There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
à Tony bước vội vã trên phố Breiten, trông tiều tụy hẳn. Vẻ kiêu căng thường ngày toát khắp người bà, nay chỉ còn thấy đôi chút trên đầu và đôi vai. Những khi vội vàng, buồn rầu hay bận rộn, bà cố hết sức cũng chỉ để lộ được chút kiêu căng còn sót lại, giống như một ông vua thua trận, chỉ tập họp được ít tàn binh rồi chạy thoát thân mà thôi...
Chao ôi, mặt bà trông thê thảm làm sao! Vành môi trên cong cong, hơi vểnh lên một tí, ngày thường vốn có thể tăng thêm vẻ đẹp của bà, hôm nay mấp máy liên tục; đôi mắt giương to vì sợ hãi chằm chằm nhìn về phía trước, hình như bà sốt ruột lắm, muốn bước nhanh hơn nữa, mái tóc lòa xòa dưới cái mũ đội che gió, sắc mặt vàng khè, y hệt như lúc bà đau dạ dày.
Đúng như thế, dạo gần đây bà đau dạ dày ghê quá. Ngày đoàn tụ thứ năm, cả nhà thấy bà đang đau. Mặc dù mọi người cố tránh không đụng đến tảng đá ngầm ấy, cuối cùng câu chuyện vẫn lại xoay quanh vụ án ông Weinschenk. Chính bà Tony, vô tình lái sang hướng ấy. Bà xúc động hỏi trời hỏi đất, hỏi tất cả mọi người: “Làm sao ông kiểm sát Moritz Hagenström đêm đến lại ngủ yên lành được?”. Bà không hiểu, không bao giờ có thể hiểu được... Bà càng nói càng xúc động.
— Cảm ơn, tôi không ăn!
Nói xong, bà đẩy các món ăn trước mặt ra. Bà nhún vai, ngửa đầu ra phía sau, ngồi rầu rĩ. Lúc đó, ngoài bia ra, bà không ăn thứ gì hết. Đó là thói quen của bà mấy năm lấy chồng ở Munich, cứ nốc bia Bayern ướp lạnh vào bụng đói. Nhưng rồi thần kinh dạ dày rối loạn công khai làm cho bà đau đớn để báo thù. Gần cuối bữa ăn hôm đó, bà phải đứng dậy, đi đến vườn hoa phía dưới hoặc ra vườn, tựa vào người bà Ida Jungmann hoặc chị Severin, nôn oẹ một hồi. Khi tống những thứ dung nạp trong dạ dày ra ngoài rồi, người bà co rúm lại mấy phút. Bây giờ không nôn ra được gì nữa, chỉ nôn khan, đau kinh khủng.
Bấy giờ là tháng giêng. Khoảng ba giờ chiều, một ngày mưa to gió lớn. Đến ngõ Hàng Cá, bà Tony rẽ ngang, vội vã xuống dốc một đoạn, rồi đi vào nhà anh trai. Bà hộc tốc đẩy cổng, đi qua hàng hiên, xông thẳng vào phòng giấy anh trai. Bà lướt nhìn từ bàn giấy đến chỗ ông nghị ngồi trước cửa sổ, lắc đầu, vẻ van lơn. Ông nghị Thomas Buddenbrook liền bỏ cái bút ở tay xuống, đi đến đón bà:
— Chuyện gì thế hả? - Ông hỏi rồi chau mày lại...
— Em quấy rầy anh một lúc, anh Thomas... Việc gấp lắm, không thể trì hoãn một phút nào nữa.
Ông mở cánh cửa bọc dạ thông sang phòng làm việc riêng của mình, chờ bà em bước vào, tiện tay đóng lại, bấy giờ mới nhìn bà, vẻ dò hỏi:
— Anh Tom, - Giọng bà run run, hai tay xoa xoa - nhất định anh phải giúp em khoản ấy... tạm thời hoàn cho họ một phần số tiền bảo đảm. Em van anh, thể nào anh cũng đưa hộ nó... Em không có... Em đào đâu ra số tiền hai vạn năm ngàn mark bây giờ? Sau này nó sẽ giả hết cho anh! Chóng thôi, anh cũng biết!... Chuyện ấy, nói rõ ràng là vụ án ấy, bây giờ đến nước này là phải trả lại hai vạn năm ngàn mark tiền bảo đảm. Hagenström hạ lệnh bắt ngay. Weinschenk xin lấy danh dự hứa với anh rằng, nó quyết không đi khỏi nơi này...
— Như thế thật hay sao? - ông nghị vừa nói vừa lắc đầu.
— Không phải đến nước đó, mà chúng nó làm cho đến nước đó. Quân khốn kiếp! - Bà Tony giận quá, lả người ra, thở dài một cái rồi ngã ngay xuống cái ghế vải bạt để bên cạnh. Hơn nữa, chúng nó còn làm đến nơi, anh Tom ạ. Chưa làm đến nơi chúng nó chưa chịu...
— Cô Tony, - Ông nghị nói rồi ngồi nghiêng người trước cái bàn gỗ lát, chân gác lên nhau, tay chống đầu - Nói thật đi, cô còn tin nó oan nữa không?
Bà nấc lên mấy tiếng, rồi nói khẽ, tuyệt vọng:
— Chao ôi, em cũng không tin, anh Tom ạ... Làm sao em có thể tin được cơ chứ? Đời em gặp bao nhiêu chuyện rủi ro rồi! Ngay từ đầu em không tin rồi, mặc dù em cố thuyết phục mình để mà tin. Anh biết đấy, cuộc đời cho em nhiều bài học rồi! Em còn có thể tin được ai là người trong sạch nữa, quả thật rất khó, khó lắm... Ồ, từ lâu em đã nghi ngờ không hiểu nó có phải là người có lương tâm hay không? Điều đó làm em đau khổ vô cùng. Lại còn Erika nữa, nó cũng nghi ngờ... Nó từng khóc lóc nói với em như thế. Nó thấy hành vi của chồng nó ở nhà mà sinh nghi. Tất nhiên chúng em không nói cho ai biết cả. Cử chỉ của nó càng ngày càng thô bạo... Nó bắt Erika vui vẻ để cho nó khỏi buồn. Càng ngày càng quá quắt, hễ Erika hơi không vui là nó đập phá lung tung. Anh không biết chứ đêm nào nó cũng đóng chặt cửa ngồi tính sổ sách một mình... Nghe có người gõ cửa là y như nó giật nảy mình, gào to: “Ai, ai đấy?” - Im lặng một lúc, bà Tony lại tiếp, giọng có phần to hơn trước - Ừ, thì cứ cho là nó có tội, cứ cho là nó làm những chuyện ấy! Nhưng cũng không phải là nó đút vào túi nó, mà là cho công ty. Với lại, chao ôi, lạy Chúa, trong cuộc sống của chúng ta có những chuyện không thể không nghĩ đến được, anh Tom ạ! Erika đã lấy nó rồi thì phải coi nó là người trong gia đình chúng ta... phải coi là người chúng ta... Chúng ta không thể giương mắt nhìn chúng nó bắt người của mình ngồi tù, trời ơi là trời!...
Ông nghị nhún vai:
— Sao anh lại nhún vai, hả anh Tom? Lẽ nào anh chịu để bọn khốn kiếp kia bắt nạt người ta, để mặc bọn chúng nó đè đầu cưỡi cổ người ta hay sao? Không, phải nghĩ cách mới được! Không thể để chúng nó xử vụ ấy... Ông thị trưởng vẫn coi anh là cánh tay phải của ông ta kia mà... Ôi, Thượng đế! Lẽ nào nghị viện lại không thể thông qua được một nghị quyết miễn xử hay sao?... Em thú thực với anh rằng... trước khi em lại đây, em có nghĩ đến tìm ông Cremer bất kể thế nào cũng xin ông ấy giúp một tay, để ý việc này cho. Ông ấy là cục trưởng cảnh sát... - Cô trẻ con thật! Cứ nghĩ vớ nghĩ vẩn.
— Nghĩ vớ nghĩ vẩn, hả anh Tom? Erika thế nào, cháu bé thế nào? - Bà vừa nói vừa giơ cái lồng ấp lên, vẻ cầu khẩn. Tiếp đó, bà im lặng một lúc, rồi buông thõng tay xuống, miệng há ra, cằm run run. Hai giọt nước mắt lăn xuống má. Bà nói thêm một câu rất khẽ - Còn em thì thế nào?
— Ồ, hãy can đảm lên, cô Tony! - Vẻ đau khổ đầy tuyệt vọng của bà đã lay chuyển được ông anh, bất giác ông dịch ghế đến cạnh bà em, rồi vuốt lên tóc, an ủi - Cũng chưa đến bước đường cùng đâu. Nó chưa bị kết án. Còn có hy vọng. Tất nhiên là tôi không có ý từ chối đâu, tôi sẽ nộp tiền bảo đảm cho cô. Ngoài ra còn có ông Breslauer, ông ta là người rất thông thạo.
Nước mắt chảy ròng ròng, bà Tony lắc đầu:
— Không, không thể có hy vọng được đâu, anh Tom ạ! Em không tin là sẽ tốt lành được. Nhất định họ sẽ xử tội nó, sẽ bỏ tù nó. Lúc đó, Erika, cháu bé và em mới đau khổ! Số tiền hồi môn của nó tiêu tán vào những việc như mua sắm quần áo cưới, mua đồ đạc trong nhà và tranh sơn dầu hết rồi... Nếu bây giờ bán những thứ ấy đi, chắc chắn là không thu nổi một phần tư số tiền bỏ ra... Lương tháng nào tiêu hết tháng đó... Weinschenk chẳng dành dụm được đồng nào. Nếu mẹ bằng lòng, em sẽ dọn về nhà mẹ, chờ nó được tha... Đến lúc đó thì càng thảm hại. Liệu cuộc đời chúng em sẽ ra sao?... Chúng em đành phải “ngồi trên tảng đá”! - Bà nức nở nói.
— Ngồi trên tảng đá à?
— Không phải ư? Đó là một cách nói ví von... Chao ôi, không còn hy vọng nào! Em gặp nhiều tai họa quá! Thật em không hiểu, em mắc phải nghiệp chướng gì... Bây giờ em không dám mong mỏi cái gì nữa cả. Cảnh ngộ em gặp phải khi em lấy Grünlich và Permaneder trước đây, bây giờ lại rơi vào đầu con Erika... Nhưng lần này thì mắt anh nhìn thấy, sự việc xảy ra cạnh người anh, anh có thể phán đoán xem thế là thế nào? Tại sao lại xảy ra? Tại sao lại rơi vào đầu một người? Ai có cách gì thoát được? Anh Tom, em van anh, anh trả lời một câu, có cách gì thoát được không? - Bà lặp lại, nước mắt tràn trề, nhìn ông anh gật gật đầu - Em làm việc gì là y như việc ấy không trôi chảy, cuối cùng thì gặp tai họa... Thượng đế làm chứng em vốn là người lương thiện!... Em vẫn chân thành hy vọng có thể làm nên trò trống, để cho rạng rỡ môn mi... Bây giờ thì coi như là hết. Lần cuối cùng này... rốt cuộc vẫn như thế.
Bà dựa vào cánh tay ông Thomas đang dịu dàng ôm lấy bà. Bà khóc thảm thiết, khóc vì đời bà gặp nhiều chuyện khốn đốn quá, khóc vì hy vọng cuối cùng của bà lại tan như mây khói.
○○○
Một tuần sau, ông giám đốc Hugo Weinschenk bị tòa kết án ba năm rưỡi ngồi tù và tống giam ngay. Hôm hai bên nguyên cáo và bị cáo tranh cãi với nhau, người đến dự chật cả phiên tòa. Hôm ấy, luật sư tiến sĩ Breslauer từ Berlin tới đã cãi một bữa rất xuất sắc, mọi người xưa nay chưa hề được nghe ai nói giỏi như thế bao giờ. Mấy tuần lễ sau, ông Gosch, làm nghề môi giới chào hàng, vẫn không ngớt lời ca tụng tài mỉa mai, khảng khái, hiên ngang và tài làm cho người ta xúc động của ông Breslauer. Và sau khi nghe buổi cãi hôm ấy, thì ông Christian Buddenbrook thường đứng trước cái bàn ở câu lạc bộ, trước mặt để một chồng báo làm hồ sơ, bắt chước nhà luật sư bào chữa đó rất giống. Ngoài ra, ông Breslauer nói với người nhà rằng, nghề luật sư là một nghề rất thú vị, quả thật là nên học luật... Thậm chí, quan kiểm sát Hagenström cũng nói riêng với người khác rằng, ông rất thích nghe Breslauer diễn thuyết. Chỉ có điều tài ba của vị luật sư nổi tiếng ấy không có tác dụng gì, những người đồng nghiệp ở địa phương này vỗ vào vai ông ta, hòa nhã nói với ông ta rằng, họ không cho phép ông ta tự ý đến đây mà đảo lộn phải trái trắng đen.
Ông giám đốc Hugo Weinschenk bị giam rồi thì không thể không tổ chức bán đấu giá. Bán đấu giá xong, người trong thành phố dần dần quên hẳn ông ta. Nhưng hôm đoàn tụ gia đình ngày chủ nhật, các cô tiểu thư phố Breiten được dịp nói ngay: “Gặp lần đầu, nhìn qua thần sắc có thể thấy được là con người ấy không đứng đắn rồi, có nhiều khuyết điểm lắm, sau này chẳng ra gì đâu! Chỉ vì còn giữ ý, nên các cô không nói ra, bây giờ nghĩ lại, giữ ý như thế hơi thừa”.
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook