Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
hâm tâm ông Thomas Buddenbrook không thích cái khí chất đó của Johann và không muốn chú phát triển theo chiều hướng đó.
Trước kia, ông bất chấp những lời dèm pha, những cái lắc đầu của đám thị dân để cưới cô Gerda Arnoldsen về làm vợ. Lúc đó, ông cho mình là người kiên nghị không để ai lung lạc. Ông có thể cho phép sở thích phong nhã khác người của mình bộc lộ mà không phương hại gì đến thông minh tài cán của một người thị dân. Nhưng bây giờ, đứa con thừa tự ông mong mỏi bao lâu mới được, nhìn hình thể bề ngoài vẫn mang rất nhiều đặc điểm của dòng họ này, lại hoàn toàn chịu ảnh hưởng sâu sắc khí chất của mẹ nó. Ông vốn hy vọng sau này sẽ có ngày nó phát huy sự nghiệp suốt đời của ông được thuận lợi, mạnh mẽ hơn ông. Nhưng cứ như bây giờ thì không những nó không hòa mình vào hoàn cảnh sống và những hoạt động mà ông có trách nhiệm, thậm chí nó lại còn lạnh nhạt cả với ông nữa. Chả nhẽ những cái đó lại trở thành sự thực hay sao?
Mãi cho đến nay, ngón đàn violon của vợ, đôi mắt kỳ dị mà ông từng yêu tha thiết, mái tóc đỏ thẫm dày khít cũng như phong thái tình cảm lạ lùng của vợ ông vẫn không hề thay đổi, và đối với ông thì đó chính là những cái làm cho ông say đắm. Nhưng bây giờ ông vẫn không thể không nhìn nhận rằng sự say mê âm nhạc đã hoàn toàn chi phối con trai ông khi nó còn non dại, sự say mê ấy trái ngược với bản tính ông, đã thành đối địch với ông, ngăn cách ông và con trai ông. Hơn nữa, ông hằng mong mỏi con trai ông sẽ là một người của dòng họ Buddenbrook thật sự, một người tính tình kiên nghị, đầu óc thực tế, có chí tiến thủ mạnh mẽ đối với quyền lực vật chất. Tình cảnh trước mắt khiến ông đau đầu, sức mạnh đối địch đó là mối đe dọa lớn đối với ông, hầu như muốn biến ông thành người xa lạ trong chính gia đình ông.
Bà Gerda, và ông Pfühl, bạn bà, thì đắm đuối say mê âm nhạc, ông không sao gần gũi được. Thái độ cao ngạo nghiêm khắc của bà vợ đối với những chuyện có liên quan đến nghệ thuật làm cho ông càng khó gần gũi với âm nhạc.
Xưa nay ông chưa hề nghĩ rằng âm nhạc là cái gì hoàn toàn xa lạ với người trong nhà này, chỉ đến bây giờ ông mới có cảm giác đó. Ông nội ông những lúc nhàn rỗi cũng thích thổi sáo, bản thân ông lúc nào nghe những bài melody hay, cũng thấy thích thú, dù bài đó êm đềm, thê thảm hay nhộn nhịp, vui tươi. Nhưng chỉ cần ông nói sự thích thú đó ra bằng lời nói là vợ ông liền nhún vai tỏ vẻ thương hại:
— Anh bạn! Anh thật là... Cái của ấy thì có giá trị âm nhạc đâu cơ chứ?
Ông rất bực với cái “giá trị âm nhạc” ấy, bởi vì đối với ông, từ ấy bao hàm một ý nghĩa tàn nhẫn và ngạo mạn. Có lúc đứng trước mặt bà, ông buộc phải chống chế. Nhiều lần ông đã giận dữ gào lên:
— Em thân mến! Động một tí là em nói đến giá trị âm nhạc! Anh thấy chẳng qua chỉ là sự tự cao tự đại, nhạt nhẽo vô vị mà thôi!
Bà Gerda cãi lại chồng:
— Anh Thomas, mãi mãi anh không bao giờ hiểu âm nhạc là một nghệ thuật. Anh thông minh nhưng không thể nhận thức được rằng, âm nhạc là một nghệ thuật chứ không phải là trò tiêu khiển lúc trà dư tửu hậu. Những chuyện khác, anh phân biệt được rõ ràng thế nào là tầm thường, chỉ riêng âm nhạc thì anh thiếu hẳn óc phán đoán, mà óc phán đoán là thước đo trình độ hiểu biết nghệ thuật. Đối với âm nhạc, anh không có những nhu cầu và những kiến thức như đối với những cái khác. Nội điều đó cũng đủ cho thấy anh chẳng hiểu gì về âm nhạc cả. Anh thích cái gì trong âm nhạc? Thích cái lạc quan tầm thường vô vị chứ gì! Nếu thứ đó được viết vào sách, chắc chắn anh sẽ đọc sách đó với thái độ bực bội, mỉa mai. Hy vọng chưa nhen nhóm đã được thực hiện ngay... Ý nguyện vừa lóe lên đã được thỏa mãn nhanh chóng, không mất công tốn của...! Chính bài melody hoa mỹ là như thế đó. Nhưng trên đời có cái gì như thế nhỉ? Chỉ là lý tưởng trống rỗng, nông cạn mà thôi!
Ông Thomas hiểu vợ, hiểu được những lời vợ nói. Nhưng về cảm thụ, ông lại không thể tán thành ý nghĩ đó của vợ. Ông không thể hiểu nổi tại sao những bài melody hoa mỹ khiến cho ông phấn chấn, rung động lại trống rỗng, nông cạn, còn những thứ ông thấy khô khan hỗn loạn thì lại có giá trị âm nhạc cao nhất! Ông như đang đứng trước một ngôi đền mà bà vợ đã không chút nể nang, cự tuyệt không cho ông bước qua khỏi bậu cửa! Ông đau khổ nhìn vợ và con mất hút vào trong đó.
Ông buồn vô cùng khi cảm thấy cái hố ngăn cách giữa ông và con trai ông ngày càng sâu. Ông không để người khác nhìn thấy nỗi lòng đó. Ông lại sợ người khác hiểu lầm là ông cố tình làm vui lòng con. Ông cho đó là một điều nhục nhã hết sức. Hằng ngày, thời gian nhàn rỗi để bố con gặp nhau quả thật là ít ỏi. Ông chỉ có thể nói với con dăm ba câu chuyện trước và sau bữa ăn. Thái độ ân cần vồn vã của ông có phần nghiêm nghị, nhưng ông không làm cho con sợ hãi.
— Này, con - vừa nói ông vừa vỗ vào đầu con hai cái rồi ngồi xuống cạnh con trước mặt vợ - Thế nào? Con làm những gì? Học chứ?... Chơi piano nữa chứ? Khá lắm! Nhưng không được chơi nhiều quá đấy, không thì sẽ không thích những thứ khác nữa. Rồi đến lễ Phục sinh suốt ngày sẽ phải ngồi trên cái ghế giá lạnh đấy.
Thái độ của Hanno như thế nào? Những lời thân mật đó của ông, chú trả lời ra sao? Ông sốt ruột chờ đợi, nhưng các thớ thịt trên mặt ông không hề để lộ những điều phiền muộn trong lòng ông. Cuối cùng, khi chú bé rụt rè ngước đôi mắt to màu nâu có quầng, nhưng lại không nhìn vào mặt ông, rồi lặng lẽ cúi xuống ăn, thì bất giác lòng ông quặn đau... Mặc dù vậy, nhưng ông cố làm ra vẻ không có gì xảy ra cả.
Nếu con bẽn lẽn ngốc nghếch mà mình cũng tỏ ra lo lắng thì chẳng phải là chuyện nhỏ mà mình xé ra to hay không? Bổn phận của người làm bố là nhân cơ hội gia đình đoàn tụ trong chốc lát, lợi dụng khoảng trống giữa bữa ăn, ví dụ khi thay đổi món ăn, nói với con vài lời, kiểm tra con một số hiểu biết thông thường về đời sống thực tế, chẳng hạn như thành phố chúng ta có bao nhiêu ngàn dân? Có mấy đường phố từ bờ sông Trave đến khu trên? Mấy kho chứa lương thực của hãng ta tên là gì? Không cần suy nghĩ cũng có thể trả lời được! - Nhưng Hanno làm thinh, không nói được một lời nào. Không phải chú muốn làm cho bố nổi cáu hay cố tình làm cho bố khổ tâm. Những chuyện như dân cư phố xá thậm chí kho lương thực gì gì nữa, ngày thường chú không lưu ý chút nào hết. Cho nên nghe bố đặt câu hỏi kiểm tra thì chú chán ghét quá thể. Trước khi ông Thomas hỏi những câu kia, chú hoạt bát lắm, có thể còn nói với bố dăm ba câu chuyện thoải mái. Nhưng khi cuộc trò chuyện mang tính chất kiểm tra thì lòng chú trở nên giá lạnh. Khả năng chống chế của chú cũng biến đâu mất. Mắt chú ươn ướt, miệng chú xệ xuống. Chú vừa đau khổ, vừa oán giận bố không đoán trước giùm cho chú. Lẽ ra bố nên hiểu rằng kiểm tra như thế không có kết quả gì, chỉ làm cho bữa ăn mất vui đi mà thôi. Chú rưng rưng nước mắt, cúi đầu nhìn cái đĩa trước mặt. Bà Ida huých khẽ vào người chú, nhắc khẽ cho chú biết tên các đường phố và kho hàng. Tiếc thay, bà làm thế cũng phí công vô ích. Bà không hiểu chú. Thực ra những tên đó chú biết, ít ra chú cũng nhớ được một số, và chừng mực nào đó, muốn làm cho bố thỏa mãn cũng không phải là chuyện khó. Nhưng có một nỗi buồn không sao chống lại được đang ngăn cản chú trả lời... Lúc đó, bỗng giọng nói nghiêm nghị của bố và tiếng dao nĩa chạm vào nhau, làm cho chú run lên. Chú đưa mắt nhìn mẹ và bà Ida định mở miệng nói, nhưng hai ba tiếng đầu đã bị tiếng nức nở át mất, không thể nói tiếp được nữa.
— Thôi - ông nghị giận dữ - đừng nói nữa! Tao không buồn nghe nữa! Mày không phải trả lời nữa! Mày làm thằng câm, thằng ngốc suốt đời đi!
Hôm ấy, cả nhà lặng lẽ buồn rầu ngồi nuốt cho xong bữa.
Mỗi khi ông nghị nghĩ đến chuyện Hanno say sưa học nhạc thì ông buồn rầu không vui, bởi vì ông thấy con mềm yếu quá, hơi một tí là khóc, thiếu sinh lực, thiếu kiên nghị.
Hanno xưa nay vốn yếu ớt, đặc biệt hàm răng của chú là nguồn gốc gây ra không biết bao nhiêu tai ương đau khổ cho chú. Lúc mọc răng sữa thì hết sốt lại lên kinh giật, suýt nữa thì toi mạng, về sau chân răng của chú hay tất lên, mưng mủ. Bà Ida Jungmann phải lấy kim khâu chích mủ ra. Lúc thay răng chú lại khổ hơn bao giờ hết. Hình như chú không chịu đựng nổi những cơn đau đó. Thường là suốt đêm ngủ không yên, cứ rên rỉ nức nở trong cơn mê. Nhìn bề ngoài, những cái răng mới mọc đó của chú đẹp và trắng như răng mẹ, nhưng thực tế thì không chắc, và hơn nữa mọc không đều. Để chữa chạy những cái thiếu sót ấy, chú đành phải để cho một người đáng sợ trà trộn vào cuộc đời bé nhỏ của chú: ông Brecht, một nha sĩ có cửa hiệu ở phố Nhà máy xay...
Cái tên ấy nghe thoáng như những âm hưởng khiến người ta phải rùng mình, những âm hưởng xè xè phát ra từ hàm răng khi nhổ chân răng, kèm cặp mài dũa... Ngồi trong phòng khám bệnh của ông, Hanno thường rúm người lại trên chiếc ghế tựa, trước mặt bà Ida Jungmann trung thành. Chú vừa ngửi mùi thuốc hăng hắc trong phòng rộng lớn, vừa xem họa báo, lo lắng chờ ông nha sĩ ra đứng trước cửa phòng phẫu thuật nói tiếng “mời vào”, khách khí mà rất dễ sợ. Hai tiếng đó đủ làm cho trái tim bé nhỏ của chú thắt lại.
Nhưng căn phòng khám bệnh này cũng hấp dẫn vì ở đó có một con vật kỳ lạ làm cho người ta thích thú, một con vẹt lông ngũ sắc, mắt độc ác, nhốt trong cái lồng sơn đen. Không hiểu sao lại đặt tên là Josephus. Lúc nào nó cũng nói the thé giọng bà cụ già “Mời ngồi... sẽ tới ngay”. Trong trường hợp của chú, câu nói đó có vẻ mỉa mai đầy ác ý, nhưng đối với nó, Hanno lại vừa yêu vừa sợ. Một con vẹt, một con vẹt lông ngũ sắc có cái tên Josephus lại còn biết nói! Có phải là loài chim ở cái rừng đầy yêu quái trong truyện cổ tích Grimm mà bà Ida thường đọc ở nhà không nhỉ? Ngoài ra còn hai tiếng “mời vào” mà ông Brecht nói khi mở cửa. Con Josephus cũng bắt chước luôn miệng, giọng nó bức thiết giục giã đến nỗi Hanno khi đã bước vào phòng phẫu thuật, ngồi xuống cái ghế bành to tướng nhưng rất không thoải mái ở cạnh cái khoan răng trước cửa sổ rồi, mà vẫn không hiểu làm sao chú cứ buồn cười mãi.
Nói về ông Brecht thì vẻ mặt ông ta cũng không kém gì con Josephus. Trên bộ râu lốm đốm trắng của ông ta, cái mũi quặp vào vừa cứng vừa cong y hệt mỏ con vẹt. Tệ hơn nữa, có thể nói là thần kinh ông ta không vững. Do nghề nghiệp, ông ta làm người khác bị giày vò, nhưng chính bản thân ông ta cũng không chịu đựng nổi.
— Nhất định ta phải nhổ đi thôi, bà ạ!
Mặt ông tái mét khi ông ta nói với bà Ida như thế. Lúc đó Hanno trợn tròn mắt, toát mồ hôi lạnh, không còn sức lực nào để chống cự, mà cũng không còn sức lực nào để trốn thoát nữa, tâm trạng chú chẳng khác gì tên tội phạm bị kết án tử hình. Chú giương to mắt nhìn ông Brecht giấu cái kìm trong tay áo, bước từng bước một tới chỗ chú. Lúc đó chú phát hiện ra là trên cái trán hói của ông nha sĩ cũng lấm tấm mồ hôi và cái miệng ông ta cũng méo xệch đi vì sợ hãi. Sau quá trình điều trị đáng ghét đó, Hanno mặt cắt không còn máu, người run cầm cập, nước mắt trào ra, mặt méo đi vì đau. Chú nhổ máu vào cái ống nhổ để bên cạnh. Ông Brecht cũng ngồi xuống ghế, vừa lau mồ hôi trán vừa uống mấy ngụm nước...
Người ta nói với Johann rằng, việc ông ta làm có lợi cho chú, khiến chú đỡ phải đau khổ hơn nhiều. Nhưng khi chú cân nhắc cơn đau do ông Brecht gây ra với kết quả cơn đau đó mang lại cho chú thì rõ ràng cơn đau do ông Brecht gây ra nặng hơn kết quả kia nhiều. Vì vậy, nói gì thì nói, chú vẫn cho những lần đến phố Nhà máy xay gặp ông nha sĩ là những lần xúi quẩy hết sức. Để cho răng khôn có chỗ mọc, cần phải nhổ bốn cái răng trắng đẹp chưa hề sứt mẻ gì, nhưng lại muốn cho không ảnh hưởng quá đến sức khỏe của chú thì chú phải điều trị khoảng bốn tuần. Ôi, lâu làm sao! Quả thật không thể chịu đựng nổi sự giày vò dai dẳng đó! Hình phạt lần trước làm chú rã rời, chưa hồi phục lại được, thì hình phạt tàn khốc lần sau đã đến! Sau khi nhổ cái răng cuối cùng, Hanno nằm liệt tám ngày, sức khỏe của chú bị tổn hại quá thể!
Bệnh đau răng không những ảnh hưởng đến tinh thần chú mà còn ảnh hưởng đến cơ năng, một số bộ phận nào đó trong người chú. Vì nhai không được kỹ nên ăn không tiêu, do đó mà đau dạ dày, rồi vì đau dạ dày mà ảnh hưởng đến nhịp đập của tim. Có lúc tim chú đập nhanh quá, có lúc lại đập chậm quá. Ngoài ra chú lại hay chóng mặt và mắc cái chứng bệnh kỳ lạ cứ tăng dần lên, không hề giảm mà bác sĩ Grabown gọi là pavor nocturnus. Không đêm nào chú không nằm mê rồi giật mình vài ba lần, tay bắt tréo vào nhau, hoảng hốt gào lên, kêu cứu hoặc van xin, tưởng chừng đang xảy ra chuyện gì khủng khiếp lắm, giống như chú bị ném vào trong đống lửa hoặc ai bóp cổ chú... Sáng hôm sau, chú không còn nhớ gì nữa. Cách điều trị của bác sĩ Grabow là mỗi buổi tối cho chú uống một cốc nước phúc bồn tử, nhưng cũng chẳng ăn thua gì cả.
Bị những chứng bệnh đó và những nỗi đau khổ khác quấy đảo, tự nhiên khi còn thơ ấu, chú đã hiểu khá nhiều chuyện, chú “khôn trước tuổi” như người ta nói. Cố nhiên vì phong cách thùy mị của chú nên cái “khôn trước tuổi” đó không bộc lộ ra, mà dù bộc lộ ra cũng không chướng tai gai mắt. Có lúc nó được biểu hiện dưới dạng kiêu căng thầm lặng. Ví dụ khi người nào đó trong nhà hoặc các cô Buddenbrook ở phố Breiten hỏi chú:
— Sức khỏe cháu thế nào Hanno?
Chú không nói gì, chỉ khẽ nhếch mép nhún vai một cái dưới cái cổ áo lính thủy. Đó là câu trả lời của chú.
— Cháu có thích đi học không?
— Không thích! - Hanno lơ đãng trả lời, không giấu giếm. Thái độ thẳng thắn đó chứng tỏ rằng chú có những việc nghiêm túc hơn trong lòng, nên chú không thèm nói dối.
— Chao ôi! Không thích ư? Thế nhưng người nào chả phải học...?
Nhất định phải biết đọc, biết viết, biết làm toán...
— Và biết nhiều cái tương tự như thế nữa chứ? - Chú bổ sung.
Không, chú không thích học ở cái trường cổ hủ kia, không thích cái nhà trường kiểu cũ hành lang chữ thập, mái gô-tích cạnh tu viện.
Chú thường nghỉ học vì ốm, mà chú đến lớp cũng chẳng chăm chú nghe thầy giảng, bởi vì chú không nghĩ đến một hòa thanh liên âm nào đó thì cũng đang liên tưởng tới một láy luyến tuyệt diệu trong một bản nhạc nào đó mà chú nghe mẹ hoặc ông Pfühl chơi, nhưng chưa rõ lắm. Tự nhiên những cái ấy làm cho chú không thể nào học tiến tới được. Còn đối với các thầy giáo lớp dưới, và học sinh trường sư phạm, thì vì họ xuất thân thấp hèn, trí thức nông cạn, quần áo lôi thôi nên Hanno chỉ sợ bị trừng phạt chứ có ý khinh thầy. Ông Tietge dạy toán, một ông già loắt choắt, mặc cái áo vét đen nhẵn lì, từng dạy ở trường này thời mồ ma ông Marcellus Stengel, mắt lác kinh khủng, nên đeo một cặp kính dày như kính ở boong tàu. Lần nào lên lớp ông ta cũng nói với Hanno rằng hồi nhỏ ông nghị đẻ ra chú học chăm lắm, thông minh lắm... rồi ông ta ho sặc sụa, khạc ra một bục đầy những đờm!
Nói chung thì Hanno rất lãnh đạm với bạn bè, chỉ chơi qua loa mà thôi, nhưng có một cậu ngay từ khi mới vào trường đã rất thân với chú. Cậu là con nhà quý tộc, nhưng bề ngoài lại rất tồi tàn, đó là bá tước họ Mölln tên Kai.
Vóc người cậu cũng bằng Hanno. Cậu không mặc kiểu lính thủy Đan Mạch như Hanno, mà là một bộ quần áo lam lũ màu đã bạc, khuy đứt sạch. Đít quần vá một miếng to, ống tay áo ngắn cũn cỡn, hai tay lòi ra ngoài, bê bết bùn, lúc nào cũng đen nhẻm nhưng bàn tay thì nhỏ nhắn, rất đẹp, ngón tay thon thon, móng tay nhọn. Đầu và tay của cậu rất tương xứng. Mái tóc bù xù, bẩn thỉu, nhem nhuốc, nhưng khuôn mặt có những nét đặc trưng của con người thuộc dòng họ cao quý, thuần khiết. Mái tóc màu vàng sẫm của cậu rẽ giữa, hai bên vuốt ra đằng sau, để lộ cái trán như nặn bằng thạch cao; phía dưới là hai con mắt xanh nhạt, thông minh, sắc sảo, nhìn rất xa, lưỡng quyền hơi cao, sống mũi nhỏ hơi quặp xuống, cánh mũi rất mỏng hơi nhếch lên.
Cậu tuổi còn nhỏ mà tính cách đã bộc lộ rõ.
Trước khi đến trường, Hanno đã thoáng nhìn thấy ngài bá tước tí hon ấy hai ba lần rồi. Ấy là khi chú cùng bà Ida ra ngoài cổng thành, đi dạo lên hướng bắc. Gần tới làng đầu tiên cách ngoại thành khá xa, có một trang trại bé tí tẹo, không đáng kể, tên cũng không có nốt. Đưa mắt nhìn chỉ thấy một đống phân chuồng, mấy con gà, một cái ổ chó và một ngôi nhà vắng vẻ, tương tự nhà của người công dân bình thường, mái ngói đỏ lụp xụp gần sát mặt đất. Đó là nhà của bá tước Eberhard Graf Mölln, bố của Kai.
Vị bá tước già này là một người kỳ quặc, ở luôn trong trang trại của ông, cách biệt với đời, nuôi gà, chó, trồng rau, rất ít khi xuất đầu lộ diện. Ông thân hình cao lớn, đi đôi ủng cao cổ, mặc cái áo len ngắn màu xanh lục, đầu để trần, râu xồm xoàm, lốm đốm bạc như trong truyện nhi đồng, không có con ngựa nào nhưng tay lúc nào cũng cầm roi ngựa, dưới hàng lông mày rậm có cái kính một mắt cắm chặt vào hõm mắt. Ngoài ông và cậu con trai, trong nước này không thể tìm thấy vị bá tước thứ ba như dòng họ ấy nữa. Số người trong gia đình quý tộc từng một thời hiển hách ngày càng hao mòn, hầu như gần tuyệt tự. Bây giờ chỉ còn một bà cô của Kai sống ở trên đời này nữa thôi. Từ lâu, bà này với ông bố Kai không đi lại với nhau nữa, bà viết tiểu thuyết với một bút danh nghe rất lạ tai, đăng trên các tờ tạp chí chuyên viết cho các gia đình đọc. Nhắc tới bá tước Eberhard, người ta thường nhớ một mẩu chuyện về ông. Sau khi dọn đến trang trại ở ngoại thành này, không muốn cho kẻ cắp và ăn mày đến quấy rầy, một thời gian dài, ông treo trên cái cổng thấp lè tè một tấm biển đề: “Ở đây chỉ có bá tước Mölln mà thôi. Ông ta không cần bất cứ cái gì, không mua bất cứ vật gì, cũng không muốn bố thí gì cho ai cả!”
Kai mồ côi mẹ từ bé, bá tước phu nhân qua đời khi sinh ra cậu, bây giờ chỉ có một u già trông coi việc nhà, nên cậu đã lớn lên trong đám gà chó, y hệt một con vật nhỏ không ai cai quản. Lần đầu tiên, Hanno Buddenbrook thấy Kai ở đấy, chú đứng đằng xa khép nép nhìn. Kai chạy lại, nhảy lui nhảy tới như một con thỏ trong khoảng vườn trồng cải trắng, trà trộn vào bầy chó con, chơi trò lộn nhào giữa ruộng hoặc đuổi đàn gà mái kêu oang oác.
Về sau, Hanno lại gặp cậu ở trường. Lúc đầu, vẻ man rợ của vị bá tước tí hon này làm cho chú sinh ra rụt rè. Nhưng không bao lâu, nhờ có bản năng quan sát tinh tế, chú không để ý cái bề ngoài luộm thuộm của cậu ta nữa, mà chăm chú nhìn cái trắng trẻo, cặp môi mỏng dính và hai con mắt lá răm màu xanh nhạt lúc nào cũng có vẻ bực bội hay lạnh lùng. Trong số bạn bè, Hanno chỉ có cảm tình sâu sắc với cậu. Tuy vậy, vì bản tính nhu nhược, chú không đủ can đảm tỏ ý muốn đánh bạn trước. Nếu như Kai không phải là người lỗ mãng thì hai người chưa chắc đã kết thân với nhau. Đúng như thế. Đúng, Kai làm quen với Hanno nhiệt tình quá, lúc đầu khiến cho Hanno hơi sợ. Cậu bé lôi thôi lốc thốc đã mãnh liệt tấn công. Chú bé tính tình trầm lặng, áo quần bảnh bao này khiến cậu thú vị đến nỗi mất hết khả năng tự kiềm chế. Cố nhiên Kai không giúp được gì cho Hanno về bài vở, bởi vì ý nghĩ mông lung trời biển và tính hoang dã của cậu cũng như những ý nghĩ mơ màng và tính lơ đãng của chú Buddenbrook đều không thích hợp với bảng cửu chương chút nào, nhưng lại có thể lần lượt đem cho Hanno hết gia tư tài sản của cậu, nào là bi ve, nào là con quay, thậm chí cả khẩu súng lục bọc kẽm cong cong, mặc dù đó là vật quý nhất của cậu. Giờ nghỉ, Kai dắt tay Hanno, kể cho chú nghe chuyện nhà cậu, chuyện ổ chó, đàn gà. Buổi trưa, lần nào cũng như lần nào, bà Ida Jungmann cầm chiếc bánh mì phết bơ đến chờ ở cổng trường để dẫn Hanno đi dạo chơi thì Kai cũng đi chơi với chú xa bao nhiêu hay bấy nhiêu. Bấy giờ cậu mới biết người nhà gọi Buddenbrook là Hanno. Từ ngày cậu ta biết được cái tên thân mật đó, cậu không gọi bằng cái tên nào khác nữa.
Một hôm, Kai bảo Hanno đừng đi dạo phía Nhà máy xay mà đến trang trại của bố mình xem đàn lợn con mới đẻ. Hai đứa nằn nì mãi, cuối cùng bà Jungmann cũng bằng lòng. Bọn trẻ đi chơi trên phần đất của bá tước, xem đống phân, vườn rau, đàn gà, đàn lợn, sau cùng thì vào nhà. Trong ngôi nhà thấp lè tè, nền phẳng lì, bá tước Eberhard ngồi trước cái bàn thô tháp, xem sách, cô đơn nhưng ngạo nghễ. Thấy khách đến, ông hỏi đến làm gì, rất lỗ mãng.
Từ dạo ấy, bọn trẻ nói thế nào thì nói, bà Ida Jungmann cũng không đến đó lần thứ hai nữa. Bà khăng khăng bảo nếu còn muốn chơi với nhau thì tốt nhất Kai đến nhà Hanno. Rút cuộc, ngài bá tước tí hon có dịp bước vào ngôi nhà tráng lệ của bạn. Tuy có vẻ kinh ngạc lắm, nhưng cậu không chút rụt rè. Từ ấy, cậu chăm đến nhà Hanno, chỉ mùa đông tuyết phủ, đường khó đi, buổi chiều không thể đi một chặng dài được, thì cậu mới không đến nhà Hanno chơi vài ba tiếng đồng hồ như thường lệ.
Hai đứa cùng ngồi trong căn phòng rộng rãi dành cho trẻ con trên gác ba, làm bài tập nhà trường ra cho chúng, phải giải những bài toán dài, viết đầy cả hai mặt tấm bảng đá đủ các phép tính cộng trừ nhân chia, đáp án cuối cùng là một con số không đơn giản. Không phải số không, thế là chắc chắn sai chỗ nào đó rồi, phải tìm cho ra con “thú nhỏ” đáng ghét kia, tiêu diệt đi mới chịu thôi, mong sao nó không trốn ở đoạn trên cùng, nếu không phải làm lại cả bài từ đầu chí cuối. Làm xong toán còn phải làm bài ngữ pháp tiếng Đức, học thuộc lòng các kiểu so sánh, làm bài tập thật sạch sẽ, ví dụ như: chất ngà voi trong suốt, thủy tinh càng trong suốt, không khí trong suốt nhất, vân vân. Sau đó, lại lấy sách chính tả, nghiên cứu những câu chứa đầy cạm bẫy, cố ý để cho người ta vào tròng. Làm xong đâu vào đó, hai đứa mới dọn dẹp sách vở, ngồi trên khung cửa sổ chờ bà Ida đọc truyện cổ tích.
Con người tốt bụng ấy đọc cho chúng nghe những truyện như Công chúa Bạch Tuyết, Cái kẹo kỳ quặc và Vua nhái. Bà nhẫn nại đọc, giọng trầm trầm, mắt lim dim vì trong đời, bà đọc những truyện này không biết bao nhiêu lần rồi, hầu như đã thuộc lòng, mặc dù vậy, bà vẫn thấm nước bọt vào đầu ngón tay, máy móc giở hết trang này sang trang khác.
Sau trò tiêu khiển đó, xảy ra một chuyện làm nhiều người để ý. Kai nảy ra ý nghĩ muốn bảo bà Ida gấp sách lại để cậu kể chuyện gì đó. Bởi vì những chuyện kia cậu đã dần dần thuộc lòng rồi, vả lại, có lúc bà Ida muốn nghỉ một lát, nên Kai làm như vậy, bà cũng hoan nghênh. Lúc đầu, chuyện Kai kể rất ngắn và rất đơn sơ, nhưng về sau chuyện của cậu càng ly kỳ, càng phức tạp. Hơn nữa, không phải chuyện tưởng tượng hoàn toàn mà có kết hợp với hiện thực (cậu phủ lên hiện thực một lớp sơn hoang đường, quái đản), cho nên nghe càng hấp dẫn. Hanno rất thích nghe chuyện lão phù thủy. Lão phù thủy ấy rất ác nhưng bản lĩnh rất cao cường. Lão biến một ông vua rất đẹp trai tên là Josephus thành một con chim có bộ lông ngũ sắc, nhốt vào lồng, lão lại dùng những phù phép độc ác để giày vò mọi người. Nhưng ở một nơi nào xa lắm, có một vị anh hùng mang nhiều trọng trách xuất hiện, rồi chàng dẫn một đội quân gồm những gà, chó, lợn con tiến đến, vừa vung thanh bảo kiếm lên đã phá được phù phép của lão, cứu được nhà vua và tất cả mọi người và nhất là Buddenbrook. Josephus được giải thoát khỏi phù phép của lão phù thủy trở về nước mình làm vua thì Hanno và Kai cũng được làm quan to!
Ông nghị Buddenbrook đi qua căn phòng dành cho trẻ, cũng có lúc trông thấy đôi bạn trẻ ấy ngồi với nhau. Ông không phản đối hai đứa chơi thân như thế, vì rất dễ thấy rằng cả hai cùng có lợi. Hanno sẽ làm cho Kai trở nên dịu dàng, thuần thục, nhã nhặn, bởi Kai rất thích được Hanno chiều chuộng, và mê đôi bàn tay trắng như tuyết của chú. Cũng vì Hanno mà Kai ngoan ngoãn nghe lời Jungmann lấy bàn chải và xà phòng cọ hai bàn tay của cậu. Mặt khác, Hanno cũng nhiễm được một ít cái hoạt bát hoang dã của ngài bá tước tí hon, đó là điều muốn cũng không được. Ông nghị thấy rất rõ rằng, sự chăm chút của phụ nữ đối với Hanno không thích hợp tí nào cho sự phát triển chí khí trượng phu của con.
Bà Ida Jungmann hầu hạ người trong gia đình Buddenbrook đã hơn ba mươi năm rồi. Bà trung thực và hết lòng vì người khác, quả thật vàng cũng không đổi được. Lớp cha chú Hanno đã được bà bù chì nuôi nấng, quên ăn quên ngủ, còn Hanno thì lại càng được bà nâng niu, săn sóc, yêu như yêu một bức tượng. Bà tin một cách ngây thơ và cố chấp rằng, Hanno là nhất ở trên đời này, không ai hơn nữa và đáng được hưởng đặc quyền đặc lợi. Lòng tin của bà đến mức buồn cười. Chuyện gì liên can đến quyền lợi của Hanno thì bà không còn kể gì hết, bất chấp tất cả. Quả thực, bà làm cho người ta phải kinh ngạc, thậm chí có lúc cảm thấy không thoải mái... Ví dụ bà dẫn chú ra mua bánh thì lúc nào bà cũng tự tiện thò tay vào quầy chọn đi chọn lại, cuối cùng mới chọn cho chú cái bánh vừa ý nhất. Nhưng bà lại không trả tiền - chả nhẽ đưa bánh cho Hanno ăn mà chủ hiệu không thấy vẻ vang sao? Khi cửa hiệu đông khách, bà thường nói tiếng miền tây nước Phổ, lễ độ mà kiên quyết, mời họ tránh cho cậu ấm đi. Đúng như vậy, trong mắt bà, Hanno hơn hẳn người, bà không tìm thấy đứa trẻ nào xứng đáng gần gũi chú. Riêng về Kai, chẳng qua vì hai trẻ thân nhau quá, dù bà không tín nhiệm cũng không được. Ngoài ra, có lẽ cái hàm bá tước của cậu cũng lay chuyển bà phần nào. Nhưng nếu những lúc hóng mát trên bờ đê gần Nhà máy xay, hai trẻ ngồi với nhau trên ghế dài, mà đứa nào theo người vú em đến gần, thì bao giờ bà Jungmann cũng đứng dậy ngay, không bảo muộn rồi thì cũng bảo gió to quá, tóm lại là tìm cớ nào đó vội vàng dắt hai trẻ đi nơi khác. Những cớ đó có thể làm Hanno nghĩ rằng, trên đời này, tất cả trẻ con nếu không bị dịch hạch cũng “thối tai”, chỉ có chú là ngoại lệ. Chú vốn đã rất ngại tiếp xúc với người lạ, hay bẽn lẽn thẹn thùng, nên rõ ràng như thế không giúp chú thay đổi được tính tình của chú đi.
Ông nghị Buddenbrook không biết những chuyện vụn vặt đó, nhưng ông thấy rằng, do bẩm tính trời sinh và ảnh hưởng bên ngoài, con trai ông không sao có thể phát triển theo hướng ông mong muốn. Nếu ông có thể trực tiếp giáo dục nó, luôn luôn ảnh hưởng đến tính tình của nó thì hay biết bao nhiêu! Nhưng ông không có thì giờ. Mấy lần làm thử, ông đau khổ vô cùng, thấy không những thất bại thảm hại mà càng làm cho cha con càng xa nhau, càng lạnh nhạt với nhau. Trong tâm tư ông có một hình ảnh khắc sâu từ hồi còn nhỏ, ông hy vọng dựa vào hình ảnh ấy mà uốn nắn con trai ông. Đó tức là cụ cố của Hanno, một con người sáng suốt, lạc quan, giản dị, rất hấp dẫn và rất có nghị lực. Lẽ nào con ông không trở thành người như thế được ư? Lẽ nào đó là chuyện không thực hiện được ư? Tại sao lại không?... Nếu như nó bỏ cái mê say âm nhạc đi thì hay quá! Âm nhạc làm cho thằng bé xa rời cuộc sống hiện thực, đã không có lợi cho sức khỏe của nó, lại thu hút hết hoạt động tinh thần của nó. Cái tính mơ mộng kia rồi sẽ có ngày không khiến nó trở thành nhu nhược hay sao?
Một buổi chiều, khoảng bốn mươi lăm phút nữa thì ăn trưa (thường ngày ăn trưa vào khoảng bốn giờ chiều), Hanno một mình xuống gác hai. Chú tập đàn piano một lúc, bây giờ nhàn rỗi đi đi lại lại trong phòng khách, vẫn không tìm thấy việc gì làm. Chú ngả người trên đi-văng, tay mân mê chiếc nơ đính trên cái áo lính thủy, mắt lơ đãng nhìn bốn chung quanh. Lúc đó, chú thông thấy cái cặp da đựng tài liệu của gia đình hé mở để trên bàn xinh xắn bằng gỗ hồ đào của mẹ. Chú chống cùi tay lên thành đi-văng, bàn tay đỡ cằm, nhìn một lúc. Chả phải nó thì chắc chắn là sau bữa ăn sáng lần thứ hai trong ngày hôm nay bố chú đã mở ra xem, chưa xem xong nên vẫn để đấy. Một số tài liệu cất trong cặp, lại có mấy tờ để ở ngoài, có cái thước kẻ bằng đồng chặn lên. Cuốn sổ ghi chép viền vàng đóng bằng nhiều thứ giấy khác nhau, cũng mở ra để đấy.
Hanno uể oải rời khỏi đi-văng, bước tới cạnh bàn. Cuốn sổ mở đúng trang các vị tổ tiên của chú (cuối cùng là ông thân sinh ra chú) chép gia phả dòng họ Buddenbrook bằng những nét bút khác nhau, ngoài tên tuổi còn có những dấu ngoặc, tiêu đề và năm tháng rất rõ ràng. Chú quỳ một chân trên cái ghế quay, đưa tay vuốt mái tóc màu nâu nhạt, nghiêng đầu ngắm nhìn. Khuôn mặt thờ ơ của chú lộ vẻ khiêu khích và khinh miệt. Còn tay kia chú mân mê cái quản bút gỗ mun bịt vàng của mẹ. Chú lướt nhìn tên những người đàn ông, đàn bà ghi trên trang giấy. Có những tên xếp ngang nhau, có những tên xếp theo thứ tự trên dưới, có mấy tên viết kiểu chữ cổ, có nhiều móc nhỏ móc lớn. Có tên mực đã phai, ngả màu vàng; có tên nét mực còn đậm, còn dính ít bột vàng dùng để thấm. Cuối trang, Hanno nhận ra nét chữ thảo rất đẹp của bố, dưới tên bố mẹ là tên mình: Justus Johann Kaspar sinh ngày 15 tháng tư năm 1861. Sự phát hiện này làm cho chú cảm thấy thích thú. Chú hơi ưỡn người, uể oải cầm cái thước đồng và cái bút, để cái thước đè lên tên mình, đưa mắt nhìn tất cả cái tên đó một lượt rồi lấy bút gạch xiên suốt trang giấy hai đường song song với một động tác máy móc như trong cơn mê. Chú gạch sạch và đẹp, nét trên đậm hơn nét dưới như người ta trang trí vở tập làm toán. Lúc gạch, nét mặt chú bình tĩnh, thận trọng, nhưng chú lại không nghĩ mình đang làm gì... Chú nghiêng đầu ngắm một lúc rồi mới đi ra.
Ăn xong, ông nghị gọi chú đến trước mặt, chau mày nghiêm nghị hỏi:
— Cái gì thế này? Sao lại thế? Mày gạch phải không?
Có phải chú gạch hay không, phải để chú nghĩ mới có thể trả lời được. Một lát sau, chú run run “vâng” một tiếng.
— Thế là thế nào? Mày định làm cái gì thế này? Nói ngay, sao mày vẽ bậy thế này?
Ông nghị gào lên và cầm cuốn vở cuộn tròn trong tay đánh vào mặt Hanno một cái. Hanno thụt lùi một bước, vừa lấy tay xoa mặt, vừa nức nở:
— Con tưởng.... Con tưởng, không dùng đến nữa!
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook