Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bên Trong Tảng Núi Băng
hi mở mắt, tôi nhìn thấy một màn hình lớn màu trắng, trên cái nền sáng của nó là gương mặt cô gái da đen. Đôi mắt cô nhìn tôi chăm chú một thoáng, thế rồi, cùng với khuôn mặt, chúng biến mất. Sau giây lát trên màn hình xuất hiện cái đầu của một người Ấn. Chắc hẳn anh ta phải cúi sát xuống tôi, vì đột nhiên tôi thấy nó rất gần, tựa như được phóng to nhiều lần.
- Ơn Chúa, anh sống rồi – tôi nghe anh nói. Nhưng anh đang bệnh. Anh bị sốt rét. Sốt rét não.
Tôi tỉnh lại ngay lập tức, thậm chí tôi muốn ngồi dậy, nhưng cảm thấy không còn sức lực, thấy mình nằm hoàn toàn tê liệt. Sốt rét não (tiếng Anh là cerebral malaria) là nỗi kinh hoàng của châu Phi nhiệt đới. Thời xưa, nó luôn luôn dẫn đến cái chết. Nhưng thời nay nó cũng vẫn nguy hiểm, thường là chết người. Khi đến đây, ở gần Arusha chúng tôi đã đi ngang nghĩa trang những nạn nhân của căn bệnh này, dấu vết của trận dịch đã quét qua đó mấy năm về trước.
Tôi thử nhìn ra xung quanh. Cái màn hình trắng bên trên là trần căn phòng tôi đang nằm. Tôi nằm chính tại bệnh viện Mulago vừa mới mở, là một trong các bệnh nhân đầu tiên. Cô gái là nữ y tá tên Dora, còn anh người Ấn – là bác sĩ Patel. Họ nói rằng hôm trước tôi được xe cấp cứu do Leo gọi chở đến. Leo đã đi miền Bắc, đã xem thác Murchison và ba hôm sau quay lại Kampala. Anh vào phòng tôi và nhìn thấy tôi nằm bất tỉnh. Anh chạy ra phòng tiếp tân để gọi người giúp, nhưng đúng hôm ấy lại là ngày Uganda tuyên bố độc lập, cả thành phố nhảy múa, ca hát, ngập trong bia và rượu dừa, Leo tội nghiệp không biết phải làm sao. Cuối cùng anh tự đi xe đến bệnh viện gọi xe cấp cứu. Tôi đã vào đây như thế, nằm trong phòng riêng, nơi mọi thứ còn thơm mùi tươi mới, bình yên và ngăn nắp.
Dấu hiệu đầu tiên của việc sắp lên cơn sốt rét là sự bất an nội tâm mà anh đột nhiên cảm thấy, không bởi lý do nào hết. Có chuyện gì đó không ổn xảy ra với anh. Nếu tin vào thần linh, hẳn anh sẽ biết đó là gì: một linh hồn ác đã nhập vào anh, anh đã bị ai đó yểm bùa. Linh hồn này chế ngự và đè gí anh xuống đất. Vì thế chẳng bao lâu sau anh sẽ cảm thấy đờ đẫn, yếu ớt, nặng nề. Mọi thứ đều làm anh khó chịu. Trước hết là ánh sáng làm anh khó chịu, anh căm thù ánh sáng. Những người khác làm anh khó chịu – giọng nói ồn ào của họ, thứ mùi đáng ghét của họ, sự đụng chạm thô ráp của họ.
Nhưng anh không có nhiều thời gian cho những ghê tởm và căm ghét ấy. Bởi cơn sốt rét đến rất nhanh, đôi khi đột ngột, và không có bất cứ một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nó. Đó là cuộc tấn công thình lình, dữ dội của cái lạnh. Cái lạnh Bắc Cực, cái lạnh Bắc Băng Dương. Có ai đó túm lấy anh, trần trụi, đang bị thiêu đốt trong địa ngục Sahel và Sahara, rồi ném thẳng anh vào vùng cao nguyên băng giá của Greenland và Spitsbergen, giữa tuyết, gió và bão. Thật đột ngột! Một cú sốc! Trong tíc tắc anh cảm thấy lạnh, lạnh kinh khủng, thấu xương, rùng rợn. Anh bắt đầu run, run lên từng cơn, giãy giụa. Nhưng anh cảm thấy ngay đó không phải là sự run rẩy mà anh từng trải qua trước đây, như khi anh bị lạnh cóng trong băng giá, mà là những cơn chấn động và rung chuyển đang lắc nhào anh lên và có thể xé anh ra làm trăm mảnh bất cứ lúc nào. Để tự cứu mình, anh bắt đầu cầu xin được giúp đỡ.
Những lúc như thế điều gì sẽ khiến anh thấy đỡ nhất? Có ai đắp phủ cho anh. Đúng ra, đó là điều duy nhất có thể giúp anh. Nhưng không đơn giản là đắp chăn hay mền. Cái thứ đắp lên người anh phải đè nghiến anh bằng sức nặng của mình, bó chặt anh vào một cái khuôn ép siết, đập bẹp anh ra. Chính là trong lúc ấy, anh mơ ước mình được đập vụn ra. Anh thật muốn có một cái xe lu lăn trên người mình.!
Có lần tôi lên cơn sốt rét nặng ở một làng quê nghèo, nơi chẳng có bất cứ thứ mền ấm nào. Mấy người nông dân đặt lên người tôi một cái nắp hòm và kiên nhẫn ngồi lên nó, đợi cho những cơn run rẩy khủng khiếp nhất của tôi qua đi. Khốn khổ nhất là những người lên cơn sốt rét mà không có gì để đắp. Anh thường thấy họ bên lề đường, trong rừng hay trong các túp lều vách đất, họ nằm trên đất nửa tỉnh nửa mê, đẫm mồ hôi, mơ hồ, những đợt sóng đều đặn của các cơn co giật sốt rét giày vò cơ thể họ. Nhưng ngay cả khi được bọc trong hàng tá chăn, áo khoác và áo choàng, răng anh vẫn va lập cập vào nhau và anh rên lên vì đau đớn, bởi anh cảm thấy cái lạnh này không đến từ bên ngoài – ngoài trời đang nóng bốn mươi độ! – mà bên trong anh, ngay trong người anh, những Greenland và Spitsbergen này nằm trong anh, tất cả các tảng, phiến và núi băng ấy trôi trong anh, trong mạch máu và xương thịt anh. Có lẽ ý nghĩ này sẽ làm anh tràn ngập sợ hãi, nếu anh còn có thể tập trung được chút sinh lực để cảm nhận bất cứ điều gì. Tuy nhiên, ý nghĩ ấy sẽ chỉ đến sau vài giờ đồng hồ lên cơn dữ dội, khi cơn sốt rét dần ngưng, anh bắt đầu vô phương rơi xuống trạng thái kiệt sức và yếu ớt tột cùng.
Cơn sốt rét không chỉ là sự đau đớn, mà cũng như mọi nỗi đau – nó còn là một trải nghiệm huyền bí. Anh bước vào một thế giới mà vừa mới đây thôi, anh còn chưa biết gì về nó. Trong khi ấy, hóa ra nó vẫn luôn tồn tại bên cạnh anh, để rốt cuộc ngự trị anh, biến anh trở thành một phần của nó: anh tìm thấy trong mình những sông, vực, biển băng, và sự có mặt của chúng làm anh ngập tràn đớn đau, sợ hãi. Nhưng khoảnh khắc khám phá này cũng trôi qua. Các linh hồn rời bỏ anh. Chúng bay lên và biến mất. Duy thứ còn sót lại dưới một núi các loại chăn mền tột cùng kỳ dị thì thực sự đáng thương. Người vừa trải qua cơn sốt rét nặng là một tấm-giẻ-người. Anh ta nằm trong vũng mồ hôi, vẫn còn sốt, không thể cử động chân tay. Anh ta đau khắp nơi, chóng mặt và buồn nôn. Kiệt sức, yếu ớt và ẻo lả. Khi được bế lên, cảm giác như anh ta không có cả xương lẫn thịt. Phải mất nhiều ngày sau anh ta mới có thể tự mình đứng dậy.
Mỗi năm ở châu Phi bệnh sốt rét hành hạ hàng chục triệu người. Ở những nơi căn bệnh hoành hành dữ dội nhất – trên các vùng đất thấp, ẩm ướt, đầm lầy – cứ ba đứa trẻ bị sốt rét thì một đứa tử vong. Có nhiều dạng bệnh sốt rét khác nhau, một số bệnh nhẹ dễ khỏi như cảm cúm. Nhưng ngay cả chúng cũng hủy hoại bất cứ ai trở thành nạn nhân của mình. Thứ nhất – bởi trong khí hậu chết người này, người ta chịu đựng một cách cực nhọc mỗi cơn khó ở nhẹ nhàng nhất, thứ hai – bởi người châu Phi luôn sẵn thiếu ăn, kiệt sức và đói. Ở đây anh rất hay gặp những người thẫn thờ, uể oải, đờ đẫn. Ngoài phố, trên đường, họ ngồi hoặc nằm hàng giờ liền, không làm gì hết. Anh nói với họ, nhưng họ không nghe. Không rõ họ phớt lờ anh hay đó là trạng thái nằm không lười nhác vô công. Hoặc giả, chính lúc ấy, một cơn sốt rét đang hành hạ và giết dần giết mòn họ. Anh không biết phải hành xử ra sao, phải nghĩ gì.
Tôi nằm ở bệnh viện Mulago hai tuần. Các cơn sốt rét có trở lại, nhưng mỗi lúc một nhẹ và đỡ mệt hơn. Người ta tiêm cho tôi, tôi bị tiêm rất nhiều. Hằng ngày bác sĩ Patel đến, anh khám bệnh cho tôi và nói khi nào tôi khỏi, anh sẽ giới thiệu tôi với gia đình. Gia đình anh giàu có, họ là chủ nhân của vài cửa tiệm lớn ở Kampala và ở quê. Họ đã đủ sức cho anh ăn học ở Anh, anh tốt nghiệp ngành y tại London. Bằng cách nào mà tổ tiên anh lại sinh sống ở Uganda? Ông anh và hàng nghìn người Ấn bị người Anh mang đến Đông Phi vào cuối thế kỷ XIX để xây dựng tuyến đường sắt từ Mombasa đến Kampala. Đó là giai đoạn mới của dự bành trướng thực dân: tiến sâu vào lục địa, chinh phục và cai trị trong lòng nó. Nếu xem những tấm bản đồ châu Phi cũ, người ta sẽ để ý đến một điểm – trên đó ghi hàng chục, hàng trăm cái tên hải cảng, thành phố và thuộc địa dọc theo bờ biển, nhưng phần còn lại, cả một phần mênh mông chưa được biết đến, có nghĩa là 99% diện tích châu lục này, là một vùng trống, gần như nguyên sơ, chỉ được đánh dấu thi thoảng ở đâu đó.
Người Âu bám lấy các bờ biển, hải cảng, nhà ăn và tàu thuyền của mình, miễn cưỡng và rất hiếm khi xâm nhập vào sâu trong lục địa. Vì không có đường đi, họ sợ những bộ lạc thù địch và những căn bệnh nhiệt đới – sốt rét, bệnh buồn ngủ, sốt vàng, bệnh phong. Và mặc dù sống bên bờ biển hơn bốn thế kỷ, tinh thần thiển cận, tư tưởng chật hẹp ăn xổi ở thì vẫn luôn ngự trị trong họ. Hậu quả là các hải cảng của họ chỉ là những con đỉa bám vào cơ thể châu Phi, là những điểm xuất khẩu nô lệ, vàng và ngà voi. Làm sao để mang ra tất cả, với chi phí thấp nhất. Vì thế mà nhiều điểm đổ bộ Âu châu này giống như những khu tồi tàn nhất của Liverpool cổ hay Lisbon. Ở Luanda, vốn thuộc Bồ Đào Nha, suốt bốn trăn năm người Bồ không đào một cái giếng nước ăn nào, cũng không thắp đèn lồng chiếu sáng đường phố.
Việc xây dựng tuyến đường sắt đến Kampala là biểu tượng của cách nghĩ mới, mang tính chất “ông chủ” hơn ở các mẫu quốc thực dân. Đặc biệt là ở London và Paris. Giờ đây, khi châu Phi đã được phân chia giữa các nước châu Âu, họ có thể bình tĩnh đầu tư vào các phần thuộc địa của mình, nơi đất đai trù phú và phì nhiêu hứa hẹn những nguồn lợi khổng lồ từ các đồn điền cà phê, chè, bông, dứa hoặc – ở các nơi khác – từ các mỏ kim cương, vàng hay đồng. Nhưng không có phương tiện vận chuyển. Cách thức xưa cũ – những người cửu vạn khuân tất cả mọi thứ trên đầu – đã không còn đủ nữa. Phải làm đường, tuyến đường sắt và cầu. Đúng vậy, nhưng ai sẽ làm việc đó? Các công nhân da trắng không được đưa đến: người da trắng là ông chủ, anh ta không thể lao động chân tay. Ngay từ đầu đã không thể tính đến nhân công bản xứ người Phi: họ không tồn tại. Không có gì khiến được người dân ở đây làm công ăn lương khi mà họ không biết đến khái niệm tiền bạc (việc buôn bán đã diễn ra hàng thế kỷ ở đây vẫn mang tính chất trao đổi, ví dụ để mua nô lệ, người ta trả bằng súng lục, các súc muối hay vải trúc bâu).
Theo thời gian, người Anh bắt đầu đưa vào chế độ lao động cưỡng bức: thủ lĩnh bộ lạc phải cung cấp một số người nhất định để làm việc không công. Họ bị cho vào ở trong các trại. Những nơi trên bản đồ châu Phi từng dày đặc các gulag như thế là những nơi cho thấy ở đó chủ nghĩa thực dân đã an cư lạc nghiệp. Nhưng trước đó, người ta đã tìm những cách giải quyết tạm thời khác. Một trong những cách ấy là đưa đến Đông Phi nhân công rẻ từ một thuộc địa Anh khác – Ấn Độ. Ông của bác sĩ Patel ban đầu đã sang Kenya như thế, tiếp theo là Uganda, nơi sau đó ông định cư vĩnh viễn.
Trong một lần thăm bệnh bác sĩ đã kể cho tôi nghe rằng trong thời gian xây dựng, khi tuyến đường sắt bắt đầu rời xa khỏi bờ biển Ấn Độ Dương và tiến vào vùng đất mênh mông bị rừng rậm phủ kín, một mối khiếp sợ bắt đầu lan ra trong đám nhân công Ấn Độ: họ bị sư tử tấn công.
Một con sư tử đang trong thời sung sức thì không thích săn người. Nó có thói quen săn bắt riêng, khẩu vị riêng và những món ưa thích riêng. Nó khoái thịt linh dương và ngựa vằn. Nó cũng thích hươu cao cổ, dù săn chúng rất khó, vì chúng cao và to. Nó không thờ ơ với thịt bò, vì thế ban đêm các mục đồng nhốt những đàn bò của mình vào trong các hàng rào bằng cành cây đầy gai mà họ dựng lên giữa rừng. Những bờ rào ấy – họ gọi là goma – không phải lúc nào cũng là vật cản hữu hiệu, bởi sư tử là loài thú nhảy tuyệt vời và có thể bay qua goma hoặc khéo léo luồn xuống dưới nó.
Sư tử săn mồi ban đêm, thường là theo bầy, tổ chức tiếp cận và rình mồi. Ngay trước cuộc săn, vai trò trong bầy được phân chia. Bộ phận đảm nhận việc lùa thú sẽ đuổi những con mồi bị bao vây của mình vào hàm đao phủ. Năng động nhất là những con sư tử cái, chúng tấn công nhiều nhất. Các con đực được đánh chén trước tiên: chúng nốc máu tươi nhất, ngốn những miếng ngon nhất, liếm láp đám tủy béo ngậy.
Sư tử dùng thời gian ban ngày để tiêu hóa và ngủ. Chúng nằm uể oải dưới bóng những cây keo. Nếu không chọc tức chúng – chúng sẽ không tấn công. Thậm chí khi ta đến gần, chúng sẽ đứng dậy bỏ đi. Nhưng đây vẫn là một hành động đầy rủi ro, vì cú vồ của loài thú săn mồi này chỉ diễn ra trong tích tắc. Có lần trên đường đi Serengeti chúng tôi bị xịt lốp xe. Một cách bản năng, tôi nhảy ra khỏi xe để thay lốp. Đột nhiên tôi nhận ra rằng ở xung quanh, trong đám cỏ cao, cạnh những mảnh xác linh dương đẫm máu có vài con sư tử đang nằm. Chúng quan sát chúng tôi, nhưng không động đậy. Tôi và Leo ngồi khóa chặt trong xe, chờ đợi và phân vân không biết phải làm gì. Sau mười lăm phút, chúng nhổm dậy – da màu ngăm ngăm, cân đối, kiều diễm – rồi lặng lẽ bỏ vào rừng.
Khi sư tử ra săn mồi, chúng tuyên bố điều này bằng một tiếng hống lớn vang rền khắp thảo nguyên xa-van. Tiếng hống ấy làm các loài thú khiếp hãi và hoảng loạn. Tiếng kèn xung trận này chỉ không thể lay động được loài voi: voi không sợ ai hết. Những loài thú khác chạy tán loạn đến nơi nào chúng có thể, hoặc đứng im tê liệt vì sợ hãi, chờ cho đến khi con thú săn mồi hiện ra từ trong bóng tối và giáng đòn chí tử.
Sư tử là một kẻ đi săn lành nghề và đáng sợ trong khoảng hai mươi năm. Sau đó nó bắt đầu già. Cơ bắp của nó yếu đi, độ nhanh nhẹn giảm xuống, những cú nhảy của nó mỗi lúc một ngắn hơn. Nó khó lòng đuổi bắt được một con linh dương nhát bóng hay một con ngựa vằn nhanh chân và cảnh giác. Nó thường đi quanh với cái bụng đói, nó trở thành gánh nặng cho cả đàn. Đây là thời điểm nguy hiểm cho nó – đàn không chấp nhận những con yếu và bệnh, vì vậy nó có thể trở thành con mồi. Càng lúc nó càng hay sợ bị những con trẻ hơn ăn thịt. Nó dần dần tách khỏi đàn, tụt lại phía sau, cuối cùng còn lại một mình. Cái đói giày vò nó, nhưng nó đã không thể săn thú. Và khi đó nó chỉ còn một cách: săn người. Một con sư tử như thế ở đây được gọi một cách phổ biến là thú ăn thịt người (man-eater) và trở thành nỗi kinh hoàng của dân trong vùng. Nó rình ở các dòng suối nơi phụ nữ đến giặt đồ lót, cạnh những con đường trẻ con đi học (vì con sư tử đói săn mồi cả vào ban ngày). Người ta sợ ra khỏi lều, nhưng nó tấn công họ cả ở đó. Nó không biết sợ, tàn ác và vẫn còn mạnh mẽ.
Những con sư tử như thế, bác sĩ Patel nói tiếp, bắt đầu tấn công những người Ấn đang xây dựng tuyến đường sắt đến Kampala. Họ sống trong các lều bạt mà những con thú săn mồi dễ dàng cào rách tơi tả, và những nhóm ngủ trong lều càng ngày càng có thêm nhiều nạn nhân mới. Chẳng ai bảo vệ những người ngày, họ cũng chẳng có súng. Hơn nữa, cuộc chiến với sư tử trong bóng đêm Phi châu sẽ chẳng mang đến cho họ cơ hội sống sót nào. Ông của bác sĩ và các bạn đồng hành nghe thấy hằng đêm những tiếng kêu của nạn nhân bị xé xác, khi những con sư tử đánh chén ở gần các túp lều, rồi sau đó, đã no nê, chúng biến vào bóng tối.
Bác sĩ luôn có thời gian cho tôi và sẵn lòng trò chuyện nhất là vài ngày sau cơn sốt tôi vẫn không thể đọc được, bản in nhòa đi, các chữ cái bơi bơi, tựa như chúng dâng lên và đong đưa trên các con sóng vô hình. Có lần anh hỏi tôi:
- Anh đã nhìn thấy voi chưa?
- Ồ – tôi trả lời – hàng trăm con ấy chứ!
- Thế anh có biết ngày xưa khi người Bồ Đào Nha xuất hiện ở đây và bắt đầu thu mua ngà voi, họ để ý thấy rằng người châu Phi không có nhiều ngà lắm. Vì sao? Ngà là thứ chất liệu rất bền và khó hỏng, vậy thì một khi khó săn bắt voi sống – thường họ làm việc này bằng cách xua con vật vào một cái hố đào sẵn – có thể lấy ngà của những con voi đã sa xuống hố từ lâu và nằm chết ở đó. Họ gợi ý tưởng này cho những người môi giới Phi châu. Nhưng họ nghe thấy một điều lạ lùng trong câu trả lời: không có voi chết, không có nghĩa địa của chúng. Đây là một câu đố khiến những người Bồ Đào Nha bắt đầu thấy tò mò. Voi chết như thế nào? Di hài của chúng nằm ở đâu? Mồ của chúng ở đâu? Vấn đề là ngà, là xương voi, là món tiền tấn được trả cho chúng.
“Việc voi chết như thế nào từng là một bí mật mà người châu Phi giữ kín trước người Da trắng. Voi là con vật linh thiêng và cái chết của nó cũng thế. Tất cả những gì linh thiêng đều được một điều bí mật bất khả xâm phạm bao bọc. Điều luôn làm người ta thán phục nhất là trong thế giới loài vật, voi không có kẻ thù. Không ai có thể chiến thắng nó. Nó chỉ có thể chết tự nhiên (thời xưa). Cái chết thường xảy ra vào lúc hoàng hôn, khi voi đi uống nước. Chúng đứng bên bờ hồ hay sông, mỗi con vươn vòi ra xa và hút nước. Nhưng có một ngày, khi con voi già và mệt mỏi không còn sức để nâng vòi lên uống nước nữa, nó phải đi ra mỗi lúc một xa hơn xuống hồ. Chân nó ngập xuống bùn mỗi lúc một sâu hơn. Hồ nước kéo nó xuống lòng trũng của mình. Nó chống chọi một hồi, quẫy đạp, cố gắng thoát lên khỏi bùn và lùi về bờ, nhưng sức nặng của chính nó quá lớn, còn sức hút của đáy hồ thì làm tê liệt đến mức cuối cùng con vật mất thăng bằng, ngã xuống và biến mất vĩnh viễn dưới nước.
“Chính ở đó – bác sĩ Patel kết thúc – dưới đáy những cái hồ, là các nghĩa trang ngàn xưa của voi”.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun