Bạn không thể tạo dựng thanh thế bằng những gì bạn SẼ làm.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Phạm Đan Quế
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 2
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1687 / 54
Cập nhật: 2018-08-01 11:43:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Giai Thoại Vể Tài Tiên Tri Của Trạng
. GIAI THOẠI VỀ TRẠNG LÚC SINH THỜI
1. Bà thân mẫu: Từ Thục phu nhân
Như trong phần tiểu sử ta đã biết, thân phụ của Trạng là Văn Đình sau được nhà Mạc truy tặng chức Thái bảo, Nghiêm quận công. Thân mẫu là con gái quan Hộ bộ thượng thư Nhữ Văn Lân, sau được nhà Mai truy tặng Từ Thục phu nhân.
Tục truyền Từ Thục phu nhân là người đàn bà giỏi về văn chương và đặc biệt sở trường về khoa lý số.
Bà tự xem tướng biết mình sau sinh quý tử, nên kén chồng khá lâu. Mãi đến năm ngoài 30 tuổi mới gặp ông Văn Đình là người có tướng hợp, bà mới chịu cùng kết hôn.
Cái mộng lớn của bà sẽ sinh con làm thiên tử, chứ không chịu công hầu khanh tướng. Vì thế, hôm động phòng hoa chúc, bà cắm một chiếc đũa ở trước sân và dặn ông Văn Đình:
- Khi bóng trăng đến chiếc đũa, ông mới được nhập phòng.
Đợi lâu quá, nóng ruột, ông Văn Đình đẩy cửa bước vào. Bà trách rằng:
- Ông vội vàng như thế thì con cái sau nầy chỉ làm đến tứ trụ hay đỗ đến trạng nguyên là cùng, chứ không thể làm được hoàng đế.
Hai vợ chồng ăn ở được ít lâu, một hôm, bà đi đò gặp một thanh niên vạm vỡ làm nghề đánh cá, bà xem tướng thấy rõ người nầy mới thật là đại quý, nhưng tiếc việc hôn nhân đã lỡ cùng ông Văn Đình rồi. Người thanh niên ấy tức là Mạc Đăng Dung, sau nầy là Thái tổ nhà Mạc. Tuy thế, nhưng bà vẫn tin ở cái phép nhân định thắng thiên của mình.
Tương truyền, một hôm bà đưa con về quê, dọc đường gặp một thầy tướng Trung Hoa. Sau khi liếc qua dung mạo của Nguyền Bỉnh Khiêm, thầy Tàu buột miệng khen: “Tướng mạo của thằng bé này không phải tầm thường. Nhưng vì nước da hơi thô nên chỉ làm được trạng nguyên mà thôi”. Bà nghe lời nói của thầy tướng không được vui lòng. Nguyễn Bỉnh Khiêm là con trai đầu lòng của bà. Bà nuôi hy vọng rất lớn nên cầu mong ân trạch của tiền nhân và quyết sau này con bà phải ở ngôi thiên tử.
Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh lạ lùng. Năm đầy tuổi thôi nôi đã biết nói. Năm con lên 4 tuổi, bà đã dạy cho học thuộc lòng các bài chính nghĩa của kinh, truyện cùng với mươi bài thơ Nôm.
Có một hôm bà mẹ đi vắng, ông Văn Đình nhân lúc rảnh rang, bồng con dạo chơi thơ thẩn trước sân. Nhìn thấy ánh trăng, cao hứng ông ngâm lên: Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung. Bỉnh Khiêm đã ứng khẩu đọc: vén tay tiên, hốt hốt rung. Ngạc nhiên vì tài ứng đối giỏi của cậu con trai, ông Văn Đình cho rằng con mình là “thần đồng xuất thế". Khi bà vợ về, ông Văn Đình liền đem câu chuyện thuật lại. Bà mẹ của Bỉnh Khiêm đã không mừng thì chớ, lại trách chồng sao đem mặt trăng là một khí tượng nhỏ, tượng trưng cho phận bầy tôi, sao sánh được với mặt trời, biểu hiện cho đấng thiên tử. Cách ít lâu sau bà chán nản bỏ đi. Có thuyết cho rằng bà đã bước thêm một bước nữa và sinh hạ được ông Phùng Khắc Khoan, tức là ông Trạng Bùng, tác giả Ngư phủ nhập đào nguyên truyện và Nghị trai thi tập, cũng gọi là Phùng Công thi tập.
2. Thầy học: quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng
Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên theo học quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, người làng Hội Trào, huyện Hoàng Hoa, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Bỉnh Khiêm học rất giỏi và nổi tiếng về văn thơ.
Một hôm cụ Lương Đắc Bằng ốm, biết mình không sống lâu được nữa bèn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm lại, chỉ cho ông một cái tráp để trên đầu giường, bảo giở ra mà lấy một bộ sách gói kín trong nhiều lần gấm quý. Cụ Bằng bảo:
- Đây, thầy cho quyển sách này và chỉ có con mới có thể hiểu được. Giờ nầy, thầy cũng nên nhắc lại một việc ly kỳ cho con nghe: Lúc thầy đí sứ qua Tàu, sứ mạng xong thầy sắp về thì có một cụ khách già trao cho thầy một quyển sách, thầy tưởng cho thầy. Ông ấy lại nói:
- Không, ta không phải cho nhà ngươi, ta nhờ ngươi đem về giao cho một người An Nam.
Thầy ngạc nhiên hỏi:
- Ông cho ai mà không nói tên?
Ông đáp:
- Không cần, chừng nào trong tâm linh nhà ngươi muốn cho ai là người ấy được phần.
Thầy mới hiểu ông ấy là một dị nhân. Ngày nay, thầy cho con là con có phần.
Mở ra đọc cảm thấy không lãnh hội được gì mấy, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cất quyển sách ấy lại một bên. Thỉnh thoảng ông lại đem ra đọc, rồi cũng cất, cứ như thế mãi...
Đến một hôm, có ông khách Tàu đem cho ông Bỉnh Khiêm một bài thơ. Ông giở ra xem thì thấy ngụ ý của bài thơ có phần liên lạc với những câu trong bộ sách của thầy trao cho, mà ông đã thường ngẫm đọc nhiều lần song chưa hề vở nghĩa. Bộ sách ấy chính là bộ Thái Ất thần kinh vậy.
Nhiều người cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm nhờ nghiên cứu những điều bí ẩn trong bộ sách Thái Ất thần kinh này mà thông suốt được mọi việc quá khứ vị lai.
3. Với vợ: LẤY SỐ TỬ VI CHO CÁI QUẠT.
Một hôm trời mùa hạ, bà Trạng đi chợ mua về cho cụ một cây quạt giấy. Cụ tính ngày giờ, rồi lấy cho cây quạt một lá số tử vi. Cụ đoán ra cái ngày chết của nó. Tất cả những việc làm ấy. Cụ đều bí mật không cho một ai hay. Cụ phân vân nghĩ:
Nếu để dùng, lâu ngày nó sẽ rách hoặc thất lạc đi, cái đó là sự thường. Nếu đúng như số thật, và quả có như vậy, mọi việc đều do nơi tiền định, không ai có thể ngăn cản được, thì ta hãy cất đi xem nó ra thế nào. Đúng đến ngày ấy, nó có chết thật không?
Nghĩ vậy, cụ niêm phong cây quạt và treo ngay lên chỗ đầu giường.
Tới ngày, cây quạt vẫn còn nguyên. Bữa đó từ sáng đến chiều, Cụ ở nhà, quanh quẩn ở nơi giường để xem cây quạt chết ra sao. Thỉnh thoảng cụ lại ngắm nghía và lấy phất trần phủi những hạt bụi bám xung quanh.
Trưa hôm ấy, người cháu gọi bà Trạng bằng cô, có việc cần, đến mấy lượt thỉnh cụ lại chơi, cụ cũng từ chối không đi. Anh ta nghĩ cho cụ giận mình về việc gì mà không nói, đến than thở, nói với bà Trạng, để nhờ bà đốc cụ đi dùm cho, không có, công việc anh không thành.
Bà Trạng từ sáng đã ngứa mắt thấy cụ cứ chốc chốc lại phủi bụi cho quạt. Bà lên đốc cụ đi sang cho nhà cháu. Cụ không đi. Bực mình, bà Trạng liền la lối om sòm:
- Ông ở nhà làm gì, con cháu nó mời mấy lần, mà ông không chịu sang. Tôi mua quạt về dùng, đâu phải để ông cất đi, làm đày tớ mà phủi bụi cho nó.
Vừa la lối, bà Trạng vừa nhẩy lên với lấy cây quạt xé tan ra từng mảnh.
- Này quạt, này quạt, không dùng thì xé nó đi để làm gì mà ngắm.
Thấy vậy, cụ Trạng cả cười nói:
- Đúng thật, ta tưởng nó chết thế nào, thì ra như vậy đó.
Bà Trạng cũng không biết ý cụ nói thế là làm sao. Lúc đó cụ mới chỉnh tề khăn áo đi sang nhà người cháu, và kể lại đầu đuôi câu chuyện với mọi người. Ai nấy cũng đều phục cụ là tiên tri.
4. Với môn sinh: Sắt ngắn, gỗ dài?
Tối ba mươi Tết một năm nọ, Cụ Đang ngồi đàm luận về lý số với một người học trò ở xa đến thăm và biếu cụ lễ vật. Bỗng ngoài cổng có tiếng người gọi mở.
Cụ sai gia nhân ra bảo hãy chờ một chút. Rồi trong khi đó, cụ và người học trò bấm quẻ để thử đoán xem người gọi cổng đi vào có chuyện gì.
Cả hai thầy trò cùng bấm vào một quẻ “Thiết đoản mộc tràng”, là “Sắt ngắn gỗ dài”. Cụ hỏi:
- Vậy anh đoán nó vào đây có việc gì?
Anh học trò trả lời:
- Thưa thầy, sắt ngắn gỗ dài, theo ý con, người vào đây chắc hẳn là chỉ có mượn mai đào đất mà thôi. Chớ ngoài ra không còn cái gì là sắt ngắn gỗ dài nữa.
Cụ cười nói:
- Khác với anh, tôi lại đoán là nó đi vào đây mượn búa.
Nói xong, Cụ cho mở cổng, quả nhiên người ấy đi vào mượn búa thật.
Anh học trò bị chững người ra vì sự đoán trật của mình. Cụ giải thích:
- Như anh bấm quẻ cũng là giỏi, nhưng mức đoán còn thấp. Anh bảo sắt ngắn gỗ dài mà đoán như vậy thì hỏi 30 tết, người ta đến đây để mượn mai làm gì. Cho nên tôi bảo là nó vào đây vì chỉ mượn búa để về bửa củi náu bánh chưng mà thôi. Bấm quẻ đã trúng, nhưng khi đoán phải còn có ý thức cơ biến, mới tránh được những sự sai lầm.
Người học trò bái phục, xin nhận lãnh những lời chỉ giáo ấy.
5. Với anh học trò nghèo: Vớt người được phú quý.
Tục truyền ở làng Trạng có người học trò nghèo tên gọi là Bùi sinh, một hôm đến hỏi cụ về kế hoạch làm giàu. Cụ hỏi năm, tháng, ngày, giờ sinh của anh rồi bảo:
- Sáng mai anh cứ ra chỗ bờ sông mà đón, hễ gặp cái gì, dầu dơ bẩn đến đâu, anh cũng cứ vớt lên, đừng ngại, rồi anh sẽ giàu đấy.
Bùi sinh từ tạ ra về. Theo lời cụ dặn, sáng mai vào lúc đúng giờ dần, anh ta ra ngồi ở mé sông để đợi. Anh vừa ra thì trời nổi giông gió sấm sét ầm ầm, rồi mưa đổ xuống như trút nước. Gặp vậy, anh ta đã thối chí, toan chạy trở lại, nhưng nghĩ phải cố gắng xem sao, lời cụ Trạng nói có linh ứng gì không, âu đây cũng là một cái điềm.
Anh ta ráng sức chịu trận, ngồi mãi đến lúc bỗng thấy từ ngoài xa, một cái thây người chết theo gió và sóng tạt vào bờ, tấp ngay chỗ trước mặt anh ngồi. Theo lời Trạng, hễ gặp gì vớt nấy thế nên mặc dù cái thây ma ấy đã sình và trương lên, mùi hôi thối không thể nào chịu được, anh ta cũng cố gắng vớt lên. Khi đem cái thây ma ấy lên bờ thì trời bỗng tạnh mưa, giông gió và sấm sét cũng thôi không gào nữa. Anh ta xem lại cái tử thi thì là xác một người con gái. Cái xác ấy tuy đã sình nhưng nét mặt vẫn còn đẹp như hoa. Anh ta xem xét quần áo thì ra là một cô gái Tàu. Nàng này không biết là con cái nhà ai, ở đâu xa lạ mà mình đeo rất nhiều ngọc ngà châu báu, trong mình lại có giắt theo một số vàng bạc đáng kể. Thấy vậy, anh ta mới lấy số tiền ấy, rồi chôn cất tử tế cho nàng.
Chôn xong, anh ta trở về, vừa đi vừa nghĩ, thầm phục Trạng là một vị thánh tiên tri thật.
Cách đó chừng nửa tháng, bỗng có giấy ở bên Tàu thư sang cho biết có một bà công chúa đi thuyền ra chơi Nam hải, không may nửa chừng bị sóng đánh lật tất cả người trong thuyền đều chết, không biết những tử thần có còn và nếu có rạt vào địa phận nước Nam thì làm ơn cho biết, và có ai vớt được chôn cất tử tế đàng hoàng, thư sang thiên triều sẽ trọng thưởng.
Thì ra cái tử thi người con gái mà Bùi sinh vớt ấy, chính là cái xác của công chúa nước Tàu vậy.
Nhận được thư, nhà vua nước ta cho rao truyền các nơi. Bùi sinh bèn đem việc tâu lên. Tin ấy truyền sang đến Trung Hoa, vua Tàu cho người sang xem xét thì quả thật như vậv.
Ấy thế là Bùi sinh được vua nước Trung Hoa thưởng không biết bao nhiêu là tiền của. Từ một anh học trò nghèo rớt mồng tơi, không có một miếng đất cắm dùi, anh bỗng trở nên một nhà cự phú nhất vùng.
Câu chuyện này đồn đi, tiếng Trạng Trình là một nhà tiên tri lại nổi lên như cồn. Sĩ tử các nơi nô nức đến theo học cũng như thiên hạ đua đến để hỏi về những việc tương lai.
6. Với người làng: Ngựa đá sang sông.
Dân miền Vĩnh Lại - nơi quê hương Trạng - hiếu học và trọng việc khoa cử. Nhưng học thì rất nhiều mà đỗ đạt thì ít, chẳng có mấy người nên sự nghiệp lớn lao, trong khi các miền xung quanh phát tích không biết bao nhiêu là anh hùng hào kiệt, văn thì tấn sĩ, hoàng giáp, võ thì đô đốc, quận công.
Thấy thế, dân miền Vĩnh Lại cũng nghĩ lấy làm tức. Các sĩ tử mới rủ nhau đi đến hỏi Trạng xem ra thế nào. Nhưng cụ không trả lời, bảo đó là thiên cơ bất khả lậu.
Người ta cũng không hài lòng về điểm ấy của Cụ, chẳng những thế lại còn cho Cụ là một người thâm hiểm, sao biết mà không chỉ. Nghe phong phanh tin ấy, cụ bèn làm một con ngựa bằng đá để ở bên đây bờ sông Vĩnh Lại. Trên lưng con ngựa, Cụ cho thợ khắc hai câu thơ chữ nho:
“Hà thời thạch mã độ giang,
Thử thời Vĩnh Lại nghinh ngang công hầu”
Và hai câu chữ nôm dịch lại ý nghĩa hai câu chữ nho trên:
“Bao giờ ngựa đá sang sông,
Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng”.
Khi con ngựa đá được dựng trên bờ sông, mọi người đều tụ tập xem. Và dân làng Vĩnh Lại đời nầy qua đời khác ngong ngóng đón xem chừng nào con ngựa đá sang sông, хеm làng có thể phát toàn đô đốc, quận công không. Cũng có người cho đó là ý cụ báo cho dân làng Vĩnh Lại biết rằng đây là một việc không bao giờ có được, cũng như câu tục ngữ:
“Bao giờ rau riếp làm đình,
Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta”.
Rau riếp bao giờ làm đình được, gỗ lim bao giờ ăn ghém được mà hòng tính chuyện trăm năm, cũng như ngựa đá bao giờ mà lội sang sông được, mà hòng những chức như quận công, đô đốc.
Ngày qua tháng lại, con sông Vĩnh Lại mỗi ngày một lở thêm để bồi sang bên kia, thấm thoát đến cuối đời Hậu Lê thì con ngựa đá không biết chạy mà sang qua sông thật. Sở dĩ có việc ấy là do bờ sông hai bên bồi lở mà thay dổi.
Tới chừng nầy, dân làng Vĩnh Lại mới nhao lên chờ đón tin mừng, mọi người đều hy vọng một chức quận công hay đô đốc sẽ tới cho đời mình. Dân các làng khác nghe tin cũng gớm cho dân làng Vĩnh Lại. Uy tín cụ Trạng Trình đến đây lại sống lại và đồn đi khắp nơi. Đâu đâu cũng thấy bàn tán về chuyện con ngựa đá ở bờ sông Vĩnh Lại. Con gái các nơi thi nhau mà về làm dâu làng Vĩnh Lại, trong bụng thầm mong rằng rồi mình cũng sẽ trở nên bà đô đốc hay bà quận công. Trai làng Vĩnh Lại ngang tàng lên mặt, trai các làng khác không ai dám động tới ngại rằng lỡ ra nay mai các cậu làm nên thì coi chừng mà toi cơm.
Đang khi như vậy, thì cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn ở trong Nam nổi dậy. Không bao lâu, quân Tây Sơn thắng trận, tiêu diệt chúa Nguyễn rồi thừa thắng đem binh ra diệt luôn chúa Trịnh ở Bắc. Tây Sơn trả lại quyền cho nhà Lê. Vua nhà Lê từ đó thoát khỏi nạn chúa Trịnh chuyên quyền. Nhưng sau khi vua Hiển Tông mất, vua Chiêu Thống lên ngôi, dòng dõi của Trịnh lại trở về. Nhà vua phải mật triệu Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp.
Chỉnh đem binh ra đánh đuổi và dẹp tan đám con cháu của Trịnh còn sót lại. Nhưng Chỉnh lại chuyên quyền và ra mặt chống với Tây Sơn.
Nguyễn Huệ thấy vậy liền sai tướng là Vũ Văn Nhậm đem binh ra đánh Chính. Quân Nhậm tiến gần Thăng Long, Chỉnh đem vua chạy trốn. Nửa đường Chỉnh bị quân Nhậm bắt sống. Còn vua thì thoát nhưng phải giả dạng thường dân mang ấn tín trong mình mà chạy.
Tướng Tây Sơn cho binh mã rượt theo. Nhà vua phải qua sông Vĩnh Lại, và ở lại làng nầy.
Dân làng Vĩnh Lại thấy thế cho là điềm trời xui khiến, mới rước vua về đình và thảo hịch chiêu mộ quân sĩ để chống với Tây Sơn. Sẵn thấy ấn tín của nhà vua đem theo, dân làng liền bức nhà vua phải ký giấy phong tước cho mình. Tội nghiệp cho nhà vua, lúc đó còn thế lực và uy quyền gì nữa đâu, lại ở trong tay người làng Vĩnh Lại. Thôi thì cung điện ngai vàng còn chả tiếc được, huống chi là những chức nọ tước kia! Nhà vua đành cùng phải chiều lòng. Người này được, người kia cũng tới xin tới đòi. Ấy thế là chỉ nội mấy đêm, mấy ngày, bao nhiêu các cụ, các đinh tráng trong làng người thì quận công, kẻ thì đô đốc chỉ trừ ra mấy kẻ chưa đến tuổi trưởng thành là chịu làm bạch đinh. Lại cả bao nhiêu các bà cũng đều được phong chức phu nhân.
Phong tước xong, nhà vua từ giã để chạy sang nơi khác. Thế là dân làng Vĩnh Lại chỉ nội trong mấy ngày đã thành quận công, đô đốc hết, và toàn thể dân đinh trong làng đều đứng dậy để phù nhà Lê chống lại với Tây Sơn.
Nghe tin, tướng Vũ Văn Nhậm liền đem quân tràn sang. Dân làng Vĩnh Lại chống cự không được, bao nhiêu đô đốc, quận công đều bị giết hoặc bị bắt. Tai họa xảy ra cho cả làng, với bao nỗi thảm thương.
7. Với chúa Nguyễn: "Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân".
Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, con Nguyễn Hoàng Dụ, một võ tướng đời Lê Chiêu Tông là Nguyễn Kim nương náu ở xứ Sầm Châu thuộc trấn Nam Phủ, tỉnh Thanh Hóa. Năm Quý tỵ (1532), Kim lập con út vua Chiêu Tông lên làm vua, gọi là vua Trang Tông.
Trong việc mưu đồ đại sự, Kim thu nạp một kiện tướng thảo dã anh hùng ở tỉnh Thanh Hóa: Trịnh Kiểm.
Năm Canh tý (1540) Nguyễn Kim tiến đánh Nghệ An. Hai năm sau, quân Trang Tông tiến ra Thanh Hóa, rồi năm sau nữa (1543), Kim nắm hẳn được Nghệ An và thu phục được cả Tây Đô (Thanh Hóa). Năm Ất tỵ (1545) Nguyễn Kim ngộ độc mất. Binh quyền về tay Trịnh Kiểm.
Bấy giờ, Việt Nam chia hai: Từ Sơn Nam đổ ra thuộc ảnh hưởng nhà Mạc, gọi là Bắc triều; từ Thanh Hóa trở vào là khu vực nhà Lê hay Nam triều.
- Trịnh Kiểm thay Nguyễn Kim, giúp nhà Lê trung hưng, nắm trọn quyền bính trong tay. Vì tính đa nghi, Trịnh Kiểm đã giết em vợ là Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng, em Nguyễn Uông, con Nguyễn Kim, sợ bị hại, sai người đến hỏi kế cụ, Cụ chỉ đàn kiến ở hòn non bộ, mỉm cười nói:
- Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân (1)
Nghĩa là hoành sơn một dãy, có thể dung thân.
Theo lời, Nguyễn Hoàng xin đi trấn thủ Thuận Hóa phía nam dãy Hoành Sơn. Quả nhiên mỗi ngày một thịnh, để rồi mở mang ra cơ nghiệp nhà Nguyễn, truyền nối lâu dài...
8. Với nhà Mạc: "Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế".
Từ khi có bộ sách Thái Ất Thần Kinh, Cụ Trạng thông suốt những điều huyền vi của trời đất. Cụ nổi tiếng về khoa lý số. Lúc bấy giờ Mạc Đăng Dung đã đoạt ngôi nhà Lê và lập ra nhà Mạc. Cụ suy đoán biết nhà Lê sớm muộn thế nào cũng trung hưng. Cụ ẩn dật làm nghề dạy học để đợi khoa nhà Lê. Nhưng sau bất đắc dĩ cụ phải ra dự thi khoa nhà Mạc, vì lúc đó tuổi đã ngoài bốn mươi.
Cụ thi hương đỗ giải nguyên năm 44 tuổi và thi đình đỗ trạng nguyên năm 45 tuổi, niên hiệu Đại Chính, đời vua Mạc Đăng Doanh.
Thi đỗ trạng nguyên, cụ được nhà Mạc cử làm Tả thị lang, Đông các đại học sĩ và gia phong đến chức Trình Tuyền hầu.
Làm quan được 8 năm, thấy triều Mạc lúc bấy giờ không hạp mà cũng không xứng đáng cho cụ khuôn phù, nên cụ cáo quan về nghỉ.
Về làng, cụ lập ra một cái am gọi là am Bạch Vân và lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Ở đây, cụ sống rnột cuộc đời thanh nhàn ẩn dật, thường ngày cùng các vị sư hoặc chèo thuyền đi хеm đánh cá ở Hồ Hải, Úc Hải, hoặc đi lên những nơi thắng cảnh như Yên Tử, Ngọa Vân, Kính Chủ và Đồ Sơn, v.v...
Trong những ngày ngao du sơn thủy nầy, cụ còn để lại hai câu thơ:
Ngư ông bất ngộ Đào nguyên khách,
Khởi thức hưng vong thế cổ kim.
Nghĩa là người đánh cá, không gặp khách nguồn đào, sao biết được sự hưng vong của cuộc thế xưa nay. Ngụ ý nói mình hiện nay là một kẻ đã lánh xa cuộc thế, cũng như anh chàng đánh cá xưa kia đã tới chốn nguồn Đào.
Ngoài việc ngao du sơn thủy, cụ còn tu bổ các chùa chiền, và làm một cây cầu hóng mát ở trên sông Tuyết Giang để cùng các học trò ra đó nghỉ ngơi và đàm luận. Vì thế, khi cụ mất đi, mới có tên thụy của các môn sinh đặt tôn là Tuyết Giang phu tử.
Cụ tuy từ quan về ẩn dật, nhưng nhà Mạc vẫn kính như một bực thầy, thường cho sứ đến hỏi, mỗi khi có việc quan trọng. Với lòng vô tư, cụ cũng giúp cho nhà Mạc được nhiều việc. Sau Mạc lại phong cho cụ chức Lại bộ thượng thư, Thái phó Trình quốc công, nên người đời mới gọi là Trạng Trình.
Người bên Trung Quốc cũng nghe danh và có câu:
“An Nam lý học hữu Trình Tuyền”.
Nghĩa là ông Trình Tuyền (chỉ Nguyễn Bỉnh Khiêm) là người lý học nổi tiếng ở nước Nam.
Vì thế chẳng những vua tôi nhà Mạc thường thỉnh ý ở cụ mà ngay đến cả các chúa Trịnh và chúa Nguyễn cũng thế.
Khi Trạng bị bệnh nặng, vua Mạc Mậu Hợp sai con đến thăm cụ và hỏi về kế hoạch sau nầy. Cụ bảo:
- Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế (Đất Cao Bằng tuy nhỏ hẹp cũng dung thân được vài đời).
Nhà Mạc nghe dặn, khi thất thế chạy lên chiếm cứ Cao Bằng. Quả nhiên làm vua được vài đời nữa, trước sau cả thảy được gần 70 năm mới bị nhà Lê đánh bại hẳn.
9. Với chúa Trịnh "Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong".
- Lúc bấy giờ nhà Lê đã trung hưng, dùng căn cứ ở miền Thanh Nghệ tiến mạnh ra kinh đô. Trịnh Kiểm cho người đến vấn kế: “Hưng Lê diệt Mạc” với cụ. Cụ không đáp, chỉ sai người nhà vứt chiếc chiếu ra sân. Sứ giả về tâu, cả triều thần không ai hiểu gì cả. Chúa Trịnh phải vời Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan đến đoán giúp. Trạng Bùng đoán rằng “Tịch quyển trường khu” nghĩa là phải đánh mau lẹ như cuộn chiếu vậy. Chúa Trịnh theo lời, mở cuộc phản công, nhà Mạc thua thất điên bát đảo.
- Vua Trang Tông không có người kế sự theo dòng đích tôn của vua Thái Tổ, Trịnh Kiểm bây giờ nắm giữ hết mọi quyền hành, tính tự lập làm vua nhưng còn do dự vì chưa chắc được lòng người nên bí mật phái sứ giả ra Hải Dương hỏi ý kiến cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cụ trả lời gián tiếp bằng cách ngoảnh bảo đầy tớ rằng: “Năm ngoái mất mùa, thóc giống không tốt, đi tìm giống cũ mà gieo mạ”. Rồi ông lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét chùa và dâng hương để ông ra chơi. Ông bảo tiểu: “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản”.
Sứ trở về thuật lại từng lời nói, từng cử chỉ của cụ Trạng Trình, Kiểm hiểu nên không thi hành dự định cưỡng ngôi nhà Lê nữa, rồi tìm được người cháu truyền tông ông Lê Trừ là anh ruột vua Thái Tổ, tên là Duy Bang, ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đem về lập làm vua.
Về sau con cháu chúa Trịnh nhiều lần muốn soán ngôi vua Lê, nhưng cụ đều khuyên can khéo: “Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong”. Tuy nhà Lê suy nhược, nhà Trịnh tóm thâu mọi quyền hành nhưng không có Lê, Trịnh không đứng vững được.
Quả nhiên, đời vua Chiêu Thống ngai vàng Lê mết thì dòng họ Trịnh cũng chẳng còn ngôi chúa nừa.
II. GIAI THOẠI SAU KHI TRẠNG МẤТ.
1. Cha con thằng Khả.
Sau khi Trạng mất, Ở làng Cổ An có đền thờ cụ. Một hôm ở trong làng có cha con thằng Khả đi hắt chuột ở bên ngôi mộ cụ, vô ý làm đổ tấm bia trên mộ. Dân làng thấy thế mới bắt về đình rồi phạt ba quan tiền vì khi tấm bia đổ xuống thấy có hàng chữ ở sau:
Cha con thằng Khả
Đánh ngã bia tao
Làng xóm xôn xao
Bắt đền tam quán.
Cha con thằng Khả chạy đi kiếm mãi cũng chỉ được có một quan tám, nhưng dân làng không chịu. Nó cãi rằng:
Cha con tôi lỡ lầm nên cụ Trạng chê bắt phạt có quan tám. Cụ đã biết trước cha con tôi chỉ chạy được có như thế nên mới nói bắt đền tam quán. Tam quán mà nói lái ra thì thành quan tám chứ không phải là ba quan. Ai đời nếu không thế sao cả bài không có chữ nho nào lại dùng hai chữ nho ở cuối. Theo chúng con thì hai chữ tam quán là chữ nôm nói lái mà ra. Dân làng không tin hãy cứ xin âm dương trong đền cụ mà xem.
Vì túng thế, cha con thằng Khả cãi liều như vậy nhưng dân làng nghe cũng có lý mới đi lễ đền cụ xin âm dương thì quả như vậy thật. Cứ xin hoài ba quan mà hai đồng tiền vẫn cứ khi thì xấp cả, khi thì ngửa cả. Chỉ tới khi khấn là quan tám mới được đồng xấp, đồng ngửa mà thôi. Mọi người lại càng tin phục cụ Trạng.
2. Thánh nhân mắt mù.
Khi sắp chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng:
- Bình sinh ta có một tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta nhắm mắt rồi, chúng bay phải nhớ, hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi sẽ lấp đất sau. Hễ khi nào có người lạ đến viếng mộ ta mà nói rằng “thánh nhân mát mù” thì phải lập tức mời người ấy về nhà, yêu cầu họ để hướng lại ngôi mộ cho ta. Chúng bây phải nhớ và canh chừng, chớ không được cải cát. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồi lụn bại.
Con cháu nghe lời, làm y như đã dặn. Cách đó 50 năm sau, một hôm có một người Tàu đến nhìn ngôi mộ cụ một lúc rồi nói rằng:
- Cái huyệt ở đàng chân sờ sờ thế kia mà không biết lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân cái gì đâu, hay là thánh nhân mắt mù đó.
Người trong họ nghe được, chạy về cho ông trưởng tộc hay. Ông nầy vội vàng ra đón người Tàu kia về nhà, xin để xoay ngôi mộ kia lại. Khi tiếp chuyện, mới hay người này là một nhà phong thủy trứ danh ở Trung Quốc vừa sang. Ông ta sở dĩ lại đây là muốn được xem di tích của cụ Trạng, vì bấy lâu ông ta vẫn nghe tiếng đồn về Trạng. Khi nghe nói, ông ta sẵn lòng sửa lại ngôi mộ cho, và hiu hiu tự đắc cho mình là giỏi hơn Trạng Trình: “Với cụ Trạng thực ra chỉ nghe người ta đồn chớ đến nơi được thực mục sở thị, có gì là giỏi đâu”.
Ông ta bảo:
- Không cần phải đem đâu xa cả, chỉ đào lên rồi xoay lại và nhích đi một chút là được.
Ông trưởng tộc cả mừng, tụ họp con cháu lại đưa thầy địa lý Tàu ra để lại ngôi mộ. Khi đào đến tấm bia đá, ông thầy Tàu lấy làm lạ, lại sẵn tính hiếu kỳ, ông bảo đem rửa sạch хеm có những gì vì khi đó, những lớp sơn cũng đã mục rồi. Con cháu cụ vì tôn trọng thầy nên cũng phải chiều lòng.
Khi tấm bia được rửa sạch đem lên, mới thấy mấy câu thơ sau này hiện ra:
Ngũ thập niên tiền mạch tại đâu,
Ngũ thập niên hậu mạch quy túc,
Hâu sinh nhĩ bối ná năng tri?
Hà vị thánh nhân vô nhĩ mục?
Có nghĩa là:
Ngày nay mạch lộn xuống chân,
Nătn mươi năm trước mạch dâng đằng đầu,
Biết gì, những kẻ sinh sau?
Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?
Khi xem tới bài thơ trên đây, ông thầy Tàu lúc đó mới phục Trạng là một vị thánh, tiên trị thật, nếu không, sao biết trước những lời mình sẽ nói. Quả thật mình chỉ xứng đáng là học trò cụ thôi.
3. Cây sà nhà đổ.
Cũng khi sắp mất, Trạng có giao cho con cháu một cái ống tre sơn son thếp vàng gắn bít hai đầu và dặn đến đúng năm tháng ấy ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh Tổng đốc Hải Dương, trao cái ống nầy cho quan thì sẽ cứu vãn được tình thế gia đình nhưng tuyệt đối không được ai mở ra xem, trừ quan Tổng đốc.
Cái ống tre ấy truyền đến người cháu 7 đời cụ, mới rước lên dinh quan Tổng đốc, đúng vào ngày giờ đã ghi trong gia phả. Khi quan mở ống, thấy một cuộn giấy, ngài rút ra xem thấy có hai câu chữ nho:
Ngã cứu nhữ thượng lương chi ách.
Nhữ cứu ngã thất thế chi bần.
Nghĩa là:
Ta cứu mày khỏi sà nhà đổ,
Mày cứu ta cháu bảy đời nghèo.
Đang lúc bận việc, quan Tổng đốc thấy hai câu nói xấc xược gọi quan bằng mầy ấy, ngài cả giận sẵn cầm chiếc quạt, ngài đứng dậy chạy lại định đánh người cháu cụ. Nhưng vừa bước khỏi sập, chiếc sà nhà đã từ ngay trên chỗ đỉnh đầu đổ rớt xuống đánh rầm một cái. Phúc bảy mươi đời, ngài mới bước ra, nên không sao.
Quan Tổng đốc lúc đó mới giật mình, hiểu rõ Cụ Trạng đã cứu cho mình khỏi cái chết bất đắc kỳ tử. Quan phải ân cần xin lỗi người cháu cụ, mời về tư thất thiết đãi cơm rượu, rồi đưa một số tiền ra giúp, để cứu vãn cho gia đình con cháu cụ khi đó đang lâm vào hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu.
4. Minh Mạng Thập tứ thằng Trứ phá đền.
Tục truyền năm Minh Mạng thứ 14, quan Doanh điền sứ là Nguyễn Công Trứ đi khai khẩn ở vùng Hải Dương. Một hôm ông thấy cần thiết phải đào một con sông ở làng cụ. Nhưng ngặt cái nếu đào như ý định, phải phá đền thờ cụ Trạng đi. Dân làng ra xin không được. Ông Trứ cho là mình vâng mạng nhà vua, nhà vua lớn hơn còn phong sắc cho bách thần, huống chi là Trạng. Thế rồi, ông ra lệnh cho dân phu phải lập tức phá ngôi đền thờ cụ để nhường chỗ đào sông.
Khi sai người đào đem bát hương ra, ông Trứ thấy ở dưới bát hương có một tấm bia bằng đá phủ vải điều. Ông ta sai giở tấm vải ra thì thấy mấy câu sau:
Minh Mạng, thập tứ,
Tháng Trứ phá đền.
Phá đền thời phải làm đền,
Nào ai đụng đến Doanh điền nhà bay.
Đọc mây câu thơ nầy, Nguyễn Công Trứ sợạ toát mồ hôi, liền phải sửa soạn lại đền thờ cho cụ, và không dám nghĩ đến việc phá đền để đào sông nữa.
5. Biện lại Vi vương: Nguyễn Nhạc.
Năm Tân mão (1771), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 đời vua Lê Hiển Tông, từ một chân tuần biện lại ở Vân Đồn, Nguyễn Nhạc được hai anh em Huệ và Lữ đứng bên chiến đấu trong 7 năm, nhảy một bước lên chiếc ngai Thái Đức hoàng đế (1778)...
Trong Sấm Trạng Trình, đoạn 5, có hai câu:
Hà thời biện lại vi vương
Thử thời Bắc tận, Nam trường xuất bôn.
Có nghĩa là: Khi nào kẻ biện lại lên làm vua thì đó là lúc miền Bắc mất mà miền Nam cũng phải chạy dài.
Và quả thật, trong lịch sử Việt Nam chỉ có một người từ chức biện lại lên làm vua, đó là Nguyễn Nhạc thì từ đó tình hình Việt Nam xảy ra theo đúng lời sấm nói trên.
Đó là lúc cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn ở trong Nam nổi dậy. Không bao lâu quân Tây Sơn thắng trận, tiêu diệt chúa Nguyễn rồi thừa thắng đem binh ra diệt luôn chúa Trịnh ở phía Bắc, Tây Sơn trả lại quyền cho nhà Lê. Vua nhà Lê từ đó thoát khỏi nạn chúa Trịnh chuyên quyền. Nhưng sau khi vua Hiển Tông mất, vua Chiêu Thống lên ngôi, dòng dõi chúa Trịnh lại trở về. Nhà vua phải mật triệu Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp. Chỉnh đem binh ra đánh đuổi và dẹp tan đám con cháu chúa Trịnh còn sót lại. Vua Chiêu Thống giữ Chỉnh ở lại để giúp mình. Nhưng Chỉnh lại chuyên quyền và ra mặt chống với Tây Sơn.
Nguyễn Huệ thấy vậy liền sai tướng là Vũ Văn Nhậm đem binh ra đánh Chỉnh. Quân Nhậm tiến gần Thăng Long. Chỉnh đem vua chạy trốn. Nửa đường Chỉnh bị Nhậm bắt sống. Còn vua thì thoát nhưng phải giả dạng là thường dân giấu ấn tín trong mình để chạy...
Trong thời “biện lại vi vương” không những miền Bắc bị diệt, mà miền Nam cũng phải bôn ba chạy trốn, không những chạy trốn một lần mà là nhiều lần. Dòng sử sau đây cho ta biết về điều đó:
“Ngay lúc đầu chúa Nguyễn bị quân Trịnh do tướng Hoàng Ngũ Phúc đuổi phải chạy vào Quảng Nam nương náu chưa được vài tháng ở Bến Ván; tại đây chúa lập cháu là Nguyễn Phúc Dương lên làm Đông cung để lo khôi phục và phòng xa nếu mình bị rủi ro đã có người kế vị ngay cho kịp với thời cuộc.
Tây Sơn vẫn tiến lên, quân Bắc vẫn đi xuống, chúa Nguyễn bị kẹt giữa hai gọng kìm, trốn tránh vào Trà Sơn, sau rốt phải cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy về Gia Định...”.
6. đầu cha lộn xuống chân con.
Vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh khổ 3 của bài sấm có 4 câu:
Chấn cung xuất nhật
Đoài cung vẫn tinh
Phụ nguyên trì thống
Đế phế vi dinh
Nghĩa là:
Mặt trời mọc ở phương Đông
Ngôi sao sa ở phương Tây
Họ Nguyễn làm vua
Vua bị trút xuống làm dân thường.
Theo bát quái thì chấn thuộc phương đông. Theo Kinh dịch cung chấn thuộc về người trên. Ý muốn nói người anh nhà họ Nguyễn tức Nguyễn Nhạc sẽ dấy nghiệp. Sao sa ở phương tây ý nói nhà Tây Sơn xuất hiện.
Sau đó là khổ 5 đã nói ở mục trên về Nguyễn Nhạc để rồi chuyển sang khổ 7 với 2 câu:
Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng phương tây.
Hai câu này ứng với việc Tôn Sĩ Nghị đem quân sang cướp nước ta. Khi qua sông Nhị Hà, Nghị chia đồn đóng ở những bãi cát rộng lại sai làm cầu phao ở trên sông để đi lại cho tiện. Trúc mọc qua sông là nói cầu phao làm bằng tre vậy.
Chính sau trận Đống Đa lịch sử, Tôn Sĩ Nghị phải kéo quân qua cầu phao sông Nhị Hà này “xô đè lên nhau mà chết, thây xác đầy nội nghìn sông" mà Nguyễn Huệ đã mở ra một triều đại mới của nhà Tây Sơn ứng với hai câu:
Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng phương tây.
Đến khổ 8 là:
Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
Ý nói Nguyễn Nhạc suy yếu, Nguyễn Huệ nổi lên (trong Kinh dịch, đoài cung là phương tây chỉ em, còn chân cung là phương đông chỉ người anh).
Chữ Quang (trong Quang Trung) có chữ tiểu ở trên, còn chữ cảnh (trong Cảnh Thịnh) lại có chữ tiểu ở dưới. Cảnh Thịnh là niên hiệu của Nguyễn Quang Toản (con vua Quang Trung). Hai đời nầy vừa được mười bốn năm vì thế mới có câu:
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
7. Chim bằng cất cánh: Nguyễn Hữu Chỉnh.
Mở đầu khổ 7 là hai câu thơ:
"Chim bằng cất cánh về đâu?
Chết tại trên đầu hai chữ Quận công”.
Nguyễn Hữu Chỉnh, một danh tài đất Bắc Hà thường tự hào và cho rằng “Nhân tài xứ Bắc chỉ có một mình tôi”. Nguyễn Hữu Chỉnh thường ví mình có chí cả như chim bằng. Người đương thời gọi là Cống Chỉnh. Lúc đầu, Nguyễn Hữu Chỉnh đến làm thuộc hạ của Hoàng Ngũ Phúc, một viên lão tướng đại tài của chúa Trịnh. Sau khi Ngũ Phúc mất, Chỉnh lại theo con nuôi của Phúc là Hoàng Đình Bảo, phò Trịnh Cán (con thứ của Tinh Đô vương Trịnh Sâm và thứ phi Đặng Thị Huệ, tục gọi là bà Chúa Chè). Phủ chúa Trịnh có loạn Kiêu binh; phế Trịnh Cán, giết Hoàng Đình Bảo, lập Trịnh Khải lên ngôi chúa, Nguyễn Hữu Chỉnh liền bỏ Trịnh sang đầu Tây Sơn, và dâng lên vua Tây Sơn bài sách Phù Lê diệt Trịnh. Nhờ bài sách này mà nhà Tây Sơn đã áp dụng một chiến thuật mềm dẻo, đưa đất Bấc Hà sang một khúc quanh lịch sử quan trọng.
Sau khi diệt được quân của chúa Trịnh, Nguyễn Huệ đem các thuộc hạ như Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm... vào cung Văn Thọ vấn an vua Lê. Vua Lê phong cho Nguyễn Huệ làm chức Nguyên soái, Dực chính phù vân Uy Quốc công, Nguyễn Huệ có ý bất mãn, nhưng nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh khéo léo nên Nguyễn Huệ nguôi cơn giận. Vua Lê lại đem người con gái út là Ngọc Hân công chúa lúc bấy giờ mới mười sáu tuổi, tài sắc vẹn toàn, lại có tài văn chương thi phú gả cho Nguyễn Huệ. Kế vua Lê mất, Nguyễn Huệ tôn cháu là hoàng tôn Lê Duy Kỳ được ngôi vua lấy hiệu là Chiêu Thống. Khi quân Tây Sơn rút về Nam, nghe theo đề nghị của Vũ Văn Nhậm (Nhậm thường hay ghét Nguyễn Hữu Chỉnh về tính tình kiêu căng tự phụ), Nguyễn Huệ bỏ Chỉnh lại đất Bắc. Chỉnh hốt hoảng đem gia phân chạy theo quân của Nguyễn Huệ. Đến Nghệ An, Chỉnh bắt kịp đạo quân của Nguyễn Huệ, Nguyễn Huệ tìm cách vỗ về Chỉnh và khuyên nên ở lại Nghệ An để phòng mọi bất trắc của dân tình đất Bắc Hà, nhưng bên trong lại ngầm truyền lịnh cho Vũ Văn Nhậm theo dõi mọi hành động của Chỉnh, vì Nguyễn Huệ biết trước sau gì Chỉnh cũng mưu phản. Chỉnh không theo sát được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, biết mình đã bị bỏ rơi, tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, Chỉnh vốn là tay mưu trí giỏi, tìm những người tài trí lưu vong, quyết tâm tích thảo tồn lương, gây thanh thế để chiếm đất Nghệ An. Gặp lúc vua Lê Chiêu Thống bị con cháu của chúa Trịnh là Trịnh Bồng thừa kế tiên phụ giữ chức Ấn Đô vương áp bức. Vua Chiêu Thống liền phái sứ giả vào triệu Nguyễn Hữu Chỉnh ra dẹp loạn Bắc Hà. Cơ hội ngàn nàm một thuở đã đến, Chỉnh ra đất Bắc dẹp yên Trịnh Bồng và được vua Lê phong chức Bình Chương quân quốc Trọng sư Đại tư đồ Bằng Trung công. Chỉnh lại chiếm Trịnh phủ làm đại bản doanh, xin vua Lê phong cho con là Nguyễn Hữu Du làm thế tử, cắt đặt những tay chân bộ hạ vào những chức vụ trong triều Lê và ngoài các biên trấn. Các quan lại thuộc hạ của Chỉnh lại tâu vua Lê phong cho Chỉnh tước Nhất Tự công, được mở phủ quân Võ Thành; đúc ấn riêng và lập Khu mật viện. Khi đã nắm trọn binh quyền trong tay, Chỉnh bắt đầu quyết đoán mọi việc, không thèm hỏi ý kiến vua Chiêu Thống. Thế là vua Lê vừa thoát được nạn Trịnh Bồng lại lọt vào tay lộng thần Cống Chỉnh. Đất Bắc Hà lại một phen nữa khổ sở lầm than; vua Lê làm bù nhìn chỉ còn biết âm thầm đau khổ. Vũ Văn Nhậm được mật lệnh của Bắc Bình vương theo dõi mọi hành động của Chỉnh, rồi mật Nam. Nguyễn Huệ, sau khi hội nghị quân sự tại Quảng Nam đã nêu lên các tội của Chỉnh như họ Trịnh ngày trước ôm chân vua Lê mà lộng quyền. Thế là Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ra lệnh cho các tướng như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân ra Nghệ An họp với Vũ Văn Nhậm mở cuộc Bắc phạt bắt Nguyễn Hữu Chỉnh trị tội. Nguyễn Hữu Chỉnh bị bại trận, và bị bộ tướng của Vũ Vãn Nhậm là Nguyền Văn Hòa bắt được tại núi Tam Tầng, thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Chỉnh bị bỏ vào cũi mang về Thăng Long nạp cho Vũ Văn Nhậm. Riêng con của Chỉnh là Nguyễn Hữu Du bị bắt và bị chặt đầu ngay tại chỗ.
Còn Nguyễn Hữu Chỉnh thì bị Vũ Văn Nhậm phanh thây, thế là:
Chim Bằng đã gãy cánh, sau những ngày hưởng thụ vinh quang tột đỉnh, đúng theo lời tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Chết tại trên đầu hai chữ Quận Công”.
8. Tin dê lại mắc phải mồi đàn dê: Nhà Nguyễn.
Khổ 9 bắt đầu bằng hai câu:
“Phụ nguyên chính thống hẳn hoi
Tin dê lại mắc phải mồi đàn dê”.
Theo chiết tự thì chữ phụ ghép với chữ nguyên thành chữ Nguyễn. Ở đây muốn nói đến nhà Nguyễn: Khi Nguyễn Ánh (Gia Long) nhờ Bá Đa Lộc cầu viện nước Pháp là đã làm cho người Pháp chú ý đến Việt Nam và thực chất là cửa đã mở đế cho tư bản Pháp tràn vào Việt Nam. Dê đây chính là Dương nhân (người Tây Dương). Và từ đó dần dần nhà Nguyễn cũng mất chủ quyền về tay người Pháp.
Bốn câu của khổ 10:
“Để loài bạch quỉ nam xâm
Làm cho trăm họ khổ trầm lưu ly
Ngai vàng gặp buổi khuynh nguy
Gia đình một ở ba đi dần dần”.
Hai câu đầu ám chỉ việc thôn tính của người Pháp ở Việt Nam (Bạch quỉ: bọn quỉ da trắng) làm cho dân chúng muộn vàn khổ sở. Hai câu tiếp theo là nói vương quyền nghiêng ngả, khuynh nguy.
Dẫn đến việc trong bốn vị vua của nhà Nguyễn thời bấy giờ chỉ còn một người được tại vị yên ổn còn ba người kia bị mất ngôi, xa xứ, lưu đày. Đó là các vua Hàm Nghi bị đày sang Algerie, Thành Thái và Duy Tân bị đày sang đảo Réunion, chỉ còn lại một mình Khải Định ở lại làm vua kế nghiệp nhà Nguyễn, ứng với câu: gia đình một ở ba đi dần dần.
Trở lại hai câu sau cua khổ 9:
Phục lòng chính chính u mê
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.
Theo chiết tự thì chữ Đức gồm có chữ thập ở trên, dưới là chữ tứ, dưới nữa là chữ nhất trên chữ tâm. Kết hợp với chữ Dục ở đầu câu trên, ở đây người ta cho rằng nói về vua Dục Đức.
Theo lịch sử, vua Tự Đức không có con trai, nuôi ba người cháu làm con nuôi: Dục Đức, Chánh Mông, Dưỡng Thiện. Tờ di chiếu nói lập Dục Đức nối ngôi và cử Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết làm phụ chính.
Trong di chiếu có một đoạn rằng Dục Đức mắt có tật, tính ham chơi, e không được việc lớn, nhưng nước cần phải có vua lớn tuổi nên phải lập con trưởng. Trong ngày cử lễ tấn tôn, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vịn vào câu đó mà truyền bãi chầu để định đoạt lại. Ba hôm sau lại thiết triều, Nguyễn Văn Tường tuyên bố phế Dục Đức. Triều đình không ai dám nói gì, duy có ngự sử Phan Đình Phùng đứng lên phản đối thì liền bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bắt giam và cách chức đuổi về.
Em ruột vua Tự Đức là Lạng quốc công Hồng Dật được lập lên làm vua, niên hiệu là Hiệp Hòa: Dục Đức thì bị đem giam một nơi, về sau không được ăn uống gì mà chết.
III. GIAI THOẠI ỨNG VỚI THỜI CUỘC TRONG THẾ KỶ THỨ 20.
1. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Trong những suy đoán của người sau về sấm Trạng ứng với các sự kiện của thế kỷ 20 thì có lẽ các khổ thơ 11, 12 là nổi tiếng hơn cả:
Khổ 11:
Kia kìa gió thổi lá rung cây
Rung Bắc rung Nam, Đông tới Tây
Tác tác KIẾN kiều AN đất nước
Xác xơ CỔ thụ sạch AM mây
Khổ 12:
LÂM giang nổi sóng mù THAO cát
HƯNG địa tràn dâng HÓA nước đầy
Một ngựa một YÊN ai sùng BÁI
Cha con nhà VĨNH BẢO cho hay
Người ta liên hệ hai khổ sau này với cuộc cách mạng võ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo tại các địa điểm sau:
- Ở Yên Bái do Nguyễn Thị Giang tổ chức bằng cách giả làm người buôn bán và bất bình với cai Thiết để sau đó tổ chức Binh đoàn Yên Bái tấn công vào thành Yên Bái của Thiếu tá Le Taron đêm 9-3-1930.
- Cũng trong đêm nói trên, tư lệnh chiến khu một (gồm Hà Nội, Hà Đông, Kiến An, Hải Phòng) là Nguyễn Khắc Nhu tiến đánh Lâm Thao rồi Phú Thọ, Hưng Hóa, Sơn Tây.
- Đồng thời ở huyện Vĩnh Bảo, Trần Quang Diệu đến huyện lỵ vào 10 giờ đêm hôm đó vờ cho tri huyện sở tại là Hoàng Gia Mô hay tin khởi nghĩa để tên này sợ hãi cùng lính hầu lên ô tô chạy về Hải Dương, vừa rời khỏi huyện hai cây số đã bị chi đội cách mạng do Đào Văn Thế cầm đầu chặn lại giết chết.
Vì Trần Quang Diệu quê ở Cổ Am nên sau đó, năm máy bay của Pháp đã đến ném bom triệt hạ làng này. Người ta cho rằng chính trong khi triệt phá làng Cổ Am đã tìm thấy quyển sấm của cụ Trạng Trình.
Cũng có người liên hệ hai câu cuối với cha con nhà Nguyễn lúc bấy giờ là Vĩnh San (Khải Định) và Bảo Đại để giải thích câu: cha con nhà VĨNH BẢO cho hay!
2. Đại chiến Thế giới Thứ hai.
Khổ 40:
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khổ đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận
Thân dậu niên lai kiến thái bình.
Hai câu đầu ứng với cuộc Đại chiến mở rộng vào cuối năm Rồng (Canh thìn - 1940). Và đầu năm Rắn (Tân tị - 1941). Nhân dân đau khổ do cuộc chiến:
Đuôi rồng, đầu rắn nổi chiến tranh
Khắp hòa thiên hạ khổ đao binh.
Hai câu sau: Đến tháng 01 năm 1943 (cuối năm Ngọ) Liên Xô mở cuộc phản công ở Stalingrat rồi sang đến cuối năm Mùi, phát xít Hitle bắt đầu núng thế:
Móng dê, chân ngựa, anh hùng tận
Để kết thúc bằng chiến thắng của phe Đồng minh đưa lại hòa bình cho toàn thế giới vào cuối năm Giáp thân đầu năm Ất dậu (1945):
Thân Dậu rồi ra mới thái bình!
3. Cách mạng tháng Tám - 1945
Khổ 41 hai câu cuối:
Đầu thu gà gáy xôn xao
Mặt trăng xưa sáng tỏ vào Thăng Long.
Đầu thu là tháng 7 âm lịch tức tháng 8 dương lịch năm gà tức là Ất dậu 1945 thì cụ Hồ về Hà Nội: Mặt trăng xưa tức là cổ nguyệt theo chiết tự chữ cổ và chữ nguyệt thành chữ Hồ. Cụ Hồ về đất Thăng Long vào ngày 26/8/1945 tức là 19/7 năm Ất dậu.
Tiếp đó là hai câu:
Chó kêu ầm ĩ mùa đông
Cha con Nguyễn lại bế bồng nhau đi.
Đây là năm 1946 Bính tuất, Bảo Đại chuyển sang Trùng Khánh và đi thẳng theo Pháp không quay trở lại nữa.
Cuối khổ 28, đầu khổ 29 là bốn câu cũng được liên hệ với việc Bảo Đại thoái vị năm 1945:
Đến thời thiên hạ vô quân
Làm vua chẳng dễ làm dân chẳng lành
Gà kêu khỉ dậy cho nhanh
Phụ nguyên số đã rành rành cáo chung.
Năm 1945 Bảo Đại thoái vị nguyện làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua nô lệ nhưng rồi đâu có được: đứng là thiên hạ vô quân, làm vua chẳng dễ làm dân chẳng lành.
Và tiếp theo là hai câu nói đến việc kết thúc triều đại nhà Nguyễn vào năm 1945, cuối năm Thân chuyển sang năm Dậu tức là đầu năm 1945 thì nhà Nguyễn cáo chung (Phụ nguyên theo chiết tự là chữ Nguyễn).
4. Giải phóng thủ đô - 1954
Khổ 35:
Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An.
Càn khôn dĩ định: số trời đã định 9 lần 9 là 81 năm, vào tiết thanh minh đầu năm dê cuối năm ngựa tức là cuối năm Ngọ (1954) đầu năm Mùi (1955) tám vạn lính cụ Hồ vào đất Tràng An giải phóng thủ đô Hà Nội, kết thúc cuộc đô hộ của Pháp ở Bắc Kỳ kéo dài 81 năm. Đó là ngày 10 - 10 - 1954.
5. Một số sự kiện khác.
Từ tập Sấm Trạng Trình xuất bản những năm 30, cứ mỗi khi có một biến cố nào trong thời cuộc đáp ứng với lòng mong mỏi của người dân, hay đôi khi là toan tính của những ai muốn lợi dụng uy tín của cụ Trạng là lại rộ lên những mối liên hộ suy đoán giữa những câu sấm với thời cuộc. Chúng tôi xin liệt kê ra đây một số đoạn:
a) Khổ 13:
Tiền ma bạc quỉ trao tay
Đô Môn, Nghệ Thái dẫy đầy can qua
Có người cho là ứng với việc Pháp đã thu số bạc dùng trao đổi để phát hành ra tiền giấy làm cho nhân dân điêu đứng và các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi: Đô Lương, Hóc Môn, Nghệ An và Thái Nguyên.
b) Khổ 13 tiếp:
Giữa năm hai bẩy mười ba
Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây!
Có người cho rằng việc viên toàn quyền Pierre Pasquier chết trong tai nạn máy bay năm 1933, liên hệ tới câu này. Họ cho rằng năm 1933 nhuận hai tháng bảy tức là có 13 tháng mà Pasquier (Phiên âm đọc thành Bát Kê tức là Tám gà có nghĩa là Pasquier) bị thiêu xác trên trời vào nàm đó. Thật ra nếu xem lại thì năm này âm lịch không có tháng nhuận nào.
c) Khổ 26:
Ba con đổi lấy một cha
Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền.
Vào những năm 30, đầu triều Bảo Đại (lên làm vua năm 1926) đất nước gặp nhiều khó khăn do biến thiên (đất lở cát bồi) bọn Pháp lại chủ trương ra đồng tiền Bảo Đại thay đồng Khải Định mà ba đồng Bảo Đại mới bằng một đồng Khải Định (ba con đổi lấy một cha) làm cho dân chúng càng điêu đứng khổ sở.
d) Khổ 44:
Rồng bay năm vẻ sáng ngời
Rắn qua sửa soạn hết đời sa tăng
Ngựa lồng quỉ mới nhăn răng
Cha con dòng họ thầy tăng hết thời
Chín con rồng lộn khắp nơi
Nhện giăng lưới gạch đại thời mắc mưu.
Rồng qua Rắn, năm Thìn 1952 qua năm Tỵ 1953 chuẩn bị hết thời bọn sa tăng (giặc Pháp sắp phải rút), sang năm Ngọ 1954 thì trận Điện Biên Phủ làm bọn Pháp chết nhăn răng và «thầy tăng» tức «thằng Tây» hết thời, phải rút vào miền Nam.
Có người lại còn cho rằng hai câu cuối ứng với màng lưới bốt đồn của địch như nhện giăng khắp chốn cũng không chống nổi sức mạnh kháng chiến của quân dân ta.
e) Khổ 22 - 23:
Ô hô thế sự tự bình bồng
Nam bắc hà thời thiết lộ thông
Hồ ẩn Sơn trung Mao tân bạch
Kình cư hải ngoại huyết lưu hồng.
Có người muốn nói: cuộc đời thay đổi (bình bồng) liệu bao giờ thì đường sắt Bắc Nam được nối liền? Cụ Hồ vào núi kháng chiến, họ Mao đánh tan quân Trắng (Tàu Tưởng), cá voi ngoài biển máu đỏ hồng...
6. Và một số câu sấm khác.
Ngoài những câu sấm trong bản chính (bản A) của quyển này, còn nhiều bản sấm khác hoặc những câu sấm khác mà người ta cũng gán cho là của Trạng Trình rồi liên hệ giải thích cho ứng với các sự kiện xảy ra. Chúng tôi xin nêu ở đây một vài giai thoại.
a) Có bản sấm khá dài, riêng phần II có tới 182 câu lục bát, trong đó có hai câu đã có thời được lan truyền rộng rãi:
Mười phần chết bẩy còn ba
Chết hai còn một mới ra thái bình
Dược người ta liên hệ với nạn hai triệu đồng bào ta chết đói năm 1945 và cuộc Cách mạng tháng Tám thành công.
Cũng bản này còn có những câu tỏ ra một sự bịa đặt quá trắng trợn của người như sau:
Trục kia chọi với Đồng minh
Hai sông khô cạn nhật tinh tỏ ngời.
Nói về Đại chiến Thế giới Thứ hai với phe trục và phe đồng minh và tưởng rằng Nhật thắng!
Hoặc:
Chừng nào Chợ Lớn hết vôi
Bể Đông cá đặc cuộc đời lao đao
Hay:
Chợ đen vốn một lời mười
Gạo châu củi quế người người than van...
Toàn là ám chỉ đến kinh tế khó khăn thời đại chiến với những danh từ chỉ mới xuất hiện sau này như Chợ Lớn, chợ đen... Vậy mà người ta vẫn cố gán cho chúng một ý nghĩa nào đấy.
b) Trong tạp chí Mỹ thuật thời nay (số đầu năm 1992) ông Duy Thức cũng kể lại một giai thoại về sấm Trạng Trình ứng với những sự kiện trong Sài Gòn tạm chiến như sau:
Lại có 8 câu để chỉ Pháp về nước, Diệm nắm quyền, Mỹ đến, Trần Lệ Xuân thao túng, cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi bất thành, cuộc đánh bom dinh Độc Lập đến họ Dương mới đảo chính thành công:
Nước đi leo lẻo đổ vè tăng
Nhị hỏa xưng vương cũng có ngày
Bê vẫy hai đuôi mừng ngựa đến
Hoàng thành trơ trụi cỏ cùng cây
Đông a nhập xuất khôn cung thịnh
Tỷ khởi hầu minh sự bất thành
Hổ khiếu chỉ kinh thiên hạ nội
Thỏ lai nhất mộc dị tường trình.
Đoạn này, theo ông, có người đã giải thích như sau:
«Nước đi » là «Thủy khứ» ghép lại thành chữ Pháp. «Nhị hỏa» (hai chữ hỏa) và chữ «vương» ghép lại thành chữ Diệm. Hai chữ dương (dê) thêm hai đuôi là chữ Mỹ, Mỹ đến vào năm Ngọ (1954). Kinh thành Huế bấy giờ hoang tàn vì Bảo Đại bị phê truất.
«Đông a» ghép lại thành họ Trần, «khôn cung» chỉ về người đàn bà (Trần Lệ Xuân).
Năm Tý (1960) ngày 23 tháng 9 âm lịch (Tức 11-11-1960) cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi thất bại.
Năm Dần, tháng Dần chỉ làm kinh sợ. Ngày 23-2-1962 tức 23 tháng giêng âm lịch, hai máy bay bỏ bom dinh Độc lập.
Năm Mẹo (1963), ba chữ “nhất mộc dị” ghép lại thành họ Dương: Cuộc đảo chính của Dương Văn Minh ngày 1-11-1963 lật đổ Ngô Đình Diệm.
c) Gần đây, ở quê hương Trạng, nội cũng như ngoại, các bô lão lại nhắc tới lời tiên tri:
Bao giờ Tiên Lãng chia đôi
Sông Hàn nối lại thì tôi lại về
Và cho rằng hai câu này ứng với việc khơi lại con sông đào chia đôi huyện Tiên Lãng, chiếc cầu phao mới bắc qua Sông Hàn để đại biểu toàn quốc về thăm quê Trạng và đền thờ Trạng được trùng tu nhân hội nghị khoa học kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng năm 1985 (Tôi lại về!).
d) Theo giai thoại đăng trên báo Quan hệ quốc tế (số 8/1991) thì bốn câu cuối của bản B (trong đó có ba câu cuối của bản C) cũng có người tìm cách giải đoán:
Tướng thần hệ xuất y, chu
Thức cơ phục kiến Đường Ngu thị thành
Hiệu xưng thiên hạ thái bình
Đồng tây vô sự nam thành quốc gia
và cho rằng: vào thời điếm 1991 có những người giỏi giang ra làm việc như thời Nghiêu Thuấn và thiên hạ thái bình, đất nước Việt Nam dần trở thành một quốc gia đáng kể.
Như chúng ta đã thấy, một số giai thoại trong phần này do người sau đặt ra và suy diễn mà thành. Người ta đã thần thánh hóa Trạng và vô tình hay cố ý lợi dụng uy tín của Trạng. Có một điều ta có thể khẳng định được: Cụ Trạng là một nhà nho thấu hiểu thời cuộc, tinh thông lý số cũng như kinh dịch nhưng chỉ là mức cao sâu, là nhận xét, dự báo sát tình thế lúc bấy giờ. Còn những suy diễn cho hàng trăm thậm chí mấy trăm năm sau rõ ràng, cần phải được nghiên cứu lại.
Về Sấm Trạng, những vấn đề còn tồn tại là:
- Nguồn gốc quyển Sấm ở đâu ra? Ai tìm ra và tìm ra từ bao giờ?
- Phần nào, câu nào do Trạng viết ra? Phần nào người sau thêm vào?
- Trong nhiều bản mà sự khác biệt quá lớn như ta thấy thì đâu là bản cũ nhất?
Đấy là chưa kể trong bài sấm người ta nói đến các năm như Tý, Sửu, Dần, Mão... lặp lại sau mỗi giáp 12 năm nên rất khó xác định.
Do đó, về mặt khoa học vấn đề này cần được nghiên cứu một cách đầy đủ hơn để tìm ra đâu là sự thật tránh những đánh giá vội vàng nông cạn. Đó là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu sau này, ở đây chúng tôi chỉ làm công tác sưu tập lại mà thôi.
Chú thích:
(1) Có bản chép là: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.
Giai Thoại Và Sấm Ký Trạng Trình Giai Thoại Và Sấm Ký Trạng Trình - Phạm Đan Quế Giai Thoại Và Sấm Ký Trạng Trình