If there's a book you really want to read but it hasn't been written yet, then you must write it.

Toni Morrison

 
 
 
 
 
Tác giả: Hải Văn
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Mike Nguyen
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 997 / 5
Cập nhật: 2015-07-18 07:22:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
an à, từ nãy giờ chỉ thấy em miệt mài bên đám dụng cụ đó thôi. Bao giờ em mới làm bài? Mai đã phải góp rồi, không sợ cô la hay sao?
Hai chị em Huệ và Lan là nội trú trong một trường nữ trung học tại Đàlạt. Hôm nay trong phòng chỉ có hai chị em cô ngồi học. Đã một lúc lâu, Lan chỉ quanh quẩn bên một chiếc máy kỳ lạ, lúc thì vặn lại một con ốc, lúc thì lấy búa gõ chỗ này chỗ kia.
Nghe chị hỏi, Lan bật cười:
- Bài của em còn đợi được chứ không như sáng kiến của em đâu vì nó rất quan hệ, em không thể bỏ rơi nó lúc này được. Em mới có một sáng kiến hay ho tuyệt vời cơ.
- Sáng kiến của cô! Huệ vừa nói vừa đưa mắt nghi ngờ nhìn chiếc máy gồm toàn lò xo, đòn bẩy, dây điện và phím đàn dương cầm. Thì ra thế! Chị lại cứ tưởng em đang chế một cây đàn harmonium chứ!
- Chị nói đúng, đây cũng là một thứ đàn harmonium, nhưng lại đặc sắc hơn nhiều cơ.
- Như chị thấy thì các vấn đề điên đầu ấy không làm cho em nản chí thì phải!
- Chị biết không, tự nhiên em nẩy ra sáng kiến đó: nếu mình có được một cái máy viết ra nốt nhạc thì tuyệt lắm, phải không?
- Đã đành, và một cái máy có thể làm bài cho mình, rồi một cái nữa để học các động từ Anh Ngữ cho mình… hay lắm…
- Chị cứ việc cười cho khoẻ đi tuỳ ý! Nhưng đến khi điều phát minh của em đã thành sự thật thì có lẽ em sẽ dành cho chị một sự ngạc nhiên vô cùng thích thú đấy.
Huệ ranh mãnh đáp:
- Có thể lắm, nếu em hoàn thành được phát minh đó. Nhưng mà cái máy của em sẽ chạy như thế nào?
- Ồ rất là giản dị! Chị chỉ việc đặt một tờ giấy chép nhạc lên cái trục quay như một chiếc máy đánh chữ thường. Rồi chị dạo một đoạn nhạc lên các phím đàn, các nốt nhạc sẽ tự động in lên giấy. Chị xem có phải là một sáng kiến đáng giá không?
Bỗng một tiếng nói vọng lên từ cầu thang:
- Một sáng kiến rất xứng đáng với chị em HUỆ LAN. Này cô bé Lan ơi, sự suy luận của cô chẳng đứng vững chút nào cả!
Huệ là Lan giựt mình quay lại và chạm trán với Ly, một cô bạn cùng ở nội trú, trên môi cô ta đang nở một nụ cười chế nhạo. Trong trường, không một ai mến Ly cả, vì cô luôn luôn tỏ ra là một con người khó chịu.
- Cho tôi xem được chứ Lan? Ly vừa nói vừa bước vào căn phòng và làm như không thấy Lan đang cố tình che giấu chiếc máy.
- Ồ, chả có gì đáng xem cả Ly ạ…
- Tôi nghĩ đúng mà! Đời thuở nhà ai mà lại có người muốn viết nhạc bằng máy!
Huệ can thiệp:
- Tại sao không? Lần đầu tiên con người sáng chế ra chiếc đàn dương cầm, chắc hẳn thiên hạ cũng cho là khó có thể hoàn thành được đấy.
Ly vênh mặt lên thách thức:
- Thì Lan hãy cứ cho tôi xem chiếc máy cưng của cô có chạy được hay không đã nào!
Lan phản đối:
- Chưa xem được, Lan chưa làm xong. À mà Ly này, đừng nói lại chuyện này cho tụi nó nghe nhé! Tụi nó sẽ cười Lan chết!
- Ủa, đã phát minh ra thì sao lại có thể mắc cỡ với cái sáng kiến của mình? Nhưng các bồ này, bà Đốc bảo tôi lên kêu các bồ xuống có người gọi điện thoại đến.
- Vậy mà từ nãy không nói ngay, để tụi này mất bao nhiêu thì giờ! Huệ thốt lên, giọng tức tối.
Sau khi đẩy Ly ra khỏi phòng, hai chị em chạy xuống nhà, chỗ có gắn máy điện thoại. Sau một lúc điện đàm với cô Hạnh, người đã nuôi hai chị em từ nhỏ với sự giúp đỡ của chú Định, em cô, Huệ và Lan rất vui mừng khi hay tin cô Hạnh và ông Định muốn thăm hai cháu nhân dịp cho đi ăn tiệm.
- Vâng thưa cô, tụi cháu sẽ đến nhà hàng vào khoảng 12 giờ trưa ạ. Tụi cháu đi xin phép bà Đốc ngay bây giờ ạ.
Huệ và Lan cảm thấy rất sung sướng vì hai cô rất ít có cơ hội gặp chú Định, chú hiện là thuyền trưởng chiếc Hải Âu và luôn luôn phải lênh đênh trên mặt biển. Lan vội dặn dò chị:
- Chị nhớ đừng đả động gì đến vụ “phát minh” của em cho chú Định và cô Hạnh nghe nhé. Từ sáng đến giờ em đã bị thiên hạ ngạo khá nhiều rồi đó!
Hai chị em cô Hạnh đến sớm hơn vài phút nên họ đã chọn một chiếc bàn gần cửa sổ.
Vừa gặp mặt chú, Huệ đã vội thốt lên:
- Thưa chú, chúng cháu thấy kỳ này hình như chú không được khoẻ như kỳ trước. Có lẽ chú làm việc quá sức phải không ạ?
Cô Hạnh dịu dàng đỡ lời:
- Chú Định đã trải qua một cuộc hành trình khá vất vả. Vì vậy cô nghĩ rằng chú sẽ cảm thấy thoải mái khi gặp lại hai cháu.
Lan vội hỏi:
- Thưa chú, có chuyện gì xảy ra đó ạ?
- Các cháu không đọc báo sao? Ông Định đáp.
Huệ và Lan cho biết hai cô chưa được đọc báo mới. Nhưng qua thái độ của chú, hai cô cũng đoán được rằng chú Định đang lo nghĩ về một chuyện hệ trọng.
Cô Hạnh bèn giải thích:
- Khi chiếc tàu Hải Âu từ Tân Gia Ba về, vừa cập bến Sàigòn thì người ta nhận thấy một nữ hành khách đã bị mất tích.
- Thưa cô, người đó đã bị rơi xuống biển ạ? Huệ ngạc nhiên hỏi.
- Đó là điều mà nhiều ký giả muốn xác nhận, chú Định trả lời. Nhưng chú tin rằng chuyện đó không thể nào xảy ra được. Suốt cuộc hành trình, chiếc tàu không hề gặp một cơn bão tố nào cả, hơn nữa trên boong tàu luôn luôn có người gác sáng đêm.
- Vậy theo ý chú thì chuyện gì đã xảy ra ạ? Huệ hỏi thêm.
- Điều đó rất khó trả lời. Cô Yến Nhi là một người hơi kỳ dị. Thật ra thì từ trước chú đã nghĩ sẽ có nhiều chuyện rắc rối xảy ra với sự hiện diện của cô ta trên tàu.
- Thưa, cô ta tên là Yến Nhi ạ? Huệ lặp lại, nét mặt đăm chiêu.
- Đúng. Cô ta họ tên là Khứu Đắc Yến Nhi. Không ai là không chú ý đến cô ta được. Cô có một suối tóc dài đen mượt và một làn da trắng như tuyết. Cô ta ăn mặc rất sang trọng và theo đúng mốt thời trang.
- Thưa, cô ta mất tích vào lúc nào ạ?
- Vào ngày thuyền cập bến Sàigòn.
- Thưa, còn hành lý của cô ta thì sao? Lan hỏi tiếp.
- Người ta đã tìm thấy hành lý của cô ta trong phòng. Cô ta có ba chiếc vali và một chiếc rương lớn, nhưng bên trong gần như trống rỗng. Ngoài điều đó ra, hầu như tất cả đều chứng tỏ rằng cô ta đã bị chết đuối. Riêng chú thì chắc chắn là sự đó không thể nào xảy ra được. Tuy nhiên, nếu chú không tìm ra được những bằng cớ xác định cô Yến Nhi chưa chết thì chú có thể gặp rắc rối to đấy.
Huệ kêu lên bất mãn:
- Thưa, cháu không hiểu tại sao người ta có thể bắt chú chịu trách nhiệm về vụ mất tích này! Có phải do lỗi tại chú đâu ạ.
- Đành thế. Nhưng một vụ chết đuối hay mất tích cũng đủ gây nhiều rắc rối cho công ty hàng hải. Riêng chú thì không chắc rằng cô Yến Nhi còn sống.
- Thưa, cháu nghĩ có lẽ cô ta đã có một lý do riêng để biến mất như thế. Lan thong thả nói.
Vị thuyền trưởng gật gù:
- Cháu Lan nói đúng. Cô ta tỏ ra rất bí mật về hành tung của mình. Nhưng theo chú thoáng nghe được thì hình như cô ta có gia đình ở khu Lam Sơn gần đây thì phải. Nếu không biết rõ hơn thì cũng khó mà dò theo được dấu vết của cô ta.
- Lan này! Huệ bỗng kêu lên: Em còn nhớ một ngôi biệt thự lạ kỳ, mái nhà có đến bốn cái tháp nhọn trổ lên mà trước đây chị em mình đã để ý trên con đường Hoàng Diệu ở khu Lam Sơn đó chứ? Nếu chị không lầm thì trước nhà có gắn tấm bảng nhỏ đề tên Khứu Đắc Dzu thì phải.
- A! Phải rồi. Chị nhớ rất đúng đấy, chị Huệ.
- Khứu Đắc Dzu à? Đúng là cái tên mà cô gái đã đề cập đến một hôm. Ông Định kêu lên, mắt sáng long lanh. Nếu các cháu có thể vẽ đường đi cho chú thì cơm xong chú sẽ tới đó ngay.
- Thưa chú, để tụi cháu đưa chú đi ạ. Lan đề nghị.
Cô Hạnh cười hài lòng. Cô nhận thấy rằng khía cạnh bí mật của vấn đề đã bắt đầu làm cho chị em Huệ Lan chú ý.
Mặc dầu đã bị xúc động mạnh vì câu chuyện không may xảy ra, suốt bữa ăn thuyền trưởng Định vẫn vui vẻ kể những mẩu chuyện vui vui trong cuộc hành trình vừa qua cho các cháu nghe.
Cuối cùng, bốn người rời khỏi nhà hàng và kéo nhau đi tìm ngôi biệt thự của ông Dzu ngay. Huệ Lan không nhớ rõ số nhà nhưng họ còn nhớ vị trí nên chẳng mấy lúc tìm thấy căn nhà có kiến trúc kỳ lạ mà họ đã để ý khi đi ngang.
- Ủa, sao không còn tấm bảng treo trên cửa nữa kìa? Huệ vừa nói vừa bước xuống xe. Hay là chú để cháu và Lan tới hỏi xem có phải đúng nhà này không đã.
Để ông Định và cô Hạnh ngồi trên xe, hai chị em tiến vào con đường trải đá cuội trắng và đến gõ cửa. Một lúc sau, họ thấy xuất hiện một người hầu Trung Hoa, đầu chải bóng.
- Chúng tôi muốn hỏi ông Khứu Đắc Dzu có nhà không ạ? Huệ lễ phép hỏi.
- Ông Dzu “li” khỏi “lồi”. Ngày mai mấy cô trở lại.
Huệ bèn nói:
- Chúng tôi muốn gặp ông Dzu có chuyện cần. Tôi sợ đến mai thì chú tôi không còn ở đây nữa.
Rồi Huệ năn nỉ:
- Đây là một chuyện rất quan trọng. Thuyền trưởng Định muốn gặp ông Khứu Đắc Dzu để hỏi về một thiếu phụ có mặt trong chuyến du hành vừa qua trên thuyền của ông: cô Khứu Đắc Yến Nhi.
Gương mặt thản nhiên của tên hầu bỗng sáng lên. Hắn vui vẻ đáp:
- Hà, cô Yến Nhi thì có nhà. Hai cô vào “lói chiện” với cô Yến Nhi?
Huệ và Lan nhìn nhau với đầy ý nghĩa. Nếu hai cô tìm ra được cô Yến Nhi bây giờ thì thật may mắn cho chú Định, vì nếu chứng minh được là người thiếu phụ đó còn sống thì thuyền trưởng Định và công ty của ông sẽ không còn phải lo ngại điều gì nữa.
- Vâng, chúng tôi rất muốn gặp cô Yến Nhi. Huệ vội vã trả lời.
Tên hầu đưa hai cô qua một dãy hành lang rồi vào một căn phòng khách được bày biện rất sang trọng. Trong khi hắn vào thưa với nữ chủ nhân thì Lan đảo mắt xem xét căn phòng, ngắm nghía bàn ghế và các món đồ chơi thật hấp dẫn trong tủ kính. Một lát sau, tên hầu trở ra nói:
- Cô Yến Nhi không chịu tiếp ai bữa nay hết.
Huệ khẩn khoản:
- Chuyện này rất quan trọng. Nhờ chú vào nói với cô Yến Nhi rằng thuyền trưởng Định đến đây chỉ cốt để gặp cô trong vài phút thôi.
- Ờ, ờ, để Phoóng này vô nói lại, nhưng chắc cũng hổng “lược lâu”.
Khi tên hầu đi khuất, Huệ quay qua nói với Lan, lúc đó đang ngắm một bức hình bày trên chiếc dương cầm.
- Chị lo cô Yến Nhi này không phải là người thiếu phụ trên thuyền chú Định em ạ. Nếu cô ta không muốn tiếp chuyện mình thì làm thế nào để biết rõ hư thực đây?
Lan chỉ tấm hình một thiếu phụ trẻ tuổi rất đẹp:
- Chị này! Không hiểu có phải đây là hình cô Khứu Đắc Yến Nhi không? Chắc chú Định sẽ nhận ra cô ấy.
Huệ vội kêu lên:
- Phải đó! Mình đem ra cho chú xem đi. Nhưng mà lẹ lên, tên Phoóng có thể trở ra trong chốc lát đó.
Hai cô lắng tai nghe ngóng để biết chắc rằng tên hầu còn đang ở trên lầu.
- Tụi mình chạy ra thật lẹ đi! Lan đề nghị.
- Không nên chạy, họ sẽ nghi. Huệ trả lời.
Hai chị em bèn lẳng lặng đi ra, nhưng trống ngực hai người đập mạnh như muốn bể lồng ngực. Ông Định chỉ cần liếc qua cũng nhận thấy rằng đây chính thực là thiếu phụ mất tích trên thuyền Hải Âu.
Giấc Điệp Triền Miên Giấc Điệp Triền Miên - Hải Văn Giấc Điệp Triền Miên