The multitude of books is making us ignorant.

Voltaire

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ạo gần đây, khi cả nhà họp nhau ăn bữa cơm đoàn tụ hàng tuần vào ngày thứ năm dưới tượng thánh ngậm miệng cười thêu trên bức thảm treo ở tường, có thêm một chuyện mới, hết sức nghiêm túc. Câu chuyện này làm cho ba cô gái họ Buddenbrook ở phố Breiten trở nên lạnh lùng, thận trọng, nhưng bà Tony thì lại xúc động không thể tự kiềm chế được. Điều đó có thể thấy được qua nét mặt hoặc cử chỉ của bà. Bà ngả đầu ra đằng sau, hai cánh tay không duỗi thẳng thì cũng giơ cao lên, trông vẻ bực tức, giận dữ; sự phẫn nộ phát ra tự đáy lòng bà. Bà bắt đầu từ câu chuyện cụ thể này nói đến tình hình chung, nói đến bụng người tồi tệ. Ngoài những cơn ho khan vì bệnh dạ dày thỉnh thoảng làm ngắt quãng, còn thì giọng bà ồ ồ từ trong cổ họng (mỗi lần giận dữ giọng bà ồ ồ như thế) thốt ra hàng loạt cái tên bà ghét cay ghét đắng: “Trieschke!”, “Grünlich!”, “Permaneder!”. Điều làm người ta ngạc nhiên là sau những cái tên đó bà còn thêm một cái tên mới nữa mà bà thường thốt ra, giọng khinh miệt, căm giận không sao tả được. Đó là “ông kiểm sát Moritz Hagenström”.
Một lát sau, khi ông giám đốc Hugo Weinschenk bước vào phòng khách lớn (vì bận công việc, nên lần nào ông cũng đến muộn), hai tay nắm lại, người lắc lư trong bộ lễ phục, bước tới, môi chìa ra sau hàng ria mép mỏng dính, để đến chỗ ngồi của mình, dáng điệu không chú ý đến ai, hết sức tự nhiên, thì câu chuyện bỗng lắng xuống. Không khí trở nên buồn tẻ vô cùng, lần nào ông nghị cũng phải phá tan đi. Ông lơ đãng hỏi ông giám đốc Hugo Weinschenk chuyện đó bây giờ ra sao rồi như là nói chuyện buôn bán vậy. Ông Weinschenk trả lời tốt, thuận lợi lắm, rồi vui vẻ bắt sang chuyện khác. Ông ta phấn khởi hơn bất cứ lúc nào, mắt nhìn ngược nhìn xuôi, trơ tráo, và mặc dù ông ta hỏi câu mà không ai trả lời, ông ta vẫn cứ hỏi lần này lượt khác chuyện bà Gerda Buddenbrook kéo đàn violon. Ông ta nói luôn mồm. Khó chịu nhất là khi cao hứng, ông ta nói không lựa lời những câu chuyện lạc lõng không đâu vào đâu. Ví dụ, ông ta kể chuyện một chị vú em nào đó đầu hói, đứa bé người ta thuê trông coi cứ còm cõi đi. Ông ta bắt chước giọng thầy thuốc lấy một bộ điệu mà ông ta cho là buồn cười lắm, gào lên “Ai đánh rắm thế nhỉ? Ai đánh rắm thế nhỉ?”. Nghe xong, vợ ông ta mặt đỏ bừng, bà cụ tham, ông Thomas và bà Gerda thì đực như phỗng. Ba cô gái họ Buddenbrook nhìn nhau, ánh mắt sắc như xoáy vào thịt đối phương. Ngay cả chị Severin ngồi ở cuối bàn cũng cảm thấy như mình đang bị làm nhục. Chỉ có cụ tham Kröger là cười gằn một tiếng. Đáng tiếc là từ nãy tới giờ cụ không chú ý nghe thì ông kia cũng đã nói ra rồi...
Rốt cuộc, ông Hugo Weinschenk bị chuyện gì vậy? Thì ra con người cần cù, nghiêm túc, thân thể mạnh khỏe, tay vụng về, không quen phép xã giao nhưng lại hết lòng vì chức vụ, chăm lo công việc, con người như thế lại phạm phải một tội nặng nề, nghe nói không phải chỉ một lần mà liên tục. Đúng, người ta đã đâm đơn kiện, đưa ông ta ra tòa, tố cáo ông ta không minh bạch. Hiện nay còn đang xét, kết quả thế nào không biết. Vậy thì, ông ta đã phạm tội gì? Sự việc như sau. Nguyên là nhiều nơi xảy ra những trận hỏa hoạn nặng, đáng lý công ty bảo hiểm đã ký hợp đồng với các khổ chủ rồi thì phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để bồi thường. Nhưng nghe nói ngay sau khi ông Weinschenk nhận được tin mật của những người đại lý gửi về thì ông ta giở trò bịp bợm chuyển các khổ chủ ấy sang một công ty bảo hiểm khác, đổ tai vạ cho họ. Hiện giờ, hồ sơ đang nằm trong tay ông kiểm sát Moritz Hagenström.
— Anh Thomas, - Lợi dụng cơ hội có thể nói chuyện riêng với con trai, bà cụ tham hỏi ông nghị - Anh nói qua cho tôi nghe với... tôi chẳng hề biết gì cả. Về việc này, chúng ta nên thế nào nhỉ?
— Vâng, me ạ! Nên nói thế nào với me đây nhỉ? Tất nhiên nói với me rằng không có chuyện gì là tốt nhất. Đáng tiếc là con lại không thể làm như thế được. Nhưng con không nghĩ là Hugo Weinschenk đã phạm tội gì ghê gớm lắm như một số người nào đó tưởng. Trong công việc làm ăn ngày nay, có cái người ta gọi là “thói tục” tức là một mánh khóe không phải hoàn toàn không thể chỉ trích được, mà cũng không phải hoàn toàn phù hợp với pháp luật đã ghi thành văn bản. Người ở ngoài nhìn vào có thể cho là không thành thực, nhưng người trong nghề thì theo ước lệ ngầm có thể thông cảm với nhau. Ranh giới giữa “thói tục” và trò bịp thật khó mà thấy rõ được... Cái đó ta cứ bỏ sang một bên. Nếu quả Weinschenk có làm việc gì đó thật, thì việc nó làm cũng không tồi tệ hơn những việc đồng nghiệp nó đã làm, chẳng qua những kẻ kia lọt lưới mà thôi. Nhưng... cũng không phải vì thế mà con cho là vụ án này sẽ kết thúc tốt đẹp. Ở thành phố lớn có lẽ nó sẽ được trắng án, nhưng ở chỗ chúng ta đây, chuyện gì cũng do quan hệ bè phái hay quan hệ cá nhân tốt hay xấu quyết định... Vì thế, khi nó tìm luật sư bào chữa cũng nên nghĩ kỹ một chút. Trong thành phố chúng ta không có vị nào giỏi, không có vị nào vừa có tài hùng biện lại vừa có nhiều kinh nghiệm có thể giải quyết được những việc khó khăn. Nhưng các vị ở đây cũng có đặc điểm của họ. Họ cấu kết với nhau thành một bọn, vì lợi ích riêng, vì bà con họ hàng với nhau, hoặc vì mời nhau vài ba bữa cơm, đàn đúm nhau vài ba bận, nên họ bao che cho nhau. Theo ý con, nếu Weinschenk biết điều, thì nó nên tìm luật sư ở vùng này. Nhưng nó lại khăng khăng không chịu. Nó cho là cần phải - nói cần phải có nghĩa là nói nó đã tính toán rồi - mời một vị ở Berlin bào chữa cho nó. Đó là tiến sĩ Breslauer, một gã vô lại, chỉ được cái lợi khẩu, nổi tiếng cãi liều. Đồn rằng hắn ta đã giúp cho nhiều tên bịp bợm bị phá sản khỏi ngồi tù. Lần này hắn thấy sẽ được hậu tạ, thế nào hắn cũng giở trò như những lần trước thôi... Nhưng làm thế liệu có lợi không? Con đoán chắc là các vị luật sư đáng kính của chúng ta ở đây sẽ dốc hết tài năng ra đánh gục kẻ xa lạ ấy. Với lại, các quan tòa cũng có thành kiến, họ nhất định sẽ nghe lời biện hộ của tiến sĩ Hagenström... Ngoài ra cũng cần phải kể đến người làm chứng. Người làm chứng như thế nào? Con thấy hình như những người làm trong công ty của Weinschenk không sẵn sàng hết sức. Cái bề ngoài thô bạo của nó - không những người tốt bụng như chúng ta nói thế, mà theo con, chính nó cũng thừa nhận thế - không giúp nó có nhiều bạn bè đâu... Tóm lại, mẹ ạ, con thấy sự thể không hay ho lắm! Nếu xảy ra chuyện gì không may, tất nhiên đối với Erika sẽ là điều đáng tiếc, nhưng con lại thấy khổ tâm cho cô Tony hơn. Cô ấy từng nói nếu Hagenström nắm được vụ án này thì hắn đắc ý lắm đấy. Câu nói đó rất đúng. Chuyện này liên can đến tất cả chúng ta, Weinschenk xấu mặt thì tất cả chúng ta cũng xấu mặt, bởi vì dù thế nào đi nữa thì nó cũng là người trong gia đình, ăn cùng bàn với ta. Về phần con, con sẽ có cách để khỏi dính vào. Con biết con nên làm thế nào. Trước mặt người khác, con phải làm ra vẻ chuyện này hoàn toàn không dính gì đến con. Cả lúc tòa án xử con cũng không dự, mặc dù con rất muốn nhìn mặt lão Breslauer một tí. Ngoài ra, để người khác khỏi bàn tán, cho là con định dùng thế lực của con can thiệp vào thì con còn phải làm ra vẻ không quan tâm đến. Nhưng còn cô Tony thì sao? Quả thật con không muốn nghĩ đến chuyện ấy chút nào hết, nếu Weinschenk bị tù tội thì đối với cô ấy thật là thảm hại. Cô ấy cố biện bạch rằng nó mắc bẫy người khác, vì ghen ghét nhau mà sinh chuyện, nhưng nhìn vẻ sợ hãi của cô ấy khi cô ấy nói cũng đủ hiểu rồi... Cô ấy sợ là mình gặp bao nhiêu chuyện không may, nay địa vị vẻ vang cuối cùng của mình là thay con gái làm công việc nội trợ cũng tan thành mây khói. Chà, mẹ cứ để mà xem, sự thật càng làm cô ấy hoài nghi lòng thanh bạch của Weinschenk thì cô ấy càng kêu oan cho nó. Tất nhiên rất có thể là nó thanh bạch, hoàn toàn thanh bạch, không có lỗi gì... Chúng ta phải chờ xem, mẹ ạ! Ngoài ra, chúng ta phải đối xử với Weinschenk, cô Tony và cháu Erika chu tất hơn nữa. Nhưng con vẫn cảm thấy thế nào ấy!
Ngày lễ sắp đến, đã có nhiều dấu hiệu báo trước từ đầu tuần Giáng sinh, tường phòng ăn nhà bà nội có treo bức tranh màu vẽ ông già Noel to bằng người thật. Lại một buổi sáng, Hanno thấy trên chăn, đệm, quần áo mình, ai rắc đầy bột vàng. Mấy hôm sau, vào một buổi chiều, bố nằm trên đi-văng trong phòng khách xem báo, Hanno đang đọc bài thơ nhan đề là Mụ phù thủy Endor trong tập Lá cọ của Gerok[129] thì giữa lúc đó, ông già Noel đến hỏi thăm “trẻ em ở đây”.
Mặc dầu mỗi năm “ông già” xuất hiện một lần, nhưng lần nào cũng mang đến cho người ta một cảm giác bất ngờ. “Ông già”mặc áo choàng da, phía ngoài đầy lông, đính kim nhũ và tuyết, đội cái mũ dạ cũng trang sức như thế, mặt trát vôi, râu dài trắng như bông, hàng lông mày rậm người thường không có, lại đeo những sợi kim tuyến lấp lánh. Được mời đến, “ông già” lê đôi chân bùn vào. Như mọi năm, ông tuyên bố, giọng khản đặc, nói rằng, cái đãy này, cái đãy ông đeo ở vai là dành cho những cháu ngoan, thuộc làu kinh cầu nguyện. Trong đãy toàn táo và đào. Còn cái roi mây ở vai bên phải là dành cho những trẻ hư... Đó là ông già Noel. Tất nhiên, không phải là ông già Noel thật. Biết đâu lại không phải là ông thợ cắt tóc Wenzel lộn trái áo da của bố mặc vào. Có điều, ông già Noel cũng không phải là chuyện hoàn toàn bịa đặt thì rất có thể chính ông già này rồi. Thế là như những năm trước, trái tim nhỏ bé của Hanno đập thình thịch, chú đọc thuộc lòng bài kinh cầu nguyện. Chú đọc một mạch hết bài, chỉ vì vội quá, phải dừng lại thở nên có bị ngắt quãng vài lần. Sau đấy, chú được thò tay vào cái đãy dành cho trẻ em ngoan, bốc một nắm. Nhưng cái đãy này khi về “ông già” quên không mang đi.
Ngày lễ bắt đầu như thế. Trước ngày lễ, nhà trường còn phát cho tờ phiếu điểm. Năm nay, bố xem phiếu điểm cũng vui vẻ cho qua... Phòng khách lớn cũng đóng lại một cách bí mật. Trên bàn ăn bày sẵn người đường làm bằng bột hạnh nhân và bánh ga-tô màu cà phê. Khắp thành phố ở đâu cũng là cảnh tượng ngày tết. Tuyết xuống, trời trở lạnh. Trong không khí trong trẻo và buốt như kim châm, từ đầu phố vọng lại tiếng đàn accordion vui hoặc buồn của người Ý, mặc áo nhung, râu đen, đến góp vui. Trong tủ kính của các cửa hàng bày các món quà Noel, đủ màu sắc. Chung quanh vòi phun nước kiểu gô-tích trung tâm chợ, đã dựng dãy lều các trò chơi nhân ngày lễ. Đâu đâu cũng ngửi thấy mùi thơm của các cây thông bày ra bán hòa lẫn với hương vị ngày tết.
Cuối cùng, ngày 23 tháng mười hai đã đến. Tối hôm ấy, trong phòng ngôi nhà ở ngõ Hàng cá đã chia quà Noel. Tới dự buổi chia quà lần này chỉ có mấy người thân nhất trong họ. Đây mới là buổi mở đầu, là màn dạo đầu, là lễ khai mạc mà thôi. Bởi vì theo lệ thường, đêm Noel long trọng sẽ được tổ chức ở nhà bà cụ tham. Bấy giờ mọi người trong họ mới đến dự, cho nên, tối ngày 24 tất cả những người thường có mặt buổi đoàn tụ ngày thứ năm đều tụ tập cả trong phòng phong cảnh ở phố Meng. Ngoài những người đó ra, còn mời ông Jürgen Kröger ở Wismar, bà Therese Weichbrodt, và bà Kethelsen nữa.
Hôm ấy, bà cụ tham mặc bộ xa-tanh kẻ sọc xám, mặt tươi cười, hai gò má đỏ ửng, khắp người ngào ngạt mùi nước hoa, đón tiếp hết tốp khách này đến tốp khách khác. Khi bà cụ lặng lẽ ôm khách vào lòng, chiếc xuyến vàng trên tay khẽ kêu leng keng. Tối hôm ấy, bà cụ nói rất ít, nhưng rất vui, người run run.
— Lạy chúa tôi, mẹ hơi run đấy, mẹ ạ! - Khi ông nghị cùng bà Gerda và Hanno bước vào, ông nghị nói với bà cụ như vậy... - Con cho là mọi việc sẽ tốt đẹp thôi!
Hôn ba người xong, bà cụ lại nói khẽ:
— Cầu mong đức chúa Jesus phù hộ mẹ lúc mẹ lên thiên đàng!
Quả thật như vậy. Nghi lễ trang nghiêm mà ông cụ tham đã qua đời, từng bày đặt ra vẫn tiến hành đầy đủ, không bỏ sót một chi tiết nào. Bà cụ tham cảm thấy trách nhiệm của mình là làm cho các hoạt động trong đêm nay vui một cách chân thành và có ý nghĩa sâu sắc, nghiêm túc, nên cũng không hề nghỉ ngơi phút nào, hết đến nơi này lại đến nơi nọ, đâu đâu bà cụ cũng để mắt tới. Trong gian phòng cột tròn, bọn trẻ con trong đội hát của nhà thờ Sankt Marien đã đến đông đủ. Ở phòng ăn, chị Severin đang tu sửa lại cây Noel và sắp xếp khay đựng quà lần cuối cùng. Mấy cụ già nhà nghèo đến nhận quà, dáng điệu thật thiểu não, từ phòng ăn đi ra, đứng lại ở hành lang, rồi đi về phòng phong cảnh. Cả nhà ồn ào, mọi người chuyện trò với nhau thoải mái. Nhưng khi bà cụ tham lặng lẽ đưa mắt nhìn xung quanh thì ai nấy im bặt. Có thể nghe tiếng đàn gió quay tay xa xa. Tiếng đàn không biết từ đường phố tuyết phủ nào vọng tới, thánh thót, rõ ràng chẳng khác gì tiếng đồng hồ chuông. Lúc này, trong nhà có tới gần hai mươi người hoặc ngồi hoặc đứng, nhưng lặng lẽ hơn cả nhà thờ. Đúng như ông nghị nói khẽ vào tai cậu Justus, người ta cảm thấy hơi giống không khí một buổi tang lễ...
Ngoài ra, không khí ấy cũng không thể bị tiếng cười nói của bọn trẻ con phá tan. Cả nhà không ai lo lắng đến điều này. Nhìn qua cũng có thể biết, tất cả những người họp mặt ở đây đều đã đến tuổi mà sự biểu lộ vui buồn đã định hình. Có ông nghị Thomas Buddenbrook, sắc mặt nhợt nhạt, cảnh giác, sắc sảo trông đến buồn cười của ông không tự nhiên chút nào. Bà Gerda, vợ ông, ngồi im lặng trên ghế tựa; khuôn mặt xinh đẹp nhưng hơi xanh của bà ngước nhìn lên, hai con mắt mọc gần nhau, có quầng thâm, tỏa sáng kỳ dị, đang chăm chú nhìn cái cọc nến có hình cành cây bằng thủy tinh long lanh, bà Tony, em gái ông, ông Jürgen Kröger, em họ ông, một con người trầm lặng, ít nói, ăn mặc giản dị, các cô Friederike, Henriette và Pfiffi, ba người chị con ông bác, trong số này, cô Friederike và cô Henriette so với trước thì gầy hơn, cao hơn, còn cô Pfiffi thì thấp hơn, béo hơn, nhưng cả ba chị em có đặc điểm chung là nét mặt không hề thay đổi, bao giờ cũng lạnh nhạt, xoi mói, bất cứ với ai hay đối với việc gì, họ cũng hoài nghi và không cho là thực, như muốn hỏi: “Có thật không? Không thể tin được!”. Cuối cùng ở đây còn có cô Kolthilde đáng thương, sắc mặt xám xịt, đang tập trung tư tưởng vào bữa ăn tối sắp tới. Tất cả những người này đã ngoài bốn mươi. Bà chủ nhà, chị dâu bà chủ và bà Therese Weichbrodt gầy còm và khô đét đã ngoài sáu mươi. Còn bà cụ tham Stüwing, vợ cụ Gotthold, và bà Kethelsen điếc đặc, đã ngoài bảy mươi rồi.
Người đang tuổi thanh xuân chỉ có một mình Erika Weinschenk. Nhưng mỗi khi cô đưa đôi mắt xanh lơ giống hệt mắt lão Grünlich liếc nhìn về phía chồng - ông chồng có mái tóc cắt ngắn, tóc mai đã hoa râm ngồi cạnh xô-pha phía trước bức thảm vẽ cảnh điền viên, luôn luôn ở trong tầm mắt của cô - người ta có thể trông thấy lồng ngực căng phồng của cô đang thở dồn dập, có điều không phát ra tiếng. Chắc những ý nghĩ hỗn loạn và đáng sợ như “thói tục”, sổ sách, người làm chứng, quan kiểm sát và luật sư bào chữa, quan tòa đang giày vò cô. Nhưng nói cho cùng, trong nhà ai là kẻ không đau khổ vì ý nghĩ trong lòng không phù hợp với không khí ngày lễ? Con rể bà Tony bị đưa ra tòa, trước mắt mọi người là một tên phạm pháp, phá hoại trật tự xã hội, làm trái đạo đức, chưa chừng anh ta phải ngồi tù, bấy giờ còn mất mặt hơn nữa. Mọi người đều ý thức một cách mơ hồ rằng, một bóng đen kỳ dị và đáng sợ đang bao trùm buổi họp mặt đêm Noel. Cả nhà Buddenbrook vui mừng thì lại có một tên phạm pháp ngồi lù lù ở đây! Bà Tony ngả người vào ghế, thần sắc hết sức trang trọng nghiêm nghị. Ba cô gái họ Buddenbrook ở phố Breiten nét mặt càng xoi mói...
Bọn trẻ con thì thế nào nhỉ? Người nối dõi tông đường thế nào nhỉ? Có phải chú cảm thấy không khí không bình thường này có phần khủng khiếp không? Tâm trạng của Elisabeth, chúng ta không thể biết được. Cô bé mặc cái áo nhỏ viền xa-tanh (thoáng nhìn người ta biết là điệu bộ bà Tony) ngồi trong lòng chị vú em, ngón tay cái để trong nắm tay, chút chút đầu lưỡi, hai con mắt hơi lộ đờ đẫn nhìn phía trước, thỉnh thoảng hét lên một tiếng, chị vú em liền khẽ lắc một cái. Đứa trẻ kia - Hanno - thì ngồi im trên chiếc ghế thấp dưới chân mẹ, và cũng như mẹ chú, đang ngước lên nhìn cái cọc nến hình cành cây bằng thủy tinh.
Chỉ có ông Christian là vắng mặt. Ông ta đi đâu? Mãi đến bây giờ ai nấy mới phát hiện ra là trong nhà còn thiếu con người đó. Bà cụ tham liên tiếp đưa tay vuốt từ khóe miệng lên tóc mai, một động tác bà vẫn quen làm dường như là vuốt lại mái tóc rối. Động tác này mỗi lúc một lúng túng... Bà cụ vội nói gì với chị Severin, thế là chị Severin lách qua tốp trẻ trong ban đồng ca của nhà thờ, đi qua gian phòng lớn cột tròn, qua chỗ những người nghèo khổ đang chờ nhận quà, qua hành lang đến gõ cửa phòng ông Christian.
Ông Christian vội vàng ra ngay. Ông vừa lê đôi chân vòng kiềng khẳng kheo (sau khi bị thấp khớp, chân ông ta hơi khập khễnh), vừa lấy tay lau trán hói, thong thả bước vào phòng phong cảnh.
— Trời ơi, - ông ta nói oang oang - suýt nữa thì con quên mất!
— Suýt nữa con quên mất... - bà cụ tham nhắc lại rồi thờ người ra.
— Chứ lại không ư? Suýt nữa con quên hôm nay là ngày Noel... Con ngồi trong phòng xem sách, xem cuốn viết về chuyến du lịch Nam Mỹ... Ôi dào, không hiểu con dự bao nhiêu ngày lễ Noel rồi! - Ông ta nói thêm. Ông ta đang định kể tràng giang đại hải cho mọi người nghe chuyện ông ta dự lễ Noel trong một phòng nhảy hạng năm ở London như thế nào thì bỗng không khí im lặng trong phòng đã lây sang ông.
Thế là ông ta chun mũi, bước rón rén đến chỗ ngồi của mình.
“Hãy vươn lên, các cô gái trên núi tiên!”
Bọn trẻ con trong ban đồng ca nhà thờ cất tiếng hát. Mười lăm phút trước, những đứa trẻ con này đang cười nói ồn ào ở bên ngoài, ông nghị phải đóng cửa phòng một lúc mới dẹp yên được. Nhưng bây giờ chúng hát rất hay. Tiếng trẻ con lanh lảnh lại có tiếng đại phong cầm đệm theo, nghe thật thanh thoát hồ hởi khiến lòng người rộn rã và nét mặt ba cô gái già cũng trở nên ôn hòa hơn. Tiếng hát làm cho người già nghĩ tới mình, hồi tưởng lại quá khứ, đồng thời làm cho người đứng tuổi tạm thời quên mọi nỗi bực dọc trong lòng.
Hanno từ nãy vẫn ngồi ôm đầu gối, bây giờ buông tay ra. Mặt chú trở nên nhợt nhạt, tay chú sờ sờ trên bông lúa chạm trên thành cái ghế thấp, lưỡi liếm răng, miệng hé mở, vẻ mặt đờ đẫn. Một lúc, chú mới cảm thấy phải hít một hơi thật dài. Bởi vì, tiếng hát du dương bay bổng trong không trung như tiếng chuông ngân, làm cho chú vừa sung sướng, vừa đau khổ. Bất giác lòng chú se lại. Ôi, đêm Noel! Bây giờ đây, qua khe hở giữa hai cánh cửa cao to, sơn trắng đóng chặt, mùi cây thông đưa ra thoang thoảng làm chú tưởng tượng không biết bao nhiêu điều đẹp đẽ về những cái ở bên trong đó. Mỗi năm một lần, chú phải chờ đợi như chờ đợi một vật gì quý báu vô cùng, hiếm có trên đời, không cầm được ở tay. Trái tim bé nhỏ của chú vui sướng quá cứ đập thình thịch... Ở bên trong, người ta chuẩn bị cho chú những gì nhỉ? Đúng chắc chắn là những cái chú mong ước, trừ những cái không thể có được. Vì từ trước, người lớn khuyên chú bỏ những ý nghĩ đó đi, những cái chú cầm được ở tay bao giờ cũng là những cái chú mong ước. Một nhà hát! Một nhà hát múa rối. Nhà hát ấy sẽ hiện ra ngay bây giờ đây, trước mắt chú, sẽ gọi chú đến ngay bây giờ đây, trước mặt nó. Trong mảnh giấy viết cho bà nội ghi món quà chú ước mơ, đồ chơi đó được liệt vào hàng đầu, phía dưới lại gạch một nét đậm cho nổi bật. Từ sau khi được xem vở Fidelio rồi, thì hầu như nhà hát múa rối là cái chú thường thấy trong giấc mơ.
Trước đây ít lâu, để thưởng cho chú về chuyện chú đến nhà ông Brecht chữa răng, lần đầu tiên chú được đến nhà hát thành phố xem hát. Chú ngồi trong “lô”, dựa sát vào người mẹ, chăm chú nghe nhạc và xem diễn vở Fidelio. Từ lần đó, mỗi khi nằm mơ là chú chỉ mơ thấy ca kịch, chú mê ca kịch đến nỗi quên ăn quên ngủ. Có lúc ở ngoài đường gặp người giống chú Christian, cùng là khách quen của nhà hát chẳng hạn, ông Döhlmann, ông Gosch, làm nghề môi giới chào hàng, chú hâm mộ họ vô kể. Những người như họ hầu như tối nào cũng có thể đến nhà hát tiêu khiển. Làm sao có thể được hạnh phúc đó nhỉ? Nếu mỗi tuần một lần, chú được đến nhìn qua sân khấu nghe thử dây đàn, xem cái màn khép chặt trước khi người ta biểu diễn thì sung sướng biết chừng nào! Bất luận mùi dầu khí hay là chỗ ngồi, nhạc công hay là phông màn... không một thứ gì trong nhà hát chú không thích.
Nhà hát múa rối của chú to hay nhỏ, rộng hay chật? Phông màn như thế nào? Hễ có trong tay là chú phải chọc một lỗ nhỏ ở phía trên tấm màn, chả phải trên tấm màn nhà hát thành phố cũng có một cái lỗ để nhìn ra hay sao? Bà nội hoặc chị Severin - vì bà nội không thể chú ý được nhiều như thế - có thể tìm thấy được tất cả những cảnh dùng để diễn vở Fidelio không nhỉ? Sáng sớm ngày mai, chú phải trốn vào một chỗ yên tĩnh, diễn thử một mình xem... Trong tưởng tượng, vai chú đóng đã hát lên rồi, bởi vì trong đầu óc chú âm nhạc và biểu diễn gắn chặt với nhau làm một!
Hãy vui cười lên thật thoải mái, Jerusalem! Bài hát đã đến đoạn cuối, theo cách hát đuổi thì hát đến âm tiết cuối cùng, các thứ giọng đều dừng lại và chồng lên nhau làm một. Tiếng đàn trong trẻo lắng xuống, không khí ở phòng cột tròn và phòng phong cảnh yên tĩnh trở lại. Như bị sự yên tĩnh nén xuống, những người ngồi đây đều nhìn xuống đất, chỉ có ông giám đốc Weinschenk và bà Tony là không như thế: ông Weinschenk vẫn nhìn ngược nhìn xuôi trâng tráo, còn bà Tony thì thỉnh thoảng ho khan một vài tiếng, tiếng ho này không thể bị vật gì đè nén được. Bà cụ tham thong thả đi tới trước bàn, ngồi trên chiếc xô-pha giữa mọi người (luôn tiện nói qua, chiếc xô-pha này không để trong góc cô đơn như trước, bây giờ đã dời tới trước bàn). Bà cụ cầm cái đèn ở trên bàn, dịch lại gần, lấy quyển Kinh thánh to tướng viền vàng đã bạc màu, đeo kính vào, mở hai cái khuy da dùng để khóa sách, giở chỗ đã đánh dấu. Trước mặt bà cụ là một trang sách dày cộp, đã ngả màu vàng, in kiểu chữ đặc biệt. Bà cụ nhấp một ngụm nước đường, bắt đầu đọc.
Bà cụ cố đọc những câu, những chữ cụ đã thuộc, thật chậm, thật rõ ràng, thấm thía. Trong không khí nghiêm túc và thành kính của căn phòng, giọng bà cụ nghe sang sảng và xúc động. Bà cụ đọc “Hãy đem phúc đức đến cho người đời!” vừa dứt thì trong phòng cột tròn vọng ra tiếng hát ba bè bài Đêm yên tĩnh, đêm thiêng liêng, thế là những người trong phòng phong cảnh cùng hát theo. Họ hát rất thận trọng vì phần lớn không được học nhạc, thỉnh thoảng có ai đó hát thấp xuống thì tất cả lạc giọng ngay... nhưng vẫn không làm cho bài hát mất sức hấp dẫn. Bà Tony vừa hát vừa mấp máy môi. Trong số những người ở đây, chỉ mình bà trước kia là đau khổ nhất, chỉ mình bà muốn hồi tưởng quá khứ trong khoảnh khắc yên tĩnh ngắn ngủi trong ngày lễ thiêng liêng này. Với lại, bài hát này đúng là bài hát có khả năng làm cho những con người như vậy cảm thấy vừa ngọt ngào vừa cay đắng... Bà Kethelsen thầm nuốt nước mắt, mặc dù tai bà không nghe thấy gì hết.
Hát xong bài này, bà cụ tham đứng dậy, một tay dắt cháu nội trai Johann, còn tay kia dắt chắt gái Elisabeth ra ngoài. Những người lớn tuổi liền đi theo bà, bọn trẻ con đi sau cùng. Khi qua phòng lớn cột tròn, bọn đầy tớ và những người nghèo chờ nhận quà Noel cùng nhập đoàn. Bây giờ, mọi người đồng thanh hát bài Ôi, cây thông. Ông Christian cố tình giơ thật cao chân khi bước như một con rối, lại hát Ôi, cây thông thành Ôi, cây sông làm cho bọn trẻ con cười ngặt nghẹo. Cứ thế đoàn người bước qua cái cửa cao lớn, hai cánh mở rộng, như đi vào cõi thiên đàng, mắt hoa lên nhưng tươi cười rất sung sướng.
Khắp căn phòng rộng lớn tỏa mùi thơm của cây thông bị đốt cháy, ánh lửa chiếu sáng như ban ngày. Bức thảm màu xanh da trời treo tượng các vị thần màu trắng càng làm cho căn phòng thêm rạng rỡ. Giữa cửa sổ có màn che màu tím, treo một cây thông khá to, ngọn hầu như chạm trần nhà. Trên cây rất nhiều sợi giấy bạc và nhiều đóa hoa bách hợp màu trắng rất to, trên ngọn có một vị thiên thần sáng lòa, dưới gốc là cảnh chúa Jesus ra đời. Từ trên xuống dưới thắp đầy những cây nến con, trông như sao chi chít trong căn phòng tràn ngập ánh sáng. Chiếc bàn trải khăn trắng, một đầu tựa vào cửa sổ còn đầu kia gần như chắn lấy cửa phòng. Trên bàn, không kể các loại tặng phẩm, còn bày một dãy cây nhỏ treo đầy bánh kẹo, cành cũng thắp những ngọn nến nhỏ. Ngoài ra, trên tường còn mắc đèn măng-sông, bốn góc nhà bày bốn cái cọc nến to tướng. Những tặng phẩm lớn không bày trên bàn dài được thì để dưới đất. Hai bên cửa đặt hai cái bàn bé hơn cũng trải khăn trắng như thế, cũng bày tặng phẩm và cây thông như thế. Đây là quà của người bề dưới và người nghèo.
Ánh đèn và ngôi nhà cổ kính mang bộ mặt mới mẻ ấy làm cho mọi người hoa cả mắt. Trước hết họ vừa hát vừa đi vòng quanh, nhìn tượng Chúa hài đồng nằm trong cái máng ngựa ăn vắt bằng nến. Sau khi xem qua các thứ, ai nấy đứng vào chỗ của mình, im lặng.
Hanno mơ mơ màng màng như người mất hồn. Chú vừa bước vào cửa, đôi mắt thèm khát của chú phát hiện ra nhà hát ấy... nhà hát bày giữa các tặng phẩm để trên bàn, trông thật rộng lớn, khang trang. Nằm mê chú cũng không dám nghĩ tới một cái đẹp đẽ như thế. Nhưng chỗ của chú đã thay đổi, chỗ chú đứng năm nay khác chỗ năm ngoái. Điều đó khiến Hanno hơi ngạc nhiên, thậm chí đâm ra nghi ngờ. Chẳng hay cái nhà hát tuyệt diệu kia có phải sắm cho chú không? Ngoài ra, phía dưới nhà hát còn bày một vật lạ lùng rất to lớn, hình thù trông giống cái tủ buýp-phê năm ngăn kéo. Cái này không ghi trong phiếu nguyện vọng của chú. Chả nhẽ đó là tặng phẩm của chú hay sao?
— Tới đây cháu, xem cái này... - Bà cụ tham nói rồi mở nắp cái vật đó ra - Bà biết cháu rất thích chơi bài Ngợi ca Chúa... Ông Pfühl dạy cháu đánh đàn như thế nào? Lúc đánh phải dẫm bàn đạp, lúc mạnh, lúc nhẹ... không được nhấc tay lên, chỉ cần đổi ngón tay một tí là được phải không?
Thì ra đó là một chiếc đàn phong cầm, một chiếc đàn xinh xắn, đẹp tuyệt vời. Thân đàn màu nâu, tay cầm hai bên bằng kim loại, bàn đạp trổ hoa, còn có cả một chiếc ghế xoay rất tinh xảo. Hanno bấm một phím, lập tức vang lên một tiếng êm ái, du dương. Những người đứng đó, không ai hẹn ai cùng quay đầu về phía này... Hanno ôm lấy bà nội. Bà cụ vỗ về chú với tất cả tình thương yêu rồi mới buông chú ra. Bà cụ còn phải đi quanh nhận lời cảm ơn của người khác.
Chú đi tới chỗ để cái nhà hát kia. Phong cầm quả là cái có thể làm chú say đắm, nhưng bây giờ chú chưa có thì giờ ngắm nghía. Khi lòng người ta tràn trề hạnh phúc, người ta không thể chú ý riêng một cái nào. Chú phải nhìn qua tất cả các thứ một lượt rồi mới quay lại nhìn kỹ từng thứ một... Ồ, đây là cái bệ cho người giới thiệu, một cái bệ nhỏ hình trôn ốc, phía sau bệ là tấm màn hai màu vàng đỏ rất đẹp. Màn kéo lên, trên sân khấu đang diễn đoạn cuối vở Fidelio. Tên tội phạm đáng thương chắp tay lại. Don Pizzaro mặc áo tay thụng căng phồng, sát khí đằng đằng, đứng một bên. Viên đại thần mặc áo nhung đen từ phía sau vội vã bước ra, để đưa tấn bi kịch đến một kết cục vui vẻ. Tất cả giống hệt như ở nhà hát thành phố, thậm chí còn đẹp hơn là đằng khác. Bên tai Hanno lại văng vẳng bản nhạc và bài đại hợp xướng kết thúc vở kịch. Chú ngồi cạnh cái phong cầm, đánh đoạn nhạc chú còn nhớ được... Nhưng chú vội vàng đứng dậy, đến cầm lấy quyển Thần thoại Hy Lạp chú mong ước từ lâu. Bìa sách màu đỏ, in Pallas Athen màu vàng, rồi lại đến cái khay đựng kẹo hạnh nhân và bánh nước gừng, chọn mấy chiếc. Bây giờ chú mới bắt đầu chơi những thứ đồ chơi như bút giấy sách vở vân vân. Cuối cùng, chú cầm lấy một cái quản bút, phía trên có đính một hạt thủy tinh nhỏ, chỉ cần để lên mắt thì như có ai làm trò ảo thuật, thấy cảnh ruộng đồng Thụy Sĩ, lúc đó chú quên hết những thứ khác.
Một lát, chị Severin và người hầu gái đi khắp nơi, đưa nước trà và bánh quy cho mọi người. Hanno vừa chấm bánh vào nước trà ăn, vừa đưa mắt nhìn bốn chung quanh. Người đứng trước bàn, người đi đi lại lại bên bàn, chỉ chỉ trỏ trỏ các món quà, bình phẩm với nhau, cười cười nói nói. Trên bàn bày đủ các thứ đồ sứ, đồ kền, đồ bạc, đồ gỗ, tơ lụa, vải vóc không thiếu một thứ gì. Bánh ga-tô nước gừng khảm hạnh nhân và vỏ cam tẩm đường. Bánh mì ruột bằng bột hạnh nhân nở phồng vừa mới ra lò, bày chéo nhau một dãy dài. Mấy tặng phẩm do bà Tony làm hoặc qua tay bà trang điểm: Một cái đàn violon, một cái đôn kê chậu hoa và một cái đệm chân thắt nơ xanh!
Thỉnh thoảng có người đến trước mặt Johann đưa tay ôm cổ chú, nhìn những tặng phẩm của chú, vẻ ngạc nhiên hàm ý đùa nghịch, vẻ mặt mà người lớn thường bộc lộ khi thưởng thức những vật quý của trẻ con. Chỉ có ông Christian là không biết giả vờ như thế. Khi ông vừa đeo cái nhẫn kim cương vào tay, đây là quà Noel của bà cụ tặng, vừa thất thểu bước tới cạnh cháu, trông thấy cái nhà hát trò rối đó thì ông cũng mừng rỡ không kém gì cháu.
— Chao ôi, thích quá nhỉ! - Ông kéo màn lên, hạ màn xuống mấy lần, rồi lùi lại một bước ngắm nhìn màn kịch đang diễn trên sân khấu. Ông nhìn khắp phòng một lượt, vẻ ngại ngùng, bỗng nói - Cháu xin bà cái này à? Ờ, té ra tự cháu xin bà cái này! Sao lại thích xin cái này? Làm sao cháu lại nảy ra cái ý này? Cháu đã đến nhà hát chưa?... Đã xem vở Fidelio chưa? Ừ, vở này hay lắm!... Cháu cũng nên tập diễn xem, phải không? Nên tự cháu diễn thử... Đã thích đến mức đó chưa? Chú bảo này, chú khuyên cháu một câu: nhất thiết cháu chớ có mê đấy nhé! Xem hát... chẳng ích lợi gì. Chú không nói dối cháu đâu. Trước nay chỉ vì chú mê mà chẳng làm nên trò trống gì hết. Đời chú, chú chỉ toàn đi vào ngõ cụt. Cháu nên biết là...
Khi ông Christian bảo ban cháu những lời như vậy, thái độ của ông ta rất chân thành, khẩn thiết, nhưng Hanno chỉ nhìn ông tò mò, thờ thẫn. Sau đó, ông ta lại im lặng quan sát sân khấu đó một lúc nữa...
Bỗng khuôn mặt xương xương hốc hác của ông ta tươi hẳn lên. Ông ta nhấc con rối bé tị lên phía trước rồi cất giọng khản đặc run run hát đoạn Ôi, phạm tội đáng sợ biết bao! Lại đẩy cái ghế nhỏ trước đàn phong cầm ra phía trước sân khấu, ngồi xuống biểu diễn vở ca kịch ấy. Ông ta vừa hát, vừa đưa tay lên múa, người lắc lư, bắt chước người chỉ huy nhạc lúc thử vai trong kịch. Người trong nhà dần dần tụ tập sau lưng ông ta. Cũng có người lúc đầu không tán thưởng, nhưng phần lớn thì cười ha hả xem ông ta làm trò. Hanno càng thích chí nhìn chú chằm chằm. Nhưng làm trò một lúc, ông Christian bỗng ngừng lại. Mặt ông ta tối sầm lại, lo lắng. Ông ta đưa một tay lên sờ đỉnh đầu và sờ nửa người bên trái rồi chun mũi lại, cuối cùng quay về phía mọi người, vẻ khổ não:
— Ấy đấy, các ông xem, nó đấy! - Ông nói - lại bị trừng phạt rồi đấy! Hễ làm chuyện gì cho vui vui một tí lập tức nó lại làm tình làm tội tôi. Chẳng đau ốm gì cả, các ông biết đấy. Rõ ràng lại lên cơn. Thật là tội sống! Cứ cuống cuồng lên, dây thần kinh bên này ngắn quá!
Nhưng không ai để ý gì đến những lời ông ta than vãn cũng như không ai coi trọng việc ông ta làm trò. Mọi người thờ ơ tản ra, chẳng một ai trả lời ông ta cả. Ông Christian lại một mình ngồi im lặng trước sân khấu, mắt nhấp nháy nhìn ngắm lúc lâu như trong lòng có nhiều điều tâm sự. Cuối cùng thì đứng dậy.
— Thôi, cháu chơi đi! - Ông ta vuốt tóc Hanno - nhưng chớ sa đà... Không nên ham chơi quên chuyện đứng đắn nghe chưa? Chú đã làm hỏng nhiều việc lắm rồi... Chú phải đi đến câu lạc bộ đây. - Ông quay lại nói với những người lớn - Hôm nay họ cũng làm lễ Noel. Thôi, chào nhé! - Ông lê đôi chân vòng kiềng ra khỏi phòng lớn cột tròn.
Hôm ấy, bữa trưa sớm hơn mọi ngày thường nên dùng bích quy, dùng trà, ai nấy đều thấy ngon miệng. Nhưng chưa hết bích quy lại đã bê lên mấy đĩa thủy tinh lớn, trong đựng một thứ bột đặc màu vàng, ở giữa có nhiều hạt nhỏ. Đó là món tráng miệng hạnh nhân, trứng gà, hạnh nhân giã nhỏ trộn với nước hoa hồng, vừa thơm vừa ngọt, rất ngon. Nhưng món này cũng có nhược điểm, chỉ cần ăn quá đi một thìa con con là có thể đau dạ dày. Mặc dù vậy, mọi người không ai tự kiềm chế mình được, thậm chí bà cụ tham yêu cầu mọi người hãy “dành bụng” cho bữa tối, cũng không có tác dụng gì. Cô Klothilde thì lại có dịp trổ tài. Cô làm thinh không nói một lời, múc hết thìa này sang thìa khác như ăn cháo kiều mạch, chỉ nét mặt tỏ vẻ biết ơn mà thôi. Ngoài món trứng gà hạnh nhân, để cho mọi người tỉnh táo, còn có rượu đựng trong cốc pha-lê, có thể ăn với bánh hồ đào khô theo kiểu Ăng-lê. Dần dần mọi người mang theo đĩa của mình sang phòng phong cảnh, ngồi từng cụm xung quanh bàn.
Phòng khách chỉ còn lại một mình Hanno. Năm nay là năm đầu tiên chú được ở lại phố Meng ăn bữa tối. Elisabeth có người đưa về nhà rồi. Bọn đầy tớ gái và bà con nghèo cũng đã nhận tặng phẩm rồi và đi khỏi nơi đây. Bà Ida Jungmann đang tán gẫu với chị Severin trong phòng lớn cột tròn, mặc dù thường ngày bà vẫn cho mình là cô giáo, đứng trước chị Severin, bà vẫn giữ khoảng cách không thể vượt qua được. Đèn ở cây thông lớn đã tắt ngấm. Lúc này chuồng ngựa tối om nhưng trên chiếc bàn dài vẫn còn một vài ngọn nến đang cháy, đây đó một vài cành cây bốc cháy nổ lét đét, làm cho căn phòng càng thơm phức. Mỗi khi có làn gió nhẹ thổi lung lay cành cây, thì những sợi giấy bạc buộc trên cây cứ đu đưa kêu lách tách. Bây giờ nhà lại vắng như trước, có thể nghe thấy tiếng đàn gió quay tay từ đường phố xa xôi trong đêm khuya giá lạnh vọng tới.
Hanno say sưa với mùi thơm và các tiếng động trong đêm Noel này. Chú đưa tay chống đầu, vừa đọc truyện thần thoại vừa ăn kẹo hạnh nhân, bánh trứng gà hạnh nhân và bánh hồ đào khô. Ăn những món này cũng là một phần của buổi lễ Noel. Bụng chú căng lên, chú thấy khó chịu nhưng với niềm vui do buổi tối ngọt ngào này tạo nên, chú có một cảm giác vừa buồn rầu vừa sung sướng. Chú đang đọc đoạn Zeus chiến đấu để giành lại quyền lãnh đạo chư thần. Nhưng cũng có lúc chú lắng nghe câu chuyện ở bên kia tường. Bên ấy người ta đang bàn tán về tương lai của cô Klothilde.
Trong những người có mặt hôm nay thì Klothilde là người hạnh phúc nhất. Người ta chúc mừng hay giễu cợt cô, cô cũng mỉm cười đáp lại và khuôn mặt xám xịt của cô cũng mất đi vẻ buồn rầu đau khổ hằng ngày. Cô vui sướng vì xúc động nên ăn nói không ra đầu ra đuôi gì cả. Nguyên là Klothilde đã được tu viện thánh Johann nhận vào. Vì chuyện này mà ông nghị phải thầm thì thậm thụt với Ban quản trị. Tuy có một số vị cũng nói bóng nói gió rằng đó là chuyện riêng tư của đàn bà, con gái. Mọi người đang bàn về nhà từ thiện đáng ca ngợi này, rằng nó cũng như những tu viện khác ở Mecklenburg, chuyên nuôi những người gái già không chồng con, sống cô đơn, con nhà danh giá. Từ nay về sau, cô Klothilde được nhận một số tiền dưỡng lão tiềm tiệm, tuy không nhiều, nhưng năm nào cũng được tăng thêm. Hơn nữa, khi tuổi đã cao, tu viện còn dành cho một căn phòng yên tĩnh mà sống thoải mái.
Johann ngồi một mình hồi lâu, nhưng sau đó lại sang phòng lớn. Lúc này phòng không sáng trưng như hồi nãy, cũng không huy hoàng như lúc đầu, trái lại, người ta cảm thấy gò bó khó chịu. Nhưng ở đây đang có sức hấp dẫn khác, một lạc thú hoàn toàn mới lạ, giống như khi ở nhà hát biểu diễn xong, người ta đi lần từng bước qua sân khấu tối mò tìm những điều bí mật trong hậu trường. Chú tới gần ngắm nhìn những bông hoa bách hợp nở tròn xòe trên cây thông lớn, những hình người, hình thú trên mô hình Chúa hài đồng lọt lòng, đặt trên tay nghịch một lúc, xem kỹ ngọn nến trong suốt chiếu sáng chuồng ngựa, lật giở các khăn ở chiếc bàn dài rủ xuống gầm chạm đất, xem đống hộp các-tông và đống giấy gói ở dưới bàn.
Trong phòng phong cảnh lúc này chuyện mỗi lúc một nhạt dần. Cho đến bây giờ, ai cũng tránh không nói đến câu chuyện không lấy gì làm vui lắm, tức là vụ án ông giám đốc Hugo Weinschenk, sợ ảnh hưởng đến không khí ngày lễ (mặc dù chuyện này không một phút rời khỏi đầu óc mọi người). Thế nhưng, hình như không làm sao tránh được, dần dần người ta lại quay sang chuyện đó. Chính ông Hugo Weinschenk nói rất hăng, ông cố làm ra vẻ hoạt bát (đến nỗi hơi thô bạo). Ông nói cho mọi người biết một số chi tiết về người làm chứng. Vì ngày lễ, vụ án này tạm hoãn. Ông nguyền rủa sự thiên vị trông thấy của ông tiến sĩ hội trưởng Hội Từ thiện và chê cười đả kích cái giọng pha trò của ông kiểm sát trưởng, tiến sĩ Hagenström, vì lần nào ông Hagenström nói chuyện với ông hoặc với thầy cãi của ông, cũng thường giở cái giọng khôi hài đó. Ông nói với mọi người rằng Breslauer đã đập lại một cách tuyệt diệu các luận điệu không có lợi cho ông và cam đoan với ông rằng, tạm thời vụ án này gác lại không xét. Ông nghị cứ hỏi chuyện này chuyện nọ chẳng qua cũng là theo phép xã giao. Bà Tony thì ngồi trên xô-pha nhún vai lẩm bẩm chửi Moritz Hagenström. Còn những người khác đều làm thinh, không nói một lời, ngồi trầm ngâm làm cho ông giám đốc Weinschenk cũng phải dần dần im miệng. Trong khi ở phòng lớn đằng kia, thời gian trôi qua một cách nhanh chóng như ở trên thiên đàng cạnh Hanno, thì ở phòng phong cảnh bên này không khí lại trầm muộn u uất, làm cho người ta phải lo lắng bồn chồn. Tám giờ rưỡi, ông Christian dự buổi dạ hội mừng lễ Noel của những người sống độc thân ở câu lạc bộ trở về, cũng không phá tan được không khí trầm muộn ấy.
Ông Christian vẫn ngậm ở miệng mẩu thuốc lá tắt ngấm từ lâu, khuôn mặt khô đét của ông đỏ ửng. Ông ở bên căn phòng lớn vừa bước vào phòng phong cảnh đã nói to:
— Các cháu ơi, phòng lớn trưng bày đẹp lắm Weinschenk này, nhất định hôm nay ta phải mời ông Breslauer đến đây, ông ta nhất định chưa thấy cảnh này.
Bà cụ tham lạnh nhạt đưa mắt nhìn ông ta, nhưng mặt ông ta cũng chỉ lộ vẻ ngạc nhiên mà thôi. Ông ta không hiểu ý bà cụ tham nên vẫn thờ ơ. Chín giờ, cả nhà ăn bữa tối.
Cũng như những năm trước, bữa tối năm nay vẫn ăn ở trong phòng lớn cột tròn. Bà cụ tham thành kính đọc kinh cầu nguyện trước bữa ăn như cũ:
— Lạy chúa Jesus, xin Chúa xuống ban phước lành cho chúng con...
Tiếp đó, như những đêm Noel trước, bà cụ khuyên bảo mọi người vài ba câu, đại ý nhắc nhỏ không nên quên những kẻ không được ăn mừng ngày lễ sung sướng như người trong gia đình Buddenbrook... Bà cụ nói xong, mọi người an tọa, chuẩn bị tận hưởng bữa ăn thịnh soạn này. Bữa ăn bắt đầu bằng món cá chép rán bơ và rượu vang lâu năm miền sông Rhine.
Ông nghị lấy mấy cái vảy cá để vào túi tiền, ông tin làm như vậy thì suốt cả năm sau, tiền của ông càng tiêu đi càng vào nhiều thêm, nhưng ông Christian nói cách đó không hiệu nghiệm, làm ông cụt hứng. Cụ tham Kröger không cần cách đó và cụ không sợ xảy ra điều gì. Số tiền ít ỏi còn lại không đáng để cụ lo lắng. Cụ cố tìm cớ ngồi xa cụ bà. Mấy năm nay hình như cụ ông không nói với cụ bà một câu nào. Bởi vì cụ bà vẫn không thôi lén lút gửi tiền cho ông Jakob, ông con bị tước quyền thừa kế. Mấy năm nay, ông Jakob vẫn phiêu bạt khắp nơi, còn như ở đâu, London, Paris hay châu Mỹ thì chỉ cụ bà biết mà thôi. Khi bê món ăn thứ hai lên, mọi người lại nhắc đến những người ở xa. Thấy cụ bà lau nước mắt, cụ ông bất giác buồn thiu. Lại nhắc đến những người ở Frankfurt và Hamburg, đến mục sư Tiburtius ở Riga. Không ai nói xấu gì ông ta cả. Ông nghị còn lặng lẽ chạm cốc với bà Tony, chúc sức khỏe hai ông Grünlich và Permaneder. Về mặt nào đó, hai người này cũng đã là thành viên của gia đình.
Món gà quay nhồi hạt dẻ, nho khô và táo rất được mọi người tán thưởng. Họ lại bắt đầu so sánh với năm ngoái. Cuối cùng ai nấy nhất trí rằng bao nhiêu năm qua chỉ có món gà quay năm nay là to nhất. Cùng một lúc với gà quay còn có khoai tây rán, xà-lát trộn cà chua. Tất cả để trong đĩa tròn to tướng. Xét về số lượng, hình như không phải để tráng miệng hoặc để lót dạ, vì món nào cũng đủ cho mọi người ăn no. Cuối cùng, mọi người lại được uống rượu vang lâu năm của công ty Möllendorpf.
Johann ngồi giữa bố và mẹ đang vất vả ăn miếng lườn gà tẩm bột. Chú không có cái dạ dày to như cô Thilda, chú thấy hơi khó chịu, chú chỉ thấy tự hào là đã được ngồi ăn cùng bàn với người lớn rồi. Trước mặt chú cũng bày một cái khăn gấp rất tươm tất, trên khăn cũng để cái bánh mì xinh xắn phết bơ rắc bột anh túc, cũng có ba cái ly. Không như trước đây, chú chỉ được uống trong cái cốc bằng vàng chân cao của ông cậu Kröger cho khi nhận làm bố đỡ đầu. Chỉ một lúc sau, ông bác Justus rót thứ rượu Hy Lạp màu vàng sền sệt như bơ vào cái ly bé nhất của mọi người, món kem ba màu đỏ, trắng, nâu cũng được đưa ra, thì chú thèm quá. Mặc dù răng đau hầu như không chịu nổi, chú vẫn ăn hết miếng kem màu đỏ, nửa miếng màu trắng, cuối cùng ăn cả miếng màu nâu có sô-cô-la, cắn mấy miếng pho-mát, uống chút ít rượu ngọt. Lúc này ông Christian đã cao hứng lắm rồi thì chú cũng thôi không ăn nữa để nghe người lớn nói chuyện.
Ông Christian kể chuyện câu lạc bộ ăn tết Noel, chơi thú lắm.
— Lạy chúa tôi - giọng ông hệt như khi ông kể chuyện - bọn họ uống cocktail Thụy Điển mà như nốc nước lã!
Bà cụ tham hừm một tiếng rồi nhắm mắt lại.
Nhưng ông vẫn không để ý. Mắt ông bắt đầu đảo ngược đảo xuôi, những ký ức cũng dồn dập hiện lên trong óc ông, lướt qua như cái bóng.
Ông hỏi:
— Ở đây có ai biết uống nhiều rượu Thụy Điển thì có cảm giác như thế nào không? Không phải là say ngay mà là hôm sau mới thấm! Cảm giác đó vừa là lạ, vừa khó chịu... đúng như thế, vừa là lạ, vừa khó chịu.
— Hay lắm, rất đáng được chú kể lại lần nữa - ông nghị nói.
— Đủ rồi, anh Christian, chúng tôi không thích nghe đâu! - bà cụ tham nói.
Nhưng hình như ông không nghe lời bà cụ nói, những lúc như lúc này, ai nói gì ông cũng chẳng để vào tai. Ông trầm ngâm một lúc. Bỗng nhiên, cái ý nghĩ làm cho ông xúc động hầu như đã thành thục rồi, có thể dùng từ ngữ diễn đạt ra được rồi.
— Đi đâu, đứng đâu cũng thấy khó chịu - Ông vừa nói, vừa chun mũi quay mặt sang ông anh trai - Ban đầu buồn nôn... Tất nhiên không phải chỉ uống nhiều rượu mới như thế. Nhưng còn cảm thấy ngứa ngáy nữa. - Nói đến đây, ông bực bội đưa tay xoa đi xoa lại - cảm thấy ngứa ngáy như khi tắm chưa sạch, rửa tay cũng vô ích thôi. Lòng bàn tay nó ươn ướt, bẩn thỉu, móng tay như dính cái gì nhờn nhờn... Tắm cũng không ăn thua, khắp người nhớp nháp, ngứa ngáy, khó chịu, nôn nao... Anh cũng biết cái cảm giác ấy chứ, anh Thomas?
— Ờ, ờ...!
Ông nghị xua tay, sốt ruột. Nhưng ông Christian quả là người không biết điều. Ít ai như thế, càng nhiều tuổi, càng quá quắt. Ông không mảy may nhận ra rằng người ngồi xung quanh chẳng ai buồn nghe, vả lại chuyện của ông chẳng thích hợp với hoàn cảnh buổi tối nay. Ông cứ say sưa nói về phản ứng sau khi uống cocktail Thụy Điển, đến khi ông cho là đã nói hết rồi ông mới chịu ngồi im.
Trước khi bắt đầu ăn bơ và pho-mát, bà cụ tham lại nói mấy câu.
— Mặc dù không phải sự việc nào cũng xảy ra theo đúng cách nhìn ngu muội nông cạn của chúng ta, - bà cụ nói - nhưng cuối cùng chúng ta cũng được hưởng nhiều hạnh phúc lắm, đủ cho chúng ta hết lòng biết ơn Chúa. Chỉ xem những việc vui việc buồn trong gia đình chúng ta, trước sau Chúa vẫn định đoạt số phận những người trong gia đình chúng ta theo ý sâu sắc thông minh của Chúa, chúng ta quyết không nên dò xét ý Chúa. Bây giờ, chúng ta lòng tràn đầy hy vọng nâng cốc chúc mừng tương lai của cả nhà chúng ta, tương lai nói đây chỉ lúc những người già cả và những người có tuổi có mặt ở đây đã yên nghỉ nơi suối vàng... Chúng ta cũng nâng cốc chúc mừng các cháu nhỏ, thực ra hôm nay là ngày tết của các cháu...
Vì con gái ông giám đốc Weinschenk về rồi nên khi người lớn uống rượu, Johann đành phải một mình đi quanh bàn, lần lượt chạm cốc với mọi người trên từ bà nội dưới đến chị Severin. Khi chú đến trước mặt bố, ông nghị vừa chạm cốc rượu của mình vào cốc rượu của con, vừa dịu dàng nâng cằm chú lên, nhìn vào mắt chú. Nhưng ông không nhìn thấy ánh mắt của chú, hàng lông mi dài của chú sụp xuống tận quầng xanh nhạt dưới mắt.
Bà Therese Weichbrodt đưa hai tay ôm đầu Hanno hôn lên hai bên má đánh “chút” một cái rồi chúc mừng chú (giọng bà thành khẩn vô cùng, thượng đế nghe thấy chắc không nỡ từ chối).
— Chúc cháu hạnh phúc, cháu ngoan của bà!
Một giờ sau, Hanno đã nằm trên giường. Giường của chú bây giờ dọn lên gian phòng sát hành lang gác ba bên trái, kế phòng thay quần áo của ông nghị. Chú nằm ngửa mặt lên trời cho dạ dày khỏi bị đè xuống. Tối hôm ấy, chú nhét vào dạ dày đủ các thứ, chắc chắn dạ dày chưa kịp sắp xếp các thứ đó lại, chú vui vẻ nhìn bà Ida bước tới. Bà Ida đã vào phòng thay quần áo ngủ, tay bưng một cốc xô-đa vừa đi vừa lắc lư. Chú uống hết cốc xô-đa đó rất nhanh, nhăn nhó mặt pha trò rồi lại nằm xuống.
— Thế nào cháu cũng phải nôn ra mới được bà Ida ạ!
— Không được nói bậy, Hanno! Cháu nằm ngửa cho tử tế là được rồi... Cháu có biết vừa rồi ai năm lần bảy lượt lắc đầu xua tay, không cho cháu nhét thật nhiều vào bụng không? Đứa trẻ nào không nghe lời người lớn nhỉ?
— Chắc cháu sẽ đỡ ngay thôi, bà Ida ạ! Bao giờ thì người ta đưa những thứ kia cho cháu nhỉ?
— Sáng sớm ngày mai!
— Bà bảo người ta đưa vào đây cho cháu, cháu muốn có ngay!
— Được rồi, được rồi, Hanno, cháu cứ ngủ một giấc đi đã - Bà hôn chú một cái, tắt đèn rồi bước ra.
Trong phòng chỉ còn một mình Hanno. Chú nằm im, mặc cho nước xô-đa phát huy tác dụng (đó là một cảm giác dễ chịu vô cùng). Mắt chú đã nhắm tít, mà cảnh đèn nến sáng trưng trong căn phòng rộng lớn vẫn hiện lên, chú thấy cái nhà hát múa rối, cái đàn phong cầm, cuốn truyện thần thoại của chú, chú nghe tiếng bọn trẻ con trong ban đồng ca hát bài Hãy vui thật nhiều, Jerusalem từ xa vẳng tới. Tất cả đều huy hoàng xán lạn. Đầu chú hơi nóng, tai chú ù ù. Tim chú bị cái dạ dày liên lụy, khi nhanh thì đập thình thịch, khi chậm lại rất chậm, không theo quy luật nào cả. Trong trạng thái vừa khó chịu, vừa mệt mỏi vừa sung sướng xen nhau, chú nằm mãi vẫn không ngủ được.
Mai là đêm Noel thứ ba, mọi người phải đến nhà bà Therese Weichbrodt chúc mừng và nhận quà. Nghĩ tới chuyện đó, chú vui sướng chẳng khác gì được xem hài kịch. Từ năm ngoái, bà Therese Weichbrodt thôi không mở trường ký túc nữa, cho nên trong ngôi nhà nhỏ phố Mühlenbrink chỉ còn bà và bà Kethelsen. Bà ở dưới nhà, bà Kethelsen ở trên gác. Người nhỏ bé, suy nhược, càng ngày bà càng nhiều bệnh, bà biết ngày tận số của bà không còn bao xa nữa. Nhưng bản tính hiền lành, và lòng sùng đạo của bà khiến bà tiếp thu chuyện đó một cách tự nhiên. Mấy năm gần đây, bà cứ nghĩ lần này ăn tết Noel là lần cuối cùng trong đời bà. Bởi vậy năm nào trong căn nhà nhỏ bé oi bức của mình, bà cũng dốc chút sức tàn của mình ra, cố làm thật ra trò. Vì không đủ khả năng mua nhiều thứ, bà lấy những thứ không cần dùng trong tư trang của bà ra làm tặng phẩm. Phàm những thứ không có nó cũng sống qua ngày, bà đều đem bày dưới cây Noel: đồ chơi, gói nhỏ giấy bạc, gói nhỏ cắm kim, lọ hoa pha-lê... lại còn những cuốn sách chọn trong tủ sách của bà, đủ các cỡ và các cách trang trí, như cuốn Nhật ký bí mật của một người tự quan sát mình, tập thơ của Hebel[130], ngụ ngôn của Krummacher[131]... Hanno được bà tặng cuốn Tư tưởng Pascal[132] nhỏ xíu, phải dùng kính lúp mới đọc được.
Rượu bischof nhiều quá, uống không hết. Ngoài ra, bánh gừng của gia đình Sesemi cũng rất thơm, rất ngon. Nhưng vì bà Weichbrodt năm nào ăn tết Noel, cũng nghĩ đây là lần cuối cùng trong đời mình, lại nữa, lúc nào hai tay bà cũng run lẩy bẩy, nên không tối nào là không xảy ra chuyện bất ngờ không hay, xáo trộn tùng phèo, khiến khách phải bật cười mà cũng làm nổi bật lòng nhiệt tình vô hạn của bà. Nếu không phải là bình rượu bischof đổ vỡ, vật gì cũng dính đầy thứ nước ngọt màu đỏ ấy, thì đúng khi mọi người bước tới nhận quà, cây Noel trang hoàng đẹp đẽ bỗng từ trên trang thờ bằng gỗ đổ xuống... Hanno mơ màng sắp thiếp đi lại nghĩ đến chuyện xảy ra năm ngoái lúc chia tặng phẩm. Bà Therese Weichbrodt vừa đọc kinh thánh xong. Bà đọc rất to, sai hết nguyên âm rồi lùi về phía cửa phòng, định nói mấy lời với khách. Bà đứng trên bậu cửa, vóc người bé nhỏ, lưng gù gù, hai tay bắt tréo trước bộ ngực lép kẹp; cái nơ xa-tanh màu lục trên cái mũ mềm thõng xuống hai vai hẹp. Khung cửa phía trên đầu bà treo tấm biển trổ dòng chữ “Quang minh thuộc về Thượng đế cai quản mọi loài”, xung quanh có cành thông trang điểm, lại có nến thắp sáng trưng để trông cho rõ. Thế là bà Weichbrodt nói đến lòng nhân từ của Thượng đế; bà cũng nhắc đây là ngày lễ Noel cuối cùng của bà. Sau rốt, bà muốn mượn lời của một vị sứ giả nhà trời để làm cho mọi người vui vẻ. Nói đến đó, bà xúc động quá, run cầm cập từ đầu đến chân. “Hãy vui lên” - bà nói, rồi nghiêng đầu sang một bên, ra sức lắc lắc: “Tôi nhắc lại một lần nữa: hãy vui lên!”. Giữa lúc đó, dòng chữ trên đầu bà bỗng cháy, cành thông nổ lách tách, lửa ngọn kêu ù ù, bà Weichbrodt hét lên, nhảy xuống ngay, tránh ngọn lửa đang rơi xuống đầu. Không ai ngờ bà lại có thể nhảy nhanh được như thế!...
Hanno nhớ tới điệu bộ của bà già nhỏ bé ấy khi nhảy xuống, thấy buồn cười vô cùng. Chú vùi đầu vào gối, cười ngặt nghẽo một lúc lâu.
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook