏ hoe, chú đã hốt hoảng hỏi vội chuyện gì xảy ra.
Tôi ra dấu cho Lan Anh đừng nói sự thật, nhưng có lẽ vì thương tôi nên chẳng cần ý tứ:
- Tại sao Phượng lại giấu chú những chuyện như thế khi mà Phượng từng nói với mình là chú rất thương yêu và lo lắng cho Phượng như một người ruột thịt. Lỡ có chuyện gì đáng tiếc xảy ra cho Phượng, có phải là Phượng đã phụ lòng của chú không?
Quay sang chú Thạch, Lan Anh trình bày trong tiếng khóc rấm rứt của tôi:
- Chú biết không, những ngày cuối cùng để lo cho dì Nỡ dứt bệnh, Phượng có vay của một bà trong xóm hai triệu đồng với lãi xuất hai mươi phần trăm một tháng trong thời hạn ba tháng. Đến nay đã quá hạn mấy ngày nhưng Phượng mới chỉ trả được lãi tháng đầu tiên, còn nợ nguyên gốc và hai tháng tiền lãi chưa thanh toán nên bị bà ta đến chửi bới, mạt sát nhiều lần. Trưa nay, bà ta lại đến và cho Phượng hẹn thêm một tuần nữa, nếu không phải bán xe gắn máy cho bà.
Chú Thạch kéo chiếc ghế nhựa duy nhất trong nhà sát cạnh giường, ngồi xuống nhìn tôi đầy vẻ trách móc:
- Chuyện nhỏ như thế tại sao Phượng không nói với chú để ra cớ sự như vầy. Tình nghĩa ở đời là cần có nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn mới hiểu lòng không chỉ của kẻ xớt chia đó. Chú không giàu nhưng chú có thể lo cho Phượng chuyện này, Phượng nói cho chú biết còn vướng mắc gì ở đâu nữa không để chú tính một lần luôn thể.
Tôi cảm thấy vừa thương chú Thạch nhưng cũng vừa mắc cỡ với chú nên không nói nên lời. Lan Anh lại mau miệng:
- Còn một chút đỉnh nữa chú, đó là một tháng tiền nhà và lố thêm mười ngày chưa thanh toán cho người ta.
Trầm ngâm một lát như tính toán trong đầu một điều gì, chú Thạch nói:
- Thôi được rồi, may mà người ta còn cho trễ hạn một tuần. Cứ yên tâm, năm ngày nữa chú sẽ mang tiền tới cho Phượng trả hết nợ nần và tiền nhà cho họ.
Tôi ấp úng:
- Cám ơn chú, chú tốt với cháu quá, cháu biết lấy gì đền đáp cho chú.
- Cháu lại khách sáo, vấn đề là phải làm cho cháu được yên tâm và yên thân là chú vui rồi. Cháu không cần phải nghĩ đến chuyện đền đáp cho chú mà mai sau có nên thân, nên phận phải nhớ đến tha nhân là đủ rồi.
Chú Thạch ra về mà không quên để lại cho tôi ít tiền. Quả thật ân tình của chú đã làm lòng tôi ấm áp và tin tưởng hơn ở con người cho dù những lời mắng nhiếc của bà Xuyến vẫn như còn cấu xé trong tai. Đêm hôm đó, tôi cứ trằn trọc mãi trong khi Lan Anh đã chìm sâu vào giấc ngủ tự bao giờ. Anh Hai thì vẫn nữa khuya mới về và ngủ vô tư như thường lệ. Tôi nằm gác tay lên trán hết nghĩ đến mẹ và các em lại nghĩ đến cô Diệu Ngân, chú Thạch, những người thân yêu nhất đời tôi, đã chuyền cho tôi sức sống để chờ đợi một ngày mai tươi đẹp như mơ ước. Sáng ra, Lan Anh thức dậy cùng lúc với anh Hai bước ra khỏi nhà bắt đầu một ngày lang thang. Trong bữa ăn sáng, trước khi đến chùa Vĩnh Nghiêm, Lan Anh hỏi tôi:
- Chiều nay mình nghỉ làm công việc ở chùa sớm để chuẩn bị đi ăn đám cưới một người bạn thân trên Thủ Đức đến tối sẽ về, Phượng cho mình mượn xe gắn máy và sợi dây chuyền để lấy le với thiên hạ được không?
Không một chút do dự, tôi trả lời:
- Sao lại không được, chiều nay Lan Anh cứ lấy xe mà đi, mình sẽ đưa cạc-vẹc cho để lỡ Cảnh sát Giao thông có thổi khỏi phải rắc rối.
Ba giờ chiều hôm đó, Lan Anh về đến nhà, nó tắm rửa và thay bộ đầm thật đẹp chẳng biết tha về từ đâu, xong ngồi trang điểm cẩn thận. Gần bốn giờ thì Lan Anh trang điểm xong, chính tay tôi cầm sợi dây chuyền của mẹ đeo vào cổ cho nó. Lan Anh ngắm nghía trong gương rồi reo lên:
- Đẹp quá, lần đầu tiên mình được đeo sợi dây chuyền đẹp như thế này, đến đám cưới, thiên hạ sẽ lác mắt cho mà coi.
Tôi nghe mà thương nó quá! Giá như giàu có, tôi sẽ sắm cho bạn mình một sợi dây chuyền giống như thế. Tôi đưa giấy tờ xe cho Lan Anh, nó vừa đẩy xe ra cửa, vừa căn dặn:
- Chắc mình không ăn tối, Phượng có đói thì cứ ăn một mình, lâu lâu mới được đi ăn đám cưới một lần phải làm một bữa no say.
Nói rồi Lan Anh đẩy xe ra cửa, nổ máy và ra đi không bao giờ trở lại và đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp nó. Tôi ngồi chờ đến khuya, rồi sáng mà vẫn chẳng thấy bóng dáng nó đâu. Lòng tôi như lửa đốt, chỉ sợ Lan Anh gặp phải tai nạn thì tội cho nó quá. Tôi cầu mong nó vẫn bình an và đang qua đêm ở nhà một bạn bè nào đó. Mười giờ sáng, tôi không còn chờ đợi được nữa, vội chạy lên chùa Vĩnh Nghiêm báo cho các thầy rõ cớ sự. Tội nghiệp các thầy cũng hết sức lo lắng, phân công nhau túa ra đến tất cả bệnh viện trong thành phố để tìm kiếm. Có thầy còn lên tận Thủ Đức, nơi Lan Anh đi ăn đám cưới nhưng vẫn không nơi nào có được tin tức của nó. Thêm một đêm nữa trôi qua trong nỗi buồn vời vợi, tôi ngồi khóc tức tưởi một mình, mỗi lần nghe tiếng động cơ xe gắn máy của ai đó đi vào hẻm là tôi lại thấp thỏm, hi vọng. Đến khi nhịp xe ngang qua, không dừng bánh rồi xa dần, tôi lại thất vọng não nề. Một ngày mới lại đến, tôi cơ hồ như người mất trí. Bấy giờ các thầy trên chùa bắt đầu đặt nghi vấn: Hay là Lan Anh đã lừa gạt tôi? Không, tôi không dám tin như thế, Lan Anh không thể nào cư xử tàn nhẫn với tôi đến như vậy, nhất định là nó đã gặp chuyện chẳng lành! Biết đâu nó gặp phải cướp nên không dám quay về vì sợ tôi buồn. Tôi cầu mong đó là sự thật, bởi vì như thế dù bị mất của nhưng không mất tình người và niềm tin không bị hủy diệt. Ngày thứ ba, thứ tư rồi thứ năm trôi qua trong vô vọng, lo âu, sợ hãi làm tôi không còn thiết ăn uống gì nữa cả. Thân hình tôi gầy rạc hẳn đi và bắt đầu nhuốm bệnh. Bi kịch đời tôi lại ập đến. Bà Xuyến hay tin tôi bị mất xe đã cùng với hai người con trai hùng hổ bước vào nhà, to tiếng:
- Xe của mày đâu rồi?
Tôi điếng người sau câu hỏi của bà, cố gượng trả lời:
- Bạn con mượn đi ăn đám cưới đã năm ngày chưa thấy đem về.
Bà Xuyến tru tréo:
- Mày làm tuồng với tao hả con ranh! Mày đem xe đi giấu hoặc bán cho ai rồi dàn cảnh mất xe để quỵt nợ tao hả? Này tao bảo cho biết, trứng không khôn hơn gà đâu con, tao xé xác mày ra từng mảnh bây giờ.
Tôi khóc thành tiếng:
- Dì ơi, con không dám gạt dì đâu, dì hứa cho con một tuần, hôm nay mới có năm ngày, con sẽ xin tiền chú con trả cho dì đúng hẹn.
