Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 175
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
11 — Dũng Sĩ
ÀO đến trong nhà, có người tiếp đón rồi — người tiếp đón đứng gần đến nỗi anh nghe cả hơi thở ấm — nhưng đến khi buột mồm nói xong câu nhận xét đầu tiên, tự mình nghe âm hưởng câu nói của mình, anh mới cảm nhận thấy thật chắc chắn. Anh hít vào một hơi dài không khí ban đêm của quê cũ, kinh ngạc thấy nó không giống mùi hương anh hằng ôm ấp trong trí nhớ. Tháng sáu, nhựa trong lòng cây được cát bãi đun líu ríu suốt ngày bây giờ mới trào tới quả, men trái căng phồng ứa ra ngoài vỏ thoang thoảng bay đi. Mùi thơm nóng của chuối, nồng gắt của mít, bập bùng hóa với cái mùi mằn mặn và đậm của thịt cá nục phơi trong nong nia gác trên các giàn bầu. Nhưng giờ đây không khí hoàn toàn khác. Chỉ có mùi than tro bắt đầu mốc ẩm. Vì những trận mưa mùa hè, khi ta hít vào, để lại trên lưỡi ta cái vị nhàn nhạt của muối gỗ, và cùng lúc dâng lên cổ ta cái cảm giác tức tối của sự trơ trụi và căm uất.
Anh cán bộ giải phóng thong thả tháo nát miếng vải nhựa dùng làm áo đi mưa. Một vài giọt nước biển bám vào áo lúc anh chèo thuyền qua vịnh bắn sang người chị phụ nữ; trong bóng tối, anh thấy chị khẽ vẩy một bàn tày.
— Chị chờ tôi hả? chị biết hôm nay tôi xuống hả?
— Cả xã chờ anh — chị trả lời ngắn ngủi. Nhưng anh cán bộ tinh ý nhận thấy câu nói ngắn ngủi của chị hàm ý trách móc, hàm ý tự hào, ánh lên một giọng cười kín đáo. Anh đợi và nghe chị nói thêm liền:
— Cả xã biết thế nào anh cũng về từ hôm bọn Mỹ đền mạng kia. Có người lên rừng hú ơi hú hỡi hoài mà chẳng thấy anh. Bà con biết thế nào anh cũng về. Bọn Mỹ đến vứt đền mấy miếng tôn, bà con làm nhà y như cũ liền: nhà y như cũ, rào y như cũ, đường đi lối lại y như cũ. Như cũ hết, anh thấy đó, cho các anh khỏi lạc lối mà.
Chị hạ giọng xuống một chút, buồn rầu:
— Hầm hào cũng y như cũ. Mặc dù bà con khổ lắm: dân ruộng dân giã mà bây giờ phải đong gạo Sài Gòn, cả xã đi củi xe. Anh biết rồi chứ gì?
Anh cán bộ gật đầu:
— Tôi biết rồi.
— Mà tôi có cái này cho anh ăn đã — chị phụ nữ lại nói, nhảy sang một việc khác. Anh ngồi xuống đây đi — chị nói tiếp, đẩy tới phía anh một cái đòn. Cơ khổ, mấy hôm nay tối nào tôi cũng nấu. Tảng sáng, chắc chắn anh không tới nữa, mới dựng thằng em dậy, bắt nó ăn.
Chị nín bặt, quay ngoắt lên nhà trên. Không, không phải chị chỉ vội đi lấy quà cho anh ăn. Vừa lúc, anh có cảm giác hơi hẫng: chị vừa vặn thấp xuống nữa ngọn đèn hạt mè trên bàn thờ vẫn bắt ra ngoài cửa sổ mấy sợi ánh sáng như râu mèo. Liền nghe có tiếng thằng em hỏi:
— Sao tắt đèn đó?
— Vặn xuống, có tắt đâu! — Nghe chị trả lời. Em ngủ đi.
— Đây, anh ăn tí đi — chị đã ngồi xuống cạnh anh. Lần này tôi đóng chè hộc, anh mang về cho anh em với.
Một lần nữa, chị đang nói bỗng nín thinh: người con trai đã tháo miếng vải nhựa xong, bây giờ hiện ra gọn gàng trong bộ quân phục màu sẫm, súng dài đặt ở góc tường đó, thắt lưng lại có súng ngắn và lổn ngổn rất nhiều gói mìn và lựu đạn.
— Anh về làng, ăn mặc thế này, hay đấy. biết các anh trưởng thành, khổ nhục gì bà con cũng quên hết. Anh có đi được mỗi nhà một nhà một tí không? — chị hỏi.
— Cái đó còn tùy, rồi ta bàn — anh cán bộ trả lời điềm đạm. Nhưng tại sao chị không nói gì về thằng em cả? Nó còn thức phải không?
— Nó tỉnh ngủ lắm. Lúc nãy thì thức, nhưng bây giờ chắc ngủ lại rồi.
Tự nhiên, chị bắt đầu kể lể:
— Hai chị em tôi sống với nhau như vậy, từ ngày chúng nó giết cha chúng tôi. Hôm thì nó đi củi, hôm thì tôi đi, hai đứa nuôi nhau. Tôi vẫn giấu nó mọi việc tôi làm. Anh đừng khua nó dậy, nó đòi đi theo anh mất: đứa trẻ con nào trong làng cũng đi đòi theo các anh. Nó cứ nhắc hoài là anh có hứa với nó khi nào anh về anh sẽ dắt nó đi. Anh chưa định đưa nó đi hôm nay chứ? Đừng, anh ạ. Nó chưa đến tuổi. Mới có mười một mà! Cũng chưa cần thiết phải không? Vả, cũng không có lợi cho công tác của tôi.
— Tôi chưa có ý đưa nó đi hôm nay đâu, tôi cũng không có ý đưa nó đi. Nhưng bọn Mỹ giết bao nhiêu trẻ khác trong làng mà có đợi các em “đến tuổi” đâu, các em có làm gì đâu?
Anh cán bộ không có ý không bằng lòng chị, chỉ là gặp thì bàn qua vậy thôi, nhưng nghe anh nói thế, nhất là nghe anh nhắc lại hai tiếng “đến tuổi”, chị phụ nữ biết mình không đúng, nín thinh. Còn anh cán bộ, tất cả ý nghĩ, linh cảm của anh từ trước cũng như lúc này đối với chị chỉ là kính trọng, mặc dù chị vốn cũng như là học trò anh, em gái anh. Anh hiểu lắm cái trạng thái của một con người vốn có một gia đình đông đúc, hai gia đình đông đúc, vì giặc Mỹ mà chỉ còn trơ có ba người, những người khác phần lớn chết thảm thương trước mắt họ. Chồng đi bộ đôi giải phóng, người đàn bà trẻ ở nhà, để xứng đáng với những người đã chết và với chồng, với bà con trong xã, và với những người cán bộ trăm cay nghìn khổ mà chị nuôi ở trong nhà, đã trở nên một cơ sở hết sức anh hùng. Người con gái “đi củi xe” ấy chính là đầu mối mọi việc ở xã này, chính là người sau những cơn bão táp vừa qua, đã dựng được mọi người đứng dậy, tổ chức lại lòng người như một thứ thành lũy. Cũng người con gái đó sau bao nhiêu tàn phá và tang tóc, muốn bảo vệ đứa em nhỏ độc nhất còn lại của gia đình bằng cách giữ em mãi mãi ở bên mình mà ở ngoài vòng những việc mình làm với những đồng chí của mình. Nhưng, anh cũng hiểu chị lắm: thế đấy chứ, nếu hôm nay anh đề ra việc đem theo đứa em, chị sẽ đứng dậy ngay bây giờ, lẳng lặng đi lên nhà trên, lấy cái khăn choàng hầu lụa của mẹ, gói cho em cái áo cánh, chiếc quần đùi, mót máy nhét vào một số tiền, tiễn em bằng một lời căn dặn lúc nào cũng dũng cảm và trung thành với Bác Hồ, với cách mạng.
Khi suy nghĩ về chị phụ nữ như vậy, anh cán bộ cũng cảm động lắm. Theo thói quen tự trấn áp mỗi khi lòng mình xúc động, anh chuyển sang việc khác nói bằng một giọng tưng tửng, vui vui:
— Nào bây giờ chị báo cáo cho tôi nghe...
Chị phụ nữ giật mình. Báo cáo gì? Anh cán bộ cần hỏi gì thì hỏi, không thể không hỏi việc kia trước hết được. Chị nghĩ như vậy. Nhưng câu hỏi của anh vẫn có cái gì là lạ làm cho chị lo lo. Chị bắt đầu báo cáo việc kia trước hết:
— Bọn Mỹ thường hay đi tuần từ mười hai giờ đêm trở đi. Ban đêm, chúng chỉ đi mươi lăm đứa, mỗi đứa cách nhau mươi mét, thắng trước đưa chân lên, thằng sau cũng đưa chân lên, thằng trước đứng lại, thằng sau cũng đứng lại, động tác y hệt như nhau. Chúng nó chỉ đi một vòng từ đường số một băng đồng qua bìa thôn một, không vào làng, thọc xuống thôn sáu, qua gò Cây Thị rồi lên xã trên. Ba tiếng nổ đều do mìn M. 26 của Mỹ, ba đêm đều suýt soát một chỗ.
Người chôn mìn tài lắm, tính được tâm lý của nó. Lần đầu, biết thế nào nó cũng tránh cái bàu, lần thứ hai biết thế nào cũng tránh một chút chỗ nó chết đêm trước, lần thứ ba cũng thế. Tổng cộng ba chỗ, ba đêm, mười bảy vũng máu tất cả, toàn là Mỹ. Bà con mừng hết ngõ nói. Chúng nó cao lớn như vậy, kéo lên đây ào ạt như vậy, chốt cho Đà Nẵng bốn vạn thằng, vũ khí ùn ùn như núi, mà lực lượng mình cũng giết được nó rồi đấy! Nó co vòi đấy! Mấy hôm nay bỏ chuyện đi tuần vùng này rồi. Dân xã đi củi xe vào Đà Nẵng, bà con Đà Nẵng, ai cũng hỏi: “Bà con Hòa Vang làm thế nào tài thế? Trực thăng chở nó về đây mười bảy cái xác. Bọn nó vừa đổ bộ mấy ngày trước cậy đông, cậy mạnh, vả chưa xáp trận mà thấy một lần mười bảy thằng chúng nó đứa lòi bụng, đứa gãy đầu, kinh hoảng lắm”. Tận Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, người ta cũng thuê xe đò nói đi Nam Ô, Lang Cô ăn một bữa sò huyết chấm nước mắm ngon chơi, kỳ thực cốt đi qua đây, ngoái đầu ra ngoài xe trầm trồ với nhau chỗ ta giết Mỹ. Họ nói: nó muốn “mở màn một thời kỳ mới” thì ta cũng mở màn một thời kỳ mới! Ba tiếng nổ đó làm hiệu lệnh. Rồi ngàn vạn tiếng nổ khác tiếp theo tức thì cho mà xem. Mọi người nô nức lắm. Giá trị lắm anh ạ.
Chị bất giác rùng mình khi ngửng lên thấy dáng điệu anh cán bộ. Anh cán bộ nhìn chằm chằm vào chị. Trong bóng tối, chị không nhìn thấy hoạt động của con ngươi anh, nhưng anh nín thinh lâu quá, hai mắt anh trừng trừng, anh ghim cả hơi thở nữa, điều ấy khiến chị chột dạ. Chị nói xong đã mấy tích tắc rồi mà anh vẫn nín thinh, và không nhúc nhích. Một lúc, anh mới nói chậm rãi:
— Thế là việc đoạt mìn của Mỹ giết mười bảy thằng tụi nó vừa mới đổ bộ, trong ba đêm liền vừa qua, không phải do đường dây của chị.
Chị phụ nữ hốt hoảng kêu lên:
— Trời! Thế mà tôi cứ tưởng là anh. Bà con ở đây ai cũng cho là lực lượng đã về rồi, còn ẩn bí mật trong xóm nào đó!
— Ai?
Hai người dịch cái đòn, ngồi sâu vào một chút vì ánh trăng lờ mờ đã soi đến chân họ. Trước mắt họ, mở ra một cánh đồng bát ngát đầy kỷ niệm về đời sống của làng xóm, nhưng bây giờ, những kỷ niệm ấy và cánh đồng ấy đã chết. Chết? Không, chính ở bìa cánh đồng ấy đấy, đằng xa kia, chỗ tiếp giáp với đường qua đèo, con đường dưới ánh trăng mờ hằn nổi lên viền cho cánh đồng bây giờ còn trơ có tro rạ, như là hàng triệu bông lúa chưa kịp gặt bị xe thiết giáp Mỹ chà xát, o ép vừa qua đã bục lên ba tiếng nổ báo thù từ trong lòng đất vít đầu giặc Mỹ xuống mà trườn lên.
Để tìm người dũng sĩ còn giấu mặt, anh cán bộ giải phóng và chị cơ sở ngồi bình tĩnh và tẩn mẩn điểm lại hết mọi người trong xã. Chị quả quyết bảo anh nên bàn về những người ở ngoài đường dây, có thể là họ căm thù quá mà manh động. Anh nói tốt hơn là điểm từng nhà, nhân dịp cho anh nắm thêm chắc tình hình và bây giờ đến lúc anh đi cũng còn nhiều thì giờ, nếu không kịp thì anh ở nán thêm một ngày làm luôn.
—Tôi ở có được không? Việc tìm ra đồng chí dũng sĩ, cách đồng chí đó làm thế nào lấy được vũ khí của Mỹ, cách đồng chí đó giết Mỹ, đồng chí đó cũng là một dân làng bình thường do căm thù mà trở nên mưu trí và làm cho giặc phải khiếp sợ, cái đó cần cho phong trào lắm.
Bằng một giọng nhỏ nhẹ, chị phụ nữ điểm danh cho anh nghe từng nhà một, từng người một, bắt đầu từ cuối làng, từ gò Ông Thị đi gần mãi lại nhà chị ở đầu làng. Chị báo cáo rành rọt từng diễn biến tư tưởng và thái độ của từng người trong mỗi nhà, thù Mỹ, thù ác ôn, tai nạn, bệnh tật, nợ nần, cách kiếm ăn hàng ngày, cho đến cách đi dáng đứng... Xong một nhà, chị dừng lại một lúc, nghe anh cán bộ không hỏi gì thêm mới đưa anh sang nhà khác. Họ cùng nhau báo cáo công tác mà như cùng nhau đi thăm tất cả mọi người một lượt, như chị đề nghị ban nãy, dong từ cuối làng đến đầu làng, dừng lại hồi lâu trước mỗi cái hàng rào dâm bụt, có những chấm đỏ rung rinh trong kỷ niệm.
Chị phụ nữ rất tự hào khi giới thiệu với anh cán bộ giải phóng cặn kẽ về quê hương, về những con người không thể gì khuất phục được mặc dù kìm kẹp, tang tóc, dọa nạt và đủ thứ đau khổ khác. Nhưng chị cảm thấy mình càng lúc càng hồi hộp.
Cuộc hành trình hôm nay chị đi với anh, chị từng đi một mình đêm đêm trước khi chợp mắt. Vì thế, anh hết sức kinh ngạc: anh biết khả năng của chị từ lâu, nhưng anh không ngờ một người đàn bà trong hoàn cảnh chung bị o ép và trong hoàn cảnh riêng hết sức đau đớn, lại có thể nắm tình hình nhân dân trong xã một cách tỉ mỉ như vậy. “Tuyệt! — anh nghĩ. Nhưng việc kia vẫn lọt là thế nào?” Anh mở to mắt nhìn trừng trừng vào những hình ảnh mà những lời kể lể của chị phụ nữ khêu gợi nên, có cảm giác không phải chỉ lúc nãy chèo thuyền qua vịnh ép người sát mặt sóng trong ánh sáng đèn pha của chúng, mà ngay cả bây giờ, anh cũng phải viện đến tất cả vốn sống, kinh nghiệm và gan dạ. Chị phụ nữ báo cáo rành rọt đến nỗi, bỗng nhiên, anh nảy ra một ý nghĩ: không phải duyệt lại những cái mà chị đã biết mà phải giúp chị tìm thấy cái chị còn sót, cái đó ở ngoài sự kiểm soát của chị. Cái đó là cái gì? “Thăm hỏi” rất thú vị mỗi nhà, rời nhà ấy ra đi vì không tìm thấy người mình định tìm, con đường đến đầu làng dần dần ngắn lại, nhưng anh vẫn không cảm thấy tuyệt vọng. Có lẽ trong tâm trí anh có lập lòe một đốm gì đó ở đầu làng, nhưng cũng có cái khác: “Cái khác” ấy là cái gì, anh chưa biết cho thật rõ. Tuy vậy người cán bộ, trong cái công tác này nữa, cũng được nâng đỡ bởi cái trạng thái bình tĩnh và rắn chắc tin rằng mình sẽ thắng, sẽ tìm thấy, sẽ khái quát hóa được để đưa phong tròa của vùng lên một mức.
Anh bỗng nhận thấy giọng chị phụ nữ đổi khác. Không phải lời báo cáo của chị ít xúc tích hơn, bớt chính xác hơn, nhưng mà cái cách chị nói rõ ràng là đổi khác. Hoàn cảnh sinh sống và chiến đấu khó khăn đã luyện cho chị có thêm được một thói quen đó: chị có thể mồm vừa nói mà đầu vừa nghĩ rất lung về chuyện khác, nhưng vẫn kiểm soát được những điều mình nói.
Chị nữa, trong việc này nữa, chị cũng không chịu thua.
...— Này em, chớ có lân la chỗ bọn Mỹ, người làng ta người nghi. Người ta nói em nhổ cả tóc sâu cho chúng nó nữa kia. Báu gì mấy cái loong, em, mà em làm vậy? Chúng nó xâm lược nước mình, giết cha mình trước mắt em đó, giết bà con chú bác anh chị mình, giết người làng mình, em còn không biết sao?
— Em chán chị lắm, chị cứ nói hoài. Để các anh về, các anh giao công tác cho em, xem em có làm được không nào. Bọn Mỹ có cho vàng, em cũng không thèm, chớ mấy cái loong. Em vất cả đống ngoài bụi chuối đó, chị không thấy sao? Chẳng qua, chúng nó hay la cà chỗ bọn trẻ chăn trâu, mấy đứa bạn quây vào xin loong, mình tách ra không xin, chúng nó nghi. Chúng nó nghi em thì không lợi cho chị, phải không?
… — Gần bầu có nhiều cỏ à?
— Chẳng có mấy cỏ đâu. Gần đường cái, trẻ chăn trâu không dám giong trâu ra đấy sợ xe bọc sắt chúng nó đi qua bắn chết trâu.
— Vậy tại sao mấy bữa nay chị cứ thấy em lẩn quẩn với trâu ở đó?
— Thì... thì chẳng đứa nào đưa trâu ra, mình đưa ra, trâu mình ăn được no, rủi nhà có việc gì, chạy về cũng dễ.
— Em cứ hay lo cho chị! Mà em đang nghịch cái gì đó?
— Không, không có cái gì đâu? Sợi dây ni lông mà.
— Trời, em tháo giàn lưới ra à?
— Có đánh được cá nữa đâu mà chị giữ? Rút ra chơi còn có ích hơn.
… — Ủa, mà chị cũng còn thức à? Hộp dầu cù là đâu, đưa cho em đi.
— Đêm nay em cũng đau bụng nữa à?
— Mấy đêm nay, cứ đến đêm là đau bụng, lạ thiệt.
Giữa lúc ấy thì có tiếng nổ. Chị cũng như tất cả dân làng ngơ ngác choàng dậy một lượt tuy chưa ai dám ra. Thằng em ôm chầm lấy chị, úp mặt vào ngực chị. Chị tưởng nó sợ, nhưng nghe nó cười rúc một tiếng:
— Em cười gì?
— Các ảnh về rồi, giết bọn Mỹ đó! Cười vậy chứ còn cười gì?
— Suỵt!
Rồi thì bọn Mỹ bắn lung tung, ầm ĩ, đỏ ngòm cả một vùng, từ núi xuống, từ biển lên, cho đến lúc trực thăng chúng tới. Chị lại bận túi bụi để giữ chờ có sự bộc lộ nào quá đáng trong xã trong không khí mừng rỡ chung. Cho nên chị không cấm được thằng em bé mà rất nghịch, đã cả gan mò đến bọn Mỹ bị giết, rồi chạy về nhà, cầm mấy miếng mảnh trong tay, nhảy cẫng lên:
— Sướng quá chị ơi, sướng quá chị ơi! Bốn vũng máu thật to. Ít ra là bốn thằng đêm nay nhé. Bằng chính mìn của chúng nó, đây, chị nè!
Như thế đấy, ký ức, từng mẩu, từng mẩu, bỗng chập lại, ghép lại trước mắt chị.
Bây giờ, hai người đã đi gần hết con đường chị dẫn anh đi từ nãy.
Chị dừng lại trước bờ rào nhà chị.
— Còn nhà tôi nữa, anh ạ — chị định nói.
Thì anh cán bộ giải phóng đã đưa tay ra ngăn chị lại, mấy ngón tay vừa vặn chấm cái tia ánh trăng vừa soi tới:
— Chị không kể cho tôi nghe về những em bé tuổi mười hai trở xuống. Không thể lường hết được những con em của các cha mẹ anh chị anh hùng... Ta quay lại đi.
Chị phụ nữ nhìn sửng.
Như vậy đấy, anh ấy cũng đã tìm thấy! Như vậy đấy, cái sơ sót của chị! Cho rằng phải giấu giếm bọn em, và chỉ giấu giếm là đủ! Chị có một cử chỉ chủ động, đi trước anh một bước, đứng dậy.
— Ta lên trên nhà đi anh — chị nói.
Chị lại đi tong tả, như lúc nãy, như vì đã trông thấy đích. Chị đến bàn thờ đưa tay vặn to lên ngọn đèn lúc nãy chị vặn nhỏ xuống: thằng em không còn trên phản.
Chuyện kinh thiên động địa lần này là do một em bé.
Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú tí hon thấy mình không cần vờ ngủ nữa, thấy mình nhất thiết phải gặp anh cán bộ giải phóng, nếu anh không lên tìm, mình cũng phải chạy theo cho kịp níu áo anh ta. Dũng sĩ đã đứng dậy, tới đứng bên cửa, và thấy chị sửng sốt thì cất tiếng cười nho nhỏ, cái tiếng cười khẽ mà rất trong vừa chịu lỗi vừa tự hào của trẻ.
Anh chiến sĩ giải phóng ôm lấy cái đầu nhỏ xíu của thằng em vào trong ngực mình, hết sức xúc động, chẳng nói ngay được lời nào hết. Thằng em thì mân mê cái thắt lưng nặng sễ mìn và lựu đạn của anh:
— Anh cho em, anh để lại cho em một ít. Cái thằng Mỹ em đánh cắp M.26 có lẽ chết trong đám ấy rồi.
Người chị nhấc cái đèn lên khỏi bàn thờ, cốt soi cho tỏ hơn cảnh tượng trước mắt. Thằng em không mấy ngày không nhắc đến anh chiến sĩ giải phóng, lần này gặp anh, chỉ xin vũ khí! Ánh ngọn đèn dầu lửa chập chờn khiến khuôn mặt nhỏ thon trở nên gồ ghề có những nét rắn chắc, anh hùng, mà người chị rất thương em, thuộc em nhưng vẫn chưa hề nhận biết.
Tháng giêng — tháng ba năm 1969
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh