Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 175
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
4 — Đà Lạt Hoa Hương
GƯỜI đàn bà mặc áo choàng màu xanh sáng, đeo kính, mặt kính tròn rất to màu khói tỏa từ Nha Trang lên không nói, xuống xe, bỗng đến bên tôi:
— Thưa ông, ông đến ty Văn hóa ạ? Ban Tuyên huấn ạ? Hơi xa đấy, đường lại quanh co khó hỏi, để tôi đưa ông đi.
Tôi ngại:
— Cô có hành lý, đưa tôi đi thế nào được? Cảm ơn cô, chỉ nhờ cô chỉ đường giúp cho tôi thôi.
— Ông cũng có hành lý, người đàn bà nói. Ông không thể vừa đi vừa hỏi như thế. Hay mời ông vào tạm nhà tôi, nhà tôi ở trên dốc này thôi, rửa mặt uống nước nghỉ ngơi thoải mái đã. Rồi tôi sẽ gọi dây nói cho cho Ban Tuyên huấn hay ty Văn hóa cho người đến đón ông. Hay tôi lấy honđa đưa ông đến. Nhà tôi không có ai ở “bên kia” đâu, ông đừng ngại. Ông cũng có thể ở tại nhà tôi và hằng ngày đi làm việc ở khu hay ở tỉnh nữa: được thế thì ông già tôi thích lắm. bây giờ ta đi dài dài về phía này, ông.
Mỗi khi nhớ tới Đà Lạt, tôi lại nhớ cái hình ảnh mảnh khảnh của người phụ nữ Đà Lạt đầu tiên mình gặp đó, trước mắt tôi, non một ngày, chị ngồi yên, không ăn quà, không nói chuyện, tưởng chừng không nhúc nhích, ngay ngắn, điềm đạm, lễ phép, không rõ nhận xét thế nào biết là tôi cần về một cơ quan tuyên huấn và sẵn sàng giúp đỡ như thế. Nhất là tôi nhớ giọng nói thanh tao, chừng mực, niềm nở, tế nhị của chị. Cái cảm tưởng về Đà Lạt tôi có năm phút đầu tiên khi bước xuống thành phố cao nguyên này, tôi dàn dần khẳng định mỗi một ngày ở thêm Đà lạt.
Thành phố là một chiếc nhẫn nạm kim cương mỗi mặt đá một màu đặt trong một cái hộp xanh sẫm làm bằng rừng thông già. Mỗi lần ngửng lên, ta lại kinh ngạc, ta kinh ngạc hoài vì cái đẹp khêu gợi của những cái chao lá thông, chúng tung những hình chóp ánh sáng trắng lên trời, màu trắng rỡ đọng trong lá xối xuống, tỏa khói và hòa tan trong màu xanh ngọc lạnh của da trời. Những hồ nước vuông vắn, phẳng lì, không chút gợn dưới trời tháng bảy, chúng hơi vắng vẻ và không gắn nhiều vào đời sống thường nhật như những hồ nước ở Hà Nội, nhưng chúng thật là những nét bút không thể thiếu cho sự hài hòa của bức tranh Đà Lạt, lấp lánh trong bóng đêm, thu bớt ánh sáng ban ngày. Và hoa, cả Đà Lạt là một cái biệt thự lớn có đủ các thứ hoa, dơn, lila, macgơrít, bêgônha, thược dược, đủ màu sắc lấp ló ú òa khắp nơi, giắt trên các lối đi, các hàng rào, các khu vườn, các cửa sổ, các mái nhà. Và khi ngước mắt nhìn về đằng trước, ta thấy trên cái thảm xanh rì lấm tấm hoa của Đà Lạt có những chấm xanh đỏ di động, thì đó không phải là hoa đâu, mà là người Đà Lạt đấy, những em gái, những bà cụ, những cô thiếu nữ đều mặc sặc sỡ và tự nhiên như nhau với những chiếc áo len, áo choàng ngoài, những chiếc ô nhiều màu sắc của họ.
Tôi bắt chợt tôi chú ý tới đèo Pren, không đến đó không được. Thông nhựa, thông trắng, bơ mu, sa mu như một khuỷu Ô Qui Hồ, quãng đường từ Sa Pa lên núi Hoàng Liên. Ở đầu hai miền nước ta, đều là giống cây quân tử ấy. Chỉ một mình nó thôi với vô số những chiếc quạt lá, vô số màu xanh đủ gợi lòng mến trọng quê hương đẹp đẽ và hào hùng. Chỉ khác Ô Qui hồ, đây là một rừng thông non tự mọc, các cây thông già đã bị chặt đi hết, mặt đất lởm chởm đầy thông bụi chính là những gốc cây thông cũ bị phạt ngang lưng, cành non vội nhú ra sum xuê che kín những vết thương. Trong khu rừng không thời giờ — Người ta đẵn một cây lớn — Một trống không dọc — Run rẩy hình chiếc thùng tròn — sóng soài cạnh gốc cây — Hãy tìm nôi ổ chim ơi — Trong hoài niệm cao vút ấy — Khi nó vẫn rì rào.
— Thơ Supervielle! Em, một ông Việt cộng...!
Tôi quay lại hai vợ chồng đi hon đa vừa tắt máy đi tới.
— Trời, ông!
Người đàn bà kêu lên như vậy và tôi nhận ra chị phụ nữ ở bến xe. Tôi hơi lúng túng vì chưa thực hiện lời hứa đến thăm chị nay đã gặp chị ở đây. Hôm ấy, tôi cáo lỗi, thoái thác là anh em ở ty Văn hóa đã có biết trước, đang đợi tôi. Người chồng mảnh khảnh, mặt hơi xương hơi xanh, trong hốc mắt hai mắt to, đen và thông minh, rất lịch thiệp, tiến đến bắt tay tôi:
— Nhà tôi có nói chuyện. Chúng tôi rất mong ông. Ông già tôi thì mong ông mãi. Rất tiếc là hôm nay ông già đi chùa khác rồi.
— Ông cụ đi tu? — Tôi kêu lên.
— Vâng, ông già là trụ chì, chúng tôi ở chùa, thưa ông — người đàn ông sốt sắng đáp, chúng tôi nói chuyện như quen nhau đã lâu ngày. Nay là ngày ông già phải đi thắp hương ở chùa khác, dưới Tùng Nghĩa, luôn tiện châm cứu. Ông già châm cứu giỏi nổi tiếng ở miệt Lâm Đồng này đây. Tôi nghĩ Phật ở chỗ tôi mà thiêng là nhờ tài châm cứu của sư thầy là chính chứ không phải nhờ sự thành tâm của ông.
— Anh lại nói nhảm rồi — chị vợ có một giọng trách chồng rất nhẹ, rất dễ thương và rõ ràng muốn lái câu chuyện sang hướng khác — Ông đã thăm khắp Đà Lạt ạ?
— Có lẽ tôi đi cũng kha khá. Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, suối Cam Ly, ấp Sào Nam, ấp Phước Thành, những khu trồng rau, trồng hoa, các vườn phong lan đẹp tuyệt, tôi đã đi...
Người đàn bà nức lên cười, không đợi tôi hỏi, hồn nhiên nói liền:
— Tôi thấy. Nên Đà Lạt đối với ông không có gì đáng xem nữa, ông ra tận đèo Pren này.
— Đèo Pren này cũng có cái đáng xem, tôi nói. Ở đây mà cũng rõ ràng có sự phá hoại của Mỹ đối với nước ta và bọn tư sản...
Tôi cảm giác như người đàn ông hơi giật mình, như anh lạnh, và bất giác ngoảnh nhìn lại đồi núi. Chúng tôi im lặng bước, nghe tiếng giày của nhau dẫm lên mặt đường nhựa đầy một thảm lá thông lỗ chỗ ánh nắng tròn trong mùi hương nồng nồng bắt đầu tỏa lên từ các gốc thông bị thương. Tôi hơi hối vì đã vô tình nói một câu có dáng dấp dạy đời. Tôi toan phản công để vớt vát lại thì người đàn bà trẻ đón trước câu hỏi của tôi, vẫn cái giọng ngay thẳng hồn nhiên đó:
— Còn hai đứa tôi đi đến đây là để vạch kế hoạch làm ăn. Thời kỳ mới, phải làm một cái gì mới, phải không ông? Đà Lạt có thể làm một nhà máy nước hoa lớn với những gốc po mu vô số kia. tôi có đọc sách tôi biết, gốc po mu có thê dùng làm nước hoa, một thứ nước hoa tốt nhất. Đà Lạt vô khối hoa, khắp Đông Nam Á này không đâu hoa nhiều bằng đây, tại sao Đà Lạt lại không sản xuất nước hoa cơ chứ.
— Anh chị là...
Người đàn bà lại cười nức lên một lần nữa, một lần nữa thật thông minh đoán được câu hỏi của tôi, trả lời, không đợi tôi nói hết:
— Chúng tôi đã nói với ông là chúng tôi ở chùa mà, ở nhờ gian nhà trai của ông già. Chúng tôi hoàn toàn vô sản, chỉ có ý muốn là lớn thôi. Sụp đổ hết ý muốn lớn này đến ý muốn lớn khác. Chế độ cũ, vô sản như chúng tôi làm cái gì được, ông? Kiếm ăn còn chả có. Nhà tôi cũng từng mơ mộng muốn làm nhà văn như ông. Cho nên nghe tôi nói chuyện, anh ấy muốn ông đến chơi quá.
— Em nói nhảm — đến lượt người đàn ông trách vợ, tôi vui vui nhận thấy khi trách vợ, giọng người chồng giống hệt giọng của chị ta. hôm nay nhân gặp ông đây — anh rõ ràng lại muốn chuyển câu chuyện vợ đang nói sang hướng khác, trưa nay, nếu ông chưa nhận lời ở đâu, mời ông đến xơi cơm với vợ chồng tôi. Chắc ông từ nãy giờ nhận xét vợ chồng tôi là người có thể tin cậy được. Ông sẽ nói chuyện miền Bắc cho nghe và đáp lại, chúng tôi, nhất là vợ tôi, sẽ xin hầu chuyện ông về Đà Lạt — nhà tôi biết nhiều chuyện linh tinh lắm.
Không, không, đôi vợ chồng trẻ ấy thật có lý khi họ chọn chỗ ở là rìa một ngọn đồi bát ngát phía đông bắc Đà Lạt này, ven một cái hồ nhỏ nữa, và ở trong gian nhà trai của ngôi chùa nhỏ, xinh xắn, mới tinh, hôm nay im tiếng kinh kệ. Những người thích cảnh vắng lặng bao giờ cũng là người thanh sạch. Cách chợ khoảng một cây số thôi, nhưng cảnh làm cho ta có cảm giác như xa hẳn nơi phồn hoa đô hội. Nhà bày biện đơn sơ, rõ là của đôi vợ chồng trí thức nghèo, mặc dù có một vài thứ tiện nghi.
Sau khi cùng đưa tôi đi một vòng xem chùa, vườn chùa, vườn phong lan có nhiều loại đang nở hoa, hoa rất lạ tôi chưa thấy ở miền Bắc bao giờ, chị vợ sai chồng đi đun nước, lấy cớ bận con vừa thức dậy, nhưng rõ ràng để tranh thủ nói với tôi:
— Được gặp ông, chúng tôi mừng lắm, ông ạ. Nhà tôi lần đầu gặp ông, đã có vẻ thật tin cậy đối với ông, tôi rất vui. Nhờ ông chuyện trò giúp anh ấy một chút. Nếu ông còn ở đây lâu, lui tới được nhiều thì còn gì bằng. Cần nhất là giúp cho ngọn lửa trong lòng anh ấy được nhen lên. Anh ấy sống khổ lắm, chẳng phải ngụy quân ngụy quyền gì đâu.
Nghe tiếng giầy ở nhà dưới, chị xốc thằng bé lên vai nói vội vã:
— Chuyện chế tạo nước hoa cũng là cái sáng kiến của tôi, dựng lên một công việc khó khăn để hai đứa cùng nghiên cứu, cùng đeo đuổi, dựng ngọn lửa lên đấy thôi. Thế mà chai lọ cũng khiếp đấy, ông ạ. Ngọn lửa ấy mà tắt thì nguy hiểm lắm đấy, tôi biết.
Chị cất cao giọng:
— Hoa thường dùng là hoa nhài, hoa ngọc lan, hoa votive, hoa patsuli, hoa hồng... nhưng Đà Lạt vừa qua lại trồng nhiều quá những loại hoa có sắc mà không có hương, dơn, macgơrít, bêgônha... có phải phí không. Phải mươi tấn hoa mới cất được một cân absolu (“tuyệt đối” tức là tinh, chị nói bằng tiếng Pháp) đó ông.
Nói xong lại nức lên cười, đứng lên bế con xuống nhà dưới để làm cơm. Vừa lúc người chồng xách phích nước sôi lên.
o O o
Anh pha chè với một nụ cười yên lặng trên môi. Tôi bắt đầu hỏi anh về chuyện Đà Lạt đã, hy vọng sự thân thiết của tôi, nó đúng giờ đúng khắc, sẽ khiến anh nói bật ra câu chuyện của anh mà người vợ muốn tôi chú ý. Nhưng hai mắt anh cứ bỡ ngỡ tỏ ra anh không biết nhiều về chuyện Đà Lạt, chính quê anh. Anh không biết người phụ nữ nào vốn là người sống sót trong số hai mốt người bị Pháp bắn chết ở Cam Ly năm 1949, được anh em công nhân Đa Nhim cứu chữa. Anh không biết gì hết về phong trào cách mạng ở ấp Sào Nam và Phước Thành, bàn đạp của kháng chiến Đà Lạt. Anh không biết ngày 4 tháng tư, ngay khi Ủy ban quân quản chưa thành lập, toàn thể cán bộ công nhân Ty Giao thông ra đã kiến nghị hoan nghênh cách mạng, xin cờ, ảnh, cán bộ và vũ khí, và bệnh viện Đà Lạt gửi lên một bản ghi tên toàn thể bác sĩ và nhân viên tuyên bố trung thành với chính quyền nhân dân.
— Tôi đi từ Huế vào đây, nơi nào tôi cùng dừng — tôi nói. Tôi hiểu vì sao Đà Lạt sau ngày giải phóng có một vẻ đàng hoàng tự tin hơn nhiều nơi khác. Đà Lạt là một thành phố chiến đấu.
Tôi thấy anh chằm chằm nhìn tôi, hơi giật mình như anh lạnh, như lúc nãy tôi thấy anh như thế trên đèo Pren.
Tôi ngừng một lát và đổi câu chuyện, tiến lại gần cuộc đời anh thêm một chút. Tôi hỏi về ông cụ anh. Anh nín thinh một lúc mới trả lời tôi:
— Ông già có mình tôi là con trai. Ông có nhiều chùa: cái này, một cái ở Tùng Nghĩa, một cái ở Phan Rang, đều do ông dựng lên bằng tiền của thập phương. Mỗi tháng, ông đi xoay vần mỗi chùa mười ngày, thắp hương cho Phật, đồng thời châm cứu cho các gia chủ, như lúc nãy tôi nói với ông.
Chợt anh đổi giọng, như bị kích động, nói rất nhanh:
— Ông già tôi là cơ sở cách mạng đấy, hay cái gì gần giống như vậy. Ông có nhiều tiểu lắm. Hồi vợ chồng tôi chưa về đây, các gian nhà trai này là tiểu ở hết. Các tiểu ấy đều là người cách mạng, tôi biết, đều là người cách mạng mặc áo tu hành, để trốn lính, và để khỏi bị bắt bớ. Giải phóng, họ đi hoạt động hết...
Tôi nghe một tiếng ré ở nhà dưới, và chị vợ chạy lên đứng ở bậc cửa:
— Ai bảo anh thế?
Người chồng như không nghe vợ nói, điềm nhiên tiếp tục:
— Năm nay tôi ba mươi ba tuổi, tôi cũng trốn lính suốt mười lăm năm. Ông già không muốn cho tôi mặc áo tu hành cùng với ông, ông già không cho tôi trốn lính cách đó. Ông cho tôi đi học và mua những giấy tờ giả để tôi không bị bắt lính, bằng tiền của thập phương. Tôi lấy vợ, bắt buộc phải có cách sinh nhai, — lấy vợ mà lại vẫn trông vào tiền của thập phương để sống hóa ra mình là ăn mày thật còn gì, song tôi chẳng biết làm nghề gì để kiếm ăn hết. Tôi đậu đại học văn khoa, nhưng chẳng có trường nào mượn; vì bọn giáo viên quân đội ngụy “biệt phái” chúng loan tin bằng cấp của tôi là bằng mua, thực ra là chúng vậy vo chèn ép, chứ cái bằng đó nó là thực lực của tôi đấy, có phải mua đâu. Vả, đại học văn khoa như heo con, thật nghiện chín phần mười, hầu hết đi làm áp phe, bán hàng xách, bán nước miếng. Vợ tôi cũng đại học văn khoa đấy. Có việc gì mà làm! Một số sĩ diện cái văn khoa của mình, cày cục vào nghề làm báo. Vào làm báo mới biết có phải là văn chương chữ nghĩa gì đâu. Tờ báo là cái mặt ngoài để lão chủ nhiệm có bề ăn nói ở thượng hạ nghị viện ngụy. Mỗi bài báo, bản tin, từ hai dòng trở lên, đều là “săng ta” hết. Mình muốn làm báo, phải làm đàn em của nó, nó sai đâu đánh đó, thậm chí đi mua hộ thuốc lá cho ông chủ nhiệm. Tôi chán đời từ đó. Tôi nhận bừa cái mục vô tội vạ là mục “gia chánh”, đường đường một trang nam nhi, từng ôm cái mộng rất to trở nên văn hào thi sĩ, rốt cục viết mục “gia chánh”, ông nghĩ có buồn không. Tôi từ bé ở chùa, ăn cơm chay là chính, có biết gì gia chánh mà viết, ông? Bao nhiêu thức ăn ngon, hoặc thanh đạm mà vẫn ngon, tôi hằng ngày nghĩ ra, bịa ra, món gì hợp với thời tiết nào, cảnh tình nào thì thêm món gia vị cầu kỳ nào, tôi sử dụng tài hư cấu học được của Thạch Lam trong “Hà Nội 36 phố phường” nhiều hơn là tài nội trợ, và tôi càng chưa hề nếm được những món ăn ấy như thế. Lạ nhất là mục “gia chánh” ở báo ấy cũng nổi tiếng, nhưng tôi thì buồn, ngày càng thấy mình như một thứ sống thừa, cặn bã của xã hội. Giải phóng xong, mình so với mọi người càng rõ thêm cái ý mình là đồ bỏ đi đó. Tôi chán lắm ông ạ.
Chị vợ đã bước qua bậc cửa, như chính mình cũng bị cuốn hút, kinh ngạc về những lời người chồng kể chuyện mình với khách, tiến tới gần mãi, và ngồi xuống chiếc ghế trước mặt, nhìn thẳng vào chồng kêu lên:
— Trời! Anh kiểm điểm mọi việc đó mạch lạc suông sẻ sâu sắc vậy từ bao giờ? Anh biết ông già nuôi cán bộ cách mạng từ bao giờ? Sao anh không nói với em?
Người đàn ông, ngước mắt nhìn vợ, cười sẽ, rồi nói:
— Từ lúc nãy, ngồi với ông đây. Từ lúc ở trên đèo Pren. Người cách mạng người ta chỉ nhìn một đồi cây người ta cũng thấy ngay sự thật, còn mình thì không thấy gì hết. Ông đây, đến Đà Lạt có năm ngày, ông biết nhiều chuyện Đà Lạt hơn vợ chồng mình. Ông thấy ngay sự thật của Đà Lạt còn mình thì mình không thấy. Ngồi với ông nghe ông kể, anh giận anh lắm, anh tức tối lắm. Anh nhìn lại cuộc đời anh. Đột nhiên, anh hiểu các hành động của ông già. Đúng là như vậy, ông già là một người có lòng, nhưng là một người tiêu cực, giúp người khác làm, hay làm ngơ cho người khác làm, các sư tiểu cũng tưởng ông già không biết, nhưng ông già thì nấp trong chiếc áo vàng, tự mình không làm, không cho con theo ngụy đã đành, cũng không cho con làm như các sư tiểu đó, sợ “lây”. Cho nên — anh cười khẩy — con mới nấp danh đàn bà, viết “gia chánh”.
Im lặng một lúc. Người đàn bà ngước mắt nhìn tôi. Tôi nói chậm rãi:
— Anh là người trong sạch.
Người đàn ông, giận mình, sục lên:
— Tôi cũng là một anh bịp, trong sạch nỗi gì?
— Anh trong sạch, — tôi lặp lại một lần nữa. Xã hội cũ là một xã hội bịp, anh nói đúng. Nó làm cho mọi người trở nên ty tiện, vô dụng. Nhưng anh trong sạch. Sao anh không tự hào về cái đó đã? Cần nhất là nhìn thấy sự thật: anh thấy rồi. Tôi mừng cho anh, cái đó không dễ đâu. Tự hào về mình và ôm lấy sự thật đó, anh sẽ tự hào nhiều hơn. Buồn làm gì chuyện cũ, bây giờ là cuộc đời mới. Cuộc đời mới ở đâu có? Nó không phải ở trên núi tràn xuống, nó không phải ở Bắc tràn vô. Nó chủ yếu gồm những người trong sạch như anh đứng dậy làm lại. Với những người muốn trở lại trong sạch.
— Với sự giúp đỡ của ai? — đôi vợ chồng trẻ, trong cuộc đời cũ vốn cô đơn, gần như kêu lên cùng một lúc, cái giọng trong lành của chị dường như giục anh đứng lên.
— Với sự nỗ lực của chính mình. Và sự giúp đỡ của xã hội, mà bây giờ người ta gọi chung là cách mạng. Của tôi nữa, cô chú đồng ý không?
Tôi không chú ý rằng nói lời đó, tôi đã “dấn thân” như cái tiếng người miền Nam hay dùng. Trước mắt tôi, mọi sự đều dễ dàng đối với những người trong sạch muốn đem trái tim mình cống hiến cuộc đời mới. Hiểu biết của tôi, kinh nghiệm của tôi như vậy mà. Một trái tim hừng nóng bây giờ là danh dự của mỗi người. Muốn có trái tim hừng nóng, bản thân anh phải muốn bước ra ngoài cảnh cô độc.
Vô tình tôi nói gần giống ý người vợ dặn tôi lúc nãy nên tôi thấy chị mặt đỏ hồng sung sướng, chị đứng lên đi vội xuống nhà dưới để giấu nỗi sung sướng của chị và để bưng cơm lên. Dáng chị nhanh nhẹn rất vui. Còn người chồng thì luống cuống và hăng hái trông thấy. “Như mình vừa cho họ cái gì — tôi nói thầm — mà mình đã cho họ cái gì đâu? Chỉ mới là một số lời nói chân thành thôi, và tình bạn — Họ, trong cuộc đời cũ, họ thiếu cái đó”.
Bữa cơm thật nóng ấm. Chúng tôi gọi nhau là “anh” và “cô, chú” bao giờ không biết. Để củng cố thêm mắt nhìn của hai người trẻ tuổi, khẳng định họ trong sự thật, tôi nói thêm về Đà Lạt của chính họ. Về một ông sư khác kiêm cán bộ cách mạng ở chùa L.S. Về cái nghĩa trang Đồi Ba Cây, mồ các chiến sĩ bị giặc xử bắn trong đêm đen của khủng bố, bao giờ cũng tắm đẫm nước hoa của người Đà Lạt.
o O o
Khi tôi rời thành phố cao nguyên ấy, hai vợ chồng nhà báo giữ mục “gia chánh” xưa, người chồng đã được vào làm phóng viên đài phát thanh của địa phương, và cô vợ đang nộp giấy tờ vào một cơ quan xuất khẩu: ở đó cô sẽ có nhiều dịp nghiên cứu về nước hoa. “Cất hoa, tách ra được cái tinh rồi, nó vẫn chưa là hàng hóa được. Không được nồng gắt quá; không được bằng phẳng quá, mỗi loại nước hoa phải lần mò trong không gian và trong thời gian mà tìm cái cá tính của mình”. Qua khỏi đèo Pren, tôi bắt gặp tôi vẫn nhớ giọng giảng giải hồn nhiên mơ mộng của cô.
Đà Lạt tháng tám, 1975
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh