Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 97
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2349 / 38
Cập nhật: 2017-09-22 09:37:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 7 - Chương 1
iệc nhân ngày lễ rửa tội!... Phố Breiten tổ chức tiệc nhân ngày lễ rửa tội! Những thứ mà bà Tony khi có mang đứa con thứ hai hằng mơ ước, lần này có đủ cả. Trong phòng ăn, bọn hầu gái đứng trước bàn cho bơ vào cốc sô-cô-la nóng bỏng, bày dầy khít trên cái khay tròn to tướng, hai tay cầm hình vỏ ốc mạ vàng. Bọn họ cố hết sức nhẹ tay, không để cốc va chạm vào nhau khỏi ảnh hưởng đến buổi lễ đang tiến hành trong gian phòng lớn phía trước. Anton, người đầy tớ trai, cắt cái bánh ga-tô to như quả núi, còn bà Jungmann thì vừa bày bánh kẹo và hoa tươi trên cái khay bạc vừa nghiêng đầu nhìn, hai ngón tay út chìa ra ngoài...
Lát nữa, khi chủ và khách yên vị ở phòng khách rồi, thì những món điểm tâm ngon lành kia sẽ được bưng lên. Mong làm sao đủ cho khách dùng, bởi vì bà con thân thích có mặt hôm nay quả nhiều lắm. Mấy chữ “bà con thân thích” ở đây hiểu theo nghĩa tương đối rộng, tuy chưa thể nói là rộng nhất. Tại sao lại như vậy? Là vì qua gia đình Överdieck, thì gia đình Buddenbrook cũng có quan hệ với gia đình Kistenmaker, rồi qua gia đình Kistenmaker lại có ít nhiều quan hệ với gia đình Möllendorpf. Cứ thế mà lần, không bao giờ hết cả... nhưng gia đình Överdieck cũng chỉ cử người đại diện đến mà thôi, ấy là cụ tiến sĩ Kaspar Överdieck, năm nay ngoài tám mươi hiện đang giữ chức thị trưởng thành phố.
Cụ thị trưởng Överdieck ngồi xe ngựa đến. Cụ một tay chống cái batoong cán uốn cong, tay kia vịn vào người ông Thomas Buddenbrook, bước lên cầu thang. Sự có mặt của cụ làm cho bữa tiệc mừng hôm nay càng thêm phần trọng thể... Vả lại, rõ ràng bữa tiệc mừng hôm nay đáng được tổ chức cho thật trọng thể!
Trong gian phòng lớn bên kia, sau cái bàn nhỏ trải khăn bày hoa tươi, tạm thời dùng làm bàn thờ, một vị mục sư trẻ mặc áo dài đen, cổ cứng to bằng cái thớt cối xay, mới giặt, hồ trắng toát, đang cầu nguyện; phía trước bàn một người đàn bà phốp pháp đẫy đà, mặc bộ quần áo đỏ chói, đang bế trong cánh tay béo tròn béo trục một chú bé chìm ngập trong đống tã lót gấm hoa viền đăng ten... Đó là người thừa kế gia đình này! Người nối tiếp dòng dõi này! “Một cậu Buddenbrook”! Chúng ta có biết điều đó có ý nghĩa gì không?
Khi tin mừng mới truyền từ phố Breiten đến phố Meng, khi mọi người thì thầm với nhau chuyện đó lần đầu tiên, chúng ta có biết họ vui sướng không kìm lại được như thế nào không? Chúng ta có biết bà Tony đã phát điên phát cuồng lên, ôm chầm lấy mẹ và anh trai, không nói nên lời, rồi lại cẩn thận ôm người chị dâu như thế nào không? Bây giờ đây, cùng với mùa xuân, cùng với mùa xuân năm 1861, “chú bé” đã ra đời và đang chịu lễ rửa tội thiêng liêng. Bao nhiêu hy vọng đã gửi gắm vào người chú từ lâu; và đã từ lâu mọi người bàn tán, chờ đợi và mong mỏi chú. Vì chú mà mọi người đã cầu nguyện Thượng đế, đã làm phiền đến bác sĩ Grabow... Nay thì chú đã ra đời rồi, mặc dù xem ra chú cũng chẳng có gì đáng làm cho người ta phải kinh ngạc cả.
Hai bàn tay bé tí teo của chú nắm lấy dải thắt lưng vàng của chị vú em; cái đầu nhỏ xíu của chú đội chiếc mũ mềm thêu hoa viền xatanh màu xanh nhạt, nằm nghiêng trên gối, gáy quay về phía mục sư, không chú ý gì hết. Hai con mắt nhỏ bé của chú chớp chớp nhìn gian phòng rộng lớn, nhìn bà con thân thuộc, ra vẻ già dặn, hiểu hết nhân tình thế cố. Mắt chú có hàng lông mi dài; trong đôi mắt ấy, màu xanh nhạt ở con ngươi của bố và màu da cam ở con ngươi của mẹ hợp lại thành một thứ màu nâu vàng óng ánh, nhàn nhạt, không xác định được, vì thay đổi theo ánh sáng. Hai bên sống mũi chú sâu lõm xuống làm cho mắt có quầng thâm, những cái ấy sớm đưa lại cho khuôn mặt chú bé - tuy cũng chưa thể gọi là khuôn mặt - một số nét có phần không hợp với một đứa trẻ ra đời vừa bốn tuần lễ. Nhưng chắc chắn là Chúa sẽ phù hộ, không để cho những đặc điểm đó trở thành bất cứ một điều không may nào! Nét mặt của mẹ chú cũng như vậy đấy, thế mà vận mệnh của bà chả phải khá lắm hay sao? Dù thế nào đi nữa thì cái sinh mệnh nhỏ nhoi kia vẫn tồn tại, và lại là một cậu con trai! Đó là lý do làm cho những người trong gia đình này trước đây bốn tuần lễ đã vui mừng như điên như dại.
Cái sinh mệnh nhỏ nhoi đó đã tồn tại; nhưng lúc đầu có thể đã xảy ra một tình thế khác. Mãi không bao giờ ông tham quên được câu bác sĩ Grabow tốt bụng nói cách đây bốn tuần lễ khi bước ra khỏi phòng hộ sinh và cầm tay ông: “Hãy cảm ơn Chúa đi! Ông bạn thân mến! Suýt nữa...”. Ông tham không dám hỏi, suýt nữa thì làm sao. Cả nhà mong mỏi chờ đợi bao nhiêu năm, nay chú bé ấy đã ra đời rồi! Lúc ra đời, chú không hề khóc tiếng nào! Ấy thế mà không ngờ suýt nữa lại chết yểu, như đứa con thứ hai của bà Tony. Nghĩ đến đó, ông tham sợ hãi không dám nghĩ thêm nữa... Nhưng ông biết, cách đây bốn tuần lễ, đối với người mẹ và đứa bé, thì giờ phút ấy quả là giờ phút giằng co giữa cái sống và cái chết. không kìm được, ông cúi người xuống phía bà Gerda, lòng cảm thấy hạnh phúc, thanh thản vô cùng. Lúc ấy bà Gerda đang tựa vào chiếc đi-văng để trước chỗ ông ngồi cạnh bà cụ tham, chân đi giày da bắt tréo lên nhau trên cái đệm nhung.
Mặt bà Gerda vẫn còn nhợt nhạt lắm! Nước da trắng xanh với mái tóc đỏ sẫm, dày khít, đôi mắt thần bí - hình như đôi mắt đó đang chăm chú nhìn người rao giảng với vẻ đùa cợt - đẹp vô cùng mà cũng vô cùng kỳ lạ! Người rao giảng là ông Andreas Pringsheim, mục sư ở nhà thờ Sankt Marien[120]. Từ ngày ông Kölling ốm chết, vị này tuy còn trẻ lắm, nhưng cũng được lên ngôi tổng mục sư. Ông ta đưa cao cằm lên, hai tay bắt tréo phía dưới cằm, vẻ rất thành kính. Tóc ông ta xoăn cắt ngắn, màu vàng ánh; lưỡng quyền cao, râu cạo nhẵn thín, mặt lúc thì nghiêm nghị đạo mạo, lúc thì điềm nhiên thanh thản, y như là đóng kịch. Ông ta sinh ra và lớn lên ở Franken, người địa phương ấy hầu hết đều là con chiên của đạo Thiên chúa, chỉ có ông ta trong bao nhiêu năm nay vẫn là tín đồ của giáo phái Luther. Ông ta nói tiếng địa phương một cách kỳ lạ để cố làm cho giọng nói trong trẻo hấp dẫn, các nguyên âm ông ta không kéo dài ra, nghe buồn buồn, mà thật ngắn gọn, còn âm ra thì lúc nào lưỡi ông ta cũng uốn sát hàm ếch.
Ông ta ca ngợi Chúa, giọng có lúc hạ xuống rất thấp, nhưng có lúc đưa cao lên oang oang, vang vọng cả bốn bề. Cả nhà đều lắng tai nghe. Bà Tony cố làm ra vẻ hết sức trang trọng, nghiêm nghị, để che giấu nỗi vui mừng và niềm kiêu hãnh của mình. Erika lúc này mười lăm tuổi, đã là một thiếu nữ khỏe mạnh, tóc bện bím, mặt y hệt mặt bố, lúc nào cũng hồng hào. Ông Christian sáng ấy mới ở Hamburg về, đôi mắt sâu lõm cứ đảo đi đảo lại, nhìn ngược nhìn xuôi... Vợ chồng mục sư Tiburtius không quản đường sá xa xôi, cũng từ Riga về dự tiệc. Mục sư Sievert Tiburtius rẽ đôi mái tóc dài của mình và bỏ xõa xuống hai vai, đôi mắt ti hí màu tro luôn luôn giương tròn xoe, càng giương càng to, con ngươi lồ lộ hình như bất cứ lúc nào cũng có thể rơi ra ngoài... Lại còn cô Klara buồn rầu, nghiêm túc, lúc nào cũng đưa tay lên xoa bóp trên đầu bởi vì cô mắc bệnh thiên đầu thống. Cặp vợ chồng này mang đến cho gia đình Buddenbrook một tặng phẩm vô cùng quý giá: tiêu bản một con gấu nâu, một chân sau đứng chạm đất, miệng há to như cái chậu máu. Một người bà con của mục sư bắn chết con gấu to tướng ấy ở một nơi nào đó trên lãnh thổ nước Nga. Bây giờ, nó được bày ở cửa ra vào tầng dưới, hai chân trước nâng cái khay đựng danh thiếp.
Lúc này, Jürgen, con trai ông Justus Kröger, hiện làm ở Sở dây thép thành phố Rostock cũng về thăm nhà. Anh ăn mặc giản dị, ít nói. Còn như Jakob thì, ngoài mẹ anh ta ra, không một người thứ hai nào biết đến hành tung anh ta ra sao. Bà ta vốn người họ Överdieck, tính nhu nhược, thậm chí để gửi tiền cho ông con đã bị tước quyền thừa kế, bà ta còn lén lút lấy đồ đạc trong nhà bán đi... Mấy cô gái họ Buddenbrook cũng đến. Nhân dịp này các cô cũng rất vui mừng, nhưng điều đó vẫn không ngăn được cô Pfiffi buột miệng nói rằng; thằng bé trông không được khỏe. Lời bình phẩm ấy của cô được bà mẹ họ Stüwing, cô Friederike và cô Henriette nhất trí hoàn toàn, mặc dù chuyện đó họ rất lấy làm tiếc. Cô Klothilde đáng thương thì vẫn đen sạm, gầy còm, đói khát, mặt mũi khắc khổ như xưa. Những lời rao giảng của mục sư Pringsheim cũng như niềm hy vọng đối với chiếc bánh ga-tô và cốc sô-cô-la khiến cho cô vô cùng cảm động... Không thuộc gia đình này, hoặc không phải là bà con thân thích mà đến chúc mừng, thì có hai người là ông Friedrich Wilhelm Marcus và bà Sesemi Weichbrodt.
Bây giờ mục sư đang quay sang phía hai người cha đỡ đầu giảng giải về trách nhiệm của họ. Ông Justus Kröger là một trong hai người đó, mặc dù lúc đầu ông tham Buddenbrook không muốn mời ông ta.
— Chúng ta không nên mời ông già ấy làm việc này, hỏng hết! - Ông nói - Vì ông con quý tử mà ngày nào bác trai cũng cãi nhau với bác gái, chả ra thể thống gì hết. Xem chừng cái cơ nghiệp nhà bác ấy cũng đã đến ngày tan hoang rồi! Bác ấy khổ não quá nên đến ăn mặc cho sạch sẽ, bác ấy cũng chẳng để tâm! Nhưng cả nhà nghĩ như thế nào? Nếu chúng ta mời bác ấy làm cha đỡ đầu, thế nào bác ấy cũng cho cháu bé một bộ đồ bằng vàng, mà lễ tạ thì nhất định bác ấy sẽ không nhận cho mà xem!
Nói thì nói vậy chứ khi ông Justus nghe nói định mời người nào đó làm cha đỡ đầu - lúc bấy giờ có ý mời bạn ông tham là ông Stephan Kistenmaker thì ông ta nổi giận ngay, thành ra vẫn phải mời ông ta. Chiếc chén vàng ông ta cho không lấy gì làm dày lắm, ấy vậy mà cũng làm cho ông Thomas Buddenbrook yên tâm.
Người cha đỡ đầu thứ hai là ai? Chính là cụ thị trưởng tiến sĩ Överdieck, đạo cao đức trọng, đầu tóc bạc phơ. Cụ thắt cổ cồn cao, mặc áo vét da mềm màu đen, túi áo gi-lê mặc trong lòi ra một góc cái mùi soa đỏ. Cụ ngồi vào chiếc ghế tựa thoải mái nhất, người chống trên cái ba-toong cán uốn cong. Đây là một chuyện đại sự, một thắng lợi lớn! Rất nhiều người không thể ngờ tại sao việc này lại có thể xảy ra. Trời ơi! Kể thế nào mà gia đình này cũng lại là bà con thân thích được nhỉ? Chắc chắn là những người trong gia đình Buddenbrook phải khẩn khoản lắm mới mời được cụ đến. Không sai tí nào, quả là họ đã bày mưu tính kế, quả là ông tham và bà Tony đã cùng nhau sắp đặt mọi chuyện. Nguyên là lúc được tin bà Gerda sinh nở mẹ tròn con vuông, mọi người đang vui mừng hớn hở thì đó chỉ là câu nói đùa: “Cháu trai, cô Tony ạ! Phải mời cụ thị trưởng làm cha đỡ đầu mới được!”. Ông tham buột miệng nói như vậy nhưng bà Tony lại tưởng anh nói thật, cho là hết sức nghiêm túc. Về sau ông tham suy đi tính lại, cũng đồng ý thử mời cụ ta xem sao. Thế là hai anh em đến nhờ bác Justus nói với bác gái đến bàn với bà chị dâu - vợ ông chủ hiệu Överdieck ấy mà - bà này thưa lại với ông bố chồng. Sau đó, ông Thomas Buddenbrook thân hành đến yết kiến vị đứng đầu thành phố ấy, cuối cùng thì bàn bạc xong...
Chị vú em hất cái mũ của chú bé lên một tí, mục sư chấm hai giọt nước trong cái khay mặt mạ vàng đáy bạc để ở phía trước, thận trọng rưới lên mái tóc lưa thưa của chú bé rồi thong thả đọc cái tên do cụ ta đặt cho: Justus, Johann, Kaspar, sau lại cầu nguyện một lúc nữa, rồi bà con thân thích lần lượt từng người đến đặt chiếc hôn chúc mừng lên trán chú bé đang nằm im lặng, lãnh đạm, tê dại... Bà Therese Weichbrodt đi sau cùng. Đến lượt bà, chị vú em phải bế thấp chú bé xuống, còn bà ta thì hình như xúc động lắm, hôm thêm “chút, chút” và nói: “Cháu ngoan lắm!”.
Sau ba phút, tất cả mọi người, tốp năm tốp ba, vào phòng khách và phòng xa-lông. Thức ăn ngọt bắt đầu bê lên. Cả mục sư cũng ngồi đấy húp lớp bơ trong cốc sô-cô-la nóng. Ông ta mắc cái áo thụng dài tận mắt cá để lộ phía dưới tà áo đôi ủng rộng đánh xi bóng lộn. Lúc ông ta tán chuyện, nét mặt ông ta hiền hậu dịu dàng, khác hẳn khi ông ta rao giảng, do đó ông ta để lại cho người khác một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Mỗi một cử chỉ của ông ta đều tỏ ra rằng: “Xem! Tôi cũng có thể trút bỏ cái lốt mục sư mà làm một người trần tục vui vẻ dịu dàng đấy!”. Đúng như thế, ông ta là một người thông minh, lanh lợi, bình dị, dễ gần. Nói chuyện với bà cụ tham, giọng ông ta ôn tồn uyển chuyển, nhưng với ông Thomas và bà Gerda thì ông ta tỏ ra một người xử thế cơ mưu; bất cứ lúc nào ông ta cũng giơ tay làm điệu bộ, còn với bà Tony thì ông ta lại lấy giọng thân mật, cợt nhả vui đùa... Có lúc, nghĩ đến địa vị của mình, ông ta liền bắt tréo tay để lên gối, ngả đầu ra phía sau, chau mày lại, mặt dài thuỗn. Khi cười thì bao giờ ông ta cũng thít chặt hai hàm răng lại rồi hít vào liên tục.
Bỗng ngoài hành lang nhốn nháo hẳn lên. Có tiếng cười ồ ồ của bọn đầy tớ vọng vào. Một người khách kỳ quái xuất hiện ở cửa. Đấy là Grobleben. Cái mũi nhọn hoắt của anh ta quanh năm thò lò mũi nước, cứ thòi ra thụt vào, nhưng không bao giờ rơi xuống cả. Anh ta là cu ly ở kho lương thực nhà ông tham, nhưng ông tham lại sai anh ta làm nghề phụ khác - đánh giày. Hằng ngày, cứ tờ mờ sáng là anh ta đến phố Breiten lấy những đôi giày để ở cửa, ngồi ở hành lang đánh hết chiếc này đến chiếc nọ. Gặp những dịp vui mừng, lễ lạt, anh ta thường diện com-lê vào, mang hoa đến nhà, ăn nói thật là trơn tru. Nước mũi ở cái mũi nhọn hoắt của anh ta cứ đu đưa. Chờ anh ta nói xong, bao giờ người ta cũng cho một ít tiền đáp lễ, nhưng không phải vì thế mà anh ta đến.
Bộ quần áo màu đen anh ta mặc - trước đây là của ông tham, nay đã sờn rồi; chân đi đôi ủng cao cổ đánh xi bóng lộn; cổ quàng khăn len xanh; hai bàn tay khô đét, đỏ ửng, cầm bó hoa hồng đã bắt đầu héo, cánh hoa cứ rơi lã tã xuống tấm thảm trải dưới đất. Đôi mắt ti hí đỏ ngầu của anh ta cứ chớp chớp đảo nhìn bốn xung quanh, nhưng hình như không trông thấy gì hết. Vừa bước vào khỏi cửa, anh ta đứng lại, giơ bó hoa ra trước mặt, rồi chúc mừng ngay. Anh ta nói xong mỗi tiếng, bà cụ tham gật đầu một cái, tỏ ý khuyến khích, thỉnh thoảng còn xen vào một vài lời khen ngợi. Ông tham thì cứ nhìn anh ta, nhíu đôi lông mày thưa thớt lại. Nhưng cũng có người chẳng hạn như bà Tony, thì lấy mùi soa bưng miệng.
— Bẩm cụ, bẩm các ông, các bà, con tuy nghèo đó, nhưng cũng có tim có óc. Lòng tốt của ông tham đối với con thật không sao kể xiết. Hôm nay nhà ta có chuyện mừng, con cũng vui từ trong bụng vui ra.
Con đến đây để chúc mừng cụ, ông tham, bà tham và họ hàng cao quý nhà ta, cầu mong cho cậu ấm ăn khỏe chóng nhớn, dù là thiên lý hay nhân tình cũng đều phải như thế cả. Bởi vì tốt bụng như ông chủ đây là hiếm có lắm; trong vòng trăm dặm cũng chẳng tìm ra được một người ăn ở hiền lành; thế nào Chúa cũng sẽ đền bù!
— Hay lắm, anh Grobleben! Anh nói đúng đấy! Cảm ơn lời nói tốt lành của anh, anh Grobleben! Anh mang bó hoa hồng kia đến làm gì cơ chứ?
Nhưng Grobleben vẫn chưa dứt lời, anh ta cố cất cao giọng, nói to hơn nữa, át cả tiếng ông tham:
—... Chúa sẽ đền bù mọi hành vi lương thiện của ông, đúng như thế, sẽ đền bù cho ông và quý quyến. Tương lai sẽ có một ngày, chúng ta đều đứng trước ngai vàng của Chúa. Sở dĩ con nói như vậy là vì sớm muộn rồi cũng có ngày chúng ta đều phải chui vào nhà mồ. Người nghèo hay người giàu cũng vậy cả thôi. Đó là ý muốn của Chúa. Chúa sắp đặt như thế. Có người có cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm sơn bóng loáng, có người chỉ có mấy tấm ván mỏng, dù sao thì rồi cũng sẽ phải chôn xuống dưới đất cả!
— Thôi, thôi! Được rồi, anh Grobleben! Hôm nay chúng tôi làm lễ rửa tội cho cháu, anh đừng nói những điều như thế!
— Con có mang đến đây mấy bông hoa! - Anh Grobleben kết thúc những lời chúc mừng của mình.
— Cảm ơn anh, anh Grobleben! Anh đến là hay vẽ chuyện! Hà tất phải bày đặt như vậy cho tốn kém, anh bạn! Lâu lắm rồi tôi không được nghe những lời như anh nói! Này cầm lấy mà đi chơi một ngày cho thỏa thuê! - Ông tham lấy tay vỗ vỗ vào vai anh ta, tiện thể đưa cho anh ta một thaler.
— Đây nữa, cầm lấy, con người tốt bụng! - Bà cụ tham nói - Anh nói đi, anh có kính Chúa cứu thế hay không đấy?
— Dạ, bẩm cụ, con rất kính Người, con không dám giả dối tí nào ạ!
Thế là Grobleben lại lấy một thaler nữa ở tay cụ bà, rồi lại lấy một đồng nữa ở tay bà Tony. Sau đó, anh ta đưa chân phải ra phía sau, cúi chào, rồi lùi ra. Còn bó hoa hồng anh ta cầm đến thì trừ những bông đã rơi xuống tấm thảm dưới đất, anh ta cũng hốt hoảng mang đi...
... Lúc đó, cụ thị trưởng đứng dậy cáo từ, ông tham tiễn cụ ra tận xe ngựa. Đối với những người khách khác, đó là dấu hiệu đã đến lúc rút lui ra về, vì bà Gerda còn phải tĩnh dưỡng. Nhà yên ắng dần. Chỉ có bà cụ tham, bà Tony, Erika và bà Jungmann là còn ở lại.
— Bà Ida! - Ông tham nói - Tôi đang nghĩ điều này... mà chắc mẹ tôi cũng bằng lòng thôi... Lúc chúng tôi còn nhỏ, bà đã từng trông nom chúng tôi cẩn thận. Chờ cho bé Johann lớn hơn ít nữa... mặc dù hiện nay đã có chị vú em, nhưng sau này thế nào cũng cần người chăm sóc, bấy giờ bà có bằng lòng đến ở đây với chúng tôi hay không?
— Thưa ông, được... được ạ! Nếu như bà tham cũng muốn như thế...Bà Gerda rất hài lòng về sự sắp xếp đó, nên quyết định ngay.
Lúc về, đã ra đến cửa rồi, bà Tony còn quay lại, đến trước mặt anh trai, hôn một cái ở má, rồi nói:
— Hôm nay tuyệt quá, anh Tom ạ! Em cảm thấy sung sướng vô cùng. Mấy năm nay, em không hề cảm thấy như thế này bao giờ! Nhờ ơn Chúa, gia đình ta chưa đến nỗi cùng đường, ai nghĩ như thế là nhầm to. Bây giờ đã có bé Johann, ta cứ gọi cháu là Johann! Đẹp quá! Em cảm thấy hình như em lại bắt đầu một cuộc sống mới!
Gia Đình Buddenbrook Gia Đình Buddenbrook - Thomas Mann Gia Đình Buddenbrook