Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhã Ca
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4254 / 291
Cập nhật: 2015-08-04 09:44:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Em Nhỏ Huế, Em Nhỏ Việt Nam, Chúc Em May Mắn !
huyến xe từ Thanh Lam đưa tôi về Phú Bài xả hết tốc lực. Chúng tôi có thể bị tấn công bất chợt lắm. Nhưng không sao. Đúng là tôi chưa thể chết được. Chợ Phù Lương đã hiện ra, xe dừng lại. Một tô bún bò ớt cay xé miệng để lót lòng trước khi lên đường. Tôi ăn một cách tham lam. Điều này làm tôi muốn ứa nước mắt. Ngôi nhà ở An Cựu tiêu điều giữa hàng cây xơ xác, má tôi chắc giờ này ruột nóng như lửa: Con ơi, con đi đường bình yên nghe con. Má tôi dặn dò từ trong sân ra tới đường. Mấy đứa cháu, đứa cầm tay, đứa cầm áo: Cô đi vô Sài gòn, cô sợ súng rồi phải không cô? Giọng nói non thơ đó làm tôi muốn ở lại Huế cho tới khi được nhìn thấy Huế, yên lành lại hoặc được chết cùng Huế. Nhưng các con tôi đang réo gọi. Ruột tôi đau như ai cắt. Những tiếng bom đạn đã mịt mù ở xa, nhưng như vẫy còn đập nhịp trong tim tôi ình ình, không bao giờ ngớt.
Bải cỏ dựng làm sân trực thăng đã hiện rõ. Tội nhảy xuống xe. Cùng vào Đà Nẵng với tôi còn có một người bạn đồng hành. Bãi cỏ trống trơn, không có một chiếc chờ đợi trực thăng nào, nhưng người vẫn ngồi đông kẹt ở phía ngoài hàng rào giây kẽm gai. Chúng tôi trình giấy cho mấy người lính gác rồi đi vào bên trong sân cỏ. Những người ngồi dọc theo hàng rào kẽm gai nhốn nháo đứng dậy định tràn vào theo, nhưng họ bị những người lính chận lại.
Tội nghiệp em Thái và Bê, trước khi đưa tôi đi, chúng nó đã đi lùng mua được ít hộp bánh Mỹ và mấy thỏi sô cô la: Chị bỏ đi đường mà ăn.
Tôi đặt cái xách nhỏ xuống cỏ và ngồi lên trên. Ông bạn đồng hành cùng với tôi vào Đà Nẵng đem theo bà mẹ già và hai đứa con nhỏ. Hai đứa nhỏ chạy tung tăng trên bãi cỏ, hái những bông hoa màu tím nhạt. Chúng đùa giỡn một cách vô tư làm tôi nhớ các con tôi êm ái. Đồng thời, hình ảnh đứa cháu nhỏ đang cầm bát cơm, nghe tiếng đại bác dội đã tái xanh mặt, thả chén cơm chạy áp mặt vào tường, dơ hai bàn tay nhỏ bé ôm đầu làm tôi xót xa. Má tôi, anh tôi, em gái và lũ cháu nhỏ đang nằm bên ven bờ lửa. Vòng lửa liệu sẽ thu nhỏ lại hay sẽ lan bùng ra? Tôi bỏ đi một mình, tàn nhẫn trốn chạy một mình. Lòng tôi ngập khổ đau ray rứt.
Đoàn người tụ tập bên ngoài vòng kẽm gai càng lúc càng đông. Họ hỏi về những chuyến bay. Những người này đã thoát khỏi Huế, về Phú Lương, và chưa yên tâm, họ muốn tránh xa Huế thêm nữa. Những gói, những va ly chất ngổn ngang. Một vài người được lính cho vào bên trong sân cỏ.
Tức thì có tiếng cãi cọ, van nài, xin xỏ. Rồi họ nhìn những người ngồi bên trong với vẻ giận dữ, ganh tỵ.
