Thành công có nghĩa là thoát khỏi những nếp nghĩ cũ kỹ và chọn cho mình một hướng đi độc lập.

Keith DeGreen

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: truonghoangngan
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 34660 / 3028
Cập nhật: 2023-03-26 22:59:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 05
‐ Mày làm sao thế hở Gấu?
Một ngày công chúa Dây Leo phát hiện những vết xước trên người con mèo.
‐ Mày đi đánh nhau với bọn chuột à?
Nhiều mảng lông của chú bị tróc, có nơi lộ cả da và cô nhìn thấy những vết cào.
‐ Chúng đánh mày ra nông nỗi này ư?
Tệ hơn nữa, tai trái của chú bị rách ‐ Nhưng làm sao một con mèo lại bị lũ chuột cấu xé như thế này được?
Công chúa nói, lo lắng, bồn chồn, không cần phải tinh ý như tác giả mới thấy mắt cô ngân ngấn nước.
Mèo Gấu nghe thấy hết và nhìn thấy hết, nhưng nó không thế nói được ngôn ngữ của loài người.
Giả như có nói được thì nó cũng không biết nói gì. Chẳng lẽ bảo với công chúa rằng nó bị những con mèo khác tấn công và sở dĩ như vậy là vì nó ra sức bảo vệ cho lũ chuột. Nói vậy có Thánh mới tin nổi! Công chúa thì không phải là Thánh.
‐ Hay để tao xích mày lại để mày khỏi đi đánh nhau?
Công chúa vừa nói dứt câu, con mèo nhảy phóc một cái, đã ở trên cành sứ.
‐ Thôi, tao nói đùa thế thôi.
Công chúa xuống giọng. Cô cũng chẳng muốn xích con mèo. Một con mèo vô dụng đến mức phải xích lại để khỏi bị chuột tấn công, đó là cái cớ chính đáng để nhà vua Sang năm tống mèo Gấu ra cửa mà không ai có thể ngăn cản được.
Trong khi mèo Gấu te tua xơ mướp thì con chuột Tí Hon cũng đến ngày xơ mướp te tua.
‐ Thằng què này! – Giáo sư Chuột Cống gầm lên khi thấy xấp tranh mèo.
Giọng ngài loảng xoảng như tiếng xoong chảo vỡ, nghe mới hung tợn làm sao.
Ở đây cũng nên nói qua một chút về ngài giáo sư Chuột Cống. Ngài vốn không phải cư dân của cái hang này. Đây là xứ sở của chuột nhắt, với rất nhiều đường ngang ngõ tắt trong lòng đất xốp và ẩm. Trước khi Chuột Cống lạc tới đây, trong hang vẫn có nhiều thức ăn dự trữ - đó là thói quen của chuột nhắt.
Giáo sư Chuột Cống lâu nay vẫn sống dưới các cống ngầm và nơi kiếm ăn ưa thích của ngài là các bãi rác ở khu chợ. Nhưng một đêm nọ, thợ săn chuột xuất hiện. Vô số những cây sào tre chọc xuyên vào lòng cống. Ngài giáo sư run rẩy chứng kiến rất nhiều đồng bọn của mình bị sa vào các mẻ lưới chăng ở cửa cống.
Chân chuột cống có móng dài, đã vướng vào các mắt lưới, vùng vẫy thế nào cũng không thoát.
Giáo sư Chuột Cống may mắn chạy thoái nhờ tuôn vào một kẽ nứt trên đường ống. Ngài chạy thục mạng, hồn vía lên mây, rồi số phận xui khiến ngài chạy đến cung điện của nhà vua, lạc vào lãnh địa của cộng đồng chuột nhắt.
Từ hôm đó, tự nhiên ngài trở thành trùm. Bên cạnh những con chuột nhắt bé tí thì một con chuột cống bẩn thỉu, ướt át và to cồ cộ chẳng khác nào một ông khổng lồ. Ngài giáo sư lại là một con chuột cống hung dữ, quỷ quyệt và háu ăn.
Ngài ở với lũ chuột nhắt một tuần, đã chén sạch kho dự trữ trong hang.
Chuột cống là loài chuột ăn tạp nên ngũ cốc và sâu bọ vẫn không làm thỏa mãn khẩu vị của ngài. Những bịch cơm Tí Hon tha về mỗi ngày với sự trợ giúp của mèo Gấu dĩ nhiên không làm giáo sư Chuột Cống hài lòng.
Đêm đến ngài vẫn sai phái bọn chuột nhắt mò ra phố lùng sục các bãi rác kiếm thức ăn về cho ngài. Đã có nhiều con chuột rơi vào miệng bọn mèo hoang khi thực hiện công việc nguy hiểm này.
Cộng đồng chuột tuy bất mãn nhưng không dám chống đối. Giáo sư Chuột Cống đe rồi. Rằng nếu cần ngài sẽ gọi cả binh đoàn chuột cống tới quét sạch cái hang này.
Cũng chẳng ai biết Chuột Cống có học hành gì không nhưng ngài cứ xưng là giáo sư. Và tự cho phép mình không phải động tay động chân gì hết, chỉ phụ trách việc giảng giải đạo lý làm… chuột, kiêm cả quan toà phán xét mọi phát ngôn và hành vi trong cộng đồng.
Trong bọn, chỉ có Tí Hon, chú chuột nhắt bé nhất, là dám làm mếch lòng giáo sư.
Lần này cũng vậy.
Trong khi giáo sư Chuột Cống, bằng các bài giảng của mình, vẽ ra một chân dung mèo ác độc, thâm hiểm và dữ tợn thì Tí Hon lại dùng các tài năng của mình vẽ một nàng mèo tam thể dịu dàng, yểu điệu, tóm lại rất đáng yêu.
Đã thế, nó không chỉ vẽ một bức mà vẽ hàng trăm bức.
Như mọi lần, giáo sư Chuột Cống một tay nắm tai chú chuột nhắt nhấc bổng nó lên, tay kia gõ cây thước xuống xấp tranh vương vãi trên nền hang, miệng quát tướng:
‐ Mày vẽ nhăng nhít gì đây? Hả?
Trong khi con chuột nhắt đang ú ớ, giáo sư Chuột Cống tiếp tục dội xuống đầu nó một tràng tiếng gầm:
‐ Mèo! Mèo! Mèo!
Giáo sư co chân đá vào Tí Hon đang lơ lửng:
‐ Đó là những cái gai, là thuốc độc! Đó không phải là những bông hoa!
Con chuột nhắt đưa qua lại trong không trung sau mỗi cú đá của ngài giáo sư. Trông nó giống một quả lắc bằng bông.
Những con chuột khác chứng kiến đòn trừng phạt bằng ánh mắt lo lắng, sợ hãi.
Út Hoa rụt rè:
‐ Thưa giáo sư…
Giáo sư Chuột Cống không để con chuột lang nói hết câu. Mắt ngài lóe lên, hiện rõ vẻ hằn học:
‐ Cả ngươi nữa! Ngươi và thằng què kia cùng một giuộc, tưởng ta không biết sao!
Ngài giáo sư buông cây thước xuống nền hang để rảnh tay tóm lấy mẩu tai của nàng chuột.
Bây giờ thì đã có hai con chuột treo toòng teng trong không.
Tí Hon từ khi bị giáo sư Chuột Cống hành hạ, im thít không nói tiếng nào.
Nó cố chịu đựng. Nó không muốn làm hỏng kế hoạch của mèo Gấu. Nó định bụng khi được thả ra, nó sẽ chui vào một ngóc ngách kín đáo nhất để vẽ những bức tranh mèo. Nó quyết sẽ không để giáo sư Chuột Cống bắt gặp một lần nữa.
Nhưng Tí Hon chỉ có thể nín nhịn khi Út Hoa chưa bị giáo sư Chuột Cống tóm lấy tai.
Khi nàng chuột lang rên lên một tiếng đau đớn thì Tí Hon quên phắt những gì mình đang trù tính.
‐ Thả Út Hoa xuống! – Nó hét lên, rất lớn, khiến cả hang đều trợn tròn mắt.
Chưa bao giờ tiếng hét của một con chuột nhắt khiến cả vòm hang kêu ong ong đế vậy.
Lần đầu tiên cộng đồng chuột chứng kiến một con chuột nhắt quát lại ngài giáo sư. Cả ngài cũng bất ngờ. Ngài bước lui ba bước dài, hoàn toàn không tự chủ và tuột tay để rơi hai con chuột xuống nền hang.
‐ Chạy đi, Út Hoa!
Tí Hon lại hét, gấp gáp, và xoay mình chạy trước.
Nhưng Út Hoa chưa kịp chuyển động, vì mọi chuyện xảy ra quá đột ngột với nàng, giáo sư Chuột Cống đã nhanh tay chộp lấy cổ con chuột lang.
‐ Chít! Chít! Chít!
Nàng Út Hoa kêu lên, vì đau. Có lẽ giáo sư Chuột Cống đã dồn hết sự giận dữ vào cú chộp.
Tí Hon vừa phóng vài bước tập tễnh, liền quay lại.
Như có một cái lò xo gắn dưới đuôi, con chuột nhắt phóng thẳng vào giáo sư Chuột Cống như một hòn đạn. So với lần nó bị ngài ném vào vách hang, cú lao người lần này thậm chí còn mãnh liệt hơn.
Quát lại ngài giáo sư đã là chuyện động trời, tấn công ngài con hơn cả động trời – là chuyện không một con chuột nhắt nào nhìn thấy trong cuộc đời làm chuột của mình.
Thế mà chuyện không tưởng đó đang xảy ra, ngay trước mắt. Lại bởi con chuột nhắt bé nhắt trong những con chuột nhắt.
Hiển nhiên đó là sức mạnh của tình yêu, cú lao người ấy.
Tình yêu ban cho con người (và con chuột) một sức mạnh khôn lường, ngay cả khi người trong cuộc (và…chuột trong cuộc) còn chưa ý thức được tình yêu là gì.
Nếu loài chuột cũng có ngày Valentine như loài người thì con chuột nhắt có lẽ đã sớm hiểu được rằng nó đang yêu. Đằng này, ngay cả từ “bạn gái” mèo Gấu mớm cho Tí Hon, nó cũng hiểu rất mơ hồ.
Nhưng tình yêu là điều không cần hiểu. Vào lúc những con người (và những con chuột) đầu tiên trên trái đất đến với nhau, âu yếm nhau rồi thương nhớ nhau, có lẽ trong ngôn ngữ loài người lẫn chuột đều chưa có từ “yêu”.
Bao giờ cuộc sống cũng đi trước, ngôn ngữ lò dò theo sau. Ngôn ngữ bám lấy đời sống, láo liên quan sát, hễ thấy đời sống nảy ra sự kiện gì chưa từng có trước đó, ngôn ngữ mới nghĩ ra từ thích hợp để mô tả và gọi tên cái sự kiện đó.
Chuột nhắt bên Anh cũng vậy thôi. Chúng yêu nhau và cùng nhau đẻ con rất lâu rồi mới biết nói câu “I love You”.
Điều quan trọng của tình yêu không phải là am hiểu mà là cảm nhận. Chính cảm xúc, chứ không phải sự phân tích về cảm xúc, làm nên tình yêu.
Tí Hon không biết mình đã yêu nàng chuột lang. Nhưng chú chuột nhắt cảm thấy êm đềm khi nằm cạnh nàng, cảm thấy hạnh phúc đến tức thở khi nàng bẽn lẽn tặng cho nó một hạt ngô, và vô cùng hãnh diện khi thủ thỉ bên tai nàng những câu thơ tình tứ chộm được của con mèo: “Mùa đông về tới cổng rào/ Nhớ tìm áo ấm mặc vào, Út Hoa!”
Và lần này, khi nàng chuột lang bị hành hạ và kêu lên trong sợ hãi, chú chuột nhắt quên mất mình là chuột nhắt.
Một thứ gì đó giống như mồi lửa cháy lên trong lòng nó làm nó bỏng rát, đau đớn và phẫn nộ.
Và nó lao đi, coi cái chết nhẹ tựa lông… chuột.
Đó là yêu.
Cũng như mọi con chuột trong hang, giáo sư Chuột Cống không nghĩ Tí Hon dám tấn công mình.
Nó quát ngài đã là quá đáng lắm rồi. Đã ra ngoài sức tưởng tượng của ngài rồi.
Tấn công là chuyện không thể xảy ra. Bởi một con chuột nhắt tấn công một con chuột cống là điều bất khả thi.
Dù dũng cảm có thừa, dù có quyết liều chết thì xét về thực lực, một con chuột nhắt cũng không thể làm được chuyện vá trời đó.
Giáo sư Chuột Cống không hình dung Tí Hon dùng cả thân hình làm một hòn đạn.
Hòn đạn không thể xuyên thủng cơ thể ngài nhưng nó làm cho ngài ngã xuống, vì sự mất cảnh giác của ngài, cả vì sức lao khủng khiếp của nó.
Bọn khán giả chuột thấy ngài giáo sư ngã chổng kềnh trên nền đất ẩm thì khoái chí lắm, muốn reo lên mà không dám. Chỉ vài nhóc chuột không kiềm được, vừa cười hí hí vừa lấy tay che miệng.
May cho bọn chuột oắt là lúc này giáo sư Chuột Cống không buồn để ý đến những tràng rinh rích của chúng.
Đầu ngài đang bị cơn giận dữ làm cho sôi lên như một nồi súp de và ngài chẳng nghĩ đến điều gì khác ngoài chuyện tóm cổ cho bằng được thằng Tí Hon rồi băm vằm nó ra hàng trăm mảnh.
Lúc lao vào giáo sư Chuột Cống, húc ngài ngã lăn ra, Tí Hon cũng văng ngược trở lại, rơi xuống nền hang, óc choáng váng vì cú va quá mạnh.
Nhưng nó cố gượng dậy, hối hả chạy men theo ngách hang trước khi ngài giáo sư kịp hoàn hồn.
Lần này thì Út Hoa không còn ngơ ngác như lúc nãy. Nàng hơi khựng một chút – một chút thôi, rồi nhanh chân biến theo một hướng khác.
Út Hoa xuất phát chậm hơn Tí Hon, ý tác giả muốn nói là khoảng cách giữa giáo sư Chuột Cống và nàng chuột lang gần hơn nhiều so với khoảng cách giữa ngài và chú chuột nhắt.
Nhưng như đã nói, ngoài Tí Hon ra ngài giáo sư không quan tâm đến bất cứ con chuột nào khác vào lúc này. Vừa lóp ngóp bò dậy, ngài lập tức phóng mình rượt theo con chuột nhắt, râu ngài vểnh ngược, lông trên mình dựng đứng, trông ngài gần như không còn lý trí và vì thế, trông ngài ngày càng đáng sợ.
Khung cảnh trong hang lúc này chẳng khác nào một đám rước.
Tí Hon chạy trước, giáo sư Chuột Cống chạy phía sau. Sau ngài giáo sư là bọn chuột nhắt hiếu kỳ và lo lắng. Nàng chuột lang bây giờ cũng kịp quay lại và nhập vào đám đông toàn đuôi là đuôi kia.
Bọn chuột chạy theo, chưa biết sẽ làm gì nhưng nếu Tí Hon lâm nguy, chúng nhất định sẽ làm điều gì đó – chúng chưa nghĩ ra nhưng chắc chắn đó là điều rất ghê gớm, và hẳn là điều chúng chưa bao giờ thử làm kể từ khi lọt lòng mẹ đến nay.
Tí Hon hết ngoặt trái đến ngoặt phải chân cẳng cuống cuồng, tim thắt lại khi tiếng thở phì phò của ngài giáo sư mỗi lúc một lớn dần sau đuôi. Nếu không tập tễnh, Tí Hon chưa chắc đã chạy thoát, huống gì nó là con chuột què.
Khoảng cách giữa nó và ngài giáo sư, hay nói một cách bóng bẩy, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mỗi lúc một thu hẹp lại và Tí Hon hoàn toàn có thể đo được điều đó qua tiếng rít giận dữ của giáo sư Chuột Cống đang ở rất gần nó.
Nếu nơi cư ngụ của cộng đồng chuột nhắt không có vô số những đường ngang ngõ tắt, có lẽ Tí Hon đã rơi vào tay ngài giáo sư từ lâu rồi. Cứ vào lúc con chuột nhắt có cảm giác những chiếc vuốt của giáo sư Chuột Cống sắp ghim xuống đầu mình, nó lại bắt gặp một lối rẽ ngay trước mặt.
Cuộc rượt đuổi càng lúc càng tỏ ra không cân sức, như cuộc đua giữa chiếc máy bay và một chiếc ô tô, đã thế chiếc ô tô khốn khổ đó lại bị xẹp mất một bánh.
Những góc ngoặt bất ngờ chỉ làm chậm lại thời khắc quyết định số phận của con chuột nhắt chứ không thể thay đổi được số phận có vẻ đã được an bài của nó.
Tí Hon càng chạy càng đuối dần, nó bắt đầu cảm thấy các cẳng chân dường như không còn nghe lời nó nữa.
Cho đến lúc Tí Hon nhận ra nó không còn chút hơi sức nào và đang nghĩ đến chuyện nằm lăn quay ra nền đất, mặc mọi thứ ra sao thì ra, nó chợt nhìn thấy một đốm sáng đằng trước mặt.
Đốm sáng nhỏ và tròn, in trên nền hang như một đồng xu bằng ánh sáng.
Mà đúng là ánh sáng thật. Ánh mặt trời xuyên qua cái lỗ nhỏ như lỗ thông hơi ở nơi mỏng nhất của vòm hang đã tạo nên đốm sáng đó.
Cụm từ “ánh sáng cuối đường hầm” trong hoàn cảnh này hoàn toàn đúng theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩ đen.
Không nghĩ ngợi, cũng không có thì giờ để nghĩ ngợi, Tí Hon hít vô một hơi dài và vét nốt chút sức lực cuối cùng, nó hối hả bò lên vách hang, chui tọt vào lỗ thủng.
‐ Hà hà! Con chui vào rọ rồi, con ơi!
Giáo sư Chuột Cống cười hiểm độc. Ngài bò nhanh thoăn thoắt, đến mức khi thò đầu vào lỗ thủng suýt chút ngài đã ngoặm được cái mẩu đuôi của con chuột nhắt.
Tới đây thì sân khấu xem như hạ màn trước mắt cộng đồng chuột đang xúm xít dưới nền hang, vừa ngóc cổ nhìn lên vừa lo lắng bàn tán.
Nàng chuột lang ngước mắt nhìn mãi chỗ lỗ thông hơi lúc này đã tối om, hết nghiêng bên tai trắng đến nghiêng bên tai đen, vẫn không nghe thấy động tĩnh gì.
Nàng lui vào một góc, mắt vẫn không rời trần hang và trong một lúc chợt nhận ra mắt mình ươn ướt.
Út Hoa không dám giơ tay lau, nàng sợ những con chuột khác nhìn thấy.
Nhưng nàng không ngăn được một tiếng rên đau đớn chảy ra từ miệng nàng:
‐ Ôi… ôi… ôi…
Tí Hon chạy và chạy, bò và bò.
Chạy những chỗ rộng và bò những chỗ lỗ thông hơi đột ngột hẹp lại, chỉ vừa đủ cho nó chui qua.
Lưng và bụng nó cọ vào vách làm rụng hàng túm lông, nhiều chỗ da bị tróc.
Mãi về sau Tí Hon mới cảm thấy đau rát. Còn ngay lúc đó, nó chẳng có cảm giác gì.
Nó chạy và bò, bò và chạy, rồi lại bò, về phía sự sống. Trong lúc cuống quýt, nó không có thì giờ lắng nghe xem trái tim nó còn đập hay không, chỉ thấy ngực tức nghẹn.
Ngay cả khi ra khỏi đường hầm, đã thấy vô vàn ánh sáng xát vào mắt, đã nghe vô vàn gió cù vào người, con chuột nhắt vẫn không dừng chân.
Nó lao vào mải miết, vẫn chưa hết sợ hãi, va đầu phải một thứ gì rất cứng, rồi nhận ra đó là bức vách của cung điện nhà vua.
Nó men theo bờ tường, leo dọc thân dây cát đằng và chỉ nhận ra mình thoát chết khi nhìn thấy cái ban công quen thuộc.
Bên kia lan can, mèo Gấu đang ườn mình một cách biếng nhác và uể oải leo mắt trên những đám mây.
Từ trên cao tia nhìn của mèo Gấu rớt xuống chỗ Tí Hon vừa phát ra tiếng động. Chú nhỏm người lên, hai tai dựng đứng.
Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ - Nguyễn Nhật Ánh Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