The secret of getting ahead is getting started. The secret of getting started is breaking your complex overwhelming tasks into small manageable tasks, and then starting on the first one.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Tác giả: Thor Heyerdahl​
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: Kon Tiki​
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2762 / 84
Cập nhật: 2017-05-20 08:58:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 - Truyền Thuyết Về Công Ti-Ki
ôi khi ta tự thấy mình ở trong một hoàn cảnh kỳ quặc và dần dần bị lôi cuốn một cách tự nhiên vào hoàn cảnh đó. Nhưng khi đã lao sâu vào bất chợt ta không khỏi ngạc nhiên và vấn đề đặt ra là tìm hiểu vì sao sự việc đã diễn ra lạ lùng đến như vậy. Chẳng hạn, nếu anh đi trên một cái bè với một con vẹt và năm bạn đồng hành, thế nào cũng có lần anh thức giấc trong một buổi sáng đẹp trời, giữa biển cả mênh mông, có thể sảng khoái hơn thường lệ và anh trầm ngâm suy nghĩ. Chính trong một buổi sớm mai đó, trong quyển nhật ký còn ẩm hơi sương của tàu biển, tôi đã ghi lại: "17 tháng 5, ngày độc lập của Na Uy. Biển mênh mông. Gió lộng. Hôm nay phiên tôi làm cấp dưỡng và bắt được bảy con cá bay nằm trong khoang bè, một con mực trên nóc ca-bin và một con cá lạ ở trong túi ngủ của Toóc-xten".
Đến đây tôi ngừng bút và vài ý nghĩ thoáng qua trong óc: “Cái ngày 17 tháng 5 này mới kỳ quặc làm sao! Một cuộc sống bất thường về mọi mặt. Câu chuyện bắt đầu như thế nào nhỉ?”. Quay sang trái, trước mắt tôi biển xanh bao la với những đợt sóng tung bọt trắng xóa cuồn cuộn đuổi theo nhau không ngừng về phía chân trời xa tít mù tắp như đang chạy trốn. Quay sang phải, trong ca-bin, một anh chàng nằm ngửa, râu ria lởm chởm đang đọc Gớt. Những ngón chân anh ta khoan khoái thọc vào khe mái bằng tre thưa thớt của chiếc ca-bin chật hẹp, nơi ở chung của chúng tôi. Lấy chân gạt con vẹt xanh lăm le đậu lên quyển nhật ký, tôi gọi:
- Này Ben. Nói có trời, cậu có thể cho mình biết cái gì đã thúc đẩy chúng ta tiến hành công việc này không?
Anh chàng hạ quyển sách của Gớt xuống dưới bộ râu cằm hung hung vàng óng và trả lời:
- Rõ chán! Cậu biết điều đó hơn mình vì chính cậu là người đề xuất ý kiến đáng nguyền rủa đó. Nhưng dù sao mình vẫn cho ý kiến đó thật là tuyệt.
Đưa ngón chân lên cao hơn, trên khe nẹp của mái ca-bin, anh ta lại bình thản đọc tiếp tác phẩm của Gớt. Phía trước ca-bin, trên mặt sàn bằng tre, ba bạn khác đang làm việc dưới ánh nắng như thiêu như đốt. Họ đều mình trần, da sạm nắng, râu rậm, lưng nhễ nhại mồ hôi. Họ có vẻ như chưa bao giờ làm việc nào khác hơn là lênh đênh trên một cái bè theo hướng tây vượt qua Thái Bình Dương. E-rích, tay cầm loại thước đo các vì sao để biết hướng đi (còn gọi là thước lục phân) và một bó giấy, bò vào ca-bin.
- Chúng ta đang ở vị trí kinh tuyến 98 độ 46 phút tây, 2 phút nam. Các cậu ơi! Như vậy là hành trình của chúng ta ngày hôm qua đi khá đấy chứ!
Cầm cây bút chì của tôi, E-rích vẽ lên bản đồ treo trên vách tre một vòng tròn nhỏ, cuối một chuỗi 19 vòng tròn nhỏ khác tạo thành một đường cong mà điểm xuất phát là Ca-lao, hải cảng của Pê-ru. Héc-man, Nút và Toóc-xten cùng bò vào để quan sát vòng tròn nhỏ mới vẽ. Hình tròn này so với hình tròn trước cho thấy chúng tôi đã tiến gần những đảo của Thái Bình Dương được bốn mươi hải lý.
- Các cậu xem này! Giờ đây chúng ta cách bờ biển Pê-ru 1570 km.
Héc-man kiêu hãnh nói. Nút nhận xét một cách có lý:
- Chúng ta còn phải vượt 6430 km nữa để tới những hòn đảo gần nhất.
Toóc-xten thêm vào:
- Nói cho thật chính xác chúng ta đang ở cách đáy biển 5000 mét và ở dưới mặt trăng bằng một số sải tay.
Bây giờ chúng tôi đều rõ hiện đang ở vị trí nào trên biển và tôi có thể tự hỏi mình tại sao tại sao chúng tôi lại ở đây. Con vẹt xanh ít chú ý điều đó. Điều nó thích thú là được đậu trên quyển nhật ký. Trong khi đó, biển vẫn trải tròn mênh mông bao la khoảng trời. Màu xanh nước biển như chọi với màu xanh của trời. Phải chăng có thể mọi việc đã bắt đầu vào mùa đông trước tại văn phòng một viện bảo tàng ở Niu-oóc hay có thể là mười năm trước nữa trên một hòn đảo nhỏ của quần đảo Mác-ki-dơ nằm giữa Thái Bình Dương. Nếu như gió mùa đông bắc đẩy chúng tôi quá về hướng nam, biết đâu chúng tôi sẽ cập bến hòn đảo nhỏ ấy hay về phía đảo Ta-hi-ti và quần đảo Tu-a-mô-tu. Tôi hình dung lại rất rõ hòn đảo nhỏ với những dãy núi màu xám xịt lởm chởm với rừng xanh tỏa theo sườn núi đến tận biển và những hàng dừa mảnh dẻ trên bờ biển đang đu đưa trong gió. Hòn đảo nhỏ đó là Pha-tuy-hi-va. Từ đảo đó đến chỗ chúng tôi đang lênh đênh trong không gian không có đất liền này ít nhất cũng hàng nghìn hải lý. Trong óc đã gợi lại hình ảnh thung lũng nhỏ hẹp U-i-a, nơi nó tỏa ra biển cả và nhớ rất rõ mỗi buổi chiều từ bãi biển hoang vu, chúng tôi ngồi ngắm đại dương bao la vô tận ấy như thế nào. Hồi ấy, tôi cùng đi với vợ tôi chứ không chung đụng với lũ quỉ rậm râu như ngày nay. Chúng tôi sưu tầm đủ loại động vật, những tượng quí và những di tích khác của một nền văn hóa thời cổ xưa đã suy tàn. Đặc biệt tôi nhớ lại một buổi tối và không thể tin rằng thế giới văn minh hình như là hư ảo và xa lạ; chúng tôi đã sống gần một năm trên đảo mà chỉ có chúng tôi duy nhất là người da trắng. Tự nguyện từ bỏ mọi lợi ích và nỗi đau khổ của cuộc sống văn minh, chúng tôi sống trên một cái chòi do chúng tôi tự làm dưới bóng những rặng dừa trên bờ biển, sinh sống bằng những thứ mà rừng nhiệt đới và Thái Bình Dương có thể cung cấp cho chúng tôi.
Qua cái trường học gian khổ nhưng hiệu quả ấy, chúng tôi đã thu thập được một số kiến thức về những vấn đề kỳ lạ của Thái Bình Dương. Tôi cho rằng về mặt vật chất và tinh thần, chúng tôi đã lần theo dấu vết của những người cổ xưa đầu tiên, từ một xứ sở xa lạ nào đó đã đi đến các đảo này. Và tiếp đó những con cháu họ, người Pô-li-nê-di đã sinh sống bình yên trên đảo cho đến ngày những người cùng màu da trắng như chúng tôi đã xuất hiện đổ bộ lên quần đảo, một tay cầm kinh thánh, tay kia cầm thuốc nổ và rượu mạnh. Tối hôm đó như biết bao lần trước, chúng tôi ngồi trên bãi cát dưới ánh trăng vằng vặc nhìn ra biển. Tỉnh táo và hòa mình trong cảnh thần tiên bao quanh mình, chúng tôi không bỏ qua một cảm xúc nào: vừa hít thở hương thơm của rừng rậm, mùi nồng mặn từ biển cả, vừa lắng nghe tiếng gió xào xạc thổi trên những ngọn dừa. Tiếng gió bị lấp đi bởi tiếng gầm vang rất đều đặn của những ngọn sóng cả từ ngoài khơi tràn vào bờ, xô vào vách đá lấp lánh và tung lên như núi lở. Sau đó trở lại im lặng khi sóng bể rút ra để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào bờ biển gan góc cứng rắn. Vợ tôi nói:
- Thật lạ, ở phía bờ bên kia đảo không bao giờ có những ngọn sóng này.
Tôi trả lời:
- Không, vì chúng ta ở chỗ quay ra phía có gió thổi.
Cứ như vậy chúng tôi ngồi ngắm biển. Biển như muốn khẳng định là từ hướng đông đến, phải từ hướng đông, hướng đông. Đó là cơn gió đông muôn thuở vượt qua chân trời làm xáo động sóng biển, khoét sâu xuống và cuốn những làn sóng đến các đảo ấy mà chúng tấn công không ngừng để cuối cùng tan đi, khi chạm những vách đá và đá ngầm. Còn gió thì vượt qua bờ biển, qua rừng, qua núi, tiếp tục cuộc hành trình qua các đảo về hướng tây, phía mặt trời lặn... Biển cả và những đám mây ngay từ ngày sơ khai vẫn đi theo hướng đó như vậy. Những người đầu tiên đặt chân lên những hòn đảo này cũng biết rõ điều đó. Ngay cả chim muông và côn trùng cũng hiểu như vậy. Cỏ cây trên đảo cũng bị sự kiện này chi phối. Và chính bản thân chúng tôi cũng biết rằng ở xa, xa tít phía bên kia chân trời, ở tận phía đông nơi đang có những đám mây hiện ra, cách đây 8000 km, là bờ biển Nam Mỹ, mà giữa chúng tôi với bờ biển ấy chỉ là biển cả mênh mông. Vừa nhìn mây trôi và mặt biển cuộn sóng dưới ánh trăng, chúng tôi ngồi nghe một cụ già, mình trần, ngồi xổm trước mặt chúng tôi, đang gây đống lửa để giữ lại ánh sáng mờ dần của một ngọn lửa gần tàn. Ông già chậm rãi nói:
- Ti-ki xưa kia vừa là thần vừa là một thủ lĩnh. Chính Ti-ki là người đã đưa tổ tiên tôi đến những đảo này mà chúng tôi hiện đang sinh sống. Trước kia tổ tiên chúng tôi sinh sống ở một xứ sở lớn phía ngoài biển cả.
Ông già lấy que cời đống than cho lửa khỏi tắt ngấm. Ông trầm ngâm suy nghĩ. Ông thấy như mình đang sống trong quá khứ mà biết bao kỷ niệm đã gắn bó với ông, ông tôn sùng thờ phụng tổ tiên ông và biết rõ công trạng của họ từ thời các vị thần thánh xa xưa, và ông đang chờ ngày về với họ. Ông già Tây-tê-tu-a đó là người độc nhất còn sống ở những bộ lạc đã diệt vong, ở bờ biển phía đông Pha-tuy-hi-va này. Ông không rõ mình đã bao nhiêu tuổi, nhưng da ông răn reo, râu đen như vỏ cây, dường như đã khô cằn với nắng gió hàng thế kỷ. Chắc chắn ông là một trong số ít dân ở các đảo này, nhớ những truyền thuyết đã được cha ông kể lại về Ti-ki, vị thần và thủ lĩnh của Pô-li-nê-di, là người con của mặt trời và vẫn còn tin chuyện đó.
Đêm đó, nằm trên chiếc chòi nhỏ bé, câu chuyện kể của ông già Tây-tê-tu-a về Ti-ki và xứ sở đầu tiên của thổ dân trên đảo cứ ám ảnh chúng tôi. Từ xa, tiếng ầm vang dội của sóng trào làm cho tôi tưởng như tiếng nói của thời xa xưa có điều gì đang muốn kể lại. Tôi không thể nào chợp mắt được. Đối với tôi, vào lúc này, ý niệm về thời gian như không còn nữa và tôi tưởng như Ti-ki và các bạn của ông, lần đầu tiên đổ bộ lên bờ biển này, ở ngay dưới chỗ chúng tôi ở. Tôi nảy ra ý nghĩ và hỏi vợ tôi:
- Em có thấy ở khu rừng trên cao kia những hình tượng lớn bằng đá của Ti-ki mà kiểu cách rất giống những tảng đá khổng lồ được người xưa đục đẽo hiện còn thấy ở Nam Mỹ, vết tích còn lại của những nền văn minh đã suy tàn không?
Tôi có cảm giác như nghe thấy tiếng rì rầm tán thưởng của những đợt sóng bể đập vào đá rồi lại từ từ rút ra. Rồi tôi ngủ thiếp đi.
Có thể một loạt các sự kiện đã bắt đầu như vậy, hay nói cho đúng, đã xảy ra để cuối cùng dẫn đến việc sáu người chúng tôi cùng chú vẹt xanh lênh đênh trên chiếc bè ở ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ. Tôi còn nhớ khi trở về Na Uy, tôi đã làm cho cha mẹ tôi bực mình và mẹ tôi sửng sốt như thế nào khi tôi đem tặng cho bảo tàng động vật của trường đại học Tổng Hợp những bình đựng các loại bọ dừa và cá, nghiên cứu động vật để chuyển sang nghiên cứu về các bộ tộc nguyên thủy. Những điều bí ẩn của Thái Bình Dương mà đến nay chưa ai giải thích nổi làm cho tôi say mê. Tất cả điều đó phải có sự giải đáp hợp lý và tôi tự xác định hướng đi là tìm hiểu về nhân vật truyền thuyết Ti-ki. Trong những năm sau đó, âm vang của sóng dội vào đá, những di tích của rừng núi hoang vu đã như một giấc mơ xa xôi trong tiềm thức tôi, như bổ khuyết thêm cho việc nghiên cứu về những bộ lạc ở Thái Bình Dương.
Thật vô ích nếu muốn diễn đạt lại tư tưởng và hành động của người cổ xưa mà chỉ thông qua kiến thức sách vở và những cuộc tham quan ở viện bảo tàng. Ở thời đại chúng ta, điều này lại càng không thể thực hiện được đối với người thám hiểm muốn đạt tới nhiều lĩnh vực mà vẻn vẹn sử dụng một phương tiện: đó là giá sách để nghiên cứu. Những tác phẩm khoa học, báo chí ở thời kỳ những nhà thám hiểm đầu tiên và biết bao nhiêu thứ sưu tầm để tại các viện bảo tàng của châu Âu và châu Mỹ đã cung cấp cho tôi khá nhiều chất liệu. Sau việc phát hiện ra châu Mỹ, kể từ khi người da trắng đặt chân lên những hòn đảo của Thái Bình Dương, nhiều nhà bác học thuộc đủ mọi ngành, hầu như đã sưu tầm được rất nhiều điều về những người dân sinh sống ở các vùng biển phương nam cùng các dân tộc ở vùng quanh đó. Nhưng không một ai đi đến thống nhất nhận định về nguồn gốc những người dân đã sinh sống trên những hòn đảo tách biệt nhau, ở phía đông Thái Bình Dương, ngay cả nguyên nhân tại sao chỉ có họ ở vùng này. Khi những nhà thám hiểm châu Âu đi qua đại dương này, lớn nhất trong các đại dương, họ đã phát hiện ở giữa vùng này rất nhiều đảo nhỏ đầy núi nhấp nhô cùng những dải san hô. Những vùng biển rộng tách rời chúng với nhau và giữa chúng với thế giới bên ngoài. Đảo nào cũng có người ở từ lâu, trước khi các nhà thám hiểm châu Âu đặt chân tới đó. Khi tới đảo, các nhà thám hiểm đã được các thổ dân, vóc người cao, khỏe, đẹp chờ đón họ trên bờ cùng với tặng phẩm như lợn, gà và chó. Họ gốc từ đâu đi đến đây?
Không một dân tộc nào hiểu tiếng nói họ. Tự phong cho mình là những nhà khám phá ra các đảo, những người da trắng đã thấy trên những đảo có thể ở được, những ruộng được cày cấy, những làng mạc có đền thờ. Họ còn thấy ở một vài hòn đảo những kim tự tháp cổ xưa, những con đường được lát đá và những tượng đá cao bằng tòa nhà bốn tầng. Nhưng sự giải thích về bí ẩn trên đều thiếu. Họ nguồn gốc nào và từ đâu tới đây? Có thể nói không sợ lầm lẫn rằng những lời giải đáp về các điều bí ẩn đó cũng khá nhiều như những sách vở đã đề cập đến chúng. Nhiều nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác nhau đã đưa ra nhiều giải đáp. Nhưng sau đó các điều khẳng định của họ đều bị các bằng chứng của các chuyên gia làm việc trong các ngành khác bác bỏ. Người ta đã lần lượt cho rằng xứ sở gốc của người Pô-li-nê-di là Ma-lai-xi-a, ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, ả Rập, Ai Cập, Cô-ca-dơ vùng đông nam nước Nga, Đại Tây Dương, thậm chí cả nước Đức và Na Uy nữa. Nhưng mỗi lần đề cập tới lại xuất hiện một vài mâu thuẫn quáết định, không vượt qua được và vấn đề lại phải đem ra xét lại. Và chỗ nào mà khoa học phải bó tay thì ở đó trí tưởng tượng lại nảy sinh. Những khối đá có hình tượng huyền bí và những vết tích lạ khác, hiện có ở đảo Pa-cơ, một hòn đảo gần nhất và bờ biển châu Mỹ, là đề tài nảy sinh ra đủ loại giả thuyết. Nhiều người cho rằng các vật tìm thấy ở đảo Pa-cơ về nhiều mặt có liên quan đến những vết tích của nền văn minh tiền sử Nam Mỹ. Phải chăng trước đây đã có một dải đất nối liền chúng với nhau mà nay đã chìm sâu dưới đại dương? Phải chăng đảo Pa-cơ và các hòn đảo khác của Thái Bình Dương có những di tích tương tự đều là dấu vết còn lại của một lục địa đã chìm sâu xuống đáy biển? Thuyết này xem ra có thể chấp nhận được, nhất là đối với những người ngoài cuộc. Nhưng các nhà địa chất và bác học khác thì họ lại không coi trọng ý kiến đó. Qua việc nghiên cứu các loài ốc và côn trùng trên những đảo ở Thái Bình Dương, các nhà động vật học đã chứng minh rõ là, từ khi có lịch sử nhân loại những hòn đảo đó hoàn toàn cách xa nhau cũng như xa các lục địa quanh đó như hiện nay. Như vậy chúng ta có thể biết một cách chắc chắn là nguồn gốc khởi thủy của người dân trên đảo Pô-li-nê-di vào một thời kỳ nào đó, dù muốn hay không, họ đã dùng bè, mảng để đến, hoặc bị trôi giạt vào những hòn đảo hẻo lánh này.
Ngắm kỹ thổ dân trên đảo, ta không thể nghĩ rằng họ có mặt ở đây từ rất nhiều thế kỷ nay. Mặc dù dân Pô-li-nê-di sống rải rác trên một vùng biển mênh mông lớn hơn bốn lần diện tích toàn châu âu, trên các hòn đảo khác nhau, họ vẫn sử dụng chung một tiếng nói. Từ đảo Ha-oai ở phía bắc đến quần đảo Tân Tây Lan ở phía Nam, từ Xa-moa ở phía đông đến đảo Pa-cơ ở phía tây cách nhau hàng nghìn hải lý, tất cả những bộ lạc sống rải rác đó nói các thổ ngữ cùng một ngôn ngữ gốc mà chúng ta gọi là tiếng Pô-li-nê-di. Không nơi nào có chữ viết, trừ một vài bản khắc gỗ chữ tượng hình khó hiểu mà thổ dân đảo Pa-cơ còn giữ lại được, dù không một ai và ngay cả bản thân họ nữa cũng không sao hiểu nổi. Thế nhưng họ lại có những trường lớp mà môn học chủ yếu là lịch sử giảng dạy bằng thơ ca. Ở Pô-li-nê-di, lịch sử cũng ngang như tín ngưỡng. Họ thờ cúng tổ tiên và sùng cái các thủ lĩnh đã qua đời từ thời Ti-ki và họ coi là con của mặt trời. Hầu như ở khắp nơi, những thổ dân có học đều có thể đọc tên các thủ lĩnh của đảo từ khi họ đặt chân tới đó. Để dễ nhớ, họ thường dùng một hệ thống phức tạp các nút thắt trên những dây thừng được chia ra nhiều nhánh, theo cách làm giống như người Anh-ca ở Pê-ru.
Các nhà bác học thời nay đã thu thập tất cả các phả hệ địa phương của các đảo khác nhau, họ nhận thấy có sự phù hợp thật chính xác về tên người cũng như về số lượng các thế hệ. Cứ cho rằng bình quân một thế hệ của dân Pô-li-nê-di là vào khoảng hai mươi nhăm năm thì việc di dân đến các đảo ở Thái Bình Dương vào khoảng 500 năm sau Công nguyên. Một nền văn minh mới cùng với dòng họ mới của các thủ lĩnh cho thấy đã có một cuộc di dân lần thứ hai, muộn hơn, vào khoảng năm 1100. Những cuộc di dân tương đối mới đó xuất phát từ đâu? Hình như ít nhà nghiên cứu quan tâm đến sự kiện có tính chất quyết định này và cho rằng đó là một dân tộc ở vào thời kỳ đồ đá nguyên thủy và mãi rất lâu sau họ mới đổ bộ lên sinh sống trên những đảo này. Mặc dầu trí thông minh và nền văn minh của họ rất tiến bộ về mọi mặt, họ chỉ mang theo trong khi di dân những chiếc rìu và dụng cụ của thời kỳ đồ đá và sử dụng chúng rất phổ biến trên những đảo họ trú ngụ. Nếu không kể đến những bộ lạc sống rải rác trong rừng sâu hoang vu và một số chủng tộc còn lạc hậu, ta không nên quên rằng nền văn minh thực sự ở trình độ đó chỉ xuất hiện ở tân lục địa (tức là châu Mỹ) vào khoảng năm 500 và năm 1100. Ở châu Mỹ, tại những vùng mà nền văn minh của dân Anh-điêng được coi là phát triển cao nhất, người ta hoàn toàn chưa biết sử dụng sắt mà vẫn dùng những rìu bằng đá và công cụ cùng loại như đã thấy dân các đảo ở Thái Bình Dương sử dụng cho đến thời kỳ các đảo này được phát hiện. Số lớn các nền văn minh Anh-điêng ở phía đông rất gần gũi với nền văn minh của Pô-li-nê-di. Ở phía tây chỉ có những bộ lạc da đen nguyên thủy của châu Úc và Mê-la-nê-di, họ hàng xa với người da đen ở châu Phi và xa hơn nữa là quần đảo In-đô-nê-xi-a và bờ biển châu Phi mà ở đó có lẽ thời kỳ đồ đá xuất hiện sớm hơn mọi nơi khác. Sự quan tâm của tôi về nghiên cứu cựu lục địa, sau chuyển dần sang việc nghiên cứu các nền văn minh của dân Anh-điêng ở châu Mỹ đã hoặc chưa biết tới, vì trước đây chưa một ai nghiên cứu chúng.
Còn như cựu lục địa thì có biết bao nhà bác học đã bỏ nhiều công sức vào việc đó. Trên bờ biển Thái Bình Dương quá về hướng đông cho đến tận dãy núi Ang-đơ, hiện nay là nước cộng hòa Pê-ru, những di tích còn khá nhiều để tiến hành tìm tòi. Xưa kia ở nơi đây, một dân tộc mà ta chưa rõ đã sinh sống và xây dựng một trong những nền văn minh vào loại kỳ lạ nhất thế giới. Dân tộc này không còn tồn tại nữa.
Họ đã để lại những tượng khổng lồ hình người bằng đá giống như những tượng thấy ở Pít-kéc, ở quần đảo Mác-ki-dơ và ở đảo Pa-cơ, cùng những kim tự tháp đồ sộ có bậc giống như những kim tự tháp ở Ta-hi-ti và ở Xa-moa. Với những rìu bằng đá, dân Anh-ca đã xẻ núi lấy ra những khối đá lớn như một toa tàu, chuyển xa nhiều dặm đường đến một nơi xa dựng đứng thẳng lên hoặc chồng lên nhau tạo thành những nền phẳng cao, những bức tường hoặc những cổng đồ sộ nguy nga, không khác chút nào những di tích thấy trên các đảo ở Thái Bình Dương.
Người Anh-ca đã ngự trị vùng núi non này vào lúc những người Tây Ban Nha đầu tiên đến Pê-ru. Họ kể lại với người Tây Ban Nha rằng trước khi họ đến thống trị vùng này thì nơi đây đã có giống người thần da trắng sinh sống và xây dựng nên những công trình đồ sộ, nhưng xa lạ và lạc lõng so với khung cảnh ở nơi đây. Những người đã xây dựng những công trình trên tuy đã mất, không còn để lại dấu vết gì về nòi giống, vẫn được coi như những bậc thầy khôn ngoan và hiền lành, từ phương bắc đến đây từ thuở bình minh của thời đại. Tổ tiên người Anh-ca đã được họ dạy nghề kiến trúc, cách trồng trọt và canh tác, truyền thụ cho các phong tục và tập quán của họ. Không giống như những người Anh-điêng khác, họ có màu da trắng và râu dài. Họ còn cao lớn hơn người Anh-ca. Cuối cùng họ đã rời bỏ Pê-ru ra đi một cách đột ngột cũng như lúc họ đến đó. Người Anh-ca đã thay thế họ nắm quyền ở vùng này trong khi những người khai hóa da trắng đó đi về hướng tây vượt qua châu Đại Dương và hoàn toàn không còn thấy xuất hiện ở bờ biển Nam Mỹ nữa. Đặt chân lên những đảo ở Thái Bình Dương, người Âu rất ngạc nhiên thấy nhiều thổ dân da trắng như họ và người nào cũng để râu. Trên nhiều đảo có những gia đình hoàn toàn dễ nhận thấy bởi màu da sáng, tóc đỏ hung hay vàng hoe, những đôi mắt xanh xám với chiếc mũi khoằm, tạo cho họ dáng dấp gần giống người Xê-mít. Người Pô-li-nê-di nói chung lại có da vàng au, tóc đen nhánh và mũi phẳng. Những người có bộ tóc màu đỏ hung, tự cho mình cái tên U-ru-kê-u và nói rằng họ trực tiếp thuộc dòng giống của các thủ lĩnh đầu tiên, những thần da trắng như Tăng-ga-roa, Ca-nê và Ti-ki. ở khắp Pô-li-nê-di còn lưu truyền những truyền thuyết về những người da trắng bí ẩn, mà con cháu họ là những thổ dân ở những đảo này.
Năm 1722, khi Rô-gi-uán phát hiện đảo Pa-cơ, ông ta hết sức ngạc nhiên thấy những người da trắng trên bờ biển. Dân trên đảo này có thể liệt kê tên những tổ tiên nào của họ có màu da trắng từ thời đại Ti-ki và Hô-tu Ma-tua và họ là những người đầu tiên xuất phát từ "một xứ sở đầy núi non ở phía đông đã bị nắng mặt trời làm cho khô cằn" vượt biển đến sinh sống tại đảo này. Trong khi nghiên cứu tìm tòi ở Pê-ru, tôi phát hiện trong nền văn minh, trong chuyện thần thoại, và trong ngôn ngữ có nhiều dấu vết kỳ lạ đã thúc đẩy tôi đào sâu hơn nữa vấn đề, và tập trung sự chú ý nhiều hơn để đi đến xác định được vị thần ở Pô-li-nê-di gốc ở đâu. Và tôi đã đạt được điều mình mong muốn. Trong khi nghiên cứu truyền thuyết ở dân Anh-ca về vua mặt trời Vi-ra-cô-sa, vị thủ lĩnh tối cao của dân tộc da trắng nay không còn nữa, tôi đọc thấy: "Vi-ra-cô-sa là từ của ngôn ngữ Anh-ca (Kết-sua) vì thế ở vào thời đại gần đây mà thôi. Trong thời kỳ cổ đại ở Pê-ru, người ta thường gọi thần mặt trời Vi-ra-cô-sa là Công Ti-ki hay I-la Ti-ki có nghĩa là Ti-ki-mặt trời hay Ti-ki-ngọn lửa. Công Ti-ki là người ông và vua mặt trời của dân da trắng theo truyền thuyết và họ đã để lại nhiều di tích lớn ở bên bờ hồ Ti-ti-ca-ca. Theo truyền thuyết, những người da trắng có râu bí ẩn đó bị một thủ lĩnh tên là Ca-ri ở thung lũng Cô-kin-bô tấn công. Trong một cuộc chiến đấu trên một hòn đảo ở hồ Ti-ti-ca-ca giống da trắng bị tàn sát, nhưng Công Ti-ki cùng các bạn chiến đấu của mình đã thoát chết, rồi sau đó đi tới bờ biển Thái Bình Dương, để cuối cùng từ đó vượt biển đi về hướng tây và vĩnh viễn không còn thấy nữa". Tôi tin chắc rằng thần mặt trời Ti-ki da trắng đã bị săn đuổi khỏi Pê-ru bởi tổ tiên người Anh-ca, chính là thần da trắng Ti-ki con trai của mặt trời mà thổ dân ở Thái Bình Dương đã sùng bái, coi như người sáng lập ra dòng giống của họ. Những chi tiết về đời sống của Ti-ki, mặt trời ở Pê-ru cùng với địa danh cũ của những nơi xung quanh hồ Ti-ti-ca-ca lại thấy xuất hiện trong các chuyện dã sử lưu truyền rộng rãi trong thổ dân trên những hòn đảo ở phía đông.
Nhưng ở khắp vùng Pô-li-nê-di, tôi thu thập được những dấu vết cho thấy là các bộ lạc hiền hòa của Công Ti-ki đã không thể tự bảo vệ lâu dài những hòn đảo này được. Những thuyền chiến lớn như những hải thuyền của bọn cướp biển Vi-kinh ghép đôi lại với nhau đã chở những người Anh-điêng từ phía đông bắc đến Ha-oai hay xa hơn nữa về phía nam đến các đảo này. Họ đã pha trộn dòng máu với con cháu của Công Ti-ki và mang đến cho xứ sở này một nền văn minh mới. Đó là dân tộc thứ hai ở giai đoạn thời kỳ đồ đá đã đến Pô-li-nê-di vào khoảng năm 1100: họ chưa có kim loại, đồ gốm, chưa biết làm bánh xe, chưa có khung cửi, chưa biết cày cấy lúa. Vì vậy cho nên vào lúc người Đức xâm chiếm Na Uy, tôi đã tìm kiếm ở Cô-lông-bi thuộc Anh những phiến đá khắc trổ theo phong cách cổ xưa của Pô-li-nê-di trong số những người Anh-điêng miền tây-bắc.
Hết quay trái lại quay phải, rửa cầu thang gác của doanh trại, đánh ủng, học vô tuyến điện, nhảy dù, cuối cùng là theo đoàn xe cảng Muốc-măng đi Phần Lan và ở đó với máy móc kỹ thuật suốt cả mùa đông ảm đạm, không có chút ánh sáng mặt trời. Hòa bình trở lại. Và một ngày nào đó luận thuyết của tôi đầy đủ, tôi sẽ đem đi trình bày ở Mỹ.
Hải Trình Kon-Tiki​ Hải Trình Kon-Tiki​ - Thor Heyerdahl​ Hải Trình Kon-Tiki​