If you have never said "Excuse me" to a parking meter or bashed your shins on a fireplug, you are probably wasting too much valuable reading time.

Sherri Chasin Calvo

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9007 / 63
Cập nhật: 2015-06-30 20:58:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ành rằng sinh ra ở trên đời, mỗi con người đều có một số phận khác nhau, chẳng ai giống ai, nhưng sao số phận của tôi lại long đong đến thế, giờ đây có hờn oán, than trách đến mấy đi nữa cũng chẳng làm thay đổi được gì. Hồi tưởng lại, tôi không tin vào sức chịu đựng của mình như có một phép lạ nào đó đã giúp mình vừa vượt qua nỗi gian truân này, chưa kịp bình tâm thì đã phải đón nhận niềm đau khác còn ghê gớm hơn nữa. Cuối cùng, tôi nghiệm ra một điều, cứ hồn nhiên đi tới ngày mai bằng một thái độ bình thản trước mọi nghịch cảnh thì mọi tai ương rồi cũng sẽ qua đi lúc nào không hay và mọi bi kịch đều trở nên bình thường. Nghĩ cho cùng, tôi nào hi vọng gì lớn lao ngoài ước mơ được tiếp tục sống những ngày tháng bình dị bên cạnh chị Hoa, chị Sáng và bạn Khanh cho đến lúc được gặp lại mẹ và em. Thế nhưng, cái ước mơ đơn sơ đó cũng ở ngoài tầm tay và cái trớn lại đưa đẩy tôi đến một khúc quanh mới còn ê chề hơn nữa.
Một buổi trưa khi quán cà phê của chị Sáng đã vắng khách, tôi đang ngồi trước nhà trông xe với chị Hoa thì Phong, con trai lớn của dì Nỡ ở dưới quê lên kiếm. Thoạt đầu, tôi cứ ngờ ngợ nhìn không ra vì chị em ít gặp nhau và chỉ mới mấy năm mà cậu ta đã lớn và thay đổi nhiều quá. Phong tìm đến căn nhà cũ mà mẹ bán trước ngày xuất cảnh hỏi dò và được người ta chỉ sang đây.
Phong lên để báo hung tin dì Nỡ bị bệnh nặng e không qua khỏi. Căn bệnh lao phổi của dì đã trở nên trầm trọng vì cứ chữa cầm chừng, có mấy công ruộng đều phải bán sạch sành sanh để lo vào thang thuốc nên giờ đây cảnh nhà lâm vào kiệt quệ mà mạng sống của dì cũng chẳng khác nào ngọn đèn trước gió, leo lét được ngày nào hay ngày dó. Mấy năm nay, tôi không về thăm dì, mãi quay quắt với cuộc sống lầm than, thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến dì bằng nỗi nhớ nhàn nhạt. Từ lâu, tôi cũng mơ hồ hiểu rằng dì cũng khó khăn lắm khi phải gồng mình nuôi nấng một đàn con năm đứa còn nhỏ dại trong tình cảnh luôn đói cơm, thiếu áo, nhưng tôi chẳng biết làm gì để đỡ đần cho dì khi bản thân mình cũng liêu xiêu rày đây, mai đó. Bây giờ hay tin dì đã gần đất xa trời, lòng tôi bỗng dưng thương dì vô hạn, ít ra trên cõi đời này, giữa quê hương này, tôi vẫn còn một người ruột thịt. Thời gian qua, tôi và anh Hai chỉ biết ăn nhờ ở đậu hết nơi này đến nơi khác, chỉ dám tiêu pha tằn tiện nên mấy cây vàng mẹ để lại chỉ mới sứt mẻ một phần. Tôi quyết định gởi anh Hai lại cho chị Hoa, chị Sáng để theo em Phong về quê, lỡ dì Nở có mệnh hệ gì, tôi sẽ thay mẹ lo một phần ma chay cho trọn đạo làm người: Nghĩa tử là nghĩa tận. Còn như xem chừng chưa đến nỗi nào, tôi sẽ cố gắng tìm cách chữa trị cho dì. Còn nước thì còn tát. Không chờ đợi lâu, tôi trình bày ngay sự việc với chị Hoa, chị Sáng, không những hai chị ủng hộ ngay mà còn giục tôi đi càng sớm, càng tốt. Tôi quơ vội vài bộ quần áo, cùng em Phong ra Xa cảng Miền Tây đón xe về Vĩnh Long ngay. Đến nơi tôi không thể hình dung được dì Nỡ gầy gò, tiều tụy đến như vậy, dì chỉ còn một nắm da bọc xương, nằm liệt giường không thể tự mình ngồi dậy, đi đứng được. Tôi ôm chầm lấy dì khóc rưng rức, dì cũng nhận ra tôi nhưng chẳng nói nên lời mà chỉ trào nước mắt. Tôi ngồi xuống cạnh giường nắm lấy tay dì khẳng khiu như hai cành củi khô. Dì còn tỉnh táo lắm, dì gọi tên tôi vừa nói bằng giọng yếu ớt, vừa thở hổn hển:
- Phượng ơi, con về với dì đó phải không? Mẹ mày đã liên lạc về chưa? Chắc tao chết mà không được thấy mặt chị tao! Chị ơi là chị!
Tôi trấn an dì:
- Mẹ con chưa liên lạc về nhưng chắc chẳng có gì xảy ra, có lẽ còn lo sắp xếp công việc làm ăn, dì cố sống lâu hơn nữa thế nào mẹ con cũng về thăm dì.
Tôi biết dì Nỡ đang xúc động tột cùng, dì bất lực nằm chờ cái chết đến với mình từng ngày từng giờ. Chống chọi với bịnh lao trong tình trạng không đủ thuốc chữa trị lại không đủ ăn no nói gì đến ăn ngon thì làm sao có đủ đề kháng để kéo dài sự sống. Cả chồng và các con dì cũng biết điều đó, họ cũng đau xót vô cùng nhưng đành chịu bó tay ngồi nhìn lưỡi hái tử thần từ từ chém xuống thân phận người thân yêu nhất đời mình trong vô vọng. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, tôi không thể để dì Nỡ chết một cách tức tưởi và rồi năm đứa con của dì, những đứa em bé nhỏ của tôi phải chịu cảnh côi cút, không ai nuôi dưỡng phải lang thang đầu đường xó chợ, kiếm miếng ăn đầy tủi nhục như tôi đã từng trải qua. Tôi chưa làm hết những gì mình có thể làm được cho dì. Tôi phải đưa dì lên thành phố, phải cướp lại mạng sống của dì trên tay thần chết. Chẳng qua dì thiếu thuốc thang, thiếu điều trị cho đến nơi đến chốn, còn mấy cây vàng tôi sẽ trút hết cho dì rồi sau này ra sao hẳn hay. Nghĩ như thế tôi bàn với dượng:
- Con nghĩ, dì vẫn còn tỉnh táo, chưa đến nỗi nào, dượng ở nhà lo cho mấy em để con đưa dì lên thành phố chữa trị may ra sẽ khỏi, chứ nằm chờ chết sao đành.
Dượng ngước đôi mắt đầy u uẩn nhìn ra khoảng sân vàng vọt nắng chiều, rồi lại nhìn tôi, giọng dượng thật buồn:
- Tiền bạc đâu mà lo cho xuể con ơi! Lúc má mày mới đi có cho chút tiền, bả không dám thuốc thang, cứ hà tiện, hà tặn để nuôi con cho đủ ngày hai bữa. Lúc đó bệnh còn nhẹ nếu chữa kịp thời thì đâu có đến nỗi lậm như bây giờ. Dượng sợ con đem dì đi, lỡ bả chết đường chết xá một mình, bây làm sao chạy vạy, rồi mồ xiêu, mả lạc chỉ thêm tội tình. Chi bằng ở đây có chết cũng còn bà con, lối xóm, còn nắm đất quê mà gởi nắm xương tàn.
Nghe dượng nói, tôi cũng hơi ái ngại nhưng vẫn tỏ ra cương quyết:
- Dượng tin con đi, nếu dì có chết con cũng cố gắng mang dì về cho dượng và các em, biết đâu trời thương lại cho dì hết bịnh thì sao.
Nghe tôi nói cứng, dượng cũng xiêu lòng nhưng vẫn còn bán tín, bán nghi:
- Nhưng bây lấy đâu ra tiền mà trị cho dì, bác sĩ dưới này nói bịnh của bả phải chữa trị dài ngày, tốn kém lắm đó.
Dượng thở dài:
- Thôi, bay tính ra sao thì tính, chỉ còn nước phó thác cho trời đất!
Tôi quay lại ngồi bên cạnh dì Nỡ:
- Sáng mai con đưa dì lên thành phố chữa bệnh, dì ở với hai anh em con bao giờ khỏe mạnh rồi về lại dưới này.
Dì Nỡ lắc đầu nguầy nguậy, cất giọng thều thào:
- Thôi con ơi, dì nhắm chắc khó lòng qua khỏi, để dì dưới này sống thêm ngày nào hay ngày nấy. Mày còn gánh nặng thằng Hai cũng đã nhừ tử rồi giờ thêm dì nữa làm sao gánh nổi. Con cứ để mặc dì, cứ lên mà lo lắng cho thằng Hai.
- Dì đừng lo, con lượng sức mình làm nổi thì con mới nói với dì, chứ để dì như vậy làm sao con an tâm được, dì phải khỏi bịnh để chờ mẹ con về chớ.
Dì lại lắc đầu:
- Bây lo thân bây chưa xong lấy đâu ra mà lo cho dì!
Tôi tỏ ra dứt khoát:
- Con bàn với dượng rồi, chẳng có gì thay đổi, sáng mai dì cháu mình đi, cứ lên thành phố khám bệnh một lần, nếu chữa được thì dù lâu dài, khó khăn đến mấy con cũng lo cho dì. Còn nếu như bác sĩ bó tay, con sẽ đưa dì về dưới này ngay.
Bất chợt tôi nhớ đến miếng đất trên đường Lạc Long Quân và mảnh giấy tay mà chị Ngoc Anh đang giữ của tôi, nếu cần, mắc rẻ tôi cũng bán để chữa bệnh cho dì Nỡ. Nghĩ như thế, tôi cảm thấy hơi yên tâm và linh tính mách bảo tôi rằng dì sẽ vượt qua hoạn nạn này và những gì tôi làm sẽ không trở nên vô ích.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm, bình minh ở thôn quê trông thật tuyệt vời, trong không khí yên tĩnh khiến đất trời như càng thêm tinh khiết, tôi nghe rõ tiếng chim ríu rít trên cành. Không như ở thành phố, mới banh mắt ra đã ngột ngạt vì tiếng động cơ và bụi bặm đến nghẹt thở. Vậy mà dượng Nỡ còn thức dậy sớm hơn tôi nữa, chẳng biết dượng thức giấc từ bao giờ mà đã nấu xong nồi cháo cho cả nhà. Mọi hôm chẳng ai ăn sáng bao giờ, kể cả người bệnh như dì, nhưng hôm nay có tôi về nên dượng mới dám chơi sang dù chỉ là cháo trắng với đường thẻ và nước tương, ai muốn ăn ngọt, ăn mặn gì tùy thích, cái nghèo luôn song hành với cái khó. Dì Nỡ đã thức giấc từ lâu nhưng vẫn nằm yên trên giường, thỉnh thoảng lại rên khe khẽ. Tôi múc một chén cháo và ngồi xuống cạnh dì:
- Dì ơi, ăn chén cháo cho ấm bụng rồi con đưa dì đi.
Dì lại lắc đầu:
- Thôi con ơi, dì đã nói rồi, để dì dưới này cũng được, sống chết do trời, chứ làm khổ con thêm nữa dì không an lòng.
Tôi bực bội:
- Con đã nói với dì là con đủ sức mới dám đưa dì đi chữa bệnh,vậy mà dì cứ đòi chết, dì chết thì chẳng nói gì nhưng còn các em để ai nuôi? Dì phải nghe con, ăn hết chén cháo rồi dì cháu mình đi.
Dì không trả lời nhưng đôi mắt héo khô rơm rớm nước mắt, tôi đỡ dì ngồi dậy, đút cho dì từng muỗng, dì ăn hết chén cháo một cách ngon lành. Rõ ràng bệnh tình của dì ngày càng thêm nặng một phần là do thiếu ăn. Tôi gọi Phong bắt một nồi nước nóng để lau mình mẩy, thay đồ cho dì rồi xếp vội mấy bộ quần áo của dì mà bộ nào cũng đã bạc màu lam lũ vào một túi ni-lông, ngoài ra dì chẳng còn gì hơn nữa để mang theo. Tôi cố dè xẻn để lại cho dượng vài trăm rồi chào tạm biệt cả nhà bằng một nụ cười gượng để trấn an mọi người:
- Con đi đây dượng, các em ở nhà mạnh khỏe, dì đi mấy bữa khỏi bệnh là về liền, Phong với chị thay nhau cõng mẹ ra lộ đón xe.
Dượng Nỡ và Phong xốc dì lên lưng tôi, dì có ngoảnh lại nhìn các em mà chẳng nói nên lời. Phong cầm túi hành lí đi trước dẫn đường, dượng Nỡ bước lững thững phía sau, tôi rùng mình ngửi thấy mùi hôi toát ra từ hơi thở của dì phà sau gáy. Tôi thấy thương dì quá, dì là một phần máu thịt của mẹ, là người ruột thịt duy nhất của hai anh em tôi còn lại trên quê hương này. Bước đi được vài trăm thước, cái thân xác nhẹ tênh của dì bắt đầu trở nặng, tôi gọi Phong cõng thay cho tôi, chúng tôi luân phiên cõng dì đi dưới nắng mai càng lúc càng trở nên gay gắt. Cuối cùng cũng ra tới lộ đá và chẳng bao lâu chúng tôi vẫy được một chiếc xe đò còn trống rất nhiều chỗ. Chừng như không mặn mà lắm với những hành khách chỉ đi một đoạn đường ngắn, chiếc xe giảm tốc độ, người phụ xế thò đầu qua cửa hỏi lớn:
- Đi đâu?
Tôi nhanh nhẩu trả lời:
- Thành phố.
Xe ngừng hẳn, Phong phụ tôi bế dì lên đặt ngồi ngay ngắn vào ghế rồi xuống ngay. Tôi nhìn dượng Nỡ đứng chôn chân dưới đất, nét mặt dượng đầy vẻ hoảng hốt, cố giương đôi mắt lờ đờ, buồn hiu nhìn theo dì một cách bất lực. Xe lăn bánh, tôi vẫy tay chào dượng, chào Phong. Ngồi trên xe, nhìn dì Nỡ ngã người sau ghế ngủ thiêm thiếp, nhớ lại những điều dì nói và nghĩ đến những ngày sắp tới, tôi cảm thấy lo sợ, không biết rồi mọi chuyện sẽ ra sao?
Đúng là chỉ một mình anh Hai thôi đã là gánh nặng trên vai, giờ cưu mang thêm dì Nỡ trong tình trạng dở sống, dở chết mà tôi lại ăn nhờ ở đậu nhà người ta, liệu mình có kham nổi hay không? Xấu hơn nữa, ví như dì không qua khỏi, tôi biết phải xoay xở như thế nào?
Tôi rùng mình khi nghĩ đến điều bất hạnh này, quả thật tôi đang làm một việc theo cảm tính ngoài khả năng mình mà nhiều cô gái ở tuổi tôi, có hoàn cảnh như tôi không dám làm. Nhưng trái tim tôi mách bảo như thế, tôi không có cách lựa chọn nào khác và cũng không cần lường trước được những gian khó, nhọc nhằn đang chờ đợi.
o O o
Tôi và dì Nỡ về đến nhà chị Hoa khi chiều sắp xế và phố xá đang chuẩn bị lên đèn. Thương tôi, vợ chồng chị Hoa và vợ chồng chị Sáng tỏ ra quan tâm đến bệnh tình của dì Nỡ rất nhiều. Sau khi phụ dìu dì vào nhà ngã lưng xuống giường, anh Đáp nói:
- Sáng mai em đưa dì đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ngay, lẽ ra cho dì nhập viện ngay tối nay nhưng thôi, hãy nghỉ ngơi cho khỏe rồi mai hẳn tính.
Chị Hoa ghé vào tai tôi nói nhỏ:
- Thương dì thì thương nhưng mày cũng phải cẩn thận, cái bệnh lao này lây dữ lắm đó, nhớ mà phòng thân.
Những lời của chị Hoa làm tôi hết sức áy náy, tôi tự hỏi, chẳng lẽ chị lo sợ căn bệnh quái ác của dì sẽ ô nhiễm cho tôi mà không sợ ô nhiễm cho chị? Dì Nỡ là dì ruột của tôi, tôi chấp nhận mọi hậu quả đã đành, còn như chị Hoa chỉ là người dưng nước lã, là người ơn của tôi, lẽ nào tôi bắt chị phải gánh lấy nỗi lo lắng chính đáng này. Rõ ràng tôi đã đặt chị Hoa trước việc đã rồi và chẳng khác nào chị vừa gián tiếp nói với tôi để dì Nỡ lưu lại trong nhà, chị sợ sẽ bị lây bịnh. Tôi cảm thấy mình có lỗi với chị Hoa, vì quá thương dì Nỡ mà tôi đã làm xáo trộn cuộc sống êm đềm của gia đình chị. Nhưng tôi không có cách nào khác, tôi chỉ quấy rầy chị một đêm nay thôi, hi vọng một đêm vẫn chưa kịp để con vi trùng lao từ phổi dì Nỡ thâm nhập vào hơi thở của các thành viên trong hai gia đình chị Hoa, chị Sáng. Tôi mệt nhoài sau một ngày vất vả với một chuyến đi dài, thế mà đêm nằm vẫn cứ chập chờn không yên giấc. Dường như dì Nỡ cũng ít ngủ dù đôi mắt luôn nhắm nghiền nhưng cứ liên tục trở mình, thỉnh thoảng tôi còn nghe dì rên khe khẽ trong cuốn họng.
Gần sáng, tôi mới chìm sâu vào giấc ngủ chẳng được bao lâu đã choàng tỉnh giấc khi một ngày mới vừa đến.
Tôi dìu dì ra nhà sau để làm vệ sinh, xong đưa trở lại vào giường đỡ dì nằm xuống rồi chạy ra ngoài ngõ mua đồ ăn sáng cho cả nhà. Đến giờ anh Đáp đi làm thì tôi cũng đưa dì đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trên đường Hùng Vương. Dì được tiếp nhận ngay vào phòng cấp cứu. Mới nhìn qua, bác sĩ đã trách tại sao để đến nước này mới chịu đưa dì đến đây. Tôi trình bày vì dưới quê khó khăn quá nên mấy năm qua cũng có thuốc thang nhưng chỉ chữa trị cầm chừng. Nghe tôi nói, họ lắc đầu nhưng làm sao họ có thể hiểu được tình cảnh bi đát của dì cháu tôi. Ngay lập tức, dì được khám bệnh cẩn thận, người ta đặt dì lên chiếc băng ca có bánh xe lăn đẩy đi chụp hình phổi, thử máu, thử nước bọt rồi đưa trở lại phòng cấp cứu để chích thuốc và truyền nước biển. Dì Nỡ vẫn nằm bất động, đôi mắt lúc nhắm, lúc mở. Vị bác sĩ tuổi trung niên đứng bên cạnh giường bệnh theo dõi tình trạng của dì rồi hỏi tôi bằng giọng Nam đặc sệt:
- Cô là gì của bệnh nhân này?
- Dạ cháu kêu bằng dì ruột.
- Người nhà ngoài cô ra còn có ai nữa không?
- Thưa bác sĩ có nhưng còn nhỏ và ở dưới quê hết.
Ông ta đưa mắt nhìn tôi ái ngại:
- Phải có người thay đổi nhau chăm sóc bệnh nhân, một mình cô làm sao xuể, cô có túc trực tại đây suốt ngày, suốt đêm từ ngày này sang ngày khác được không? Tôi báo cho cô biết, lá phổi của dì cô thủng ba lỗ và bị kháng thuốc nên phải chữa trị rất tốn kém và mất một thời gian dài mới có thể bình phục.
Tôi trả lời không cần suy nghĩ:
- Thưa bác sĩ, được. Nhưng bệnh tình của dì con có chắc chắn chữa được không? Bao lâu thì dì con hết bệnh?
Thấy tôi có vẻ ngây ngô, vị bác sĩ nở nụ cười:
- Làm sao tôi dám nói trước chữa được hay không? Chữa bao lâu thì khỏi? Lỡ nói không đúng, cô bắt đền tôi sao? Tuy nhiên, là thầy thuốc tôi khẳng định sẽ hết lòng điều trị cho mọi bệnh nhân, may mà cô đưa kịp dì cô đến đây, chậm thêm một htời gian ngắn nữa là kể như thua.
- Nghe thế, tôi cũng an tâm, nghĩa là vẫn tràn trề hi vọng cứu sống được dì.
Lần đầu tiên, tôi vào một bệnh viện, không biết ở bệnh viện khác ra sao, chứ ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, không khí có vẻ rờn rợn bởi ở đâu người ta cũng tỏ ra cảnh giác cao độ với sự lây lan của những căn bệnh truyền nhiễm từ những bệnh nhân chen chúc nhau nằm tràn ra cả hành lang. Ngày đầu tiên, tôi ở bên cạnh dì Nỡ từ sáng cho đến chiều mới chạy về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi vội vã trở lại bệnh viện với dì ngay. Những ngày kế tiếp cũng thế, dì sống bằng kháng sinh và nước biển chứ hầu như chẳng ăn uống gì hết. Hơn tuần lễ sau, dì được chuyển từ phòng cấp cứu-hồi sức ra phòng tập thể, tôi hết sức vui mừng khi nghe những người nuôi bệnh bàn luận theo kiểu đoán mò:
- Thế là ổn rồi, được chuyển ra phòng tập thể coi như đã qua cơn nguy kịch, chỉ chờ dứt bịnh là xong.
Tôi nghe cũng thấy an tâm, nhưng chờ dứt bịnh là chờ đến bao giờ? Tôi hỏi thăm vài người cùng phòng thì biết rằng họ đã nằm ở đây cả năm trời ròng rã rồi nhưng bác sĩ vẫn chưa cho xuất viện. Dẫu sao ở phòng tập thể cũng đỡ hơn, tôi có thể gởi gắm dì cho thân nhân những người bệnh nằm bên cạnh để về sớm hoặc ngủ qua đêm ở nhà. Thấy tôi một mình tận tụy lo cho dì nên ai cũng thương và sẵn lòng giúp đỡ. Hơn nữa, sức khỏe của dì xem ra cũng có phần khả quan, sắc mặt đỡ nhợt nhạt, xanh xao và thần khí có phần tỉnh táo hơn trước. Tôi vững niềm tin là dì đã qua giai đoạn nguy kịch, nghĩa là việc làm liều lĩnh của tôi đã không đến nỗi vô ích. Sự sống hồi sinh đối với dì thì mấy lượng vàng mà mẹ để lại cho tôi cùng đã vơi đi hơn nửa. Tôi không hề tiếc, rồi tôi sẽ đi kiếm việc làm, làm thuê, làm mướn gì cũng chẳng sao, miễn là được sống lương thiện để chờ tin tức của mẹ, được còn có dì trên cuộc đời này.
Cứ thế, gần một năm trời ròng rã trôi qua, một ngày đối với tôi sao quá đỗi lê thê nhưng một tuần, một tháng, lại nối tiếp nhau lùi vào quá khứ thật vội vàng. Giờ đây, dì Nỡ đã vượt qua sự chết, đôi mắt thất thần của dì đã bớt héo úa và sắc diện không còn xanh xao như ngày mới nhập viện, dì cũng đã có thể tự đi lại một mình. Với tôi, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã trở nên quen thuộc, cái cảm giác sợ hãi thuở ban đầu đã tan biến từ lúc nào cũng chẳng hay, thay vào đó là chút bâng khuâng nếu hôm nào vì lí do gì đó tôi không thể đến với dì Nỡ. Ở đây, tôi đã gặp gỡ rồi trở nên thân tình với nhiều người đi nuôi bệnh thuộc thành phần nghèo khó ở nhiều vùng quê xa xôi mà nếu như thân nhân không gặp phải căn bệnh ngặt nghèo thì suốt đời họ cũng chẳng có lần lên thành phố để làm gì. Họ cũng chẳng khác gì tôi, phải nhịn ăn, nhịn uống, chắt chiu từng đồng để lo thuốc men cho người bệnh còn bản thân mình thì bữa đói, bữa no mà chẳng hề ca thán!
Tôi biết, mình không thể tiếp tục ngồi chờ phép màu được nữa, nếu tình trạng này kéo dài sẽ lâm vào bế tắc, số vàng mẹ để lại sắp cạn, tôi phải đi tìm việc làm để có thể đắp đổi qua ngày. Một buổi sáng như thường lệ, sau khi vị bác sĩ điều trị đến tận giường khám bệnh cho dì Nỡ xong, tôi hỏi ông ta:
- Thưa bác sĩ, bệnh của dì cháu còn phải nằm viện bao lâu nữa?
Ông ta giương đôi mắt sau cặp kình cận dày cộm nhìn tôi đầy cảm thông:
- Đã bớt nhiều lắm, tạm thời coi như đã ổn định, nếu đủ điều kiện thì cứ tiếp tục nằm viện, nhưng khó khăn quá thì cũng có thể cho về điều trị ngoại trú tại gia, mỗi tuần đến tái khám một lần rồi mua thuốc về uống. Cần thiết là phải chữa cho dứt, bệnh này mà chữa không dứt thì rất dễ tái phát, mà đã tái phát thì thật nguy hiểm.
- Nếu xin về điều trị tại nhà thì bao giờ dì cháu có thể ra viện?
- Tùy gia đình thôi, một hai bữa nữa cũng được.
- Cám ơn bác sĩ.
Tôi nghe lòng nhẹ nhõm trước tin vui này, cơ hồ vừa trút được gánh nằng trên vai. Chiều hôm đó, tôi hớn hở về nhà nói với chị Hoa và chị Sáng biết, hai chị rất mừng cho tôi nhưng cũng không giấu được vẻ ái ngại khi phải chứa thêm một con bệnh truyền nhiễm trong nhà. Đó là một sự ái ngại chính đáng, bởi lẽ ngoài bản thân ra, hai chị còn có con nhỏ thì làm sao không lo sợ chúng nó sẽ bị lây lan. Thế nhưng không muốn làm tôi buồn nên chị Hoa không đi thẳng vào vấn đề mà chỉ nói xa xôi:
- Nhà mình chật chội quá, mai mốt thêm dì Nỡ nữa thì chỗ đâu cho dì nằm.
Tôi đã tiên liệu trước tình trạng này, hơn nữa chị Hoa, chị Sáng đã quá tốt với tôi, làm sao tôi có thể để hai chị phải khó xử, tôi đáp:
- Em biết, em sẽ đi tìm chỗ khác cho ba dì cháu ở tạm để tiếp tục chữa bệnh cho dì, bao giờ khỏi bịnh dì về quê, em sẽ quay trở lại với chị.
Sáng hôm sau, tôi mang thức ăn vào bệnh viện cho dì thật sớm rồi vội trở ra đi tìm chỗ ở. Tôi không dám mướn hẳn một chỗ riêng biệt bởi ngại về lâu sẽ không có tiền chi trả. Vài ngày lùng sục, cuối cùng tôi cũng tìm được một gia đình trong khu ổ chuột ở cống Bà Xếp bằng lòng cho dì cháu tôi ở chung trong căn nhà lụp xụp, tồi tàn đến nỗi từ trước đến nay, chủ nhân của nó chưa bao giờ nghĩ đến việc có ai đó chịu đến tá túc để kiếm thêm chút thu nhập. Vì thế, khi tôi tìm đến đặt vấn đề và nói rõ vấn đề mình với ba người tạm trú, mỗi tháng gởi cho họ hai trăm ngàn đồng là họ tỏ ra vui vẻ nhận lời ngay. Mọi chuyện thế là tạm ổn, tôi làm thủ tục cho dì Nỡ xuất viện và về thẳng nhà mới trong một không gian ẩm thấp, chật chội mà diện tích dành cho ba dì cháu tôi chỉ chưa đầy năm thước vuông. Căn nhà nằm cạnh bờ kênh đầy rác rưởi, đen ngòm mà mỗi lần nước lớn, mùi hôi hám có phần loãng đi, còn lại những lúc nước ròng thì mùi xú uế cứ như đặt sệt đến độ người khỏe mạnh như tôi còn muốn nghẹt thở huống gì người mắc bệnh lao trầm trọng như dì Nỡ. Nhưng tôi còn có cách lựa chọn nào hơn, thôi thì đành chấp nhận sống tạm qua ngày để chờ đợi một phép màu sẽ đến. Tôi luôn tin tưởng như thế, một niềm tin không thể giải thích mà chỉ thuần cảm tính, cho dù tôi bắt đầu hoang mang khi nghĩ những đồng bạc cuối cùng sắp cạn kiệt. Nhưng tôi tự nhủ thầm, dù khó khăn đến mấy cũng cố giữ cho bằng được sợi dây chuyền và chiếc xe gắn máy mẹ đã cho trước giờ ra đi. Ví như không bao giờ được gặp lại mẹ thì đó hai kỉ vật vô cùng thiêng liêng mà tôi sẽ gìn giữ và mang theo suốt cuộc đời.
o O o
Gõ cửa nhiều nơi để tìm việc, nhờ trời cho một ngoại hình dễ coi nên cuối cùng tôi cũng được một cơ sở bán sơn mài và đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Trung Trực thu nhận làm nhân viên bán hàng với lương tháng bốn trăm ngàn đồng. Công việc tuy mới mẻ nhưng vì đã quen lăn lóc giữa đời nên chẳng có gì khó khăn với tôi.
Mỗi sớm, tôi thức dậy sớm, nấu sẵn nồi cơm cho dì Nỡ và anh Hai điểm tâm và ăn trưa rồi vội vã có mặt tại chỗ làm đúng 8 giờ. Buổi chiều tôi trở về nhà vào lúc 5 giờ, ghé lại đâu đó mua vài tô cháo, có khi mấy tô hủ tiếu gõ hoặc bún riêu mang về cho cả nhà ăn tối. Đêm, tôi trải manh chiếu xuống nền nhà, giăng mùng rồi hai dì cháu chui vào ngủ, còn anh Hai thì cứ đi sớm về khuya và vẫn như thường lệ, về đến nhà là lăn đùng ra ngủ chẳng cần mùng màn chi cả, thế mà lũ muỗi đói dường như cũng chê da thịt người bệnh tâm thần, chẳng có con nào màng tới. Cho đến bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy trời cũng thương mình nên đã cho tôi miễn nhiễm con vi trùng lao quái ác từ buồng phổi bệnh hoạn của dì Nỡ dù tháng này qua tháng khác, đêm nào tôi cũng ôm chân dì mà ngủ. Chỉ những lúc nằm bên cạnh dì, tôi mới thấy lòng ấm áp và cuộc đời không còn quá lẻ loi, đơn độc. Nhiều lúc nhìn trong mắt dì, tôi thấy ánh lên tất cả tình yêu thương, trìu mến của dì giành cho tôi để nhận biết rằng nếu có thể, dì sẽ hi sinh cho tôi tất cả, nhưng dì bất lực nên đành cam chịu.
Những ngày giữ chân bán hàng sơn mài trên đường Nguyễn Trung Trực, có lần tình cờ đi ngang qua Bảo Tàng Cách Mạng trên đường Lý Tự Trọng, tôi thấy nơi đây đang diễn ra cuộc thi ca nhạc truyền thống do một tờ báo nổi tiếng của thành phố đứng ra tổ chức, thu hút người đến tham dự. Vốn yêu thích ca nhạc, tôi tranh thủ chút thời gian vào hội trường dự khan. Cám ơn định mệnh dung rủi, từ đó đã cho tôi được làm quen với chú Thạch, một nhà báo khá nổi tiếng của thời đó, nằm trong ban tổ chức cuộc thi, một con người sống đầy nhân ái, biết chia sẻ nỗi đau với những số phận bất hạnh. Nghe đâu chú là một trong những thành viên đầu tiên đã khai sinh ra những chương trình ca nhạc nhằm mục đích xã hội, từ thiện để từ đó phong trào này lan tỏa và lớn mạnh khắp cả nước. Nhưng điều quan trọng đối với tôi là chính chú Thạch đã góp phần tái sinh đời tôi sau này, khi tôi sắp ngã gục ở bước đường cùng.
Hàng tuần, vào mỗi sáng thứ hai, tôi xin phép đến chỗ làm trễ vài tiếng đồng hồ để đưa dì Nỡ vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tái khám và nhận toa, mua thuốc cho dì đem về nhà chữa trị. Thỉnh thoảng, tôi ghé lại phòng bệnh mà dì đã nằm trước đây để thăm những người quen cũ. Có người còn nằm lại, gặp tôi họ vui mừng như gặp người thân, có người đã bình phục và về quê quán ở đâu đó xa tít mù khơi, cũng có người tuần trước còn nắm tay nhau chào hỏi, tuần nay đã hóa ra người thiên cổ, tôi nghe mà cay xè trong mắt! Một lần, sau khi khám cho dì Nỡ xong, vị bác sĩ điều trị và theo dõi bệnh án của dì hỏi tôi:
- Có cho người bệnh uống thuốc đều đặn mỗi ngày không?
- Dạ có.
Vị bác sĩ chau mày:
- Tại sao bệnh tình không có chiều hướng tốt hơn? Nhớ ngoài thuốc men theo đúng chỉ định của bác sĩ còn phải bồi dưỡng cho người bệnh ăn uống đủ chất, chỗ ở phải thông thoáng, tránh nơi ẩm thấp, ngột ngạt.
Tôi nghe mà buồn lắm, đúng là bệnh của dì không thuyên giảm là do chỗ ở quá ẩm thấp và không khí bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối trầm trọng. Tôi quyết định phải tìm ngay một chỗ trú ngụ khác để tránh tình trạng xấu nhất xảy ra. Nếu tiếp tục ở lại nơi đây, chắc chắn bệnh tình của dì Nỡ tái phát và như thế mọi công sức của tôi hơn một năm trời qua coi như đổ sông, đổ biển. Từ giã khu ổ chuột ở cống Bà Xếp, ba dì cháu tôi lại dọn đến ở chung với một gia đình khác nằm trong hẻm sâu trên đường Lê Văn Sỹ cũng chỉ với giá hai trăm ngàn đồng mỗi tháng. Chủ nhà là hai vợ chồng ông Tuyển đã ngoài tuổi năm mươi, sống chung với mấy người con trai có, gái có nhưng đều chưa lập gia đình, dù tất cả đã ngoài tuổi hai mươi và cũng chẳng có công việc gì ổn định. Ở đây, dì cháu tôi được toàn quyền sử dụng căn phòng phía trước, tương đối rộng rãi và thoáng khí hơn căn nhà cũ.
Từ đó, tôi lao vào công việc, bất kể giờ giấc để kiếm thêm thu nhập. Ban ngày, tôi chôn chân tại cửa hàng sơn mài trọn mười tiếng đồng hồ, nhưng buổi chiều vừa về đến nhà lo cho dì Nỡ ăn tối xong là vội vàng tắm rửa, thay quần áo để kịp đến những tiệc cưới, quán ăn và tụ điểm ca nhạc bán những cánh hoa hồng cho người ta tặng nhau. Công việc này tuy rất nhẹ nhàng nhưng không ít lần đã làm tôi rơi nước mắt vì tủi thân. Ví như có lần trong một quán ăn, tôi nhìn thấy một đôi tình nhân đang ngồi quấn quýt bên nhau, người đàn ông xem chừng đã đứng tuổi nhưng cô gái còn rất trẻ, chỉ trạc tuổi tôi. Tôi bước tới trước mặt họ, nở một nụ cười và nói với người đàn ông:
- Mời chú mua một bông hồng để tặng chị.
Ông ta ngước mắt nhìn tôi chưa kịp phản ứng thì cô gái đã nặng lời:
- Không hoa hòe gì hết, chỗ người ta đang nói chuyện, biết không? Biến đi chỗ khác.
Vừa xấu hổ, vừa xót xa, tôi cắn môi bước đi mà lòng tê tái! Tự nhiên hình ảnh dì Nỡ, hình ảnh anh Hai, những người thân yêu nhất cuộc đời hiện rõ trong đầu tôi. Té ra miếng cơm, manh áo và viên thuốc cho dì đắng quá trời ơi!
Một lần khác, tôi mời một đôi vợ chồng già đang ngồi ăn uống với con cháu của họ trong một nhà hàng:
- Mời chú mua một hoa hồng để tặng cô.
Ông ta nhìn tôi rồi quay lại nhìn vợ cười thật tươi:
- Cháu lựa cho chú bông hồng nào thật đẹp để chú tặng người phụ nữ vĩ đại nhất đời chú.
Tôi trao cho ông một bông hồng, ông đứng dậy tặng cho vợ mình trong tiếng vỗ tay rôm rã của đám con cháu. Móc ví đưa cho tôi tờ giấy hai chục ngàn, ông nói giọng hồn hậu, vui vẻ:
- Cháu khỏi phải thối. Chú cảm ơn cháu đã cho chú được dịp lấy điểm với cô. Thế cháu còn đi học không?
Tôi vừa lắc đầu vừa nói lời cảm ơn và quay đi nơi khác mà nghe lòng rưng rưng muốn khóc vì tủi thân. Trong số con, cháu của ông ta, có những cô gái trẻ như tôi, sao họ có cuộc sống êm đềm và hạnh phúc như thế? Còn tôi, trời ơi!
Đêm nào cũng khuya lắc khuya lơ, tôi mới về đến nhà. Buồn nhất là những đêm mưa, phố khuya chẳng một bóng người, lặng im dưới ánh đèm hiu hắt. Tôi cô độc một mình ướt đẫm trong mưa, từng giọt nước tái tê phả đầy trên mặt, mặn chát trên môi. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé, quá mong manh trước mọi bất trắc cuộc đời.Tôi hoảng sợ, sự tự tin thường ngày bỗng dưng biến mất đã làm tôi run rẩy khi ngĩ đến ngày mai, nghĩ đến con hẻm sâu ngoằn ngoèo mà tôi sắp quay về với nhiều thứ tệ nạn vẫn diễn ra thường xuyên dù lén lút nhưng không kém phần sôi động. Tôi nhớ lời chị Hoa căn dặn:
- Em đã lớn rồi, làm con gái lại có chút nhan sắc mà đi sớm về khuya trong mấy hẻm sâu là nguy hiểm lắm nên phải coi chừng. Cướp bóc thời buổi này có chê một thứ gì đâu, chiếc xe gắn máy của mày đã là một miếng mồi ngon trong mắt bọn hút sách. Mất của đã đành mà còn nguy hiểm cả tính mạng nữa em ơi!
Thỉnh thoảng, tôi đã chứng kiến một vài vụ cướp giật, ẩu đã, đâm chém nhau xảy ra trong hẻm khiến những lời căn dặn của chị Hoa thường xuyên ám ảnh tôi. Đã có vài lần về giữa mưa khuya, tôi không đủ can đảm quẹo vào con hẻm mà phải ghé lại trụ sở công an phường xin được ngồi chờ đến sáng trong áo quần ướt lạnh. Đó là những đêm dài lê thê, nhưng chắc chắn bình minh của một ngày mới rồi cũng sẽ đến, còn bình minh của đời mình biết đợi đến bao giờ? Tôi nhớ mẹ, nhớ các em lắm! Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết giờ này mẹ và các em có còn nhớ tôi, nhớ một đứa con gái, một người chị khi không đã trở thành lưu lạc trên chính quê hương mình.
Ở nhà ông bà Tuyển tuy giá rẻ, nhưng rồi chẳng rẻ một chút nào cả, bởi họ biết dì cháu tôi không thể tìm đâu ra một chỗ tá túc tốt hơn như thế nên thường làm khó dễ với lí do dì Nỡ bị lao nên họ không muốn chung đụng với dì dài lâu. Thế là tôi phải lấy lòng bằng cách mỗi ngày mua một cái bánh bao hay tô mì cho dì bồi dưỡng là phải mua thêm hai phần nữa cho vợ chồng họ để đổi lấy nụ cười và những lời nói cởi mở, vui vẻ rất mực thân tình. Hôm nào tôi lỡ quên hay chỉ đủ tiền mua một phần cho dì là y như bị bà Tuyển làm mặt nặng, mày nhẹ, luôn miệng xỏ xiên, mắng chó, chửi mèo nghe thật khó chịu. Riết rồi không còn chịu nổi nữa, tôi bàn với dì Nỡ sẽ tìm một căn nhà nhỏ để mướn, khỏi phải phiền toái đến ai và cũng chẳng có ai gây phiền toái cho mình. Tôi vẫn còn miếng đất để phòng thân như lời mà chị Ngọc Anh đang giữ, tôi sẽ bàn với chị có ai mua sẽ bán ngay để tiếp tục lo cho dì Nỡ.
Nhưng cuộc sống chẳng hề đơn giản như những gì mình suy nghĩ, lúc này mà gặp chị Ngọc Anh quả thật là khó khăn. Tôi đến tìm, lúc thì chị đi vắng thật, nhưng có lúc chị ở trong nhà nhưng lại tránh né không tiếp tôi. Có lần không kịp tránh, buộc lòng chị phải đối diện với tôi, nghe tôi trình bày chuyện muốn bán miếng đất để lo cho dì Nỡ, chị tỏ vẻ không bằng lòng, nói giọng nhân nghĩa:
- Chị nghĩ không nên bán miếng đất trước khi liên lạc được với mẹ em bởi đó là vốn liếng duy nhất để phòng thân, hậu thổ. Chị giữ giùm em thì cũng như em giữ thôi, mất đi đâu mà sợ, hơn nữa trong đó cũng có phần nhỏ của chị mà chị chưa muốn bán lúc này.
Tôi phân bua:
- Nhưng mà em đang khó khăn quá, chẳng lẽ đã tốn biết bao công sức, tiền của lo cho dì em gần hết bịnh lại bỏ giữa chừng. Chị cứ bán giùm em đi rồi trừ phần của chị ra còn bao nhiêu gởi lại cho em cũng được.
Giọng chị Ngọc Anh trở nên khó chịu:
- Nhưng miếng đất chứ có phải miếng cá, miếng thịt đâu mà muốn bán tháo bán đổ lúc nào cũng được. Cần phải có thời gian coi ai mua được giá mới bán, ít nhất cũng vài ba tháng, đôi khi kéo dài cả năm là chuyện bình thường.
Cứ thế, không biết bao nhiêu lần tôi đến tìm chị Ngọc Anh rồi lại ra về trong thất vọng, chị cứ khư khư giữ lấy miếng đất khiến tôi đâm ra nghi ngờ lòng tốt của chị. Sự nghi ngờ càng tăng thêm khi nhiều người biết rõ câu chuyện bàn ra tán vào:
- Rõ ràng là con mụ muốn chiếm đoạt hết của mày rồi đó, nếu không thì ít nhất phải mày đến để nhìn tận mắt hiện trạng miếng đất chứ đâu có hẹn lần, hẹn lữa như thế.
Tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang nhưng vẫn cố bám lấy niềm tin chị Ngọc Anh không bao giờ cư xử tệ bạc với tôi. Nhưng dẫu còn hay mất miếng đất, tôi cũng phải tìm thuê một căn nhà nhỏ để ba dì cháu sống mà chẳng lệ thuộc vào ai, tôi đã lớn, đã ý thức được thế nào là tự do, tôi cần có một cõi riêng cho bản thân mình.
Hạt Bụi Còn Vương Hạt Bụi Còn Vương - Ngô Thị Bích Phượng Hạt Bụi Còn Vương