Người khôn ngoan nhất không phải là người gặt hái được nhiều thành công, mà là người biết biến thất bại thành những lợi thế nhất định.

Richard R. Grant

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hiếc đồng hồ báo thức réo lên không sai một giây, đến là vô tình!
Đó là những âm thanh rạn vỡ, không lảnh lót nữa, mà rè rè, phành phạch. Chiếc đồng hồ nhiều năm rồi, máy móc mòn hết, chuông thì kêu vẫn rất lâu đến nỗi làm người ta cảm thấy tuyệt vọng. Giây cót chuông vẫn tốt.
Hanno Buddenbrook bỗng giật mình đánh thót. Mỗi sáng, tiếng chuông từ trên cái bàn đặt ở đầu giường, đột ngột, ác độc nhưng rất trung thực, rót vào tai chú làm cho chú phẫn nộ, bi ai, tuyệt vọng đến nỗi lục phủ ngũ tạng cũng co rúm lại! Nhưng chú vẫn tỏ ra bình tĩnh, vẫn nằm nguyên tư thế cũ. Chú đã tỉnh giấc, vội mở choàng mắt ra.
Trong căn phòng nhỏ lạnh lẽo chưa có lấy một chút ánh sáng, chú không nhìn rõ đồ vật và cũng không trông thấy những chiếc kim trên mặt đồng hồ. Nhưng chú biết bây giờ là đã sáu giờ rồi, bởi vì tối hôm qua chú để chuông reo vào giờ ấy... Hôm qua... Khi chú nằm im, ngửa mặt lên trần nhà, thần kinh căng thẳng, đấu tranh mãnh liệt có nên dậy bật đèn hay không, thì những sự việc xảy ra hôm qua lần lượt hiện về trong ký ức.
Hôm qua chủ nhật, sau mấy hôm liền bị ông Pfühl quần cho mệt nhoài, để thưởng cho chú, mẹ chú bằng lòng đưa chú đi xem vở nhạc kịch Lohengrin[139] ở nhà hát. Niềm vui của buổi tối hôm qua chi phối trái tim nhỏ bé của chú suốt tuần. Đáng tiếc là, trước khi được hưởng niềm hạnh phúc ấy, lại gặp phải vô số chuyện phiền não, cho đến phút chót, tâm tình của người mong mỏi được nhẹ nhàng thoải mái, vẫn bị những việc kia giày vò đến tan nát. Nhưng rồi ngày thứ bảy đã đến, bài vở trong tuần đã làm xong, chiếc máy khoan răng với những âm thanh xè xè ghê rợn đã khoan được một lỗ cuối cùng trong miệng chú... Bây giờ mọi việc đã qua rồi, những gì đã phải chịu đựng đã chịu đựng rồi. Chú quyết định gác lại mọi việc sau ngày chủ nhật. Thứ hai ư? Thứ hai nhất định sẽ tới ư? Người nào đi xem nhạc kịch Lohengrin vào tối chủ nhật thì không thể tin là có ngày thứ hai được. Chú quyết định, sáng sớm ngày thứ hai phải thanh toán hết những việc đáng ghét ấy đi - thế là xong! Thế là chú có thể thanh thản tận hưởng niềm vui. Chú ngồi mơ màng trước chiếc đàn piano, quên hết những việc không vừa ý.
Rồi hạnh phúc biến thành hiện thực. Hạnh phúc thình lình đến với chú theo thần thánh và ma lực, những chấn động và những nỗi kinh hãi thần bí, những tiếng nức nở đột ngột trong nội tâm, những niềm say mê tràn trề không biết chán. Tất nhiên khi mới dạo khúc mở đầu trong dàn nhạc đã có tiếng violon của người nào đó hơi kém, tưởng không theo nổi; lại có một ông béo tròn, râu quai nón màu vàng nhạt, vẻ tự đắc, ngồi lô đặc biệt, hoa chân múa tay không tự nhiên chút nào; ngoài ra, trong ghế bên cạnh là ông Stephan Kistenmaker, người bảo trợ của chú, đang càu nhàu nói rằng không nên đem trẻ em vào nhà hát, làm cho nó không tập trung vào bài vở. Nhưng tất cả những cái đó chú không để ý, bởi vì tiếng nhạc ngọt ngào, trầm lắng đã rót vào tai chú, đưa chú bay cao, bay cao lên mãi...
Vở nhạc kịch kết thúc. Niềm hạnh phúc ca hát huy hoàng im bặt, không còn màu sắc sáng tươi nữa. Chú trở về ngôi nhà nhỏ, đầu óc căng thẳng. Chú ý thức rằng, khoảng cách giữa chú và cuộc sống bình thường, xám xịt chỉ còn là một giấc ngủ trong mấy tiếng đồng hồ mà thôi. Lúc này, cảm giác nặng nề quen thuộc lại quấn chặt lấy chú. Chú lại cảm thấy, cái đẹp có thể làm cho con người đau khổ, làm cho con người rơi vào tâm trạng vừa xấu hổ, vừa thèm muốn, vừa tuyệt vọng, có thể làm tiêu tan dũng khí và sức lực của kẻ muốn sống bình thường. Cái cảm giác tuyệt vọng dễ sợ kia như một quả núi đè nặng lên người chú. Chú không thể không nhắc lại rằng, không phải chú chỉ gánh cái đau khổ của mình mà thôi, gánh nặng ấy đè lên tâm hồn chú từ ngày chú ra đời, và sớm muộn sẽ có ngày bóp chết linh hồn chú.
Chú hãm chuông đồng hồ rồi ngủ tiếp. Chú ngủ như chết, như không còn trở dậy nữa. Thế nhưng, ngày thứ hai đã đến, và đã là sáu giờ rồi, thế mà bài vở chú chưa làm gì cả!
Chú ngồi dậy, thắp cây nến trên chiếc bàn con ở đầu giường. Trong căn phòng lạnh ngắt, hai tay và bả vai chú tê dại đi. Bất giác chú lại nằm xuống trùm chăn thật kín. Kim đồng hồ chỉ sáu giờ mười phút... Bây giờ có dậy làm bài cũng chẳng ăn thua gì. Bài vở nhiều, hầu như tiết nào cũng có bài tập, bây giờ làm cũng không kịp. Với lại, thời gian chú dự định đã qua lâu rồi... Hôm qua chú đoán hôm nay thể nào cũng đến lượt chú bị gọi lên đọc bài La-tinh và bài hóa. Lẽ nào lại rủi ro như vậy! Tất nhiên theo dự đoán, có thể xảy ra như thế. Gần đây, bài La-tinh giảng đến Ovid. Tên học sinh trong lớp sắp đặt theo thứ tự a, b, c... lần trước thầy giáo gọi từ dưới lên, hôm nay thầy có thể gọi từ trên xuống. Không chắc đã đúng như thế. Quy luật có lúc cũng sai. Lạy Chúa, làm sao cho sự việc đừng xảy ra! Trong lúc đưa ra đủ các thứ giả thuyết để lừa dối mình, thì dòng tư tưởng của chú dần dần ngưng lại một chỗ. Chú lại ngủ thiếp đi.
Căn phòng này rất lạnh lẽo, trống trải, đầu giường treo bức tượng Đức Mẹ, giữa phòng kê một cái bàn, mặt có thể mở rộng ra được, cái tủ sách rất lộn xộn, chiếc bàn học mặt nghiêng, chiếc piano và một cái giá để chậu rửa mặt... Tất cả đồ đạc ấy đều im lìm dưới ánh sáng lay lắt của ngọn nến. Rèm cửa không buông xuống cốt để cho ánh sáng mặt trời chiếu vào, trên cửa kính có nhiều hoa tuyết. Hanno Buddenbrook đang ngủ, mặt úp vào gối. Miệng chú hé mở, hai hàng mi khép chặt, trông có vẻ ngủ say mà cũng có vẻ đau khổ. Một mớ tóc vàng mềm mại che lấp thái dương. Ngọn nến trên bàn nhạt dần, mất màu sắc nửa vàng nửa đỏ. Ánh bình minh ảm đạm thê lương chiếu qua tấm cửa kính đầy hoa tuyết vào trong phòng.
Bảy giờ, chú lại giật mình tỉnh dậy. Thì giờ lại trôi qua. Phải dậy mà đón lấy cái gánh nặng của ngày hôm nay, không còn cách nào khác nữa. Chỉ một tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa là đã đến giờ lên lớp... Sắp đến giờ, bài vở chưa làm gì cả. Mặc dù như vậy, chú vẫn nằm không nhúc nhích, cứ nghĩ đến việc phải rời cái giường ấm cúng trong buổi sáng lạnh lẽo, ảm đạm này để đi vào giữa đám người vô tình, độc ác, đón nhận tai ương và hiểm nghèo, lòng chú vừa đau nhói, vừa giận hờn, không chịu đựng nổi. “Ôi, mình muốn nằm thêm vài phút, vài phút thôi” - chú van xin với chiếc gối. Tiếp đó, để tỏ ý phản kháng, chú cho mình năm phút, chuẩn bị ngủ lại. Lúc này, thỉnh thoảng chú lại mở mắt ra, tuyệt vọng nhìn kim đồng hồ vẫn di động một cách ngu ngốc, vô tình và chính xác.
Bảy giờ mười phút, chú đành nghiến răng trở dậy, đi đi lại lại trong phòng, dáng vội vã. Ngọn nến vẫn cháy, bởi vì ánh sáng mặt trời chưa đủ chiếu sáng văn phòng. Khi chú hà hơi cho hoa tuyết trên cửa kính tan ra, chú thấy mây mù dày đặc phía ngoài.
Chú lạnh lắm, thỉnh thoảng lại rùng mình. Ngón tay chú buốt như lửa đốt, sưng to, không dám đụng đến cái bàn chải móng tay. Khi chú rửa được nửa người, hai tay gần như tê dại. Chú vứt miếng bọt biển xuống nền nhà, đứng thừ ra một lúc. Người chú bốc hơi như con ngựa đẫm mồ hôi.
Cuối cùng, chú mặc quần áo, thở hổn hển, ánh mắt buồn rầu, đứng trước cái bàn xếp cầm cặp sách, đem hết sức lực còn lại chọn những cuốn sách hôm nay cần phải mang đến lớp. Chú đứng đấy, mơ màng nhìn lên không trung, sợ hãi, lẩm bẩm.
— Thần học... La-tinh... Hóa... - rồi nhặt những cuốn sách rách và dây mực để vào một chỗ.
Ừ, chú Johann lúc này người cũng đã cao ngồng. Chú đã hơn mười lăm tuổi, không mặc áo lính thủy như trước nữa. Bây giờ chú mặc chiếc áo vét màu nâu nhạt, quàng chiếc khăn có chấm trắng, túi áo gi-lê đeo dây đồng hồ vàng dài tổ tiên để lại. Bàn tay chú to, ngón tay út bên trái đeo chiếc nhẫn ngọc xanh cũng của tổ tiên để lại. Chiếc nhẫn ấy bây giờ thuộc quyền sở hữu của chú rồi. Chú khoác chiếc áo len to xù, đội mũ, cầm cặp sách, thổi tắt nến rồi vội vàng từ trên gác hai đi xuống. Chú đi qua nơi đặt con gấu nhồi, rẽ sang tay phải, vào phòng ăn.
Người ở gái mới của mẹ chú, chị Clementine, một cô gái gầy, mũi nhọn, mắt cận thị, có mấy sợi tóc quăn bết xuống trán, đã ở đấy rồi.
Chị đang sửa soạn cái gì đó trước bàn ăn.
— Mấy giờ rồi nhỉ?
Hanno hỏi lí nhí, mặc dù chú biết rõ giờ giấc hơn ai hết.
— Tám giờ kém mười lăm! - Chị ta vừa trả lời vừa đưa ngón tay đỏ và gầy như bị phong thấp lên chỉ chiếc đồng hồ treo trên tường - Cậu ăn nhanh lên - Nói xong, chị ta đặt xuống chỗ chú ngồi một cốc ca cao nóng hổi và đẩy đĩa bánh mì, bơ, muối và một quả trứng rán lại trước mặt chú.
Chú im lặng, cầm chiếc bánh mì. Đầu vẫn đội mũ, nách vẫn kẹp cái cặp sách, chú bắt đầu uống ca cao. Cốc ca cao nóng làm cho cái răng đang được bác sĩ chữa, đau nhói lên. Chú chỉ uống một nửa, không ăn trứng gà. Chú khẽ nhếch miệng méo xệch chào một tiếng rồi đi ra.
Khi chú đi qua vườn hoa cách ngôi biệt thự nhỏ màu đỏ kia một quãng xa, rẽ về tay phải, đi theo con đường rợp bóng, thì đã tám giờ kém mười. Còn mười phút, chín phút, tám phút nữa... Đường xa lắm. Sương mù bao phủ khắp nơi, cũng chẳng biết mình đi được bao xa. Chú hít cả sương mù lạnh ngắt vào phổi rồi lại thở ra, lồng ngực bé nhỏ của chú phải cố sức làm việc. Lưỡi chú đưa vào cái răng bị ca cao làm đau nhức, bắp chân cử động mạnh. Người chú đẫm mồ hôi nhưng tay chân chú vẫn chẳng ấm lên được tí nào. Chú thấy nhoi nhói hai bên sườn. Buổi sáng đã phải vận động như thế làm cho thức ăn trong bụng đảo lộn lên, chú cảm thấy buồn nôn, tim đập mạnh. Chú không còn thở ra hơi nữa.
Cửa thành, bây giờ mới qua cửa thành! Chỉ còn bốn phút là đúng tám giờ. Trong khi chú phải vật lộn với mồ hôi lạnh, với cảm giác nôn nao, với cái răng đau, chú vẫn nhìn quanh xem còn gặp bạn nào không. Không còn, chú không thấy ai nữa! Mọi người đã tới trường cả rồi. Đồng hồ đã đánh tám giờ. Tiếng chuông từ các gác chuông xuyên qua lớp sương mù vọng lại. Tiếng chuông nhà thờ Sankt Marien ngân ngay bài “Chúng con cám ơn Chúa!” để chào mừng giờ ấy. Chuông đánh sai nhịp. Chú Hanno vừa chạy, vừa quả quyết như thế - chuông có biết gì nhịp điệu đâu! Với lại âm điệu cũng không chính xác. Nhưng bây giờ tất cả những cái đó đều vô ích, chú không còn hơi sức nào để tâm đến nữa. Điều quan trọng là, chú đến muộn, cái ấy là rõ ràng thôi! Chuông nhà thờ chậm hơn một chút, quả thật chú đã đến muộn. Chú chú ý nhìn vào mặt những người đi qua. Họ hoặc đến xưởng, hoặc đến phòng giấy, nhưng chẳng ai vội vã. Không một cái gì bức bách họ cả. Có người gặp cặp mắt thèm muốn, khổ não của chú cũng phải nhìn, đoán xem vì sao chú hấp tấp, tiều tụy như vậy, rồi phá lên cười, làm chú tức điên lên được. Họ nghĩ gì? Những người bề ngoài ung dung tự tại ấy đang phỏng đoán gì về chú? Chú muốn hét lên! “Các ông cười như thế là các ông thô lỗ quá lắm! Sao các ông không hiểu rằng tôi dù mệt mà có ngã gục trước cổng trường đã đóng chặt, thì tôi cũng cam tâm cơ mà!”
Một bức tường sơn đỏ, giữa là hai cánh cửa sắt, ngăn khoảng vườn trước mặt trường với đường phố. Khi chú còn cách bức tường ấy vài chục bước, tiếng chuông cầu nguyện buổi sáng từng hồi lảnh lót đập vào tai chú. Lúc này chú không còn sức bước nữa, đừng nói là chạy. Chú cứ bổ nhào về phía trước, hai chân lảo đảo, run rẩy di chuyển, cố giữ cho người khỏi dụi xuống. Cho đến lúc chú tới trước cổng trường thì tiếng chuông đã dứt rồi.
Người gác cổng, to béo, râu xồm xoàm, trông biết ngay là công nhân, đang đóng cổng.
— Ê... - Chú gọi to. Để cho chú Buddenbrook vào biết đâu, biết đâu chú ta chẳng thoát! Chỉ cần len lén đi vào, chờ xong giờ cầu nguyện buổi sáng ở Cung thể thao, vờ vĩnh như không có gì xảy ra, thế là thoát! Chú thở hổn hển, mệt mỏi, rã rời, người đẫm mồ hôi lạnh. Chú lặng lẽ đi qua sân lát gạch, qua cái cửa lắp kính màu, vào phòng.
Trong trường cái gì cũng mới tất, cái gì cũng sạch sẽ, đẹp mắt cả, đúng với tinh thần của thời đại. Ngôi trường cũ bẩn thỉu, xám xịt, nơi ông cha lớp trẻ này ngồi học đã phá đi rồi, thay vào đó là một tòa nhà mới tráng lệ, khang trang. Mặc dù cả khối thì vẫn giữ nguyên hình dáng cũ, hành lang và các vòm trần nhọn kiểu gô-tích hùng vĩ, nhưng thiết bị ánh sáng và lò sưởi phòng học, phòng nghỉ của thầy giáo, thiết bị thí nghiệm ở phòng hóa, phòng vật lý, phòng họa, tất cả đều theo nguyên tắc thuận lợi, thoái mái của thời đại mới...
Hanno Buddenbrook mệt rã rời, ngồi tựa vào tường, nhìn bốn chung quanh... Không có ai cả, cảm ơn Chúa! Không ai trông thấy chú. Tiếng người ồn ào từ xa vọng lại, học sinh và thầy giáo ùa về phía Cung thể thao, sửa soạn cầu nguyện được Chúa cổ vũ ứng phó với mọi công việc nặng nề trong tuần. Nhưng ở đây thì vắng lặng như nhà mồ. Trên cầu thang trải thảm cũng không có ai lên xuống. Hanno nhón chân, nín thở, hồi hộp lắng nghe động tĩnh, vừa rón rén bước lên. Phòng học của chú và phòng học của học sinh thực hành năm thứ sáu, thứ bảy ở gác hai, đầu cầu thang. Lúc đến bậc cuối cùng, chú rướn người nhìn hành lang. Hai bên hành lang là phòng học có treo bảng sứ ở ngoài. Chú dấn bước, nhanh nhẹn đi vào phòng mình.
Phòng học trống trải. Ba cửa sổ lớn vẫn chưa kéo màn che. Ngọn đèn măng-sông từ trên trần nhà vẫn sáng, kêu xè xè trong bầu không khí yên tĩnh. Ánh sáng xuyên qua chao đèn màu xanh, chiếu vào ba dãy bàn đôi màu nâu nhạt. Đối diện với những dãy bàn học là bục giống màu nâu đậm, trông thật trang nghiêm. Trên tường, phía sau bục giảng là bảng đen. Nửa dưới bốn bức tường đều ghép gỗ, nửa trên xây đá, treo mấy tấm bản đồ. Bên bục giảng lại có một chiếc bảng đen nữa đặt trên giá gỗ.
Chỗ của Hanno gần chính giữa. Chú đi tới bỏ cặp sách vào ngăn, ngồi phịch xuống ghế, hai tay để lên mặt bàn, gục đầu vào vòng tay. Chú cảm thấy thanh thản, yên tĩnh. Gian phòng trống trải, lạnh lẽo này vốn đáng ghét, chẳng có gì hấp dẫn đối với chú, hơn nữa bao nhiêu mối đe dọa đang đè nặng lên chú, buổi sáng nay. Nhưng trước mắt thì chú rất yên tĩnh, thể xác không còn căng thẳng nữa, chú có thể yên tâm chờ đợi những việc sẽ phải xảy đến. Cứ nói ngay tiết đầu bài thần học của thầy Ballerstedt thì yên trí lắm rồi! Nhìn những tờ giấy ở những lỗ thông hơi trên tường bay phất phới có thể thấy không khí ấm áp đang tràn vào, ngọn đèn cũng làm cho căn phòng bớt lạnh. Ôi, giá ở đây có thể ngồi thẳng người để cho tay chân tê cóng được giãn dần, ấm dần trở lại! Một luồng khí âm ấm rất dễ chịu mà cũng rất không lành mạnh bốc lên đầu, hai tai chú ù ù, mắt hoa lên.
Bỗng nghe tiếng lao xao ở phía sau, bất giác chú giật mình quay lại... Kìa, cậu bá tước Kai ló nửa người trên chiếc bàn dài phía sau. Cậu bé con nhà quý tộc này lồm ngồm đứng dậy, phủi bụi ở tay, hớn hở đi về phía Hanno Buddenbrook.
— Ôi, mày đấy à, Hanno! Tao nấp ở đàng sau, lúc mày đi vào, cứ ngỡ là thầy giáo nào!
Tiếng cậu ta khàn khàn, cậu ta đang vỡ giọng. Điều đó xảy đến với cậu ta sớm hơn Hanno. Thân hình cậu ta cũng cao bằng Hanno, ngoài ra cậu ta chẳng có gì khác trước. Quần áo cậu ta mặc không ra màu gì, khuy đứt hết, đít quần vá một miếng to tướng. Tay cậu ta bẩn thỉu, nhưng mặt mũi thì khôi ngô. Dáng điệu cao quý, ngón tay nhỏ và dài, móng tay nhọn. Mái tóc vàng sẫm, rẽ giữa, xõa xuống vầng trán trắng mịn như thạch cao, đôi mắt màu xanh nhạt, vừa thông minh vừa sắc sảo. Sống mũi hơi gãy, môi trên cong lên một chút. Cốt cách cao quý và vẻ ngoài lúi xùi của cậu ta lúc này càng thấy tương phản hơn lúc nào hết.
— Ôi, Kai! - Hanno xệch miệng, đưa một tay lên áp vào tim - Mày làm tao hết hồn! Mày làm gì ở đây thế? Sao lại nấp? Mày cũng đến muộn đấy à?
— Đâu có! - Kai trả lời - Tao đến sớm lắm chứ! Sáng thứ hai ai cũng muốn đến trường sớm, mày còn lạ gì! Tao có đến muộn đâu, nấp để đùa thôi! Hôm nay đến phiên cái ông giáo “uyên thâm” trực nhật, ông ta lùa mọi người đi cầu nguyện, cho làm như thế chẳng có gì ngang ngược cả. Vậy là tao trốn sau lưng ông ta, mặc cho nhà thần bí ấy quay đi quay lại, dòm ngược dòm xuôi, tao cứ bám chặt ông ta cho đến lúc ông ta ra thì tao ở lại... Còn mày? - Cậu ta nói, tỏ vẻ thương hại rồi ngồi xuống cạnh Hanno - Mày chạy phải không? Tội nghiệp chưa! Mày chạy thở không ra hơi, tóc tai bết cả vào thái dương!... - Cậu ta cầm cái thước trên mặt bàn, gạt những sợi tóc ở trước trán Hanno - Mày ngủ quên à? Tao ngồi chỗ thằng - cậu ta ngừng lại, đưa mắt nhìn quanh - chỗ của trưởng lớp đấy! Không sao, có gì mà sợ? Mày ngủ quên phải không?
Hanno gục mặt vào cánh tay, thở dài, nói:
— Hôm qua tao đi xem hát!
— Ừ nhỉ, tao quên mất. Có hay không?
Kai không được bạn trả lời.
— Thật là tuyệt! - Cậu ta khuyên Hanno - Mày nên nhớ điều này, Hanno. Tao chưa hề được bước chân tới cửa rạp hát đâu nhé! Bao nhiêu năm sau nữa, tao cũng chẳng có hy vọng....
— Đi xem về mà không có điều gì làm cho phải buồn thì hay biết bao nhiêu!
— Đúng như thế. Cái ấy tao hiểu - Kai nhặt mũ và áo khoác của bạn vứt dưới đất, ở cạnh ghế lên, nhẹ nhàng đem ra hành lang.
— Thế là mày chưa thuộc bài thơ Biến dạng ư? - Cậu ta đi vào hỏi bạn.
— Chưa! - Hanno trả lời.
— Mày làm xong bài kiểm tra địa lý rồi chứ?
— Tao chưa làm được tí gì cả!
— Bài hóa và bài Anh văn cũng chưa ư? Tuyệt! Chúng ta giống nhau quá! - Kai tỏ vẻ thanh thản - Tao cũng giống mày - Cậu ta phấn chấn tuyên bố - Thứ bảy tao không học, bởi vì hôm sau là chủ nhật. Chủ nhật cũng không học, bởi vì là ngày của Chúa! Không... Đùa đấy thôi! Chính là vì muốn làm một vài việc có ý nghĩa hơn - cậu ta nói, giọng nghiêm nghị, mặt hơi đỏ - Đúng như thế, hôm nay mệt quá, Hanno ạ!
— Nếu bị điểm xấu - Johann nói - thì tao sẽ phải lưu ban. Ông giáo dạy La-tinh mà gọi thì nhất định bị điểm xấu thôi. Hôm nay bắt đầu từ vần B, chẳng còn cách nào khác!
— Cứ để xem! Nói dối thế nào? “Điều ta sợ còn nấp sau lưng ta, giấu mặt...” - Kai không đọc hết câu, cậu ta hơi lúng túng. Cậu ta đi lên bục giảng, ngồi lên tay vịn ghế của ông giáo, mặt nghiêm nghị, lắc lắc cái ghế. Hanno Buddenbrook vẫn gục đầu vào hai tay bắt tréo. Cứ như thế cả hai đều ngồi im lặng.
Bỗng có tiếng rầm rập từ xa, một chốc trở nên ồn ào, chỉ nữa phút sau là ùa vào phòng.
— Chúng nó về rồi đây kia - Kai giận dữ nói - lạy Chúa, chúng nó làm nhanh quá, không đầy mười phút!
Cậu ta từ trên bục giảng đi ra cửa, trà trộn vào đám đông, còn Hanno thì ngồi yên, chỉ ngửng đầu lên, môi run run.
Đám đông mỗi lúc một đến gần, tiếng chân rào rào, giọng ồ ồ của người lớn, giọng the thé của trẻ con và cả giọng rè rè của những cậu đã đến tuổi dậy thì hòa vào nhau. Họ ùa lên cầu thang rồi chen nhau ở hành lang, tràn vào. Phòng bỗng sôi nổi hẳn lên. Bọn họ là bạn học của Hanno và Kai, học sinh năm thứ sáu, thứ bảy. Cả thảy hai mươi lăm, hai mươi sáu người, có anh cho tay vào túi quần, có anh lắc la lắc lư đi đến chỗ ngồi, giở quyển Kinh thánh ra. Bọn họ có anh mạnh khỏe, ai cũng thích, có anh lù đù, nhìn đã thấy ghét. Có anh cao to lực lưỡng, chỉ ít nữa sẽ bắt đầu đi buôn hoặc đi biển, bọn họ không thiết gì học hành nữa. Lại có những cậu tuổi tuy còn nhỏ, nhưng có chí, không rời quyển sách, rất tài học thuộc lòng. Lớp trưởng Adolf Todtenhaupt thì cái gì cũng biết, không có câu hỏi nào mà không trả lời được. Cố nhiên, vì cậu ta chăm học nhưng cũng vì thầy giáo tránh hỏi cậu ta những câu mà cậu ta bí. Giả dụ các vị thấy không trả lời được thì các vị xấu hổ, lòng tin của các vị đối với con người bị lung lay! Đầu của Adolf rất to, mái tóc vàng nhạt chải mượt, bóng như gương. Đôi mắt xám, quầng thâm, chiếc áo ngắn khoác ngoài sạch sẽ, cánh tay đen sì thò ra ngoài ống tay áo ấy. Cậu ta ngồi xuống cạnh Hanno Buddenbrook, cười cười có vẻ ranh mãnh, chào người bạn cùng bàn bằng một tiếng lóng lưu hành trong học sinh, người ngoài nghe không hiểu được. Khi những bạn chung quanh thì thầm nói chuyện, chuẩn bị bài vở, ngáp vặt hoặc cười ha hả, thì cậu ta đã bắt đầu giở tập ra viết, ngón tay gầy guộc đưa cán bút duỗi thẳng, đúng kiểu cách, không chê vào đâu được.
Độ hai phút sau có tiếng chân từ ngoài bước vào. Mấy cậu ngồi bàn trước từ từ đứng dậy, lác đác cũng có những cậu ngồi ở bàn sau đứng dậy theo, nhưng phần lớn vẫn tiếp tục làm bài, không hề để ý đến người vừa vào. Người vừa vào là ông giáo Ballerstedt, ông ta treo mũ sau cánh cửa rồi bước lên bục.
Ông giáo Ballerstedt trạc ngoài bốn mươi, người béo đậm, đầu hói một mảng, bộ râu đỏ hoe cắt rất ngắn. Ông cầm sổ ở tay, lặng lẽ lật từng trang. Lớp học vẫn chưa yên lặng, ông ngước đầu lên, giơ tay trắng trẻo, mềm mại ra vẫy vẫy. Mặt ông đỏ lên, bộ râu ở cằm hầu như biến thành màu vàng nhạt, ông lắp bắp dễ đến nửa phút, cuối cùng mới bật ra được một tiếng “thôi”, nghe như rên rỉ, như bị nén lại. Ông định quở trách một câu gì đó nhưng lại không nói. Sau đó, ông trở về với cuốn sổ ghi điểm, thở dài, lúc ấy mới bình tĩnh trở lại được. Ông giáo Ballerstedt là người như thế đó!
Trước kia, ông định làm một nhà truyền giáo, nhưng ông có tật nói lắp, hơn nữa, ông không thể quên được cuộc sống thoải mái, trần tục, nên đành làm nghề dạy học vậy. Ông chưa lấy vợ, có chút ít của, tay đeo chiếc nhẫn kim cương không lớn lắm. Ông thích nhất là đánh chén. Ông quan hệ với các ông giáo khác chỉ về phương diện chức vụ, nghề nghiệp. Ông thường giao du với các vị thương nhân sống độc thân trong thành phố và các vị sĩ quan bảo vệ. Ngày hai bữa, ông đến ăn ở hiệu ăn ngon nhất. Ông còn là hội viên của câu lạc bộ. Có khi, vào quãng hai ba giờ đêm, ông gặp những cậu học sinh lớn tuổi ở một chỗ nào đó trong thành phố, mặt ông đỏ nhừ, chào qua một tiếng. Cả hai bên không bên nào nói ra, nhưng đều muốn làm lơ cho qua đi. Hanno Buddenbrook không sợ ông ta chút nào, mà từ trước tới nay, ông ta cũng không hỏi han gì Hanno cả. Ông giáo này đã nhiều lần đụng đầu với ông Christian, chú của Hanno, trong những cuộc ăn chơi dễ bộc lộ khuyết điểm nào đó của con người, nên không muốn đụng chạm tới cháu của ông Christian...
— Thôi! - ông nhắc lại, nhìn khắp phòng một lượt, vẫy vẫy bàn tay mềm mại đeo nhẫn kim cương, rồi nhìn vào cuốn sổ ghi điểm - Perlemann tóm lược!
Từ một chỗ trong lớp, Perlemann đứng dậy. Hầu như không ai biết cậu đứng dậy, bởi vì cậu lùn tịt, nhưng học khá.
— Tóm lược - cậu ta nói khe khẽ, lễ phép, vươn dài cổ, cười bẽn lẽn, - Übersicht có ba tập, tập đầu viết về Über trước khi bị trừng phạt. Chương một, phần thứ nhất đến phần thứ sáu. Tập hai: khi chịu trừng phạt và sau khi chịu trừng phạt; tập ba...
— Tốt lắm, - Ông giáo cắt ngang câu trả lời của cậu. Thái độ phục tùng dễ bảo của cậu học sinh này làm cho ông cảm kích. Ông ghi điểm tốt vào sổ - Heinricy đọc tiếp - là một trong những học sinh vóc người cao lớn, bọn này không bao giờ để ý đến học hành. Cậu ta đút vội con dao gấp đang cầm nghịch ở tay vào túi quần, đứng dậy xô bàn ghế lỉnh kỉnh. Môi dưới cậu ta trễ xuống, cậu ta đọc bài giọng ồm ồm như người lớn. Học sinh rất không bằng lòng thấy ông giáo không để cho Perlemann đọc tiếp mà gọi người khác. Trong căn phòng ấm áp này, dưới ngọn đèn măng-sông kêu xè xè, học sinh ngồi mơ màng, nửa thức nửa ngủ. Cậu nào cũng còn mệt mỏi vì ngày chủ nhật. Lúc sáng sớm, giá lạnh, mây mù dày đặc, cậu nào cũng thở dài chui trong chăn ấm ra, hai hàm răng đánh lập cập. Ai cũng mong cho Perlemann đọc nốt, suôn sẻ cho tiết học này uể oải qua đi. Thế mà ông giáo lại gọi Heinricy, nhất định sẽ lôi thôi mất! Heinricy nói cộc lốc:
— Hôm giảng bài này, con nghỉ!
Ông Ballerstedt đỏ mặt, giơ nắm đấm mềm nhũn ra, môi mấp máy, trợn mắt nhìn. Đầu ông ta run run vì ông ta cố sức nói. Cuối cùng ông ta bật ra được hai tiếng: “Được rồi!”, bấy giờ thì hình như mới bớt căng thẳng.
— Xưa nay anh chưa trả lời được câu hỏi nào cả! - Lúc này ông ta nói, ung dung trôi chảy - Bao giờ anh cũng tìm được cớ này cớ nọ! Nếu lần trước anh ốm, thì mấy hôm sau, anh phải học bù chứ! Với lại, phần thứ nhất nói về tình hình trước khi chịu nạn, phần thứ hai nói về khi chịu nạn, thì nhắm mắt lại anh cũng có thể biết phần thứ ba nói về sau lúc chịu nạn chứ! Chẳng chịu để tâm gì đến bài vở cả. Chẳng những anh không thuộc bài mà anh còn dung thứ cho cái sai của mình, biện hộ cho mình nữa. Anh nên nhớ rằng, như thế này thì anh không thể theo kịp người khác được đâu, không thể giỏi được đâu! Ngồi xuống! Wasservogel đọc tiếp... Heinricy ngồi xuống, thái độ kiêu ngạo, bất cần, xô bàn ghế lỉnh kỉnh. Cậu ta nói thầm với thằng bạn ngồi cạnh một câu vô lễ gì đó rồi lại rút con dao ra, Wasservogel đứng dậy. Đó là một cậu bé mắt xanh, mũi hếch, tai vểnh, móng tay bị cắt cụt lủn. Cậu lắp ba lắp bắp nói cho hết phần tóm lược, rồi bắt đầu đọc đoạn Über tới, đọc đến đoạn Über chịu nạn. Cậu giở cuốn Cựu ước để ngay sau lưng một cậu học sinh khác ngồi trước mà đọc một cách ngây thơ, chăm chú, sau đó ấp úng đọc đến đoạn dịch tiếng Đức hiện đại viết chưa thông, chốc chốc lại ho một tiếng. Trông thằng bé thật đáng ghét, nhưng ông giáo lại hết sức khen ngợi sự cố gắng của nó. Nó vốn được ông Ballerstedt yêu nhất, bởi vì hầu hết các ông giáo đều khen nó, các ông đều muốn tỏ cho nó biết là, các ông không vì một em nào đó mặt mũi xấu xí mà không bằng lòng!
Bài thần học qua đi như thế. Sau đấy, còn một vài cậu học sinh bị gọi cũng đều để kiểm tra sự hiểu biết về Über. Gottlieb Kaßbaum, con trai một nhà buôn lớn, bị phá sản, mặc dù cảnh nhà khốn đốn, nhưng vẫn được điểm cao vì cậu trả lời rất đúng. Über có bảy ngàn con cừu, ba ngàn con lạc đà, năm trăm con bò, năm trăm con lừa và vô số nô lệ.
Sau đó, học sinh được phép giở những cuốn sách đã giở sẵn, bắt đầu học bài mới. Mỗi lần gặp chỗ cần giải thích, ông giáo lại đỏ mặt, nói “thôi” và sau sự chuẩn bị ấy, ông bắt đầu giảng đoạn đó kèm theo những lời thuyết lý về đạo đức mà những người lớn tuổi hay nói. Không ai nghe ông giảng cả. Trong phòng bao trùm một bầu không khí yên tĩnh và mệt mỏi. Hơi nóng tăng dần, ngọn đèn vẫn cháy, nhiệt độ trong phòng mỗi lúc một cao, không khí lại bị hai mươi lăm con người hít thở và tỏa nhiệt làm cho vẩn đục. Hơi nóng, tiếng ngọn đèn kêu xè xè và tiếng giảng bài trầm trầm, đơn điệu làm cho đầu óc các cậu học sinh mệt mỏi. Ai nấy đều ở trong tình trạng nửa thức nửa ngủ. Trước mặt cậu bá tước Kai, ngoài cuốn kinh thánh ra, còn có cả quyển Truyện kinh dị của Edgar Poe cậu ta đang xem rất chăm chú, bàn tay nhỏ nhắn nhưng bẩn thỉu chống đầu. Hanno Buddenbrook ngả người tựa ra phía sau, miệng há hốc, đôi mắt mơ màng buồn ngủ nhìn cuốn Übersicht, chữ trên trang sách đã biến thành những vết đen kịt từ bao giờ rồi. Có khi chú nghĩ đến bản Gral hành khúc hoặc bản Hôn lễ tiến hành khúc. Hai mi mắt của chú từ từ khép lại, chú cảm thấy chua xót trong lòng. Chú thầm mong cho buổi sáng nay cứ tiếp tục bình yên vô sự như thế mãi.
Mọi cái đều xảy ra như thường lệ, không có chuyện gì. Cuối cùng, tiếng chuông đinh tai nhức óc của người coi trường vang lên. Tiếng chuông xuyên qua hành lang, thức tỉnh hai mươi lăm bộ óc đang chìm trong giấc ngủ thoải mái.
— Giảng đến đây đã! - Ông giáo Ballerstedt bảo mang cuốn sổ nhật ký của nhà trường lên, ông ký vào để chứng tỏ rằng ông đã làm tròn trách nhiệm trong tiết học đó.
Hanno Buddenbrook gấp quyển Kinh thánh lại, ngáp dài, vươn vai. Khi chú duỗi thẳng tay chân ra, chú không thể không hít thở một hơi thật sâu để cho quả tim trì trệ, không còn ứng phó nổi với công việc, đập mạnh một chút. Bây giờ thì bắt đầu sang bài La-tinh... Chú đưa mắt cầu cứu Kai, nhưng Kai dường như không để ý là đã hết giờ, vẫn chăm chú vào cuốn sách kia. Hanno lấy ở cặp tập thơ Ovid bìa giấy hoa cẩm thạch, giở đoạn hôm nay phải đọc thuộc lòng. Những dòng chữ đen có chú thích bằng bút chì, cứ năm dòng một đoạn, đang nhìn chú một cách xa lạ, khó hiểu. Bây giờ muốn học thuộc lấy vài dòng cũng khó. Ý nghĩa cũng không nắm được nữa là học thuộc lòng.
Còn đoạn dưới hôm nay phải chuẩn bị, chú cũng không hiểu câu nào.
— Deciderant, patula jovis arbore glandes[140] là gì nhỉ? - Chú tuyệt vọng hỏi Todtenhaupt đang ghi vào sổ của lớp - Khó hiểu quá! Chỉ làm khổ người ta!
— Cái gì? - Todtenhaupt nói, rồi vẫn viết tiếp - jovis là cây gì... Chà, mình chẳng hiểu gì cả.
— Tớ bị gọi, nhớ nhắc tớ với nhé! Hanno cầu khẩn, đẩy cuốn sách sang một bên. Cậu học sinh giỏi nhất lớp ấy lơ đãng gật đầu, đẩy cuốn sách sang một bên. Hanno buồn rầu nhìn cậu ta, dịch ghế, đứng dậy.
Tình hình lớp học thay đổi hoàn toàn. Ông giáo Ballerstedt rời văn phòng. Bây giờ trên bục giảng là một người khô đét, yếu ớt như sắp bị gió xô ngã, người thẳng đuồn đuột. Ông ta để bộ râu lơ thơ, cổ đỏ gay, khẳng khiu vươn khỏi cổ áo, bàn tay nhỏ nhắn đầy lông, cầm cái mũ để ngửa. Các cậu học sinh đặt cho ông ta cái bí danh “con nhện”, tên thật ông ta là Hückopp. Vì ông ta làm nhiệm vụ giữ trật tự ở hành lang trong giờ nghỉ, nên ông ta vào lớp kiểm tra.
— Tắt đèn đi! Kéo màn cửa lên! Mở cửa sổ ra! - Ông ta cố làm cho giọng nói yếu ớt của mình thành mệnh lệnh, cánh tay nặng nề cứng nhắc quơ trên không, trông như cái tay cầm cong cong của bộ phận mở cửa!...
Đèn tắt, màn cửa kéo lên, ánh sáng nhạt nhẽo chiếu vào phòng, lớp sương mù ẩm ướt cũng ùa vào qua cửa sổ mở rộng. Các cậu học sinh chen chúc nhau đi cạnh ông giáo Hückopp ra ngoài. Chỉ một mình trưởng lớp được ở lại mà thôi.
Hanno gặp Kai ở cửa phòng, hai cậu đi cạnh nhau xuống cầu thang rộng. Cả hai cùng trầm lặng. Hanno trông bộ thê thảm, còn Kai thì đang suy nghĩ điều gì. Trong sân, học sinh lớn bé đang chạy nhảy trên nền lát gạch đỏ, ướt át. Hai cậu lẫn vào đám đông đi đi lại lại.
Trực ban trong sân là một ông giáo còn trẻ, bộ râu vàng khè nhọn hoắt, ăn mặc chải chuốt, tiến sĩ Goldener. Ông ta lập một ký túc xá chỉ cho học sinh con nhà quý tộc và các điền chủ giàu có ở hai nơi ở mà thôi. Ông ta bị ảnh hưởng của các ông lớn gửi con cho ông ta trông coi, nên ông ta hết sức trau chuốt bề ngoài, khác hẳn bạn đồng nghiệp. Ông Goldener thắt cà vạt lụa hoa, áo ngoài rất đúng mốt, quần màu nhạt, phía dưới ống có dải buộc vào gót giày, khăn mùi soa thêu bốn chung quanh, nước hoa thơm nức. Vốn xuất thân trong một gia đình hèn kém, nên cách ăn mặc sang trọng ấy chẳng hợp với ông ta chút nào. Ví dụ, bàn chân to bè của ông ta lại đi một đôi giày mõm nhái thì buồn cười chết đi được! Không hiểu vì lẽ gì ông ta lại tỏ ra kiêu hãnh vì đôi bàn tay beo béo, đỏ gay của ông ta. Ông ta cứ xoa xoa tay rồi vòng lại, hoặc giơ ra ngắm nghía. Ông ta thích ngả đầu ra phía sau chớp mắt, nhăn mũi, há miệng làm trò như muốn nói: “Lại xảy ra chuyện gì rồi?”. Nhưng ông ta vẫn xem mình như một người cao thượng, trang nhã, cho nên ông ta làm ngơ trước những việc vi phạm kỷ luật trong sân. Ông ta không trông thấy bọn học sinh đem cả sách xuống tranh thủ chuẩn bị bài. Ông ta không trông thấy những cậu học sinh trong ký túc của ông ta đưa tiền cho người gác cổng mua quà. Ông ta không trông thấy hai cậu năm thứ tư, thứ năm đang đánh nhau, người đang xúm lại xem, cũng không trông thấy có cậu làm chuyện gì đó tồi tệ, bị chúng bạn dồn đến vòi nước, té nước trừng phạt!
Kai và Hanno đi đi lại lại giữa đám học sinh nghịch ngợm và dồi dào sức lực ấy. Các cậu lớn lên trong bầu không khí dũng mãnh và vô địch của tổ quốc đang phục hồi. Các cậu hâm mộ khí phách của kẻ trượng phu không gì gò bó. Các cậu nói chuyện với nhau bằng tiếng lóng rất độc đáo. Các cậu hâm mộ những võ sĩ hút thuốc lá, uống rượu, cường tráng, và xem khinh những chàng công tử yếu đuối, khiếp nhược. Anh nào đó để lật cổ áo lên sẽ bị các cậu dội nước lạnh cho; anh nào cầm ba-toong ra đường sẽ bị các cậu trừng trị nên thân trước mọi người ở Cung thể thao.
Trong không khí ẩm ướt, lạnh lẽo và giữa đám đông ồn ào ấy, Hanno và Kai tỏ ra rất đặc biệt, nói năng khác hẳn mọi người. Tình bạn giữa hai cậu, từ lâu cả trường đều biết. Các thầy giáo không nói gì, nhưng trong bụng không bằng lòng, bởi vì các vị nghi ngờ đằng sau tình bạn ấy có ẩn giấu điều gì đó không bình thường, không đứng đắn. Những học sinh không hiểu, thường nhìn hai cậu bằng con mắt ngờ vực, độc ác, xem hai cậu như “kẻ ở ngoài vòng pháp luật”[141], những kẻ kỳ quái, mặc hai cậu muốn làm gì thì làm. Cậu bá tước Kai còn được người ta kính nể, vì cậu ta hung hãn, còn như Hanno Buddenbrook thì ngay cả Heinricy kia là kẻ gặp ai cũng đánh mà cũng không gây gổ với chú vốn nhút nhát. Mái tóc mềm mại, tay chân yếu ớt, ánh mắt lạnh lẽo, xấu hổ, u uất của Hanno làm cho Heinricy sợ hãi một cách vô cớ.
— Mình sợ - Hanno dừng lại, dựa lưng vào tường ở sân nói với Kai, cậu ngáp dài, run lẩy bẩy, kéo chặt cổ áo ngoài - không hiểu sao mình lại sợ, sợ đến rụng rời chân tay. Chả nhẽ ông giáo Mantelsack lại dễ sợ đến như thế kia ư? Hãy nói xem! Giá cái giờ Ovid đáng ghét kia qua đi có hay không! Bị điểm kém sẽ phải lưu ban, mình không sợ cái đó, nếu lọt qua được thì hay hơn! Mình sợ là sợ những cái ấy cùng một lúc làm cho loạn xạ cả lên...
Kai im lặng suy nghĩ. Bỗng cậu ta nói:
— Dưới ngòi bút của nhà văn, cái anh chàng Roderich Usher thật là một nhân vật kỳ diệu. Vừa rồi, tao ngồi xem hết cả một tiết... Lúc nào tao viết được những chuyện hay như thế thì tuyệt quá!
Bấy lâu nay, Kai đang tập viết văn. Sáng nay cậu ta nói cậu ta có việc cấp thiết hơn cả học hành, chính là chuyện ấy. Hanno hiểu ý cậu ta. Từ bé, Kai rất thích kể chuyện, bây giờ thì thích viết văn. Trước đây ít lâu, cậu ta viết một truyện trẻ con, một câu chuyện tưởng tượng có tính chất ly kỳ trong đó tất cả đều hư ảo, câu chuyện xảy ra cùng một lúc trong lòng đất sâu thẳm, rực lửa thần bí, kim loại bị nung chảy, và trong linh hồn bí hiểm của con người! Sức mạnh nguyên thủy của giới tự nhiên và của linh hồn hòa hợp với nhau rất phức tạp, cùng biến hóa và cùng tôi luyện một cách hết sức kỳ lạ. Truyện viết bằng một lời văn thiết tha hấp dẫn, nhưng mềm yếu lãng mạn, và có vẻ sắp đặt giả tạo.
Tác phẩm ấy, Hanno biết rõ lắm và rất thích. Nhưng bây giờ chú còn tâm trí nào để nói chuyện viết văn hoặc truyện của Edgar Poe với Kai nữa! Ngáp xong, chú lại thở dài, cuối cùng chú nhẩm một điệu nhạc mà chú vừa sáng tác khi chơi dương cầm. Cái đó với chú đã thành thói quen. Chú thích thở dài và hít thật sâu một hơi cho trái tim mệt mỏi kiệt sức của chú hoạt động trở lại. Rồi sau khi hít thở, chú quen hát một đoạn nhạc của người khác hay của chú sáng tác.
— Xem kia, “Thượng đế thân mến” đã đến kia kìa. Kai nói - Ông ta vào vườn hoa hóng mát đấy!
— Một vườn hoa tuyệt đẹp - Hanno nói rồi không nhịn được cười. Chú cười như nắc nẻ không thể nào dừng lại được. Chú vừa đưa tay lên bưng miệng vừa nhìn người mà Kai gọi là “Thượng đế thân mến”.
Người xuất hiện trong sân là bác sĩ Wulicke hiệu trưởng trường này. Ông cao một cách kỳ dị, mũ đen rộng vành, râu quai nón cắt ngắn, bụng phình ra nhọn hoắt, quần ngắn cũn cỡn, ống tay áo hình phễu lúc nào cũng bẩn. Ông ta vội vã đi qua con đường lát đá, mặt hầm hầm, trông như người chịu tội. Ông ta giơ tay chỉ vòi nước... Nước đang chảy kìa! Mấy cậu học sinh chạy tới, tranh nhau khóa lại. Các cậu đứng lại nhìn vòi nước, lại nhìn ông hiệu trưởng, vẻ sợ sệt. Lúc này ông hiệu trưởng đã quay đi. Bằng giọng trầm trầm, ông ta nói chuyện với bác sĩ Goldener mặt đỏ gay đỏ gắt, vừa chạy tới. Giọng nói của ông ta lẫn những âm thanh môi, nghe không rõ.
Ông hiệu trưởng Wulicke là người nghiêm khắc, dữ tướng. Ngày xưa, khi bố và chú của Hanno còn đi học, hiệu trưởng là một ông giáo già hiền lành, ông ta mất năm 1871. Bác sĩ Wulicke đến thay. Ông vốn là một giáo viên trung học, từ ngày được bổ về đây thì cái trường cổ lỗ này bỗng có một tinh thần mới. Nền giáo dục trước kia nhằm đem lại cho người ta niềm vui, những người được hưởng nền giáo dục ấy đều rất hòa nhã, ung dung, theo chủ nghĩa khoái lạc. Còn ngày nay thì những quan niệm như uy tín, trách nhiệm, quyền lực, chức vụ, sự nghiệp, lại trở thành những cái tối cao. “Mệnh lệnh tuyệt đối của Kant, nhà triết học của chúng ta” là ngọn cờ mà ông hiệu trưởng Wulicke phất lên mỗi khi ông đăng đàn diễn thuyết trong các buổi lễ. Trường học này trở thành một quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn. Kỷ luật nghiêm minh kiểu Phổ của ông chiếm địa vị thống trị tuyệt đối ở đây. Ở đây không những thầy giáo mà cả học sinh đều coi mình là những viên chức của nhà nước. Điều họ quan tâm duy nhất là lên chức, vì vậy họ mong được lòng kẻ có quyền hành. Ông hiệu trưởng này đến nhận chức ít lâu thì nhà trường được sửa chữa và mở rộng theo quan niệm vệ sinh và thẩm mỹ tối tân. Cuối cùng, công trình được hoàn tất một cách thuận lợi. Chỉ có điều là trước kia, ở đây tuy có thiếu thiết bị hiện đại nhưng lại tràn đầy tình hữu ái và lòng từ thiện. Ai nấy đều vui vẻ, thoải mái và có thiện ý. Phải chăng lúc bấy giờ trường học là nơi người ta cảm thấy thích thú, hạnh phúc hơn bất cứ ở đâu?
Nói đến bản thân ông hiệu trưởng Wulicke thì đó là một nhân vật bí hiểm, ám muội, hay ghen ghét và đáng sợ như Thượng đế trong Cựu ước. Ông ta cười cũng làm cho người ta sợ như khi ông ta nổi cơn thịnh nộ. Ông ta lợi dụng quyền bính vô hạn độ của ông ta để tác oai tác quái. Ông ta có thể nói đùa để làm vui nhưng người bị ông ta đùa thì nổi giận, toàn thân run lên mà không biết làm thế nào. Chỉ có một cách là đề phòng đừng để mình thành vật hy sinh cho cơn thịnh nộ của ông ta, đừng để cái chính nghĩa vô tư của ông ta nghiền nát, tức là trước mặt ông ta thì tỏ ra nhún nhường hết mức và nâng ông ta lên tận mây xanh!
Cái biệt hiệu kia Kai đặt cho ông ta chỉ có cậu và Hanno Buddenbrook dùng với nhau mà thôi. Hai cậu không để cho bọn học sinh biết, sợ chúng nó không hiểu rồi nhìn các cậu bằng con mắt lãnh đạm, thờ ơ... Cái đó, các cậu biết lắm rồi. Không, không có việc nào các cậu đồng tình với bọn họ được. Thậm chí bọn họ lấy việc chống đối và báo thù làm vui, thì hai cậu lại không lấy làm điều. Bọn họ thích gọi người khác bằng biệt hiệu, hai cậu lại không thú, bởi vì hai cậu thấy cái biệt hiệu họ đặt cũng chẳng có gì buồn cười cả. Gọi ông Hückopp là “con nhện”, gọi ông Ballerstedt là “con vẹt trắng” thì tầm thường, vô vị, chẳng hay ho chút nào. Ông Ballerstedt chẳng qua chỉ là cái bung xung chịu đựng những lời chỉ trích chế độ giáo dục nghiệt ngã mà thôi. Không, cậu bá tước Kai châm biếm hơn bọn họ nhiều. Cậu ta gọi tên thật các ông giáo, có điều trước cái tên đó, cậu ta thêm chữ “herr”[142] vào. Gọi như thế nghe có ý vị trào phúng, lạnh nhạt, “kính nhi viễn chi”. Các cậu mệnh danh bọn họ là “nhân viên giáo dục”. Trong giờ nghỉ, các cậu thích hình dung một người nào đó thành một con quái vật rất dễ sợ để làm trò cười. Các cậu nói đến trường học như là nói đến “bệnh viện tâm thần”, nơi mà chú của Hanno đang nằm.
“Thượng đế thân mến” đứng ngây ra giữa sân, chỉ vào những tờ giấy gói bánh bao vứt bừa trên con đường lát đá, la hét om sòm, làm cho mọi người tái mặt. Kai thấy cảnh ấy càng thích thú. Cậu ta kéo Hanno đi ra cửa. Ông giáo dạy tiết thứ hai đang từ cửa này đi ra vườn. Kai cúi chào. Ông ta mắt đỏ, da tái nhợt, áo quần rách rưới, vừa tốt nghiệp trường sư phạm, từ dãy lớp năm thứ nhất, năm thứ hai ở vườn sau đi ra. Cậu ta cúi sát đất, tay buông thõng, cung kính ngước nhìn ông giáo đáng thương hại ấy. Một ông giáo khác dạy toán, Tiedge co ro, mặt vàng, mắt lác đến kỳ lạ, khạc nhổ luôn miệng, tay run lẩy bẩy, ôm chồng sách ở sau lưng, đi qua. Kai chào thật to:
— Chào ông già sắp chết! - Đôi mắt sáng sắc sảo của cậu ta nhìn vào một nơi nào đấy trong không trung.
Giữa lúc ấy, tiếng chuông vang lên chọc thẳng vào tai. Học sinh từ bốn phía ùa vào lớp. Nhưng Hanno vẫn cười ngặt nghẽo, đi đến cầu thang rồi vẫn còn cười, để những người đi chung quanh phải nhìn chú một cách lạnh nhạt, kỳ lạ. Thái độ kỳ quặc ấy của chú khiến mọi người phát ghét.
Khi ông giáo Mantelsack đi vào, cả lớp im phăng phắc. Học sinh đứng cả dậy. Ông là giáo viên chủ nhiệm thì phải được mọi người kính nể. Ông tiện tay đóng cửa lại, cúi lom khom nhìn xem có phải mọi người đều đứng cả lên hay không. Rồi ông treo mũ lên mắc áo, ngước đầu bước nhanh lên bục giảng. Ông đứng một lúc trên bục, nhìn ra ngoài cửa sổ, giơ ngón tay có đeo cái nhẫn to tướng ra, đưa đi đưa lại ở khoảng giữa cổ và cổ áo. Người ông cũng vừa phải, tóc màu tro, lơ thơ, râu uốn cong, mắt xanh màu ngọc, mắt cận thị lồi hẳn ra, lấp lánh sau cặp kính. Ông mặc áo vét-tông len loại mềm, màu xám. Cái tay, ngón ngắn ngủi, cứ thích xoa xoa cạnh sườn. Như tất cả các ông giáo khác (ngay cả ông giáo Goldener thích làm đỏm cũng vậy), quần ông mặc rất ngắn để lòi đôi giày to tướng bóng lộn.
Bỗng ông quay đầu lại, nhẹ nhàng thở dài, nhìn khắp lượt những cậu học sinh như những con chim non đang ngồi trong lớp, rồi ông “ồ” một tiếng và cười với mấy cậu. Rõ ràng hôm nay ông rất vui. Cả lớp thở phào như trút được gánh nặng.
Tâm tình ông vui hay buồn là một việc quan trọng, quyết định tất cả. Ai cũng biết ông cứ để tình cảm chi phối, mà ông cũng chẳng muốn khống chế mình nữa. Ông thường thiên vị một cách kỳ quặc, ngây thơ, mà sự thiên vị ấy lại thay đổi luôn như là may rủi. Có vài ba cậu học sinh ông rất yêu, với mấy cậu này, ông gọi bằng “em” hoặc gọi tên. Chúng nó vào lớp như vào thiên đường, chúng nó mở miệng nói thì lúc nào ông cũng cho là chúng nó nói đúng. Hết giờ học, ông thân mật nói chuyện với chúng nó. Bỗng một hôm, có lẽ sau nghỉ hè, chỉ có Chúa Trời mới biết là tại sao, mấy cậu học sinh kia không được ông quý mến nữa, từ trên bảo tòa rơi xuống, rất đáng thương! Một số khác lại được ông gọi tên như được lên thiên đường vậy. Ông đánh dấu những chỗ sai trên bài của chúng nó, ngay ngắn, cẩn thận, nên dù bài của chúng nó có sai đến hàng trăm chỗ, lúc xem cũng thấy rất sạch sẽ. Còn bài của các cậu khác thì ông gạch xóa đỏ choét như muốn trút tất cả giận dữ vào đấy, gây một ấn tượng rất dễ sợ, tưởng như không có cách nào cứu chữa được. Ông cho điểm không căn cứ vào bài sai nhiều hay sai ít, mà căn cứ vào số lượng mực đỏ của ông hao phí, cho nên những cậu học sinh được ông quý chiều thường được lợi. Không bao giờ ông nghĩ cách ấy có thích hợp hay không. Ông cho rằng làm như thế là tuyệt đối đúng, cho nên ông không thấy ông bất công. Nếu ai mạnh dạn phản đối thì người ấy không bao giờ có hy vọng được ông gọi bằng “em” hoặc gọi tên. Với lại, có ai tự nguyện bỏ cơ hội tốt đẹp ấy bao giờ.
Ông Mantelsack đứng chéo chân, bắt đầu giở sổ điểm. Hanno Buddenbrook ngồi vươn lên phía trước, hai tay khoanh lại dưới ngăn bàn. Bây giờ đến lượt những tên bắt đầu từ vần “B”. Chú sắp bị gọi đứng dậy, mắt không biết nhìn vào đâu do đó sẽ loạn cả lên, một tai họa ghê gớm, có tiếng gào la sẽ xảy ra. Mặc dù hôm nay giờ ông giáo chủ nhiệm rất vui... mấy phút này kéo dài tưởng như không chịu đựng nổi. “Buddenbrook”, ông ta sắp gọi Buddenbrook rồi!
— Edgar! - Ông Mantelsack gọi rồi gấp sổ điểm lại, ngón tay trỏ vẫn kẹp ở giữa, quay người trên bục như không còn để ý đến vấn đề gì nữa. Thế nào? Thế là thế nào?... Đấy là Lüders béo, ngồi cạnh cửa sổ. Vần “L” không thể nào là vần “L” được! Không, không thể như thế! Ông Mantelsack vui thật! Ông tùy tiện gọi những cậu học sinh cưng của ông, không chịu chú ý xem theo thứ tự thì đến lượt người nào? Edgar Lüders béo đứng dậy. Nó có bộ mặt sư tử, hai con mắt nâu lờ đờ. Dù nó chọn được chỗ ngồi hết sức thuận lợi, có thể dễ dàng mở sách ra xem trộm, nhưng nó cũng không làm, nó cảm thấy chỗ của nó ở thiên đường an toàn vô cùng. Nó trả lời dứt khoát:
— Thưa thầy, hôm qua em nhức đầu nên em không học ạ!
— Ôi, em lại làm tôi khó xử rồi đấy, - Ông Mantelsack buồn rầu nói - Em không đọc được cho tôi mấy câu thơ miêu tả thời đại hoàng kim ấy hay sao? Thật đáng tiếc! Hôm qua em nhức đầu à? Tôi nghĩ rằng khi em vào lớp là em phải báo cáo với tôi ngay, đừng để tôi gọi đến tên mới nói... Gần đây em cũng đã có một lần đau đầu phải không? Em phải làm cách nào chứ, nếu không sẽ thụt lùi đấy. Timm, anh có thể trả lời cho cậu ấy được không? - Edgar ngồi xuống. Lúc ấy ai cũng giận nó đến xương tủy. Mọi người thấy rõ thầy chủ nhiệm không vui nữa, có thể đến tiết sau thầy mới gọi lại bằng tên. Timm đứng dậy, nó ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Nó là một đứa trẻ tóc vàng khè, trông nhà quê, mặc cái áo ngoài màu nâu nhạt, ngón tay vừa ngắn vừa thô, miệng há hốc như cái phễu, nét mặt vừa ngây ngô vừa nghiêm nghị. Nó vội đẩy cuốn sách đang mở để ở một vị trí vừa tầm mắt, đăm đăm nhìn về phía trước. Một lát sau, nó cúi đầu xuống, đọc lắp bắp, giọng đều đều kéo dài giống như trẻ con đánh vần.
— Aurea pima sata est aetas...[143] - Rõ ràng hôm nay ông Mantelsack không hề chú ý học sinh nào đã lâu không bị hỏi bài. Hanno không còn nguy cơ bị gọi nữa, nếu bị gọi chẳng qua là ngẫu nhiên. Chú nhìn Kai bằng con mắt vui mừng, bắt đầu duỗi tay duỗi chân nghỉ một lát.
Bỗng Timm đang đọc thì bị ngắt lại, có lẽ ông Mantelsack không nghe rõ Timm đọc, có lẽ ông ta không muốn ngồi im. Dù sao, ông ta cũng đã rời bục giảng, đi đi lại lại thảnh thơi trong lớp, cuối cùng, tay cầm quyển Ovid, đứng cạnh Timm. Timm hốt hoảng đẩy cuốn sách sang một bên, ngây người ra. Nó há cái miệng phễu mà thở, đôi mắt xanh thật thà, sợ hãi nhìn đăm đăm thầy giáo chủ nhiệm, không nói lấy được một tiếng.
— Thế nào? - Ông Mantelsack nói - Sao ngừng lại?
Cậu ta gãi đầu, mắt nhìn quanh, thở hổn hển, cuối cùng nét mặt tươi cười, nói:
— Thầy đứng cạnh, em sợ ạ!
Ông ta cũng cười. Câu nói hình như làm ông ta vui. Ông ta cười, nói:
— Thôi được, em cứ bình tĩnh đọc tiếp đi... - Nói xong, ông ta đi về phía bục giảng. Tim lấy lại tinh thần, kéo quyển sách lại trước mặt, giở ra, làm ra vẻ bình tĩnh nhìn bốn phía, rồi cúi đầu xuống, đọc tiếp.
— Tôi rất bằng lòng - Timm đọc xong, thầy chủ nhiệm nói - Em học thuộc lắm, điều ấy không còn nghi ngờ gì nữa. Có điều, em đọc không đúng nhịp điệu! Em biết cách đọc nối, nhưng em không đọc đúng nhịp điệu. Tôi có cảm tưởng như em đọc một bài văn xuôi. Mặc dù vậy, như tôi vừa nói, em chăm chỉ, cố gắng... Em ngồi xuống!
Phấn khởi, Timm ngồi xuống, vẻ kiêu ngạo. Ông Mantelsack ghi cho nó một điểm thật vừa ý. Kỳ lạ thay, lúc ấy không những thầy giáo mà ngay cả Timm và tất cả học sinh trong lớp đều cho rằng, Timm đúng là một học sinh chăm chỉ, nó được điểm cao là phải. Hanno Buddenbrook cũng có ấn tượng như thế, mặc dù trong lòng, chú xem chuyện ấy cũng thường thôi... Chú lại hồi hộp lắng nghe tên người bị gọi tiếp...
— Mumme - Ông Mantelsack gọi - Anh đọc tiếp! Aurea prima?
Thầy gọi Mumme ư? Cám ơn Chúa! Có lẽ Hanno bình yên! Ông Mantelsack rất ít gọi đến người thứ ba, vả lại vần B đã qua rồi! Mumme đứng dậy. Người nó cao lớn, trắng trẻo, hai tay run run. Nó đeo cặp kính rất to. Mắt nó cận nặng, nó đứng dậy thì dù sách giở ra để ở ngay trước bàn cũng không thể đọc nổi. Nó phải học và nói cũng đã học rồi. Nhưng, một là vì trí nhớ nó kém, hai là nó không nghĩ hôm nay thầy giáo lại gọi nó, cho nên nó không thuộc lắm, Mumme đọc được mấy chữ rồi thôi, đứng im.
Thầy giáo nhắc, rồi nhắc lần nữa, giọng gay gắt. Lần thứ ba thì ông ta nổi nóng. Nhưng Mumme vẫn đứng ì ra, không đọc thêm được chữ nào nữa. Cuối cùng, ông ta cáu thật sự.
— Kém quá, Mumme ạ! Ngồi xuống! Anh không học được, tôi đã nói cho anh biết rồi đấy, anh dốt quá! Vừa dốt, vừa ngu... Mumme ngồi xuống. Mặt nó trông thật thảm hại. Lúc này, trong phòng không một đứa nào không nhìn nó khinh bỉ. Trong lòng Hanno Buddenbrook trào lên một cảm giác ghê rợn. Cảm giác ấy cứ chẹn ngang cổ họng chú, nhưng chú đã nhìn thấy sự việc vừa xảy ra kia rất rõ. Ông Mantelsack giận dữ ghi điểm xấu vào sau cái tên Mumme, rồi cau mày nhìn vào cuốn sổ. Ông ta nổi giận đùng đùng tìm xem đến lượt ai. Sự việc đã quá rõ rồi! Giữa lúc Hanno đang lo lắng thì chú nghe gọi tên mình, như nghe tiếng gọi trong cơn ác mộng.
— Buddenbrook! - Ông ta gọi, âm thanh vẫn còn vang vọng trong không trung. Hanno vẫn không tin. Tai chú ù lên. Chú vẫn ngồi bất động.
— Buddenbrook! - Ông giáo gọi lại, đôi mắt xanh mở to, sau cặp kính loang loáng, chĩa thẳng vào chú... - Anh có thể đọc tiếp được không?
Thế là không thoát được rồi! Việc phải đến đã đến, hoàn toàn không như chú nghĩ. Thế là hết! Chú bình tĩnh trở lại, chỉ nghĩ đến ông ta có gầm lên như sấm hay không? Chú đứng dậy, ra vẻ tươi cười, định nói liều một câu: “Em quên không học bài ạ!” Lúc ấy, chú thấy đứa bạn ngồi bàn trước giở sách ra và giơ lên ngang tầm mắt chú.
Người ngồi bàn trước là Hermann Kilian, một cậu bé da nâu, tóc chải bóng, vai rộng. Nó thích làm sĩ quan nên tỏ ra rất hào hiệp. Vì thế, mặc dù không thích Johann Buddenbrook, nhưng nó không muốn để chú gặp hoạn nạn, thậm chí nó còn chỉ vào chỗ phải bắt đầu đọc. Hanno nhìn theo ngón tay nó chỉ mà đọc. Giọng run run, chú cau mày, méo miệng lại mà đọc về thời đại hoàng kim. Lúc bấy giờ chân lý và chính nghĩa đã được nhân dân tự giác tôn trọng, không cần xử phạt và cũng chẳng cần đến luật pháp. “Không còn hình phạt và sự sợ hãi”, chú đọc bằng tiếng La-tinh, “không còn những điều khoản khắc trên đồng, không còn những người cầu xin độ lượng, cũng không còn nhìn thấy những bộ mặt nghiêm khắc của các quan tòa...”. Chú đọc, mặt chú như bị ai giày vò, làm tình làm tội. Chú cố ý đọc rời rạc, bỏ những chỗ không đọc nối đã gạch bút chì trên sách của Kilian. Chú đọc sai cả nhịp điệu câu thơ, lắp đi lắp lại làm ra vẻ khó nhọc lắm, chuẩn bị chờ đón cơn giận dữ của thầy giáo chủ nhiệm một khi ông ta phát hiện ra là chú đang nhìn vào sách mà đọc... Hành động phạm kỷ luật, nhìn vào sách mà đọc làm chú thấy hay hay, da thịt ngứa ngáy, nhưng mặt khác lại thấy đáng ghét. Chú cố ý đọc sai đọc sót để cho sự lừa dối của mình đỡ bỉ ổi. Cuối cùng, chú ngừng lại. Cả phòng im phăng phắc. Chú không dám ngước đầu lên. Thật dễ sợ, chú tin rằng ông Mantelsack thấy hết. Môi chú trắng nhợt. Nhưng cuối cùng ông ta thở dài nói:
— Ồ, Buddenbrook, anh làm thinh là đúng. Anh cho phép tôi dùng chữ Si tacuisses, tên anh bằng cổ văn... “Anh” biết anh đã làm gì? Anh giẫm đạp lên tất cả những cái tốt đẹp. “Anh” làm như một người dã man, Buddenbrook, anh không có óc thẩm mỹ, người ta có thể nhìn thấy điều đó trên nét mặt anh! Nếu tôi tự hỏi, vừa rồi anh ho hay anh đọc thơ, thì câu trước là câu trả lời. Anh ho đấy! Mumme đọc không có nhịp điệu nhưng so với anh, cậu ta còn là một thiên tài. Cậu ta là một nghệ sĩ ngâm thơ! Anh là một người bất hạnh! Anh ngồi xuống. Ở nhà anh có học đấy. Tôi không cho anh điểm thấp đâu. Nhất định anh đã gắng hết sức anh... Anh nghe tôi nói, có người bảo anh có khiếu âm nhạc, biết chơi piano, sao có thể thế được nhỉ?... Thôi, anh ngồi xuống, anh rất chăm chỉ, thế là tốt!
Ông Mantelsack ghi cho điểm khá, Hanno ngồi xuống. Cũng giống như nhà nghệ sĩ ngâm thơ vừa rồi, màn kịch lại diễn lại một lần nữa. Chú phải nhận rằng, lời nhận xét của ông Mantelsack vừa rồi là đúng. Mười lăm phút ấy, chú thực sự cảm thấy mình tỏ ra chẳng có năng lực gì hết, nhưng là một học sinh chăm chỉ. Chú đọc bài lần này được như thế là tương đối rồi, cả chú cũng cảm thấy rất rõ rằng, bạn học cùng lớp, ngay cả Kilian cũng thế, đều nhất trí như vậy. Trong lòng chú lại khó chịu nhưng bây giờ thì muộn quá rồi, không còn hơi sức nào nghĩ tới chuyện ấy nữa. Sắc mặt nhợt nhạt, người run rẩy, mắt nhắm lại, chú chìm đắm trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê... Nhưng buổi học của ông Mantelsack vẫn tiếp tục. Ông ta chuyển sang những đoạn thơ chuẩn bị cho hôm nay. Ông ta gọi Petersen đứng dậy. Đó là một cậu bé sôi nổi, tự tin, dũng cảm. Nhưng hôm nay nhất định nó sẽ thất bại thảm hại. Đúng như thế, nếu không xảy ra chuyện rắc rối thì tiết học này không thể dễ dàng trôi qua. Nhất định còn gay go hơn cả chuyện của Mumme cận thị nữa. Petersen bắt đầu dịch, chốc chốc lại liếc mắt sang một bên và một nơi mà nó hoàn toàn không cần thiết phải nhìn. Nó làm rất khéo. Nó làm như có gì cản trở nó. Nó đưa tay sờ sờ vào sách, miệng thở phì phò như muốn thổi bay cái gì đó đang gây trở ngại cho nó. Nhưng chuyện đáng sợ kia đã xảy ra.
Ông Mantelsack bỗng đứng dậy thật nhanh, rời bục giảng, nghiêng người đi xuống, bước những bước dài đến cạnh Petersen.
— Sách anh có bài dịch sẵn rồi! - Ông ta đứng cạnh và nói.
— Bài dịch sẵn?... Em... không có ạ! - Petersen lúng túng. Nó rất xinh trai, mớ tóc vàng nhạt xòa trước trán, đôi mắt xanh rất đẹp, nhưng bây giờ đôi mắt ấy lộ vẻ sợ hãi.
— Sách anh không có bài dịch sẵn kẹp vào đấy ư?
— Không ạ... thưa thầy! Thưa thầy... bài dịch sẵn? Thành thực không có bài dịch sẵn nào cả... Thầy nghi oan em! Thầy đừng nghi em như thế! - Những câu ấy, thật ra nó không nên nói ra, nhưng vì sợ nó cố tình nói ra để đối phó với thầy chủ nhiệm. - Em không nói dối đâu ạ! - Nó ấp úng - Xưa nay em vẫn rất thành thực, suốt đời em vẫn rất thành thực ạ!
Nhưng ông giáo đã nắm chắc chuyện thảm hại này rồi.
— Anh đưa sách đây! - Ông ta lạnh lùng nói. Petersen giữ chặt cuốn sách của mình trong tay giơ lên, nói lắp bắp, lưỡi líu lại.
— Xin thầy tin ở em... Thưa thầy... trong sách chả có gì đâu ạ!... Em không... em không có bản dịch sẵn. Em không dám làm chuyện gian dối, xưa nay em vẫn là học sinh thành thật...
Thầy chủ nhiệm nhắc lại, dẫm chân:
— Cứ đưa đây cho tôi!
Petersen nhũn cả người, mặt tái nhợt:
— Vâng! - Nói xong, nó đưa sách cho thầy giáo. Ông ta cầm lấy. Đúng như thế, trong sách có bài dịch sẵn. - Thưa thầy kẹp ở đây!... Nhưng em không dùng tới! - Bỗng nó gào to lên.
Ông Mantelsack không nghe những lời dối trá của nó trong lúc tuyệt vọng. Ông ta lấy bài dịch sẵn ra, nhìn một lúc, vẻ khó chịu như đang cầm một cái gì bẩn thỉu, hôi thối ở tay rồi bỏ vào túi áo, khinh bỉ vứt quyển Ovid trả cho Petersen.
— Sổ điểm đâu? - Ông ta nói giọng buồn buồn, Adolf Todtenhaupt tận tụy với chức vụ, đem sổ điểm lên. Petersen đã bị ghi là gian dối một lần rồi, lần này bị ghi nữa thì hậu quả rất tai hại đối với nó trong một thời gian dài. Đến lễ Phục sinh này, nó sẽ không có hy vọng gì lên lớp.
— Anh là một vết nhơ của lớp! - Ông giáo nói thêm rồi mới quay lại bục giảng. Petersen ngồi xuống, nó sẽ bị kỷ luật, rõ ràng như thế. Cậu học sinh ngồi bên cạnh lánh sang một bên. Ai cũng nhìn nó bằng con mắt vừa ghét bỏ, vừa đồng tình, vừa sợ hãi. Nó bị kỷ luật rồi bị mọi người xa lánh, trơ trọi một mình, bởi vì nó bị bắt quả tang. Bây giờ chỉ có một nhận định duy nhất về Petersen thôi. Nó đích thực là “vết nhơ của lớp”. Mọi người công nhận lời phán xét ấy, không ai có ý kiến gì khác cũng như họ công nhận sự thành công của Tim và của Buddenbrook và sự bất hạnh đáng thương của Mumme. Bản thân nó cũng nghĩ hoàn toàn giống như mọi người.
Trong hai mươi lăm con người trẻ tuổi này, những cậu thân thể khỏe mạnh, cường tráng, có năng lực, có thể đương đầu với cuộc sống thực tế, cũng đều thừa nhận những sự việc vừa rồi và không cảm thấy mình bị sỉ nhục, cũng đều cho đó là chuyện tự nhiên mà thôi. Nhưng cũng có cậu lại trầm ngâm suy nghĩ. Johann nhìn vào tấm lưng bè bè của Kilian, đôi mắt vàng có quầng thâm đầy vẻ căm giận, phản kháng và sợ hãi... Không vì thế mà bài giảng của ông Mantelsack lại bị ngắt quãng. Ông lại gọi một cậu học sinh khác, đó là Todtenhaupt vì hôm nay ông ta muốn kiểm tra những cậu mà ông ta cho là lười biếng kia. Sau đó, lại gọi một cậu nữa, cậu này chuẩn bị bài không kỹ lắm, thậm chí câu palula jovis arbore glandes cũng không hiểu là gì. Buddenbrook phải nhắc cho nó. Chú khẽ nói ý nghĩa câu ấy, không ngước đầu lên vì ông ta hỏi cậu kia. Cậu kia được ông ta gật đầu khen ngợi.
Kiểm tra xong bài thì mọi hứng thú của giờ học này cũng tiêu tan.
Thầy giáo gọi một cậu học sinh xuất sắc dịch lại, nhưng ông ta cũng như hai mươi bốn đứa trẻ kia không chú ý nghe gì cả. Lúc ấy, học sinh bắt đầu chuẩn bị bài của tiết sau. Bây giờ có làm gì cũng thế thôi. Không cho điểm thì chăm chỉ hay không cũng khó mà xét đoán. Vả lại, tiết học cũng sắp xong rồi. Chuông đánh, thế là hết. Tiết học ấy qua đi như thế, Hanno cũng được thầy giáo gật đầu khen một lần.
— Thôi được - khi hai cậu cùng đám học sinh vào hành lang đi về phía phòng hóa. Kai nói với Buddenbrook - Bây giờ mày nghĩ gì về ông ấy, Hanno? Hôm nay mày số đỏ!
— Tởm lắm! Kai ạ! - Johann nói - Tao đâu có muốn như thế! Ông ta làm tao buồn nôn...
Kai biết, nếu cậu ta ở vào địa vị Hanno, cậu cũng có cảm giác như thế.
Phòng hóa là một căn buồng có trần cong lại có chỗ ngồi theo bậc thang như ở nhà hát, trong phòng có một cái bàn hóa nghiệm dài và hai tủ kính đựng bình cổ cong. Trước lúc hết giờ, không khí trong phòng học bức bối, vẩn đục, còn ở đây vừa làm hóa nghiệm xong, thì nồng nặc mùi lưu huỳnh. Cai mở toang cửa sổ, rồi lấy trộm vở của Todtenhaupt vội chép bài phải nạp hôm nay. Hanno và rất nhiều học sinh khác cũng làm như thế suốt cả giờ nghỉ, cho đến lúc chuông đánh, ông Marotzke xuất hiện mới thôi.
Đó là ông giáo mà Kai và Hanno gọi là “uyên thâm”, vóc người vừa phải, nước da vàng vàng, trên trán có hai cục thịt thừa, bộ râu bẩn thỉu và cứng như bàn chải sắt, tóc cũng vậy. Xem bề ngoài, người ta có cảm giác như ông ta vẫn còn ngái ngủ, mặt cũng chưa sạch. Nhưng đó là bề ngoài giả tạo. Ông ta dạy khoa học tự nhiên, nhưng sở trường của ông ta là môn toán, hơn nữa về môn ấy, ông ta được mệnh danh là nhà tư tưởng xuất sắc, tiếng tăm lẫy lừng. Khi giảng bài, ông ta thích bắt đầu bằng những câu triết lý lấy trong Kinh thánh. Ông ta còn giảng những chữ khó hiểu trong kinh thánh cho học sinh năm thứ tám thứ chín, lúc đó, ông ta cao hứng lên và như đắm mình trong ảo mộng. Cách giải thích của ông ta thật là độc đáo. Ngoài ra ông ta còn là sĩ quan dự bị. Đối với chức vụ ấy, ông ta tỏ ra rất nhiệt tình. Ông ta là người văn võ kiêm toàn nên được ông hiệu trưởng nhìn bằng con mắt khác hẳn. Trong số thầy giáo cùng dạy, ông ta là người giữ kỷ luật hơn ai hết. Ông ta kiểm tra xét nét từng li từng tí khi học sinh xếp hàng. Ông ta bắt học sinh trả lời dứt khoát, mạnh mẽ. Thái độ ông ta vừa khó hiểu vừa nghiêm khắc như thế nên ông ta không được cảm tình của người khác.
Trước hết phải đưa vở tập cho thầy giáo xem, ông ta đi một vòng trong lớp, lấy ngón tay trỏ ấn mạnh xuống mỗi cuốn vở tập. Có mấy cậu không làm bài, các cậu đặt cuốn vở khác hoặc bài làm cũ lên, nhưng cũng chẳng bị ông ta phát hiện.
Rồi ông ta bắt đầu giảng bài. Cũng giống như giờ La-tinh vừa rồi, phải tỏ ra chăm chỉ chuyên cần với Ovid, hai mươi lăm cậu học sinh giờ này cũng phải tỏ ra chuyên cần chăm chỉ và hứng thú với các chất clo, sodium, v.v... Kilian được ông ta khen bởi vì nó biết BaSO4 hoặc chất thường gọi là lưu huỳnh là một loại nguyên liệu để sản xuất thuốc nổ. Nó là học sinh giỏi môn này, vì nó muốn sau này trở thành sĩ quan. Hanno và Kai không hiểu gì hết, trong sổ của thầy giáo, điểm của các cậu thật là thảm hại.
Kiểm tra, hỏi bài, cho điểm xong thì hứng thú của thầy giáo và học sinh đối với giờ hóa cũng tiêu tan. Sau đó, ông Marotzke làm thí nghiệm, tiếng nổ lốp bốp tạo thành những luồng khói màu, nhưng những cái đó hình như chỉ để lấp chỗ trống vì còn thừa thì giờ mà thôi. Rồi thầy ra mấy bài tập về nhà làm. Tiếng chuông hết giờ vang lên, tiết thứ ba cũng xong.
Chỉ trừ Petersen hôm nay rủi ro, còn ai cũng rất phấn khởi, vì bây giờ là tiết học mọi người cho là thoải mái nhất, tha hồ mà làm ồn và đùa cợt, không còn sợ gì nữa cả. Đó là giờ Anh văn của ông Modersohn. Ông ta là một nhà ngôn ngữ học, đã dạy thử ở trường này mấy tuần lễ rồi, hay nói như cậu bá tước Kai, ông ta diễn kịch suốt mấy tuần lễ, nay mong được mời ở lại dạy. Nhưng hy vọng được mời ở lại dạy của ông ta thật mờ mịt. Lớp ông ta ồn ào quá thể.
Có người vẫn ở trong phòng hóa, có người trở về lớp học ở trên gác hai, chẳng ai muốn ra sân để chết rét. Giờ nghỉ này, ông Modersohn làm trực ban, ông ta vẫn ở trong hành lang nên không đuổi ai ra sân cả. Với lại, học sinh cũng phải sửa soạn tí chút để đón chào ông ta lên lớp.
Khi chuông của tiết học thứ tư vừa vang lên, lớp không còn yên tĩnh nữa. Ai cũng nói nói cười cười, ai cũng phấn khởi đón giờ học ồn ào này. Cậu bá tước Kai chống hai tay lên đầu tiếp tục đọc. Hanno ngồi lặng lẽ nhìn màn kịch sắp diễn. Một số khác nhại tiếng kêu của động vật. Một tiếng gà gáy vang lên. Wasservogel ngồi ở phía sau, bắt chước tiếng lợn kêu, tiếng kêu dứt, nhưng nó làm cho mọi người không biết là tiếng kêu ấy ở miệng nó phát ra. Trên bảng là bức biếm họa vẽ cái đầu người với đôi mắt lác, vẽ bằng phấn, kiệt tác của Timm, nghệ sĩ ngâm thơ. Khi ông Modersohn vừa vào, ông ta cố hết sức đóng cửa lại mà đóng không được. Thì ra trong khe cửa có một miếng gì chặn lại. Sau rồi Todtenhaupt lấy ra.
Ông giáo dự bị này người bé nhỏ, không làm ai sợ hãi. Mặt buồn rười rượi, lúc đi một vai nhô ra phía trước, bộ râu thưa thớt, tướng người khổ não, đôi mắt sáng cứ chớp chớp, miệng há ra thở hít không khí như đang nói điều gì nhưng tìm không ra lời. Ông ta vừa bước vào ba bước thì dẫm vào quả pháo xét ở cửa, một quả pháo đặc biệt, tiếng nổ không thua tiếng súng. Ông ta giật mình nhảy lùi ra rồi cười, hoảng hốt, làm vẻ như không có chuyện gì xảy ra cả và đứng ngay giữa lớp. Theo thói quen, ông ta chồm người ra phía trước tìm kiếm, một tay chống vào mặt bàn ở dãy trên cùng. Các cậu học sinh biết ông ta hay đứng chỗ này, đã bôi đầy mực vào cạnh bàn, nên tay ông ta bẩn hết. Nhưng ông ta vẫn làm ra vẻ không biết, cứ chắp hai tay đầy mực ra sau lưng, chớp chớp mắt, nói nhỏ nhẹ:
— Trật tự trong lớp ta kém lắm!
Hanno Buddenbrook rất thích ông ta lúc ấy. Chú nhìn đăm đăm vào vẻ mặt buồn thiu, đáng thương hại của ông ta. Nhưng tiếng lợn kêu của Wasservogel mỗi lúc một to, mỗi lúc như thật. Rồi một nắm đậu ném vào cửa kính, rơi xuống rào rào.
— Mưa đá! - Không biết cậu nào nói to làm cho ông Modersohn tưởng thật. Ông ta không xem thực hư thế nào, cứ trở về bục giảng, cầm cuốn nhật ký lớp. Ông ta không định ghi gì vào đây cả, và chỉ căn cứ vào đó gọi tên mấy cậu học sinh. Mặc dù đã dạy lớp này năm sáu tuần rồi, nhưng ông ta không nhận ra ai với ai, trừ một vài cậu.
— Feddermann - Ông gọi - Anh đọc bài thơ.
— Vắng mặt! - Bảy tám cậu cùng trả lời. Nhưng Feddermann vẫn ngồi ngay ngắn, ném những hạt đậu khắp lớp một cách lão luyện đến kinh người.
Ông ta chớp chớp mắt, lại gọi một cậu học sinh khác.
— Wasservogel!
— Chết rồi! - Petersen quên nỗi bất hạnh của mình, nói đùa. Trong tiếng cười, tiếng nói, tiếng dẫm chân ồn ào, cả lớp đồng thanh nhắc lại: chết thật rồi!
Ông Modersohn lại chớp mắt một lúc, nhìn bốn chung quanh, miệng méo xệch, đau khổ, rồi nhìn vào cuốn nhật ký. Ông ta lấy ngón tay thô kệch chỉ vào cái tên ông ta sắp gọi.
— Perlemann - Ông ta gọi, nhưng không tin là có mặt.
— Anh ta không may phát điên rồi! - Cậu bá tước Kai nói một cách khẳng định. Câu trả lời ấy được chứng nhận bằng tiếng ồn ào của cả lớp.
Lúc ấy, ông Modersohn đứng dậy, nói to:
— Buddenbrook, tôi phạt anh làm thêm một bài tập. Anh còn cười nữa, tôi sẽ ghi tên!
Rồi ông ta lại ngồi xuống. Quả thực, Buddenbrook có cười. Nghe Kai nói đùa, chú cười rất khẽ, nhưng đã cười thì không dừng lại được nữa. Chú thấy câu nói của Kai thật khôi hài, nhất là hai tiếng “không may”. Nhưng bị quở thì chú im ngay, lấm lét nhìn thầy giáo. Chú nhìn thật kỹ, nhìn từng sợi râu thưa thớt của ông ta không che kín da, nhìn đôi mắt nâu sáng và tuyệt vọng của ông ta, nhìn hai cánh tay thô kệch, hình như hai ống tay áo, vì ống tay áo sơ mi cũng to như ống tay áo ngoài, nhìn dáng điệu tuyệt vọng đáng thương của ông ta. Chú cũng nhìn thấu cả cõi lòng ông ta. Hanno Buddenbrook là người duy nhất mà ông ta biết tên và ông ta lợi dụng điều ấy gọi chú để ra oai với chú. Sở dĩ ông ta nhận ra Buddenbrook là vì chú thường ngồi im lặng, không nghịch ngợm, khác với những đứa kia. Ông ta nhờ vào cái thật thà của chú để tỏ sự uy nghiêm của ông ta khi những cậu học sinh khác làm ồn. “Do con người bỉ ổi mà ở đời không ai dám đồng tình với ai nữa” - Hanno suy nghĩ - “Người ta đùa cợt ông, giày vò ông, tôi không tham gia, ông ơi! Bởi vì tôi thấy như thế dã man, bỉ ổi, tầm thường! Vậy mà đối với tôi, ông cư xử như thế nào? Nhưng mà đời là thế, là thế, đâu cũng như thế, vĩnh viễn như thế!” - Chú nghĩ, vừa giận, vừa sợ hãi - “Thật không may là tôi đã nhìn rõ cõi lòng ông lắm rồi!”.
Cuối cùng, ông ta cũng tìm ra một người không điên, không chết, mà lại tình nguyện đọc bài thơ. Bài thơ dành cho những chàng trai mong lập chí trên biển cả, trong thương giới, trong những việc nghiêm túc của cuộc đời, đầu đề là Con khỉ,[144] một bài thơ trẻ con hát hết sức ngây thơ, hồn nhiên:
Con khỉ là con khỉ kia,
Mày sinh ra để làm hề góp vui!
Bài hát gồm nhiều đoạn, Kaßbaum không giấu giếm, cứ nhìn thẳng vào sách mà đọc từng đoạn một. Trước mặt ông Modersohn nó không cần giữ gìn. Tiếng ồn ào trong lớp mỗi lúc một tăng. Chân cậu nào cũng đang cử động, chà xát trên nền nhà đầy bụi. Tiếng gà cục cục, tiếng lợn eng éc, hạt đậu bay tung tóe... Cả hai mươi lăm cậu học sinh đều ồn ào không biết kiêng nể ai. Tính nghịch ngợm của tuổi trẻ được thức dậy. Những bức vẽ quái gở bằng bút chì được giương cao, chuyền tay nhau, gây những trận cười không dứt.
Bỗng im bặt. Cậu đang đọc nửa chừng dừng lại, làm cho thầy giáo phải nghiêng tai lắng nghe. Một việc kỳ diệu xảy ra. Từ phía cuối lớp, tiếng chuông giòn giã, ngọt ngào, ấm áp, quyến luyến vang lên giữa sự yên tĩnh đột ngột kia. Đồ chơi ấy không biết cậu nào mang tới, đang giữa giờ Anh văn thì đánh bài nhạc Người ở trong trái tim tôi. Tiếng nhạc vừa dứt, lại xảy ra một việc rất dễ sợ... như tiếng sét giữa trời quang, ai cũng lặng đi, ai cũng giật mình, mắt tròn xoe, miệng há hốc.
Cửa không ai gõ, cứ thế mở tung, một bóng người cao to, dữ tợn đâm sầm vào, miệng càu nhàu, bước tới đứng ngay trước dãy bàn học sinh. Không ai khác, chính là “Thượng đế thân mến” - ông hiệu trưởng Wulicke.
Ông giáo Modersohn mặt tái nhợt, vội vã lôi cái ghế tựa từ trên bục xuống, rút khăn tay ra phủi bụi. Tất cả học sinh đứng dậy răm rắp, hai cánh tay bỏ thõng, người ngay đơ, đầu cúi xuống kính cẩn, không dám thở mạnh. Lớp học yên ắng. Có người rên rỉ vì căng thẳng quá, nhưng chỉ giây lát lại yên ắng.
Ông hiệu trưởng Wulicke đưa mắt nhìn những cậu học sinh đứng dậy chào ông, ông giơ cánh tay bẩn thỉu trong ống tay áo hình phễu lên, rồi bỏ xuống như ấn nút.
— Ngồi xuống!
Ông nói, giọng trầm trầm như tiếng cello. Ông hiệu trưởng Wulicke chưa gọi ai bằng “anh” cả.
Học sinh ngồi cả xuống. Ông Modersohn tay run run, kéo ghế mời ông hiệu trưởng ngồi.
— Thầy cứ tiếp tục dạy đi! - Ông nói, câu nói ấy nghe đến dễ sợ, ý nghĩa như là “Rồi chúng ta xem, có người nào đó không may...”
Rõ quá, tại sao ông ta lại xuất hiện ở đây? Ông ta kiểm tra ông Modersohn để xem trong sáu bảy tiếng đồng hồ, học sinh năm thứ sáu, thứ bảy học được những gì ở thầy giáo. Với ông Modersohn đó là tất cả tiền đồ, đó là chuyện quan hệ đến sự sống còn của ông ta. Khi ông giáo dự bị này trở lại bục giảng, gọi một cậu học sinh đọc tiếp bài thơ Con khỉ, thì điệu bộ ông ta nom thảm hại quá, khó tả nên lời. Nếu lúc nãy chỉ có học sinh bị kiểm tra, thì bây giờ thầy giáo cũng bị kiểm tra. Ôi, tiếc thay, hai việc ấy đều tồi tệ cả! Sự xuất hiện của ông hiệu trưởng thật là đột ngột. Chỉ trừ vài ba người, còn thì cả lớp không ai chuẩn bị. Dĩ nhiên, ông Modersohn không thể cả tiết hỏi mãi Todtenhaupt là người không cái gì không biết. Vì có ông hiệu trưởng nên khi đọc bài thơ Con khỉ, không thể nhìn vào sách, do đó tiết học này thật không ra gì. Đến khi giảng bài Kiếp sau của anh hùng Ivanhoe, chỉ có cậu bá tước Kai dịch được vài câu. Cũng may, đó là do cậu thích cuốn tiểu thuyết ấy, còn những người khác thì cứ lúng ta lúng túng, nói lắp bắp, đằng hắng một lúc rồi đứng ngây ra. Hanno Buddenbrook cũng bị gọi, kết quả chú không dịch nổi một dòng. Trong cổ họng ông hiệu trưởng phát ra một tiếng gì đó, thoạt nghe như ai vừa đụng đến dây đàn chùng nhất trên chiếc cello. Ông Modersohn vừa khoanh cánh tay thô kệch đầy mực lại, vừa than thở:
— Mọi việc đều đang diễn ra rất tốt đẹp! Mọi việc đều đang diễn ra rất tốt đẹp!
Cho đến lúc chuông đánh, ông ta còn lẩm bẩm câu ấy nửa như nói với học sinh, nửa như nói với ông hiệu trưởng... Nhưng “Thượng đế thân mến” hầm hầm đứng dậy, hai tay vòng lại, người thẳng đừ trước cái ghế nhìn mơ màng phía trước, lắc đầu giận dữ. Một lát sau, ông ta bảo đưa sổ nhật ký lớp cho ông ta, ông ta chậm rãi ghi tên những cậu học sinh trả lời ấp úng hoặc không trả lời được. Ông ta ghi tên sáu bảy cậu và nhận xét cả lớp uể oải, chán ngán! Tất nhiên không thể ghi tên ông Modersohn vào nhưng ông ta đau hơn ai hết. Ông ta đứng đó, mặt tái nhợt, không còn sức nữa, hoàn toàn như người bỏ đi. Hanno Buddenbrook là một trong số bị ghi tên.
— Tôi sẽ không để cho các anh con đường tiến nữa! - Ông hiệu trưởng còn nói thêm một câu gì đó rồi mới đi ra.
Chuông đánh, giờ học ấy kết thúc. Sự thể đã xảy ra như thế, phải rồi, sự thể là như thế! Việc mà anh sợ nhất đã qua đi một cách dễ dàng, hình như nó chế giễu anh. Còn khi anh tưởng bình yên vô sự thì không ngờ tai họa ập xuống đầu anh. Hy vọng của Hanno được lên lớp trước ngày lễ Phục sinh bây giờ đã tiêu tan. Chú đứng dậy, mắt đờ đẫn, bước ra ngoài, đưa lưỡi vào cái răng hỏng.
Kai đi tới, đưa một tay quàng vào người chú. Hai cậu đi ra sân giữa đám học sinh bàn tán xôn xao về việc không bình thường vừa xảy ra.
Kai buồn rầu, nhìn vào mặt Hanno, vẻ thông cảm.
— Hanno, mày tha thứ cho tao! Vừa rồi, tao đứng dậy dịch, đúng ra tao phải làm thinh để ông ấy ghi cả tên tao nữa. Tao thấy tao đáng khinh lắm!
— Chẳng phải tao cũng đã giải thích “patula jovis arbore glandes” là gì rồi đó sao? - Hanno trả lời - Kai, việc đã như thế rồi thì mặc nó vậy! Đừng nghĩ đến nữa!
— Ừ, tất nhiên phải thế! “Thượng đế thân yêu” nói sẽ làm cho mày không còn con đường tiến nữa cơ mà! Ông ta quyết định như thế kia thì tao thấy mày chỉ còn có cách phục tùng vô điều kiện nữa thôi! Hanno! “Con đường tiến” nghe hay làm sao! “Con đường tiến” của ông Modersohn thế là đi đời! không bao giờ ông ấy được công nhận là giáo viên chính thức nữa. Con người bất hạnh! Đúng thế, trong trường chỉ có giáo viên trợ lý và giáo viên chính thức, không có giáo viên trống trơn. Đó là điều không hiểu nổi. Việc ấy chỉ có người lớn và người từng trải mới hiểu được. Tao nghĩ, cứ gọi người này là giáo viên người kia không phải là giáo viên, chưa đủ hay sao? Sao lại phải gọi là giáo viên chính thức? Tao thật không hiểu. Tất nhiên, ta có thể đến tìm “Thượng đế thân yêu” hoặc ông Marotzke đề nghị các vị giải thích giúp. Nhưng việc gì sẽ xảy ra? Các vị sẽ cho rằng các anh cố tình làm nhục ông hiệu trưởng, rồi bảo anh là phản nghịch, trị cho anh một mẻ nát thịt tan xương, mặc dù anh rất tôn trọng các vị đó, thậm chí còn hơn họ tôn trọng họ... Thôi, mặc kệ họ! Bọn họ toàn là đồ tồi!
Hai cậu đi dạo trong sân, Kai nói chuyện linh tinh để cho Hanno quên những việc vừa rồi đi, nhưng Hanno rất lấy làm thú vị.
— Mày xem, đây là cổng trường. Cổng để ngỏ, ngoài kia là phố xa. Chúng ta lẻn ra kia dạo một vòng có thú hơn không? Bây giờ là giờ nghỉ, còn sáu phút nữa mới vào học. Chúng ta có thể về đúng giờ. Nhưng vấn đề ở chỗ, không được làm như thế! Mày hiểu ý tao chứ? Đấy là cổng, cổng để ngỏ, không có chắn ngang, không có vật chướng ngại, không có gì hết. Đây là bậc cổng. Vậy mà chúng ta không được đi ra khỏi một giây nào, thậm chí không được nghĩ tới nữa. Thôi, chúng ta không được có ý nghĩ quái gở ấy. Tao lấy ví dụ khác, nếu bây giờ chúng ta nói khoảng mười một giờ rưỡi thì nghe thật lạ tai. Nhưng nếu nói bây giờ là giờ địa lý thì lại rất hợp tình hợp lý. Nhưng người ta không thể hỏi, lẽ nào như thế là cuộc sống ư? Mọi cái đều đảo ngược! Ôi, trời ơi! Nơi này có chịu buông tha tôi ra khỏi vòng tay của nó không?
— Hừ, buông ra, rồi sao nữa? Hừ, rồi cứ như thế này mà thôi! Kai, buông ra cũng thế thôi! Buông ra rồi sẽ làm gì? Ở đây, ít ra chúng ta cũng không phải lo lắng cho thân mình. Từ ngày bố tao chết, ông Kistenmaker và ông Pringsheim có nhiệm vụ thay bố tao, ngày nào cũng truy hỏi lớn lên tao sẽ làm gì? Làm gì tao cũng chẳng biết nữa!
Tao không trả lời được. Cái gì tao cũng sợ hết...
— Sao mày bi quan thế? Mày còn có âm nhạc nữa kia mà.
— Âm nhạc của tao có ra gì. Kai! Âm nhạc chẳng dùng làm gì được. Lẽ nào tao có thể đi biểu diễn rong hay sao? Trước hết, họ cũng không cho tao làm như thế, kỳ thực tao cũng không có được trình độ ấy. Tao chẳng làm được gì hết, chỉ có thể chơi đàn lúc một mình thôi. Hơn nữa, cứ nghĩ rằng phải lang thang khắp nơi thì chết khiếp đi rồi. Mày thì khác. Mày còn có dũng khí hơn tao. Ở đây, việc gì mày cũng có thể giễu cợt được, mày có khả năng chống lại họ. Mày hy vọng viết được cái gì đó, kể những câu chuyện kỳ diệu cho người khác nghe, hay lắm, có ý nghĩ lắm. Sau này mày nhất định nổi tiếng, mày có tài. Vấn đề ở đâu? Vấn đề ở chỗ mày vui vẻ, cởi mở hơn tao. Ở lớp, hai đứa chúng mình thường trao đổi bằng ánh mắt. Như vừa rồi giờ của thầy Mantelsack rất nhiều đứa làm bậy nhưng chỉ có Petersen bị ghi tên, lúc ấy chúng mình cũng đưa mắt nhìn nhau. Chúng mình nghĩ cùng một điều, nhưng mày thì nhăn mặt cho qua đi, còn tao thì không thể làm thế được. Tao chán ghét, chỉ buồn ngủ, muốn không biết gì hết. Tao muốn chết lắm, Kai ạ! Ôi, tiền đồ của tao tối tăm lắm! Tao không còn hứng thú điều gì hết, ngay cả việc nổi danh. Tao rất sợ nổi danh, cảm thấy trong đó có cái gì không công bằng lắm. Mày nhớ lời tao nhé, tao chẳng làm được việc gì lớn đâu. Gần đây, khi mục sư Pringsheim làm lễ kiên tín xong, ông ta nói với mọi người rằng, đừng ai hy vọng gì ở tao cả. Tao xuất thân trong một gia đình suy tàn!
— Ông ta nói thế thật ư? - Kai thích thú hỏi.
— Đúng như thế. Ông ta nói là nói chú Christian của tao, chú Christian bây giờ bị nhốt trong bệnh viện tâm thần ở Hamburg. Ông ta nói đúng. Đừng ai hy vọng gì ở tao nữa cả, được như thế thì tao cảm ơn lắm. Bao nhiêu việc phiền não lâu nay làm tao đau khổ. Ví như, tao đứt tay, xước da... người khác thì vết thương ấy một tuần lễ là khỏi, nhưng tao thì phải hàng tháng, nó mưng mủ, ngày càng loét to, làm tao đau đớn vô cùng. Gần đây, ông Brecht nói với tao, hàm răng của tao hỏng hết rồi, cái thì hỏng chân, cái thì sâu, ấy là chưa kể những cái nhổ đi. Bây giờ đã như thế, mày nghĩ xem đến năm tao ba, bốn mươi tuổi, tao sẽ lấy gì nhai? Hết cả hy vọng!
— Đúng thế! - Kai nói, chân bước nhanh - Bây giờ mày nói chuyện đánh piano của mày xem nào! Tao định viết một câu chuyện tuyệt vời, một câu chuyện tuyệt vời!... Có lẽ lát nữa, đến giờ tập vẽ, tao sẽ bắt đầu. Chiều nay mày chơi đàn không?
Hanno im lặng một lúc. Ánh mắt của chú có vẻ buồn rầu, mơ màng.
— Có, có chứ. Mặc dù tao không chơi bài ấy mới phải, mà nên chơi những bài tập và những bản hòa tấu thôi. Nhưng tao thích bài ấy, không tự kiềm chế được nữa, mặc dù bài ấy sẽ làm hỏng tất cả!
— Hỏng à?
Hanno không trả lời.
— Tao biết mày thích chơi bản gì rồi, - Kai nói, sau đó cả hai cùng im lặng.
Cả hai cậu đang ở vào thời kỳ thanh xuân. Khuôn mặt Kai đỏ gay, mắt nhìn Hanno, đầu không cúi xuống. Mặt Hanno trắng bệch. Trông chú rất nghiêm nghị, đôi mắt mơ màng nhìn sang một bên.
Ông Schlemiel rung chuông, hai cậu lại lên gác.
Đến giờ địa lý. Giờ địa lý, phải kiểm tra bài, kiểm tra khu vực quan trọng. Một ông giáo để bộ râu đỏ, mặc áo đuôi tôm màu nâu, bước vào lớp. Ông ta da mặt trắng trẻo, cổ tay đầy lỗ chân lông, to tướng, nhưng không có một sợi lông nào. Đó là ông Mühsam, một ông giáo già vui tính. Ông ta mắc bệnh khái huyết, lúc nói thường pha giọng hài hước, vì ông ta cho rằng ông ta rất biết nói đùa, vả lại ông ta bị con bệnh giày vò. Nhà ông ta có một tủ sách nho nhỏ, thu thập được khá nhiều bản thảo và di vật của Heine, nhà thơ dũng cảm, bệnh tật đầy người. Vào lớp, ông ta treo ngay tấm bản đồ khu vực Hessen-Nassau lên bảng, rồi cười châm biếm, bảo mọi người vẽ lại những đặc điểm nổi bật của khu vực này. Ông ta hình như cười cợt học sinh mà hình như cười cợt khu vực Hessen-Nassau mặc dù bài kiểm tra ấy rất quan trọng, ai cũng sợ.
Hanno Buddenbrook chẳng biết gì về Hessen-Nassau, hay nói đúng hơn, điều ít ỏi chú biết gần như là không biết. Chú định nhìn bài của Todtenhaupt. Nhưng “Heinrich Heine” tuy bề ngoài có nụ cười châm biếm, kiêu ngạo rất khó chịu, nhưng chú ý từng cử chỉ nhỏ của học sinh. Ông ta nhìn thấy Hanno, nói:
— “Ông” Buddenbrook, tôi rất muốn “ông” gấp vở lại, nhưng lại sợ đối với “ông” làm như thế không lịch sự. Xin “ông” cứ tiếp tục!
Câu ông ta nói bao hàm hai ý châm biếm. Thứ nhất, là ông ta gọi Hanno bằng “ông”, thứ hai là, ông ta dùng chữ “lịch sự”. Buddenbrook không thể không cúi xuống vở của mình mà vắt óc suy nghĩ, cuối cùng chú phải nạp giấy trắng. Sau đó chú cùng Kai đi ra.
Mọi cửa ải hôm nay đã qua rồi. Những người vượt được một cách bình yên, lương tâm không bị cắn rứt và bị ghi tên thì sung sướng. Vào giờ của thầy Drägemüller có thể thanh thản vẽ ngay trong phòng đầy ánh sáng.
Phòng họa vừa rộng, vừa sáng sủa. Những chiếc bàn quanh tường bày rất nhiều tượng thạch cao phỏng theo tượng cổ. Trong một cái tủ khác có rất nhiều mảnh gỗ và bàn ghế ngồi chơi, tất cả những thứ ấy đều là hình mẫu. Ông Drägemüller béo lùn, râu quai nón xén tròn, đội bộ tóc giả màu nâu rẻ tiền, trơn bóng, tóc thật hở dưới gáy.
Ông ta có hai bộ tóc giả, một bộ dài, một bộ ngắn. Ông ta rất thích nói khôi hài. Ví dụ bút chì ông ta gọi là “chì”. Ngoài ra đi đâu, đứng đâu, người ông ta cũng tỏa ra mùi mỡ và mùi rượu. Có người bảo ông ta uống ét-xăng. Điều hạnh phúc nhất của ông ta là lên lớp thay người khác. Lúc ấy, ông ta tha hồ nói về chính sách Bismarck, vừa dằn giọng, vừa đưa tay xoáy thành từng vòng hình trôn ốc từ mũi đến bả vai, rất kỳ quặc. Cứ nói đến đảng Xã hội dân chủ là ông ta tỏ ra vừa căm giận, vừa sợ hãi... “Chúng ta phải đoàn kết lại - ông ta vừa túm lấy vai một cậu học sinh hư, vừa nói - Đảng Xã hội dân chủ đứng ở ngoài cửa!”. Có lúc, cử chỉ của ông ta như người mắc bệnh thần kinh. Ông ta xuống đứng cạnh một học sinh, nồng nặc mùi rượu, lấy ngón tay đeo nhẫn vừa gõ gõ vào trán cậu, miệng tuôn ra một tràng những từ không liên quan gì đến nhau: “Nhìn thấu”, “hình ảnh ghi sâu”, “chì”, “Đảng xã hội dân chủ”, “Đoàn kết!”.... rồi đột ngột đứng dậy bỏ đi.
Trong tiết học ấy, Kai viết một tác phẩm văn học mới, còn Hanno tưởng tượng mình đang chỉ huy một dàn nhạc. Hết giờ, mọi người mang đồ đạc của mình về. Lúc này có thể tự do đi qua cổng trường, ai về nhà nấy.
Hanno và Kai đi về cùng đường, cho tới ngôi biệt thự màu đỏ ở ngoài cổng thành cổ. Hai cậu vẫn cắp cặp. Qua chỗ ấy, cậu bá tước Kai phải đi một quãng xa nữa mới về nhà bố. Cậu không mặc áo choàng.
Lúc này, sương mù buổi sáng đã trở thành tuyết, từng cánh hoa tuyết mềm mại bay trong không trung, nhưng vừa rơi xuống đất là tan ngay. Mặt đất đầy bùn. Hai cậu chia tay nhau ở cửa vườn hoa nhà Buddenbrook. Hanno đã vào đến giữa vườn hoa rồi, Kai còn chạy theo ôm lấy cổ chú.
— Đừng buồn! Tốt nhất là đừng chơi bản nhạc ấy! - Cậu nói khe khẽ, và sau đó cái bóng dáng mảnh mai của cậu biến trong gió tuyết.
Hanno vứt cặp sách cạnh con gấu nâu giả nâng đĩa to đặt ở hành lang, rồi chạy vào buồng trong chào mẹ. Lúc này, bà Gerda đang ngồi trên ghế xích đu xem một cuốn sách bìa vàng. Khi Hanno bước trên thảm, bà mới ngước đôi mắt nâu hơi gần nhau lên nhìn con. Mắt bà vẫn có quầng xanh. Hanno đứng trước mặt mẹ, bà đưa hai tay lên ôm đầu con và hôn lên.
Hanno đi lên phòng riêng, chị hầu gái đang dọn bữa ăn trưa cho chú. Rửa mặt xong, chú mới ngồi vào bàn. Ăn xong, chú lấy một hộp thuốc lá Nga rất nặng ở ngăn kéo bàn học ra, ngồi hút. Thứ thuốc lá này đối với chú không phải là xa lạ. Chú ngồi trước đàn piano, chơi một bản nhạc rất buồn, rất nghiêm trang của Bach. Rồi chú đưa tay ra sau gáy, nhìn tuyết lặng lẽ rơi ngoài cửa sổ. Ngoài ấy chỉ có tuyết mênh mang, không còn gì khác nữa. Vườn hoa nhỏ xinh xắn có dòng suối chảy róc rách cũng không còn. Bức tường xám ngoài biệt thự che tầm mắt.
Bốn giờ, ăn bữa chiều. Bữa ăn chỉ có ba người, bà Gerda Buddenbrook, Johann và chị Clementine. Sau đó Hanno chuẩn bị chơi đàn ở phòng khách. Chú ngồi trước chiếc đàn piano chờ mẹ. Hôm nay chú chơi khúc nhạc số 24 của Beethoven. Tiếng violon mềm mại du dương như lời ca của một thiên thần. Nhưng bà Gerda không vừa ý, bà đưa đàn ra khỏi vải tỳ, nhìn chiếc đàn vẻ bực bội nói: “Âm thanh rời rạc quá!”. Bà không kéo đàn nữa, ra khỏi phòng.
Chỉ còn một mình Hanno ngồi ở phòng khách. Chú đến bên cửa kính thông ra ban công nhỏ hẹp, đứng nhìn vườn hoa có tuyết đang tan. Bỗng chú lùi lại một bước, kéo vội cái màn cửa màu sữa lại. Căn phòng trở nên mông lung, mờ ảo. Rồi chú trở về bên piano, đứng một lúc, mắt nhìn vào một nơi, nhưng không thấy gì hết, dần dần trở nên mơ màng. Chú ngồi xuống chơi đàn theo cảm hứng.
Chủ đề bản nhạc chú đang chơi thật đơn giản, thậm chí không thể gọi là chủ đề nữa, chỉ là một đoạn melody ngắn tổng cộng khoảng nửa giờ. Lúc đầu, chú đánh từng tiếng trầm trầm rất nhẹ, nghe như một tiếng thở dài bị đè nén dưới một uy lực, như một dòng suối nhỏ sắp trào ra, không ai biết ý nghĩa ở chỗ nào. Nhưng khi chú sử dụng những âm cao, đánh đi đánh lại nhiều lần rất hài hòa với những âm sắc trong trẻo thì người ta dần dần mới hiểu ra. Chủ đề ấy chỉ là một giải pháp, sự đổi thay giữa những nỗi niềm quyến luyến và đau khổ không đồng điệu. Khúc nhạc vốn là một sáng tác đơn giản, mộc mạc, nhưng chú chơi rất nghiêm trang, không chút cẩu thả nên có một sức mạnh kỳ diệu vừa thần bí, vừa sâu sắc. Sau đó, chú chơi lại một đoạn khác thật vui, thật sinh động, âm thanh vang lên rồi chìm xuống như bồi hồi, lại như tìm kiếm gì đó, chốc chốc xen vào một tiếng rên khủng khiếp, phá vỡ đi, nghe có cảm giác như có một linh hồn bị những âm thanh với những hòa âm không chịu lắng chìm, cứ trăn trở, bi ai, biến mất nhưng vẫn ôm lấy hy vọng làm cho kinh hãi. Các âm thanh mỗi lúc một mạnh rồi dồn dập, thôi thúc, đồng thời những tiếng kêu khủng khiếp cũng dồn lại, rõ dần và biến thành một điệu kèn nhiệt thành, cầu khẩn vang lên vừa mạnh, vừa cung kính, chiếm địa vị chủ đạo. Những âm hưởng xoáy tròn, cuộn sóng, bàng hoàng, trôi nổi láy đi láy lại ấy đều bị át đi, trầm lắng, chỉ còn những hợp âm thấp như trẻ con van xin và những tiết tấu đơn giản nhưng rất tinh tế. Cuối cùng, những âm thanh ấy kết thúc trong tiếng nhạc nhà thờ. Tiếp theo là một phút im lặng. Đột nhiên, hãy nghe, chủ đề thứ nhất với những âm sắc lảnh lót lại nhẹ nhàng vút lên. Những đoạn nhạc ngắn, khàn khàn, thần bí chuyển từ giai điệu này sang giai điệu khác một cách ngọt ngào mà đau khổ. Bỗng trào lên những âm thanh hỗn loạn, điên cuồng như trong khoảnh khắc bị một tiếng kèn hiệu khắc nghiệt và thô bạo khống chế tất cả. Chuyện gì đã xảy ra? Những gì đang được ấp ủ thai nghén? Tiếng kèn thôi thúc lên đường vang lên, tiếp theo hình như là sự tập hợp và chỉnh đốn lại lực lượng với những tiết tấu chắc nịch. Lại một bè khác vang lên, diễn tấu theo cảm hứng, một khúc nhạc săn bắn, nhanh và nhiệt tình nhưng không vui, ẩn náu trong đó là nỗi tuyệt vọng ngạo mạn. Không chỉ là tiếng kêu sợ hãi mà trong mọi âm thanh, chủ đề thần bí ban đầu với những hòa âm kỳ dị, ấm ức, được láy đi láy lại nghe rất đau đớn, say đắm nhưng ngọt ngào. Sau đó là những âm thanh liên tiếp không còn nhận rõ ý nghĩa và tính chất, một loại âm giai, tiết tấu và hòa thanh gắn bó khéo léo với nhau. Hanno không còn làm chủ được bản thân nữa, những âm hưởng ấy cứ trào ra dưới ngón tay chú. Ở phút trước chú chưa biết phút sau sẽ là những gì... Chú ngồi hơi cúi xuống trên những phím đàn, miệng hé mở, ánh mắt mơ màng, sâu lắng, mái tóc nâu mềm mại phủ xuống thái dương. Chuyện gì đã xảy ra? Chú gặp phải điều gì? Phải chăng những khó khăn ghê gớm đã vượt qua? Con rắn độc ác đã bị giết chết rồi ư? Hay là chú đang leo lên vách núi cao dựng đứng? Bơi qua dòng nước xiết? Vượt qua đám lửa? Chủ đề đơn giản ấy chuyển từ giai điệu này sang giai điệu khác, những tiếng cười sang sảng, những hạnh phúc không nắm bắt được cứ nổi lên trong khúc nhạc... Phải rồi, hầu như nó kêu gọi một sức mạnh mới, to lớn. Theo đó là những âm thanh ở cung độ thứ tám cuồng nhiệt như tiếng thét, lúc chậm rãi, rồi phình to ra không thể kìm giữ được với những âm thanh sôi sục của tình yêu nồng cháy không sao chống lại nổi. Bỗng một âm thanh nhẹ nhàng mà kinh hãi, khiêu khích cắt ngang tất cả. Hình như mặt đất sụt xuống, con người rơi vào hố sâu dục vọng... Có lúc, những hòa âm đầu như cầu xin, như sám hối, nhẹ nhàng hiện lên ở một nơi xa xôi, nhưng rồi trong giây lát lại bị một âm thanh khàn khàn che lấp đi, âm thanh khàn khàn ấy lúc vang lên, lúc chìm xuống, giây lát lại giãy giụa ồ ạt xông tới mục tiêu thần bí nào. Mục tiêu ấy nhất định sẽ xuất hiện, nó xuất hiện trong khoảnh khắc, vào lúc âm nhạc đạt đến cao trào, bởi vì lúc ấy khát vọng yêu đương không còn che đậy được nữa... Và nó đến thật rồi! Nó không còn kìm giữ nổi mình nữa, cơn khát vọng không còn kéo dài thêm nữa. Nó đến, rồi như một tấm màn bị xé toang, như cửa ngõ bị phá tung ra, như hàng rào đầy gai góc bị xô đổ, như bức tường lửa ập xuống... Giải pháp cuối cùng đã tới. Tất cả đều tan rã. Hy vọng được thỏa mãn. Mọi âm thanh đều hòa hợp trong một giai điệu reo vui. Tiếng nhạc trở nên ngọt ngào, trữ tình rồi chậm rãi và yếu dần. Nhưng lúc đó lại chuyển sang một giai điệu khác... trở về với chủ đề ban đầu. Bây giờ, không khí ngày hội được diễn tả bằng chủ đề đó, một cơn lốc, một trận vui phóng đãng... Giai điệu với những âm sắc khác nhau xuất hiện thông qua những âm độ khác nhau. Nó kêu gọi, nó run rẩy, nó ca hát, nó hoan hô, nó nức nở, nó che đậy bằng những âm thanh thắng lợi của đội kèn đồng, có lúc như bão tố gào thét, có lúc gióng giả như tiếng chuông, có lúc cuồn cuộn, có lúc như bong bóng bay cao vút lên. Người biểu diễn tỏ ra sùng bái một cách điên cuồng cái giai điệu tan nát, cái sáng tác hài hòa, ấu trĩ, ngắn ngủi không đầy nửa tiếng đồng hồ. Sự sùng bái ấy có cái thô thiển, ngu ngốc, khổ hạnh của kẻ sùng đạo, một thứ giống như tín ngưỡng và sự hy sinh bản thân mình. Ngoài ra, người biểu diễn không còn chủ động nữa, cứ muốn phát huy chủ đề, gây nên một cảm giác tội lỗi. Anh ta tham lam hút đến giọt mật cuối cùng, cho tới khi cảm thấy chán ngán, ghét bỏ, thể lực khô kiệt. Đó cũng là cảm giác tuyệt vọng làm cho người ta thấy anh ta tham lam hạnh phúc và diệt vong đến mức nào. Cuối cùng, sau sự mệt mỏi phóng đãng xuất hiện những âm thanh nhỏ nhẹ, chậm chạp nâng lên một cung độ, chuyển thành một giai điệu lớn, và mất dần trong âm thanh bi thảm bất tuyệt.
Hanno ngồi lặng đi một lúc lâu, cằm ép sát ngực, hai tay để trên đầu gối, rồi chú đứng dậy, đậy nắp đàn lại. Mặt chú tái nhợt, hai đầu gối mềm nhũn, mắt như bốc lửa. Chú sang phòng bên cạnh, nằm dài trên ghế xích đu rất lâu, không động đậy.
Đến giờ ăn tối. Ăn xong, mẹ chú và chú đánh một ván cờ không phân thắng bại. Nhưng hôm ấy cho tới nửa đêm, chú thắp một ngọn nến ngồi trước đàn harmonica ở trong phòng mình. Vì giờ ấy phải giữ yên tĩnh nên chú chỉ có thể chơi đàn trong tưởng tượng, mặc dù chú định năm giờ rưỡi sáng hôm sau sẽ dậy chuẩn bị bài vở.
Một ngày của Johann trôi qua như thế đấy.
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook