Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhật Tiến
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1861 / 39
Cập nhật: 2014-12-04 15:46:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hế là trận đánh lớn nhất mà mọi người cả bên này lẫn bên kia chờ đợi đã thực sự mở màn. Thoạt tiên, chủ lực Miền xuất hiện đông đảo ở vùng núi tiếp giáp địa phận Hòa Phong, Hòa Mỹ. Rồi những quả trọng pháo đầu tiên được rót vào một giải quận lỵ nằm dọc theo quốc lộ số 1 từ Phú Sơn xuống chợ Lùng. Các chuyến xe dân sự bị đình trệ hoàn toàn. Những đoàn công-voa tải đạn, tải quân nhu, tải binh lính liên tiếp bị giật mìn. Mặt lộ nát bấy vì những hố đào, những mô đắp hay những chướng ngại vật nằm ngổn ngang khắp mọi chỗ. Ở trực thăng nhìn xuống, nhiều ngôi làng trù phú nay chỉ còn là một vùng đất chết. Nhiều khu vực cây cối xanh tốt bây giờ chỉ còn trơ ra một nền đất cháy xám, các thân sồi đổ ngả nghiêng, phơi ra những cành trơ trụi lá. Trên những cánh đồng xám xịt, trơn láng, từng đoàn dân chúng gồng gánh, bếù bồng đội mưa kéo nhau lũ lượt chạy.
Những nét kinh hoăng, khiếp đảm in rõ trên từng khuôn mặt bàng hoàng, sớn sác như những cánh chim lìa đàn. Có những vành khăn trắng quấn vội trên đầu lũ con trẻ, các thiếu phụ và các cụ già với mái tóc bạc phơ. Tiếng sụt sịt xen lẫn tiếng than van, kể lể, cầu nguyện. Tình cảnh đớn đau, sầu thảm bao trùm lên khắp một giải đồng quê ngùn ngụt đạn, bom, khói và lửa.
Trước đó hơn hai tuần lễ, tiểu tổ du kích của thằng Há đã nhận được nhiều tài liệu phải học tập gấp rút. Đầu tiên là tài liệu mổ xẻ về thằng Sách và thằng Đực đơn phương hành động trong vụ ném lựu đạn chuyến xe lam chạy trên quốc lộ vào sáng ngày 26 tháng 5 bắt buộc tất cả mọi người phải rút kinh nghiệm học tập:
"Tác phong đề cao anh hùng tính cá nhân, coi thường tập thể, vô kỷ luật, bất chấp mọi nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Đoàn, vi phạm nghiêm trọng tinh thần hiệp-đồng công tác chiến đấu trong giai đoạn chuẩn bị. Hơn thế nữa, còn gây hoang mang trong mọi tầng lớp quần chúng, làm sút giảm hiệu năng hậu thuẫn của quần chúng, tạo phẫn uất trong hàng ngũ Tề, Ngụy, đem lại cơ hội tốt cho bọn chúng bồi dưỡng tinh thần chiến đấu, thống nhất tư tưởng, chuẩn bị kỹ lưỡng việc bố trí canh phòng, bảo đảm trinh sát tuần tra, phòng ngự, gây khó khăn phức tạp cho toàn thể Đảng viên, Đoàn viên, Cán bộ, Chiến sĩ trong tiến trình trước, trong và sau khi chiến đấu...".
Với những lời kết tội nghiêm khắc như vậy, người ta đã đủ nhìn thấy số phận của thằng Đực sẽ ra thế nào sau những buổi kiểm thảo gắt gao từ hôm gã được gọi về trình diện Ban Quân Sự 1 (Cấp liên tỉnh).
Tài liệu thứ hai nói về công tác Đảng và công tác chính trị trong nhiệm vụ đẩy mạnh chiến trường mùa mưa, với những chỉ thị:
"Nêu cao vai trò của cán bộ Đảng viên, Đoàn viên,kiên quyết chiến đấu gương mẫu, hành động quả cảm, phát huy sáng kiến, nâng cao tính cơ động mưu trí lãnh đạo đơn vị, chấp hành tốt chỉ thị của Đảng, tăng cường đoàn kết, nhất trí từng người, từng tổ, từng đội, tổâ chức học tập thường xuyên để mọi người hiểu rõ nhiệm vụ cá nhân mình một cách đầy đủ, chính xác, từ lúc tập kết chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công, đến các phương án tác chiến trù liệu trong những khó khăn, phức tạp của các tình huống chiến đấâu gay go, quyết liệt.."
Trong bầu không khí sửa soạn gấp rút, nghiêm trọng ấy, thằng Há biết rõ tình hình đang diễn tiến mạnh mẽ và chắc chắn sẽ có nhiều biến cố lớn lao. Nó hối hả dục mẹ và Thư :
- Không thể chần chờ được nữa. Chuyến này mà không đi nữa là chết.
Bà cụ cương quyết :
- Đi đâu? Nhà cửa thế này, tao lại già cả, mày định bảo tao đi đâu?
- Thì tôi dẫn má ra khu ở. Trong đó thiếu gì công tác cho người già như má.
Thư mỉm cười :
- Nếu có đi thì đi về tỉnh, chớ ra khu để ăn củ chuối với khoai mài à?
Há tức giận nhìn chị dâu :
- Chị nói năng gì mà kỳ cục vậy. Ừ, nếu có phải ăn củ chuối với khoai mài thì đâu có phải chỉ có một mình chị. Kháng chiến, cách mạng trường kỳ, đồng cam cộng khổ, thì ai cũng phải hy sinh như ai chớ.
- Tôi chả dại! Dẫu sao thì ở tỉnh có khổ đến đâu cũng chả thế nào phải chịu bữa đói bữa no. Lý tưởng cái gì cho bằng dạ dầy khỏi xẹp lép, hả chú.
- Chị nói vậy mà không thấy nhục nhã với tinh thần cách mạng đang lên trong hàng ngũ quần chúng sao? Anh Hoanh bỏ chị mà đi một cách ngang xương như vậy, đáng lẽ chị phải giác ngộ để mà tham dự vào sự nghiệp lớn lao chung chớ...
- Chú đừng nài nỉ vô ích. Cuộc đời của tôi, tôi đã sửa soạn, tính toán kỹ càng rồi.
Bà cụ thở dài :
- Tụi bay muốn tính gì thì tính nhưng sự thể là không có tao. Một đời tao khổ sở, lận đận quá nhiều rồi, thêm một bận nữa có làm sao.
Há đe đọa :
- Bộ má tưởng chỉ có chịu khổ không mà thôi sao? Tình hình đã thay đổi toàn diện rồi. Cả một khu vực này nằm trong địa bàn của chiến cuộc. Chỉ có một là đi, hai là chết, thế thôi, chớ không còn gì để mà lựa chọn nữa cả.
Bà cụ cười khẩy :
- Hờ... Bộ mày tưởng tao sợ chết lắm hay sao? Tao còn cầu con ạ. Thời buổi này một ngày sống là một ngày nhục, ham gì!
- Thôi! Nói như má thì hết đường, khỏi bàn tới bàn lui cái gì nữa. Sau này có làm sao, có chị Thư làm chứng, má đừng trách tui không biểu.
- Ai rỗi hơi! Vả nếu có chết rồi thì trách cũng chẳng làm gì, con ạ.
Bà cụ đứng dậy, vừa nói, vừa đi vào sụt sịt khóc. Thư và Há im lặng nhìn nhau. Một lát Há lên tiếng trước :
- Thành khẩn mà nói, tôi đề nghị chị Thư ra ngoài đó công tác. Những người như chị, cách mạng rất cần. Nếu chị quên anh Hoanh thì tôi xin được xây dựng với chị.
Thư nhìn nó ngạc nhiên rồi bỗng nhún vai :
- Quên anh Hoanh thì tôi quên từ lâu rồi. Nhưng xây dựng với chú thì không đâu.
- Tại sao? Giữa tôi với chị dù thế nào thì cũng....cũng....
- Chuyện cũ dẹp cho qua đi. Nó không bao giờ lại tái diễn nữa đâu.
- Tại sao vậy?
- Chẳng tại sao hết trọi. Tôi thích thì tôi làm, đến lúc không thích nữa thì thôi!
Miệng Há nhếch một nụ cười mỉa mai :
- Tôi nghe tụi nó đồn chị mê thằng chuẩn úy Dũng.
- Đứa nào đồn như vậy?
- Chuyện tùm lum ra rồi mà chị còn tính giấu. Hôm bọn thằng Đực chận xe, nó bị miểng lựu đạn ở chân, chị có vô nhà thương thăm nó mà.
- Thì đã làm sao! Ổng là sếp cũ của anh Hoanh mà.
- Tổ xạo! Tới chính anh Hoanh bị thương chưa chắc gì đã được chị ngó ngàng nữa là sếp của ảnh!
- Chú đừng có hỗn. Đừng quên chú là em tôi đó nhé.
- Em với chị cái gì. Tôi hết là em từ buổi tối bữa đó rồi kìa!
Mặt Thư vụt đỏ bừng lên. Nàng quơ lấy cái ly trên bàn đập mạnh xuống đất rồi la lớn một cách giận dữ :
- Đồ bất nhân! Cút ngay ra khỏi chỗ này! Không ai còn chịu nổi mày nữa rồi.
Há bật lên cười lớn. Tiếng cười ngạo nghễ, bỡn cợt còn khiến Thư tức giận bằng trăm lời lẽ hỗn xược của nó. Nàng xăm xăm bỏ ngay vào trong buồng, đóng xập cánh cửa lại. Tiếng động ồn ào làm bà cụ hớt hải chạy ra, cặp mắt còn hoe đỏ :
- Cái gì thế, lũ bay?
Há không đáp, nhìn mẹ một giây rồi nhún vai bước ra. Tới ngưỡng của, nó chợt ngừng lại, đứng tần ngần. Bỗng nó quay lại bùi ngùi nói :
- Trời đất này, tôi đi về thất thường chớ không như trước nữa đâu. Má đừng có trông.
Bà cụ nhìn nó miệng mếu đi. Há tiếp bằng một giọng hài hước, chua chát :
- Mà rồi biết đâu, khi tới số thì tôi đi là đi luôn, đó má.
Bà cụ bỗng ngồi phệt xuống bậc cửa, òa lên khóc. Há có vẻ lúng túng hơn so với cử chỉ ngang tàng lúc trước. Lần đầu tiên nó ý thức được tuổi già yếu đuối và cô đơn của mẹ. Mái tóc của bà cụ gần bạc trắng. Đôi vai gầy, nhô lên sau lần vải nâu cũ kỹ. Làn da dúm dó, nhăn nheo. Từ lâu lắm rồi Há không còn nom thấy mẹ cười.Thế mà đã bao nhiêu năm nay nó không để ý đến điều đó. Há thầm tiếc những phút giây gần gũi ngắn ngủi vừa qua. Đáng lẽ nó phải làm mọi người vui vẻ hơn để mình được tiễn đưa bằng nụ cười. Nụ cười rất cần thiết, nếu quả thực "Biết đâu tới số thì tôi đi là đi luôn, đó má".
Những ý nghĩ ấy làm Há chùn chân lại. Nó cảm thấy mệt mỏi khi nghĩ đến những nhiệm vụ ngổn ngang, chồng chất mà nó sẽ phải làm trong những ngày sắp tới. Há thấy nhớ tiếc thuở ngày xưa còn bé, được bắt nạt anh Hoanh, bắt nạt mọi người dướùi vòng tay âu yếm, che chở của mẹ. Bây giờ, hình ảnh còm cõi, già nua này như xa lạ với khuôn mặt rạng rỡ của bà hồi xưa. Há muốn tìm một câu nói nào đó thật dịu dàng để vớt vát lại bầu không khí buồn thảm đang vây quanh, nhưng đầu óc của nó rối loạn cả lên. Tiếng khóc nức nở của bà cụ càng lúc càng to, khiến nó bối rối hơn nữa. Sự bất lực ấy đem lại cho Há một cảm giác khó chịu. Nếu phải vào những giây phút khác thì Há đã văng tục, chửi thề một cách dễ dãi để xua tan đi nỗi bực dọc. Nhưng lúc này, Há lại nhìn mẹ một cách lấm lét. Hồi lâu, nó mới cất tiếng rụt rè :
- Thôi, nào đã có ai sao đâu mà má khóc.
Bà cụ không đáp, càng nức nở thêm. Tiếng Thư từ buồng trong vọng ra gay gắt :
- Thì má đã biểu má không đi, tại sao mầy cứ làm phiền cho má khóc hoài vậy!
Mắt thằng Há long lên, nó hét một cách giận dữ :
- Chị câm cái miệng chị đi. Tôi không thèm nói với chị đâu.
Cánh cửa bật mở và Thư xuất hiện với tất cả vẻ dữ dằn. Nàng quát lên :
- Mày nói cái gì, thử nhắc lại nghe coi, Há!
Câu chuyện có vẻ bắt đầu gay cấn thì bỗng có một loạt súng nổ chát chúa ở ngay gần đó và tiếng người vọng lại lao xao. Mặt thằng Há vụt biến sắc, nó kêu lên :
- Tụi nó càn quét giấc chiều. Thôi chào má, tôi đi đây!
Nói rồi không kịp nhìn lại mẹ một lần cuối, Há phóng mình qua hàng dậu. Những tiếng súng lại tiếp tục nổ giòn và lần này có vẻ gay gắt hơn trước. Thư vội vàng kéo tay bà cụ đứng dậy nói lớn :
- Đi vô nhà, má! Ở đây đạn lạc nguy lắm.
Nhưng bà cụ đã giằng tay Thư ra và chạy bổ về phía ngõ. Vừa chạy bà vừa la :
- Kêu thằng Há lại... Trời đất ơi! Nó chạy vô đồng bây giờ thì nó chết...
Rồi như điên cuồng, bà cụ gào thất thanh :
- Há ơi! Há!...
Một tràng súng chát chúa nổ gần ngay sát nách làm át hẳn tiếng bà cụ. Thư liệng đôi guốc cao gót qua một bên rồi chạy bổ ra. Nàng thấy bà mất hút sau một rặng dây leo đầy hoa đỏ. Thư cố gắng rượt theo. Đường trong xóm vắng ngắt bóng người, nhưng trên những lối đi tắt băng qua các bờ mương, Thư thấy rải rác có bóng dáng của những anh lính quốc gia hay dân vệ. Họ đang lục soát ở những lùm cây, dưới lạch nước hay trong những đống rơm cao ngất ngưởng.
Tới một khoảng đất trống ngay trước lối vào miễu Bà Lớn, Thư bắt kịp mẹ Hoanh. Bà cụ đang đứng lẫn lộn giữa một đám đông người. Nàng nhận ra Trung úy trưởng đồn Phi Mã với đoàn tùy tùng của ông ta. Họ đặt bộ chỉ huy cuộc hành quân lục soát ở đây. Một số đồng bào toàn người già, đàn bà hay con nít được lùa ra tập trung lố nhố trong một chu vi hẹp có lính hờm súng bao quanh. Bộ phận máy truyền tin hoạt động tới tấp. Những tiếng lóng, những mật hiệu, những khẩu lệnh ngắn được gọi đi rộn rịp làm mọi người hướng mắt tất cả lại với vẻ tò mò, ngơ ngác. Riêng bà mẹ Hoanh vẫn còn đang giằng co trong tay một người lính trước mặt ông trung úy. Thư nghe thấy bà cụ la lên :
- Trăm lậy Trung úy... nghìn lạy Trung úy, xin Trung úy tha cho nó tội nghiệp. Nó là du kích nhưng anh nó là quốc gia. Anh nó có công với chính phủ...
Tiếng la của bà cụ bỗng bị chìm bẵng đi trong một dây đạn nổ giòn ở mé bên kia bờ mương. Chợt có tiếng người thét lớn :
- Nó đấy! Nó đấy!.. Thượng sĩ coi chừng, nó có súng...
Những băng đạn khác lại ào lên, nổ chát chúa. Rồi bỗng có tiếng reo hò và tiếng chân chạy rậm rịch. Thư bủn rủn cả chân tay và nàng muốn khuỵu xuống. Bên tai nàng, tiếng bà mẹ Hoanh gào lên thảm thiết :
- Con ơi!... Ới con ơi...
Bây giờ thì bà đã nằm sóng sượt trên mặt đất. Mái tóc bạc trắng của bà xổ tung ra. Hai bàn tay khẳng khiu, cằn cỗi của bà cào thành từng vết sâu trên lớp đất bùn nhớp nháp...
Giấc Ngủ Chập Chờn Giấc Ngủ Chập Chờn - Nhật Tiến Giấc Ngủ Chập Chờn