We have to continue to learn. We have to be open. And we have to be ready to release our knowledge in order to come to a higher understanding of reality.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Tứ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3225 / 30
Cập nhật: 2016-01-29 21:07:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ảy giờ sáng.
Mặt trời mùa đông le lói trong sương mù như lòng đỏ trứng gà lên gần một con sào. Trụ sở hội đồng xã còn đóng cửa, cái cự mã chằng thép gai chặn ngang cổng. Tiểu đội dân vệ gác đêm lê la trên hiên nhà đợi thay gác.
Bốn đứa trải chiếu đánh bài xì lát trong góc đang cãi nhau. Những cặp mắt sưng húp long lên. Một tên kẹp chắc xấp giấy bạc giữa hai ngón chân, gí móng tay viền đen vào quân bài:
- Con già rô nè, con bồi chuồn nè, đâu nữa? Đ. mẹ thằng nào giấu bài!
- Tổ cha con mụ nội mày, đòi ăn cơm cúng hả?
- Đ. mẹ mày, giấu bài dưới đít nhất định. Hèn gì nãy giờ táp nuốt của tao bốn trăm bạc. Nhấc đít coi, không tao rút xương lấy máu bây giờ! Đứng dậậậy!
Tên kẹp tiền ở chân gào lên, túm cổ áo sơmi đen của tên mắt lác ngồi trước hắn. Rắc! Một quả đấm giáng xuống tinh mũi hắn. Hắn ngã sấp, móng tay cào mặt chiếu. Máu tóe trên những quân bài nhão mồ hôi. Hắn quờ tay ra sau lưng. Hai tên không bị nghi vội đứng né ra, nhăn răng cười. Lưỡi dao găm lóe trắng trên áo đen, đâm vào thịt và chạm xương, bật hai tiếng phịch cốp liền nhau.
- Ối! Mả cha con... mụ nội... è è è...
Cả tiểu đội bâu lại nhốn nháo.
Mười lăm phút sau, tên bị đâm trúng vai được khiêng ra nhà y tế, vừa rên vừa chửi. Sau cửa sổ xà lim, tên thua bạc ngó theo, hai tay vấy máu níu chấn song, máu mũi chảy tràn vào cái miệng cười gằn. Hắn quát:
- Đứa nào móc túi nó lấy lại bốn trăm bạc, tao cho hai trăm!
Theo tiếng quát, một búng máu sùi bọt vọt qua miệng hắn. Tên bị đâm nằm lắc lư trên võng vội nhét tay vào túi, xoay đôi mắt lác nhìn lấc láo, chửi tiếp.
Tên tiểu đội trưởng mang các bin kêu:
- Tư Sỏi, dọn sạch chỗ này đi. Coi có con chó nào đó không, ô cho liếm nền nhà.
Từ nã vẫn ngồi nhìn bọn kia đánh bạc và đánh nhau, không nhúc nhích. Sỏi lặng lẽ đứng dậy, khoác cây súng săn một nòng vào vai, đi cuốn chiếc chiếu đem vất sau nhà hội đồng. Ở đấy có một đống chiếu rách, áo quần nát, dây đứt, roi gãy, vết tích của những cuộc tra tấn hàng ngày.
Bọn dân vệ còn lại túm tụm trên hiên, cãi nhau rồi xoay ra tán gẫu. Từ những vụ đâm chém, câu chuyện nhảy dần sang hướng khác.
- Xìlát cáctê là một, mèo mỡ là hai, dễ hộc tiết canh đổ lòng heo nhứt đó bay.
- Hạng mình mới phải giành mèo, như ông Phổ đâu phải giành. Ổng còn bắt tụi mình trói giải về cho ông xài nữa chớ.
- Bữa đó tao gác khuya, nghe ổng trong nhà khai thác tù cộng sản hay lắm bay ơi. Đưa một điếu Ruby, tao hót 1... Ổng tra vầy nè: "Hễ không cởi thì anh xé! Cởi không?".
Cả bọn cười sặc. Tên tiểu đội trưởng cũng sán vào. Hắn rất thèm loại chuyện ấy. Hắn có dáng dấp một tay buôn lậu: tóc gọng kính, răng vàng, môi thâm, mắt lấm lét. Đúng hắn xuất thân là con buôn lậu thật, hiện nay còn buôn chút ít kiếm thêm. Hắn vỗ đùi đánh đét:
- Sao mày không dòm?
- Sợ mất lương. Phải như lãnh đủ chín trăm bạc thì
tội gì không coi xilama 2 chút xíu. Ổng mần lâu lắm. Gái đẹp một con, thuốc ngon nửa điếu mà. Có điều... thôi, b
Tên dân vệ ngừng bặt, bập điếu thuốc cháy nhanh đến nhọn đầu lửa. Rồi hắn lại tự nói tiếp, giọng bỗng lạc đi:
- Con nhỏ chống cự miết, mà cự sao nổi. Tao nghĩ ổng làm trò con heo xong thôi, ai dè...
Một tên khác thì thào:
- Cái chị đem chôn hồi hai giờ sáng, phải không?
- Tao phải nhét ruột vô, cởi dây, móc giẻ trong miệng. Nói thiệt tình, tao cũng khấn chị nhớ công tao chôn cất tử tế, đừng báo oán tới tao. Chị ta ở đâu tao nhìn không ra, tối quá.
- Con ông Chư dưới Đồng Mè đó chớ ai. Chồng tập kết, cha tù Côn Sơn 3. Nước da như trứng gà lột. Tánh nết dễ thương quá đỗi, vợ tụi mình không đáng xách guốc...
Cả bọn lặng im, liếc nhau, chừng ngại câu chuyện đi quá xa. Một tên nói bâng quơ:
- Ai làm nấy chịu, vậy thôi.
Tên tiểu đội trưởng bỗng đứng lên, kêu:
- Sỏi ra mở cổng mày! Lính mới gì rù rờ quá vậy?
Bọn dân vệ uể oải cuốn chiếu, đội mũ bê rê đen lên đầu, xỏ chân vào những đôi giày vải rách và thối khắm. Tư Sỏi ì ạch kéo cái cự mã. Tiểu đội đến thay gác kéo vào. Tiếp tới trung sĩ Huỳnh, cảnh sát phó chỉ huy trung đội dân vệ của xã. Huỳnh vừa đi vừa xỉa răng.
- Đêm hôm có gì không hể?
- Không.
Huỳnh dừng lại, cau mày:
- Nè Sỏi, phải tập ăn nói với chỉ huy cho đàng hoàng. Cứ như dùi đánh đục vậy chướng lắm hể.
Tư Sỏi đứng im như không nghe Huỳnh nói.
Huỳnh bật cười, đi qua trụ cờ. Tên tiểu đội trưởng hô: "Nghiêm... phắt!", chạy ra đón. Huỳnh gật đầu ưng ý: "Cho nghỉ đi". Hắn liếc qua bọn dân vệ lúc này chỉ còn lèo tèo, trừng mắt:
- Trốn đâu hết rồi?
Tên tiểu đội trưởng báo cáo vụ đâm nhau, không quên nịnh:
- Dạ, có anh Hai đây thì tụi nó đâu dám... dạ, thiệt bậy chớ... dạ, em ra lệnh tụi nó hổng nghe, tụi nó nói em không phải trung sĩ hạ sĩ gì mà đòi xài xể người ta...
Huỳnh khoái ra mặt. Hắn cũng nạt nộ mấy câu lấy lệ, nhưng giọng hắn rất bao dong.
Huỳnh là trung sĩ bảo an của tỉnh, được cử về nắm trung đội dân vệ từ đầu chiến dịch "toàn dân sát cộng" đến nay. Trước Cách mạng Tháng Tám hắn làm nghề quét chợ Đồng Trầu, khi có dịp cũng bẻ bí bắt gà đôi chút. Hắn bị Pháp bắt trong một trận càn hồi đầu kháng chiến, sau đi lính ngụy luôn, hơn mười năm chỉ chuyên gác tù thường phạm ở Đà Nẵng, Huế, rồi Sài Gòn. Hắn quên dần Cách mạng, nhưng không quên mồ mả ông cha. Hắn nhớ quê lắm. Được thăng trung sĩ, hắn liền cậy cục xin bổ về Kỳ Bường. Đã nên danh giá thì phải vinh quy bái tổ, hắn tính vậy. Thế là một hôm dân Đồng Trầu thấy hắn hiện ra trước cổng chợ với tất cả oai phong của một trung sĩ cảnh sát phó: cấp hiệu chữ V kép trên áo mới cắt chỉ, gậy mây song đầu cong bịt bạc móc vào cổ tay, tay chống nẹ khuỳnh khuỳnh vào thắt lưng, thắt lưng đeo súng ngắn sệ xuống mông, cặp mông ngoáy theo nhịp chân đi hất hất chữ bát. Những tên đeo lon to lon nhỏ trong quân ngụy sao mà khéo bắt chước của nhau cái dáng đi đứng lố không chịu được ấy! Thế nhưng Huỳnh cố làm oai mà vẫn không oai vì hắn lùn quá, chỉ được đúng một thước năm mươi hai phân.
Huỳnh thích dạo chợ. Cái chợ đối với hắn vẫn có sức hấp dẫn không cưỡng nổi. Hắn xoa đầu trẻ con, vỗ vai ông già, cợt nhả với con gái. Hắn gây cảm tình bằng những lời có thể lọt tai đám anh chị ba dao bảy búa mà hắn cai quản, nhưng rất chối tai đối với những người đã đánh Pháp chín năm. Hắn ngạc nhiên khi thấy mọi người đi qua úp nón không chào, mở miệng là chanh chua đâm thọc. Hắn đoán họ coi thường hắn bởi xuất thân là anh quét chợ. Hắn quá ư bẽ mặt. Một hôm có tên dân vệ mách rằng người ta vừa đặt cho hắn cái tên mới: "ông cảnh sát ba du lưu", nghĩa là gồm đủ các nết của ba nhe, du côn, lưu manh. Hắn tức điên, ra đón cổng chợ mà hò hét thét lác, đá bay thúng mủng gần trọn một buổi mới nguôi giận.
Gần đây thằng Ba Phổ cảnh sát trưởng lại liên tiếp báo cho hắn biết Cách mạng xếp hắn vào cỡ ác ôn, lập cáo trạng hắn. Huỳnh sợ lắm, mất ngủ mấy đêm. Hắn tắc lưỡi: "trước sau gì cộng sản cũng giết, tội gì mình không ác ôn cho đã đời"'. Từ đó hắn đi đâu cũng bô bô phải chống cộng, diệt cộng. Nói cho công bằng, hắn chỉ muốn gây khó dễ cho những chịu lấy lòng hắn, nhưng vì số ấy đông quá nên hắn phải đối phó với hầu hết dân Kỳ Bường. Và hắn cũng chỉ mới gầm gừ bạt tai đá đít năm bảy người, lại trúng toàn những kẻ không dính líu đến Cách mạng.
Tuy không nói ra, Huỳnh vẫn nhớ chung chung rằng những cán bộ Việt Minh ngày xưa đều là người tốt cả. Ngay đám tù trộm cướp nói chuyện với hắn cũng nhắc đến "các ông các bà tù cộng" với giọng kính nể đặc biệt. Trong cái đầu mà hắn thích để rỗng cho nhẹ, những bài giảng về "tội ác cộng sản" cứ vào tai này ra tai kia, còn những kỷ niệm tốt về Cách mạng lại tự ý ở rất lâu. Có oán chăng, hắn chỉ oán Cách mạng định giết hắn, như Ba Phổ đã báo. Hắn nghĩ mình chỉ giữ trị an, tháng tháng lãnh ba cọc ba đồng, tội tình gì đâu. Nếu Cách mạng giành được chính quyền như các ông Việt Minh hồi Ất Dậu, hắn đi gác tù trộm cướp cho họ cũng được chứ có sao. Oan hắn lắm. Nhưng vì họ mới tung tin miệng như vậy, nên hắn cũng mới chống cộng bằng mồm.
Lúc này, Huỳnh thấy khoan khoái vô cùng khi được ngồi vào bàn giấy của cảnh sát trưởng, vờ lật lật vài cuốn sổ mà hắn mù chữ không đọc được. Đó là chỗ hắn ghen với lính Việt Minh. Hắn biết lính Việt Minh được học chữ nhiều lắm. Rồi hắn đập bàn quát lớn:
- Giải thằng Cồng vô đây cho tao hể!
Ngoài hiên, tên tiểu đội trưởng quát tiếp như tiếng vang của Huỳnh:
- Sỏi đâu giải thẳng Cồng vô cho trung sĩ xét xử! Mau lên! Anh Hai phạt cho thấy tổ mày!
Huỳnh nghe thủ hạ gào mà sướng nở ruột. Trong khi đợi xử thằng Cồng, hắn len lén lấy giấy loại lau vũ mực đổ và tự hẹn lần sau sẽ giữ chắc lọ mực trước khi đập bàn.
o O o
Đưa tên dân vệ mặt và tay đầy máu vào nhà xong, Tư Sỏi lại ra ngồi ngoài hiên, trên cái ghế dài khập khiễng. Tiểu đội của Sỏi đã về ngủ cả. Tên tiểu đội trưởng phải nán lại vì vụ đâm nhau, hắn giữ Sỏi để sai vặt. Hình như hắn quên hết lính, chỉ nhớ một mình Sỏi, gọi không ngớt miệng. Hắn còn nói: "Lính mới như mày sướng chán. Hồi tao mới vô dân vệ bị bạt tai chảy máu mũi luôn, cứ phải nhét sẵn bông trong lỗ mũi".
Đêm qua gác thông hai phiên, suốt sáu tiếng ngồi co ro sau những bao cát chất hình chữ U cạnh rào kẽm gai, Sỏi mệt đờ đẫn.
Ngày đi sục nhà bắt người, đón chợ soát gánh, cướp ngang các thứ hàng bị nghi "tiếp tế cộng sản", để bọn ác ôn chia nhau đem về cho vợ bán lại. Đêm phải tuần, gác, phục kích, xăm nhà, rình nghe trộm. Sắp tới sẽ đến lượt Sỏi "khai thác các đương sự", nghĩa là tra tấn như trước kia Sỏi đã bị tra tấn. Mới nghĩ đến đấy, Sỏi đã nổi gai cả người.
Tư Sỏi lầm lì và bướng từ nhỏ. Lớn lên, rơi vào vũng máu của chế độ Mỹ - Diệm, trong khi Út Sâm đá lung tung như con dế mới bị nhét vào hộp diêm, Sỏi thu hình lại như con cua xếp càng, chỉ dựng lên một đôi mắt ngọ nguậy tìm lối thoát. Khác với một số con trai đua đòi ăn chơi, Sỏi không sắm xe đạp mắc bốn đèn hay quần đoóc- giông mặc rách khỏi phải là, không hút Ruby ba đồng bốn điếu. Sỏi lo làm ăn nuôi má, những người Sỏi thương bằng một tình thương nóng cháy, vụng về, không nói ra. Mặt Sỏi lạnh nhưng trong người Sỏi luôn luôn có lửa ngún. Những cái chướng tai gai mắt nhan nhản chung quanh ngấm vào Sỏi thành lò than hồng, nó nung thân thể Sỏi đen sắt lại, gầy dần, đi đứng ăn nói cứ giật khớp. Thỉnh thoảng nó lại bốc ngọn, phì ra thành một cơn nóng giận mất trí.
Lớp quân dịch 39 4 đi chưa bao lâu, quân dịch 40 đã bị gọi. Không chần chừ được nữa.
Sỏi bàn với Bính, người bạn cùng tuổi có bộ mặt lang ben loang lổ. Phải "nhảy núi" theo Cách mạng nếu không muốn chống Cách mạng. Núi không xa lắm. Từ Kỳ Bường nhìn lên, núi giăng thành bức vách xanh nhấp nhô, tưởng như đến đấy kêu một tiếng sẽ có thầy Dõng ra mở cửa. Hai anh em thuê xe đạp đèo nhau lên Kỳ Sơn mua chè mấy chuyến, không hỏi ra manh mối. Họ sục bừa lên núi, đi suốt một ngày, rồi Bính bị xóc chông vào bắp chân, phải vịn Sỏi khập khiễng trở về. Thế là bí.
Bính nghĩ cứ vào lính, học xong lớp tân binh cái đã, khi đưa về đơn vị hoặc ra trận sẽ nhảy sang phía Cách mạng. Làm vậy địch không có cớ bắt bớ người nhà. Sỏi thấy không ổn. Địch thường đưa lính vùng này đi đóng ở vùng khác, để tránh "bị gia đình lôi kéo". Phải vào Nam Bộ hay ra giới tuyến, làm sao bắt liên lạc được với Cách mạng? Nhảy bừa thì địch không bắn chết cũng có thể bị xóc chông của ta. Sỏi định kiếm cớ ở lại xã, chờ thời.
Bính và Sỏi ngoéo tay nhau hẹn suốt đời keo sơn, dặn nhau những câu bóng gió để viết thư báo tin cho nhau. Bính xách gói đến hội đồng trưng binh, Sỏi đâm đơn tình nguyện vào dân vệ.
Bọn hội đồng không tin gia đình Sỏi - nói đúng ra,ật bụng tin ai - nhưng giữa lúc thiếu người, chúng nhận Sỏi. Sỏi nổi tiếng bắn giỏi nhất xã, giật hết các giải thi bắn của "thanh niên cộng hòa". Có lẽ vì gờm tài bắn ấy nên chúng chỉ phát cho Sỏi cây súng săn một nòng với mười viên đạn, bắn xong phải nộp vỏ và báo cáo lý do bắn từng viên. Lập tức, chúng đẩy Sỏi vào cái thế qua sông đốt đò, qua cầu rút ván.
Sỏi cầm đến cây súng Mỹ mới thấy nó dính máu, mới nghe tiếng chửi xa gần cạnh khóe của đồng bào chung quanh cây súng.
Làm sao bây giờ?
Câu hỏi ấy bò quanh trong Sỏi như con đỉa đói làm Sỏi nôn nao, từng lúc đau thắt ruột. Sỏi thấy mình sa vào một cái lưới nilông - thứ lưới Mỹ đưa sang, cá không trông thấy - hết đường vùng quẫy. Sỏi gầy rộc đi. Chỉ còn một đôi mắt thao láo trên bộ mặt đen và nhọn.
...Đôi mắt ấy từ từ nhắm lại. Lão Huỳnh vẫn ề à lên lớp thằng Cồng bằng cái giọng thầy cúng nghe buồn ngủ. Sỏi ngủ ngồi, đầu ngoẹo xuống vai, tóc đổ xòa tận miệng.
Tiếng xe gắn máy Xôlếch nổi ngoài cổng. Một người cao lớn phóng xe vào sân, bóp còi ẹc ẹc. Hắn buông xe cho một tên dân vệ đem đi lau, bước lên thềm. Hắn nhếch miệng cười, dừng lại trước mặt Sỏi, hất hàm:
- Cất súng!
Một đứa rón rén đến gỡ cây súng khỏi tay Sỏi, đem vào nhà. Người mới đến dang tay tát rất mạnh vào mặt Sỏi. Sỏi nhào nghiêng xuống đất, mở mắt, quờ tay tìm súng.
Cảnh sát trưởng Phổ đứng giạng chân, hai tay xăm bùa chống cạnh sườn, cười ha hả:
- Súng mày bán tiêu rồi hả Sỏi? Có phải súng mày đây không? Đúng không?
Hắn rút súng ngắn có ổ quay gí vào tinh mũi Sỏi, lên gân ngón tay. Cái búa trên súng từ từ ngóc đầu lên. Lên nữa. Sắp bật ra đập vào kim hỏa. Sỏi vẫn trân trân nhìn cái lỗ tròn đang thổi một luồng hơi lạnh ngắt vào mặt Sỏi trước khi khạc lửa. Mấy tên dân vệ kêu rú. Nhưng Ba Phổ đã nới ngón tay cho búa từ từ hạ xuống. Hắn vỗ vai Sỏi:
- Thằng nhỏ khá. Khen mày gan đó. Lính của tao phải vậy mới được... Để mất súng bị phạt ra sao, đọc tao nghe?
- Mất súng đền mười ngàn đồng, tù năm năm.
- Ôkê. Bây giờ mày soạn ba lô đi tù. Tao lập biên bản bán đấu giá tài sản nhà mày. Coi bộ đủ mười ngàn không?
- Không đủ.
Sỏi vẫn trả lời ráo hoảnh. Trong óc Sỏi loáng thoáng những câu hằn học: "Tao biết dại rồi. Tao không lạy lục mày đâu, đừng hù mất công. Tao cứ đi tù, của cải tao mày cứ lấy. Có ngày tao chĩa họng súng vào mặt mày, tao bóp cò thật cho coi...".
Ba Phổ cụt hứng. Trò chơi bạo chúa của hắn bị hỏng. Hắn chỉ muốn tác oai tác phúc một lát cho vui thôi, nhưng Sỏi không sợ oai, không cần phúc. Hắn cáu, nhưng bật cười dễ dàng như Tào Tháo:
- Mày tác xạ khá lắm hả
- Tôi biết bắn.
- Tụi bay đưa nó cây M.1, cây mới nhất... Ra đây bắn tao coi.
Hắn bước ra sân, nhìn quanh, chỉ ngón tay:
- Mày bắn con sáo đậu trên lưng trâu kia. Một trăm thước thôi. Cho nằm bắn. Trúng tao tha, không trúng mày vô xà lim.
Sỏi nằm xuống mép sân, tì súng vào vai.
Sỏi rất ham bắn. Mỗi lần đế súng chạm vai là Sỏi cảm thấy ngay một dòng máu ấm từ cây súng chạy vào thân mình, như cánh tay thứ ba được chắp vào người. Sỏi lái cánh tay ấy rất dễ, chọc ngón tay nhọn của viên đạn vào bất cứ nơi nào mình muốn. Hồi anh Cả Tùy thưởng đạn các bin và cho Sỏi đi bắn tỉa đồn Tây ở Đồng Mè, các anh bộ đội đã ngạc nhiên khi thấy đứa trẻ mười ba tuổi ấy bắn giỏi lạ lùng. Bên cạnh những động tác còn vụng dại, có một cái gì như linh tính giúp Sỏi hướng ngọn súng vào đúng đầu thằng Tây lấp ló sau lỗ châu mai.
Bây giờ khác hẳn. Đè trên tay Sỏi chỉ có một khúc sắt lạnh, một khúc gỗ trơ trơ. Sỏi ghé mắt tìm đích. Cái lỗ ngắm tròn trâng tráo nhìn lại Sỏi, nó giễu: "Mày bắn ai? Bắn sáo hay bắn trâu?".
Sỏi buột miệng hỏi trống không:
- Trâu ai đó?
Một tên dân vệ đứng cạnh cũng buột miệng đá
- Trâu nhà Sáu Dõng.
Ba Phổ lại cười, nhưng lần này rõ ra cười gằn:
- Mày sợ trúng trâu của Việt cộng hả? Vậy làm sao mày dám bắn Việt cộng? Bắn trâu tao cũng tha. Bắn thăng thiên mày chết. Bắn!
Lò lửa trong người Sỏi bùng lên dữ dội. Mắt Sỏi chỉ thấy máu. Chồm dậy, quay súng, mạng đổi mạng! Nòng súng rung rinh, hơi xoay chéo... Sỏi hít một hơi dài. Không được. Má và Sâm sẽ chết lây. Chao ôi, chưa được!
Sợ kìm mình không nổi, Sỏi ấn bàn tay phải xuống cho nòng súng ngóc lên, bóp cò giật cục. Tên dân vệ kia bật kêu, lo lắng:
- Trật rồi!
Thằng Phổ thấy rõ nòng súng cựa quậy nhiều lần. Sỏi lại đứng nghiêm trước mặt hắn, bộ mặt đen vẫn đanh như trái mìn, đôi mắt là dây cháy chậm đang xì lửa. Phổ chột dạ. Hắn liếc quanh: bọn dân vệ đăm đăm nhìn Sỏi với vẻ thương hại, và tránh luồng mắt hắn. Mấy tên hay nịnh bợ nhất cũng không dám nhếch mép cười lấy lòng hắn. Găng lắm rồi. Hắn đi quá đà rồi.
Tiếng cười khành khạch lại nổi lên khi hắn vỗ vai Sỏi:
- Thử sơ bấy nhiêu, anh tha cho đó. Bạt tai một cái đủ nhớ thôi. Gác suốt đêm ai không buồn ngủ. Trả súng cho nó đi bay!
Hắn bước lên thềm, nụ cười còn dính miệng nhưng cặp mắt lồi cau cau. Lần đầu tiên hắn không trị nổi đàn em. Xưa nay chỉ có những người cộng sản dám đương đầu với hắn. Phải chăng những đứa dưới trướng hắn bắt đầu ti toe học đòi cái gan lì của cộng sản để chống lại hắn?
Trong nhà hội đồng, trung sĩ Huỳnh vẫn kéo dài cái thú được ngồi ghế quan tòa thuyết những tràng dài lủng củng về luân thường đạo lý. Tai hắn lắng nghe miệng hắn nói, và óc hắn nghĩ rằng hắn nói rất hay.
Ba Phổ khoát tay:
- Xà lim không đủ giam tù, lấy chỗ đâu nhốt lính mình. Phạt trừ một tháng lương cho kinh... À, tối nay mày tới khai thác mấy đứa tao mới bắt, hễ đánh khá tao tha phạt. Alê, tẩu!
Huỳnh chưng hửng; đứng dậy trả bàn giấy cho Phổ.
Chú thích
1.Kể, tán.
2.Chiếu bóng.
3.Côn Đảo.
4.Lớp thanh niên sinh năm 1939 bị bắt vào lính ngụy.
Gia Đình Má Bảy Gia Đình Má Bảy - Phan Tứ Gia Đình Má Bảy