Letting go means to come to the realization that some people are a part of your history, but not a part of your destiny.

Steve Maraboli

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 176
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
5 — Lý Sơn, Mùa Tỏi
I
ĐƯỜNG phố Quy Nhơn đầy cát. Không khí nơi ven biển nhẹ và thoáng mát, nhưng trong lặng lẽ và vô tình, gió đông vẫn thổi những hạt cát từ trên bãi vọt qua đầu người, vọt qua chợ búa và quán xá, vọt qua những nhà lầu đúc hai tầng, ba tầng, đến đọng trên mặt những con đường. Nhưng thử ngồi xuống, lấy tay khỏa, ta chắc chắn tìm thấy một mặt đường rất đen, rất mịn, ấy là mặt đường nơi quê hương cách đây hai chục năm, ngày ta ra đi. Cũng như vậy. Vĩnh Thạnh, Trà Bồng, Mỹ Hiệp, Bình Giã, Vạn Tường, Ba Làng An, Lý Sơn... Hãy khỏa ra, khảy ra những bụi bặm của lãng quên và cuộc sống bề ngoài rất tất bật của vùng bị chiếm cũ hôm nay vẫn còn rất chạy vạy vì cơm áo, ta sẽ tìm thấy lại rất rõ những nét mặt của đất nước anh hùng. Một cái ghế ta ngồi, ở đây cũng phảng phất còn giữ cái hơi nóng của một người nào đó, bây giờ thanh thiên bạch nhật là cán bộ cách mạng, trước đây với bao nhọc nhằn và trăm cay nghìn đắng, đóng vai thợ, phu xe, đầy tớ... Trong cuộc đời hoạt động hai ba chục năm dài, những người này cũng không nhớ hết với họ từng đi qua, thậm chí họ không nhớ hết các tên mà họ đã dùng; đối với những ai mong nhớ họ — họ càng trở nên như những cái bóng khi họ trở về tản mác hòa tan trong các địa phương, nhưng những cái mà họ làm nên cho mọi người, cái đó đẹp và to lớn biết bao.
Đó là xúc động và suy nghĩ của tôi, chiều hôm ấy, trong buồng khách của em gái tôi, lần thứ ba tôi có dịp về thăm nhà, trong gần hai năm từ ngày giải phóng. Hai lần trước, thái độ tôi qua loa, tuy không ít phần thân mật. Tôi có ít nhiều ý nghĩ không công bằng đối với cô em gái trở nên khá giả, tuy không phải là tư sản gì, và không kiêu kỳ nhưng tôi cũng không có cử chỉ gì khiến cho những người như em gái tôi hiểu nhầm rằng tôi tán thành cuộc sống của họ. Hẳn em tôi cũng có nhận xét điều đó, và cô chịu đựng, để đến lần thứ ba này, hai năm sau, mới quả quyết được và chỉ cho tôi một bức ảnh vốn cùng đâu đến hai trăm bức ảnh khác, cái phong cảnh, cái chân dung, lồng chung trong một tấm kính mênh mông che kín cả một phía vách của hiệu ảnh, mà tôi vẫn nhìn thấy nhưng không bao giờ xem kỹ.
— Cái ảnh này của anh với các cháu nằm đây hai chục năm, anh.
Hình như tôi giật mình. Đúng, cái ảnh của tôi với các cháu. Ngày tôi sắp sửa ra đi, các cháu bây giờ còn bé, trứng vịt trứng gà, bâu đậu trên lưng cổ tôi. Giữa một rừng các cô gái và các chàng trai, các cặp vợ chồng, cô thì xem hoa nở, cặp thì chờ trăng lên, có cái ảnh đó. Trong không khí chính trị của miền Nam trước đây, mẹ không thể giữ kỷ niệm về con, vợ không thể nói ra là vợ của chồng, một cái ảnh như vậy có thể gây tai họa. Chí ít là tạo cơ hội cho kẻ địch làm tiền, năm lạng, mười lạng. Nhất là lúc bấy giờ, đêm đêm, tôi hay lên đài phát thanh Hà Nội, tố cáo âm mưu của kẻ địch và kêu gọi đồng bào nơi quê hương giữ vững lòng tin, công tác mà tôi kiên trì làm tận ngày giải phóng Nghĩa Bình.
— Sao? Cô không sợ ư? — tôi không giấu được một chút nghẹn trong giọng nói, vừa cảm thấy rất đột ngột vừa thấy ào đến trong lương tâm mình cái ấn tượng đáng phàn nàn khi mình thấy mình bất công.
Rõ ràng là em gái tôi có lưỡng lự một giây. Khi gặp lại nhau, chúng tôi đã trên dưới năm mươi rồi, cô vốn ít học, suốt đời không làm gì khác ngoài những việc hiền thục của người mẹ người vợ, chưa ai một lần buộc cô phải phân tích tỉ mỉ tình cảm của mình như thế. Sự đào xới trí nhớ, sự thành thật cần thiết để trả lời cho người là anh ruột mình. — mà mình treo cái ảnh hai mươi năm, mặc dù việc đó có thể phiền phức, có thể nguy hiểm, và khi trở về, người trong ảnh, hai năm ròng, không hề hay biết việc đó, cũng không hề hỏi, lại do định kiến mà giữ một quãng cách nào đó xúc phạm — tất cả cái đó khiến em gái tôi bật ra nói:
— Sợ chứ sao không? Sợ lắm. Anh tính víu vào cái gì mà không sợ? Lý lẽ về tình cảm ruột thịt ư? Đối với chúng nó tình cảm đáng giá gì! Lý lẽ về nghệ thuật? Ừ, trái ngược, cái đó đắt có hơn một chút, đây là tiệm hình mà, nhưng đắt gì cũng không bằng năm mười lạng vàng nó thấy có thể nhân đó mà lấy được của mình. May thì câu này có thể lọt được: “— Tôi thấy đẹp nên cứ tiếc. Chục năm nay tôi chưa chụp được cái nào đẹp như thế. Để làm kiểu “hạnh phúc gia đình” mà cậu! Hay mai, tôi cũng chụp cho cậu một như thế?” Thật ra, thì chỉ mong những đứa xấu có quen mặt anh không phát hiện ra được, vậy thôi. Ngày nào cũng nơm nớp, căng lắm, như...
Hình như tôi lại giật mình nữa, tôi nghiêng người, gióng tai nghe:
— Ban đầu em cũng nghĩ: ảnh của anh mình, mình treo chớ việc gì, ai không có cha mẹ, không có anh. Nhưng bọn địch tập kết tới, biết ngay là không được. Không được nhưng không biết làm thế nào. Hủy đi thì tội anh, lũ nhỏ nó hỏi trả lời thế nào. Cất đi lại nguy hiểm hơn. Thôi cứ giả hồn nhiên bày trường ra đó. Vả, trong nhà có một người…
Tôi nín thở, không cất tiếng hỏi. Biết rằng những người như cô em gái tôi, đã mở được miệng thì sẽ nói hết.
— Trong nhà có một người, một con ở mà, anh (ở ngoài Bắc gọi là người làm há?) đi chợ, ẵm em, đóng mở cửa, giặt dịa, đứng quầy… Một đứa con gái, lúc ấy hai mươi tuổi. Thấy nó trắng trẻo, tính tình dễ thương, em nhận liền. Mà nó chăm chỉ, dễ thương thiệt, nhất là có tình cảm đối với gia đình, cả nhà chẳng ai có điều gì mắng mỏ nó được. Năm ấy, quân giải phóng đột nhập đánh sập lầu Việt Cường, một trú xá quan trọng của Mỹ ở đây để cảnh cáo việc chúng đánh rộng ra ngoài Bắc, thành phố Qui Nhơn rung dữ như động đất vậy, anh. Nhưng em nhớ rõ ràng, con ở nó đi đâu về, mặt mày đỏ lửng, nó đang đứng bên cạnh em, em có hỏi nó mầy làm gì mà thở dữ vậy, nó cứ lính qua lính quýnh như đứa lên cơn rét, bỗng ình một cái trời muốn đổ nhào xuống đất, bát đĩa trên bàn rơi xuống sàn vỡ hết, không ai hiểu việc gì, ai cũng kinh khiếp thì nó, nó vừa như vậy lại chụp lấy mấy đứa nhỏ mà cười như điên tuy sau đó, nhớ ra điều gì, nín bặt liền, tỉnh bơ như không. Lầu Việt Cường sập, bọn Mỹ lần đầu chết nhiều vậy, hốt lắm, người mình xôn xao lắm, ai cũng cẩn thận kể thật to lúc đó mình đang đứng đâu ngồi đâu. Em cũng kể: “Tôi đang đứng dưới bếp với mấy đứa nhỏ, với bà nội này nè…” Em tự nhận xét tại sao mình lại có ý nhấn mạnh sự có mặt của nó trong nhà lúc đó. Đêm nằm nghĩ lại, cứ lắp nhiều việc nhiều lần lại với nhau, thôi đúng bà nội là quân giải phóng rồi. Nhưng người ta đã ở trong nhà mình, đối xử với người ta sao đây? Thôi người ta thì không nỡ: người ta cũng là đàn bà như mình, đáng trang em mình mà người ta dám! Mình chỉ có việc làm ngơ như không hề hay biết, chỉ làm thế cũng không làm được hay sao? Nhưng bọn Mỹ mà vớ được bà nội thì mình cũng đi đời, bọn trẻ con không biết nhờ ai. Nghĩ mệt lắm, anh! Sau cùng em kệ! Song từ đó, không nói ra, giữa em và bà nội như có sự hiểu ngầm. Bà nội tiến lên thêm, có đêm không ngủ nhà, có bữa họp hành ngay trong nhà này, có khi mình gặp sợ muốn run luôn. Nhưng một hôm họp xong, nó đột ngột nói xin đi “— Sao đi? Tôi xấu há?” Em cảm thấy mích lòng. “— Cô dượng sợ quá, nhưng cách mạng biết cô dượng tốt. Nay trên điều em đi. Chỉ xin cô dượng: nếu có người nào của đoàn thể tới, cô dượng cũng cho ở như đã cho em. Khi nào khó khăn quá, cô dượng chỉ cần cất cái ảnh cậu Ba với các cháu kia đi là anh em hiểu. Cô dượng không biết chớ lâu nay chúng em vẫn lấy cái ảnh ấy làm mật hiệu. Luận từ cái ảnh đó mà em vô nhà này”.
II
Như vậy đó, miền Nam. Tôi ngồi lại rất lâu trong buồn, trong bóng hoàng hôn xuống, bâng khuâng về nỗi người ngồi im lìm trong ảnh hai chục năm trời là tôi nay đã bước ra, đã về đây, còn người đã ở đây, đã từng chọn tôi làm thước đo lòng trùng hậu của người khác — ít ra là một người, em gái tôi — thì người ấy nay ở đâu, bị sóng gió cuộc đời thổi dạt vào số phận nào. Lần này nữa không phải là lần đầu tôi cảm thấy mình vừa vượt qua một cái gì như là kinh hoàng, kinh hoàng thấy may mà mình biết sống không có gì đáng hổ thẹn.
Tôi quyết tâm đi tìm cô gái, với chút ít chỉ dẫn rất mơ hồ. Để làm gì, tôi cũng không hiểu rõ, có lẽ để nói một lời cảm ơn, tin chắc rằng mọi người có đôi chút lương tâm đều phải làm như mình, vì đối với chúng ta, sự nhớ ơn nhiều khi thực sự là một nhu cầu.
Vùng Ba Làng An cứ khơi gợi cho tôi ý tưởng về quá khứ và hiện tại mà tôi có dịp nói ở trên: cứ lấy tay khẽ khảy cái vỏ bình thường của cuộc sống, ta sẽ thấy ngay cái ruột anh hùng của chốn quê hương ngày hôm qua. Hẵng chỉ nói đây chính là cái cảng “giải phóng” rất lâu dài của quân ta, tàu ngầm tàu nổi của ta dùng để đổ vũ khí vào khi trên đất liền, vùng Bình Sơn kia, bọn Mỹ và Nam Triều Tiên dày đặc. Một ông lão chèo đò, ông lão chèo đò mà anh chờ đợi lâu quá mới thấy chèo sang, già quá nên trở nên chậm chạp, ông lão chèo đó ấy, anh ơi, cũng là một bậc anh hùng.
Đảo Lý Sơn, ở ngoài khơi Ba Làng An, cách đất liền ba mươi dặm thẳm. Tôi đi ngược con đường ngày ấy du kích đêm đêm vào đất liền đánh giặc. Khỏi nói tổ quốc chúng ta đẹp dễ sợ. Tôi lại gặp cảnh đứng bên trên mười thước nước xanh trong như một tảng ngọc bích, có thể nhìn xuyên thấu đáy, thấy những viềng mặt trời nhân đôi nhân ba chúng lại soi chúng bên dưới những lớp sóng, và nhìn thấy những con mực ống bơi đứng ở đó. Cảnh tưởng chỉ gặp một lần trong đời ở đảo Minh Châu ngoài khơi Hạ Long, tội lại gặp ở đây, và điều đó bất giác làm tôi chảy nước mắt.
Lý Sơn đang mùa tỏi, từ xa đã trông thấy các sườn núi sáng chói từng mảng bạc, ấy là những vạt tỏi đã đào người ta đem phơi. Lý Sơn không có lúa, chỉ có tỏi, tỏi và ngô. Không khí đảo bàng bạc một mùi béo ngậy và hăng nồng của cây gia vị.
Trong thanh bình, đảo những ngày hôm nay có một sự xao xuyến nhỏ, đây là sự xao xuyến thường thấy trong thời kỳ cải tạo: chính quyền vừa có những lệnh rất chặt chẽ không cho thương nhân từ đất liền ra mua và chuyển tỏi của đảo đi, và khuyên mọi người bán tỏi cho một người mua độc nhất là trạm ngoại thương địa phương. Đó đáng lẽ là một sự công bàng, vì công ty ngoại thương suốt vụ đã cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, và gạo với giá rẻ. Nhưng ở cuộc đời cũ, thói thường vẫn vậy, một khi giá ngoài và giá trong chênh lệch nhau.
Tôi gặp ngay ở bến thuyền hai người phụ nữ, một người được giới thiệu là chị Mùi, trưởng trạm ngoại thương, và một người nữa trẻ hơn tên là Mai. Mai có vẻ xốc vác năng nổ hơn trong hai người, quần xắn lên tới tận đùi, lội xuống nước ngập bắp chân, lôi kéo lại những dóng gánh tỏi đã vượt được trạm kiểm soát để xuống thuyền, miệng nói không nghĩ: “— Này chị, chị không nghe phổ biến sao? Tỏi không đi được mà, chị. Chị đã cam kết bán cho nhà nước, sao chị lại mang đi bán cho người buôn được? Hai năm nay, chị ăn gạo bốn hào hai, không phải sao, chị mua phân bón và thuốc trừ sâu giá cung cấp, không phải sao? Sao chị lại làm thế?” Trong những lúc đôi co, có khi Mai đã vận dụng một cách nôm na thật lạ để định nghĩa chủ nghĩa xã hội: “— Chủ nghĩa xã hội không tán thành cái lối của tư sản mại bản mua của nước ngoài hai đồng về bán ở Sài Gòn hai mươi đồng, chủ nghĩa xã hội cũng không tán thành lối của tư sản mua ở Sài Gòn hai mươi đồng về bán ở Quảng Ngãi ba mươi đồng, cũng không tán thành lối mua ở Quảng Ngãi ba mươi đồng về bán ở Ba Làng An ba mươi lăm đồng, cũng không tán thành lối của buôn bán nhỏ mua ở Ba Làng An ba mươi lăm đồng về bán ở Lý Sơn ba mươi tám đồng và người Lý Sơn mua bán lại ngay tại Lý Sơn với giá bốn mươi đồng. Từ hai đồng thành bốn mươi đồng, không là bóc lột, bóc lột tận xương tủy thì còn là gì, hả anh? Chủ nghĩa xã hội nói chung không tán thành tất cả hệ thống bóc lột. Nếu nhà nước đi mua hai đồng về có bán thành bốn đồng thì một đồng là bù đắp tổn phí, một đồng nữa là lời, chỗ lời đó cũng là của nhân dân, nó đi vào trường học, bệnh viện, nhà trẻ…” Mai nói tiếng Bắc, giọng hơi đớt và vô tình pha nhiều từ miền Nam, cô kiên nhẫn và dịu dàng, không bao giờ thấy nổi giận trong một công tác phức tạp như thế. Tôi rất kinh ngạc khi được biết cô là người Hà Nội, nhà ở phố Khâm Thiên, kỹ sư đấy, vào trong này, ra tận trùng khơi này thực tập, không phải là nhân viên của trạm ngoại thương đâu.
Mùi lớn tuổi hơn một ít, điềm đạm, ăn mặc giản dị khác hẳn các cô gái trên đảo. Khác với Mai, Mùi cứ để nguyên hai ống quần lội xuống nước, những khi cần lội. Cô trạm trưởng ý chừng ít học, mới ra làm việc, lắng nghe nhiều hơn nói, không giấu những cái nhìn thán phục mỗi khi nghe Mai nói, mắt sáng vui mừng như vừa vỡ ra một điều gì. Sự ghi nhận những điều Mai nói, để nhớ, để thuộc, có khi buộc Mùi cố gắng vất vả: lúc đó, môi dưới cô rung lên, một nếp răn nhỏ xếp dọc ở giữa trán. Tôi mục kích cảnh tượng rất đẹp rất xúc động một người cán bộ cơ sở, tín mộ và thầm lặng, học những bài học chính trị đầu tiên.
Nhưng dù sao thì hai cô gái đó cũng không phải là cái bóng tôi muốn tìm và cái bóng ấy có tên là Sanh. Và dù sao thì tôi cũng phải kín đáo, không thể làm ầm xóm làng lên — đây là vùng mới giải phóng — về nỗi tôi, một người khác lạ từ xa xôi đến, muốn lùng tìm một cô gái tên Sanh không biết với mục đích gì. Cả đảo sẽ bàn tán ngay bây giờ và điều ấy không tiện cho sự đi đứng của tôi. Tôi trước hết không giữ được lòng thèm khát cái cảnh tuyệt đẹp nơi quê hương tôi vừa đặt chân xuống, tôi đi dọc theo bãi biển ven đảo đã, trong người rạo rực sung sướng như chính mình đang ăn cái chất trong và biếc của nước của trời, chất ngọc ngà sáng lóa đến mộng ảo của cát. Rồi tôi đến nhà Ủy ban. Trước hết người ta dẫn tôi đến nơi trọ. Không hay nơi trọ lại chính là nơi tôi đã ghé lúc nãy, một gian kề ngay gian dùng làm trạm ngoại thương, hai gian thông nhau hầu như một nhà. Thuyền vào đất liền đã đi rồi, cô Mùi cô Mai đã về đó, đang kẻ cân người viết biên lai trả tiền cho những người đã nghe ra bây giờ thuận bán tỏi cho trạm.
Người Ủy ban xã giao việc săn sóc cơm nước cho tôi là hai cô chứ không phải ai khác. Tôi ăn rất ngon miệng món nộm tỏi non trộn lạc và rất dè dặt con cá chuồn nướng bé bằng nửa bàn tay, nướng vì không có mỡ, mà hai cô chẳng mấy khi động đũa.
Buổi trưa, ở nhà, mối tương quan giữa hai người con gái đảo ngược khác hẳn lúc ở ngoài bến. Người nói lại là Mùi, còn người ngồi trên một cái đòn, kê sổ lên ván và ghi chép lại là Mai. Mùi giảng tỉ mỉ cách trồng tỏi trên đảo như thế nào. Tôi biết là việc này có dính dáng đến cái luận án mà Mai sắp phải nộp, Cũng như thường lệ, cảnh ấy khiến tôi vẫn vơ liên tưởng đến nghề của tôi. Sứ mệnh tôi là phải tạo tác nên cái gì đẹp như vậy.
o O o
Tôi ở đảo bảy ngày. Công việc tôi có hai phần: tìm hiểu Lý Sơn trong thời kỳ chống Mỹ và Lý Sơn trong chuyển mình cải tạo ngày nay. Mọi người hiểu ra rất nhanh việc tôi có lợi chung nên đều dành cho tôi sự niềm nở. Người tôi khi thì cảm thấy lâng lâng, khi thì bàng hoàng, khi lại bừng bừng nghe mô tả lại những cảnh tượng cũ: ngày thì đi đánh cá nhưng đêm lại là lãnh đạo xã đấy, họp chi bộ ngay giữa tứ vi là hàng trăm tàu chiến Mỹ ngụy và hàng vạn lính — lính đông hơn dân đảo — trước giờ khắc chót khi địch rút chạy khỏi miền Nam. Những lúc hỏi và ghi đã mệt, tôi thường một mình lững thững trên các triền núi xem làm đất tỏi, tỏi mọc bên trên những lớp đá giống như là phún thạch. Các nương tỏi đã đào hết, bây giờ người ta bắt đầu rải lên một lớp mơ biển xanh trong như bằng nhựa. Các triền núi trơ trụi vẫn toát lên một mùi gây nồng. Trưa về, nghe Mùi, với giọng nói vùng đảo các âm hỏi ngã đều biến thành có dấu sắc, nhưng ở miệng người con gái vẫn không kém dịu dàng, giảng cho Mai mà như giảng cho tôi cách địa phương trồng tỏi:
—... Chẻ phún thạch thành tảng nhỏ, xếp lớp lại thành ruộng... Một lớp mơ, một lớp lá tỏi, một lớp châm biên, đất cát phân trâu... Lấy bồ cào mà cào, mỗi lần cào năm rãnh... Múc nước biển từng bậc từ biển lên thấu lưng núi mà tưới. Hai tháng không tưới nữa, bắt đầu vãi phân. Trong rằm sâu đẻ, ngoài rằm sâu ăn, phát hiện chỉ một con sâu trên một lá tỏi thôi, dẫu có đang đêm cũng phải đốt đèn lên mà phun thuốc...
Nhưng tôi không tìm thấy Sanh.
Thật là dễ, giữa lúc câu chuyện đang mở ra bề bộn và đến hồi thân mật, bỗng hỏi một câu như hỏi qua:
“— Tôi nghe nói có một cô Sanh đâu cũng ở Lý Sơn này, vào nằm vùng ở Quy Nhơn, có nhiều thành tích lắm? Cô ấy bây giờ làm gì?” Đến mấy người, kể cả bà bí thư Hội Phụ nữ, trả lời tôi: “— Cán bộ đi nằm vùng ở các nơi thì xã này có đến mấy trăm cô, họ đều thuộc những đường dây khác nhau, lại lấy bí danh thay đổi luôn, biết đâu tìm! Tuy vậy, cũng có mấy cô tên Sanh đấy…”
Những cô Sanh ấy đều không phải Sanh. Chim bay cá lặn rồi. Chim trời cá nước lô xô — Đông tây nam bắc biết mô mà tìm. Giọng hát ru em đầy màu nắng màu cát buồn hiu hiu của quê hương buổi trưa như muốn an ủi tôi.
III
“— Sanh mà cậu hỏi là em đây, cậu Ba. Hồi hoạt động ở Quy Nhơn, em có một lượt mấy cái tên, có tên ấy. Thật ra, em nhận ra ngay cậu từ lúc cậu bước xuống đảo. Tấm hình của cậu, hàng ngày em nhìn, nó dùng làm mật hiệu cho bọn em, động hay không động, lộ hay không lộ, làm sao em không nhận ra cậu được, nhất là hai mươi hai năm mà cậu vẫn không đổi khác mấy chút. Nhưng biết đâu người lại chẳng giống người cậu Ba? Đến lúc nghe cậu làm việc với ông chủ tịch ngay tại nhà này, thì chẳng còn hồ nghi gì nữa. Nhưng cậu có việc của cậu, cậu có biết em là ai đâu mà bắt quàng làm họ? Mà bắt quàng làm họ để làm gì chớ? Em vào nhà cô Bốn, phận chỉ làm con ở thôi. Ngẫu nhiên cô Bốn mới biết em là người cách mạng. Chợt nghe một con bạn nó kháo: “Trong mấy đứa bay, có đứa nào hồi trước tên Sanh không, mà ông cán bộ Hà Nội ổng tìm đó?” Em cảm động quá. Nào em có làm được gì riêng cho cậu, kể cả cho cô Bốn, mà cậu đi tìm em. Nhưng chính vì thế mà em phát khóc lên. Cái hôm em nói em nhức đầu, em trùm kín chăn là hôm ấy đấy, cậu Ba. Cậu đưa thuốc đưa nước cho em mà em muốn tung chăn ra và nói với cậu: chính em đây và em cảm ơn cậu. Nhưng em nén được, để đến hôm nay là ngày cậu sắp đi. Cảm ơn cậu, nghe, cậu Ba. Em rất nghèo, cha mẹ anh em bị hy sinh hết, tất cả lẽ sống bây giờ chỉ là cách mạng thôi, nên em biết quí những cử chỉ vô tư như cử chỉ của cậu…”
Tôi mơ chăng? Không. Mùi, bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt tôi đó, cô vừa vặn to lên ngọn đèn và nói. Mai thì đi ngủ đã lâu để sáng sớm có công tác vào đất liền. Ánh đèn chiếu sáng một nửa mặt giọng cô trầm tĩnh và dịu dàng, thành thật, mừng rỡ và lễ phép như một đứa cháu gái, đối với tôi, như một đứa cháu gái lớn lên trong những ngày tôi đi vắng. Buồn cười nhất là tôi đi kiếm Sanh, nhưng khi đã tìm thấy Sanh, lại không biết để nói với Sanh cái gì, mãi không bước ra khỏi cái tâm trạng sửng sốt. Chính là Sanh, tức Mùi, dừng một lúc, lại nói nữa, đẩy về phía tôi hai cái gói:
— Đây là của em gửi cậu mang giúp cho cô Bốn, đây là em biếu mợ — cậu có mợ chớ, phải không cậu? Từ ngày giải phóng, em chưa có dịp ghé thăm cô Bốn. Về cô Bốn thì em cũng chẳng giúp được gì nhiều: cô Bốn sợ quá, mà em cũng quá cẩn thận. Nhưng bụng dạ cô thế cũng tốt rồi, không có những người dân như thế làm sao mình hoạt động được. Gần đây, có lúc em cũng nghĩ xin làm con nuôi cô Bốn đấy, chắc cô chẳng từ chối đâu, phải không cậu? Chỉ ngặt cô tương đối có tiền, không như cậu…
Và Mùi bắt đầu kể lể như tất cả những cô cháu gái:
— Em dốt quá, cậu. Cả đời có được học hành gì đâu! Làm sao, cậu? Cậu cho con đều đều viết thư cho cậu, nghe.
Em, con, cậu. Chúng tôi vụt phì cười.
o O o
Tôi thức dậy với cái cảm giác bàng hoàng việc vừa mới xảy ra cho mình.
Buổi sáng trên biển quê hương đẹp, tuyệt. Bên kia tường hoa là rặng dừa, là dừa luôn luôn lay động líu ríu như các ngón tay đang đàn, một dây mướp leo lên một cây bàng, một dãy thuyền máy sơn xanh cứ lắc lư theo sóng. Rồi là biển, biển xanh thẳm, mênh mang, cuốn hút. Không gian chốc chốc lại rộ lên một hồi máy nổ của những chiếc thuyền bắt đầu sửa soạn để vào đất liền.
Chợt nghe một giọng nói đàn bà từ dưới bến vọng lên tường hoa.
— Các ông các bà nghĩ coi, mỗi năm Nhà nước chu cấp cho một triệu chín con người của tỉnh Nghĩa Bình mình những cái gì, gạo này, dầu này, phân này, thuốc trừ sâu này, đê đập lưới giã này, nhà trẻ trường học này, mà tỉnh mình đưa lại cho Nhà nước cái gì, lại bán chớ đâu có cho không, bất quá vài trăm tấn quế, mấy trăm tấn tỏi, mình làm vậy có công bằng không...
Tôi cảm thấy rất vui, đồng thời một cái gì lăn buồn trên má. Con người kỳ quặc thật! Tại sao tôi xúc động như vậy khi nghe Mùi, không, cháu Sanh của tôi, hôm nay thay Mai làm hết mọi việc, và tự mình sáng tạo ra những lời giải thích nôm na và chân thành ấy.
Nghĩa Bình tháng 3 tháng 4-1977
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh