What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Thể loại: Ngôn Tình
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ông Kễnh
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6251 / 11
Cập nhật: 2015-12-08 15:34:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ằng Lăng! Chờ anh với, Bằng Lăng.
Quốc Tuấn vừa chạy vừa thở:
- Trời ơi! Đi gì mà như xe tăng vậy? Theo muốn chết luôn hà.
- Ai biểu theo rồi chết này, chết nọ. Hừ!
Bằng Lăng bước nhanh hơn. Quốc Tuấn ôm bụng la:
- Thôi chứ Bằng Lăng, bộ em muốn giết anh hả? Càng nói càng đi.
Bằng Lăng hất mặt:
- Người ta có công việc mà. Nhưng anh đuổi theo em chi vậy?
- Hỏi một câu vô duyên. Chẳng lẽ theo em chơi?
Quốc Tuấn mệt quá ngồi xuống gốc xoài, lẩm bẩm:
- Con gái gì không nữ tính chút nào. Đi thì nhanh, nói thì cộc lốc...
- Ê!
Bằng Lăng đứng chống nạnh trước mặt Quốc Tuấn, làm anh giật mình:
- Hết hồn! Em định ám sát anh sao vây? Tự nhiên cái "ê"..... - "Ê" là gọi anh đó.
- Anh đâu phải tên "ê". Anh tên Quốc Tuấn mà.
- Tên gì mặc kệ anh, em thích gọi "ê" đó, thì sao?
- Ba gai ghê ta.
- Ừ! Nói chuyện với anh phải như vậy để không bị anh ăn hiếp.
- Không biết ai ăn hiếp ai à.
Bằng Lăng trừng mắt:
- Sao? Bây giờ muốn kiếm chuyện phải không?
Quốc Tuấn che mặt:
- Không, anh không có.
- Thế thì đừng khơi đậy cơn tức tối đang bừng bừng trong lòng người ta. Nếu không, coi chừng hồn anh không còn ở trong con người anh đó.
- Úi trời đất ơi!
Quốc Tuấn rùng mình:
- Em là sát thủ hay là ma cà rồng?
- Cả hai.
Bằng Lăng chồm tới, trợn mắt, lè lưỡi:
- Sợ không?
Quốc Tuấn run người:
- Sợ, sợ lắm. Em chừa cho anh một con đường sống với Bằng Lăng, chứ đêm nào cũng gặp ác mộng, thì đời anh kể như tiêu.
- Cái này thì tự anh chuốc hoạ vào thân mà.
- Thôi, tha cho anh đi em.
- Được! Nhưng anh phải nói thật, anh đang cần em giúp chuyện gì, phải không?
- Em đúng là thông minh.
Quốc Tuấn vỗ tay:
- Nhưng lần này, em không phải giúp anh mà chỉ trả lời câu hỏi của anh thôi.
- OK.
Bằng Lăng ngồi xuống cạnh Quốc Tuấn:
- Anh hỏi đi!
- Anh...
Sự nhiệt tình của Bằng Lăng tự nhiên làm Quốc Tuấn lúng túng:
- Anh... anh không biết bắt đầu như thế nào nữa.
- Xời! Con trai phải mạnh dạn lên chứ. Nhát như anh làm sao theo đuổi con gái.
Quốc Tuấn mở to mắt:
- Bộ em biết anh định hỏi gì à?
- Biết sao không. Biết từ lúc người con gái trong lòng anh bước vào nhà cơ.
- Anh..... Quốc Tuấn gãi đầu:
- Nam Du khoẻ chứ em?
- Khổ. Tình hình trước mắt là khoẻ.
- Anh không hiểu.
- Nam Du vừa về đến thì đã đưa bác Văn đi khám bệnh rồi. Bọn em chỉ nói với nhau được vài câu.
- Bác Văn chịu đi rồi sao?
- Ừ. Em nghĩ bác Văn sẽ mau khỏi vì có con gái bên cạnh.
- Nam Du đúng là ngọn gió tốt lành.
- Đúng. Nhỏ ấy là ngọn gió tốt lành cho một người cha và một người đàn ông đã từ lâu dâng hiến trái tim mình.
Quốc Tuấn nhăn nhó:
- Em nói gì nghe kinh khủng vậy?
- Không phải sao? Một năm Nam Du ở Pháp là một năm cuộc sống anh tẻ nhạt, không có gì vui. Vậy mà tin Nam Du trở về, tất cả đều thay đổi một cách nhanh chóng. Sau vài giờ thôi, anh đã yêu đời trở lại và đã cười nhiều hơn.
Quốc Tuấn! Em có cảm giác, Nam Du chẳng những ảnh hưởng đến của anh mà còn chi phối cả cuộc đời của anh nữa.
- Để ý kỹ thế?
Bằng Lăng cảnh báo:
- Nhưng em cũng nhắc nhở anh, đừng quá mụ mị theo trái tim của mình để rồi sau này phải hụt hẫng. Tình yêu luôn luôn xuất phát từ hai phía. Nếu anh yêu, anh cũng phải lý trí và tỉnh táo. Bằng không, lúc anh đau khổ, không ai giúp được anh đâu.
- Em nói vậy là sao?
Quốc Tuấn nghiêm nghị:
- Có phải... em đã biết chuyện gì đó về Nam Du? Cô ấy...
Bằng Lăng lắc nhẹ:
- Nam Du luôn là một người bạn tốt của em. Em ngưỡng mộ Nam Du bởi sự thông minh, tài giỏi. Nam Du là người để em phải học hỏi theo, từ tính cách lẫn tri thức. Vì thế, có một điều em cần phải nói, là Nam Du không hợp với anh. Nó không bao giờ thuộc về nơi này. Anh đừng...
- Em càng nói, anh càng không hiểu.
Quốc Tuấn cắt ngang:
- Tại sao Nam Du không thuộc về nơi này? Cô ấy sinh ra ở đây, gia đình ở đây mà.
- Em có phủ nhận điều đó đâu?
- Thế...
- Anh hãy nghĩ xa hơn một chút đi. Nam Du học cao, tương lai xán lạn ở phía trước. Hơn nữa, tấm bằng ở Pháp, chẳng lẽ cầm về đây thu mua xuất khẩu trái cây?
- Bộ không được sao?
- Anh...
Bằng Lăng bực mình:
- Thật, anh chẳng có đầu óc chút xíu nào.
- Ơ... sao tự nhiên mắng anh?
- Mắng anh để anh thức tỉnh và thông minh hơn một chút chứ.
- Thôi thôi! - Quốc Tuấn xua tay - Anh hỏi thăm em về Nam Du, không phải để chúng ta bàn cãi tương lai của cô ấy. Em hiểu không?
- Hiểu. Vì hiểu nên em mới nhắc nhở anh. Đừng hy vọng nhiều để rồi thất vọng nhiều. Đau khổ vì yêu một người không thể nói, nguy hiểm lắm đó.
Quốc Tuấn trừng mắt:
- Không ủng hộ anh mà cứ bàn ra, vậy bảo là bạn. Có muốn ký đầu không?
Bằng Lăng né người:
- Nè! Người ta muốn tốt cho anh, anh không nghe thì thôi. Lỡ thảm hại, đừng than thở cầu cứu nghe.
Cô đứng dậy làu bàu:
- Đúng là cứng đầu không ai bằng. Người ta có lòng tốt soi đèn để không đi trong bóng tối, thế mà... Hừ! Cầu mong anh bị một trận thật đau để anh thông minh ra.
- Ơ...
Quốc Tuấn đứng lên theo:
- Đang rủa gì đó?
- Không phải rủa, mà đang chửi.
- Chửi ai?
- Ở đây có em và anh, chẳng lẽ em chửi em? Ai khùng vậy?
- Biết đâu được.
Bằng Lăng liếc ngang:
- Anh đó. Nhà tiên tri dự đoán rồi, không nghe thì đừng hối hận.
Bằng Lăng quay lưng bỏ đi, Quốc Tuấn với gọi:
- Khoan đã!
- Bằng Lăng! Anh chưa hỏi xong mà.
Bằng Lăng trả lời, nhưng vẫn không dừng lại:
- Em không biết gì nữa đâu. Có hỏi, anh trực tiếp hỏi Nam Du ấy.
- Tôi đây! Ai thắc mắc gì, tôi giải đáp cho.
Sự xuất hiện bất ngờ của Nam Du làm Quốc Tuấn khựng lại, còn Bằng Lăng thì được dịp:
- Là anh Tuấn đó. Anh ấy muốn biết cuộc sống và việc học của mày ở bên Pháp. Anh ấy còn muốn biết mày đã có người yêu chưa?
- Ơ...
Quốc Tuấn la lên:
- Anh không hỏi vậy.
Nam Du mỉm cười:
- Không sao. Quan tâm, thắc mắc hay tò mò, tôi đều trả lời hết.
Bước khỏi hàng dâm bụt, Nam Du ra dấu:
- Anh Quốc Tuấn, Bằng Lăng! Đến đây đi. Chúng ta sẽ trò chuyện với nhau.
Đợi Bằng Lăng và Quốc Tuấn đến gần mình, Nam Du chỉ khóm cỏ xanh mướt dưới chân:
- Ngồi đây nha?
- Ừ...
Bằng Lăng tự nhiên bên bạn, còn Quốc Tuấn, thấy anh cứ ngập ngừng, Nam Du vỗ vỗ:
- Anh ngồi đi! Anh em với nhau không mà mắc cỡ gì.
Bằng Lăng nhướng nhướng mày trêu Quốc Tuấn sau câu nói của Nam Du:
- Nghe chưa? Là anh em với nhau đấy!
Quốc Tuấn đổ quạu:
- Em thôi đi! Người ta buồn, người ta đau khổ, em vui lắm hả? Em có trái tim không?
Nam Du ngơ ngác khi bỗng nhiên Quốc Tuấn lớn tiếng với Bằng Lăng:
- Hai người làm sao vậy? Giận nhau rồi à?
-...
- Anh Tuấn!
-...
- Bằng Lăng? Nếu hai người không nói, tôi vào nhà đó.
-...
- Được!
Nam Du dợm đứng lên thì bị Bằng Lăng kéo xuống:
- Không có gì đâu. Tao và anh Tuấn chỉ đùa thôi.
- Đùa?
Bằng Lăng nháy mắt. Quốc Tuấn gượng cười phụ hoạ:
- Ừ! Bọn anh chỉ đùa.
- Thật... - Nam Du lắc đầu - Hai người trẻ con quá!
Sợ Nam Du để ý đến tâm trạng bất ổn của Quốc Tuấn, Bằng Lăng lái câu chuyện:
- Bác Văn không có gì nghiêm trọng chứ?
- Ờ Không. Ba bị cảm rồi dần đến viêm phổi thêm suy nhược nữa. Bác sĩ nói thế.
- Có phải nằm viện không?
- Không. Bác sĩ khám cho thuốc và bảo về nhà nghỉ ngơi, tịnh dưỡng.
Bằng Lăng vỗ vai bạn:
- Mày về thật đúng lúc đấy. Chứ bọn tao nói, bác chẳng nghe ai cả. Bệnh thế mà không chịu đến bệnh viện, cứ ở nhà uống thuốc Nam. Nhìn bác ngày càng gầy càng mệt mỏi, tao lo lắng hết biết. Muốn thông báo cho mày thì sợ bác nổi giận...
Bằng Lăng thấp giọng:
- Xin lỗi, mày đừng giận tao nghe.
- Không gì đâu. Tao xin lỗi mày mới đúng. Mày đã giúp đỡ gia đình tao nhiều thế mà...
Bằng Lăng để ngón tay lên mũi bạn:
- Đừng nói! Mày không giận tao là tao vui rồi. Còn chuyện gì đó... Quên đi nghe!
- Nhưng..... - Suỵt!
Bằng Lăng rỉ nhỏ:
- Có anh Quốc Tuấn ở đây này, không thể để cho anh ấy nghe được.
Nam Du liếc Quốc Tuấn, khi anh vẫn im lặng mắt nhìn đâu đâu:
- OK.
- Cấm nhắc lại đó!
- Ừm.
Hai cô gái thoải mái trở lại. Bằng Lăng hỏi:
- Nghe Bác Văn nói, mày sẽ ở lại Pháp tìm việc làm trong mùa hè này mà?
- Ừ tao dự định thế. Nhưng cuối cùng bể kế hoạch nên đành về.
- Bể kế hoạch? Kế hoạch gì?
- Thì... ông chủ chỗ tao định xin vào làm thấy ghét quá, tao đã bỏ ý định.
- Chứ không phải người ta khó khăn quá em chịu hổng nổi à? - Quốc Tuấn bất ngờ chen vào.
- Cho là vậy đi. Nhưng em về, mọi người không mừng sao?
- Mừng chứ. Nhất là bác Văn, ba của em, ông sẽ sớm hết bệnh khi có con gái chăm sóc.
Nhắc đến cha, Nam Du lại buồn:
- Mới một năm thôi mà cha em già đi nhiều quá. Không biết rồi đây, ông có còn chịu đựng được, khi em còn đến hai năm học nữa. Về thấy ông bệnh mà em đau lòng.
Quốc Tuấn trấn an:
- Anh nghĩ không sao đâu. Tại một lúc công việc nhiều, nên bác quá sức ấy thôi. Đợi bác khoẻ lại, em khuyên bác đừng quá sức nữa thì được chứ gì.
- Có em bên cạnh "hăm he", ba còn hơi ngán. Em đi rồi ông chịu nghe em mới lạ đó.
Nam Du thở hắt ra:
- Có thể em sẽ không sang Pháp nữa.
- Không được.
Bằng Lăng phản đối:
- Đi học ngành quản lý gì đó, là ước mơ của mày. Nếu mày bỏ nửa chừng, cũng như mày bỏ cả tương lai của mày đó.
- Nhưng ba tao bệnh thế này, làm sao tao yên tâm.
Bằng Lăng cắt ngang:
- Mày tin tao không?
- Hỏi vậy cũng hỏi. Không tin mày thì tao tin ai đây?
- Vậy là được rồi. Mày cứ tiếp tục thực hiện ước mơ đi, còn việc ở đây và ba mày, đã có tao và anh Tuấn lo. OK chưa?
- Tao... tao không thể làm phiền mày và anh Tuấn...
Quốc Tuấn không hài lòng:
- Bạn bè với nhau mà em khách sáo thế, anh không vui đâu. Huống chi bác Văn xem anh và Bằng Lăng như người trong gia đình, mà đã là người trong gia đình thì bọn anh phải có trách nhiệm chứ, đúng không? Này! Đừng nhưng nhị, đừng ý kiến gì nữa nghe chưa? Anh giận thật nếu em cứ băn khoăn về bác Văn.
Có những người bạn tốt thế, Nam Du còn mong muốn gì nữa. Cô chấp nhận:
- Thôi được rồi. Em nghe lời hai người tiếp tục thực hiện ước mơ. Nhưng em giao trước nè. Nếu ba em không nghe ai đó nói, thì phải nhắn liền cho em. Em không muốn giấu giếm em chuyện gì cả.
- OK.
- Còn nữa, hàng tuần phải báo cáo tình hình của ba em cho em biết.
- Ừ - Ba em...
- Đủ rồi, Nam Du!
Quốc Tuấn ngăn lại:
- Em giống mấy bà cô từ khi nào vậy? Nói nhiều quá!
- Anh...
Nam Du véo mạnh vào hông Quốc Tuấn - Úi da...
- Cho anh chết đi. Người ta dặn dò vậy mà bảo người ta nói. Hừ! Anh coi chừng anh đó.
- Không phải sao? Em còn đến ba tháng nghỉ hè, dặn sớm, lỡ anh quên, mắc công dặn lại không. Để đến ngày đi hẵng dặn lại một lần luôn, cho đỡ hao hơi.
Nam Du liếc dài:
- Anh đó! Một năm thôi mà miệng lưỡi dễ sợ luôn. Người ta nói câu nào, trả lời câu đó, có khi còn hơn nữa.
- Ê! Ai thay đổi anh vậy?
Quốc Tuấn cốc Nam Du:
- Hỗn nè!
Cô nhỏ vò đầu:
- Ối! Anh vũ phu thế! Phụ nữ cũng ăn hiếp.
- Nói nữa, cốc nữa đó.
- Anh dám?
Nam Du thách thức:
- Cho anh biết nghe, ở Châu Âu, đàn ông đánh phụ nữ là ở tù đó.
- Nhưng ở đây là Việt Nam, không phải Châu Âu, vì thế, người nào hỗn là anh cốc.
- Anh...
Nam Du tức quá kéo Bằng Lăng:
- Vào nhà với tao! Tao không thích nói chuyện với người ngang nữa.
- Không biết ai ngang à?
- Hừ!
Nam Du kéo Bằng Lăng đi băng băng, đi được một quãng, cô quay lai:
- Đáng lý ra anh có quà từ bên Pháp, nhưng bây giờ quê rồi, không cho nữa.
- Con nít!
- Kệ tui!
Nam Du lè lưỡi nhát Quốc Tuấn rồi tiếp tục đi. Bên cạnh cô, Bằng Lăng chìm trong những băn khoăn và những điều khó lên tiếng.
"Cóc chết nàng nhái mồ côi bấy lâu, chàng hiu nó bèn đi hỏi, nhái lắc đầu, nàng lại chẳng ưng, lắc đầu chẳng ưng...
Con ếch nó ngồi ở sau lưng ơ... nó kêu là kêu cái ộp, biểu ưng cái ưng cho rồi, cứ ưng cho rồi. Bậu chờ ai, có ai chờ bậu, chớ bậu làm sao lấy chồng chẳng ham.
Cóc chết nàng nhái mồ côi...".
Nam Du lặp đi lặp lại bài dân ca "Lý con cóc" vui nhộn. Cô vừa hát vừa đong đưa trên nhánh mận cao nhất. Ba tháng hè ở miền quê yên ả này, thật là thích. Không khí trong lành, đồng quê sông nước mênh mông, cây ăn trái nhiều vô số kể.
Nam Du yêu quê hương này, yêu từng cành cây ngọn cỏ, yêu con người hiền hoà, giản dị chân chất. Họ bình dân, không khoa trương, không toan tính. Hằng ngày nhìn họ tất bật với công việc đồng án, rẫy vườn, Nam Du thấy thương làm sao. Cô ước gì mình có thể tạo công ăn việc làm cho họ, bằng chính những công việc nhẹ nhàng hơn, thì có lẽ họ không phải còng lưng giữa trời trưa nắng.
Nam Du nhìn mông lung qua kẽ lá. Xa xa trong tầm mắt, hình ảnh bà con gặt lúa trên đồng cho cô một cảm giác bình yên, no ấm. Thế giới này, nếu không có những con người chịu cực chịu khổ kia, thì ta cô sống được không? Bởi vậy bất kỳ ai, làm công việc gì, Nam Du cũng đều trân trọng. Cô chẳng những trân trọng thành quả của họ mà còn ngưỡng mộ họ. Vì họ là người tạo nên cuộc sống mà.
Gió chiều hiu hiu mát, Nam Du dựa người ra nhánh mận lớn phía sau lưng.
Cô lại nghêu ngao bài hát chế:
"Trèo lên cây mận mà rung Mận rụng đùng đùng không biết mận ai Mận này là mận ông cai Mận chưa mà có trái là chị Ba nó có ơ... chồng.
Anh Hai đi cưới chị Ba Mâm trầu mà hũ rượu hết hai mươi đồng Nào tiền mua...".
- Chị Nam Du!
Tiếng gọi khá lớn của Thu Hương làm Nam Du giật mình chới với. Cô rơi từ trên nhánh mận xuống.
- Á!
- Chị Nam Du, coi chừng.
- Trời ơi! Phen này thì tiêu rồi.
Nhưng cảm giác đau không có, vì cô không rơi xuống đất mà rơi vào vòng tay của ai đó.
- Cô bé không sao chứ?
Giọng nói ấm áp quen thuộc, Nam Du mở mắt ra:
- Triệu Khang!
- Là tôi đây.
- Ông...
Thu Hương chạy lại:
- Hú hồn! Chị làm em muốn đứng tim. Nếu không có chú đây...
- Chị mày đứng tim mới đúng nè.
Triệu Khang nhẹ nhàng đặt Nam Du đứng xuống:
- Không có gì là tốt rồi. Đừng la em nó.
Chẳng thèm quan tâm đến lời nói của Triệu Khang, Nam Du trừng mắt với Thu Hương:
- Em muốn ám sát chị hay sao vậy?
- Dạ, đâu có.
- Vậy sao la lớn thế? Bộ không thấy chị ở trên cao à?
- Em... em xin lỗi. Vì chú này muốn gặp chị, nên bác Văn bảo em đưa chú ra vườn tìm chị. Em không nghĩ, em làm chị gặp nguy hiểm. Em xin lỗi.
Sự lúng túng vụng về của Thu Hương làm Nam Du không thể tức giận thêm.
Nhưng cô vẫn giữ nét mặt nghiêm nghị:
- Hừ! Đừng ngốc thế nghe chưa. Bất kỳ người ta đang làm gì, hoặc ở đâu, nếu như em có gọi cũng phải nhỏ nhẹ, kẻo người ta giật mình. Biết không?
- Dạ.
- Em có biết, từ trên cao đó mà té xuống, chị sẽ như thế nào không?
- Dạ....
- Bộ muốn chị chết sớm à?
- Không.
Thu Hương xua tay:
- Em không có lần sau đâu. Chị đừng giận em nghe.
- Hừ! Còn không về nhà đi.
- Dạ....
Thu Hương khoanh tay lễ phép:
- Thưa chú, cháu về trước đây.
Cô nhỏ quay lưng chạy một mạch.
Triệu Khang tủm tỉm:
- Tôi không ngờ cô bé cũng dữ dằn thế đấy! Làm cho Thu Hương sợ run cả lên luôn.
- Ừ Nam Du cộc lốc:
- Tôi dữ vậy thì sao?
- Không sao hết. Tôi rất thú vị khi biết thêm về cô bé.
-...
- Một Nam Du khó chịu, bướng bỉnh gặp rồi, và bây giờ thì trước mặt tôi có thêm một Nam Du dữ dằn, ngang tàng và nghịch ngợm. Ở dưới đất không ở, lại leo tuốt lên đọt cây...
- Nè! Tôi không mượn ông nhận xét về tôi nghe. Đừng làm tôi bực mình lên đấy. Chuyện ông đến tận chỗ này, tôi còn đang khó chịu đây.
Triệu Khang nhướng mày:
- Khó chịu vì thấy mặt tôi, hay khó chịu vì tôi dễ dàng tìm được nhà cô bé?
- Cả hai.
- Vẫn ghét tôi nhiều đến thế ư?
-...
- Nam Du! Cô bé biết tôi khổ sở thế nào khi cô bé trở về Việt Nam mà không nói tiếng nào không?
Nam Du vẫn không cởi mở:
- Tôi đi đâu, làm gì, tại sao phải nói với ông? Ông không thấy điều ông đòi hỏi chẳng hợp lý tí nào sao?
- Đúng, tôi không có quyền gì đòi hỏi ở cô bé. Nhưng nếu cô bé biết cô bé quan trọng thế nào đối vôi tôi, thì cô bé không lạnh lùng như thế đâu, đúng không?
Triệu Khang tiến sát lại gần chỗ Nam Du:
- Tại sao cô bé nhanh chóng quay về Việt Nam vậy? Dù có giận tôi cũng đâu nhất thiết phải lảng tránh...
Nam Du cắt ngang:
- Này, Triệu Khang! Ông đừng tự cho mình thông minh rồi nghĩ ra đủ chuyện có được không? Tôi không lảng tránh ai cả. Tôi về đây vì nhớ gia đình thôi.
- Về vì nhớ gia đình? Vậy sao cô bé căn dặn Anna đừng nói cho tôi biết?
- Tôi sợ phiền phức. Thêm nữa, tôi muốn bình yên trong những ngày hè tại quê nhà.
- Bình yên ư?
Triệu Khang chợt buồn:
- Có lẽ tôi đã nhạy cảm quá. Tôi nghĩ cô bé buồn tôi, giận tôi, tôi lo sợ nên mới gấp rút qua đây. Nhưng... tiếc thật! Tất cả chỉ có một mình tôi tự dệt ra suy nghĩ rồi tự mang lấy nỗi buồn.
Anh nhếch môi:
- Xin lỗi nhé, Nam Du. Số tôi không may mắn, cả tình bạn cũng đánh mất.
Vì thế, số phận tôi thế nào, tôi chấp nhận thế ấy, không buồn phiền ai đâu.
Triệu Khang quay lưng. Bước chân anh đạp trên những chiếc lá khô nghe có chút gì đó xót xa.
Nam Du bật gọi:
- Triệu Khang!
Cô đứng trước mặt anh:
- Ông định đi đâu?
- Về Pháp.
- Ngay bây giờ à?
- Ừ! Tôi qua đáy được thì tôi trở về được. Cô bé đừng lo.
- Nhưng... trời sắp tối rồi. Nếu ông về, ông phải đón xe lên Sài Gòn, sau đó còn hàng loạt những thủ tục... Hơn nữa, chưa chắc có vé cho ông về Pháp ngay.
Hay là...
Nam Du ngập ngừng:
- Dù sao ông cũng đã về lại Việt Nam rồi, ông ở lại chơi đi.
- Tôi không có người thân ở Việt Nam.
- Còn bạn bè chi?
- Tôi...
- Tôi sẽ làm bạn với ông trong những ngày ông lưu lại đây.
Triệu Khang sáng mắt:
- Thật hả?
- Nhưng tôi nói trước, chỉ là tình bạn tạm thời thôi, để ông không cảm thấy cô đơn trên đất nước của mình. Còn chuyện sau đó trở về y cũ.
- Nghĩa là...
- Khi trở sang Pháp, tôi và ông không nên qua lại với nhau nữa.
- Tại sao vậy?
- Ông biết rồi, sao còn hỏi tôi?
Triệu Khang thở hắt ra:
- Thôi đi! Cô bé không cần ép mình làm những chuyện mà mình không thích. Tôi cần tình bạn đẹp ngày nào, chứ không tình bạn hờ một, hai ngày, để rồi sau đó tôi lại hụt hẫng.
Anh dứt khoát:
- Đã chấm dứt thì chấm dứt luôn nhé. Tạm biệt cô bé!
Lần này Triệu Khang đi thật. Nam Du đứng nhìn theo anh, lòng đầy mâu thuẫn. Cô không muốn chia tay tình bạn với Triệu Khang, không hề muốn chút nào. Nhưng tiếp tục với anh, cô sẽ không làm chủ được mình. Cô biết trái tim mình rất rõ. Nó đã ngang bướng đi yêu người đàn ông có vợ, yêu thật lòng...
Những ngày qua, Nam Du cố trấn tĩnh mình rằng, tình yêu kia không thể được. Bởi sự khát khao được ở cạnh người mình yêu cô còn phải đối diện với xã hội, với gia đình, với bạn bè... Chắc chắn họ sẽ không ủng hộ, chấp nhận khi biết cô yêu người đàn ông nhiều lần cưới vợ và đang có vợ.
Lạnh lùng với triệu Khang, Nam Du đau khổ lắm chứ, nhưng cô đâu còn cách nào khác. Cô đâu thể đạp lên dư luận, chấp nhận là kẻ cướp chồng. Rồi cha cô nhìn họ hàng và mọi người sao đây?
Mệt mỏi, Nam Du ngồi bẹp xuống đất, đấu tranh tư tưởng là điều cô sợ nhất, vì nó luôn làm cho con người càng thẳng và khó đưa ra sự chọn lựa cho riêng mình. Nam Du ước gì mình chưa từng sang pháp, chưa từng gặp Triệu Khang, để tâm hồn cô được bình yên, không xáo trộn. Nam Du cũng thầm trách thượng đế, vì cuộc gặp gỡ này là đau khổ chứ không phải niềm vui.
Mọi người thường nói:
Hạnh phúc đến từ tình yêu. Thế nhưng, với Nam Du bây giờ, tình yêu chỉ là sự đau khổ và mệt mỏi.
Nam Du sợ bản thân mình không đủ sức chịu đựng. Rồi một ngày nào đó, cô rơi vào vòng xoáy đau khổ không dứt ra được, thì cả cuộc đời này, sự sống còn ý nghĩa không?
Nam Du khép nhẹ mắt. Bất ngờ một cơn gió chiều thoáng qua mang theo cả hương lài đồng nội. Hít một hơi dài, Nam Du cảm thấy tâm hồn được nhẹ nhàng và bình yên đôi chút. Lòng tin mạnh mẽ trong cô bỗng trở về. Không thể đầu hàng số phận, chấp nhận đau khổ vì từ chối tình yêu! Cô phải làm cái gì đó để có được tình yêu của mình có được người đàn ông cô yêu:
Đứng bật dậy, Nam Du đuổi theo Triệu Khang. Giây phút này, cô muốn giữ anh ở lại.
Gõ Cửa Trái Tim Gõ Cửa Trái Tim - Trần Thị Thanh Du Gõ Cửa Trái Tim