Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9007 / 63
Cập nhật: 2015-06-30 20:58:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi tìm được một căn nhà nhỏ chiều ngang ba thước, chiều dài mười thước có một phòng khách, một phòng vệ sinh và cả nhà bếp đường hoàng với giá thuê bảy trăm ngàn đồng một tháng. Dĩ nhiên, đó chỉ là một căn hộ xấu xí nằm trong một con hẻm rộng trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận của một cặp vợ chồng tuổi mới chừng bốn mươi nhưng đã sở hữu nhiều bất động sản nên chưa cần dùng đến.
Dọn về nhà mới, mọi sinh hoạt của ba dì cháu vô cùng thoải mái cho dù lòng tôi chồng chất thêm bao nỗi lo gánh nặng chi tiêu oằn cả hai vai khi những đồng bạc cuối cùng đã cạn. Nghề bán hoa dạo đã không còn thuận lợi như trước đây khi mà ngày càng xuất hiện thêm nhiều người tranh nhau kiếm sống. Đa số họ là sinh viên ở các tỉnh xa về trọ học ở thành phố, một số em gái nhỏ ở tuổi còn cắp sách đến trường và những nữ công nhân làm việc ban ngày, tranh thủ thời gian rảnh rỗi ban đêm để kiếm thêm thu nhập. Nói chung, cũng giống như tôi, tất cả họ đều gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng chỉ mong kiếm được đồng tiền lương thiện dù phải đổ mồ hôi với bao nỗi nhọc nhằn. Từ đó, tôi tìm được một chân phục vụ trong một quán ăn, nhưng thu nhập quá ít ỏi nên được vài tháng tôi lại xin đi làm phụ bếp. Nói chung toàn những công việc vất vả mà đồng tiền kiếm được chẳng bao nhiêu!
Tính đến thời điểm đó, dì Nỡ đã điều trị được mười tám tháng, bệnh tình của dì dù có thuyên giảm nhưng vẫn chưa dứt hẳn nên còn phải tiếp tục thuốc thang không biết đến bao giờ. Lao vào cuộc mưu sinh bất kể giờ giấc, tôi không còn đủ thời gian để hàng tuần đưa dì tới bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tái khám vì đường từ nhà tới đó quá xa. Một người hàng xóm mách nước cho tôi nên chuyển dì sang bệnh viện Thống Nhất ở gần nhà cho tiện việc đi lại. Lời chỉ dẫn này thật hợp lí và thật may mắn cho dì cháu tôi, ngay buổi đầu tiên đến đây, tôi đã được gặp những vị bác sĩ đầy lòng nhân ái đúng nghĩa là “Lương y như từ mẫu”. Tiếp nhận hồ sơ bệnh án của dì Nỡ là bác sĩ Minh, Trưởng khoa lao, ông ta căn cứ vào đó để chẩn bệnh và tiếp tục điều trị cho dì. Vị bác sĩ khả kính, tuổi chừng năm mươi mà tôi mới gặp lần đầu, ôn tồn hỏi tôi:
- Người nhà ngoài cô ra còn ai nữa không?
Tôi ấp úng:
- Dạ chỉ có mình con.
- Cô bà con với bệnh nhân này như thế nào?
- Thưa bác sĩ là cháu kêu bằng dì ruột, dì là em của mẹ cháu.
Chăm chú nhìn vào hồ sơ, ngưng một lát ông ta tiếp:
- Tại sao không tiếp tục điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mà chuyển sang đây?
Bỗng dưng tôi rưng rưng muốn khóc:
- Xin bác sĩ cứu dì con, cho dì con chữa bệnh tại đây cho gần nhà đỡ tốn tiền xe lui tới, mười tám tháng qua ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mỗi tuần đi về một lần tốn kém lắm bác sĩ ơi.
Nhìn thẳng vào mặt tôi bằng đôi mắt nhân từ, bác sĩ Minh hỏi:
- Cô chẳng còn người thân nào lớn hơn sao?
- Dạ không.
- Cha mẹ cô đâu hết mà chỉ có mỗi mình cô lo cho dì?
Không suy nghĩ, tôi trả lời một cách vô thức:
- Dạ ba con chết rồi, mẹ con thì ở xa.
- Chẳng lẽ bà dì của cô chẳng có chồng con gì cả hay sao?
- Thưa bác sĩ có, nhưng ở dưới quê hết và rất nghèo, cơm còn không đủ ăn nên không thể lên đây chăm sóc cho dì.
- Thế thì điều trị tại đây, cô có đủ tiền lo cho dì cô không?
Tới đây, tôi không còn cầm được nước mắt, vừa khóc vừa nói:
- Thưa bác sĩ, con sẽ cố gắng kiếm đủ tiền mua thuốc cho dì con.
- Cô kiếm tiền bằng cách nào?
- Dạ, con làm thuê, làm mướn.
Không hỏi thêm gì nữa, bác sĩ Minh xếp hồ sơ bệnh án của dì Nỡ lại, nét xúc động hiện rõ trên khuôn mặt sáng sủa, giọng ông trầm hẳn xuống:
- Thôi được, tôi sẽ cố gắng chữa trị tiếp tục cho dì cô, nhưng tôi báo cho cô biết trước, để dứt hẳn bệnh không thể chỉ mất một vài tháng mà được đâu. Hàng tuần, cô phải đưa dì đến đây tái khám một lần, lấy toa mua thuốc về vừa chích, vừa uống, tôi sẽ quan tâm giúp đỡ cô trong khả năng của tôi. Nếu cô làm đúng theo chỉ định của bác sĩ, hi vọng bệnh tình của dì cô sẽ sớm bình phục.
Nghe ông ta nói, tôi mừng như người chết đuối bám được vào cái phao cứu tử, trực giác cho tôi đặt trọn niềm tin vào vị bác sĩ này. Khám bệnh cho dì Nỡ xong, tôi dìu dì ra ngồi ở phòng chờ đợi để đi mua thuốc rồi ra về. Hai dì cháu bước đi liêu xiêu dưới nắng mai vàng rực tràn ngập sân bệnh viện Thống Nhất. Đưa dì về đến nhà, tôi vội vã chạy đến cửa hàng sơn mài vật lộn với công việc, một ngày đối với tôi hầu như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Những tuần kế tiếp, ngoài bác sĩ Minh ra, còn có bác sĩ Phúc thay nhau khám bệnh và kê toa cho dì Nỡ. Dần dà, họ hiểu rõ hoàn cảnh của dì cháu tôi nên càng tỏ ra quan tâm đặc biệt. Tháng nào, bác sĩ Minh cũng ưu ái tặng không cho dì Nỡ một bịch thuốc bổ, thỉnh thoảng ông còn cho cả một toa thuốc đặc trị. Từ lòng nhân ái của hai vị thầy thuốc này đã tiếp sức cho tôi thêm lòng tin cuộc sống để vượt qua hoàn cảnh ngày càng thêm khắc nghiệt.
Mười hai tháng nữa trôi qua, tôi sắp lâm vào bước đường cùng vì không còn một đồng dính túi và thu nhập hàng tháng không thể đáp ứng được cho cuộc sống của ba dì cháu, dù tôi đã vận dụng hết thời gian để làm thêm bất cứ công việc gì mà mình có thể làm được. Nhưng chẳng lẽ chịu bỏ cuộc khi bệnh tình của dì Nỡ xem ra đã rất khả quan, trông dì mạnh khỏe hẳn ra, bắt đầu đỏ da, thắm thịt và sinh hoạt như một người bình thường. Theo lời bác sĩ Minh, tình trạng của dì về cơ bản đã bình phục, chỉ cần một thời gian rất ngắn nữa thôi là dứt hẳn, nhưng phải chữa cho tới nơi tới chốn để tránh tái phát. Đó là một tin mừng đối với tôi, những gì tôi đã làm cho dì Nỡ đã đi tới một kết quả như mong ước, nhưng giờ đây tôi biết xoay xở ở đâu để hàng tháng có đủ tiền chi trả tiền nhà, tiền thuốc thang cho dì và nuôi sống ba miệng ăn! Tôi lại tìm đến chị Ngọc Anh để đặt vấn đề về miếng đất nhưng chẳng được chị đáp ứng mà luôn tìm mọi lí do thoái thác, lần nào cũng đi không rồi lại về không. Thậm chí tôi đề nghị chị ứng thêm một ít tiền, coi như phần vốn của chị tăng lên, nhưng chị cũng thẳng thừng từ chối. Nhiều người biết rõ ngọn ngành câu chuyện đã nói với tôi coi như mất trắng. Tôi cố tình không tin điều đó, chị Ngọc Anh không nỡ nào cư xử với tôi tàn nhẫn như thế. Dù từng bị con người đọa đày nhưng tôi vẫn tin vào con người để sống bởi tôi biết chắc rằng cũng nhờ vào con người mà tôi tồn tại đến hôm nay.
Nhiều lần, tôi đã nghĩ đến việc bán sợi dây chuyền và chiếc xe gắn máy để đắp đổi qua ngày nhưng rồi tôi không thể nào thực hiện được, bởi đó là hai kỉ vật của mẹ trao cho trước ngày mẹ ra đi mà giờ đây đã trở thành quá thiêng liêng đối với tôi. Ví như không bao giờ được gặp lại mẹ và các em thì hai kỉ vật này là hình ảnh cuối cùng của những người ruột thịt, thân yêu nhất đời tôi, nếu vì lí do gì phải chịu mất đi, có nghĩa là tôi mất tất cả. Đứng trước những khó khăn chồng chất, tôi như kẻ sắp chết đuối giữa dòng cuồng lưu thì vớ được chiếc phao cứu tử khi một người láng giềng gợi ý và đứng ra giới thiệu tôi với bà Xuyến, một người chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lãi. Dường như phần lớn cư dân trong xóm đều là con nợ của bà Xuyến, vậy mà chưa thấy ai quỵt nổi bà ta một đồng xu, cắc bạc nào cho dù lãi xuất hàng tháng lên tới 20%, chỉ vì sợ đụng đến cái uy danh giang hồ của ba người con-hai trai, một gái của bà ta. Túng thì phải liều, tôi theo người láng giềng đến gặp bà Xuyến, may là vô ra trong hẻm lâu ngày nên bà ta không chỉ biết mặt mà còn biết cả chỗ ở của tôi. Vừa mới ngỏ lời vay hai triệu, chưa biết có được hay không đã phải nghe bà ta lên giọng tự tán dương công đức của mình:
- Nói thật, cho vay như dì đây cũng là một cách cứu dân độ thế, dì đâu có tới gõ cửa nhà ai để bắt họ vay đâu, toàn là họ tìm đến dì năn nỉ ỉ ôi, than khó, han khăn khiến dì động lòng phải ra tay làm phước! Tiền tì dì đưa cho họ mặc sức tiêu pha, chỉ nhận có miếng giấy nợ để làm tin với nhau, vậy mà khối người đến kì, đến hạn cứ hẹn rày, hẹn mai buộc lòng dì phải làm trịch, làm thượng với họ mới thu hồi lại được, đúng là làm ôn mắc oán.
Tôi ngồi yên lắng nghe từng lời bà Xuyến mà rùng mình, bà nói mà cứ như rít trong kẽ răng, người láng giềng phải nói hộ giùm tôi:
- Chị cứ yên tâm, con nhỏ này hiền lành lắm, còn trẻ nhưng rất hiếu đạo. Mẹ và các em nó ở bên Mỹ chưa kịp liên lạc về, nó mướn nhà trong hẻm này để nuôi người dì bị bệnh lao mấy năm nay. Giờ thì dì nó sắp dứt bệnh, chị cho nó vay tạm, hàng tháng nó sẽ trả đủ tiền lời cho chị, chỉ một thời gian ngắn thôi nó sẽ hoàn đủ vốn.
Bà Xuyến nhìn thẳng vào mặt người láng giềng:
- Bà có đứng ra bảo lãnh cho nó không? Nếu bà chịu bảo lãnh thì tôi bằng lòng ngay.
Người láng giềng ấp úng:
- Thấy hoàn cảnh nó tội nghiệp nên tôi mới giới thiệu, cũng là dắt mối tới cho chị, chứ bảo lãnh thì tôi không dám mà tùy chị định đoạt.
Quay sang tôi, bà Xuyến hỏi cộc lốc:
- Mày có thân nhân ở nước ngoài?
- Dạ, cả nhà con ở Mỹ hết, chỉ có hai anh em ở lại thôi.
- Vậy tại sao hai anh em mày không đi?
- Tại anh Hai con bị bệnh tâm thần người ta không cho đi, con tình nguyện ở lại để lo cho anh.
Ngừng một lát như suy nghĩ một điều gì đó, bà Xuyến hỏi tiếp:
- Tại sao mẹ mày không gởi tiền về?
- Con chưa liên lạc được với mẹ.
- Mẹ mày đi bao lâu rồi mà chưa liên lạc được?
- Dạ, gần sáu năm.
Giọng bà Xuyến trở nên cay độc:
- Sáu năm mà chưa có tin tức gì là coi như tiêu rồi mày ơi, hoặc là cả nhà mày đã làm mồi cho cá, hoặc mẹ mày bỏ hai anh em mày luôn nên chẳng ngó ngàng gì tới.
Tôi nghe mà đau xót trong lòng, dù tôi không bao giờ tin được mẹ và các em đã bỏ tôi không chút đoái hoài. Tôi cố giải thích với bà Xuyến mà như để trấn an mình:
- Mẹ con xuất cảnh hợp pháp theo diện H. O bằng đường máy bay chứ đâu phải vượt biên mà làm mồi cho cá. Chẳng qua con không có chỗ ở nhất định nên mẹ không biết ở đâu mà liên lạc đó thôi.
- Vậy dì cho mày vay, mày đào đâu ra tiền để trả? Dì chưa cho ai vay quá thời hạn ba tháng.
- Con còn chiếc xe gắn máy là vật kỉ niệm của mẹ để lại mà con rất quí, nếu ba tháng mà chưa có tiền trả cho dì, con đành phải bán xe.
- Xe mày hiệu gì?
- Dạ DD đỏ.
Vào thời điểm đó, xe DD đỏ thuộc vào loại xịn và đang được nhiều người ưa chuộng. Vì thế bà Xuyến trở nên ngọt ngào:
- Thôi được, thấy hoàn cảnh mày dì cũng thương nên bằng lòng cho mày vay hai triệu trong thời hạn ba tháng, mỗi tháng mày phải đóng tiền lời bốn trăm ngàn đồng, nhưng mày phải viết giấy tờ cho dì làm bằng, trong giấy mày viết có mượn của dì hai triệu chứ đừng nhắc tới lời lóm gì hết cho rắc rối.
Lục trong ngăn tủ lấy ra một tờ giấy và một cây viết đưa cho tôi, bà Xuyến nói:
- Mày ngồi đây viết giấy đi, viết xong kí tên vào đó là dì trao tiền ngay.
Bà Xuyến đọc từng câu cho tôi viết chẳng khác nào một đứa học trò đang viết bài chính tả. Xong, bà đọc lại cẩn thận rồi xếp tờ giấy cho vào hộc tủ. Bà lấy tiền đếm từng tờ vừa trao cho tôi vừa nói:
- Mày cứ đếm lại đi, tất cả là hai triệu, dì lấy bốn trăm ngàn tiền lời trước cho tháng này, còn lại một triệu sáu, dì giao đủ cho mày không thiếu một cắc. Mày không biết chứ dì làm ăn rất uy tín, một là một, hai là hai chẳng lấn lướt ai bao giờ.
Mặc dù đang rất cần tiền nhưng tôi chưa quen với kiểu vay mượn kinh khủng này nên thoáng ngập ngừng, đưa mắt nhìn người láng giềng ngầm hỏi ý và thấy bà ta gật đầu. Thế là tôi nhận tiền rồi cùng với người láng giềng đứng dậy ra về. Cứ tưởng là người láng giềng có lòng giúp đỡ, nào ngờ vừa về đến nhà, bà ta đã thẳng thừng đòi tiền cò:
- Công tao làm môi giới và nói vô nên bà Xuyến mới cho mày vay, mày phải cho tao chút tiền cò giống như mọi người.
Tôi nghe mà sững sờ đến rưng rưng muốn khóc, nhưng biết làm gì trước chuyện đã rồi, hơn nữa tôi cũng đang rất cần tiền đến độ thúc bách. Tôi hỏi bà ta bằng tâm trạng chán chường:
- Dì lấy bao nhiêu tiền cò?
Dường như đoán được ý nghĩ trong đầu tôi, bà ta trở nên lạnh lùng chứ không còn những lời lẽ chan chứa ân tình cách đây chỉ mấy tiếng đồng hồ:
- Làm gì mà mày khó chịu, tao đâu có ở không mà lo chuyện bao đồng. Ai cũng vậy thôi, với người lạ thì 10%, còn với mày tao chỉ lấy 5% tức là một trăm ngàn đồng.
Tôi học được thêm bài học, đến lúc đó, tôi mới hiểu tại sao người láng giềng mà tôi nghĩ là rất tốt bụng lại nhiệt tình với tôi đến thế. Quả thật, đường đời nhiều chông gai quá, nhưng tôi vẫn nhủ thầm sẽ không bao giờ đánh mất niềm tin ở con người, cho dù thế nào đi nữa thì sự tồn tại của tôi đến ngày hôm nay, cả sự sống của dì Nỡ phần lớn nhờ vào tấm lòng của tha nhân và chắc chắn một điều giữa xã hội vẫn có nhiều người tử tế, cũng như cái thiện vẫn nhiều hơn cái ác. Những ngày khó khăn đó, thỉnh thoảng chú Thạch nhà báo lại đến thăm tôi, dường như chú cũng thấy rõ hoàn cảnh của tôi nên lần nào chú cũng mang theo ít quà. Đôi khi chú còn cho một ít tiền và nài ép tôi phải nhận cho bằng được, tuyệt nhiên chú không hề biết tôi đang lâm vào cảnh nợ nần và không biết phải đối phó như thế nào. Tôi nhắm mắt chờ đợi một phép màu, tôi nhắm mắt hình dung đến phút giây phải bán đi chiếc xe gắn máy quí giá để được an thân mà nghe nhói trong tim. Chẳng lẽ tôi mãi trôi theo trớn đời bất hạnh mà chẳng bao giờ nhìn thấy bình minh ở những ngày mai.
Cho đến khi tôi sắp ngã gục bởi cả thể xác lẫn tinh thần đã gần như kiệt quệ thì tin vui đến, mọi công sức tôi dồn cho dì Nỡ hơn ba mươi tháng qua đã được đền bù xứng đáng. Sau nhiều lần kiểm tra kĩ lưỡng, bác sĩ Minh chính thức thông báo: Bệnh tình của dì đã dứt hẳn, dì đã trở thành một người mạnh khỏe, bình thường như mọi người, không cần phải thuốc thang gì nữa cả. Rõ ràng độ này trông dì mạnh khỏe hẳn ra, bước đi vững chắc và ăn được, ngủ được, đêm nào cũng làm một giấc cho tới sáng. Dì Nỡ mừng lắm, niềm vui của một người biết chắc mình vừa vượt qua cái chết làm cho dì hưng phấn. Mấy đêm liền, hai dì cháu không thể nào ngủ được. Chắc chắn là buổi chia tay sắp đến, dì phải trở về dưới quê với dượng và các em. Nghĩ đến điều đó lòng tôi bỗng thấy bùi ngùi. Tội nghiệp, dì Nỡ cũng trăm mối ngổn ngang trong lòng, nhưng mãi đến buổi tối cuối cùng, dì ôm tôi vào lòng khóc nức nở:
- Mai về dưới quê dì nhớ con dữ lắm, dì thương con còn hơn con đẻ, biết con khổ nhưng dì chẳng làm gì được mà còn báo hại con nữa. Con ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe, bao giờ thuận lợi dì sẽ lên thăm.
Tôi khóc theo dì bởi càng nhớ mẹ bao nhiêu, tôi lại càng thương dì bấy nhiêu. Dì về, biết đến bao giờ gặp lại, chắn chắn tôi sẽ trả lại căn nhà này cho người ta để quay trở lại tá túc nhà chị Hoa, chị Sáng cho đỡ tốn kém. Tôi căn dặn dì Nỡ:
- Dì đừng lên thăm con làm gì cho mất công, cứ để bao giờ có điều kiện con sẽ về thăm dì và các em. Mai mốt con dọn đi chỗ khác, dì có lên cũng biết đâu mà tìm.
Không còn dì Nỡ, chắc chắn là tôi sẽ trút đi được một gánh nặng trên vai, nhưng có dì bên cạnh tôi cảm thấy đỡ bơ vơ, trơ trọi giữa đời.
Sáng sớm hôm sau, tôi đưa dì ra bến xe, hành lí của dì cũng chẳng có gì khác hơn ngày dì ở dưới quê lên đây, ngoại trừ có thêm mấy bộ quần áo rẻ tiền mà tôi sắm cho dì. Trước giờ xe lăn bánh, hai dì cháu lại ôm nhau khóc. Tôi dặn dò dì thêm lần nữa:
- Bao giờ mẹ con liên lạc về, con sẽ báo cho dì biết liền. Nhớ đừng lên, dì sẽ không biết con ở đâu mà tìm, cứ ở nhà mà phụ dượng lo làm ăn nuôi nấng các em, lúc nào con cũng nhớ thương dì hết.
Dì Nỡ mếu máo:
- Dì nhớ rồi, dì thương con đứt ruột con ơi!
Xe rời bến, tôi nhìn theo vẫn thấy dì Nỡ đưa tay quệt nước mắt, còn tôi thì cố nuốt nước mắt vào lòng. Tôi quay về, lòng buồn man mác. Đất trời và phố xá cô quạnh quá! Tôi chợt nhớ còn vài ngày nữa là đến tiền nhà rồi tiền lời cho bà Xuyến mà hốt hoảng.
Hạt Bụi Còn Vương Hạt Bụi Còn Vương - Ngô Thị Bích Phượng Hạt Bụi Còn Vương