Bất chợt bà Xuyến lao vào nắm chặt tóc tôi quật mạnh vào tường đến phun máu đầu, bà còn tiện tay tát vào mặt tôi mấy cái đến đổ đom đóm. Tôi đau đớn ngã xuống nền nhà vẫn còn nghe giọng bà ta gầm gừ:
- Tao đánh cho mày nhớ, hai ngày nữa mà mày không trả đủ tiền tao sẽ gọt da đầu mày.
Hai người con trai của bà Xuyến còn phụ họa với mẹ nó:
- Cần gì gọt da đầu cho dơ tay, hai ngày nữa mà mày không giữ đúng lời hứa, tao đá cho không còn cái răng ăn cơm.
- Thôi về đi má, nhưng phải luôn canh chừng con nhỏ này không thì nó bỏ trốn biết đâu mà tìm.
- Mày có trốn lên trời cũng không thoát được tay tao…
Họ kéo ra khỏi nhà, trả lại sự yên lặng hãi hùng cho tôi. Chết, cái chết thoáng qua trong đầu, tôi không còn đủ nghị lực để sống một cuộc sống quá ê chề.
Tôi sẽ tìm đến nó như một cách tự giải thoát đời mình. Bất chợt tôi lại nghĩ đến mẹ, đến các em, đến chị Hoa, chị Sáng, chú Thạch và cuối cùng là Lan Anh. Cầu mong Lan Anh không phải là kẻ lừa gạt tôi và nó cũng không gặp tai nạn gì cả. Chẳng qua nó mãi rong chơi đâu đó rồi sẽ về, sẽ mang trọn tình người mà về với tôi như những gì hai đứa đã tâm sự với nhau.
Ý nghĩ tìm đến cái chết làm tôi tỉnh táo hẳn, tôi đứng dậy lần ra sau nhà rửa mặt, chải lại đầu tóc trước khi tìm đến vài tiệm thuốc tây và mua thật nhiều thuốc ngủ valium và optalidon. Tôi từng nghe nhiều người nói uống hai loại thuốc này với lượng cao sẽ dễ dàng đi về thế giới bên kia bằng một giấc ngủ nhẹ nhàng. Vết thương bà Xuyến gây ra cho tôi không nặng lắm và máu đã cầm nhưng vết thương trong lòng thì vẫn rỉ máu. Tôi soi trong gương và thấy mình đã quá tiều tụy. Chẳng còn gì quí giá để sợ mất cắp, tôi khép hờ cửa và bước ra đường nhưng phải qua ba hiệu thuốc tây mới mua đủ số như dự định vì sợ mua một chỗ người ta sẽ sinh nghi, không bán. Tôi quay trở về nhà được năm phút thì chú Thạch đến. Thấy mới chỉ mấy ngày mà tôi đã quá hốc hác xanh xao, chú tỏ ra lo lắng và đòi bắt tôi phải đi bác sĩ. Đến lúc này, tôi thấy không thể giấu diếm chú điều gì nên đã kể hết đầu đuôi mọi chuyện cho chú nghe. Nghe xong, chú Thạch xiết hai bàn tay thành hai nắm đấm nói bằng giọng phẫn nộ:
- Thế cháu đã ra trình báo với Công an chưa? Lan Anh thật quá tệ, chỉ tại Phượng không biết chọn bạn mà chơi lại quá dễ tin người. Còn mụ Xuyến chẳng khác nào lang sói, con người sao lại có kẻ ác độc đến thế. Phượng cứ coi đây như là một tai nạn và gượng dậy mà đi, không chỉ vì mình mà còn vì những kẻ yêu thương quí mến mình, không vì lí do gì mà phụ rẩy tấm lòng của họ.
Tôi chán nãn trả lời:
- Thôi chú ơi, trình báo mà làm gì, cái gì mất thì cố giữ cũng phải mất, cái gì còn có quăng ra đường vẫn còn. Cháu không tiếc của bằng sự hụt hẫng trong lòng.
Chú Thạch móc bóp ra trao cho tôi một xấp tiền rồi nói tiếp:
- Chú gởi cháu bốn triệu đồng đủ để cháu trả dứt cho mụ Xuyến và một tháng tiền nhà. Dù chỉ gặp vài lần nhưng chú thấy chị Hoa, chị Sáng rất tử tế và thương yêu cháu, họ sẵn lòng cho cháu tá túc dài hạn trong nhà, cháu nên thu xếp để về bên đó càng sớm càng tốt, chứ ở đây một mình thêm ngày nào bất tiện ngày đó.
Tôi đón nhận sự giúp đỡ của chú Thạch bằng tất cả lòng biết ơn, bao giờ đối diện với chú tôi cũng cảm giác thật an tâm, được che chở bởi một người cha và thấy mình thật nhỏ bé. Tôi cúi đầu nói với chú:
- Cháu cảm ơn chú rất nhiều, cháu sẽ thanh toán hết nợ nần hôm nay. Cháu sẽ lưu lại căn nhà này một đêm cuối cùng, chờ khuya anh Hai về rồi sáng sớm mai anh em cháu sẽ đến nhà chị Hoa. Chú cứ yên tâm, cháu sẽ không bao giờ làm phật ý chú đâu.
Chú Thạch xoa đầu tôi như xoa đầu một đứa trẻ con:
- Chú về đây, ráng một đêm nay nữa thôi, ít bữa nữa chú sẽ đến nhà chị Hoa thăm cháu.
- Dạ, không sao đâu chú, cháu đâu còn nhỏ dại nữa đâu mà chú lo.
Chú Thạch vừa về, tôi đã vội vàng chạy vào nhà bà Xuyến trả hết nợ cho bà ta ngay như một cách trả lời về sự hồ đồ và nhẫn tâm của bà. Vừa chạm mặt, bà Xuyến đã hỏi ra vẻ phủ đầu:
- Mày đi đâu thế?
Tôi gằn từng tiếng cho hả cơn giận và xưng tôi với bà ta thay vì xưng con như mọi hôm:
- Tôi đi trả nợ cho dì.
Giọng bà ta trở nên hớn hở:
- Thiệt hôn? Mày đào đâu ra tiền giỏi thế hả con gái?
- Tôi đâu dám giỡn với dì, sai lời với dì để dì đánh đập, sỉ nhục thêm nữa hay sao!
Dường như bà Xuyến chẳng cần để ý đến những lời tôi nói, bà mãi mê đếm đủ tiền vốn lẫn lời rồi xuống giọng:
- Chỉ tại mày tao mới phải nặng lời nặng tay chứ tính tao trước giờ vẫn ăn hiền, ở lành, cắt cổ con gà cũng không dám huống là đụng đến người. Nhưng mà của đau con xót mày ơi, không có lửa làm sao có khói.
Nói rồi bà lấy ra một trăm ngàn đưa cho tôi bày tỏ sự hào phóng một cách kịch cỡm:
- Đây, nghĩ thương tình tao bớt cho mày chút đỉnh tiền lời.
Tôi vừa xua tay từ chối vừa bước ra cửa:
- Cám ơn dì, tôi không dám nhận của dì.
Ra tới đầu ngõ, tôi còn nghe giọng bà Xuyến chì chéo, vọng theo:
- Xí, nghèo mà bày đặt tự ái, cái thứ đi vay tiền nóng mà cũng chảnh, đúng là trời có mắt.
Tôi chợt biết sẽ không bao giờ đánh động được lương tâm của kẻ chỉ biết sống nhờ vào cái ác, coi cái ác như một phương tiện hữu hiệu để kiếm tiền ngoại trừ một biến cố kinh khủng nà đó xảy ra với họ. Tối hôm đó, tôi thanh toán dứt điểm tiền nhà và thông báo cho chủ biết sáng mai sẽ dọn đi. Đêm, quá mệt mỏi, ra rời, từ rất sớm tôi đã thiếp vào giấc ngủ chập chờn, đứt quãng. Nửa khuya, tôi mơ hồ thấy Lan Anh chạy xe về ngoài ngõ và đập cửa. Tôi mừng rỡ, vùng dậy mở cửa. Thì ra anh Hai! Tội nghiệp, anh Hai tôi vẫn sống đời như một cái bóng, chẳng bao giờ mở miệng nói một điều gì nhưng được cái tôi nói, dặn dò gì anh cũng nghe, cũng làm theo đúng như khuôn mẫu.
Từ đó, tôi thức luôn cho đến sáng. Gom vội đồ đạc vào trong hai cái túi, còn hơn một triệu đồng của chú Thạch cho, hai anh em dắt nhau vào một tiệm phở ăn sáng rồi đón xe ôm về nhà chị Hoa, chị Sáng. Thấy tôi về, hai chị và con Khanh mừng lắm, tình thật bao giờ cũng khác với tình giả. Tất nhiên chẳng có gì xảy ra cho tôi trong những ngày qua mà họ không biết. Nhìn tôi gầy gò, tiều tụy, chị Hoa an ủi:
- Thôi của đi thay người em ơi, có tiếc cũng chẳng được gì. Cứ về đây với chị, nghỉ ngơi ít ngày rồi kiếm việc làm ăn. Thời buổi này làm giàu mới khó chứ kiếm sống thì chẳng khó. Đã có ai chết vì thiếu ăn, thiếu mặc đâu mà lo.
Tôi nghe mà ứa nước mắt. Anh Hai vào nhà ngồi chưa ấm chỗ đã vội bỏ đi. Đêm hôm đó, tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ mông lung. Có lẽ đến bây giờ khi sóng gió đã qua đi, những mất mát chắc chắn không bao giờ lấy lại được, lòng tôi mới thật sự chùng xuống, nỗi buồn đau càng thêm thấm thía. Ôi những kỉ vật mang hình bóng mẹ mà tôi đã gìn giữ chắt chiu, nhiều lúc túng quẫn đến nghẹt thở vẫn không dám cầm, bán bởi sợ xúc phạm đến sự thiêng liêng của nó. Lan Anh ơi! Giờ này mày đang ở đâu? Có điều gì thúc bách đến độ mày phải quay lưng với tao, quay lưng với một người bạn nghèo nhưng sẵn lòng chia ngọt sẻ bùi với mày những ngày khó khăn nhất. Rồi ngày mai sẽ ra sao? Dòng đời sẽ đưa đẩy tôi tới bến bờ nào? Chẳng lẽ tôi mãi nương tựa vào chị Hoa, chị Sáng. Tôi xoải tay chạm vào túi quần áo trên đầu nằm và đụng phải bịch thuốc tây mới mua chiều hôm qua. Cái chết lại hiện về. Có phải chết là hết hay không? Nhưng ít ra chết đi là xa lánh được trần ải, xa lánh được cái thế giới đầy bon chen, lừa lọc. Tôi từng nghe nhiều vị trong chùa nói: Hữu thân là hữu khổ. Vậy thì thân không còn thì khổ cũng tiêu tan! Tôi sống để làm được gì cho mình chứ đừng nói làm gì được cho ai. Tôi phải đi, tôi phải về thế giới bên kia, tôi sắp vĩnh biệt mọi người, sẽ không bao giờ gặp lại mẹ và các em. Tôi chạy trốn tất cả, chạy trốn khổ đau. Ước mơ, hi vọng đã thành tuyệt vọng. Không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra. Chờ mọi người đã yên giấc, tôi ngồi dậy, bước đi lảo đảo, rót đầy li nước rồi quay trở lại giường. Tôi lấy bịch thuốc bóc từng viên ra khỏi vỉ rồi vừa khóc, vừa dốc từng nắm vào miệng, bưng li nước lên, nuốt trôi qua cuống họng.
Một chút hoảng hốt qua nhanh, sợ hãi và hối hận ập xuống, nhưng đã quá muộn màng. Quá khứ hiện về bằng tốc độ của ý tưởng: Mẹ, tôi cõng em Huy đi xin cơm, vườn mít, dượng Mười, mợ Kỳ, Bích Loan, Bích Vân, Phụng, Khanh, chị Hoa, chị Sáng, chú Thạch, cô Diệu Ngân, cô Diệu Hoa… Người tốt nhiều lắm, nhưng con người vốn dĩ bội bạc, kể cả tôi, bởi đã coi nhẹ hạnh phúc mà người tốt mang đến chẳng đủ để khỏa lấp khổ đau bởi những gì mà người xấu gây ra! Trong tiềm thức tôi không còn chỗ cho bà Cúc tiệm phở, bà Xuyến, Lan Anh… ở giây phút trọng đại này. Tôi nằm xuống, hồi hộp chờ đợi, chẳng bao lâu mắt tôi hoa lên, thân xác bồng bềnh như mây khói, mọi vật chung quanh chao đảo, tưởng chừng cả mặt đất cũng vật vờ trên sóng. Tôi đang sống những giây phút cuối cùng và tôi chìm vào giấc ngủ.
Hạt Bụi Còn Vương Hạt Bụi Còn Vương - Ngô Thị Bích Phượng Hạt Bụi Còn Vương