Quế, ông bạn đồng hành của tôi cho biết là hơn tuần nay, ngày nào đoàn người trên cũng tới ngoài vòng rào kẽm gai, chầu chực để may ra có thể xin trực thăng vào Đã Nẵng. Một người nói:
- Có tàu thủy bên Gia Hội chở người tản cư vô Đà Nẵng đông lắm.
- Nguy hiểm lắm. Nghe nói Việt cộng bán chìm mấy tầu. Dân tản cư chết chìm dưới biển hết.
Không ai bình luận gì thêm. Rồi trời bỗng tạnh ráo hẳn. Cơn mưa phùn từ sớm đã biến mất từ lúc nào. Bầu trời sáng êm ái. Bãi cỏ xanh trải rộng một màu xanh mơn mởn, non tươi. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một màu xanh tươi mát, rực rỡ đầy sức sống như thế. Những bông cỏ ngậm mưa vươn lên mạnh mẽ. Ở đây cây cỏ mọc vẫn hết sức yên lành. Những dãy núi đồi trải rộng, hiền lành như một bức tranh vẽ phong cảnh thời thái bình thịnh vượng. Nhưng chen vào đó, đoàn người ngoài và trong vòng rào kẽm gai hết sức tội nghiệp tiêu điều. Người họ như còn ám đầy khói, sém lửa, và lỗ đỗ những dấu dạn. Cỏ vẫn mọc đấy chứ, phải không?
Tôi tựa đầu vào chiếc xách và ngồi bệt xuống cỏ ướt. Gió núi làm tôi thấm lạnh. Tôi phải lấy cái áo măng tô của ba tôi khoác vào người. Chiếc áo này, trong những ngày chạy loạn, tôi đã mang nó như một lá bùa hộ mệnh, và bây gời trở thành một vật kỷ niệm về người cha. Mắt tôi nhìn gần sát mặt cỏ. Những lá cỏ dài sắc như muốn vươn tới mặt tôi. Một vài bụi cỏ nhỏ mọc ở ven hàng rào kẽm gai, được chất sắt chăm bón, trổ cho hơn đồng bạn, một vài bông hoa màu tím, cánh nhỏ, mỏng manh. Tôi chợt bàng hoàng. Những bông hoa cỏ dại màu tím về mùa Xuân nơi sân trường Đồng Khánh lúc này liệu có nở kịp dưới những dấu chân dày xéo? Hoa này hồi còn đi học chúng tôi đặt là hoa Bâng Khuâng. Trước khi về Phú Lương, tôi nghe tin mái trường xưa thân yêu đã đổ nát, nhiều người chết, nhiều người chạy loạn vẫn còn ở lại đó.
Chúng tôi chờ đợi tới trưa vẫn chưa có máy bay. Đoàn người chờ đợi lấy bánh mì, lương thực ra ăn. Tôi chỉ ăn được có một mẫu bích quy nhỏ, và thấy lửng bụng. Tô bún bò buổi sáng vẫn còn hằn hộc trong dạ dày và thỉnh thoảng, mùi vị cay nồng vẫn còn ứa lên cổ. Có lẽ tại lâu ngày ăn kham khổ, tôi đã bỏ quên mùi vị béo bổ của thức ăn ngon.
Hai đứa nhỏ dựa đầu vào chân Quế ngủ gật. Quế ôm con, ngồi sát bên bà mẹ già, bà cụ đang than thở với một người bạn cùng đợi máy bay:
- Nhà tui như rứa là hết.
- Nhà tui còn chi. Tui mất hai đứa con. Bị bắt đi khôn biết sống chết ra răng đây ni.
Tôi đã nghe quá nhàm những chuyện chạy loạn, chết chóc, bắt bớ. Tôi nhắm mắt cố ngủ một chút để quên sự nóng lòng chờ đợi.
Nhưng không lâu nữa, trên nền trời như có tiếng xao động ở xa, rồi tiếng máy bay rõ dần, rõ dần. Sau núi, xuất hiện một đoàn trực thăng có tới năm sáu chiếc. Mọi người đứng dậy nhốn nháo. Đoàn người bên vòng rào kẽm gai bắt đầu la thét, khóc lóc. Họ xách đồ chạy tới nơi mấy người lính gác, vòng trong vòng ngoài. Nhưng trong năm chiếc trực thăng chỉ có hai hạ cánh, còn ba chiếc bay thẳng. Đoàn người ở vòng ngoài hàng giây kẽm vẫn chưa thất vọng, họ chen lấn, gọi nhau, xin xỏ um sùm. Chiếc trực thăng hạ xuống gần, tôi không còn nghe thêm gì nữa. Tiếng động cơ trực thăng nổ lớn quá, và hai cánh quạt vù vù, làm nhiều người ngả nghiêng muốn té. Những thân cỏ vừa mới mạnh dạn vươn lên bỗng rạp mình xuống. Một lúc sau tiếng máy mới tắt hẳn khi hai cánh quạt đã ngưng quay. Những người, những cây cỏ thẳng mình trở lại. Hai người Mỹ và hai sĩ quan Việt Nam từ hai chiếc trực thăng bước xuống. Quế gọi tôi, rồi dẫn mẹ và hai con nhỏ đi tới trình giấy tờ. Chúng tôi được lựa đứng ra một góc. Đoàn người trong sân được chia đều cho hai chiếc máy bay chuyên chở. Nhưng tiếng la ó, khóc lóc của đoàn người bên ngoài vòng rào càng lúc càng dữ dội. Những người lính giữ không nổi, nhiều người tràn vào. Vài phát súng nổ chỉ thiên. Nghe tiếng súng, đoàn người còn lại chùn bước. Họ đứng nhìn nhau ngơ ngác. Tiếng súng ở đây sao hiền hậu quá, viên đạn bay mất lên không trung, vậy mà người nào người đó tưởng máu mình đã chảy.
Người ta lùa hai tốp người lên hai chiếc trực thăng. Tôi ngạc nhiên quay lại khi thấy một chú nhỏ cầm chặt lấy vạt áo tôi và theo tôi từng bước. Khi tôi bước lên máy bay, em nhỏ bước lên theo, nhưng một bàn tay giữ em lại, Viên sĩ quan nạt:
- Ê thằng nhỏ này đi với ai?
Cậu nhỏ được kéo xuống. Nó đứng co ro, nhìn mọi người lên máy bay bằng đôi mắt rớm lệ. Tôi được xếp ngồi gần cửa nên đôi mắt cậu bé như dán chặt vào mặt tôi. Nhích ra một chút, tôi có thể nhường cho cậu bé một chỗ ngồi chật hẹp. Người sĩ quan sau khi đẩy cậu nhỏ xuống, lên băng trên ngồi với người lái. Mắt cậu bé bỗng sáng lên, cậu nhìn tôi ra dấu cầu cứu. Tôi bám chặt một tay vào ghế, một tay đưa xuống kéo cậu bé lên. Cậu du lên thật nhanh nhẹn và ngồi tít vào tận bên trong, lấp sau những gói đồ. Nhưng tất cả vẫn không qua mắt được viên sĩ quan. Ông ta lại nhảy xuống, dọa nạt cậu bé:
- Máy bay chật, mày không đi được. Xuống.
Mặt cậu tái mét, tay chân run lập cập. Cậu nhỏ đi một mình, chắc lạc gia đình hoặc gia đình đã chết hết? Tôi nói với viên sĩ quan:
- Cậu nhỏ này người ta gửi cho tôi, tưởng con nít tôi không ghi vào giấy. Viên sĩ quan nhìn tôi nghi ngờ. Nhưng rồi ông cũng bỏ đi. Tôi nhìn cậu nhỏ, cố gắng mỉm một nụ cười thân thiện. Nhưng cậu nhỏ vẫn chưa hết cơn run, tay chân lẩy bẩy, cậu cố thu nhỏ người lại vào giữa những gói đồ, những bàn chân vô tình của những người lớn đang muốn đè lên người cậu.
Máy bay bắt đầu nổ. Cánh quạt bắt đầu quay. Vậy là tôi đã thoát rồi. Giã từ Huế, giã từ những hầm hố đang còn tiếp tục cày xới, những xác người chưa chôn. Giã từ cả Phú Lương với nhà thờ chứa đầy nhóc người tỵ nạn đói khổ.
Máy nổ to hơn nữa đi. Cánh quạt quay nhanh hơn nữa đi. Nhấc bổng tôi lên đi chứ. Nhấc bổng được rồi. Máy bay lên dần. Đoàn người ngoài hàng rào và một số đang ở sân cỏ nhìn theo một cách tuyệt vọng. Quay nữa đi, quay tít mù và bay bổng lên cao để tôi đứng nhìn thấy những ánh mắt trông theo đó nữa.
Tôi thu hai tay vào áo. Càng lên cao, gió lạnh càng tê buốt da thịt. Máy bay bay đã được bao xa? Chắc xắp ra khỏi thành phố rồi. Nhìn xuống, bây giờ chắc tôi nhìn thấy một vùng núi xanh. Tôi tham lam muốn nhốt hết màu xanh đó vào trong mắt nhưng khi nhìn xuống, tôi bỗng sững sờ. Máy bay như bay trở lại thành phố Huế. Tôi đưa mắt, nhìn Quế. Quế và mấy đứa nhỏ ngồi ở băng trước gần chỗ phi công. Tôi ra dấu hỏi. Quế nói thật lớn nhưng bị tiếng gió, tiếng động cơ lấp mất. Tôi đoán ra lờ mờ: Đi một vòng gì đó... Nhưng chắc chắn máy bay trở lại Huế rồi. Tới đầu Quốc Lộ, gần vào thành phố, máy bay bỗng vọt lên cao hơn và tốc độ nhanh kinh khủng. Tôi bám chặt tay vào giây vịn, cột chặt giây thắt lưng kỹ hơn rồi ngoái người ra ngoài nhìn xuống thành phố.
Cái gì rách bươm ra như một cái dù mau bị gió đập vỡ, rách nát, tả tơi thế kia? Chao ôi, thành phố Huế đó hay sao? Những nhà cửa đổ nát, những vườn cây xác xơ như lông một con chó xác xơ phơi bày cả trăm mụn lở loét.
Ai vừa bóp mạnh trái tim tôi, vừa nặn mắt tôi những giọt nước mắt. Một xác chết khổng lồ đang nằm soải tay soải chân, rời rã, rách nát, bung da, bung thịt. Các xác khổng lồ của Huế đã chảng còn mặt mũi tay chân gì, chỉ còn một đống bầy nhầy bọc lấy đất. Xương sống thành phố đã gãy. Xương sống tôi cũng đã gãy.
Cánh quạt máy bay vẫn bay vù vù, ép xuống trái tim tôi cơ hồ như đang bị chai cứng. Trái tim tôi đã chết cứng rồi, sao tôi vẫn còn thở. Kỳ diệu thay sức mạnh của sự sống.
Hãy chớp mắt cho tôi nhìn thấy.
Trực thăng đang bay qua một ngọn đồi và hơi chao nhẹ. Dưới đó ngôi mộ của ba tôi còn nằm đó không? Sao ngôi mộ vẫn sáng sỡ trong ký ức tôi với những chồi non đang thoi thóp thở dưới lớp đất mới, chờ cơ hội để vươn lên nhìn ánh mặt trời. Khu vười tôi đó ư? Những cây dừa bị chặt ngang, mái ngói vỡ, cửa ngõ trống trơn đang họp với những ngôi nhà khác những khu vườn, cầu cống đường sá thành lớp da bầy nhầy của xác chết. Con mắt của Huế vẫn mở trừng trừng trong lửa đạn. Chớp mắt nữa cho tôi nhìn với, quạt quay nữa cho hiện ra, tiếng máy hãy rán lên cho òa vỡ. Tôi nghe ra rồi. Tiếng kêu khóc phải không? Tiếng thét hãi hùng giữa buổi sáng buổi trưa giữa đêm đen phải không? Người đàn bà đẻ rơi trong nhà thờ. Xác đứa bé được bao bọc, được mẹ ru hỡi ru hởi trong bọc áo, trong bấy nhiêu ngày chạy loạn.
Chớp mắt nữa đi chứ? Đoàn người từ Phủ Cam chạy về, vác lương thực, vác trẻ thơ, vác xác chết lảo đảo, hốt hoảng đi theo sau những ông cha, những ông sư cầm cờ trắng, tơi tả. Đâu rồi Cung An định, nơi một mẫu nghi thiên hạ lỗi thời còn được nghe những tiếng êm ái: Cõng Ngài chạy? Ngài đã chạy đến đâu, đi được chừng nào bước trong vòng lửa. Và ngôi nhà cũ kỹ đã sập một góc, bây giờ là dấu gạch nơi nào trên thân thể xác chết? Đoàn người chạy loạn đã qua hết cầu chưa. Con chó trôi giữa giòng sông đã bị chết chìm nhờ một viên đạn thi ân hảy còn cố bơi lóp ngóp vào bờ. Thôi đi chứ.
Những tiếng hét, những tiếng la khóc, tiếng cười của anh lính Mỹ bắn con chó đang dang xa ra giữa mặt sông, rồi cố lết vào bờ sao như còn bám sát lấy màng tai tôi.
Bay tới gần nữa, khúc máu me này là nhịp cầu gẫy nối liền hai khu vực của thành phố? Nơi nào Bưu điện, mấy xác anh Giải phóng? còn chờ gì nữa mà cột chân nơi súng đại liên. Ai cột chân các anh? Tôi chớp mắt nhiều lần, mở mắt nhiều lần, ứa nước mắt nhiều lần. Tôi nhìn thấy những cột khói khổng lồ đang liếm lên bầu trời màu chì đục như chiếc lưởi của một con ác quỷ. Cố cúi xuống tí nữa, tôi nhìn ra rồi, những làn đạn xẹt như mưa, những nhà cửa tan tành, những đường sá lổ đổ.
Thật đáng ngạc nhiên biết bao, khi dưới chiếc lưởi đỏ lòm của con ác quỷ, giữa bom đạn, cày nhát như thế mà vẫn có những đoàn người chạy xuôi chạy ngược tìm lối sống. Tôi càng ngạc nhiên hơn, khi thấy mình đang ngồi trên chiếc máy bay này, bay trở lui để nhìn lại thành phố đổ nát.
Máy bay chưa tới được gần bờ thành đã vội quay trở lại, hình như có những tia lửa xẹt lên bờ thành này, đã có bao nhiêu dân chúng bị chết oan uổng trên đó. Những đoàn người bị trói để máy bay trên từ trời nã súng xuống.
Họ cũng đã yên phận với Huế, đã góp phần trong đống da thịt bầy nhầy của Huế.
Máy bay trở lại Phù Lương, một lần nữa lượn trên mấy ngọn đồi có ngôi mộ mới của ba tôi. Khu vườn cây ba tôi đã chăn bón. Bao nhiêu ngày dằm mặt đất ly loạn kia tôi ít chẳng hề nghĩ đến sự ràng buộc giữa mình với mặt đất.
Vậy mà bây giờ tôi đang ngồi ở trên cao nhìn xuống, nhìn rõ ràng sao lại nghĩ tới mặt đất một cách thê thiết như vậy. Kìa, nơi kia có phải là đất mà ba tôi đã gửi thân? không, không những chỉ một phần đó, mà chính trên giải đất rộng lớn này tôi còn chôn thêm một đứa con thơ dại.
Tôi đang ở trên cao nhưng đâu có cách biệt gì, tôi đang liền lặn với mặt đất. Dưới kia là gia đình tôi đang sống. Đất thật gần gủi. Chính nơi đốt xương đang gảy vụn dưới kia, đâu chỉ có in bước chân tôi trong từng ấy ngày chạy loạn mà trong bao năm của tuổi thơ, tuổi lớn lên nữa.
Đất thân ái với người biết bao nhiêu, ràng buộc với người biết bao nhiêu. Giải đất dưới kia không những chỉ giữ của tôi những thối quen, nhưng ràng buộc, những thân thuộc, mà chính tôi đã giử trong đất một phần xương máu của chính mình nữa.
Máy bay xa dần, tới những triền núi xanh. Chớp mắt một cái, cả thành phố đổ nát đã khuất. Tôi coi người lại. Hình như có nhiều hạt nước nhỏ như bụi bám đầy mặt tôi. Trời lại bắt đầu mưa phùn. Cơn mưa nhỏ nhoi, hiền lành, làm sao có thể thấm thía gì với cái lưỡi đỏ đang liếm đen cả một khoảng trời? Ở đó bây giờ thành nội còn mờ mịt trong lửa đạn. Trận đánh trong bao lâu nữa sẽ kết thúc. Cho tôi chớp mắt tiếp tục với. Hình như trên máy bay lại có tiếng bàn tán về Huế. Một phụ nữ bị chặt cụt đầu, cụt tay, cụt chân. Hai đứa bé lai Mỹ bị cầm chân quật đầu vào tường: Đồ Mỹ Đế. Một nhân vật quen biết khác, ông Tinh Hoa, chủ một hiệu sách, trốn cả tháng trong nhà, vì đói khát đã phải liều để tìm nước. Một phát súng, ông chết để lại một giai thoại. Chưa hết, chiến tranh còn vô tội vạ lắm. Mọi người có quyền nghi ngờ nhau. Bên kia nghi ngờ đứa nhỏ lai Mỹ này lớn lên sẽ làm hại xã hội, giết. Bên phía quân Mỹ chĩ nghe một tiếng động, một âm thanh nhỏ đốt luôn cả một xóm, giật sập một nhà, rỉa từng lằn đạn vào một căn hầm lúc nhúc đầy đàn bà trẻ con. Có những chiếc hầm còn hơi thở người sống, có những chiếc hầm đầy máu me da thịt người chết. Mẫu chuyện nhỏ về một ông dược sĩ chưa kịp lên khỏi hầm, đang còn đưa hai tay lên đầu để đi ra đã bị ăn cả một băng đạn vào người. Nhiều lắm, tôi làm sao nhớ hết, làm sao chở hết những hình ảnh máu me trong chiếc đầu nhỏ bé, tội nghiệp của tôi lúc này. Trí nhớ tôi thật lộn xộn. Hình ảnh ông anh tôi ôm hai tay hai đứa trẻ con hàng xóm đang hấp hối, lũ cháu nhỏ đi trước cầm cờ trắng dẫn đầu để qua cầu Bến-Ngự. Đạn từ bên cầu bắn qua như mưa, đạn sướt bên đầu, đạn dội dưới chân. Người Mỹ bắn súng tài lắm, như trong ciné, và lũ nhỏ lăn quay dưới đất la khóc. Người anh đành phải bế hai đứa nhỏ, con bà hàng xóm đang ngắc ngoải đi trở lên vùng Giải Phóng chiếm đống. Lỗi đâu phải người Mỹ, phải không?
Tôi nghe một tiếng nấc nhỏ. Tiếng nấc của ai hay của chính tôi. Tôi đưa tay dụi mắt cho những ám ảnh tan dần. Nhưng trực thăng càng xa thành phố, những hình ảnh đó càng xoắn xít, bám chặt. Tôi nghĩ tới đoàn người còn ngồi lại ở sân cỏ, liệu họ có may mắn như tôi sẽ được một chỗ ngồi để tìm tới một vùng đầy bình yên hơn. Đâu phải chỉ trên một sân cỏ đó. Đồng bào Huế còn tràn về tận sân bay Phu-Bài nữa. Mới đây, tôi đã gặp hàng trăm người đứng ngồi ngoài hàng rào, khóc lóc xin người Mỹ cho họ máy bay đi tỵ nạn. Họ khóc lóc kêu gào trong lúc những quân nhân Mỹ ngồi ủ rủ, mệt mỏi bên những xác đồng bọn bọc trong các bao ni lông, sắp thành dãy dài, để chờ máy bay tới đem đi.
Trực thăng đã vượt qua những rặng cây xanh, những triền núi để ra biển. Gió lạnh buốt và mưa dày hạt hơn. Những hạt mưa bị cánh quạt trực thăng quạt hắt vào mặt mũi tôi, đau như những mũi kim chích. Mọi người ngồi dần cục vào nhau. Người lục xách, kẻ mở túi vải lấy thêm áo mưa mặc vào. Một chị đàn bà cầm nón không chặt, bị gió thổi hất tung khỏi máy bay và từ từ rơi xuống mặt biển, làm thành một chấm tròn nhỏ trên mặt nước xanh gợn sóng. Không biết có phải họ cũng như tôi, đang để hồn về Huế và đang khóc không mà trên mặt người nào cũng ướt dầm dề nước mưa hay nước mắt? Vài tiếng khóc thút thít nhỏ, phải nhìn thật kỷ, lắng tai thật rõ mới đoán ra được. Vài đứa nhỏ nằm gọn trong lòng mẹ, quấn hai ba lớp chăn. Những đứa nhỏ này cũng đã chạy loạn đủ nơi, đủ chỗ trong thành phố những ngày qua.
Mưa hắt ghê quá. Cậu nhỏ đi theo tôi lúc lên trực thăng lúc này chỉ ngồi co ro giữa những túi, những xách. Cậu như bị mắc kẹt ở trong đó và không còn nhúc nhích, hay dám thở mạnh nữa. Cậu bé không thể nào còn chỗ để nhích người trở lưng ra ngoài. Bây giờ tôi mới nhận ra cậu nhỏ chỉ mặc mỗi chiếc áo sơ mi phong phanh và chiếc quần đùi. Khuôn mặt của cậu nhỏ sau làn da đã tái xanh muốn biến thành xám xịt, hình như chứa đựng cả một lớp băng giá, rét mướt đến thê thảm. Như không còn sức để chịu đựng nổi, đôi môi cậu không yên được mà run lên cầm cập. Thấy tôi nhìn, cậu bé mở lớn đôi mắt tròn xoe, đỏ hoe nhìn lại. Trong đôi mắt đó: Ôi, tôi đã nhìn được gì mà gai ốc nổi đầy mình. Một thành phố, một giòng máu, những khúc tay, khúc chân. Những con chó chạy rong trong thành phố, tung hê, ngậm những khúc xương chân, những bàn tay cụt chạy trốn trong bụi cây, băng qua đường, sau hè nhà. Tôi còn nhìn thấy gì nữa chứ? Một thành phố bị dập vùi, một tương lai bị bôi xóa. Những trẻ thơ chết thảm thương. Thôi em bé. Chớp mắt đi, đừng mở to hơn, những tia nhìn của em lạnh lẽo cả một tương lai rồi đó. Hình như môi cậu nhỏ lấp bấp. Em muốn nói gì đó? Chỉ một khoang cách ngắn ngủi nhưng em có hét lên thì chị cũng không nghe được. Trời mù, mưa mù, biển mù, trực thăng bay bao và tiếng động cơ nhòa xóa tất cả mọi thanh âm nhỏ bé của chúng ta. Nhưng em lạnh lắm phải không? Tôi phải chia sẻ cho em được gì đây. Tôi với tay lấy cái xách, cố gắng lắm mới lôi ra được chiếc áo khoác duy nhất còn giữ được trong những ngày chạy loạn. Tôi liệng thẳng tới cậu bé.
Hai cánh tay cậu bật ra hết sức bất ngờ. Và vội vã một cách chật vật, cậu tung chiếc áo ra, mặc vào người. Tay chân cậu vẫn run rẩy, nhưng dù sao chiếc áo cũng giúp em một phần ấm áp. Cậu bé không nói gì, mở lớn mắt hơn nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi quay mặt nhìn ra ngoài trời cho những hạt mưa quất vào mặt.
Qua khỏi vùng nguy hiểm, máy bay bỏ biển đi vào đất liền. Những nhà cửa, cây cối đã hiện ra phía dưới. Trực thăng bay thấp hơn, đôi khi như là là trên ngọn cây, những mái nhà ở dưới đất hiện rõ và to dần. Tôi nhìn xuống phía dưới, một vài túp lều tranh ở trong những khung đất vuông. Và trước sân có một vài đứa trẻ con đưa tay lên trời vẫy rối rít.
Một lát sau, máy bay xuống thấp dần. Tôi nhìn ra một con sông lớn, rồi những con đường đất như vừa mới đắp, những dãy nhà tôn, những u khói nhà máy. Đến Đà-Nẵng rồi sao? Tôi tự hỏi. Chiếc trực thăng bỗng đứng yên, máy nổ ròn rã dữ dội hơn, rồi hạ thấp xuống dần, xuống chạm đất.
Những chiếc nịt dây được mở ra vội vàng. Người ta đua nhau nhảy ra, chuyển đồ xuống. Đợi cho mọi người xuống hết tôi mới nhảy xuống theo. Có tiếng gọi nhau ơi ới: Lẹ đi, không trễ phà ở lại túi bên ni mô có được.
Bên ni là đâu? Chưa phải Đà-Nẵng hay sao? Tôi hỏi Quế:
- Chưa tới Đà-Nẵng hả?
- Bên ni là Sơn trà qua sông mới Đà-Nẵng. Phải đi phà.
Tôi à nhỏ, tiếng à vẫn bị động cơ nuốt mất. Chiếc trực thăng thứ hai cũng đã hạ xuống, chỗ trực thăng đậu là một bãi cỏ bên con đường đất đắp cẩn thận. Gió từ hai cánh quạt quạt rạp cả cỏ cây. Tiếng gọi nhau, tiếng hỏi nhau ngã nghiêng, bay mất hút. Đoàn người giữ áo, giữ khan, cúi rạp mình tránh gió đi lên bờ đường.
Trời tạnh rào hẳn nhưng buổi xế chiều, mây rất thấp và âm u. Chắc Đà-Nẵng cũng mưa phùn như Huế. Tôi đứng trên đường cái chờ đợi Quế dẫn hai đứa nhỏ và bà mẹ già lên. Lúc này tiếng người gọi nhau nghe đã rõ. Họ vội vã họp đoàn đi nhanh về phía trước.
Hình như có ai níu nhẹ vạt áo tôi. Tôi quay lại. Cậu bé. Cậu bé có đôi mắt to, chớp mở cho tôi nhìn thấy bao hình ảnh của Huế đổ nát đang đứng bên cạnh. Tôi dịu dàng hỏi:
- Gì đó em?
Cậu bé lặng lẽ đưa trả tôi chiếc áo khoác đã xếp lại cẩn thận. Đôi mắt cậu vẫn mở to nhìn tôi và miệng lí nhí nói lời cám ơn. Tôi hỏi tiếp:
- Bây giờ em về đâu?
Cậu bé lắc đầu. Đôi mắt nhìn xuống hai bàn chân nhỏ bé. Rồi bỗng đi thật nhanh. Dáng cậu bé côi cút bơ vơ, tội nghiệp, đang đi lẫn vào đám đông, vội vã qua một chuyến phà, sang một con sông, vào một thành phố khác.
Em nhỏ, em nhỏ Huế, em nhỏ Việt Nam. Cầu chúc em may mắn.
NHÃ CA
Giải Khăn Sô Cho Huế Giải Khăn Sô Cho Huế - Nhã Ca Giải Khăn Sô Cho Huế