Reading is to the mind what exercise is to the body.

Richard Steele, Tatler, 1710

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9007 / 63
Cập nhật: 2015-06-30 20:58:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hế là tôi giã từ Trảng Bom, giã từ dì Mười, cậu mợ Kỳ và Bích Loan, Bích Vân để trở về với gia đình. Ngày đi háo hức là thế mà ngày về cứ buồn vui lẫn lộn. Tôi tự hỏi, biết bao giờ mới có dịp quay trở lại nơi chốn ấy? Có thể là không bao giờ, nhưng nếu có thì chắc chắn phải lâu lắm bởi dượng Mười không còn và ngày mai biết cuộc sống sẽ xô đẩy mỗi số phận đến bến bờ nào nữa?
Một năm trước, tôi đặt chân tới đây vào buổi chiều, nắng tà hiu hắt ở xứ lạ quê người mà lòng chẳng thoáng bâng khuâng. Vậy mà giờ đây vẫy tay chào tạm biệt dưới nắng mai rực rỡ vàng tươi lại thấy vấn vương từng bước chân bé nhỏ. Tôi hình dung cảnh nhà dì Mười sẽ quạnh quẽ thêm và tội nghiệp Bích Loan, Bích Vân sau khi mất cha lại chẳng còn ai để vui đùa như những ngày vui đã qua. Phút chia tay cũng buồn lắm, dì Mười nắm tay tôi bịn rịn nói lời chúc sức khỏe và mong tôi mau lớn, còn Bích Loan và Bích Vân lặng lẽ đứng trước thềm nhìn cậu Kỳ đưa tôi ra ngõ rồi vẫy tay chào tiễn biệt. Hôm nay nét mặt cậu Kỳ cũng đăm chiêu hơn mọi ngày, cậu đưa tôi ra đường nhựa đón xe cho tôi về. Khi tôi bước lên xe, cậu còn nói với theo:
- Cho cậu gởi lời thăm má, bao giờ có dịp về thành phố cậu sẽ ghé thăm má và con. Nhớ giữ gìn sức khỏe nhe Phượng.
Xe lăn bánh, bỏ lại phía sau những tháng ngày kỉ niệm. Bất chợt tôi nghĩ đến mẹ, tôi nhớ những tấm hình mẹ chụp thời con gái, mẹ đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng hoàn toàn tương phản với tánh tình nghiêm khắc tới độ khô khan. Tuy không biểu lộ tình cảm ra mặt nhưng tôi hiểu mẹ rất thương những số phận mà mẹ đã sinh thành, mẹ dạy dỗ con cái thật chu đáo, xen lẫn những trận đòn đau đến cong đít mà anh em chúng tôi không đứa nào là không trải qua. Trời cho mẹ nhan sắc nhưng lại lấy mất của mẹ tính cần cù, nhẫn nại, chịu thương chịu khó để tần tảo ngược xuôi. Trong khi đó, tôi lại có thừa những đức tính đó, dường như tạo hóa rất nhiệm màu khi dựng nên tính cách của mỗi con người để thích nghi với từng hoàn cảnh.
Niềm vui ngày về đoàn tụ trôi qua rất nhanh, tôi lại phải đối diện với cảnh túng thiếu triền miên đến với cả nhà. Mẹ chỉ còn niềm hi vọng duy nhất và cuối cùng để đưa anh em chúng tôi thoát khỏi cảnh túng quẫn là chờ đợi ngày xuất cảnh, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì dù hồ sơ đã gởi đi và được hồi báo từ lâu. Tình cờ, một dì trong xóm thấy hoàn cảnh nhà quá khó khăn đã nói với tôi:
- Sao mày không đóng cái hộp gỗ đựng thuốc lá đi bán rong trước cổng khách sạn Đệ Nhất, may ra kiếm được đồng nào hay đồng đó, còn hơn là ngồi chơi không. Tao thấy có mấy đứa nhỏ bằng mày làm cái nghề này cũng nuôi được cả nhà.
Không thể ngồi nhìn mẹ và các anh em mình sống trong cảnh bần hàn, tôi nói với mẹ kiếm tiền đóng cho tôi một cái hộp gỗ và xoay số vốn nho nhỏ để bưng thuốc lá bán rong trước cửa Đệ Nhất khách sạn. Mẹ bằng lòng ngay, thế là tôi gia nhập vào đạo quân bán thuốc lá trong đó có những người lớn tuổi như chị Ngọc Hoa, chị Sáng, chị Ngọc Anh-năm đó đã ngoài ba mươi, mỗi người có một tủ thuốc cố định. Còn con Khanh em chị Sáng, thằng Hùng, con Thúy có hỗn danh là Thúy Đầu Bò cùng trạc tuổi với tôi thì mỗi đứa ôm một cái hộp thuốc đi bán rong. Chị Hoa và chị Sáng thương tôi lắm, hai chị ít nói nhưng luôn quan tâm và chăm sóc tôi như một đứa em ruột thịt, tôi biết rõ điều đó qua những cử chỉ và ánh mắt đầy trìu mến của hai chị nhìn tôi. Riêng chị Ngọc Anh thì nói hơi nhiều, thường soi mói vào chuyện riêng tư của người khác và dường như chẳng chút thực lòng. Ngày đầu mới ra nghề nhưng tôi chẳng chút ngại ngùng, có lẽ thời gian sống kiếp ăn xin và những tháng ngày tủi nhục trong quán phở bà Cúc đã biến tôi trở nên dạn dĩ và chai lì. Bản tính tôi vốn chịu khó và dường như lại có duyên buôn bán nên hôm nào cũng được đắt hàng hơn những đồng nghiệp khác. Nhớ hồi làm ô-sin cho quán phở, hôm nào người khách đầu tiên bước vào quán, bà Cúc cũng bắt tôi ra chào hỏi mở hàng để lấy hên. Bản tính bà Cúc tuy hiểm độc nhưng lại mê tính lắm, bà nói số tôi hạp với tiệm phở của bà nên hôm nào tôi chậm chân thì y như bán buôn cứ ì ạch, trong mắt bà ta đó cũng là cái tội đủ để bà ưu ái giành cho tôi những lời xỉa xói, đại loại:
- Con khốn nạn, mày làm gì mà sáng nay không chịu ra hỏi khách mở hàng. Bộ mày trù ẻo tao hả?
Thỉnh thoảng cũng có ngày tôi sốt sắng làm theo lời chỉ giáo của bà Cúc nhưng rồi phở vẫn cứ ế xệ thì bà Cúc lại mắng tôi kiểu khác:
- Con khốn nạn, bộ hôm nay mày không đánh răng hay sao mà buôn bán tệ như vậy!
Nhưng với cái thùng thuốc lá của tôi thì khác. Ít ra tôi cũng được làm chủ công việc và hoàn toàn tự do về giờ giấc, lúc nào muốn bán thì bán, lúc nào muốn nghỉ thì nghỉ nên tinh thần hoàn toàn thoải mái. Đã thế, tôi thường được khách cho luôn khoảng tiền lẻ thối lại, nhiều người còn nói đùa:
- Con nhỏ này xinh quá, vài năm nữa bỏ nghề bán thuốc lá, đi thi hoa hậu thế nào cũng được.
Chẳng biết hư, thực ra sao nhưng nghe thế lòng tôi cũng thấy vui vui, còn chị Ngọc Hoa thì nói tôi dễ thương nên bán được nhiều hơn đứa khác. Đó là chưa tính ngày nào cũng có mấy người khách sang trọng đi xe hơi bóng loáng đến đậu trước khách sạn để vào nhà hàng, thế là chúng tôi tranh nhau xin giữ, nhưng phần lớn những vị khách này thường ưu tiên cho tôi, họ bảo:
- Con nhỏ này, mày coi xe cho chú, lát ra chú cho mày tiền.
Nhờ đó tôi có thêm một khoảng thu nhập ngoài mong ước đủ cho cả nhà lây lất qua ngày. Bây giờ nghĩ lại, nhiều lúc tôi thấy nhớ thương con Khanh, thằng Hùng, con Thúy vô cùng, đứa nào cũng giống nhau ở chỗ nhà nghèo nên mới ôm thùng thuốc lá xuống đường từ thời niên thiếu, nhưng sao tâm hồn chúng nó trong sáng và đẹp đẽ đến thế, chẳng chút ghen tị với ai. Dường như chúng tôi chẳng có đứa nào có được một bộ quần áo cho ra hồn, không rách rưới đã là phước đức lắm rồi. Ở tuổi tôi, nhiều bạn gái khác đã biết chưng diện, sửa soạn, đó là chưa kể những đứa con nhà quyền quý, giàu có đã sính đồ hiệu, thời trang, còn tôi thì vẫn quần vá đít, áo sờn vai lăn lộn giữa đời mà vẫn không chút thẹn thùng. Đã thế, có hôm vừa bán thuốc lá, vừa mê mẫn chơi đùa, chẳng biết đánh rơi cọc tiền nhét trong lưng quần từ lúc nào, đến khi phát hiện ra, tôi vừa hoảng hốt la lên vừa rưng rưng muốn khóc.Thế là tất cả ngừng cuộc chơi, tụi nó tản ra đi lùng kiếm giúp tôi, cuối cùng con Khanh nhặt được, nó mừng rỡ đem trả lại cho tôi bằng nụ cười hớn hở. Dạo đó, ở khu vực này đang xây dựng nhiều công trình quy mô kéo dài gần năm trời vẫn chưa xong nên có rất nhiều ụ cát được cái xe ben đổ xuống, vun cao như những ngọn đồi nho nhỏ. Thế là nhiều lúc, chúng tôi quên cả việc bán buôn, bỏ hộp thuốc sang một bên thi nhau trượt cát. Tôi bắt gặp tuổi hơ của mình còn sót lại trong những trò chơi hồn nhiên và đơn sơ như thế. Tôi thân với Khanh nhất vì tánh tình nó hiền lành, nhút nhát và rất chân thật, nó luôn tỏ ra biết nhường nhịn mọi người, đặc biệt là đối với tôi. Ngày đó, chẳng biết suy tính thế nào mà chị Sáng lại sắm cho Khanh một chiếc xe đạp đòn dông mà bọn con trai thường dùng, như thế cũng đã là oách lắm. Chiều nào, chúng tôi cũng đèo nhau chạy quanh phố xá, hôm này đứa này đạp, đứa kia ngồi phía trước, hôm sau lại đổi tài cho công bằng. Có bữa trời mưa, hai đứa ướt như chuột lột nhưng vẫn chẳng muốn về, cứ đội mưa mà chạy trong tiếng cười hồn nhiên. Mùa hè, hoa phượng nở rộ mấy con đường vòng quanh khu Đệ Nhất khách sạn, chúng tôi đi bẻ những cành hoa đỏ thắm rồi chia nhau đem về mà chẳng biết để làm gì. Nhờ mấy đứa bạn mới này mà nỗi nhớ thương dượng Mười và Bích Loan, Bích Vân cũng chóng nguây ngoai, nhưng thỉnh thoảng hình bóng của họ vẫn hiện về trong kí ức của tôi đến se sắt, nhất là những lần tình cờ gặp một gánh trái cây của những người bán rong ngang qua, ngửi mùi mít chín ngào ngạt là tôi lại mơ màng nghĩ về Trảng Bom với bao kỉ niệm buồn vui. Với tôi, mãi mãi mùi mít chín là mùi kỉ niệm hằn sâu trong tiềm thức.
Có lẽ tôi vẫn chưa đủ khôn ngoan để xót xa cho thân phận bọt bèo của chính mình, hay là đã quen với gian truân để thấy mọi nỗi cơ cực đều trở nên bình thường. Tôi hạnh phúc với công việc của mình, không chỉ bằng lòng với cuộc sống đang diễn ra mà còn tìm thấy ở đó niềm vui, cứ như suốt đời tôi sẽ gắn bó với cái thùng thuốc lá. Trong khi mẹ tôi và cả nhà ngày càng nôn nao với việc sắp được sang Mỹ định cư, tưởng chừng như cái ngày mong ước đó đã gần kề thì tôi lại tỏ ra dửng dưng, không chút quan tâm. Hôm nào bán được nhiều thuốc lá, lòng tôi lại chộn rộn niềm vui và dĩ nhiên những hôm ế ẩm bước chân về nặng trĩu nỗi buồn!
Có lần chúng tôi đặt câu hỏi với nhau:
- Mai mốt lớn lên mày sẽ làm gì?
Tội nghiệp bạn tôi dù chỉ là ước mơ mà cũng chẳng dám mơ xa, thằng Hùng chỉ mong làm tài xế taxi, bởi nó nghĩ được ngồi sau tay lái chạy rong phố phường không chỉ thích thú mà còn rất oách. Còn con Thúy thì mơ làm cô thợ uốn tóc để được ngồi trong những cửa tiệm có cửa kính sáng loáng, riêng tôi thì đủ thứ ước mơ, hết làm ca sĩ lại làm cô giáo, những ước mơ mà cuộc đời tôi chẳng bao giờ đạt được.
Cuối cùng cái ngày mà mẹ và cả nhà mong đợi cũng đã đến. Buổi sáng nhận được giấy báo ngày lên Lãnh sự quán Hoa Kỳ phỏng vấn đã khiến mọi người mừng vui như tết, ngoại trừ anh Hai xem ra căn bệnh thần kinh ngày càng thêm nặng, suốt ngày chẳng nói với ai một lời, thường đảo đôi mắt lạc thần nhìn về một cõi mông lung nào đó. Chẳng ai biết được trong đầu anh có suy nghĩ gì không, bởi anh không biểu lộ một chút cảm xúc nào cả trên khuôn mặt quá đỗi lạnh lùng, nhưng chắc chắn anh không hề can dự vào niềm vui đang thắp lửa trong lòng mẹ và các em tôi. Riêng tôi, không hề thấy lòng háo hức một chút nào cả, đi cũng được mà ở cũng chẳng sao. Mẹ chẳng cần giấu diếm tin vui này nên chả mấy chốc mà cả xóm đều biết và dĩ nhiên nó cũng nhanh chóng đến tai chị Ngọc Hoa và thằng Hùng, con Thúy.
Hôm sau, tôi vừa ôm thùng thuốc la ra trước Đệ Nhất khách sạn đã nghe chị Ngọc Anh cười nói:
- Sướng nhé, mày sắp đổi đời rồi còn gì, mai mốt thành Việt kiều nhớ đừng quên tao.
Tôi ấp úng trả lời chị:
- Đó là do mẹ em muốn cả nhà cùng đi chứ đâu phải do em.
Suốt ngày quanh quẩn ới tủ thuốc lá nhưng chị Ngọc Anh làm ra vẻ rành rọt cứ y như đã từng ở Mỹ:
- Đi là đúng rồi mày ơi, ở đây mày khổ như con chó có sung sướng gì đâu, bao nhiêu người giàu có hơn mình trăm lần muốn đi còn không được nữa là. Đẹp như mày mà sang bên đó chỉ vài năm nữa thôi là trổ mã thì thiếu gì thằng ngon lành chạy theo xin cưới làm vợ. Ở xứ mình thì rẻ rúng chứ ở bển đàn bà, con gái quý lắm, kiếm đỏ mắt không ra, đàn ông con trai là đồ bỏ.
Tôi hỏi:
- Làm sao chị biết, chị đã đi Mỹ lần nào chưa mà biết?
Chị Ngọc Anh có vẻ nổi cáu:
- Thì ngồi đây bán thuốc nghe mấy ông Việt kiều nói. Bộ mày muốn kê tủ đứng trong họng tao hả? Tao mừng cho mày nên nói lại cho mày biết để yên tâm, mới chút đó thôi mà đã chảnh!
Tôi không giận chị Ngọc Anh, vì tôi hiểu thấu lòng chị, bấy giờ tôi đã mười lăm tuổi rồi còn gì, mười lăm tuổi với biết bao nhiêu gian khổ đắng cay vùi dập cũng đủ cho tôi lờ mờ hiểu thấu phần nào sự đời. Nhưng làm sao chị hiểu được sự thật là tôi hoàn toàn dửng dưng với chuyện đi - ở, dù là đi đến một nơi mà nhiều người trong đó có cả chị Ngọc Anh hằng mơ ước. Ngay chính bản thân tôi cũng không hiểu tại sao mình lại dửng dưng như thế? Tôi có phải là một đứa dở hơi hay không? Còn chị Hoa và chị Sáng thì chân tình hơn, hai chị ôn tồn nói với tôi:
- Em sắp lớn rồi, chẳng lẽ suốt đời ôm cái thùng thuốc đi rong? Rồi tương lai sẽ ra sao, xứ sở người ta giàu có, sang bên ấy có đi làm thuê, làm mướn cũng kiếm được nhiều tiền hơn bên mình, nữa rồi lá rụng cũng về cội mà thôi.
Bây giờ ngồi nhớ lại thời gian đó, tôi thấy thương thằng Hùng và con Thúy vô cùng, chúng nó ngây ngô và quá đơn sơ khi nghe chị Ngọc Anh nói rồi hỏi tôi một cách thèm thuồng:
- Bộ mai mốt mày cũng làm Việt kiều giống như mấy ông, mấy bà bận áo quần đẹp đẽ, xức nước hoa thơm phức, xách vali to đùng, đi taxi đến khách sạn này hả? Nếu thế thì mày oách quá, mà làm sao mày làm được Việt kiều? Cả mẹ và mấy anh em mày cũng thế hả?
Tôi không thể trả lời chúng nó những gì thuộc về tương lai mà tôi chưa bao giờ mường tượng đến cũng như tôi hoàn toàn mù mờ vì lí do nào mà mẹ và cả nhà được ra đi. Dường như không đủ kiên nhẫn chờ tôi lên tiếng, thằng Hùng nói giọng chân thật:
- Khi nào mày thành Việt kiều về đây thuê xe taxi cho tụi tao đi một vòng thành phố rồi bao tụi tao một chầu bò bía và nước mía cành hông cho đã đời ông địa nghe mày.
Suốt đời, tôi chẳng bao giờ quên được những lời của thằng Hùng nói hôm đó, bởi vì đó cũng là một phần thời niên thiếu cả tôi. Không biết bao nhiêu lần thằng Hùng, con Thúy và tôi đi ngang một xe bò bía, không hẹn mà cùng đứng lại hít mùi lạp xưởng thơm lừng đến thèm nhỏ dãi rồi cùng phá lên cười. Cái cười thèm khát một cách hồn nhiên của những thiên thần khốn khổ chưa hề biết trên đời có món cao lương mỹ vị nào ngon hơn bò bía.
o O o
Cái ngày mẹ đưa bảy anh em chúng tôi đi phỏng vấn cũng là ngày báo hiệu gia đình chúng tôi phải chịu cảnh li tán và tôi sắp phải bước vào một chặng đời nhọc nhằn, cơ cực giữa cái địa ngục trần gian.
Cuộc phóng vấn không lấy gì gay go cho lắm, phía Mỹ nhanh chóng đồng ý cho cả nhà tôi được xuất cảnh định cư tại Hoa Kỳ. Nhưng sau khi nhận kết quả khám nghiệm sức khỏe thì anh Hai bị từ chối do bệnh tâm thần mà nếu như muốn đi ngay trong đợt này thì phải bỏ anh ở lại. Còn không thì chờ đến khi nào điều trị cho anh dứt hết bệnh tình rồi cả nhà cùng đi, điều này cũng có nghĩa là bỏ qua một cơ hội mà mẹ đã chờ đợi bao ngày và tôi thừa hiểu mẹ không bao giờ chấp nhận. Bởi lẽ căn bệnh của anh Hai biết đến bao giờ mới khỏi, trong khi triệu chứng cho thấy ngày càng thêm nặng, biết chờ đến bao giờ. Hơn nữa, biết đâu đến khi anh Hai khỏi bệnh, người ta lại đổi ý không cho đi nữa thì rõ ràng ước mơ của mẹ sẽ trở thành mây khói. Thêm vào đó nnhững lời bàn ra tán vào của mấy dì hàng xóm bạn của mẹ đã khiến mẹ thêm cứng lòng. Họ lập luận:
- Con cái mang nặng đẻ đau thì đứa nào mà mình chẳng thương như nhau, nhưng bà phải biết hi sinh một đứa cho tương lai những đứa khác rồi sẽ tính sau, chứ trong thời buổi khó khăn này mà cứ ôm lấy nhau để chết đói cả chùm à!
Thế là mẹ quyết định để anh Hai ở lại nhưng biết gởi gắm anh cho ai và ai dám nhận một người bệnh tâm thần khi chung quanh anh ta không con ai ruột thịt để chăm sóc. Nhìn lại, bảy anh em chúng tôi chỉ mình tôi là con gái, tôi cũng chẳng tha thiết gì lắm với việc được làm Việt kiều dù là Việt kiều Mỹ, một đất nước mà nhiều người cho là một miền đất hứa trên thế gian này. Tôi quyết định ở lại với anh Hai, tôi không thể để anh trơ trọi một mình trong tình trạng không làm chủ được bản thân thì nói chi đến việc tìm kế sinh nhai. Tôi vô cùng yêu thương anh vì anh cũng như tôi, cùng mang trong cơ thể một dòng máu mà cha mẹ đã sinh thành. Anh sẽ sống thêm được bao nhiêu ngày lang thang đầu đường xó chợ? Và lấy gì làm chắc mọi người sẽ kịp đem về cho anh chút vinh quang vật chất trước khi anh nhắm mắt trong cô độc, bần hàn. Tôi đã học được bài học nghĩa tình từ những va chạm với những mảnh đời cơ cực qua những tháng ngày trầm luân dưới đáy xã hội mênh mông. Chín-mười tuổi, tôi đã là con bé ăn mày lọ lem lê bước chân bé bỏng khắp xóm kiếm hạt cơm thấm đẫm mồ hôi pha lẫn nước mắt từ sự bố thí của thập phương đem về nuôi sống cả nhà. Mười một-mười hai tuổi, tôi là ô-sin trong tiệm phở của bà Cúc độc ác với những trận đòn tóe máu trên đầu và ứa lệ trong lòng cũng chỉ vì tình thương yêu anh em ruột thịt của mình. Mười ba tuổi, tôi đã là vú em giúp việc cho cậu mợ Kỳ, một thứ giúp việc nửa như người nhà, nửa như con ở!... Quá khứ đó đã cho tôi đủ niềm tin và sức chịu đựng gian khó để ở lại với anh Hai, vật lộn với cuộc sống để nuôi mình, nuôi anh, biết đâu ngày mai rồi trời lại sáng.
Việc tôi bằng lòng ở lại với anh Hai đã gỡ cho mẹ cuộn chỉ rối dù tôi cũng đủ khôn ngoan để phát hiện sự áy náy trong ánh mắt của mẹ tha thiết nhìn tôi. Có thể nói đó là lần đầu tiên tôi bắt gặp sự biểu lộ tình cảm sâu thẳm của mẹ và tôi thương mẹ vô cùng. Sướng, khổ gì thì cuộc đời này, thân xác này cũng là của mẹ cho, cũng đã từng được mẹ mang nặng đẻ đau, từng ẵm bồng nâng niu từ thuở lọt lòng.
Sau khi tự nguyện gạt tên anh Hai và tôi ra khỏi danh sách, mẹ và các em nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục sau cùng và chỉ chờ vé máy bay để lên đường. Thế là cả nhà kéo nhau về thăm quê lần cuối trước khi ra đi. Quê mẹ ở ấp 3, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nhưng cũng chẳng còn ai ở đó ngoài dì Nỡ là em ruột của mẹ. Đây là lần đầu tiên tôi được về thăm quê ngoại, thấy cảnh nhà dì Nỡ với một đàn con nheo nhóc, thiếu ăn, thiếu mặc. Hơn nữa, dì lại mắc phải bịnh lao vào thời kì đầu tiên nên trông xanh xao, hốc hác mà xót xa trong lòng. Còn dượng Nỡ, người lao động chính trong gia đình dù hết lòng thương yêu vợ con nhưng sức khỏe quá yếu lại bị hư một mắt nên cố gắng làm lụng đến mấy cũng chỉ đủ cho cả nhà bữa đói, bữa no. Hình như mẹ có để lại cho dì một ít tiền để lo thuốc thang và sống tạm bợ qua ngày. Hôm mẹ và chúng tôi trở về thành phố, dì đã khóc khi biết cả nhà xuất cảnh, chỉ mình tôi và anh Hai ở lại, dì đã nắm tay tha thiết dặn dò:
- Lâu lâu nhớ về thăm dì, mẹ đi rồi có tin tức gì báo cho dì hay.
Trước khi ra đi, mẹ đã sang tên, giao nhà cho người ta để nhận hết khoảng tiền còn lại đủ mua cho tôi một nền nhà trên đường Lạc Long Quân, do chị Ngọc Anh giới thiệu và chủ đất viết giấy tay cho tôi đứng tên, một sợi dây chuyền năm chỉ và một ít tiền. Người mua nhà của mẹ tỏ ra thông cảm và dễ dãi cho hai anh em tôi lưu lại hộ khẩu trong nhà. Mẹ gởi tôi và anh Hai tá túc tại nhà chị Ngọc Anh trên đường Lạc Long Quân, phường 11, quận Tân Bình, nói là qua đến Mỹ sẽ liên lạc về ngay. Mọi chuyện tưởng chừng sẽ diễn ra đúng như dự tính của mẹ và cho dù hai anh em tôi có bơ vơ giữa thành phố thân yêu này, tôi vẫn nghĩ sẽ không còn cơ cực, không bị những cơn đói hành hạ bởi giờ đây cả nhà tôi đã trở thành Việt kiều thì còn lo gì cơm áo. Thế nhưng chẳng ai biết được những gì sẽ đến ở ngày mai và tôi cũng không thể nào ngờ được, kể từ khi mẹ và các em ra đi, tôi lại bắt đầu những chuỗi ngày cơ cực và khổ đau hơn cả thuở lê bước đi ăn mày và làm ô-sin cho tiệm phở bà Cúc. Bất hạnh hơn nữa là giờ đây, tôi đã bước sang tuổi mười sáu, tôi đã là một thiếu nữ có đủ trí khôn để suy nghĩ, để thấm thía phận mình chứ không còn hồn nhiên như thuở trước.
o O o
Tôi đã từng xa nhà, từng vật lộn với cuộc sống đầy gian truân nhưng chưa bao giờ cảm thấy hoảng hốt, cô đơn như khi chiếc máy bay cất cánh rời khỏi phi đạo đưa mẹ và các em đến một phương trời xa lạ, cách chia đến nửa vòng trái đất mà chẳng biết đến bao giờ gặp lại. Dù có mẹ bên cạnh, gánh nặng trên hai vai tôi cũng chẳng vơi đi được chút nào nhưng tôi vẫn thấy an lòng, thấy mình còn có chỗ dựa tinh thần vững chắc để mò mẫm vào đời bằng những bước chân rụt rè nhưng không lạc loài. Giờ mẹ và các em đã xa, ngay khi phi cơ vừa chìm khuất trong chân mây ở cuối chân trời, nỗi trơ trọi và sợ hãi vây khốn tôi đến rưng rức trong lòng. Tôi cố cắn chặt môi để không khóc nhưng sao hai dòng lệ cứ ứa trào! Ngày mai rồi sẽ ra sao? Giá mà anh Hai còn chút tỉnh táo để thỉnh thoảng tôi có thể dựa dẫm vào anh tìm niềm an ủi mong manh. Có thể như thế anh Hai lại là người sung sướng, anh không đủ năng lực để nhận biết mọi điều đang diễn ra chung quanh, trong đầu anh không có quá khứ, không có mơ ước tương lai và dĩ nhiên cũng không biết thế nào là hạnh phúc lẫn đau khổ. Nhưng tôi thì lại có thật nhiều mơ ước cho anh hơn bản thân mình, tôi lại đau xót cho nỗi đau của anh hơn những nhục nhằn mà bản thân mình đã và đang nếm trải. Tôi đang sống bằng hơi thở và thân phận của hai cuộc đời.
Những ngày đầu tiên, anh em tôi tá túc trong nhà chị Ngọc Anh, trôi qua thật lê thê dù chị đối xử với chúng tôi cũng khá tử tế. Tôi thấy nhớ mẹ, nhớ các em mình da diết. Không biết rồi đây lớn khôn, được sống trong tiện nghi đầy đủ, thằng Huy có còn nhớ những ngày khốn khổ tôi cõng nó trên lưng, cả hai chị em đói đến cồn cào, bước chân liêu xiêu trong con hẻm buồn tênh ngã màu nắng xế.
Cực nhọc đến thế nhưng em Huy không hề khóc, dường như nó cũng thầm hiểu số phận của mình, trời cho trẻ con nhà nghèo sớm biết chịu đựng và thích nghi trong hoàn cảnh. Chẳng bù đám con nhà giàu được nuông chiều, sống chìm ngập trong vật chất sa xỉ, được cha mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chỉ tài giỏi vòi vĩnh, chưa ai đụng đến cái móng tay đã khóc ré lên chẳng khác nào đổ ruột. Nếu mai mốt em Huy mà quên những chuỗi ngày tủi nhục đó thì tôi buồn lắm, chẳng khác nào em đã quên tôi!
Chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, dường như chị Ngọc Anh bắt đầu cảm thấy khó chịu trong khi nhà có thêm một thành viên mắc bệnh tâm thần như anh Hai tôi. Điều này cũng là chuyện hết sức bình thường bởi ngoài người ruột thịt ra, mấy ai có thể chịu đựng được một con bệnh thần kinh, dở dở ương ương đậu dài hạn trong nhà. Hơn nữa, tình nghĩa giữa tôi và chị Ngọc Anh cũng chẳng có gì sâu đậm hơn những ngày cùng bán thuốc lá với nhau trước Đệ Nhất khách sạn, không đủ để ràng buộc chị cưu mang chúng tôi cho đến ngày mẹ liên lạc về, mà ngày đó biết đến bao giờ? Có lẽ chị nhận lời mẹ là do một phút mềm lòng, đã để cho cảm xúc lấn át, không lường trước được cảnh phải chung đụng với một người điên, dù là một kẻ điên hiền lành, không phá phách, la lối như anh Hai.
Giờ đây chẳng biết có phải vì không còn mẹ và các em bên cạnh đã khiến tinh thần anh căng thẳng nên bệnh tình càng trở nên trầm trọng. Anh bỏ nhà đi suốt ngày mà chẳng biết đi đâu, anh cứ lầm lũi lang thang khắp mọi nẻo đường cho đến gần nửa đêm mới quay về, ai cho gì ăn nấy chứ tuyệt nhiên không đòi hỏi. Tôi hỏi anh đi đâu, anh cũng ngậm miệng chẳng buồn trả lời mà lặng lẽ lăn đùng ra ngủ một giấc cho tới sáng.
Bỗng một hôm, chị Ngọc Anh tỏ ra rất nhẹ nhàng, chị quan tâm, lo lắng cho tôi như một người mẹ, chị nói bằng giọng rất tâm tình:
- Phượng, mày đã ở trong nhà chị thì chị phải có bổn phận với em, coi em như người ruột thịt, chị muốn đưa cho em một cây vàng để em mua sắm thêm những thứ cần dùng cho hai anh em mày. Cây vàng này coi như chị hùn một phần vào miếng đất của em, chỉ cần mày viết giấy tay sang miếng đất cho chị để chị giữ cho mà hậu thân, chứ đứng tên mày lỡ bị người ta dụ lấy mất thì chẳng còn gì. Tao nghĩ thương mày nên mới lo xa, giả dụ, nữa lớn lên mày có muốn bán thì chị cũng đứng ra bán giùm, được bao nhiêu tiền chị sẽ trừ đi phần của chị, còn lại sẽ giao hết cho em không thiếu một đồng.
Tôi nghe vừa xúc động, vừa không muốn làm phật lòng chị, một con bé mới mười sáu tuổi đầu, lớn lên từ hè phố như tôi thì làm gì có được khái niệm tài sản, đất đai và nhất là sự lừa lọc ở đời. Tôi đáp một cách ngây ngô:
- Được thế thì em rất mừng, nhưng nếu em viết giấy tay cho chị chủ cũ có chịu hay không?
- Mày ngu quá, chủ cũ có quyền gì mà chịu hay không chịu, người ta đã viết giấy bán cho mày rồi tức là của mày, bây giờ mày muốn viết lại cho ai thì viết, miễn là người đó phải được em tin tưởng như chị đây thì chẳng có chi phải sợ.
Trời ơi, tôi đang lâm vào cảnh tứ cố vô thân, chỉ còn chị là người gần gũi nhất để nương tựa, tôi lại ăn nhờ ở đậu trong nhà chị, nếu không tin chị còn biết tin ai nữa. Tôi vui vẻ hỏi chị:
- Vậy bao giờ em viết?
- Lúc nào mà chẳng được, chị em mình ở chung nhà chứ có cách xa gì đâu mà phải hẹn hò.
Thế là tôi viết ngay tờ chuyển giao miếng đất cho chị Ngọc Anh đứng tên theo sự hướng dẫn của chị mà lòng rất vui mừng. Từ nay, anh em tôi dù mang kiếp ăn nhờ ở đậu nhưng có lẽ sẽ thoải mái hơn bởi đã có chút gì cho chị làm bằng. Từ suy nghĩ đơn sơ đó, tôi thấy mình tự tin và khôn lớn hẳn lên. Nhưng cuộc sống không hoàn toàn như thế, nếu không có kinh nghiệm thì người ta khó phân biệt giữa chân và giả, giữa tấm lòng chân thật và những toan tính được che đậy bằng những lời lẽ yêu thương ngọt ngào. Những ngày sau đó, chị Ngọc Anh càng tỏ ra tử tế với anh em tôi rất mực, nhưng cây vàng mà chị nói sẽ đưa cho tôi để hùn một phần vào miếng đất thì chị không đưa đủ một lần mà chỉ đưa nay một chỉ, mai vài chỉ, hơn nửa năm trời mới dứt. Hơn thế nữa, chị chỉ đưa mỗi khi yêu cầu tôi phải mua cái này, sắm cái kia, những vật dụng cho anh em tôi thì ít, phần lớn để cho mọi người trong nhà cùng sử dụng, mà nếu một ngày nào đó tôi có đi khỏi nơi đây cũng chẳng mang theo được gì. Dường như thời gian trăng mật đã hết, càng tỏ ra thân mật với tôi bao nhiêu thì chị Ngọc Anh càng tỏ ra bực bội và nặng lời với anh Hai bấy nhiêu. Dĩ nhiên, những lí do chị đưa ra hoàn toàn xác đáng đối với một người bệnh tâm thần nếu như không có tình thương và thiếu sự bao dung, thông cảm. Dần dà, chị Ngọc Anh chẳng sợ mất lòng tôi nữa, chị không còn nói xa, nói gần mà luôn ca thán, mắng mỏ anh Hai khiến tôi rất buồn lòng nhưng đành câm nín. Chị nói thẳng với tôi:
- Mày có ở với tao cả đời cũng được, nhưng thằng anh Hai mày cứ đi về thất thường khiến mọi người khó chịu, biết thế tao đã không nhận lời mẹ mày chứa nó trong nhà.
Nghe chị nói, tôi buồn lắm và mơ hồ biết mình sẽ không thể ở đây dài lâu nhưng biết đi đâu lúc này. Tôi cố lục lọi trong trí nhớ để tìm địa chỉ một người quen nào đó có thể cho anh em tôi trú ngụ một thời gian nhưng chẳng tìm ra. Tôi vẫn còn mấy cây vàng trong tay, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mướn nhà để ở vì sợ sống mà không có người lớn bên cạnh. Đơn giản là tôi không thể một mình đối phó với mọi bất trắc khi phải cưu mang thêm một người điên như anh Hai nữa. Thế nhưng, tôi không còn cách lựa chọn nào khác vì chỉ mấy ngày sau, vào một buổi tối, anh Hai lê tấm thân gầy còm về lúc nửa đêm, chẳng biết mò mẫm thế nào lại làm vỡ tấm cửa kiếng. Đang ngủ say, chị Ngọc Anh choàng tỉnh giấc vội chạy ra, nhìn thấy những mảnh thủy tinh văng tung tóe trên nền nhà, như giọt nước tràn li, chị không tiếc lời la mắng anh tôi rồi lạnh lùng đuổi ra khỏi nhà ngay lập tức. Giọng chị vô cùng dứt khoát:
- Tao không thể chịu đựng được nữa, nếu con Phượng còn muốn ở đây thì chỉ ở một mình, thằng Hai phải cuốn gói ra khỏi nhà tao ngay lập tức, tao không chứa nó thêm phút giây nào nữa cả, coi như tao thất hứa với mẹ mày.
Thấm thoát mà tôi đã ở trong nhà chị Ngọc Anh gần một năm trời, ngoài chuyện nghĩa tình ra, hàng tháng tôi vẫn đều đặn làm tròn trách nhiệm với chị, dĩ nhiên là chị lấy rẻ hơn người thuê nhà một chút. Nhưng công tâm mà nói thế cũng đã là quá lâu, quá đủ cho sự chịu đựng của chị như lời chị nói. Giờ đây, cho dù chị Ngọc Anh không đuổi tôi, nhưng đuổi anh Hai thì chẳng khác nào cũng đuổi cả tôi. Chị thừa biết tôi từ chối xuất cảnh sang Mỹ cùng với gia đình để ở lại là vì anh Hai, vì cốt nhục tình thâm nên chắc chắn sẽ không bao giờ tôi để anh Hai bơ vơ một mình. Lòng tự ái nổi dậy, tôi không nói một lời nào cả mà lặng lẽ gom vội quần áo rồi cùng anh Hai đẩy xe ra đường. Giá như chị Ngọc Anh có kêu tôi ở lại, tôi cũng khước từ. Nhưng chị không làm thế, chị đã đạt được mục đích bằng một lí do chính đáng, chị nói chiếu lệ:
- Tao không đuổi may nghe Phượng, tao chỉ đuổi thằng Hai thôi, nhưng mày muốn theo anh mày thì tùy ý, tao làm sao cấm cản được. Bao giờ, mày muốn quay lại đây tao cũng chứa, nhưng chỉ mình mày thôi đó, thằng Hai thì tao tởn đến già.
Tôi không trả lời chị nhưng lệ ứa lưng tròng. Tôi đã khóc như sau này tôi còn khóc không biết bao nhiêu lần nữa cho vơi đi những đau khổ, nhục nhằn. Tôi nổ máy xe và phóng đi giữa đường đêm ướt đẫm sương khuya, anh Hai vẫn ngồi lặng lẽ ở yên sau như một cái xác không hồn. Tôi lang thang qua những con đường vô định mà chẳng biết về đâu đêm nay, về đâu ngày mai? Xe đang ngon trớn, bỗng gặp một tổ dân phòng đi tuần tra chận lại, thấy tôi nước mắt ràn rụa, họ hỏi nguyên do thử coi có giúp được gì không? Tôi chỉ sơ lược vài câu và nói đang chở anh Hai bị bệnh tâm thần đến nhà một người bà con xin tá túc, họ tỏ ra ái ngại cho hoàn cảnh của tôi và cho đi ngay. Bất chợt tôi nhớ đến bé Phụng, con bạn thân cùng học từ thời mẫu giáo cho hết những năm học tiểu học mà thuở nhỏ tôi vẫn thường đến nhà nó chơi và nhiều lúc xin mẹ ở lại vài ba hôm. Tôi với Phụng có rất nhiều kỉ niệm ấu thơ, toàn là những kỉ niệm đẹp của tuổi thiên thần từng chơi chung đồ chơi, từng chia cho nhau từng miếng bánh, viên kẹo. Dạo đó, má bé Phụng cũng thương tôi lắm, cứ vài ngày tôi không ghé lại là bà đã nhắc, đã lo lắng chẳng biết tôi có đau ốm gì không. Suy nghĩ miên man, tôi vòng xe chạy về hướng nhà bé Phụng ở ngã tư Bảy Hiền lúc nào không hay, tôi tắt máy xe, đứng tần ngần trước nhà mà chẳng dám kêu cửa. Lâu rồi không gặp, biết nó có còn nhớ tôi, biết má nó có còn thương tôi như thuở nào? Nhưng tôi đang lâm vào bước đường cùng, ít ra tôi cũng phải có nơi để ngã lưng đêm nay rồi ngày mai hẳn tính. Nín thở để lấy can đảm, tôi gọi:
- Phụng ơi, bác ơi; Phụng ơi, bác ơi…
Tôi gọi không biết bao nhiêu lần nhưng chẳng nghe một tiếng trả lời, chỉ có bầy chó thức khuya sủa vang cả xóm. Tôi tiếp tục gọi trong nỗi tuyệt vọng, gần năm phút trôi qua cũng vẫn là sự yên lặng, hững hờ. Không biết cả nhà bé Phụng ngủ say hay là không muốn tiếp tôi! Định quay xe thì đèn trước hiên bật sáng, tiếng ổ khóa lách cách và giọng ngái ngủ của má Phụng hỏi vọng ra:
- Ai đó, có chuyện gì mà kêu cửa giờ này?
- Con đây bác ơi, Phượng bạn của Phụng đây bác ơi.
Dường như đã nhận ra tôi, vừa mở cửa bác vừa nói như trách móc, chứng tỏ bác còn quý mến tôi như xưa.
- Phượng hả, đi đâu mà lâu không thấy ghé?
Tôi ấp úng không trả lời, một mình bước vào bên trong mà nước mắt vẫn còn nhạt nhòa. Phụng cũng vừa tỉnh giấc, nhìn thấy tình cảnh tôi như thế nó hốt hoảng cầm tay hỏi:
- Sao mày lại khóc như vậy? Có chuyện gì nói cho má và tao nghe thử coi.
Chỉ bấy nhiêu lời đó thôi cũng đủ làm tôi òa khóc nức nở:
- Tao và anh Hai bị người ta đuổi ra khỏi nhà lúc nửa đêm không cho ở nữa, chạy lòng vòng ngoài đường mãi chẳng biết đi đâu tao sực nhớ đến mày nên đến xin ở nhờ qua đêm.
Phụng chưa kịp trả lời thì má của nó đã vồn vã:
- Được rồi, con kêu anh Hai đẩy xe vào nhà đi rồi tắm rửa, nghỉ ngơi cho khỏe, tội nghiệp mày sớm lao đao đến thế.
Người mẹ nhân từ và tốt bụng của bạn tôi thật chân tình và chu đáo, vì sợ làm phiền cả nhà nên tôi xin được đi ngủ ngay, bà lấy chiếu gối rồi dẫn hai anh em tôi vào một căn phòng nhỏ để trống, dặn dò:
- Có gì cần con cứ gọi bác, mọi chuyện để đến mai rồi nói cho bác nghe thử coi có giúp được gì thì giúp.
Đèn tắt, nửa đêm về sáng đất trời yên lặng đến rợn người. Anh Hai nằm xuống đã ngủ, dường như trên đời này chẳng có gì quan trọng đối với anh, cái đầu anh trống rỗng, vô thức nên thản nhiên trước mọi khổ đau, trăn trở của đứa em gái nhỏ, cho dù những khổ đau và trăn trở đó phần lớn là vì yêu thương anh. Còn tôi thì trằn trọc mãi vẫn không thể nào chợp mắt, nỗi buồn tủi cứ trào dâng trong lòng như chực chờ òa vỡ bất cứ lúc nào. Cuộc sống vô cùng màu nhiệm, may mà ngày đó, tôi vẫn còn quá hồn nhiên và đã sớm quen chịu đựng để coi những nỗi bất hạnh của mình là chuyện bình thường, không oán trách, không cần tìm hiểu nguyên nhân, cứ như là lẽ đương nhiên. Nếu tôi sâu sắc và biết nghĩ như bây giờ, có lẽ tôi đã gục ngã, nếu không cũng trở thành một con bệnh tâm thần.
Sáng ra, sau khi mà của Phụng cho anh em tôi điểm tâm xong, bà và Phụng ngồi lắng nghe tôi kể lại những gì mình đã trải qua suốt những năm tháng gần đây. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên nét mặt và đôi mắt của bà đỏ hoe chừng như muốn khóc. Còn Phụng thì cứ đứng sau lưng, ôm choàng lấy hai vai tôi như để chia sẻ phần nào những gian truân mà tôi từng gặp phải. Cuối cùng, tôi nói với bà cho phép anh em tôi ở tạm một vài ngày để tôi có đủ thời gian đi tìm một chỗ ổn định. Bà không những sốt sắng nhận lời mà còn tỏ ra hết lòng giúp đỡ. Bà nói:
- Ở luôn thì bác không hứa, nhưng cứ nhởn nha một vài tháng cũng chẳng sao, tiếc là bác không thể làm gì hơn cho cháu, thôi thì được tới đâu hay tới đó, bác nghe chuyện cháu mà đứt ruột.
Đến lúc này tôi mới hoàn hồn để nhìn kĩ Phụng, bạn tôi giờ đây đã là một thiếu nữ vô cùng duyên dáng, thời gian và sự lớn khôn đã khiến chúng tôi biết giữ ý tứ với nhau. Không như ngày xưa ưng gì nói nấy, ngay cả những lần cải nhau cũng chẳng đứa nào chịu nhịn đứa nào, cứ già mồm tranh nhau phần thắng, xong rồi lại quên ngay, chẳng bao giờ giận nhau đến tiếng đồng hồ. Từ trước tới nay, mãi quay quắt với cuộc sống, tôi chưa hề để ý tới hình thức bên ngoài, mặc ai khen chê, tôi cũng chẳng để tâm. Nhưng bây giờ nhìn Phụng lớn hẳn ra, tôi biết mình cũng đã có nhiều thay đổi. Ví như ngày trước ở quán phở bà Cúc tôi chỉ biết nỗi đau thể xác, giờ đây tôi biết cảm nhận thêm nỗi đau tinh thần và lòng tự ái mà so ra nhiều khi những ngọn roi quất vào hồn còn tê buốt và thấm thía hơn cả quất vào da thịt! Có nghĩa là tôi đã thật sự lớn khôn, đã nghe trống vắng trong tim, đã biết tưởng tượng một hình bóng xa xăm nào đó thật mơ hồ, sương khói.
Ở nhà Phụng, anh Hai vẫn đi-về thất thường chẳng có giờ giấc nào nhất định nên đêm nào tôi cũng thức tới khuya, tắt đèn ngồi trong bóng tối để chờ cửa. Mỗi lần nghe có tiếng động bên ngoài, tôi lại rón rén nhìn qua khe hở coi thử có phải anh hay không. Nếu đúng là anh, tôi nhẹ nhàng từng bước ra mở cửa cố không gây phiền toái cho mọi người khỏi mất giấc ngủ. Ấy vậy mà không ít lần anh Hai về giữa khuya thì má của Phụng lại thức giấc, bà không than phiền một câu nhưng bước ra coi lại cửa nẻo rồi vào ngủ tiếp. Những lần như thế tôi ái ngại vô cùng, thấy như mình vừa gây ra một lỗi lầm nào đó. Lòng tốt nào mà không có hạn, tôi nghỉ phải sớm tìm một nơi tá túc nào khác ổn định và lâu dài hơn, đừng để đến lúc người ta không còn chịu đựng thêm nữa phải tống khứ mình đi thì mất hết tình nghĩa.
Thấm thoát, tôi ở nhà Phụng sắp tròn hai tháng, hai tháng ăn nhờ ở đậu đã làm tôi áy náy từng ngày. Thời gian đi qua nhanh quá, mới đó mà mẹ và các em ra đi đã hơn một năm trời nhưng vẫn chưa thấy liên lạc về, như thế đã là quá lâu. Tôi vẫn nôn nóng chờ tin những người thân yêu từng ngày để rồi đi từ tâm trạng bồn chồn đến lo lắng, nhưng tôi vẫn tin mẹ và các em vẫn bình yên và đang có một cuộc sống ổn định ở đất khách quê người. Cũng có đôi lúc tôi nghĩ, vì tôi không còn ở nhà chị Ngọc Anh nên mẹ có liên lạc về mà không gặp. Chẳng lẽ chị lại cư xử tệ với tôi như thế khi tôi vẫn thường đến thăm chị mỗi tuần và chị vẫn còn giữ tờ đất của tôi, tôi đâu làm gì cho chị buồn để chị giận đến nỗi mẹ liên lạc về mà chị không cho tôi biết. Tôi không tin như thế và xóa sạch ngay những suy nghĩ đó trong đầu với cảm giác mình có lỗi với chị, chẳng qua là mẹ và các em chưa có được cuộc sống ổn định đó thôi. Từ kinh nghiệm ở nhà chị Ngọc Anh, tôi biết mình không thể tiếp tục ở nhờ trong nhà Phụng lâu hơn được nữa, dù má của Phụng vẫn cư xử với anh em tôi rất tốt, nhưng qua cách cư xử hàng ngày, tôi cảm nhận sự mặn mà đã vơi đi ít nhiều. Lòng tốt nào cũng phải có hạn và mình không thể kéo dài sự nhờ vả không biết đến bao giờ, nhất là khi khăn gói đến nhà Phụng, tôi đã nói chỉ xin tá túc một vài ngày, vậy mà giờ đây đã là vài tháng rồi còn gì. Điều này đã khiến tôi luôn cảm thấy ngượng ngùng mỗi lần chạm mặt với những người trong nhà! Vì thế, tôi trở nên giống hệt anh Hai, mới banh mắt ra, đã vội ra khỏi nhà đến tối mịt mới về, đi mà chẳng biết đi đâu, tôi trôi bồng bềnh giữa dòng đời vô định như một đám lục bình trôi giữa dòng sông mà chẳng biết rồi sẽ tấp vào bến bờ nào đây. Tôi chưa đánh mất lòng tự trọng, nhưng chợt hiểu ra rằng đôi khi nghịch cảnh cũng làm người ta bất lực trước những sự việc không nằm trong tầm tay với.
o O o
Tôi đang nóng lòng tìm một chỗ ở mới nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được. Một hôm, trong lòng buồn quá, tôi rảo bước lang thang ra trước Đệ Nhất khách sạn, nơi những kỉ niệm buồn vui còn nguyên trong trí nhớ chưa chút phai mờ. Những lúc buồn, tôi vẫn thường ra đây với hi vọng gặp lại những người quen cũ, nói một vài lời tâm sự cho nhẹ lòng. Tình cờ, chị Sáng, chị Hoa nhìn thấy tôi, cả hai mừng rỡ níu tôi lại cứ như là ruột thịt không bằng. Hai chị hỏi tôi hiện giờ ở đâu? Nghe tôi kể tình cảnh của mình mà hai chị mủi lòng. Cuộc sống quả thật màu nhiệm, cứ mỗi lần đi vào bước đường cùng, tôi luôn gặp được quí nhân trợ giúp. Lần này cũng thế, không đợi tôi ngỏ lời, chị Hoa đã vồn vã một cách chân tình:
- Thôi thì thu xếp về nhà tao ở, phụ giúp chị giữ xe cho người ta, chị em mình đùm bọc lấy nhau mà sống, chứ thấy hoàn cảnh của mày lòng tao cũng xót. Lâu rồi không gặp, cứ tưởng cả nhà mày qua Mỹ gởi tiền về lo cho hai anh em đầy đủ, ai ngờ đâu cớ sự như vầy! Còn thằng Hai dạo này ra sao rồi, căn bệnh tâm thần của nó có đỡ phần nào không?
Nghe chị Hoa nói mà lòng tôi rưng rưng, vừa mừng, vừa tủi, tôi trả lời:
- Anh Hai cũng như thế thôi chị Hoa ơi, may mà anh chẳng quậy phá, la lối gì, về nhà chỉ ngồi yên một chỗ lầm lì suốt ngày, có cạy răng cũng không thèm nói một lời nên cũng đỡ. Có điều mới sáng sớm đã bước ra đường, lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp mãi tới khuya mới về là nằm xuống ngủ khì, ai cho gì ăn nấy, không ai cho thì chịu đói chứ cũng không đòi hỏi.
Chị Sáng còn phụ họa thêm:
- Thằng Hai như thế chỉ khổ thân mày, thôi thì nhà tao với nhà Hoa sát bên nhau, mày ở nhà nào thì ở rồi chạy qua, chạy lại. Về đó còn có con Khanh tha hồ cho hai đứa mày tâm sự, lúc trước chị thấy mày với con Khanh thân nhau lắm mà, nó nhắc mày luôn, cứ ngỡ lúc này mày sung sướng rồi quên hết, nào ngờ cái số mày lận đận, lao đao đến thế, cứ về đấy đi, chừng nào mẹ mày liên lạc về rồi hẳn hay.
Nghe hai chị nói, tôi như trút được gánh nặng trong lòng, muốn xách đồ qua ở ngay nhưng chị Hoa góp ý:
- Sáng mai rồi hẳn qua, chờ đêm nay về nói với nhà bạn cho phải phép. Bề nào mày cũng đã mắc ơn người ta mấy tháng nay rồi thì thêm một đêm nữa có sao đâu, chớ đi vội vàng như thế coi làm sao đặng.
Lời chị Hoa quả thật chí lý, gia đình Phụng đối với tôi quá tốt khác nào như bát nước đầy. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng, coi như tạm thời giải được bài toán nan giải. Không hiểu tại sao tôi linh tính có thể tá túc lâu dài ở nhà chị Hoa, chị Sáng. Hôm đó, tôi về sớm hơn mọi ngày, khi nắng chiều còn thoi thóp và hoàng hôn vừa buông xuống phố phường. Mới bước vào nhà, tôi nói với Phụng ngay:
- Ngày mai, anh em tao xin phép má dọn đi chỗ khác ở, cám ơn má và mày đã giúp đỡ tao quá nhiều.
Không cản lời tôi, nhưng Phụng cũng tỏ ra quan tâm:
- Lát nữa mày nói với má. Mày dọn đi đâu có xa không? Nhớ lâu lâu ghé nhà tao chơi nhá!
- Ừ, tao phải nói với má là cái chắc, anh em tao qua ở nhờ nhà hai chị bán thuốc lá cùng với tao lúc trước, nhà họ ở khu tập thể gần Đệ Nhất khách sạn, trước phòng thuế quận Tân Bình, gần đây thôi mà.
Tối đến, chẳng biết vì sao tôi cứ ấp úng mãi vẫn chưa thể thưa chuyện với má Phụng nên phải nhờ Phụng mở lời:
- Má ơi, ngày mai con Phượng và anh nó dọn đi ở chỗ khác.
Chỉ đợi có thế, tôi vào đề ngay:
- Ngày mai xin phép bác cho anh em con dọn sang nhà người quen bên Đệ Nhất khách sạn. Con cám ơn bác đã cho con ở nhờ hai tháng, hôm đó nếu bác không cho vô nhà, con chẳng biết phải đi đâu. Con cám ơn bác nhiều lắm.
Bà già giương mắt nhìn tôi, đôi mắt chẳng biểu lộ chút vui buồn nào cả. Bà nói:
- Được thôi, bác mừng con có chỗ cố định chứ nhà bác thì chỉ ở tạm một thời gian thôi. Khi nào khó khăn, con cứ ghé lại, bác giúp được gì thì giúp, bác coi con cũng giống như Phụng thôi, bao giờ có tin tức má cháu nhớ báo cho bác biết để bác mừng.
Mọi việc coi như ổn thỏa, nói được với má của Phụng vài lời như thế, tôi nghe lòng nhẹ nhõm vô cùng. Tôi trở ra nhà trước gom hết đồ dùng, quần áo, tất cả tài sản của hai anh em chưa đầy một cái túi ni-lông, xong rồi chẳng biết làm gì tôi nằm thao thức mãi vẫn không chợp mắt. Nửa khuya, anh Hai về, tôi rón rén mở cửa rồi nói nhỏ vào tai anh rằng ngày mai sẽ đi nơi khác. Anh nghe nhưng chẳng buồn nói một lời, cũng chẳng hề biểu lộ cảm xúc nào cả mà lẳng lặng để nguyên áo quần thốc thếch, bụi bặm nằm xuống ngủ liền. Với anh thì ở đâu cũng thế, sống chết, đói no cũng chẳng nghĩa gì, bản thân anh còn chẳng thiết nữa là! Tôi mong cho trời mau sáng, càng nôn nóng đêm càng trở nên dài lê thê. Một đêm thức trắng, khi ánh sáng lờ mờ của một ngày mới xuyên qua khe hở cửa sổ, tôi đã vội vàng ngồi dậy nhưng chợt nhớ ra cả nhà còn đang yên giấc nên đành ngồi dựa lưng vào vách tường chờ đợi. Anh Hai vẫn ngủ say, nhìn anh gầy gò, hốc hác mà lòng tôi đau như cắt. Chỉ chờ nghe tiếng má của Phụng kêu nó dậy chuẩn bị đi học là tôi cũng vội vàng đánh thức anh Hai ngay. Tôi bước xuống nhà dưới đánh răng, rửa mặt cùng lúc với Phụng, tôi nói với nó lát nữa tôi đi rồi lên nhà chào từ biệt má nó. Lúc này, tôi nhìn nét mặt bà thoáng chút xót xa, bà nói:
- Ừ, cháu đi mạnh khỏe, ổn định chỗ ở rồi cho bác biết, nhớ chăm sóc anh Hai mày cẩn thận chớ để nó đi lang thang mãi như vậy có ngày thất lạc luôn thì uổng công mày.
Phụng đẩy cửa đi học, anh em tôi cũng đẩy xe gắn máy ra khỏi nhà, chúng tôi nhìn nhau vẫy tay chào mà nghe lòng thoáng chút buồn. Bỏ túi đồ phía trước, tôi chở anh Hai vòng qua Đệ Nhất khách sạn tới nhà chị Hoa, chị Sáng. Đó là khu tập thể quân đội chỉ có năm, ba hộ nằm đối diện với phòng thuế quận Tân Bình nên chị Hoa bỏ nghề bán thuốc lá từ lâu chuyển qua làm công việc giữ xe cho khách đến liên hệ với phòng thuế. Bên cạnh đó là quán cà phê bình dân của chị Sáng, xem ra chị có duyên buôn bán nên cũng đông khách, mới banh mắt ra đã có những người lao động chân tay như thợ hồ, chạy xe ba gác, xe ôm…tìm đến uống ly cà phê đầu ngày. Tôi cảm thấy vô cùng ấm áp khi được vợ chồng chị Hoa và vợ chồng chị Sáng đón tiếp một cách niềm nở, chẳng khác nào đối với một người ruột thịt đi xa lâu ngày mới về. Nhất là Khanh, nó ôm chầm lấy tôi như không muốn buông ra, tôi chưa kịp nói lời nào nó đã vồn vã:
- Về đây ở với tao đi, lâu quá không gặp, tao nhớ mày lắm.
Tôi nghe lòng rộn rã niềm vui. Mọi người ai cũng tỏ ra tử tế với tôi, anh Hoa chồng chị Hoa gốc gác Nam bộ, còn anh Đáp chồng chị Sáng lại là người miền Bắc chánh hiệu, cả hai đều là những người lính đang phục vụ tại Quân khu 7 đã đi qua chiến tranh một thời trai trẻ. Họ vừa là đồng đội, vừa là láng giềng, tuy không là ruột thịt nhưng cư xử với nhau như bát nước đầy. Hai người đàn ông trụ cột trong hai gia đình này có một tấm lòng nhân ái, họ sống chân thật lắm, sợ tôi ngại ngùng nên luôn nhắc nhở cứ coi nhau như ruột thịt trong nhà, có gì ăn nấy, muốn ăn nhà nào thì ăn, rỗi rảnh phụ giúp chị Hoa trông xe và cùng Khanh phụ chị Sáng bán cà phê, anh em tôi chẳng phải tốn đồng xu cắc bạc nào hết. Mới vào nhà ngồi chưa ấm chỗ, anh Hai đã lặn mất tăm làm tôi hết sức lo lắng. Đã đành với anh chuyện lang thang suốt ngày như thế đã trở nên quá bình thường, hôm nào anh chịu ở nhà mới là lạ. Được cái tuy ốm yếu, gầy gò nhưng anh quen cái dầm mưa, dãi nắng nên chẳng bao giờ đau ốm, chỉ nhứt đầu, sổ mũi qua loa, đúng là trời sinh, trời dưỡng. Nhưng mới chân ướt, chân ráo về đây, ngỏ ngách còn lạ biết anh có nhớ đường về hay không. Ấy vậy mà hôm đó anh lại về sớm hơn mọi ngày, chị Hoa hỏi anh có đói bụng không? Anh không trả lời mà chỉ gật đầu. Tôi giục anh ra tắm và lấy đồ cho anh thay, xong rồi xuống bếp xúc cho anh một tô cơm nguội. Anh ăn hết tô cơm một cách ngon lành, chưa kịp uống nước đã vội lăn đùng ra ngủ. Nhà anh chị Hoa không rộng cho lắm nhưng sạch sẽ và gọn gàng, ngăn nắp. Ở đây, tôi không còn lạc lõng, cô đơn bởi lúc nào cũng có chị Hoa, chị Sáng và Khanh bên cạnh, cảm giác mình được bao bọc chở che sao mà ngất ngây đến thế. Đêm, tôi với Khanh nằm bên nhau thì thẫm mãi vẫn không hết chuyện. Chúng tôi ôn lại kỉ niệm những ngày ôm thùng thuốc lá đi rong, nhắc tới thằng Hùng, con Thúy bằng tất cả nhớ thương. Chẳng biết giờ này hai đứa nó lưu lạc đến phương trời nào, con nhà nghèo có khác chi đám lục bình trôi nổi trên sông theo con nước lớn, nước ròng, biết đâu mà định hướng cuộc đời. Tôi thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay, một giấc ngủ êm đềm thật bình yên mà lâu lắm rồi mới có được. Hạnh phúc của những kẻ lầm than thật đơn sơ nhưng cũng chẳng dễ dàng tìm kiếm.
Sáng ra, tôi và Khanh thức dậy thật sớm nấu nước để chuẩn bị mở cửa bán cà phê, công việc chẳng có gì nặng nhọc vậy mà chị Sáng cũng giành làm gần hết. Người khách đầu tiên bước vào quán là một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần, màu da sạm nắng, râu rỉa lởm chởm trông thật khắc khổ. Chưa kịp ngồi xuống ghế và cũng chẳng đợi ai hỏi han, ông ta đã hướng về phía chị Sáng đang lui hui pha chế lớn tiếng:
- Cho qua một cà phê đen, pha thật đậm, ít đường như mọi bữa.
Đứng chờ bưng cà phê ra cho ông khách mở hàng, nhìn nụ cười tươi tỉnh của chị Sáng, Khanh nói với tôi:
- Chị Sáng đang vui, hôm nào ông này mở hàng cũng đông khách, bán mệt nghỉ từ sáng cho đến chiều.
Tôi hỏi Khanh:
- Mày tin không?
- Tin, mười lần y một chục, mày thử coi hôm nay là biết liền.
Hỏi cho có chuyện thế thôi chứ tôi thừa kinh nghiệm chuyện này từ quán phở bà Cúc, bà ta tin đến độ mê tín. Bà Cúc sợ nhất là lão chủ mấy cái bàn bi-da ở trong xóm, hôm nào lão ta mở hàng là y rằng quán vắng như chùa bà đanh, vì thế mà thấy mặt lão là bà ta cứ luôn miệng mắng chó chửi mèo. Bà Cúc sốt ruột đến độ không chờ lão ta ăn xong, bà đã vội lấy tờ báo cũ đốt phong long, rồi cố tình nói thật lớn:
- Cô hồn các đảng, yêu ma xui xẻo mau biến ra khỏi quán để cho tôi còn làm ăn.
Dường như lão ta cũng biết bà Cúc muốn nhắm vào ai nên cố tình chơi khăm, mỗi tuần ra sớm mở hàng đến ba, bốn lần khiến bà Cúc không còn nhịn nổi, bà nói thẳng với lão như van xin:
- Chả dấu gì bác, hình như tuổi em với tuổi bác xung khắc làm sao đó mà ngày nào bác mở hàng thì cứ như quán phở của em ế ẩm vô cùng. Em xin bác thông cảm, tự hậu bác ra muộn một tí cho em nhờ. Được bác chiếu cố em vô cùng cám ơn nhưng bác nhiệt tình quá nên em cũng kẹt.
Dĩ nhiên, nghe bà Cúc nói, lão ta chẳng vui vẻ gì, hầm hầm bước ra khỏi quán và từ đó chẳng thấy lão trở lại thêm lần nào nữa.
Quả như lời Khanh, hôm đó khách đến uống cà phê đông hơn mọi ngày rất nhiều, đến bữa cơm trưa chị Sáng vui vẻ nói với cả nhà:
- Con Phượng có duyên buôn bán lắm, mới tới mà khách khứa đã vô ra tấp nập. Hồi trước đi bán thuốc lá cũng thế, bữa nào đứa nào ế thì ế chứ nó cũng bán được hơn người ta hết thảy.
Tôi nghe cũng thấy vui trong lòng. Cơm nước xong, tôi vội chạy ra bãi giữ xe trước nhà ngồi trông thế cho chị Hoa vào ngã lưng vài tiếng đồng hồ. Tôi nói:
- Chị Hoa vào ăn cơm rồi nghỉ ngơi một lát cho khỏe, để em giữ xe phụ cho.
Giờ này bãi xe chỉ còn le hoe năm, ba chiếc nhưng chị Hoa vẫn rất cẩn thận, vừa cười, vừa nói:
- Mày bán thuốc lá thì giỏi chứ giữ xe thì chưa quen đâu, mất xe người ta là sạt nghiệp như chơi. Để chị xới một tô cơm ra đây ngồi ăn với em rồi chị chỉ cho cách ghi phiếu, xé phiếu, trả xe, thu tiền cho thành thạo rồi mới thế chị được. Ở đây chẳng có nhiều xe, lúc nhiều nhất cũng chỉ vài, ba chục chiếc là cùng, đa phần là khách đến làm việc với phòng thuế nên cứ lai rai suốt ngày kéo dài cho đến năm giờ chiều, phòng thuế hết giờ làm việc là mình cũng rảnh.
Chỉ một vài hôm là tôi đã quen thuộc với công việc phụ bán cà phê cho chị Sáng và phụ giữ xe cho chị Hoa. Tôi sung sướng vì sự hiện diện của mình cũng đỡ đần cho hai chị được phần nào. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ở đây tôi luôn thấy an lòng vì chẳng có ai lấy làm khó chịu với việc đi sớm, về khuya, ăn ngủ thất thường của anh Hai. Không những thế, mọi người còn tỏ ra quan tâm tới anh trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều khi họ còn cười đùa vui vẻ trước một hành động ngô nghê nào đó của anh, cho dù hành động đó ít nhiều cũng làm phiền đến họ.
Nghĩa là mọi thành viên trong hai gia đình này sống rất chan hòa và tràn đầy tình cảm với anh em tôi. Đó là khoảng thời gian tôi sống mà không còn sợ hãi những bất trắc sẽ ập xuống đời mình bất cứ lúc nào. Đêm với tôi không còn trơ trọi trong những ám ảnh đen tối về cơm áo, ngày mai. Mỗi chiều, khi bãi giữ xe đã vắng, quán cà phê vừa dọn dẹp xong là tôi với Khanh lại xách xe máy chạy rong như thuở nào trên chiếc xe đạp đòn giông. Chúng tôi qua rồi thời trẻ con và đã trở thành thiếu nữ lâu rồi mà mình cũng chẳng hay. Giờ đây, tôi chẳng mong ước gì hơn được sống những ngày tháng đơn sơ, bình yên như thế này mãi.
Thời gian qua đi thật nhanh, từng ngày, từng tháng nối tiếp nhau lùi vào qua khứ, tôi đã ở nhà chị Hoa, chị Sáng hơn một năm và mẹ ra đi đã mấy năm rồi mà vẫn chưa thấy tin về. Sốt ruột, thỉnh thoảng tôi quay về xóm cũ, căn nhà xưa tìm hỏi một vài người bạn của mẹ thử xem mẹ có liên lạc với họ hay không, nhưng tất cả đều lắc đầu. Tôi cũng thường lên nhà chị Ngọc Anh trên đường Lạc Long Quân thăm dò coi có động tĩnh gì không, nhưng chị cũng mù tịt. Vài lần tôi hỏi chị cái tờ giấy tay bán đất mà chị giữ của tôi có còn không, thì chị tỏ ra ấp úng có vẻ như cố tình lãng tránh. Nhưng tôi chưa cần đến nó, tôi chỉ cần mẹ, cần em. Nhiều lần suy nghĩ bâng quơ, hay là có điều gì đó không may đã xảy ra cho mẹ và các em, tôi lại úp mặt khóc rưng rức trong lòng hai bàn tay. Nếu không thì lẽ nào mẹ và các em lại bỏ mặc tôi với anh Hai bơ vơ giữa cuộc đời như thế này. Tôi không cần giàu có, không cần sự nhàn hạ cho thân mình mà cần tình yêu thương của mẹ, của các em. May mà tôi gặp được chị Hoa, chị Sáng, con Khanh. Tôi cơ cực quá, cơ cực cả thể xác lẫn tinh thần! Từ lúc mẹ đi đến giờ, chỉ ở đây tôi mới được cười, được khóc thỏa thuê, chứ ở nơi khác thì phải tự mình kiềm chế, không để cho người ta bực bội, vả lại đâu có ai quan tâm, chia sẻ vui buồn với mình bằng cả tấm lòng đâu mà khóc với cười.
Thú thật vào thời điểm đó cũng có một vài chàng trai săn đón và buông lời tỏ tình với tôi nhưng tôi chưa biết yêu đương nên chẳng hề quan tâm, ngoại trừ sự thẹn thùng và một chút cảm giác là lạ. Tôi chỉ có một niềm hi vọng duy nhất để sống và chờ đợi là mẹ và các em, nếu không có lẽ tôi đã không còn đủ nghị lực để sống với một chút niềm tin ở ngày mai, chút niềm tin tưởng chừng như sẽ tắt theo ngày tháng mỏi mòn.
Hạt Bụi Còn Vương Hạt Bụi Còn Vương - Ngô Thị Bích Phượng Hạt Bụi Còn Vương